Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Luận Anh Hùng - Cheryl Phạm: Chương 22 - Hào Kiệt Tranh Hùng



Chương Hai Mươi Hai: Hào Kiệt tranh Hùng

Mơ nghiệp lớn, nhà nhà nổi dậy
Loạn sứ quân, hào kiệt tranh hùng

Đúng như Chương Dương Công Dương Tam Kha lo lắng, chỉ một ngày sau khi từ Ái châu về, triều đình đã phân thành hai phe rõ rệt. Phe do Hữu tướng kiêm Thứ sử Phong châu Kiều Tri Hựu và lão tướng Đỗ Cảnh Thạc cầm đầu, muốn Lục hoàng tử nối ngôi. Phe kia do Tả tướng Lã Xử Bình và Uy vũ tướng quân kiêm Thứ sử Vũ Ninh châu Dương Huy cầm đầu, muốn phò tá hoàng tử Ngô Xương Xí.
Trong lúc hai bên kịch liệt tranh cãi suốt một tuần, không bên nào chịu nhượng bộ, thì Lục hoàng tử bị giết hại trong đêm. Con dao vấy máu còn nằm trong tay Kiều phi ngủ bên cạnh. Khi nghe tiếng cung nữ thét lên hoảng sợ, Kiều phi tỉnh dậy, nhìn xác con đã lạnh ngắt, hiểu ra, liền phát điên, dùng dao đâm loạn khắp nơi. Đến khi thân phụ Kiều Tri Hựu tới, nàng mới tỉnh lại, gục xuống chân cha ngất xỉu. Tối đó, Kiều phi tự sát.
Tri Hựu vô cùng tức giận, kết tội cho Xử Bình, đòi tra án. Nhưng từ lúc Nam Tấn Vương lên ngôi, vua chỉ quan tâm tới đánh trận và dẹp loạn, không mấy để tâm để các sự vụ khác, Bình nghiễm nhiên quản lý mọi sự. Nay Hựu bảo, nhưng không biết tìm ai giúp mình, tức giận bỏ về Phong châu.

Tháng 9 năm Ất Sửu (965), Xử Bình lập tức đưa Ngô Xương Xí lên ngôi, xưng Định Vương. Nhiều tướng soái không phục.
Nguyễn Thủ Tiệp bỏ về Tiên Du chiêu quân, xưng Nguyễn Lệnh Công.
Đỗ Cảnh Thạc bỏ về Đỗ Động lập bản doanh.
Kiều Tri Hựu nghe tin, tức giận đập phá hết thư phòng, sau dùng bạc mộ thêm binh ở bản doanh Phong châu, xưng Kiều Tam Chế.
Tháng 10 năm Ất Sửu (965), sau khi Nam Tấn Vương mất được hơn hai tháng, Kiều Tam Chế dẫn binh từ Phong châu tiến vào Cổ Loa, đòi diệt Lã Xử Bình và Ngô Xương Xí.

Trong lúc đó, tại Cổ Loa thành, tình hình trở nên rối ren hơn. Nội bộ Xử Bình và Dương Huy mâu thuẫn, vì lão tướng Dương Cát Lợi không đồng ý Xí làm vua. Cát Lợi nói:
-         Hắn là con một kẻ tiếng xấu thành danh, hẳn phải nỗ lực hơn người để chứng tỏ mình xứng với ngôi báu. Nhưng thực tế đến giờ hắn cũng chưa có công trạng nào đáng kể, tài đức cùng thường thường bậc trung. Giữa thời thế loạn lạc này, người như thế làm sao khiến kẻ khác phục. Thiên hạ đã loạn chỉ càng thêm loạn.
Nghe ông nội phân tích, Dương Huy thấy có lý, bèn bảo Xử Bình:
-         Ta thấy thay vì cho hắn lên, chi bằng ông hay ta lên ngôi, có khi còn được lòng người hơn đấy.
Xử Bình nạt nộ ông cháu Dương lão tướng:
-         Phản rồi! Phản rồi! Cát Lợi và Dương Huy đều là trung thần ái tướng mà còn mang lòng phản nghịch. Thử hỏi còn bao nhiêu người tận trung với nhà Ngô?
Nhìn Xử Bình than khóc, Cát Lợi ôn tồn bảo:
-         Xử Bình, ông hẳn thấy nhà Ngô lẽ ra đã mất từ lâu. May được Dương Bình Vương trợ lực mới có chút gốc rễ mà kéo dài tới hôm nay. Giờ nhà Ngô đã mất hoàn toàn nhân tâm, là lúc cáo chung rồi. Hãy để cho kẻ xứng đáng hơn lên thay.
Sau đó, Dương Cát Lợi dẫn đầu một phe bá quan, đòi phế Định Vương Ngô Xương Xí. Nếu Xí không hàng, sẽ giết không tha. Quân lính lùng sục khắp triều điện tìm Xí.
Trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, Bình phái một đội quân thân tín, hợp với nhóm quân riêng của Xí, bảo hộ Xí an toàn chạy thoát ra ngoài thành. Còn Bình ở trong cung điện cùng thân vệ, giáp mặt đấu với Dương Cát Lợi. Khi Lợi bị kiếm của một binh tốt đâm vào tim từ phía sau, Bình và Huy đều tái mặt. Huy gào khóc, ôm lấy ông nội. Lúc đó, Đinh Liễn –con tin do Lợi giám sát, nhưng nay coi Lợi như cha mà xót – nhặt kiếm của Lợi và xông thẳng ra chém chết binh tốt kia, rồi quay sang đánh Xử Bình. May được thân vệ bảo hộ, Bình thoát chết và thối lui vào đại điện. Ở đây, cấm vệ quân đông đúc đã vào ứng cứu kịp, đánh bật đám người Đinh Liễn, Dương Huy ra khỏi cung.
Cát Lợi được đưa về phủ, chỉ còn thoi thóp. Dương Huy và Đinh Liễn nghẹn ngào nắm tay lão tướng. Huy căm hận nói:
-         Ông nội, con nhất định sẽ băm xác tên họ Lã kia ra trăm mảnh.
Lợi khó nhọc mở mắt, từ ái nhìn hai chàng trai, nắm chặt tay hai người, bảo:
-         Đừng hận Xử Bình. Hắn quá tận trung với nhà Ngô, dù biết thời thế thay đổi nhưng vẫn không chịu dứt bỏ chấp niệm. Hắn còn đáng thương hơn Dương Bình Vương. Ta nay đã sống đủ rồi. Ta phụng sự bao đời chúa đất này, và đều thọ hơn các ngài ấy. Thế là quá đủ rồi. Đương lúc loạn lạc, quần hùng đua tranh. Kẻ hào kiệt nhất mới xứng đáng với ngôi vị tối cao. Các con còn trẻ. Trời cho cơ hội này. Các con hãy gắng hết sức mình.
Nói rồi Dương lão tướng quân nhắm mắt, nụ cười còn đọng trên môi. Dương Huy và Đinh Liễn khóc thống thiết. Dương lão tướng được đưa về an táng ngoài thành Cổ Loa. Sau đó, Dương Huy trả tự do cho Đinh Liễn. Huy bảo Liễn:
-         Cậu được tự do. Vì ông nội coi cậu như con cháu, nên ta cũng sẽ đối xử với cậu như người thân. Giờ ông đã mất. Nếu cậu muốn thì cứ ở lại Dương tướng phủ này, còn nếu không thì đi đi.
-         Thế anh định đi đâu?
-         Ta làm theo lời ông. Đi chiêu binh mãi mã, cùng quần hùng đua tranh, mưu nghiệp lớn.
Nói rồi Huy giã từ, đi về Vũ Ninh châu - nơi Huy đang giữ chức Thứ sử - để chiêu binh, chờ ngày nổi dậy.

Đinh Liễn hôm sau cũng bái biệt người nhà Dương lão tướng, dự định về lại Hoa Lư. Nhưng chưa kịp ra khỏi thành thì quân Kiều Tri Hựu từ Phong châu kéo tới, chặn kín các cổng thành Cổ Loa, không cho ai ra thoát. Liễn ngẫm nghĩ, thấy đây là một cơ hội để diệt Bình và Hựu - hai kẻ có thế lực nhất triều đình, bèn trà trộn vào đám binh của Hựu, đi vào trong cung.
Cuộc chiến binh đao trong cấm cung giữa Lã Xử Bình và Kiều Tri Hựu diễn ra ròng rã hơn hai tháng trời. Vô số thương vong. Không quan tướng nào dám bén mảng vào cung. Bình nắm cấm vệ quân và gần một phần ba đại quân dưới trướng, tổng cộng có hơn hai vạn. Hựu có bản doanh ở quê nhà với gần 5.000 binh, nay chiêu thêm được chừng gần một vạn nữa, tổng cộng có hơn một vạn rưỡi.

Đánh nhau mãi không phân thắng bại, Hựu đề nghị Bình thương lượng. Y bảo Xử Bình:
-         Nay đất này chỉ có hai ta tranh tài. Nhưng cứ mãi đụng binh thế này đều hao tổn cả hai, lợi cho kẻ khác. Chi bằng để một trong hai ta làm vua. Hoặc giống như anh em Nam Tấn Vương, ta và ông cùng lên ngôi trị nước. Có được hay chăng?
-         Ai bảo chỉ có hai ta? Ngươi không thấy bao kẻ xưng hùng xưng bá ngoài kia sao? Chúng đều lăm le bổ ta và ngươi ra trăm mảnh để ngồi lên cái ghế kia. Mà kẻ mãng phu thiển cận như ngươi sao xứng cai trị đất này.
Nói rồi lại ra lệnh cho quân xông tới đánh Hựu.
Hai bên đấu đến qua Tết Nguyên Đán năm Bính Dần (966). Hựu thua phải chạy về Phong châu.

Tháng 3 năm Bính Dần (966), Bình thu dọn tàn cục ở Cổ Loa, tự mình xưng Vương. Nhiều tướng soái không thần phục, mang binh ra đánh, đều bị Bình dẹp hết.
Phạm Bạch Hổ chạy về quê, sau khởi binh ở Đằng Châu, tự xưng Phạm Phòng Át. Mấy lần Hổ đưa quân đánh vào Cổ Loa, đều bị Bình đánh lui.

Còn Ngô Xương Xí, sau khi trốn khỏi Cổ Loa thì dừng chân vài nơi: Chương Dương độ, Nam Giao, rồi về châu Ái, đụng binh với Ngô Nhật Khánh – lúc trước xưng Ngô Lãm Công, nay đổi thành An Vương. Xí bị thua phải chạy trở ra Trường châu, cầu cứu Chương Dương Công Dương Tam Kha, sau quay lại châu Ái được Dương gia giúp đỡ lương bạc và khiến Nhật Khánh không dám khinh nhờn. Xí ra ngoài thành Tư Phố, tìm xung quanh, thấy đất Bình Kiều dễ thủ khó công, bèn cho đóng bản doanh ở đây, chiêu binh mãi mã, chờ ngày đánh vào Cổ Loa, lấy lại ngôi vị.

Tháng 8 năm Bính Dần (966), Nguyễn Lệnh Công Nguyễn Thủ Tiệp sau mấy bận đánh vào Cổ Loa bị thua, bèn quay ra đánh Dương Huy ở Vũ Ninh. Dương Huy bỏ mạng. Tiệp chiếm được Vũ Ninh, tự xưng Vũ Ninh Vương.
Mạn Phúc Lộc châu, Hoan châu, Trường châu, có nhiều sứ quân nhỏ lẻ. Đinh Bộ Lĩnh đánh đâu thắng đó. Tất cả thủ lĩnh, hào trưởng lẫn thổ phỉ ba châu này đều lần lượt qui hàng.

Tháng 9 năm Bính Dần (966), Kiều Tri Hựu dẫn hơn một vạn binh công thành Cổ Loa, sau lại có thêm Kiều Thuận mang gần vạn binh trợ lực, thế như chẻ tre. Xử Bình thất thủ. Trong đại điện, lúc Tri Hựu cùng Thuận đang vây đánh Xử Bình thì Đinh Liễn – vốn núp trong quân Tri Hựu mấy tháng nay - nhảy ra, đâm Thuận trọng thương, lại suýt một đao giết chết Hựu. Hựu và Thuận sợ quá, bỏ chạy thục mạng về Phong châu. Còn lại Xử Bình, Liễn không khách khí chặt đứt cánh tay phải cầm đao của y, bồi tiếp một kiếm xuyên ngực. Bình gục ngã. Liễn lau sạch máu ở đao, trở về Hoa Lư tìm cha.
Con trai Bình là Lã Đường nghe tin cha chết, sợ hãi dẫn theo thân quyến và binh lính rời khỏi Cổ Loa tức thì. Sau tới Tế Giang lập thực ấp, chiêu binh, tự xưng Lã Tá Công.
Cổ Loa lúc này không còn ai trấn thủ.
Hơn một tháng sau, biết tin, Kiều Tri Hựu mang binh vào chiếm Cổ Loa. Kiều Thuận mang binh tới đòi chia phần, bị Hựu từ chối. Hai anh em xua quân đánh nhau một trận to ở trong thành. Thuận thua, phải rút về Phong châu.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?

Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ...