Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Luận Anh Hùng - Cheryl Pham: Chương Bốn - Anh Hùng chỉ khóc Anh Hùng


Chương Bốn: Anh Hùng chỉ khóc Anh Hùng

Anh Hùng tận do trời phụ.

Chưa đầy hai tuần sau, Kiều Công Tiễn ở Đại La đã nhận được tin thám báo từ Ái châu. Tiễn bảo Kiều Thuận:
-         Ngươi thấy chưa, mới hơn nửa năm Ngô Quyền đã thu nạp được hơn 9.000 binh, rất nhiều trong đó là anh hùng hào kiệt của Tĩnh Hải quân. Chỉ chưa đầy một năm nữa thôi, quân số của bọn chúng sẽ ngang ngửa chúng ta. Giờ chúng đã nhe nanh múa vuốt muốn cắt đầu ta và diệt họ Kiều rồi đấy. Ngươi tính sao đây?
-         Ông nội, là trời không thương họ Kiều chúng ta. Giờ nội loạn khắp nơi, bọn hào trưởng địa phương cũng không chịu nộp bạc và tráng đinh. Lương khố của chúng ta đã suy giảm gần một phần ba, e chỉ cầm cự được đến giữa năm sau thôi. Quân binh cử đi dẹp loạn lại quay sang làm bạn với lũ thảo khấu gần hết. Lũ thám báo thì quá nửa là vô dụng. Cháu cũng lực bất tòng tâm.
-         Cũng tại ngươi. Ta đã bảo phải diệt bọn Ngô, Dương từ khi còn trứng nước; lũ thảo khấu nhìn gương tày liếp sẽ không có cớ mà nổi dậy ầm ầm, chống đối lại chúng ta. Ngươi lại lo đến lòng dân với nhân tâm. Để giờ chúng từ tôm biến thành rồng rồi, sao để ta yên?
-         Ông nội đừng trách cháu. Cháu cũng suy nghĩ hết cách cho người và họ Kiều đấy thôi. Tên Lã Xử Bình viết bài cáo thống thiết đến thế, người người đều căm phẫn chúng ta, khóc thương cho Dương lão tướng quân và Dương gia. Họ Dương kia lại cố tình đứng về phe Ngô Quyền, làm bao nhiêu trò lôi kéo hào kiệt và lòng người trong thiên hạ. Nếu ta động binh với lũ người đó, phẫn nộ đang đè nén trong dân chúng và binh lính sẽ tức nước vỡ bờ, xô lên dìm chết Kiều gia chúng ta ngay tức khắc. Đám man dân này giỏi nhất cái trò liều mạng. Người gần cả cuộc đời binh nghiệp, hẳn rõ hơn cháu. Cháu cũng tìm mọi cách hạ uy thế chúng, nhưng Xử Bình cũng giết không xong, quân doanh chúng chả bị phá hoại, quân tướng chúng không bị mắc mưu, thanh thế chúng lại còn lớn hơn trước. Cháu biết làm sao đây. Chỉ trách trời không cho họ Kiều chúng ta một Lã Xử Bình hay một Dương Tam Kha.
-         Thôi đi. Ta không muốn nghe than khóc. Chúng ta phải mau chóng nghĩ cách. Còn nước còn tát. Ta đã bỏ bao công sức, không thể dễ dàng buông tay.
-         Vâng, ông nội. Đây cũng là trời muốn thử lòng can đảm của người và họ Kiều chúng ta. Qua cơn bĩ cực này, tất sẽ tươi sáng.
-         Trước mắt phải nghĩ cách đối phó với Ngô Quyền, sau đó mới tính đến lương khố. Còn lũ loạn dân, tạm thời để đó. Chúng có đánh tới Đại La, cũng không xông nổi vào thành.
Suốt mấy tuần liền, Kiều Thuận và các tướng lĩnh bày mưu tính kế, cũng chẳng đi đến đâu. Công Tiễn bực mình, đập phá mọi thứ trong trướng.
-         Đúng là một lũ ăn hại. Nuôi các người cũng tốn cơm gạo. Bảo nghĩ cách đối phó với phản thần mà đứa nọ đùn đẩy đứa kia, mấy tuần cũng không nghĩ ra cách nào.
Kiều Thuận can:
-         Ông nội, người chớ nên nóng nảy. Còn mười tháng nữa mới tới ngày chúng dự định xuất binh. Ta vẫn còn thời gian đối phó.
-         Trong đám tướng lĩnh ấy tin được mấy người?
-         Chắc chỉ khoảng một phần mười.
Công Tiễn than:
-         Thế thì làm sao hành sự! Không được. Đám người này không dùng được nữa rồi. Chúng có thể bán đứng chúng ta bất cứ lúc nào. Chúng ta thực sự cô thế rồi. Kiều Thuận, cháu mau nghĩ cách gì cho ta đi. Nếu không, số phận chúng ta sẽ không khác gì Khúc Thừa Mỹ, chỉ khác không phải phơi thây ở Nam Hán, mà ở ngay đây thôi.
Kiều Thuận mắt sáng lên, ngẫm nghĩ rồi nói:
-         Ông nội, cháu có một cách. Nhưng không biết người có chịu không?
Công Tiễn ghé đầu lại. Thuận thì thào:
-         Ông nội, ta có thể nhờ Nam Hán xuất binh cứu viện.
Công Tiễn cho Kiều Thuận một cái tát.
-         Ngu xuẩn. Tuyệt lộ thế mà cũng nghĩ ra được. Kéo bọn lang sói đó sang đây, chi bằng ta dâng thành cho Ngô Quyền còn dễ nghe hơn.
Kiều Thuận than khóc:
-         Ông nội, ta phải tìm đường sống trong cõi chết. Giờ ta không thể trông cậy được vào bất cứ ai ở Tĩnh Hải quân này nữa rồi. Nếu ngồi yên ở đây với đám binh lòng dạ bất nhất kia, bọn Ngô Quyền tới, chúng cũng chạy mất hoặc tự tay dâng thành cho tên họ Ngô. Dương Tam Kha mà đặt chân vào đây, tuyệt đối không để cho bất kì ai trong họ Kiều chúng ta sống sót. Còn nếu liên minh với Nam Hán, để họ mang binh vào, họ sẽ giúp ta đánh dẹp Ngô Quyền và lũ loạn dân, nhưng cũng chiếm lấy Tĩnh Hải quân. Chúng ta khi đó vẫn còn đường sống. Nếu tử tế, bọn họ sẽ để ta tiếp tục cai trị xứ này, chỉ phải thần phục họ. Nếu không tử tế, bọn chúng cũng sẽ cho ta về Phong châu. Khi đó, Kiều gia ta lại tiếp tục chiêu binh mãi mã, chờ ngày dựng cờ nổi dậy, đoạt lại quân quyền. Ông nội, chỉ còn sống mới còn cơ hội. Anh hùng hai mươi năm báo thù cũng không muộn. Xin người suy xét.
Công Tiễn thở dài:
-         Để ta suy nghĩ đã.
Tiễn nghĩ suốt một tuần liền, mất ăn mất ngủ, tóc bạc trắng. Rồi hỏi Kiều Thuận:
-         Những người cài trong đội quân của Ngô Quyền thực sự không còn ai dùng được?
-         Vâng, ông nội. Chỉ còn Nguyễn Chí Bình và một lính tốt. Nhưng bị giám thị rất chặt chẽ, hành động vô cùng khó khăn. Còn những kẻ khác đều bị giết, đuổi đi, hoặc bị vô hiệu hóa.
-         Cho người chuẩn bị cấp tốc đi sứ tới Nam Hán.
Kiều Thuận chạy vội đi chuẩn bị, còn Tiễn ngồi lấy bút viết thư cầu viện, vừa viết vừa rơi lệ:
-         Trời hận ta anh hùng một đời đây.
Cuối tháng 3 năm Mậu Tuất (938), Kiều Công Tiễn nhân danh Tiết Độ Sứ của Tĩnh Hải quân, gửi mật thư hàng phục và cầu Nam Hán xuất binh diệt trừ Ngô Quyền cùng đám loạn dân. Đồng thời báo cho vua Nam Hán, Ngô Quyền dự định có hai tới ba vạn binh, đánh Đô hộ phủ vào cuối năm 938, đầu năm 939. Tiễn xin viện binh tháng 10, chậm nhất là tháng 12 hãy tới đây. Quân hiện thời của Tiễn chỉ cầm cự được tới mùa xuân năm sau.

Lúc đó, tại Ngô tướng phủ, Ngô Quyền ngồi cùng Tam Kha và Xử Bình. Quyền nói:
-         Chúng ta đã lộ ra tin tức. Tiễn nhất định sẽ tăng cường quân bị và lương thảo từ thời điểm giữa năm. Nhưng trước mắt sẽ sai người đi trưng thu bạc và quân lương cùng tráng đinh khắp nơi ngay từ bây giờ. Ta sẽ tiến quân ra Bắc vào đúng thời điểm này, lúc quân tình ở đó ít nhất, gây bất ngờ, khiến chúng trở tay không kịp. Tam Kha, anh đã chuẩn bị xong chưa?
-         Ngô tướng, tất cả đã sẵn sàng.
Xử Bình nhắc nhở:
-         Ngô tướng, Dương tướng quân, vẫn có thể còn khả năng nữa. Công Tiễn đang bị rơi vào thế cô lập. Nếu chúng sớm phát hiện đã cùng đường, tất sẽ không khoanh tay ngồi yên chờ ta tới.
Tam Kha tái mặt:
-         Ý ông là lão già đó sẽ cầu viện ngoại bang?
Xử Bình gật đầu:
-         Đúng vậy. Thực tế nhất là cầu Nam Hán, vừa có dã tâm, vừa có lực, đang đỏ mắt chờ cơ hội nhảy vào Tĩnh Hải quân. Còn cầu các nơi khác ở thời điểm này, thà không cầu còn hơn.
Ngô Quyền nói:
-         Nếu vậy, ta phải gấp rút đánh thành Đại La, để còn có thời gian tìm cách chống Nam Hán. Nếu không sẽ không kịp mất.
Tam Kha bừng bừng lửa giận:
-         Lão già họ Kiều thất đức kia, Tam Kha ta quyết không tha tên giặc phản quốc.

Một tin không vui đúng thời điểm này, dù họ Dương và họ Ngô đã cố gắng giấu kín, nhưng vài tướng lĩnh thân cận cũng biết. Xương Ngập lén đến chỗ nàng Phương Dung trong đêm tối và lại bị phát hiện. Trưởng lão họ Dương đã cho người trói cả hai giam trong phòng kín, rồi gọi phu thê Ngô tướng và Dương Tam Kha tới. Tam Kha chỉ nói:
-         Ta giờ còn bận thù cha thù nhà chưa báo, không thể lo tới những việc này được. Ta tạm tha cho họ đã. Chờ xong việc lớn rồi nói sau.
Nhưng Ngô Quyền thì vô cùng tức giận, sai người mang roi đánh Xương Ngập hơn hai mươi roi, tới khi Dương thị khóc lóc can ngăn mới dừng lại.
-         Sao Quyền ta lại có một đứa con vô dụng như ngươi. Không lo vì nghĩa lớn, báo thù nhà nợ nước, lại mê mải hương sắc, quẩn quanh chuyện thê thiếp.
Xương Ngập ăn năn, cúi đầu tạ lỗi với Tam Kha cùng cha mẹ và trưởng lão. Lúc về nhà, Dương thị bảo với Tam Kha:
-         Anh ba xin hãy nín nhịn. Chờ xong việc lớn rồi xử sau. Xương Ngập là kẻ vô năng, bất tài, chỉ ham mê sắc dục, không đáng bận tâm.
Tam Kha thở dài nói:
-         Ta cũng không chấp vãn bối và đàn bà. Nhưng hai người này quả thật càng lúc càng khiến ta thất vọng.

Ngày mồng 8 tháng 4 năm 938, Ngô Quyền chia quân thành ba đội tiến ra bắc. Đội quân tiên phong gồm 1.500 binh do Dương Tam Kha thống lĩnh, đánh thẳng vào cửa Nam thành Đại La. Đỗ Cảnh Thạc dẫn một mũi bọc hậu, gồm 1.500 quân, đi vòng sườn tây, đánh vào cửa Bắc. Đội chủ lực hơn 5.000 quân do Ngô Quyền dẫn đầu, đi sau Tam Kha nửa ngày, theo hướng cửa Nam.
Trước khi lên đường ba ngày, Nguyễn Chí Bình và binh tốt gián điệp bị giam vào phòng tối, canh giữ cẩn mật. Các tướng lĩnh và quân sĩ được phổ biến kế hoạch tác chiến nhanh chóng. Lã Xử Bình cùng Phạm Chiêm, Kiều Công Hãn, Dương Cát Lợi theo Ngô Quyền; Đinh Công Trứ và Dương Nhị Kha làm phó tướng cho tướng trẻ Đỗ Cảnh Thạc. Do ăn năn với bác, Ngô Xương Ngập xin theo làm phó tướng cho Dương Tam Kha. Nguyễn Thủ Tiệp phụ trách 1.000 quân bảo vệ lương thảo đi sau đội chủ lực một ngày.
Đội tiên phong của Tam Kha gồm 500 kỵ binh, 1.000 bộ binh, đi như gió cuốn, sau hơn hai ngày đã tới cửa Nam thành Đại La. Tam Kha dàn quân ngoài thành, rồi cưỡi ngựa tiến lên, thét vang:
-         Ai trông thành? Gọi lão già bất nhân, bất nghĩa, bất trung Kiều Công Tiễn ra đây cho Dương Tam Kha ta hỏi tội.
Binh sĩ trông thành hốt hoảng chạy đi gọi quan coi thành và báo tới phủ Tiết Độ Sứ. Một số khác sợ quá, trốn mất. Võ giáo đầu đi lên cổng thành, thấy một đội binh mã rất kỷ luật, đứng thành ba vòng, kỵ binh đứng trước, một tướng đang chống thương trên lưng ngựa, rất anh tuấn, oai hùng, nhìn kỹ thấy đó là Tam Kha thì không ngạc nhiên lắm, bèn chắp tay từ tốn chào:
-         Dương tướng quân, đã lâu không gặp. Võ giáo đầu tôi xin hỏi ngài đến có việc gì?
Tam Kha chĩa thương lên cổng thành, thét:
-         Ta đến hỏi tội tên Kiều Công Tiễn giết Tiết Độ Sứ Dương Đình Nghệ và hơn ba mươi mạng người nhà Dương gia ta. Kẻ diệt bề trên, chém trung thần nghĩa sĩ, giết ân công, lạm sát người vô tội như hắn có xứng đáng ngồi trên ghế rồng cai quản Tĩnh Hải quân và muôn dân trăm họ không?
Quân sĩ đồng thanh giơ gươm giáo và gõ trống khua chiêng hô vang “Không!”
Tam Kha lại hỏi:
-         Kiều Công Tiễn giết cha nuôi là bất hiếu, diệt bề trên hiền tài, đức độ để soán ngôi là bất trung, chém hơn ba mươi mạng người nhà Dương gia và vô số người vô tội khác là bất nhân bất nghĩa. Kẻ bất hiếu, bất trung, bất nhân, bất nghĩa như hắn có đáng sống không?
Quân sĩ lại hô vang “Không!”
Tam Kha thét lên:
-         Mở cổng thành ra! Chúng ta phải đi giết tên phản thần Kiều Công Tiễn! Trả thù cho Dương lão tướng quân và Dương gia cùng muôn dân trăm họ!
Quân sĩ khua gươm giáo và cờ xí, cùng chiêng trống rợp trời, hô vang “Giết! Giết!”
Giám quan bên cạnh sợ rơi cả mũ, run rẩy hỏi Võ giáo đầu:
-         Ta nên làm gì bây giờ?
-         Mở cổng thành chứ còn làm gì nữa!
Cổng thành Nam nhanh chóng được mở rộng ra hết cỡ. Tam Kha dẫn đầu đoàn quân rầm rập chạy qua. Qua được một đoạn, gặp kỵ binh của tướng Nguyễn Công Sử xông tới, Tam Kha vung thương hất mũ Sử bay ra khỏi đầu. Đội thiết kỵ của Sử đứng yên lại để đoàn quân Tam Kha đi qua. Đi thêm gần nửa dặm qua hào nước, lại gặp đội binh của nha tướng Kiều Sảng. Kha đâm chết Sảng. Quân Sảng sợ quá bỏ chạy tan tác. Qua hào nước thứ hai, nha tướng Vũ Thôi mang binh chạy tới chặn, thấy người tới là Tam Kha bèn chắp tay chào rồi cho quân lui sang hai bên. Gần tới phủ đô hộ, đội cấm quân hơn 6.000 người đứng đợi sẵn do Đỗ Hải Phong và Kiều Công Hoan cầm đầu. Đội kỵ binh của Tam Kha xông thẳng vào đoàn quân bảo vệ trang bị kiếm giáp hùng dũng. Vũ Dũng đi đầu liên tục chém chết 21 lính, giết Kiều Công Hoan mở đường máu. Tam Kha chém Đỗ Hải Phong. Đội cấm quân kinh hoảng, dẫm lên nhau tháo chạy. Tam Kha cùng Vũ Dũng, Ngô Xương Ngập đi thẳng vào phủ Tiết Độ Sứ, trên đường giết tất cả binh lính và cấm quân hộ vệ. Tới chính điện, thấy Kiều Công Tiễn một mình ngồi trên ghế rồng, Tam Kha chĩa thương quát:
-         Lão già kia, Dương Tam Kha ta đến đòi nợ cho cha ta và họ Dương. Mau quì xuống nhận tội!
Công Tiễn bình tĩnh đáp:
-         Đã lâu không gặp, Dương tướng quân. Ta đã chờ ngươi ở đây từ lâu rồi. Giờ làm gì thì làm đi!
Ngô Xương Ngập và Vũ Dũng lao đến bắt Kiều Công Tiễn, trói gô lại, bắt quì dưới điện, chờ đoàn người Ngô tướng tới.
Đội bọc hậu của Đỗ Cảnh Thạc cũng nhanh chóng hạ thành Bắc, dọc đường đánh lui hai nha tướng giữ các chốt chặn, chạy tới phủ đô hộ, thấy quan quân tan tác, biết Tam Kha đã đánh vào trong phủ, bèn cho người chốt chặn bên ngoài.
Đến chiều, Ngô Quyền và hơn 6.000 quân thuận lợi tiến vào Đại La mà không phải tốn một mũi tên. Trên đường tới phủ Tiết Độ Sứ, gặp quân của Kiều gia, liền đánh cho tan tác. Ngô Quyền cho người truy đuổi, bắt tất cả những người nhà họ Kiều, đưa về phủ đô hộ. Ngô Quyền cùng Phạm Chiêm, Dương Cát Lợi đi vào chính điện, thấy Tam Kha, Cảnh Thạc, Xương Ngập, Vũ Dũng đã ở đó, Kiều Công Tiễn đang bị trói quì xuống đất. Quyền ngồi lên ghế rồng, hỏi tội Công Tiễn.
-         Quyền ta cùng họ Dương và các anh em mang binh tới đây hỏi tội kẻ gian thần Kiều Công Tiễn, diệt ân công Dương lão tướng quân và hơn ba mươi mạng người nhà Dương gia để soán ngôi. Kẻ bất hiếu, bất trung, bất nghĩa như ngươi đã biết tội chưa?
Tiễn chỉ nói:
-         Số ta đã tận. Hận trời phụ công ta gắng sức bấy lâu. Giờ ngươi dành sức mà chuẩn bị đánh Nam Hán đi.
Lúc đó mới biết, Tiễn quả thực đã cầu viện Nam Hán. Quyền và các tướng đều phẫn nộ.
-         Lão giặc già bất nghĩa. Bán cả giang sơn này cho bầy lang sói. Kiều Công Tiễn, ngươi không đáng sống!
Quyền cho Dương Tam Kha toàn quyền xử trí Tiễn. Tam Kha chặt đầu Công Tiễn. Xử Bình lúc đó lật đật từ ngoài chạy vào, định can ngăn, nhưng không kịp, bèn nói:
-         Công Tiễn đã cầu viện Nam Hán. Lưu Nghiễm cho rằng có Công Tiễn ở đây làm nội ứng, cứ cho là sẽ mang khoảng 2 vạn binh tới. Nhưng nếu biết Công Tiễn đã chết, hắn có thể cho 5 vạn binh tới, phòng bị và bày trận nghiêm ngặt hơn. Ta sẽ khốn. Giờ phải giữ kín tin tức này, chờ khi nào Lưu Nghiễm mang binh tới hãy thả ra.
Quyền cho là phải. Tam Kha ném đầu Công Tiễn vào hòm, cho người đưa về làng Giàng, viết một thư lụa dặn không phát lễ. Ngoài phủ lúc đó, Dương Nhị Kha cùng Đinh Công Trứ đã bắt được tất cả người nhà họ Kiều ở Đại La, cho đứng chật sân. Kiều Thuận trốn thoát. Quyền và các tướng cho người tra xét những ai tham gia binh biến giết Dương lão tướng quân và người nhà họ Dương năm trước thì chém không tha, số còn lại cho về Phong châu.
Quyền hỏi Tam Kha và Kiều Công Hãn:
-         Kiều Thuận là người thế nào?
Kha trả lời:
-         Y là người có năng lực, được Kiều gia tiến cử cho cha ta hơn một năm trước. Đa mưu túc trí, giỏi binh lược. Chỉ tội còn non nớt, nên có chút hấp tấp, chưa nhìn xa trông rộng được. Binh biến lần trước, có lẽ hắn góp công không nhỏ. Để xổng hắn có thể gây họa về sau.
Hãn nói:
-         Em trai ta là người được cả họ Kiều đặt kỳ vọng. Từ bé đã thông minh, khôn khéo hơn người. Ông nội và cố nội rất cưng chiều, cho đi theo làm đại sự từ khi mười tuổi. Nên tâm tính có phần giảo hoạt, ích kỷ, không biết nhường anh em.
Quyền gật đầu, cho người dán cáo thị truy nã Kiều Thuận khắp thành.
Đội quân của Ngô Quyền hạ Đại La chóng vánh, chỉ trong vòng một ngày. Các tướng chia nhau đi giải giáp, bức hàng những quan binh còn lại. Sau một tuần thu dẹp, điểm danh tướng soái, đội quân của Quyền chết chưa tới trăm người, cơ bản vẫn còn hơn 9.000 binh. Đội quân thường trú trong thành dưới quyền Tiết Độ Sứ trước có hơn ba vạn, sau đó bị giết, đào ngũ và chạy trốn mất hơn một vạn. Giờ chỉ còn hơn hai vạn. Tổng cộng Quyền có ba vạn binh dưới trướng.
Quyền cho ra cáo thiên hạ, Kiều Công Tiễn đã thất bại, dâng thành Đại La cho Ngô tướng. Kiều Công Tiễn và Kiều gia nhận tội, đang bị giữ lại, chờ xét xử. Đoàn quân 9.000 người của Ngô tướng và hai vạn quân đồn trú trong thành kết hợp làm một, cùng nhau chống quân Nam Hán sắp sửa kéo sang, bảo vệ giang sơn, xã tắc. Xin bá tánh đồng tâm cùng Quyền chống ngoại bang.

Xử Bình nói với Ngô Quyền và các tướng:
-         Ta tung tin đánh thành từ tháng hai, vậy hẳn trung hoặc hạ tuần tháng ba, Công Tiễn viết thư cầu viện. Để tới tay vua Nam Hán, nếu đi đường biển, mất hơn hai tháng, đi đường bộ, mất hơn ba tháng. Đường biển phải có thuyền lớn, xứ ta chưa có thuyền lớn. Thủy quân ta cũng chưa có. Vậy tất đi đường bộ. Cuối tháng sáu Lưu Nghiễm sẽ nhận được thư. Hẳn sẽ cho người đi trinh sát ở cả đường bộ và đường biển. Mất khoảng ba tháng. Nhanh thì sẽ ra quyết định đánh ngay. Như vậy quân Nam Hán sẽ đánh ta trong khoảng tháng bảy tới tháng mười một. Chưa biết chúng sẽ dùng bộ binh hay thủy binh. Bộ binh thì sẽ phải đến sớm, trong khoảng tháng tám tới tháng chín, phải có mặt ở biên giới Tĩnh Hải quân. Còn nếu dùng thủy binh, hẳn tháng mười hoặc tháng mười một sẽ tới.
Quyền và các tướng bàn luận thấy hợp lý, quyết định cử một đội thám báo nhỏ gọn, cơ động, gồm 50 người nhanh nhẹn nhất từ kỵ binh, do Nguyễn Thủ Tiệp dẫn đầu, đi lên phía bắc biên giới Tĩnh Hải quân và Nam Hán ngay tháng tư. Tiệp là người có nhiều kinh nghiệm đánh trận ở vùng này, nên quen thuộc cách mai phục, ẩn mình, lấy tin tức từ dân Man và dân Hán bản địa. Còn đường biển, một đội khảo sát do Dương Tam Kha và Lã Xử Bình phụ trách sẽ tính toán và lên đường trong tháng năm.
Tướng soái ở lại bận rộn luyện binh, trưng thu tráng đinh và lương thảo, chuẩn bị cho trận đánh ngoại bang sắp tới.

Chiếc hòm đựng đầu Công Tiễn được người mang về đưa tận tay Dương trưởng lão. Trưởng lão mở ra, rơi lệ gật đầu. Nghe người kể lại sự tình, lại đọc thư của Tam Kha, trưởng lão quyết định mang cái hòm tới phòng Dương Nhất Kha. Nhất Kha vẫn băng bó nằm trên giường, nhìn thấy đầu Tiễn, lại biết được 24 người Kiều gia tham gia binh biến đã bị chém, hài lòng mỉm cười. Hai ngày sau, Dương Nhất Kha thư thái nhắm mắt, rời xa nhân thế, kết thúc cuộc đời 20 năm cầm binh theo cha đánh phỉ, đánh rợ, đánh Nam Hán, dẹp bạo loạn, hưởng dương 35 tuổi, được long trọng chôn cất ở làng Giàng, thành Tư Phố, Ái châu.
Nhị Kha, Tam Kha và Xử Bình chạy về tới làng Giàng thì người đã thành nấm mồ xanh. Xử Bình rơi lệ mà than:
-         Ân công ơi ân công, hào kiệt mộng hùng bá giang san nào có ai hơn người. Tiếc thay, chí anh hùng và đức độ một đời cũng bị trời phụ bạc.
                                                  Biến Đại La, trời phụ, Anh Hùng tận
                                                  Thành Tư Phố, Anh Hùng rơi lệ khóc Anh Hùng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét