Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Luận Anh Hùng-Cheryl Pham: Chương Bảy - Anh Hùng tạo nên Thời cuộc



Chương Bảy: Anh Hùng tạo nên Thời cuộc

Anh Hùng chân chính cũng cầu thời vận

Năm ngày sau trận quyết chiến, Ngô Quyền và các tướng làm lễ tế tướng sĩ chết trận trên gò đất nổi bên trong ghềnh Cốc – phòng tuyến đẫm máu nhất. Đàn tế bằng tre nứa và ván thuyền cháy dở. Gần chục dặm dài xanh mướt lau sậy hai bên bờ mấy ngày trước, giờ xám xịt, loang lổ vết tro tàn, khói vẫn còn bốc lên trong không khí nồng nặc mùi gỗ cháy và xác thối. Nhìn cảnh điêu tàn trước mắt, dù trước đó có hưng phấn đến mấy vì thắng trận, Ngô tướng và mọi người vẫn không khỏi bùi ngùi rơi lệ. Một trăm cái xác không còn nguyên vẹn đặt trước đàn tế, cùng hai trăm hình nộm rơm tượng trưng cho hơn 3.000 quân sĩ. Những dải cờ đỏ, xanh, vàng treo kín quanh bãi đá. Thậm chí dọc hai bên bờ sông, thi thoảng cũng treo những dải lụa đen trắng. Người dân và tướng sĩ treo lên để tưởng niệm và đánh dấu chiến trường. Quyền đọc bài văn tế do Xử Bình soạn từ hai hôm trước. Mùi nhang khói dần dần lan tỏa trong không khí, an ủi vong linh những người tử trận. Bài tế vừa đọc xong, có những tiếng sụt sùi rấm rứt. Rồi dần dần, như thể cảm thấy không cần để ý, những tiếng khóc và những giọt nước mắt vỡ òa, theo gió ngân nga rền rĩ như khúc tiễn đưa bi tráng.
Hôm sau, Quyền và các tướng hành quân về Đại La, để lại Tam Kha, Phạm Chiêm, Vũ Nghiêm và Nhị Kha xử lý chiến trường. Đoàn quân của Ngô tướng đi đến đâu, người dân hai bên vây kín bái tế, chào mừng hoan hỉ. Hào trưởng và thủ lĩnh các địa phương đều ra tận nơi nghênh đón, xin thần phục và tặng lễ hậu hĩnh. Đoạn đường đi chỉ mất nửa ngày, nhưng lần này phải sau một tuần mới tới cổng phía Đông thành Đại La.
Cổng thành đã mở rộng từ sáng sớm hôm đó. Cờ xí rợp trời. Người dân mặc áo mới hân hoan đứng chật cổng. Đinh Công Trứ và Dương Cát Lợi phủ phục xuống chân Ngô tướng, nói trong nước mắt:
-         Bản tướng chinh chiến cả đời tới nay mới gặp được trang hào kiệt vũ dũng, đức độ toàn tài như Ngô tướng. Ta nguyện xin thề trọn đời làm thân trâu ngựa, phụng sự sự nghiệp của tướng quân. Xin thề!
Ba quân và thậm chí cả người dân cùng đồng thanh hô vang “Xin thề! Xin thề!”
Quyền xúc động, thưa:
-         Chúng ta thắng trận hôm nay là nhờ tướng sĩ một lòng, bá tánh trợ giúp, Dương lão tướng quân linh thiêng phù hộ. Trời cao giúp Tĩnh Hải quân thoát khỏi hiểm cảnh. Quyền tôi thay mặt chư tướng, đa tạ trời đất, đa tạ các vị, đa tạ bà con, đa tạ Dương lão tướng quân. Ta nguyện hết lòng hết sức bảo vệ giang sơn này.
Quân sĩ cùng hò reo vang dội. Ngô tướng và đoàn người hùng dũng tiến vào phủ Đô hộ trong hoa rơi như mưa, tiếng ca hát, tiếng trống phách tưởng như không bao giờ ngớt. Thành Đại La từ lúc khai sinh chưa có ngày nào náo nhiệt, hân hoan, rực rỡ như hôm nay.
Nhiều hàng quán mở cửa thông ngày đêm, thậm chí còn bán miễn phí cho quan binh đánh trận. Người dân xếp hàng dài trước phủ đô hộ mong tặng lễ hay chỉ đơn giản mong gặp các vị anh hùng đã đánh một trận vĩ đại nhất trong lịch sử, khiến lòng người choáng ngợp, ngất ngây. Trên phố xá, những điệu tuồng, những câu chuyện về Ngô tướng và đoàn quân được lan truyền, thêm thắt thành truyền kỳ. Tên tuổi của Ngô Quyền, Dương Tam Kha như mặt trời ban trưa. Cả những cái tên trước đây chưa bao giờ nghe tới như Lã Xử Bình, Vũ Dũng, Vũ Nghiêm, … giờ đến đám con nít cũng thuộc vanh vách.
Quyền lại khao quân một lần nữa. Lần này là một bữa đại tiệc lớn chưa từng có, do nhà Đỗ gia ở Đỗ Động Giang quyên góp. Lão già Đỗ Phu mắt nhắm tịt, cười đến sắp rớt hết cả răng, lòng thầm hận sao trước mình lại còn chần chừ không dốc toàn lực phò tá Ngô tướng, biết đâu cái ghế cao nhất thiên hạ bên cạnh Ngô tướng tương lai chưa chắc đã là của nhà họ Dương. Khi nghe tin thắng trận Bạch Đằng, lão và đám trưởng lão Đỗ gia phải gẩy gãy mấy cái bàn tính để cân nhắc hướng gió sắp tới. Đỗ gia tiên phong nên các phú hào khắp nơi hưởng ứng nhiệt tình, nô nức đem hậu lễ tới phủ đô hộ. Quyền nhận hết, không từ một ai.
Các tướng đều xin Quyền lên nhận chức Tiết Độ sứ, cai quản Tĩnh Hải quân. Xử Bình bảo với các tướng:
-         Ngô tướng hùng tâm tráng trí, công tài khuynh thiên hạ, há lại chỉ nhìn tới cái chức Tiết Độ Sứ bé nhỏ kia sao? Một trận Bạch Đằng Giang uy chấn trời đất, khiến nhân sĩ bốn phương kinh hồn thán phục, há lại chỉ đáng làm tôi tớ kẻ khác?
Quyền gật đầu:
-         Ta tự có định liệu. Trước mắt chỉnh đốn lại quân sĩ và lương khố. Kiểm kê lại kho bạc. Luận công tội từng người. Trận đánh lớn này khiến chúng ta hao hụt rất nhiều lương bạc, vật dụng và nhân lực. Đại bản doanh bên kia còn chưa xong việc trở về. Mấy ngày này binh sĩ ở đây đã quá lạm dụng chiến thắng mà vui chơi quên cả việc nước. Các tướng sĩ hãy thắt chặt kỷ luật. Đợi thu quân hoàn thành, khi đó hãy bàn tiếp.
Các tướng cúi đầu hổ thẹn, đồng loạt hứa sẽ chấn chỉnh quân quyền. Còn Quyền và Xử Bình lại tiếp tục âm thầm mưu bàn cho việc lớn sắp tới.

Lại nói bên Đại bản doanh, Dương Tam Kha thực chất đã thu dọn xong gần hết. Chưa đầy một tháng, đội thủy quân đã sửa sang lại được chừng hai trăm thuyền Mông Đồng, lên đường thư thả về Đại La theo dòng Bạch Đằng và Nhị Hà. Nhóm bộ binh cũng được Vũ Nghiêm đưa về thành ngay sau đó một tuần. Đội thợ rèn ở Ái Châu vẫn phải giữ lại một thời gian nữa. Tam Kha giao 500 binh cho Nhị Kha ở lại dọn chiến trường chính.
Kỳ thật sau mỗi trận đánh có một việc tế nhị, không mấy khi được lịch sử chép lại, là việc thu dọn chiến trường. Đối với đội quân giầy rơm, áo vải, dao cùn, cung nỏ thô sơ không khôi giáp của Ngô tướng, thì việc thu dọn này đã trở thành việc lớn. Sắt phải được thu gom để tái chế, rèn binh khí mới. Vũ khí nguyên vẹn của quân địch nói chung đều tốt hơn của quân sĩ bên mình, nên phải được sửa sang và xung vào kho binh khí. Một số mẫu tàu thuyền, máy bắn đá và khôi giáp vớt lên cần phải có người phục chế, tìm ra cách vận hành và tạo mới. Dù đi đánh nhau nơi đất khách quê người chả mấy ai mang theo tài sản quí giá, nhưng không phải là không tìm được vài bảo vật trên người mấy tướng sĩ Nam Hán, tất cả đem xung công.
Khi nhìn Tam Kha và Phạm Chiêm hò hét hướng dẫn 500 binh và cả đám dân làng tình nguyện gom từng thanh gươm, từng mũi tên bọc thép, cẩn thận lôi lên vô số cọc sắt, lột từng bộ khôi giáp khỏi những cái xác đang phân hủy, kéo vớt từng mảnh thân bọc sắt của thuyền địch; Nhị Kha không khỏi cảm thán “Làm sao có thể nghĩ ra đám ô hợp nông dân, lưu manh và thổ phỉ này lại thắng oanh liệt một đại quân vũ trang đến tận răng được nhỉ?” Càng nghĩ lại càng thấy Ngô tướng, Tam Kha nhà mình và Xử Bình quả là thần thông quảng đại.
Tam Kha quyết định để Nhị Kha ở lại quản lý đội 500 binh này và nhóm thợ rèn trong nửa năm, còn mình và Phạm Chiêm đưa số kỵ binh còn lại trở về Đại La. Trước khi lên đường, Tam Kha và Phạm Chiêm ghé qua Vũ gia trang ở Nam Hải, thăm Hoa phu nhân.
Hoa phu nhân ngồi ở hậu hoa viên trang nhã sau nhà chính. Tóc bà đã bạc trắng, gương mặt đầy nếp nhăn chỉ sau vài tháng không gặp. Mắt bà đã hoàn toàn mù hẳn. Nhìn người phụ nữ có nét đẹp tinh tế quí phái đang yên tĩnh ngồi bên bàn đá như một bậc tiên phong đạo cốt, nhưng mắt vẫn như dõi về phía trời xa chờ đợi người không bao giờ trở về, Tam Kha và Phạm Chiêm ngậm ngùi nhìn nhau. Hoa phu nhân quay lại bảo:
-         Dương tướng quân và Phạm tướng quân lại đây đi. Thứ cho lão bà ta không hành lễ tiếp đón được.
Tam Kha ân cần đáp:
-         Phu nhân chớ lo. Chúng ta chỉ là vãn bối, vẫn phải hành lễ với phu nhân mới phải lẽ.
Kha quay sang Phạm Chiêm bảo:
-         Phạm tướng quân hẳn không biết, kế sách gắn cọc vào lòng sông chính là do Hoa phu nhân bày cho ta đấy.
Chiêm không khỏi kinh ngạc thán phục:
-         Hoa phu nhân thật hơn người. Tướng sĩ chúng tôi phải tạ ơn người. Nhờ kế sách đó mà quân ta toàn thắng. Tôi sẽ báo với Ngô tướng tri ân Hoa phu nhân.
Hoa phu nhân xua xua tay, mỉm cười:
-         Cảm phiền hai vị đừng khách khí. Đóng cọc thì người dân hai bên sông Rừng đã làm bao đời nay. Nếu ta không nói thì Dương tướng quân khi tìm hiểu cũng sẽ biết thôi. Đó cũng không phải ta nghĩ ra nên đừng làm lão bà ta hổ thẹn.
Hai người không khách khí nữa, ngồi xuống ghế đá đối diện Hoa phu nhân thưởng trà. Khi Phạm Chiêm trao quần áo, tư trang và thanh gươm của Vũ Dũng cho bà, Hoa phu nhân bần thần vuốt chuôi gươm, nghẹn ngào nói:
-         Từ bé Dũng nhi đã mong được làm anh hùng, được đánh một trận để đời. Giờ hẳn nó đã toại nguyện.
-         Hoa phu nhân, người thật may mắn có một người con khí phách như vậy. Phạm Chiêm tôi thay mặt anh em cảm tạ người đã nuôi dạy nên một tướng tài cho giang sơn. – Phạm Chiêm thành khẩn quì lạy Hoa phu nhân ba lễ.
-         Ấy đừng, lão bà ta không nhận nổi. Chính ta phải cảm tạ Ngô tướng, Dương tướng, Phạm tướng đã thu nhận nhi tử giang hồ nhà ta. Ta tưởng sẽ cả đời chẳng bao giờ còn cơ hội gặp lại con, nhưng nhờ các ngài, mẫu tử ta được đoàn tụ, tiếng xấu bao năm của Vũ gia được gột rửa. Nó được làm người như hôm nay ta và Vũ gia đã vô cùng mãn nguyện, có chết cũng không phiền não, áy náy với tổ tiên và xã tắc.
Phạm Chiêm và Tam Kha kể lại trận đánh cùng những ngày tháng Vũ Dũng ở trong quân, những chiến công của Vũ tướng quân đánh thành Đại La và đối đầu Nam Hán trên Bạch Đằng giang. Họ chuyện trò hơn một canh giờ. Khi bóng chiều lan xuống khu vườn, Hoa phu nhân trân trọng mời hai người ở lại dùng cơm với bà.
Con cháu Vũ gia không đông lắm. Có ba chi đã tách ra. Hoa phu nhân Hoa Phương Nhan là chủ mẫu Vũ gia hiện tại. Phu quân của bà, Vũ Khải, đã mất trong cuộc đụng độ với đám phú hào năm xưa, kéo theo Vũ Dũng làm chuyện tày đình phải tha phương xứ người. Bà sống một mình trong nhà chính với một người hầu gái. Nhìn gia cảnh đơn sơ còn vương lại chút bề thế, mới biết Vũ gia đã xuống dốc rất nhiều. Trong viện có gia quyến của Vũ Nghiêm, cũng cùng ăn tối. Những đứa trẻ của Vũ gia khi biết khách là hai danh tướng vừa thắng trận lừng lẫy thì rất kinh hách, lạy lấy lạy để hai người, đòi tòng quân. Tam Kha và Phạm Chiêm vui vẻ nhận lời, bảo bọn trẻ phải chăm chỉ rèn luyện, khi đủ mười lăm tuổi hãy tới bản doanh gặp họ.
Trước lúc ra về, Tam Kha và Phạm Chiêm tới hương án Vũ tướng quân Vũ Dũng bái biệt. Tam Kha vừa cắm nén nhang vào bát hương, một làn gió mạnh xộc thẳng vào cửa chính, khiến cả bát hương bùng bùng bốc cháy. Hai vị tướng đều hết sức kinh ngạc và lo lắng bảo Hoa phu nhân. Ngược lại, bà có vẻ rất bình tĩnh, đăm chiêu một lúc bảo chờ bát hương cháy hết. Bà nhờ mang tấm bạch phong tử trên hương án tới cho bà. Tam Kha nhanh nhẹn thu những thanh đá trắng như thẻ bài, xếp hàng rất đẹp mắt gần lư hương lại, đặt chúng ngay ngắn lên bàn gỗ trước mặt Hoa phu nhân. Bà lão lấy tay sờ sờ bề mặt khắc chữ của từng thanh bạch ngọc, mặt thoáng chút kinh ngạc, lại thoáng chút đăm chiêu.
-         Có chuyện gì sao, phu nhân? – Cả Phạm Chiêm cùng Tam Kha đều lo lắng hỏi.
Hoa phu nhân không lập tức trả lời. Bà phất tay ra hiệu, người hầu gái bên cạnh nhẹ nhàng lui ra, đồng thời đóng lại cửa. Kha và Chiêm lại càng ngạc nhiên.
-         Hiểm Sơn Tiềm Long Phục – Hoa phu nhân thì thào sau một lúc trầm tư – Sắp có chúa mới. Nhưng không quá một kỳ (1). – Lại trầm tư một lúc nữa, bà hỏi hai vị tướng – Hai vị cho lão bà ta hỏi, ai vừa châm hương? Ai sắp thẻ này?
Dẫu chưa hết kinh ngạc và không hiểu những lời bà vừa lẩm nhẩm, nhưng Tam Kha vẫn đáp:
-         Hoa phu nhân, đều chính tay Tam Kha tôi.
Hoa phu nhân lại im lặng như pho tượng. Kha và Chiêm lờ mờ đoán hẳn có chuyện quan trọng bà muốn nói, nên cũng im lặng nhìn nhau. Khoảng một tuần hương, tiếng Hoa phu nhân chậm rãi vang lên:
-         Bạch phong tử là gia truyền của Hoa gia, thường được cha ta dùng xem tượng trời đất, thời vận. Dương tướng quân vừa đặt đã sắp thành quẻ Hiểm Sơn Tiềm Long Phục. Quẻ này tượng ở hướng tây, sắp có chúa mới.
-         Tại hạ ngu dốt, mong Hoa phu nhân chỉ rõ. – Kha đáp.
-         Phía tây là hướng thành Giao châu. Chúa mới hẳn chỉ Ngô tướng. Với chiến thắng Bạch Đằng danh chấn thiên hạ đủ để Ngô tướng thu phục lòng người, lên làm chúa một phương. Nhưng quẻ này báo chúa mới không tại vị được lâu. Nghịch thiên sửa vận may lắm duy trì được ba đời.
-         Ngô tướng làm chúa là phúc của xã tắc. Sự đời sau là do người đời sau liệu. Ta há có thể lo? Chẳng hay còn có điều gì khiến phu nhân băn khoăn? – Kha nghiêm trang hỏi.
-         Còn có một lời chiêm nữa. Phạm tướng có thể nghe sao?
Kha hiểu ra, khảng khái chắp tay thưa:
-         Hẳn là chiêm cho ta rồi. Phu nhân cứ nói. Cũng chỉ là lời tượng, chưa hẳn đúng sai. Phạm tướng quân là người minh triết, phu nhân không cần e ngại. Huống chi Tam Kha ta một đời chính trực, trung quân ái quốc, không ăn ở hai lòng. Tấm lòng này có trời đất chứng giám.
-         Quẻ này báo – Hoa phu nhân trầm giọng xuống – Người sắp quẻ là giống long phụng, là kẻ khuynh thiên hạ, tất có lúc làm chúa một phương.
Cả Kha và Chiêm đều kinh hách. Nhưng vốn kinh qua nhiều sự, Kha bình tĩnh lại ngay.
-         Phu nhân có thể tượng ra Kha ta là người lòng dạ bất nhất, quay mặt phản chủ chăng?
Hoa phu nhân không nói. Bà chắp tay niệm Phật một lúc rồi đưa tay thu lại các thanh bạch phong tử, vỗ vỗ 49 lần xuống bàn, đảo phải 9 lần, trái 9 lần, rồi rải lên bàn lần nữa, sắp thành quẻ mới. Bà lại dùng tay sờ từng nét khắc trên mỗi thanh bạch ngọc. Ngẫm một lúc, bà nói:
-         Vừa trung vừa chính. Tốt! Tốt! Dương tướng quân đức độ, khôn ngoan sáng suốt, mang trong mình các phúc phần âm trạch hưng thịnh của Dương gia bao đời. Cho dù thời thế xoay vần, vận xã tắc thịnh suy, thì ngài vẫn yên ổn vượt qua hết thảy.
Kha và Chiêm đa tạ Hoa phu nhân, cáo từ Vũ gia trở về Đại bản doanh. Kha hỏi Chiêm:
-         Tướng quân hẳn có băn khoăn về lời chiêm?
Chiêm khảng khái đáp:
-         Đúng là thoạt tiên ta có băn khoăn. Nhưng ta nghĩ, Dương tướng quân là bậc tuổi trẻ tài cao mà Phạm mỗ vô cùng kính phục từ trước. Trải qua ngày tháng luyện binh đánh trận, tại hạ càng thêm ngưỡng mộ tài đức chí công vô tư của ngài. Người như ngài sao có thể làm chuyện nghịch thiên phản đạo. Nếu lời chiêm có đúng, ta hiểu tất thế cuộc biến hóa không hợp lòng người, Dương tướng quân hẳn sẽ vì xã tắc mà ổn định thời cuộc. Nếu là Phạm mỗ, ta cũng không từ nguy nan san sẻ trợ giúp bá tánh. Anh hùng chân chính nào chẳng cầu thời vận.
-         Đa tạ Phạm tướng quân đã tin tưởng.

Một ngày trước Tết Nguyên Đán năm Kỷ Hợi (939), Dương Tam Kha và Phạm Chiêm thu quân về tới Đại La. Quyền khao tướng sĩ một lần nữa. Kế hoạch lên ngôi được Ngô Quyền, Lã Xử Bình, Dương Tam Kha và Phạm Chiêm bàn bạc chi tiết và cho người ráo riết chuẩn bị. Cổ Loa thành bỏ quên từ lâu nay được bí mật tu sửa, trang hoàn lộng lẫy.
Sau Tết, Ngô phu nhân Dương Thị Như Ngọc cùng ba con và cháu nội Ngô Xương Tỷ từ Ái Châu lên Đại La đoàn tụ với Ngô tướng và Ngô Xương Ngập ở phủ đô hộ.

Đầu xuân năm Kỷ Hợi, một tháng sau lễ Nguyên Tiêu, Ngô Quyền ra cáo thiên hạ, xưng Vương, tục gọi Tiền Ngô Vương, lập Dương Thị Như Ngọc làm hoàng hậu, phục lại quốc thống, đặt kinh đô tại Cổ Loa, đặt trăm quan cai quản triều chính và 12 châu Tĩnh Hải, dựng nghi lễ trong triều, định màu sắc các đồ mặc. Các thân tướng trong trận Đại La và Bạch Đằng đều trở thành trụ cột của bộ máy hành chính mới. Dương Tam Kha làm Hữu thừa tướng, đứng đầu võ quan. Lã Xử Bình làm Tả thừa tướng, đứng đầu văn quan. Phạm Chiêm giữ chức Uy Võ tướng quân. Kiều Tri Hựu (tức Kiều Công Hãn) làm Tham Lang tướng quân. Dương Nhị Kha làm Nam Bình tướng quân. Dương Cát Lợi làm Chinh Bắc tướng quân. Đinh tướng quân Đinh Công Trứ làm Bình Tây tướng quân, nhưng do sức khỏe và bệnh tật, trả lại ấn soái, xin quay về làm Thứ sử Hoan châu như trước; sau Tam Kha thấy việc quân vẫn ngổn ngang, xin Đinh tướng ở lại trợ giúp thêm một thời gian. Còn Ngô Xương Ngập làm phó tướng cho Tam Kha. Các tướng sĩ khác đều được thưởng công luận tội xứng đáng.
Biết Ngô Vương quay về kinh đô cũ thời Âu Lạc, phá bỏ phủ đô hộ ở Đại La, như biểu hiện lòng đoạn tuyệt với những gì phương Bắc đô hộ lập ra, lại chặn được thế lực và nội ứng phương Bắc gây dựng hàng trăm năm, ai nấy đều tán tụng. Lại có người bảo, Ngô gia dù nổi danh đất Ái châu, nhưng gốc rễ không phải ở Giao châu, không có đồng minh, thân tín cũng chỉ vài ba người góp nhặt trong mấy năm, sao địch lại Dương gia, Kiều gia, Khúc gia và thập đại gia tộc đất Tĩnh Hải đã trăm năm ngự tại Đại La, nên lui về Cổ Loa tránh tên bay đạn lạc buổi sơ khai, gây dựng lực lượng là hợp lý. Có người như đám Kiều Thuận, chê Ngô vương gan hùm mật gấu đánh bại Nam Hán, lại không có dũng khí đè bẹp đám thế gia trăm năm hùng bá thành Đại La, phải lui về ngôi miếu nát Cổ Loa như rùa cạn.
Sử sách ghi lại, Tiền Ngô Vương “giết giặc nội phản để trả thù cho chúa, đuổi quân ngoại xâm để cứu nạn cho nước, xây dựng quốc gia, đem lại chính thống, công nghiệp thực là vĩ đại”, “Đã thấy sơ qua về quy mô đế vương”, “Trận Bạch Đằng là vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu” (2).
Nhưng cũng có sách phê, “Ngô Quyền gặp được ngụy triều Nam Hán là một nước nhỏ, Hoằng Tháo là thằng hèn kém, nên mới có được trận thắng trên sông Bạch Đằng. Đó là một việc may, có gì đáng khen.” (3)
Dù khen chê mặc người, khi lòng người đã thuận, thiên địa giao hòa, kẻ anh hùng chí dũng đạp bước, lập nên thời đại mới, mới không uổng đã sống ở trong trời đất.


(1)     Một kỳ là 10 năm. Ý nói chúa mới lên nắm quyền chưa tới 10 năm là hết.
(2)     Lời bàn của Ngô Thì Sĩ trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Quốc sử quán Triều Nguyễn.
(3)     Lời phê trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Quốc sử quán Triều Nguyễn.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét