Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Những Thành Phố Bên Bờ Biển Cả - Cheryl Pham: Chương 4


4 – Người từ Bạo loạn


Đoàn ca nhạc từ Marseille đến Nhà hát lớn thành phố biểu diễn cho người Pháp. Cảnh binh vây đầy quanh nhà hát để bảo vệ các công dân xa xứ của mẫu quốc. Bên trong, giai điệu lúc hoành tráng, lúc lại bi thương, da diết của vở Carmen đang ru mọi quan khách nhìn đến say mê. Phillips thi thoảng nói vài lời tiếng quốc ngữ bập bẹ và ra dấu để giải thích nội dung vở nhạc kịch cho Lan. Dù không thực sự hiểu vở kịch và cả ý của Phillips, nhưng Lan vẫn duyên dáng gật đầu, ánh mắt long lanh xúc động trước sự tận tình của ngài thiếu tá.
Khi chàng José thốt lên “Eh bien, damnée!” và đâm nàng Carmen, đoàn hợp ca tưng bừng nhảy múa quanh Escamillo, còn một đội vũ khác ngân bài ca thảm thiết u sầu bao quanh cái chết của cô nàng Gypsy. Khói bay quanh sân khấu và khán đài mỗi lúc một dày đặc. Rồi có tiếng thét, có ánh lửa bùng lên. Khản giả vẫn say mê, tưởng đó là hiệu ứng sân khấu, cho đến khi có mấy tiếng súng nổ ra. Mọi người ồ lên, bừng tỉnh. Mấy tiếng thét thất thanh. Dường như có ai đó trên hàng ghế khán giả gục xuống. Tất cả sau đó biến thành mớ hỗn loạn. Người người ào ào xô ra khỏi nhà hát, quên sạch vẻ đạo mạo, lịch thiệp, súng sính lúc tới. Còi báo động hú vang thành phố. Bên ngoài nhà hát cũng hỗn loạn không kém. Tiếng gào khóc, tiếng la hét, tiếng súng, tiếng xe, tiếng binh lính bước chân uỳnh uỵch. Có tiếng nổ lớn và khói bốc lên từ khu nhà máy sửa chữa tàu thuyền Caron xa xa. Những bọc tẩm xăng bùng lên bị một số người ném ra đã soi sáng thay cho ánh đèn đường mờ ảo. Một mớ bòng bong.
Lan có cảm giác tim đang ngưng thở. Bị va mạnh vào người, bị dẫm lên chân cũng không khiến cô thấy đau đớn nữa. Chạy! Phải chạy khỏi chỗ này ngay! Ham muốn được sống chưa bao giờ mãnh liệt như thế trong tâm trí cô. Mình không muốn chết với đám người xa lạ này.
Phillips vẫn một tay nắm chặt tay Lan mạnh mẽ kéo đi, tay kia rút súng trong thế thủ. Hai người cuống quít trốn sau đám người và xe lộn xộn, mon men trong bóng tối, tới được chiếc xe con của Phillips. Anh ta ấn Lan vào trong, rồi cầm lái vọt thật nhanh luồn lách giữa đám đông và khói súng đi thẳng về khu biệt thự cách đó không xa.
“Faites attention au loup, ma biche! Ne sors pas!” [Cẩn thận nhé, em yêu! Đừng ra ngoài!]
Nói rồi anh ta vội vã phóng xe đi mất. Mấy người bảo vệ đưa Lan vào nhà. Hoàn hồn lại, vào toilet thấy tóc tai tán loạn, quần áo xốc xếch, vai áo đầm tuột cả xuống, cô vẫn còn rùng mình sợ hãi.
Làng Phao không có người của triều đình, cũng không có lính Pháp, nên chưa bao giờ có đấu súng, đình công, dù đôi khi cũng nhìn thấy khói bom và nghe tiếng đạn ộp oạp xa xa.(5) Hơn hai năm trên thành phố này, ngày ngày thi thoảng nghe tiếng bom đạn. Thấy công nhân đánh nhau với cảnh vệ từ xa cô đã chạy mất. Lại nghe trên đài phát thanh và mọi người bàn luận về những lần lính Pháp cùng triều đình đàn áp công nhân, nông dân, học sinh, các đợt truy quét Cộng Sản của người Pháp, tranh cãi nảy lửa của các hiệp hội, tôn giáo… thấy đó là chuyện xa vời, cô không bận tâm. Nhưng giờ đây, chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ sống trong bạo loạn, khiến cô cảm thấy như đã trải qua một đời. Cô thầm nghĩ, từ trước tới giờ mình đúng là may mắn quá rồi.
(5) Làng Phao vẫn thuộc tỉnh Hải Phòng, là nhượng địa của Pháp, nên không nằm dưới sự cai quản của triều đình nhà Nguyễn, mà là của người Pháp. Do đó, làng không có các chức sắc quan lại hành chính phong kiến, chỉ có một trưởng thôn do Pháp chỉ định. Làng ở xa cảng, không nằm trong thành phố, lại rất nghèo và ít người, nên người Pháp cũng không bận tâm cai trị.
Lan vội vã đi tắm gội. Tiếng nước chảy xối xả lẫn trong tiếng còi hú ầm ầm của quân cảnh. Hơn hai giờ sau, bạo loạn vẫn chưa kết thúc, vì thi thoảng còi vẫn hú vang. Tiếng súng lác đác. Mùi đạn và xăng vẫn thoang thoảng trong không khí. Ngồi thấp thỏm trên ghế nhìn ra ngoài cổng, cô thấy mấy người canh gác vẫn đi đi lại lại. Cổng đóng. Phillips vẫn chưa về. Gần một giờ sáng, cô bồn chồn đi ngủ.
Lan ngủ mơ màng trong tiếng đạn pháo rời rạc. Rồi tất cả chìm trong tĩnh mịch. Có lẽ bạo loạn đã kết thúc. Hẳn Phillips vẫn chưa xong việc, phải ở lại doanh trại. Đột nhiên cô nghe thấy hơi thở khó nhọc, có mùi ngai ngái tanh tanh ập tới. Lan mở trừng mắt.
“Phillips? Phillips?”
Lan thều thào như bị bóng đè, nhưng dần tỉnh táo. Vẫn im lặng. Lan sợ hãi lò dò bật đèn ngủ và nhìn quanh. Không thấy gì. Mới hơn hai giờ sáng. Cô đi đi lại lại một lúc, rồi về giường. Chợt thấy bóng rèm bên cửa sổ hơi động đậy, cô sợ hãi co rúm người lại. Vẫn im lặng, không thấy nhúc nhích gì thêm. Cô rón rén đứng lên lại gần cửa sổ. Lật rèm ra, nhìn lên rồi nhìn xuống, cô kinh ngạc thấy một người đang gục xuống, máu chảy vương vãi ra sàn nhà. Một người đàn ông. Bị thương rất nặng, đến mức không nhúc nhích nổi. Cô lấy tay đẩy đầu anh ta, cả thân hình đó đổ ụp xuống nền nhà. Chết rồi sao? Không, vẫn còn thở. Bỗng người đàn ông mở mắt như không còn tiêu cự, cất tiếng thều thào:
“Giúp tôi! Hãy… giúp tôi!” Rồi anh ta ngất đi.
Gương mặt còn khá trẻ, nghiêm nghị, lại có phần khí phách. Bộ đồ tây bết máu và bụi bẩn. Cộng Sản? Công nhân? Học sinh, sinh viên? Nông dân khởi nghĩa? Quan sai phản bội triều đình chống Pháp? Có một cảm giác rất khó tả dâng lên trong cô. Bỗng tiếng gõ cửa vang lên.
“Cô chủ, cô chủ! Có chuyện gì không? Cô không sao chứ? Cô chưa ngủ à?” Tiếng một người bảo vệ. Có lẽ nhìn thấy ánh đèn trong phòng cô.
“Không sao. Tôi chỉ khó ngủ thôi. Tôi vẫn muốn đợi nhà tôi về. Chú cứ đi làm việc đi.”
Người bảo vệ vâng dạ rồi bước đi xa dần. Sao mình lại giúp anh ta nhỉ? Nhỡ Phillips biết thì sao? Ngây ngẩn một lúc, cô tìm trong ngăn kéo ít vải và bông băng. Cô cầm máu, rồi băng bó nhanh chóng cho người đàn ông. Anh ta có lẽ ngất vì mất nhiều máu. Cởi áo anh ta, thấy có vết thương do đạn bắn bên sườn và vết đạn sượt qua cánh tay là nặng nhất, các vết khác chỉ là xây xát ngoài da. Cô không rành y dược, chỉ thi thoảng xem chị Na xử lý mấy vết thương nhỏ, một lần tận mắt thấy Pierre băng một vết thương của chính ông ta khi đấu võ, còn lại chỉ nhìn trên vô tuyến và nghe đồn. Hồi sống ở làng, bị thương tích đều mặc kệ hoặc cùng lắm lấy ít lá đắp vào, cứ thế vết thương tự lành. Cô chậc lưỡi nghĩ, chỉ cần cầm máu thôi, còn cứ để vết thương tự lành. Băng bó vùng cánh tay và ngang hông xong, lau sạch máu và đất cát bẩn thỉu trên người anh ta, cô kéo anh ta dựa vào giường, rồi lau sạch các dấu vết trên sàn. Cuối cùng, cô trải một tấm chăn bông lên sàn, kéo anh ta vào nằm trên đó, đắp cho một tấm chăn mỏng. Tiết trời thu hơi se lạnh, nhưng vẫn trong trẻo. Cô lên giường nằm thao thức, thi thoảng đưa mắt liếc nhìn người đàn ông nằm dưới sàn. Không gian im ắng, chỉ có tiếng côn trùng sột soạt, tiếng chân người lính gác, tiếng đội quân cảnh rầm rập ào qua. Người đàn ông thi thoảng rên lên và giật mình, khiến cô cũng hoảng sợ. Anh ta làm sao vậy? Mong Phillips đừng về lúc này. Mong không ai phát hiện ra. Mong sáng mai anh ta tỉnh dậy và trốn đi thật nhanh.
Cứ thế tới sáng rõ.
Mặt trời chiếu xuyên qua rèm cửa. Lo bị phát hiện, Lan kéo thêm một lớp rèm nữa che cửa sổ kín hơn. Cô vẫn cố nằm trong phòng, giả bộ còn đang ngủ nướng vì đêm qua thức khuya. Thi thoảng cô vẫn thế, nên không khiến người giúp việc chú ý. Làm sao bây giờ? Làm gì tiếp đây? Không thể cứ nằm đến trưa được, người giúp việc sẽ vào đánh thức cô và dọn phòng. Cô ngồi dậy nhìn chằm chằm người đàn ông trên mặt đất mà vẫn chưa nghĩ ra được cách nào.
Đột nhiên tay anh ta cử động. Anh ta mở mắt. May quá.
“Anh tỉnh rồi! Suỵt, đừng nói gì. Anh phải rời khỏi đây thôi, nếu không sẽ bị phát hiện mất. Chồng tôi có thể về nhà bất kì lúc nào.”
Người đàn ông khẽ gật đầu tỏ vẻ đã hiểu. Anh ta định ngồi dậy, nhưng vết thương trên hông làm anh ta đau đến nhe răng trợn mắt. Cô phải đi xuống giúp anh ta đứng dậy. Đưa một bộ quần áo của Phillips giúp anh ta thay vội, cô hé rèm canh chừng tới khi anh ta vật vã leo ra ngoài cửa sổ, an toàn lẫn trong đám bụi cây của khu vườn. Thu dọn vội vã đống chăn và quần áo bỏ vào trong một cái túi to, cô gọi người giúp việc bảo vất đi.
“Có mùi thuốc sát trùng. Cô chủ hôm qua bị thương à? Sao không gọi tôi bôi thuốc cho?”
“Ừ, chỉ xây xát ngoài da thôi. Tôi bôi thuốc tối qua rồi. Đêm qua đã khuya nên không phiền thím. Thím đi nấu cho tôi ít cháo. Tôi hơi khó chịu.”
Người giúp việc đon đả đi xuống bếp. Cô thở phào nhìn quanh xem còn sót thứ gì có thể bị phát hiện không, sau đó yên tâm thay đồ và xuống phòng ăn.
Chiều tối hai hôm sau Phillips mới về, vẻ mệt mỏi. Có lẽ từ hôm đó đến giờ anh ta chưa được nghỉ ngơi. Hai người âu yếm hôn nhau. Lan tất bật chuẩn bị đồ tắm và chăn ấm cho anh ta. Tắm xong, anh ta ngủ thẳng đến sáng hôm sau. Kết thúc bữa ăn như hổ đói, Phillips đứng dậy, nói vài lời âu yếm xin lỗi cô lọ lem bé bỏng của mình, rồi lại vội vã lên xe công vụ đang đợi sẵn để về doanh trại. Cô thở dài, rồi lại quay về nhịp điệu như thường ngày, đi mua sắm và ghé Vạn Hoa viên nhìn một người.

Chiều hôm ấy hơi âm u, kiểu thời tiết thật hiếm hoi trong những ngày cuối thu. Cát hờ hững chỉ cô đàn. Bên cạnh, Na cầm tập nhạc nguýt dài khinh bỉ. Chú Ba Thành và chú Tuân Thành loay hoay sửa dây đàn đáy.
“Đến đây thôi. Hôm khác ghé qua đi. Giờ anh có việc phải đi. Chú Ba, cháu xin phép nghỉ sớm ra ngoài một chút.” Thấy chú Ba gật đầu đồng ý, Cát thu đồ rồi đứng dậy đi ra ngoài, bỏ lại hai cô gái mong mỏi nhìn theo phía sau. Một lúc sau Lan cũng đứng dậy.
“Cháu cũng về đây, gần tối rồi, có thể Phillips sắp về.”
Cô xách ví đầm ra ngoài. Lái xe nhìn thấy, vội vã bảo cô chờ ông ta đi lấy xe. Cô đứng gần cổng hoa viên. Một nhóm khách vừa đi tới, cả An nam lẫn Pháp, xuống từ ba chiếc xe con bóng nhoáng, đang tay bắt mặt mừng nói với nhau những câu khách sáo. Cô hời hợt liếc qua mấy vị tri thức rởm đời. Đó là cách gọi của Na. Vô hình chung sau hơn một năm sống cùng, khiến cô nhìn nhận mọi người khá giống Na. Xe tới, cô vừa định bước vào thì cánh tay bị giữ lại. Tiếng một người đàn ông ôn tồn vang lên:
“Madame, có phải quí bà không?”
Cô quay lại. Một người đàn ông trong bộ tây trang tao nhã, ánh mắt bừng sáng, đang giữ tay cô. Có lẽ là người trong nhóm khách vừa đến kia. Thấy mấy người còn lại đều dừng bước, quay ra nhìn họ. Anh ta bối rối bỏ tay ra, tỏ vẻ hơi ngượng ngùng xin lỗi:
“Madame, je suis désolé! Tôi… Chào bà, bà còn nhớ tôi không?” [Thưa bà, tôi xin lỗi!]
Cô chợt giật nảy mình. Đó chính là người đàn ông bị thương trong vụ bạo loạn hơn một tháng trước trốn trong phòng cô. Sững sờ một lúc, cô xua vội tay:
“Không, không. Anh nhận nhầm người rồi. Tôi không quen anh.”
Rồi vội vào xe để tài xế đóng cửa. Nhưng anh ta vẫn gọi với theo, đưa cho cô tấm danh thiếp qua cửa xe mà không hề tỏ vẻ ngượng ngập vì sự thất thố của mình:
“Madame, tôi xin lỗi đã làm phiền. Tôi tên là Trần Trung Kiên, bác sĩ ngoại khoa mới về nước. Rất vui được làm quen với bà và ông nhà.”
Chiếc xe chở theo người phụ nữ đang tròn mắt vì kinh ngạc đi mất. Người đàn ông híp mắt nhìn theo cho đến khi có người đến vỗ vai anh ta:
“Kiên, ai đấy? Thật xinh đẹp động lòng người.”
“Không có gì. Một người quen cũ.”
Một người khác chạy tới, ra vẻ là tay ăn chơi lõi đời.
“Không biết quí bà đó sao? Lê Thị Lan. Nhân tình của ngài thiếu tá Jean Phillips, thuộc ban tham mưu binh đoàn viễn chinh Đông Dương. Hoa khôi người bản xứ nổi tiếng nhất trong nhóm người đẹp đất Hải Phòng này đấy. Giới quan binh và thương nhân đều biết đến nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của cô ta. Trước cũng là ca nương của Vạn Hoa viên. Nghe nói ngài thiếu tá dù mới bị điều từ chính quốc vô Sài Gòn, nhưng gần nửa năm nay cứ ở lì đất Hải Phòng, vì không nỡ rời người đẹp.”
Nói xong hắn ta còn hất đầu về phía tòa nhà Vạn Hoa lộng lẫy như một lâu đài vương giả. Mấy người đi theo tỏ vẻ thích thú và tò mò, còn người đàn ông tên Kiên chỉ khẽ lắc đầu mỉm cười. Sau đó, họ lôi kéo nhau đi vào trong sảnh.

Có một lần thì sẽ có lần hai, lần ba… Lan chạm mặt Kiên tới bốn lần trong một tháng ở Vạn Hoa viên. Trực giác phụ nữ khiến cô sợ hãi. Cô cảm giác anh ta đang đặt chủ ý lên người mình, cố gắng tiếp cận mình. Nhưng cô thực sự không hiểu ý định của anh ta. Rõ ràng trong mắt anh ta không có tình cảm nồng cháy, cuồng nhiệt như Phillips, không có sự quyến luyến, yêu chiều như Pierre, không có vẻ nâng niu, xót xa và đau đớn như Cát, cũng không có ánh lửa đắm đuối, sôi sục, dâm tà như đám trai làng, như Du, hay nhiều tên đàn ông khác nhìn cô. Anh ta luôn mặc tây trang lịch thiệp, hơi mỉm cười để che bớt vẻ nghiêm nghị, nhìn cô khá chăm chú nhưng bàng quan, không tỏ ra vồn vã, cũng không nói gì nhiều mỗi lần ‘tình cờ’ gặp gỡ. Một người đàn ông nghiêm túc và đáng tin cậy. Thế mà cô lại thấy sợ hãi. Cô quyết định từ nay hạn chế tới Hoa viên. Nhưng như thế sẽ ít được gặp Cát. Làm sao bây giờ? Cô đắn đo mãi, rồi nghĩ cứ kệ, thuyền đến đầu cầu tự nhiên thẳng. Bao người yêu thích và muốn tiếp cận cô cơ mà, huống chi có vẻ anh ta cũng không say mê gì nhan sắc của cô, càng không có vẻ bận tâm tới ân tình của cô đêm đó.

Hôm nay, vừa bước chân ra cửa đi dạo, Lan thấy Kiên. Anh ta mỉm cười thân thiện xách vali y tế và cùng đi với cô một đoạn ra quán hoa gần đó. Cô đã biết anh ta sống trong khu biệt thự của giới nhà giàu cách một con phố với khu biệt thự của người Pháp. Anh ta gần đây thường xuyên tới khu này khám bệnh cho thân nhân đám quan binh chính quốc. Danh tiếng anh ta rất tốt. Đến Phillips tình cờ gặp trong một bữa tiệc trà cũng vui vẻ làm quen, và nhờ anh ta chiếu cố nhà mình nếu có chuyện gì cần bác sĩ. Cô phát hiện ra người đàn ông đó rất vui tính, uyên bác, kiến thức phong phú, từ trang phục, đồ dùng, thể thao, âm nhạc, thi ca, tới kiến trúc, quân sự, lịch sử đều vô cùng sâu sắc. Thi thoảng anh còn chơi trò đố vui với cô. Hóa ra lâu nay mình quả thực không hiểu gì về anh ta. Con mắt nhìn người của mình đúng là không tốt lắm, giống như chị Na nói, “rất khờ”. Cô dần bớt phòng bị với Kiên, nói chuyện vui vẻ, tự nhiên với anh hơn. Thi thoảng, anh còn nhờ cô chép lời mấy khúc ca cổ. Vài lần cô đưa anh tới xem nhóm ả đào luyện tập khi anh rảnh rỗi. Bản thân cô cũng nhờ anh mua thuốc, mua bông băng y tế cho nhà mình và lén… cho Cát. Dạo này Cát hay bị thương tích. Chị Na bảo cô, anh ấy đã say rượu, đánh nhau.
“Ngày kia thiếu tá có về nhà không?” Kiên thong dong cho một tay vào túi quần, đi bên cạnh cô, vui vẻ hỏi.
“Không, cuối tuần anh ấy mới về. Trong tuần, nếu có về, thường gọi điện báo trước để tôi về nhà sớm cho người chuẩn bị. Thi thoảng cũng về ngẫu nhiên lấy đồ, nhưng sẽ đi ngay. Còn nếu cuối tuần không về được hay vào Sài Gòn, hoặc đi đâu xa, anh ấy luôn báo trước hoặc điện về. Có chuyện gì sao?”
“À, chúng tôi dự định mở một tiệc trà giới thiệu vài người mới. Tôi định mời mấy quan Pháp mà tôi biết cho mọi người làm quen, trong đó có thiếu tá và cô. Một số họ là những người rất quan trọng, lại thích phiêu lưu, vừa từ Ấn Độ về, có lẽ ngài ấy sẽ rất thích.”
“Thật sao? Đúng là anh ấy sẽ rất thích. Anh ấy sống ở Ấn Độ hơn mười năm và rất thích nơi đó. Làm sao bây giờ?”
“Nhờ cô gửi thiếp mời tới thiếu tá ở quân doanh vậy. Ngài ấy sẽ tự quyết định.”
“Nhưng… nhưng tôi chưa bao giờ đến chỗ anh ấy làm việc. Ừm, anh biết đấy, tôi không hiểu lắm về binh lính, về công việc của anh ấy, cũng không muốn hiểu.”
“Ừm, không hiểu không sao.” Rồi ánh mắt Kiên như chìm trong suy tư. “Cô còn quá trẻ, có thể chưa nghĩ tới. Nhưng tâm hồn hòa hợp rất quan trọng trong một mối quan hệ. Thấu hiểu bạn đời, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ mới duy trì mối quan hệ được dài lâu. Cô từng kể thiếu tá vì cô mà học hát ả đào, học tiếng quốc ngữ, giúp đỡ bản thân cô, bạn cô, Vạn Hoa viên. Tất cả những gì liên quan đến cô, thiếu tá đều dụng tâm, dụng sức tìm hiểu, làm cô vui lòng. Còn cô hiểu gì về ngài ấy, thấy được khó khăn nào của ngài ấy, đã làm gì cho ngài ấy? Cô gái trẻ ạ, tình cảm hay bất kì mối quan hệ nào cũng phải tương xứng, có cho có nhận, có hưởng thụ, có báo đáp. Có nhân sẽ có quả. Nhân tốt quả mới ngon ngọt. Cô cư xử thế nào, cô sẽ nhận được thế. Cô bỏ nhiều, sẽ nhận được nhiều. Cô hết lòng chăm lo quan tâm ngài ấy, tình cảm của ngài ấy với cô mới bền lâu, thắm thiết được. Giống như cô đã từng giúp tôi. Sau này, nếu cô có chuyện gì, không cần nói, tôi cũng sẽ giúp cô vô điều kiện.”
“Vâng, vâng… Tôi hiểu. Đúng là từ trước tới giờ, không ai bảo tôi điều đó. Tôi… Tôi cảm thấy mình thật … thật …ích kỷ, nông cạn.”
“Đừng lo lắng. Cô còn trẻ, còn rất nhiều thời gian để học những điều đó.”
Lời nói của Kiên cứ đeo đuổi tâm trí, khiến cô day dứt suốt cả ngày. Cô nghĩ trong đời này, mình nhận được rất nhiều từ Phillips, từ Cát, từ Na, từ Pierre, nhưng thực ra mình chưa đền đáp gì cho họ. À, chị Na đã được đền đáp một chút về vật chất. Pierre thì như biến mất khỏi thế giới của cô. Còn những người kia, Phillips, Cát, cô phải làm gì cho họ?
Chiều hôm đó, Lan quyết định không tới Vạn Hoa viên nữa, mà tới doanh trại quân đội Pháp đồn trú. Người lái xe sửng sốt, e dè:
“Cô chủ, nhưng tôi không biết chúng ta có được vào không? Tôi chưa bao giờ tới đó. Nghe nói ở đó canh phòng nghiêm lắm, chúng ta có thể bị bắn chết từ xa đấy.”
“Làm gì có chuyện đó. Ai dám bắn thân nhân sĩ quan cao cấp chứ? Cứ đến đó đi. Nếu không được vào thì quay về.”
Họ đi tới căn cứ quân sự của đoàn quân viễn chinh, bị bốt kiểm tra bắt dừng lại khi còn cách cổng doanh trại hai trăm mét. Chờ rất lâu, hơn một tiếng sau, họ mới được lệnh đi vào tiếp. Tới cổng, Phillips và một nhóm lính hộ tống chạy ra đón Lan, người lái xe phải ở lại ngoài cổng. Phillips đưa cô qua nhiều bốt canh, tới một khu nhà hai tầng sạch sẽ, mở cửa vào một căn phòng nhỏ ngăn nắp, thoáng đãng, khá đầy đủ tiện nghi. Nhưng so với căn biệt thự rộng rãi cô ở thì thua xa.
“Ma biche, comment tu m'as trouvée? Pourquoi tu viens ici?” [Em yêu, làm sao em tìm được anh? Tại sao em lại đến đây?]
“Moi…moi… visiter toi. Toi vivre difficile, mais moi heureux.” [Tiếng bồi: Em … em tới thăm anh. Anh sống thật khổ, mà em lại sống sung sướng.]
Nhìn cô lắp bắp, chảy nước mắt nước mũi nghẹn ngào, Phillips từ bộ dạng nhăn nhó khó chịu, đã trở nên luống cuống, xúc động:
“Ne pleures pas, ma biche. Je préfère mourir plutôt que de tu voir pleurer. Ça va très bien!” [Đừng khóc cưng ơi. Anh thà chết còn hơn thấy em khóc. Anh không sao mà.]
Hai bên luống cuống một lúc, mới hiểu chuyện hơn đôi chút. Cô đưa tấm thiệp mời của bác sĩ Kiên, và lấy khăn lau mặt Phillips, lấy tay vuốt ve mái tóc hung vàng và khuôn mặt cứng cỏi với từng đường nét rõ ràng, đẹp như chạm khắc của anh ta. Họ âu yếm, thủ thỉ bên nhau một lúc lâu. Gần sẩm tối, khi tiếng chuông báo hiệu vang lên, Phillips mới quyến luyến rời vòng tay người yêu. Lan nhớ tới hộp bánh Ladurée ở tiệm bánh Pháp ngon nhất thành phố mà Phillips thích ăn. Nhìn hộp bánh, chàng thiếu tá cảm động, âu yếm hôn cô thật sâu.
Tối hôm sau, Phillips về nhà, Lan tự tay chuẩn bị đồ ăn cho anh ta. Họ nồng nhiệt đắm đuối như ngày đầu mới gặp.

Vài hôm sau.
 “Anh Kiên, cảm ơn anh đã khuyên bảo. Tôi thực sự đã hiểu ra nhiều điều. Ừm, đã biết trân trọng và đối xử tốt hơn với người yêu thương mình.”
“A, cô đã tới quân doanh? Thiếu tá và cô sẽ tới bữa tiệc chứ?”
“Vâng. Tôi tới đó rồi. Cảm ơn anh, nhưng rất tiếc anh ấy bận công vụ. Cuối tuần này cũng chưa chắc đã về nhà. Nghe nói thời gian này có tham mưu trưởng quân đội Đông Dương và một quan chức cấp cao từ mẫu quốc tới, mai sẽ đến Hải Phòng. Hẹn anh và mọi người khi khác vậy.”
“Được rồi, được rồi. Không sao. Còn nhiều cơ hội. Cô cũng dám tới quân doanh cơ à? Tôi tưởng cô nhát thế, mà cũng dám tới.”
“Vâng, ở đó canh phòng thật nghiêm ngặt. Chốc chốc lại có bốt gác. Chúng tôi còn bị chặn lại một đoạn rất xa trước khi tới cổng chính. Nhưng vào đó mới hiểu, cuộc sống của anh ấy cũng không dễ dàng gì. Rất khổ cực. Khác xa những gì tôi nghĩ. Cảm ơn anh, nhờ có anh động viên, tôi mới biết thêm về anh ấy.”
“Đừng khách sáo. Tình yêu thật là tốt. Tuổi trẻ thật là tốt. Hai người hạnh phúc là tôi vui rồi.”
“Anh cũng còn trẻ mà. Anh sẽ tìm được tình yêu và hạnh phúc của mình thôi.”
“Ừ, mong là vậy.”

Kể từ đó cứ một tháng đôi lần Lan ghé qua doanh trại của Phillips. Cô cũng tâm sự nhiều hơn với Kiên, vì thấy đó quả thực là một người đáng tin cậy.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?

Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ...