Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Những Thành Phố Bên Bờ Biển Cả - Cheryl Pham: Chương 5


5 – Bố và em gái


Vừa đi mua sắm và dạo phố về đến nhà, Lan thấy mấy người bảo vệ lẫn người giúp việc đều nhìn cô, ngập ngừng muốn nói gì đó.
“Thím Hà, có chuyện gì thế?”
Thím Hà giật mình, ngẩng đầu lên, liếc nhìn một người bảo vệ đứng gần đó. Thấy anh ta hơi gật đầu ra hiệu, thím mới chậm rãi kể:
“Cô chủ, hôm nay ông Tình tới.”
“Thím nói gì?” Lan kinh ngạc, run rẩy đứng dậy khỏi sô pha, khiến thím Hà cũng lo lắng.
“Cô chủ, ông ta nói là bố cô. Bố cô tới đây. Tôi không biết làm sao ông ấy tìm được chỗ này, có lẽ người ở Vạn Hoa viên bảo.”
“Ông ta đến làm gì? Ông ta đâu?”
“Ông ấy… ông ấy… Vâng, ông ấy tới đây buổi trưa, tôi mời vào pha trà nước. Ông ấy đi dạo quanh đây, rồi bảo tôi tìm cô. Tôi bảo ông ấy chờ, chiều cô sẽ về. Ăn trưa xong, ông ấy bảo tôi đưa tiền, ông ấy tự đi tìm cô. Nhưng tôi bảo không có tiền. Ông ấy làm loạn lên, la hét, đập phá. Đúng lúc đó, ông chủ ghé qua nhà. Nghe mọi người nói lại, ông chủ tức giận vào phòng gặp bố cô. Không biết có chuyện gì, tôi nghe thấy tiếng bố cô la thét. Ông chủ bảo mấy người bảo vệ lên trói lại, đánh cho một trận rồi ném bố cô ra đường. Sau đó, ông chủ trở về quân doanh.”
Bố ư? Đó là người cô không muốn gặp lại nhất trên đời. Cứ nghe tới tên hay thứ gì có bóng dáng ông ta, cô đều sởn da gà. Gần mười lăm năm cuộc đời, từ lúc cô hiểu chuyện, không ngày nào cô không bị ông ta tặng cho đòn roi. Ba, bốn tuổi cô đã bị ông ta bắt bì bõm theo mẹ ra đồng mò cua, mò hến. Chưa đầy năm tuổi, cô đã phải một mình đi cào ngao bên bờ biển từ sáng sớm tinh mơ lộng gió làm thức ăn cho cả nhà. Ông ta từng say xỉn, đánh đập khiến mẹ cô sảy thai hai lần. Khi em Lân ra đời, thấy là con gái, ông ta phát điên suýt dìm chết em ấy xuống ao. May mà hàng xóm cứu được. Giờ nghe nhắc tới ông ta, những ngày tháng bi thương trong quá khứ lại dội về, khiến cô quặn đau, ứa nước mắt.
“Thế… thế bây giờ ông ta đâu rồi?”
Có lẽ hiểu nhầm khi thấy cô khóc, thím Hà luống cuống nói đỡ:
“Cô chủ, không phải chúng tôi không hiểu chuyện. Chỉ là… chỉ là… ông ấy làm hơi quá khiến ông chủ tức giận, không cho vào nhà. Chúng tôi đã trị thương, đưa quần áo, đồ ăn cho ông ấy rồi. Ông ấy đang ở lối đi sau vườn. Tôi… tôi đi gọi ông ấy tới nhé?”
“Vâng, thím gọi ông ấy vào cho tôi.”
Cô phải bình tĩnh. Còn mẹ và em gái. Phải bình tĩnh.
Tiếng đàn ông lè nhè chửi bậy, càu nhàu gì đó với thím Hà. Rồi một bóng đàn ông nhỏ thó hiện ra. Thân hình gày quắt khô héo trong bộ đồ tây mới rộng thùng thình. Gương mặt tái nhợt, lờ đờ, mắt đục ngàu vì rượu chè. Nhìn thấy cô, ông ta sững người lại, rồi nhếch mép khệnh khạng đi tới.
“A, con gái mình đây mà. Mày tưởng mày giàu có rồi, ăn no rửng mỡ rồi nên quên mất thằng bố khốn khổ, phải chổng mông đi làm quần quật cho người ta. Mày định đuổi bố mày ra ngoài đường giống thằng bồ chỉ biết tru lên như con lợn bị cắt tiết kia à? Hôm nay tao phải cho mày biết thế nào là lễ độ. Tao nuôi mày bao năm, mới sung sướng được vài ngày đã quên ơn sinh thành, quên công cha nghĩa mẹ. Tao nhổ vào. Tao nhổ vào.”
“Được rồi. Có chuyện gì? Ông nói đi.” Lan cố kiềm chế không tức điên lên.
“A, mày lại ra vẻ bà lớn với bố mày à? Con ranh con. Con đĩ kia. Đồ mất dạy. Mày có tiền nên khinh bố mày hả? Mày…”
“Nếu ông không cần gì thì mời ra khỏi đây. Chú Lâm!”
“Vâng, cô chủ!” Một người bảo vệ xuất hiện ở cửa.
“A, mẹ kiếp, mày giỏi, mày giỏi. Tao sợ mày rồi. Đưa tiền đây. Mẹ và em mày đều bị bệnh, không có tiền thuốc thang. Tao không còn sức mà đi làm kiếm tiền nữa. Mày phải có trách nhiệm với cái nhà này. Dù gì tao đã nuôi mày những mười lăm năm trời, tốn bao công sức, cơm gạo.”
Lan mở ví, lấy toàn bộ tiền đưa cho ông ta.
“Cầm lấy, rồi đi đi.”
Ông ta đếm từng tờ. Tròn xoe mắt, gật gù, ông ta quay đầu lại với cô:
“Được rồi con gái. Bố đi đây. Lúc khác bố lại ghé qua nhé.”
Rồi ông bố khệnh khạng hừ lạnh với đám người bảo vệ và rời đi.
Lan mệt mỏi nằm vật xuống ghế. Cô không muốn nghĩ gì nữa, dù chỉ một chút.

Hôm sau, qua một đêm mất ngủ vì đau lòng và nghĩ ngợi, cô muốn tới Hoa viên tập hát cho khuây khỏa. Vừa xuống xe, một người đàn ông thương tích đầy mình đã lao tới, bám chặt vào áo bông của cô.
“Con gái, cứu cha! Chúng nó sắp giết cha rồi!”
Vừa nói, ông ta vừa chỉ tay vào tòa nhà Vạn Hoa viên.
“Có chuyện gì? Sao ông lại thế này? Ông ở đây làm gì?”
“Lũ khốn đánh cha. Cha sắp chết rồi. Con cho cha ít tiền đi. Để cha về nhà nuôi mẹ nuôi em con.” Ông bố ra bộ thều thào, mắt vẫn lấm lét nhìn cô con gái. Chợt một giọng lạnh lẽo vang lên:
“Ông nhà đêm qua ghé qua đây bao phòng đắt tiền nhất cùng một đoàn múa tới tận sáng. Nhưng không đủ tiền trả. Nể mặt ngài thiếu tá và … cô, chúng tôi cho nợ lại hơn ba ngàn đồng. Và đành mời ông nhà ra ngoài.”
Kinh ngạc nhìn ông chủ Quýnh, rồi lại nhìn bố mình, Lan run rẩy chỉ tay hỏi ông ta:
“Sao ông có thể?”
“Con gái, đừng tin hắn. Tại hắn lừa cha. Hôm qua từ nhà con về, cha gặp hắn. Hắn lừa cha vào đây, tiêu sạch tiền, rồi bảo cha vẫn thiếu rất nhiều tiền, còn sai người đánh đuổi cha ra khỏi phòng. Con gái, con phải tin cha. Hắn là tên lừa đảo.”
“Thôi đi. Ông đi đi, đừng để tôi nhìn thấy ông nữa.”
“Con gái, con gái, còn mẹ và em con thì sao?”
Lan vơ hết tiền trong ví, ném xuống đất, rồi tức giận chạy vào trong nhã đài. Ông bố vội vàng nhặt hết tiền nhét vào túi, rồi quay lại ông chủ Quýnh vẫn đang đứng đó hờ hững nhìn mình:
“Thằng khốn, cứ liệu đấy.” Nói xong chuồn mất.
Ông chủ Quýnh hờ hững nhìn theo.
“Là bố cô ấy thật sao?” Một giọng ôn tồn cất lên.
“Ừ. Thật không nghĩ đó là hai bố con.” Quýnh nhếch môi cười lạnh, rồi cùng bác sĩ Kiên đi vào sảnh.

Cuối đông năm ấy, gió bấc lạnh tê tái, người người không mấy ai muốn lượn lờ phố xá. Trên đường từ doanh trại thăm Phillips về nhà, xe qua sông Lấp, khu vực dân bản xứ đông đúc, nhem nhuốc nhất của Hải Phòng. Trên cầu có vụ xô xát giữa một đám người với cảnh sát. Lái xe inh ỏi bấm còi ra hiệu nhường đường. Lan ngao ngán sùm sụp trong áo lông dày, giương mắt nhìn ra ngoài. Chợt cô giật mình khi thấy một viên cảnh sát cầm dùi cui đập tới tấp một thanh niên bên thành cầu khiến anh ta gục ngã. Bóng người sao quá quen thuộc? Cát.
Lan hét lái xe dừng lại, chạy vội ra ngoài. Đúng là Cát thật. Viên cảnh sát còng tay anh ta lại, và dùng dùi cui đập tiếp.
“Ông đội, xin dừng tay, người này là anh trai tôi.”
Viên cảnh sát người bản xứ nhíu mày nhìn cô. Có lẽ việc cô xinh đẹp, ăn mặc quí phái, bước xuống từ một chiếc xe sang trọng khiến ông ta ngần ngại, thu dùi cui.
“Thật không? Xin lỗi quí bà, tôi không biết. Nhưng anh ta tham gia đánh nhau, nên phải giải về đồn. Bà hoặc người nhà đến bảo lãnh là được.”
Lan rối rít cảm ơn, quay lại bảo tài xế tới ty cảnh sát. Bác tài ý nhị nhắc cô:
“Cô chủ, người đó có thật là anh trai cô không? Ý tôi là, thiếu tá và cô có quen nhiều người bên ty cảnh sát. Nếu cô tới đó bảo lãnh, thiếu tá và nhiều người sẽ biết. Còn chưa rõ anh ta có phải là Cộng Sản hay phản động không, nhưng dù sao cũng không hay lắm.”
Ừ nhỉ, quả là không suy nghĩ. Cô nghĩ ngợi một lúc, rồi bảo lái xe hướng tới đường Belgique. Chỉ một người có thể giúp được chuyện này.

 “Cảm ơn anh, bác sĩ Kiên. Cám ơn anh đã bảo lãnh giúp anh ấy.” Cô xúc động nhìn người đàn ông nghiêm nghị trước mặt. Kiên khẽ mỉm cười.
“Không có gì. Đừng nói mãi thế. Cũng là một việc cứu người mà. Đừng quên tôi là bác sĩ đấy.”
“Vâng, anh xem anh ấy có bị sao không? Anh ấy bất tỉnh từ lúc bị đánh trên cầu tới giờ.”
“Được rồi, về phòng khám của tôi đã.”
Họ nhanh chóng đưa Cát vào phòng khám của bác sĩ Kiên. Cô bảo bác tài cứ chờ mình ở ngoài xe. Sau một lúc kiểm tra thân thể và băng bó xong, Kiên quay lại:
“Xong rồi. Cứ để cậu ấy nằm đây đến mai là ổn. Tôi sẽ đưa cậu ấy về Vạn Hoa viên.”
Đột nhiên, anh lúng túng.
“À, còn một chuyện nữa, không biết có nên nói cho cô không?”
“A?” Cô ngạc nhiên, chưa bao giờ thấy anh ấy đắn đo như thế.
“Thôi, phải nói cho cô vậy. Bố cô đang ở chỗ tôi. Ý tôi là ông ấy đang được điều trị ở phòng phía sau kia, cách chỗ này hai gian phòng. Tôi thấy ông ấy say xỉn bất tỉnh trên đường đêm qua, còn bị thêm nhiều vết thương nữa. Chắc lại vừa bị ai đánh.”
Lan run rẩy phẫn nộ. Nước mắt lại chảy ra.
“Ông ta lang thang cả tháng ở đây mà không chịu về làng sao? Cứ kệ cho ông ta chết đi. Con người đó còn sống ngày nào là nhiều người phải khổ sở theo ngày ấy.”
Cô run run bước ra, rồi lại quay lại lấy hết tiền trong ví đưa cho Kiên:
“Anh Kiên, chỗ này anh đưa cho ông ta, bảo là tiền cho mẹ và em gái tôi, bảo ông ta về làng đi. Ông ta không sống nổi ở đây đâu. Còn chi phí điều trị, tôi gửi anh sau.”
“Được rồi, đừng nói thế nữa. Cô mau về đi.”
“Vâng, cảm ơn anh rất nhiều.”
Người đàn ông trầm ngâm nhìn cô rời đi.
*
*   *
“Một vụ nổ súng của nhóm phản động tấn công vào doanh trại quân đội Pháp tại Hải Phòng vừa xảy ra rạng sáng hôm nay. Toàn bộ mười hai kẻ tình nghi tham gia đều bị tiêu diệt. Đại diện của lực lượng quân sự đồn trú tại Bắc Kỳ cho biết, đây có thể là kế hoạch của nhóm phản động tự xưng Đảng Cộng Sản Đông Dương.”
Tiếng phát thanh viên oang oang khiến Lan giật mình. Doanh trại quân đội Pháp? Chỗ của Phillips? Phillips không sao chứ? Cô sợ hãi, vội thay đồ, tới quân doanh. Nhưng rất không may, bốt gác không cho cô vào. Lái xe đành đưa cô trở về nhà. Suốt cả ngày hôm ấy cô bồn chồn đi đi lại lại trong nhà. Tới hai hôm sau, ngày cuối tuần, Phillips lành lặn trở lại, khiến cô suýt phát khóc.
“Ma biche, tout va bien. Nous sommes ici.” [Cưng ơi mọi chuyện ổn rồi. Chúng ta đều ở đây đó thôi.]
Anh ta nhẹ nhàng ôm hôn và xoa gương mặt sưng lên chực khóc của Lan. Họ ngồi xuống ghế, vô tuyến vẫn phát tin tức về các cuộc bạo loạn khắp Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, rồi một tin nhắc lại vụ tấn công quân doanh mấy đêm trước. Thấy Lan nhìn sang mình đầy lo lắng, Phillips nói một tràng những từ cô không nghe nổi. Bảo vệ Lâm đứng gần cửa dịch cho cô – anh ta thường dịch cho cô khi Phillips nói dài hoặc ra hiệu mấy lần mà cô không hiểu:
“Ông chủ bảo vụ tấn công đó chỉ ở vòng ngoài, còn chưa qua nổi cổng chính của quân doanh. Quân doanh không thiệt hại gì cả. Toàn bộ Cộng Sản và đám người tình nghi đều bị tiêu diệt. Đây là quân doanh đầu não của Bắc Kỳ, mọi vị trí đều phòng bị rất nghiêm ngặt, bất khả xâm phạm. Có lẽ lịch trực gác bị lộ, lại lợi dụng thời tiết sương mù dày đặc lúc sáng sớm, Cộng Sản định liều một phen nhưng thất bại. Những chuyện thế này còn xảy ra nhiều. Đám người mọi rợ điên cuồng như thú hoang đó không làm gì được lực lượng đông đảo và hiện đại của mẫu quốc đâu. Cô chủ đừng lo lắng.”
Lan gật gật đầu tỏ vẻ đã hiểu, trong lòng không hiểu sao bỗng dưng mờ mịt.
Hết tuần, Phillips lại quyến luyến từ biệt cô về doanh trại. Cô ngồi một mình trong phòng, tự nhủ mình phải bình tĩnh lại. Lịch trực gác, các vị trí phòng bị? Những lời tám chuyện với bác sĩ Kiên. Mọi thứ lùng bùng trong đầu cô. Anh ta từng gặp cô ở Hoa Viên. Không, lần đầu tiên gặp anh ta là ở chính căn phòng này. Anh ta có thể là Cộng Sản. Sao mình khờ khạo thế chứ? Mình đã quên sạch bách lần đầu tiên gặp anh ta. Quên mất cảm giác sợ hãi mấy lần đầu gặp anh ta ở Hoa viên. Mình đang bị lợi dụng. Còn anh ta? Anh ta nghĩ mình đã biết rõ thân thế của anh ta và muốn giúp anh ta chăng? Cho nên anh ta không hề sợ mình, còn ngang nhiên qua lại và moi tin từ mình nữa. Không được, phải tỏ rõ lập trường. Cô chỉ muốn một cuộc sống bình an, không quan tâm đến Pháp, triều đình, Cộng Sản, hay gì gì khác. Đừng lôi cô vào phe nào. Nghĩ vậy, cô kiên quyết mặc quần áo đi tới phòng khám của bác sĩ Kiên.
“Anh có khách không?”
Ngẩng đầu thấy là cô đang lấp ló ngoài cửa, Kiên cười vui vẻ lắc đầu.
“Không có ai cả. Cô là vị khách đầu tiên trong tuần đấy. Vào đi.”
“Anh Kiên, em có chuyện muốn nói riêng với anh. Ở đây có thể nói được chứ?”
“Ừm, đi vào phòng trong này đi.”
Nói rồi, anh đưa cô vào một phòng khám phía trong và đóng cửa lại.
“Tường và cửa đều cách âm. Yên tâm đi. Tôi rất có đạo đức nghề nghiệp. Không mang chuyện của bệnh nhân nói ra ngoài bao giờ.”
“Không… không phải thế. Em… em không tới để khám bệnh.” Cô đỏ mặt, xoa xoa tay.
“A? Tôi nghe đây.”
“Vâng.” Cô ngập ngừng, “Anh là Cộng Sản?”
Ánh mắt người đàn ông nhíu lại. Gương mặt càng trở nên nghiêm nghị.
“Không phải cô biết từ đầu rồi sao?”
“Em… em… quên mất.” Lúc này cô không biết nói gì nữa. Mọi thứ chuẩn bị trong đầu ở nhà đều đã quên sạch. Cô lo lắng nhìn Kiên.
“Em sợ tôi?” Anh ta ung dung nhìn cô, giọng hơi mỉa mai. “Không, em không sợ tôi. Em sợ Phillips? Không, em tất nhiên không sợ anh ta. Em sợ ai? Giờ tôi không nghĩ ra có ai ở thành phố này làm em sợ cả. Bố em ư? Không, ông ta khiến em chán ghét, chứ không phải sợ. Em sợ điều gì?”
Anh ngước nhìn thẳng vào mắt cô. Không đợi cô trả lời, anh đã nói tiếp:
“Em sợ đột nhiên cuộc sống vương giả của mình kết thúc, lại phải quay về những năm tháng nghèo khổ, đau đớn ở làng quê. Em sợ mọi người đang nâng niu, cung phụng em như bà hoàng, là tâm điểm của cả đám đông, đột nhiên bị mọi người quên lãng, bỏ qua, tầm thường mờ mịt như vô vàn người khác. Em sợ mình đang là hoa khôi nổi tiếng nhất, xinh đẹp nhất đất Hải Phòng, đột nhiên thành kẻ vô danh, không ai nhớ tới, có chết cũng không ai để tâm. Em sợ cuộc đời đang bình yên, may mắn của mình, nếu làm bạn với tôi thì sẽ sóng gió, hay chỉ đón một tương lai đầy rủi ro. Không, em chẳng muốn làm bạn với ai cả, người Pháp, Cộng Sản, hay An nam. Em chỉ cần một cuộc đời bình an, yên ổn, giữ được mọi thứ càng nhiều càng tốt, ru rú trong thế giới của mình, không cần lo toan đến ai, cũng không ai chạm tới mình.”
Trời, sao anh ta như đi guốc vào bụng mình thế nhỉ? Lan bắt đầu bối rối, xấu hổ, rồi run rẩy cúi mặt xuống.
“Em có gì? Tiền bạc em tiêu là của Phillips. Nhà em ở là của Phillips. Danh tiếng và địa vị em có là nhờ Vạn Hoa viên và Phillips. Nói về tài năng, em hát còn không bằng một nửa Na. Nói về gia thế, em còn đang mang một gánh nợ lớn cho gia đình nghèo nát ở quê. Em chỉ có duy nhất nhan sắc. Mà nhan sắc đó được bao lâu? Ba năm, hay năm năm? Có phụ nữ nào duy trì trẻ mãi không già? Nhan sắc cũng phải có môi trường. Nếu em vẫn ở ngôi làng nghèo khổ kia, ai cho em là hoa khôi thành phố này? Nếu em là một công nhân bục mặt trong nhà máy mười tám tới hai mươi tiếng mỗi ngày, ai quan tâm em xấu hay đẹp? Nếu em hát trong quán trà của học sinh, tri thức trung lưu, làm sao em có cơ hội gặp Phillips hay những người giàu nhất đất Bắc Kỳ này? Cô gái, vì em là ca nương ở Vạn Hoa viên, nên em mới gặp được những quan binh giàu có thế lực, nhờ cái bóng của họ mà em có danh tiếng, tiền bạc như bây giờ. Vạn Hoa viên mới là nơi nuôi ra nhan sắc của em. Vì thế, về căn bản, em không có gì.”
Ngừng một lúc, anh ấy lại tiếp tục:
“Còn tôi, tôi có gì? Tôi tốt nghiệp trường y danh tiếng ở Pháp, tôi có một sự nghiệp triển vọng ở Pháp, gia đình tôi là dòng dõi quan lại, thư hương hơn năm đời. Tôi không thiếu tiền đồ. Nếu đưa lên bàn cân, tôi mất nhiều hay em mất nhiều hơn? Nhưng tôi vẫn trở về đây, từ bỏ tiền đồ, từ bỏ gia thế, đứng về phía những người mà em gọi là “phản loạn”, đánh cuộc một tương lai mà em cho rằng đầy rủi ro. Vì sao em có biết không?”
Cô xúc động ngước lên nhìn anh ấy, khẽ lắc đầu.
“Em biết mình là người của đất nước nào không?”
“Ừm… Bắc Kỳ?... An nam?... Pháp? … Đông Dương?... Em chịu, em không biết.”
“Bắc Kỳ là cách người ta gọi những người ở phương Bắc triều đình nhà Nguyễn. An Nam là tên ngày xưa người Hoa từng xâm chiếm nước ta, gọi chúng ta là An Nam. Nay người Pháp tới chiếm nước ta, muốn xỉ nhục chúng ta, họ lại gọi chúng ta là An Nam. Họ cũng dùng từ An Nam để chỉ mảnh đất triều đình đang coi giữ, để xỉ nhục triều đình vô dụng, yếu hèn. Còn Pháp ư? Người Pháp chưa bao giờ coi chúng ta là dân của họ, mà gọi chúng ta là đồ mọi rợ, và xếp hạng quyền công dân của chúng ta còn thấp hơn của dân họ. Đông Dương lại càng không phải, nó cũng giống như cái tên An Nam, lập ra để xỉ nhục và cai trị chúng ta. Đất nước của em trong quá khứ là một đất nước có lịch sử, có văn hóa và nhiều câu chuyện đẹp. Hiện tại, nó đã bị nhiều kẻ cố tình xóa đi, vùi dập mất. Tôi từ bỏ tất cả trở về đây để cùng nhiều người khôi phục lại nó, cho những người như em, cho chúng ta, cho con cháu chúng ta. Em có hiểu không?”
“Em … Em cũng không hiểu lắm.”
“Ừm, không sao hết. Được rồi, tôi có thể hiểu vì sao em tới đây. Để tôi kể cho em nghe. Lịch đi lại của Phillips, ngày giờ địa điểm anh ta và các sĩ quan tụ tập ở những đâu, tôi lấy từ em. Sở thích và thú vui chơi, mỗi người bọn họ bị thương ở đâu, có mấy vệ sĩ, tôi lấy từ em. Mật độ bố phòng, lịch trực gác, kế hoạch điều động nhân lực của lính Pháp, tôi lấy từ em. Nói tóm lại, em là người cung cấp tin tức về người Pháp cho mọi hoạt động của Cộng Sản ở đây thời gian qua. Em nghĩ sao? Em có liên quan đến tôi không? Em có là bạn của tôi không? Em có phải là Cộng Sản không?”
“Em … em… anh…” Lan sợ hãi lắp bắp.
“Nếu em đã hiểu vị trí và vai trò của mình rồi, tôi nghĩ chúng ta cứ duy trì hợp tác như thế đi. Hơn nữa, em biết đấy. Em tuy còn trẻ, nhưng phụ nữ có thì, nhất là phụ nữ đẹp. Em lại không có gì cả. Phillips không đảm bảo sẽ ở bên em cả đời. Vạn Hoa viên không đảm bảo sẽ đứng vững mãi không sập. Nên em hãy lo cho chính mình từ bây giờ đi, để cho mình một đường lùi. Hiện tại thời thế hỗn loạn, không đảm bảo Pháp, triều đình hay Cộng Sản sẽ thắng. Em làm bạn với tôi biết đâu sau này sẽ có lợi. Tôi nghĩ em biết phải làm thế nào rồi chứ?”
Lan nuốt nước bọt, gật đầu. “Vâng, em hiểu.”
“Về đi, đừng nghĩ lung tung. Chúng ta vẫn là bạn bè như trước thôi.”
Lan lại gật đầu, rồi run run ra về.
Một bóng người tiến ra từ sau tấm màn che màu trắng.
“Cô ấy đưa nhiều tin tức hữu dụng đến vậy sao?”
“Chưa có tin nào đáng giá cả. Nhưng sau này sẽ.”
“Cậu định cảm hóa cô ấy ư?”
“Nên sao?” Nhếch mép. “Tôi có cần cảm hóa một người còn không biết mình thuộc đất nước nào không?”
*
*   *
Tết dương lịch của người Pháp trôi đi trong đơn điệu, vì Phillips về Sài Gòn. Nhàm chán, Lan lại xách túi đi ra quán hoa, tám chuyện với vài cô tình nhân của các quan Pháp giết thời gian. Đi tới cửa hàng may thêm mấy bộ đầm mới, liếc qua tiệm trang sức của ông lão người Hoa… cứ thế cô cũng tiêu hết thời gian một ngày. Lan ủ rũ về tới cổng nhà, thấy Na dắt tay một cô bé đứng chờ đó. Cô bé ăn mặc bẩn thỉu, lôi thôi, tóc bết lại rối mù từng lọn khô vàng. Thấy cô tiến tới, con bé chạy ra sau Na núp, ngó ra nhìn cô với đôi mắt mở to ngờ vực. Cô mỉm cười nhìn Na, chưa kịp để ý đến cô bé con.
“Chị, chị tới chơi ạ? Vạn Hoa viên mấy ngày này không bận sao mà có thời gian ghé chỗ em? Em sợ làm phiền mọi người nên không dám tới.”
“Gớm, ai dám chê bà lớn làm phiền. Tôi và mọi người đều bận tối mắt tối mũi, mấy ngày không kịp ngủ đây này. Nhưng dù bận mấy, cũng phải đưa con nhóc này tới đây, không nó cứ khóc lóc nghếu ngáo làm cho mọi người càng mệt thêm. Đây, trả lại cho cô, tôi phải về đây.”
Nói rồi Na kéo cô bé núp sau lưng đẩy ra phía trước, rồi lên chiếc xe kéo đang chờ sẵn đi mất. Lan kinh ngạc nhìn cô bé, miệng lập bập run run, nước mắt lại trực trào ra:
“Em… em… Lân đấy à? Còn nhớ chị không? Chị Lan đây mà. Lại đây. Lại đây với chị.”
Cô bé hơi lui lại, lấy tay quệt lên mặt, mắt nhìn cô vẫn còn cảnh giác và hoài nghi. Lan tiến tới ôm lấy cô bé, khóc nấc lên. Đây là em gái cô, đã mười một tuổi mà xơ xác, nhỏ thó như đứa trẻ bảy tám tuổi. Con bé ngơ ngác khi thấy cô khóc, hơi run run nhẹ nhưng vẫn bất động, im lặng không nói gì. Một lúc sau, người bảo vệ chạy tới nhắc cô:
“Cô chủ, có gì đưa đứa trẻ vào nhà đã.”
“À,  ừ… ừ… Tôi quên mất.” Lan lau nước mắt, dắt tay cô bé vào nhà. “Đi nào, đi theo chị.”
Con bé hơi do dự nhìn căn biệt thự to lớn và những người bảo vệ đang quan sát mình, nhưng vẫn bám theo cô vào trong. Thím Hà vội lấy khăn lau mặt, chải tóc, rồi bảo ra chợ mua tạm ít đồ cho cô bé. Nhìn em gái vẫn còn lạ lẫm đưa mắt nhìn quanh không nói gì, Lan lại chảy nước mắt, vuốt ve gương mặt nhỏ nhắn kia.
“Nói cho chị biết, mẹ đâu? Sao em lại lên đây? Ai đưa em lên? Bố à?”
Con bé nhìn cô chăm chú một lúc thật lâu, rồi mới khẽ mở miệng:
“Là chị thật à? Sao chị khác thế? Em không dám nhận nữa. Chị sao lại đẹp thế? Em chưa bao giờ thấy ai đẹp như chị, đẹp hơn chị Na nữa.”
“Ừ, chị của em rất đẹp. Nói cho chị đi. Mẹ đâu? Bố đâu? Ai đưa em lên đây?”
Con bé mếu máo, câu được câu không kể lại trong tiếng thút thít:
“Mẹ chết rồi. Một tháng trước. Bố bỏ làng đi mấy tháng rồi không quay về. Chắc do chú Tường lên phố làm công nhân, về thăm nhà, chú ấy kể có nhìn thấy chị một lần trên đường với một ông Tây. Chị giờ giàu lắm, nổi tiếng khắp nơi ai cũng biết. Thế là bố lấy hết tiền rồi đi mất. Mẹ bệnh mãi không khỏi. Trước khi mất, mẹ dặn em đi tìm chị. Anh Du, chị Bình muốn lên phố làm công nhân, nên đưa em đi theo. Chúng em tìm thấy Vạn Hoa viên nhưng không ai cho vào. Anh Du và chị Bình vào nhà máy bận quá, không có thời gian đi cùng em. Em làm ăn xin trước cổng Vạn Hoa viên để tìm chị, nhưng bị người ta đánh đuổi. Em nghĩ có khi chị đang ở trong cung điện đó không ra ngoài, nên phải tìm cách vào trong. Sáng nay, khi người ta đuổi, em chạy loanh quanh rồi lẻn vào vườn cây phía sau. Em gặp mấy anh đi ra, hỏi về chị, họ đều lắc đầu đi mất. Rồi có một anh cầm đàn cho em uống nước và hỏi chuyện. Em nói đi tìm chị, tên Lan, bị một ông chủ mua vào đây hơn hai năm trước, giữa mùa hè nóng nực. Anh ấy hỏi em có phải tên là Lân không, ở làng Phao phải không? Anh ấy bảo biết chị, nhưng không biết chỗ chị ở. Rồi anh ấy gọi chị Na tới. Họ nói chuyện một lúc và bảo em cứ chờ ở đây. Có thể chị sẽ tới. Nếu chị không tới, khi có thời gian, chị Na sẽ đưa em đến chỗ chị. Rồi anh kia đưa em vào một nơi rất đẹp, là phòng tập đàn của anh ấy, cho em ăn kẹo, buổi trưa còn nhường cơm cho em. Em chơi ở đó cả ngày. Vừa rồi chị Na đi ra, bảo đưa em tới nhà chị. Thế là chị ấy gọi xe kéo mang em tới đây.”
“Ừ, chị biết rồi.” Lan khóc nấc thành tiếng. Hai chị em ôm nhau khóc. Khi thím Hà mua đồ về, cô đưa em đi tắm rửa. Mặc đồ mới vào, con bé trông thật xinh xắn, đáng yêu. Thím Hà gật gù, vui vẻ nói:
“Có hơi nhỏ, nhưng không sao. Trẻ con thay da đổi thịt rất nhanh. Chỉ cần ăn uống đầy đủ. Cô chủ, con bé sẽ ở đây chứ?”
“Vâng, trước mắt cứ thế đã. Khi nào Phillips về, tôi sẽ nói với anh ấy.”
Con bé được mặc áo mới, lại được chị dẫn tới phòng riêng, không dấu nổi hân hoan.
“Chị, em sẽ ở đây à? Oa, phòng này còn rộng hơn nhà mình. Đẹp quá. Thế là bây giờ em cũng giàu như chị. Em cũng sẽ xinh đẹp như chị phải không?”
“Ừ, nhưng phải ăn nhiều mới xinh đẹp được. Đói chưa?”
“Vâng, em sẽ ăn thật nhiều. Em chưa đói, anh kia cho em cả một suất cơm đầy, chưa bao giờ em được ăn nhiều thế. Em ăn hết sạch, bụng vẫn còn no căng. Bây giờ ngày nào em cũng được ăn như thế phải không?”
“Ừ, ngày nào cũng thế, chị sẽ lo mọi thứ cho em. Chúng ta sẽ sống thật tốt. Chị sẽ mua cho em nhiều quần áo đẹp, em không phải làm gì hết, chỉ cần chơi thật vui vẻ là được.” Lan đau lòng nhìn cô bé đang nhảy nhót trước mặt.
“Em không cần quần áo, em chỉ cần được ăn thật no, không phải đi cào ngao, ăn xin là được.” Lan gật gật đầu liên tục, nước mắt tuôn như mưa. Ôi em cô, sao cô không nghĩ tới, cuộc sống của mẹ và nó hơn hai năm qua sẽ không thể khá hơn được dưới mái nhà với người đàn ông tồi tệ kia.
Đêm đó hai chị em ngủ cùng nhau, tâm sự tới gần sáng. Hóa ra sau khi lấy tiền bán cô, bố cô đã tiêu xài hết vào rượu chè, cờ bạc và trả nợ. May mà mẹ cô lén giấu được vài đồng, nên cũng tạm không bị chết đói được một năm. Sau đó hết tiền, bố cô lại quay ra đánh đập mẹ và em như cũ. Em cô sáng sáng lại đi mò ngao, trưa chiều khều ốc, khều trai, làm mướn cho người ta lấy cái ăn nuôi cả nhà. Mẹ cô bị bệnh, từ lâu đã không ra khỏi cổng nhà. Mùa đông vừa rồi lạnh quá, nên đã mất vì đói và rét. Mấy người hàng xóm đưa bà đi chôn ở bãi tha ma cuối làng. Em cô đã ăn xin trước cổng Hoa Viên hơn hai tuần, mới gặp được Cát và Na.
Lan khóc suốt hôm đó, và mấy đêm sau, cô vẫn còn khóc tí tách. Nhưng cô em gái bé bỏng của cô thì hoàn toàn quên sạch mọi chuyện, vui vẻ nhảy nhót khắp nơi với ánh mắt đầy tò mò, thích thú. Phillips về cũng chơi đùa cùng con bé cả ngày. Anh ta bảo, may có con bé, cô lọ lem bé bỏng của anh ta sẽ không còn cô đơn khi anh ta vắng nhà nữa. Cũng nhờ Phillips, Lân nhanh chóng được đi học ở trường tốt. Con bé không biết chữ, nên phải học từ đầu. Nhưng nó rất sáng dạ, học rất khá, thích ứng với môi trường mới nhanh chóng. Con bé cũng hay đòi bám theo Lan tới Vạn Hoa viên, rồi trở nên thân thiết với Cát – người thanh niên ôm đàn đã cho nó bát nước và nhường cơm cho nó khi nó đói khát vất vưởng ở thành phố này. Sau một thời gian, con bé đòi tới Vạn Hoa viên học đàn với nhóm ả đào. Muốn yêu chiều bù đắp cho em, Lan đồng ý với mọi yêu cầu của cô bé, nhưng với điều kiện con bé phải đi học nghiêm túc ở trường. Giờ Lan thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn biết bao khi mọi người mình yêu thương đều yên ổn trong tầm mắt.

Chả mấy chốc, cô bé Lân và Cát đã như hình với bóng. Cát dạy Lân học chữ, đọc thơ, chơi đàn… Cô bé coi Cát như thần tượng, ríu rít kể với chị mình mọi chuyện. Lan lén gửi những món quà tặng cho anh qua cô bé, vì anh thường từ chối khi cô đưa trực tiếp. Thấy Cát đều nhận, trong lòng cô le lói lên hy vọng. Cô mơ nhiều hơn, những giấc mơ đẹp, có Cát bên mình, có em gái cô, cùng bình an vui vẻ sống bên nhau tới già trong ngôi nhà nhỏ bên bờ biển. Những giấc mơ hạnh phúc khiến cô cười nhiều hơn, xinh đẹp động lòng người hơn trước. Tuổi mười tám, cô thấy mình thật viên mãn.

Nhưng cuối năm đó, một chuyện lại xảy tới, khiến cô bồn chồn lo cho giấc mộng uyên ương của mình. Cô em gái chạy ào vào nhà, khóc nức nở:
“Chị ơi, anh Cát đi rồi. Từ nay không ai chơi với em nữa rồi. Em muốn đi tìm anh ấy cơ.”
Lan bàng hoàng sửng sốt, đầu óc ong ong một lúc lâu sau mới gượng hỏi:
“Đi đâu? Đi khi nào? Ai bảo em thế?”
Cô bé chìa một bức thư ra trước mặt cô.
“Hôm nay đi học về, chú Ba, chú Tuân Thành, chị Na, và mọi người đều bảo anh Cát đã dọn đồ đi rồi. Anh ấy không còn làm ở Vạn Hoa viên nữa. Em đã hỏi chú Hùng dô, chú ấy cũng bảo thế. Chú Ba đưa thư này cho em và quyển sổ chép thơ ca của anh ấy, bảo là anh ấy gửi cho em. Hu hu. Anh ấy viết sẽ lên Hà Nội làm việc, sẽ viết thư và gửi quà cho em. Không, em muốn đi tìm anh ấy. Chị, chị bảo ngài Phillips đi tìm anh ấy cho em đi.”
Cô bé bắt đầu khóc lóc cầm tay năn nỉ cô.
“Hồ đồ. Anh ấy đã bảo sẽ liên lạc mà. Có nghĩa là anh ấy sẽ quay lại và chúng ta sẽ gặp anh ấy thôi. Đừng khóc nháo nữa. Em còn bé, đi theo sẽ khiến anh ấy không làm được việc gì. Em phải chịu khó học hỏi, sau này lớn có thể đi theo anh ấy tới bất kỳ đâu.”
Cô bé nửa tin nửa ngờ, nhưng cũng gật đầu và lau nước mắt. Còn Lan, lòng quặn thắt lại, không khóc nổi nữa. Tuổi mười tám đi qua, giấc mơ tuổi mười tám của cô cũng đi mất rồi sao?
Nhưng hai chị em không phải đợi lâu. Sau Tết nguyên đán, Lân đã nhảy chân sáo về í ới với cô chị:
“Chị, hôm nay em gặp anh Cát. Anh Cát nha.”
Không đợi cô chị hỏi thêm câu gì, cô bé đã kể lại chuyện hôm nay. Nó vừa tan trường đã thấy Cát đứng chờ, vẫy tay gọi nó. Anh ấy cho nó mấy quyển sách, đưa nó đi ăn kem, dặn nó phải chăm viết chữ, luyện đàn.
Từ đó, thi thoảng Cát lại đến thăm Lân, lúc thì ở trường, lúc thì ở Hoa viên – nơi Lân vẫn đến luyện đàn với hai chú Thành – lúc lại hẹn ở nơi nào đó. Mỗi lần con bé đều thao thức không ngủ được tới mấy ngày liền. Còn cô chị, lòng cũng không ngừng thổn thức. Cuối cùng Lan vẫn không đành lòng, lại nhờ em gái gửi cho anh một tấm bưu thiếp. Cô đã ra bưu điện cố chọn tấm ảnh có hình ngôi nhà bên bờ biển, rồi lại nắn nót ghi lên đó ‘Muôn vàn nhớ thương từ thành phố bên bờ biển – Lan’. Anh ấy có nhận không? Anh ấy có hiểu lòng mình không?
Cô không biết người ấy đã sững sờ và đau lòng thế nào khi cầm nó.
Những lần sau, cô tìm thật nhiều những tấm hình ngôi nhà hoặc con tàu bên bờ biển để gửi dần qua em gái cho Cát. Dù không nhận được hồi đáp nhưng cô nghĩ chắc người đó đã hiểu được tâm tư của mình.
Em gái ban đầu khá tò mò với những bưu thiếp này, hay thắc mắc hỏi chị và anh Cát, nhưng chỉ nhận được mấy lời qua loa, khiển trách. Dần dà cô bé đoán, có lẽ Cát thích căn nhà bên bờ biển, nên bất cứ nơi nào hay ai có tranh ảnh kiểu đó, cô bé đều lén giấu chị mình, tìm cách lấy về cho Cát.
*
*   *
Một sáng mùa thu se lạnh, nhìn xuống đường, thấy lác đác mấy phu nhân diện đầm và áo dài rực rỡ, quấn khăn len, đội mũ dạ đi dạo trên con phố tịch mịch, Lan thấy hơi mệt mỏi và buồn ngủ, nhưng tiếc thời tiết đẹp, lại lồm cồm bò dậy, trang điểm, mặc đồ thật đẹp xuống phố.
“Madame, trời hôm nay thật đẹp.”
Giọng nói quen thuộc vang lên phía sau. Không cần nghĩ cô cũng biết là ai, tới vì chuyện gì. Kể từ lần bị ngài bác sĩ dọa sợ ở phòng khám của anh ta, thi thoảng tuần một hai lần họ lại ‘tình cờ’ gặp nhau thế này. Có điều, kể từ đó anh ta đưa ra yêu cầu nhiều hơn, còn cô phải khéo léo tới thăm và nói chuyện với Phillips lâu hơn. Phillips là anh chàng ngạo mạn tự đắc, cho cô là cô gái đơn thuần, chỉ biết lõm bõm vài từ tiếng Pháp, không rành thế sự, nên hay huênh hoang kể chuyện trên trời dưới biển cho cô, thậm chí còn kệ cô mang đồ ăn tới, âu yếm cùng anh ta trong phòng làm việc. Cô từng ngẫm lại lời Kiên, thấy dù sao ngài bác sĩ nói cũng có lý. Bị Kiên tận dụng thế này cũng coi như cho anh ta một ân huệ đi. Khiến anh ta nợ ân tình mình, sau này biết đâu sẽ có lúc dùng tới.
Họ mỉm cười sóng đôi đi ra khu quán hoa gần đó, lại hỏi han nhau vài chuyện tào lao, qua đó chia sẻ ít tin tức. Đứng trước hàng hoa rực rỡ đầy màu sắc, Lan vừa cúi xuống xem mấy đóa hồng tây, ngẩng đầu lên gặp ánh mặt trời chói mắt, đã lảo đảo suýt ngã xuống đất, may có Kiên và người bán hoa đỡ kịp. Cô nhanh chóng được đưa về nhà.
“Em thấy thế nào?”
“Chóng mặt, giờ đỡ rồi, nhưng hơi buồn nôn, ngứa họng, khó chịu lắm.”
Hỏi thêm mấy câu nữa, Kiên ôn tồn nhìn cô và nói:
“Tôi nghĩ em đã mang thai. Có lẽ đang trong thời kỳ đầu. Em nên đến phòng khám hay bệnh viện để biết chi tiết. Nhưng từ giờ nên ít đi lại thôi, tránh xóc nảy, ăn uống đầy đủ vào.”
Kinh ngạc và lo lắng, cô ở lì trong nhà đến tận hôm Phillips về. Đi khám ở bệnh viện dành cho người Pháp, bác sĩ đã chắc chắn cái thai được khoảng hơn hai tháng. Ngài thiếu tá cũng giống cô, không quá vui mừng. Nhưng em Lân thì vô cùng phấn kích, nhảy nhót tưng bừng như con gà chọi. Cũng từ bữa đó, cô chỉ quanh quẩn trong khuôn viên căn biệt thự, thi thoảng mới ra ngoài xã giao cùng Phillips. Kiên và Na hằng tuần ghé qua thăm cô.
*
*   *
Buổi trưa hôm ấy, Lân vừa đi học về, lại rón rén vào phòng cô, vẻ mặt bừng bừng đầy tức giận, nhưng cũng có chút sợ sệt. Thấy cô nhìn mình chằm chằm, con bé lắp bắp:
“Chị … chị… Em gặp ông ta… gặp bố.”
Lan trợn tròn mắt.
“Ông ấy khốn khổ lắm. Ông ấy bảo sắp chết đói rồi. Ông ấy túm áo em đòi tiền, không đưa thì không chịu thả. Em sợ quá mà không dám hét gọi người ta bắt ông ta vào tù. Lúc đó may có anh Cát tới. Anh ấy đưa tiền, ông ta mới buông em ra. Ông ấy bảo nói với chị cho ông ta ít tiền. Không ông ta chết mất. Ông ta sẽ chết trước cửa nhà chị cho coi. Chị ơi, em sợ lắm.”
“Đừng lo, chị ở trong nhà. Bảo vệ không để ông ta vào đâu.”
Lan trấn an em gái, nhưng lòng cũng nhộn nhạo, dịch vị từ dạ dày cứ cuộn lên cổ họng.
Không phải chờ lâu, ngay hôm sau ông bố rách rưới đã đứng ở cổng biệt thự. Bảo vệ không cho vào, ông ta hò hét, nằm lăn xuống đất ăn vạ. Mấy người không biết xử lý thế nào, vào báo cho Lan.
“Cho ông ta ít tiền rồi đuổi đi.” Lan cất giọng lạnh lùng.
Một lúc sau, bảo vệ lại chạy vào.
“Ông ấy vứt tiền đi. Ông ấy bảo muốn gặp cô. Ông ấy cứ nằm ngoài kia la hét. Quân cảnh đã tới. Nếu chúng ta không xử lý, họ sẽ đưa bố cô về giam trong ty cảnh sát. Có thể sẽ làm mọi chuyện phức tạp hơn. Có cần chúng tôi mạnh tay hơn không?”
Thấy ông bảo vệ tay sờ súng, tay huơ huơ cây gậy ra hiệu, Lan hoảng sợ lắc đầu:
“Đừng, đừng. Để ông ta vào đi. Tôi nói chuyện với ông ta.”
Lan xuống phòng khách, bố cô đang la hét đứng đó, bộ dạng còn tàn tạ hơn lần gặp trước, hai mắt đã đục ngầu. Nhìn thấy cô, ông ta nhào tới cầm tay cô nỉ non bằng giọng khản đặc:
“Con gái, con gái, cứu bố với. Bố sắp chết rồi. Bị người ta ức hiếp, bỏ đói đến sắp chết rồi. Bây giờ hai đứa con đều giàu có, dư của ăn của để, con nỡ lòng nào nhìn cha ruột con bị lũ chó kia đánh đập, chết vì đói khát. Con ơi, cứu bố với. Bố nuôi mày mười lăm năm, mày không nuôi bố được cả quãng đời còn lại cũng phải nuôi dăm ba năm cho có đạo hiếu chứ?”
“Ông lại muốn gì?”
“Con, con cho bố ở đây đi. Một thời gian thôi cũng được. Bố chả còn mấy cái răng nên sẽ không tốn cơm gạo của con đâu. Trừng mắt cái gì? Mày nuôi được cả em mày, cho nó đi học trường Tây, mà lại không nỡ cho bố mày một cái ổ nhỏ với nắm cơm nguội mỗi ngày à?”
“Tiền đây, ông cầm đi. Tôi chỉ có thể giúp ông đến thế. Tôi nghĩ ông nên về làng. Số tiền này dư sức giúp ông sống tốt ở làng.”
“A! Con khốn nạn, con đĩ, đồ mất dạy. Đồ ăn cháo đái bát. Uổng công tao sinh thành dưỡng dục.”
Ông ta xông lên túm tóc Lan, khiến cô sợ quá, xoay người tránh đi, nhưng vướng chiếc sô pha nên ngã nhào xuống đất. Ông ta vẫn túm lấy tóc cô giật lên giật xuống không buông, và không ngừng chửi rủa:
“Con khốn, đồ vong ân phụ nghĩa.”
“Dừng lại! Dừng lại ngay!” Thím Hà và người bảo vệ ào tới, mãi mới lôi được ông ta ra. Nhưng Lan không đứng dậy nổi nữa. Máu từ hạ thân cô chảy thành dòng ra sàn nhà.
“Chị! Chị! Chị ơi!” Tiếng em gái thất thanh gọi, mà cô cứ chìm dần trong mông lung. Cô gục xuống sàn.
“Đứa bé! Trời ơi, đứa bé!” Tiếng thím Hà dồn dập sợ hãi. Lân vừa ào vào, đứng sựng lại khi thấy chị mình xỉu dần giữa vũng máu. Mắt cô bé hoa lên. Trước mặt cô bé, cảnh mẹ mình hiu hắt trút ngọn hơi tàn hiện ra chồng chéo với máu đang vây quanh người chị. Cái lạnh lẽo buốt giá của mùa đông năm nào như hiện hữu, làm hơi thở cô đông cứng lại.
“Tôi phải giết ông. Đồ khốn. Ông đã giết mẹ tôi, giờ lại giết chị tôi, giết cháu tôi. Tôi phải giết ông.”
Con bé điên cuồng lao vào bếp, lấy ngay con dao to nhảy ra. Mọi người bị dọa sợ, ngây ra như phỗng. Bỗng Kiên và Cát từ ngoài lao vào, tóm lấy hai tay con bé. Giằng co một lúc, Cát cũng dỗ được Lân bình tĩnh lại. Đám bảo vệ đánh đuổi người đàn ông tồi tệ kia đi. Liếc thấy tình thế bất lợi, ông ta cũng vơ vội nắm tiền, lao nhanh ra ngoài trước khi bị họ bắn chết.
Mọi người đưa Lan tới bệnh viện. Đứa bé mất. Lân khóc sưng đỏ mắt bên giường cô. Kiên và Cát ở bên cạnh, người nhìn cô thở dài, kẻ lòng như muối xát.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét