Chương Hai: Anh Hùng cũng cần mặt mũi
Người ta cần mặt mũi để diễn. Anh
Hùng còn cần mặt mũi để hành đại sự.
Trong phủ Tiết Độ Sứ tại thành Đại
La, Kiều Công Tiễn tức giận ném thẳng tờ cáo của Ngô Quyền vào mặt tên lính
đang quì dưới trướng.
-
Khốn
kiếp! Thằng khốn họ Ngô muốn đục nước thả câu, dây máu chiếm phần đây mà. Thật
không muốn uống rượu mời, chỉ thích rượu phạt. Bay đâu, gọi Tri Hựu và Kiều Thuận
lại đây!
Lát sau, Kiều Thuận hấp tấp chạy tới.
-
Ông
nội, đừng nóng giận. Chuyện này không cần nóng vội. Ngô Quyền dưới trướng có
chưa nổi một nghìn binh, đi đánh rợ phương Nam còn được chứ sao địch được gần bốn
vạn quân của ta.
Công Tiễn bình tĩnh lại, gật đầu:
-
Ta
biết. Nhưng ta e sợ là cái khác kia. Ta vừa mới nắm quyền, lòng người còn chưa
an. Giờ thằng khốn họ Ngô giở trò, tất lòng người sẽ loạn. Loạn tất sinh biến.
Lũ hào trưởng(1) địa phương và đám giang hồ thảo khấu khắp nơi vốn
đã yên thân từ trước, nhân cơ hội này sẽ làm phản, sách nhiễu quan quân và dân
chúng. Quân tâm cũng sẽ lay động. Nên nhớ ba vạn binh ở đây đều do họ Dương dẫn
dắt, không phải đèn cạn dầu. E là lòng người sẽ càng lúc càng rời xa. Không có
chỗ dựa, chúng ta sẽ bại như Khúc Thừa Mỹ. Cái ghế này tất phải đổi chủ. Thế
thì uổng công ta trù tính bao năm qua cho họ Kiều.
-
Ông
nội nói phải. Vậy để cháu sai người tuyên cáo đả phá lại Ngô Quyền, không cho hắn
có cơ trở mặt.
-
Không,
Ngô Quyền là cái họa trước mắt. Bọn người Dương gia chắc về phe với hắn. Không
thể để chúng lớn dần rồi đâm ta một đao. Kiều Thuận, cháu hãy cùng Tri Hựu lĩnh
5.000 quân diệt họ Ngô cho ta, đồng thời ra tuyên cáo bãi chức Ngô Quyền, để
Tri Hựu làm tướng trấn giữ Ái châu.
-
Ông
nội, như thế e không ổn. Hắn vừa ra cáo đã khiến lòng người bức xúc. Giờ ta động
binh với hắn, trăm họ sẽ bất mãn, qui kết chúng ta làm điều bất nghĩa nên e sợ,
phải giết người diệt khẩu. Đám dân xứ này vốn chẳng có qui củ, tức giận sẽ manh
động, gây bạo loạn, lũ hào trưởng đục nước béo cò sẽ nổi dậy cả đàn, phiên trấn
cát cứ, lúc đó ta không phải chỉ đối phó với một Ngô Quyền, mà là cả chục, cả
trăm Ngô Quyền. Sức mấy cũng khó giữ. Chưa kể Ái châu là đất tổ của họ Dương và
họ Ngô, thế lực của chúng vững như bàn thạch từ trăm năm qua, đâu phải ngày một
ngày hai mà nói phá là phá ngay được. Có khi chúng lại chạy xuống tây nam liên
minh với đám rợ Chiêm Thành, rước voi giày mồ. Chưa kể Nam Hán sẽ thừa nước đục
thả câu. Chúng ta nội đấu, ngoại xâm, bại chỉ là chuyện sớm muộn.
-
Vậy
ta phải làm sao?
-
Ông
nội, trước mắt ta nên ra tuyên cáo thiên hạ, việc soán vị này có lý do chính
đáng, để xoa dịu, che mắt đám ngu dân; phong thưởng, lấy lòng quan tướng các
châu quận khác, miễn giảm thuế khóa cho dân chúng trong ba năm để lấy dân tâm.
Không nên tiến đánh Ngô Quyền, để hắn tự tới đây. Dương Đình Nghệ ngày xưa mất
một năm chiêu được 3.000 dưỡng giả tử. Cứ cho Ngô Quyền cũng có cái tài ấy đi,
một năm sau hắn có 4.000 binh, tiến vào Đại La. Chúng ta chỉ cần ngồi yên ở
đây, củng cố lực lượng, bày sẵn thiên la địa võng chờ hắn chui vào rồi cất một
mẻ, sau đó thừa cơ thắng trận, cho một đạo quân vào Ái châu, diệt tận gốc họ
Ngô và họ Dương. Trong phe cánh bọn chúng, cháu nghĩ chỉ có Dương Tam Kha mới
đáng lo. Nhưng anh ta trẻ tuổi, lại trọng tình trọng nghĩa, không thích tranh
đoạt thiên hạ, cũng dễ bề tương kế tựu kế. Diệt xong đám người này, ta có thể kê
cao gối ngủ yên.
-
Hay.
Cứ làm thế đi. Nhưng đọc bản cáo kia, ta thấy dù Ngô Quyền hay Dương Tam Kha cũng
không thể xuất ra được những lời lẽ bi thống, lay động nhân tâm đến nhường ấy.
Cho thám báo tra xem ai đang giúp hắn.
-
Vâng,
thưa ông nội.
-
Còn
nữa, Tri Hựu đâu?
Kiều Thuận lúc này rơi vào thế bí. Kiều
Công Tiễn tức giận đập bàn quát:
-
Nói
mau.
-
Ông
nội, anh Tri Hựu đã bỏ đi rồi. Anh ấy và cha cháu bất mãn với việc người giết
Dương lão tướng quân, diệt Dương gia, nên dẫn theo một đám người về quê Phong
châu rồi.
-
Khốn
kiếp! Đúng là một lũ vô dụng. Bất mãn cái gì chứ? Ta làm việc này vì Kiều gia
các ngươi chứ còn vì ai đây? Để thiên hạ này là của Kiều gia, ta đã đổ bao công
sức. Thế mà lũ lòng dạ đàn bà kia vẫn kiếm cớ làm rùa thụt đầu.
-
Ông
nội đừng tức giận, sẽ hỏng việc lớn. Giờ phải lấy ổn định nhân tâm làm trọng.
Việc của cha và anh trai cháu, cứ để cháu thuyết phục. Nếu không thuyết phục được,
dẫu sao cũng là người nhà, tất không gây khó dễ cho người.
Kiều Thuận nhanh chóng cho người đi
viết cáo đả phá Ngô Quyền, vu hãm Dương Đình Nghệ. Bắt đám nhân sĩ viết đi viết
lại mấy lượt, cả Kiều Thuận lẫn Kiều Công Tiễn đều không thấy hài lòng vì văn
phong không bi thống, câu chữ không lay động lòng người như bài cáo của Ngô Quyền.
Nhưng vì thời gian không còn nhiều, sợ lòng người sinh biến, nên đành chọn bài
khá nhất đi ban bố khắp 12 châu.
-
Xem
ra quả thực bên Ngô Quyền có người tài trợ lực. Ta vốn đã lo Dương Tam Kha, giờ
xem ra lại phải lo thêm một kẻ không biết mặt mũi, tài trí cao thấp đến đâu này
nữa. Kiều Thuận, cháu vẫn chưa tra được tên mưu sĩ cho Ngô gia kia sao?
-
Ông
nội, vẫn chưa ạ. Người báo về có nói, Ngô Quyền thi thoảng có tới Dương gia nói
chuyện với anh em họ Dương. Còn nữa, sau gần một tháng binh biến, Ngô Quyền có
thu nạp một số người, trong đó có vài người ở Đại La. Trong số họ, một người hơi
lạ là Lã Xử Bình, dưới trướng Dương Đình Nghệ trước đây. Hắn là một nho sinh xử
lí sổ sách ở phủ giáo quan của Dương Nhất Kha, sau đó chuyển sang hầu hạ Dương
lão tướng quân. Nhưng trước nay trong quân và các quan tướng, cháu vốn dĩ không
nghe nói gì về hắn. Nếu đúng là hắn, không lẽ hắn hay Dương gia đã cố ý dấu
tài?
-
Một
kẻ chuyên quản sổ sách mà lại được Dương Đình Nghệ dùng, hẳn không phải kẻ tầm
thường. Kiều Thuận, cháu hành xử đúng là quá sơ xuất rồi.
-
Ông
nội, là cháu nông cạn. Mong người trách tội.
-
Thôi
đi. Cháu mới 19 tuổi, chưa trải sự đời. Đến như cha cháu và anh cháu, trải qua
bao biến cố, mà vẫn không hiểu chuyện thế kia, sao ta nỡ trách cháu. Nói cho ta
nghe về Lã Xử Bình.
-
Người
báo về, Xử Bình tự nhận là người Vũ Ninh, năm nay 37 tuổi. Nhưng nhiều người
quen biết bảo hắn từ nhỏ đã tha phương lưu lạc khắp nơi, không rõ quê quán và
tuổi tác, không người thân. Hắn may mắn được một nho gia dạy chữ nên biết chút
binh pháp, thi ca. Hai năm trước, hắn cùng vợ con tới thành Đại La, thi vào làm
người giữ sổ sách của Dương Nhất Kha, nghe nói lúc đó hắn mới nghĩ ra cái tên
Lã Xử Bình, theo họ của vị quan gia đã cưu mang hắn thuở thiếu thời. Sau đó hắn
lấy thêm một thiếp, sinh thêm một con trai. Ba tháng trước, Dương lão tướng
quân đưa hắn vào phủ đô hộ. Lúc Dương lão tướng quân chết, có thể hắn đang ở
bên cạnh. Lúc đó tình hình rối ren, người người la hét chạy loạn nên cháu không
rõ. Có lẽ vốn từ trước cháu không chú ý đến hắn, chỉ cho là người hầu, nên sơ ý bỏ qua người này. Khi hắn tới
Ngô tướng phủ, toàn bộ người thân đi cùng đã bị chúng ta giết hết.
-
Người
này không thể khinh nhờn, lại mang hận với Kiều gia ta. Không dùng được tất phải
giết.
-
Cháu
hiểu. Cháu sẽ an bài người xử lý.
-
Nhớ
theo dõi chặt chẽ mọi biến động ở Dương gia và Ngô gia, hằng tuần báo lại cho
ta.
Sau hai tuần thứ sử Ngô Quyền trấn ải
Ái châu ra cáo, Tiết Độ Sứ Kiều Công Tiễn lại lập cáo trạng buộc tội Ngô tướng
làm phản, mưu đồ bất chính, muốn tranh đoạt giang sơn, làm loạn thiên hạ, vu
cáo hãm hại trung thần ái tướng, nên tịch thu quân tịch, biếm làm thứ dân, cho
tướng quân Kiều Công Hãn tới Ái châu thay thế. Đồng thời, ra chỉ dụ, Tiết Độ Sứ
khai ân, tặng bổng lộc cho hào trưởng các châu huyện, miễn thuế cho dân ba năm.
Cuối tháng sáu, Kiều Công Hãn, tự Tri
Hựu, cháu nội Kiều Công Tiễn, bị trưởng bối Kiều gia buộc quay lại Đại La, dẫn
1.500 binh tiến tới Ái châu nhậm chức. Trước khi lên đường, Kiều Thuận nói nhỏ:
-
Anh
Tri Hựu, không nên đánh, chỉ được múa lưỡi chửi bới, khiến chúng tức tối, tự chủ
động đánh mình. Nếu chúng đánh thì đừng đánh hết sức. Cứ ở lại tìm nơi nông sản
dồi dào đóng quân, thi thoảng quấy nhiễu Ngô gia, cầm chân chúng khoảng một hai
năm. Ở đây em sẽ có cách khiến đám người Ngô tướng há miệng mắc quai, phải nhả
Ái châu.
Kiều Công Hãn không nói gì, tức giận
vung roi xua quân tiến về nam. Kiều Thuận về bẩm Tiết Độ Sứ Kiều Công Tiễn.
-
Bảo
người đi cùng, nếu thằng đó làm không được việc, cứ thẳng tay giết.
-
Vâng,
người cháu an bài làm việc cẩn trọng, sẽ biết phải làm gì khi cần thiết.
Tháng sáu trời xanh nắng vàng. Đoàn
binh nhậm chức của Kiều Công Hãn chậm rãi băng qua những cánh đồng lúa óng ả
trĩu hạt, không khí thế như quan binh khác từ thủ phủ Tĩnh Hải quân tới. Bộ tướng
đi đầu luôn bày ra vẻ mặt cau có, bất mãn, khiến đám lính đi theo cũng không cảm
thấy vui vẻ gì.
Vừa qua khỏi ngả Hoa Lư, đoàn binh của
Công Hãn bị một đám trai tráng thôn dân dùng đá chặn đường lại. Công Hãn phi ngựa
tiến lên quát hỏi:
-
Là
ai to gan dám chặn đường bổn tướng?
-
Là
chúng ta!
Khoảng chục tay đàn ông to khỏe, do một
người trung niên lực lưỡng đứng đầu bước ra.
-
To
gan! Người ở đâu dám làm càn? Có biết Kiều Công Hãn ta phụng mệnh Tiết Độ Sứ tới
Ái châu hỏi tội phản thần không?
-
Ta
là Phạm Chiêm, người vùng Trà Hương, thôn Đông, trấn Hải Dương(2).
Trước làm hào trưởng thôn Đông. Nay thấy Dương lão tướng quân bị gian thần hãm
hại, chiếm công, vu oan giá họa, bất bình nên tới đầu nhập dưới trướng Ngô tướng,
một lòng mong báo thù cho đấng hào kiệt, diệt lão già Kiều Công Tiễn xảo quyệt,
phò người hiền, giúp xã tắc thái bình. Ngươi là con cháu lũ Kiều gia bất nhân bất
nghĩa kia ư?
-
Hừ,
ta là người Kiều gia, nhưng cũng hiểu đạo lý phải trái, không tham gia vào những
trò đấu đá bỉ ổi, vô đạo. Các người không được vơ đũa cả nắm.
-
Ngươi
nói không tham gia, mà lại nghe lời lão Kiều phản tặc kia đi diệt trung thần ái
tướng. Muốn bịt miệng thiên hạ, giết người diệt khẩu, che dấu tội ác tày trời của
Kiều gia các ngươi phải không? Ta cùng các anh em đã đợi ở đây mấy ngày rồi.
Không bắt được lũ người họ Kiều bất nghĩa, ta quyết không lui bước.
-
Điêu
dân to gan, dám phỉ báng bản tướng. Ta một lòng trung nghĩa với Dương lão tướng
quân, sao cho ngươi khinh nhờn, la hét vu cáo. Bay đâu, tiến lên, bắt lấy đám
người này!
Nhưng đám lính chưa kịp xông lên thì
một cái rọ dây gai đã quăng ra, chụp lên người Công Hãn. Hãn bị kéo lăn khỏi ngựa,
trôi về phía đám người hung tợn. Tất cả họ đều giơ đao vây quanh cái rọ bao lấy
người bên trong đang lăn lộn chửi bới. Phạm Chiêm quát đám lính đã xông tới,
nhưng không dám tấn công:
-
Ai
mà xông lên, ta sẽ giết hắn. Để xem các người như rắn mất đầu tiến lên Ái châu
hay quay lại Đại La kiểu gì. Đường nào thì các người cũng chết.
Giám quan nhảy từ trên ngựa xuống, từ
tốn hướng Phạm Chiêm nói:
-
Vị
hào trưởng này khí khái bất phàm, sức lực hơn người, tất là anh hùng nghĩa sĩ.
Vậy xin hãy tha cho chủ tướng của chúng tôi. Chúng tôi chỉ là quan binh vô tội,
có trách nhiệm thi hành mệnh lệnh của Tiết Độ Sứ, không cần biết việc đấu đá giữa
các bên thế nào. Nếu ngài bất mãn, xin hãy tới phủ đô hộ hỏi thẳng Kiều lão tướng
quân, hoặc tới Ái châu hỏi Ngô tướng. Đừng làm khó dễ quan binh chúng tôi. Về
phần chúng tôi, tất cũng không gây chuyện với thường dân.
-
Các
người, ta sẽ không động. Nhưng hắn là người Kiều gia, bọn ta quyết không tha.
Lúc này Kiều Công Hãn đã ngồi dậy được,
bình tĩnh hơn, quát lên:
-
Võ
giám quân, không cần nhiều lời. Ta thấy xấu hổ vì hành động bất nghĩa của ông nội
ta, tự thẹn vì mình là người Kiều gia. Nay nếu những người này cảm thấy giết ta
làm họ hả giận thì cứ để họ giết ta đi. Nếu lấy mạng này rửa được tội lỗi cho
Kiều gia, ta cam nguyện chết.
-
Hừ,
cái mạng chó của ngươi sao đỡ nổi cho tội ác tày trời của Kiều Công Tiễn? Cả họ
Kiều ngươi chết đi cũng không hết tội.
Công Hãn ngửa đầu lên trời than:
-
Ông
nội, vì tham giấc mộng quân quyền mà có tội với giang sơn xã tắc, nhơ để ngàn
năm, có đáng không? Sao ta lại là người họ Kiều chứ?
Quân lính thấy chủ tướng than khóc,
cũng nhụt tâm chí, buông vũ khí xuống. Võ giám quan chạy lại chỗ Công Hãn, hô
lên:
-
Kiều
tướng quân, đừng than khóc như thế, sẽ làm mất lòng quân sĩ. Ngài còn phải phụng
mệnh Tiết Độ Sứ tới Ái châu đấy. Đừng bi phẫn mà quên nhiệm vụ.
-
Ta
không muốn tới Ái châu. Ta không thể giết người trung quân ái quốc như Ngô tướng.
Võ giám quan, bảo các binh sĩ giải tán đi. Ta không muốn làm việc bất nghĩa này
nữa. Kiều gia ta không thể phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác được.
Võ giám quan rút thanh đao bên hông định
đâm thẳng vào Hãn trước sự kinh ngạc của đám trai làng và binh sĩ. Nhưng rất
may, một thanh niên đứng bên cạnh cái rọ đã nhanh tay cản được. Mũi đao đi trật
ra khỏi lồng ngực, đâm vào cánh tay Hãn, máu phun ròng ròng. Hai trai làng đứng
cạnh đã tóm được Võ giám quan. Công Hãn vẫn chưa hết kinh ngạc:
-
Sao
ngươi lại giết ta?
-
Ngươi
đúng là kẻ lòng dạ đàn bà, không thể mưu nghiệp lớn. Kiều lão gia đã tốn bao
tâm sức mới có được hôm nay. Ngươi không biết ơn mà tận lòng phò tá, lại hèn hạ
rụt đầu, đào binh. Người như ngươi phải giết không thể tha.
-
Ngươi
là người của ông nội ta hay của Kiều Thuận? Nói mau.
-
Ta
là người của Kiều gia. Dù ta không mang họ Kiều, nhưng vẫn một lòng thờ phụng họ
Kiều. Không như đứa phản đồ ngươi…
Người thanh niên vừa cản đao cho Hãn
đã đâm kiếm vào giữa ngực Võ giám quan, khiến hắn chết không kịp nhắm mắt. Quân
lính phía sau trố mắt kinh hãi nhìn nhau, không biết phải làm gì.
-
Ngươi
thấy chưa? Dù ngươi có lòng chết cho họ Kiều, nhưng Kiều gia cũng không nghĩ vậy.
Bọn họ cài người bên ngươi, sẵn sàng giết ngươi nếu không thành đại sự. Cơ bản,
bọn họ chưa bao giờ coi ngươi là người Kiều gia. Đúng ra, Kiều gia vô đạo các
ngươi không cần con cháu, chỉ cần đồng minh. Thật tâm ngoan thủ lạt, táng tận
lương tâm. Người như vậy sao xứng cai quản bách tính?
-
Đừng
nói nữa. Đa tạ tráng sĩ đã cứu mạng. Ta tự biết mình phải làm gì. Các vị hãy
nương tay, ta có lời muốn nói cùng binh lính của ta.
Phạm Chiêm ra lệnh tháo rọ, tước vũ
khí của Hãn. Công Hãn tiến lên đứng trước quân sĩ, chắp tay dõng dạc nói:
-
Hỡi
các anh em, Kiều Công Hãn ta tự thấy bản thân hổ thẹn vì Kiều gia đã phạm tội
tày trời, mưu nghịch, diệt ân công soán ngôi, lừa dối thiên hạ. Nay ta không còn
mặt mũi mà trơ mắt tiếp tục nhìn Kiều gia tay dính đầy máu hiền sĩ và hào kiệt
bốn phương. Ta không thể đưa các người đi làm chuyện giết người trung quân ái
quốc. Các ngươi có thể quay về thành Đại La, hoặc về nhà hay bất cứ đâu các
ngươi muốn. Đi đi!
Quân sĩ và cả đám trai làng trố mắt
nhìn Hãn. Hãn cởi chiến bào và mũ giáp, quẳng ra đường, quay lại đám người Phạm
Chiêm:
-
Giờ
các ngươi muốn giết thì giết đi!
Phạm Chiêm nói:
-
Này
Kiều Công Hãn! Kiều tướng quân! Thấy ngài là người trung nghĩa, Phạm Chiêm và
các anh em đây rất cảm phục. Ngài có muốn đi cùng chúng tôi tới đầu nhập Ngô tướng,
phò người hiền, giúp đỡ bá tánh không?
-
Ngô
tướng là người hiền đức. Nhưng ngài ấy dựng cờ dấy binh để diệt ông nội và Kiều
gia ta. Ta là người Kiều gia, làm sao ta được chấp nhận? Hơn nữa, ta cũng không
đành lòng xuống tay với trưởng bối và người nhà mình.
-
Dù
họ cũng chỉ coi ngài là một quân cờ, tùy ý có thể giết chết? Ngài vẫn chưa nhận
ra sao? Đường đến quân quyền, không có anh em, không có thân thích, chỉ có đồng
minh. Tâm ngài khác, ngài đã không còn là đồng minh của họ, cũng không còn là
người Kiều gia. Từ nay, ngài chẳng khác gì chúng tôi, là kẻ thù của họ. Trên
chiến trường, đao kiếm không có mắt. Ai quản ngài họ Kiều hay họ Dương.
Thấy Hãn im lặng không nhúc nhích, Phạm
Chiêm lại bảo:
-
Ngài
cứ suy nghĩ đi. Chúng ta hành sự vì nghĩa lớn. Nam nhi lấy giang sơn xã tắc làm
trọng, chứ không phải mấy trò gia đấu của đám đàn bà. Ngài chỉ quanh quẩn lo
cho đám thân thuộc, không thể thành đại sự. – Nói rồi quay lại đám quân lính –
Hỡi các anh em, các anh em đã thấy rồi đấy. Kiều gia hành động vô đạo, táng tận
lương tâm, đến Kiều tướng quân là người của Kiều gia, có lòng trung quân ái quốc,
cũng bị ám sát. Nay ta kêu gọi anh em, hãy cùng ta lên đường phò tá Ngô tướng,
chống Công Tiễn. Hoặc anh em nên về nhà, chăm mẹ già, vợ con, chứ đừng bán sức
phụng sự kẻ tội đồ hại nước hại dân kia. Phạm Chiêm này kính xin anh em minh
xét. Đa tạ!
Binh sĩ xôn xao bàn tán, có người vứt
gươm quay về nhà, có người tiến lên bái huynh đệ cùng đám người Phạm Chiêm.
Loáng cái Phạm Chiêm đã thu được hơn 500 quân đầu phục. Một lão già cường tráng
chui từ trong bụi rậm ra cười khà khà, vỗ vai Phạm Chiêm:
-
Khá
lắm, khá lắm, con trai. Có tố chất làm tướng quân đấy!
-
Đây
là cha ta, Phạm Chí Dũng, nay đã 68 tuổi, cũng muốn tới phụng sự Ngô tướng. Gia
đình ta cả ba thế hệ đều ở đây, góp lòng góp sức vì bá tánh trăm họ. Hai con
trai ta: Phạm Man và Phạm Bạch Hổ.
Nhìn thấy Phạm Chiêm chỉ tới người vừa
chặn cho mình một đao kia, Kiều Công Hãn chắp tay:
-
Phạm
Bạch Hổ tráng sĩ, đa tạ đã cứu mạng Hãn tôi.
-
Ta
năm nay 28, chắc đáng tuổi anh của ngài. Nghe danh Kiều tướng quân tuổi trẻ tài
cao từ lâu, nay mới được gặp. Quả là người trung nghĩa, từ ái.
-
Vâng,
anh Bạch Hổ. Ta 22 tuổi. Xin được nhận anh Bạch Hổ làm đại ca. Ta đã nghĩ rồi,
ta sẽ đi cùng mọi người theo Ngô tướng, một lòng phục vụ bá tánh.
Đoàn người tiến về Ái châu. Trên đường,
ba cha con Phạm Chiêm và Kiều Công Hãn còn kêu gọi thu nạp thêm trai tráng các
làng lân cận, tất cả cũng lên tới hơn 700 người.
Trong khi đó, ở làng Giàng, Dương gia
vừa tổ chức xong lễ tế long trọng cho hơn ba mươi người nhà họ Dương. Trưởng
lão họ Dương đứng lên thống thiết vạch tội Kiều Công Tiễn và Kiều gia cùng bè
lũ phản thần, kêu gọi quan binh, hào kiệt các nơi tụ về Ái châu, cùng giúp Ngô
tướng chống Tiễn. Khi tiếng kêu khóc ngút trời của người nhà họ Dương và đám
anh hùng nghĩa sĩ cùng người dân xung quanh vang lên, lửa hóa trên đài bỗng
bùng lên cao hơn mười thước, vô cùng kì lạ. Ráng chiều từ vàng nhạt bỗng chuyển
màu đỏ như máu. Ba lưỡi sét chói lòa rạch ngang trời như lưỡi gươm đòi công lý.
Ngay hôm sau, tin đồn về buổi tế lễ lạ lùng lan truyền khắp thôn cùng ngõ nhỏ,
tràn ra mọi châu huyện. Người ta bảo, trời đất cũng tức giận trước một đời hiển
hách mà phải chết oan uổng của Dương lão tướng quân cùng hơn ba mươi mạng người
nhà họ Dương; vì thế Ngô tướng thay trời hành đạo, thuận với lẽ trời và hợp
lòng người, tất sẽ thành đại sự.
Dương trưởng lão đi vào phòng Nhất
Kha, đã thấy Nhị Kha và Tam Kha cùng Ngô Quyền ngồi đó.
-
Thế
nào, buổi lễ có sai sót gì không? Những người đi rải tin tức đã làm xong chưa?
-
Trưởng
lão chu toàn, mọi thứ đều đúng như người dự liệu. Hy vọng thời gian tới, việc
chiêu hiền đãi sĩ của Ngô tướng sẽ thuận lợi. – Tam Kha cung kính chắp tay.
Ngô Quyền cũng chắp tay cảm tạ trưởng
lão:
-
Đa
tạ trưởng lão và toàn thể Dương gia. Trợ giúp to lớn này của Dương gia, Quyền
tôi dù chết cũng không quên.
-
Ngô
tướng khách khí rồi. Đều là người nhà cả. Mối thù này không trả, Dương gia sẽ
không ngẩng mặt lên nhìn liệt tổ liệt tông được. Ta quyết phải diệt lão già họ
Kiều và Kiều gia, mới an tâm nhắm mắt.
Dương Nhị Kha vội vã hỏi:
-
Trưởng
lão, thế bây giờ anh em chúng cháu tới quân doanh của Ngô tướng được chưa?
Dương trưởng lão chỉ tiếc rèn sắt
không thành thép.
-
Nhị
Kha, ngươi không thấy ta bỏ bao công sức bày trò, làm lễ tế lớn như thế này, lại
sai cả trăm người đi tuyên truyền khắp thiên hạ, mà còn hỏi. Anh em các người
và trai tráng họ Dương sẽ đi, nhưng phải quang minh chính đại, gióng trống khua
chiêng thật rầm rộ mà đi, để cả trăm họ đều biết và bàn tán, rồi ngẫm nghĩ mà
đi theo.
-
Là
cháu hồ đồ. Chỉ vì cháu muốn luyện quân thật nhanh, để đi trả thù cho gia phụ
và người nhà ta nên mới nóng nảy.
Ngày 30 tháng 6 năm 937, hai anh em
Dương Nhị Kha, Dương Tam Kha dẫn theo hơn bốn mươi trai tráng nhà họ Dương cùng
hơn một trăm người của võ quán Dương lão tướng quân mở ra năm xưa, chiêng trống
cờ xí rợp trời, bừng bừng khí thế từ làng Giàng hướng tới phủ Ngô tướng quân ra
mắt, tình nguyện đầu nhập dưới trướng Ngô tướng. Nhị Kha và vài chục võ sinh
còn băng bó đầy người. Chỉ để lại Dương Nhất Kha bị thương vẫn chưa đi lại được
ở nhà trông coi võ quán và chăm lo gia sự. Tin tức này giống như khí thế lúc
đoàn người lên đường, oanh oanh liệt liệt lan khắp 12 châu Tĩnh Hải quân. Một
trận phong ba kéo theo bao kẻ hùng tâm tráng chí quyết tâm về Ái châu. Còn ở
các nơi khác, hào trưởng lẫn thổ phỉ, giang hồ, đều giương cung bạt kiếm, thề
trả thù cho Dương lão tướng quân và Dương gia mà dấy binh thay trời hành đạo. Nội
loạn nổ ra khắp nơi. Binh tướng ở thành Đại La từ đó phải đi diệt trừ giặc cỏ
và phản loạn đến mệt mỏi. Kiều gia cũng không còn nhàn rỗi ngồi yên ổn mà lo
giăng bẫy với họ Ngô, Dương.
Lại nói tới đoàn người của Phạm
Chiêm, đầu tháng bảy đã tới phủ Ngô Quyền. Phạm Chiêm cùng Kiều Công Hãn đi vào
ra mắt Ngô tướng. Ngô Quyền hết lòng cảm tạ, cho người thu xếp đưa đoàn người tới
quân doanh. Sau lại quay ra hỏi Lã Xử Bình và Dương Tam Kha:
-
Kiều
Công Hãn này là người thế nào?
Dương Tam Kha nói:
-
Công
Hãn là người dũng cảm, trung thực, tài võ hơn người, trọng nghĩa khí, nhưng
không giỏi mưu sự, nhìn việc nông cạn. Người của họ Kiều nay sang bên ta, chưa
rõ thực hư, nhưng nếu tận dụng tin tức này khéo, tất sẽ đánh vào quân tâm đám
binh ở Đại La và chính Kiều gia. Cũng là cơ hội để nâng cao uy đức của Ngô tướng
và quân ta trong dân chúng.
Lã Xử Bình cũng nói:
-
Dương
tướng quân nói đúng. Vẫn nên cho Công Hãn quyền lực để thu phục lòng người, đồng
thời cho người bí mật giám sát. Ta nên chúc mừng Ngô tướng. Uy đức của ngài đã
lôi kéo được cả người của Kiều gia và một người hào kiệt như Phạm Chiêm.
Cả Ngô Quyền và Dương Tam Kha đều hỏi:
-
Phạm
Chiêm là người thế nào?
-
Ngày
trước ta có đi qua trấn Hải Dương. Người người ở đó đều nói về một hào trưởng địa
phương có sức mạnh vô địch, một tay quật ngã hai mươi trai tráng đồng thời, võ
nghệ siêu phàm, cung bắn bách phát bách trúng, lại là người chăm chỉ trừ gian
diệt ác, mến chuộng hiền tài, cứu độ dân nghèo, rất được lòng người, tên là Phạm
Chiêm. Hẳn là người này. Nghe nói cha của Phạm Chiêm đã gần 70, cũng là người
có sức khỏe phi thường; hai con trai đều là các tay thiện xạ, dũng mãnh can trường.
Tất cả họ đều tới cùng đoàn người này đầu nhập quân doanh của chúng ta.
-
Quả
thật là gia đình hào kiệt, hổ phụ sinh hổ tử. Ta thực may mắn thay.
Ngô Quyền gật đầu tán thưởng. Rồi cho
người đi loan tin Kiều Công Hãn bất mãn Kiều gia vong ân phụ nghĩa, đã quay
lưng sang hàng phục Ngô tướng. Tin tức này khiến Kiều Công Tiễn ở Đại La suýt nữa
thì ngất xỉu vì tức giận. Kiều gia tuyên bố loại Công Hãn ra khỏi gia phả.
Đội quân ở Ái châu thoáng chốc đã gần
4.000 người. Ngày nào cũng có người đến xin đầu nhập hoặc cung cấp vũ khí,
lương thực. Nhờ uy danh của họ Dương và họ Ngô, nhiều phú hào các châu huyện lân
cận cũng nhiệt tình góp tiền bạc, lương thảo, đặc biệt là dân Ái châu. Ngô Quyền,
Dương Tam Kha thay phiên nhau luyện quân. Lã Xử Bình vẫn còn bị thương, chỉ làm
mưu sĩ tham vấn. Một ngày, Dương Tam Kha nói với Ngô tướng:
-
Ta
thấy Phạm Chiêm rất được lòng đám trai tráng khu vực Giao châu, Phong châu, Chi
châu. Ông ta lại tài võ, tài cung kiếm hơn người, toàn quân đều nể phục, nên
cho làm nha tướng để lấy quân tâm. Ông ta nói chuyện nhiều với chúng ta, sẽ hiểu
thêm về binh pháp, cũng tốt cho khi hành sự. Biết đâu ta lại có thêm một tướng
trí dũng song toàn.
Ngô Quyền và Xử Bình đều cho là phải.
Vì vậy, trong hàng nha tướng có thêm Phạm Chiêm. Điều này khiến trai tráng đầu
quân vô cùng phấn kích. Một thường dân áo vải, chưa bao giờ đi lính cũng có thể
làm tướng quân thì hẳn ai cũng có cơ hội làm tướng quân.
Cuối tháng bảy năm ấy, thương thế của
Lã Xử Bình đã gần như khỏi hẳn, ông ta cảm thấy có thể đi lại như bình thường,
nên muốn theo Dương Tam Kha ra ngoài quân doanh huấn luyện. Không may, trong
lúc đứng ở đài quan sát nhìn quân luyện tập, ông ta bị phục kích bằng tên tẩm
thuốc độc. Thích khách bị quân doanh cùng người dân bên ngoài bắt được, giết chết.
Nhờ đống băng bó trên người vẫn chưa tháo hết và ở khoảng cách xa, nên vết
thương của Xử Bình không sâu lắm, y sư may mắn cứu được một mạng. Nhưng việc
này khiến Ngô Quyền và Dương Tam Kha ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ
căn cứ.
Tam Kha lập tức cho người chia binh lại
thành từng đội, mỗi đội gồm 1.000 người chia thành 10 lữ, mỗi lữ gồm 100 người
chia thành 10 tốt, mỗi tốt gồm 10 người. Dương Tam Kha và Lã Xử Bình phụ trách
chung. Toàn quân có 4 đội, mỗi đội do một tướng cầm đầu gồm Phạm Chiêm, Đỗ Cảnh
Thạc, Kiều Công Hãn, Dương Cát Lợi. Trừ Phạm Chiêm, ba tướng còn lại đều là bổ
tướng hoặc quan binh dưới quyền Dương Đình Nghệ trước đây, nay bỏ thành Đại La
về đầu phục Ngô tướng.
Đứng đầu mỗi lữ là một lữ trưởng. Đứng
đầu mỗi tốt là một tốt trưởng. Các đội luân phiên tập luyện và canh phòng. Toàn
doanh bố trí ba tầng gác. Mỗi tầng do một lữ thay phiên nhau đảm nhiệm. Nguyễn
Thủ Tiệp phụ trách lương thảo. Vũ khí trang bị và ngựa chiến do Ngô Quyền quản
lý. Ngô Quyền cũng đau đầu về cung tên và gươm giáo. Sau đó ra lệnh luân phiên
mỗi tuần phải có một lữ lên rừng đốn cây, vót cung tên, phục vụ luyện tập của
toàn quân. Gươm giáo cứ hai người một thanh. Hỏng lại tập hợp lại, mang tới lò rèn,
nung lại thành gươm mới. Khôi giáp và quần áo, giầy vải đều không đủ, ưu tiên
người tới trước. Đội của Đỗ Cảnh Thạc là kị binh, nhưng chỉ một nửa có ngựa. Ngựa
của dân đều là ngựa nhỏ, không bền sức. Chỉ có ngựa của binh lính chuyên nghiệp,
hoặc của đám thổ phỉ, mọi rợ mới dùng cho quân sĩ được. Ngô Quyền đành cho người
báo Ngô Xương Ngập đang đi đánh rợ phương Nam suốt từ tháng ba phải trở về, nhớ
thu vét hết sạch ngựa và vũ khí của chúng.
Vào tháng tám, Ngô Xương Ngập, con
trai cả của Ngô Quyền, đem hơn một trăm binh và hơn ba trăm con ngựa, cùng một
đống dao, kiếm, giáo mác tự chế của đám rợ phương nam trở về Ái châu. Có thêm
ngựa và vũ khí, nhưng quân cũng có thêm hơn nghìn người, nên vũ khí, ngựa và
các trang bị khác vẫn cứ thiếu. Ngô Quyền lại sai Xương Ngập cùng hai lữ kỵ
binh của Đỗ Cảnh Thạc đi đánh rợ mạn tây nam, hy vọng kiếm thêm được ít ngựa và
vũ khí, đồng thời tôi luyện tân binh.
Trước khi lên đường, Xương Ngập nghe
xong tin nhà, muốn đến thắp hương Dương lão tướng quân và người nhà Dương gia.
Lã Xử Bình lúc đó thương thế đã đỡ hơn, cũng xin đi theo, mong muốn gặp lại cố
nhân Dương Nhất Kha.
Hai người cùng hơn 50 lính hộ tống tới
Dương gia. Ngô Xương Ngập than khóc trước bài vị Dương lão tướng quân. Còn Lã Xử
Bình sau đó được người đưa tới gặp Nhất Kha vẫn chưa đi lại được.
Vừa vào phòng Nhất Kha, Xử Bình đã
rơi lệ, ôm tay còn băng bó khó nhọc quì xuống bên giường Nhất Kha mà nói:
-
Ân
công, không ngờ chúng ta lại gặp nhau trong hoàn cảnh này.
-
Xử
Bình đứng lên đi. Ta một đời hùng tâm tráng chí, nuôi mộng phụng sự giang sơn
trăm họ, thế mà giờ ra nông nỗi này. Đời ta coi như đã hết. Còn chút sức tàn, ở
lại thế gian cổ vũ Nhị Kha, Tam Kha và con cháu Dương gia báo thù nhà nợ nước. Chỉ
cần thù cha báo xong, ta sẵn sàng nhắm mắt. Ta cũng đã biết chuyện của ngươi. Đừng
quá đau buồn.
-
Ân
công, ta đã quyết tâm phải sống sót, bằng mọi giá tiêu diệt Kiều gia, rửa hận
cho Dương lão tướng quân, Dương đại nhân và vợ con ta. Ân công yên tâm, ta sẽ
giúp Ngô tướng diệt hết đám phản thần. Ân công, người còn muốn gì nữa? Nói đi,
nếu ta có thể giúp, ta sẽ gắng hết sức mình.
-
Ta
chỉ có một nguyện vọng, chấn hưng lại Dương gia. Nhưng nhìn Nhị Kha, Tam Kha,
ta cũng không biết có được không. Ngươi thấy Tam Kha thế nào?
-
Không
dám giấu ân công, Dương tướng quân tuổi trẻ tài cao, 15 tuổi đã diệt phỉ, tiễu
trừ bạo loạn, 18 tuổi đã làm bộ tướng của cha, đứng ngang hàng với ân công cùng
Ngô tướng quân, Kiều Công Tiễn... Anh hùng, đức độ, biết nhìn xa trông rộng, tài
trí đều hơn người. Chỉ có điều… Dương tướng quân không có hùng tâm tráng chí
như ngài, không thích đấu đá, tranh đoạt thiên hạ. Âu cũng là điều đáng tiếc lắm
thay.
-
Ta
biết. Ta thế này mà Nhị Kha thì hấp tấp, hời hợt, không thể làm nên đại sự; còn
Tam Kha tài năng hơn người, lại không mưu cầu quân quyền và nghiệp lớn. Dương
gia giờ không biết trông cậy vào ai.
-
Ngài
có phải đã quên một người, Dương tiểu thư?
-
Như
Ngọc thông minh sắc sảo hơn người, nhưng chỉ là phận nữ nhi. Lại có Ngô tướng
quân hùng tâm tráng chí, tham vọng nghiệp lớn, hẳn không thể có thời gian mà mưu
sự cho Dương gia.
-
Dương
gia của ngài trăm năm thế gia danh tướng, đời nào cũng xuất hiện anh hùng hào
kiệt, ân công không nên quá lo lắng. Ta sẽ trợ giúp Dương tướng quân và người của
Dương gia, đồng thời giúp ngài để mắt tới lớp cháu chắt tiếp theo xem có bồi dưỡng
được nhân tài nào không. Chừng nào còn sống, ta sẽ không quên ơn Dương lão tướng
quân và Dương đại nhân.
-
Có
lời của Xử Bình, Dương Nhất Kha ta đã hài lòng rồi. Xin đa tạ!
Ngay chiều hôm đó, Xử Bình và Xương
Ngập về doanh trại. Đoàn người mang theo một cô nương vô cùng xinh đẹp, Phương
Dung cô nương. Xử Bình không hài lòng khi thấy Xương Ngập quấn quít bên một cô nương
lạ, lại còn đưa cô ta vào quân doanh, nhưng ông không nói gì.
Sau đó, Phương Dung cô nương đường
hoàng tiến vào Ngô tướng phủ trước sự vui mừng của Dương thị, sự kinh ngạc của
Ngô Quyền và Dương Tam Kha, và cả sự chán ghét của cậu bé Ngô Xương Văn.
(1) Hào trưởng là một chức danh của bộ máy cai trị thời phong kiến, nhưng ở
thời kì này, hào trưởng là một chức vụ quản lý cấp châu, huyện, thôn, làng -
không có trật tự hay qui tắc; do Tiết Độ Sứ cắt cử người xuống, hoặc do cộng đồng
đề cử, hoặc có thể do dùng tiền bạc, uy tín cá nhân hay dùng vũ lực mà đoạt được.
Chính quyền của Tiết Độ Sứ chỉ giám sát, kêu gọi nộp thuế, nhập quân tịch phục
vụ cho những việc chung của toàn đạo (Tĩnh Hải quân). Nếu hào trưởng nào không
nộp vì không phục, Tiết Độ Sứ sẽ cho người đem quân tới đánh.
(2) Vùng Trà Hương, thôn Đông, trấn Hải Dương, ngày nay thuộc làng Thụy Trà,
xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét