Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Những Thành Phố Bên Bờ Biển Cả - Cheryl Pham: Chương 2


2 – Gặp gỡ


Vạn Hoa viên – chốn ăn chơi lớn nhất đất Hải Phòng, vừa sẩm tối ánh đèn đã rực rỡ. Người Pháp, người bản xứ lẫn lộn. Ai cũng quần là áo lượt. Một chiếc xe Peugeout đỏ dừng ngay cửa chính. Hai phục vụ nhận ra xe ông chủ, vội vã chạy tới mở cửa cúi chào. Người đàn ông trước khi đi vào trong, ngoái đầu lại bảo tài xế:
“Giao cho chú Hùng dô.”
“Vâng, thưa ông chủ.” Tài xế nhanh nhảu gật đầu.
Chiếc xe lái ra sau, đi vào khu vườn cây và dừng lại.
“Ra thôi.” Tài xế nói với cô gái non choẹt còn đang cúi đầu run run. “Cô sẽ được chú Hùng dô dạy dỗ, sắp xếp công việc chu đáo. Chú ấy là quản lý ở đây, là người thân tín của ông chủ. Cô biết điều một chút, sẽ được sống sung sướng. Nếu may mắn, còn có thể thành bà lớn.” Anh ta nhìn cô, ánh mắt không có vẻ lương thiện gì, khiến cô gái sởn gai ốc.
Đi men lối cửa hậu, gặp toàn những người vội vã qua lại, không ai chú ý đến họ, thi thoảng có người gật đầu chào tài xế “Anh Ba cò ghé qua à?”, “Ông chủ ghé qua à, anh Ba?”. Cứ thế lên tới tầng ba, rẽ vào một căn phòng nhỏ yên tĩnh và rất sạch sẽ. Một người đàn ông trung tuổi, vẻ uy nghiêm, đang gọi điện thoại phía sau bàn lớn, bằng thứ tiếng Pháp bồi trong veo. Hai người đứng im, đều lộ rõ bộ dạng không hiểu gì.
“Chú Hùng, ông chủ bảo đưa người cho chú.” Tài xế nói với ông ấy khi ông vừa hạ điện thoại xuống và ngước nhìn lên.
Chú Hùng khẽ nhíu mày. Tài xế lại gần thì thầm gì đó vào tai ông. Không nói gì thêm, chú Hùng chỉ phất tay, tài xế quay ra ngoài, bỏ lại cô gái đang run rẩy, ngơ ngác. Chú Hùng nheo nheo mắt nhìn cô gái non nớt đang ngây người trước mặt, rồi đột nhiên đứng dậy khiến cô gái giật mình ngước mắt nhìn ông kỹ hơn. Ông mặc bộ áo the dài trang nhã như người trong chốn quan trường.
“Cô tên gì?”
“Dạ thưa quan lớn, con tên Lan. Lê Thị Lan.” Cô gái ngập ngừng.
“Gọi tôi là chú Hùng.”
“Vâng, vâng, thưa quan… à, chú Hùng.”
Chú Hùng gật đầu rồi đi ra ngoài, ra hiệu cô đi theo ông ấy. Cô gái ngớ người một lúc mới hiểu ra, rồi lật đật chạy theo ông. Họ lại đi xuống tầng một, ra ngoài viên, tới một nhã đài nhỏ trong vườn sau, đi vào đó. Đó là thế giới thật lạ lẫm, rất nhiều đồ, nhiều người đi đi lại lại, có người đứng im đọc sách gì đó, có người đang đàn hát. Không ai để tâm đến người khác, gặp chú Hùng thì cúi đầu chào rồi cứ làm việc của họ. Tới một gian ngách nhỏ, chú Hùng chỉ vào trong và bảo cô gái đang tròn xoe mắt nhìn tứ tung:
“Cô sẽ ở đây, với cô Na. Con bé sẽ dạy cô cách giao tiếp và công việc. Cát sẽ dạy cô đàn hát. Có chuyện gì thì bảo tôi. Trước mắt cứ thế đã.” Rồi ông nói qua cho cô về ăn uống, chi phí quần áo, đi lại, giờ giấc… nhưng Lan hoàn toàn không hiểu gì. Quá nhiều thứ mới mẻ tràn vào thế giới của cô lúc này, cô chỉ ngây người, lờ đờ nhìn chú Hùng.
Thấy vẻ lơ ngơ của cô, chú Hùng dừng lại, chỉ tay vào chiếc giường nhỏ trong gian ngách.
“Cô nghỉ đi đã. Chốc nữa Na về sẽ dạy cô.” Rồi ông ấy phất áo đi mất.
Cô gái ngơ ngác ngồi xuống giường, nhìn quanh. Căn phòng chật hẹp này có giường gỗ lót vải dày mềm mại, sạch sẽ. Một chiếc tủ nhỏ có gương. Một bàn nhỏ để đầy đồ trang điểm, nhưng lúc đó cô không biết chúng là gì. Một giá treo đầy quần áo nhiều màu sắc. Mọi thứ đều tiện nghi, đẹp đẽ hơn bao nhiêu lần căn nhà rách nát và chiếc giường ổ rơm của cô ở làng Phao. Cô như đi trên mây, do dự sờ từng thứ. Rồi ngó ra ngoài, mấy căn ngách phía dưới và bên cạnh đều đóng cửa, trong phòng người người vẫn đi đi lại lại, thi thoảng cũng có người nhìn cô nhưng không ai hỏi gì, chỉ làm việc của họ. Nhìn chán chê, háo hức, cô lại lui vào giường, mơ màng mỉm cười vui vẻ, rồi ngủ thiếp đi.

“Dậy! Này, dậy đi nào!” Tiếng con gái du dương bên tai, tay bị thứ gì đó đập vào liên tục làm Lan tỉnh giấc. Trước mặt là một cô gái rất xinh đẹp, đôi mắt như dao sắc, da ngăm đen, mũi cao hếch lên, trang điểm đậm, tóc thả ra xoăn tít, áo the khăn gấm quàng bên tùy tiện, còn đẹp hơn cô dâu nhà trưởng làng mà cô từng nhìn thấy.
“Mới đến hả? Tên gì?”
“Lan. Lê Thị Lan.”
“Bao tuổi?”
“Mười lăm.”
“Thế thì là em rồi. Chị đây tên Na. Cởi khóa sau cho chị.”
Cô gái quay lưng lại, Lan loay hoay mãi mới biết cái khóa cô ấy nói là cái gì. Phụ nữ trời sinh đều dễ buôn chuyện. Chẳng mấy chốc cô gái tên Na đã tra được hết họ hàng ba đời, chuyện quá khứ hiện tại của người mới. Lan cũng biết cô ấy hơn mình hai tuổi, là con lai của một phụ nữ Việt với một lính lê dương Pháp da đen. Mẹ con cô phải bỏ làng đi lang thang. Mẹ cô ấy là ca nương, nên cô ấy cũng là ca nương. Rồi mẹ cô đi theo một lính Pháp, còn cô phiêu bạt tới thành phố này, vào Vạn Hoa viên. Na kéo cô đi ăn cơm tối. Mọi người xung quanh hỏi han vài câu cho có lệ, ăn thật nhanh rồi đi đâu mất. Họ về phòng ngách. Tiếng nhạc rộn ràng từ Hoa viên vọng vào càng to hơn, một thứ âm nhạc lạ lẫm khiến Lan ngơ ngác.
“Nhạc đầm đấy. Cứ mười một, mười hai giờ đêm là bọn lính Pháp lao tới vũ trường bên dưới nhảy đầm. Muốn học không?”
Không đợi trả lời, Na đứng lên nhún nhảy, xoay xoay người theo tiếng nhạc. Cô gái mới đến hào hứng nhìn với đôi mắt đầy tò mò. Na kéo tay Lan đứng dậy, bảo bắt chước theo cô. Dù động tác ngờ nghệch, lộn xộn, nhưng được một lúc cô cũng bắt chước khá giống.
“Trẻ con dễ học. Nhảy đẹp đấy. Có triển vọng. Mắt phượng mày ngài, da non mịn, chỉ cần bồi bổ thêm vóc dáng là ngon rồi.”
Na vỗ vỗ hai má cô bé khi họ mệt nhoài lăn ra giường. Tối đó, lần đầu tiên họ cùng ngủ trên một chiếc giường. Lan chưa bao giờ nằm trên thứ gì êm ái, sạch sẽ, đẹp đẽ hơn thế, lòng cứ lâng lâng trước những thứ mới mẻ, lung linh đột ngột ào đến với mình. Nhưng rồi cơn mệt mỏi và buồn ngủ cũng kéo cô bé thiếp đi, dù người bên cạnh ngáy to và gác chân lên cả người cô bé. Cô mơ thấy thành phố với những ngọn đèn nhấp nháy, thấy mình ở giữa Vạn Hoa viên hoa lệ nhảy múa, mọi người đang ngẩn ngơ nhìn theo. Cô mơ thấy cầu vồng trên biển, rực rỡ trong khung trời nước xám nhạt. Cô thấy Bình, thấy Liên, thấy Du vất hết cả cào trên bãi biển, khao khát chạy theo mình. Cô thấy mẹ cười hân hoan, thấy em Lân súng sính trong áo đẹp, vẫy tay gọi cô “chị ơi, chị ơi”. Rồi gương mặt bố cô hiện ra, ai oán “Tại sao toàn một lũ vịt giời? Trời không thương họ Lê sao? Tao không muốn nhà này tuyệt tự.” Rồi bố đánh mẹ, đánh hai chị em cô. Bố say rượu loạng choạng cầm dao đuổi giết cả ba mẹ con. Lan dìu mẹ, kéo tay em chạy vào bãi tha ma cuối làng trốn. Mẹ cô kiệt sức gục bên ngôi mả mới đắp. Em Lân đói quá khóc dấm dứt. “Ở đây trông mẹ, chị vào làng tìm thức ăn.” Cô đặt tay em vào tay mẹ, rồi chạy đi. Em Lân sợ hãi chạy theo cô, qua bao bãi sình lầy, qua bao đám lau sậy, qua bao ngôi mả nát… tiếng Lân vẫn ngặt nghẽo vang bên tai “Chị ơi, chị ơi, đừng đi, chờ em!” Rồi cô thấy bố cô ôm em bé còn đỏ hỏn đang oe oe khóc “Lại con gái à? Đồ vô dụng! Lại con gái! Tao phải triệt cái giống này. Sinh đứa nào tao triệt đứa đó.” Bố mang em bé dìm xuống ao cạnh nhà.
“Không! Không được giết em tôi!”
Cô bé kinh sợ thét lên và vùng dậy, hất hết cả tay chân Na đang gác trên người xuống. Bị đánh thức và kinh hãi trước vẻ mặt bừng bừng tức giận của cô bé, Na ôm chăn lui vào mép tường. Lúc sau mới khẽ kéo tay cô em:
“Này, có chuyện gì thế? Mơ à? Ác mộng?”
Lan dịu lại, ngơ ngác nhìn người chị mới, khẽ gật đầu. Họ lại nằm xuống, nhưng thật khó ngủ lại. Na hơi sợ cô bé mới tới. Còn Lan như vẫn bị ám ảnh giữa mơ và thực, mở mắt tới sáng mới thiếp đi.

Bị tiếng ồn ào huyên náo bên ngoài đánh thức, Lan tỉnh dậy, lò dò hỏi người đi rửa mặt. Rồi cô đi tìm Na. Một hầu rượu chỉ cô đi tới phòng tập trong nhã đài. Có tiếng hát du dương hòa tiếng đàn, tiếng phách réo rắt ngân nga.
Tự cổ hồng nhan đa bạc mệnh,
Buồn cho ai mà lại tiếc cho ai.
Duyên chông chênh nguyệt mỉa mai cười,
Ngao ngán nhẽ đào tiên lăn cõi tục.
Đã gác gương loan treo giá ngọc,
Nỡ hoài chim cú đậu cành mai.
Duyên còn dài, xuân hãy còn dài,
Thử đủng đỉnh xem cơ tiền định.
Nhắn ông Nguyệt hãy xe dây xích,
Khách giai nhân với khách văn nhân.
Sắc tài ai kẻ cầm cân?
(Phận Hồng Nhan – Cao Bá Quát)

Giọng ca nương trong vắt như sương sớm, thanh thoát lay động lòng người. Bài này Lan nghe các bà, các cô làng mình ngân nga nhiều lần, nhưng chưa thấy ai ca hay đến thế. Cô bé rón rén nhìn trộm qua tấm bình phong. Na đang ngồi trên phản, vừa gõ phách, vừa say sưa hát. Bên cạnh, một người trung niên vân vê viên thuốc lào, tay kia dùng que điếu đập đều đều vào cây thuốc. Chéo góc, nghiêng mặt trước bình phong, là gương mặt sạch sẽ, ôn nhu, tuấn tú của một thanh niên ôm đàn, nhìn vào tập ghi trước mặt. Một người trung niên khác ngồi trên ghế, khẽ cau mày. Bốn người lại sôi nổi tranh luận về cách vào phách quãng nào, quãng nào, rồi lại ca, lại tranh luận. Lan nghe say sưa, quên cả trời đất, tay chạm vào bình phong khiến nó suýt lật. Mọi người ngạc nhiên quay lại, thấy một cô bé bối rối xấu hổ cúi gằm mặt nhìn đất, tay còn luống cuống đỡ tấm bình phong đang nghiêng ngả. Na vui vẻ kêu lên:
“Lan, lại đây. Các chú, đây là người mới mà cháu kể đấy. Lại đây, lại đây! Chào mọi người đi.”
Người trung niên gần bình phong nhất đứng dậy dựng thẳng tấm bình phong. Lan rón rén tới bên phản, hơi ngẩng đầu liếc sáu con mắt đang chăm chú nhìn mình. Na chỉ vào người ngồi trên ghế, vừa đỡ bình phong hộ Lan.
“Đây là chú Ba Thành, kép đàn, giỏi nhất là đàn nguyệt, phụ trách đội hát.” Chỉ sang người đàn ông bên cạnh, “Đây là chú Tuân Thành, xưa là kép đàn, giờ kiêm thêm sửa đàn, sửa trống, sửa mọi nhạc cụ. Còn đây là Cát, kép đàn mới, nhưng kỹ thuật rất khá, mọi người đều khen không ngớt đấy.” Na liếc người thanh niên trẻ ở góc phản đang ung dung dựa vào kệ tủ, lãnh đạm khẽ gật đầu ra hiệu chào người mới.
“Cháu chào các chú, các anh ạ.” Lan bẽn lẽn nói.
“Cháu biết bài nào? Hát thử coi.” Người có tên Tuân Thành vui vẻ hỏi Lan.
“Cháu không biết hát. Cháu chưa bao giờ… cháu…” Câu hỏi thực sự làm cô bé bối rối.
“Đừng làm con bé sợ.” Chú Ba Thành khẽ nhắc nhở. “Cháu chưa bao giờ xem hát à? Có biết chúng ta đang làm gì không? Na chưa nói cho cháu biết à?”
Lan lắc đầu, lo lắng nhìn Na. Chú Ba Thành vẫn ôn tồn:
“Không sao hết, đây là nhóm hát ả đào của Vạn Hoa viên. Vốn có bảy người, nhưng giờ chỉ còn bốn, nay thêm cháu nữa là năm. Nhóm chỉ phục vụ những trí thức giàu có và người Pháp. Cháu sẽ dần dần hiểu thôi. Giờ nghe vài đoạn, cháu thử bắt chước theo nhé. Na ca vài đoạn đơn giản cho em nó theo xem thế nào.”
Na gật đầu: “Ca một bài rất phổ biến nha.” Hắng giọng rồi liếc mắt tới người thanh niên, Na yểu điệu cất giọng ngọt như mía lùi.
Hồng Hồng, Tuyết, Tuyết,
Mới ngày nào chửa biết cái chi chi.
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì!
Ngoảnh mặt lại, đã tới kỳ tơ liễu.
Ngã lãng du thời, quân thượng thiếu,
Kim quân hứa giá, ngã thành ông
Cười cười nói nói thẹn thùng,
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.
Riêng một thú Thanh Sơn đi lại,
Khéo ngây ngây dại dại với tình.
Đàn ai một tiếng dương tranh...
(Gặp Lại Cô Đầu Cũ/Đào Hồng Tuyết – Dương Khuê)
Tiếng ca như suối ngân vừa dứt, bốn cặp mắt lại nhìn về phía cô bé gầy còm, ăn mặc xốc xếch. Hiểu ý mọi người đang chờ mình, Lan cố trấn tĩnh lại. À, bài này từng nghe Bình và mẹ nó ca. Như thế nào nhỉ? Lan run run cất lời, sai giọng, sai lời, cuối cùng hát được ba câu phải dừng lại. Na che miệng cười khúc khích.
“Được rồi, sẽ học dần dần. Giờ nhìn những thứ đơn giản trước nhé. Hát ả đào mỗi canh do một khách bao. Ca nương gõ phách. Kép đệm đàn đáy. Khách quan cầm chầu. Cháu phải học tất cả, nhưng chú tâm vào học gõ phách và ca.”
Chú Ba Thành nói nhiều, rất nhiều, đến mức cô bé Lan cảm thấy mờ mịt, ngơ ngác nhìn mọi người. Chú Tuân Thành sảng khoái cười, người thanh niên tuấn tú tên Cát vẫn lơ đãng nhìn họ, còn Na vừa cười khúc khích, vừa liếc Cát.
“Hát ả đào rất tinh tế. Xưa chỉ có tao nhân mặc khách mới xứng nghe. Giờ thì… Hây dà. Thôi, chúng ta cứ làm tốt việc của mình là được.” Chú Ba Thành thở dài.
Rồi chú bảo Cát dạy Lan gõ phách. Ngày hôm đó, hai cô gái xinh đẹp ríu rít bên cậu thanh niên khôi ngô có cái nhìn lơ đãng. Tiếng phách đổ giòn. Tiếng cười khúc khích. Tiếng đàn thi thoảng dịu dàng nhấn nhá. Lời ca mượt mà như có như không đưa đẩy. Chú Ba Thành nhìn cảnh hài hòa trước mắt, khẽ mỉm cười.
Chiều, cô bé ngồi xem một buổi chầu mà mồm há hốc, mọi người lui ra hết, miệng cô vẫn chưa khép lại. Tối đó Lan lại thao thức. Na huých tay cô bé.
“Thế nào? Lạ lắm hả? Rồi quen hết thôi. Cũng không cần ca giỏi đâu, phải cố làm sao thật gây ấn tượng mới quan trọng. Ở đây nhiều quan khách giàu lắm. Bây giờ thời buổi rối ren. Chầu ả đào không còn tài tử giai nhân như xưa, chỉ có đám phú thương bản xứ dốt nát học đòi tao nhã, mấy thằng quan Pháp tò mò thứ mới lạ nghe câu được câu không, còn đám trí thức An nam thực sự giờ thích nhạc Pháp, nhạc Tây hết rồi, thằng nào đến chầu ả đào hoặc thú hoa tìm liễu, hoặc vô dụng, lánh đời. Chị em mình nhanh chóng mà tìm một chốn yên ổn trú ngụ qua cơn loạn lạc đi thôi.”
Na kể, ba người trước trong nhóm đều đã lấy quan Tây nhờ khéo đưa đẩy và xinh đẹp. Vợ ông chủ cũng từng là ca nương.
“Chị cũng muốn lấy quan Tây à?”
“Sao lại không chứ? Vừa có tiền, vừa có quyền. À mà không biết đâu được. Giờ Cộng Sản nấp đầy đường, bắn cả Pháp lẫn triều đình, nghe nói ông vua rởm lại sắp về nước rồi.(2) Ba thằng đánh nhau, chưa biết hươu chết về tay ai. Giờ chỉ Yến Anh công tử mới là trỉ kỉ của ta.”
(2) Ngày 16 tháng 8 năm 1932, sau mười năm đào tạo ở Pháp, Hoàng đế Bảo Đại cùng triều thần lên tàu D’Artagnan về nước.
“Yến Anh công tử là ai thế chị?”
“Yến Anh công tử mà không biết à? Hừ, đồ trẻ ranh, biết gì mà tọc mạch. Học thuộc lời ca đi.” Na gõ đầu cô bé Lan, ánh mắt lại rơi vào mơ màng.
Cô bé bất lực nhìn chị Na, tự lẩm nhẩm lời bài Đào Hồng Tuyết. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, cô quay người ra trước mặt Na hỏi:
“Chị, mai em nhờ anh Cát dạy đàn luôn nha, chị bảo anh ấy đàn rất hay mà?”
“Sao, thích rồi hả? Đẹp trai quá phải không? Lại đa tài nữa. Tao nhã, lạnh lùng. Ôn nhu như ngọc. Cất lời như nước chảy mây trôi. Đã yêu chưa?”
Cô bé xấu hổ: “Chị, chị…Em không phải. Chẳng phải chị liếc anh ấy suốt ngày đấy sao?”
“Người ta ấy à, ai đi qua chẳng liếc. Bà chủ cũng đến đong đưa. Ông chủ cũng nhìn chằm chằm. Bao giờ cô lớn sẽ hiểu thôi.”
“Em cũng lớn rồi. Em chỉ kém chị có hai tuổi thôi.”
“Hai tuổi thôi? Cô đi được bao nhiêu nơi rồi? Cô gặp bao nhiêu hạng người rồi? Nhà cô gặp bao nhiêu chuyện rồi?”
“Chị, không phải thế, ý em không phải thế. Em cũng…” Thấy cô bé bắt đầu rơm rớm nước mắt, Na phiền chán đẩy tay:
“Thôi đi học đi, học đi. Mệt với cô quá. Đúng là chả hiểu chuyện.”
Lan giận dỗi, lại quay đầu lẩm nhẩm “Hồng Hồng Tuyết Tuyết”. Chốc chốc phải quay ra hỏi cô chị đang dần phát cáu. Không biết chữ thật khổ.

Dưới sự hướng dẫn của Cát, cô bé nhanh chóng nắm được cách đổ đúng nhịp, vào phách thế nào cho khớp với ca và kép đàn; học thuộc lời hai bài Đào Hồng Tuyết và Duyên Nợ. Sau hai tuần đã đổ phách đúng cho vài bài Na ca. Chú Hùng cũng cho cô vào đơm trà nước, hầu quạt khách mỗi canh chầu hàng ngày. Mỗi tuần lại có một lần cô bé được phép bám theo chị Na đi bát phố. Thành phố đúng là khác xa làng Phao. Nhiều nhà đẹp. Người xe đông đúc. Từng đội lính Pháp chạy rầm rập trên đường. Tiếng còi tàu vào cảng hú vang. Học sinh áo the trắng tung tăng diễu phố. Biểu tình ném đá của công nhân và học sinh cũng thật náo nhiệt. Chợ búa chen chúc người vào ra. Vài ngày lại có tiếng mìn nổ, tiếng pháo, tiếng nã đạn. Người người tranh luận rôm rả khắp đường ngang ngõ tắt , từ chuyện nhà vua đã trở về tới chuyện khủng hoảng kinh tế, từ chuyện một quan bà đánh ghen ở bến Ninh Hải tới Tế Vận Hội Mùa Hè ở Mỹ.(3) Đêm đêm, cô bé Lan hôm nào đã không còn giật mình tỉnh giấc khi mơ thấy quá khứ ở ngôi làng nghèo tĩnh mịch nữa. Cô ngủ ngon dần, bắt kịp với nhịp điệu phố phường. Con người cô đúng là của nơi phồn hoa này.
(3) Thế vận hội Mùa Hè 1932 diễn ra ở Los Angeles, Mỹ từ 30 tháng 7 tới 14 tháng 8.
Cô càng lúc càng trở nên thân thiết với Cát. Cậu thanh niên lơ đãng lúc đó giờ ngày ngày ân cần chỉnh giọng cho cô, kiểm tra lời ca, nhịp gõ, dạy cô đàn, dạy cô chữ viết, thi thoảng kể chuyện, đọc thơ cho cô nghe. Còn cô kể cho anh về những lần cào ngao, những khi theo bố đi đánh lưới, làm mướn, những lúc cùng Bình, Du, Liên ra đồng mò cua bắt ốc, thả diều. Cô kể cho anh cả về mẹ, về em Lân, về nghĩa trang đầy sình lầy cuối làng, về mấy lần lính Pháp tới làng, về con dâu ông trưởng thôn đanh đá. Cát thực sự trở thành người bạn, người anh, người cha của cô.
Na – bông hồng đen của Vạn Hoa viên - thi thoảng được các phú hào và quan Pháp mời đi ăn, đi chơi, hoặc cùng Cát và chú Ba Thành tới nhà người ta biểu diễn. Cát mua cho Lan giấy bút, tranh ảnh. Na dạy cô trang điểm, dạy vài câu tiếng Pháp bồi để tán chuyện, thi thoảng tị nạnh với cô khi thấy cô nhận được mấy đồ linh tinh từ Cát. Hai chú Thành thi thoảng cho cô kẹo. Cuộc sống đối với cô thật mỹ mãn, đầy hưng phấn mỗi ngày.
Ba tháng sau, cô bé Lan đã đứng phụ dập phách, cầm chầu cho những buổi chầu của chị Na. Thêm hai tháng nữa, cô bắt đầu làm ca nương cho một vài canh chầu của mấy lính Pháp. Kể từ đó, cô nhận được đồng lương đầu tiên, hai đồng mỗi tháng, cao hơn cả lương công nhân. Cát và Na bảo giọng cô không tốt lắm, cũng chưa thuộc nhiều bài, nên chỉ được hầu mấy tay lính Pháp gà mờ. Nhưng chỉ thế cũng khiến cô vui vẻ cả tháng. Có tiền riêng rồi, thi thoảng cô mua kẹo lén nhét vào túi áo Cát.

Mùa đông năm ấy không lạnh lắm, vì cô không còn phải mặc áo cộc mò ngao ngoài biển sương giá. Tết năm mới của người Pháp đã tới. Pháo hiệu và đại bác nổ ì oạp trong đêm. Mấy quan Pháp cô đơn trên thành phố nhượng địa xa xôi, không biết làm gì ngoài chơi bời thâu đêm suốt sáng. Khách theo chầu thông đêm khiến cả nhóm ả đào phờ phạc.
Trưa đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ của người Pháp, đám hầu rượu Vạn Hoa viên rối rít chạy lên gọi chú Hùng tìm ông chủ. Khách quí tới. Quan lớn Pháp. Khách quí muốn nghe hát ả đào.
“Đi giúp chị, chị khản đặc giọng rồi, không hát nổi nữa.” Na vẫn nằm lì trên giường khi nghe thấy chú Ba Thành gọi.
“Mặc đồ vào, trang điểm nhanh lên.” Chú Ba nhăn mày quay ra cô bé Lan.
Lan hối hả ngồi dậy, rửa mặt, trang điểm, mặc đồ. Soi gương lại mấy lần, thấy khá ổn, Lan mới rón rén bước ra cửa ngách. Cậu bé hầu rượu dẫn tới phòng khách quí trên lầu ba, ra hiệu cô đi vào lối cửa sau.
“Sao lâu thế?” Chú Ba trừng mắt. “Ca bài Trần Ai Ai Dễ Biết Ai. Thuộc không?”
“Thuộc. Nhưng cháu chưa từng ca trước khách quan nào.”
“Bây giờ ca. Khách này chỉ nghe duy nhất bài đó thôi.”
Thế là ca nương mới run run đi vào ngồi trên chiếu chầu. Căn phòng thật xa hoa, khác hoàn toàn những phòng cô bé từng bước vào. Tại sao trong cùng một ngôi nhà lớn lại có chốn xa xỉ bí ẩn thế này? Lần đầu tiên trong đời cô bé nhìn thấy nhiều đồ lóng lánh đến vậy. Trên tường còn dựng một cặp ngà to gần bằng cô bé. Trong phòng yên tĩnh, ấm áp, thi thoảng có tiếng sột soạt của tay áo hay tiếng thở đều đều. Có bốn người Pháp và ông chủ Quýnh đã lâu mới thấy, chú Hùng đứng bên cạnh ông chủ. Năm người đang ngồi, mắt vẫn lim dim như say rượu, mặt đỏ phừng phừng, hơi rượu tản mạn lẫn trong mùi trầm hương sâu lắng. Cát khẽ gật đầu, ra hiệu cô bình tĩnh. Chú Ba Thành đứng lên chắp tay chào các quan lớn và ông chủ, rồi ngồi xuống chiếu làm quan viên.
Tiếng trống chầu chấm lên để bắt đầu cuộc diễn tấu. Giọng ca nương thanh thoát nhè nhẹ cất lên, mang chút run rẩy, rung động lòng người.
Giang sơn bất thiểu anh hùng khách
Gánh kiền khôn đeo nặng kẻ rừng nho
Thiên phú ngô địa tái ngô
Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý
Dã thị giang sơn chung tú khí
Quả nhiên đài các xuất danh công
Hội rồng mây cho phỉ chí tang bồng
Cờ báo tiệp trời Nam trông nhè nhẹ
Tài bộ thế mà công danh thế
Nợ làm giai quyết giả cho xong
Dồi dào thiên tú vạn chung
Vương hầu xa mã tướng công lâu đài
Trần ai ai dễ biết ai.
(Trần Ai Ai Dễ Biết Ai – Nguyễn Công Trứ)
Giọng hát lạ lẫm cùng âm điệu có chút yếu ớt không phù hợp với bài ca khí phách ngạo nghễ khiến ông chủ Quýnh khẽ nhíu mày, trừng mắt nhìn. Hóa ra là con ranh, tóm được hồi nào ấy nhỉ? Mấy tháng đã phổng phao không nhận ra nổi. Nhưng đứa nào dám cho con bé quê mùa này vào phòng thượng khách?
Một người Pháp cao to mặc quân phục ngồi giữa đám người hé mở mắt, chăm chú nhìn ca nương. Chú Hùng trông khá căng thẳng. Câu keo vừa dứt, ông chủ Quýnh đã quát:
“Ca nương đâu? Sao lại để người đang học việc hát thay thế này?”
Lan sợ run. Chú Ba cúi đầu xin lỗi rối rít. Mấy người Pháp đều mở to mắt nhìn.
“Chantez à nouveau!” [Hát lại đi!] Người Pháp mặc quân phục ngồi giữa nói to, rồi đứng dậy đến bên trống chầu của chú Ba. Ông ta muốn cầm chầu. Chú Ba Thành lui ra sau đứng, ra hiệu Lan hát lại. Cát dịu dàng gật đầu trấn an cô bé.
Lan cố gắng bình tĩnh, hít vào thở ra thật sâu một hơi và ca lại lần nữa, giọng đã cao vút, trong trẻo hơn trước, nhịp phách cũng vững chãi, giòn giã hơn. Quan viên điểm trống vài lần khen ngợi. Rồi ông ta bảo cô hát đi hát lại thêm năm lần nữa. Ông ta vẫn chăm chú nhìn cô, vẻ mặt đã dãn ra, khá hài lòng. Còn ba người Pháp phía dưới vẫn mơ màng, có lẽ say, hoặc có lẽ không hiểu gì. Ông chủ Quýnh lại quay về vẻ mặt lạnh lùng, thờ ơ, thi thoảng liếc nhìn vị quan viên người Pháp kia, ý vị thâm trầm.
Buổi chầu kết thúc trong cái nhìn khó hiểu của người Pháp mặc quân phục và những câu xã giao qua lại thân mật giữa ông chủ cùng đám người Pháp.
“Hừ, con bé Na chỉ giỏi gây chuyện. May mà ngài Pierre lần này không xét nét, không thì chúng ta đều lĩnh đủ.” Chú Ba vẫn bực bội vì canh chầu vừa rồi.
“Mấy vị khách đó rất quan trọng phải không? Là quan lớn à?” Lan vẫn còn lo lắng.
“Ừ. Đừng sợ, xong rồi. Lần sau phải bình tĩnh.” Cát mỉm cười an ủi cô bé. “Người đàn ông làm quan viên tên là Pierre, trưởng ty mật thám nơi này, một trong những người có quyền cao nhất thành phố. Ông ta thi thoảng tới đây, rất rành nghe hát. Nhưng thường chỉ thích nghe đi nghe lại bài Trần Ai Ai Dễ Biết Ai. Ông ta từng nói thích lời ca và linh hồn bài đó. Mấy ca nương trước hát đều bị ông ta phê bình nhiều lắm, chỉ duy có lần này không chê gì, dù thực ra em hát khá tệ.”

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét