11 – Đau lòng
Kiên đã tìm cho cô một căn nhà nhỏ gần
Vạn Hoa viên, chỉ cần đi xe kéo mười phút là tới nơi. Căn nhà khá sạch sẽ,
thoáng mát, xung quanh đều là giới công chức hoặc tiểu thương. Cô mất hai ngày
đi mua sắm, trang hoàn lại căn nhà. Hôm sau, cô tới Vạn Hoa viên làm việc. Na
đã kêu cô ra một góc.
“Này, em gái cô không được ở đây nữa.
Hôm qua nó thu dọn đồ đạc, rồi để tạm ở phòng tôi đấy. Giờ vẫn không thấy quay
lại.”
Cô ngạc nhiên, cảm ơn chị Na rồi chạy
lên gõ cửa phòng chú Hùng dô.
“Chú Hùng, tại sao em cháu lại bị đuổi
đi? Chú đã từng nói, con bé có thể ở lại đây, chú sẽ chiếu cố cho nó mà.”
“À, đúng là có chuyện này. Cô biết đấy,
trước đây chi phí của em cô là ngài Phillips trả. Giờ ngài ấy đã mất. Cô cũng
phải đi làm công cho chúng tôi. Còn em cô, thú thực nó chưa đóng góp một giờ
lao động nào cho Vạn Hoa viên cả. Chưa kể còn chiếm thời gian công sức của các
nhân viên khác, bắt họ dạy đàn, dạy hát, trông đồ, mang thức ăn cho nó. Nếu hai
chị em cô đều làm ca nương trong nhóm ả đào, tôi sẽ để cho hai người một phòng
ngách. Cô biết đấy, chúng tôi cũng phải kiếm ăn, không thể nuôi không người
khác được. Huống hồ nhà cô còn nợ Hoa viên tương đối đấy.”
Nhìn ánh mắt điềm nhiên và lời lẽ
không thể phản bác được của chú Hùng, cô đành dịu giọng:
“Vâng, cháu biết rồi. Xin lỗi chú, là
cháu không hiểu chuyện. Nhưng em cháu sẽ không làm ở đây. Dù sao con bé cũng
không biết hát. Cháu sẽ làm việc chăm chỉ để trả nợ dần.”
“Được rồi. Nghe nói cô đã mua được
nhà. Chúng tôi càng khó có lý do để con bé ở lại. Tôi biết chị em cô có mâu thuẫn.
Thôi, cô đi thu xếp đi.”
Cô chào chú Hùng rồi đi ra. Làm sao
thuyết phục được em gái về ở với mình đây? Thôi cứ lấy đồ của nó về nhà trước
đã rồi tính tiếp.
Ngày hôm đó, cô ngồi ôn lại những bài
hát xưa đã lâu không lên diễn tấu. Hai chú Thành tóc đã bạc, nhìn thấy cô đến
cũng vui vẻ dẫn nhịp lại, thi thoảng rảnh rỗi, còn kể cho cô chút chuyện. Dù sao
mọi người cũng hay gặp nhau, vì cô thường tới Vạn Hoa viên, vào phòng tập cùng
nhóm ả đào, nên giờ quay lại làm việc, mọi người cũng không lạ lẫm. Nhóm hát vẫn
duy trì bốn người. Nghe nói bây giờ ít người nghe hát cổ, chỉ nghe nhạc Tây.
Ông chủ tuyển thêm ba bốn ca sĩ hát nhạc Tây và nhạc tân thời, cả một ban nhạc
riêng gần chục người nữa. Nhóm ả đào còn tồn tại là do ông bà chủ đều thích
nghe ca cổ, đồng thời phục vụ vài vị quan lớn và mấy người giàu có thích làm
màu hoặc còn chút nuối tiếc với thời gian.
Hai buổi chầu hôm đó của Na, cô đều
vào phục vụ trà nước và cầm chầu. Cũng không quá lạ lẫm. Duy chỉ có đám người hầu
và vài quan khách nhận ra cô, nhân tình của ngài Thiếu Tá đẹp trai lừng lẫy trước
đây, nên cũng chọc ngoáy dăm ba câu. Xác định chuyện này là điều tất yếu, cô thản
nhiên làm việc của mình.
Được chừng ba ngày, em gái cô xuất hiện,
tìm gặp cô, đòi đồ đạc.
“Em ở đâu? Em có nhà để đi sao? Anh
Cát sống nay đây mai đó, ở nhờ nhà người ta. Em muốn đi theo anh ấy, cũng được
thôi. Nhưng phụ nữ cũng nên chừa cho mình một con đường. Để đồ ở chỗ chị đi,
lúc nào em cần thứ gì cứ đến lấy. Chị là chị ruột của em. Dù thời thế hay lòng
người có thay đổi thế nào, chị cũng không làm hại em được.”
Cô bé Lân im lặng không nói gì. Ngẫm
nghĩ một hồi lâu, con bé lí nhí cúi đầu:
“Đành phiền chị vậy.”
Nói rồi con bé lại biến mất. Lan thở
dài, nước mắt trào ra. Nhìn về phía trước mà thấy tương lai mờ mịt.
*
* *
Hôm nay ông chủ Quýnh cho người bảo
cô lên gặp. Mở cửa phòng chú Hùng dô, thấy ông chủ mặt lúc nào cũng lạnh lẽo,
chăm chú nhìn mình, lòng cô lại mơ hồ sợ hãi.
“Nghe nói cô có chút quan hệ với
Giang gia?”
“Tôi… tôi… chỉ biết Giang Bình một
chút. Nhưng giờ thì không.”
“Cô khiêm tốn rồi. Cái tên Giang Ái
Lan ở đất Hải Phòng này, đến đứa trẻ ba tuổi cũng biết là ông chủ Giang gửi gắm
tới cô.”
“Tôi… tôi thực sự không biết. Cũng
không hiểu ngài có ý gì.”
“Giang Quốc, cha của Giang Bình, chủ
nhân quyền lực nhất của Giang gia hiện tại, có ý muốn làm quen với cô.”
Lan trợn mắt, rồi vội lắc đầu.
“Tôi xin lỗi, nhưng tôi không muốn
liên quan gì tới người nhà họ Giang hết.”
“Bố cô còn nợ Vạn Hoa viên ba ngàn đồng.
Cô có làm ở đây chục năm cũng chưa chắc đã trả hết. Nếu cô đồng ý qua lại chỗ
Giang Quốc, tôi sẽ xóa nợ này cho cô.”
Lan run rẩy gật đầu rồi đi ra.
“Có ổn không? Cô ta làm hỏng chuyện
thì sao?”
“Không thể nào. Chờ thu mua xong
Giang Ái Lan rồi nói.”
*
* *
Tối hôm đó, xe của Giang Quốc đưa cô
tới căn biệt thự xa hoa gần biển. Lần đầu tiên cô gặp bố Giang Bình, người đàn
ông đã hơn năm mươi, nhưng vẫn còn rất phong độ, đang ngồi trên chiếc ghế trạm
trổ long phượng cầu kì khảm đồi mồi. Ông ta cũng có dáng vẻ ăn chơi phong lưu
như cậu con trai, nhưng có nét quyến rũ từng trải riêng của người kinh doanh và
trải đời. Ông ta nhíu mắt đánh giá cô, một lúc lâu sau mới lên tiếng:
“Hóa ra cô là người khiến thằng con
không biết trời cao đất dày của tôi suýt chết? Cũng có chút bản lĩnh đấy.”
Việc Giang Quốc yêu cầu không nhiều.
Ngoài ở lại căn biệt thự, cô chỉ còn mỗi việc là lúc nào cũng kè kè cạnh ông
ta, mọi lúc mọi nơi, chừng nào ông ta còn hiện diện ở đất Hải Phòng này. Không
đòi hỏi thân xác cô, cũng không nghe hát, cô băn khoăn không hiểu ông ta có mục
đích gì.
Gần một tuần sau đó, Giang Bình mệt mỏi
phong trần xuất hiện ở biệt thự.
Liếc nhìn Lan ôm ấm ngồi trên đùi bố,
quay đầu đi không nhìn mình, còn người đàn ông trung niên xoa nắn bàn tay trên
cái đùi trắng nõn nà, công tử thầm thở dài “Trò này cũng có ngày diễn với mình
sao?”, nhưng anh chàng vẫn dõng dạc tuyên bố:
“Được, con sẽ quay về Sài Gòn cưới cô
ta ngay hôm nay. Ba không được bán Giang Ái Lan. Dù gì cũng là tâm sức đầu tiên
của con. Còn chưa có lãi đồng nào, cũng chưa thấy nó thành công, cứ thế mà bán
đi con không cam lòng.”
“Thế thì phải xem biểu hiện của anh ra
sao đã.”
Đúng là một lũ khốn. ‘Ái Lan’ gì chứ,
cuối cùng vẫn chỉ là tiền. Lan tức giận nhủ thầm trong lòng. Thấy Giang Bình tần
ngần bước đi khuất khỏi biệt thự, ông bố thẳng tay hất cô ngã ngay xuống đất.
Thêm một tuần nữa, vô tuyến và báo
chí đều ầm ầm đưa tin Giang Ái Lan đã đổi chủ. Công tử Giang Bình tức đỏ mắt, xồng
xộc chạy tới gõ cửa căn biệt thự ở thành phố miền Bắc xa xôi một lần nữa.
“Tại sao ba không giữ lời hứa? Con đã
làm theo yêu cầu của ba rồi còn gì? Ba còn muốn gì nữa?”
“Không muốn gì, con trai. Con làm rất
tốt. Chỉ có điều người đẹp của ta không muốn Giang Ái Lan là của con. Cô ấy nói
con không xứng. Có phải không, em yêu?”
Nói rồi đắm đuối hôn môi Lan đang ngồi
dính sát bên cạnh, tay ông ta không ngừng sờ soạng khắp người cô. Giang Bình tức
tối nhìn cảnh tượng trước mắt.
“Người bên cạnh ba khôn ngoan như thế
từ lúc nào vậy?”
Không ai trả lời anh ta. Hai người
trước mặt vẫn diễn màn yêu đương đắm đuối. Anh ta chửi thề, ném tan bình hoa cạnh
đó rồi đành bất lực bỏ đi mất.
“Từ giờ cô có thể quay lại Vạn Hoa
viên.”
Thấy ông ta lạnh lẽo tuyên bố, tay hất
mình ra, mắt không thèm liếc nhìn, Lan thở phào nhẹ nhõm. Chần chừ xách túi xuống
sảnh, không nén nổi tò mò, cô cố hỏi ông ta:
“Tại sao ông làm thế? Đó là con trai
ông cơ mà?”
“Những đứa trẻ được chiều quá, người khác
luôn đáp ứng nó mọi thứ, nó cảm thấy đó là chuyện đương nhiên. Phải mất đi mới
biết luyến tiếc.”
*
* *
Một ngày mùa thu, Na nghỉ làm. Tin đó
khiến Lan kinh ngạc, còn nhóm ả đào lặng lẽ hẳn đi. Hai chú Thành rầu rĩ khôn
nguôi. Dù gì, đó cũng là một trong ba người gắn bó lâu nhất với nhóm. Có lẽ
nhóm ả đào sắp tan thật rồi. Tâm trạng cô cũng bị buồn lây.
Vừa về tới nhà, cô mệt mỏi rầu rĩ ngồi
thừ ra. Rồi hắt xì liên tục. Thấy người choáng váng có chút sốt, cô uống ít thuốc
cảm rồi lên giường nằm. Vừa thiếp đi một lúc vì mệt, nghe tiếng gõ cửa, cô mệt
mỏi lê người ra mở cửa. Là Na.
“Sao cô lại đỏ như con tôm luộc thế
này? Ốm rồi hả? Ai da, tôi vừa nghỉ mà đã bệnh thành thế này, thế thì sau này
làm sao chiều lòng được ông chủ Quýnh đây?”
Cô chỉ Na ngồi ghế, ra hiệu bảo tự
rót nước, còn mình lại nằm xuống ghế. Quả thực cô sốt thật rồi. Khắp người tím
tái, run lẩy bẩy.
“Vào giường nằm đi. Tôi nấu cháo cho.
May mà có tôi nha. Thôi, cũng coi như có chút kỷ niệm chia tay đi.”
Dìu Lan vào giường, đắp chăn, đặt một
khăn ướt lên trán, Na đi pha ít nước gừng nóng cho cô uống. Rồi nấu chút cháo
loãng. Gần ba tiếng sau, cơn cảm nhanh chóng dịu lại, mồ hôi vã ra, Na đút cháo
nóng cho cô, rồi tìm quần áo khô để cô thay ra.
“Thật là, chả mấy khi thấy cô em bị ốm.
Chia tay tôi mà đã thành ra thế này. Làm tôi cảm động chết mất.”
“Chị, chị đi thật sao? Chị đi đâu?
Tính làm gì?”
“Theo một thằng Pháp vô Sài Gòn nhận
chức mới chứ còn đi đâu. Cái thằng đại tá Christophe Feret ấy, cô biết phải
không?”
Nghe thấy cái tên ấy, Lan giật mình,
hiện ra vẻ mặt khinh bỉ.
“Không biết.”
Nguýt cô thật dài, Na thong thả nói:
“Hắn bảo biết cô. Hắn còn bảo trên
giường cô không bằng một nửa chị đấy.”
“Đó là một thằng khốn.” Lan phẫn nộ.
“Thì sao? Hắn có quyền, lại có tiền.
Những thằng như thế, có mấy thằng là tử tế? Chị cô cũng già rồi, không còn sức
mà lăn qua lăn lại, chiều hết thằng này đến thằng khác, rồi tiền lại vào túi
ông chủ Quýnh. Chị đành tách ra, của mình làm được mình hưởng vậy. Cô còn trẻ,
lại có nhan sắc dư xài vài năm nữa, tranh thủ mà kiếm cho đủ túi tiền, rồi
buông tay gác kiếm. Thời thế loạn lạc, đi với mấy thằng quan sai, có ngày cũng
bị dính đạn lây.”
Lan thở dài:
“Em biết làm gì bây giờ? Em còn nợ
ông chủ Quýnh tiền. Em đi làm mới có ít ngày, chưa kịp trả tiền nuôi dạy, tiền
chuộc thân, đã ra khỏi Hoa viên. Giờ mới trở về, lao lực trả nợ dần đây này.”
“Mày đúng là ngu không để đâu cho hết.
Cái gì mà tiền nuôi dạy, tiền chuộc thân? Lão Thiếu Tá đã trả hết cho mày từ
khuya rồi, còn bo lại cho ông chủ Quýnh gấp mấy chục lần số tiền ấy đấy chứ.”
“Nhưng chú Hùng giơ giấy nợ ra trước
mặt em. Tiền nợ ai trả em không biết. Em chả biết nói gì nữa.”
“Đúng là một lũ khốn. Một lũ trộm cướp.
Phải rồi, ông chủ Quýnh vốn cũng là một thằng trộm cướp, buôn lậu gặp thời mà
phất lên đó thôi. Hành xử đúng không khác gì phường trộm cướp.”
“Cuối cùng, hóa ra ngài Thiếu Tá quả
thực đối tốt với em nhất.” Lan thở dài.
“Đối tốt ư? Có thể với cô thôi. Còn với
người khác, hắn cũng khốn nạn chả kém ai. Mà cũng chưa chắc, cái đầu khờ khạo của
cô sao biết được ai tốt ai xấu chứ? Bị bán đi còn vui vẻ giúp người đếm tiền. Uổng
cho cô ở giữa một đám sói mà chả học được chút khôn ngoan nào. Chả cần giấu cô
nữa, dù gì tôi cũng sắp biến khỏi đây rồi. Nói cho cô biết, ngài thiếu tá tốt bụng
của cô lên giường với tôi không ít đâu. Ngay từ khi mới qua lại với cô chưa được
bao lâu cơ. Tên khốn Phillips đó sau vài bữa no xôi chán chè đã đá ngay tôi cho
một thằng quan sai bản xứ. Thằng đó lại tặng tôi cho một gã vũ phu người Pháp.
Chỉ vài bữa, hắn đã vùi hoa dập liễu đến mức tôi không dám ngửa mặt nhìn mọi
người.”
Nhìn ánh mắt thống hận của Na, Lan
rùng mình.
“Chị… chị không sao chứ? Em … em quả
thực không biết. Em cũng biết anh ta còn nhiều bồ khác, nhưng không nghĩ là…”
“Thôi đi, cũng chả phải tại cô.”
Hai người phụ nữ im lặng, đắm mình
trong suy tư. Na bức bối lấy một điếu thuốc, định bật lửa, nhưng như chợt nhớ
ra điều gì, quay lại hất hàm hỏi Lan:
“Không sao chứ?”
Lan gật gật đầu, tỏ ý không sao. Người
phụ nữ rít một hơi thiện nghệ, xoay bật lửa zippo một vòng làm tắt mồi lửa, rồi
thản nhiên nhét vào túi bên người, tỏ vẻ trải đời trước mặt cô gái nằm trên giường
đắp chăn có đôi mắt ngập nước ngơ ngác. Hút hết điếu thuốc, lại lấy ra điếu
khác, Na làm bộ lơ đãng hỏi:
“Em gái cô vẫn không chịu về đây?”
Thấy ánh mắt Lan trở nên ảm đạm, Na bực
mình, lại lên giọng chì chiết:
“Cô đấy, đến một con nhóc cũng không
bảo nổi. Hây dà, sao cạnh tôi lại có người như cô chứ? Cô biết nó đi theo Cát rồi
phải không? Hừm, khi nghe chuyện nó đùng đùng bỏ cô mà đi mấy năm trước, tôi biết
ngay thể nào cũng liên quan tới việc này. Tôi biết cô vẫn gửi quà, gửi thiếp
cho Cát qua con bé. Nhưng cô có biết anh ấy chẳng bao giờ biết đó là cô gửi
không? Thứ gì của cô nó cũng viết thêm cái dấu bên trên, thế là thành tên của
nó. Anh ấy không hề biết là cô vẫn quan tâm bao năm qua đâu. Cô em gái tinh
ranh của cô đã lợi dụng cô để bày tỏ tấm lòng với anh ấy. Tôi định kể với cô,
nhưng nghĩ lại, một người tao nhã, văn sĩ như anh ấy, cô, cả tôi nữa, đều không
xứng. Chỉ có cô em tinh khiết, có học của cô may ra có thể. Chúng ta không xứng.”
Na cất tiếng thở dài não nề. “Chúng ta đều không thể quay đầu trở lại thuở tốt
đẹp ngây thơ ngày xưa được nữa rồi. Anh ấy chỉ mãi là Yến Anh công tử trong mơ
của Ngọc Nữ thôi.”
Dẫu lòng quặn đau, nhưng nhìn đôi mắt
đã long lanh nước của Na, Lan lúc này mới giật mình. Thì ra chị ấy cũng…
“Thôi đi, đừng giả mèo khóc chuột. Cô
không hơn tôi nhiều lắm đâu. Sau này cố tìm một tay như Phillips ấy, nhanh
chóng tích cho đầy túi, đừng có ngốc nghếch thế này. Bảy năm đi theo anh ta mà
chỉ được mỗi căn nhà bé tẹo, lại còn phải quay về Vạn Hoa làm culi. Hừm. Đúng
là ngu ngốc hết thuốc chữa.”
Na phất tay đứng dậy rời đi. Còn Lan
nước mắt ngắn dài nhìn theo. Vừa ra đến cửa, Na chợt quay lại:
“À, cẩn thận ông chủ Quýnh.”
Lan khóc nấc lên nghẹn ngào. Nhưng
người sau cửa cũng không do dự đóng sập vào, rồi rời đi trong bóng tối.
Lan khóc mãi, tới lúc mệt mà ngủ thiếp
đi. Hôm sau tỉnh dậy, cô bơ phờ mệt mỏi, lại thất thểu tới Vạn Hoa viên.
Từng ngày tẻ nhạt cứ thế trôi qua,
lòng cô u sầu buồn bã. Cô bắt đầu nghĩ nhiều về làng Phao. Cô nhớ tới những
sáng tinh mơ đi cào ngao; những chiều chạng vạng không kiếm được tiền đành lén
lút về nhà, nhưng vẫn bị bố phát hiện ra cầm gậy đuổi đánh; những đêm mưa gió
tê tái, em gái khóc lóc chạy theo cô dọc bãi tha ma đầy sình lầy và mả nát. Cô
mơ thấy mẹ và Phillips. Họ đều không nói gì, chỉ lặng lẽ nhìn cô rồi quay đi mất.
Nhưng rất nhanh sau đó, cô không còn
thời gian để sầu muộn. Cuối tháng Chín năm ấy, người Nhật tiến vào chiếm đóng thành
phố. (9)
(9) Ngày
22/9/1940, đại diện Pháp và Nhật đã kí kết một Hiệp ước, trong đó quy định :
1. Quân đội Nhật được quyền sử dụng 3 sân bay lớn ở Bắc Kỳ (các sân bay
Gia Lâm, Hải Phòng, Phủ Lạng Thương).
2. Bộ tư lệnh Nhật có quyền đóng 6000 quân ở Bắc sông Hồng.
3. Quân đội Nhật được quyền đi qua Bắc Kì để lên đánh quân Tưởng Giới Thạch
ở Vân Nam. Tổng số quân Nhật đồn trú trên đất Đông Dương không lúc nào được quá
25.000 người.
4. Sư đoàn quân Nhật ở Quảng Tây được quyền đi qua đồng bằng Bắc Kì để đi
ra biển.
Mặc dù chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương chấp nhận những đòi hỏi của
Nhật, vào lúc 22 giờ cùng ngày, Sư đoàn 5 Ngự lâm quân của Nhật do tướng
Nakamura chỉ huy vượt biên giới Trung - Việt tấn công các vị trí quân Pháp ở Đồng
Đăng và Lạng Sơn. Các vị trí quân Pháp ở Na Sầm, Đồng Đăng, Điểm He, Lộc Bình bị
tiêu diệt. Ngày 24/9 quân Nhật tiến tới thị xã Lạng Sơn. Quân Pháp bỏ chạy về Đồng
Mỏ, và ngày 25/9, kéo cờ trắng xin hàng.
Ngày 25/9/1940, ở một hướng khác, quân đoàn viễn
chinh Đông Dương thuộc Pháp của Nhật do tướng Nishimura Takuma chỉ huy đổ bộ
vào Đồ Sơn, Hải Phòng. Ngày hôm sau, 26/9, quân Nhật tiến vào chiếm đóng Hải
Phòng không tốn một viên đạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét