Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Luận Anh Hùng - Cheryl Pham: Chương Sáu - Vinh quang làm nên Đại Anh Hùng


Chương Sáu: Vinh quang làm nên Đại Anh Hùng

“Đánh một trận sạch không kình ngạc”

Lưu Hồng Thao lúc này 17 tuổi, đứng trong hàng ngũ tướng lĩnh Nam Hán, mới trải qua vài trận đấu nhỏ với đám loạn dân và phản thần phía Bắc, nhưng cũng được coi là có chút tài năng quân sự trong đám hoàng tử chỉ mải đấu đá nơi hậu cung.
Lưu Nghiễm còn cử thêm ba tướng dày dặn kinh nghiệm thủy chiến đi cùng làm tham mưu cho Giao vương.
Tấn Vương Lưu Hồng Hi(1) không khỏi lo lắng, hỏi phụ tá:
-         Không đi chuyến này chẳng lẽ là sai lầm? Lẽ nào đã sắp tới ngày tàn của ta rồi? Nhưng nghĩ tới việc phải cúi đầu trước thằng nhãi chỉ có tứ chi phát triển kia, ta lại không cam lòng.
Phụ tá an ủi:
-         Điện hạ bình tĩnh. Tĩnh Hải quân là một vũng nước đục. Giao vương dù có thắng trận thì cũng phải mất ít nhất chục năm mới bình định nổi nơi đó. Mà loạn dân kia đâu dễ thần phục một kẻ bất tài từ phương Bắc tới như Giao vương. Lại nói, đám man di đó đâu chỉ toàn thổ phỉ, mọi rợ. Chẳng phải trước đây cũng có Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ đó sao? Còn nếu trời không chiều lòng chúng ta, vẫn còn nhiều cơ hội xử lý hắn. Đất Tĩnh Hải quân xa xôi thế, ngài có động tay chân với cửu hoàng tử, hoàng thượng cũng nhắm một mắt cho qua thôi. Người cần đất chứ đâu thiếu một hoàng tử.
-         Nhưng phụ hoàng cho hắn tới 5 vạn binh cùng gần phân nửa số chiến hạm của Nam Hán ta, người lại còn thân chinh giữ 3 vạn để thanh viện. Không lẽ vì phụ hoàng lo hắn ngựa non háu đá? Đã thế đồng ý cho hắn đi làm chi? Không phải trắng trợn tuyên bố với thiên hạ, giang sơn này nhất định phải có phần của thằng nhãi đó ư?
-         Điện hạ chưa hiểu tâm ý của hoàng thượng rồi. Vậy điện hạ hẳn không nhớ trận nam tiến năm Canh Dần (930) rồi.
-         Có ý gì?
-         Năm đó Lương Khắc Trinh và Lý Thủ Phu dẫn một vạn binh đánh Đại La, bắt Khúc Thừa Mỹ. Thắng trận, Lương Khắc Trinh hăng say tiếp tục tiến sâu xuống phía nam, đánh tiểu quốc của Chiêm Thành, lấy được vô số trân bảo. Sau gặp đại binh của họ mới buộc phải quay về. Khắc Trinh bảo Thành quốc đó con người cục mịch, hiền hòa, quân đội kỷ luật lỏng lẻo, khí hậu nóng ấm, nhiều sản vật, trân bảo dị thường. Ngày đó, nghe nói trên điện, trước những bảo vật Khắc Trinh dâng lên, cả bệ hạ và quan tướng đều nhìn đến đờ đẫn, hận không cướp hết sạch cho mình. Hoàng thượng vốn yêu trân bảo vàng ngọc như mạng, từ đó đã bắt đầu để mắt đến Chiêm Thành. Sau này Tĩnh Hải quân tuột khỏi tay Nam Hán ta, mất cây cầu tới Chiêm Thành, Hoàng thượng đành âm thầm kích động thương nhân của ta dùng đường biển tới Chiêm Thành quốc giao thương và nghe ngóng. Nay cho Giao vương 5 vạn binh, dụng ý muốn nuốt gọn thêm một hai tiểu quốc kì bí của Chiêm Thành hiển nhiên đã lộ ra quá rõ.
-         Nhưng Hồng Thao đâu phải kẻ khôn khéo và có đầu óc, cho quản đám man dân ở Tĩnh Hải quân là đủ rồi chớ?
-         Điện hạ nói phải. Trận Chiêm Thành, hẳn do ba lão tướng già đời dưới quyền đi theo đảm nhiệm, hoặc đích thân bệ hạ ngự giá tham chiến. Ngài cứ chờ mà xem. Chỉ cần có tin chiến thắng từ Tĩnh Hải quân, hoàng thượng sẽ tạo ngay ra cái cớ để nam chinh tiếp. Chứ điện hạ đã thấy rồi đấy, tiến đánh một đám loạn dân có hơn 3 vạn, lại mù đặc thủy chiến, đâu cần một đại quân lớn đến thế ra uy.
-         Hừ, đã vậy sao ngươi còn nói đám man di kia đâu chỉ có thổ phỉ, mọi rợ, mà cũng vẫn còn bóng anh hùng hào kiệt?
-         Điện hạ, chuyện ít địch nhiều như trận Xích Bích(2), Khiêu Đình(3) đâu phải không thể xảy ra? Nam Hán ta còn chưa từng thực chiến với Ngô Quyền, ngoài mấy tin tình báo thì có gì khác đáng tin đâu. Đám man dân mà nổi điên thì trời cũng sụp, chớ nói chi 5 vạn binh.
Tấn vương thầm nghĩ cũng phải, tạm quẳng gánh lo, nhưng vẫn sốt sắng ngóng tin chiến trận.
Cuối tháng chín, cha con Hoàng đế Nam Hán cùng tướng soái đã tập hợp xong chiến thuyền và quân bị. Tới Hải Môn, nhìn trời yên bể lặng, Nghiễm gật gù, dặn con:
-         Đám Man dân đó chỉ giỏi liều chết, vốn dĩ không có qui củ, bài bản gì, lại không có tài lực hùng hậu. Chỉ cần giương cờ xí chiêng trống rợp trời đi trước uy hiếp, cũng đủ làm chúng vỡ mật. Mục tiêu của con là thành Đại La. Đám loạn dân lẻ tẻ đánh lén bên sườn chỉ cần tiêu diệt trực diện, không mải mê truy đuổi theo mà tổn hao sĩ khí. Có biến thì bảo thuyền liên lạc phát tín hiệu, ta sẽ lập tức điều quân tới thanh viện.
Hồng Thao lạy cha, rồi hăng hái dong thuyền nam tiến.
Đại quân Nam Hán với hơn 200 chiến thuyền; trong đó có 5 soái hạm ba tầng hai thân, dài 25 trượng, rộng 10 trượng, dùng bánh xe nước, trang bị hỏa công và máy bắn đá, chở được tướng soái và hơn 2.000 binh/thuyền; 25 lâu thuyền lớn dùng mái chèo, dài gần 20 trượng, rộng 7 trượng, có trang bị hỏa công, chở được hơn 1.000 binh/thuyền; 20 lâu thuyền nhỏ dùng mái chèo, có sức chở 200-300 binh/thuyền; và hơn 100 đấu hạm đơn có sức chở 50-100 binh/thuyền. Mỗi chiến thuyền lai dắt theo 5-10 ngư thuyền và hỏa thuyền(4). Số ngư thuyền và hỏa thuyền trận này mang theo ít hơn hẳn bình thường, chủ yếu dành chỗ trên khoang cho bộ binh, vì cha con Lưu Nghiễm tính toán chưa chắc đã phải dùng tới, do Ngô Quyền chỉ có một đội thủy binh quá nhỏ bé. Mũi và đáy các chiến hạm đều bọc sắt, và giống gươm kiếm, đều phủ crôm bên ngoài chống ôxi hóa.
Đại quân dàn hình chữ thập đi trên biển, dẫn đầu là soái hạm của Hồng Thao và các tướng phụ tá với 3 đấu hạm đơn bảo vệ xung quanh. Cờ xí rợp trời, kèn trống vang xa tới vài dặm biển, khí thế ngút trời.
Cuối tháng chín cũng đúng lúc biển lặng, không còn bão và sóng cồn, cũng hầu như không có một giọt mưa. Con đường biển xuôi nam thẳng băng, không hề gặp chút cản trở nào với đại quân. Đây cũng là lúc các thương thuyền phương Bắc chất đầy hàng hóa lên đường xuống Giao châu, Chiêm Thành, Đế quốc Khmer, vương quốc Medang, vương quốc Malayu… và Ấn Độ, Ba Tư. Thương thuyền chở lụa, tơ, giấy, nến, đồ gốm tinh xảo… tấp nập trên biển, thấy đại quân với những chiến thuyền khổng lồ, không khỏi tò mò, trầm trồ thán phục, một số còn bạo dạn phát tín hiệu bái phỏng, nhưng Hồng Thao đắc ý phớt lờ.

Trong lúc đó ở trấn Hải Tần Phòng Thủ của xứ Hải Dương, kế hoạch tác chiến chi tiết đã được Quyền, Tam Kha, Xử Bình, Phạm Chiêm thông qua, chỉ chờ tiền trạm ở Hạ Long báo tin địch tới là bắt đầu bày trận. Cọc gỗ lim, gỗ táu bịt sắt cũng đã xong gần 4 vạn. Cung tên chất đầy chục kho lớn. Đội quân từ 5.000 người, chưa đầy hai tháng đã lên tới gần 7.000. Những đinh tráng mới gia nhập đa số là người địa phương, thông thạo thủy thổ, bơi lội giỏi, được sung sang đội thủy binh của Phạm Chiêm, luyện cách cận chiến và bắn cung nỏ trên sông.
Đội quân ở thành Đại La được mật lệnh phải trấn thủ nghiêm ngặt hai cổng thành Bắc và Đông, nơi gần dòng Nhị Hà nhất. Đinh Công Trứ cho quân đào hào, đặt nhiều bẫy rập ở cổng phía Đông để cản đường bộ binh, cũng cho một toán 1.500 quân đóng chốt bên dòng Nhị Hà, cách cửa Bắc hai dặm; một toán 500 người chốt tại khúc uốn, nơi dòng nước chảy xiết nhất giữa sông Thầy và sông Thiên Đức, để đánh chặn thủy quân địch. Dương Cát Lợi một mặt xử lý đám hào trưởng địa phương dấy binh nổi loạn nhăm nhe công thành, một mặt lo gia cố những đoạn tường thành xung yếu.

Cuối tháng 10 năm 938, sứ thần Nam Hán cùng 50 kỵ binh tinh nhuệ đã đứng hò hét trước cổng Bắc thành Đại La:
-         Mở cổng thành! Ta mang chỉ dụ của Hoàng đế Nam Hán tới cho Tiết độ sứ Kiều Công Tiễn. Mau mở cổng thành!
Dân chúng bị đoàn sứ thần ngang ngược giương cung bạt kiếm xua dạt sang hai bên, không dám đi tới cổng thành lớn. Quan coi thành Trần hiệu úy vội vã cho người báo tin tới Đinh Công Trứ và Dương Cát Lợi. Cát Lợi đứng trên cổng thành nhìn xuống, thấy đúng cờ xí của Nam Hán, bèn nói:
-         Không có Tiết độ sứ Kiều Công Tiễn ở thành Đại La. Các người đi chỗ khác mà tìm!
Sứ thần tức giận, biết rằng Công Tiễn đã cầu hòa với Ngô Quyền, giờ có thể đã bị Ngô Quyền bãi chức và quản thúc; nhưng sứ thần không thể bắt tay với lũ lục lâm thảo khấu này được, sẽ làm mất tôn nghiêm của Hoàng đế và Nam Hán, nghĩ thế y bèn hống hách quát:
-         Điêu dân to gan, dám bất kính trước Thánh thượng. Rồi các ngươi sẽ phải trả giá đắt. Tên phản tặc Ngô Quyền đâu? Gọi hắn mau ra đây nghe chỉ dụ của Thánh thượng.
Cát Lợi không buồn đếm xỉa, hắng giọng:
-         Lão thất phu lỗ mãng kia, ăn nói cẩn thận không ta cho người cắt lưỡi bây giờ. Ngô tướng là bậc anh hùng một lòng vì nghĩa lớn, diệt phản thần, báo đền nợ nước thù nhà, lại là người nhân ái độ lượng. Nhưng Cát Lợi ta đây lòng dạ không rộng lớn được đến thế đâu, có thù tất báo, ta còn nghe bất kì lời vô sỉ nào với Ngô tướng, sẽ giết không tha.
Nói rồi Cát Lợi ra hiệu, cung thủ đứng dày đặc trên cổng thành, tên đã căng sẵn sàng, hướng thẳng về phía đoàn người của sứ thần Nam Hán. Phụ tá bên cạnh sợ hãi, khẽ nhắc sứ thần:
-         Đại nhân, đừng nói chuyện phải trái với lũ loạn dân này nữa. Chúng không hiểu thế nào là phép tắc, kỷ cương, cũng không biết lễ nghĩa trên dưới đâu. Nên chúng cũng chẳng cần biết ‘hai nước đánh nhau không chém sứ giả’. Ngài nhanh chóng đọc cáo rồi rút lui cho an toàn. Trong thành chúng còn 2 đến 3 vạn quân, chúng ta chỉ có 50 kỵ binh, có tinh nhuệ đến đâu cũng không địch nổi chúng.
Sứ thần gật đầu ra hiệu đã hiểu, rồi quát Cát Lợi:
-         Lũ man dân kia nghe đây. Mau truyền lại chỉ dụ này của Thánh thượng cho Ngô Quyền. – Rồi y giở cuộn giấy da dê và đọc to lên – ‘Thiên Hoàng Đại Đế, Đại Hữu năm thứ 11, tháng 9, ngày 3. Trẫm nhận được thư khẩn cầu viện của Tiết Độ Sứ Tĩnh Hải Quân Kiều Công Tiễn, nói rằng nội vụ của Tĩnh Hải quân đang vô cùng rối ren, hào kiệt và thổ phỉ tranh hùng, dấy binh nổi loạn khắp nơi, trong đó có thứ sử Ái châu Ngô Quyền cầm đầu hàng vạn loạn dân châu Ái, truyền lời dối gạt lòng người, hòng che đậy âm mưu dấy binh tạo phản, diệt trung thần ái tướng, chiếm ngôi Tiết độ sứ, thâu tóm giang sơn; khiến lòng người hoang mang. Y lại cướp đoạt quân lương, vàng bạc của trăm họ về làm của riêng, không ngừng lỗ mãng phô trương thanh thế, lớn giọng de dọa đưa quân tới tiêu diệt Kiều Tiết độ sứ và thân quyến, khiến quân sĩ và lòng người đều sợ hãi, Tĩnh Hải quân càng thêm đại loạn. Kiều Tiết độ sứ khẩn thiết cầu trẫm xuất binh tương trợ diệt Ngô Quyền, bình định Tĩnh Hải quân. Nay trẫm thấy Kiều Tiết độ sứ một lòng ái quốc, vì dân vì nước, nhưng sức yếu thù mạnh; lại thấy Tĩnh Hải quân đời đời cùng là láng giềng thân thuộc của vương triều Đại Hữu, tình cảm khăng khít như anh em một nhà; sự vụ Tĩnh Hải quân trẫm cho điều tra quả thật giống như lời Kiều Tiết độ sứ trình bày; trẫm vô cùng lo lắng và thương thay cho muôn dân trăm họ đất Tĩnh Hải quân, cũng khen cho tấm lòng ưu dân ái quốc của Kiều Tiết độ sứ. Vì nghĩa lớn, trẫm quyết định gửi 5 vạn binh do Giao vương Lưu Hồng Thao dẫn đầu, theo đường biển tới thành Đại La chung sức giúp Kiều Tiết độ sứ diệt Ngô Quyền, bình định Tĩnh Hải quân. Ngày 29 tháng 9 năm Đại Hữu thứ 11 xuất binh. Khâm thử.’
Vừa dứt lời, sứ thần đã giật mình vì Cát Lợi bừng bừng tức giận, trỏ gươm xuống dưới hét lên như sấm:
-         Lũ giặc đáng chết! Dám buông lời dối trá lừa gạt lòng người hòng cướp đoạt giang sơn ta. Kiều Công Tiễn là tên gian thần, diệt ân công, giết trung thần ái tướng, hại vô số mạng người để cướp quân quyền, lại liên minh với ngoại bang, rước voi dày mồ. Ngô tướng cùng quân sĩ một lòng vì dân vì nước đã giết tên giặc già đó, trừng trị đám người Kiều gia bất trung bất nghĩa, nay sẽ quyết cùng quân dân trăm họ hết lòng bảo vệ giang sơn trước Nam Hán. Bay đâu, đưa Kiều Công Tiễn và lũ người Kiều gia ra đây cho bọn khốn Nam Hán mở mắt ra mà xem số phận của những kẻ bất trung bất nghĩa!
Hơn hai chục cái xác được mang ra, dòng dây gai treo lủng lẳng trước cổng thành, cái xác nào cũng lộn nhộn ròi bọ, mất chân, mất tay, trong tình trạng đang phân hủy, bọc trong túi gai. Một cái xác không đầu, bị banh ra rộng nhất, gắn tên Kiều Công Tiễn trước ngực. Tình cảnh vô cùng ghê sợ. Đám sứ thần trợn mắt kinh hãi. Lại nghe Cát Lợi thét lên:
-         Cút! Lũ giặc khốn kiếp! Cút ngay! Ngô tướng và toàn dân ta sẽ cho vua quân các người chịu cảnh như thế này, nếu các người dám đặt chân vào Đại La. Quân đâu, đuổi lũ giặc cướp này đi!
Từ trên cổng thành, tên lao xuống như mưa. Sứ thần sợ hãi, quẳng luôn tấm da ghi chỉ dụ xuống đất, thúc ngựa chạy bán sống bán chết. Đám kị binh cũng nháo nhào đuổi theo. Khi chúng đã đi khuất, Cát Lợi cho người ra nhặt lại tấm da dê, cấp tốc gửi ngay tới Ngô Quyền đang ở đại bản doanh.
Còn bè lũ sứ thần Nam Hán, sau khi chạy thục mạng gần hai canh giờ, thấy không có người đuổi theo mới dừng lại hội ý. Sứ thần đã trấn tĩnh lại.
-         Nếu quả thật Công Tiễn và Kiều gia đều đã bị giết hết thì bất lợi cho quân ta rồi. Lũ thám báo thật vô dụng!
Trợ tá an ủi:
-         Chưa biết chừng bọn chúng chỉ giết gà dọa khỉ. Kiều gia là một trong thập đại gia tộc ở đất Tĩnh Hải quân. Sao chúng dám làm càn mà giết sạch thế được. Hẳn chỉ muốn làm đại quân chúng ta nhụt chí thôi.
Lão sứ thần già đời lắc đầu:
-         Không đâu. Dựa theo bản tính manh động, vô kỷ luật của đám loạn dân này thì giết sạch mới là hợp lẽ. Ta và nhiều tướng soái khi nhận tin báo Tiễn đầu hàng và qui phục Quyền, đã không tin là chỉ dừng lại đó. Nhìn tình trạng xác chết, hẳn đã tử vong từ vài tháng trước. Chúng đã ém tin này, hẳn có chuẩn bị chu đáo đối phó với chúng ta rồi. Chúng ta đã quá tự đắc. Không được, ta phải cấp báo ngay cho bệ hạ và Giao vương.
Thủ lĩnh đám kỵ binh bảo hộ đoàn sứ thần nói:
-         Đại nhân, bây giờ mà quay lại Nam Hán nhanh cũng mất hai tháng, trong khi đó đại quân của ta giờ này đã trên biển. Thời tiết mùa khô khá thuận lợi, nếu không có biến cố lớn thì cuối tháng tới sẽ đến cửa Nam Triệu. Ta nên chia người ra, một nhóm đi về cấp báo cho Bệ hạ, còn một nhóm ở lại cấp báo cho Giao vương cẩn thận đề phòng. Mong ngài nhanh chóng ra quyết định.
Lão sứ thần thấy phải, bèn cho một nhóm 10 kỵ binh đi cùng phụ tá theo đường bộ khẩn cấp chạy về Nam Hán, còn ông ta cùng đám kỵ binh còn lại tìm đường nhanh chóng báo cho đại quân của Giao vương đang sắp tới. Đám người này chạy về mạn phía đông bắc, tới bãi Vạ Cháy(5), hỏi ngư dân, biết là để vào được cửa Nam Triệu, từ phương Bắc phải đi qua vịnh Hạ Long, rồi đảo Các Bà; bèn thuê thuyền nhỏ ra một đảo ngoài mạn đông vịnh Hạ Long, nơi có thể nhìn thấy các thương thuyền từ phương bắc tới; rồi chờ đợi ở đó.

Tin Nam Hán đưa 5 vạn đại quân tới theo đường biển ngay lập tức truyền đi gây trấn động khắp 12 châu. Trừ dân ở Giao châu và Ái châu vốn đi theo Ngô Quyền từ trước, còn người dân những nơi khác đều hoang mang lo sợ. Đám hào trưởng, thổ phỉ lẫn giang hồ giận dữ trước hành vi bán nước của Công Tiễn, nhưng cũng hiểu ra rằng Ngô Quyền không lừa dối trăm họ. Nhiều thủ lĩnh địa phương đã đứng lên tuyên bố ủng hộ Ngô Quyền đánh đuổi Nam Hán, khẩn cấp gửi quân lương tới đại bản doanh, trong đó có cả Trần Lãm, Nguyễn Khoan và Lý Khuê.
Về phía Ngô Quyền, ngay đêm đó đã nhận được tấm da dê Cát Lợi gửi đến. Xử Bình, Tam Kha, Phạm Chiêm cũng được gọi về đại bản doanh ngay lập tức để họp với các tướng lĩnh. Quyền nói với các tướng:
-         Hồng Thao là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát.
Tam Kha bảo:
-         Nhưng 5 vạn binh là con số lớn. Nếu không phải tin tức Kiều gia đã bị lộ thì nhất định Nam Hán còn ý định khác.
Quyền gật đầu:
-         Ta cũng nghĩ vậy. Ta đã hỏi người mang tin tới, hắn nói sứ thần khi thấy xác Công Tiễn và Kiều gia thì sợ đến vỡ mật, chạy chối chết. Như vậy hẳn tin này chưa bị lộ trước đó. Lượng quân lớn như thế tất chúng còn có mưu đồ khác.
Tam Kha băn khoăn:
-         Sợ nhất là chúng biết được cặn kẽ tần nhịp thủy triều ở đây mà có kế hoạch tiến lui đúng lúc. Thế thì e là kế đóng cọc ngầm cũng không có tác dụng(6), lúc đó Đinh tướng quân chỉ với 2 vạn binh khó mà giữ được Đại La. Chúng ta đành lấy lui làm tiến, chỉ còn cách trá hàng để củng cố binh lực, trường kỳ kháng chiến.
Các tướng lúc này đều đăm chiêu. Xử Bình nghĩ một hồi rồi nói:
-         Dù chúng có mưu đồ gì thêm thì chắc chắn cũng phải qua cửa Nam Triệu, hạ thành Đại La trước tiên. Ta phải dùng hết tâm sức lo chu đáo cho trận thủy chiến, nếu thất bại, Đại La chắc chắn sẽ thất thủ đúng như Dương tướng quân nhận định. Do đó, việc bày bố trên vùng cửa sông phải tuyệt đối bí mật, để thám báo của Nam Hán không phát hiện ra. Phạm Chiêm, hãy cho người thắt chặt tuần tra canh gác kỹ vùng cửa sông, bắt giữ tất cả những ai khả nghi. Cuối tháng 9 Nam Hán xuất binh, nếu không gặp trở ngại gì hẳn cuối tháng 11 tới cửa Nam Triệu. Chúng ta còn một tháng để chuẩn bị. Thượng tuần tháng 11 sẽ đóng cọc, trung tuần sẽ bắt đầu dàn binh. Từ mai tuyệt đối không cho bất kỳ người dân nào lui tới vùng từ cửa sông tới ngả Đá Bạc.
Quyền và các tướng đều nhất trí, gật đầu.
Sang thượng tuần tháng 11 năm 938, Ngô Quyền, Phạm Chiêm, Tam Kha cùng Xử Bình thân chinh đi giám sát đóng cọc ở ba vị trí: rặng đá ngầm ghềnh Đá Bạc, rặng đá ngầm cửa sông Tranh (cách ngã ba Bạch Đằng – sông Tranh chừng một dặm), và khu cọc chính từ núi U Bò tới rặng đá ngầm ở ghềnh Cốc (cách cửa Nam Triệu chừng 20 dặm). Khu ghềnh Đá Bạc và cửa sông Tranh là điểm đánh chính của bộ binh, chỉ cần đóng cọc nghi binh, lấy hỏa công làm chủ lực, khiến giặc khiếp sợ tháo chạy. Cọc đóng thưa hai bên bờ chừng 1 dặm, dài khoảng 2 dặm. Riêng ghềnh Đá Bạc đóng thêm dải cọc giữa lòng dài chừng gần nửa dặm để thị uy khiến thuyền địch không dám tiến lên. Cọc đoạn này cắm thẳng. Trận địa cọc chính nằm ở ghềnh Cốc, dài hơn 12 dặm, rộng 4-8 dặm, trải dài theo dãy U Bò và khu đồng muối(7), cách cửa sông Tranh chừng 8 dặm. Cọc này được dàn ra từ giữa lòng sông theo tính toán của Xử Bình, đóng dày đặc cứ 400-500 cọc/mẫu (mỗi cọc cách nhau chừng nửa bộ), đoạn giữa lòng sông được cắm thẳng, rồi càng gần bờ càng nghiêng dần về hướng tây bắc tới góc 75o– ngược chiều dòng nước chảy ra biển. Đoạn khu đồng muối gần cửa Nam Triệu nhất, một dải cọc đóng thêm thế xiên theo hướng đông bắc. Cọc sắt được đóng ngay cửa ghềnh Cốc, tiên phong chặn đường rút của địch quân.
Cách đóng cọc trên lòng sông cũng không hề dễ dàng. Nhưng nhờ nhóm người Vũ Dũng, Nguyên Tất Tố, Đào Nhuận đều là người bản địa, nên sau một thời gian thử nghiệm, đã tìm ra cách đóng cọc hiệu quả nhất, vừa chắc lại không tốn nhiều sức. Gốc cọc được thả xuống sông, nhấn chìm một phần xuống bùn, phần ngọn và giữa buộc hai sợi dây nháng để giữ và điều chỉnh cọc. Thân cọc được dựng theo phương thẳng đứng với mặt nước. Hai đoạn dây nháng được điều chỉnh để cọc không bị nghiêng ngả. Phần trên cọc có que ngáng buộc ngang để một hoặc hai người đứng lên nhún nhảy và lắc ngang thân cọc, nhấn cọc chìm sâu dần. Khi cọc cắm xuống độ sâu ổn định, chỉ cần thả dây hậu nháng và ghì thân cọc vào dây nháng trên, vừa kéo vừa khẽ lắc ngang, thân cọc sẽ nghiêng theo ý muốn. Mỗi thuyền chục người cắm 20 cọc mỗi ngày, gần 200 thuyền chưa đầy 10 ngày đã cắm xong toàn bộ bãi cọc.
Trung tuần tháng 11, các cánh quân bắt đầu được điều động vào vị trí. Khu ghềnh Đá Bạc gần cửa sông Đá Bạc là điểm đầu mai phục, một cánh 2.000 quân bộ bên tả ngạn do Dương Tam Kha phụ trách, một cánh 2.000 quân bộ bên hữu ngạn do Ngô Quyền phụ trách. Điểm mai phục thứ hai tại cửa sông Tranh, một cánh tả ngạn 1.000 quân bộ do Xử Bình phụ trách, một cánh hữu ngạn 1.000 quân do Ngô Xương Ngập phụ trách. Điểm mai phục thứ ba đầu dãy U Bò, gần cửa Nam Triệu nhất, 1.000 quân bộ bên tả dưới quyền Dương Nhị Kha, 1.000 quân bộ bên hữu của Kiều Công Hãn. Cảnh Thạc đưa 1.000 thủy binh từ Nhị Hà xuống mai phục tại ghềnh Đá Bạc, Nguyên Tất Tố dẫn 500 thủy binh mai phục ở sông Tranh, Vũ Dũng dẫn 500 thủy binh mai phục cùng toán quân bộ của Dương Nhị Kha. Phạm Chiêm dẫn 1.000 thủy binh với 150 chiến thuyền chịu trách nhiệm đi dụ địch vào cửa Nam Triệu đúng thời điểm triều cường.

Ngày 23 tháng 11 năm 938, Hồng Thao nhận được tin báo từ hoa tiêu đã vào tới vịnh Hạ Long. Chuyến hành quân hai tháng liên tục không dừng trên biển thật không dễ dàng. Thời tiết hết sức thuận lợi, không bão tố, không sóng to, không hải tặc, dù hai tuần trở lại đây, thời tiết sang đầu đông nên có vài cơn tố lốc và gió mạnh, nhưng không gây tổn thất gì. Chỉ có điều con đường biển quá dài. Lần đầu tiên đại quân hành quân theo đường biển một chặng dài như vậy, lại đa số là bộ binh, nên rất nhiều người bị say sóng đến hoa mắt mệt nhoài, kể cả Hồng Thao và các tướng. Lúc này mọi người chạy hết lên boong, thấy cảnh vô số đảo lớn đảo nhỏ hiện ra từ mờ xa tới khi rõ dần. Cảnh diễm lệ không sao tả xiết, như chốn bồng lai tiên cảnh chứ không phải chốn nhân gian. Nếu vào ngày nắng thì không biết còn lộng lẫy đến nhường nào. Hồng Thao đã tỉnh táo hơn, chép miệng nói với các tướng:
-         Đánh xong trận này, ta nhất định phải xin phụ hoàng cho xây dựng một hành cung ở đây. Để phụ hoàng cùng con cháu tôn thất hưởng tiên cảnh bất phàm nơi này.
Sĩ khí trong đại quân Nam Hán nhờ đó cũng lên cao dần. Họ đều tin rằng, không dễ dàng nhìn thấy chốn bồng lai tiên cảnh này, coi như cũng là may mắn và phúc phận. Thậm chí có người còn bảo, sau khi nhìn thấy nơi tiên cảnh này, có chết cũng cam lòng.
Ngày 25, Hồng Thao gặp sứ thần và hai thám báo. Sứ thần kể về cái chết của Kiều Công Tiễn và Kiều gia. Thám báo đem tới 5 người địa phương làm hoa tiêu, đồng thời thông tin rằng trong thành Đại La có 2 vạn binh do Đinh Công Trứ và Dương Cát Lợi cầm đầu, binh yếu vũ khí đơn giản; Ngô Quyền và các tướng cùng gần vạn binh đã chặn vùng cửa sông Bạch Đằng một đoạn dài gần 80 dặm, chắc chắn sẽ có mai phục. Vài thám báo đã bị bắt giữ cùng đám giang hồ và man dân vì đi vào khu vực đó. Thủy binh do Phạm Chiêm và Nguyễn Cảnh Thạc phụ trách, chỉ có khoảng 3.000 với vài trăm thuyền mông đồng vô cùng thô sơ và nhỏ, hẳn không phải là vấn đề với đại quân dày dặn thủy trận của Nam Hán. Thao chỉ bồn chồn với tin Công Tiễn và Kiều gia bị diệt, lo lắng hỏi các tướng:
-         Không còn nội ứng, e rằng việc công thành của ta cũng không thuận lợi rồi. Tới gần Đại La, chắc phải tìm chỗ hạ trại trước, rồi hẵng nghĩ cách đồ thành.
Tô tướng quân không cho là vậy.
-         Vương gia, ta nghĩ chúng ta nên cẩn thận đối phó với đám quân mai phục vùng cửa sông đã. Còn đám loạn binh ở Đại La ta không cho là có chút uy hiếp nào. Chúng ta mới tới đây lần đầu, thủy thổ đều chưa thông thạo. Giờ đại quân vẫn còn đang mệt mỏi, tinh thần đều xuống dốc. Xin ngài thận trọng cho vài thuyền vào trước thám thính rồi hãy tiến, để tránh tổn thất không cần thiết.
Nhưng hai tướng còn lại đều tỏ ra bất mãn.
-         Hừm, lũ loạn dân đó chỉ giỏi cầm dao, cầm cuốc, chứ sao biết cầm thương giáo, bắn cung tiễn. Thủy binh còn chưa bằng số lẻ của ta, đáng để ta nhìn vào mắt hay sao. Quan trọng nhất là hạ thành Đại La. Mất nội ứng trong thành đúng là có chút khó khăn cho ta. Nhưng chẳng lẽ 5 vạn binh tinh nhuệ của ta mà không đấu nổi với 2 vạn loạn dân sao? Lý tướng quân và Lương tướng quân tám năm trước chỉ dùng chưa tới một vạn binh mà đánh tan mấy chục vạn man dân thổ phỉ suốt dọc đường hành quân từ biên giới tới Đại La, dễ dàng hạ thành rồi đánh xuống cả Chiêm Thành đấy thôi.
Tô tướng quân tức giận nói:
-         Không phải chưa đầy một năm sau Dương Đình Nghệ đã chiếm lại Đại La đó sao? Nếu Ngô Quyền cũng lại là một Dương Đình Nghệ nữa thì sao?
-         Hừm, một tên giặc cỏ từng chạy theo chân họ Khúc rồi lại họ Dương suốt mấy chục năm thì nay có thể làm được gì chứ?
Hồng Thao nhớ lại lời cha, bèn gật đầu nói:
-         Được rồi. Theo ta thấy, một vạn quân của Ngô Quyền mai phục vùng cửa sông không đáng phải bận tâm. Nhưng để đề phòng họa vô đơn chí, ta sẽ cử hai thuyền nhỏ giả thương nhân tiền trạm thám thính. Đại quân tạm thời dừng ở bên ngoài cửa sông.
Đại quân tiến sâu vào vịnh, tới mạn tây bắc đảo Các Bà(8) thì dừng lại bên bờ khuất gió. Thời tiết mùa đông đã bắt đầu có mưa phùn gió bấc, buổi chiều tối mưa thành hạt, sường mù giăng dày đặc không thể nhìn xa, nhất là từ giờ dần tới giờ thìn. Chờ đến cuối buổi sáng, gần giờ ngọ, mây mù tản bớt, hai thuyền nhỏ cùng gần hai chục binh tốt giả người làm ăn phương bắc tiến vào cửa Nam Triệu, gặp ba thuyền mông đồng với khoảng 70 binh lính chặn lại. Thấy là người phương Bắc tới, một lính đập vài tiếng trống hiệu. Sau đó một đoàn khoảng gần 50 thuyền mông đồng vội vã lướt tới bao quanh hai thuyền Nam Hán. Phạm Chiêm hùng hổ sai người bắt giữ toàn bộ số người trên tàu và lai dắt hai thuyền vào một bãi lau. Sau khi một vị thương gia – do một quan binh giả dạng – ra sức giải thích rằng họ chỉ là thương nhân, mới lần đầu tới Giao châu làm ăn, không biết đường nên đi nhầm; Chiêm cho người cướp hết tài sản, giữ lại một thuyền, đánh đập một hồi rồi cho thả toàn bộ đám người lên một chiếc thuyền còn lại và đuổi đi. Đám người về tới chỗ đại quân, tức giận kể lại chuyện với Hồng Thao và các tướng. Hồng Thao không khỏi vui mừng, cười ha hả nói:
-         Đúng là một lũ thổ phỉ. Tướng thống lĩnh thủy quân gì chứ, bảo là thủ lĩnh đám rợ phỉ cũng đâu có sai. Các ngươi thấy sức mạnh của đám loạn dân này rồi đấy. Phen này thì dẫu không cần Kiều Công Tiễn, ta cũng dễ dàng hạ thành Đại La thôi.
Ngày 2 tháng 12 năm 938, Hồng Thao cho giương cờ xí trên tất cả các chiến thuyền, chiêng trống ầm ầm, khởi hành từ đầu giờ ngọ lúc sương mù đã tan bớt, thẳng tiến vào cửa Nam Triệu. Ba đấu hạm đơn hung hăng đi trước, rồi tới soái hạm lớn của Hồng Thao. Soái hạm của Tô tướng quân đi cuối cùng phòng hậu.

Về phía Ngô Quyền, từ ngày 24 đã nhận được tin báo của nhóm tiền trạm ngoài vịnh Hạ Long cho biết đã nhìn thấy các chiến thuyền khổng lồ của Nam Hán từ rất xa. Kể từ ngày đó, thông tin về đại quân địch mỗi ngày được gửi ba lần về cho Quyền và các tướng. Sau sự kiện hai thuyền Nam Hán tiền trạm xâm nhập, Quyền ra lệnh cho toàn quân vào vị trí, kể cả binh tướng ở Đại La.
Sáng ngày mồng 2, trời âm u, gió đông và đông bắc thổi nhẹ, không mưa, lạnh như cắt, sương mù như thường lệ dày đặc trên biển và vùng cửa sông tới giữa giờ thìn. Tầm nhìn trên biển lúc này đã tăng lên từ 2 dặm tới khoảng hơn 10 dặm. Từ đầu giờ ngọ, tiếng chiêng trống đã dội lại ầm ầm, báo hiệu một đại quân lớn đang tiến tới. Đang thượng tuần tháng 11 âm lịch, thủy triều rất mạnh. Tầm giữa giờ mão, con nước đã lên cực đại tới hơn một trượng(9), tới giờ ngọ bắt đầu rút dần. Theo đà này, tới giờ thân và giờ dậu, triều rút mạnh nhất, lại đúng lúc đoàn chiến thuyền Nam Hán tiến vào. Vì vậy Phạm Chiêm có nhiệm vụ cầm chân địch tới hết giờ dần sáng hôm sau.
Đầu giờ thân, vừa vất vả dò dẫm từ eo biển hẹp qua bến Gót(10), đại quân Nam Hán đã gặp cuộc tấn công đầu tiên của Phạm Chiêm. 100 thuyền mông đồng đột ngột xuất hiện chặn ngay đầu đoàn thuyền hùng vĩ, bắn cung tên ào ào về phía soái hạm đi đầu của Hồng Thao, giết chết hai hoa tiêu người bản địa. 30 thuyền khác xiên thẳng vào giữa đoàn chiến hạm, dùng cung tiễn phóng hỏa chớp nhoáng diệt được vài chục lính tốt. Còn 30 thuyền đánh tập hậu. Tất cả vội vã biến mất ngay sau đó. Từ đó, cứ nửa canh tới một canh giờ, chuyện này lặp lại đôi ba lần. Đại quân Nam Hán về cơ bản không bị hao tổn nhiều, chỉ chết vài chục người và bị thương gần trăm người mỗi bận, nhưng phải lo dập lửa ở những chiến hạm đơn. Ban đầu, đội hình có rối loạn nhỏ ở tuyến giữa, nhưng sau hai canh giờ bị tập kích liên tục, đội hình Nam Hán đã nhanh chóng thích nghi và có phương án đối phó thích hợp. Do bị mất toàn bộ 5 hoa tiêu, còn hoa tiêu và thám báo của Nam Hán cũng không thông thạo sông lạch nơi này nên vô dụng, trời lại tối đen như mực từ cuối giờ dậu, đoàn quân phải dừng lại, cho hai chiến hạm đổ bộ lên đảo, bắt lấy chục cư dân địa phương làm hoa tiêu. Trong đêm tối, dù đuốc thắp sáng trưng trên các chiến thuyền, nhưng vẫn không tránh khỏi bị tập kích của đám người Phạm Chiêm không đèn đuốc. Nhưng Nam Hán chỉ tổn hao vài thuyền nhỏ. Còn đám người Phạm Chiêm đã thiệt hại hơn 100 và mất 24 thuyền dưới áp lực chống trả như vũ bão của cung nỏ và máy bắn đá Nam Hán. Hồng Thao và đám tướng sĩ rất khinh bỉ khi nhìn thấy những con thuyền độc mộc nhỏ xíu chở đám binh lính áo quần lộn xộn, không có khôi giáp, cung tên cũng hết sức thủ công này. Một tướng ngạo nghễ nói với Giao vương:
-         Vương gia, đội quân tập kích này đúng là không đáng lo. Chúng chỉ có khả năng đánh tỉa nhỏ lẻ, giết hoa tiêu, cản trở làm chậm một chút đường tới Đại La thôi. Không ngờ lần xuất đại binh này chỉ sóng biển mới khiến chúng ta mệt mỏi, tiêu hao sức lực. Thật không có cảm giác thành tựu!
Giao vương và các tướng hỉ hả cười lớn.
Bắt được thêm chục người bản xứ lên thuyền thì đã sang nửa đêm - giờ tý. Thao tra hỏi một lúc rồi quyết định nghỉ ngơi hai canh giờ. Cuối giờ dần xuất phát. Sương mù và đêm tối khiến đoàn quân tiến rất chậm chạp. Đội quân của Phạm Chiêm vẫn quấy phá, nhưng lần này rút kinh nghiệm, đám hoa tiêu bản xứ được binh lính bảo vệ dày đặc xung quanh. Tới giữa giờ mão, trời bắt đầu hửng sáng, quân Phạm Chiêm cũng không thấy đâu nữa. Thao cho rằng trời sáng khiến đội quân tập kích thấy mất ưu thế, thiệt hại nhiều, nên đã tự rút lui. Thao cho thuyền tăng tốc. Cuối giờ thìn, đại quân đã tới cửa Nam Triệu. Sương mù cũng giảm dần. Trời đã sáng rõ. Nhìn hai bên bờ sông, bến lách đìu hiu, lau sậy thấp lè tè trải hàng dặm; nước mênh mang với sóng bạc đầu cường độ nhỏ trải rộng tới hàng chục dặm, tướng sĩ Nam Hán không khỏi mỉm cười. Thế này làm sao mà sợ phục kích hay mắc cạn được đây.
Vừa đi vào cửa sông được chừng hai dặm, Phạm Chiêm dẫn 100 thuyền mông đồng dàn quân đón đầu. Tên bắn ào ào lên soái hạm của Hồng Thao. Binh lính Nam Hán được hướng dẫn từ trước, tập trung bảo vệ hoa tiêu, chỉ khi quân Phạm Chiêm tới gần mới giương cung bắn trả. Hồng Thao khó chịu nhìn những thuyền nhỏ đi thoăn thoắt luồn lách trước mặt, hỏi các tướng:
-         Dùng hỏa thuyền đi! Cho lũ khốn kia một mồi lửa. Đánh với đám châu chấu này không đáng phải phí cung tiễn.
Một lão tướng bên cạnh lắc đầu:
-         Vương gia, không thể dùng hỏa. Vừa vào cửa sông, ta đã nhận thấy gió thổi hướng đông, dòng nước chảy theo hướng tây nam đều rất mạnh. Hỏa thuyền nếu thả, ắt lại trôi về phía ta rồi ra biển thôi.
Mấy tướng sĩ khác hóm hỉnh đùa nhau:
-         Ta mà chỉ huy đám thủy binh bé xíu kia, tất sẽ tận dụng triệt để hướng gió và dòng nước. Không tiêu diệt được ít nhiều thì cũng dư sức làm đại quân này khốn đốn. Lũ man dân kia thật ngờ nghệch. Binh pháp đơn giản vậy mà cũng không nghĩ ra.
Hồng Thao nói:
-         Cho cung thủ ra mặt, dẹp ngay đám loạn dân phía trước kia đi.
Tên và máy bắn đá từ các thuyền lớn của Nam Hán bắn ra như mưa. Máy bắn đá trên soái hạm và các lâu thuyền cũng được khởi động, tung những tảng đá lớn về phía đội thuyền độc mộc của Phạm Chiêm. Nhưng mông đồng là loại thuyền nhỏ, nên khá cơ động trong tác chiếc giữa các chiến hạm khổng lồ của đối phương. Hầu như không thuyền nào bị trúng đá. Thao lại xua quân dàn trận, hòng nhanh chóng dẹp tan mấy kẻ quấy nhiều, bám lẵng nhẵng theo từ hôm qua đến giờ không chịu thoái lui. Cung tiễn đen kịt trời khiến các thuyền mông đồng phải trốn tránh vô cùng vất vả. Binh Nam Hán đã nhảy lên mấy thuyền nhỏ giao chiến trực tiếp. Bị tổn thất mất hơn chục thuyền, Phạm Chiêm cho quân rút về thượng nguồn. Hồng Thao và tướng sĩ ha hả cười to và xua đoàn soái hạm nhanh chóng đuổi theo.
-         Đuổi theo mau! Chúng sẽ dẫn chúng ta tới Đại La rất nhanh thôi.
-         Vương gia, cẩn thận có phục binh. Có mấy ghềnh đá lớn và dải núi nhỏ hai bên kia, rừng cây lại um tùm. – Mấy tướng sĩ can ngăn, nhưng Hồng Thao ngạo nghễ gạt đi.
-         Các ngươi nhìn xem, đến bóng cây cũng không động, làm chi có người. Sông này rộng và sâu như thế, thuyền và binh nhỏ, vũ khí lại thủ công của chúng sao chạm tới chúng ta được. Mà dẫu có phục binh, chúng đều cùng hạng như đám thổ phỉ thế kia, há lại có thể gây khó dễ cho đại quân ta?
Về phía Phạm Chiêm, khi dẫn thủy binh rút lui tới gần ghềnh Đá Bạc, thấy rằng đã sang cuối giờ tỵ, triều bắt đầu xuống, lại thấy đại quân Nam Hán đuổi phía sau tới vị trí mai phục, bèn quay đầu lại tấn công. Chiêm cầm cung tên, quay người lại bắn thẳng vào một sĩ quan đứng ngay cạnh Hồng Thao. Tên này trợn mắt kinh ngạc rồi gục xuống chết dưới boong tàu. Hồng Thao và tướng sĩ bên cạnh cũng kinh ngạc không kém. Ở khoảng cách xa như vậy, với mũi tên cũng được chế tạo không tốt, thế mà tên tướng kia bắn trúng thì sức tay và kỹ năng phải cực kỳ siêu việt. Hóa ra tên thủ lĩnh kia là một kẻ thực sự có tài. Nhưng chưa kịp hoàn hồn thì đã thấy Phạm Chiêm cầm tù và lên thổi lớn, chấn động sông nước, át cả tiếng chiêng trống trên các chiến thuyền Nam Hán. Ngô Quyền và Tam Kha ở hai bên tả hữu đã chuẩn bị sẵn rất nhiều cờ xí, chiêng trống cùng người nộm, nhận được hiệu lệnh, cho trương hết cờ xí và người nộm lên dọc hai bên bờ sông, cùng âm thanh chiêng trống giòn giã. Bóng người đen đặc lấp ló giữa các vách đá và rừng thưa hai bên bờ. Tên bắn như mưa dội xuống lòng sông. Hồng Thao và tướng sĩ thối lui vào trong trướng. Một tướng bảo:
-         Đây hẳn là trận địa phục kích của chúng. Nhìn cảnh này thì quân của Ngô Quyền hẳn không chỉ một vạn. Có khi toàn bộ 3 vạn quân đều đã điều đến đây quyết sống mái với chúng ta. Vì đằng nào, vào tới Đại La, với sức kia chúng cũng bại.
-         Được, - Hồng Thao hứng trí tưng bừng – vậy thì ta thành toàn cho chúng thôi.
Nói đoạn Thao ra lệnh các chiến hạm dàn trận. 10 chiến hạm xông tới đoàn thủy binh trên thuyền mông đồng của Phạm Chiêm, còn lại dạt sang hai bên, xếp thành hình chữ cửu, ào ạt bắn tên và ném đá về phía hai bên bờ sông. Có một điều Thao và các tướng sĩ không ai để ý, con nước đang hạ rất nhanh. Mà gió lại thổi hướng đông đang mạnh dần.
Đánh được gần nửa canh giờ, quân Ngô Quyền, Tam Kha đổi sang dùng tên quấn vải đốt lửa, bắn vào các chiến thuyền. Còn đội thủy quân mông đồng của Phạm Chiêm không biết đã biến mất từ lúc nào. Chiến hạm trên sông lại di chuyển thành hình chữ bát. Gió và con nước ngược dòng gây khá nhiều khó khăn cho chiến thuyền trên sông. Nhưng tình thế lại khá thuận lợi cho đội quân phục kích hai bên bờ. Một số chiến hạm đã bị bắt lửa. Trời khô hanh, không mưa, sương mù đã tan bớt, lại có gió mạnh khiến lửa lan nhanh. Binh tướng Nam Hán lại vất vả dập lửa.
Đến cuối giờ ngọ, chợt nghe tiếng ầm ầm phía trước, một sĩ quan chạy tới báo cho Hồng Thao cũng các tướng:
-         Nguy rồi, Vương gia! Chúng đã chặn sông! Ta không thể tiến!
Hồng Thao bực mình tung chân đá ngã viên sĩ quan, rồi chạy ra nhìn lên mạn tây bắc, phía thượng nguồn của con sông Bạch Đằng. Và cảnh tượng khiến hắn kinh hãi, run lập cập. Trên lòng sông trước mặt, không biết từ lúc nào, vô số mũi tên khổng lồ đã cắm dày đặc, tựa như một bàn chông vĩ đại, trải dài ngút ngát hàng vạn dặm. Cả con sông rộng lớn như thể bỗng nhiên xù gai nhọn, chặn bước tiến của đại quân Nam Hán. Thực ra nếu có người dân địa phương chỉ bảo cho, Hồng Thao và tướng sĩ sẽ biết, đó chỉ là ảo giác do sương mù cùng ánh sáng trên khúc sông hẹp và uốn lượn gây ra. Thực tế, bãi cọc này chỉ để nghi binh, không dài, không dày và không rộng lớn đến thế. Nhưng với một tướng trẻ còn non nớt, quân sĩ tham mưu và lính tốt đều ngạo mạn, lại dụng tâm vất vả chống chọi với đối thủ có vẻ tương đối đông đảo và dai sức không kém ở hai bên bờ sông, nên không tinh tế nhận ra những điều kiện tự nhiên bất lợi xung quanh. Chỉ đến khi một lão tướng hô lên:
-         Không xong rồi! Thủy triều!
Lúc này quan binh Nam Hán mới bừng tỉnh. Hóa ra thủy triều đang xuống rất nhanh. Đây là một cái bẫy đã dựng sẵn. Nhưng họ không biết mà ngây thơ hùng dũng chui vào. Bầu không khí hoảng loạn xảy ra trong các chiến thuyền trên sông. Tất cả dường như đã biết không thể tiến lên phía trước được nữa. Quân tướng bắt đầu loạng choạng, đội ngũ rối loạn. Vài con thuyền lớn tiến thoái không đúng nhịp, đã đụng vào nhau nghiêng ngả, khiến nhiều lính tốt rơi xuống sông. Lại có những tiếng kêu thất thanh vang lên. Cọc nhọn hai bên bờ bắt đầu hiện ra ngay chỗ vị trí đại quân đang đứng. E là cả lòng sông chỗ mình đang đứng cũng đã cắm đầy cọc nhọn, các chiến hạm vội vã tháo lui. Nhưng thủy binh của Cảnh Thạc và Phạm Chiêm cùng 200 thuyền mông đồng lại lần nữa xuất hiện như bóng ma ngay phía sau, chặn đường rút ra biển của đại quân. Đám binh lính trên hai bờ sông cũng di chuyển theo hướng của đoàn thuyền, tiễn và tên phóng hỏa bắn như mưa xuống lòng sông. Tiếng chiêng trống của phía quân Nam Hán đã im bặt. Nhưng tiếng trống dồn dập của đội quân hai bên bờ sông thì càng lúc càng to, cờ xí rợp trời, người dường như càng lúc càng đông, càng đánh càng hăng. Hồng Thao và các tướng thấy tình thế nguy ngập, bèn ra lệnh đại quân đánh mạnh vào thủy quân của Phạm Chiêm phía trước, rút nhanh ra biển, sau đó sẽ tìm cách đổ quân bằng đường bộ. Nhưng họ không biết, lúc này Ngô Quyền và Tam Kha đã bắt đầu cho lui quân, chạy thẳng đến điểm mai phục thứ ba: ghềnh Cốc.
Đại quân Nam Hán nhanh chóng đánh tan thủy binh của Chiêm và Cảnh Thạc, khiến các thuyền mông đồng phải rút vào sông nhánh. Chiến hạm lớn bé vội vã nối đuôi nhau quay đầu, vẫn khá trật tự và bài bản. Quay về tới cửa sông Tranh đã là giữa giờ mùi, nhìn thấy cọc nhọn nhô lên thẳng đứng hai bên lòng sông, quân sĩ Nam Hán lại lâm vào rối loạn. Phục binh của Xử Bình và Xương Ngập lại gióng cờ xí, khua chiêng trống vang trời, bắn tên và mồi lửa như mưa xuống lòng sông. Lại thêm một đội thủy binh chặn phía thượng nguồn ngay đằng sau của Nguyên Tất Tố cùng Đào Nhuận, hợp sức cùng quân của Phạm Chiêm, Nguyễn Cảnh Thạc đuổi tới. Đại quân Nam Hán bốn bề thọ địch, dùng hết sức chống trả, mở đường máu, để từng chiến hạm thoát qua lòng hẹp ra biển. Gần chục chiến hạm bị cháy. Bốn chiến hạm do phải tránh khu cọc nhọn nên đâm vào nhau, rồi lao vào cọc nhọn mà vỡ tan. 13 chiến hạm bị Nguyên Tất Tố cùng thủy binh nhờ bơi lội giỏi, leo lên được boong thuyền, cận chiến quyết liệt, khiến địch không thể thoái lui. Soái hạm của Hồng Thao bị Phạm Chiêm đuổi theo, dùng cung tiễn bắn gục gần hết đám tướng sĩ. Hồng Thao sợ hãi, rút lui vội vã theo đại quân. Như vậy, ở cửa thứ hai này, Nam Hán đã có tổn thất thực sự: mất 25 chiến thuyền, trong đó có 1 soái thuyền và 6 lâu thuyền. Nhưng từ sông Tranh ra tới cửa Nam Triệu vẫn còn vài chục dặm và một cửa tử đang chờ họ.
Đoàn chiến thuyền tháo chạy không được bao lâu thì lại gặp khung cảnh còn chấn động lòng người hơn. Một rừng cọc nhọn hiện lên trong ánh chiều chạng vạng u ám. Rừng cọc trên sông này dài hơn chục dặm, trong tầm nhìn hạn chế lúc cuối giờ thân, hẳn như dòng sông phủ gai nhọn không thấy điểm cuối. Quân Nam Hán lúc này hoàn toàn tuyệt vọng. Nghe tiếng trống hiệu rầm rập hai bên bờ của Dương Nhị Kha và Kiều Công Hãn, cung tiễn và mồi lửa bay xuống như mưa, lại còn đội thủy binh của Vũ Dũng hợp cùng đội thuyền Phạm Chiêm, Cảnh Thạc đuổi tới; quân tướng Nam Hán quyết định một phen liều chết, sống mái quyết đấu. Nhưng khi sĩ khí đã loạn, sức chiến đấu không còn tốt như trước. Một chiến thuyền vội vã giơ cờ đầu hàng. Bốn chiến thuyền bốc cháy rừng rực. Hơn chục chiến thuyền va phải cọc nhọn mà vỡ tan. Xác người nổi đầy, dắt cả vào cọc. Các chiến thuyền khác lần lượt bị cả thủy lẫn bộ binh của Ngô Quyền trèo vào cận chiến bằng gươm giáo. Số thuyền còn lại cố vượt qua bãi cọc khổng lồ. Soái hạm lớn kềnh càng không thể qua được rừng chông này, nên nhanh chóng bị vứt lại. Các thuyền nhỏ hữu dụng hơn với tàn quân Nam Hán. Nhưng con nước đã rút xuống thấp nhất, còn chưa đầy nửa bộ, cọc đã trồi lên mặt nước tới một xích, rất khó mà vượt qua. Cả đoàn quân hai bên bờ sông dường như đã nhảy hết lên các chiến thuyền. Họ đốt lửa, đập phá, đục thủng thuyền. Hai bên chiến đấu ác liệt. Quyền và Tam Kha cũng đã leo lên được mấy soái hạm, nhưng không tìm thấy Hồng Thao.
Lúc này, thuyền của Phạm Chiêm đang bám sát theo Hồng Thao. Hắn đã nhảy sang một lâu thuyền nhỏ hơn trong lúc hỗn chiến. Lâu thuyền này đang thận trọng đi giữa rừng cọc, theo sau mấy chiến hạm nhỏ khác, hòng thoát ra biển, có ba thuyền nhỏ yểm trợ phía sau. Chiêm cùng quân sĩ nhanh chóng hạ ba thuyền này, rồi nhảy lên thuyền của Thao. Chiêm và Thao cận chiến. Chiêm dùng cây gươm cùn; còn Thao dùng kiếm sắc, lại có bốn hộ vệ bên cạnh liều chết bảo vệ chủ. Chiêm bị đánh bật ra khỏi thuyền, rơi xuống sông, nhưng được Vũ Nghiêm cứu. Vũ Dũng nhảy lên thuyền, dùng trường đao chém chết cả Hồng Thao cùng bốn hộ vệ, nhưng cũng bị tên hộ vệ cuối cùng dùng hết sức tàn đâm cho một nhát giữa ngực. Dũng lảo đảo ngã xuống sông.
Cuộc hỗn chiến kéo dài đến cuối giờ dậu, trong lửa bập bùng giữa bóng tối đen ngòm, gió mạnh, tiếng kêu thét thảm thiết và hơi máu tanh nồng. Xác chết tắc cả lòng sông, khiến không con thuyền nào trốn thoát khỏi trận địa được. Đến cuối giờ tuất, tiếng đao kiếm bắt đầu ngừng dần. Vài chục con thuyền bị đốt cháy, lửa sáng bừng cả khúc sông đêm. Quyền và Kha hô hào quân sĩ lên bờ, lập phòng tuyến, canh gác cẩn thận, không cho một ai thoát ra. Cả đêm hôm ấy, không ai ngủ được. Ánh sáng và khói đặc từ gỗ cùng xác người hừng hực bốc lên trên sông, hồng rực một góc trời.
Sáng sớm hôm sau, khi sương mù tan dần, cảnh tượng thật kinh hãi. Dù thủy triều đã lên cao, dòng nước chảy mạnh, nhưng cả khúc sông vẫn đỏ ngòm, đầy mảnh vỡ và xác người. Các xác thuyền vẫn còn cháy dở, nghi ngút khói. 5 soái hạm và 25 lâu thuyền lớn đều chôn xác trong lòng sông. Xử Bình gật gù bảo:
-         Tạ ơn trời đất. Có được trận này, lũ Nam Hán sẽ chết tâm nhòm ngó Tĩnh Hải quân ta.
Quyền và các tướng cho quân sĩ đi thu thập xác đồng đội cùng vũ khí, khôi giáp, quân lương của địch. Lại cho người về đại bản doanh và Đại La báo tin thắng trận.
Trận này bên Nam Hán thiệt hại quá nửa, các chiến thuyền lớn đều bị phá hết, Hồng Thao và hai đại tướng đi cùng tử trận, chỉ còn Tô tướng quân dẫn gần 2 vạn tàn quân kinh hồn bạt vía chạy về Hải Môn. Bên Ngô Quyền, chỉ mất hơn 3.000 binh cùng gần ba phần tư số thuyền mông đồng; lại hy sinh mất Vũ Dũng và tám viên bổ tướng; Xương Ngập và Cảnh Thạc, Nguyên Tất Tố, Kiều Công Hãn đều bị trọng thương.
Đến cuối tháng giêng năm 939, Lưu Nghiễm biết được tin con trai tử trận và đại quân thất bại thảm hại từ Tô tướng quân. Y khóc thương một hồi, không biết vì thương con hay thương cho kế hoạch nam chinh đã thành tro bụi của mình. Sau đó y làm lễ tế cho con cùng tướng sĩ tử trận, rồi nhụt chí mà đưa quân về.
Còn phía Ngô Quyền, hai ngày sau trận đánh, Ngô tướng dẫn đội quân sĩ quay về đại bản doanh. Người dân các làng lân cận hân hoan mở tiệc lớn khao quân. Ở Đại La, Đinh Công Trứ và Dương Cát Lợi ngậm ngùi lau nước mắt mừng rỡ, quân sĩ cùng người dân hò reo vang trời, nhảy múa tới mấy ngày đêm. Tin chiến thắng lan nhanh khắp các châu huyện. Hào trưởng, giang hồ lẫn phỉ rợ đều thấy hổ thẹn mà cúi đầu tâm phục khẩu phục kẻ hào kiệt chân chính.
Đánh một trận gột sạch lòng người. Đánh một trận danh vang bốn bể.

(1)     Lưu Hồng Hi là hoàng tử thứ tư của vua Nam Hán Lưu Nghiễm, được phong Tấn Vương. Năm 938, lúc này hai hoàng tử đầu đã chết. Tới năm 942, Lưu Nghiễm chết, con thứ ba Lưu Hồng Độ lên thay, bị Hồng Hi lôi kéo mấy hoàng tử khác ám sát. Hồng Hi lên ngôi, lần lượt ám sát hết toàn bộ 14 hoàng tử còn lại vì sợ bị cướp ngôi.
(2)     Trận Xích Bích (Xích Bích chi chiến, mùa đông năm Kiến An thứ 13, tức năm 208), là một trận đánh lớn cuối thời Đông Hán giữa liên quân Tôn Quyền – Lưu Bị (3 vạn quân Ngô, 2 vạn quân Lưu Bị) do Chu Du, Trình Phổ, Lưu Bị chỉ huy (quân Tôn Quyền tham chiến chính), chống lại đại quân gấp nhiều lần của Tào Tháo (trong tiểu thuyết Tam Quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung, theo lời Tào Tháo: 80 vạn, lời Chu Du: 22-24 vạn). Thắng lợi này của quân Tôn-Lưu có tính chất quyết định tới cục diện chia ba thời Tam Quốc, làm cơ sở hình thành hai nước Thục Hán và Đông Ngô.
(3)     Trận Khiêu Đình (Khiêu Đình chi chiến hay Di Lăng chi chiến, năm 221-222) là trận chiến giữa Thục Hán (khoảng 70 vạn, do Lưu Bị chỉ huy) và Đông Ngô (5-6 vạn, do Lục Tốn chỉ huy) thời Tam Quốc. Thắng lợi về phe Đông Ngô. Thất bại này là bước ngoặt quan trọng khiến Thục Hán bắt đầu đi vào con đường khó khăn, suy yếu và sụp đổ.
(4)     Hỏa thuyền là thuyền nhỏ chở đầy rơm rạ, củi khô, lau sậy… phủ lên trên những chất dẫn lửa như lưu hoàng, hỏa tiêu…; khi đốt lửa lên sẽ được thả trôi vào đội hình đối phương. Loại thuyền này rất phổ biến trong thủy quân Trung Hoa cổ.
(5)     Bãi Vạ Cháy, nay là Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
(6)     Kế đóng cọc ngầm này chỉ thắng lợi với trận Bạch Đằng lần một (năm 938, Ngô Quyền) và trận Bạch Đằng lần ba (năm 1288, Trần Hưng Đạo), còn thất bại trong trận Bạch Đằng lần hai (năm 981, Lê Hoàn). Tháng 1 năm 981, trận Bạch Đằng lần hai bắt đầu diễn ra giữa Đại Tống thời Tống Thái Tông và Đại Cồ Việt thời Lê Đại Hành – Lê Hoàn. Quân Tống chia ba mũi tiến vào nước ta. Tướng địch Hầu Nhân Bảo đưa một mũi thủy quân ồ ạt vào cửa Nam Triệu, không bị mắc phải bẫy cọc gỗ và thủy triều trên sông Bạch Đằng, nên đã đánh bại quân Đại Cồ Việt, bắt được 200 thuyền của ta. Lê Hoàn phải rút về Xạ Sơn và An Lạc (Hải Dương) để củng cố lại quân binh, gửi thư trá hàng. Thủy quân và lục quân nhà Tống thắng lợi suốt giai đoạn đầu của cuộc chiến Tống-Việt, cho tới ngày 28 tháng 4 năm 981, trận quyết chiến thứ hai trên sông Bạch Đằng, quân ta lại thua chạy. Lê Hoàn lại lập mưu trá hàng, dụ tướng giặc đi thuyền tới đài tuyên thệ xin hàng, rồi giết chết Hầu Nhân Bảo, sau đó dùng kế chia cắt lực lượng địch, tiêu diệt một số lớn quân chủ lực địch, khiến quân Tống sợ hãi tháo chạy về nước.
(7)     Khu vực này ngày nay thuộc xứ Đồng Má Ngựa và Vạn Muối, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh ngày nay, cách cửa sông Tranh hiện tại chừng 2 km. Người dân và các nhà nghiên cứu đã tìm được nhiều bãi cọc còn ở đây. Đa số là cọc từ thời trận Bạch Đằng thứ ba (năm 1288). Một số cọc không có mục đích quân sự (cọc đáy, cọc treo, vồ gỗ… do dân đóng với mục đích dân sự), thường làm bằng loại gỗ địa phương.
(8)     Đảo Các Bà, thời đó thuộc huyện Ân Phong, Nham châu, nay là đảo Cát Bà, thuộc huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng.
(9)     Đơn vị đo lường Trung Quốc cổ: 1 dặm =500m, 1 trượng =3,33m, 1 bộ = 1,66m, 1 xích = 33,33cm.
(10)  Bến Gót nay là Phà Gót ở đảo Cát Hải, trên đường sang đảo Cát Bà. Tuyến phà từ Phà Gót sang Cái Viềng (Cát Bà).
            
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?

Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ...