13 – Cát
Rạng sáng ngày 23 tháng 9 năm 1942,
Việt Minh (11) tập kích sân bay Cát Bi(12), để phá hoại số
vũ khí và tàu bay Nhật vừa đưa đến, cùng với số vũ khí và máy bay hiện có của
quân đội Pháp, đang được tập trung tại đây chuẩn bị cho đợt phối hợp càn quét mới.
(11) Trước tình hình Thế chiến thứ hai
bùng nổ, hoàn cảnh thế giới và Đông Dương có nhiều thay đổi, Đảng Cộng Sản Đông
Dương nhận thấy việc đánh đuổi Pháp – Nhật là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng không phải
chỉ của Cộng Sản, mà của mọi tầng lớp nhân dân Đông Dương. Ngày 19/5/1941, Việt
Nam độc lập đồng minh hội (gọi tắt là Việt Minh) được thành lập, là một liên
minh chính trị do Đảng Cộng Sản Đông Dương công khai để liên hiệp mọi tầng lớp
dân chúng, các đảng phái, đoàn thể, kể cả không phải là Cộng Sản, chung mục
tiêu đánh đuổi Nhật – Pháp. Kể từ đầu năm 1942, cái tên Việt Minh đã bắt đầu được
biết đến trong đời sống chính trị Đông Dương.
(12) Sân bay Cát Bi là sân bây đầu tiên của
Bắc Đông Dương được chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương quyết định xây dựng
năm 1933. Từ năm 1936-1939, quân đội Pháp nhanh chóng trang bị nơi này thành
phi trường quân sự lớn nhất Bắc Đông Dương. Người Pháp còn một lần nâng cấp mở
rộng sân bay vào giai đoạn 1952-1953 để làm hậu cần chính cho căn cứ quân sự Điện
Biên Phủ của Pháp. Sau năm 1955, sân bay này được giải phóng, trở về với chính
quyền Việt Nam. Từ năm 1985, sân bay được cải tạo thành sân bay dân sự nội địa
cấp III. Theo qui hoạch, từ 2015 – 2025, sân bay sẽ được chính phủ Việt Nam
nâng cấp thành sân bay quốc tế cấp 4E, dùng chung cả quân sự và dân sự, dự bị
cho sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội.
Sân bay này lúc đó ba mặt giáp sông
biển, một mặt giáp thành phố Hải Phòng, được bố phòng từ cách 10 km dọc tuyến
đường Hải Phòng – Đồ Sơn, với nhiều bốt gác, bãi mìn, ba cụm gác trọng điểm có
hỏa lực mạnh. Không thể tiếp cận từ sông hay biển, do tàu tuần tra dày đặc của
Pháp. Việt Minh có 30 người, chia làm ba mũi. Một mũi từ phía Đông đông nam, đi
ra từ khu dân cư, đánh nghi binh vào cụm gác số Một. Mũi thứ hai do Cát dẫn đầu,
từ làng chài phía Đông Nam, đánh nghi binh vào cụm gác số Hai. Mũi thứ ba, đội
chủ lực, do một người có kinh nghiệm chiến đấu lâu năm dẫn đầu, đi theo khu
sình lầy dọc bờ sông suốt một ngày đêm, tấn công muộn hơn khoảng nửa tiếng đồng
hồ vào cụm gác số Ba phía Tây nam, sau đó đánh thọc sâu vào phi trường.
Phòng tuyến số Một bị hạ sau chưa đầy
hai mươi phút vì lính canh quá bất ngờ, chưa kịp điều quân tới bổ sung. Bốn người
của Việt Minh tiếp tục đâm sâu vào phía tòa nhà kho hàng. Phòng tuyến số Hai là
then chốt của Pháp, sau chưa đầy mười phút, hỏa lực Pháp, Nhật đã mãnh liệt
vang lên, trọng pháo cũng bắt đầu khởi động. Năm chiến sĩ Việt Minh ở mũi này
đã chết hai, Cát cùng hai người còn lại cố gắng kìm chân chừng một tiếng mới
rút dần. Mũi thứ ba hạ cụm gác số Ba nhanh chóng, vượt qua các bốt gác phụ và bốn
hàng rào thép gai, tiến thẳng vào phía sân bay, bóng các máy bay quân sự đã hiện
lên lờ mờ trong sương mù lúc rạng sáng. Nhưng khi nhóm ba vừa đặt chân qua hàng
rào thép gai cuối cùng, hỏa lực cực mạnh từ bốn phía bắn tới, như thể đã chờ sẵn
họ từ lâu. Không tìm được chỗ trú ẩn, toàn bộ hơn hai mươi người của nhóm đều
thiệt mạng. Nghe tiếng súng máy điên cuồng phát ra phía phi trường suốt hơn ba
mươi phút, sau đó lại im lặng, biết nhóm chủ lực gặp chuyện không may, nhóm du
kích Một và Hai đều rút đi. Nhưng bốn người nhóm Một bị lính Pháp chặn ở đường
ra, đều hi sinh. Chỉ còn ba người nhóm Hai chạy thoát, nhưng đều bị thương. Họ
tản ra mỗi người một hướng, lính Pháp đuổi theo sau truy lùng, tới bờ sông thì
mất dấu. Nhóm tình báo quân sự người bản xứ và ty mật thám ngay lập tức tản ra
điều tra, còn quân đội Pháp và ty cảnh sát lục soát mọi ngôi nhà trong vòng bán
kính 15 km quanh sân bay, kể cả mấy ngôi làng bên kia sông, cách đó chừng 5 km.
*
* *
Buổi tối hôm ấy, Lan vừa từ Hoa viên
về nhà, lơ đãng lấy chìa khóa mở cửa. Bước vào trong, cô có cảm giác hơi là lạ,
nhưng nhìn quanh cũng không thấy gì thay đổi. Đi qua buồng em gái, thấy cánh cửa
đóng kín vốn hay khóa ngoài, giờ không thấy khóa. Cô tò mò, con bé về nhà ư?
Sao cửa ngoài ngôi nhà lại khóa? Cô đắn đo một chút rồi khẽ gõ cửa. Từ lúc trở
về đây sống cùng cô, em gái yêu cầu cô không được vào phòng nó, con bé luôn
khóa cửa phòng mình mỗi khi đi ra khỏi nhà. Cô đồng ý với mọi điều kiện của em
gái, chỉ cần con bé ở bên mình là cô thấy vui rồi. Nhưng cô gõ mấy lần cũng
không nghe thấy tiếng trả lời.
“Lân! Lân ơi! Em ở trong đó hả? Mở cửa
cho chị.”
Cô lo lắng xoay tay cầm, mở cửa ra.
Phòng tối om và có mùi ngai ngái. Cô sợ hãi quờ quạng bật công tắc điện lên.
Suýt nữa cô kêu lên khi thấy cảnh trên giường, nhưng bị cánh tay phía sau bịt mồm
lại.
“Đừng hét lên. Anh ấy bị thương trong
một cuộc tập kích. Tôi đưa anh ấy về tạm đây băng bó vết thương đã. Cảnh sát và
lính Pháp đang truy lùng anh ấy rất gắt gao. Chị đừng có để lộ sơ hở gì đấy.”
Thấy cô tròn mắt gật đầu lia lịa, Lân
mới bỏ tay ra.
“Chị đi ra ngoài đi, đừng làm phiền
chúng tôi.”
“Anh ấy… anh ấy… em… em có cần chị
giúp gì không?” Lan lắp bắp hỏi.
“Chưa cần. Chị đi ra ngoài đi. Nhớ đừng
để ai vào nhà hay làm gì khiến người khác nghi ngờ.”
Thấy em gái lôi từ chiếc túi to một đống
bông băng và thuốc, Lan do dự lui ra. Cánh cửa phòng đã đóng chặt lại. Nhưng cô
vẫn nhìn theo mãi. Hình ảnh Cát mệt mỏi nằm trên đó, khắp người đầy vết xây xát
và giẻ quấn đen kịt máu, khiến cô rùng mình nhớ tới lần anh ấy bị băng trắng
xóa như xác ướp trong phòng khám của bác sĩ Kiên. Cô lui về phòng mình, đóng cửa
khóc suốt đêm không ngủ.
Sáng hôm sau, cô dậy sớm làm đồ ăn
cho em gái và Cát, để lên bàn rồi đi làm như bình thường. Cả ngày hôm đó cô cứ
bồn chồn, không tập trung nổi. Thấy cô hát sai lời mấy lần, chú Ba trở nên cáu
kỉnh, còn chú Tuân Thành vui vẻ trêu:
“May là mấy thằng quan Tây không hiểu
lời. Nếu không cả nhóm chúng ta lại gặp vạ mất.”
“Cháu xin lỗi, hôm qua cháu đau đầu
suốt đêm, không ngủ được.” Lan cười hối lỗi.
“Cháu xem chăm lo bản thân thế nào mà
dạo này hay ốm đau thế. Ngày xưa thấy mày đàn hát, đi chơi suốt ngày cũng không
sao cơ mà? Đừng lo nghĩ nhiều quá. Con người sống chỉ cần tự biết đủ là được.”
Chú Ba ôn tồn nhắc nhở. Lan gật đầu,
vâng dạ rồi nhanh chóng lên xe kéo về nhà. Cô chỉ muốn nhìn Cát, ở bên anh ấy dù
chỉ một giây một phút. Khi về đến nhà, cô lén mở cửa phòng em gái. Anh ấy ở
ngay trước mặt cô, nhưng sao mà xa xôi thế? Cô khẽ vuốt nhẹ hàng lông mày anh,
rồi lại lướt tay lên gò má gầy trơ xương, nước mắt cô tuôn trào.
Cuối tuần, Pierre lại đưa cô đi tới
tiệc cá nhân của người bạn ở biệt thự bên bờ biển. Từ ban công nhìn ra, vài đôi
vợ chồng người Pháp nắm tay nhau vui vẻ đi dạo trên bãi cát. Cô tưởng tượng cảnh
mình và Cát cũng nắm tay nhau, đi dưới mặt trời rực rỡ, cùng chạy đuổi nhau về
phía một ngôi nhà nhỏ xinh. Đó hẳn là cảnh đẹp đẽ nhất trong mọi giấc mơ của đời
cô. Thấy cô mơ màng nhìn người ta đùa vui trên biển, ngài trưởng ty lại nắm tay
dẫn cô đi dạo. Cả ngày hôm ấy, cô luôn tưởng tượng khuôn mặt Pierre là của Cát,
cô cười đến rực rỡ.
Trở về nhà, nhìn thấy cô em gái xuất
quỉ nhập thần lại nhanh chóng đóng chặt cửa phòng mình, cô chỉ biết thở dài buồn
bã. Cát vẫn chưa tỉnh. Lân lúc có nhà lúc không. Nó đi đâu cô cũng không biết nữa.
Một buổi tối, Lân đi ra ngoài vẫn
chưa về. Cô dựa đầu trên ghế ngoài phòng khách, mắt lim dim nhìn lên trần nhà
như nhìn vào cõi vô định. Chợt một tiếng nói nhẹ vang lên khiến cô giật nảy
mình:
“Là em à?”
Quay lại, cô thấy Cát đang đứng ở cửa
phòng em gái nhìn mình. Cô bối rối đến quýnh quáng tay chân. Không biết phải
làm gì, cô nghệt mặt ra nhìn anh ấy khó nhọc đi về phía mình.
“Cảm ơn em đã giúp anh.”
“Không… không… không phải em.” Cô lắp
bắp. “Là Lân. Em gái em. Em ấy đưa anh về đây. Em… em… em không giúp gì được
cho anh hết. Em… em…”
“Ừm, anh hiểu.”
Cát đến bên ghế, định ngồi xuống,
nhưng có lẽ chân bị thương khiến anh ấy đau quá, lảo đảo suýt ngã. Lan bật dậy
kịp đỡ. Nhìn thấy vết thương ở chân anh lại rách ra, máu thấm ra ngoài, cô đành
dìu anh trở về phòng em gái để băng bó lại. Cô tất bật tháo băng, rồi lấy kéo cắt
băng mới để thay, run rẩy đến mức cắt luôn cả vào tay mình. Cuối cùng, Cát phải
băng cho cô. Cô không dám nhìn vào mặt anh ấy.
“Sao em cứ luôn không cẩn thận thế?”
Anh bắt đầu trách nhẹ nhàng. Cảm giác xót xa dâng lên trong lòng cô, cứ thế này
nước mắt sẽ trào ra mất. Cô đành lảng sang chuyện khác.
“Lâu lắm rồi không gặp anh. Không ngờ
lúc gặp lại, anh lại gầy thế này.”
Kỹ năng nói lảng của cô quả thật rất
tệ. Đầu cô không thể nghĩ được chuyện gì nữa. Cát lẳng lặng nhìn cô một lúc
lâu. Cô cúi đầu, tâm trạng rối loạn, loay hoay với đống bông băng. Hai người cứ
thế im lặng không nói gì. Mãi cũng băng xong, cô định đứng dậy, thì anh ấy thở
dài nói:
“Kỳ thật, anh thường xuyên thấy em. Mỗi
khi ở thành phố này, ngày nào anh cũng đến nhìn em từ xa.”
Nước mắt vỡ ra như mưa rào. Cô khóc.
Khóc đến run rẩy cả người. Khóc đến không cầm nổi đống băng keo nữa, rơi luôn
xuống đất. Khóc đến mức không nhìn thấy gì trước mặt hết. Có lẽ Cát đã ôm cô.
Có lẽ anh ấy đã vỗ vỗ lưng cô. Có lẽ anh ấy đã hôn lên trán cô. Họ cứ ôm nhau
như thế đến nửa đêm. Cô tỉnh táo dần. Anh lấy tay quệt khô nước mắt trên mặt
cô. Họ chưa bao giờ ở gần nhau hơn thế. Cô ngước đôi mắt hạnh sũng nước lên
nhìn anh. Anh hôn nhẹ lên môi cô. Một lần, rồi lại lần nữa, lần nữa. Rồi một
cái hôn rất dài, rất sâu. Tay cô vô thức quàng lên vai anh. Còn tay anh mon men
vòng qua eo cô. Họ hôn nhau say đắm. Tay anh đã xoa lên phía trên, rồi mơn trớn
khắp người cô. Bàn tay đẩy chiếc váy dài rơi xuống đất. Cứ thế họ triền miên một
đêm. Vết thương trên người anh rách ra lần nữa cũng không còn ai chú ý. Ngoài cửa,
một cô gái mảnh mai dán chặt người vào tường, run lập cập như sắp động kinh, răng
cắn chặt môi đến tứa máu. Nước mắt cô ấy rơi rất nhiều, lặng lẽ. Hai bàn tay cô
xòe hết cỡ, bấu chặt vào tường, gân guốc trên tay nổi lên như thể gắng sức cào
rách tường.
Buổi sáng, Lan mở mắt. Một cảm giác
thoái mái kỳ lạ tràn vào tận đáy lòng, một cảm giác hạnh phúc đến say mê. Cô ngửa
đầu nhìn người đàn ông gầy gò, nhưng vẫn còn nét tuấn tú, thư sinh bên cạnh. Cô
đưa tay ra nhẹ nhàng vuốt má anh. Anh mở mắt, im lặng nhìn cô. Rồi đột nhiên giữ
tay cô lại, anh ấy vùng dậy, không quay lại nhìn cô mà chỉ lạnh nhạt nói:
“Em mặc quần áo vào đi.”
“Vâng.” Cô ngoan ngoãn làm theo như một
con mèo con. Vừa định đưa tay vuốt tóc anh ấy lần nữa, Cát đã quay người lại, lạnh
lùng bắt lấy tay cô và nghiêm giọng nói:
“Đừng thế nữa. Hôm qua chỉ là một
phút yếu lòng của tôi. Xin em hãy quên đi. Tôi… tôi không yêu em. Tôi yêu em
gái em. Em… em ra ngoài đi. Tôi muốn ở lại một mình trong phòng. Xin lỗi.”
Lòng cô thắt lại như bị một cây kim
châm vào. Nước mắt lại lã chã rơi.
“Em hiểu. Xin lỗi. Là lỗi của em.”
Cô lảo đảo ra khỏi phòng. Khóc một
lúc, rồi cũng bình tĩnh lại, cô chợt nhớ tới Lân. May mà cô bé chưa về. Cô lau
mặt sạch sẽ, đi nấu chút cháo cho Cát và đồ ăn cho Lân. Đến giờ đi làm, cô chỉ
ghé vào phòng, nói thật nhanh với anh:
“Đồ ăn em để trên bàn. Lúc nào anh
đói, cứ ra ăn nhé. Em đi làm đây.”
Rồi cô đi thật nhanh, sợ nhìn thấy anh
ấy, mình lại khóc lần nữa.
Ngày hôm đó đến Vạn Hoa viên, một
công tử thất tình bao chầu đề nghị hát “Vịnh Thúy Kiều”. Lan vừa hát vừa khóc.
“Đã biết má hồng thời phận bạc
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng
Chiếc quạt thoa đành phụ nghĩa Kim lang
Nặng vì hiếu, nhẹ vì tình thời cũng phải
Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải
Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu
Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu
Mà bướm chán ong chường cho đến thế?
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm!
Bán mình trong bấy nhiêu năm
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai!
Nghĩ đời mà ngán cho đời!”
(Vịnh Thúy Kiều – Nguyễn Công Trứ)
Giọng hát da diết, ai oán thê lương,
khiến công tử đang sầu não cũng phải giật mình, kinh ngạc nhìn ca nương đang đẫm
lệ trên chiếu chầu. Công tử cảm động vô cùng, vì tưởng ca nương cũng hiểu được
nỗi lòng mình. Tiền bo cho buổi chầu đó rất lớn.
“Này, cháu không sao chứ? Hai da, hôm
nay cháu hát thật xuất thần. Từ lúc cháu ca đến giờ, đây là lần cháu ca đạt nhất
đó.”
Chú Ba Thành nhíu nhíu mắt gật gù
nhìn cô thưởng thức. Cô chỉ khẽ cười. Cả ngày hôm đó cô ngân nga khúc vịnh Kiều.
Anh ấy cũng nghĩ về mình giống cụ Trứ nghĩ về nàng Kiều phải không? Anh ấy cũng
khinh bỉ con người mình phải không? Nước mắt cô lại vô thức rơi.
“Hai da, con bé này, hôm nay thật lạ.”
Chú Ba Thành nhìn cô thở dài, lắc lắc
đầu kéo chú Tuân Thành đi ra chỗ khác, để cô một mình.
Tối muộn cô mới về nhà, để tránh đau
lòng thêm. Khi vừa vào nhà, tiếng trai gái nỉ non đã vang lên. Em gái và Cát
đang âu yếm bên nhau. Cô đè nén cảm giác nôn nao, đắng chát đang dâng lên trong
cổ họng, đi thật nhanh về phía phòng mình, đóng chặt cửa lại.
Chị Na nói đúng. Con người nhơ nhớp của
cô không xứng với anh ấy. Chỉ có em gái cô mới xứng đáng. Phải chúc phúc cho họ
thôi. Dù sao đó cũng là những người mình yêu thương nhất trên đời này. Họ bên
nhau hạnh phúc, mình sống cũng mãn nguyện rồi. Cô gạt nước mắt, cố giữ cho mình
thật bình tĩnh.
Ngay sáng hôm sau, Cát đã đi khỏi nhà
cô. Để lại vài dòng cảm ơn đơn giản. Cô đi vào phòng em gái. Chắc hai người ra
đi vội vã, đến cửa phòng cũng không kịp khóa lại, một ít bông băng vẫn còn vất
trên giường. Tay cô vuốt ve từ chiếc gối, đến góc chăn, cái chiếu. Những nơi
anh ấy có lẽ đã chạm qua. Để cảm nhận chút hương vị còn sót lại của anh ấy. Thế
là đủ rồi. Mối tình trong mơ của cô phải chấm dứt ở đây thôi.
*
* *
Cuối tuần, Pierre lại qua nhà đón cô
đi chơi. Trong lúc chờ cô sắp đồ, ông ta như thường lệ ngồi ở phòng khách. Lân,
vốn dĩ không bao giờ xuất hiện khi có mặt ông ta, hôm nay như có phép màu, ăn mặc
nghiêm túc dường như muốn ra ngoài, đúng lúc thấy nhà có khách nên nán lại tiếp
chuyện cùng ngài trưởng ty.
“Ông là bạn của chị tôi?” Lân tò mò hỏi.
Pierre thản nhiên gật đầu. Lân ghé đầu
gần ông ta thì thào:
“À, ông là người tặng cái máy ảnh đó
cho chị tôi phải không? Một người bạn của tôi bảo, đó là máy ảnh đời mới, rất đắt
tiền, có thể chụp được cả trong bóng tối lờ mờ. Tôi rất thích đó. Nhưng chị tôi
kiên quyết không cho mượn, bảo là chỉ dùng cho việc quan trọng. Ai da, ông còn
đồ nào thú vị như thế không, cho tôi xem với?”
Pierre lặng lẽ lắc đầu.
“Ai dà, chán chết. Thôi, tôi đi chơi
với người khác đây.”
Thấy cô bé đỏng đảnh
bỏ đi, Pierre khẽ đăm chiêu nhìn vào phía phòng Lan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét