Self – help có thực sự
giúp bạn thành công?
Self – help là gì?
Wikipedia cho rằng
“Self – help hay self - improvement là một cải tiến bằng nỗ lực tự thân – về
kinh tế, trí tuệ, hoặc cảm xúc – thường chủ yếu dựa trên cơ sở tâm lý học.”
Từ điển
Merriam-Webster định nghĩa: “Self-help là hành động hoặc quá trình làm ai đó trở
nên tốt hơn hoặc vượt qua những vấn đề của họ mà không cần sự giúp đỡ của người
khác, đặc biệt: đương đầu với những vấn
đề cá nhân hoặc tình cảm mà không cần trợ giúp chuyên nghiệp.”
Một số từ điển
Anh – Việt dịch self – help thành “tự lực”, “tự tương trợ”, “tự giúp đỡ”, “tự học”,
“tự lo” – không đúng hoàn toàn hoặc một phần với bản chất của từ này. Dựa vào
các định nghĩa trên, “tự cải tiến”, “tự cải thiện”, “tự hoàn thiện bản thân” có
vẻ gần đúng hơn. Vì vậy trong bài viết này, tôi sẽ dùng từ “tự cải
thiện bản thân” thay cho self – help hay self – improvement.
Nói thêm một
chút. Các khái niệm và thuật ngữ của trào lưu “tự cải thiện bản thân” dùng đại
trà ngày nay đối lập hoàn toàn với lý luận, quan niệm và hoạt động của các nhà
kinh doanh và phân phối chuyên nghiệp. Nhưng bạn có biết không, chúng vốn dĩ được
sử dụng khá nhiều vào thế kỷ 19 ở Châu Âu, trong các văn bản pháp luật và các
tác phẩm chính thống. Một số người cho rằng nó có nguồn gốc từ văn hóa “tự cải
thiện bản thân” và phương pháp Mười Hai Bước.
Cái gọi là nền
văn hóa “tự cải thiện bản thân” lại có gốc gác từ cuốn sách cùng tên Self –
Help, một kiệt tác của Samuel Smiles (1812 - 1904) – nhà cải cách chính
quyền và tác gia người Scotland. Cuốn sách xuất bản năm 1859 ở Anh, khiến tác
giả của nó nổi tiếng chỉ sau một đêm. Cuốn sách khuyến khích tiết kiệm, cho rằng
nghèo đói chủ yếu do thói quen vô trách nhiệm. Nó cũng tấn công vào chủ nghĩa
duy vật và chính phủ chủ trương tự do kinh tế. Câu nổi tiếng nhất đến nay người
ta vẫn trích dẫn lại: “Chúa chỉ giúp những ai biết tự giúp chính mình.” Đây được
coi là cuốn kinh thánh của chủ nghĩa tự do giữa thời Victoria. Smiles nhanh
chóng trở thành một hình mẫu nổi tiếng khắp Châu Âu và Mỹ, một Plutarch thời hiện
đại, được ngợi ca khi “hành động không cần dựa trên bất kỳ nền tảng công cộng
nào”.
Còn phương pháp Mười
Hai Bước để cai nghiện rượu của Bill Wilson xuất hiện trong cuốn Alcoholics
Anonymous: The Story of How More Than One Hundred Men Have Recovered from
Alcoholism (Cho người nghiện rượu: Câu chuyện về cách hơn một trăm người đã cai
nghiện rượu thành công) của ông, xuất bản lần đầu năm 1939 ở Mỹ. Cuốn
sách dựa trên thực chứng và phân tích tâm lý xã hội học rất cuốn hút, đã đúc kết
thành tựu từ thực tiễn thành 12 bước để ai cũng dễ làm theo mà không cần đọc cả
cuốn sách hay phải có kiến thức về tâm lý học, y học. Sau đó, phương pháp này
được áp dụng rộng rãi không chỉ cho việc cai rượu mà còn cho nhiều việc khác
như chữa bệnh, tư vấn tâm lý, giáo dục… Cách công thức hóa kiểu này cũng nhanh
chóng được các tác giả sau đó bắt chước. Vì thế chúng ta mới thấy có nhiều tựa
sách báo, chương trình, khóa học… có format rưa rứa kiểu như 7
thói quen để thành đạt (The 7 Habits of Highly Effective People) –
Stephen R. Covey, Bảy qui luật tinh thần của thành công (The Seven Spiritual Laws of
Success) – Deepak Chopra, Bốn thỏa ước (The Four Agreements) –
don Miguel Ruiz…
Cho đến giờ, đã
có vô số phong trào (chương trình, sách, báo, hội thảo, khóa học…) “tự cải thiện
bản thân”, mỗi cái lại có trọng tâm, kỹ thuật, đức tin, người đề xướng và thủ
lĩnh riêng. Các phong trào “tự cải thiện bản thân” này có đặc trưng là hay công
khai thông tin và các nhóm hỗ trợ trên Internet và trong các cộng đồng nơi những
người có hoàn cảnh tương tự hay sinh hoạt cùng nhau. Sinh hoạt trong nhóm theo
kiểu ngang hàng. Mỗi trào lưu đều có dấu ấn cá nhân rõ rệt (của người sáng lập
hoặc của một vị được mượn danh nghĩa và tư tưởng làm đại diện). Đại đa số đều
có khuynh hướng của chủ nghĩa cá nhân và tính tư lợi (trừ một số trào lưu tôn
giáo) và có một “đức tin” cụ thể. Vô số phong trào loại này đẻ ra vô số đức tin,
đôi khi đối lập nhau chan chát. Nhưng đức tin chủ đạo nổi bật nhất và chung nhất,
chính là tư tưởng “your thoughts shape your destiny” (suy nghĩ của bạn sẽ tạo nên số phận
của bạn) – còn gọi một cái tên khác nghe khoa học hơn là “tư duy tích cực”,
có vẻ như xuất phát từ cuốn sách The Power of the Positive Thinking (Sức mạnh
của tư duy tích cực) – Norman Vincent Peale, xuất bản năm 1952.
Các nhà xã hội học
cho rằng, việc tái bùng phát hiện tượng “tự cải thiện bản thân” ở cuối thế kỷ
20 là một dấu hiệu cho thấy: bản năng tự nhiên của loài người chúng ta luôn tìm
kiếm sự hoàn hảo, đầy đủ đang bị thách thức. “Tính chất chủ quan hậu hiện đại
đã xây dựng nên những chủ thể tự phản hồi trong quá trình hoạt động”, “cuộc khủng
hoảng chủ thể không được diễn đạt rõ ràng mà tái xuất lại – biểu hiện trong
doanh số không ngừng tăng lên khi bán những cuốn sách ‘tự cải thiện bản thân’”
cho thấy con người đang bị gia tăng sự cô lập về mặt xã hội. Người ta tìm kiếm
các nhóm “tự cải thiện bản thân” để tìm người trong tình trạng giống mình, để
có cảm giác an ủi trong nền văn hóa thiếu cảm giác mục đích, dư thừa vật chất
mà không đủ tính cộng đồng và không lành mạnh về tinh thần. Bối cảnh các cá
nhân đổ xô tìm kiếm cảm giác thuộc về một cộng đồng nào đó còn là triệu chứng
khác của sự tâm lý hóa cá nhân. “Việc chiếm giữ trước của cái tôi như một công
cụ kiểm soát xã hội vào giai đoạn cuối thế kỷ 20 chỉ nhằm xoa dịu lo âu chính
trị… trước những kẻ theo đuổi ý thức hệ tự sáng tạo chính mình (self -
invention)”.
Một số nhà tâm
lý học ủng hộ lý luận tư duy tích cực kiểu này, chấp nhận hình thức thực nghiệm
kiểu “tự cải thiện bản thân”. Họ gọi đây là “tâm lý học tích cực”. “Vai trò của
tâm lý học tích cực là trở thành cầu nối giữa tháp ngà khoa học với đường phố,
giữa nguyên tắc chính xác nghiêm ngặt của giới hàn lâm và sự vui nhộn của trào
lưu ‘tự cải thiện bản thân’”.
Các tác phẩm ‘tự
cải thiện bản thân’ đầu thế kỷ 21 mang tính triết lý và dựa trên thực nghiệm
nhiều hơn một thập kỷ trước. Chúng được cho là nhằm mục tiêu thanh lọc lĩnh vực
này theo chiều hướng gia tăng hàm lượng nghiên cứu ‘nghe có vẻ khoa học’ và những
mô hình ‘được thiết kế tốt’.
“Theo từ điển
APA chuyên về Tâm lý học, lợi ích tiềm tàng của phong trào “tự cải thiện bản
thân” vượt trội so với đội ngũ các chuyên gia có chuyên môn và giàu kinh nghiệm
ở chỗ, nó cung cấp tình hữu nghị, những hỗ trợ dựa trên tình cảm, kiến thức dựa
trên kinh nghiệm thực tiễn, bản sắc cá nhân, những vai trò có vẻ có ý nghĩa, và
cảm giác được thuộc về một cái gì đó hay nơi nào đó.” - Wikipedia
Đầu thế kỷ 19,
chỉ có các nhóm tự giúp nhau hiểu và thực hành theo pháp luật và tư vấn chuyện
gia đình. Sau đó nó nhanh chóng lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt
trong giáo dục, kinh doanh, tâm lý và chữa bệnh. Cuối thế kỷ 20, nó đột ngột
quay trở lại, nhanh chóng thành trào lưu hot ở Mỹ khi hàng loạt sách “tự hoàn
thiện bản thân” trong lĩnh vực kinh doanh ra đời và phổ biến tràn lan như dịch
bệnh tới mọi tầng lớp xã hội. Với cái đầu thực dụng của mình, người Mỹ ngay lập
tức cho ra đời một ngành công nghiệp mới: self – help industry hay ngành công
nghiệp chuyên phục vụ nhu cầu “tự hoàn thiện bản thân” của mọi cá nhân và tập
thể. Ngành công nghiệp này mỗi năm cho xuất bản hàng triệu cuốn sách, tổ chức
hàng trăm tới cả ngàn hội thảo, khóa học, video, audio thậm chí cả kênh truyền
hình ở khắp hang cùng ngõ hẻm trên Trái Đất, có giá trị $11 tỷ đô/năm chỉ riêng
ở Mỹ. Có thể nói Mỹ là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất của trào lưu này.
Trong khi các nhà khoa học còn đang nghiên cứu về tính hiệu quả của nó thì người
dân đã không thể đợi kết quả, họ tự mình khám phá bằng cách gia nhập phong
trào.
Ngành công nghiệp
‘tự cải thiện bản thân’ hiện nay được chia thành 2 mảng nhỏ dựa trên trọng tâm
và phương pháp luận, gồm có: tâm lý học tích cực tổng quát (tập trung vào các
hiện tượng và hiệu ứng tâm lý); hiệu suất cá nhân (tập trung vào phân tích, thiết
kế và ứng dụng các mô hình phát triển chất lượng cá nhân).
Ngành này được xếp
vào là một phần của ngành dịch vụ cá nhân. Một số quốc gia còn xếp nó vào làm
nhánh của lĩnh vực phát triển con người, hoặc thú vị hơn, là nhánh của công
nghiệp làm đẹp (như cắt tóc, thẩm mỹ,…). Đừng vội cười. Tất cả đều có lý do
chính đáng và khoa học.
Ngôn ngữ được sử
dụng là công cụ chính trong “tự cải thiện bản thân”. Các nhà khoa học đã nghiên
cứu và chỉ ra, việc tự nói chuyện, tự kỷ ám thị, tự viết ra, tự trình bày, tự
thể hiện bằng lời nói… đều có tác dụng tích cực trong việc điều chỉnh cảm xúc bản
thân, tăng khả năng tự kiểm soát, thúc đẩy cảm xúc tích cực và sự hài lòng,
tăng khả năng tự định hướng và chống chịu lại áp lực xã hội.
Phần lớn những
người “cuồng tín” nhất của phong trào “tự cải thiện bản thân” có hai dạng: hoặc
là người có cái tôi áp đảo, khát vọng tự thể hiện lớn lao và tính tư lợi về mặt
vật chất do ám ảnh từ vài tổn thương trong quá khứ; hoặc là người “yếu đuối” về
tâm thần, dễ bị tác động, thường xuyên thấy lo lắng, căng thẳng, thậm chí bị đe
dọa từ các thử thách, tương tác và sự kiện ngoài xã hội.
Đến hôm nay, sức
sống của trào lưu “tự cải thiện bản thân” không những không bị giảm nhiệt mà
còn lan ra cả thế giới, biến tướng theo một số khuynh hướng không tích cực ở
vài nơi - đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển có mật độ dân cư đông đúc và
trình độ nhận thức còn thấp như Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines,
Thái Lan…
Những cuốn best
– seller cùng kiểu “tự cải thiện bản thân” nhưng trong các lĩnh vực khác đều
không được dân tình những xứ “đang phát triển” chào đón, bất chấp thực tế ở Mỹ
và Châu Âu, trào lưu “tự cải thiện bản thân” ở mảng kinh doanh đã giảm nhiệt
ngay từ đầu thế kỷ 21 (tức chỉ hot độ khoảng chục năm, giờ chủ yếu hưng thịnh mảng
tâm lý học tổng quát và y học).
Nhiều người hẳn đã
nhận ra. Đứng về mặt quan niệm và lịch sử, sách có phong cách kiểu “tự cải thiện
bản thân” hiển nhiên đã có từ ngày xửa ngày xưa, ở mọi nền văn hóa. Trung Hoa
phong kiến có Binh Pháp Tôn Tử với 36 kế, Tứ Thư Ngũ Kinh, … Tiểu Á
có cuốn Ars Notoria chả biết từ thời nào, còn gọi là cuốn Notory Art of Solomon (Nghệ thuật
của vua Solomon) dạy người ta tự luyện ma thuật gì đó để thành nhân vật
siêu phàm, thậm chí có những cuốn cực kì cổ đại như Instructions of Shuruppak (Những
lời răn của Shuruppak) trên đất nung từ 2.500 TCN để giáo huấn đạo đức
trong thời Sumer cường thịnh ở Lưỡng Hà. Châu Âu có những cuốn sách cổ về cải
thiện sức khỏe từ 1.600 năm trước, gần đây hơn có thể kể tới De
Principatibus (Quân Vương) – Niccolo Machiavelli… Không biết Kinh Thánh
của Ki – tô giáo hay Kinh điển Phật giáo dạy người ta cách tu tập và sống cuộc
đời đạo đức hơn có được coi là thuộc loại “tự cải thiện bản thân” không nhỉ? Nếu
thế chúng ta đã biết cuốn “tự cải thiện bản thân” được xuất bản nhiều nhất và
nhiều người đọc nhất trong lịch sử loài người là cuốn nào rồi!
Tuy nhiên, vì nền
công nghiệp “tự cải thiện bản thân” mới chỉ thực sự được điểm mặt gọi tên ở những
năm 90 của thế kỷ trước, nên khi nhắc tới chữ “self – help”, ngầm định là chúng
ta chỉ bàn tới những quyển sách, hội thảo, chương trình… theo thể loại này được
sáng tác ở thời hiện đại hoặc được tái bản nhiều lần ở thời hiện đại. (“thời hiện đại” này tính từ năm 1990 tới
nay nhé các bạn!)
Dù bị coi là sản
phẩm ăn xổi ở thì, xổ ra tiếm lợi giữa thời đại chuyển giao công nghệ xuất bản
(xuất bản trên giấy từ hưng thịnh tới suy giảm trong cuộc chiến với Internet)
- khiến tư duy con người cũng đi từ thâm
sâu, tinh tế, cao quí tới chỗ hời hợt, cơ hội, tầm thường – nhưng không thể phủ
nhận trào lưu này cũng đem tới một số ít tác phẩm có giá trị và vài lợi ích
khác đối với thế giới nói chung và những nước như Việt Nam nói riêng.
Một số tác phẩm
“tự cải thiện bản thân” được đánh giá cao trong lịch sử xuất bản bởi giới
chuyên môn và độc giả. Có thể kể đến như: Seeking wisdom from Darwin to Munger (Tìm kiếm
sự khôn ngoan từ Darwin tới Munger) – Peter Bevelin, Đắc
nhân tâm (How to Win Friends and Influence People) – Dale Carnegie, Bí mật
(The Secret) – Rhonda Byrne, Những kẻ xuất chúng (Outliers) –
Malcom Gladwell…
Thế giới được hưởng
lợi gì từ phong trào “tự cải thiện bản thân”?
Tất nhiên là mọi
lợi ích của một nền công nghiệp mới, như việc làm cho nhiều người, cơ hội nổi
tiếng và giàu có cho một số ít người, tiền có chỗ mới để sinh sôi, nhà đầu tư
có thêm một vài mục trong danh sách, chính phủ có thêm nguồn thu thuế, giới
nghiên cứu các hiện tượng xã hội và tâm lý có thêm việc để bàn, các chính trị
gia có thêm vài mối bận tâm, nhiều thể chế có thêm động lực tích cực, dù chỉ
trong ngắn hạn…
Đối với các quốc
gia có trình độ dân trí thấp, giới khoa học (tâm lý xã hội học…) không có nhiều
tác phẩm có tính đại chúng hoặc nền văn hóa phổ thông chưa có khả năng hấp thụ những
tri thức tinh hoa và phân tích sự kiện bằng con mắt khách quan khoa học. Người
dân khát thứ tri thức bác học đúng đắn nhưng viết cho riêng họ, nên họ dễ “cảm”
cái thứ bình dân mà lại “có vẻ khoa học” gán mác Tây truyền sang. Rõ ràng ở đây,
các sản phẩm “tự cải thiện bản thân” cũng có mặt tích cực. Chúng giúp người dân
tiếp cận “tắt” với một số tư tưởng tiến bộ từ các xã hội phát triển. Tuy nhiên,
khi con người ta chưa đủ tri thức tỏ tường được bản chất vấn đề và nắm bắt cốt
lõi các quy luật tâm lý, xã hội và kinh doanh… thì thường bị “qua mặt” – tức bị
mặt tiêu cực lấn át nhiều hơn (sẽ trình bày ở phần sau).
Hơn thế nữa, giống
sách báo nói chung, tự thân những sản phẩm loại này đã chứa đựng tri thức. Tri
thức thì luôn đáng quí, không với người này thì người kia. Mỗi tác giả, dù là
chuyên gia hay nhà kinh doanh, dù chuyên nghiệp hay amateur, đều nhìn thế giới
theo cách của riêng họ, rồi chia sẻ quan niệm về cuộc đời, thành bại, bệnh tật…
qua lăng kính của chính họ cho chúng ta. Chỉ cần bất kì ai trong chúng ta cảm
nhận và thấu hiểu được thông điệp của họ, đó đã là một thành công của sản phẩm.
Tri thức của “tự cải thiện bản thân” đến giờ thực ra đều ở dưới dạng các lời
khuyên, tư vấn (về bản chất chúng cũng chẳng khác với những gì bạn nghĩ) viết
theo format khiến người ta học được nhiều hơn trong thời gian ít hơn.
Với cá nhân – trọng
tâm của thể loại này – lợi ích khó thấy hơn một chút. Họ sẽ có cơ may củng cố
cái tôi thành công, đạt được những ích lợi nào đó về mặt cá nhân khi tự ám thị
mình trong những lý luận và hành động ‘có vẻ’ thực sự để cải thiện bản thân, kiểu
như: mở rộng thế giới quan và đời sống xã hội, có thêm nhiều mối quan hệ, nhiều
nhóm cộng tác, tinh thần lạc quan tích cực, thêm con đường để lựa chọn, thêm giải
pháp cho vài khó khăn cá nhân (điều mà dù không có những sản phẩm loại này, người
ta vẫn phải đối mặt và có khi còn xử lý hiệu quả hơn). Cuối cùng, “có vẻ” có nhiều
cơ hội cải thiện thực sự cuộc sống về mặt vật chất lẫn tinh thần. (Đối với các nước Trung Quốc hay khu Đông
Nam Á, người ta có xu hướng coi cải thiện về mặt vật chất là đích đến – tư duy
kiểu này chỉ là vấn đề lịch sử, không nên dùng để đánh giá trình độ nhận thức
và phẩm chất thực sự của họ - nhưng giới làm ăn phương Tây thường nhắm vào điểm
này để trục lợi.)
Với Việt Nam, đến
những năm 2005 – 2010 mới bắt đầu có vài cuốn sách bán chạy ở Mỹ được dịch ra
tiếng Việt và nhanh chóng thành “hot” như Rich Dad, Poor Dad (Cha giàu cha nghèo)
– Robert Kiyosaki, Think and Grow Rich (Suy nghĩ và làm giàu) – Napoleon Hill, Awaken
the Giant Within (Đánh thức con người phi thường trong bạn) – Anthony
Robbins,… … đi kèm hàng loạt chương trình và khóa học mì ăn liền nhái theo hay
do chính mấy vị tác giả kia tự đứng ra tổ chức hoặc cho thuê tên tuổi để tiện
làm ăn, kiểu như “Tư duy triệu phú”, “Tay trắng làm nên”, “Thay đổi để thành
công”… chủ yếu đánh vào tâm lý muốn đổi đời nhanh chóng của đại bộ phận dân cư
vẫn đang chật vật mưu sinh, hoặc khuynh hướng đẩy mạnh thể hiện cái tôi và
thành tựu cá nhân qua vỏ bọc của nỗi hoài niệm về một thời khó nhọc, lầm lỡ, bế
tắc của những người đã vượt khó thành công.
Bất chấp phong
trào bị biến tướng tiêu cực ở Việt Nam và một số nước, các tác phẩm “tự cải thiện
bản thân” ăn khách ở các nước phát triển vẫn được nhiều người Việt mến mộ, thậm
chí lý tưởng hóa.
Các cuốn “tự cải
thiện bản thân” phổ biến nhất mọi thời đại – theo bình chọn trên các tờ báo lớn
phương Tây – bạn thử nhìn xem mình đã đọc và thích quyển nào:
1. Đắc
nhân tâm (How to Win Friends and Influence People) – Dale Carnegie, xuất
bản lần đầu năm 1936
2. Bí mật
(The Secret) – Rhonda Byrne, 2006
3. 7
thói quen để thành đạt (The 7 Habits of Highly Effective People) –
Stephen R. Covey, 1989
4. Cha
giàu cha nghèo (Rich Dad, Poor Dad) – Robert Kiyosaki, 1997
5. Ai lấy
miếng pho mát của tôi? (Who Moved My Cheese?) – Spencer Johnson, 1998
6. Vùng
lỗi (Your Erroneous Zones) – Wayne Dyer, 1976
7. Chữa
lành nỗi đau (You Can Heal Your Life) – Louise L. Hay, 1984
8. Đàn
ông sao Hỏa, Đàn bà sao Kim (Men are from Mars, Women Are from Venus) –
John Gray, 1992
9. Suy
nghĩ và làm giàu (Think and Grow Rich) – Napoleon Hill, 1937
10. Tập
truyện Hạt giống tâm hồn (Chicken Soup for the Soul) – Jack Canfield và
Mark Victor Hansen, 1993
Không phải ai cũng thích self – help
Về mặt chuyên
môn, sản phẩm “tự cải thiện bản thân” được cho là ăn xổi ở thì, không có nhiều
tính học thuật và chuyên môn về mặt hàn lâm; một số lượng lớn chạy theo chủ đề
“dạy cách kiếm tiền”. Các tác giả của chúng cũng bị đánh đồng là người cơ hội,
tức thời, không đủ uy tín, thậm chí tệ hơn: không có học vấn. Không phải ngẫu
nhiên khi một số tác phẩm bị phân loại thành “tự cải thiện bản thân”, nhưng tác
giả của nó đã cực lực phản đối, vì cho rằng điều đó khiến tác phẩm của họ mất
đi tính chính thống và đúng đắn về dài hạn và bản thân họ khó duy trì được uy
tín trong giới học thuật.
Sản phẩm ‘tự cải
thiện bản thân’ còn là mục tiêu công kích, chế nhạo và nhại lại trong văn học,
truyền thông, phim ảnh và cả trong cuộc sống. Nhìn chung, tầng lớp tinh hoa và
giàu có ở xã hội phương Tây cho rằng không có điều gì gọi là “tự cải thiện bản
thân”, chỉ là một kiểu chủ nghĩa cá nhân được đưa lên địa vị tối cao quá mức, một
sản phẩm của đời sống xã hội nhạt nhẽo và vì thế, không thực sự hữu ích.
Nhiều học giả -
nhất là ở Mỹ giai đoạn cuối thế kỷ 20 - chỉ trích những tuyên bố từ các sản phẩm
‘tự cải thiện bản thân’ dù có khoác vỏ bọc khoa học cũng không đúng đắn và dẫn
người ta lạc lối. Các nhóm ‘tự cải thiện bản thân’ giống như nghiện chứ không
phải nhóm cộng tác hay liên kết. “Không chỉ không đủ hiệu quả để đạt được mục
tiêu mà còn gây hại cho xã hội” (Steve Salerno).
James Altucher –
chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm – cho rằng ‘tự cải thiện bản thân’ là một
trò nhảm nhí: “Hàng ngàn quyển sách được viết ra bởi những kẻ từng thất bại
kinh doanh và có rất ít thành công nhưng lại muốn hàng triệu người cổ vũ cho
mình trong hiệu sách. Vậy thì họ đang giúp ai chứ? Khi bạn nhìn vào những cuốn
‘tự cải thiện bản thân’ gần đây (nhiều cái tên được đề cập trong cuốn Bí Mật
- The Secret) chúng toàn chìm trong hàng đống scandal. Ai cần chúng chứ?”
Christopher
Buckley trong cuốn sách của mình God is My Broker (Chúa là Nhà môi giới của
tôi) khẳng định: “Cách duy nhất để làm giàu từ sách ‘tự cải thiện bản
thân’ là viết một cuốn”.
Thậm chí, gần
đây trang Forbes còn tổng kết lại toàn bộ những cuốn sách “tự cải thiện bản
thân” giai đoạn cuối thế kỷ 20 đến nay, và đưa ra kết luận: có 7 điểm chung từ toàn
bộ hàng triệu thể dạng của loại hình này và chỉ cần 7 phút để học toàn bộ
chúng. 7 điểm chung này gồm:
1. Cái
nhìn toàn cảnh: tìm lý do, cái gì đang điều khiển bạn và điều khiển kiểu
gì (3 câu why, what, how). Câu hỏi kiểu này sẽ xác định cái gì bạn muốn trong
dài hạn và định vị mục tiêu lớn nhất của cuộc đời. Một số nghiên cứu trải qua
hàng chục năm tại Mỹ cho thấy, người nào lúc còn trẻ (đối tượng nghiên cứu là
sinh viên các trường Đại học) đặt mục tiêu liên quan đến nội tại (như có lòng từ
bi hơn, biết hy sinh, vị tha, cống hiến, tình yêu…) về sau đều thành công và hạnh
phúc hơn những người đặt mục tiêu liên quan đến bên ngoài (như giàu có, danh tiếng,
lợi nhuận, sự nghiệp, nhan sắc, gia đình…).
2. Thành
thạo: để thành công, phải thực hành nhuần nhuyễn công việc mà bạn chọn
là nghề; đồng thời học hỏi từ người khác. Thế giới hơn 7 tỷ người, thiên tài chỉ
đếm trên đầu ngón tay, còn lại đều phải đổ mồ hôi hết. Nếu bạn muốn nổi bật, hiển
nhiên bạn phải làm nhiều hơn, đổ nhiều mồ hôi hơn hẳn người khác. Trong cuốn Những
kẻ xuất chúng (Outliers) của Malcolm Gladwell, những người mà chúng ta
nghĩ họ là thiên tài ngày nay, thực ra đã phải dành rất nhiều thời gian, thậm
chí từ những năm đầu của cuộc đời, để luyện tập đạt được các kỹ năng chuyên môn
một cách thuần thục.
3. Cải
tiến: liên tục thử và sai, thất bại lại tiếp tục thử. Cải tiến là thứ
được sinh ra từ một loạt các thất bại kéo dài. Thành công, thậm chí thành công
ngoạn mục chỉ là kết quả xảy ra rất, rất lâu sau đó. Cuốn sách Mindset
(Tư duy) – Carol Dweck đưa ra khái niệm rất thú vị: tư duy tăng trưởng
(growth mindset) – bỏ qua trí thông minh và tài năng, chỉ tập trung vào học hỏi
và cải tiến. Cuốn sách dẫn chứng bằng một loạt các nhân vật cực kỳ thành công
trong nhiều lĩnh vực ở nhiều thời đại, nhiều quốc gia khác nhau.
4. Tập
trung: là hiệu quả, chứ không phải hiệu suất. Ngày nay, thật dễ mất tập
trung vì email, tin nhắn, cuộc gọi, facebook, tweet… Điều thú vị khi đọc sách “tự
cải thiện bản thân” của các tỷ phú và triệu phú trẻ, kể cả tỷ phú công nghệ; đều
thấy một điểm cực giống nhau ở họ: không bắt đầu một ngày bằng email, facebook,
instagram hay cái gì đó tương tự; bản thân họ cũng không bao giờ đặt ưu tiên
hay chú ý cao hơn trong cuộc sống cho những thứ đó. Thậm chí có người còn khẳng
định thường xuyên xếp lịch để sống thêm những khoảnh khắc không cần email, điện
thoại hay internet.
5. Tích cực:
sống với hiện tại và xua những suy nghĩ tiêu cực khỏi đầu óc. Sai lầm, lo lắng,
sợ hãi… mới là con người. Trong lịch sử tiến hóa của loài người, những cái đó cực
kỳ quan trọng, giúp chúng ta sống sót và duy trì nòi giống.
6. Hợp
tác: nghĩ theo hướng mọi người đều có lợi (win - win) và luôn tạo ấn tượng
ban đầu thật tốt đẹp. Cũng trong lịch sử tiến hóa, loài người đã phát triển khả
năng hợp tác, vì hợp tác tăng khả năng sống sót. Các sách “tự cải thiện bản
thân” đều cho thấy thành công luôn phụ thuộc vào người khác, vì thế hãy luôn đối
xử thật tốt và thật tôn trọng với mọi người. Làm sao để dễ bề cộng tác? Cuốn “tự
cải thiện bản thân” nổi tiếng nhất mọi thời Đắc Nhân Tâm – Dale Carnegie
khuyên rằng: bước đầu tiên phải tạo ấn tượng ban đầu thật tốt đẹp. Vì vậy hãy mỉm
cười và tỏ ra thân thiện với người mới.
7. Nhu cầu
con người: bản thân con người luôn tồn tại mâu thuẫn. Hãy học cách chống
lại nó hoặc chấp nhận nó. Đa số chúng ta đều được khuyên nên từ bỏ những lợi
ích ngắn hạn, nhưng về dài hạn có thể làm hỏng bạn, như: hút thuốc, uống rượu,
nghiền facebook, internet… Thay đổi bền lâu nhất khi nó được xây dựng trên những
thói quen tích cực nhỏ nhặt. Tinh chỉnh ngay những gì bạn có thể làm hôm nay để
tương lai, bạn sẽ được vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Đó là ở Tây. Còn
ở Việt Nam ta, một cách đơn giản nhất để nhận biết “tự cải thiện bản thân” là,
tất cả những gì có chứa các cụm từ như: “XXX bước để YYY”, “để trở thành XXX”,
“làm cách nào để XXX” hoặc những cái tít gây sốc như “start up 0 đồng”, “Kinh
doanh không cần vốn”, “5 bước để thành triệu phú sau 6 tháng”... Nền dân trí
chưa cao, lại thêm việc quản lý kinh doanh và truyền thông lộn xộn của chính phủ
khiến nhiều người dễ bị lay động bởi những ngôn từ thô thiển, “dối trá một cách
trắng trợn”. Một số bộ phận người dân đã tỏ rõ sự phản cảm và bất mãn với các sản
phẩm từ trào lưu này.
Cùng với hiện tượng
“tự cải thiện bản thân” tràn tới Việt Nam, còn có phong trào bán hàng đa cấp. Cả
hai đều được một số người Việt hấp thụ và phát triển theo lối tiêu cực. Đa cấp
đi với “hoa hồng cao tới mức không tưởng”, “lừa đảo”, “vi phạm pháp luật”. Các
khóa “tự cải thiện bản thân” biến tướng theo kiểu cực đoan, “thần kinh dẫm phải
đinh”, “hồ ngôn loạn ngữ”, chắp vá, cả mấy tá khóa học và sách vở đều một nội
dung na ná nhau nhưng chi phí có khi còn đắt hơn đi du lịch vòng quanh Châu Âu
cả tháng. Đôi khi bạn sẽ cảm thấy mấy khóa học bất động sản hay tư duy làm giàu
gì gì đó còn có mùi “đa cấp”. Sau vài vụ bắt giữ các đối tượng đa cấp lừa đảo lớn
ở trong nước, không phải ngẫu nhiên, nhiều người gần đây ác cảm với cả “tự cải
thiện bản thân” lẫn “bán hàng đa cấp”.
Self – help có thực sự giúp bạn thành công?
Nghiên cứu cho
thấy 18% người Mỹ từng tham gia ít nhất một lớp “tự cải thiện bản thân” trong đời.
75-80% số người từng truy cập vào các trang tin “tự cải thiện bản thân” là vì
lý do sức khỏe và vì chi phí hợp lý, nhiều trang còn miễn phí. Vài nghiên cứu gần
đây chỉ ra, có hiệu quả tích cực với các nhóm cải thiện bệnh lý về thần kinh,
trầm cảm, nghiện.
Nói chung, cho tới
nay, các nghiên cứu rất thận trọng ở Mỹ về sức mạnh của các sản phẩm “tự cải
thiện bản thân” cho thấy, trừ lĩnh vực sức khỏe, còn ở các lĩnh vực khác nó không
có hiệu quả thực sự nào.
Nhưng nhiều người
tham gia không nghĩ như vậy. Họ sở hữu một niềm tin và sự tôn sùng đến mức tuyệt
đối vào tác giả, diễn giả, thủ lĩnh… - những tấm gương được khuyếch trương đôi
khi vượt xa sự thật. Ở Việt Nam, những tín đồ này có thể đứng ngoài đường hô
vang các khẩu hiệu tự ám thị kiểu “Tôi là triệu phú!”, “Tôi sẽ kiếm được một
triệu đô đầu tiên sau 6 tháng nữa”… Về lý thuyết khoa học, hành động đó sẽ giúp
họ giải tỏa được một số áp lực nhất định trong cuộc sống, khiến khao khát thể
hiện cái tôi bị giam cầm trong những thành kiến chật hẹp được giải phóng, giúp bản
thân và mọi người xung quanh thư giãn, tạo thêm động lực tích cực cho bản thân…
Một điều thú vị hơn, đa số họ đều tin “suy nghĩ tạo nên cuộc đời” – nên cứ tự
ám thị, tự xây dựng thói quen nghĩ mình thành công, hành xử như người thành
công thì sớm hay muộn cũng sẽ thành công - tất nhiên, thực tế đã chứng minh, tư
tưởng kiểu này khá ấu trĩ và ngây thơ, nhưng lại rất tích cực. Về mặt xã hội,
chẳng có vấn đề gì. Thực sự là chẳng có vấn đề gì! Dù đôi ba người thấy phản cảm
vì kiểu thể hiện “thái quá” đó và phàn nàn trên các diễn đàn hay báo chí. Nói
cho cùng, hành động kiểu đó còn tích cực và tốt hơn nhiều so với việc bạn chạy
theo cái gì đó cực đoan, tệ hại, nghiện ngập.
Khoan đã, chúng
ta đang bàn đến kết quả của các cam kết. Họ có thu được một triệu đô sau 6
tháng không? Họ có thành triệu phú sau 1 năm, 3 năm, hay 10 năm không?... Có thể
có, có thể không. Nếu có, họ trở thành một thành viên chính thức trong nhóm, tiếp
tục đi “truyền cảm hứng” và “lôi kéo” những người khác tham gia. Nếu không, họ
từ bỏ hoặc tiếp tục cố gắng. Có gì đặc biệt không? Không! Câu hỏi mà lẽ ra
chúng ta nên hỏi phải là: Nếu không bị cuốn vào trào lưu “tự cải thiện bản thân”,
chỉ dựa vào học hỏi và trải nghiệm trên đường đời, họ có đạt được những thứ giống
như họ cam kết ở kia không?
Với riêng lĩnh vực
dạy kiếm tiền, ở Việt Nam bạn sẽ khó mà trả lời được câu này, vì phong trào dạy
làm giàu mới bùng phát khoảng chục năm trở lại. Nhưng ở phương Tây, hiển nhiên
đi trước chúng ta mấy chục năm, nên kết quả đã tỏ tường đen trắng phần nào. Câu
trả lời của họ là: rất, rất ít, thậm chí cực kỳ ít người thành công. Nói chung,
nếu bạn tham gia học và làm theo phong trào kiếm tiền này, thì xác suất để bạn thành
triệu phú cũng ngang với xác suất khi bạn không tham gia học và làm theo. Còn tỷ
phú đô la thì xin lỗi, chưa có ai. Mới chỉ có tỷ phú mở lớp dạy kiếm tiền, chưa
có học viên nào nhờ học “tự cải thiện bản thân” mà thành tỷ phú như thầy.
Đó là lý do tại
sao ngày nay, ở Mỹ và châu Âu, các nhóm “tự cải thiện bản thân” đông đúc chủ yếu
chỉ trong lĩnh vực chữa bệnh. Và cũng bởi thế, khiến nó gánh nhiều đánh giá thiếu
tích cực trên nhiều phương diện của các tầng lớp xã hội.
Chính các diễn
giả truyền cảm hứng – những nhà đào tạo theo format trong các phong trào kiểu
này cũng phải công nhận: “Quá nhiều ý tưởng ‘tự cải thiện bản thân’ trông rất
tuyệt vời. Nó có vẻ tự do, tiến bộ và hoàn hảo trong một chiếc quần yoga. Nó có
vẻ như đang làm điều đúng đắn, nhưng đôi khi, không như vậy. Các ý tưởng đó cần
phải được kiểm nghiệm.” Trong nhiều trường hợp, người ta chỉ đơn giản thay thế
một dạng ham muốn hay vấn đề bằng một cái khác trông có vẻ tốt hơn.
Danielle LaPorte
– diễn giả truyền cảm hứng – trong cuốn sách của mình White Hot Truth (Sự
thật trắng trợn) cho rằng đôi khi “con đường ‘tự cải thiện bản thân’ có
thể trở thành tự phá hủy bản thân (self – destruction)”. Bà nêu ra 4 kiểu ‘tự cải
thiện bản thân’ có thể làm bạn trở nên tồi tệ hơn:
-
Sa vào một vài hoạt động tâm linh hoặc đức tin
có tính cực đoan nhằm tránh cảm giác đau khổ hay khao khát được phát triển bản
thân;
-
Tuân theo quan điểm phải từ bi nên đã quá khoan
dung với những hành vi xấu hoặc những đối tượng muốn lợi dụng thao túng mình;
-
Luôn giữ quan niệm thưởng và phạt, cảm thấy tội
lỗi khi mỗi ngày trôi qua không học thêm điều gì mới hay phát triển thêm cái gì
đó;
-
Cho rằng một tư tưởng có thể phù hợp với nhiều
người như một chiếc áo cỡ L cũng khoác vừa mọi đối tượng.
LaPorte khuyên
những người tham gia ‘tự cải thiện bản thân’ nên kiểm tra lại thật kỹ động cơ của
mình: “hãy dành thời gian để tự nghiền ngẫm và hỏi bản thân xem bạn đang thực sự
tìm kiếm điều gì và tại sao”; “nếu không ai có thành tích gì trong các hoạt động
này thì liệu bạn có muốn thực hiện việc đó?”. Đồng thời phải cảnh giác thật cao
độ, đừng có vội vã mở lòng với tất tật mọi người, trái tim chỉ nên dành cho những
người “tôn trọng và quan tâm, đồng thời phải thực sự, thực sự yêu thương” chúng
ta. Đối với những người “đơn giản” hoặc “cuồng tín”, nghĩ rằng họ cần tuân thủ
mọi thói quen và hoạt động mà người hướng dẫn hay một chuyên gia ‘tự cải thiện
bản thân’ nào đó như Deepak Chopak hay Tony Robbins đưa ra, thì phải cẩn thận.
Hãy học cách nghĩ cho bản thân. Người thầy giỏi sẽ hướng dẫn cho học viên phù hợp
với trình độ căn cơ của họ và cho họ thấy những gì họ cần chứ không phải chỉ
theo một công thức nhất định. Sau một thời gian, bạn nên dừng lại để xem liệu
nó có thực sự hữu dụng với bạn không. Chẳng có con đường nào chung cho mọi người.
Đôi giày đẹp với người ta chắc gì đã bạn đã đi vừa.
Nói thế thôi. Vì
bất chấp tất cả, ngành công nghiệp này vẫn đang trên đỉnh cao thịnh vượng. Một
số người đầu tư công sức, thời gian và tiền bạc, thậm chí coi đó là sự nghiệp của
đời mình.
Ngày 30
tháng 5 năm 2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét