Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Luận Anh Hùng - Cheryl Pham: Chương Mười Ba - Kiến thời vận, nhận anh hùng


Chương Mười Ba: Kiến thời vận, nhận anh hùng

Tam Kha ơi hỡi Tam Kha
Anh hào trung nghĩa hay là tặc nhân?

Lúc Ngô Vương chưa thốt xong lời trăn trối, đã trút hơi thở cuối cùng mà không kịp nhìn thấy con mắt thoáng chút bối rối của hai ái khanh. Vừa đặt nhà vua xuống, kiểm tra hơi thở thấy không còn, Xử Bình lặng lẽ lắc đầu với Tam Kha. Kha kêu ngự y vào. Ngự y kiểm tra xong cũng bẩm lại “Thưa Hữu tướng, Tả tướng, Hoàng thượng đã hoăng.” Kha hỏi thêm vài thủ tục với ngự y rồi cho nhóm hầu cận chăm sóc Ngô Vương lúc trước vào và an bài, sau đó cùng Xử Bình đi tới ngự thư phòng. Xử Bình nghiêm trang nói:
-         Bệ hạ ốm lâu ngày nên hồ đồ rồi. Dương Hữu tướng, ta coi như chưa nghe thấy gì.
Thấy Tam Kha vẫn trầm ngâm tư lự không nói gì, Xử Bình sốt sắng:
-         Hữu tướng, Ngô Xương Ngập là kẻ bất tài, vô dụng, tính cách nhu nhược yếu mềm, chỉ ham mê tửu sắc, cũng chẳng có công trạng gì hiển hách. Bá tánh quần thần chỉ nhớ đến sự kiện hắn làm mất bốn châu ải Bắc mà lòng phẫn nộ. Giờ đưa hắn lên ngôi, có khác gì khiến lòng người chết tâm với triều đình. Đám hào trưởng, phỉ rợ đang nổi dậy can qua vì nhà Ngô để mất đất, nay lại đưa kẻ tội đồ lên thì ai mà chịu phục. E rằng chưa ngồi lên được dăm bữa nửa tháng, triều này sớm lại đổi chủ. Lúc đó, những gì chúng ta vừa mới bắt đầu xây dựng, cả những thứ chúng ta làm còn chưa xong lẫn xong rồi, sợ sẽ bị vua mới tức khí mà đập bỏ. Giang sơn thống nhất chưa được bao lâu, thành quả mới nhen nhúm một chút đã bị tàn phá. Những tướng lĩnh đồng cam cộng khổ với chúng ta lập ra quốc thể chưa được hưởng bao ngày thái bình, đã phải lao vào lửa đỏ. – Xử Bình chỉ tay ra cửa sổ, giọng thống thiết hơn - Ngài hãy nhìn lại đại cục bây giờ đi. Bên ngoài, Nam Hán đã ổn định triều cục, Đại Lý hùng mạnh vừa được lập ra, đế vương họ dã tâm như bão cuốn(1), nếu vua ta không đủ uy lực và thu được nhân tâm, nguy cơ ngoại bang sẽ lại cận kề. Bên trong, đám loạn dân tự xưng hùng xưng bá đòi tiêu diệt nhà Ngô nhưng chưa có kẻ nào có thực lực và danh tiếng, chỉ dùng miệng lưỡi đấu đá. Cả ngài và ta hẳn đều rõ trong lòng, Ngô Vương có thể ngồi vững ở cái ghế kia năm năm chỉ là nhờ danh tiếng uy vũ của trận Bạch Đằng. Nếu thêm mười năm, hai mươi năm nữa, ai dám nói thiên hạ này vẫn của nhà Ngô? Còn trong đám thủ lĩnh phiên trấn cát cứ nổi dậy kia, nếu giờ có kẻ nào làm chúa của chúng ta, liệu ngài và các tướng sĩ có phục không?
Nói đoạn, Xử Bình quì xuống, gục mặt dưới chân Tam Kha.
-         Cả Tĩnh Hải này, trừ ngài ra, còn ai đủ khả năng ngồi vào cái ghế kia? Xin ngài hãy vì xã tắc mà hành đại sự.
-         Ta không thể làm kẻ bất trung, bất nghĩa. – Tam Kha nhắm mắt, mệt mỏi nói. – Thiên hạ này đang là của nhà Ngô. Xương Ngập là kẻ chính danh. Quản chi hắn có tài hay bất tài. Nếu hắn chính tay để mất giang sơn, ta sẽ giết hắn trước, tế vong linh Ngô tiên chúa. Sau đó sẽ dùng hết sức mà đoạt lại đất đai cho bá tánh, trao nó cho người hiền đức xứng đáng. Chút uy vọng kia không đáng đánh đổi tấm lòng trung nghĩa của Tam Kha ta. Xử Bình đừng khuyên nữa. Ta quyết không làm ô danh Dương gia và bản thân.
Lúc này Xử Bình không kìm nổi nữa, mà rống lên khóc thống thiết:
-         Tam Kha ơi Tam Kha, ta vì bá tánh, vì quốc thổ mới cầu ngài thê thiết đến thế. Nếu ta vì Dương gia, ta hẳn đã giúp thiên hạ này mang họ Dương từ 5 năm trước, đâu cần đến bây giờ nhìn ngài e sợ cái chuyện ‘chính danh’. Nếu ta vì bản thân, ta hẳn sẽ chờ Ngập lên ngôi; không quá một năm, đất này sẽ vào tay Nam Hán hoặc Đại Lý; lúc đó quần hùng đua tranh, ngoại xâm nội đấu, ta nhìn thời thế rồi lại tới nương nhờ kẻ tài đức, tất sẽ có ngày quật khởi. Nếu may mắn trời cho chút cơ hội, ta sẽ trực tiếp dùng cái uy danh này mà lật đổ Ngập, một tay xây dựng cơ đồ. Tam Kha! Thiên hạ đâu quản ngươi họ gì. Thiên hạ đâu quản ai kẻ chính danh, ai không. Thiên hạ chỉ cần một chữ ‘an’, chỉ cần có kẻ tài đức vì trăm họ chèo chống bão tố mưa sa – một kẻ khiến họ ‘phục’. Còn với những hạng loạn thần tặc tử, chính danh hay không cũng đâu thay đổi được dã tâm lang sói của chúng. Ngô Vương có thể làm dũng tướng nơi chiến hào, nhưng về trị quốc chỉ lấy ngắn nuôi dài, nghi kị hiền tài, trọng dụng gia quyến, làm sao có thể bình được thiên hạ. Cái đức của Ngô Vương khiến xã tắc ‘an’ được 5 năm. Và cũng chỉ được như thế mà thôi. Nay ta vì một triệu thường dân đất Tĩnh Hải, không muốn thấy cảnh bá tánh lầm than, xã tắc nguy khốn bởi phương Bắc một lần nữa, nên cầu ngươi đứng ra gánh lấy thiên hạ này. Kẻ anh hùng đứng trong trời đất, há chỉ vì ngại cái chữ ‘danh’, vì sợ tiếng ô nhục mà chùn chân quay gối, chối bỏ trách nhiệm, nhìn giang sơn nhuốm máu dân mình. Lúc đó đừng nói đến danh, mà chính là tội. Thâm tâm ngươi sẽ hối hận, oán thán dũng khí kém cỏi của bản thân. Còn ta, và nghìn vạn tướng sĩ, cũng sẽ coi ngươi là kẻ tội đồ. Ngươi như thế có đớn hèn, vô dụng khác gì Ngập? Tam Kha ơi Tam Kha! Uổng thay cho ta và bao tướng sĩ một đời coi ngươi là bậc hiền tài, đức độ hơn người mà ngưỡng vọng.
Xử Bình lau nước mắt đứng dậy, phất tay áo định rời đi. Nhưng chưa kịp tới cửa, đã thấy Dương hậu mắt đẫm lệ đứng đó tự bao giờ. Dương hậu nói:
-         Lã Tả tướng chớ đi vội. Hãy cùng ở lại với ta để làm rõ ràng một số việc. Đừng nghĩ ta là người họ Dương nên sẽ cùng phe cánh với hai vị. Như Ngọc ta đã là người Ngô gia, sẽ một lòng suy nghĩ cho sự hưng thịnh của nhà Ngô. Nhưng ta thân là hoàng hậu, phải đặt trách nhiệm với xã tắc lên hàng đầu. Nay ta muốn tường tận triều cục, nhận biết an nguy cho tương lai Tĩnh Hải mà ra quyết định hợp lý. Ta cần ngài trợ giúp.
Xử Bình gạt lệ, tâu:
-         Thưa hoàng hậu, ta sẵn sàng giúp người minh tường đại cục.
Dương hậu gật đầu, đi vào ngồi lên chiếc ghế rồng lớn nhất trong thư phòng, nơi Ngô Vương thường ngồi. Dương hậu hỏi:
-         Nếu ta nhiếp chính, thì làm sao?
-         Lúc này thế nước mong manh, lòng người bất mãn, người chỉ có chính danh, lại không có công trạng thị uy và binh quyền đối trọng. Hoàng tử Ngập không phục. Văn võ bá quan không phục. Các thủ lĩnh nổi dậy không phục. Ba hoàng tử nhỏ sẽ nguy. Trừ khi, - Xử Bình nhìn Tam Kha vẫn đang im lặng – Dương gia đứng ra đảm bảo phần binh quyền và tài lực. Nhưng như thế ‘chính danh’ sẽ bị đem ra đấu tố cho đến khi người mất nốt chính danh. Các mối đe dọa sẽ vẫn không đổi. Nhưng nhờ có Dương gia, người và ba hoàng tử có thể bảo toàn tính mạng. Chỉ e lúc đó thiên hạ đã không còn là của nhà Ngô tự bao giờ.
-         Nếu là Xương Văn?
-         Cũng như vậy. Nhưng cuộc chiến của hai hoàng tử sẽ khốc liệt hơn. Thành quả của Ngô tiên chúa sẽ bị phá hủy nhanh hơn.
-         Vì sao có thể? Xương Văn là đứa trẻ hiểu biết tri thức lễ nghĩa, trọng tình cảm. Xương Ngập cũng không phải kẻ uyên bác, lắm mưu nhiều kế, lòng dạ rắn rết.
-         Đó mới là gốc rễ của vấn đề. Hoàng tử Văn trọng tình cảm mới chỉ học đến tam thư ngũ kinh. Hoàng tử Ngập đơn thuần, nông cạn đến giờ chỉ được dạy đánh trận. Giống như hủ nho với mãng phu. Là ai thì thiên hạ này cũng sẽ vào tuyệt cảnh.
-         Như vậy chỉ có thể là Dương Hữu tướng chấn trụ?
-         Đúng vậy. Ở Tĩnh Hải này, nếu còn ai khác thì hẳn đã cướp ngôi nhà Ngô.
-         Nhà Ngô thực sự không còn có thể cứu được nữa?
-         Không thể. Trừ khi, - Xử Bình do dự, nhìn Tam Kha.
Lúc này Kha mới lên tiếng:
-         Trừ khi ta trả lại nó cho họ Ngô.
-         Tam Kha! – Xử Bình thốt lên mừng rỡ, lệ nóng lại tuôn trào. Lần này Bình vái Tam Kha ba vái thật sâu. – Thay mặt bá tánh trăm họ Tĩnh Hải, đa tạ Dương Hữu tướng đã đứng ra gánh vác xã tắc lúc gian nguy.
Dương hậu gạt lệ, đứng dậy nói với Kha:
-         Dương Hữu tướng, giang sơn lúc này, nhờ cả vào khanh.
-         Thưa hoàng hậu, - Kha tâu – ta thân là hữu thừa tướng, một lòng một dạ phụng sự sự nghiệp của Ngô tiên chúa. Nay lúc gian nan, ta đứng ra dốc sức vì người trông nom xã tắc. Ta không tuân theo ý chỉ của tiên chúa là bất trung, tiếm ngôi của mẹ góa con côi là bất nghĩa. Dẫu mang tiếng bất trung bất nghĩa với hậu thế, Kha ta cũng chấp nhận, để gánh vác đại nghiệp này. Hậu hãy dành tâm sức dạy dỗ Xương Văn. Đến lúc hoàng tử có thể tự lập công trạng, ta sẽ giao lại binh quyền.
-         Đa tạ Dương Hữu tướng. Có lời này của Hữu tướng, ta đã yên tâm rồi.

Lúc chỉ còn lại hai người, Xử Bình kín đáo bảo Tam Kha:
-         Dương Hữu tướng hãy nghĩ lại. Ta thật tâm trân trọng mến mộ tài đức của ngài, nên sẽ hết lòng giúp ngài mưu đại sự. Với tài năng và uy vọng của ngài, ngày Tĩnh Hải mau chóng ổn định và thịnh trị không còn xa. Nhưng nếu để lại huyết mạch Ngô Vương, ta e rằng công sức ngài bỏ ra chưa chắc đã được báo đáp, lại mang họa diệt thân, diệt tộc.
-         Ta hiểu việc mình muốn làm. Xử Bình, ta biết ông muốn tốt cho ta và Dương gia. Nhưng mỗi người đều có một vài chấp niệm. Ta không thể vượt qua chấp niệm đó. Ta không thể quá phận. Thế này đã là giới hạn cuối cùng của ta rồi. Ta nghĩ cha ta, đại ca, và Ngô tiên chúa ở trên trời cao sẽ minh giám cho tấm lòng trung nghĩa của ta.
-         Tam Kha ơi Tam Kha, nếu còn Dương Nhất Kha, thiên hạ này không có chỗ cho họ Ngô. Nay ngươi nghĩ một mà không tính đến ba, bốn. Ngô gia mang lòng uất hận sẽ ngấm ngầm chờ cơ hội đâm ngươi một dao, không phục vị cũng rửa được đại hận. Bây giờ Dương hậu có thể trấn trụ các hoàng tử nhỏ. Nhưng vài năm nữa, ngươi có dám chắc Xương Văn, Nam Hưng, Càn Hưng không khởi binh tạo phản, lấy đầu ngươi cúng tế tiên chúa?
-         Nếu có một ngày như thế, chứng tỏ các cháu ta đã trưởng thành, ta có thể yên lòng giao trả binh quyền lại cho họ Ngô, hoàn thành giấc mộng của tiên chúa. Ta chờ đến ngày đó.
Xử Bình lắc đầu thở dài. Sau một lúc, Bình cố dằn lòng, nói thêm:
-         Hữu tướng, ta không lo Dương hậu. Nhưng Xương Ngập e chính là cái họa trước mắt.
Kha điềm tĩnh đáp:
-         Người như hắn có giao cho toàn bộ binh lực vào tay cũng chẳng dám làm gì ta.
-         Hắn thì không thể, nhưng những kẻ có dã tâm khác thì có thể. Kiều Thuận mấy tháng nay không ngừng tặng hậu lễ hòng tiếp cận hắn.
Kha gật đầu:
-         Ta biết phải làm thế nào.

Tin Ngô Vương qua đời nhanh chóng được loan báo tới bá tánh 8 châu. Lễ phát tang bắt đầu sau đó hai ngày. Kha và Xử Bình bàn bạc cùng Dương hậu đưa Quyền về an táng tại Ái châu quê nhà.
Trước lễ phát tang một ngày, trong buổi thiết triều đông đủ bá quan văn võ, Dương hậu uy nghiêm tiến vào ngự cạnh ghế rồng, bình thản ra thông báo:
-         Các khanh, hoàng thượng trước lúc ra đi còn đau đáu cảnh xã tắc vẫn loạn lạc, quần hùng cát cứ nổi dậy. Người đã giao lại cho Dương Hữu tướng chủ trì đại cục, hy vọng Hữu tướng sáng suốt, dùng tài cao đức độ của mình cảm hóa, bình định loạn dân. Các khanh có ý kiến gì không?
Triều thần nhìn nhau, thầm hiểu thời cuộc đã định, không ai lên tiếng. Xử Bình đứng ra tâu:
-         Tâu hoàng hậu, bệ hạ thánh minh, đã chọn được người hiền đức kế tục sự nghiệp của ngài. Chúng thần xin hết lòng phụng sự Dương Hữu tướng ổn định xã tắc, mang lại hưng thịnh cho giang sơn trăm họ. Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!
Văn võ cùng triều ủng, đồng thanh hô vang “Vạn tuế!”. Chỉ đám quan tướng họ Ngô lòng như lửa đốt. Một võ quan xộc ra hét lên:
-         Ta không tin! Bệ hạ không thể dâng cơ nghiệp này cho Dương gia. Ta không tin! Ta muốn có bằng chứng!
-         To gan! – Dương hậu quát – Ai cho ngươi dám đứng giữa triều mà phỉ báng hoàng thượng anh minh? Đừng cho ngươi là người họ Ngô mà càn rỡ. Hoàng thượng một lòng vì bá tánh, há chỉ vì một gia tộc sao. Các ngươi thân là thần tử, không giúp ngài phân ưu, lại đứng đây múa lưỡi chỉ trích tấm lòng ưu dân ái quốc của ngài.
-         Hoàng hậu tiếm quyền cho Dương gia của người. Ta không phục. Không phục!
-         Mãng phu to gan! – Xử Bình nạt nộ - ngươi nhìn xem tiên chúa mới dựng nước chưa được bao lâu, đại cục chưa ổn định, loạn dân nhũng nhiễu, tặc phỉ hoành hành, những kẻ mang nghịch tâm vẫn múa kiếm dương oai, bên ngoài Nam Hán lẫn Đại Lý đều đang nhăm nhe thôn tính thổ quốc ta. Giờ họ Ngô còn ai có thể đứng ra gánh vác triều cục trong lúc gian nan này? Trưởng hoàng tử vô dụng bất tài, thứ tử và các hoàng tử khác đều còn nhỏ chưa có uy danh và quân công trấn trụ. Cả Tĩnh Hải này còn ai ngoài Dương Hữu tướng có khả năng bình ổn đại cục?
Mấy vị văn thần, võ bị đồng cánh Dương gia đều gật gù. Đám người họ Ngô dù bất bình nhưng đuối lý, cũng không dám càn rỡ, ngoài mặt vẫn bảo trì bình tĩnh. Lại thấy Tam Kha đứng ra, cất giọng sang sảng:
-         Ta, Dương Tam Kha, thân là Hữu thừa tướng, phụng mệnh Ngô tiên chúa, từ nay sẽ thống lĩnh đại quân và triều thần, nguyện dùng cả tính mệnh mình để ổn định Tĩnh Hải. Ta nối nghiệp tiên chúa, không cầu danh vọng quyền thế, chỉ một lòng trung nghĩa vì đại nghiệp tiên chúa chưa thành mà gắng công xây tiếp, nguyện có trời cao chứng giám. Nay có quần thần tề tựu đông đủ làm chứng, Kha ta nhận thứ hoàng tử Ngô Xương Văn làm dưỡng tử, một lòng dốc sức dạy dỗ thành tài, kế thừa sự nghiệp hưng thịnh trăm năm của Ngô tiên chúa. Nếu ta ăn ở hai lòng, làm trái lời trên, tướng sĩ hãy thay trời hành đạo, cho Ngô gia một cái công bình, Kha ta cam tâm chấp nhận không oán thán.
Tam Kha đường hoàng bước lên ngôi rồng. Dương hậu lui xuống, cùng các bá quan bái lạy và hô vang “Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!”
Ngày hôm sau, ngay sau lễ phát tang Ngô Vương, Dương Hữu tướng Dương Tam Kha chính thức tuyên bố kế vị, lấy hiệu là Dương Bình Vương, nhận thứ tử của Ngô Vương Ngô Xương Văn làm dưỡng tử. Lúc này Kha 32 tuổi.
Không có chính biến hay bạo loạn như đã dự tính, nên đội cấm quân và thiết kỵ bọc trong bọc ngoài cấm thành ba vòng của Phạm Bạch Hổ và Dương Thế Hiển chỉ ở lại dự phòng trong thành Cổ Loa thêm một tháng rồi quay về vị trí cũ ngoài thành. Đám người họ Ngô lúc trước lòng đầy bất mãn, nhưng binh quyền không đủ, danh tiếng không bằng, hậu thuẫn cũng chẳng có; ngẫm lại thời thế, quả thật họ Ngô chỉ có chính danh mà không có thực lực, trước sau đều không thể thoát khỏi bàn tay nhào nặn của Dương Bình Vương và Dương gia. Mấy kẻ không cam lòng của Ngô gia âm thầm ngồi lại tính toán các nước đi cần thiết, chờ ngày phục hận đòi lại giang sơn.
Cũng ngay trước ngày phát tang, một nhóm khoảng 500 binh do Nguyễn Thủ Tiệp dẫn đầu bí mật nhanh chóng đi tới Phong châu bắt trưởng hoàng tử Ngập. Nhưng đến nơi thì quân doanh báo hoàng tử Ngập đã về Cổ Loa chịu tang cha từ tối hôm trước. Biết có khả năng bị lộ, Tiệp cho người âm thầm chốt chặn, lùng tất cả các ngả về Cổ Loa. Sau hơn bốn tháng vẫn không thấy tăm tích, đành thu quân.

Kiệu quàn linh cữu Ngô Vương được đích thân Dương Bình Vương và Lã Tả tướng đưa về tận châu Ái. Trụ trì chùa Linh Thiên Tự - ngôi cổ tự lớn nhất Cổ Loa thành lúc bấy giờ - đại sư Uông Tịnh, cùng các tăng ni phật tử được mời đến cầu an, vì lúc sinh thời, Dương hậu hay lên chùa cầu nguyện cho Ngô Vương và trăm họ. Người đưa tiễn chật cả hai bên đường. Người già khóc than, thanh niên tiếc nuối, con trẻ ngẩn ngơ. Nhiều hào trưởng, thủ lĩnh địa phương cũng lập đàn tế cho người anh hùng vĩ đại của thổ quốc đã về với cát bụi. Mới có 5 năm nên chiến thắng oanh liệt Bạch Đằng vẫn sống động như hôm nào trong tâm trí mọi người. Tưởng cuộc sống toan tính thường nhật và những rối loạn, nhũng nhiễu dưới thời Ngô Vương cai trị khiến người ta mệt mỏi mà quên mất, nay nhân sự kiện này lại sôi nổi phẩm bình, lật lại những chiến tích huy hoàng năm xưa.
Dương hậu và Đỗ phi khóc hết nước mắt. Đỗ phi trong lúc đưa tang, vì sức yếu đã thổ huyết không ngừng mà kiệt sức, nên đành ở lại Cổ Loa. Dương hậu mạnh mẽ hơn, vẫn cùng ba con đưa Ngô Vương tới nơi an nghỉ cuối cùng, sau ở lại Ái châu thêm một năm nữa, trừ hoàng tử Văn. Văn chỉ chịu tang trăm ngày cha, sau đó trở lại Cổ Loa đèn sách dưới sự kèm cặp trực tiếp của Tam Kha và Xử Bình.
Có người cháu Ngô Xương Tỷ, lúc đứng bên kiệu quàn Ngô Vương nhìn mọi người than khóc vật vã, vẫn tỏ ra bình thản, xa lạ, tư dung xuất thế khác người, gây ấn tượng mạnh với Uông Tịnh. Sau lễ an táng, sư thầy gặp Dương hậu và trưởng lão Ngô gia nói chuyện, xin mang đứa bé về chùa dạy dỗ. Chưa được ai đồng ý, đứa bé đã lẳng lặng đến bên kéo áo cà sa của sư thầy, từ đó không chịu buông tay. Mọi người đành để nó theo đại sư lên cửa Phật. Nghe nói sau này tu ở chùa Phật Đà.(2)
Tưởng nhớ công đức của Ngô Vương, Bình Vương cho người xây miếu thờ tại châu Ái. Nàng Đỗ Thẩm Lan xuân sắc của năm xưa giờ đã héo mòn vì những tranh đấu nơi hậu cung, chỉ còn một thân một mình, bèn xin Bình Vương cho về trông miếu thờ này. Nàng trông được gần năm năm thì cũng bệnh tật mà hương tiêu ngọc vẫn, được an táng trong khu quần mộ nhà họ Ngô. Còn Dương hậu, phải gần 20 năm sau mới về với cát bụi, cùng nàng bầu bạn bên tiên chúa.
Một bậc anh hùng, cường giả nghịch thế, từng uy chấn thiên hạ, cuối cùng cũng trở thành thiên cổ. Gió mưa vần vũ, thời cuộc xoay vẫn, mà lịch sử thì vẫn tiếp tục. Tới phiên một anh hùng khác bước lên vũ đài.

Người ta nói rằng, ngày Dương Bình Vương lên ngôi, mây trắng bồng bềnh, nắng vàng rực rỡ, ráng chiều vàng như mỡ gà, báo hiệu một giai đoạn thái bình, yên ổn. Người dân vẫn còn nhớ tới vị mãnh tướng uy dũng, khôi ngô, cầm thương xông thẳng vào thành Đại La năm nào. Cũng chàng trai này chính là người chém Tiễn, diệt Thao, báo thù cho cha (3). Bá tánh nơi nơi hỉ hả kể chuyện truyền kỳ về ngài, thêu dệt mối tình son sắt của phu thê ngài khắp trong ngoài thành.
Cái chết của tiên chúa(4) khiến không khí ở Cổ Loa và Đại La có phần trầm lắng hơn, nhưng vẫn không mất đi vẻ xô bồ, huyên náo thường nhật. Người dân vẫn phải sống. Các gia tộc vẫn phải lo khai chi tán diệp. Dù bá tánh có tiếc thương cho người anh hùng danh vang như núi, nhưng đại nghiệp chưa thành của ngài có một hậu nhân trí dũng song toàn, danh tiếng lẫy lừng không kém kế tục; nên không ai cảm thấy cần phải bỏ thêm nhiều tâm trạng hơn nữa cho đại cuộc.
Người ta nói rằng, Dương Bình Vương thâm tình đại nghĩa, chí công vô tư, không lập hậu, chỉ nhận con của tiên chúa làm con nuôi, chờ ngày hoàn trả vương quyền. Anh hùng vì nghĩa lớn, không bị danh lợi làm u mê, đáng khen thay. Tang tiên chúa phát một tháng trong thành Cổ Loa, vẫn không động binh đao với người Ngô gia và đám nghịch tâm, khảng khái thay.
Dương gia ở Ái châu cũng không phát lễ ăn mừng như Ngô gia đã làm trước đó. Thế gia mấy trăm năm hành xử tất có chỗ hơn người.
Dương Bình Vương vừa lên ngôi chưa đầy ba tháng đã đánh cho đội quân rình rập của Lưu Thịnh và Thần Vũ Đế(5) tan tác, khiến cả Nam Hán lẫn Đại Lý đều im hơi lặng tiếng một thời gian dài. Nhà vua mau chóng bổ sung quân lực, tăng cường xây dựng thủy binh, xung thêm voi chiến, ngựa, giáp, khiến đội binh mã của Tĩnh Hải sau một năm đã không thể khinh nhờn. Triều đình bắt đầu để mắt chấn chỉnh nội các tới tận cấp huyện, cấp thôn; không để phú hào, ác bá tranh hùng như trước. Nhà vua lại phát tâm, khuyến khích dân chúng khai khẩn đất hoang, làm đường sá, cầu, cống; khiến đời sống nhà nhà có cơ hội thay đổi tốt đẹp hơn.
Đám hào trưởng nghịch tâm lẫn thủ lĩnh giang hồ nhìn biến đổi thời cuộc, biết vận mình chưa tới, chỉ đành khua môi múa mép, chiêu binh mãi mã, tích cóp lương bạc, thi thoảng nổi dậy đánh vài trận nhỏ lẻ với nhau hòng ra oai thanh thế, tranh giành lãnh địa. Thiên hạ được an hưởng cảnh thái bình, no ấm hiếm hoi sau mấy trăm năm binh đao loạn lạc.

Nhưng sử sách phong kiến với tư tưởng hủ Nho ghi lại cho hậu thế những lời cay nghiệt hơn nhiều.
Đuổi con vua để tự lập làm vua, đó là tội lớn đối với nước, còn như việc nhận con của vua làm con nuôi của mình và ban cho cả thực ấp nữa, thì đấy chỉ là ơn riêng đối với một nhà. Dương Tam Kha dám đuổi Ngô Xương Ngập để tranh đoạt ngôi vua, đó là bề tôi phản nghịch, theo nghĩa thì quyết không thể tha tội chết.”(6)
“Tam Kha là kẻ gian thần mà đuổi con đích của vua để cướp ngôi, lấy Xương Văn làm con mình, chẳng qua là lời lẽ che đậy giả dối, ai mà biết được?”(7)
Hơn nghìn năm sau thế nhân mới công tâm hơn trong đánh giá hành xử của Dương Tam Kha. Về tình về lý, các sử gia đều cho rằng Kha đang cố giữ vương quyền nhà Ngô cho người hiền tài xứng đáng hơn – là cháu mình, nên vẫn để giai đoạn cai trị của Kha thuộc triều đại nhà Ngô.


(1)     Vương quốc Đại Lý được Đoàn Tư Bình dựng nên năm 937 dựa trên việc đánh chiếm các lãnh thổ của Nam Chiếu. Lãnh thổ này ở phía tây bắc Tĩnh Hải đương thời.
(2)     Ngô Xương Tỷ(933-1011), tu ở chùa Phật Đà, làng Cát Lợi, Thường Lạc, nay là Vệ Linh, Sóc Sơn, Hà Nội; sau này qui y cửa Phật, gọi là Tăng Thống Ngô Chân Lưu, được Đinh Tiên Hoàng ban danh Khuông Việt đại sư năm 971. Khuông Việt đại sư là vị thiền sư được phong Tăng Thống đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, tài năng nhiều mặt, phụng sự đắc lực cho triều Đinh và Lê sau này.
(3)     Có nhiều tài liệu cổ ghi lại chính Tam Kha là người chém chết Lưu Hoằng Thao. Ví dụ, trong bộ Thiên gia thi vựng tuyển có câu “Trảm Hán Hoằng Tháo tiết phụ cừu”; trong Thần tích đền Cổ Lễ và câu đối đền Cổ Lễ có câu “Trảm diệt Hoằng Tháo, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong”.
(4)     Cách gọi nhà vua, hoàng thượng, tiên chúa được dùng lẫn lộn. Ở thời này chưa có sự phân biệt rõ ràng như sau này, nhà vua xưng ‘vương’, dân gian và sử sách gọi là chúa hoặc vua. Nhưng sau này, thì vua và chúa có khác biệt rõ rệt. Ví dụ, vào thời Lê – Trịnh: vua – xưng là ‘hoàng đế’ - cao nhất không có thực quyền, chúa – xưng là ‘vương’ – nắm giữ mọi binh quyền và nội các.
(5)     Thần Vũ Đế là tên hiệu của Đoàn Tư Bình. Cũng vào cuối năm 944 này, Thần Vũ Đế mất, con là Đoàn Tư Anh lên nối nghiệp chưa đầy 1 năm lại bị chú Đoàn Tư Trụ chiếm ngôi. Trong lịch sử 316 năm tồn tại, các vua của Đại Lý đều không ngừng xua quân xung đột hòng thôn tính nước ta (Tĩnh Hải, sau này là Đại Cồ Việt, rồi Đại Việt).
(6)     Trích trong Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Văn Hưu.
(7)     Lời của sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?

Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ...