Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngô triều ký sự luận anh hùng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngô triều ký sự luận anh hùng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Luận Anh Hùng - Cheryl Phạm: Chương 23 - Bình đại loạn, Dựng đại nghiệp



Chương Hai Mươi Ba: Bình đại loạn, Dựng đại nghiệp

Cường giả nghịch thế, dời núi lấp bể dựng cơ đồ

Hoa Lư.
Lĩnh gặp được con trai duy nhất sau 15 năm xa cách thì vô cùng xúc động, nghe con thuật lại mọi chuyện ở kinh thành thì rất vui mừng. Lĩnh bảo con trai:
-         Con ơi, thời cơ của Đinh gia ta đã tới rồi. Ta chờ ngày này đã hơn hai mươi năm trời. Nay con dẹp được Xử Bình là có công rất lớn. Người này mưu sâu kế hiểm. Gầm trời này hắn chỉ đứng sau Dương Tam Kha. Ta đang lo chưa biết vào Cổ Loa thế nào, giờ ta không cần phải nghĩ về Cổ Loa nữa.
Liễn bảo cha:
-         Con nghe Dương lão tướng nói, Chương Dương Công Dương Tam Kha có lòng ưu ái cha. Nay thế cuộc loạn như vầy, bá tánh lầm than, người có tâm không thể yên lòng. Cha có nên cầu ngài ấy giúp?
-         Con ơi, - Lĩnh than – Điều con nghĩ ta đã nghĩ từ mấy năm trước. Ta tới tận nơi mời, nhưng người đó từ chối. Ta cũng tiếc lắm thay. Người tài thế mà đứng ra, thiên hạ này tất yên trở lại.
-         Cha nên mừng mới phải. Vì ngài ấy không đứng ra, nên cơ hội cho Đinh gia ta sẽ lớn hơn. Con nghe nói cha đã thảo phạt phương Nam. Nay có thể lấy cớ này đến gặp ngài ấy xin chỉ giáo.
-         Phương Nam chỉ có vài chục sứ quân nhỏ lẻ, tổng cộng không bằng một nửa binh của ta. Những sứ quân mạnh đều ở mạn Giao châu, Phong châu, Ái châu. Những kẻ này đa số đều là hào kiệt, chí hướng dã tâm đều không thua ta. Có đánh bại thì chúng cũng lại nổi dậy tiếp. Tâm chúng còn thì mối họa vẫn còn. Nên ta phải có cách thu phục được những kẻ này. Đúng là ta phải tới Giao Thủy một chuyến.
Sau đó Lĩnh cho con làm bổ tướng, sai đi châu Ái và châu Hoan chiêu mộ binh mã, thăm dò các sứ quân ở đó.

Tháng 10 năm Bính Dần (966), Đinh Bộ Lĩnh tới yết kiến Chương Dương Công Dương Tam Kha lần thứ hai ở Giao Thủy. Lĩnh thành tâm hỏi Kha:
-         Nay ta đã thu được ba châu phương Nam. Nhưng các sứ quân mạnh nhất ta đều chưa động tới. Họ cũng chưa để mắt đến ta. Thế cuộc này, nên làm thế nào cho trọn vẹn?
Kha mỉm cười, bảo Lĩnh:
-         Ông hỏi thế, tất đã có cách. Chỉ là lo lắng chênh lệch hơn thua mà tới đây thôi. Ta là lão già thôn dã, ở nhà chăm vợ dạy con, không màng thời cuộc, nên không thể chỉ giáo gì được. Tuy vậy, ta cũng có thể cho ông biết một chút quan điểm của ta. Hào kiệt nổi dậy, vì mộng nghiệp lớn, đều giống ông. Nhưng xét từ gốc rễ, có chút khác nhau. Có người vốn trung thần ái tướng, có kẻ nghịch tâm bừng bừng. Bỏ ai, dụng ai, hẳn ông tự biết. Với con cháu Ngô gia, chỉ là không cam lòng, mờ mắt vì địa vị mà quên thời cuộc, hẳn nên khôn khéo hơn, đừng đánh vào tự tôn và địa vị trong tâm tưởng bọn họ, sẽ khiến bọn họ oán hờn không thôi. Ngô Nhật Khánh là kẻ nguy hiểm nhất. Dã tâm lớn, thủ đoạn lại tàn nhẫn. Người này phải lấy sức khiến y bại, sau lại lấy tình khiến y phục, lấy lợi khiến y lung lạc mà quy thuận.
-         Đa tạ, đa tạ. Lời ngài rất hợp với ý ta.
Lúc được Kha tiễn ra về, Lĩnh bắt gặp con gái nuôi của Kha, tiểu thư Vân Nga hái hoa đi qua. Nga nay đã gần 20, xinh đẹp động lòng người, mắt phượng mày ngài long lanh đầy tình tứ.
Ðồi đông điểm ngọc, đồi tây mây vàng
Suối trong tựa ánh nguyệt tràn
Mây ngồi xổm, cá lượn đàn lên mây
Chim kề mỏ, bướm xỏ mày
Bao nhiêu suối chảy thành cây đàn cầm
Lĩnh nhìn mê mệt, quên hết cả cảnh quan. Tam Kha e hèm, gọi Vân Nga ra chào khách.
-         Vân Nga xin bái kiến đại nhân. – Giọng trong vắt và êm đềm như gió.
Thấy Lĩnh vẫn say mê chưa dứt, Kha đành vỗ vai bảo:
-         Đây là con gái ta, Dương Thị Vân Nga. Nay đã gần 20 tuổi mà không chịu lấy chồng, cứ ở nhà đòi phụng dưỡng cha mẹ.
Lúc này Lĩnh mới hoàn hồn, vội chắp tay bái lạy Tam Kha và bảo:
-         Không dấu gì Chương Dương Công, ta đã có một vợ, một con trai và bốn con gái. Vợ ta mất đã lâu. Bao năm qua ta chỉ mải binh đao, thê thất vẫn chưa nạp thêm ai. Tiểu thư nhà ngài như hoa như ngọc. Ta vừa gặp nàng đã thấy yêu thương, muốn xin hỏi cưới làm vợ, có được hay chăng?
Tam Kha gật gù, mỉm cười nói:
-         Con rể như ngài rất hợp ý ta. Nhưng chuyện đại sự của nữ nhi, ta phải hỏi qua phu nhân và dưỡng nữ nhà ta mới trả lời ngài được.
Lĩnh tức thì quay ra nói với Vân Nga:
-         Ta là Đinh Bộ Lĩnh, ở Hoa Lư, năm nay 43 tuổi. Ta là con trai lão tướng Đinh Công Trứ, từng là dưỡng giả tử của Dương lão tướng quân Dương Đình Nghệ. Cha ta cùng đánh trận và hành binh với cha nàng bao năm. Gia sự của ta nàng đã rõ. Ta một lòng chí thú công danh, mưu dựng nghiệp lớn. Nàng có muốn cùng ta kết nghĩa trăm năm, cùng hưởng bá nghiệp?
Vân Nga e lệ cúi đầu, khẽ thưa:
-         Đa tạ tấm lòng mến mộ của Đinh thủ lĩnh. Tên tuổi của ngài, Trường châu này ai chẳng hay. Được ngài đoái thương là phúc phận của Vân Nga. Tất cả tùy thuộc phụ mẫu. Ta đâu dám trái lời.
-         Có lời của nàng, ta rất hả lòng hả dạ. Lĩnh này tuyệt đối sẽ không bao giờ bạc đãi nàng. – Lĩnh cười ha hả, quay sang Tam Kha - Vậy phu nhân ở đâu, có thể hay chăng cho ta câu trả lời?
Thấy Lĩnh nóng vội, Kha vui vẻ dẫn quay lại chính sảnh, rồi gọi phu nhân Đỗ Nhâm Phi ra. Nghe Kha kể rõ sự tình, lại nhìn thấy con gái bên cạnh mắt lúng liếng liếc nhìn Lĩnh, Đỗ phu nhân ẩn ý nhìn phu quân nhà mình, rồi từ tốn bảo:
-         Con gái ta như hoa như ngọc, được cha yêu mẹ chiều như báu vật. Nay được Đinh thủ lĩnh là một anh hùng hào kiệt mến thương, đúng là Dương gia ta có phúc. Nhưng ngài bận việc binh mưu nghiệp lớn, nay đây mai đó. Hôn sự này, chẳng hay Đinh gia dự liệu thế nào?
Lĩnh sảng khoái thưa:
-         Chí làm trai đã quyết, nhất định vì nghiệp lớn mà phấn đấu cả đời. Ta quyết không để nàng theo quân khổ sở. Ta nghĩ, trước đưa lễ cầu thân. Chờ tới khi thiên hạ yên ổn hoặc không quá ba năm, Lĩnh này sẽ đem kiệu tám người khiêng rước nàng về thành Hoa Lư.
Phu thê Tam Kha gật đầu hài lòng. Lĩnh vội quì xuống, bái lạy hai người làm phụ mẫu, rồi trao cho Vân Nga ngọc bội phòng thân làm tín vật đính ước. Trước khi lên đường trở về, Lĩnh còn dặn lại với phu thê Tam Kha:
-         Thê tử của con, nhờ phụ mẫu chăm sóc. Con đi phen này, nhất định phải dành được giang sơn, đón nàng về làm hậu.
Lĩnh vừa đi khỏi, Lê Hoàn đã chạy tới chặn đường phu thê Tam Kha, giọng đầy phẫn nộ:
-         Tam gia, năm xưa người từng hứa sẽ gả tiểu thư cho ta. Khi nàng 16 tuổi, ta cầu thân, ngài lấy lý do phu nhân sức khỏe không tốt, muốn ở bên tiểu thư thêm một thời gian. Khi nàng 18, ta lại tới cầu ngài, ngài bảo thiên hạ loạn lạc, chờ một thời gian. Nay Đinh Bộ Lĩnh vừa tới hỏi, ngài đã đồng ý ngay. Phải chăng ngài khinh thường Hoàn ta nghèo hèn, thân phận không xứng với tiểu thư và Dương gia ngài?
Nhâm Phi nghe tiếng oán thán của người thanh niên mà xúc động bật ho liên tục. Kha sai Vân Nga và nha hoàn đưa thê tử vào trong nghỉ ngơi, còn mình dẫn Lê Hoàn tới thư phòng. Kha hỏi Hoàn:
-         Ngươi năm nay bao nhiêu tuổi? Đã làm được những gì?
-         Ta… - Hoàn ngạc nhiên nhìn Kha, rồi ngập ngừng bảo – Ta 25 tuổi. Đã làm được gì là sao?
-         Ngươi có biết khi 25 tuổi, ta đã làm được những gì không? – Tam Kha nghiêm khắc nhìn Hoàn – Ta đi đánh phỉ rợ, dẹp loạn dân từ khi 7 tuổi. Cùng cha ta và các tướng sĩ đánh Lý Tiến, diệt Trình Bảo khi chưa đầy 17 tuổi. Thống lĩnh hơn vạn binh thành Đại La khi chưa đầy 18. Chém Công Tiễn trả thù cho cha và người nhà khi 24. Cùng Ngô Vương đánh bại Nam Hán trên Bạch Đằng giang, phục dựng quốc thống, dựng nên nhà Ngô khi 25. Còn ngươi, ngươi làm được những gì? Ngoài việc ngày ngày tìm cớ tới đây chạy theo sau tán tỉnh Vân Nga?
Thấy Hoàn im lặng cúi đầu, Tam Kha lại nói tiếp:
-         Ta đúng là đã từng nói với ngươi, sẽ gả con cho ngươi. Lúc đó ngươi nói thế nào? Ngươi nhất định làm vua, để nàng làm hậu. Khi đó ngươi quần áo rách tả tơi, không bằng khất cái, nhưng khí phách của ngươi khiến ta cũng thấy mến mộ. Sau này, ta tiếp tục chỉ dạy ngươi rất nhiều, vì thấy ngươi có tố chất tốt, lại bền bỉ, kiên gan, bạo dạn, liều lĩnh hơn người. Ta mong ngươi có thể dùng những gì ta dạy để giúp xã tắc. Nhưng càng lúc ngươi càng làm ta thất vọng. Nam tử phải đầu đội trời chân đạp đất. Ngươi sức dài vai rộng, tài trí không thua ai, vậy mà suốt ngày trốn ở nơi thâm sơn cùng cốc này tơ tưởng giai nhân. Ta nói cho ngươi biết, Bộ Lĩnh đã hỏi cưới, ta không cho cũng không được, vì hắn có đủ năng lực khiến ta không thể chối từ. Còn ngươi? Ngươi có khả năng đó không? Ngươi có thể bảo vệ cho Vân Nga một đời yên bình vui vẻ với nhan sắc khuynh thành tuyệt diễm dường kia? Ngươi có thể khiến bao kẻ động tâm với con bé không dám gây chuyện? Con trai ạ, con bé chỉ có thể an toàn bên một kẻ thực sự mạnh. Chỉ như thế ta và Nhâm Phi mới có thể yên lòng nhắm mắt xuôi tay. Ta biết tình cảm thanh mai trúc mã của hai đứa. Ta đã cho ngươi cơ hội. Ta đã chờ đợi ngươi. Nhưng ngươi đến giờ vẫn tay trắng. Ngươi đã không làm gì cả. Ngươi nên trách chính mình, chớ trách ta.
Hoàn khóc hu hu, ôm chân Tam Kha, thống thiết kêu:
-         Tam gia, con biết con sai rồi. Là con nông cạn. Con phải làm sao bây giờ? Con muốn cưới nàng. Con thực sự muốn cưới nàng.
-         Vậy thì phải xem bản lĩnh của ngươi thế nào. – Tam Kha lạnh lùng hất tay Lê Hoàn ra – Ngoài kia trăm họ đang than khóc vì loạn lạc. Đi đi! Đi đi, con trai. Đã đến lúc con phải làm việc gì đó.
Nói rồi Tam Kha bỏ ra ngoài. Lê Hoàn khóc thống thiết một hồi lâu, tới tận tối, khi bụng réo rắt vì đói mới đứng dậy. Hoàn đi ra ngoài sân, nhìn vào phòng ăn ấm cúng với ba con người đang vui vẻ, tâm trí càng trở nên lạnh lẽo. Ngay đêm đó, Hoàn một mình một ngựa phi về châu Ái, không một lời từ biệt phu thê Dương tam gia và Vân Nga.

Tháng 11 năm Bính Dần (966), Lê Hoàn gia nhập đội quân của Đinh Liễn ở châu Ái. Hơn một tháng Liễn đã mộ được gần 3.000 người. Liễn cùng đám tân binh đánh trận đầu tiên với Ngô Nhật Khánh đã thắng lợi.
Trận này, Hoàn lập công to, một mình diệt được gần trăm lính của Khánh, khiến toàn quân đều nể phục và sợ hãi. Liễn cũng kinh sợ không kém. Chưa bao giờ y thấy người nào hung hãn, tàn nhẫn và liều lĩnh đến thế, một mình xộc thẳng vào kẻ địch chém giết như giữa chốn không người. Liễn cho vời Hoàn tới hỏi gia sự. Lại cho người đi tìm hiểu thêm bên ngoài, thấy người này đáng tin, Liễn lập tức phong Hoàn làm bổ tướng bên mình.
Tháng giêng năm Đinh Mão (967), Liễn cùng Hoàn ba lần đánh bại Ngô Nhật Khánh. Từ đó, cứ thấy Hoàn, Khánh liền cố thủ không ra. Cuối tháng, đội quân chiêu được lên gần vạn người. Liễn đưa quân về Hoa Lư hợp với binh của cha.
Đinh Bộ Lĩnh lúc này có cả thảy gần hai vạn binh, chỉ kém Kiều Tri Hựu ở Cổ Loa.
Tháng 2 năm Đinh Mão (967), Bộ Lĩnh tiến đánh Tây Phù Liệt. Suốt bảy ngày đêm Hoàn bày mưu tính kế, khiến Nguyễn Siêu đại bại. Siêu tâm phục khẩu phục lui binh. Trận này mưu kế và tiên phong đều do Lê Hoàn hiến. Đinh Bộ Lĩnh và các tướng tá khâm phục không dứt. Lĩnh hỏi con trai về Hoàn, biết chàng trai này mồ côi, lại nghèo khổ, được cha nuôi là quan án sát dạy dỗ nên người, rất lấy làm ngưỡng mộ và tin tưởng. Lĩnh phong Hoàn làm bổ tướng dưới trướng của mình, trực tiếp tham gia mưu sự với hai cha con Bộ Lĩnh cùng vài ba người thân cận khác.
Tháng 3, Lĩnh cho Hoàn và con trai đi đánh Đằng Châu. Nhìn khí thế hừng hực của đoàn quân và tài múa thương kinh người của Hoàn, Phạm Phòng Át biết gặp được trang hào kiệt đích thực, đánh qua tay vài chục chiêu đều bại dưới thương Hoàn. Phòng Át xin hàng.
Cuối tháng 3, Hoàn một mình dùng chưa đến 3.000 quân đã đánh bại được Lã Đường, thu phục Tế Giang. Thừa thắng xông lên Siêu Loại, Hoàn và Liễn cầm chân Lý Khuê hơn một tháng trời. Tới khi Lĩnh đem đại quân tới, Lý Khuê bị diệt, quân Khuê một nửa chạy, một nửa xin hàng phục, đầu nhập vào quân của Lĩnh.
Tháng 5, Lĩnh chia binh làm ba. Lê Hoàn dẫn một cánh đi đánh Nguyễn Thủ Tiệp ở Vũ Ninh Châu. Lĩnh đánh Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động Giang. Đinh Liễn dẫn toán quân còn lại tiến lên quét sạch đám loạn dân ở Lục châu.
Tháng 10, ba cánh quân hợp nhau ở Cổ Loa, cùng đánh thẳng vào thành. Kiều Tri Hựu đại bại, phải hàng phục. Bộ Lĩnh tiến vào Cổ Loa, ngồi lên ghế rồng, xưng Vạn Thắng Vương. Bá quan ai nấy đều tâm phục khẩu phục.
Tháng 11, Lĩnh kéo quân tới Phong châu, đánh bại các sứ quân ở đất này. Chỉ còn cánh quân Hồi Hồ của Kiều Thuận đánh hai tháng trời vẫn không phục. Hoàn hiến kế, lừa Thuận xuống núi, rồi vây giết. Thuận chết, quân hắn tự nhiên tan. Một số chạy tới đầu phục làm binh của Lĩnh.
Đến mùa xuân năm Mậu Thìn (968), chỉ còn hai sứ quân họ Ngô là chưa thần phục. Lĩnh cho Lê Hoàn làm tướng tiên phong, liên tục công thành Đường Lâm. Quân Ngô Nhật Khánh thua tan tác, nhưng y kiên quyết không hàng phục. Lĩnh lại cho đánh tiếp, dùng mưu cắt đường lương bạc tới Đường Lâm, ngăn nước chảy vào kênh mương. Tới cuối tháng 5, sức cùng lực kiệt, thương tích và đói khát, đám binh nổi loạn phản chủ. Nhật Khánh đành hàng phục, nhưng trong lòng thầm oán hận thấu xương cha con họ Đinh.
Còn với Ngô Xương Xí, Lĩnh biết không thể dùng binh, sẽ mang tiếng phản nghịch ngàn đời không gột rửa được. Lĩnh lại cho người tới hỏi Kha ‘làm sao chiêu hàng Xí’, Kha bảo:
-         Lấy thân phận con rể ta.
Tháng 7 năm Mậu Thìn (968), Lĩnh đích thân tới gặp Xí với thân phận con rể Dương Tam Kha. Lĩnh đưa thư Kha viết. Xương Xí đọc thư xong, khóc thống thiết một hồi, nói với Lĩnh cho mình suy nghĩ ba ngày. Ba ngày sau, Xí tới gặp Lĩnh, xin hàng phục. Nhà Ngô chính thức chấm dứt.

Tới tháng 8 năm đó, đại quân của Đinh Bộ Lĩnh lên tới hơn bốn vạn người, đánh đâu thắng đó, không ai không phục. Đại loạn Tĩnh Hải chấm dứt. Lĩnh thu quân về Hoa Lư. Sau lại lệnh cho người chuyển toàn bộ những thứ cần thiết cùng văn võ bá quan đương triều, gia quyến của họ ở Cổ Loa tới Hoa Lư.
Tháng 9, Lĩnh cho một đoàn kiệu lộng lẫy tới rước tiểu thư Dương Thị Vân Nga về Hoa Lư trong sự ngưỡng mộ và hoan hỉ của mọi tầng lớp bá tánh. Tiệc linh đình bảy ngày bảy đêm ở cả Trường châu.
Lê Hoàn định âm mưu cướp dâu, nhưng bị Dương Tam Kha phát hiện, ngăn lại. Kha nhốt Hoàn tạm thời trong mật thất suốt một tuần diễn ra lễ vu quy. Khi thả Hoàn ra, Kha ôn tồn bảo:
-         Nếu đã nhẫn được tới hôm nay thì tiếp tục nhẫn. Bây giờ không được.
-         Tại sao không? Ta đã gắng hết sức. Vì ta không làm vua?
-         Đúng. Hắn làm vua. Ngươi chỉ bắt đầu chậm hơn hắn.
Nhìn Hoàn thất thểu rời đi, Tam Kha khẽ lắc đầu. Một người từ sau mật thất đi ra.
-         Ngươi tiếc cho hắn?
-         Không. Ta tiếc cho Đinh gia. Hắn là một thanh kiếm sắc. Vân Nga là một con dao. Họ Đinh kia có ngồi trên ngai được lâu hay chăng, đành phải cầu trời.
Hai người nhìn nhau gật đầu.
Người đó có thân hình lòng khòng, da xanh tái như vừa trải qua thương thế cực nặng, tóc đã bạc trắng, mặc bộ đồ nông dân thô sơ rộng thùng thình, bên tay phải trống không. Khuôn mặt y dù tái nhợt và nhăn nheo, nhưng đường nét vẫn còn rất sắc sảo, đặc biệt đôi mắt. Đó là Lã Xử Bình. Sau khi bị Liễn đâm ở đại điện, Bình được Tô Đồng – lúc này là một quản sự nội cung – cứu mạng. Đồng thấy gia quyến họ Lã đã bỏ chạy hết, lại thấy Cổ Loa cũng không thể trú chân được nữa, đành giả làm người đánh xe bán rượu, bí mật mang theo Bình đến Giao Thủy nương nhờ Dương Tam Kha. Nơi này phong cảnh hữu tình, thương thế của Bình cũng chóng dưỡng tốt. Hắn quyết chí học Tam Kha, buông bỏ tất cả thế sự, làm một nông gia cần mẫn.

Tháng 10 năm Đinh Tiên Hoàng thứ 1 (968), Đinh Bộ Lĩnh xưng đế, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt. Vua thoạt tiên muốn đóng đô ở thôn Đàm, nhưng Lê Hoàn nói nơi này chật hẹp, không có thế hiểm trở, nên đành lấy Hoa Lư làm kinh đô. Lại đặt vạc dầu trước điện, nuôi hổ báo trong vườn, ai phạm tội bỏ vạc dầu hoặc vất cho hổ báo ăn. Dân kinh hãi, không ai dám gây loạn, Đại Cồ Việt cứ thế mà dần yên.
Lịch sử Ngô triều đã hết, sử mới sang trang từ đây.
*
*   *
Tháng 12 năm Đinh Tiên Hoàng thứ 1 (968), bá quan dâng tôn hiệu cho vua, là Đại Thắng Minh hoàng đế, sử sách vẫn gọi Đinh Tiên Hoàng.
Mùa xuân năm Đinh Tiên Hoàng thứ 2 (969), vua cưới thêm bốn người vợ nữa để hàng phục các tướng soái đã qui thuận, ràng buộc khiến họ không dám mang tâm phản nghịch. Đó là các bà Lý Trinh Thục - trưởng nữ của Lý Khuê đất Siêu Loại; Dương Nguyệt Nương – em gái của Dương Huy ở Vũ Ninh; Nguyễn Thị Sen – con gái Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt; Hoàng Thị Liên Hoa – mẹ Ngô Nhật Khánh. Duy có mối liên hôn với Nguyệt Nương còn được vua coi là thành ý với cả nhà lão tướng Dương Cát Lợi và Dương Huy, báo đáp họ Dương đã cưu mang, dạy dỗ Đinh Liễn 15 năm làm con tin ở Cổ Loa.
Tháng 5, vua lập Đinh Liễn làm Nam Việt Vương, lại cho cưới em gái Ngô Nhật Khánh, và gả công chúa Phất Kim cho Khánh. Nhưng lòng Khánh vẫn không nguôi hận.
Tháng giêng năm Đinh Tiên Hoàng thứ 3 (970), vua đặt niên hiệu Thái Bình, sai sứ sang Tống.
Tháng 6, vua ra chiếu lập năm hoàng hậu: đệ nhất hoàng hậu Đan Gia Dương Thị Vân Nga, đệ nhị hoàng hậu Trinh Minh Lý Trinh Thục, đệ tam hoàng hậu Kiểu Quốc Dương Nguyệt Nương, đệ tứ hoàng hậu Cồ Quốc Nguyễn Thị Sen, đệ ngũ hoàng hậu Ca Ông Hoàng Thị Liên Hoa.
Tháng 7, phu nhân Đỗ Nhâm Phi của Chương Dương Công Dương Tam Kha mất vì bệnh tật, an táng tại Giao Thủy. Vua sai tướng quân Lê Hoàn mang lễ viếng tới Chương Dương phủ, đồng thời bảo vệ Đan Gia hoàng hậu Vân Nga về chịu tang mẹ.
Tháng 8, Dương Tam Kha mất vì buồn thương thê tử, hưởng thọ 58 tuổi, an táng tại Giao Thủy. Sau bài vị cả hai phu thê Tam Kha được đưa về Dương gia ở làng Giàng, châu Ái. Quá nửa bá quan đều thương khóc. Đan Gia hoàng hậu và Lê Hoàn ở lại Giao Thủy thêm hai tháng chịu tang cha. Nhà vua và Nam Việt Vương đích thân tới viếng. (*)
Năm Đinh Tiên Hoàng thứ 4 (971), vua đặt phẩm cấp cho bá quan và phong tước cho các tướng đi theo mình. Bạn nối khố Nguyễn Bặc làm Định Quốc Công. Bạn nối khố Lưu Cơ làm Đô Hộ phủ sĩ sư. Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, thống lĩnh toàn bộ quân đội. Một số tướng soái thời Ngô đầu phục cũng được tin dùng, như Phạm Phòng Át, Kiều Tri Hựu… Vua nghe danh tiếng và tài năng của thiền sư Ngô Chân Lưu – con trưởng Thiên Sách Vương, bèn ban hiệu Khuông Việt thái sư cho tăng thống Ngô Chân Lưu, hòng cho bá tánh tỏ tường triều đình rất coi trọng Phật giáo.
Năm Đinh Tiên Hoàng thứ 11 (978), Nhật Khánh bảo mẹ mình Ca Ông – sủng phi của hoàng đế - tìm cách lập em trai làm thái tử. Vua yêu chiều Ca Ông hoàng hậu và hoàng tử Đinh Hạng Lang vô cùng, liền đồng ý. Sau lại lập Đinh Toàn – con trai Đan Gia hoàng hậu Dương Thị Vân Nga làm Vệ Vương.
Mùa xuân năm Đinh Tiên Hoàng thứ 12 (979), Nam Việt Vương Đinh Liễn giết chết Thái tử Đinh Hạng Lang. Vua giận lắm, nhưng không trách phạt. Ngô Nhật Khánh oán hận, bỏ trốn sang Chiêm Thành.
Tháng 10 năm đó, Lê Hoàn cùng Đan Gia hoàng hậu lập mưu, dùng hoạn quan Đỗ Thích giết chết vua và Nam Việt Vương Đinh Liễn. Đinh Tiên Hoàng ở ngôi 12 năm, thọ 56 tuổi, an táng ở Sơn lăng Trường Yên, Hoa Lư. Sau sử sách phong kiến cho lan truyền rằng, Lê Hoàn và Vân Nga tư thông từ trước - điều này thực ra khó xảy ra với một người hung hãn, ngạo mạn và dứt khoát như Lê Hoàn.
Bọn Nguyễn Bặc bắt Đỗ Thích giết đi, đưa Vệ Vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi, hiệu Đinh Phế Đế, phong mẹ làm Dương Thái hậu. Lê Hoàn tự xưng Phó vương.
Tháng 11, Ngô Nhật Khánh đưa quân Chiêm thành vào cướp ngôi, bị bão biển đánh chìm.
Tháng 7 năm Canh Thìn (980), Lê Hoàn xưng đế - đời sau gọi Lê Đại Hành hoàng đế. Đinh Toàn hưởng ngôi được 8 tháng thì bị truất trở lại làm Vệ vương, sau này bị vua Lê Hoàn bày kế hại chết khi mới 18. Gia quyến Đinh Liễn bị truy đuổi khỏi kinh. Nhà Đinh chính thức sụp đổ sau 13 năm cầm quyền với hai đời vua.
Năm Lê Đại Hành thứ 3 (982), vua lập Dương Thị Vân Nga làm hậu, đặt hiệu Đại Thắng Minh hoàng hậu – để trút nỗi oán hận bao năm với Đại Thắng Minh hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh. Sau lập thêm bốn hoàng hậu nữa vì mục đích chính trị.
Suốt 24 năm trị vì, vua công minh, siêng năng hết mực, chiêu hiền đãi sĩ, phá Tống, diệt Chiêm, đập tan bạo loạn; hung hãn can trường, “có chí vác cả núi ngăn cả bể”(1), thân kinh bách chiến bách thắng, lên ngôi vài năm giang sơn đã định yên, mở mang bang giao, khai phá bờ cõi rộng thêm; “sứ thần phương Bắc phải tôn sùng, tù trưởng sơn đông hết lòng làm phản” (2), công đức với xã tắc như trời bể.
Lê Đại Hành ví như một vị cường giả tuyệt đại, có một không hai trong lịch sử Việt Nam hơn bốn ngàn năm qua. Lân bang từ Tống đến Chiêm ai nấy đều kinh sợ, khâm phục. Trong nước bá tánh đời đời không ai không ngợi ca, thờ phụng.
Nhà Lê hưởng được ba đời, kéo dài 29 năm.
*
*   *
Sự vụ nhà Ngô kể đến đây đã hơi quá lời.
Gần 100 năm đầu giành tự chủ là thời buổi chuyển giao rồi kiến thiết, có loạn cũng tất yếu. Sơ khai thì ấu trĩ, dĩ động thì trưởng thành. Từ Ngô tới Đinh, từ Đinh tới Lê, công đức cứ lớn dần, chính sự ngày càng trôi chảy.
Sông rộng trời cao, anh hùng lớp lớp. Hào kiệt như Ngô Vương, vua Đinh, vua Lê, ai dám chối? Bị sử sách phỉ báng như Dương Tam Kha, ai bảo không phải anh hùng?
Luận bàn đôi lời, kể ra cho thiên hạ cùng tỏ.
------HẾT-------
(1)     Trích trong Sử nhà Tống - lời Tống Cảo, sứ thần đi sứ sang Đại Cồ Việt.
(2)  Trích trong Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú  
(*)   Cuộc đời sau khi rời khỏi Cổ Loa của Dương Bình Vương Dương Tam Kha không được sử sách hay bất kỳ tài liệu nào ghi lại rõ ràng. Theo họ Dương (trên trang web của họ Dương Việt nam) cho rằng, Bình Vương sau khi khai hoang ở Giao Thủy thì trở về làng Giàng châu Ái, ông có ba bà vợ, mười người con trai, chín người con gái. Tuy nhiên các thông tin này không có bằng chứng hay dữ liệu cụ thể, chỉ là lời đồn đoán, nên không được công nhận trong chính sử.

Luận Anh Hùng - Cheryl Phạm: Chương 22 - Hào Kiệt Tranh Hùng



Chương Hai Mươi Hai: Hào Kiệt tranh Hùng

Mơ nghiệp lớn, nhà nhà nổi dậy
Loạn sứ quân, hào kiệt tranh hùng

Đúng như Chương Dương Công Dương Tam Kha lo lắng, chỉ một ngày sau khi từ Ái châu về, triều đình đã phân thành hai phe rõ rệt. Phe do Hữu tướng kiêm Thứ sử Phong châu Kiều Tri Hựu và lão tướng Đỗ Cảnh Thạc cầm đầu, muốn Lục hoàng tử nối ngôi. Phe kia do Tả tướng Lã Xử Bình và Uy vũ tướng quân kiêm Thứ sử Vũ Ninh châu Dương Huy cầm đầu, muốn phò tá hoàng tử Ngô Xương Xí.
Trong lúc hai bên kịch liệt tranh cãi suốt một tuần, không bên nào chịu nhượng bộ, thì Lục hoàng tử bị giết hại trong đêm. Con dao vấy máu còn nằm trong tay Kiều phi ngủ bên cạnh. Khi nghe tiếng cung nữ thét lên hoảng sợ, Kiều phi tỉnh dậy, nhìn xác con đã lạnh ngắt, hiểu ra, liền phát điên, dùng dao đâm loạn khắp nơi. Đến khi thân phụ Kiều Tri Hựu tới, nàng mới tỉnh lại, gục xuống chân cha ngất xỉu. Tối đó, Kiều phi tự sát.
Tri Hựu vô cùng tức giận, kết tội cho Xử Bình, đòi tra án. Nhưng từ lúc Nam Tấn Vương lên ngôi, vua chỉ quan tâm tới đánh trận và dẹp loạn, không mấy để tâm để các sự vụ khác, Bình nghiễm nhiên quản lý mọi sự. Nay Hựu bảo, nhưng không biết tìm ai giúp mình, tức giận bỏ về Phong châu.

Tháng 9 năm Ất Sửu (965), Xử Bình lập tức đưa Ngô Xương Xí lên ngôi, xưng Định Vương. Nhiều tướng soái không phục.
Nguyễn Thủ Tiệp bỏ về Tiên Du chiêu quân, xưng Nguyễn Lệnh Công.
Đỗ Cảnh Thạc bỏ về Đỗ Động lập bản doanh.
Kiều Tri Hựu nghe tin, tức giận đập phá hết thư phòng, sau dùng bạc mộ thêm binh ở bản doanh Phong châu, xưng Kiều Tam Chế.
Tháng 10 năm Ất Sửu (965), sau khi Nam Tấn Vương mất được hơn hai tháng, Kiều Tam Chế dẫn binh từ Phong châu tiến vào Cổ Loa, đòi diệt Lã Xử Bình và Ngô Xương Xí.

Trong lúc đó, tại Cổ Loa thành, tình hình trở nên rối ren hơn. Nội bộ Xử Bình và Dương Huy mâu thuẫn, vì lão tướng Dương Cát Lợi không đồng ý Xí làm vua. Cát Lợi nói:
-         Hắn là con một kẻ tiếng xấu thành danh, hẳn phải nỗ lực hơn người để chứng tỏ mình xứng với ngôi báu. Nhưng thực tế đến giờ hắn cũng chưa có công trạng nào đáng kể, tài đức cùng thường thường bậc trung. Giữa thời thế loạn lạc này, người như thế làm sao khiến kẻ khác phục. Thiên hạ đã loạn chỉ càng thêm loạn.
Nghe ông nội phân tích, Dương Huy thấy có lý, bèn bảo Xử Bình:
-         Ta thấy thay vì cho hắn lên, chi bằng ông hay ta lên ngôi, có khi còn được lòng người hơn đấy.
Xử Bình nạt nộ ông cháu Dương lão tướng:
-         Phản rồi! Phản rồi! Cát Lợi và Dương Huy đều là trung thần ái tướng mà còn mang lòng phản nghịch. Thử hỏi còn bao nhiêu người tận trung với nhà Ngô?
Nhìn Xử Bình than khóc, Cát Lợi ôn tồn bảo:
-         Xử Bình, ông hẳn thấy nhà Ngô lẽ ra đã mất từ lâu. May được Dương Bình Vương trợ lực mới có chút gốc rễ mà kéo dài tới hôm nay. Giờ nhà Ngô đã mất hoàn toàn nhân tâm, là lúc cáo chung rồi. Hãy để cho kẻ xứng đáng hơn lên thay.
Sau đó, Dương Cát Lợi dẫn đầu một phe bá quan, đòi phế Định Vương Ngô Xương Xí. Nếu Xí không hàng, sẽ giết không tha. Quân lính lùng sục khắp triều điện tìm Xí.
Trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, Bình phái một đội quân thân tín, hợp với nhóm quân riêng của Xí, bảo hộ Xí an toàn chạy thoát ra ngoài thành. Còn Bình ở trong cung điện cùng thân vệ, giáp mặt đấu với Dương Cát Lợi. Khi Lợi bị kiếm của một binh tốt đâm vào tim từ phía sau, Bình và Huy đều tái mặt. Huy gào khóc, ôm lấy ông nội. Lúc đó, Đinh Liễn –con tin do Lợi giám sát, nhưng nay coi Lợi như cha mà xót – nhặt kiếm của Lợi và xông thẳng ra chém chết binh tốt kia, rồi quay sang đánh Xử Bình. May được thân vệ bảo hộ, Bình thoát chết và thối lui vào đại điện. Ở đây, cấm vệ quân đông đúc đã vào ứng cứu kịp, đánh bật đám người Đinh Liễn, Dương Huy ra khỏi cung.
Cát Lợi được đưa về phủ, chỉ còn thoi thóp. Dương Huy và Đinh Liễn nghẹn ngào nắm tay lão tướng. Huy căm hận nói:
-         Ông nội, con nhất định sẽ băm xác tên họ Lã kia ra trăm mảnh.
Lợi khó nhọc mở mắt, từ ái nhìn hai chàng trai, nắm chặt tay hai người, bảo:
-         Đừng hận Xử Bình. Hắn quá tận trung với nhà Ngô, dù biết thời thế thay đổi nhưng vẫn không chịu dứt bỏ chấp niệm. Hắn còn đáng thương hơn Dương Bình Vương. Ta nay đã sống đủ rồi. Ta phụng sự bao đời chúa đất này, và đều thọ hơn các ngài ấy. Thế là quá đủ rồi. Đương lúc loạn lạc, quần hùng đua tranh. Kẻ hào kiệt nhất mới xứng đáng với ngôi vị tối cao. Các con còn trẻ. Trời cho cơ hội này. Các con hãy gắng hết sức mình.
Nói rồi Dương lão tướng quân nhắm mắt, nụ cười còn đọng trên môi. Dương Huy và Đinh Liễn khóc thống thiết. Dương lão tướng được đưa về an táng ngoài thành Cổ Loa. Sau đó, Dương Huy trả tự do cho Đinh Liễn. Huy bảo Liễn:
-         Cậu được tự do. Vì ông nội coi cậu như con cháu, nên ta cũng sẽ đối xử với cậu như người thân. Giờ ông đã mất. Nếu cậu muốn thì cứ ở lại Dương tướng phủ này, còn nếu không thì đi đi.
-         Thế anh định đi đâu?
-         Ta làm theo lời ông. Đi chiêu binh mãi mã, cùng quần hùng đua tranh, mưu nghiệp lớn.
Nói rồi Huy giã từ, đi về Vũ Ninh châu - nơi Huy đang giữ chức Thứ sử - để chiêu binh, chờ ngày nổi dậy.

Đinh Liễn hôm sau cũng bái biệt người nhà Dương lão tướng, dự định về lại Hoa Lư. Nhưng chưa kịp ra khỏi thành thì quân Kiều Tri Hựu từ Phong châu kéo tới, chặn kín các cổng thành Cổ Loa, không cho ai ra thoát. Liễn ngẫm nghĩ, thấy đây là một cơ hội để diệt Bình và Hựu - hai kẻ có thế lực nhất triều đình, bèn trà trộn vào đám binh của Hựu, đi vào trong cung.
Cuộc chiến binh đao trong cấm cung giữa Lã Xử Bình và Kiều Tri Hựu diễn ra ròng rã hơn hai tháng trời. Vô số thương vong. Không quan tướng nào dám bén mảng vào cung. Bình nắm cấm vệ quân và gần một phần ba đại quân dưới trướng, tổng cộng có hơn hai vạn. Hựu có bản doanh ở quê nhà với gần 5.000 binh, nay chiêu thêm được chừng gần một vạn nữa, tổng cộng có hơn một vạn rưỡi.

Đánh nhau mãi không phân thắng bại, Hựu đề nghị Bình thương lượng. Y bảo Xử Bình:
-         Nay đất này chỉ có hai ta tranh tài. Nhưng cứ mãi đụng binh thế này đều hao tổn cả hai, lợi cho kẻ khác. Chi bằng để một trong hai ta làm vua. Hoặc giống như anh em Nam Tấn Vương, ta và ông cùng lên ngôi trị nước. Có được hay chăng?
-         Ai bảo chỉ có hai ta? Ngươi không thấy bao kẻ xưng hùng xưng bá ngoài kia sao? Chúng đều lăm le bổ ta và ngươi ra trăm mảnh để ngồi lên cái ghế kia. Mà kẻ mãng phu thiển cận như ngươi sao xứng cai trị đất này.
Nói rồi lại ra lệnh cho quân xông tới đánh Hựu.
Hai bên đấu đến qua Tết Nguyên Đán năm Bính Dần (966). Hựu thua phải chạy về Phong châu.

Tháng 3 năm Bính Dần (966), Bình thu dọn tàn cục ở Cổ Loa, tự mình xưng Vương. Nhiều tướng soái không thần phục, mang binh ra đánh, đều bị Bình dẹp hết.
Phạm Bạch Hổ chạy về quê, sau khởi binh ở Đằng Châu, tự xưng Phạm Phòng Át. Mấy lần Hổ đưa quân đánh vào Cổ Loa, đều bị Bình đánh lui.

Còn Ngô Xương Xí, sau khi trốn khỏi Cổ Loa thì dừng chân vài nơi: Chương Dương độ, Nam Giao, rồi về châu Ái, đụng binh với Ngô Nhật Khánh – lúc trước xưng Ngô Lãm Công, nay đổi thành An Vương. Xí bị thua phải chạy trở ra Trường châu, cầu cứu Chương Dương Công Dương Tam Kha, sau quay lại châu Ái được Dương gia giúp đỡ lương bạc và khiến Nhật Khánh không dám khinh nhờn. Xí ra ngoài thành Tư Phố, tìm xung quanh, thấy đất Bình Kiều dễ thủ khó công, bèn cho đóng bản doanh ở đây, chiêu binh mãi mã, chờ ngày đánh vào Cổ Loa, lấy lại ngôi vị.

Tháng 8 năm Bính Dần (966), Nguyễn Lệnh Công Nguyễn Thủ Tiệp sau mấy bận đánh vào Cổ Loa bị thua, bèn quay ra đánh Dương Huy ở Vũ Ninh. Dương Huy bỏ mạng. Tiệp chiếm được Vũ Ninh, tự xưng Vũ Ninh Vương.
Mạn Phúc Lộc châu, Hoan châu, Trường châu, có nhiều sứ quân nhỏ lẻ. Đinh Bộ Lĩnh đánh đâu thắng đó. Tất cả thủ lĩnh, hào trưởng lẫn thổ phỉ ba châu này đều lần lượt qui hàng.

Tháng 9 năm Bính Dần (966), Kiều Tri Hựu dẫn hơn một vạn binh công thành Cổ Loa, sau lại có thêm Kiều Thuận mang gần vạn binh trợ lực, thế như chẻ tre. Xử Bình thất thủ. Trong đại điện, lúc Tri Hựu cùng Thuận đang vây đánh Xử Bình thì Đinh Liễn – vốn núp trong quân Tri Hựu mấy tháng nay - nhảy ra, đâm Thuận trọng thương, lại suýt một đao giết chết Hựu. Hựu và Thuận sợ quá, bỏ chạy thục mạng về Phong châu. Còn lại Xử Bình, Liễn không khách khí chặt đứt cánh tay phải cầm đao của y, bồi tiếp một kiếm xuyên ngực. Bình gục ngã. Liễn lau sạch máu ở đao, trở về Hoa Lư tìm cha.
Con trai Bình là Lã Đường nghe tin cha chết, sợ hãi dẫn theo thân quyến và binh lính rời khỏi Cổ Loa tức thì. Sau tới Tế Giang lập thực ấp, chiêu binh, tự xưng Lã Tá Công.
Cổ Loa lúc này không còn ai trấn thủ.
Hơn một tháng sau, biết tin, Kiều Tri Hựu mang binh vào chiếm Cổ Loa. Kiều Thuận mang binh tới đòi chia phần, bị Hựu từ chối. Hai anh em xua quân đánh nhau một trận to ở trong thành. Thuận thua, phải rút về Phong châu.