Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Những Thành Phố Bên Bờ Biển Cả - Cheryl Pham: Chương 12


12 – Quay lại


Người Nhật không thích văn hóa tự do, phô trương, đại chúng của phương Tây. Vì thế mà quan binh Nhật lui tới Vạn Hoa viên khá nhiều, nhờ kiến trúc và phong cách dân gian cổ xưa kín đáo của nó. Ông chủ Quýnh đã bắt một nửa số nhân viên mặc trang phục kiểu Nhật để tiếp đón khách Nhật. Một số phòng cao cấp cũng chuyển sang phong cách thời Edo. Còn Giang Ái Lan, giờ đã đổi một cái tên Pháp rất kiêu kì Miracle, để phục vụ lớp trẻ và đám nhà giàu mới nổi.
Lính Nhật còn đang háo hức với mọi thứ mới lạ ở xứ sở nghèo đói, lạc hậu này, nên thường xuyên đòi nghe ca cổ. Nhóm hát ả đào bận tối mắt tối mũi, mỗi ngày chỉ được ngủ nghỉ chừng bốn hay năm tiếng. Lan còn không có thời gian về qua nhà. Chú Ba Thành bảo chú Hùng dô tuyển thêm người, nhưng chú Hùng vẫn chần chừ, bảo đợi qua một thời gian nữa, nếu ‘phong trào’ này vẫn còn duy trì mới đáp ứng. Thái độ của quan binh Nhật với văn hóa truyền thống khá nghiêm túc và tôn trọng, nên không bị sàm sỡ, nhiếc móc, đánh đập hay ‘đi khách’ như đối với các nhóm ca nhạc tân thời hay nhạc Tây. Vì thế, Lan và hai chú Thành chỉ bận bịu đàn ca, không phải lao tâm khổ tứ lấy lòng người khác. Thi thoảng vài quan lớn Pháp cũng qua nghe ả đào, để lấy lòng hay hóa giải mâu thuẫn nào đó với người Nhật trong quá trình hai bên mới bắt đầu hợp tác cai trị xứ Đông Dương. Do đó, Lan đôi khi gặp lại người quen cũ: ngài trưởng ty Pierre, hay mấy người bạn trước đây của Phillips. Tất cả đều hờ hững như chưa từng có chuyện gì.
Chú Hùng quả không sai. Sau khoảng nửa năm, phong trào đã đi xuống. Đến một năm nữa, số buổi chầu của nhóm ả đào chỉ còn hai ngày một buổi, nhàn nhã hơn cả bảy năm trước, khi nhóm có năm người.
Tin vui với Lan là em gái cô chịu về nhà. Phòng trào đấu tranh của công nhân, học sinh, tiểu thương giai đoạn này tạm lắng, có lẽ do Cộng Sản và người bản xứ chưa rõ ràng chính sách của người Nhật. Một sáng Lân tỉnh dậy, Cát và các bạn đã đi mất, để lại thư bảo cô bé về nhà với chị, anh ấy không yên tâm đưa Lân đi theo. Con bé tìm khắp người quen, không ai biết anh ấy đi đâu. Cuối cùng vừa mệt vừa đói, con bé đành tìm về nhà chị gái. Thời gian đầu, Lan bận không ở nhà mấy, nên cô bé cũng bớt đi cảm giác xấu hổ khi giáp mặt chị mình.

Nhật nhanh chóng thi hành một loạt các chính sách đối lập nhau với xứ sở này.(10) Trái dự đoán, Pháp vẫn còn ở lại cùng cai trị với người Nhật. Giới thương nhân Nhật cũng nhanh chóng nhảy vào Đông Dương. Ông chủ Quýnh sao có thể bỏ lỡ những cơ hội làm ăn từ trên trời rơi xuống thế này. Tin đồn ông chủ chuyển sang kinh doanh quặng rộ lên khắp Hoa viên và thương giới Hải Phòng.
(10) Đến cuối năm 1941 có 125.000 quân Nhật đóng ở Đông Dương và thực chất đã làm chủ Đông Dương, tuy trên danh nghĩa Đông Dương vẫn là thuộc địa của Pháp. Chính sách của quân phiệt Nhật đối với thực dân Pháp ở Đông Dương là chính sách hai mặt. Trong khi “cộng tác” với Pháp, Nhật Bản ra sức tuyên truyền tư tưởng Đại Đông Á, như mở các phòng thông tin, xuất bản tạp chí Tân Á bằng tiếng Việt, mở các cuộc triển lãm bằng tranh ảnh,… Đồng thời Nhật cũng chú trọng xây dựng cơ sở xã hội cho mình. Thực dân Pháp ở Đông Dương một mặt cam chịu khuất phục quân Nhật, phải thực hiện các yêu sách của Nhật, mặt khác ngấm ngầm chuẩn bị lực kượng chờ cơ hội lật lại.
Mấy cô ca sĩ xinh đẹp hát nhạc Tây đều được ông chủ Quýnh tận dụng triệt để cho các vụ làm ăn mới. Đọ về độ phóng túng, đám quan thương người Nhật không thua gì người Pháp. Lan chặc lưỡi thầm cảm ơn ông trời vẫn chiếu cố, chưa bức mình phải bán thân tiếp.
Cuộc gặp gỡ ngoài ý muốn nhất trong thời gian này là với công tử Giang Bình. Dù anh ta ngồi ở hàng ghế khán giả, để một thương nhân Nhật cầm chầu, nhưng ánh mắt hoa đào vẫn si mê nhìn ca nương ngây ngất, khiến mấy người Nhật ranh mãnh đi cùng không khỏi đắc ý. Sau buổi chầu, ông chủ Quýnh ý nhị bảo cô tới gặp Giang công tử.

“Người đẹp, đừng im lặng như băng thế được không? Em có biết tôi đã phải vất cả mặt mũi tới xin kẻ cướp đi công sức tiền bạc của mình được gặp em không? Tấm lòng của tôi bao năm qua chẳng lẽ không làm em cảm kích dù chỉ một chút thôi sao?”
“Anh và tôi vốn dĩ đều sống không cần mặt mũi. Tôi đã từng có thiện cảm với anh. Nhưng sau đêm đó thì hết rồi. Ông chủ bảo tôi đến đây phải tuân theo yêu cầu của anh. Giờ anh muốn gì thì nói đi. Hát hay lên giường?”
“Em… em…”
Giang Bình thở dài, sầu muộn nhìn giai nhân đang trưng ra khuôn mặt băng lãnh. Có những việc đã xảy ra khiến người ta không thể quay đầu lại được.
Từ đó về sau, có dịp ra Bắc Kỳ, Giang công tử chỉ đành thi thoảng lén lút qua Vạn Hoa viên ngắm nhìn người xưa.
*
*   *
Một ngày Tết năm đó, vừa vào chầu ả đào, Lan đã kinh ngạc khi thấy trong đám người nghe phía dưới có bác sĩ Kiên đã cả năm chưa gặp. Còn có năm người Nhật. Một người mặc trang phục sĩ quan, đã trung tuổi, mặt rất nghiêm túc, tư thế ngồi đường hoàng. Bốn người còn lại đều tầm tuổi Kiên, chừng hơn ba mươi, tây trang tao nhã. Họ đề nghị nghe nhiều bài ca cổ. Kiên giải thích cho họ chu đáo. Mấy người trẻ còn đòi học làm quan viên cầm chầu. Chú Ba Thành kiên nhẫn dạy cho họ đến gần tối. Nhóm người có vẻ ưng ý, để lại tiền bo khá nhiều trước khi đi. Bữa đó Kiên chỉ khẽ mỉm cười gật đầu với Lan, rồi lại quay ra nói chuyện với mấy người Nhật. Hai người họ không nói được với nhau câu nào.
Một tuần sau, buổi tối Lan về nhà, đã thấy bác sĩ Kiên đứng chờ ở cửa.

“Em còn giữ quan hệ với Pierre không?”
“Trưởng ty mật thám Pierre?” Thấy anh gật đầu, cô càng băn khoăn. “Hầu như không. Lúc còn ở bên Phillips, bảy năm liền em đều cố gắng tránh mặt ông ta. Từ khi về lại Hoa viên, thi thoảng cũng gặp ông ta đi nghe hát ả đào cùng người Nhật, ông ta không còn đi một mình như xưa nữa. Có chuyện gì dính dáng đến ông ta sao, anh?”
Kiên gật đầu.
“Từ khi Nhật vào đây, vai trò của ông ta trở nên quan trọng hơn do chiếm được cảm tình với cả người Nhật và người Pháp. Người Nhật thích dùng mưu mẹo nên Pierre được nước dâng thuyền. Ông ta có ảnh hưởng mấu chốt tới các quyết định quân sự và đàn áp người bản xứ của đám quan chức cấp cao Nhật và Pháp, có thể trực tiếp ra lệnh cho ty cảnh sát hay yêu cầu lính Nhật, lính Pháp hỗ trợ hành động. Ông ta gần đây đã gây cho chúng ta khá nhiều tổn thất. Hầu hết các cuộc nổi dậy của nông dân, công nhân và các vụ tấn công của chúng ta ở thành phố này đều bị thất bại.”
Xoa xoa mày đang nhíu chặt, anh quay lại nhìn thẳng vào mắt cô.
“Đến lúc em cần quay lại với ông ta rồi.”
Lan trợn tròn mắt:
“Em sao? Bằng cách nào bây giờ? Khi quen ông ấy, em mới mười lăm, mười sáu tuổi, chỉ có vài tháng ngắn ngủi. Bây giờ em đã hai lăm. Thần thái nhan sắc sau gần mười năm hẳn khác biệt rất lớn. Vả lại, ông ta rất khôn ngoan, làm sao ông ta tin em được?”
“Chúng ta đã cử vài người tiếp cận với ông ta, nhưng không thành. Em cũng biết là ông ta rất khôn ngoan mà, phải không? Anh nghĩ tới em, vì ông ta đã từng say mê em, hẳn từng điều tra qua thân thế và con người em… Ừm… một khía cạnh nào đó, em khá đơn giản. Ông ta sẽ không quá đề phòng. Anh sẽ nghĩ cách giúp em.”
“Nếu không được?”
“Phải thử đã. Ít ra em là người có nhiều khả năng thành công nhất.”
Từ hôm sau, ngay khi rảnh, Lan bảo hai chú Thành luyện cho mình bài “Trần Ai Ai Dễ Biết Ai”, bài mà ngài trưởng ty Pierre luôn đòi nghe mỗi lần dự chầu. Cô cố gắng tìm cách thể hiện thật mới lạ, thật ấn tượng. Biết nhược điểm của chất giọng mình khá mỏng và yếu, vì thế để tăng phong cách mới mẻ cho bài ca này, cần sự hỗ trợ đặc biệt của kép đàn và biến thể làn điệu có hơi hướng tân thời. Chú Tuân Thành và cô tập vô cùng hào hứng vì cảm giác lạ lẫm khiến người trong cuộc phấn khích hơn. Chỉ có chú Ba đôi khi thở ngắn than dài, không thích làm biến đổi quá nhiều giai điệu, vì cho rằng sẽ làm mất đi sắc thái sâu xa, lắng đọng bên trong sinh khí hào hùng của từng đoạn nhả chữ, linh hồn chân chính của bài ca. Nhóm biểu diễn thử cho vài khách mời chầu. Ngoại trừ các khách quan không hiểu gì, số còn lại đều ngạc nhiên vì sự phá cách của nhóm, nên truy hỏi lý do. Tất nhiên không phải ai cũng thích phong cách mới của bài này, trong đó có ông chủ Quýnh. Khi nghe xong, mặt mày ông ta bạnh ra giống như mỗi lần tức giận, nhưng ngại có bạn làm ăn ở đó nên dù cáu kỉnh cũng chỉ hỏi tại sao rồi bỏ qua, bắt hát bài khác.
Cuối cùng, sau hai tháng tập “Trần Ai Ai Dễ Biết Ai”, mục tiêu cũng tới. Pierre đi cùng ba sĩ quan Nhật và một sĩ quan Pháp. Trong số ba người Nhật, Lan nhận ra người đàn ông trung niên rất nghiêm nghị đã từng đến đây cùng bác sĩ Kiên. Hẳn lần này cũng có bàn tay của anh ấy.
Lan tự trấn định, tìm cách hít vào thở ra thật sâu, rồi bày ra tư thái đẹp nhất có thể.
“Giang sơn bất thiểu anh hùng khách
Gánh kiền khôn đeo nặng kẻ rừng nho”
(Hai câu mở đầu bài Trần Ai Ai Dễ Biết Ai – Nguyễn Công Trứ)
Giọng ca nương chợt vút lên cao thanh mảnh ngay từ đầu, dồn dập theo sau là tiếng đàn, tiếng trống, tiếng phách. Các quan khách ngạc nhiên trước giọng nữ cao trong vắt và âm thanh dồn dập, khí thế hào hùng ngay khi mới vào chầu. Tất cả đều tròn mắt nhìn lên chiếu chầu. Khỏi phải nói, giai điệu đã bị biến hóa lạ lẫm của bài hát yêu thích khiến ngài Pierre kinh ngạc đến mức nào. Đến tận khi câu keo kết thúc, ông ta vẫn còn há hốc mồm. Các vị khách vỗ tay giòn giã, đề nghị nghe lại. Sau khi Lan hát xong lần thứ hai, ngài trưởng ty mới như sực tỉnh, đứng dậy yêu cầu hát lại lần nữa, ông ta cầm chầu. Kết thúc buổi chầu hôm đó, mọi người đều tỏ vẻ hài lòng, phong thưởng hậu hĩnh, còn Pierre liên tục nhìn ca nương đầy thâm ý. Lan cũng như có như không liếc mắt nhìn ngài trưởng ty. Ánh mắt họ đôi lần chạm nhau, cô lại e lệ quay đi.
Hai hôm sau, Pierre lại tới xem chầu. Lần này ông ta đi một mình. Lan phải hát đi hát lại khúc “Trần Ai Ai Dễ Biết Ai” tới sáu lần. Cuối tuần, ông ta mời cô đi ăn tối. Họ nói chuyện với nhau được nhiều hơn so với mười năm trước, vì giờ Pierre biết khá nhiều từ tiếng Quốc ngữ.
“Ai dạy em cách hát đó?” Pierre nhẹ nhàng hỏi trên bàn ăn.
“Chúng em tự nghĩ ra.”
“Tại sao phải hát cách đó?”
Lan trố mắt sợ hãi:
“Không ổn sao? Nếu thế để em về bảo mọi người đổi lại.”
“Không, rất ấn tượng. Dù hơi… clinquant. Em vẫn chưa nói cho tôi lý do.” [hào nhoáng]
“Vì… vì… “ Lan bắt đầu bối rối. “Bọn em không có nhiều khách. Sợ ông chủ sẽ giải tán. Bây giờ kiếm sống rất khó khăn. Chú Ba bắt phải thay đổi để nhiều người mời chầu. Bọn em mới thử nghiệm mấy tháng nay thôi, nhưng ông chủ Quýnh rất không thích kiểu mới này.”
Pierre nghe vậy cười ha hả. Trước ánh mắt khó hiểu của Lan, ông ta thân thiện nói chuyện:
“Em còn nhớ không? Lần đầu tiên tôi gặp em, em hát khúc này tệ tới mức tôi không thể ngủ nổi, dù đang say.”
Lan xấu hổ, cúi gằm mặt xuống, không dám gắp đồ ăn nữa. Pierre lại ha hả cười.
“Đừng sợ. Lần này ấn tượng hơn rất nhiều, dù kỹ thuật hát không tốt, nhưng khéo léo dùng những thứ khác bù lại, hiệu quả thật ngoài mong đợi.”
Lúc này cô càng xấu hổ hơn, mặt đỏ đến tận mang tai và gáy. Không ngờ ông ta am hiểu biểu diễn hoặc tinh mắt đến thế. Sau này bên ông ta cứ thành thật thì hơn.
“Tôi đã nghe hàng chục ca nương hát bài này. Chỉ có ba lần khiến tôi ngạc nhiên, trong  đó em đã chiếm hai.”
“Lần kia hẳn là lần đầu tiên nghe khúc này?” Lan không dấu nổi tò mò mong đợi hóng chuyện từ ngài trưởng ty. Ông ta gật đầu trầm ngâm:
“Đúng. Lần đầu tôi bị ấn tượng, cũng là lần đầu tiên nghe nhạc xứ An nam. Hơn mười lăm năm trước. Chúng tôi kéo tới vây bắt người ở một thôn làng, tập trung họ lại sân đình. Trai tráng, già trẻ đều sợ hãi. Một bà già ngồi dậy hát khúc này, một ông già cầm đàn đệm và một cô bé gõ trống. Bà ta vừa hát, mọi người đều khóc, trai tráng có mấy kẻ gục đầu xuống đất, còn lại đều đứng dậy chống trả chúng tôi quyết liệt. Chúng tôi nghĩ do bài hát kia. Một người lính bắn chết bà già, ông già và đứa trẻ gõ trống, để bà ta không hát nữa. Tất cả dân làng cùng ào lên quyết chiến với chúng tôi. Trận đó thật kinh hãi. Khi trở về, tôi hỏi người phiên dịch, đó là ca khúc nào thế. Sau đó một tú tài người bản xứ học ở Pháp đã giải thích cho tôi ý nghĩa của nó và giới thiệu tôi tới một ca nương hát ả đào hay nhất đất Bắc Kỳ. Nghe nhiều quá, dần dần tôi thích nó từ lúc nào không hay.”
Nghe ông ta kể mà cô sởn cả gai ốc. Người lính kia không phải ông ta đấy chứ? Cố gắng nén cơn rùng mình, cô gặng hỏi:
“Thế ngài thích gì ở khúc đó? Không lẽ tác dụng kích động lòng người của nó?”
“Tác dụng kích động lòng người? Không, tôi hiểu rõ từng câu chữ, từng nốt lên xuống của nó. Nó không có tác dụng mạnh đến thế. Trong hoàn cảnh ban đầu tôi kể, do yếu tố tâm lý và hoàn toàn bản năng thôi. Chính tôi cũng bị ấn tượng sâu sắc, tưởng bài hát đó có ý tứ ma ám. Nhưng sau này, hiểu về người bản xứ hơn, tôi có thể lý giải được tình huống lúc đó tự nhiên và logic hơn. Nhưng chính lần hiểu lầm ấn tượng đó mới khiến tôi có duyên với nó. Tôi thích khúc ca đó vì ý nghĩa và môi trường của nó.”
“Ý nghĩa và môi trường?” Lan cố tỏ vẻ khó hiểu hơn, dù trong bụng thầm ghê tởm cái “duyên” kia của ông ta.
“Phải. Ý nghĩa hợp với ý tôi. Là đàn ông, không sợ mưu cầu danh lợi. Trên đời, ai cũng có thể thành anh hùng. Dốc sức vì sự nghiệp, vì quốc gia, mới xứng đáng với sinh mệnh Thượng Đế ban cho. Còn môi trường? Ừm, tôi không biết lời đó đặt trong dân ca Pháp sẽ thế nào, nhưng đặt trong cách hát ả đào, có gì đó… thực sự tinh tế, thực sự rung động.”
Lan trầm ngâm. Ít ra cảm nhận âm nhạc của ông ta không tệ. Rất ít người Pháp có ấn tượng mạnh mẽ về loại ca cổ này, ngay cả dân bản xứ thời nay; họ đi nghe hát giờ cũng là đi phè phỡn, tìm gái. Chú Ba nói đúng, chả biết chục năm sau, còn có ai hát ả đào?
“Sao vậy? Em có tâm sự? Lời tôi nói không hợp ý em?” Pierre nhìn gương mặt đầy tâm trạng của cô, đột ngột hỏi.
“Không, không, thưa ngài. Tôi là người ít học, hiểu biết nông cạn. Chưa bao giờ tôi nghĩ về một bài hát sâu sắc như ngài. Tôi tự thấy rất xấu hổ.”
Pierre lại mỉm cười trầm ngâm. Sau đó họ nhảy hai bài, đi uống trà đạo cùng gia đình một sĩ quan Nhật – ngài Abe, chính là người cùng đi với Kiên trước đây, một người tỏ vẻ rất thưởng thức văn hóa dân gian bản xứ. Rồi ngài trưởng ty đích thân đưa cô về tận nhà.
Mối quan hệ giữa cô và ngài Pierre chầm chậm tiến triển dần qua hai tháng. Sau đó, mỗi lần đi dự tiệc hay có cuộc gặp thân mật cùng đám sĩ quan, quan chức Nhật, ngài Pierre đều đem cô theo. Nửa năm sau, mối quan hệ của họ đã sánh ngang với thời xưa, khi cô vừa rời làng Phao lên thành phố. Cô hầu như chỉ mỉm cười im lặng giữa đám người Pháp, người Nhật trong những buổi tụ tập của ngài trưởng ty. Kiên dạy cho cô một ít tiếng Nhật thông dụng, nhưng yêu cầu cô tỏ ra không biết gì.
*
*   *
Một buổi chiều, có buổi chầu của một quan bà lạ mặt bao phòng đắt nhất Hoa viên. Điều này hiển nhiên rất gây tò mò, vì phụ nữ thời này hiếm khi đi xem hát ả đào, nhất là phụ nữ bản xứ. Người phụ nữ dáng vẻ quí phái, chừng ngoài ba mươi, áo nhung đỏ đậm rất cá tính, đeo ít trang sức thanh nhã, im lặng đòi nghe cô ca bài “Trần Ai Ai Dễ Biết Ai” tới năm lần. Sở thích và kiểu cách này rất giống một người. Sau đó, bà ta đề nghị ca nương mời trầu, mời rượu. Rồi lại yêu cầu ca tiếp bài này thêm hơn mười lần nữa. Đã gần tối, quan bà có vẻ không thấy mệt mỏi, dáng ngồi thong dong không thay đổi, ánh mắt đăm chiêu. Nhóm ả đào đều đã mờ cả mắt, ca nương hát lạc giọng, còn hai chú Thành liên tục đổi phiên nhau cầm chầu và đệm đàn, tay đã run rẩy. Đến khi ca nương hát không còn ra tiếng nữa, bà ta mới nhìn lên, ra hiệu dừng chầu.
Cứ liên tục như vậy đến ngày thứ năm, chú Hùng dô phải đi vào lịch sự mời quí bà sang dự chiêu đãi của phu nhân ông chủ Quýnh, giải nguy cho nhóm ả đào. Chả mấy chốc, chuyện này cả Hoa viên đều biết. Tin đồn thổi lan như gió cuốn, tới tai đám thực khách, rồi tới tai ngài Trưởng ty. Tối thứ bảy, ngài trưởng ty tới kêu nghe hát. Thấy ba người đều phờ phạc, Lan hát không ra hơi, bật khóc tức tưởi. Pierre giận tím mặt, cho lui chầu rồi ra về. Ông chủ Quýnh đi tới bảo cho nhóm ả đào nghỉ dưỡng sức một tuần, không bị trừ lương. Quí bà từ đó không thấy xuất hiện ở Vạn Hoa viên nữa.
Có một bông hoa thì sẽ có những bông hoa khác. Có quí bà này lên sàn diễn, thì sẽ có các quí bà khác. Một buổi tối vừa từ Hoa viên trở về nhà, quí bà xinh đẹp thứ hai xuất hiện, cho Lan một cái bạt tai. Vừa định đánh cái thứ hai, không hiểu cô em gái Lân từ đâu chạy về túm lấy, sống chết không buông. Hai phụ nữ cào cấu nhau giữa phố, kêu gọi cả khu dân cư chạy ra xem. Quí bà dù sao cũng đã ngoài ba mươi, không địch được sức trẻ trâu của cô nàng mười tám đã kinh qua nhiều cuộc bạo động, hiển nhiên bị cô bé Lân đánh cho không thể đứng dậy được, chỉ biết nằm thở phì phì, không nói ra lời giữa phố. Cảnh sát tới, Lân đề nghị đưa bà ta và mình về đồn, ra hiệu cho chị cô lẳng lặng về nhà. Ở ty cảnh sát, sau khi đã phát hiện chuyện chẳng qua là một cô bồ nhí quá đát đánh một cô bé vì nhận lầm thành tình địch, nên đã thả cô bé Lân đi, còn người quá đát đang tức đến sùi bọt mép mà thương tích đến không nói được lời nào lại phiền đến ngài trưởng ty. Đây là chuyện mất mặt nhất ngài Pierre từng làm trong đời. Hôm sau, câu chuyện thành món ăn lúc trà dư tửu hậu của quan binh lẫn thường dân cả thành phố.
Khi quí bà thứ ba lên sàn, và Lan phải nằm bẹp ở nhà một tuần, ngài Pierre thực sự tức đến đỉnh điểm, quyết tạm biệt sạch sẽ đám nhân tình và lơ cả cô vợ phá cách của mình, chuyên tâm chăm sóc nàng ca nương bé nhỏ. Tình cảm của ngài trưởng ty và nàng Lọ Lem phát triển thần tốc, trở nên khăng khít hơn bao giờ hết, nàng nhận quà đến mỏi tay. Đám hầu rượu của Hoa viên chậc lưỡi “Tái ông thất mã đây mà”, nên bắt đầu quay trở lại nịnh bợ Lan hơn trước.
“Tin tức thu thập được rất hữu ích cho các đồng chí của ta. Quan hệ với ông ta còn cần anh thúc đẩy thêm nữa không?” Kiên nhẹ nhàng hỏi, khi cô tới phòng khám. Từ ngày các quí bà thi nhau xuất hiện, Lan có lý do minh bạch để tới phòng khám này.
“Chưa cần đổ thêm dầu nữa đâu, không khéo ông ta lại nghi ngờ.” Lan chậc lưỡi. Như chợt nhớ ra điều gì, cô thì thào:
“Anh Kiên, sân bay sắp có chuyện phải không?”
“Chuyện gì?” Kiên nhíu mày.
“Em nghe đám quan Nhật và Pháp ba tuần gần đây nhắc tới từ này liên tục. Có lẽ họ chuẩn bị đón hàng hoặc người quan trọng tới. Ông Abe kia yêu cầu người Pháp làm gì đó rất nhiều thì phải, khiến đám sĩ quan Pháp vô cùng bất mãn, Pierre phải đứng ra dẹp yên.”
“Em cứ nghe ngóng thêm đi. Anh sẽ tìm em.”
Tối hôm sau, Lan lên chầu cho một nhóm mấy tri thức trẻ tuổi người Nhật, có Kiên đi cùng. Lúc ra về, Kiên làm bộ quyến luyến ca nương, thì thầm vào tai cô rồi nhẹ nhàng hôn lên tay tạm biệt. Lan run rẩy vì hành động của anh ấy một chút, nhưng run rẩy vì lời anh nói gấp mười lần.
*
*   *
Ngày chủ nhật cuối tuần, Pierre như thường lệ đưa Lan đi chơi với vài người bạn thân giao. Bạn của Pierre không thay đổi mấy so với cách đây chục năm. Chỉ có thêm hai sĩ quan Nhật. Họ ăn uống tới khuya, rồi cô cùng ngài trưởng ty về văn phòng ở ty mật thám. Pierre có một phòng riêng ở đây, mười năm trước cô thi thoảng cũng được đưa tới, giờ thì thường xuyên hơn. Sau cuộc hoan ái kịch liệt, cả hai cùng lăn ra ngủ mê mệt. Chừng khoảng nửa tiếng sau, Lan khẽ mở mắt, với túi lấy lọ chất lỏng khẽ xịt vào không khí về hướng Pierre quay mặt, còn mình bịt mũi lại. Chờ đợi khoảng mười lăm phút, cô khẽ lay Pierre thật mạnh, nhưng ông ta rệu rã như người chết, trừ lỗ mũi và lồng ngực còn phập phồng. Cô nhẹ nhàng chạy sang phòng làm việc, dùng đèn pin nhỏ lục từng ngăn, cố gắng tránh người đi tuần gác bên ngoài, nhưng không thấy hồ sơ hay giấy tờ nào có chữ như Kiên nói. Có ba ngăn tủ khóa. Cô lại chạy ra lục từng túi áo tới túi quần của ông ta, phát hiện một chùm chìa khóa hơn một chục chiếc. Sau khi thử từng chiếc, cuối cùng cũng mở được cả ba ngăn tủ. Tờ giấy cuộn khổ A3 được cô trải ra đất, run run lấy chiếc máy ảnh trong túi ra, chờ bước chân người gác đi xa không còn nghe thấy mới bấm lia lịa từ trên xuống. Chiếc máy ảnh này cô nhận được cùng thuốc mê trong một gói quà gửi tới Vạn Hoa viên – cô vốn cũng hay nhận được hoa và quà của đám công tử nhà giàu hay binh lính, nên không ai để ý – về nhà mở ra mới biết. Nó trông đơn giản hơn chiếc máy ảnh của Phillips và mấy người Pháp, lại càng nhỏ hơn máy của mấy thợ chụp ảnh chuyên nghiệp trong thành phố. Có tờ giấy vẽ và ghi cách sử dụng bằng chữ quốc ngữ. Cô cũng thử chụp vài kiểu ở trong nhà. Loay hoay cả buổi tối mới biết cách thao tác. Mấy tối sau cô đều mang ra luyện tập hàng tiếng đồng hồ. Nhưng giờ tay cô lại vẫn run như cầy sấy. Cô chụp đi chụp lại tới ba lần tờ giấy
“Le défensive plan
Aéroport de Cat Bi
au 20 Sep 1942”
 [Kế hoạch bố phòng sân bay Cát Bi ngày 20 tháng 9 năm 1942].
Xong đâu đó, cô lại vội cuộn lại rồi đặt vào như cũ. Nhân thể chụp thêm vài tờ giấy ghi chữ “Top secret” [Tuyệt mật]. Trả khóa về chỗ cũ, bọc lại máy ảnh rồi cất kỹ vào trong túi – chiếc túi đi chơi cuối tuần của cô thường khá lớn, vì để mấy bộ quần áo, đồ trang điểm, trang sức, có khi cả đôi giầy – lúc đó cô mới yên tâm thở phào, rồi nằm ôm ấp bên cạnh Pierre. Thuốc mê dạng sương khiến ông ta ngủ khá sâu, theo như Kiên nói, có tác dụng trong khoảng ba tới năm tiếng đồng hồ. Mãi tới hơn bảy giờ, Pierre mới choàng tỉnh dậy, nhìn đồng hồ, rồi nhìn sang bên, thấy cô Lọ Lem bé bỏng vẫn đang say sưa ngủ, chân còn gác lên người mình, ông ta hôn nhẹ rồi lay cô dậy.
“Dậy đi, em yêu. Muộn hơn chút nữa là tất cả mọi người đều nhìn thấy em bây giờ.”
Lan ngái ngủ dụi mắt tỉnh dậy. Cả hai hấp tấp mặc quần áo, sau đó Pierre gọi lái xe đưa cô về Hoa viên. Buổi trưa sau khi ăn xong một canh giờ, Lan đau bụng đến vã cả mồ hôi. Hai chú Thành và mọi người đều xúm lại, bảo đưa cô đi bệnh viện. Nhưng cô vẫn gắng sức chống đỡ tới cuối ngày, mới bắt xe kéo đi gặp bác sĩ Kiên.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét