Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Luận Anh Hùng-Cheryl Pham: Chương Mười Một - Anh Hùng sa cơ



Chương Mười Một: Anh Hùng sa cơ

Anh hùng sa cơ, anh hùng hận

Sang năm Tiền Ngô Vương thứ ba (941), thấy tình hình Tĩnh Hải minh tranh ám đấu, nội loạn chưa dứt, vua mới giỏi đánh giặc nhưng chưa thấy tài trị quốc; mặc triều thần tranh cãi phản đối, hoàng đế Nam Hán Lưu Nghiễm lúc này không chờ đợi nữa, cho tướng Lý Tẫn trấn ải biên giới với Giao châu yếm trá công thành. Nghiễm cho Tẫn thêm 2 vạn binh, mặc sức tự tung tự tác.
Trước đây Tẫn thi thoảng vẫn cho quân lén xâm nhập Tĩnh Hải do thám tình hình. Mấy lần đã bị đánh tơi bời. Lần này được hoàng đế ra mật thư làm hiệu, Tẫn như mở cờ trong bụng, được nước lấn tới. Y lời hoàng đế, Tẫn bắt liên lạc được với Kiều Thuận đang đồn trú ở Hồ Hồi, Phong châu, chi viện lương bạc để có thêm tin tức và nội gián.
Tháng 5, tin khẩn báo về Cổ Loa. Tướng trấn thủ biên giới phía bắc Hồ Bình thất thủ, đã bị chém chết. Nam Hán ồ ạt chiếm được liên tiếp 3 châu: Thang, Chi, Vũ Nga.
Bá quan trong triều đều phẫn nộ, chửi rủa Hoàng đế Nam Hán bỉ ổi hèn hạ. Ngô Vương phong hoàng tử Ngô Xương Ngập làm Tây Bắc tướng quân, dẫn 1 vạn binh ra trận. Trước khi lên đường, Ngô Vương dặn dò Ngập:
-         Các châu phía Bắc đó địa thế hiểm trở, chỉ có lũ thổ phỉ, mọi rợ và đám man di cư trú. Triều đình ta cũng chưa thu được lợi ích gì, còn thiệt bao quân binh bảo vệ. Nay ta vừa dựng nước, sức mỏng lực yếu, khó mà giữ nổi nơi đó. Nam Hán rõ ràng cũng biết điều đó, hẳn trước muốn thả câu dò ta mạnh yếu, có gan dám sống chết cùng chúng một lần nữa không. Chúng thua đau trận Bạch Đằng, tất không dám thủy chiến, chỉ lén đâm những nơi ta thế lực đơn mỏng. Phen này con đi, mục đích chính là lập quân công, dùng khí thế vũ bão mà át sĩ khí của chúng. Nếu thắng, ta mới có cớ giảm bớt quân quyền của Tam Kha và Dương gia.
-         Con xin gắng hết sức, không phụ công mong đợi của phụ hoàng.
Cuối tháng 5 năm Tiền Ngô Vương thứ ba, Tây Bắc tướng quân – trưởng hoàng tử Ngô Xương Ngập cùng 1 vạn binh bắc tiến dẹp Nam Hán. Khi tới Vũ An, Ngập đóng đại bản doanh tại dinh thứ sử, cho người đi do thám quân tình.
Vũ An giáp Vũ Nga và Thang châu. Địa thế bốn phần năm là núi non hiểm trở. Thường dân chỉ có các bộ tộc man di ít người. Nơi đồng bằng nhỏ hẹp có thêm vài làng xóm thưa thớt nghèo nàn của người Việt và người Hán. Hai lộ chính đi các ngả luôn bị thổ phỉ rình rập. Đúng là nơi tử địa, thủ dễ khó công. Quân Nam Hán bên kia biết rõ lợi thế của địa hình hiểm yếu, kiên quyết giữ thành không ra đánh tiếp. Ngập khiêu chiến cả tháng trời không thay đổi được tình hình, ngao ngán cả người.
Nhìn hoàng tử suốt ngày mặt mũi phờ phạc, bồn chồn ruột gan, Thứ sử Vũ An Tả Thôi Hà cho mời một gánh hát vào phủ biểu diễn giải khuây. Quân tướng đều đang chán nản với việc quân tình bế tắc, khi thấy đám ca nương bản xứ da thịt trắng trẻo mịn màng như bạch ngọc, mắt đen, môi đỏ, đẫm phong tình; kẻ nào cũng bứt rứt, khoái hoạt. Sau vài đêm diễn xướng, chủ tướng Ngô Xương Ngập chấm cô nàng xinh đẹp nhất gánh ca. Cô gái đó mới 15, mơn mởn xuân thì, là người thuộc một tộc du mục hay lang thang giữa Vũ An, Vũ Nga. Nàng khiến Ngập điên cuồng trong hoan lạc.
Kể từ đó, đám quân tướng do Tây Bắc tướng quân mang tới chỉ đê mê trong gái đẹp, rượu và thuốc phiện. Việc quân cơ như gió thoảng. Ngập cho dăm binh tướng ngày ngày cưỡi ngựa lượn quanh thành Vũ Nga chửi rủa rồi đi về.
Chờ đợi suốt hơn nửa năm trời, không thấy chủ tướng đưa ra chủ ý gì, bộ tướng Vũ Phi Long – trấn thủ Vũ An - tức giận cho người tới bản doanh hỏi han tình hình, thì bị Ngập cho người giam vào nhà lao. Phi Long tức giận, phi ngựa tới bản doanh, muốn đối mặt hỏi Ngập lý do. Nhưng ai biết, Tả Thôi Hà lúc đó thì thầm với Ngập, nói cô nương Ngập đang giữ bên người vốn được hứa gả cho Vũ tướng, giờ Vũ tướng đang tới đây đòi người. Ngập trong cơn say thuốc, tức giận mang kiếm, không nói một lời, đâm chết Phi Long.
Việc này khiến đám binh đồn trú ở thành Vũ An bất bình. Lại có kẻ manh động xúi giục, đám binh dưới trướng Vũ Phi Long nổi dậy, tiến đánh bản doanh của Ngập, hòng trả thù cho chủ tướng. Ngập tỉnh lại mới biết vừa phạm sai lầm lớn, vò đầu bứt tai. Quay ra thấy Thứ sử Tả Thôi Hà đã bỏ chạy mất, đành phải mang quân đi dẹp loạn.
Lý Tẫn chộp lấy thời cơ, đưa 1 vạn binh Nam Hán ào ào chiếm được Vũ An và Lục châu, giết chết gần một phần ba quân của Ngập. Trong cảnh cùng khốn, Ngập sợ hãi lui binh, tháo chạy về Phong châu, đồng thời cho người về Cổ Loa xin cứu viện.

Ngô Vương biết chuyện, vô cùng tức giận. Quần thần và dân chúng đều phẫn nộ. Trước mặt bá quan văn võ, Quyền ra lệnh thu lại ấn soái của Ngô Xương Ngập, trao lại cho tướng quân Ngô Nhật Kha.
Tháng 5 năm Tiền Ngô Vương thứ tư (942), Ngô Nhật Kha dẫn 1 vạn binh tới Phong châu tiếp viện và thay thế Ngập.
Xương Ngập bị tước ấn soái, lại nhận được thư của Hoàng tử phi Khúc Tam Nương báo Hữu tướng Tam Kha chính là người xúi giục bá quan gây sức ép buộc Ngô Vương hạ bệ Ngập, hòng đưa Xương Văn lên làm thái tử. Ngập vô cùng bất mãn và chán nản, ngày ngày chìm trong men rượu.

Một hôm, từ quân doanh về, bực mình vì một trưởng hoàng tử như mình lại bị Ngô Nhật Kha quát tháo, Ngập tới tửu lâu to nhất Phong châu uống say quên trời đất. Đến nửa đêm, tùy tùng của hắn bị giết, còn bản thân bị một nhóm người lạ lén đưa đi mất. Mãi hai tuần sau, tìm không ra Ngập, Nhật Kha và thứ sử Phong châu mới báo tin mất tích về Cổ Loa.
Còn Ngập, lúc tỉnh dậy lần đầu thấy mình bị trói chặt trong một nhà tranh đầy rơm tối tăm. Khi cửa mở, hắn không nhận ra người thanh niên trẻ đang cầm đèn bước vào. Anh ta rất thư sinh, trắng trẻo, ánh mắt tinh quái.
-         Hoàng tử Ngô Xương Ngập. Có biết ngài đáng giá bao nhiêu không? – Thanh niên trẻ mỉa mai hỏi. Ngập không trả lời, chỉ trừng mắt nhìn hắn, đồng thời cố đoán xem gương mặt quen thuộc này là ai. Thanh niên trẻ lại giơ ba ngón tay trước mặt hắn. – Ba vạn lượng. Ha ha, có ba vạn lượng thôi đấy.
-         Kiều Thuận! – Ngập rít lên. Dù đầu óc có trì độn đến mấy, lúc này mà không đoán ra được kẻ trước mặt là ai thì đúng không phải là người Tĩnh Hải. Gương mặt này đã nhẵn mặt bao năm nay trên cáo thị dán khắp 12 châu.
Kiều Thuận vẫn thản nhiên, ngồi lên cái ghế gỗ kê ở góc nhà, vui vẻ nói chuyện như thể với bạn tâm giao.
-         Nhưng ngài hẳn nên đau lòng. Vì phụ vương yêu quí của ngài chắc phải mất gấp nhiều lần con số đó. Có khi tài lực Ngô vương thu được trong mấy năm qua cũng không đủ ấy chứ. – Hắn ngừng lại, khoái chí khi thấy Ngập điên cuồng vùng vẫy chửi bới – Trước khi tiễn ngài đi, ta cũng cho ngài biết vài tin tốt. Có thể vài tin ngài đã đoán ra.
-         Thằng súc sinh họ Kiều, nói mau! – Ngập nhổ nước bọt về phía Thuận, nhưng không tới vì quá xa. Chỉ thấy Thuận vẫn thờ ơ nghịch cọng rơm trên tay.
-         Thứ sử bốn châu Thang, Chi, Vũ Nga, Vũ An là người của ta.
-         Lũ súc sinh bán nước, ăn cây táo rào cây sung. Ta mà gặp lại, nhất định băm thây xé xác chúng.
-         Tiếng này để mãi ngàn thu
Trăm năm Tĩnh Hải chỉ nhờ họ Dương
-         Mẹ kiếp! Thằng khốn! Hóa ra là mày bày trò. Tao sẽ giết mày! Tao thề sẽ giết mày!
-         Ha ha. Ngô Quyền sao lại có đứa con ngu dốt thế này chứ? Để ta cho ngươi biết một tin rất vui nữa. Tam thúc của ngươi sắp chết. Tất cả đầu mối sẽ chỉ về ngươi. Ngô Xương Ngập! Ngươi sẽ bị xé xác phanh thây. Đám người Dương gia và lũ hào trưởng sẽ không để yên khi hắn bị chết thảm. Lại là chết dưới tay của kẻ bất tài vô dụng, chỉ biết đam mê tửu sắc, đến cọng lông chân của bọn chó Nam Hán cũng không động vào nổi. Để xem Ngô vương sẽ cứu ngươi hay nhìn ngươi tiêu đời hòng giữ cái ghế rồng của hắn. Ha ha!
Ngập đã tức sùi bọt mép, mắt đỏ như máu, lồng lộn như con mãnh thú bị chọc tiết. Kiều Thuận càng lúc càng khoái chí. Hắn vỗ đùi liên tục, cười sặc sụa.
Nhìn chán mắt, Thuận phủi mông đứng dậy đi ra, trước khi đóng cửa còn chua lại một lời như lưỡi dao sắc nhọn đâm thẳng vào tim Ngập:
-         Hoàng tử phi của ngươi là em gái ta.

Ở Cổ Loa cũng không an bình như tưởng tượng.
Một ngày đang trong quân doanh Đại La, Hữu tướng nhận được tin gia nhân tới báo, Đỗ phu nhân bị bắt cóc khi đi chùa. Kha giao việc lại cho thuộc hạ, rồi tự mình lên ngựa cùng 50 thân binh bảo vệ trở về phủ. Khi đi qua dòng Nhị Hà để vào thành Cổ Loa, Kha bị phục kích. Nhóm truy sát có khoảng 50 tên, đeo khăn che kín mặt, liều chết ra mọi sát chiêu hòng lấy mạng Hữu tướng. Trận rượt đuổi kéo dài hơn 5 dặm ven sông. Lạ là không thấy một bóng người nào. May một thân binh trốn thoát, phi ngựa về cảng cá Nhị Hà – nơi có đội quân binh gần nhất – xin cứu viện. Đến khi quan binh đuổi tới, thấy Tam Kha đang chống kiếm thở phì phì bên cạnh gần trăm cái xác. Thân vệ đi cùng đều đã tử trận. Kha chỉ hướng tây bắc, bảo có bốn tên bị thương tháo chạy. Quan binh chia ra một nhóm đuổi theo, một nhóm ở lại đưa Kha về phủ, một nhóm phụng lệnh điều tra mấy cái xác kia.
Lần này Lỗ quản gia kinh hách thực sự. Phu nhân bị người ta bắt đi chưa rõ tung tích. Chủ tử lại bị ám toán giữa thanh thiên bạch nhật ngay ngoài cổng thành Cổ Loa. Dương tam gia từ lúc nào lại lắm kẻ thù sinh tử đến thế?
Tam Kha vừa được người băng bó vết thương cẩn thận, vừa nghe Lỗ quản gia trình bày sự việc. Đỗ phu nhân theo lệ ngày rằm mồng một hàng tháng đều lên Linh Thiên Tự lễ phật cầu an. Sáng nay ngày rằm, phu nhân cùng tì nữ Thu Liễu đi kiệu tới chùa từ sớm. Có 10 lính hộ vệ. Đến gần trưa, hai quan binh tới báo phu nhân bị người ta bắt, tì nữ Thu Liễu cùng 10 hộ vệ bị giết hại trong một trận đụng độ cách Linh Thiên Tự chừng 2 dặm. Quan nha đang cho người truy tìm dấu vết bọn bắt cóc. Lỗ quản gia vốn quen thuộc với những tình huống khẩn cấp kiểu này, biết ngay trong phủ có nội gián, đã tra được ba tên, đang trói lại chờ chủ nhân xét xử.
Cho quản gia tự tra xét mấy kẻ phản phúc, Kha lại lên ngựa, sai người đưa đến chỗ sự việc xảy ra. Lỗ quản gia phái thêm 50 gia nhân thân thủ tốt đi theo sau. Tới nơi, Kha thấy vài quan binh và người dân vẫn còn đứng đó. Họ kể lại, sự việc diễn biến quá nhanh, không ai kịp thấy bọn bắt cóc ra tay thế nào, chỉ biết có tiếng phụ nữ thét lên, tiếng gươm giáo leng keng một hồi. Người chạy tới nơi, thấy đầy máu và thi thể, bèn đi báo quan. Một người là sai nha quan phủ, hành lễ bẩm thêm:
-         Các vết thương đều chí mạng, hung thủ ra tay tàn độc. Đến thị nữ không võ công mà cũng bị cắt rời cổ. Nhìn dấu chân để lại có thể đoán chúng có khoảng 10 tên, võ công khá, có lẽ mai phục bên hốc đá kia từ sớm, sau cưỡi ngựa rút về phía tây. 4 thường dân trên đường nhìn thấy chúng đều bị giết. Phu nhân hẳn lúc đó đã bị đánh ngất, chỉ thấy trâm cài và khăn tay được người nhà xác nhận bị rớt lại, còn không có dấu vết nào khác.
Kha nhìn vết cắt trên người mấy hộ vệ, nhận ra ngay cùng hội với đám người truy sát mình. Chỉ là kẻ nào to gan lớn mật đến thế? Có thể hành thích Hữu tướng và người nhà ngay đô thành, ắt phải được thế lực lớn trợ giúp. Không phải ngẫu nhiên mà đường cái quan lại chẳng có mấy bóng người đúng lúc thế.
Kha về phủ, cho người ngầm điều tra quan trấn giữ khúc Nhị Hà và tri huyện phủ Linh Bản, nơi có Linh Thiên Tự. Rất nhanh biết chúng đều có liên hệ với Khúc gia mấy ngày này.
Ngô Vương và Dương hậu cũng biết tin ngay sau đó. Quyền chấn kinh, thế lực nào mà dám qua mặt mình ngay trên đất của mình? Dương hậu cùng Xương Văn chạy tới phủ đệ an ủi Tam Kha, dù có vẻ Hữu tướng cũng không cần an ủi. Chàng chỉ lạnh lùng ngồi trầm ngâm trong thư phòng, tay vẫn còn băng bó. Dương hậu không đành lòng mà rơi lệ.
-         Anh ba, em nhất định sẽ đòi hoàng thượng cho một cái công đạo. Không thể để kẻ khác thản nhiên ức hiếp người nhà chúng ta thế này được. Thế này có khác gì tát vào mặt Dương gia và tôn nghiêm của hoàng thượng.
-         Đừng làm việc vô ích. – Kha gằn giọng – Có gan lớn thế này không phải Ngô gia thì chỉ có Khúc gia. Bệ hạ hoặc đã biết trước hoặc bất lực thôi.
-         Em phải làm sao bây giờ? Hận này em không nuốt trôi được. Anh bảo em nhẫn, em đã nhẫn nhiều rồi. Giờ đến cả anh cũng bị hại. Chẳng mấy chốc sẽ tới em, tới cả Dương gia.
Kha nghiêm nghị nhìn Dương hậu, thì thào:
-         Cần em làm một việc.
-         Được.

Hai ngày sau, tin từ hậu cung. Hoàng tử phi trúng gió, lên cơn co giật mà mất. Người người ai nấy đều tiếc thương cho nàng phi tử tài hoa mà yểu mệnh. Chỉ có Khúc Hạnh biết tin, ở trong thư phòng đập phá hết đồ đạc. Hắn vốn nghĩ chỉ có hắn và Kiều Thuận biết Khúc Tam Nương thật ra là con riêng của hắn với phu nhân họ Kiều. Vì hai bên đều đã có gia thất, sợ ảnh hưởng tới danh tiếng hai đại gia tộc, hắn lén lút đưa Tam Nương về nhà nuôi dưỡng với danh dưỡng nữ. Tất cả hy vọng vực lại binh quyền Khúc gia đều đặt ở đứa con gái này. Chưa được kết quả nào, quân cờ đã bị triệt lộ.

Ba ngày sau, quan phủ cũng tìm ra dấu vết đám bắt cóc Đỗ phu nhân. Chúng có 9 tên, tử thủ đến cùng giữa vòng vây chật kín của quan binh và đội quân phủ Hữu tướng. Biết không thoát được, chúng đều cắn thuốc độc tự sát.
Đỗ Nhâm Phi lúc đó đang hấp hối, được mang về phủ chỉ còn chút hơi tàn. Lang y bảo nàng bị độc cân tán, ăn mòn da thịt trong ba tháng tới một năm sẽ hương tiêu ngọc vẫn. Dương gia và Đỗ gia quyết tâm mời các danh y hàng đầu tới cứu chữa, nhưng ai nấy đều bó tay. Nàng Nhâm Phi xinh đẹp hoạt bát giờ chỉ còn như cái xác không hồn, nằm liệt giường chờ chết.
Khi tỉnh táo lại đôi chút, hiểu ra tình thế bản thân, Nhâm Phi lặng lẽ khóc. Sau đó, nàng cho người gọi Tam Kha. Nhìn phu quân hốc hác, mắt chan chứa bi thương, Đỗ thị cố với cánh tay về phía gương mặt chàng. Kha cầm tay thê tử, nhẹ nhàng áp vào má mình, rồi đặt tay kia của nàng vào ngực. Cả hai cùng rơi lệ. Phu thê đến giờ mới rõ thâm tình.
-         Thiếp đáng chết. Tấm lòng chàng thiếp hiểu nhưng vẫn vờ như không hiểu. Thiếp đã bỏ qua rất nhiều cơ hội được cùng chàng trọn nghĩa phu thê. Đến lúc này, thiếp chỉ hận chính mình. – Đến đây Đỗ thị thì thào chút hơi tàn – Không thể mãi mãi bên chàng. Không thể cho chàng một đứa con. Tha lỗi cho thiếp, Tam Kha. Dương Tam Kha?
-         Được. Tất cả những chuyện nàng làm, ta đều không oán hận. Nàng luôn tốt với ta và Dương gia. Ta thấy được. Là ta tình nguyện bên nàng. – Kha nói trong nước mắt. – Nàng đừng nói nữa. Không cần nói gì hết. Là ta không bảo vệ được nàng. Ta không tốt.
Đỗ thị đã hết hơi. Nàng tỉnh táo lại đôi chút, cố trút mấy lời như lời sau cuối.
-         Còn một điều. Ta đã nhìn thấy hắn. Hoàng tử Ngập.
Nói rồi lả đi. Kha hoảng sợ kêu lang y tới.
Suốt hai tuần liền, các lang y tận lực ra sức mới mang Nhâm Phi từ quỉ môn quan trở về. Nàng có khi tỉnh lại đôi chút. Nhưng đa phần sẽ ngủ li bì, nằm bất động như xác khô trên giường. Một vị thần y được mời từ tận nước Lương sang, đưa một thang thuốc, bảo, nếu sau một năm không khá hơn, thì vô phương cứu chữa.

Trong thư phòng, Tam Kha nhìn hai thân vệ vừa trở về từ Phong châu.
-         Hoàng tử Ngập bị bắt cóc trước một hôm ngài và phu nhân xảy ra chuyện. Đã tra ra, bị người của Kiều Thuận bắt, sau đó đưa cho Lý Tẫn làm tù binh đổi lấy ba vạn lương và bạc. Nay Tẫn hẳn sắp truyền tin tới chỗ Ngô Vương. Về phía nhà họ Khúc, Khúc Hạnh vẫn cho người cung cấp thông tin đều đặn cho Thuận. Đám người truy sát ngài và phu nhân đều có gốc gác từ dân thiểu số du mục. Chúng được huấn luyện bài bản như thế, rõ ràng xuất phát từ cái lò Hồ Hồi của Thuận. Chủ mưu đến giờ chúng ta vẫn chưa tra ra được là ai, nhưng chắc chắn là người họ Khúc. Việc hoàng tử Ngập có thông đồng với Khúc gia và Kiều gia hay không mà bị bán đứng, chúng tôi không tra được.
Kha cho hai người lui ra, thầm nghĩ kẻ như Xương Ngập, có cho hắn 10 cái gan cũng không dám cấu kết với Kiều Thuận. Trầm ngâm nhìn danh sách người nhà Khúc gia, Kha quyết định đánh canh bạc cuối cùng với họ Khúc.

Một tháng sau, Ngô Nhật Kha từ Phong châu mật báo về cho Ngô Vương, hoàng tử Ngập bị nhóm người Khúc gia bắt cóc, đưa sang cho quân Lý Tẫn. Chứng cớ là gần chục lá thư tay. Sáu thư của thứ sử bốn châu Thang, Chi, Vũ Nga, Vũ An báo cho Khúc gia đã tuân lệnh, qui hàng Nam Hán, có dấu phủ thứ sử. Một lá thư có ấn ký Khúc gia gửi Hoàng đế Nam Hán, thương lượng sẽ thần phục Nam Hán, cống nạp gấp ba lần thời họ Khúc cống nhà Lương; đổi lấy cái ghế rồng của họ Ngô.
Chạm đúng điểm mấu chốt của Quyền, tất không thể dung. Ngô Vương giận dữ, triều thần bàng hoàng sửng sốt. Khúc Hạng Lương, cháu của Khúc Thừa Mỹ, nghi can chính, bị chém đầu. Khúc Hạnh, trưởng gia họ Khúc, bị nghi giúp cháu mình cấu kết với Nam Hán và cả đám phản loạn Kiều Thuận, nhân chứng vật chứng có đủ, dù lão khăng khăng không thừa nhận, cũng bị chém đầu. Con cháu ba đời của Khúc Hạng Lương và Khúc Hạnh đều bị giam trong lao ngục, hành hình tới chết. Toàn bộ người Khúc gia trong triều bị lột mũ áo, tịch thu gia sản, biếm thành thứ dân, đuổi ra khỏi Giao châu.
Nhưng một đám người nhà Khúc gia nhanh chân ôm vàng bạc chạy thoát, tới nương nhờ mấy đám thủ lĩnh thân tín của họ Khúc trước đây, xúi giục gây bạo loạn. Vài hào trưởng đưa quân đến đánh Cổ Loa, bị Ngô Vương cho binh ra đuổi diệt tới tận sào huyệt. Sau một hồi gió tanh mưa máu, một trong những lực lượng lớn mạnh nhất của thập đại gia tộc, Khúc gia, đã gần như suy tàn. Các đại gia tộc còn lại ngạc nhiên trước khí thế lẫm liệt của Ngô Vương, nên hành động trở nên âm thầm, cẩn mật hơn. Nhưng việc này cũng kéo theo ngọn lửa bất mãn âm ỷ trong lòng những kẻ từng là thân tín của họ Khúc, chỉ đợi gió tới là bùng lên.

Đúng lúc này Nam Hán gửi thư báo đã bắt hoàng tử Ngập làm con tin, đề nghị thương lượng, trong vòng một tháng phải có hồi âm, nếu không sẽ treo xác Ngập ngoài cổng thành Lục châu thị uy. Ngô Vương thầm hận đứa con ngu ngốc của mình luôn gây chuyện, phân vân không biết có nên mời Tam Kha đến không. Tả tướng Xử Bình khuyên vua:
-         Đã đến lúc bệ hạ để Dương Hữu tướng ra mặt. Chỉ cần cái uy của ngài ấy cũng đủ bảo đảm mạng sống cho hoàng tử, khiến phần thắng nghiêng về phía chúng ta.
Ngô Vương cắn răng, muối mặt sai người đi tìm Tam Kha.
-         Thần xin thân chinh tới Phong châu giải cứu trưởng hoàng tử. – Kha khảng khái tâu với Ngô vương.
Tháng 10 năm Tiền Ngô Vương thứ năm (943), Hữu tướng Dương Tam Kha mang 1.000 binh tới Phong châu, tìm cách giải cứu hoàng tử Ngập.
Chưa tới cái hẹn một tháng, Lý Tẫn đã xin hàng. Vì đói và khát.
Thành Lục châu ở nơi toàn núi đá hiểm trở, xung quanh một bên là rừng rậm, một bên là biển, dễ thủ khó công. Tẫn yên tâm ôm con thỏ Xương Ngập, rung đùi ngồi đợi Hữu tướng Tam Kha - sứ thần Ngô Vương - tới hòa đàm. Trong khi đó người của Ngô Nhật Kha chạy lên đầu nguồn sông Thương, dòng sông nhỏ duy nhất chảy qua thành Lục châu, đắp đập đổi dòng. Mùa khô, nước cạn kiệt, trời không một giọt mưa, sinh hoạt cả thành Lục châu chỉ dựa vào con sông nhỏ này. Một toán quân đánh nghi binh vào cổng chính, một toán chui đường hang động theo người du mục địa phương chỉ dẫn, vào đốt sạch kho lương trong thành, đốt phá vườn tược, gia súc gia cầm của dân. Còn Tam Kha dẫn binh vây kín thành, không cho một con muỗi bay qua. Chưa đầy hai tuần, nước dự trữ trong thành đã hết. Thức ăn cũng cạn kiệt. Tin tức cũng không truyền nổi ra ngoài thành. Đến khi đám dân đói quá nổi loạn, binh lính cũng nhụt chí, không còn sức mà đánh, Tẫn đành mang Ngập ra trả cho Dương Hữu tướng.
Sau đó Tam Kha ra lệnh phá đập, nước lại được trả về cho người trong thành Lục châu. Thừa thắng xông lên, Tam Kha cùng Ngô Nhật Kha xông vào chiếm thành, chém Lý Tẫn, đuổi tàn quân Nam Hán chạy dài tới thành Vũ An. Ở đây, gặp lực lượng địch quá đông và mạnh, mới dừng lại.
Tam Kha thu lại được Lục châu. Hai bên ở vào thế giằng co tới hơn tháng trời, cho đến khi Ngô Vương ra chiếu gọi Tam Kha về Cổ Loa, để việc trấn giữ biên giới lại cho Ngô Nhật Kha.
Ngập không bị thương tích nặng, chỉ gầy rộc như bộ xương khô vì đói và nghĩ nhiều. Nam tử chưa tới 30 tuổi mà tóc đã bạc nửa đầu như kẻ 50. Thân tín báo tin Hoàng tử phi đã mất, hắn chỉ giương đôi mắt đục ngầu như nhìn vào hư vô, thì thào chút hơi tàn “Chết rồi cũng tốt!”. Mọi người sợ hãi, không dám nói gì thêm với hắn nữa.
Ngập được để lưu lại tĩnh dưỡng ở biệt viện phủ Thứ sử Lục châu. Y sư bảo do tinh thần và thể chất suy kiệt, không quá nghiêm trọng, chờ vài tháng ăn uống no đủ, tư tưởng thoải mái, hắn sẽ tự phục hồi. Lúc hắn đủ tỉnh táo để biết được Tam Kha đã cứu mình, mắt rưng rưng lệ, muốn đến tạ ơn Hữu tướng thì người đã quay về Cổ Loa tự khi nào.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét