Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Luận Anh Hùng - Cheryl Pham: Chương Năm - Anh Hùng phải biết toan tính


Chương Năm: Anh Hùng phải biết toan tính

Người tính cho tiền đồ bản thân, Anh Hùng tính cho tiền đồ xã tắc.

Tháng 5 năm 938, Dương Tam Kha và Lã Xử Bình bàn bạc, thấy rằng Nam Hán nếu dùng thủy binh, chắc chắn sẽ tiến vào thành Đại La từ cửa sông Bạch Đằng. Kha cho Vũ Dũng và 50 quân đi khảo sát vẽ lại đồ hình khu vực. Còn Xử Bình nghiên cứu cách xây dựng và huấn luyện thủy binh, truyền lại cho Quyền, Tam Kha và Phạm Chiêm.
Ngô Quyền chỉnh đốn quân ngũ, gấp rút yêu cầu các tướng luyện quân nghiêm ngặt, cho Kiều Công Hãn và Nguyễn Công Sử phụ trách đắp lại những điểm trọng yếu trong và ngoài thành; cho Dương Nhị Kha, Vũ Thôi mang 500 binh đi trưng thu quân lương và tráng đinh khắp các châu huyện; cho Đỗ Cảnh Thạc phụ trách khí tài cùng kỵ binh, Đinh Công Trứ cùng Ngô Xương Ngập phụ trách bộ binh; còn Phạm Chiêm cấp tốc luyện một đội thủy binh nhỏ, chọn ra 1.000 người bơi giỏi từ quân sĩ hiện tại, lấy sông Nhị Hà(1) bên ngoài thành Bắc làm nơi luyện tập.
Giữa tháng 5, một số hào trưởng địa phương mang vàng bạc và quân lương tới xin góp sức, góp bạc chống Nam Hán. Nhưng cũng có nhiều anh hùng, nghĩa sĩ lẫn hào trưởng, thổ phỉ, giang hồ nghi ngờ bản cáo, cho rằng Quyền đang đục nước béo cò, tận dụng Kiều gia yếu thế mà giở trò tư lợi. Có kẻ lại băn khoăn, đành yên lặng chờ xem liệu Nam Hán có sang thật không mới hành động. Lại thấy chỉ một ngày Quyền thu được Đại La, những kẻ mang mộng bá quyền không dấu nổi thèm khát, tìm cớ chiêu mộ quân sĩ, chờ thời đánh vào Đại La tranh vị.

Kiều Thuận chạy tới nương nhờ Lý Khuê. Hắn khóc lóc xin Khuê giúp hắn trả thù Ngô gia và Dương gia. Khuê nói:
-         Quyền và Kha giờ có tới 3 vạn binh, lại giữ đất Đại La dồi dào bạc, đất Ái châu phong phú lương, ai ở Tĩnh Hải quân này có đủ quân lương mà dám đấu trực diện với hắn.
-         Liệu ta có thể liên minh các đại gia tộc lại, đấu một trận quét Quyền khỏi Đại La, rồi cùng nhau phân chia bờ cõi, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu không?
Trong lúc Khuê chửi thầm trong bụng tên ngựa non háu đá, Thuận đã viết thư thống thiết gửi các thủ lĩnh 12 châu huyện, đáng kể có Trần Lãm, hào trưởng ở Bố Hải Khẩu(2), Nguyễn Khoan – anh trai Nguyễn Thủ Tiệp, hào trưởng ở Thành Quả, những người thuộc các gia tộc thế lực nhất đất Tĩnh Hải quân, vốn ra mặt không ưa Dương gia lẫn Ngô tướng từ trước tới giờ. Thuận nói rằng mình đang được Lý Khuê cát cứ đất Siêu Loại(3) che chở, xin hãy chung sức cùng Lý Khuê và Kiều gia, diệt kẻ tham lam tiếm quyền, giành lại ngôi Tiết Độ Sứ, cùng hưởng vinh hoa gấm vóc.
Trần Lãm nhận được thư, khinh bỉ bảo:
-         Quyền còn chưa xưng Tiết Độ Sứ mà hắn đã kêu ta tới đánh để tranh ngôi. Nghe nói Kiều gia có Kiều Thuận từ nhỏ đã hơn người, hóa ra lại chỉ là kẻ tầm thường thế này thôi sao? Hay thù hận làm hắn mờ mắt rồi?
Nguyễn Khoan thì thẳng thừng từ chối. Các gia tộc khác không từ chối trực tiếp thì cũng ợm ờ, dậm chân tại chỗ. Biết tin, Khuê giận đến hộc máu, đuổi Thuận đi.
Kiều Thuận trốn về tới Phong châu, lợi dụng thế lực và tiền bạc Kiều gia tại Phong châu, bắt đầu xây dựng căn cứ nơi vùng núi non hiểm trở Hồi Hồ, phía bắc Phong châu, lại cho tay chân tới các bộ tộc miền núi địa phương tìm tráng đinh, lập quân đội, tính ngày phục hận.

Cũng tháng 5, Đỗ gia ở Đỗ Động Giang(4), phú hào giàu nhất Giao châu lúc đó, sở hữu hầu hết việc kinh doanh vải, gốm sứ và rượu của cả thành Đại La, gửi tới Ngô tướng một lượng lớn bạc và quân lương . Đỗ Phu, trưởng tộc của Đỗ gia ngỏ ý liên hôn với Ngô gia và Dương gia. Quyền nói chuyện cho Tam Kha cùng Xử Bình, hỏi nên làm thế nào. Xử Bình bảo:
-         Đỗ gia dù là thương nhân(5) từ phương Bắc, nhưng đều có liên hôn với nhiều gia tộc lớn ở thành Đại La và đất Tĩnh Hải quân này, lại có quan hệ thâm giao với nhiều nhân vật vai vế của phương Bắc và Chiêm Thành. Cho nên không thể bỏ qua. Lúc này nạp thê tất nhiều người không phục, chi bằng nhận lễ, ngầm đồng ý, hẹn diệt xong Nam Hán rồi bàn.
Tam Kha chỉ nói:
-         Ta hiểu Ngô tướng băn khoăn Dương gia ta. Nhưng Như Ngọc và Dương gia chúng ta đều là những người hiểu chuyện. Xin Ngô tướng vì đại sự mà tự chu toàn. Về phần Dương gia, không có trưởng bối ở đây, nên ta không thể tự quyết.
Quyền lại gọi Đỗ Cảnh Thạc lên. Cảnh Thạc nghe chuyện, trừng mắt trả lời:
-         Lại là lão già xảo quyệt Đỗ Phu bày trò đây mà. Ta dù là người họ Đỗ ở Đỗ Động Giang, nhưng quyết không cùng thân thuộc với kẻ chỉ biết bán sạch anh em, con cháu, hòng kiếm danh, kiếm bạc. Ngô tướng và anh Tam Kha nên cẩn thận. Việc gì không lợi, ông ta sẽ không làm. Nếu đưa một, ông ta sẽ đòi lại gấp mười. Nữ nhân Đỗ gia được ông ta luyện ra đều cùng một dạng, chỉ chực vắt sạch của người đời đưa về túi Đỗ gia.
Quyền gật đầu. Sau đó, cho người gửi lễ tạ Đỗ gia và hẹn sau khi đánh xong Nam Hán sẽ bàn chuyện thông gia.
Chưa đầy một tuần sau, nàng Đỗ Nhâm Phi, trưởng nữ nhà họ Đỗ đã chạy tới, làm náo loạn thành Đại La bằng một đoàn người ngựa vô cùng khoa trương. Nhâm Phi xin diện kiến Ngô tướng. Trên đường vào chính điện, nàng nhìn thấy một tướng quân như hoa như ngọc, uy dũng oai phong, cầm thương đi ra ngựa, dẫn đầu một đoàn kỵ mã hùng dũng phi về phía quân doanh. Hình ảnh nam tử rực rỡ như ánh mặt trời đó khiến nàng chết sững. Nhâm Phi quay đầu hỏi người hầu dẫn đường:
-         Người cưỡi ngựa dẫn đầu đó là ai vậy?
-         Tiểu thư không biết sao? Là Dương tướng quân Dương Tam Kha danh tiếng lừng lẫy, con trai thứ ba của Dương lão tướng Dương Đình Nghệ đó.
Nhâm Phi hiểu ra, vào điện cúi đầu thưa với Ngô tướng:
-         Ngô tướng quân, ta muốn xin người hãy tác hợp cho ta với Dương Tam Kha.
Cả Ngô tướng lẫn Xử Bình đều kinh ngạc nhìn nhau.
Từ đó, Đỗ tiểu thư quyết theo đuổi Dương tướng quân. Ngày ngày nàng tới phủ giáo quan, trước đây là phủ của Dương Nhất Kha, nay Tam Kha dùng tạm làm phủ đệ của mình. Nàng mang hoa, gấm, rượu ngon, đồ mỹ nghệ tinh xảo tới bày đầy phủ. Tam Kha bận việc quân, hầu như ở lại quân doanh hay phủ Tiết Độ Sứ, không có tâm trí chú ý đến phủ đệ nhà mình, nên người trong phủ tưởng phu nhân tương lai, để nàng hoàn toàn làm chủ. Tin đồn Dương tướng quân sắp kết đôi cùng trưởng nữ của Đỗ gia cứ thế mà lan khắp thành Đại La.
Cũng cuối tháng năm, Phương Dung cô nương nhận được thư nhà. Trong thư, Trần hiệu úy kể về thắng lợi chóng vánh của Ngô tướng, và cho biết Dương tướng quân cùng Ngô tướng lại đang chuẩn bị đánh Nam Hán. Nàng thầm nghĩ, diệt họ Kiều, rồi lại chờ chàng diệt ngoại bang, sau đó còn những trận nào nữa? Nàng oán hận người Dương gia ém nhẹm mọi tin tức bên ngoài với mình, lại oán hận Dương Tam Kha vô tâm, vô tình. Một đêm, lừa được nàng hầu gái uống rượu say ngủ như chết, nàng đổi quần áo, trốn khỏi biệt viện Dương gia, một thân lặn lội từ Ái châu về thành Đại La. Sau khi gặp được Trần hiệu úy, biết chi tiết hơn tình hình của Tam Kha, nàng tới phủ đệ họ Dương đòi gặp chàng. Bị người gác cửa hỏi, nàng kiêu hãnh nói:
-         Ta là Trần Thị Phương Dung, là thiếp của Dương tướng quân, đã ở Dương gia một năm, nay lên đây chăm lo cho chàng.
Người gác cửa kinh ngạc nhìn cô nương xinh đẹp trước mặt, không hiểu từ đâu lại mọc ra thêm một nàng thiếp nữa rồi. Hắn chạy vào báo với Đỗ Nhâm Phi. Nhâm Phi cũng ngạc nhiên không kém, hỏi quản gia:
-         Tướng quân còn bao nhiêu thê thiếp, con cái nữa? Ở những đâu?
Quản gia lắp bắp:
-         Làm gì có, thưa tiểu thư. Dương tướng quân chỉ có một thê và hai thiếp ở thành Đại La. Đều đã chết trong cuộc binh biến một năm trước. Con cái cũng chưa có. Từ đó tới nay, một năm rồi, ta chưa nghe thấy ai bảo tướng quân có nạp thêm thê thiếp khi nào. Tướng quân cũng không phải người ham mê sắc dục. Hẳn sẽ không có những chuyện hái hoa tầm liễu như nhà người ta.
Nhâm Phi tức giận, bảo người bắt Phương Dung đưa ra chứng cứ, nếu không cứ đuổi đi. Phương Dung lấy đâu ra bằng chứng. Không được cho vào, nàng thất vọng, tới phủ đô hộ, quyết đợi bằng được Tam Kha. Khi Kha về tới nơi, nàng đã lệ rơi đầy mặt mà than:
-         Sao chàng nỡ quên lời hứa ngày nào? Chàng đành lòng bỏ lại thiếp vò võ một mình nơi đất khách quê người, còn mình ở đây say duyên mới với người giàu sang phú quí ư? Tình nghĩa ngày xưa chàng thật đã quên rồi sao, Tam Kha?
Lúc đó, Tam Kha ngớ người. Nghe nàng kể lại, mới biết Nhâm Phi đang ở trong phủ đệ, Kha đành đưa Phương Dung cô nương về phủ, nói với Nhâm Phi:
-         Ta không biết làm sao nàng lại ở đây. Nhưng Phương Dung là người ta đã hứa nạp làm thiếp. Dương gia đã chấp nhận và để nàng ở lại Ái châu một năm qua. Nay lên đây, nàng ấy sẽ ở lại phủ đệ này. Mong nàng hiểu.
Nhâm Phi tức giận, nhưng cũng đành đổi vai, cùng làm khách ở phủ đệ và quyết tranh đấu với Phương Dung cô nương. Nhâm Phi sai người tìm hiểu về Phương Dung, Trần gia và chuyện hứa hẹn năm xưa ở Ái châu. Nhân đó, nàng ta cũng tóm được tin tức về chuyện tình giữa Xương Ngập và Phương Dung, không ngại sai người lén trộm trâm cài của Phương Dung, mang đến cho Xương Ngập, làm tín vật hẹn hò. Ngập có do dự, nhưng nghĩ tới bác và cha, lại quân tình đang lúc nguy nan, đành từ chối.
Còn Phương Dung ở lại phủ đệ, luôn bị nghi kị, hiềm khích, chỉ biết tranh thủ lúc Tam Kha ghé qua phủ mà than thở. Nhìn nàng ở tướng phủ, suốt ngày than khóc, lại gây chuyện cùng Đỗ Nhâm Phi, Kha nản lòng. Tam Kha xin Ngô Quyền cho dẫn theo 100 binh, đi về trấn Hải Tần Phòng Thủ(6) cùng Vũ Dũng khảo sát tuyến đường thủy, tránh những cuộc tranh cãi không ngớt giữa Trần cô nương và Đỗ tiểu thư làm phiền.

Tam Kha đi mất hơn nửa ngày đã tới nơi, được Vũ Dũng đưa về làng Nam Hải, quê nhà của Dũng, gặp mẹ và anh trai Vũ Nghiêm. Mẹ Dũng, Hoa phu nhân, trước là tiểu thư khuê các, sau đi chạy loạn rồi lưu lạc, được Vũ gia cưu mang. Ngày Dũng đánh chết người, bỏ nhà đi, Hoa phu nhân khóc đến mờ cả hai mắt. Giờ bà chống gậy, không còn nhìn thấy đường. Hoa phu nhân tóc bạc trắng, như một lão tiên nhân, chậm rãi cầm tay Tam Kha, mỉm cười thần bí nói:
-         Ta đã nghe nhiều về Dương gia hiển hách, cống hiến cho đất này bao danh tướng mấy trăm năm qua. Cũng nghe đời này có Dương tướng quân anh hùng hào kiệt, tài trí hơn người, lại nhân nghĩa, từ ái, trung quân ái quốc. Nếu không vị nể thân tình, tất sau này ngài sẽ làm nên nghiệp lớn.
Tam Kha xúc động bảo:
-         Đa tạ Hoa phu nhân. Tam Kha tôi không dám vỗ ngực cho mình là hơn người. Nay giang sơn lâm nguy, tôi sẽ gắng hết sức để phò tá xã tắc. Nghiệp lớn không cầu, chỉ mong thiên hạ thái bình, người hiền tài được trọng dụng. Dù chết, Tam Kha tôi cũng nguyện không nan từ.
Hoa phu nhân gật đầu, hỏi:
-         Dương tướng quân tới đây, vậy đã nghĩ ra cách gì chống quân ngoại bang chưa?
Tam Kha thành thực thưa:
-         Không dám giấu phu nhân, nay chúng tôi còn chưa biết chúng sẽ tới lúc nào, bằng cách nào. Chỉ mới tới đây khảo sát tình hình.
Hoa phu nhân gật gù:
-         Ngô tướng và Dương tướng quân hành sự cẩn trọng, thật đáng khâm phục. Ta trước cùng cả nhà đi làm ăn rồi lại chạy loạn từ phương Bắc tới, từng có qua biên giới đường bộ và đường thủy. Đường bộ phải qua nhiều rừng núi hiểm trở, gặp phỉ, gặp rợ, lại bị cả quan binh bắt nộp phí qua cổng. Hành binh nguy hiểm, không nhanh chóng. Còn đường thủy từ biển qua Bạch Đằng giang nguy hiểm hơn, rủi ro chỉ bớt đi nhiều khi vào mùa khô. Đây là con đường nhanh nhất từ Hải Môn tới Đại La.
-         Hoa phu nhân quả thực thông tuệ. Chúng tôi cũng nghĩ, nếu dùng đại quân, khả năng Nam Hán sẽ điều binh đi đường thủy là rất lớn. Nên tôi và Vũ Dũng mới về đây tìm hiểu.
-         Không biết Dương tướng quân có nghe,
Nhất cao là núi U Bò
Nhất lớn chợ Giá, nhất to sông Rừng
Con sông Bạch Đằng được dân xứ này gọi là sông Rừng, rất rộng lớn, địa thế hiểm trở khác thường, hai bên bờ toàn cây to và lau sậy, lui vào cả vài chục dặm mới có người sinh sống. Mùa lũ, dân ở đó đóng cọc đáy, vớt gỗ quí từ thượng nguồn, lại thu neo được cả trân bảo từ biển dạt vào mà tìm cơ mưu sinh.
-         Tam Kha đã hiểu, ta sẽ tìm hiểu cư dân về cách đóng cọc đáy này. Đa tạ phu nhân đã chỉ bảo.
Dương Tam Kha cùng đoàn người dừng chân nghỉ lại Vũ gia. Vũ Nghiêm cũng xin gia nhập đội quân đánh trận. Thấy Nghiêm cũng là người hiệp nghĩa, sức khỏe hơn người, lại am hiểu sông nước, Kha cho đi theo bên mình.

 Thăm dò được một tuần, Kha không khỏi kinh ngạc khi nghe tin tức Vũ Dũng thu được từ người dân suốt gần tháng qua và những gì khảo sát được từ thực tế. Kha viết thư cấp tốc đưa về cho Quyền. Cả Quyền, Xử Bình và Phạm Chiêm đều vô cùng bối rối trước những gì thu thập được.
“Theo đó, từ phương Bắc, tàu thuyền đều qua vịnh Hạ Long tới vịnh Lan Hạ. Rẽ vào cửa Nam Triệu sẽ tới sông Bạch Đằng, đến sông Thày(7), qua sông Thiên Đức(8) một đoạn ngắn là tới sông Nhị Hà, thẳng tới cửa Bắc của thành Đại La. Tuyến đường này đơn giản, ngắn nhất để tới Đại La, thậm chí nếu thuận lợi còn ngắn hơn gần gấp rưỡi so với đổ bộ hành quân trên đất liền. Lòng các sông theo đường này đều rộng trung bình trên nửa dặm, chỗ hẹp nhất cũng chỉ 60-80 trượng, sâu từ 3-7 trượng tùy mùa. Do khá sâu và nguy hiểm, thương thuyền cùng thuyền nhỏ của dân chúng rất ít khi đi đường này, từ biển chỉ dừng bước ở các cảng thị của trấn Hải Tần Phòng Thủ, rồi chia hàng đi bằng đường bộ hoặc đi theo thuyền nhỏ dọc các sông nhánh. Nhưng với thuyền lớn của đại quân Nam Hán, theo Xử Bình nghiên cứu, có thể dài tới 12 trượng, rộng 7-11 trượng, chiếm nước 1-2 trượng, thì con đường này khá lý tưởng, kể cả vào mùa khô(9). Kỵ binh mất gần sáu canh giờ từ Đại La tới Nam Triệu, nhưng đi đường thủy này, nếu thuận lợi chỉ mất chưa đầy bốn canh rưỡi.
Cửa Nam Triệu rộng mênh mông chừng gần 8 dặm, sát cạnh một loạt cửa sông trong trấn Hải Tần Phòng Thủ đổ ra biển, cửa sông nào cũng rộng từ 2-6 dặm, dư sức cho chiến thuyền lớn ra vào(10). Hai thương cảng sầm uất nhất đất Tĩnh Hải quân(11) đều nằm sâu phía trong, mà thuyền to của thương lái vẫn tấp nập qua lại, không hề bị va chạm. Trừ cửa Nam Triệu, các cửa sông còn lại đều dẫn tới những thương cảng lớn nhỏ, ngược lên các sông nhánh, chiến thuyền lớn khó đi vào.
Như vậy, thủy quân Nam Hán tất sẽ tiến theo con đường Bạch Đằng tới Nhị Hà nguy hiểm hơn trong mùa mưa, nhưng lại rất ngắn kia. Nếu Nam Hán tới vào tháng 10 trở đi tới tháng 3, là mùa khô, nguy hiểm hầu như không còn.
Sông Rừng, hay sông Bạch Đằng, ước chừng hơn 140 dặm, là con sông rất rộng, vô cùng thuận lợi cho thuyền lớn tiến vào. Đoạn từ cửa sông, lúc nước lên, có thể rộng 12-16 dặm. Lúc cạn, bề ngang vẫn còn chừng 2 tới 6 dặm. Ngày mưa hay lúc sương mù, từ bờ bên này không thể nhìn thấy bờ bên kia. Qua gần quá nửa dòng Bạch Đằng, mới có thể đo được độ sâu, khoảng 3 – 7 trượng tùy con nước xuống hay lên. Nếu vào lúc thời tiết mùa đông, mưa phùn gió bấc, tầm nhìn không quá một dặm, nhiều đoạn đá ngầm, thủy quân địch có khi lặng lẽ tiến vào đến qua cửa sông (khoảng 20 dặm), ta mới phát hiện ra. Thuyền nhỏ và thủy binh vừa mới xây dựng của ta, khó mà tác chiến nổi trên địa hình này.
Lại nói về thủy triều, các cửa sông từ Nam Triệu tới Thái Bình họp nhau chầu ra vùng biển của trấn này đều có hiện tượng thủy triều hơi khác biệt với các sông ngòi và vùng biển khác ở Tĩnh Hải quân. Ngư dân ở đây cho biết, thủy triều lên xuống một lần trong ngày, ngày nào cũng vậy thuần nhất suốt cả tháng, chỉ chênh một chút theo mùa, biên độ dao động rất lớn(12). Cửa sông Bạch Đằng như cái phễu khổng lồ, giống một vực nửa kín, tạo ra một vùng nước khá yên tĩnh, nên thủy triều hoàn toàn chiếm ưu thế. Gió chủ yếu là đông và đông đông nam, tốc độ lớn, đặc biệt trong mùa khô. Trong một tháng mặt trăng có hai kỳ nước cường, mỗi kỳ 11-13 ngày, độ lớn dao động 2-3 trượng; hai kỳ nước kém xen kẽ, mỗi kỳ 3-4 ngày, độ lớn triều hơn kém 1 trượng. Mùa hè triều mạnh vào các tháng 5,6,7, yếu vào các tháng 8,9,10, thường dâng cao vào buổi chiều. Mùa đông, triều mạnh vào các tháng 10,11,12, yếu vào tháng 3,4 và thường dâng cao vào buổi sáng. Độ lớn thủy triều thuộc loại lớn nhất ở Tĩnh Hải quân, trung bình 1 trượng. Khi triều xuống, vào độ nước cường, rút tới 100 phân mỗi giờ, ào ào cuốn phăng mọi thứ ra biển.
Qua đoạn cửa sông chừng 20 dặm, triều yếu đi một chút, nhưng vẫn còn lớn so với các sông, biển khác. Tốc độ dòng chảy lớn. Mùa hè, dòng chảy hướng đông bắc, tốc độ thấp, mùa đông, dòng chảy hướng tây nam, tốc độ cao.
Nói chung, tự nhiên thủy thổ nơi này kì dị, thuận lợi cho thủy binh Nam Hán, kể cả mùa đông.
Dân địa phương ở đó cho biết, họ hay đóng cọc đáy thưa thớt xuống lòng sông, chỗ nông rìa bờ, để giữ các vật thể trôi nổi từ thượng nguồn xuống hoặc từ biển đưa vào, cũng là nơi họ treo vó cất lưới, giữ đồ cứu trợ hay đo mực nước triều hằng ngày. Kha từng thấy ba cây cọc đáy, lúc triều ào ạt hạ, giữ lại được xác một con thuyền nhỏ bị bão đánh trôi dạt từ biển vào, khiến nó đâm vào cọc và mắc lại đó. Cọc này rất mảnh, dài hơn 1 bộ, đường kính chừng 30 phân, chỉ ngư dân có kinh nghiệm mới đóng được xuống đáy sông mà không bị dòng nước mạnh cuốn đi. Kha thấy hay, bèn ghi lại.”
Xử Bình đọc xong thư dài tới vài tấm lụa, gật gù nói:
-         Trước đây, hai lần đưa bộ binh sang đánh ta, giữa đường Nam Hán đã tổn thất gần một phần ba vì thổ phỉ và đám hào trưởng địa phương. Tướng lĩnh Nam Hán chinh chiến hơn 20 năm qua đều có kinh nghiệm và chiến thuật thủy binh tài tình, giúp Lưu Nghiễm thu được vô số đất đai. Thủy binh Nam Hán rất cường thịnh và dạn dày trận mạc. Khả năng lớn lần này, Nam Hán sẽ đi đường thủy. Điều kiện vùng Bạch Đằng không dễ dùng bộ binh chặn thủy binh. Còn dùng thủy binh ta trực chiến, thì sức ta quá nhỏ, không thể địch được chúng. Muốn đấu thủy trận này, tất phải dùng mưu. Thủy triều ở đây rất lớn, địa thế lại kì lạ, có thể mượn cách của ngư dân nơi đó, đóng cọc nhọn dưới lòng, dụ địch quân đi vào lúc triều cường, rồi phản công bất ngờ khi triều xuống. Cách này phải tính toán đến từng chi tiết cho phù hợp với phong thổ, nhưng phải giữ được bí mật. Mà huy động một lực lượng lớn chặt rừng, làm cọc, đóng cọc, dễ gây động lớn cho thám báo và những kẻ nghịch tâm. Lại nói nơi này phong thổ kì lạ, nếu không nắm được qui luật của tự nhiên, tất phản tác dụng, có khi còn hại chính mình. Ta phải nhìn kỹ thực địa mới định được kế.
Quyền bảo:
-         Ban đầu ta nghĩ dùng hỏa công. Nhưng con sông đó rộng như thế, tự nhiên lại kì lạ, e cũng khó phát huy tác dụng. Phải nghĩ cách khác thật.
Phạm Chiêm tâu:
-         Thuỷ binh của chúng ta mới xây dựng được một tháng, trang bị lẫn người đều thiếu thốn, lại chỉ được luyện tập trên khúc Nhị Hà, điều kiện khác hẳn so với vùng sông Bạch Đằng. Nay tôi xin cho đưa thủy binh tới nơi đó luyện tập. Tranh thủ cùng Dương tướng quân tìm hiểu thêm các điều kiện thổ địa để tìm cách bày binh bố trận cho hiệu quả.
Quyền cho là phải, ra lệnh cho Phạm Chiêm đưa thủy quân mới thành lập tới vùng Bạch Đằng để luyện quân. Còn mình cùng Xử Bình ở lại bàn tính kế hoạch tác chiến.

Đầu tháng sáu, đội thủy binh do Phạm Chiêm dẫn đầu mang gần 200 thuyền nhỏ đi theo hướng Nhị Hà, qua Thiên Đức, sông Thày, tới sông Bạch Đằng. Vừa đi, vừa cho người ghi chép lại toàn bộ đặc điểm dòng nước, khí hậu, thổ nhưỡng bốn mùa thu thập được ở từng khúc sông.
Cuối tháng sáu, Chiêm đã gặp người của Vũ Dũng ở đoạn gần cửa sông Bạch Đằng.
Chiêm và Dũng nhìn vùng sông nước mênh mông bát ngát, không thấy bờ bên kia trước mặt, lòng muộn phiền. Chiêm bảo Dũng:
-         Đến đây mới thấy, sông rộng và sâu quá chừng, xung quanh lại toàn lau sậy trải dài tới hàng dặm, đất chắc để dựng trại cũng không có, hoàn toàn bất lợi với thuyền mộc nhỏ bé của ta. Ta thực sự chưa biết đặt binh chỗ nào đây, chứ đừng nói đến đánh thế nào.
Dũng nói:
-         Cư dân ở đây dựng chòi cách bờ sông chừng 5 dặm, để tránh nước lên cuốn trôi mất chòi. Thủy binh của ta không thể dừng ở đây được. Ta đã tính, chúng ta nên quay ngược lại khúc giữa sông, chừng 20 dặm ngược lại, nơi đó đất chắc hơn, thủy triều cũng yếu đi, bãi bồi lau sậy không quá rộng, chỉ chừng gần một dặm. Khi nước cường cũng không ngập vào toàn bộ bãi lau. Chúng ta có thể dựng trại sâu trong đó. Rồi đào lạch, dong thuyền vào. Hoặc đi theo sông Tranh(13) cạnh đó, là một sông nhánh, có dòng nước chảy chậm hơn. Men theo sông nhánh đó chừng bảy dặm là có thôn làng. Ta cũng có thể dựng trại nơi đó.
Chiêm thấy hợp lý, bèn cho quay thuyền, đi lên ngả sông Tranh thì dừng lại, cho đóng quân tại đó. Lại cho người đào thêm lạch để dẫn thuyền từ sông vào sâu phía trong bãi kín.
Tam Kha nhận được tin, cũng tới đây hợp lực, luyện binh và khảo sát cùng Phạm Chiêm và Vũ Dũng.

Cuối tháng sáu đó, Lưu Nghiễm nhận được thư cầu viện của Kiều Công Tiễn. Nghiễm cười ha hả, vỗ tay vào bàn nói:
-         Trời giúp ta rồi!
Sùng Văn hầu Tiêu Ích tâu:
-         Bệ hạ, cần phải cho người xem xét thận trọng. Lũ dân Man hoang dã bất trị, thi nhau dấy binh làm loạn. Tên Kiều Công Tiễn kia tạo phản lại càng có cớ cho chúng bất mãn, tất sẽ tiến đánh hắn. Đâu chỉ có Ngô Quyền. Đợi lúc tình hình càng lúc càng loạn, thủ lĩnh bốn phương quần thảo nhau tới suy kiệt, lòng dân ngao ngán tột đỉnh, chúng ta dong cờ tiến vào, vì dân dẹp loạn, tất sẽ thu phục được lòng người, dễ dàng bình định một cõi. Bọn người xứ này phải kiềm hãm, chứ không nên đánh.
Tô tướng dèm pha:
-         Đám Man dân đó lúc nào chả loạn. Nay phương Bắc của Nam Hán ta đã được mở mang, đánh Giang Đông, chiếm Triều châu, Thiều châu, Ung Quản, tranh đất Dùng, Quế, đánh bại Sở. Tài lực ta đã tích lũy được nhiều. Phải tận dụng cơ hội này mở rộng xuống phía Nam, lại trả được mối hận thua trận lần trước. Ta chờ cơ hội này đã tám năm. Nếu bỏ qua, còn phải chờ mấy cái tám năm đây? Mong bệ hạ suy xét.
Nghiễm cho là phải, quyết định không bỏ qua cơ hội này, bèn cùng các tướng sĩ lên kế hoạch. Lại cho người nhanh chóng đi thăm dò tình hình hiện tại ở Tĩnh Hải quân.

Tháng tám, Nguyễn Thủ Tiệp từ biên giới phía bắc giáp Nam Hán gửi tin báo về, nói Nam Hán vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Lúc này, Quyền cùng Xử Bình đều chắc chắn chúng sẽ tới bằng đường biển. Quyền khẩn cấp triệu Tam Kha về Đại La.
Nàng Nhâm Phi ra đón Kha ở cổng thành, cáo chuyện Phương Dung cô nương lén lút qua lại với Ngô Xương Ngập. Nhưng Phương Dung xuất hiện, nước mắt ngắn dài xin đi theo chàng. Kha phẩy tay bảo:
-         Giờ việc quân việc nước đang bận, các nàng đừng làm ta rối trí.
Nói rồi bỏ lại hai người, phóng ngựa về phủ Tiết Độ Sứ.
Phương Dung trong lòng thầm oán hận kẻ hào kiệt mà vô tình. Nàng nghĩ tới tấm lòng trung trinh, si tình của Xương Ngập, cắn răng nắm chặt tay, lòng thầm ra quyết định.

Tại phủ Tiết Độ Sứ, Ngô Quyền nói với các tướng:
-         Thủy binh của ta rất yếu, bộ binh chỉ đủ để bảo vệ thành. Bốn bề các hào trưởng cát cứ không thần phục. Trước mắt, ta đành dùng nội lực quyết đấu với Nam Hán. Mong nhìn thấy ngọn cờ vì giang sơn xã tắc của Quyền ta sẽ khiến anh hùng hào kiệt cảm động mà chung sức.
Quyền và Kha bàn nhau, thấy rằng thủy quân là nòng cốt của trận thủy chiến này, bèn chọn Đỗ Cảnh Thạc để luyện ra một đội thủy binh 2.000 người nữa, với hơn 100 chiến thuyền độc mộc đóng gấp, trấn giữ đoạn sông Thiên Phúc, Nhị Hà. Dương Cát Lợi cùng Đinh Công Trứ thống lĩnh 2 vạn quân, trấn thủ thành Đại La. Quyền dẫn 5.000 binh về trấn Hải Tần Phòng Thủ chiêu binh mãi mã, lập đại bản doanh tại làng Lương Xâm, Gia Viễn(14). Lại cho Dương Nhị Kha mang 500 binh về Ái châu, nhờ hai họ Dương, Ngô thu gom lương thảo, vũ khí. Ngô Xương Ngập và Kiều Công Hãn thu nạp tráng đinh, luyện quân chủ lực ở đại bản doanh.
Tam Kha đưa Quyền cùng Xử Bình tới chỗ Phạm Chiêm đóng quân, xem xét địa hình. Bốn người đi thuyền dọc từ cửa Nam Triệu tới cửa sông Thầy quan sát. Quyền nói:
-         Đoạn từ cửa sông Tranh tới ghềnh Đá Bạc có rặng đá ngầm, phù sa bồi tụ khiến lòng sông chỗ này không quá sâu. Dùng cọc nhọn đóng dưới lòng sông đoạn này, cho quân mai phục phía trên. Ta dụ thuyền địch vượt qua ghềnh lúc nước cường, rồi chờ khi triều xuống, ồ ạt tấn công mạnh, khiến chúng thoái lui, tới đoạn này, tất sẽ va phải cọc nhọn mà vỡ thuyền, rơi xuống đá ngầm mà chết thảm. Giờ chỉ cần tìm cách nào tấn công khiến chúng không thể tiến, buộc phải quay đầu.
Xử Bình gật đầu:
-         Rặng đá ngầm bên ghềnh Cốc hoặc ghềnh Đá Bạc là nơi lý tưởng để mai phục. Phục binh ta đợi ở đó, khi chúng tới, dùng hỏa công mạnh chặn đường. Nếu lợi dụng được hướng gió và dòng nước thì cung tiễn của ta sẽ tăng uy lực thêm mấy phần. Lại tạo tiếng trống chiêng, cờ xí reo hò vang trời, yếm trá giả bộ có hàng vạn hùng binh hai bên bờ đợi sẵn, khiến chúng khiếp vía mà quay đầu.
Kha nói:
-         Chúng ta phải tiến hành đóng cọc và bài binh trong bí mật. Chờ khi có tin chúng gần tới nơi, ta thả tin đã chém Công Tiễn và diệt Kiều gia. Không còn nội ứng trong thành, quân tâm chúng sẽ dao động ngay trước trận, càng dễ bề ta thao túng.
Quyền cho là hay. Ba người cùng Phạm Chiêm chụm đầu bàn kế hoạch chi tiết. Sau đó, Vũ Dũng lĩnh 2.000 quân bí mật đi vào rừng sâu phía tả ngạn Bạch Đằng, chặt hàng vạn cây, vót nhọn ở đầu làm cọc, chiều dài 2 tới 3 bộ, đường kính 100-150 phân, mang về che giấu ở bản doanh. Còn Phạm Chiêm sai 1.000 binh chặt cây, vót tên, quấn giẻ. Cung tên là vũ khí chính, nên đồng thời, ở đại bản doanh, Kiều Công Hãn cũng cử 2.000 binh đi lên rừng, chặt cây, vót tên. Sau đó Tam Kha yêu cầu Dương gia và Ngô gia ở Ái châu mang sắt cùng thợ rèn xuống bản doanh, cử thêm 1.000 người bổ sung tới lò rèn sắt, chế tạo các thanh dập mỏng, để bịt đầu cọc gỗ. Riêng cửa Đá Bạc, Kha cho rằng nơi này địa thế hiểm trở hơn, cọc gỗ khó mà cắm được xuống đá ngầm, bèn cho chế tạo thêm 2.000 cọc sắt.

Lại nói về làng Gia Viễn nơi đại bản doanh của Ngô Quyền đóng quân, khí thế khẩn trương, hào hùng. Người dân làng cùng những nơi lân cận nhiệt tình mang lương thảo và thuyền bè tới. Nguyên Tất Tố cùng Đào Nhuận, hai tráng sĩ khỏe nhất làng, dẫn 38 tráng đinh lực lưỡng tới, xin đầu nhập. Nhận thấy đây là những người địa phương, rất rành bơi lội và địa thế trên sông, Ngô Quyền vui mừng cho Nguyên Tất Tố làm nha tướng, đi tới giúp Phạm Chiêm và Tam Kha xem xét dàn cọc cùng đội binh chủ lực ở sông Tranh.

Tháng chín, tin thám báo gửi về Quảng châu, cho biết tình hình Tĩnh Hải quân rất loạn. Ngô Quyền đánh vào Đại La, buộc Công Tiễn xin hàng. Hào trưởng và thổ phỉ bốn phương nổi dậy, hùng binh cát cứ, tiến đánh lẫn nhau, không ngừng cướp bóc, mở rộng đất đai. Quyền ra cáo kêu gọi mọi người góp sức đánh Nam Hán sắp sang, nhưng không mấy ai quan tâm, cho Quyền là kẻ tư lợi, nên cũng dấy binh muốn chiếm Đại La. Quân đội ở Đại La đã bỏ trốn gần một nửa, nay hợp với chưa đầy vạn binh của Ngô Quyền, chỉ được khoảng 3 vạn. Quyền cho xây dựng một đội thủy binh 1.000 người với gần 200 thuyền độc mộc từ tháng năm, ngăn nguy cơ ngoại bang đánh vào Đại La bằng đường biển. Thuyền này quân Man gọi là ‘mông đồng’, dài 3-5 trượng, rộng chừng 1 bộ, chở được 25 binh sĩ và 25 tay chèo, không mái che, không tầng đáy, không bọc sắt. Quân số còn lại do Quyền chỉ huy vẫn chốt giữ tại thành. Công Tiễn và họ Kiều án binh bất động.
Lưu Nghiễm như mở cờ trong bụng, quyết định lần này điều thủy quân đi. Tiêu Ích can:
-         Bệ hạ, lúc ta đưa binh tới, mưa dầm đã mấy tuần, đường biển xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến.
Lưu Nghiễm không cho là vậy.
-         Xứ đó mất Dương Đình Nghệ thì chẳng còn tướng giỏi nào đáng để ta bận tâm. Thủy quân chúng lại không có. Kinh nghiệm thủy chiến chưa kinh qua bao giờ. Đội quân của Ngô Quyền dù có chiếm được Đại La cũng đâu đã chiếm được cả Tĩnh Hải quân, vẫn cô thế giữa đám loạn dân. Ta đi đường thủy, tất 3 vạn binh kia phải xé ra, trên một quãng dài từ cửa biển tới thành Đại La, y phải rải quân mai phục tiến đánh ta, uy lực không còn đáng kể. Trong nội thành, lại có Công Tiễn và Kiều gia làm nội ứng. Chỉ cần nghe tin ta tới, bọn chúng tất sẽ dấy binh gây loạn. Đại quân ta đông đảo, thiện chiến, cung thủ thiện nghệ, sẽ vào hốt cả mẻ.
Tướng soái bàn luận, cho rằng trận này chắc thắng. Hoàng tử thứ chín, Vạn vương Lưu Hồng Thao, thấy đây là cơ hội để tăng địa vị trong mắt hoàng đế, nếu thắng có thể được ở lại cai quản Tĩnh Hải quân, tránh được những cuộc quyết đấu tương tàn giữa các huynh đệ trong cung, bèn xin ra trận lập công.
Lưu Nghiễm hài lòng, phong Hồng Thao làm Giao vương, Tiết Độ Sứ của Tĩnh Hải quân, mang 5 vạn binh cùng hơn 100 chiến thuyền, theo đường biển tiến vào Đại La. Đích thân Lưu Nghiễm dẫn 3 vạn binh đi sau, đóng tại Hải Môn(15) tùy thời yểm trợ. Cuối tháng chín lên đường.
Chiếu dụ xuất binh cứu viện Tiễn, diệt loạn quân của hoàng đế Nam Hán được ban bố khắp thiên hạ. Sứ thần của triều đình Nam Hán cũng khẩn cấp lên đường truyền tin tới Đại La(16).


* Đơn vị đo chiều dài thời cổ: 1 dặm=500m, 1 trượng=3,33m, 1 bộ = 1,66m, 1 phân =3,33mm.
(1)     Sông Nhị Hà là tên gọi thời xưa của sông Hồng, đoạn chảy qua thành Đại La (Hà Nội ngày nay).
(2)     Bố Hải Khẩu, hay Kỳ Bố Hải Khẩu, là vùng cửa biển Thái Bình – Nam Định ngày nay.
(3)     Siêu Loại thuộc hương Thổ Lỗi, bờ nam sông Đuống, nay là huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Còn Lý Khuê được cho là ông nội của Lý Công Uẩn, vua sáng lập nhà Lý sau này.
(4)     Đỗ Động Giang là nơi có thành Đỗ Động (còn gọi là thành Quèn) nằm bên bờ sông Con (sông Tích hay sông Đỗ Động); nay thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội. Thành có từ thời Bắc thuộc, chưa xác định được niên đại.
(5)     Do bị nhà Đường đô hộ, nên văn hóa phương Bắc trọng Nho giáo, Đạo giáo cũng được đưa vào Tĩnh Hải quân, dù không quá câu nệ, nặng nề. Thương nhân đứng cuối trong bậc thang nghề nghiệp của xã hội (sĩ, nông, công, thương), nhưng trong bối cảnh quản lý theo kiểu đô hộ phủ với các hào trưởng địa phương tự đứng ra cát cứ lãnh địa như kiểu thành bang của Tĩnh Hải quân đầu thế kỷ X này, thương nhân lại là tầng lớp có vai trò và tiếng nói khá quan trọng, do nắm nguồn mạch trao đổi chính giữa các lãnh địa.
(6)     Trấn Hải Tần Phòng Thủ được nữ tướng Lê Chân lập nên từ thế kỷ thứ I để chống quân Đông Hán thời Hai Bà Trưng, tiền thân của vùng đất sau này người Pháp xây dựng nên thành phố Hải Phòng vào thế kỷ thứ 19.
(7)     Sông Thày là tên cổ của sông Kinh Thầy, dài khoảng 44,5 km, thuộc địa phận trấn Hải Dương xưa, tỉnh Hải Dương ngày nay.
(8)     Sông Thiên Đức, hay Thiên Đức Giang là tên cổ của sông Đuống, dài khoảng 68 km, trải dài từ Đông Anh, Hà Nội tới Bắc Ninh ngày nay.
(9)     Các số liệu về các con sông ở đây đều khác rất nhiều với số liệu ngày nay. Những con sông này ngày nay không còn rộng và sâu như hơn 1.000 năm trước, do bị phù sa bồi đắp, các hoạt động lấn sông, lấn biển, xây cầu đường… và cả bom đạn chiến tranh cùng thiên tai tàn phá.
(10)  Ba cửa sông chính ngày nay cùng đổ ra biển ở khu vực Đồ Sơn là: Nam Triệu, Lạch Huyện và Ba Lạch. Vào thế kỷ thứ 10, khu vực trấn Hải Tần Phòng Thủ không như bây giờ. Trong lịch sử, đây là vị trí thuận lợi nhất cho các tuyến giao thông và trao đổi hàng hóa của miền Bắc, vì vùng đất này được bao bọc bởi một hệ thống sông ngòi dày đặc, các cửa sông san sát nhau, nối thẳng với trung tâm Bắc Bộ và vùng thượng du sông Hồng; lại án ngữ ngay vị trí cửa ngõ của biên giới trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; thuận tiện cho giao thương từ Trung Quốc tới Malay. Sau đó, tới thế kỷ thứ 19, người Pháp xây dựng thành phố Hải Phòng ở đây, cho đắp đê, bồi đất, lấn biển, xây đường, lấp sông, xây sân bay, cảng biển, đào sông nhân tạo (sông Hạ Lý, sông Lấp) và dựng một loạt khu căn cứ, khu nghỉ mát cùng nhà ở, tạo ra đường bờ biển dài 125 km bằng phẳng hơn cho thành phố Hải Phòng ngày nay. Những hành động đó cũng góp phần thu nhỏ hoặc biến mất các cửa sông cổ.
(11)  Cảng thị và giao thông đường thủy Việt Nam thời phong kiến không được các nhà sử học và các nhà nghiên cứu quan tâm. Trong ghi chép của các thương nhân châu Âu, thế kỷ 17-18 có hai cảng thị được đề cập đến nhiều nhất ở Bắc Bộ là Domea (Đò Mè) và Batsha (Bạch Sa). Nhìn vị trí đánh dấu trên các bản đồ cổ của người Châu Âu, Domea thuộc khu vực làng An Dụ, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng; còn Batsha thuộc khu vực Đồ Sơn hoặc Tiên Lãng, Hải Phòng. Trong ghi chép của sử Trung Quốc thế kỷ 7-8, hai địa điểm quan trọng nhất để giao thương với đất Giao Chỉ là Tuanshan và Jichai, có thể là Đồ Sơn và Cát Hải (Hải Phòng) ngày nay.
(12)  Thủy triều có hai loại: nhật triều (nước lên xuống một lần trong ngày) và bán nhật triều (nước lên xuống hai lần trong ngày). Vùng biển khu vực Bắc Bộ Việt Nam đều thuộc nhật triều, nhưng khu vực Bãi Cháy tới Đồ Sơn, nhật triều đều đặn và thuần nhất trong cả tháng, sang tới bờ biển Thái Bình-Nam Định, nhật triều không đều và chỉ trong 18-20 ngày trong một tháng. Càng lui xuống phía nam, nhật triều càng không đều và diễn ra ít ngày hơn trong tháng. Xung quanh xích đạo, chủ yếu là bán nhật triều. Thủy triều ở đảo Hòn Dáu (Đồ Sơn, Hải Phòng) là điển hình của nhật triều trên thế giới, được nhiều thương nhân và nhà khoa học phương Tây thế kỷ 17-18 ghi lại. Vùng cửa sông Bạch Đằng lại có cấu trúc đặc biệt, hình phễu nhiệt đới điển hình trong khu vực nhật triều biên độ lớn, lại có quần đảo Cát Bà chắn phía đông, đông nam, bán đảo Đồ Sơn phía tây, thông với biển ở phía nam và phần ngầm khá sâu, thành vực nửa kín, sóng phía nam và đông nam mới truyền được từ biển vào, cao không quá 3m, kể cả khi có bão. Do đó, thủy triều ở cửa sông Bạch Đằng cũng khác hoàn toàn triều ở các cửa sông Bắc Bộ. Khu vực này bị biển lấn sông, hệ sinh thái ngập mặn. Theo các nhà nghiên cứu, do cấu trúc địa chất đặc biệt, sông Bạch Đằng không bị thay đổi nhiều suốt 1.000 năm qua so với bây giờ. Không giống như sông Hồng hay sông Cửu Long, thay đổi rất nhiều (thậm chí nhiều đoạn thay đổi hoàn toàn) mỗi vài trăm năm. Chỉ có điều, tại thời điểm diễn ra các trận đánh lịch sử trên sông, các chỉ số địa lý có thể khác đi. Có nhà nghiên cứu cho rằng trước đây sông nông và hẹp hơn bây giờ (do bị phễu hóa và biển xâm lấn theo thời gian). Nhưng lại có nghiên cứu cho rằng, hiện tượng phễu hóa mới xảy ra vài trăm năm gần đây.
(13)  Sông Tranh, nay gọi là sông Chanh, là một sông nhánh của sông Bạch Đằng, cách cửa Nam Triệu chừng 20 km. Sông này cùng với sông Rút, sông Kênh, đều là nhánh tả ngạn Bạch Đằng, chia nước chảy ra vịnh Hạ Long. Ngày nay, một số bãi cọc đã được phát hiện ở cửa sông Tranh.
(14)  Làng Lương Xâm, làng Gia Viễn, nay thuộc huyện An Hải, Hải Phòng. Điều này được ghi lại trong thần tích và truyền thuyết dân gian của các làng Nam Hải, Đằng Hải, rằng: từ Bình Kiều, Hạ Đoạn tới Lương Khê là địa bàn đóng quân của Ngô Quyền, đại bản doanh đặt ở Lương Xâm, Gia Viễn.
(15)  Hải Môn, nay thuộc Quảng Đông, Trung Quốc.
(16)  Dưới thời phong kiến (cả Châu Á cũng như Châu Âu và Châu Phi), các quốc gia trước khi xuất binh đánh một nước khác luôn phải nêu lý do, mục đích chính nghĩa (dù thật hay giả) cho người dân, quốc gia bị đánh và các nước lân bang để thu phục lòng người, che mắt dân chúng. Tin tức này được sứ giả của quốc gia chủ chiến mang tới cho hoàng đế hay người cầm đầu quốc gia bị đánh trước khi chính thức xuất binh.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét