Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Luận Anh Hùng-Cheryl Pham: Chương Mười Hai - Cầu bất đắc



Chương Mười Hai: Cầu bất đắc

Anh hùng cũng có lúc nản lòng thoái chí

Ngô Vương phong thưởng hậu hĩnh cho Tam Kha, lại hỏi:
-         Sao không thể đánh tiếp?
Kha đáp:
-         Địa thế Vũ An và ba châu kia cực kì hiểm trở, canh phòng cẩn mật, binh thường trú đông gấp ba lần quân ta, không dễ chiếm lại như Lục châu. Quân ta khó đi vào do thám tình hình. Bốn châu đó đa số đều là người Hán và dân du mục, man di, không thần phục bất kì ai, cũng không coi mình là chủ đất ấy, ai mang lương bạc tới đều hoan nghênh; thứ sử ngày trước cũng thân phương Bắc, Nam Hán chưa đánh đã hàng. Thành Vũ An có gần một vạn binh Nam Hán tinh nhuệ, được phía Vũ Nga và Thang châu tiếp viện thuận lợi, lại dễ đổ thủy binh từ Hải Môn sang. Nếu tiến tiếp, ta tất sẽ bị diệt sạch.
Ngô Vương gật đầu, đăm chiêu một lúc, rồi hỏi toàn bộ văn võ bá quan:
-         Vậy bây giờ phải làm sao?
Lúc này, người muốn đánh tiếp, kẻ xin thôi. Hữu tướng Tam Kha muốn đánh:
-         Đất đai của tổ tiên không thể để mất một tấc. Triều ta vừa dựng, nếu hòa, nhân tâm sẽ suy, suy tất biến. Ta chỉ xin bệ hạ 1 vạn binh để cầm cự trong ba tới năm năm trước mắt. Nếu thời cơ tới, hoặc khi triều ta tích đủ lương bạc, ta sẽ công thành đòi lại đất.
Tả tướng Xử Bình tâu:
-         Bệ hạ, nếu cứ giằng co hay đánh tiếp, tất ta sẽ không lợi, vì ta không có lương nhiều, binh mạnh như Nam Hán, hơn nữa Lưu Thịnh(1) cũng là kẻ tàn bạo, liều lĩnh, không từ thủ đoạn làm việc thất đức. Bốn châu này đều nghèo khó nhất Tĩnh Hải, không bao giờ thu được tô thuế cho triều đình, lại phải mất sức người sức của đi dẹp loạn phỉ rợ và ngoại bang. Trong tình hình Tĩnh Hải ta mới lập quốc được vài năm, đang khó khăn chồng chất, lương bạc khan hiếm, dân nhiều nơi còn chưa thần phục, ta nên hòa để dành sức thu phục người của 8 châu còn lại đã.
Lần này Tả, Hữu tướng không đồng thuận, khiến Ngô Vương phải mất vài ngày suy nghĩ. Ngô Vương ân chuẩn tạm ngừng chiến và yêu cầu hòa đàm. Quần thần dù có người bàn ra tán vào, nhưng đa số ngẫm đi ngẫm lại vẫn thấy Ngô vương hợp lý.
Một tháng sau, bên Nam Hán phúc đáp đồng ý. Hòa đàm sẽ tổ chức tại dinh thứ sử Lục châu. Sứ giả của Nam Hán được mang 100 binh bảo vệ. Phía Tĩnh Hải, Ngô Vương cử Tô Khải Minh – một lão văn thần tinh quái, từng trải qua nhiều đời phụng sự từ Khúc gia, Dương gia, Kiều gia tới Ngô gia – dẫn đầu phái bộ, đầu tháng 12 lên đường. Trưởng hoàng tử Ngô Xương Ngập làm phụ tá cho Tô Hải Minh, đồng thời lãnh trách nhiệm bảo vệ sứ đoàn, coi như lấy công chuộc tội.
Hòa đàm diễn ra chóng vánh. Nam Hán nội bộ đang lục đục tranh đấu gay gắt, Lưu Thịnh không có nhiều tâm trí, đang muốn thu binh, nên sẵn sàng trả 10 vạn lượng bạc đổi lấy đình chiến trong 10 năm. Còn Tĩnh Hải quân chấp nhận bàn giao 4 châu Thang, Chi, Vũ Nga, Vũ An.
Ngô Vương đồng ý kết quả này.
Tháng giêng năm Tiền Ngô Vương thứ sáu (944), Ngô vương cho ra thông cáo với quần thần, bốn châu kia lòng người bất nhất, thân Hán phản Ngô, nhà vua tạm bàn giao cho Nam Hán để tiện việc phòng thủ.
Kiều Thuận và bè lũ Kiều gia, tàn dư Khúc gia, như chộp được cơ hội ngàn năm có một, vu cáo Ngô Vương tham bạc mà bán rẻ giang sơn xã tắc. Lời lẽ đoan chính, thống thiết, khiến lòng người sục sôi bất mãn. Hào trưởng, thủ lãnh các nơi nhân cơ này nổi dậy khắp nơi. Đám Trần Lãm, Lý Khuê, Nguyễn Siêu trước kính phục Quyền bao nhiêu, thì giờ cũng mài dao mài kiếm, chiêu binh mãi mã, tuyên bố sẽ đòi lại đất, lật đổ nhà Ngô.
Quyền nghe tin, tức đến thổ huyết ngất đi. Từ đó, ốm liệt giường không dậy nổi.
Hữu tướng Dương Tam Kha phải bận rộn chia binh đi dẹp loạn khắp nơi. Nguyễn Thủ Tiệp dẹp Nguyễn Siêu, Dương Cát Lợi dẹp Lý Khuê, Kiều Tri Hựu dẹp Trần Lãm, Ngô Xương Ngập dẹp Kiều Thuận…

Trong những kẻ bất mãn nổi dậy có Đinh Bộ Lĩnh, con trai tướng quân Đinh Công Trứ. Chàng thiếu niên ngày nào giờ đã là một nam tử tuổi 20 cường tráng, võ nghệ siêu quần, một mình địch được chục trai làng. Lĩnh manh nha chiêu binh nổi dậy ở Hoa Lư, sau bị Tam Kha cho người đến dẹp. Kha lúc này không thể không để mắt đến Lĩnh, cho người đến chiêu dụ về làm thân tín, nhưng bị Lĩnh khảng khái từ chối, vì không muốn phụng sự Ngô vương.
Một bất ngờ nữa. Kiều Thuận xin hàng phục Ngô Xương Ngập. Y thậm chí còn kêu gọi các hào trưởng khác ở Phong châu đầu thuận Ngập. Thuận tiến cống Ngập nhiều rượu ngon và gái đẹp, mong kết minh hữu với trưởng hoàng tử. Ngập nhận lễ, nhưng từ chối kết minh.
Bệnh tình của Ngô vương cũng không phải là điều gì bí mật. Từ sau Tết, thấy nhà vua không thể thiết triều, mọi việc đều do Tam Kha và Xử Bình xử lý, các quần thần bắt đầu nghĩ đến tình huống xấu nhất. Đám quan binh và các gia tộc đua nhau đón hướng gió, chia làm hai phe rõ rệt dần. Một đầu nhập Dương gia. Một đi xu nịnh, kết minh với trưởng hoàng tử. Ngập nhận được rất nhiều lễ hậu, nên lòng cũng đầy cảnh giác.

Lại nói Ngô Vương, vô cùng nản lòng thoái chí. Nghĩ mình cả đời đánh ngoại bang, dẹp phỉ rợ, lập quốc an dân, một lòng vì bá tánh trăm họ, mà vẫn không khiến thiên hạ tâm phục. Nay thương thế, bệnh tật đầy mình, chắc khó còn cơ mưu đồ bá nghiệp. Lại nhìn nhà Ngô vừa dựng chưa được sáu năm, còn quá non yếu, thù trong giặc ngoài. Nội lực Ngô gia cũng chưa đủ mạnh. Trưởng tử Xương Ngập có chút quân công nho nhỏ, nhưng cũng tài hèn trí mọn, hấp tấp nên đầy sai lầm. Thứ tử Xương Văn mới 13, chưa can qua binh đao loạn lạc, tâm trí lại thuần hậu, từ bi, khó mà thành đại sự. Hai con trai Nam Hưng và Càn Hưng còn chưa tới 10 tuổi, trước mắt không thể cậy nhờ. Bề tôi trung như Tam Kha, Xử Bình cũng chưa dốc hết sức ủng hộ. Chưa kể sau lưng Tam Kha và Xử Bình là Dương gia thanh thế ngút trời hàng trăm năm nay, lúc nào cũng sẵn sàng thế chỗ họ Ngô. Còn những kẻ khác chỉ chăm chăm vun vén cho lợi ích bản thân và gia tộc, ai làm vương với chúng có khác gì nhau. Muốn bảo toàn cho nhà Ngô giờ khó lắm thay. Ngô Vương nằm trên giường bệnh mà nuốt ngược nước mắt.
Suy đi tính lại mấy tháng trời, Quyền quyết định đặt cược vào Dương Tam Kha. Nói cho cùng, Kha là kẻ tài trí hơn người, công lao hiển hách, trung chính ngay thẳng, đức độ sáng suốt, người duy nhất sánh ngang với Ngô vương đương thời. Nhưng Kha lại không có dã tâm đủ lớn, vì thế mới đầu nhập rồi bái Quyền làm minh chủ. Nhờ có Kha áp chế mà Dương gia giã tâm bừng bừng cũng phải thu mình lại. Giai đoạn khó khăn sắp tới, họ Ngô chỉ có thể tồn tại nếu được Kha tương trợ. Còn sau này thế nào, đành dựa vào phúc phận con cháu Ngô gia. Quyền thầm ra vài cân nhắc cuối cùng, mà không biết rằng, cả đời nhìn Kha làm trung thần ái tướng, duy chỉ lần này cược sai.

Cuối tháng năm, sau vài lần thổ huyết nặng, thuốc cũng không còn tác dụng, biết không thể trụ được lâu hơn, Quyền nhìn thê tử túc trực bên mình mỗi canh giờ, dung nhan yêu kiều giờ đã hốc hác, khó nhọc nói với Dương hậu:
-         Từ lúc nạp Đỗ phi, nàng không còn cười, không còn múa kiếm, thưởng trăng với ta nữa. Ta biết nàng đau lòng. Là ta thân bất do kỷ. Như Ngọc, lòng ta chỉ có mình nàng.
-         Thiếp hiểu, thiếp chưa bao giờ oán trách chàng. – Dương hậu rơi lệ thiết tha nói.
-         Ta biết nàng đã cho Đỗ phi dùng thuốc.
-         Là thiếp ích kỷ, không lo khai chi tán diệp cho hoàng thượng, xin người trách tội.
Dương hậu thống thiết khóc, dù trong lòng không hề thấy ân hận. Người phụ nữ nào ở địa vị nàng cũng phải hành xử như vậy thôi. Còn Ngô Vương, lúc này cố ý nói ra điều đó chỉ hòng khiến nàng chột dạ, thấy có lỗi. Sau này, nếu có phải băn khoăn giữa cán cân Dương gia và Ngô gia, nàng sẽ mang chút áy náy ấy phục vụ cho nhà Ngô.
Ngô Vương lại ho ra máu. Sau một hồi ngự y và người hầu vật vã bôi thuốc, cầm máu, lau chùi sạch sẽ, Ngô Vương thì thào lệnh gọi Tả tướng, Hữu tướng.
Tam Kha và Xử Bình tiến vào. Trong tẩm cung rộng lớn, Ngô Vương kiêu hùng năm nào đã nằm liệt giường, bệnh tật ăn mòn da thịt đến hốc hác, phù trũng mặt mũi. Người khác được lệnh ra ngoài hết. Ngô Vương ngước mắt nhìn hai trung thần, khẽ ra hiệu họ lại gần giường, thều thào nói:
-         Hai khanh là những người ta tin tưởng nhất. Hãy giúp ta ổn định triều cục.
Lại cầm tay Tam Kha, giọng đã nghẹn ngào:
-         Tam Kha, chúng ta đã kề vai sát cánh chiến đấu bên nhau hơn hai chục năm trời. Từ khi khanh chỉ là cậu bé 7 tuổi non nớt, giết tên phỉ đầu tiên còn run rẩy. Nay khanh đã là vị Hữu tướng thâm trầm bình tĩnh, được người người ngưỡng mộ với bao công trạng hiển hách. Ta thật vui mừng thay. Nay ta sức cạn, sắp phải sang bên kia gặp Dương lão tướng quân, mong khanh hãy nhiếp chính, hết lòng phò giúp nhà Ngô…
Nói đến đây, Ngô Vương lại thổ huyết nặng. Xử Bình lấy khăn lau miệng, còn Kha vuốt vuốt ngực hoàng thượng cho dịu bớt cơn ho. Ngô Vương tìm lại chút hơi tàn, nặng nhọc gắng sức giữ chặt tay Kha nói:
-         Khanh giúp ta lập Xương Ngập làm thái tử, giúp…
Không đợi Kha và Xử Bình nói đồng ý, Ngô Vương đã băng hà.
Tháng 5 năm Tiền Ngô Vương thứ sáu (944), Ngô Vương Ngô Quyền mất vì bệnh tật, thọ 47 tuổi, trị vì được 5 năm.


(1)     Lưu Nghiễm (Nam Hán Cao Tổ) đã mất tháng 4 âm lịch năm 942. Người con thứ ba Tần vương Lưu Hoằng Độ kế vị, làm Nam Hán Thương Đế được một năm, thì bị Lưu Hồng Hi ám sát chiếm ngôi. Hồng Hi đổi tên thành Lưu Thịnh, sau đó giết sạch hết các hoàng tử anh em vì lo sợ bị cướp ngôi.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?

Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ...