Chương Mười Bốn: Trung Thần nghĩa sĩ bậc nhất
Trung thần – tiếng để ngàn thu
Lại nói về Ngô Xương Ngập. Y đã biết
tin phụ thân mất ngay sau đó một ngày, do người Ngô gia từ kinh thành cấp báo tới.
Mạng lưới liên lạc của họ Ngô từ ngày Ngô Vương lên cầm quyền đã được cải thiện
đáng kể, bất cứ châu ấp nào cũng có người thân tín hay tay chân của Ngô gia cai
trị hoặc nằm vùng.
Sau một hồi khóc than thê thảm, Ngập
cắt cử công việc cho các tướng tá dưới quyền ở bản doanh, rồi lên ngựa cùng 20
thân vệ phóng về Cổ Loa ngay trong đêm. Nhưng chưa đi hết khỏi địa phận Phong
châu, vừa ra khỏi rặng núi nhỏ, hắn bị một toán binh gần ngàn người chặn lại,
đèn đuốc sáng trưng như ban ngày. Ngập tức tối chửi thầm trong lòng “Không biết
có đứa nào phản bội? Mình đi bất ngờ trong đêm thế này mà vẫn bị lộ, để đám thảo
khấu đón đường vây đánh.” Hắn quát:
-
Kẻ
nào? Là kẻ nào dám chặn đường khâm sai triều đình đang lúc nguy cấp? Có biết
theo quân lệnh sẽ bị xử trảm cả nhà không?
-
Ha
ha! Hoàng tử Ngập! Không, e rằng giờ phải gọi ngươi là đào phạm truy nã mới phải.
Ta đến cứu ngươi mà không cảm tạ, lại còn mở miệng giễu võ dương oai! Đúng là
làm ơn mắc oán!
Tràng tiếng cười sởn tóc gáy vang
lên. Đuốc lửa bập bùng rung rinh. Ngập trào cơn tức, mắt hoa lên. Nỗi đau cha mất,
với nỗi căm hận khôn nguôi kẻ vừa ngạo nghễ cất giọng, khiến Ngập lồng lộn quay
ngựa, vung trường thương lên phóng thẳng tới chỗ đám người.
-
Kiều
Thuận! Tên chó này! Ta đã thề nếu gặp lại ngươi sẽ phanh thây xé xác ngươi ra.
Ta tưởng ngươi chỉ dám chui rúc ở cái xó Hồ Hồi, không dám vác mặt ra dưới ánh
mặt trời. Nay đã gặp ở đây, chi bằng quyết đấu một phen. Ta hay cái miệng chó của
ngươi còn dụng được?
Thuận phất tay. Đám kỵ binh đi đầu
dàn trận nhanh chóng, đón lọng được Ngập và hai chục thân vệ phía sau. Chỉ mấy
hiệp giao đấu, lực lượng hai bên quá mức chênh lệch, thắng bại đã rõ. Ngập và
người của mình bị trói gô lại, kéo đến trước mặt Kiều Thuận đang thong dong đứng
nhìn. Thuận xuống ngựa, đến trước mặt Ngập và ngồi xuống, vui vẻ nói:
-
Hoàng
tử Ngập! Đã lâu không gặp. Xem ra hậu lễ của ta cũng không cải thiện được tình
cảm của ngài với ta chút nào nhỉ? Mà hơn một năm qua, bao nhiêu biến cố, tĩnh
dưỡng với đủ loại trân phẩm thượng thừa, ấy vậy mà cái đầu của ngài cũng chẳng
tốt hơn chút nào là sao?
Ngập lúc này lại lồng lên chửi bới
như một con thú hoang:
-
Thằng
khốn! Thằng chó chết! Mày cài người bên tao. Đồ hèn hạ bẩn thỉu. Ngoài mấy trò
tiểu nhân đê tiện kia thì mày có thể làm được gì? Có giỏi thì một đấu một với
tao.
-
Ha
ha! – Thuận cười khoái trí – Hoàng tử… Không! Bây giờ chỉ gọi nhũ danh ngươi đã
là tôn trọng ngươi lắm rồi. Ngươi xem đi. Ta hèn hạ, đê tiện. Ai khiến ngươi
không cần tốn một mũi tên mà bình ổn được cả đám loạn dân Phong châu? Ngươi tưởng
kẻ bất tài vô dụng như ngươi có thể khiến lũ thổ phỉ, lục lâm thảo khấu ở đất
này hạ gươm giáo chỉ bằng mấy câu chiêu dụ, cầu hòa được chăng? Tất cả đều nhờ
lương và bạc của ta đấy.
Thuận hỉ hả nhìn Ngập phì phò thở với
cặp mắt trợn ngược lên nhìn mình trân trối. Y lại ung dung tiếp lời:
-
Ân
tình đó ngươi tính trả ta thế nào đây?
Ngập nhổ nước bọt về phía Thuận nhưng
hắn nhanh nhẹn tránh được. Ngập hét lên:
-
Muốn
chém muốn giết thì làm đi. Ta dù bất tài vô dụng cũng sẽ không kết minh với loạn
thần tặc tử.
Thuận được thế cười lớn hơn.
-
Giờ
này không biết ai mới là loạn thần tặc tử. À, có khi ngươi vẫn chưa biết nhỉ?
Ngô gia các người mới khai thiên lập địa được mấy năm, chưa kịp thích nghi với
đám tinh anh quí tộc lọc lõi ranh ma nơi đô thành, làm sao mà đủ tài lực moi hết
ruột gan thiên hạ được? Để ta cho ngươi biết nhé. Dương Tam Kha sẽ lên ngôi. Và
việc đầu tiên hắn làm là gì, có biết không? Chính là diệt ngươi, Xương Ngập!
Ngươi chính là cái ung nhọt trước mắt hắn cần phải nhổ ngay.
-
Ta
không tin! Nói láo! Nói láo! – Ngập hét lên điên cuồng – Dương bá phụ không phải
là người như thế! Bác ta dù có không hài lòng ta đến đâu cũng không bao giờ làm
chuyện phản phúc đó! Nói láo! Ta sẽ cắt lưỡi ngươi! Tên khốn kia! Ta sẽ cắt lưỡi
ngươi.
-
Ôi
trời! Làm sao Ngô Vương lại có đứa con ngu ngốc tới cỡ này kia chứ? – Thuận mỉa
mai, rồi phủi mông đứng dậy – Ngô Xương Ngập, tin hay không tùy ngươi thôi.
Nhưng ngươi thấy đấy, Kiều gia ta là một trong thập đại gia tộc, dù bị đẩy bật
về Phong châu nhưng thân tín nơi đô thành và khắp các châu huyện đều không thiếu.
Có biết tại sao lần này đích thân ta xuống núi gặp ngươi không? Nếu chỉ để bắt
cái mạng nhỏ của ngươi thì tầm thường quá, một chầu rượu là đủ.
Thuận bật tay, nháy nháy mắt khiến mấy
thân vệ quanh hắn cười ha ha. Ngập nhớ tới chuyện mình bị bắt cóc trước đây,
lòng lại càng thêm tức tối và oán hận, lớn tiếng chửi rủa hơn trước. Nhưng Thuận
vẫn điềm nhiên.
-
Ân
tình kia ta cho qua. Lần này ta sẽ tặng ngươi một ân tình còn lớn hơn. Chính là
mạng sống của ngươi. Quân ta ở đây thừa sức băm vằm ngươi thành trăm mảnh.
Nhưng diệt một kẻ vô dụng, ta không rảnh tay. Nay nhà Ngô đã tận, ta nên dành
tâm huyết để đấu với Tam Kha. Ngươi đi đi!
Nói đoạn quay lại đám lính, bảo:
-
Thả
hắn đi! Còn mấy tên kia, cho xung quân.
Đám lính răm rắp tuân theo, cởi trói
cho Ngập. Sau không biết nghĩ thế nào, Thuận lại cho thả thêm 4 tên thân vệ nữa.
Thấy Ngập thẫn thờ như không còn sức mà đứng dậy, Thuận bảo:
-
Sợ
rằng một mình ngươi khó qua nổi Phong châu. Thế thì uổng công ta tha mạng cho
ngươi quá. Người của Tam Kha hẳn đang trên đường đến đây, nếu không thấy ngươi,
tất sẽ chặn tất cả các nẻo ra vào Phong châu và Cổ Loa. Ta khuyên ngươi muốn giữ
mạng, tốt nhất là đi tìm kẻ nào thân tín, trung thành với Ngô gia mà nương tựa
cho qua ngày đoạn tháng. – Thuận lại làm bộ trầm ngâm, nhìn trời ngẫm nghĩ, rồi
than – Thời thế xoay vần, lòng người nghiêng ngả. Mới hôm qua là trung thần ái
tướng, hôm nay đã đưa người lên đoạn đầu đài. Hài da! Xem ra ngươi chỉ có thể
nương nhờ một người. Phạm Lệnh Công – trung thần của nhà Ngô, nhưng giờ này hẳn
cũng thành trung thần của nhà Dương. Ít ra, hắn có đủ tâm mà bảo hộ ngươi, cũng
đủ uy khiến Tam Kha không dám lỗ mãng. Đi đi! Các ngươi đưa hắn đi đi. Đừng để
ta đổi ý.
Bốn thân vệ vội vàng đỡ Ngập lên ngựa.
Mấy người đó bàn bạc một lúc rồi quyết định đi lối đường rừng để ra khỏi Phong
châu trước, sau đó sẽ tìm cách nghe ngóng tin tức. Nhìn theo Ngập mất hết tinh
thần và sức lực, thây mặc kệ các thân vệ dẫn đi khuất phía rừng xa, thuộc hạ của
Thuận khinh thường tâu với chủ:
-
Vừa
rồi còn to tiếng nói không tin, mới nghe thêm vài lời, người đã thuỗn ra như
con cá chết. Kẻ như hắn mà lên ngôi, thiên hạ này tất đại loạn.
-
Uổng
công ta phí bao tâm tư đổ vào hắn. Vẫn là ta tính không hợp với ý trời.
-
Quân
cờ này đã vô dụng, sao ngài vẫn giúp hắn?
-
Không
làm gì hay giết hắn thì hóa ra lại giúp Kha. Nay ta cho hắn thêm một ân tình,
biết đâu sẽ có lúc dùng tới, lại để Tam Kha ngày ngày ăn không ngon, ngủ không
yên. Hắn còn đó, Ngô gia và những kẻ mưu đồ bá vương sẽ rục rịch nhân tâm, triệt
để lợi dụng để gây áp lực với nhà vua. Đều có thể tạo cơ hội cho ta, sao ta lại
không làm?
-
Chủ
nhân dụng tâm tỉ mỉ, thuộc hạ bái phục. – Viên thuộc hạ chắp tay hành lễ cung
kính với Thuận. Nhưng Thuận chỉ phẩy nhẹ tay, lắc đầu.
-
Nay
Kha lên, giấc mộng của ta càng xa vời. Đúng là trời không muốn giúp ta.
-
Chủ
nhân quá lo xa rồi. Ta thấy tin báo về nói Kha đứng trước mặt văn võ bá quan,
tuyên bố nhận hoàng tử Văn làm dưỡng tử, sau sẽ truyền ngôi cho. Ngài nói xem,
kẻ nhìn thấu thời cuộc như Tam Kha và Xử Bình, sao có thể hồ đồ để lại một cửa
tử lớn như vậy chứ?
-
Hắn
biết hết, nhưng hắn vẫn làm. Ngươi không tin vì ngươi không biết hắn. Tín nghĩa
là điểm yếu chết người của Tam Kha. Ngày trước gia phụ và đại ca hắn sát phạt
quyết đoán, cũng bất lực với lòng hiệp nghĩa nhiều lúc từng hại hắn suýt mất mạng.
Vì thế, dẫu hắn tài năng hơn người, nhưng Dương lão tướng quân cũng chẳng đặt
chút hy vọng nào vào hắn. Nay hắn làm thiên tử, âu cũng là ý trời.
-
Nhưng
hoàng tử Văn giờ đã 13. Ngập lại được ngài cứu thoát. E là cái ghế kia hắn cũng
chẳng ngồi được lâu.
-
Mong
rằng ngày ta chờ đợi sẽ sớm tới. Ta đã chờ quá lâu rồi.
Thuận nhìn về phía con đường cái quan
dẫn đi Giao châu. Sau đó, y gọi mấy thuộc hạ phía sau lại, dặn dò cẩn thận rồi
để đám người lên đường. Đó là 20 thân binh tinh nhuệ mang 20 phong thư mật gửi tộc
trưởng các đại gia tộc và các thủ lĩnh phiên trấn lớn nhất đất Tĩnh Hải từ hàng
chục tới hàng trăm năm nay, như Đỗ gia ở Đỗ Động Giang, Lý Khuê ở Siêu Loại, Trần
Lãm ở Bố Hải Khẩu, Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt… Những phong thư này đều cùng một
nội dung, vạch tội phản trắc, bất trung bất nghĩa của Dương Tam Kha, Lã Xử Bình
và cả Dương gia; muốn liên minh cùng Thuận nổi dậy cứu Ngô phò Ngập. Tiếc là
thư này cũng giống như ngày trước, đều nhận lấy vô số xỉ vả, khinh khi của đám
thế gia và hào trưởng, sau đó rơi vào im lặng.
Thuận chỉ có thể hô hào đám thảo khấu
ở Phong châu nổi loạn được chưa đầy một tháng, đã bị Tam Kha – lúc này là Dương
Bình Vương cho người đến dẹp tức khắc. Đội quân của Thuận một lần nữa phải trốn
thật sâu vào vùng núi non hiểm trở Hồ Hồi mới bảo toàn được lực lượng.
Còn Xương Ngập, khi được đưa ra khỏi
Phong châu, đã đến trú chân tại biệt viện nhỏ kín đáo của một hào trưởng họ Ngô
gần đó. Mấy ngày sau, người họ Ngô này báo tin cha hắn đã được an táng ở quê
nhà, Kha đã lên ngôi, nhận em hắn làm con nuôi, còn đem người truy sát hắn. Ngập
khóc nức nở một ngày. Sau đó, y hậm hực uất ức uống say đến quên trời đất suốt
một tuần liền. Tới lúc có người đến báo, chỗ này đã bị lộ, y cùng tùy tùng mới
lập tức khăn gói lên đường đi tìm Phạm Lệnh Công.
Ngập đi đường vòng qua Lục châu tới trấn
Hải Dương. Ngày vào rừng trú, đêm phi ngựa đi, cứ thế sau hơn một tháng tới được
làng Trà Hương. Đêm đến, khi lén lút vào nhà hào trưởng Phạm Lệnh Công, y lại
đi nhầm vào phòng một thiếu nữ. Thiếu nữ giật mình tỉnh dậy, tung cước đạp Ngập
bay khỏi cửa, rồi gọi người tới bắt trói hắn. Trong ánh đuốc tù mù, nhìn tên trộm
có dáng vẻ thanh niên to lớn nhưng ủ rũ, ăn mặc thường dân nhưng vẫn mang phục
sức quí tộc, đầu tóc bơ phờ, râu ria che kín mặt mũi như thổ phỉ; nàng Ngọc
Dung – chính là người thiếu nữ đã đá Ngập – không khỏi buồn cười, hỏi y:
-
Ngươi
là ai? Sao lại lén vào nhà ta ăn trộm?
Ngập ngước đôi mắt thương tâm lên,
đau lòng nói:
-
Ta
không ăn trộm. Ta muốn tìm hào trưởng Phạm Lệnh Công có việc gấp. Nhưng ta
không biết bị nhầm nhà. Mong cô nương nếu biết thì thỉnh ngài giúp. Còn nữa,
nhà cô nương có gì ăn không? Ta thực sự rất đói bụng.
Nói rồi y nhẹ nhàng đẩy tay, dây trói
cứ thế tuột ra trước con mắt ngạc nhiên của Ngọc Dung và đám người hầu. Mấy người
định xông vào đánh y, nhưng Ngọc Dung ra hiệu dừng tay. Nàng thấy y lục trong túi
vải bên người, lấy ra một đĩnh bạc rất to đưa cho nàng.
-
Đây
là tiền cơm và phí bồi thường vào nhầm nhà.
Nói xong y lại ngồi xuống, vẻ mệt mỏi,
dựa lưng vào hương án nhắm mắt dưỡng thần. Ngọc Dung là thiếu nữ 17, nhìn thấy
người lạ này dáng vẻ cũng không tệ, hành xử kỳ lạ, xem ra cũng là người trung
thực, cảm thấy thú vị. Nàng cho người đi tìm thức ăn, còn mình đi vòng quanh y,
tò mò hỏi:
-
Ngươi
là ai mà đòi gặp ông nội ta giữa đêm hôm thế này? Phải nói lý do thì ta mới báo
ông, nếu không ta sẽ cho người đánh đuổi ngươi ra khỏi làng.
Ngập trả lời mà chẳng buồn mở mắt:
-
Ta
là bạn cũ của lão tướng quân, nay sa cơ lỡ vận, gặp cơn nguy khốn, muốn đến
nương nhờ Phạm lão. Mong cô nương giúp ta tìm người. Xin đa tạ.
Ngập đưa lệnh bài cho nàng, bảo:
-
Cô
nương đưa cái này, Phạm lão nhất định sẽ biết ta là ai.
Ngọc Dung bán tin bán nghi, nhưng vẫn
để người dọn cơm cho y ăn và canh chừng y, còn mình mang lệnh bài khắc chữ
‘Ngô’ đi tới tìm ông nội. Phạm Lệnh Công khi được gọi dậy, nhận ngay ra chủ
nhân của tấm lệnh bài, vội hối thúc cháu gái dẫn tới chỗ khách lạ.
Vừa nhìn thấy Lệnh Công, Ngập đang ăn
cũng rơi cả đũa, lao vội tới ôm chân ông, nước mắt chan hòa, cất giọng thống
thiết:
-
Phạm
lão tướng quân, xin hãy giúp ta. Ta nay thân cô thế cô, sức cùng lực kiệt, bị
người tầm nã khắp nơi. Chỉ còn trông cậy vào ngài thôi. Mong ngài hãy vì ân
tình với cha ta bao năm mà giúp ta một chỗ nương náu. Ơn cứu mạng này, Ngập xin
ghi lòng tạc dạ, trọn đời không quên.
-
Xin
ngài hãy đứng dậy, kẻo lão phu tổn thọ mất.
Phạm Lệnh Công nói rồi quay lại ra hiệu
cho cháu gái và đám người hầu lui ra ngoài hết. Trong phòng lúc này chỉ còn hai
người. Lệnh Công thắp thêm một ngọn đuốc nữa, quan sát nhanh Ngập, rồi ân cần bảo:
-
Hoàng
tử yên tâm. Nơi này rất an toàn. Ít nhất có uy danh của ta, Bình Vương sẽ không
mạo phạm ngài. Ngài hãy ăn uống và nghỉ ngơi cho lại sức đã, rồi chúng ta nói
chuyện tiếp.
Ngập đa tạ rồi tiếp tục ăn, sau đó được
Lệnh Công dẫn tới một phòng nhỏ sạch sẽ để nghỉ tạm. Vì suốt một tháng ăn ngủ
trong cảnh màn trời chiếu đất, tâm trạng luôn phải cảnh giác, bất an, nay gặp
được Phạm Lệnh Công là cọng cỏ cứu mạng, Ngập thấy cả người như được giải thoát,
yên tâm đi vào giấc ngủ sâu.
Hôm sau tỉnh dậy, vệ sinh và cạo râu
tóc sạch sẽ, dùng xong bữa sáng với Phạm lão tướng, Ngập nghẹn ngào kể lại hơn
một tháng trời lưu lạc của mình từ lúc còn ở Phong châu. Lúc nghe tới đoạn Kiều
Thuận thả Ngập đi, Phạm Lệnh Công mày nhíu chặt, vẻ mặt nghiêm túc hơn hẳn.
Nghe kể xong, Lệnh Công hỏi Ngập:
-
Hoàng
tử, thứ tội cho lão thần khi hỏi câu này. Không biết quan hệ của ngài và Kiều
Thuận là thế nào?
-
Ta
sao có thể có quan hệ gì với tên khốn đó được. – Ngập không dấu nổi vẻ bất mãn
và giận dữ. – Hắn từng bắt cóc ta bán cho Nam Hán, lại nhiều lần giở trò tiểu
nhân với ta. Kẻ như hắn, ta muốn băm thây xé xác mà chưa có cơ hội. Lão tướng
quân nghi ngờ ta cấu kết với hắn ư? Đúng là ta có nhận lễ vật của hắn khi đóng
quân ở Phong châu. Vì ta nghe lời phụ tá, y nói tước hết lương bạc của hắn thì
hắn mới suy yếu được. Ta nghĩ cứ thu hết cống vật, xung quân và xung quĩ triều
đình, còn chuyện hợp tác hay kết minh với hắn thì không có đâu.
-
Hài,
ngài nghĩ đơn giản quá. Có thể nhiều người, cả Bình Vương nữa, cũng nghĩ ngài
và Kiều Thuận cùng phe cánh. Hiện nay, trong số các cánh quân cát cứ, quân của
Kiều Thuận đông nhất và lợi hại nhất. Hắn lại đa mưu túc trí, luôn gây khó dễ
cho triều đình. Nay dựa vào tên tuổi của ngài, hẳn sẽ lại gây rối loạn Tĩnh Hải
một thời gian. Ta vừa nghe nói ở Phong châu có biến. Loạn lần này khá lớn, hẳn
hắn dụng rất nhiều tâm sức.
-
Tên
khốn đê tiện. Ta biết hắn không phải hạng tử tế gì mà. Chỉ là lúc đó ta như bị
mất trí, không hiểu làm thế nào mà ra khỏi vòng vây của hắn. Người của ta bảo
do hắn thả ta đi, còn dặn đi tìm ngài. – Thấy Phạm Lệnh Công nheo mắt nhìn
mình, Ngập vội vã bảo – Dù hắn không nói thì ta cũng đi tìm ngài. Chỉ mong Phạm
lão tướng quân đừng nghi ngờ ta.
-
Ta
hiểu. Vì ơn nghĩa với Ngô vương, ta sẽ dốc lòng dốc sức giúp ngài. Ta chỉ muốn
hỏi ngài một câu thôi. Ngài không oán hận Bình Vương chứ?
-
Sao
không oán hắn? – Ngập lại bùng lên cơn giận dữ, nhưng rồi ỉu xìu nhanh chóng –
Ta biết ta bất tài vô dụng, không ai tin tưởng. Ngô gia cũng chưa đủ vây cánh. Quần
thần nhìn ta đầy nghi kỵ. Ta có lên lúc nước sôi lửa bỏng này thì cũng sớm bị
người khác phế thôi. Nhưng dù gì ta cũng là trưởng hoàng tử, cũng có chút khổ
công giúp vua cha dựng nước. Giá bá phụ hắn là kẻ dã tâm và tuyệt tình, giết sạch
một nhà họ Ngô để tiếm ngôi là một lẽ. Đằng này, hắn giữ lại cả huyết mạch họ
Ngô, chỉ diệt mình ta. Rõ ràng hắn tỏ rõ lập trường bảo vệ máu mủ liên quan
Dương gia, còn ta là gì? – Ngập lúc này nước mắt như mưa - Bao năm qua ta luôn
kính ngưỡng hắn như phụ mẫu. Vài lần gây chuyện ảnh hưởng tới hắn, ta cũng hận
mình thấu tâm gan, thành thật xấu hổ xin đi đánh trận chuộc lỗi với hắn. Ta biết
hắn nhiều lần giúp ta, cũng không hài lòng về ta, nhưng chưa bao giờ hắn tuyệt
tình đến thế. Cha ta từng nhắn nhủ ta, ‘trên đời này, cả thiên hạ có thể phụ
ta, trừ Tam Kha’. Nếu phụ vương mà biết đến cả Tam Kha của người cũng đã phụ
người, diệt con của người, người chết có nhắm mắt được không? Ta hận hắn. Ta
cũng hận chính bản thân ta. Sao ta lại vô dụng thế này chứ?
Phạm Lệnh Công nhìn người đàn ông trước
mặt đang không ngừng khóc than, lòng thầm thở dài. Đã từng là một trưởng hoàng
tử thì sao kia chứ? Đã từng tin cẩn người thì sao kia chứ? Thế sự xoay vần, kẻ
tức thời mới là trang tuấn kiệt. Dù Bình Vương không phải kẻ tức thời, nhưng
trong thế sự này, hắn là trang tuấn kiệt.
Đợi Ngập bình tĩnh lại, Lệnh Công mới
ân cần bảo:
-
Hoàng
tử Ngập, ta nghĩ cần phải cho ngài biết. Bình Vương lên ngôi được lòng thiên hạ,
chưa có âm mưu phản nghịch nào. Dù có cũng không dám thể hiện ra lúc này. Đám
loạn dân do Kiều Thuận xúi bẩy thì ngài biết đấy, dù ai là vua mà không phải Kiều
Thuận hắn, thì hắn cũng giở mấy trò đó hết. Ta nghe Phạm Bạch Hổ và Phạm Man
báo về, phương Bắc và Tây Bắc đều có binh của Đại Lý và Nam Hán nhân thời thế
nước ta biến chuyển, đều lăm le tràn vào. Bình Vương đang dốc sức chống ngoại
xâm, củng cố binh lực và phòng thủ biên giới. Là một lão tướng, bản thân ta
cũng ủng hộ Bình Vương. Thế cục gian nan lúc này, ngoài Bình Vương, không ai ở
Tĩnh Hải này có đủ năng lực mà gánh vác trọn vẹn.
-
Ta
cũng biết hắn tài đức hơn người, được lòng thiên hạ từ thời Dương lão tướng
quân trị vì. Bản thân ta cũng hiểu, ngoài chính danh ra, cái gì ta cũng không bằng
hắn. Nhưng, việc hắn truy sát mình ta trong cả họ Ngô, vẫn khiến ta không hết
nguôi hận. Còn một điều nữa – Ngập khảng khái chắp tay với Phạm Lệnh Công – Phạm
lão tướng quân, từ nay xin đừng gọi ta là hoàng tử nữa, không tiện hành sự với
người ngoài. Lúc này, xin ngài hãy coi ta là vãn bối mà tùy gọi.
-
Được,
ta sẽ gọi ngài là công tử Ngập, con một bạn cũ của ta ở kinh thành tới nương nhờ
ít bữa.
Nghe thấy tiếng động ở cửa, Phạm Lệnh
Công quát lên:
-
Là
ai to gan dám nghe lén?
Ngọc Dung lúc này e thẹn mở cửa đi
vào, cúi đầu lí nhí:
-
Ông
nội, là cháu. Cháu đi qua nghe thấy có tiếng khóc, nên có ý dừng lại xem sao.
-
Ta
dạy cháu thế nào? Nghe lén bề trên nói chuyện là vô lễ.
Ngập thấy lão tướng già tức giận thì
đứng lên, vội vã nói:
-
Phạm
lão tướng quân, xin hãy nể mặt ta mà tha cho cô nương đây. Nàng vẫn còn nhỏ,
chưa hiểu chuyện.
Ngọc Dung không dấu nổi bực mình,
nâng mặt lên, nói với Ngập:
-
Này
người kia, hôm qua ta còn cứu ngươi và tha cho ngươi khỏi ăn đòn đấy. Sao dám bảo
ta không hiểu chuyện?
-
Hỗn
xược! – Chiêm đập bàn quát lên.
Ngập lúc này mới ngớ ra, nhìn lại
nàng. Thấy đúng là giọng nói hôm qua, nhưng người thì không giống trong tưởng tượng.
Một cô gái nhỏ nhắn, thanh tao, mi quang mục tú, vừa yếu liễu đào tơ, lại vừa
có chút bướng bỉnh trẻ con, xinh đẹp đến khó mà cầm lòng. Thấy nàng rơm rớm nước
mắt nhìn ông nội, rồi lại lườm mình, Ngập thấy trong lòng dịu dàng vô hạn, quay
sang bảo Lệnh Công:
-
Lão
tướng quân, đây là?
-
Lão
quên chưa giới thiệu với ngài. Đây là Phạm Thị Ngọc Dung, con gái đầu của Phạm
Bạch Hổ, cũng là cháu nội gái thứ ba của lão. Nó năm nay cũng đã 17, đến tuổi lấy
chồng rồi mà ngang bướng nên chưa có ai đến rước đi. – Nói rồi Phạm Lệnh Công
quay ra trừng mắt với cháu gái mình – Còn không mau ra mắt công tử Ngập? Gia
giáo ta dạy cháu để đi đâu hết rồi?
Cô gái nhanh chóng hành lễ với Ngập,
e lệ nói:
-
Ngọc
Dung xin ra mắt công tử. Hôm qua có gì thất lễ, mong chàng thứ tội.
Ngập lúc này tâm trạng như tắm gió
xuân, khẽ nâng nàng dậy và nói:
-
Không
dám, không dám! Hôm qua mạo phạm tới cô nương. Cô nương không trách tội đã là
phúc cho ta lắm rồi.
Hai người nhìn nhau, đầu mày cuối mắt
đều không ngừng lưu luyến. Phạm Lệnh Công nhìn thấy cảnh này, trong lòng thấp
thỏm cảnh giác. Tiếng xấu của Ngập, ông và cả các con trai của ông đều không lạ
gì từ hồi còn ở đại bản doanh châu Ái. Nên hiển nhiên ông không muốn cháu gái
hay bất kì con cháu nào trong nhà mình dính dáng đến vị hoàng tử thất thế quá
nhiều tật này. Phạm lão tướng e hèm một cái, bảo cháu gái lui ra, rồi khó nhọc
cố lái chủ đề với kẻ đang rạo rực xuân tâm:
-
Trước
mắt ngài có thể ở lại nhà của lão. Nhưng ở đây người ra vào nhiều, tin tức rất
nhanh sẽ bay tới Bình Vương. Lúc đó, ta sẽ đưa ngài lên núi. Núi Hun Sơn hùng
vĩ nhất Đằng châu, không thiếu khe động hiểm trở để ngài trú thân. Nếu không phải
người dân ở đây thì vào núi cũng không tìm được đường ra. Binh của Bình Vương tất
không dám đi. Ta sẽ cho người tiếp tế và bảo vệ ngài chu đáo.
-
Có
lời này của Phạm lão tướng quân, ta rất an lòng. Xin nhận ta một lạy này để tạ
ơn cứu mạng của người.
Ngập lạy Phạm lão một lạy, mắt rưng
rưng xúc động. Sau đó, Lệnh Công cho người đi mời bốn thân vệ của Ngập đang trú
bên ngoài vào nhà, đối xử tử tế. Lệnh Công bảo với mọi người trong nhà rằng Ngập
là công tử nơi đô thành, bà con với một cố nhân tâm giao năm xưa của ông ở Bạch
Đằng giang. Chiến trận đánh xong, mỗi người một nơi. Bạn cũ thất lạc tin tức
lâu ngày, nay đã mất. Tưởng nhớ ân tình năm xưa, ông mời vị công tử này ở lại
chơi một thời gian để có dịp hàn huyên, báo đáp. Còn cô cháu gái mình thì ông bắt
chuyển sang biệt viện xa nhất, mời học sỹ từ kinh thành về bắt học thêm đủ thứ
cầm kỳ thi họa.
Cứ thế chẳng mấy chốc tới cuối thu.
Ao sen trong đầm đã tàn. Ngập trú ở đây được gần bốn tháng. Y không ra ngoài,
nên dân làng cũng không biết mặt. Nhưng người trong nhà đông, nên tin tức về một
công tử từ kinh thành tới đây trú tạm cũng râm ran lối xóm một dạo.
Một ngày vừa giải quyết mấy người dân
tranh cãi vặt vãnh trong làng xong, Lệnh Công ra vườn múa kiếm như thường lệ,
thì nhận được tin khẩn của Bạch Hổ báo về. Bình Vương cho Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh
Thạc cùng 500 binh tới làng Trà Hương lùng bắt Xương Ngập. Biết con trai mình hẳn
đã tường tận mọi sự, ông đành trấn an người đưa tin tâm phúc, bảo y báo các con
cháu mình nơi đô thành cứ an tâm. Bình Vương là người biết phải trái, sẽ không
gây khó dễ cho một cựu lão thần quân công đầy mình như ông. Rồi ông đi đến
phòng tìm Ngập. Nhưng vừa mới đang định bước lên hiên nhà, ông đã nghe thấy tiếng
nam nữ nỉ non.
-
Thê
tử đầu tiên của ta tên Phù Dung, thiếp thân tên Thanh Dung, sau lại có một người
thiếp tên Phương Dung. Nay lại gặp nàng tên Ngọc Dung. Những người con gái cùng
tên này sao mà đều tài sắc hơn hoa, khiến lòng người quyến luyến không thôi. Ta
thật sự may mắn vì có duyên với chữ Dung nàng.
-
Là
thiếp may mắn được gặp chàng. Ngay từ lần đầu nhìn thấy chàng, thiếp đã thấy
lòng mình xao xuyến. Tấm lòng này, thiếp nguyện trao chàng, vĩnh kết đồng tâm.
Lệnh Công chết điếng. Ông lật đật đi
nhanh tới, đập cửa thật mạnh. Cánh cửa mở ra. Đôi nam nữ đang quấn lấy nhau, ôm
ấp trên phản, ngượng ngùng rời ra. Lệnh Công nén tức giận, quát cháu gái ra
ngoài, đoạn đóng cửa lại, nghiêm trang nói với Ngập:
-
Kinh
thành báo về, Bình vương cho người đến đây lùng bắt công tử. Ta sẽ cho người
đưa công tử lên núi tránh một thời gian. Công tử mau báo người chuẩn bị đi.
Ngập xoa xoa tay, nói:
-
Đa
tạ ân công đã chu toàn. Chuyện vừa rồi ta…
-
Là
điệt nữ còn nhỏ tuổi, chưa hiểu chuyện. Ta sẽ dạy bảo cháu. Công tử mau thu xếp,
một canh giờ nữa lên đường.
Nói rồi Lệnh Công dứt khoát đi ra, để
Ngập ngẩn ngơ nhìn theo. Lệnh Công tới viện cháu gái, mắng mỏ không ngừng.
-
Lấy
vợ từ lúc 15. Đến 20 đã có 4 đời thiếp thất. Dan díu cướp đoạt thị thiếp của
bác. Người ta tiến cống lễ vật, hắn chỉ chọn gái đẹp. Đam mê sắc dục tới mức bị
trúng mỹ nhân kế, mất mấy châu huyện. Nay hắn 30 mà có 2 đời thê thất cùng vô số
nữ nhân trong ngoài, còn nhiều hơn cả hậu cung hoàng đế phương Bắc. Tiếng xấu của
hắn cả Tĩnh Hải này đều thuộc lòng, thế mà ngươi còn nhắm mắt lao vào sao? Làng
này hết trai tráng rồi hả? Nếu ngươi mắt cao hơn đầu, ta sẽ đưa ngươi lên kinh
thành, để cha ngươi tìm cho ngươi vài đám tử tế.
-
Cháu
biết tất cả những gì người ta nói về chàng. Chàng cũng không hề giấu diếm cháu
điều gì. Chàng là người lòng dạ ngay thẳng, dám yêu dám hận. Cháu cũng đâu cần
giàu sang phú quý, chỉ cần một tấm chân tình. Nay lòng cháu đã quyết. Cháu
không muốn đi đâu hết. Cháu chỉ muốn ở bên chàng. Mong ông hãy thương cho tấm
chân tình của cháu và chàng mà tác hợp để chúng cháu trọn nghĩa trăm năm.
Nhìn cháu gái tha thiết, sống chết
đòi đi cùng Xương Ngập, Lệnh Công rầu rĩ trong lòng, nghĩ đúng là ý trời, chẳng
thể cưỡng cầu được.
-
Trăm
năm thì cháu đừng hy vọng. Qua được ba bốn năm là giỏi lắm rồi. Chưa người phụ
nữ nào ở với hắn được quá ba năm đâu. Cha mẹ cháu đều không ở đây, giao việc
chung thân của cháu cho ta định đoạt. Nay gặp việc thế này, ta biết ăn nói với
cha mẹ cháu thế nào đây? Cháu nên đóng cửa tự vấn xem việc này có đáng hay
không. Ta sẽ cho người hỏi ý cha mẹ cháu rồi quyết định sau.
Tuy nhiên, chẳng chờ được bao lâu,
nàng Ngọc Dung ngay tối đó đã lén trốn lên núi tìm Ngập. Còn Phạm lão tướng
quân, lúc đó đang mải đối phó với Cảnh Thạc và Cát Lợi, không có tâm trí đâu nhớ
tới cô cháu gái nhà mình.
Người đưa Ngập lên núi chừng ba canh
giờ thì đội quân của Thạc và Lợi tới trước cổng nhà Lệnh Công. Thạc cho người
chặn cổng vào làng, đồng thời vây kín nhà vị hào trưởng đáng kính. Dù lúc đó đã
chập tối, dân làng vẫn túa ra xúm xít theo dõi. Đuốc sáng bừng bừng. Lệnh Công
vui vẻ ra mời Thạc và Lợi vào nhà uống trà. Thạc chắp tay thưa:
-
Tôi
vâng lệnh vua, tới truy bắt đào phạm triều đình. Mong Lệnh Công lượng xá nếu có
gì thất lễ. Chúng tôi chỉ làm tròn phận sự được giao.
-
Ta
hiểu. Các vị cứ khám xét. Nếu bắt được thì mang người đi. Ta sẽ không cản trở mệnh
quan triều đình.
Tra xét suốt một tuần liền, cũng
không thấy mảy may bóng dáng hay bất kì thứ gì liên quan tới Ngập. Thạc và Lợi
đành xin lỗi và cáo từ ra về. Người dân xung quanh lúc bấy giờ mới rõ, vị cựu
hoàng tử của tiên đế đang bị nghi ngờ được Lệnh Công bao che. Nhiều người ngạo
mạn muốn Lệnh Công làm sáng tỏ về vị công tử trong lời đồn. Lệnh Công dõng dạc
thưa:
-
Vị
công tử đó là người bà con của một cố nhân cùng ta đánh trận ngày xưa. Giao
tình giữa chúng ta không tầm thường. Nay vị ấy ghé qua đây chơi dăm bữa rồi lại
đi. Lãng tử giang hồ, làm sao ta giữ chân được. Còn bà con hỏi đi đâu, người ta
không biết, ta lại càng không thể biết.
Nhờ uy danh của Phạm Lệnh Công, mọi
người dù bán tin bán nghi nhưng cũng không tò mò hay gây khó dễ cho vị hào trưởng
thêm nữa. Nhưng ông vẫn không hết phiền não khi được người nhà cho biết cháu
gái đã bỏ nhà trốn theo vị công tử nọ, để thư lại bảo bọn họ không cần tìm.
Đông qua xuân tới, Phạm lão tướng
quân vẫn bí mật đưa người tiếp tế lương thực, thuốc men, và tin tức cho Ngập
cùng cô cháu gái ngông cuồng của mình. Ông cũng không buồn báo với hai người rằng
phu thê Phạm Bạch Hổ cực lực phản đối mối thông gia này. Thê tử Bạch Hổ về than
khóc với ông suốt một tháng trời, đòi cháu gái. Nhưng Ngọc Dung không chịu về
nhà. Chuyện tình này, ông cũng đành chịu, cứ để thuận theo tự nhiên vậy.
Sang năm Dương Bình Vương thứ 2
(945), tiết Thanh minh, trời nắng đẹp, Ngập cùng Ngọc Dung lén trở về làng Trà
Hương. Ngập quì xuống xin Lệnh Công cho cưới nàng Phạm Thị Ngọc Dung làm vợ. Phạm
thị lúc này đã có thai ba tháng. Lễ cưới tượng trưng đơn giản, chỉ có người
trong nhà, phụ mẫu hai bên đều không có ai, Phạm Lệnh Công làm chủ hôn.
Cuối thu năm đó, Đỗ Cảnh Thạc và
Dương Cát Lợi lại dẫn binh tới truy tìm Ngập lần thứ hai, nhưng phu thê hắn kịp
trốn vào rừng. Mấy tuần sau, Phạm thị sinh được một cậu bé kháu khỉnh trong
hang đá. Lệnh Công nghe tin, khóc mà than:
-
Không
ngờ cháu chắt của nhà võ tướng lại sinh ra trong cảnh trốn chui trốn lủi, tối
tăm, bần hàn thế. Nay gọi nó là Xí, để mong đời nó sẽ sáng sủa, tốt đẹp hơn.
Cậu bé Ngô Xương Xí chưa được đầy một
tuổi thì mẹ cậu mất. Lệnh Công thương tâm ốm hơn một tháng trời, vì xót xa cho
cháu chắt nhà mình. Tỉnh lại, ngẫm thôi thì ‘con dại cái mang’, ông cho người
đem Xí về nuôi, yêu thương hết lòng như con đẻ.
Năm Dương Bình Vương thứ 3 (946), khi
Xí chập chững bước đi những bước đầu tiên ở sân nhà, Phạm lão tướng quân bất ngờ
đón một vị khách từ kinh thành tới. Dương Bình Vương.
-
Là
con của Ngập?
Bình Vương cất giọng lạnh lẽo hỏi Lệnh
Công, mắt không chớp nhìn đứa bé. Phạm lão tướng quân lúc này vẫn đang chưa hết
kinh ngạc nhìn trân trối nam tử cao lớn, mặc khôi giáp, uy nghiêm đứng trước
sân nhà mình. Mãi một hồi ông mới tỉnh ra, vội vã đứng dậy chắp tay:
-
Hoàng
thượng giá lâm! Thần không kịp hành lễ, mong ngài xá tội.
-
Không
cần đa lễ. – Bình Vương khoát tay, mắt vẫn không rời đứa bé. Lệnh Công chợt thấy
một chút sợ hãi trong lòng.
Đúng lúc này, Xí phát hiện ra người lạ.
Người tới rất uy vũ và anh tuấn, khiến nó vô cùng thích thú. Đứa bé bổ nhào vào
lòng Bình Vương, một tay níu lấy chiến bào của vua ngậm chặt trong mồm, tay kia
với lấy thanh gươm đeo bên người vua lôi xuống. Lệnh Công cùng Bình Vương kéo
mãi, nó vẫn không chịu buông ra.
-
Sau
này có muốn thống lĩnh đại quân không?
Bình Vương bất chợt hỏi đứa bé một
câu khiến Lệnh Công níu lưỡi vì kinh ngạc. Đứa bé chỉ cười ha ha, miệng hét lên
ê a với những từ không tròn nghĩa. Nhưng rõ ràng Xí rất thích Bình Vương, quyết
không buông nhà vua ra một tấc. Bất đắc dĩ, Bình Vương đành ôm chú bé vào nhà,
đặt ngồi trong lòng, cùng trò chuyện với Lệnh Công.
Bình Vương hỏi Phạm lão tướng:
-
Tại
sao giúp hắn?
Lệnh Công than:
-
Bệ
hạ, ngài còn nhớ chuyện năm xưa, lời chiêm của Hoa phu nhân cho ngài không? –
Phạm Lệnh Công bồi hồi nhớ lại – Khi biết tin Ngô Vương bệnh nặng, ta đã đoán
ngay người kế tục sự nghiệp sẽ là ngài. Lúc đó ta tưởng huyết mạch Ngô tiên
chúa sẽ bị ngài thanh tẩy sạch sẽ. Sau biết ngài vẫn còn tâm giữ đất, giữ binh
quyền cho nhà Ngô, ta thực sự càng thêm khâm phục đức độ của ngài. Người như
ngài hiếm lắm thay. Nếu là tay Phạm Chiêm ta, ta biết mình cũng không thể ngăn
được sát tâm.
Nói đến đó, Lệnh Công quì xuống, tha
thiết xin với Bình Vương:
-
Bệ
hạ, Ngập không xứng làm vua, nhưng cũng không đáng tội chết. Huống chi hắn còn
là huyết thống của tiên chúa. Ngài đã quyết tâm bảo vệ giang sơn cho nhà Ngô,
sao không chừa lại cho hắn đường sống? Hắn bất tài chẳng làm nổi chuyện gì.
Trong thế cuộc này, rõ ràng hắn đã là kẻ vô dụng. Sao phải tốn tâm sức diệt hắn,
làm tổn hại đến uy đức của ngài? Nay hắn lại là cháu rể ta. Dù bất đắc dĩ,
nhưng con cháu mình thì mình phải thi ân. Chiêm ta dẫu tài cán, đức độ không bằng
ngài, nhưng chút đạo lý với con cháu ta cũng hiểu. Mong ngài khai ân, tha cho hắn,
cũng là tha cho chắt của ta.
-
Ông
biết ta đang giữ binh quyền cho nhà Ngô? Vậy thì hẳn cũng hiểu, Ngập còn sống
ngày nào, nhà Ngô sẽ mang họa ngày đó? Hắn bất tài, nhưng hắn lại là trưởng tử
của tiên chúa. Thân phận đó buộc hắn phải chết.
-
Bệ
hạ, xin người khai ân. Nếu không thể tha cho Ngập thì xin đừng hại đứa bé này.
Ta thề sẽ nuôi dạy nó thành người ngay thẳng, chính trực, hết lòng vì dân vì nước.
Ngài nhìn ta đã nuôi dạy con cháu trong nhà, tất cả đều là tướng tài hay mưu sĩ
tận tâm tận lực cho triều đình. Chiêm ta thề với trời cao, nếu đứa trẻ này
không thành người trung chính, Phạm gia ta tự diệt tổ, diệt tộc.
-
Đứng
lên đi! – Bình Vương cũng đứng dậy, bế đứa bé xuống, dắt tay Xí – Ngập, ta
không thể tha. Còn đứa bé này, ta cho ông một cơ hội.
Nói rồi Bình Vương dứt khoát hất tay
Xí ra khỏi người mình và bước ra ngoài cổng, nơi Đỗ Cảnh Thạc, Dương Cát Lợi cùng
1.000 binh đang đợi sẵn. Bình Vương ra lệnh, đoàn quân chia ra ba ngả theo trật
tự, lao ầm ầm về phía dãy Hun Sơn nơi Ngập đang trốn. Đoàn người đi mất, bỏ lại
bụi tung mù mịt và ông cháu Phạm Lệnh Công đứng đó. Cậu bé Ngô Xương Xí khóc ầm
ĩ hết sức thương tâm suốt ba canh giờ liền, ánh mắt khôn nguôi nhìn theo hướng
Bình Vương rời đi, như vừa mất đi một báu vật. Lệnh Công đau lòng, an ủi cậu
bé:
-
Cháu
thích ngài ấy phải không? Được, từ nay ta sẽ giành hết tâm sức dạy cháu trở
thành người như ngài ấy.
Trận vây bắt đó kéo dài suốt gần một
tháng. Người của Cát Lợi và Cảnh Thạc tra các hang động và vách núi, đều không
thấy Ngập. Thạc cho một toán chừng 200 người ở lại cát cứ bao vây canh chừng.
Sau đó, cũng không có thêm đoàn binh
nào từ kinh thành đến lùng bắt đào phạm nữa. Chỉ có điều, Ngập phải sống hẳn
trong khu rừng hoang sơ này thêm mấy năm, tới khi Xương Văn lên ngôi. Đồ tiếp tế
của Phạm Lệnh Công không phải lúc nào cũng chót lọt qua đám lính gác, nên hắn
cũng bữa no bữa đói, dần phải làm quen với việc săn thú rừng làm thức ăn, đốn
cây rừng làm củi lửa và chỗ trú ngụ.
Hành động trợ giúp Ngô Xương Ngập của
Phạm Lệnh Công sau này được sử sách ngợi khen hết lời, phong ông là “Trung
quân nghĩa sĩ bậc nhất nước nhà” (1)
“Việc làm của Phạm Lệnh Công thật là
trung nghĩa. Tam Kha là kẻ bầy tôi, đuổi con cả của vua đi mà cướp lấy ngôi, thế
mà Phạm Lệnh Công dám giấu Xương Ngập một chỗ, là có ý muốn bảo toàn lấy dòng
dõi họ Ngô. Tại đây ta thấy việc Chử Cữu và Trình Anh lại tái diễn. Ai dám bảo
trong cả một nước to lớn mà không có trung thần nghĩa sĩ hay sao?”(2)
(1) Lời của nhà sử học Trần Quốc Vượng.
(2) Lời của Ngô Sĩ Liên trong Khâm Định
Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Quốc sử quán triều Nguyễn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét