Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Những Thành Phố Bên Bờ Biển Cả - Cheryl Pham: Chương 18 - HẾT


18 – Kết cục


Sáng sớm hôm sau, ông già Phúc dậy từ tờ mờ như thường lệ. Ông đi ra mạn bờ đê đặt lưới, nhưng thấy tiếng chim lợn kêu ran mé đằng nam. Ông nhìn về hướng đó thấy chim bay lên một đàn. Mắt ông nháy liên hồi từ lúc tỉnh dậy. Hẳn có điềm không hay rồi. Ông đặt vội thanh sào chống, rồi đi lên bờ, vòng vèo qua dãy mả nát để không phải lội xuống bãi lau sậy. Ông nhìn khắp bờ thửa rìa bãi tha ma. Vẫn còn đầy dấu chân vội vã, bùn đất còn đọng lại và vài thanh đuốc cháy hết vất đó. Ông nhìn ra bãi lau sậy mênh mông giáp ranh, thấy có dấu vết người lội qua thành rãnh nhỏ. Dù gió thổi mạnh xóa bớt đi dấu vết trên thân lau phía trên, nhưng váng bùn phía dưới còn nguyên nếp. Ai đi xuống bãi lau mênh mông thế này hẳn rất liều lĩnh. Chưa kể rắn độc, chẳng may rơi vào những chỗ bùn sâu hoặc sẩy chân, đuối sức thì chỉ có sặc bùn mà chết. Ông chậc lưỡi thở hắt ra.
Ông lão quay người nhìn bốn phía, chợt thấy thanh sào đặt dấu ở bãi lau sậy phía trong bãi tha ma biến mất. Cứ khoảng một hai mẫu đất, ông lại cắm một cây sào để đi lượm bẫy dập bắt chim và vó cất cua, lươn, trạch. Bãi lau lớn gần rìa này rộng khoảng năm mẫu. Ông cắm ba cây sào, giờ chỉ còn hai cây ở hai bên góc. Ông lại vòng qua đống mả. Nhưng chỉ vừa mới thoát khỏi đám sậy che mắt, ông đã kinh hãi nhìn thấy một bóng người nằm trên mặt bờ cỏ còn chi chít dấu vết chân và sình lầy. Chỉ cần nhìn cái áo, ông cũng biết đó là Lan. Cái áo hoa vàng bằng chất liệu tốt đã lâu không thay giặt, chỉ hơi sờn màu và bẩn thỉu, còn nguyên từng đường chỉ. Ông già chân tay như rụng rời, nước mắt đã chảy ra khiến mắt ông như mờ đi một lúc. Ông lảo đảo đứng vững lại, rồi lập cập vượt qua mấy ngôi mả, tới chỗ cô gái đang nằm. Ông ngồi bệt xuống bờ cỏ cạnh cô gái, hơ tay lên mũi cô. Không còn thở nữa. Người cô đã lạnh ngắt, đầy vết đánh đập. Tay chân và đầu đã tụ máu đen. Ruồi nhặng bâu đầy những chỗ có vết thương da thịt tróc ra. Ông già kéo áo lau nước mắt, tay run lập cập kéo bàn tay cô đang túm bụi cỏ và một chân cô gái đang ở dưới bùn lên, rồi lấy tay xua ruồi nhặng liên tục trên mặt cô đang nghiêng trên cỏ. Tóc cô bết vào mặt. Máu đã đông lại đen kịt.
Ông khóc. Chưa bao giờ ông khóc nhiều thế trong đời. Ngay cả khi vợ ông mất. Đến lúc mặt trời lên hẳn, nắng xua bớt hơi lạnh của đầm lầy. Ông già lấy tay quệt nước mắt, run lẩy bẩy đứng lên. Ông khó nhọc loay hoay mãi mới kéo được hai tay cô lên vai, cõng cô về chòi canh. Vừa run rẩy bước đi, ông vừa khóc.
Ông đưa cô lên chòi canh, đặt vào trên chiếu. Chỗ này cao, ruồi bọ, rắn rết sẽ không xộc vào được. Ông lấy khăn xấp nước sạch trong chậu đất nung, lau mặt và tay chân cho cô gái. Những vết thâm tím và trầy xước chằng chịt vì bị đánh đập hiện ra rõ mồn một. Ông già lặng người đi, rồi lại khóc.
Đêm qua, cả cái làng này chạy ra đây tìm người. Bao nhiêu kẻ đã đánh con bé ra nông nỗi này? Làm sao chúng lại không phân biệt được một người điên ngày nào chúng cũng gặp trong làng và kẻ giết người xa lạ nào đó cơ chứ? Ông lão ngồi lặng một lúc, rồi đứng dậy lau mặt, đi vào làng.
Ông đi tìm trưởng thôn. Trưởng thôn là một người cháu họ xa của ông. Ông già đầy giận dữ, không nói lên lời, lôi tay trưởng thôn qua bãi tha ma, đến cái chòi rách của ông ở gần bờ đê. Ông chỉ vào cô gái điên đã nằm chết trên chiếu, người đầy thương tích, gằn giọng nói từng chữ:
“Tại sao các người lại đánh đập con bé đến chết thế này? Nó đã làm gì các người? Cả ngày hôm qua cũng như tất cả mọi ngày, đêm và sáng nó ở nhà bên mộ bác sĩ, trưa chiều tối nó ở cái chòi này. Ngay cả con kiến nó cũng không giết, làm sao nó giết người được? Sao các người lại đánh chết một người không thù oán, không tội lỗi, không có khả năng phản kháng thế này? Cả một cái làng đi đánh chết một con bé điên thế này à? Các người có còn là người nữa không?”
Nhìn những giọt nước mắt lắt léo chảy qua những nếp nhăn trên mặt ông già và bàn tay run lẩy bẩy của ông, trưởng thôn cúi đầu. Ông ta lúc sau mới trầm giọng nói:
“Chú ạ! Cháu đã nghe chuyện hôm qua. Lúc đó cháu say rượu từ chiều, nằm ngủ mê mệt. Sáng dậy nghe kể lại, đã tới nhà mấy người có mặt, nghe họ thuật lại. Có một cô gái, có lẽ là cái Lân, em con bé này, về làng mang đồ cho chị nó. Đồ nó vẫn vất ở nhà nó đấy. Nó đi tới gốc đa đầu làng thì gặp cái Bình. Hai đứa xích mích, xô xát đánh nhau. Chẳng may cái Bình ngã, sẩy thai. Mà chú không biết đâu. Con bé Bình đó đanh đá, điêu ngoa nhất làng. Hai vợ chồng nó, với cả cái Liên nhà bà Mé nữa, còn là bạn thân của con bé Lan hồi bé đấy. Hai vợ chồng có một đứa con trai, được hơn một tuổi không giữ được, đã mất rồi. Giờ mới có đứa nữa, lại sẩy tiếp. Thấy thầy thuốc bảo, lần này nặng lắm, chắc khó có con nữa. Mẹ chồng nó chửi cho suốt từ tối qua đến bây giờ. Âu cũng là số phận. Còn con bé Lân kia chắc do mất bình tĩnh, không dám ở lại để giải thích đầu đuôi với mọi người. Nó sợ quá chạy mất vào làng. Mấy người lúc đó cũng không hiểu chuyện, tưởng mẹ con cái Bình đều chết cả rồi, còn kẻ giết người sợ tội bỏ trốn, thế là đuổi theo. Cả thằng Du, chồng cái Bình nữa. Nhà nó hô hoán cả làng đuổi ra bãi tha ma. Đêm tối nhập nhoạng thế nào mà đánh nhầm con bé Lan, còn cái Lân chắc chạy thoát với một người nữa ra thuyền cá rồi. Nhưng bọn nó đánh người mà không quay lại xem người ta sống chết thế nào thì đúng là thất đức thật. Đứa nào lại độc ác thế chứ? Ngày xưa suýt nữa thì thằng Du lấy cái Lan đấy. Thế mà bây giờ… Đúng là nghiệp chướng mà.”
Rồi trưởng thôn về nhà tìm mảnh vải tốt làm vải niệm. Ông già Phúc quấn quanh xác cô gái. Họ cùng nhau khiêng cô ra một mô đất cao hướng ra biển. Trưởng thôn và ông già xúc đất đào huyệt, rồi lại khệ nệ đưa xác cô xuống, lấp đất lên.(14) Họ dựng cho cô một cái mộ to nhất cái bãi tha ma này, từ làng hướng ra biển, như thể ngày ngày dựa vào làng để ngắm bình minh trên đại dương. Ông già Phúc kiếm một tấm gỗ làm bia, để trưởng thôn khắc lên mấy chữ:
“Cháu Lê Thị Lan,
Yên Nghỉ
1917-1945”
(14) Thời kì 1930 - 1946, người dân nghèo thường chôn cất không có quan tài. Quan tài chỉ dùng cho người ở phố, công chức, văn sĩ, quan lại, phú thương. Năm 1945, giai đoạn tháng 5 tới tháng 10, nạn đói bùng nổ, có nơi chết cả làng. Người chết chôn không kịp. Chỉ đào hố rồi lấp xuống. Đây là thời điểm cuối của nạn đói, dù làng Phao không bị ảnh hưởng nhiều bởi nạn đói, nhưng vẫn rất nghèo khổ, thiếu thốn, người chết không có vải niệm, nhưng người chết được dùng vải tốt quấn quanh làm vải niệm cũng bảy tỏ sự trân trọng, quan tâm hơn mức bình thường của người sống.
Trưởng thôn thắp nén hương, đưa cho ông già Phúc một nén, còn mình một nén cắm lên ngôi mộ mới. Khi ông quay lại, đã thấy ông già Phúc chống xẻng, nước mắt lăn dài từng giọt ngoằn ngoèo trên gương mặt già nua, tay run rẩy cầm thẻ hương không nỡ cắm xuống. Trưởng thôn thở dài. Thời thế khốn khổ, người chết còn đầy đường kia, đến cả cỗ quan hay chút tiền vàng cũng chẳng có mà tiễn con bé. Bóng hai người đàn ông đổ dài trên bãi tha ma giữa ánh chiều tàn.

Cái chết của Lan lại khiến cả làng Phao xôn xao ngay sau đó. Không biết do ăn năn, hối lỗi, hay cảm thấy xót thương cô, nhiều người trong làng cũng đến mộ vái cô hoặc dâng cho cô chút hương hoa, trong đó có cả Liên và Du. Bọc quần áo Lân để lại, người làng cho rằng được mang về cho cô, nên họ cũng đưa ra trước mộ cô đốt, hy vọng cô có nhiều quần áo đẹp trên cõi Hư vô. Ba ngày sau, như sực nhớ ra, trưởng thôn lại cho người đào ngôi mộ trống của bác sĩ Kiên, lấy bọc quần áo chôn ở dưới đó cùng tấm bia đem đến bên ngôi mộ của Lan, dựng tiếp thành một ngôi mộ quần áo khác cho bác sĩ Kiên. Kiếp này họ đã ở bên nhau, dù muộn màng. Hy vọng kiếp sau họ sẽ sớm gặp nhau hơn.

Từ đó, người làng Phao qua bãi tha ma đều đốt nén hương hay dâng hoa cho hai người bọn họ. Nghe nói hai ngôi mộ đó rất thiêng. Ai đến cầu tình duyên đều được như ý. Cứ khi bão gió hay mưa lớn làm sạt một trong hai ngôi mộ, hôm sau nó lại nguyên vẹn như mới. Trên hai ngôi mộ lúc nào cũng đầy hoa dại và đồ ăn, khi thì củ khoai, bắp ngô, lúc vài trái táo, trái na.
Đám người già trong làng thường xuyên ngồi ngâm nga dăm ba câu Kiều, rồi lại nhắc tới cô gái điên năm nào.
Đã biết má hồng thời phận bạc
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng…”
“So với nàng Kiều của cụ Nguyễn Du, nàng Kiều của làng Phao bi thảm chẳng kém. Cho nên đừng oán nàng ấy nữa. Nàng Kiều nào thật ra cũng đều rất đáng thương.”
“Nàng Kiều mà đáng thương thì tất cả kỹ nữ, gái điếm trên thế gian này đều đáng thương hết à?”
“Bao kẻ oán, người hờn ghen, nhưng miệng người đời vẫn nhắc đến nàng rất ngọt đấy thôi?
Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan,
Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan.
Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng,
Gót ngọc chưa phai chốn thủy quan.
Nửa giấc đoạn trường tan gối điệp,
Một dây bạc mệnh đứt cầm loan.
Cho hay những kẻ tài tình lắm,
Trời bắt làm gương để thế gian.”
(Đề từ Truyện Kiều của Phạm Quý Thích – Dương Quảng Hàm dịch)

Một đêm, mưa giông rất lớn, đổ cả mấy cái cây to trong làng. Chiều hôm sau, dọn dẹp xong đống đổ nát, người làng mới phát hiện ra ông già Phúc nằm gục chết bên ngôi mộ của Lan. Tay ông cụ vẫn còn cầm xẻng xúc đất đắp dở cho một bên ngôi mộ của bác sĩ Kiên vừa bị lún xuống.

*
*   *
15 năm sau.
California, Mỹ, năm 1960.
Phía trước một ngôi nhà nằm trên bờ biển rực rỡ ánh nắng, có những ô cửa sổ lớn mở ra vịnh San Francisco, hai đứa bé trai chạy đuổi nhau trên bãi cỏ. Đầu Tommy bị ném đầy đất và lá cây. Thằng bé tức tối chạy đuổi theo Ben, nhất quyết ném trả. Ben thấy cậu em đang sắp phát khóc nên giả vờ vấp ngã. Tommy đuổi kịp anh trai, lấy đôi tay đầy đất nghiến răng nghiến lợi hết sức để vò cái đầu xù, vàng óng mượt của Ben. Ben kêu la inh ỏi. Còn cậu em nhe cái răng sún, cười khanh khách vô cùng khoái trá.
“Ben! Tommy! Where are you now, kids?” [Ben! Tommy! Các con ở đâu đấy?]
“Yes. Mommy, I’m here!” [Vâng. Mẹ ơi con đến đây!]
Một phụ nữ châu Á nhỏ nhắn, mái tóc đen óng ánh, duyên dáng trong bộ đầm đen trắng thanh lịch, gương mặt cô lấp lánh nụ cười nhìn về phía hai cậu bé đang lon ton chạy lại. Nếu nhìn kỹ, gương mặt đó đã có chút dấu vết của năm tháng: những nếp nhăn nơi khóe mắt và vài vệt đồi mồi trên gò má mịn màng. Cô cầm một bó hoa và một tấm bưu ảnh đi ra phía cầu cảng nhỏ để neo thuyền ngay trước ngôi nhà. Hai đứa trẻ vui vẻ chạy theo sau. Họ dừng trước cầu cảng, cùng nhìn ra phía đông xa xôi, nơi muôn vàn tầng mây đang đậu đỗ.
“You know, kids. Today was a special day, a celebration for our loved one. Your uncle Lan. Bác Lan. Please say something to your uncle!” [Các con, hôm này lại là ngày đặc biệt, ngày kỷ niệm dành cho một người thân yêu của chúng ta. Bác Lan của các con. ‘Bác Lan’. Nói gì với bác các con đi!]
Tommy liến láu:
“My uncle, happy and have fun. Do not let someone put soil on your head! So dirty and horrible!” [Chúc bác hạnh phúc và vui vẻ. Đừng để ai rắc đất lên đầu bác nhé! Rất bẩn và kinh khủng đấy!]
Ben cười khúc khích. Cái đầu xù tả tơi che gần hết gương mặt nhỏ của cậu, chỉ nhìn thấy hàm răng trắng bóc đang nhe ra. Cậu bập bẹ được vài từ tiếng Việt.
“Bác Lan, I love you. Given my latter will come visit you. You have to eat a lot! Every year I am talking to you here!” [Bác Lan, cháu yêu bác lắm. Sau này nhất định cháu sẽ đến thăm bác. Bác nhớ ăn nhiều vào đấy nhé! Năm nào cháu cũng ở đây nói chuyện với bác!]
Người phụ nữ hài lòng mỉm cười, trân trọng đặt bó hoa lên, gắn vào thanh vịn cầu cảng, sau đó cúi xuống hôn hai đứa bé.
“Your uncle loves you so much! Thank you, kids!” [Bác yêu các con vô cùng! Cảm ơn các con!]
Rồi người phụ nữ đứng thẳng dậy, xúc động nhìn về phía chân trời, ném tấm bưu thiếp ra xa, khẽ thì thào:
“Chị! Chị phải mạnh khỏe và bình an đấy nhé! Em giờ rất tốt. Em sẽ nghĩ cách về thăm chị. Nhất định một ngày nào đó, em sẽ về với chị.”
Tấm bưu thiếp như chiếc lá mỏng xoay xoay một hồi trong không trung, bị gió biển hất tới trên đầu một ngọn sóng nhỏ. Nó chao qua chao lại theo nhịp sóng, ngấm nước, rồi chìm dần xuống đáy biển. Đó là một tấm bưu thiếp có hình ngôi nhà bên bờ biển. Phía sau ghi dòng chữ:
“Từ một thành phố bên bờ biển:
                                                   Hạnh phúc và bình an, chị nhé!”
-     HẾT –




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?

Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ...