Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Luận Anh Hùng - Cheryl Phạm: Chương 21 - Kiêu sủng quá nan vi



Chương Hai Mươi Mốt: Kiêu sủng quá nan vi

Biến Thái Bình, vua tôi tử trận
Động Cổ Loa, thần tử tranh ngai rồng

Mùa hạ năm Nam Tấn Vương thứ 12 (962), bão lũ hoành hành. Đói và dịch bệnh tràn lan. Triều đình không ứng cứu kịp. Bạo loạn bùng phát. Mất gần bốn tháng, vua tôi mới dẹp xong loạn.
Nhiều thủ lĩnh sứ quân ra sức giúp dân, như sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh, Lý Khuê, Nguyễn Siêu, Nguyễn Khoan. Nhưng cũng có kẻ đục nước béo cò, dùng thức ăn mà chiêu thêm binh mã, như sứ quân Kiều Thuận hay sứ quân Ngô gia ở thôn Đường – trước Nhật Kha, Nhật Khiêm cầm đầu, nay là con trai Kha, Ngô Nhật Khánh. Khánh mới 15, nhưng thù cha thù bác khiến y trưởng thành hơn tuổi, hừng hực hùng tâm tráng chí diệt Nam Tấn Vương, đoạt ngôi phục hận. Các trưởng bối Ngô gia cũng không biết phải làm sao với cảnh thân quyến tương tàn, chỉ biết lặng lẽ cầu trời phù hộ cho họ Ngô tại vị lâu hơn chút nữa.

Nam Tấn Vương trong kinh thành cũng không hề vui vẻ. Lúc trở về Cổ Loa, vua nhận tin nhị hoàng tử - con của Kiều phi bị bệnh thương hàn mà chết, tam hoàng tử - con của Dương hoàng hậu cũng bị lây bệnh, may cứu được tính mạng, nhưng thần trí đã không còn bình thường, chỉ như đứa trẻ sơ sinh.
Vua chưa kịp nguôi nỗi sầu muộn vì bá tánh và gia sự, Kiều phi đã khóc lóc vật vã xin yết kiến, tâu rằng Hoàng hậu chính là thủ phạm gây nên cái chết của con mình. Nàng xin vua cho nàng và con một cái công đạo. Vua tức giận, cho gọi hoàng hậu tới tra hỏi. Minh Ngọc thống thiết phủ nhận, lại buông lời oán hận Kiều phi đã rắp tâm hại con mình cùng hai vị hoàng tử trước đây. Hai vị nương nương lời qua tiếng lại cự cãi, nước mắt như suối, lời như dao sắc.
Vua tôi càng lúc càng đau lòng, đuổi hết đám nữ nhi đi, một mình ngồi khóc trong ngự thư phòng. Sau vua phái Tô Đồng âm thầm tra rõ mọi sự nơi hậu cung.

Việc duy nhất khiến vua và cả Dương Thái hậu được an ủi một chút lúc này là hoàng tử Ngô Xương Xí xin tòng quân. Xí đã 18 tuổi, là hoàng tử lớn nhất ở hậu cung. Chàng được học hành bài bản như các hoàng tử khác. Nhưng nhờ ở dưới trướng Dương Thái hậu nên bình an giữ được mạng. Nam Tấn Vương ân chuẩn, cho Xí làm bổ tướng dưới trướng Phạm Bạch Hổ, ông ngoại chàng.
Mùa thu năm đó, Xí cùng lão tướng Bạch Hổ đi đánh Kiều Thuận ở Hồ Hồi. Hai ông cháu phối hợp ăn ý, đánh cho Thuận hoa rơi nước chảy, phải bỏ chạy vào núi sâu.

Mùa xuân năm Nam Tấn Vương thứ 14 (964), Thái hậu Dương Thị Như Ngọc từ trần, thọ 51 tuổi, được táng cạnh Ngô tiên chúa ở Ái châu. Nhà vua thương tiếc khôn nguôi, dành một tháng trời ăn chay niệm Phật để bù đắp cho đủ hiếu đạo với mẫu thân.
Nhân lúc vua tôi đang đau buồn, Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm nổi dậy. Nam Tấn Vương cho Kiều Tri Hựu đi dẹp.
Năm tháng sau, Khánh lại nổi dậy một lần nữa. Lúc này đích thân Nam Tấn Vương đi dẹp.

Mùa xuân, tháng giêng năm Nam Tấn Vương thứ 15 (965), động đất ở Phong châu, Giao châu. Rất nhiều người chết và mất tích.
Tháng 2, Hoàng hậu Dương Thị Minh Ngọc từ trần vì bệnh nặng, thọ 33 tuổi, cũng được an táng tại Ái châu.
Được ngự y thân tín báo lại, Xử Bình lật đật tới tâu vua, nghi Hoàng hậu bị đám sủng phi trong hậu cung hãm hại, mong vua cho mở cuộc điều tra làm sáng tỏ sự việc. Nhưng Nam Tấn Vương bỏ ngoài tai. Việc này khiến Tả tướng bắt đầu thầm lo lắng cho gia sự nhà vua.
Thực ra, vua không muốn nói cho Xử Bình rằng ngài đã tường tận mọi việc. Tô Đồng tra ra Dương hậu đã hại chết lần lượt các hoàng tử, nhưng không may lại hại cả con thứ của mình – tam hoàng tử, khiến cậu bé thành người không còn thần trí. Kiều phi vì hận hoàng hậu, nên đã dùng thủ đoạn tương tự hại chết nàng. Vua oán hận Dương hậu suốt hai năm nay, không buồn tới điện của nàng, cũng chả muốn nhìn mặt trưởng hoàng tử và tam hoàng tử, nên hiển nhiên không muốn giải oan cho cái chết của Dương hậu. Ngài dành hết sủng ái cho Kiều phi.
Dương hậu mất chưa đầy ba tháng, Kiều phi đã sinh cho Nam Tấn Vương một hoàng tử đẹp như tranh vẽ - lục hoàng tử. Chuyện này khiến cả hoàng cung và Kiều gia vui như hội.

Tháng 7, Ngô Nhật Khánh bí mật hiệp đàm thành công với Nguyễn Khoan ở Thái Bình.
Tháng 8, sứ quân Nguyễn Khoan nổi loạn. Đây là một trong những sứ quân lớn, Nam Tấn Vương đích thân đi đánh.
Xử Bình như có linh tính, yết kiến nhà vua để dặn dò ngài trước lúc lên đường:
-         Tâu Bệ hạ, ngài phải thận trọng. Cử người đi tiền trạm, rồi mới thao binh. Khoan là lão già lọc lõi, sống sót qua mấy đời chúa ở đất này mà hắn vẫn chẳng hề hấn gì, tất không phải dễ khinh nhờn. Ta nghĩ ngài nên đưa thêm một vài tướng soái đi cùng để phòng lúc cấp bách.
Nhưng Nam Tấn Vương không cho là phải. Vua khảng khái hỏi Bình:
-         Nhà ngươi vẫn băn khoăn chuyện ta cùng Ngô gia từng cấu kết với Nguyễn Khoan đoạt ngôi?
-         Thần không dám. Nhưng quan hệ của Khoan và đám Nhật Kha, Nhật Khiêm không đơn giản. Nay Nhật Khánh lòng đầy thù hận và dã tâm, tất không bỏ qua mối thân tình này mà trục lợi. Phòng vạn nhất còn hơn nhất vạn.
Nhà vua kiêu hãnh trả lời:
-         Sao ta phải sợ một thằng nhóc 19 tuổi, chưa trải qua nổi chục trận binh đao?
Nói rồi vua ung dung lên đường cùng 5.000 binh.

Tới thôn Nguyễn, xa xa đã thấy một đám lố nhố trai tráng hoa chân múa tay, gươm giáo lăm lăm trực sẵn trên bờ sông. Nam Tấn Vương cười nhạt, đúng là loạn dân, dụng binh bài bố cũng chẳng có trật tự và bí mật gì. Vua cho hạ thuyền ở gò nổi bên bờ sông, rồi xua quân lên bờ đánh. Thấy bóng dáng mấy thủ lĩnh gào hét phía dưới gò, vua tức thì xách thương, phi ngựa lao thẳng từ trên lâu thuyền xuống bãi đất, phi về phía đó. Mấy cận vệ chạy theo không kịp. Tới một bãi đất phẳng, ngựa bị lún dần, hóa ra là bãi sình lầy. Ngựa không chạy tiếp được nữa. Vua đành loay hoay tìm cách xuống ngựa. Vừa chống thương dò chỗ đất rắn, bỗng không biết từ đâu tiễn phóng tới như mưa. Vua không kịp giơ thương lên cản, đã trúng gần chục mũi thủ tiễn. Con ngựa trúng tên lồng lộn vì đau, hất văng vua xuống bùn, rồi nó cũng ngã lăn. Đến khi cận vệ tới nơi, vừa cản tên, vừa hộ tống đưa vua về thuyền. Quân lính thấy vậy cũng rút hết trở lại thuyền, quay về kinh thành tức thì.
Ngô Nhật Khánh cùng đám binh lúc đó mới chui từ bụi cây ra, nhìn theo bóng đoàn thuyền vội vã rời đi. Nguyễn Khoan chạy tới hỏi Khánh:
-         Thế nào? Hắn chết chưa?
-         Cháu không biết. – Khánh lắc đầu – Phải chờ nghe ngóng tin từ Cổ Loa đã.
Nhật Khánh nói dối. Hắn là tay tiễn thủ siêu hạng. Đích thân hắn đã ngắm bắn và thấy rõ ba mũi tên tẩm độc của mình đều trúng ngực vua. Nhà vua nếu may mắn thì sống được tới nửa đường.
Lão già Nguyễn Khoan nghe thế, rất bực mình:
-         Hừm, chuẩn bị kín kẽ thế mà cũng không làm được việc cho rốt ráo. Ngươi còn chưa học được một phần bản lĩnh của cha ngươi.
Khoan nói rồi vung tay áo, ra hiệu đám người của mình ra về. Nhưng lúc này Khánh không bỏ lỡ thời cơ, lén ra hiệu quân tập kích phía sau Khoan. Bị bất ngờ, Khoan kinh ngạc định chửi thì nhận ra ngực mình trúng tiễn. Y nhìn Khánh đang mỉa mai cười phía bờ sông, hiểu ra sự tình thì đã muộn, ngã gục xuống đất.
Thấy thủ lĩnh bị giết hại, đám quân thôn Nguyễn điên tiết hung hăng xông tới hòng trả thù cho y. Hai bên đánh nhau kịch liệt suốt sáu canh giờ, tới tận đêm còn đốt đuốc đánh tiếp. Trận này sứ quân Nguyễn Khoan thiệt hại nặng nề. Thủ lĩnh và ba viên đầu đảng Nguyễn gia đều tử trận. Họ Nguyễn thề không bao giờ đội trời chung với Ngô gia và Nhật Khánh.
Khánh hỷ hả đưa binh về thôn Đường Lâm. Hôm sau ra cáo, tự xưng Ngô Lãm Công, còn cho loan truyền rằng, hắn chính là người kế nghiệp nhà Ngô.

Nam Tấn Vương trúng cả thảy 21 mũi tiễn, nặng nhất là ba mũi trước ngực. Máu chảy như suối, đen đặc vì độc. Không mang theo ngự y, cận vệ chỉ cạo vết thương bằng dao và cầm máu đơn giản bằng dược khô với vải lụa. Qua hai canh giờ thì vua hoăng. Thân xác chưa kịp về kinh, tin tức đã bay đầy trời Cổ Loa.
Tin này làm chấn động hậu cung. Kiều phi giờ là người cai quản nơi này, biết tin trước tiên, nhanh chóng nghĩ ngay tới đại sự sắp tới. Nàng liền cho người ép hai hoàng tử con Dương hậu quá cố uống thuốc độc. Xác hai đứa bé được chỉnh trang và gói lại, đặt vào quan ngay tức thì. Kiều phi đích thân thị sát toàn bộ quá trình. Khi linh cữu được đưa vào lăng tạm của hoàng cung, thị mới thở phào yên tâm, đồng thời sai thân tín cấp tốc báo tin cho cha – Hữu thừa tướng Kiều Tri Hựu.

Tri Hựu đang tính toán sự vụ ở Phong châu, do kiêm thêm chức Thứ sử Phong châu; biết tin vua mất, vội vã trở lại Cổ Loa. Đến nơi, đã thấy cờ tang đầy trời. Xử Bình cùng con gái Kiều phi đang khóc thống thiết ở hai bên linh cữu Nam Tấn Vương. Bá quan có mặt đông đủ. Ai nấy đều thương tiếc, hoang mang.
Tri Hựu nghe Bình và cận vệ của vua tường thuật lại, lại nghe thêm sự vụ từ Thái Bình, hiểu ra Nhật Khánh âm mưu hại vua, đoạt ngôi. Hựu rất tức giận, đòi đi giết Khánh. Xử Bình can:
-         Diệt hắn để sau hẵng hay. Trước mắt phải lo tang sự và tìm người thay thế vị trí Nam Tấn Vương.
-         Hừm, có gì mà phải tìm. Bệ hạ có sáu con trai, đến nay chỉ còn duy nhất Lục hoàng tử. Ngôi vị kia của hắn, còn ai dám tranh.
Bình và các quan nhìn Kiều phi. Chuyện trưởng hoàng tử và tam hoàng tử lan khắp triều từ trước khi thi hài vua về tới kinh, khiến lòng người đều oán hận vị phi tử tàn nhẫn. Dương Huy – Uy Võ tướng quân, đứng ra chỉ tay vào Kiều phi, dõng dạc nói trước triều thần:
-         Ta không đồng ý. Kiều phi độc ác, táng tận lương tâm, nghe tin vua mất liền diệt trưởng hoàng tử và tam hoàng tử, hòng cố tình chiếm ngôi báu cho con trai mình. Lục hoàng tử mới chưa đầy ba tháng tuổi, sao có thể trị nước. Quyền hành tất rơi vào tay ả và Kiều gia. Thử hỏi một kẻ lòng dạ rắn rết như vậy, sao có thể dạy con nên người, sao xứng làm mẫu nghi thiên hạ?
-         Ta đồng ý! – Rất nhiều quan tướng đồng thanh hô theo.
Xử Bình lúc này mới lên tiếng tiếp:
-         Các vị chớ lo. Còn một vị hoàng tử nữa, xứng đáng kế vị Tiên vương hơn. Đó là hoàng tử  Ngô Xương Xí, con Thiên Sách Vương. Ta đã cho người triệu gọi về kinh. Hoàng tử đi đánh phỉ mấy năm, nay đã 21 tuổi, văn võ song toàn, đức độ, sáng suốt. Thời thơ ấu ngài được Đông Giáp tướng quân Phạm Lệnh Công dạy dỗ, khi vào cung lại được Dương Thái hậu chăm sóc, mấy năm nay làm bổ tướng dưới trướng lão tướng Phạm Bạch Hổ. Cũng coi như có lịch lãm rèn luyện.
-         Ta không đồng ý. – Kiều Tri Hựu thét lên – Thiên Sách Vương là kẻ vô dụng thế nào, bá tánh ai không biết? Nay đưa con hắn lên thì có khác gì triều ủng hắn? Huống hồ Kiều phi tội đáng chết, nhưng Lục hoàng tử vẫn là giọt máu cuối cùng của Tiên vương. Sinh thời người vô cùng yêu quí Lục hoàng tử, hẳn sẽ truyền ngôi cho hắn. Còn hai hoàng tử kia, thử hỏi toàn bộ nội cung xem mấy năm nay, Tiên vương có nhìn mặt chúng không?
-         Đúng vậy! – Mấy vị quan gật gù.
Dương Huy hét lên đáp trả:
-         Lục hoàng tử mới ba tháng tuổi. Dâng ngôi cho hắn khác gì dâng cho Kiều gia ngươi? Ngươi nói Thiên Sách Vương vô dụng, đưa con hắn lên là triều ủng hắn. Vậy ông nội ngươi là tên phản tặc Kiều Công Tiễn, nay đưa cháu chắt hắn lên cũng là triều ủng phản tặc.
-         Đúng vậy! – Các quan lại gật gù.
Xử Bình đành đứng ra can:
-         Các vị, trước hết ta phải lo tang sự cho Tiên vương. Chuyện này để bàn sau đã.
Nhưng ngôi vị kia chưa rõ chủ nhân, khiến nhân tâm đều nhộn nhạo, đâu còn ai có thần trí để tâm vào Nam Tấn Vương.

Cuối tháng 8 năm Nam Tấn Vương thứ 15 (965), triều đình ra cáo thiên hạ, Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn đi dẹp loạn ở Thái Bình đã trúng tiễn mà tử trận, ở ngôi 15 năm, thọ 34 tuổi, an táng tại Ái châu quê tổ họ Ngô.
Kiệu quàn linh cữu Nam Tấn Vương được Tả, Hữu thừa tướng đích thân đưa về châu Ái.

Ở phủ Chương Dương Sứ đất Giao Thủy, Dương Tam Kha thất thần suốt một ngày. Đỗ phu nhân nhẹ nhàng đưa chàng ly trà còn nóng.
-         Chàng lo nhà Ngô sẽ bị diệt?
Tam Kha thở dài, quay lại nhìn thê tử nhà mình đã lấy lại sắc vóc xinh đẹp như thời con gái, dịu dàng bảo:
-         Ta lo cũng không nổi nữa. Nam Tấn Vương hành sự cẩu thả, tính khí như trẻ con, giữ ngôi 15 năm với bao sóng gió đã là kỳ tích. Nay gặp sự này, cũng tới lúc cáo chung cho Ngô gia. Nhưng thế cục chưa định, quần hùng tất sẽ đua tranh khiến bá tánh rơi vào cảnh nước sôi lửa bỏng. Ta lo là lo cho trăm họ.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét