Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Cẩn thận khi kể cho con bạn truyện "Tấm Cám"



Cẩn thận khi kể cho con bạn truyện “Tấm Cám”

Cún khóc. Bà hỏi: “Tại sao khóc?”
Cún: “Em Mẹt đánh cháu vỡ mông rồi.”
Bà: “Thế thì cháu phải làm gì?”
Cún: “Cháu phải dội nước sôi cho em chết tử.”
Ôi giời, cái gì thế này? Làm sao một đứa trẻ 4 tuổi có thể nghĩ ra câu nói tàn nhẫn thế?
Hóa ra mấy hôm nay, bà kể truyện Tấm Cám cho Cún nghe. Cún thuộc lòng cô Tấm hiền lành xinh đẹp đã chiến thắng Cám và dì ghẻ độc ác thế nào.
Tôi giật mình và buộc phải nhìn nhận lại câu chuyện cổ tích này. Rõ ràng nó không đơn giản như chúng ta vẫn tưởng.
Nhân đây viết ra vài lời bàn…

Câu chuyện cổ tích vô cùng nổi tiếng này vẫn khiến bao thế hệ người Việt Nam không hết bàn ra tán vào. Đó thực sự là một câu chuyện rất đặc biệt và kỳ lạ trong kho tàng truyện cổ tích thần thoại nước ta.
Đặc biệt vì nội dung kịch tính còn hơn cả phim truyền hình Hàn Quốc hay Trung Quốc ngày nay. Truyện cổ tích Việt Nam đa phần khá đơn giản, hiền hòa, hiếm có truyện nào có kết cấu logic gay cấn, gây sốc đến thế. Nói đây là truyện kinh dị cũng không quá, so với phim kinh dị bây giờ còn khủng khiếp hơn. Một người bạn phương Tây khi nghe tôi kể lại truyện này đã kiên quyết không tin đó là truyện cổ tích. Nhiều bạn trẻ khẳng định chắc nịch, sau này nhất định không kể Tấm Cám cho con quá sớm, kẻo ảnh hưởng tới nhận thức của bọn con nít.
Kỳ lạ thì hiển nhiên rồi. Mối quan hệ gia đình, mâu thuẫn giai cấp, định kiến xã hội, năng lực phản kháng, tâm lý xã hội, bản chất tâm sinh lý con người… đến ngày nay nhân loại phải mất mấy quyển sách và bao thế hệ nghiên cứu mới nói hết được thì chỉ với một câu chuyện nhỏ thế này, những cái đó đã gần như được phô bày triệt để, theo một cách khá hợp lý và khoa học. Hàm ý sâu sắc bọc trong hình thức kinh dị, kịch tính – rất gây sự chú ý và phản ứng từ dư luận – điều mà các nhà văn, nhà biên kịch ngày nay đều nằm mơ có được. Cha ông ta không phải quá giỏi sao? Đi trước thời đại đến bao nhiêu bước. Ngạc nhiên hơn là một câu chuyện “ghê rợn” như thế lại trường tồn trong văn hóa nước nhà đến tận ngày nay, dù xã hội Việt trải qua vô số thăng trầm, dâu bể, dù tư tưởng phong kiến và Nho giáo từng thống trị dân tộc một giai đoạn dài, làm biến tướng nhiều hình thức văn hóa theo hướng mê tín, thiên kiến, hủ lậu. Điều đáng nói hơn, câu chuyện lưu lại trong lòng đại đa số người Việt không phải ở các tình tiết rùng rợn, kết cục thảm khốc, đôi chỗ phi logic ... mà lại là những thông điệp có vẻ như chẳng ăn nhập với những gì câu chuyện thực sự thể hiện, như “cô Tấm thảo hiền”, “ở hiền gặp lành”, “tình cảnh mẹ kế con chồng khắc nghiệt, con riêng bao giờ cũng thiệt thòi”, “Bụt chỉ giúp người hiền lành”, “cô Tấm xinh đẹp dịu hiền chui ra từ quả thị”… Không phải quá kỳ lạ sao?

Trở lại với bản thân câu chuyện, rõ ràng Tấm không hề “thảo hiền”. Thảo hiền là hiếu thảo, hiền lành – điều thấy trong mọi câu chuyện cổ tích. Nhưng chỉ có một chi tiết duy nhất trong truyện cho thấy Tấm hiếu thảo, đó là khi nàng làm vợ vua, nhớ tới giỗ cha, nàng về cùng mẹ kế sắp lễ cúng. Về bản chất, điều đó không thực sự thể hiện nàng hiếu thảo, nhưng về hình thức, trong vị thế một phi tần được sủng ái, nó còn có nhiều ý nghĩa hơn cả chữ hiếu (không có từ “hoàng hậu” nào trong truyện – điều này hợp lý dưới thời đại phong kiến, với thân phận không được miêu tả rõ ràng, hẳn nhiên không phải dòng dõi trâm anh thế phiệt, vì nàng vẫn phải đi chăn trâu, mò cua bắt ốc – ngôi vị hoàng hậu có vẻ không thích hợp). Còn một tình tiết “có vẻ” thể hiện nàng hiền lành: nàng sống yên bình bên bà lão bán nước, ngày ngày dọn dẹp nấu nướng, têm trầu cho bà bán. Không ai gây chuyện với nàng, nên bản tính của nàng được che dấu đi.

Vậy Tấm là người như thế nào?
Một cô thiếu nữ bố mẹ mất sớm, ở với dì ghẻ và em gái cùng cha khác mẹ - mô típ bối cảnh giống hệt câu chuyện cổ tích Cô bé Lọ Lem cả thế giới biết đến hiện nay. Nàng bị mẹ kế bắt làm mọi việc từ nhà ra đồng, còn cô em không phải làm gì. Nghe thật bất công! Nhưng nếu bạn là một bà mẹ kế thời phong kiến, bạn sẽ làm gì? Đảm bảo với bạn, 99% các bà mẹ kế sẽ làm như vậy, kể cả các bà mẹ kế thời nay. Mẹ đẻ mà! Luôn yêu con mình rứt ruột đẻ ra hơn, còn con riêng vẫn “khác máu tanh lòng”. Việc này xem ra cũng không phải điều gì quá to tát, ghê gớm trong thời đại “ngày xửa ngày xưa”. Và bà mẹ kế cũng không đến nỗi để Tấm làm nô lệ hay thiếu đói, hoặc để cô em hoàn toàn chẳng biết làm gì. Bằng chứng là Tấm vẫn có đủ 3 bát cơm ăn hằng ngày (2 bát ăn, 1 bát cho cá bống). Bà còn treo thưởng dải yếm đào cho ai trong hai chị em bắt được nhiều tôm tép hơn. Cuộc thi nhỏ này chứng tỏ bà xem vị thế của Tấm và Cám là gần ngang nhau. Và chứng tỏ thêm một điều nữa, Cám cũng phải làm việc – dù có thể ít hơn hoặc được ưu ái hơn cô chị.
Tuy nhiên Tấm không phải nàng Lọ Lem dù nghèo khổ, bị bắt làm việc quần quật, bị bỏ đói và bị tới 5 người thân (dì ghẻ và 4 cô em) ức hiếp, vẫn luôn ca hát nhảy múa lạc quan, đối xử tốt với tất cả mọi người – kể cả mẹ kế và các cô em xấu bụng. Không có một tình tiết nào cho thấy Tấm bị bỏ đói. Nàng không ca hát yêu đời. Nàng cũng chẳng đối xử tốt với ai, ngoại trừ bà lão bán nước. Nhưng nàng bị ức hiếp, chỉ bởi 2 người thân (dì ghẻ và 1 cô em).
Nàng bị cô em gái lừa cho một vố trong cuộc cạnh tranh dải yếm đào - rõ ràng nàng có một cô em ranh ma hơn mình. Nhưng nếu nói là ức hiếp thì hơi quá. Thuở bé, trong đám trẻ con anh chị em với nhau, kiểu gì chả có đứa bắt nạt và đứa bị bắt nạt. Huống hồ đó là em gái mình – chuyện này về lý và tình đều có thể cười xòa cho qua. Nhưng với Tấm, nàng đã khóc.
Nàng hay khóc. Bị em gái lừa, nàng khóc. Cá bống mất, nàng khóc. Phải nhặt thóc không được đi hội, nàng khóc. Không có quần áo đẹp đi hội, nàng khóc. Chẳng lẽ hoàn cảnh khó khăn không tôi luyện nàng thêm cứng cỏi hay nhẫn nại hơn chút nào ư? Hay nàng vốn là cô gái yếu đuối, tự ti, bị động, nhưng tuổi trẻ khiến nàng không cam chịu (thời xưa, phải dùng từ “không an phận”)? Hay nàng thực ra mới được trải nghiệm hoàn cảnh chưa đến nỗi cực nhọc, hoặc cực nhọc chưa đủ lâu để hình thành bản tính mạnh mẽ hơn, kiên nhẫn hơn, cam chịu hơn? Nhưng giả như nàng đã có đủ chữ nhẫn rồi? Tại sao nàng vẫn hay khóc?
Vì mỗi lần nàng khóc, Bụt đều hiện lên giải quyết êm đẹp mọi rắc rối cho nàng. Nếu là bạn hay tôi, có quí nhân hoàn hảo, miễn phí như vậy thì chúng ta chả nguyện khóc suốt đời. Nàng quá may mắn, mà may mắn chỉ đến với người biết sử dụng nó. Tấm cũng là con người như ta thôi, nàng dựa dẫm hoàn toàn vào vị thần may mắn khi chưa đủ năng lực. Đây là một điểm đáng khen của nàng: biết cách tận dụng cơ hội.
Bụt luôn hiện ra ngay khi Tấm rơi nước mắt. Bụt chẳng qua là giải pháp, là ước nguyện, là cơ hội đổi vận đổi số. Có khó khăn, sẽ có giải pháp; một cánh cửa đóng, sẽ có cánh khác mở ra; cơ hội luôn hiện hữu, chỉ là có biết tận dụng hay không mà thôi. Ai bảo cha ông ta không thâm thúy?

Nhưng sau khi làm vợ vua, nhiều người nói tính cách Tấm thay đổi 180 độ. Tại sao?
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tính cách con người tới tuổi niên thiếu căn bản đã được hình thành, khó có khả năng thay đổi lớn. Chỉ là có cơ hội (hoàn cảnh, sự kiện, con người…) để những tính cách tiềm ẩn phát động ra ngoài hay không mà thôi.
Triết học phương Đông lại nói, mọi thứ đều luôn biến đổi. Tính cách con người cũng vậy. “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông” (Heraclitus – không may ông này lại ở phương Tây). Những tính cách mâu thuẫn cùng nằm trong một bản thể, thậm chí xảy ra cùng lúc, là chuyện thường thôi.
Tấm gặp bước ngoặt cuộc đời: “bạch ốc phát công khanh” - một bước lên làm phượng hoàng. Nàng có chồng là vua – có địa vị, quyền lực, tiền tài (hẳn nhiên rồi). Hoàn cảnh mới khiến nàng đủ năng lực tự đối phó với bão tố cuộc đời, không còn khóc lóc hòng làm cho Bụt hiện ra. Nàng tự thân bền bỉ chiến đấu với mọi mưu ma chước quỉ của mẹ con Cám. Dì ghẻ chặt cây hại chết, nàng hóa thành chim vàng anh. Cám nghe mẹ giết chim, nàng hóa thành 2 cây xoan đào. Cám nghe mẹ chặt cây, nàng hóa thành khung cửi. Cám nghe mẹ đốt khung cửi, nàng hóa thành cây thị. Nàng trở lại địa vị cũ, xinh đẹp hơn, giết Cám một cách tàn bạo, gián tiếp giết dì ghẻ. Tấm độc lập, dứt khoát, kiên định, nhẫn nại và độc ác.
Khi còn bé, nghe thầy cô giảng, tôi được dẫn dắt hiểu theo kiểu: nhân cách của Tấm bị thoái hóa trong quá trình đấu tranh sinh tồn giống như “gần mực thì đen”, hoặc nàng buộc phải tàn nhẫn hơn những kẻ tàn nhẫn với cuộc đời nàng để giành lại hạnh phúc mà vốn dĩ là của nàng.
Nhưng dựa trên tình tiết truyện, tính cách Tấm khá nhất quán. Khi thân cô thế cô, nàng làm “con ngoan”, dì ghẻ bảo gì nghe nấy, biết tận dụng cơ hội trời cho – quí nhân Bụt – để đạt được những gì mình muốn. Rõ ràng nàng khôn ngoan một cách có tính toán, hoặc đơn giản thụ động sống theo bản năng. Khi đủ sức mạnh, nàng cho thấy mình không phải kiểu người thứ hai. Nàng không dựa dẫm, không thụ động. Nếu nàng khóc, có thể Bụt lại hiện ra – lúc này Bụt chắc hẳn chính là nhà vua, chồng nàng, một người quyền lực nhất, đủ quyền năng xử lý mẹ con Cám tức thì. Nhưng nàng đã không làm điều đó, cũng không nhỏ một giọt nước mắt nào kể từ lúc đổi đời, có đủ năng lực. Có thể hiểu, đây mới là con người thật sự của nàng. Trái ngược hẳn với cô em gái dù ranh ma, yếu bóng vía, nhưng dựa dẫm (do được cưng chiều). Mặc dù khá khó hiểu khi nàng không “tận dụng” nhà vua – việc nàng vốn dĩ làm rất giỏi trước đó. Có thể nàng quá tự tin và chủ quan về năng lực của chính mình – điều này có thể chấp nhận được khi bạn còn trẻ.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao Tấm lại hành xử tàn nhẫn như vậy với 2 người thân duy nhất trên đời của nàng?
Nhìn lại thời gian trước khi đổi vận, rõ ràng mâu thuẫn gia đình của họ rất bình thường, chỉ là mấy chuyện hơn thua, tranh giành lặt vặt. Mẹ con Cám cũng chỉ hành động theo tâm lý bình thường của kẻ có lợi thế, và vẫn trong khuôn khổ xã hội chấp nhận được. Chỉ sau khi Tấm đổi đời – nàng lúc này thuộc giai cấp quí tộc hoàng gia – có lẽ hơn hẳn giai cấp bình dân hoặc quí tộc nông thôn của mẹ con Cám. Nàng bị mẹ kế hãm hại do ghen tị, tham lam và thiển cận (nếu bà khôn ngoan, tỉnh táo hơn, có lẽ nên tận dụng cơ hội này bảo Tấm đưa Cám vào cung, với bản tính của nhà vua - có thể nhìn giày mà lấy Tấm, Tấm chết lấy luôn Cám - thì hẳn không tiếc gì nhận thêm một phi tử nữa. Nhưng thật không may, đố kị đã khiến bà mờ mắt). Đây không thể gọi là đấu tranh giai cấp được, vì Mác, Lê nin và các triết gia vĩ đại đều bảo, động cơ của đấu tranh giai cấp cao cả hơn nhiều: đấu tranh để xóa bỏ áp bức bất công, xóa cũ lập mới (chính quyền). Tấm ở địa vị thống trị, nhưng nàng chưa kịp làm gì thì đã bị tầng lớp thấp hơn tiêu diệt, với động cơ xấu xa hơn nhiều: chiếm đoạt địa vị và tài phú của nàng. Tóm lại đây vẫn chỉ là mâu thuẫn gia đình, nhưng đẩy lên mức độ cao nhất: giết người.
Cám thay chỗ của Tấm, làm phi tử. Như vậy lúc này địa vị của hai bên đã cân bằng – cùng thuộc giai cấp quí tộc hoàng gia. Nhà vua – vị này lại tiếp tục gây khó hiểu khi chả có ý kiến gì với cái chết của ái phi, còn hành động giống như hầu hết các giống đực khác, “hoa thơm hái cả cụm”, đồng ý lấy luôn cô em làm vợ. Có lẽ trong hậu cung của ngài, các phi tử nay sống mai chết cũng bất ngờ như Tấm, nên chả có gì đáng phải bận tâm. Mất Tấm thì có Cám đấy thôi. Dù sao, nhân vật phụ này đã bị dìm hàng đáng kể khi thể hiện bản tính trăng hoa, lạnh lùng, và tất nhiên cũng thật tàn nhẫn. Sống bên cạnh những con người nhẫn tâm như thế, rõ ràng để tồn tại và chiến thắng, bạn phải chơi theo cách của họ, và phải giỏi hơn họ. Tấm đã làm như vậy. Những lần chết đi sống lại tiếp theo của nàng chỉ thể hiện một điều: nàng đang học bài. Nàng chưa đủ giỏi hơn họ nên nàng vẫn thua. Nhưng nàng bền bỉ không đầu hàng, mà tiếp tục học. “Có chí thì nên”. Trong cuộc chơi với sinh mạng, cái giá của thắng/thua tất nhiên là mạng sống. Đoạn cuối cùng, nàng đã học thành tài, giỏi hơn mẹ con Cám - tàn nhẫn hơn – nên nàng thắng, còn mẹ con Cám mất mạng.
Màn chiến đấu sống còn kia vẫn chỉ trong phạm vi gia đình – hai phi tử của vua, hai chị em trong một gia đình. Cũng chẳng có thiện ác, vì các tuyến nhân vật (trừ Bụt và bà lão bán nước) đều có bản tính ác. Kẻ thắng là kẻ ác hơn, “nhẫn” hơn.

Vật chất (tiền tài, địa vị, danh vọng) có ý nghĩa gì ở đây không?
Nếu chồng Tấm chỉ là anh chăn vịt hay lái buôn nhỏ, chắc mẹ con Cám không đố kị đến mức đoạt mạng nàng. Nếu chồng nàng là vị quan lớn nào đó, dẫu có giết Tấm thì cũng khó có cửa cho Cám vào thay thế. Còn Tấm, có khi lại chẳng nhường luôn cho cô em.
Địa vị tối cao của nhà vua đẩy các thái cực tình cảm, ham muốn và động cơ mỗi cá nhân lên độ cao nhất, khiến một số việc phi logic có thể được nhìn theo con mắt hợp lý hơn – vì vua chúa vốn vô tình, hành tung khó hiểu mà. Thế nên, việc cả mẹ con Cám và Tấm quyết sống mái với nhau cũng có thể hợp lý. Đời mấy ai qua được hai vòng lợi danh.

Tại sao series đối đầu lại toàn cảnh chặt, đốt, vặt lông, dội nước sôi? Có lẽ đối đầu ở hậu cung của vua chúa không thể từ bi được. Cứ xem lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, Trung Hoa thì biết, con giết cha, anh em giết nhau, vợ giết chồng… tàn bạo không sao kể xiết.

Còn một vấn đề. Đứng trên lập trường của Tấm, mẹ con Cám đã đoạt mạng nàng 4 lần (chặt cau, giết chim, chặt xoan, đốt khung cửi). Nhưng đứng trên lập trường của mẹ con Cám – và cả nhà vua hay các đối tượng bên thứ ba khác, họ chỉ hại nàng 1 lần (chặt cau), những lần kia do yếu bóng vía mà hành sự. Như thế hẳn càng khó lý giải động cơ của hành vi trả thù cỡ “khủng bố” của nàng ở cuối truyện. Nhưng thôi, cổ tích là nơi gửi gắm nhiều điều khó nói. Ta cứ coi như cùng đứng trên lập trường của Tấm mà nhìn nhận như bao đời nay vẫn làm thế (ưu ái cho nàng Tấm).

Tấm có đại diện cho tầng lớp bị trị - bị đè nén đến mức thoái hóa nhân cách và phải vùng lên làm cách mạng?
Hay câu hỏi đúng hơn, cuộc chiến đấu của hai chị em Tấm – Cám có phải là cuộc đối đầu khốc liệt của hai giai cấp thống trị - bị trị trong xã hội như chúng ta vẫn nghe ra rả ngày trước (và cả ngày nay) không?
Tấm – Cám là chị em cùng cha khác mẹ, Tấm là con vợ trước (không rõ có phải vợ cả không) – nhưng về địa vị chính danh trong thời phong kiến thì hơn Cám một bậc. Như vậy hai người này thoạt tiên cùng giai cấp. Mâu thuẫn của họ có nguồn gốc từ bà mẹ kế, hay chính xác hơn, từ lịch sử các giống loài – sinh vật cái luôn kiếm tìm mọi cơ hội sinh tồn tốt hơn cho con cái ruột thịt của mình. Mâu thuẫn ấy đơn thuần chỉ là mâu thuẫn gia đình: đối xử bên trọng bên khinh giữa hai cô bé, mấy trò vặt vãnh chơi khăm lẫn nhau của bọn trẻ con. Ngay cả khi mâu thuẫn leo thang thành thâm cung đại chiến, nó vẫn là mâu thuẫn gia đình, giữa những người cùng giai cấp.
Vậy sự khác nhau ở đây là gì? Là mâu thuẫn giai đoạn sau lớn hơn giai đoạn đầu vì sự có mặt của vật chất (địa vị, danh vọng, tiền tài). Tấm và mẹ con Cám đều có tham vọng lớn với vật chất, như đại đa số loài người chúng ta.
Có người bảo, do tình yêu nữa. Nhưng rõ ràng tình cảm của vua trong câu chuyện như mây khói. Người chết thì tình cũng hết. Ngày xưa tình yêu của vua chúa vô lượng như hà sa, rải khắp cho cả ngàn cung tần mỹ nữ. Tấm hay mẹ con Cám hẳn nhiên hiểu được điều này. Tấm sau màn thử hài, dù có trúng tiếng sét ái tình với vua, thì cuộc sống trong hậu cung cũng phải khiến nàng tỉnh táo lại, vì nàng có vẻ là người lý trí. Mẹ con Cám thì càng hiểu rõ, thế nên mới có màn em thế chỗ chị ổn thỏa. Tình yêu với vua chúa là xa xỉ, nếu có cũng thật ngắn ngủi. Nên xin đừng nói chuyện yêu đương với những người có dã tâm lớn.

Không phải vấn đề giai cấp, phải chăng là vấn đề tâm lý xã hội?
Con người chỉ có giới hạn chịu đựng nhất định về tâm sinh lý. Khi bị đè nén, áp bức quá mức, họ sẽ vùng dậy phản kháng, thậm chí trở nên rất tàn nhẫn. Bình thường, họ chỉ thể hiện 1 phần mười những gì họ có. Nhưng khi tức giận, người ta có thể dùng hết 7, 8 phần khả năng. Họ dùng hết cả 10 phần năng lực lúc đỉnh điểm của hận thù và căm phẫn.
Tấm có bị áp bức? Có. Giai đoạn đầu nàng thực sự chịu bất công: nàng phải làm hết việc nhà và chăn trâu cắt cỏ, em gái không phải làm gì mấy. Nhưng chưa bi thảm như nàng Lọ Lem. Trong xã hội phong kiến, chuyện bất công nhiều như nấm sau mưa, nhìn lên nhìn xuống đầy người thảm hơn nàng. Thế nên nói nàng căm phẫn, chứa đầy hận thù trong lòng với mẹ và em gái thì có vẻ khiên cưỡng, vô hình chung đẩy nàng tới tính cách nhỏ nhen, chấp vặt, tiểu nhân, tính bản ác. Chỉ có thể đoán, ác cảm và bất mãn với mẹ con Cám cứ tích lũy và lớn dần trong lòng Tấm. Nó bùng nổ khi họ đoạt mạng nàng. Rất may lúc này nàng đã đủ năng lực phản kháng. Màn giết chóc thảm khốc liên hoàn giữa hai chị em cùng cha khác mẹ cho thấy sự đáp trả quyết liệt, ăn miếng trả miếng của hai cô gái. Nó là dấu hiệu suy đồi đạo đức gia đình, đạo đức xã hội? Có thể có, có thể không. Nhưng rõ ràng, có một thông điệp về hiện trạng xã hội đầy thiên kiến và bi quan: mối quan hệ dì ghẻ con chồng, anh chị em nạ dòng, những người vợ chung chồng trong chế độ đa thê, mối quan hệ vật chất – tình cảm trong gia đình, luôn tồn tại vấn đề.

Bản chất con người
Lợi ích lớn đến mức nào khiến người ta có thể bất chấp tình thân, ơn nghĩa nuôi dưỡng, tính mạng của người nhà và bản thân để đạt bằng được?
Con người có thể tàn nhẫn đến mức nào khi đứng trước lợi ích?
Câu chuyện khiến người ta thất vọng: dường như không có giới hạn nào cho lòng tham. Tội ác trùng điệp nối nhau, cái sau rùng rợn hơn cái trước, xuất phát từ lòng ham chuộng hư vinh, sự đố kị, sự thù hận. Mâu thuẫn mẹ kế con chồng, chị em nạ dòng vặt vãnh, chỉ thêm chất xúc tác là địa vị danh vọng, đã bị đẩy lên thành thù hận không đội trời chung. Nhân cách con người dễ bị tha hóa vậy sao? Mâu thuẫn gia đình lẽ nào chính là thứ ươm mầm cho tâm ác, tính ác? Những vết thương lòng mà Tấm nhận được đủ khiến nàng trở nên tàn nhẫn, đáp trả lại bằng cách gây ra những vết thương nặng nề hơn cho đối thủ?

Được rồi, nếu bạn thấy đấu tranh cho hạnh phúc bản thân là chính đáng, bản chất của Tấm không xấu, chỉ là nàng luôn phải sống trong nghịch cảnh - buộc nàng phải mạnh mẽ và tàn nhẫn hơn, vậy sau cùng, Tấm có thấy hạnh phúc không?
“Người bất mãn nơi này sẽ khó mà thấy hài lòng nơi khác” (Aesop).
Nàng diệt được cô em, nhưng vẫn còn cả đám phi tần trong hậu cung. Nay vua nhặt hài cưới nàng, mai vua lại có thể say nắng thứ quyến rũ khác. Nay nàng chết, vua chỉ buồn nhưng cưới thêm em gái nàng; mai nàng đau ốm già yếu, vua có cả đám oanh yến giúp ngài vui. Nàng có thể dùng mọi chiêu trò: chim hót, cây tỏa bóng mát, dệt vải … làm vua hài lòng, nhưng thế thì sao chứ? Ai buộc được tâm của vị cô gia nhẫn tâm kia?
“Cuộc sống là đấu tranh” (Fidel Castro). Với bản tính đầy lý trí, quyết liệt, bền bỉ và tàn nhẫn, Tấm hẳn sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của mình, chỉ là thay đổi đối thủ. “Hạnh phúc là đấu tranh” (Các Mác) – nàng có thể sẽ thấy hạnh phúc. Không phải hạnh phúc trong vinh hoa phú quí bên nhà vua, mà hạnh phúc vì được sống đúng với con người nàng, hạnh phúc với những cuộc chiến ở một nơi phù hợp với tính cách của nàng: hậu cung. Nếu nàng sinh phùng thời, dưới hình hài nam tử, với cá tính cương liệt chừng ấy, hẳn có khả năng đạt thành tựu lớn trên đời. Tào Tháo, Chu Du, Tư Mã Ý… cũng thành đại nghiệp nhờ 2 chữ “nhẫn” đó thôi (nhẫn nhịn, nhẫn tâm).
Nhưng nàng cũng có thể không hạnh phúc. Bản thân nàng đầy chấp niệm: được – mất, thắng – thua, tốt – xấu, đúng – sai… Chấp niệm cực đoan đến mức khiến nàng hạ thủ không lưu tình với mẹ con Cám. Oán nghiệp nặng nề như vậy liệu nàng có giây phút nào thanh thản?

Bản chất các nhân vật được phô bày thật không dễ chịu với người đọc. Câu chuyện muốn nói gì? Phải chăng đang cổ xúy cho Tuân Tử (Nho giáo) khi xây dựng thông điệp “bản chất con người là ác”? Nên nhớ rằng không phải ngẫu nhiên truyện này “sống khỏe” dưới thời Nho giáo dù tình tiết bạo lực và cực đoan. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Ngày nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu tìm kiếm gen “tội phạm”. Thế chẳng phải công nhận học thuyết Tuân Tử đó sao?
Cũng có thể lý giải theo kiểu của Freud, các nhân vật hoàn toàn làm theo bản năng. Họ sống trong một thời kỳ thiếu thốn, khó khăn về vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt không có/hoặc có rất ít sự giáo dục. Họ sẽ có khuynh hướng hành động theo bản năng nhiều hơn lý trí. (Luận điểm của Freud đôi khi chẳng quan tâm đến hoàn cảnh, ông có lúc cho rằng đó là bản chất loài người nói chung.) Bản năng kiếm tìm những thứ nó khao khát, thiếu thốn, muốn chinh phục. Khát vọng điên cuồng và bốc đồng nằm sâu bên dưới tâm hồn, trở thành vô thức. Nó thôi thúc người ta hành động theo bản năng. Đây chính là nguyên nhân của mọi mâu thuẫn và đấu tranh trong xã hội. Tấm, dì ghẻ, Cám, nhà vua đều hành động theo chính bản năng, dục vọng trong con người họ, đáp ứng những nhu cầu của vô thức – chính là cái họ thực sự cần. Đấu đá kẻ mất người còn chỉ là kết quả của hành vi từ vô thức.
Trotski cũng chả cho rằng, bản chất con người là bội bạc, phản trắc đó sao. “Khi cách mạng đang ở thời kì dầu sôi lửa bỏng thật cần hắn, nhưng khi cách mạng thành công thì tốt hơn hết nên đem hắn đi bắn.”

Thực sự không có vấn đề về giai cấp và mâu thuẫn giai cấp?
Rõ ràng bản thân câu chuyện không có vấn đề giai cấp, và hiển nhiên cũng không có mâu thuẫn giai cấp. Chỉ là mâu thuẫn gia đình (dù sau đó phát triển thành màn hậu cung đại chiến).
Nhưng khi đi vào lưu hành trong đời thường, nó đã bị “hiểu nhầm”. Người Việt chả mấy ai để tâm tới những tình tiết bi thảm, độc ác. Không ai quan tâm tới sự ly kỳ và gây sốc của câu chuyện. Nó được lưu truyền qua bao thế hệ ở đất nước này dưới cái nhìn rất dung dị, nhân bản khi người dân đồng cảm cao độ với “cô Tấm thảo hiền”, “cảnh dì ghẻ con chồng”, “ở hiền gặp lành”. Tại sao vậy?
Rõ ràng chính bản thân người Việt cũng đang cố bóp méo câu chuyện một cách đầy thiên kiến. Chúng ta không nhìn vào câu chuyện, mà chúng ta nhìn vào vị trí các nhân vật để ưu ái. Hiển nhiên, với cảnh dì ghẻ con chồng thì con chồng – Tấm – sẽ nhận được cảm thông; chị em nạ dòng, đứa thiệt thòi hơn – Tấm – sẽ được nâng lên; các cô vợ của vua, người chính thống – Tấm – sẽ được bênh vực hơn kẻ đi “chui”. Cuối cùng Tấm toàn thắng. Mà nếu xét về bản chất, lẽ ra người ta phải lên án cả Tấm lẫn mẹ con Cám và nhà vua. Chính xác hơn, câu chuyện bạo lực này lẽ ra chính quyền phong kiến với tư tưởng Nho giáo bảo thủ phải cấm tiệt, không cho lưu hành.
Thiên kiến này không thể tự nhiên sinh ra. Nó xuất phát từ hiện trạng xã hội. Thời xưa, những mâu thuẫn kiểu này nhan nhản, lại được chính quyền và hệ thống tôn giáo nhào nặn tư tưởng, khiến thiên kiến càng trở nên nặng nề.
Ai là nạn nhân thực sự của những thiên kiến này ngoài chính người dân – thời đó chủ yếu là tầng lớp nông dân. Sự hạn chế về giáo dục và bị hủ hóa về tư tưởng, khiến tính cách manh động và thiên kiến của tầng lớp nông dân được củng cố.
Những mâu thuẫn giai cấp âm ỉ khó nói bằng hành động, nhen nhóm trong lòng họ khát khao bạo động, khát khao về cơ hội, khát khao có một bản tính mạnh mẽ, quyết tuyệt để thay đổi vận mệnh.
Dù sao cũng chỉ là suy diễn. Nhưng rõ ràng câu chuyện này sống tới hôm nay là thành quả của giai cấp thống trị thu được trên tầng lớp bị trị, ít nhất về mặt tư tưởng.

Còn trong xã hội hiện tại thì sao?
Đa số người già vẫn kể Tấm Cám như một thói quen – một thói quen đã xây dựng hàng trăm năm, dễ gì bỏ ngay được. Lớp trẻ thấy truyện thật khủng khiếp. Đã có người tìm cách sửa nó.
Có phiên bản hai của truyện. Tôi đã đọc phiên bản mới này. Tầm thường đến mức chẳng có gì đáng bàn.
Cá nhân tôi cho rằng câu chuyện gốc cực kỳ lôi cuốn, và khác biệt. Một phần sức sống của truyện chính là tình tiết gay cấn kiểu đó. Chỉ có điều, nó nên được nhìn nhận đúng với giá trị thật của mình.
Và, quan trọng hơn, không thích hợp cho đám trẻ nít chưa đủ khả năng nhận thức và xử lý hành vi. Vì thế, hãy cẩn thận khi kể nó cho con em nhà bạn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?

Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ...