Lời Tựa
Năm 602, nước Vạn Xuân thời Hậu Lý
Nam Đế - Lý Phật Tử đầu hàng nhà Tùy, trở thành một châu của Tùy quốc – Giao
châu. Năm 605, nhà Tùy đổi thành quận Giao Chỉ, lập phủ đô hộ(1) để
cai quản. Năm 618, nhà Đường lật đổ nhà Tùy. Từ đó mảnh đất này liên tục bị tách
ra rồi nhập lại với các châu quận khác dưới nhiều tên gọi khác nhau: Giao châu,
An Nam, Trấn Nam, Hành Giao châu. Từ năm 866, mảnh đất xưa thuộc An Nam đô hộ
phủ lại thuộc về đơn vị hành chính có tên Tĩnh Hải quân.
Tĩnh Hải quân gồm 12 châu: Giao,
Phong, Chi, Ái, Hoan, Diễn, Vũ An, Trường, Phúc Lộc, Lục, Thang, Vũ Nga; trải
dài từ Quảng Nam Tây lộ(2) tới dãy Hoành Sơn(3), dân số
khoảng 1 triệu người.
Cuối thời Đường, triều đình rối ren,
lơ là việc cai quản Tĩnh Hải xa xôi, khiến bộ máy quản lý hành chính ở đây suy
yếu. Mảnh đất này triền miên bị đám người Nam Chiếu xâm lược. Lòng người dân bắt
đầu bất mãn. Các thủ lĩnh địa phương nổi dậy liên tục.
Năm 905, quyền thần Chu Ôn đang khống
chế nhà Đường, đày Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân lúc đó là Độc Cô Tồn ra đảo Hải Nam
rồi giết chết. Khúc Thừa Dụ - một thủ lĩnh người Việt là hào trưởng địa phương,
nhân cơ hội đám quan lại nhà Đường mải đấu đá, xuất quân nổi dậy chiếm được Đại
La – thủ phủ Tĩnh Hải, tự xưng Tiết Độ Sứ(4). Tĩnh Hải từ lúc này đã
nằm dưới quyền cai trị vững vàng của một gia tộc bản xứ - họ Khúc.
Năm 907, nhà Đường diệt vong, lãnh thổ
bị chia năm xẻ bảy, quay về cảnh phiên trấn cát cứ, lịch sử gọi thời kỳ này là
“Ngũ Đại Thập Quốc”(5). Trong giai đoạn này, Hà Tây(6) và
Tĩnh Hải quân dần dần thoát ly để thành quốc gia độc lập. Nam Hán là quốc gia
láng giềng với Tĩnh Hải quân, nằm trong “Thập Quốc”, do Lưu Nghiễm(7)
lập ra năm 917 do không thần phục nhà Lương. Dưới sự cai trị nghiêm ngặt và được
lòng dân của Khúc Hạo, Nam Hán không dám nhòm ngó Tĩnh Hải.
Cuối năm 917, khi Khúc Thừa Mỹ, con
trai Khúc Hạo lên thay cha làm Tiết Độ Sứ, đã thay đổi chính sách đối nội khiến
mất dần lòng dân, đối ngoại lại kết thân nhà Lương ở xa, gây hấn Nam Hán liền kề.
Nhiều lần gây hấn của Khúc Thừa Mỹ khiến vua Nam Hán tức giận, sai bộ tướng
Lương Khắc Trinh và Lý Thủ Phu đem quân sang đánh chiếm Tĩnh Hải năm 930. Khúc
Thừa Mỹ đơn độc, thất bại nhanh chóng, bị bắt đem về Nam Hán. Vua Nam Hán cho bộ
tướng Lý Tiến đến cai quản đất này.
Dương Đình Nghệ lúc đó là một bộ tướng
của họ Khúc, phục vụ từ đời Khúc Hạo, thấy yếu thế bèn bỏ về quê làng Giàng, Ái
châu(8) mở lò võ, tập hợp được hơn 3.000 dưỡng giả tử (con nuôi); có
Ngô Quyền, Đinh Công Trứ, Dương Tam Kha, Kiều Công Tiễn… làm nha tướng. Lý Tiến
biết chuyện, nhưng nhận hối lộ của Dương Đình Nghệ nên làm ngơ.
Tháng 3 năm 931, Dương Đình Nghệ đưa
quân từ Ái châu ra Đại La, đánh đuổi Lý Tiến về nước. Vua Nam Hán biết chuyện,
sai giết Khúc Thừa Mỹ, cho Trình Bảo sang tiếp viện. Nhưng Trình Bảo vây thành
Đại La, bị Dương Đình Nghệ chém chết. Lý Tiến chạy trốn về kinh đô Nam Hán, bị
Lưu Nghiễm giết. Dương Đình Nghệ tự lập mình làm Tiết Độ Sứ Tĩnh Hải quân.
Dương Đình Nghệ gả con gái Dương Thị
Như Ngọc cho Ngô Quyền, một bộ tướng của mình. Năm 932, ông tin tưởng giao cho
Ngô Quyền trấn giữ Ái châu.
Tháng 4 năm 937, Dương Đình Nghệ bị
Kiều Công Tiễn, cũng là một bộ tướng của ông, đang trấn giữ Phong châu, liên thủ
cùng thế lực họ Kiều ở Đại La giết hại để cướp quyền.
Câu chuyện của chúng ta bắt đầu từ
đây.
(1) Phủ đô hộ là tên gọi phân biệt đơn vị hành chính ngoại thuộc so với các
đơn vị nội thuộc chính quốc của các triều đại phong kiến Trung Quốc.
(2) Quảng Nam Tây lộ là mảnh đất bị nhà Tùy chiếm được khoảng năm 214 TCN,
nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
(3) Dãy Hoành Sơn là dãy núi chạy theo hướng đông – tây dài khoảng 50 km, thuộc
phía nam tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam ngày nay.
(4) Tiết Độ Sứ là chức quan thời nhà Đường, đứng đầu một đạo (quân) khoảng
vài châu tới chục châu; được trao cờ tiết, có quân đội riêng, chính sách thuế
khóa riêng, bộ máy hành chính riêng; để quản lý, bảo vệ và ngăn chặn các mối đe
dọa từ bên ngoài Đường quốc.
(5) “Ngũ Đại Thập Quốc” là giai đoạn từ 907-979 trong lịch sử Trung Quốc, bắt
đầu khi nhà Đường diệt vong và kết thúc khi nhà Tống thống nhất Trung Quốc. Ngũ
đại bao gồm năm triều đại: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán và Hậu Chu.
Thập quốc gồm mười quốc gia tan tan hợp hợp: Ngô, Nam Đường, Ngô Việt, Mân, Bắc
Hán, Tiền Thục, Hậu Thục, Kinh Nam, Sở, Nam Hán.
(6) Hà Tây là khu Cam Túc, Trung Quốc ngày nay. Hà Tây là một chuỗi ốc đảo nằm
dọc theo rìa bắc cao nguyên Thanh Tạng. Sau giai đoạn này, Hà Tây thuộc về
vương triều Tây Hạ.
(7) Nam Hán Cao Tổ Lưu Nghiễm (889-942), nguyên danh Lưu Nham, còn gọi là Lưu
Trắc hay Lưu Cung, là hoàng đế đầu tiên lập ra nước Nam Hán (917-971) thời Ngũ
Đại Thập Quốc.
(8)
Làng Giàng thuộc Ái châu, nay là xã
Thiệu Dương, Thanh Hóa, Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét