Phần 3: Phật giáo – các tôn phái và Thiền tôn (2)
Thiền tôn
“Giáo ngoại biệt truyền - Bất
lập văn tự - Trực chỉ nhân tâm – Kiến tánh thành Phật”
Lịch sử Phật giáo có 96% thời
gian do Thiền tôn chiếm địa vị thống trị. Số phận của tôn phái này cũng thăng
trầm như chính số phận đạo Phật nói chung vậy.
Lịch sử Thiền tôn đã được nhắc
tới trong phần trước (Các tôn phái Phật giáo). Ở đây, chỉ
đề cập chủ yếu đến Thiền tôn của Đại Thừa, phát tích ở Trung Hoa phong kiến (tất
nhiên gốc gác từ tổ Bồ Đề Đạt Ma – vị tổ sư thiền đời thứ 28 bên Ấn Độ). Phần lịch
sử của Thiền tôn sẽ không được nhắc tới nhiều nữa (ai quan tâm xem lại các phần
trước), mà tôi sẽ tập trung vào những cái hay và tinh túy của Thiền tôn.
Bốn tiêu thức
Chính là bốn câu in đậm phía
trên, nói lên bốn đặc trưng quan trọng nhất của tông phái này (đa số học giả
cho là của tổ Bồ Đề Đạt Ma nêu lên)
“Giáo ngoại biệt truyền” –
Truyền trao giáo pháp một cách đặc biệt, ngoài kinh điển.
Tinh túy của giáo lý Phật
pháp không thể chỉ hiểu đơn giản qua câu từ, ngôn ngữ. Nó là sự truyền giao
kinh nghiệm trực tiếp từ tâm qua tâm. Việc truyền pháp ngoài kinh điển có sự
tích từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong pháp hội trên núi Linh Thứu, Ngài im lặng
đưa lên một cành hoa. Mọi người hoang mang không hiểu gì. Chỉ có ngài Ma Ha Ca
Diếp – một đại đệ tử của Phật – chúm chím mỉm cười. Đức Phật liền ấn chứng cho
Ca Diếp là Sơ tổ của Thiền tôn Ấn Độ. Đây là trường hợp truyền trao ngoài kinh điển
đầu tiên trong lịch sử. Về sau, rất nhiều vị đại sư dùng phương pháp này chọn
người truyền thừa hoặc ấn chứng cho đệ tử giác ngộ.
Ngài Đạo Tín tới cầu xin Tam
tổ Tăng Xán: “Xin hòa thượng dạy con pháp môn giải thoát.” Tổ hỏi “Ai trói người?”
Đạo Tín “Chẳng thấy ai.” Tổ bảo “Sao ngươi lại tìm giải thoát?” Nghe câu này, Đạo
Tín đại ngộ, sau thành Tổ sư thứ 4 của Thiền tôn Trung Hoa.
Ngũ tổ Hoằng Nhẫn tìm người
truyền y pháp. Đọc thơ của Huệ Năng – lúc đó 24 tuổi, là người chẻ củi, chưa có
học hành gì nhiều, cũng chưa xuất gia, tổ vào tận trong liêu hỏi: “Gạo đã trắng
chưa?” Huệ Năng đáp “Gạo trắng đã từ lâu.” Tổ lấy gậy gõ miệng cối 3 cái rồi
lui. Huệ Năng lãnh được tâm ý tổ, tới canh ba mới tới gõ cửa phòng tổ để tổ
truyền y pháp, thành Lục tổ của Thiền tôn Trung Hoa.
“Bất lập văn tự” – không lập
văn tự.
Ngôn ngữ và văn tự đều có giới
hạn. Không phải mọi hiện tượng của thế giới đều được diễn tả đầy đủ qua ngôn ngữ
và văn tự. Trong khi Thiền tôn cho rằng mọi sự vật hiện tượng chỉ là hư dối,
văn tự hay ngôn ngữ đều trở nên không cần thiết. Do đó, khi nghe ngôn ngữ và
văn tự, không phải để lý giải ý nghĩa, mà trước tiên phải có cái nhìn tổng quan
về ý nghĩa của lời nói hay câu văn đó.
Không chạy theo câu từ hoặc chỉ tư duy trên câu từ.
Mọi người đều có Phật tính,
bản tính hay tâm Phật. Nếu đánh mất tâm, dẫu có được giáo huấn bao nhiêu đi nữa
cũng chẳng thể ngộ, cứ mãi mê trong sinh tử luân hồi mà chấp vào ngôn ngữ. Chỉ
cần ngộ lấy cái bản tâm căn nguyên của mình, bản tính chân thật nhất của con
người mình, thế là thành Phật rồi.
Nhiều tông phái của Thiền
tôn không qui định phải đọc kinh nào, ở đâu, mà để tùy duyên. “Bất lập văn tự”
là phương thức của “giáo ngoại biệt truyền”, để ta hiểu rằng: chân lý vốn ở bên
trong, không phải ở bên ngoài.
“Trực chỉ nhân tâm” – chỉ
thẳng lòng người.
Mắt phải nhìn thấu được nội
tâm bên trong để thấy được sự chất chồng của tâm mà không cần suy nghĩ, phân
tích. Dùng ngôn từ để cố lý giải cho rõ cũng chẳng đi đến đâu, vì nó cần tinh
thần hoằng truyền – một sự chuyển giao kinh nghiệm. Bản thân hành giả phải tự học
và thể nghiệm bằng kinh nghiệm mới thật sự biết và hiểu. Dù là phàm phu hay vua
chúa, đều có tâm Phật, vì nhân tâm và Phật tâm vốn chung một gốc – chỉ là ta mê
chấp mà không nhận thấy. Cái tâm ấy chẳng phải là kết quả của giáo dục, chẳng
phải kết quả của sự truyền đạt, cũng chẳng phải từ một phương pháp nào và tất
nhiên, chẳng là gì. Cảm nhận được sự an tĩnh của tâm mới nhận biết rốt ráo vấn
đề và để biết rằng, ngoài tâm mình ra chẳng có gì hết.
Đồng thời, các tổ sư thiền
cũng có ý nhắn nhủ: trách nhiệm của giáo huấn và truyền đạt cần phải đi thẳng
vào lòng người.
“Kiến tánh thành Phật” –
khi nào thấy bản tánh chân thật của mình thì thành Phật.
Chữ “tánh” có nghĩa là tâm –
tâm Phật, bản tâm, bản tánh chân thật. Như vậy, tâm có thể thấy được, có thể hiển
lộ.
Còn gì đặc biệt so với các tôn phái khác?
Con đường khó khăn nhất,
nhưng thẳng tắp tới giác ngộ
Đệ tử Thiền tôn cho rằng,
thiền định là con đường tắt, con đường nhanh nhất, thẳng tắp tới giác ngộ. Cứ
lúc nào nhận thấy chân tánh, thấy tâm, thì tức là thấy Phật, là giác ngộ. Giác
ngộ 1 phút thì thành Phật 1 phút. Giác ngộ 1 giờ thành Phật 1 giờ. Giác ngộ cả
đời thì thành Phật cả đời. Nhưng vì không có sách vở nào chỉ dẫn do “bất lập
văn tự”, nên quá trình đó không ai làm thay mình được, mà mỗi người chỉ nhận được
bằng cách tự trải nghiệm, tự lĩnh hội, nên đây cũng là con đường khó khăn nhất.
Cái ngộ đó gọi là “đốn ngộ”.
Đa số mọi người hay cho rằng
Thiền tôn và Mật giáo là lối tu tắt, vì những lý do như trên. Nhưng quan điểm
này bị nhiều vị cao tăng và học giả (ngày nay cũng có) phản bác. Đốn ngộ là ngộ
rất đột ngột, kiểu “hốt nhiên đại ngộ”. Nếu thế, các phương pháp tu khác của
nhà Phật sẽ là Tiệm ngộ - cần một thời gian dài để đi đến chứng đắc. Không ai đột
nhiên có đủ tri kiến Phật. Con người từng tiến hóa qua nhiều đời, nhiều kiếp. Tức
có quá trình chuẩn bị ở đời này của nhiều đời trước, trước khi đốn ngộ. Vậy thì
liệu có một sự kiện gọi là “đốn” hay không? Mà dù có đốn ngộ, thì đó là sơ ngộ
hay đại ngộ? Phật giáo nguyên thủy (Thượng Tọa Bộ) cho rằng, cần phải xem cái
đích “Bồ tát” trong Thiền tôn và Mật giáo cách cái đích “Alahán” là bao xa. Kiến
tánh thành Phật - “Thấy tánh” mới chỉ là ngõ vào thôi, còn nhập tánh mới thành
Phật. Ngay cả một số thiền sư của Thiền tôn cũng cho rằng, thiền là một chuyến
đi dài, không có ngõ tắt, bạn nhập thiền dễ hơn người khác vì các kiếp trước đó
bạn đã từng thực tập nhiều rồi, bạn thiền có kết quả nhiều hay ít vì bạn đã tiến
hóa nhiều hay ít trên con đường tiến hóa của vũ trụ kể từ thuở ban sơ.
Đốn ngộ
Thiền tôn coi trọng “đốn ngộ”
(giác ngộ ngay tức khắc). Nó xuất phát từ chính truyền thuyết Đức Phật ấn chứng
cho ngài Ma Ha Ca Diếp đã kể ở trên. Khi Ca Diếp mỉm cười, có nghĩa là ngài ấy
đã lĩnh hội ý chỉ của Đức Phật, bằng tâm mình. Đó là cách “dĩ tâm truyền tâm”.
Dù vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng không phủ nhận tư duy kiểu này rất được lòng
người. Một số nhánh Thiền tôn phản bác lại quan điểm này, đều không duy trì được
lâu, nhanh chóng suy tàn trong lịch sử hoặc bị nhập vào nhánh khác.
“Tại đây và “bây giờ”
Lịch sử và giáo pháp đều chẳng
quan trọng. Điều hệ trọng nhất là “tại đây” và “bây giờ”.
Thiền là cách giữ thân xác,
hơi thở và tâm thức của mình luôn an trú trong hiện tại. Nó giúp chúng ta phát
huy sự hiểu biết sâu kín nhất về bản chất của thực tại và của chính mình. Đức
Phật đã tự đặt mình vào tâm điểm của thực tại để quán chiếu thấy thế gian một
cách minh bạch hơn.
Thiền quán của Phật giáo
nâng cao sự tập trung. Sự tập trung đó sinh ra sự quán chiếu sâu xa có tính cởi
mở và sâu rộng, giúp hành giả nhìn nhận sắc bén các trải nghiệm và cảm nhận của
mình về hiện thực, dần hiểu được cấu trúc trọn vẹn của các trải nghiệm ấy – mà
trước đây không hề nhận thức được. Đó là trí thông mình trực giác, hay trí tuệ
- giúp ta mở ra một bầu không gian rộng lớn của hiện thực.
Tu thiền không phải để trút
bỏ tất cả mọi thứ trong đầu mà đúng hơn là giúp mình đối đầu với thực trạng của
mình trong hiện tại. Mỗi con người đều có Phật tính. Việc chúng ta làm chỉ đơn
giản là đón tiếp nó.
Trở về với tự nhiên
Không hẳn là sự phản đối
truyền thống, mà là việc phản bác lại, vứt bỏ những nghi thức rườm rà, kinh luận
bất tận mà khó hiểu.
Khi trình độ thiền định tới
mức độ nhất định, sự tập trung sẽ hiển lộ một cách tự nhiên khi nó tiếp cận với
một đối tượng nào đó mà không cần sự bám víu nào. Tâm thức ta hòa nhập vào một
thể dạng trong trạng thái thăng bằng và thanh thản, không bị chi phối hay trói
buộc.
Đầy mâu thuẫn
Có vô số câu chuyện và truyền
thuyết về những hành động, lời nói, phương pháp hoằng hóa đầy nghịch lý, mâu
thuẫn của các vị Thiền sư. Ngày nay, ta hay gọi đó là tham thiền (tham vấn, hỏi
đáp để tỏ tường về thiền và đạo). Những câu thoại đầu kinh điển ta hay nghe kể
như:
-
Khi chưa có trời đất, ta là gì?
-
Trước khi cha mẹ chưa sinh, ta ra sao?
-
Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, là cái gì?
-
Muôn pháp về một, một về đâu?
-
Niệm Phật là ai?
-
Phật Tổ giác ngộ cái gì mà thành Phật?
Đi tìm nguyên do rất dễ. Nó
xuất phát từ triết lý có vẻ khá mâu thuẫn của Thiền tôn. Giáo lý Thiền tôn là sự
kết hợp độc đáo của hai học thuyết nền tảng của Đại Thừa Ấn Độ: Trung quán và
Duy thức.
Trung quán với học thuyết về
tính Không (hay Thật tướng). “Không diệt, không sinh, không đứt đoạn, không thường
còn, không là một, không đa dạng, không đến, không đi”. Mọi sự vật đều do duyên
mà thành (duyên khởi), nên chúng không tồn tại độc lập, không có tự ngã, tự
tính, trống rỗng. Tính Không là bản thể tuyệt đối, có hai mặt ý nghĩa: không có
tự ngã nào (vô ngã), và giải thoát. Chứng ngộ được tính Không là giải thoát.
Tính Không là thể tính cuối cùng, đồng nghĩa với Pháp thân. Muốn đạt được bản
thể tuyệt đối, phải vượt qua chân lý tương đối – là chân lý dành cho các sự vật
hiện tượng trên thế gian vốn bị tính chất nhị nguyên qui định. (Học thuyết này
vẫn là nền tảng căn bản của Mật tông – Phật giáo Tây Tạng ngày nay)
Duy thức có khái niệm “vạn
pháp duy tâm”. Thế giới và mọi hiện tượng đều là cảm nhận của thức (tâm), ngoài
thức đang cảm nhận thì không có gì là thật. Sự cảm nhận chỉ là quá trình của một
tưởng tượng, một ảo ảnh của một khách quan bị tưởng lầm là thật – gọi là A-lại-da
thức. A-lại-da thức chứa tất cả chủng tử của quá khứ, mang sẵn mầm. Chủng tử và
các mầm đó sản sinh ra các hiện tượng tâm thức. Chủng tử chín muồi theo tác động
của Nghiệp (karma). Chúng tác động qua lại lẫn nhau làm con người thấy một ảnh ảo
và cho đó là thật. A-lại-da thức luôn mới mẻ, liên tục, hoạt động cả sau khi chết
và sự liên tục của nó là cơ sở của tái sinh. Khi bị ô nhiễm, chúng làm phát
sinh ấn tượng về cái “ta” – đó là sai lầm, vì thật ra chỉ có “sự cảm nhận” chứ
không có “người cảm nhận”. Vì vô minh mà cho rằng có tự ngã, nên con người bám
víu vào đó để chịu khổ. Để giải thoát, đòi hỏi hành giả phải hành trì các Ba la
mật đa (dịch nghĩa: sự cứu cánh – perfection, tức công hạnh của một vị Bồ tát nếu
hiểu theo Đại Thừa) và chú trọng thiền định.
Ngài Lâm Tế đến học đạo chỗ
Tổ Hoàng Bá. Lâm Tế ba lần đến hỏi tổ cùng một câu “Thế nào là đại ý Phật pháp?”
đều bị tổ cầm gậy đánh cho tơi tả, thất vọng khăn gói rời đi, đến gặp ngài Đại
Ngu. Ngài Đại Ngu bảo “Hoàng Bá thật là đại từ đại bi, đã chỉ tột cùng cho
ngươi mà ngươi còn nói có lỗi, không lỗi.” Nghe tới đó Lâm Tế liền ngộ.
Lại có chuyện thế này. Hai
ông tăng cãi nhau về cờ phướn. Một ông nói “Phướn động”. Ông kia nói: “Gió động”.
Cứ thế tranh cãi. Lục tổ Huệ Năng liền nói: “Chẳng phải gió, chẳng phải phướn,
tâm các ông động.” Nghe câu nói này, hai vị giật mình run sợ.
Nghe kể thế, các bạn có hiểu
không?
Vẻ đẹp từ sự hội tụ của các
tinh hoa phương Đông
Không phải tự nhiên trên thế
giới có mảng “Nghệ thuật Thiền tôn”. Ban đầu, chỉ là phương pháp các thiền sư
Trung Hoa thế kỷ 6-7 sử dụng để tu học. Dần dần, nó phát triển nhanh chóng, hòa
vào đời sống và được đông đảo công chúng ái mộ, đặc biệt ở Nhật, và ngày nay ở
phương Tây. “Nghệ thuật Thiền tôn là nghệ thuật của phi nghệ thuật, nghệ thuật
của sự điều khiển các bất thường” (Alan Watts).
Ngày nay, chúng ta có thể thấy
nghệ thuật thiền trong kiến trúc, hội họa, thơ ca, văn học, trà đạo, cắm hoa, ẩm
thực, làm vườn, thư pháp…
Thiền còn là nghệ thuật sống.
Thanh thản, an tĩnh. Điềm nhiên trước mọi giông tố cuộc đời. Kiên cường vượt
qua mọi khổ đau. Tinh tế trong hưởng thụ vật chất và sự an lạc.
Trong suốt chiều dài lịch sử,
các phái Thiền tôn đã đóng góp cho nhân loại những hệ thống tư tưởng và lý luật
triết học sâu sắc và uyên bác. Một số nhánh Thiền tôn ở Trung Hoa kết hợp khéo
léo tư tưởng từ các hệ phái Ấn Độ cổ xưa với Lão giáo, Nho giáo Trung Hoa đương
thời, tạo ra những dấu ấn lý luận và nghệ thuật đặc sắc riêng của Trung Quốc.
Sau này tới các phái Thiền tôn tại Nhật – đưa hệ thống lý luận lên một đỉnh cao
mới, được giới học giả phương Tây vô cùng chào đón.
Một mảng thú vị khác - Võ
thuật: các phái võ phương Đông đều phải tọa thiền. Nghe thật kỳ lạ đúng không?
Nhưng đó là sự thật. Bạn chỉ cần hỏi bất kỳ một võ sư gạo cội nào của vovinam,
taekwondo, ushu, tán quyền, thái cực quyền, vịnh xuân quyền… sẽ đều nhận được
cùng câu trả lời. Tại sao vậy? Vì võ thuật phương Đông hướng tới nội lực (sức mạnh
từ bên trong, không hoặc ít sử dụng lực của cơ bắp). Về mặt sinh học và năng lượng,
khi bạn dùng cơ bắp, chẳng hạn cú đấm 2000 kg tốc độ 200km/h thì cơ thể cần điện
năng 240V để cú đấm có 20V; nếu dùng nội lực chỉ cần điện năng 120V cho ra cú đấm
y hệt như vậy; tức là năng lượng giảm một nửa.
Thiền là bắt buộc cho tất cả
những ai muốn tu luyện nội công. Các võ
sư thường thiền 30 phút đến 1 tiếng trước khi vào luyện tập. Thiền kết hợp các
thế võ nội công, về mặt khoa học và nhân điện, giúp xương cốt cực kỳ cứng (để
chịu lực lớn), gân dai chắc, cơ bắp nhỏ gọn, bụng to (thở nhiều), huyệt đạo và
kinh mạch cực khỏe, nội tạng khỏe (máu tuần hoàn nhanh), não khỏe (minh mẫn,
sáng suốt), biết mượn lực.
Lịch sử huy hoàng, nay đã
tàn phai?
Như chúng ta đã biết, Thiền cùng
đạo Phật phát triển rực rỡ ở đồng bằng sông Hằng suốt hơn 1.000 năm với 28 vị tổ
sư, nhưng không chấm dứt theo sự biến mất Phật giáo ở Ấn. Nó được truyền sang
Trung Hoa phong kiến và nhiều nước khác, hấp thụ tinh hoa văn hóa đặc sắc của
Trung Hoa và trở nên hưng thịnh hơn bao giờ hết. Nó nhanh chóng trở thành một
tôn phái lớn nhất và có ảnh hưởng lâu dài nhất (gần 1.000 năm) trong lịch sử Phật
giáo Trung Hoa - Thiền tôn, truyền được 6 đời tổ sư, sau đó dần chia thành “ngũ
gia thất tông” (các tông phái chỉ khác nhau về cách giáo hóa, gồm Quy Ngưỡng,
Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn, Dương Kỳ, Hoàng Long). Thế kỷ 15, khi Thiền
chính phái suy tàn ở Trung Hoa, thì lại bắt đầu giai đoạn phát triển huy hoàng mới
ở Nhật Bản. Một số thiền sư phái Lâm Tế và Tào Động người Hoa sang Nhật truyền
bá khiến Thiền phái ở đây áp đảo cả Thần đạo. Các thiền sư Nhật sau đó truyền
Thiền tôn của họ sang Mỹ và châu Âu vào thế kỷ 19.
Ngày nay, Thiền tôn Trung
Hoa đã thất truyền. Ở Nhật, hai tông Tào Động và Lâm Tế được truyền tới vẫn còn
tồn tại. Ở Triều Tiên, có tông Pháp Nhãn truyền tới, nay cũng đã thất truyền.
Việt Nam có 3 tông Tào Động, Vân Môn và Lâm Tế truyền tới, sau đã bị bản địa
hóa hoàn toàn, đến nay còn bị lai hóa nhiều với Tịnh độ tôn nên về mặt bản chất,
coi như không còn tồn tại; còn các thiền phái khác đã biến mất từ thế kỷ 18-19.
Nhiều nỗ lực khôi phục lại một số Thiền phái ở Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc,
thậm chí ở cả các quốc gia Phật giáo Nam Tông (Tiểu Thừa/Thượng Tọa Bộ), nhưng
phương tiện và giáo lý vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Người phương Tây có cái
nhìn khách quan hơn với Phật giáo, các Thiền phái có cơ hội phát triển tự do
trong cộng đồng này, nhưng chưa có thành tựu gì thật sự đáng kể.
Các phái thiền tôn ở Việt Nam:
0.
Khương Tăng Hội, Mâu Bác (thế kỷ 2,3): Thiền sư Khương Tăng Hội
người Trung Quốc, đi nhiều nơi du hóa, có qua Luy Lâu, Giao Chỉ (Việt Nam ngày
nay) truyền đạo. Bộ Lục Độ tập kinh là tác phẩm còn để lại, chủ trương “Phật tại
tâm”. Thiền sư Mâu Bác (không rõ người Việt hay Trung Quốc) cũng tới Giao Chỉ
truyền đạo, tác phẩm còn lại là Lý Hoặc Luận. Ngày nay giới học giả vẫn tranh
cãi Khương Tăng Hội hay Đa Lưu Chi mới là tổ sư thiền Việt Nam. Đa số sách vở
chính thống vẫn coi Đa Lưu Chi là tổ sư. Còn Khương Tăng Hội chưa gây ra ảnh hưởng
lớn có thể lập thành trường phái riêng như Đa Lưu Chi.
1.
Tỳ ni Đa Lưu Chi (thế kỷ 6, 580 - 1213 ): Sư Đa Lưu
Chi là người Ấn Độ, đi khắp nơi học đạo, sang Trung Quốc gặp Tam tổ Thiền tôn
Trung Hoa Tăng Xán và đắc pháp, sau đó năm 580, xuống Giao chỉ (Việt Nam khi
đó) truyền pháp. Sư trú tại chùa Pháp Vân (nay là chùa Dâu, huyện Thuận Thành,
tỉnh Bắc Ninh – xây năm 187, ngôi chùa cổ nhất Việt Nam), sáng lập phái thiền Tỳ
ni Đa Lưu Chi đầu tiên ở nước ta. Phái này lấy kinh Tượng Đầu Tinh Xá làm nền tảng,
chú trọng tư tưởng Bát nhã, tu tập Thiền quán. Ảnh hưởng lớn tới thời nhà Lý.
Truyền được 19 đời.
2.
Vô Ngôn Thông (thế kỷ 9, 820 – cuối thế kỷ 13): Thiền
sư Vô Ngôn Thông người Trung Quốc, đệ tử của Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải. Năm
820 sư sang Việt Nam truyền đạo, ở chùa Kiến Sơ (nay ở xã Phù Đổng, huyện Gia
Lâm, Hà Nội), lập phái thiền Vô Ngôn Thông. Chủ trương đốn ngộ, giáo pháp “vô đắc”
(không có đối tượng của sự giác ngộ, muốn giác ngộ phải tự thực hiện lấy). Truyền
được 17 đời.
3.
Thảo Đường (thế kỷ 11, 1069 - 1205): thiền sư Thảo
Đường (người Trung Quốc, được sử sách cho là người của thiền tông Vân Môn,
Trung Hoa), bị bắt làm tù nhân khi vua Lý Thánh Tông đi thảo phạt Chiêm Thành.
Sau ngài được phong làm Quốc Sư, trụ trì chùa Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc,
Hà Nội), lập ra thiền phái Thảo Đường – kết hợp giữa Phật giáo và Nho giáo.
Khuynh hướng thiền học trí thức kết hợp văn chương, thi ca. Chỉ ảnh hưởng tới
giới tri thức có khuynh hướng văn học (vua và quan). Truyền được 5 đời.
4.
Trúc Lâm (thế kỷ 13, 1299 - nay): năm 1299, Phật
hoàng – thái thượng hoàng Trần Nhân Tông tới tu tại chùa Yên Tử (Quảng Ninh),
sáng lập ra phái thiền Trúc Lâm, hợp nhất 3 phái thiền Tỳ ni Đa Lưu Chi, Vô
Ngôn Thông và Thảo Đường lại làm một. Đây là thiền phái đầu tiên do người Việt
sáng lập. Tới thế kỷ 17-18 (được 18 đời), nhập vào phái Lâm Tế. Thế kỷ 19, biến
mất. Cuối thế kỷ 20, Thượng tọa Thích Thanh Từ khôi phục lại. Chủ trương tích cực
nhập thế.
5.
Lâm Tế (thế kỷ 17, 1677 – nay ): thiền sư
Nguyên Thiều (người Trung Quốc, đời 33 của dòng thiền Lâm Tế, Trung Hoa) qua miền
Trung Việt Nam truyền bá dòng thiền Lâm Tế và xây dựng nhiều chùa. Thiền sư
Chuyết Chuyết (người Trung Quốc, đời 34 của dòng thiền Lâm Tế, Trung Hoa) tới
miền Bắc truyền đạo. Chủ trương “sinh Phật bất nhị” (chúng sinh và Phật không
phải hai, chỉ cần vô tâm vô sự là thành Phật), hành pháp theo “tứ liệu giản”,
dùng phương pháp Khán thoại thiền (quán Công án). Sau một thời gian hưng thịnh,
Lâm Tế bị Việt hóa và phổ biến rộng rãi ở miền Trung, miền Bắc rồi tới miền Nam.
6.
Liễu Quán (thế kỷ 17, 18 - nay): sư Liễu Quán
người Phú Yên, đệ tử của Hòa thượng Tử Dung (người Trung Quốc, phái Lâm Tế
Trung Hoa). Là người “Việt hóa” dòng thiền Lâm Tế. Phái này phổ biến ở miền
Trung Việt Nam.
7.
Tào Động (thế kỷ 17 - nay): Thiền sư Hưng Liên
(người Trung Quốc) được mời sang miền Nam Việt Nam truyền bá giáo pháp phái Tào
Động của Trung Hoa, được chúa Đàng Trong phong làm quốc sư. Thiền sư Tông Giác
(người Thái Bình, Việt Nam) đi du học ở Trung Quốc, trở về Việt Nam truyền bá trường
phái Tào Động ở miền Bắc. Chủ trương Mặc chiếu thiền, tức chỉ cần an nhiên tọa
thiền là đủ, không chú trọng mục đích, cũng chẳng đòi hỏi điều kiện. Hiện nay
các đạo tràng ở miền Trung kết hợp Lâm Tào (Lâm Tế và Tào Động). Chủ trương Thiền
Tịnh song tu (kết hợp Thiền tôn và Tịnh Độ tôn: vừa tu thiền, vừa niệm Phật).
8.
Ngày nay: có một số nơi tự xưng là một tôn
phái riêng của Thiền tôn nhưng lý thuyết và thực hành đều khá lai tạp và lộn xộn,
chưa có bản sắc riêng.
o
Thiền
tôn Phật Quang (tại chùa Phật Quang,
núi Dinh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu): do Thượng tọa Thích Chân Quang sáng lập
2016-2017, gốc từ các đạo tràng Chúng Thanh Niên Phật Quang những năm 2008 –
nay mọc lên khắp cả nước. Không phủ nhận Thượng tọa Thích Chân Quang là người
có sức hút nhất hiện tại trong giới Phật giáo Việt Nam với giới trẻ. Đạo tràng
Chúng Thanh Niên của thầy đông đảo nhất cả nước. Nhưng về bản chất, các đạo
tràng này thực hành Tịnh độ là chính, nặng về lễ bái và hình thức là chính, tu
thiền và các giáo lý Thiền tôn hầu như chẳng đáng kể, phương pháp tu thiền cũng
nửa nọ nửa kia (nửa Thiền tôn, nửa Phật giáo Nguyên thủy), triết lý được truyền
bá bởi các đệ tử không có mấy, chưa có cái gì tự tạo ra riêng biệt mà chỉ tái sử
dụng những giáo lý chắp vá của các trường phái trong quá khứ (có thể do chính
các đệ tử làm không đúng), có hơi hướng cuồng tín – giống các tín đồ Hồi giáo,
Thiên chúa giáo nhiều hơn là Phật giáo – điều này theo tôi nghĩ là không nên,
vì đạo Phật là đạo của trí tuệ và giác ngộ, không phải dựa trên niềm tin, tín
ngưỡng thần thánh. Không rõ tại sao lại là “Thiền tôn” Phật Quang? Tôi nghĩ nếu
là “Tịnh độ tôn” thì hẳn sẽ không ai ngạc nhiên. Đó cũng là lý do tại sao tôi
tham gia được 2 buổi của nhóm Chúng Thanh Niên, đành ra đi đầu không ngoảnh lại.
Có thể định hướng của phái này đang thay đổi. Cụ thể thế nào, chúng ta cứ chờ một
thời gian nữa xem sao, bạn nhỉ?
Mong rằng Việt
Nam mình sẽ có những tôn phái với hệ thống triết lý vượt thời đại, uyên bác và
được nhiều thế hệ đời sau kính ngưỡng như ở Ấn Độ, Trung Quốc.
Còn chuyện gì để nói?
Thiền tôn có một lịch sử huy
hoàng nhất trong đạo Phật. Nó hấp thu tinh hoa văn hóa nghệ thuật và triết học
của tất cả các dân tộc ưu việt trên con đường nó đi qua. Vì thế, đến tận bây giờ
nó vẫn có sức hút mãnh liệt. Nếu Mật tôn (Mật giáo/Phật giáo Tây Tạng) lôi cuốn
người ta bởi sự kỳ bí, thần thông diệu pháp; thì Thiền và Thiền tôn thu hút bởi
vẻ đẹp tinh tế đậm chất phương Đông của nghệ thuật, khoa học và triết học.
Tuy nhiên, dù Thiền tôn từng
vang danh bốn bể, phương pháp thiền của tôn phái này được coi là một nghệ thuật
thì nghệ thuật ấy và cả cha mẹ nó cũng đã biến mất. Trong xã hội ngày nay, từ
phương Tây tới phương Đông, con người chỉ mải mê theo đuổi giá trị vật chất mà
lãng quên tinh thần. Họ quên mất rằng tinh thần cũng cần được nuôi dưỡng, chăm
sóc thường xuyên với thái độ cẩn trọng, nghiêm mật. Vì thế, những giá trị tinh
thần cao đẹp kế thừa bao đời cứ lần lượt rời bỏ chúng ta.
Đã có nhiều nỗ lực phục hưng
lại các tôn phái danh tiếng trong lịch sử, nhưng có vẻ như những nỗ lực ấy là
chưa đủ, chưa phù hợp với phẩm vị của thời đại này. Hy vọng, thời Phục Hưng thực
sự của Thiền tôn sẽ sớm tới, và chúng ta sẽ được chứng kiến một diện mạo mới, hiện
đại, khác biệt, lớn lao hơn, mà vẫn đầy thâm thúy, đậm nét văn hóa
phương Đông.