Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Luận Anh Hùng - Cheryl Phạm: Chương Mười - Rửa tay gác kiếm



Chương Mười: Rửa tay gác kiếm

Anh hùng cũng có lúc rửa tay gác kiếm

Tháng 10 năm Tiền Ngô Vương thứ hai (940), tướng quân Đinh Công Trứ - giáo quan được Tam Kha mời ở lại giúp luyện kỵ binh ở đại doanh Đại La – từ trần, hưởng thọ 38 tuổi. Đinh giáo quan khi đó đang đứng quát tân binh chạy sai đội hình thì đột ngột quỵ xuống. Dù mời các lang y giỏi tới, nhưng vô phương cứu chữa. Đinh tướng đang thụ chức Thứ sử Hoan châu, truyền thừa lại cho người em họ. Ngô Vương thương tiếc, tặng lễ hậu và cho tướng trẻ Phạm Bạch Hổ phụ trách đưa về an táng nơi quê nhà. Lão tướng Phạm Chiêm tiễn theo một đoạn đường về Hoan châu.
Người ta kể rằng, sau khi an táng cha, cậu bé Đinh Bộ Lĩnh, lúc này đã là thiếu niên 17 tuổi, rất buồn bã, ngày nào cũng ra mộ cha ngồi khóc. Cậu không ngờ, lần chia tay ba năm trước là lần cuối cậu được gặp cha mình(1).
Tình cờ một ngày đang ngồi bên mộ cha, nghe tiếng la hét kêu khóc ầm ĩ gần đó, Lĩnh chạy tới. Thấy một đám đông đang liên tục đuổi bắt, đấm đá một người đàn ông nhỏ thó lạ mặt. Ông ta máu me đầy mình, liên tục van xin, nhưng đám người vẫn không ngừng chửi rủa và hành hạ. Lĩnh xông tới quát đám người. Có lẽ do lúc đó cậu mới từ chỗ chú trở về nhà, ăn mặc bình dân, nên đám người không nhận ra, tưởng cậu là đồng bọn, cũng xông vào đánh cậu. Nhưng con trai của một võ tướng, lại vài năm tự thân lĩnh binh đánh rợ, làm sao sợ đám nông dân kia. Được hơn chục chiêu, đám người dính đòn đau, lăn lê bò toài, rồi tìm cách chạy chối chết. Cậu đỡ người đàn ông lạ dậy, thấy ông ta có vẻ thư sinh yếu đuối, ăn mặc như thầy đồ, thương tích rất nặng, cậu cõng ông về nhà cho người chữa trị.
Hóa ra người đó là một phong thủy sư người Hán, hay đi khắp nơi hành nghề xem đất cho nhà người ta. Ông ta đi qua nơi này, thấy một nhà phú hào đang dựng lại cổng chính, bèn phán mấy câu tai họa “Cổng làm thế này mang họa diệt tộc, không quá ba năm gia chủ sẽ táng gia bại sản, trai vắn số, gái đĩ điếm”. Chủ nhà cũng biết chút phong thủy, không tin. Thế là cãi nhau to. Nghĩ rằng ông ta cố ý nói điềm xui xẻo, liền cho người đánh ông ta tơi tả.
Nay ông ta được Lĩnh cứu, vô cùng cảm tạ ơn cứu mạng của cậu. Khi biết cậu là gia tộc thượng võ, nhiều đời làm quan thanh liêm, cha cậu lại vừa qua đời, nhà phong thủy nghĩ ngợi một lát rồi bảo Lĩnh:
-         Ta chẳng còn bạc, cũng không mang theo đồ quí giá gì trên người. Ta sẽ xem âm phần nhà tráng sĩ để trả ơn cứu mạng.
Hôm sau, Lĩnh cùng ông ta ra mộ cha. Ông ta nhìn quanh, rồi phán:
-         Mộ phần này cũng tạm. Chỉ là hạng trung. Yên cửa yên nhà trong hai đời thôi. Nay ta thấy đất này có long mạch, nếu táng lão gia ở đó sẽ được kết phát, tất dựng được nghiệp lớn. Cậu có muốn tầm long không, ta sẽ giúp?
-         Nghiệp lớn tới độ nào? Có được như cha ta không?
-         Ta từ nơi khác tới, không biết cha cậu thế nào. Nhưng ta biết đất này nghiệp lớn chỉ có Khúc gia, Dương gia, giờ là Ngô gia.
Bộ Lĩnh như hiểu ra, hai mắt ngời sáng, quì xuống làm lễ với phong thủy sư:
-         Ta Đinh Bộ Lĩnh, con trưởng của tướng quân Đinh Công Trứ, thứ sử Hoan châu, một lòng hùng tâm tráng chí, muốn xây dựng đại nghiệp, lưu danh muôn thuở với giang san. Mong đại sư trợ giúp. Ơn này ta mãi mãi không quên.
-         Đinh tráng sĩ không cần đa lễ. Chính ta đang muốn trả ơn người. Đinh gia tổ tiên tu nhân tích đức, nhi hậu tầm long, nay đúng là cơ duyên để ta gặp ngài. Ta sẽ dốc lòng giúp Đinh gia ngài một ngôi âm phần kết phát, thỏa chí nam nhi của ngài.
Suốt ba ngày liền, Bộ Lĩnh dẫn vị phong thủy sư đi khắp xung quanh tìm đất tốt. Cuối cùng, ông ta chỉ một gò đất ở gần sông Đại Hoàng, cũng coi như sơn thanh thủy tú, và bảo Lĩnh:
-         Chỉ có chỗ mạch này là khá nhất.
Huyệt an long phúc
Hữu thủy thuận gián
Tả xa nghịch thăng
Hiểm sơn chiết cước
Nhất đại nhi chung (2)
Nếu vẫn muốn theo, ta sẽ giúp.
Lĩnh ngẫm nghĩ một lúc, kiên quyết nói:
-         “Nhất đại nhi chung” cũng đã thỏa nguyện ước của ta rồi. Mong đại sư trợ giúp.
Thế là Đinh tướng quân được táng lại vào huyệt mới dưới sự hướng dẫn của nhà phong thủy.
Không biết chuyện này có thật hay do dân gian thêu dệt ra, nhưng gần 30 năm sau, chàng thiếu niên Đinh Bộ Lĩnh ngày nào sẽ dẹp yên 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế(3).
Đó là chuyện sau này, còn trước mắt, nhân lễ cúng tuần Đinh tướng, Tam Kha và Xử Bình tới viếng mộ. Xử Bình nhìn địa thế huyệt mới của Đinh gia, không khỏi kinh ngạc, bảo với Tam Kha:
-         Đây là huyệt đế vương. Đinh gia sắp có người làm chúa một phương.
-         Sắp? – Tam Kha nhíu mày, tỏ ý không hiểu.
Xử Bình trầm tư suy tính một lúc rồi gật gù:
-         Không nhanh đến thế, sớm nhất cũng phải qua một vận nữa(4). Hẳn có cao nhân chỉ điểm. Ta không quá thạo địa lý, chỉ học lén vài chiêu của dưỡng phụ, nên không tính ra chính xác được thời vận.
-         Thời thế đúng như con tạo xoay vần. – Tam Kha cảm khái.
-         Ngô Vương dựng nghiệp hai năm rồi mà triều chính vẫn rối loạn, các thế lực vẫn ngầm tranh đấu khốc liệt. Chưa có quyết sách nào xứng bậc đế vương. E là thời của họ Ngô không giữ được lâu.
Hai người cùng nhìn nhau trầm mặc.
Sau đó cả Xử Bình và Tam Kha đều an bài người ngầm thu tin tức Đinh gia. Ít nhất họ đều muốn đoán xem ai trong nhà họ Đinh có khả năng làm nên đại nghiệp. Tương lai chỉ thuộc về kẻ đoán đúng.

Tháng 12 năm 940, tới lượt Phạm Chiêm, hay Phạm Lệnh Công, lúc này đã làm đến Đông Giáp tướng quân, từ quan về quê. Lý do cũng tương tự Dương Nhị Kha ngày trước, không hợp chốn quan trường. Hai năm làm quan, mệt mỏi với lôi kéo của họ Ngô, họ Khúc, họ Dương, ông quyết định rửa dao gác kiếm, quay lại làng Trà Hương, làm một hào trưởng nhỏ bé, yên vui với đời.
Nhân cơ hội này, vài vị tướng già cũng xin từ quan, nhường cơ hội cho các anh hùng tuổi trẻ tài cao khác. Bộ máy quan tướng trong triều lần nữa được thay da đổi thịt một cách căn bản. Người họ Ngô chiếm hầu hết các vị trí trọng yếu trong quân đội. Nhà họ Khúc cũng được vài ghế ban văn, dù không phục nhưng lúc này chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt.
Xử Bình chỉ biết chậc lưỡi than:
-          Hết rồi! Hết rồi! Nhà Ngô qua được 10 năm nữa ắt do trời độ, chớ không phải do người phục.


(1)     Năm 937, Đinh Công Trứ để con trai Đinh Bộ Lĩnh (khi đó 14 tuổi) lại cho em trai Đinh Công Dự ở Hoa Lư, còn mình dẫn binh lên Ái châu gia nhập đội quân của Ngô Quyền.
(2)     Dịch nghĩa:
Huyệt đặt ở bụng rồng
Nước ở phía tay phải chảy xuôi
Gò phía tay trái kéo trở ngược
Hiểm chân núi gẫy
Một đời là hết
(3)     Đinh Bộ Lĩnh (924-979) khởi nghĩa ở Hoa Lư từ năm 951. Năm 965 nhà Ngô mất, xảy ra loạn 12 sứ quân, Nam Hán nhân cơ kiềm chế, Lĩnh cùng con trai Đinh Liễn đánh bại Lã Xử Bình và Kiều Tri Hựu, lên cầm quyền đất Giao Châu, xưng là Vạn Thắng Vương. Sử phương Bắc chép là, năm 967, Lĩnh được Lưu Xưởng – vua Nam Hán khi đó – phong làm Tiết độ sứ Giao Châu. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế, lấy quốc hiệu Đại Cồ Việt.
(4)   Một vận là 20 năm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?

Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ...