Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Luận Anh Hùng - Cheryl Pham: Chương Ba - Anh Hùng không kể xuất thân


Chương Ba: Anh Hùng không kể xuất thân

Anh Hùng lấy hành động luận khí phách.
Người đời lấy khí phách luận Anh Hùng.
Luận xuất thân của Anh Hùng là việc dành cho hậu thế.

Ngô Xương Văn lén tới phòng Tam Kha buổi tối, nghe thấy tiếng phụ nữ khóc than, bèn đạp cửa xông vào. Tam Kha đang khoanh tay đứng im lặng. Phương Dung cô nương quì dưới đất, nước mắt như mưa. Xương Văn chỉ tay vào Phương Dung quát:
-         Người kia to gan, sao giờ này vẫn ở đây gây chuyện?
-         Xương Văn, không được vô lễ. Bác đã nói với cháu thế nào?
-         Bác không giữ lời hứa. Bác bảo dạy cháu múa kiếm. Vậy mà lại ở đây nhìn người này khóc. Cháu không chịu đâu. Bác phải dạy cháu múa kiếm.
Nhìn con mắt lập lòe ra hiệu của Xương Văn, Tam Kha nén bực mình, nói với Phương Dung:
-         Nàng đứng lên đi, đừng làm ta khó xử. Ta đáp ứng nàng. Sau khi báo thù cha xong, ta sẽ lấy nàng làm thiếp. Từ giờ đừng lui tới quân doanh nữa. Cứ ở phủ tướng quân trò chuyện cùng Như Ngọc là được.
Phương Dung kinh ngạc, không dấu nổi vui mừng, đứng lên đa tạ:
-         Tạ ơn Dương tướng quân. Chàng yên tâm. Thiếp sẽ không làm chàng khó xử nữa.
Nói rồi lui ra ngoài. Xương Văn bực bội nói:
-         Nàng ta sẽ là thím cháu sao? Cháu không đồng ý. Nàng ta rõ ràng không phải cô nương tốt.
Tam Kha gõ đầu nó:
-         Không phải tại cháu sao? Tại sao cứ xen vào chuyện người lớn? Ta nói dạy kiếm cháu tối nay khi nào? Trẻ con không được nói dối.
-         Là cháu muốn giúp bác mà. Nhưng bác không muốn lấy nàng ta, đúng không? Cháu sẽ giúp bác xử lý nàng ta.
-         Hồ đồ. Bác sẽ lấy nàng ấy. Chỉ khi nào trả thù xong cho ông ngoại của cháu đã. Nàng ấy là cô nương tốt. Họ Dương ta phải trả ơn Trần gia. Chuyện này của bác, cháu không được xen vào nữa, nghe chưa?
Xương Văn bất mãn gật đầu.
Sáng sớm hôm sau, cậu bé lại chạy tới chỗ Tam Kha, giữa đường bị Xương Ngập chặn lại. Xương Ngập nịnh nọt nó, rồi bảo:
-         Em vào phòng bác, tìm cách để Phương Dung cô nương ra ngoài vườn hoa sau hậu viện được không?
-         Anh cũng muốn lấy nàng ta làm thiếp?
-         Gì cơ? Không lẽ bác đã định nàng làm thiếp?
-         Hừm, em không có đồng ý. Một tướng quân anh minh thần võ như bác không nên lấy người đáng ghét như vậy. Nhưng nếu anh muốn lấy nàng ta làm thiếp thì được. Anh phải nhanh chân lên. Nàng ta xinh đẹp thế, bao nhiêu người để ý rồi đấy. Chờ lúc anh đánh rợ về thì nàng có con rồi cũng nên.
-         Em trai, hãy giúp anh. Anh Xương Ngập chỉ còn vài canh giờ nữa lại phải lên đường rồi. Từ nay trở đi, anh để em toàn quyền quản giáo Xương Tỷ.
-         Được, em sẽ thay anh dạy dỗ cháu trai Xương Tỷ. Đa tạ đại ca đã cất nhắc.
Thằng bé cười hắc hắc, rồi co chân chạy thẳng vào phòng Tam Kha. Nàng Phương Dung đang đứng quạt bên cạnh Tam Kha ngồi ăn sáng. Xương Văn nói:
-         Này, người kia, mẹ ta gọi, bảo cô đi dạo vườn hoa. Mẹ ta đang chờ cô ở hậu hoa viên tướng phủ.
Cả Tam Kha lẫn Phương Dung đều ngạc nhiên.
-         Ngô phu nhân sao lại dậy sớm vậy? Mà sáng sớm đã đi dạo vườn hoa sao?
-         Cô thắc mắc làm gì. Ra gặp mẹ ta nhanh lên. Đừng để mẹ ta mang em bé nặng đứng chờ lâu.
Tam Kha bảo nàng cứ đi, ở đây để người hầu dọn dẹp. Phương Dung kính cẩn lui bước.
-         Nói đi, cháu lại bày trò gì phải không?
-         Không phải cháu. Có người ngày đêm nhớ mong nàng ấy, không chịu nổi, nên sáng sớm đã ra hoa viên chờ. Cháu không đành lòng, nên giúp một tay thôi. Nếu nàng ấy lấy người khác, bác không giận cháu chứ?
-         Cháu mới năm tuổi mà đã nghĩ đến những gì rồi thế hả? Nàng ấy có lấy người khác cũng là duyên phận của nàng ấy. Ta phải chúc phúc cho nàng, chứ sao lại giận cháu.
-         Phải. Phải. Bác của cháu có tấm lòng bồ tát. Cháu kính bác ăn sáng vậy. Từ nay, sáng cũng như tối, cháu sẽ đến kính bác.
-         Không phiền cháu. Lo học hành và trò chuyện với mẹ cháu. Bác rất bận.
-         Cháu tuyệt đối không làm phiền. Chỉ lúc nào có Phương Dung cô nương tới thì cháu mới tới thôi. Nàng ta tới được mà bác không cho cháu tới là không được đâu.
Khi Tam Kha đi ra quân doanh huấn luyện binh, Xương Văn tới phòng Dương thị, hùng hổ nói:
-         Bác không muốn lấy Phương Dung cô nương. Mẹ đừng bày kế làm bác phân tâm. Bác luyện binh, mang gánh nặng báo thù cho họ Dương đã mệt lắm rồi, đừng buộc thêm gánh nặng nữa cho bác. Phương Dung cô nương lấy ai là duyên phận của nàng ấy.
Dương thị kinh ngạc hỏi:
-         Ai dạy con những lời đó? Là bác con bảo ư?
-         Con đã đủ lớn, đủ hiểu chuyện rồi. Trang nam nhi đứng trong trời đất, phải lấy xã tắc, đại cục làm trọng, chớ không phải mấy chuyện nữ nhi thường tình. Con nhắc để mẹ chú ý. Mẹ nên chăm lo cho em con sắp ra đời đi, không được làm phiền người khác.
Nhìn con trai mới năm tuổi hùng dũng đi ra khỏi phòng, Dương thị liếc người sau tấm màn che:
-         Tướng công, không lẽ con chúng ta là thần thánh. Sao nó lại nói được những câu như ông cụ thế?
-         Thế mới xứng con trai họ Ngô ta. Là nàng lâu nay bận chăm Nam Hưng và dưỡng thai, không để tâm nhiều đến nó. Nó đã đi học được hai năm với các tiền bối, cũng phải trưởng thành chứ. Nó luôn coi anh ba như mặt trời buổi sáng. Chuyện của anh ba, nó quan tâm hơn cũng là thường tình.
-         Rõ ràng nó không thích Phương Dung cô nương.

Lại nói tới Phương Dung cô nương. Cuộc gặp gỡ với Xương Ngập hôm nay ngoài dự định của nàng. Xương Ngập bày tỏ thành ý, muốn cưới nàng làm thê, chứ không phải thiếp.
Xương Ngập là ai? Là con trưởng của Ngô tướng. Dù mẹ đẻ chỉ là người bình dân, đã mất sớm, không có thế lực nhà ngoại trợ giúp, nhưng nhìn cách Ngô tướng đối xử với hắn không tệ, cho tự cầm quân đi đánh rợ gần hai năm nay, hẳn cũng không phải là kẻ bất tài. Trong xã hội tôn ti hiếu đạo đầy mình này, không thể phế trưởng lập thứ, hắn giờ cũng có chút thành tích, chắc sẽ là người thừa kế Ngô gia. Hắn mới có một thiếp và một con trai năm tuổi, khả năng nàng được làm thê là rất lớn. Mẹ của Xương Ngập không phải cũng chỉ là một người bình dân thôi sao? Họ Ngô cũng là nhà võ tướng, danh tiếng không bằng Dương gia, nhưng cũng là họ lớn ở đất Ái châu. Tuy so sánh với Dương Tam Kha, hai bác cháu chỉ hơn kém nhau hai tuổi, nhưng tài năng và công danh của Xương Ngập kém xa. Dù vậy, thân là nữ nhi dân dã, nàng khó mà vào nổi cửa nhà họ Dương trăm năm thế gia. Nếu không có danh nghĩa nữ của Trần hiệu úy và ơn cứu mạng lúc sinh tử, e rằng có được lời hứa cưới nàng làm thiếp của Tam Kha cũng không thể.
Nhưng bao giờ chàng mới báo thù xong mà thú nàng? Một năm? Năm năm? Hay mười năm? Hoặc không bao giờ. Mà nàng giờ đã gần 19. Nàng bảo Xương Ngập để nàng suy nghĩ. Ngập trao nàng ngọc bội phòng thân, hẹn đánh rợ xong sẽ về gặp nàng. Một người mới gặp nàng một lần đã tương tư sâu nặng, muốn thề nguyền kết tóc xe tơ, khiến nàng không khỏi động lòng.

Gần giữa giờ thìn, Ngô Xương Ngập dẫn 50 lính cũ và hai trăm tân binh thuộc hai lữ kị binh của Đỗ Cảnh Thạc thẳng hướng tây nam lên đường, hẹn sau hai tháng sẽ quay về. Đỗ Cảnh Thạc suy nghĩ, rồi đến bẩm với Ngô Quyền:
-         Ngô tướng quân, ta đã suy nghĩ rồi. Phải qua khổ luyện mới nhanh thuần thục. Ngài giao cho ta 1.000 quân, giờ đã có gần 800 ngựa. Vẫn còn thiếu hơn 200 ngựa. Xương Ngập đi hơn nửa năm mới bắt được 300 con. Giờ bảo đi thêm hai tháng nữa, cứ cho là sẽ bắt được 100 con, thì vẫn còn thiếu. Ta tính sẽ dẫn nhóm tân binh còn lại xuống phía nam, đi sâu xuống Chiêm Thành tìm rợ, tìm phỉ mà đánh. Vừa thu được ngựa, được binh khí, cũng tôi luyện quân sĩ. Muộn nhất hai tháng nữa, ta cũng sẽ quay về.
Ngô Quyền cùng Tam Kha nghị luận, thấy ở lại không bằng cứ cho đi, dùng người thì phải tin tưởng. Vì vậy, sau khi đội quân của Xương Ngập vừa đi được ba ngày, Cảnh Thạc lại dẫn 400 kị binh xuống phía nam. Số kị binh còn lại sẽ do Tam Kha huấn luyện ở quân doanh.

Cuối tháng tám, Đinh Công Trứ, thứ sử Hoan châu, cũng là một bộ tướng cũ của Dương Đình Nghệ, dẫn theo hơn 1.000 trai tráng vũ trang cùng nhiều lương thảo tới Ái châu. Ngô Quyền cảm động hành lễ với Đinh tướng quân:
-         Công Trứ, Quyền tôi xin lễ ông một lạy cảm tạ tấm lòng trung liệt của ông, một lạy cảm tạ vì binh lính và lương thảo ông mang tới, một lạy cảm tạ người dân Hoan châu đã dốc lòng, dốc sức vì nghĩa lớn.
-         Đinh tướng quân cũng xin nhận của Tam Kha này một lạy cảm tạ thay Dương gia phụ và toàn thể Dương gia.
Ba người cùng xúc động. Đinh tướng quân thở dài:
-         Nhớ năm nào, ba chúng ta vẫn còn kề vai sát cánh cùng Dương lão tướng quân đánh Lý Tiến, chém Trình Bảo, đuổi quân Nam Hán chạy tan tác về phương Bắc. Chưa đầy chục năm mà đã kẻ mất, người còn.
Ngô Quyền hỏi:
-         Hoan châu giờ ông để ai giữ?
-         Ta để một người uy tín trong họ giữ. Đinh Bộ Lĩnh còn nhỏ, mới chỉ cho đi theo đuổi rợ, dẹp loạn dân, chưa có nhiều công trạng mà xứng với ngôi hào trưởng Hoan châu. Ta đã định tới đây từ hai tháng trước, ngay khi nghe bản cáo bạch của ông. Nhưng vì bệnh tình trở nặng, nên chưa lên đường ngay được. Đành dành thời gian đó, hô hào dân trong châu huyện ủng hộ lương thảo, tiền bạc.
-         Vết thương năm xưa vẫn không đỡ hơn sao?
-         Không thể khỏi hẳn được. Giờ có tuổi rồi nên hay đau nhức. Ta không biết còn sống được bao lâu nữa. Nhưng làm trang hào kiệt cũng chỉ mong gắng hết sức giữ xã tắc thái bình, diệt phản thần, đưa người hiền đức lên cai trị bá tánh. Ta hiểu lòng ông cũng nghĩ như ta, nên đến đây chung sức, chung lòng. Chết mới can tâm.
Biết chuyện, Xử Bình nói với Tam Kha:
-         Dương lão tướng quân thật là người nhìn xa trông rộng, tài trí hơn người. Dưỡng được những giả tử hào kiệt như Ngô tướng, Đinh tướng; giang sơn này tất sớm có ngày quật khởi, về tay người hiền tài.
-         Đúng. Ta vốn chỉ sợ sau cha ta, đất Tĩnh Hải quân này không còn người có tài, có tâm, có chí với xã tắc. Nam Hán, Nam Chiếu, Chiêm Thành sẽ thừa cơ xâm lược. Nhưng giờ ta đã thấy vững vàng hơn nhiều.
-         Dương tướng quân chớ mừng sớm. Ngô tướng, Đinh tướng dù gì cũng là thế hệ trước, có đứng lên làm trận phong ba cũng không duy trì đại cục được quá chục năm. Lúc đó cần đến những người tài đức như ngài. Giờ Tĩnh Hải quân dù loạn nhưng cũng không dễ nuốt. Đại quốc của Yasovarman đang nội đấu(1), tình hình chẳng kém gì Tĩnh Hải quân này. Nam Chiếu(2) có dã tâm nhưng không đủ lực. Chiêm Thành(3) đủ lực, nhưng không có dã tâm. Nam Hán có dã tâm, có lực nhưng đang cầu thời. Tuy vậy, thời thế cứ ba tới năm năm lại xoay vần, sau này thế nào còn chưa biết.
-         Ông cho rằng đây có thể là lúc ngoại bang kiếm cớ nhảy vào?
-         Dương tướng quân đã nhìn ra rồi. Nhưng chỉ cần xứ này xuất hiện anh hùng dương danh thiên hạ, khiến các thủ lĩnh địa phương tâm phục khẩu phục, đám ngoại bang nghe danh mà khiếp vía, tất sẽ thái bình.
-         Như vậy, quả là cần một trận đánh lớn.
-         Phải, một trận thật sự lớn, chấn động nhân tâm.
-         Đánh Công Tiễn chỉ là nội đấu, tất không có hiệu quả này. Không lẽ lại cần ngoại bang? Không. Không thể rước voi giày mồ. Kẻ nào làm thế, ta quyết không tha.
-         Dương tướng quân chớ vội xúc động. Tất cả còn do ý trời.

Cũng cuối tháng tám, Dương thị hạ sinh con trai thứ ba, Ngô Càn Hưng, cũng là con trai thứ tư của Ngô tướng quân. Ngô Quyền vui vẻ mở tiệc chiêu đãi toàn thể quân sĩ. Khí thế đội quân hừng hực, danh vang khắp 12 châu.
Ở Đại La, Công Tiễn không khỏi lo lắng, bàn với Kiều Thuận:
-         Ta đã đánh giá thấp Ngô Quyền. Giờ tiếng tăm của hắn dội khắp 12 châu, cả người của ta cũng ào ào đào ngũ trốn sang phe hắn. Ta phải tiến quân dẹp bỏ hắn thôi!
-         Ông nội đừng tức giận. Quân của Ngô Quyền giờ đã hơn 7.000 người, nhưng vẫn kém xa quân ta còn tới hơn ba vạn. Người của hắn lại ô hợp, vừa lính, vừa thường dân, vừa thổ phỉ, không dễ quản.
-         Ngươi đừng quên có Tam Kha và mấy tay nha tướng phản phúc của ta đang ở đó. Họ huấn luyện được ba vạn binh ở đây, há không luyện nổi 7.000 tên ngu dân kia sao? Không được, đây là cái họa trước mắt. Không nhổ ngay tất có ngày gây họa lớn.
-         Ông nội, Tam Kha có luyện ra binh mạnh tướng giỏi cũng cần thời gian và tiền bạc. Mới chưa đầy ba tháng, quân lương, vũ khí của chúng còn không đủ, làm sao mà thành đội hình, đội ngũ ngay được. Huống hồ bọn thảo khấu, hào trưởng khắp nơi đang nổi loạn, không chịu nộp tô thuế và dân đinh. Tiền bạc, quân lương của chúng ta đang ngày một suy giảm rõ rệt. Đây mới là cái họa trước mắt thật sự. Sau một năm nữa, Ngô Quyền hay bất kỳ hào trưởng nào tiến quân đánh, ta cũng gặp khó khăn. Chúng ta mà không mạnh tiền, mạnh binh, còn bảo nổi ai đây?
-         Không phải nói miễn thuế ba năm cho dân vẫn không ảnh hưởng tới lương khố sao? Ngươi chi tiêu thế nào mà đã gần hết bạc rồi? Thật là vô dụng.
-         Ông nội, là cháu không chu toàn. Nội loạn mọc lên khắp nơi. Ta vừa phải dùng bạc, vừa phải dùng binh trấn áp, lũ hào trưởng mới để yên cho ít ngày. Giờ ta chỉ cần cho người đi đánh các vùng phía đông giàu có, bắt nộp bạc bù vào là ổn ngay thôi.
-         Thế có khác gì lũ thổ phỉ đi cướp của dân. Lòng người sinh biến tất loạn. Không được hồ đồ. Ngươi và đám quan quân kia nghĩ cách khác đi. Ta cũng đang lo đám lính dao động. Hãy tìm mọi cách ngăn người đào ngũ. Kẻ nào đào ngũ mà bắt được, giết không tha.
-         Vâng, ông nội.
-         Còn phải nghĩ cách đối phó với Ngô Quyền. Ngươi suốt ngày cho quân đi diệt mấy cái ổ nhỏ, trong khi cái ổ lớn ngay sát sườn lại trơ mắt đứng nhìn, người ta cười vào mặt cho. Không thể để chúng ngang nhiên chiêu binh mãi mã, nhởn nhơ múa đao trước mặt chúng ta như thế được. Không diệt ngay cũng phải làm cho chúng suy sụp, không còn nguy hiểm nữa.
-         Ông nội, vì chúng có Dương gia chống lưng, ta không thể quang minh chính đại mà đi diệt chúng được. Quần thần bốn phương từ oán thán sẽ nổi dậy chôn sống chúng ta. Cháu nghĩ, nên cho người hữu dụng trà trộn vào gây rối nội bộ. Bọn chúng sẽ tan từ trong tan ra, không còn sức uy hiếp.
-         Không phải người ngươi cài vào vẫn làm việc đó đấy sao? Có thấy tác dụng gì đâu.
-         Không, ông nội. Lần này ta không dùng mấy tay trộm vặt nữa. Ta sẽ cho người trà trộn, gây rối hàng ngũ tướng soái của chúng, khiến bọn chúng nghi kị, cấu xé lẫn nhau. Tướng thoái thì binh lui, chúng tất sẽ tự bại.
-         Làm đi. Đừng tìm đứa vô dụng lại hỏng chuyện.

Cuối tháng chín, đoàn người của Đỗ Cảnh Thạc đã trở về, bụi tung mù mịt, mang theo hơn ba trăm thớ ngựa, vô số binh khí và gần hai chục tù binh rất to khỏe, bặm trợn. Toàn bộ người trong quân doanh đổ xô ra vỗ tay hò reo. Tam Kha hỏi Cảnh Thạc:
-         Anh đánh xuống Chiêm Thành nên mới thu được nhiều binh khí và ngựa vậy, đúng không?
-         Phải, ta đi thẳng vào thành trì đầu tiên trong tiểu quốc của Indravarman(4), làm thổ phỉ cướp một mẻ rồi lui binh ngay lập tức. Trên đường gặp một toán rợ, có cả người Man ta lẫn vào. Ta tóm được toàn bộ, bắt lấy thủ lĩnh của chúng và 17 tên to khỏe nhất mang về đây sung quân.
Xử Bình nói với Ngô Quyền, Tam Kha cùng Cảnh Thạc:
-         Người Chiêm Thành may chưa biết là ta, chỉ nghĩ thổ phỉ tới cướp phá. Nếu không tất sẽ mang binh đánh lại. Việc này nên dừng ở đây thôi. Không cho lộ ra ngoài, nếu không, ta cái được không bù nổi cái mất.
Ngô Quyền thấy chí phải, dẹp yên chuyện này, ra thông cáo đội binh của Đỗ Cảnh Thạc đi đánh rợ phỉ thắng lớn, thu được chiến lợi phẩm và tù binh, phong thưởng cho tất cả những ai tham gia. Mười tám tù binh của rợ phỉ đem sung quân, làm người phục vụ cho các lữ tốt.
Tuy nhiên, đám rợ hung hãn này sao cam chịu làm phục vụ. Chúng ra tay đánh lộn với các binh sĩ, khiến rất nhiều người bị thương. Phạm Chiêm và Đỗ Cảnh Thạc phải sai người ra trói hết lại. Phạm Chiêm bảo mười tám tên rợ:
-         Kẻ nào đánh thắng ta, ta cho tự do.
Lần lượt từng tên xông tới, nhưng không tên nào hạ được Phạm Chiêm, còn bị Phạm Chiêm đánh cho lăn lê bò càng. Đỗ Cảnh Thạc và đám quân sĩ không ngớt lời ngợi khen. Một người hùng dũng nhất trong đám rợ xông lên, nói:
-         Ngươi được ăn uống đầy đủ, đánh thắng chúng ta đã bị bỏ đói mấy ngày nay là chuyện thường. Có giỏi thì thi bắn cung với ta. Nếu thắng, ta nguyện làm chó ngựa cho ngươi cưỡi.
Phạm Chiêm đồng ý. Tên rợ bắn hai mươi mũi liên tiếp, trúng hồng tâm cả hai mươi, khiến toàn quân trợn mắt kinh hãi. Đến lượt Phạm Chiêm bắn liên tiếp hai mươi mũi, đều chồng lên nhau, trúng chính giữa hồng tâm. Toàn quân im phăng phắc. Tên rợ gục đầu xuống đất thưa:
-         Ta thua tâm phục khẩu phục, từ nay tùy ngươi sai khiến.
Mười bảy tên rợ khác cũng quì xuống khuất phục. Phạm Chiêm quay sang hỏi Cảnh Thạc:
-         Người này là ai mà tài giỏi, khí phách vậy?
-         Hắn là thủ lĩnh đám rợ. Có vẻ là người bản xứ chúng ta lưu lạc xuống phương nam kiếm kế sinh nhai. Bọn ta 400 người phải mất hơn ba ngày mới truy bắt được gần ba mươi tên rợ của hắn. Nhóm rợ của hắn còn mạnh hơn cả quân đội ngàn người của Chiêm Thành đấy.
Phạm Chiêm hỏi thủ lĩnh đám rợ:
-         Ngươi tên gì, là người ở đâu?
-         Ta tên Vũ Dũng, là người làng An Dương, thuộc trấn Hải Dương(5). Làng ta cường hào ác bá nổi lên, giết hại cha ta. Ta đã giết hết chúng rồi trốn xuống phía nam mai danh ẩn tích, tránh quan binh truy lùng. Gặp đám rợ phỉ người Chăm, người Man lẫn lộn, ta giết thủ lĩnh, lên cầm đầu từ đó tới nay đã hơn chục năm.
-         Ta cũng là người trấn Hải Dương. May mắn được tỉ thí cùng người hào kiệt như tráng sĩ! Hãy ở lại cùng chúng ta mưu đại sự!
-         Thế thì còn gì bằng. Tạ ơn ông trời! Mộng anh hùng của ta tưởng tan thế mà cũng sắp có ngày được thỏa chí rồi.
Phạm Chiêm thấy người này khí phách, sức khỏe và tài võ đều hơn người, lại nghĩa hiệp, rất lấy làm tâm đắc, cho làm quân dưới quyền, còn 17 tên rợ to khỏe kia cũng chia xuống từng tốt làm lính.
Trong đám người đến xin gia nhập quân doanh của Ngô tướng đợt này cũng có hai viên quan binh và một bổ tướng nữa của Công Tiễn. Họ mang theo ba trăm lính đào ngũ chạy trốn bốn ngày không nghỉ tới Ái châu. Ngô Quyền cảm động tiếp đãi trọng thị Nguyễn Chí Bình phó tướng - vị tướng đào ngũ vừa tới, và cho người nhanh chóng thu xếp cho đám người này. Dương Tam Kha không quên phái người theo sát, bí mật giám thị đám người từ Đại La mới tới như thường lệ.
Một thời gian sau, Ngô Quyền hỏi Tam Kha và Lã Xử Bình:
-         Đám người mới tới có gì đáng nghi không?
Tam Kha nói:
-         Đã phát hiện ra một quan binh và bốn lính tốt có khả nghi, hay vụng trộm phá quân bị và chia rẽ lòng người. Ta mới cho người kín đáo xử lý một lính tốt, còn mấy tên kia cứ để theo dõi, chờ hốt cả mẻ.
Ngô Quyền không giấu tức giận:
-         Tên gian thần Công Tiễn, không dùng được dương mưu thì lại dùng âm mưu. Suốt ngày đưa người tới đây phá hoại vũ khí và ngựa của ta còn chưa tính, lại ba lần mưu hại Xử Bình. Ta nhất định phải băm vằm hắn thành trăm mảnh.
Lã Xử Bình nói:
-         Ngô tướng và Dương tướng quân nên chú ý tới Nguyễn Chí Bình. Ta nhớ không nhầm, lần binh biến hại Dương lão tướng quân trước, hắn cũng trong đám người càn quét người nhà Dương gia. Nay lại có mặt ở đây, tất có âm mưu.
Tam Kha hỏi:
-         Ta có nên hạn chế quyền lực đám người đến từ Đại La để tránh bất lợi không?
Ngô Quyền bảo:
-         Không nên, anh ba. Như thế sẽ mất lòng người. Quân ta hơn một phần ba đào ngũ từ chỗ Công Tiễn. Có những người này sẽ là trợ lực lớn lúc ta đánh thành Đại La.
-         Ngô tướng nói không sai. Hơn nữa ai ngay ai gian cũng dễ nhận ra thôi. Những người trung thành với họ Dương không tới đây ngay thì đều về quê ở ẩn hoặc nổi loạn. Những người bất đắc dĩ phải ở lại đều cố gắng giữ vị trí trung lập. Người giờ mới tới hẳn do bị kìm kẹp hoặc có âm mưu.
Tam Kha gật đầu với Lã Xử Bình:
-         Được, ta sẽ cho người chú ý thật kỹ Nguyễn Chí Bình.

Đầu tháng mười một, Ngô Xương Ngập dẫn hơn hai trăm binh trở về, không thu được quá nhiều chiến lợi phẩm: chỉ gần 100 thớ ngựa, còn có một ít binh đao và vàng bạc. Tam Kha vẫn khen ngợi, cho người thưởng quân sĩ. Số ngựa quân doanh có đã gần 1.500, vũ khí như đao, kiếm, giáo mác, cung tên không đồng nhất, nhưng đủ dùng cho 10.000 người, dù quân số mới chỉ hơn 7.000. Trang bị quần áo, giày rơm, giày vải cho binh lính cũng đã đầy đủ. Quân lương không sợ thiếu thốn, vì họ đang ở trên vựa lúa trù phú nhất của Tĩnh Hải quân. Ngô Quyền lúc đó mới tạm yên tâm.

Cũng thời gian này đã xảy ra một chuyện, không lớn cũng không nhỏ. Xương Ngập xin với cha mẹ cho cưới Phương Dung cô nương làm thê. Dương thị tức giận đến suýt ngất. Ngô tướng bực mình, cho người đuổi Ngập ra hậu viện sau tướng phủ. Nhưng một người trong quân doanh mới tới đi nhầm vào đó, đã bắt gặp Ngập cùng Phương Dung cô nương đang ân ái. Ngô Quyền tức giận, sai người trói Ngập, mang đến phòng Dương Tam Kha, tùy Tam Kha xử trí. Tam Kha hỏi Ngập:
-         Cháu định thu xếp cho nàng ấy thế nào?
Ngập đáp:
-         Cháu muốn thú nàng làm thê. Nhưng cha mẹ không đồng ý, phạt cho cháu ra khỏi phủ suy ngẫm. Nhưng cháu vẫn kiên quyết lấy nàng. Xin bác hãy giúp cháu.
-         Chuyện đã thế này, cha mẹ cháu tất không đồng ý cho nàng làm thê, chỉ có thể làm tiểu thiếp.
-         Là cha mẹ nghĩ bác và họ Dương đã định nàng là thiếp. Chỉ cần bác ra mặt nói không có chuyện đó, cha mẹ sẽ để cháu đưa nàng làm thê. Mẹ đẻ cháu cũng chỉ là thường dân mà cũng là thê đó thôi. Cháu xin bác, là cháu thực lòng muốn cưới nàng.
Tam Kha cho người cởi trói, thả Ngập đi. Rồi mời Phương Dung cô nương tới hỏi:
-         Phương Dung cô nương, chuyện đã thế này rồi, ý nàng thế nào?
-         Chàng có ý gì, xin hãy nói rõ. Ta ngu muội, không được học hành, không thể nhìn mặt đoán ý người.
-         Cô nương, nàng có muốn làm thê thiếp của Xương Ngập?
Phương Dung quì xuống, than khóc:
-         Dương tướng quân, chẳng lẽ chàng đã quên lời chàng nói sao? Chính chàng nói muốn lấy ta làm thiếp, sao giờ lại đẩy ta cho cháu chàng?
-         Nhưng chuyện giữa nàng và Xương Ngập mọi người đều đã biết.
-         Chuyện gì? Ta thấy có người bảo hắn tương tư ốm liệt giường, nên có chút động lòng trắc ẩn, tới thăm. Hắn không kìm nén được tình cảm, vừa ôm lấy ta thì bên ngoài cửa đã có người xông vào kêu la rồi chạy mất. Không phải là chàng hay Dương gia cố ý làm vậy chứ? Nếu chàng không muốn lấy ta, chỉ cần nói một câu, sao nỡ phá hoại danh tiết của ta như thế?
Tam Kha quả thật không biết phải xử trí thế nào, đành gọi người đưa Phương Dung cô nương về phòng, rồi tới nói chuyện với Ngô tướng và Dương thị. Nhưng khi ba người còn đang chưa biết phải giải quyết thế nào thì Xương Văn dắt Xương Tỷ hớt hải chạy vào.
-         Xin bác, xin cha mẹ hãy tha cho anh Xương Ngập.
-         Xin ông bà tha tội cho cha cháu.
Lại có người vào bẩm báo, Phương Dung cô nương định thắt cổ tự tử, may mà có người phát hiện. Mọi người chạy vội tới phòng Phương Dung, thấy Xương Ngập đang ở một bên than khóc. Y sư kiểm tra thương thế cho cô nương, nói tình trạng không đáng ngại, dưỡng vài hôm là khỏi. Ngô Quyền trách mắng:
-         Nhìn hành động mà luận khí phách. Ngươi nhìn xem, ngươi đã nháo ra cái dạng gì rồi? Mặt mũi của ngươi, rồi của ta và họ Ngô để đi đâu đây? Nào còn khí phách của đấng trượng phu đầu đội trời chân đạp đất nữa.
-         Xin cha cho con được cưới nàng làm thê. Là con khiến nàng đau lòng. Không bồi tội với nàng, con không còn mặt mũi mà sống trên đời này nữa, cũng chẳng còn lòng dạ làm anh hùng.
-         Hồ đồ. Ngươi muốn cưới nàng ấy, mà không hỏi xem nàng ta có muốn cùng ngươi không?
-         Không thể nào. Bác, bác đã nói gì với cha mẹ cháu? Xin bác hãy buông tha nàng. Bác không thể bắt nàng vô vọng chờ đợi cho hoài tuổi xuân. Bác thật tàn nhẫn.
Ngô tướng tức giận sai người trói Ngập, giam vào phòng kín. Hai đứa trẻ Xương Văn và Xương Tỷ khóc lóc dắt tay nhau chạy theo, bảo Ngập xin lỗi cha mẹ. Phu thê Ngô Quyền cùng Tam Kha về phòng. Dương thị nói:
-         Cô nương này quả thật không đơn giản.
-         Cũng là con ta quá hồ đồ. Hừm, đã 23 tuổi rồi mà không biết suy xét thấu đáo. Thật uổng công nuôi dạy nó.
Tam Kha bảo:
-         Lúc này không được để những chuyện vặt vãnh ảnh hưởng, làm mất chí khí của mọi người. Như Ngọc, em xem có cách nào chu toàn được không?
-         Anh ba, anh quả thật không muốn cưới nàng làm thiếp?
-         Ta chỉ vì muốn báo ơn Trần gia, lại thấy nàng than khóc xin theo, nên đành hứa hẹn lấy nàng làm thiếp sau khi đã trả xong thù cha, thù nhà. Giờ chuyện xảy ra, Xương Ngập nghĩ ta phá hoại nhân duyên của nó, còn nàng ấy nghĩ ta muốn nuốt lời nên dựng trò. Ta quả thật không biết làm thế nào.
Dương thị ngẫm nghĩ.
-         Chuyện này không phải cố ý chứ? Vừa làm chú cháu bất hòa, vừa làm Ngô gia, Dương gia có khúc mắc, lại khiến quân tâm ì xèo bàn tán, nghi kị nhân phẩm của tướng soái.
Ngô Quyền cũng giật mình.
-         Nàng muốn nói nàng ta là người của Công Tiễn? Hoặc bị người của Công Tiễn lợi dụng? Nếu thế thì lão già họ Kiều kia thật đê tiện.
-         Thiếp không biết. Dù không có bàn tay của Công Tiễn thì Phương Dung này, Ngô gia và Dương gia cũng không thể dung được nữa.
-         Được, vậy tùy nàng xử lý đi. Anh em ta sẽ không can thiệp vào.
Phương Dung cô nương sau đó được thu xếp đưa về một biệt viện ở Dương gia. Một tên nô bộc bị bắt và đuổi ra khỏi Ái châu vì tội làm gián điệp cho Công Tiễn, dùng mỹ nhân kế chia rẽ Ngô gia và Dương gia. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, hóa ra là mưu của Tiễn. Tên phản đồ này thật vô sỉ, chuyện thế cũng nghĩ ra được. Xương Ngập được thả ra, nhưng vẫn bán tin bán nghi. Xương Văn lau nước mắt nước mũi cho Xương Tỷ ở bên, nói:
-         Em biết ngay nàng ta không phải là người tốt mà. Lúc trước toàn tìm cách lại gần bác dò la, giả bộ khóc lóc, khiến bác không yên mà dưỡng thương. Giờ lại lừa anh vào tròng, để hai họ Ngô – Dương hục hặc, nghiệp lớn sớm trông thấy suýt bại.
-         Nàng ấy đâu, anh muốn hỏi nàng ấy.
-         Nàng ta nói trước mặt cha mẹ và người đại diện hai họ là chỉ muốn làm người họ Dương. Cha mẹ đành đưa nàng ta về biệt viện của Dương gia rồi.
Xương Ngập chạy đi gặp Dương thị.
-         Mẹ hai, nàng thực sự muốn làm người họ Dương sao? Con không tin. Con muốn gặp nàng.
Dương thị sai người dẫn mình và Ngập đi cùng Xương Văn, Xương Tỷ tới Dương gia, nói là thắp hương cho Dương lão tướng quân. Ngô Quyền vừa cùng Tam Kha, Xử Bình từ quân doanh về, nghe chuyện, tức giận vung tay:
-         Đến nàng cũng bị nó làm cho hồ đồ rồi sao?
-         Nên thế. Để nó chết tâm đi sẽ tốt hơn.
Xử Bình nói với Tam Kha:
-         Xương Ngập người này không mưu được việc lớn.
-         Ngập mẹ mất sớm, cha đi chinh chiến theo Dương gia phụ bao năm ròng, hắn một mình ở quê không ai dạy dỗ, nên không hiểu chuyện. Nhưng bản chất cũng là người ngay thẳng, cương trực. Rèn luyện sát bên chúng ta một thời gian, hẳn có thể thay đổi.
-         Người trưởng thành tâm tính đã định rồi. Tâm sinh khí. Người đời nhìn khí chất luận anh hùng.
-         Ta không quan tâm. Chỉ cần anh hùng nhận anh hùng là đủ.
Xử Bình nhìn theo bóng lưng Tam Kha, thở dài lắc đầu.

Tết Nguyên Đán tới. Người dân ở khắp Ái châu và các châu lân cận mang rất nhiều lương thảo tới tặng quân doanh. Đoàn quân lúc này đã lên gần 9.000 người, hăng hái ăn một cái Tết no đủ. Tết xong, Ngô Quyền ngồi họp lại với Xử Bình, Tam Kha và các tướng Phạm Chiêm, Đỗ Cảnh Thạc, Dương Cát Lợi, Nguyễn Thủ Tiệp, Đinh Công Trứ, Ngô Xương Ngập, Kiều Công Hãn, Dương Nhị Kha, Nguyễn Chí Bình. Ngô Quyền nói:
-         Nhờ trời đất và Dương lão tướng quân phù hộ, nghĩa quân nay đã lên gần 9.000 người, lại được trăm họ ưu ái giúp sức. Quyền tôi xin cảm tạ các vị đã hết lòng hết sức vì nghĩa lớn. Cứ đà này, Quyền tôi tính đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau chúng ta sẽ thu nạp được hai tới ba vạn người, có khả năng đương đầu với ba bốn vạn quân thiết kị đầy đủ của phủ đô hộ. Đến lúc đó, chúng ta sẽ cất quân ra Bắc. Mong chư vị không ngại gian khổ sát cánh bên Quyền tôi, trả thù cho Dương lão tướng quân, diệt trừ lão già bất nghĩa, bất trung Kiều Công Tiễn.
Các tướng cùng nhau thảo luận, đều nhất trí với kế hoạch, hăng hái trở lại quân doanh, tích cực luyện tập, chờ ngày ra trận.

(1)                 Đế quốc Khmer (802-1431) là một đế quốc cổ rộng nhất Đông Nam Á, lãnh thổ ngày nay nằm trên các quốc gia Campuchia, Việt Nam, Lào, Thái Lan. Khởi đầu gọi là Vương quốc Khmer Angkor từ năm 802, tách ra từ Vương quốc Chân Lạp, có phần biên giới tiếp giáp phía Tây Tây Nam của Tĩnh Hải quân. Đầu thế kỷ thứ 10, Yasovarman I trị vì mất, cuộc tranh giành ngôi báu diễn ra giữa Harshavarman I và Ishanavarman II với người chú Jayavarman IV khiến đế quốc bị chia rẽ.
(2)                 Nam Chiếu là vương quốc cổ của người Bạch và người Di phát triển cường thịnh ở Đông Nam Á trong thế kỉ 8 và 9, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ngày nay. Nam Chiếu có biên giới giáp vùng tây bắc của Tĩnh Hải quân. Giai đoạn 902 – 937, Nam Chiếu suy tàn. Năm 937, Đoàn Tư Binh đánh hạ, dựng nên Vương quốc Đại Lý (937-1253).
(3)                 Chiêm Thành quốc là tên gọi của Vương quốc Chăm Pa từ 877 tới 1693, gồm 4 tiểu quốc: Indrapura hay Amaravati (vùng Quảng Nam, Đà Nẵng và Bình-Trị-Thiên ngày nay), Vijaya (vùng Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay), Kauthara (vùng Phú Yên, Khánh Hòa ngày nay) và Panduranga (vùng Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay). Giai đoạn này, Chiêm Thành do Vương triều thứ sáu trị vì (875 – 991). Vua Indravarman III cai trị từ 911. Chiêm Thành có thể chế liên bang, mỗi tiểu quốc tự trị có quyền ly khai khỏi liên bang để xây dựng quốc gia độc lập. Cư dân chủ yếu là người Chăm, mang tín ngưỡng dân gian Nam Đảo.
(4)                 Chính là tiểu vương quốc Indrapura hay Amaravati của Chiêm Thành quốc, thời này do Indravarman III cai trị. Tiểu quốc này nằm ở phía nam của Tĩnh Hải quân.
(5)                 Làng An Dương, trấn Hải Dương, nay thuộc xã An Dương, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét