Chương Tám: Anh Hùng phùng Mỹ Nhân
Anh hùng không qua nổi ải mỹ nhân
Sau khi nhận chức và bàn giao xong
quân vụ cho từng tướng dưới quyền, được Dương hậu kín đáo nhắc nhở rằng nàng đang
để những người nhà họ Dương trong phủ tạm, Hữu thừa tướng Dương Tam Kha mới nhớ
ra mình còn một phủ đệ ở Đại La, vốn dĩ là phủ của anh cả Dương Nhất Kha. Tam
Kha cùng mấy tùy tùng phi ngựa quay lại phủ giáo quan ngày trước. Vừa tới gần
phủ, Tam Kha kinh ngạc khi thấy một đoàn người ngựa khoa trương sặc sỡ đứng
thành hàng lối rất đẹp. Có cả đội ca múa đang biểu diễn trước đông nghịt người
xem. Một gia nhân thấy Kha, hô to “Hữu tướng đã về! Hữu tướng đã về! Tướng quân
thắng trận giờ đã trở lại phủ!” Tức thì đám người dừng lại, tự động tản ra hai
bên. Ai đó đốt pháo nổ ầm ĩ. Đỗ Nhâm Phi trong bộ lụa xanh bắt mắt, trang điểm
xinh đẹp, duyên dáng đứng ở đầu cổng. Thấy người dân hò reo hai bên đầy phấn
kích, Kha không biết làm sao, đành chắp tay làm lễ đa tạ, rồi đi cùng Nhâm Phi
vào trong.
Trong chính sảnh, sau khi ngồi yên vị
trên ghế gia chủ, Kha nhìn bao quát xung quanh, liếc vị quản gia già nua im lặng
ở góc phòng, quay sang hỏi nàng Nhâm Phi:
-
Nàng
đã tu bổ phủ này lại?
Nhâm Phi e lệ đáp:
-
Ta
còn tưởng chàng đang mong tìm người. Nếu chàng băn khoăn chuyện này thì đừng ngại.
Tiền này vốn là tiền của Dương gia chàng. Binh biến năm đó Công Tiễn tịch thu
toàn bộ tài sản của Dương gia ở Đại La, bán lại cho Đỗ gia ta với giá hời. Nay
Đỗ trưởng lão muốn giao trả lại Dương gia cho phải lẽ. Số tiền lời mấy năm từ
đó ta đã cho người nhập vào sổ sách. Chàng có thể tìm quản gia hỏi.
Tam Kha phất tay, cau mày bảo:
-
Được
rồi, chuyện này Lỗ quản gia sẽ bàn bạc với Dương trưởng lão. Cảm ơn nàng đã lo
liệu chuyện phủ đệ và người nhà ta lúc ta không có ở đây. Nhưng lần sau đừng
làm những chuyện phô trương như vừa rồi.
-
Được,
thiếp hiểu ý chàng. Là thiếp đã không suy nghĩ chu toàn. – Đỗ tiểu thư rất
nhanh đoán được những nghi kỵ trong lòng Dương hữu tướng, bèn lái sang chuyện
khác – Ta cho gọi các thúc bá và các cháu vào nhé?
Nhớ ra đám người nhà vừa gặp thoáng
qua ở cổng, lúc hỗn loạn cũng không kịp chào hỏi, Tam Kha gật đầu. Hai mươi tám
người nhà họ Dương, có cả mấy đứa trẻ nhỏ, ăn mặc đẹp đẽ, kéo nhau vào chính sảnh
ra mắt Tam Kha. Một người lớn tuổi nhất trong số đó, còn tráng niên, nhưng đứng
hàng thúc bá của Tam Kha, đại diện cả nhóm, đứng ra thưa:
-
Dương
trưởng lão sai chúng tôi ra đây tiếp quản công việc ở Đại La và Cổ Loa thành. Nếu
có việc gì cần giao phó, Hữu tướng cứ ra lệnh, chúng tôi nguyện sẽ hết lòng.
-
Dương
thúc nói vậy ta cũng không khách khí. Từ nay việc sinh cơ của Dương gia ở nơi
này sẽ do Dương thúc quản lý. Ta sẽ bảo quản gia bàn bạc với người. – Tam Kha
trầm ngâm một lúc, liếc nhìn Nhâm Phi ngồi cạnh đó – Ta vừa được bệ hạ ban một
phủ đệ ở Cổ Loa. Từ nay ta sẽ ở trong phủ đó. Ta nghĩ phủ này cứ để Dương thúc
và mọi người ở. Lỗ quản gia và mấy người thân tín sẽ theo ta sang phủ bên kia.
Quản gia đứng đó vội vàng hỏi:
-
Chẳng
hay phủ đệ mới đã có đầy đủ mọi thứ chưa? Có cần lão sang đó một chuyến kiểm kê
không?
-
Tùy
lão, ta vẫn chưa xem qua nên không rõ.
Lão quản gia chậc lưỡi. Vốn biết chủ
tử nhà mình chỉ mải việc quân việc nước, chẳng màng tới nhân tình thế thái. Lão
theo Dương lão tướng quân từ nhỏ, nhìn Dương tam gia lớn lên nên rất hiểu vị tướng
quân trẻ tuổi này. Đây là người chịu kham khổ nhiều nhất trong bốn người con của
Dương lão tướng quân, cuộc đời từ lúc sinh ra đến giờ gần như chỉ bôn ba trên
lưng ngựa. Vì thế lúc sinh thời Dương lão tướng Dương Đình Nghệ cũng không khỏi
có chút lo lắng nhiều hơn cho tam gia. Giờ Dương lão tướng đã mất, Lỗ quản gia
tự thấy mình phải có trách nhiệm gánh lấy nỗi lo này. Lão quyết định ngày mai sẽ
đưa người tới nhanh chóng tu sửa lại phủ mới, cho tam gia có chốn đi về.
Nhưng Đỗ Nhâm Phi thì không khỏi ngạc
nhiên, hỏi:
-
Thế
từ lúc về thành chàng ở đâu?
-
Trong
quân doanh hoặc trong cung. Chiến tranh vừa xong, triều đình mới thành lập, vẫn
còn vô số việc phải làm. Ta về đây cũng là do Hoàng thượng và Hoàng hậu ra lệnh.
-
Chàng
đừng lo, chuyện phủ đệ ta sẽ cùng đi với Lỗ quản gia. Mua sắm hay trang hoàn
nhà cửa là việc ta thạo nhất. Chàng cứ yên tâm lo việc của chàng đi.
Quản gia và đám người nhà Dương gia đều
thầm tán thưởng vị thiếu phu nhân tương lai. Dù nhiều lúc quản gia không thích
cách hành xử của Đỗ tiểu thư, nhưng ông cũng phải công nhận rằng vị tiểu thư
này không yếu đuối vô dụng như cố phu nhân hay đại đa số tiểu thư nhà giàu
khác, mà rất khôn khéo, giỏi tính toán kinh doanh, giỏi quản gia, quan hệ bang
giao với các gia tộc thế lực trong thành cũng rất tốt, nên khi hành sự cho
Dương gia, lão được trợ giúp rất nhiều.
Sau khi đám người nhà họ Dương làm lễ
lui ra, Tam Kha vẫn cảm thấy như có điều gì không đúng. Chàng cau mày, thờ ơ
đưa mắt nhìn xung quanh lần nữa, trực giác tự hỏi, sao lần này về không có chuyện
gì nhỉ? Thực ra, Dương hữu tướng rất không muốn về phủ đệ này. Mấy năm nay, lần
nào chàng đến đây cũng đều có chuyện. Đó là phủ đệ anh Nhất Kha ở ngày trước,
nơi chứng kiến mấy chục mạng người nhà họ Dương bị sát hại. Từ Ái châu trở lại,
chàng lại đau đầu với màn đấu đá của đám phụ nữ. Phụ nữ? Phải rồi, Trần cô
nương? Cô ta đâu rồi? Không phải lại gây ra chuyện gì rồi chứ? Tam Kha nhíu
nhíu mày, đột ngột quay ra nhìn Đỗ Nhâm Phi. Đỗ tiểu thư không thèm e lệ nữa, mỉm
cười thản nhiên.
-
Cuối
cùng chàng cũng nhớ ra được người cần nhớ rồi à? Ta tự hỏi sao chàng lại quay về
đây, hóa ra Dương hậu đã nói cho chàng biết.
-
Chuyện
gì? Về ai? Như Ngọc và nàng có chuyện gì giấu ta sao?
-
Không
ai giấu chàng cả, chỉ là chuyện như thế này thật không nên để người ngoài biết.
Chẳng để Tam Kha hỏi tiếp, Nhâm Phi
ra hiệu người hầu lui hết ra, chỉ còn Tam Kha và Lỗ quản gia. Nàng kể rằng Trần
tiểu thư đã mang thai được khoảng bốn tháng. Khi Tam Kha ở Đại bản doanh đánh
Nam Hán, Trần cô nương có một khoảng thời gian đã bỏ nhà trốn đi. Khi đoàn quân
Ngô Vương trở về, nàng cùng theo về. Quản gia và Nhâm Phi có hỏi, nàng chỉ nói
nàng lên Đại bản doanh thăm tướng quân. Gần Tết Nguyên Đán, nàng liên tục nôn
và ho khan, nhưng không chịu để thầy lang khám. Ngày mồng hai Tết, nàng ăn
xong, nôn thốc nôn tháo, mệt quá ngất đi. Lang y đến khám, nói nàng đang có
thai, phải tĩnh dưỡng. Quản gia và Đỗ tiểu thư vô cùng kinh ngạc. Cho rằng đây
là con của Dương tướng quân, quản gia an trí Phương Dung cô nương vào trong biệt
viện kín đáo, cho người chăm sóc thật tốt, bảo cô yên trí, mọi sự chờ tướng
quân về. Ngày Dương hậu – lúc đó chưa được tấn phong hoàng hậu, mang theo Xương
Văn, Xương Tỷ cùng người nhà Dương gia tới đây tạm trú, hai đứa trẻ một tám tuổi,
một sáu tuổi – vốn là một đôi chú cháu – nô đùa cãi nhau, đánh nhau khóc ầm ĩ.
Xương Văn do tuổi và vai vế cao hơn, nên mặc nhiên luôn giành phần thắng. Xương
Tỷ ấm ức bỏ đi. Như mọi lần, cậu bé tìm nơi vắng vẻ ngồi một mình khóc gọi cha
gọi mẹ. Không ngờ cậu đi lạc vào đúng viện của Trần cô nương đang dưỡng thai.
Trần thị nhận ra cậu bé, gọi cậu bé vào cho ăn và kể chuyện. Tỷ tò mò thấy cô
nương bụng đã lùm lùm, nhớ đến chuyện với cha và ông bác mình, bèn hỏi “Cô có
em bé à? Cha em bé là ai, cha cháu hay ông bác cháu?” Chỉ thấy Trần cô nương
rơi lệ, tay vuốt ve một tấm ngọc bội. Thằng bé thấy ngọc bội rất quen, nhất thời
chưa nhớ ra ngay được. Đến khi bị người hầu gọi về, bị Xương Văn trêu ghẹo lần
nữa, nó giật lấy ngọc bội bên hông Xương Văn, lúc đó mới sửng sốt à lên một tiếng
“Trời, thì ra đó là cha cháu!” Nói xong, nó lại đứng khóc oa oa. Xương Văn
không hiểu sao ngọc bội của mình lại làm thằng bé khóc nhiều thế, nhưng không
thể dỗ nó nín được. Dương thị đi ra hỏi chuyện, trách mắng Xương Văn một hồi.
Sau đó nàng cùng quản gia đi thăm Trần cô nương. Xương Văn không chịu đi cùng họ,
miệng làu bàu mắng Trần cô nương là yêu tinh hại người. Xương Tỷ lúc đó gật đầu
bảo “Chú hai, nàng ta đúng là yêu tinh hại người thật! Lần này hại cha cháu rồi!”
Nói rồi kể Xương Văn nghe chuyện ngọc bội. Chả là bốn cậu con trai của Ngô
vương đều có ngọc bội phòng thân giống y như nhau, nên Tỷ đoán hẳn kia là ngọc
bội của cha mình. Văn nghe chưa hết đã ba chân bốn cẳng chạy đi, giữa đường tóm
lấy một người hầu, bắt dẫn tới biệt viện của Trần cô nương. Vừa vào phòng, thằng
bé đã chống tay ngang hông, chỉ tay mắng Trần cô nương là yêu phụ, dám cho bác
nó đội nón xanh. Dương thị tát Xương Văn một cái, cho người lôi nó đi, sau đó
quay lại phía Trần cô nương nghiêm giọng. Biết trước sau cũng lộ, nàng ta quì
xuống đất dập đầu liên tục, mong Dương thị và Dương gia tha tội. Đứa bé là của
Xương Ngập. Nàng ta lên Đại bản doanh, không gặp nổi Tam Kha, chỉ tìm được
Xương Ngập. Ngập tìm nhà dân kín đáo cho nàng trú tạm, hứa hẹn sẽ báo với Tam
Kha. Nàng chờ cả tháng trời không thấy Tam Kha đâu, chỉ ngày ngày gặp Ngập. Thế
rồi chuyện xảy ra. Nàng bảo mình có lỗi với Dương tướng quân và Dương gia,
không dám ra ngoài gặp người nữa. Nhưng đứa bé là người họ Ngô, xin Dương thị
hãy bảo vệ nó, cho nó một danh phận. Còn bản thân nàng, Dương tướng quân, họ
Dương hay họ Ngô muốn băm thây xé xác, làm gì cũng được.
Kể tới đây, Đỗ tiểu thư kín đáo liếc
Tam Kha, thấy chàng trừ nhíu mày, mặt vẫn không đổi. Đỗ tiểu thư yên tâm hơn,
tiếp tục hỏi chàng:
-
Vì
Ngô vương và chàng đều đang lúc bận rộn cho đại sự, lại lo Xương Ngập tướng
quân đã biết chuyện, vẫn quyết chí theo đuổi Trần cô nương, Dương hậu không muốn
xử lý ngay, đành bảo quản gia và ta cho người giữ kín chuyện nay, chờ chàng rảnh
tay trở về thưa chuyện.
-
Chuyện
này nàng và Dương gia đừng chen vào nữa. – Tam Kha trả lời sau một hồi trầm
ngâm – Là ta và Dương gia hồ đồ. Nàng ấy là ân nhân của Dương gia, ta vì tri ân
đã hứa hẹn sẽ thú nàng. Nhưng ta và Dương gia, cả Ngô Vương nữa, cũng không
quan tâm đến tâm tư Xương Ngập và tình cảm của nàng ấy. Chuyện hôm nay là do
hai bên lưỡng tình tương duyệt. Ta là bề trên, không so đo với vãn bối, huống hồ
thanh thế Ngô gia đang áp đảo. Chuyện này không có lợi cho họ Dương. Để Xương
Ngập và họ Ngô giải quyết. Ta chịu tổn thất một chút danh tiếng cũng không sao.
-
Được,
mọi sự sẽ theo chàng an bài.
Ngay sau đó, Tam Kha vào thư phòng nói
chuyện tầm một canh giờ với quản gia và thêm một canh giờ với Dương thúc, rồi
cùng thân binh về lại quân doanh. Đỗ tiểu thư nghe người hầu báo lại mọi hành
tung của chàng, lòng phơi phới như hoa xuân.
Hai ngày nữa, phó tướng Ngô Xương Ngập
đang loay hoay luyện binh ở quân doanh, nhận được tín vật và tin tức của Phương
Dung cô nương. Hắn thẫn thờ một lúc, sau đó kiên quyết đi gặp Hữu tướng Tam
Kha. Ngập dập đầu trước Tam Kha, tha thiết nói:
-
Bác
ba, cháu biết bác đã biết chuyện. Tất cả là do cháu. Cháu thật lòng muốn thú
nàng ấy. Lòng cháu quyết không đổi. Bác muốn đánh, muốn mắng gì thì cứ làm với
cháu. Xin hãy tha cho nàng ấy.
Kha nghiêm giọng:
-
Hồ
đồ! Đến nước này mà cũng chỉ biết nói mấy câu đó.
-
Bác
bảo cháu phải làm sao bây giờ? Cha cháu không đồng ý. Vì thể diện hai họ, họ
Ngô và họ Dương chắc chắn cũng không đồng ý. Cháu chỉ biết nhờ bác thôi. Bác
cũng không thích nàng, để nàng mòn mỏi chờ đợi trong nước mắt, chi bằng buông
tay, cho cháu và nàng một cơ hội.
-
Hồ
đồ! Cháu bảo ta làm sao ăn nói với người nhà họ Trần, họ Dương và cả cha cháu
đây?
-
Cháu
biết. Là cháu sai rồi. Xin bác hãy giúp cháu. Giờ chỉ còn mỗi bác có thể giúp
cháu thôi. Cháu dập đầu xin bác. Từ nay cháu nguyện làm thân trâu ngựa cho bác.
-
Đủ
rồi! Đừng ăn nói hồ đồ để người ngoài nghe thấy. Đứng lên đi! – Tam Kha chán nản
nhìn Ngập – Bên Trần gia và Dương gia, ta sẽ lo. Còn chỗ Hoàng thượng và Ngô
gia, muốn nàng ấy không mất đầu, phải xem năng lực của cháu đã.
Ngập rối rít lạy tạ Tam Kha rồi đi vội
vào Hoàng cung yết kiến vua cha.
Thư phòng Ngô Vương hôm ấy bị đập
nát. Trưởng hoàng tử - phó tướng Ngô Xương Ngập, bị Ngô Vương hét cảnh vệ mang
đi đánh cho 100 trượng. Biết hoàng thượng đang nóng giận, 100 trượng thì người
sống cũng thành chết; huống hồ người bị phạt lại là trưởng hoàng tử, sau này có
thể kế vị; đám vệ binh chỉ dám giơ cao đánh khẽ, mười roi cuối mới đánh thật.
Cho nên về cơ bản Ngập cũng không chịu thương tích gì. Chuyện này khiến cho cả
hậu cung hoảng sợ. Chưa đầy hai tháng lập quốc, Hoàng thượng đã phạt nặng trưởng
hoàng tử - người vốn có công lao chống thù trong giặc ngoài cùng vua cha – khiến
nhiều người hoang mang.
Dương hậu chạy tới nơi, đoán đã xảy
ra chuyện gì, chỉ nhẹ nhàng sai người mang thanh kiếm Phong Vân treo trong tịnh
thất tới. Trước con mắt kinh ngạc khôn nguôi của đám cung nữ và người hầu,
Dương hậu múa kiếm Thanh Vân thuần thục như hoa rơi nước chảy, mây bay trên trời.
Không khí âm u trong cung điện chẳng mấy chốc tan biến. Cảnh sắc và lòng người
đều ngơ ngẩn, si mê nhìn bóng dáng uyển chuyển hòa trong ánh kiếm loang loáng.
Đẹp không sao tả xiết. Ngô Vương vốn đang tức đến muốn thổ huyết, mặt mũi đều
xám xịt, nhắm mắt định thần; giờ ngài đã mở mắt ra. Đầu tiên cau có, sau đó thở
nhẹ, rồi dần ánh mắt như có như không quyến luyến nhìn theo bóng dáng mảnh mai,
tú lệ, mà không kém phần phóng khoáng trời sinh. Sau một hồi say sưa, nghe tiếng
vỗ tay, mọi người như bừng tỉnh. Thấy Hoàng thượng đã đứng lên phất tay, đám
cung nữ và người hầu lặng lẽ lui ra. Ngô Vương tiến tới dịu dàng ôm lấy Dương hậu,
cảm thán nói:
-
Hiểu
lòng ta nhất vẫn chỉ có Như Ngọc. Từ thuở đầu tình cờ ngẩn ngơ nhìn nàng múa kiếm
bên cầu Ba Trăng, ta đã biết đời này không ai ngoài nàng có thể làm ta can tâm
tình nguyện.
-
Hoàng
thượng, giúp phu quân tiêu bớt ưu sầu không phải là việc thê tử nên làm hay
sao? Chàng còn muốn xem tiếp không? Hay hai ta ra đình ngắm trăng thưởng trà.
Đã lâu rồi Hoàng thượng bận việc xã tắc, chưa có lúc thanh nhàn. Vừa hay hôm
nay trăng tròn.
-
Được,
theo ý nàng. Chúng ta đi ngắm trăng.
Trong vườn thượng uyển, cây cối mới
trồng chưa được bao lâu, đang tiết xuân thì nên vẫn đua nhau xanh tốt, vài khóm
hoa đã nở rộ. Bên mái đình cổ dựng lại theo kiểu nhà Đường, cảnh vương hậu phu
thê tình nồng khiến người ta ngưỡng mộ. Quyền chỉ có hai vợ và một tiểu thiếp.
Vợ cả là người làng, cưới từ thưở hàn vi, sau khi sinh Xương Ngập đã sớm qua đời.
Tiểu thiếp lấy về sau đó, chưa quá hai năm khó sinh mà chết. Đến giờ, vừa xưng
Vương mấy tháng, nhưng hậu cung cũng chỉ có một mình Dương hậu.
-
Ta
không thể hiểu nổi đứa con này. – Ngô Vương phiền muộn dựa đầu vào hoàng hậu của
mình than thở - Nhiều lúc ta cảm thấy có lỗi với nó, bỏ nó bơ vơ không phụ mẫu
dưỡng dục hàng chục năm trời. Khi nó gây chuyện, ta có cảm giác như chính ta
gây ra vậy.
Dương hậu một tay khẽ quạt, một tay
xoa bả vai cho Hoàng thượng.
-
Bệ
hạ đừng quá đau lòng. Xương Ngập đã lớn, có chính kiến riêng của mình. Bản thân
hoàng tử cũng là người trung thực, ngay thẳng, dám làm dám chịu. Chỉ có điều tuổi
còn trẻ, nhất thời chưa khống chế được tình cảm. Chuyện cũng chưa ảnh hưởng tới
đại cục.
-
Hừ,
còn trẻ gì nữa. Con đã lớn bằng em trai nó. – Ngô Vương nghĩ tới Dương Tam Kha,
Vũ Dũng, Phạm Bạch Hổ, Tri Hựu cùng lứa tuổi với con cả nhà mình, thấy khoảng
cách quá lớn, lại thêm bực mình – Ngoài cái danh hoàng tử ra thì chẳng làm được
chuyện gì ra hồn.
-
Hoàng
thượng, danh phận hơn người cũng là một loại uy quyền, giống như gia thế, quyền
lực, tiền bạc, tài năng vậy. Đừng nhìn nhận khắt khe quá mà ảnh hưởng tới đại cục.
Hai người yên lặng tư lự nghe tiếng dế
kêu và tiếng nước chảy róc rách bên hòn giả sơn.
-
Nàng
bảo ta nên làm sao với đứa con này đây? – Ngô Vương cảm thán.
-
Trước
mặt hoàng tử và triều thần, bệ hạ cứ tỏ ra thật nghiêm khắc, cho hoàng tử lịch
lãm rèn luyện. Còn thành tựu của hắn, lòng bệ hạ minh tường là được. – Dừng một
lúc, Dương thị lại khẽ thủ thỉ - Chuyện Trần Thị Phương Dung thiếp nghĩ không cần
náo thêm nữa. Tam Kha và Dương gia thiếp có thể xử lý, hẳn không có vấn đề gì.
Chỉ còn bên nguyên lão họ Ngô, ta sợ các trưởng lão không ưng gia thế và hành động
của Trần cô nương mà đòi xử theo gia pháp, tuyệt trừ hậu họa cho trưởng hoàng tử
và Ngô gia.
-
Cái
này để Xương Ngập hắn tự xử đi. Gây họa thì phải tự đi mà giải quyết.
Dương hậu hôm sau cho mời Ngập tới,
uyển chuyển nói Ngô Vương sẽ không gây bất lợi, nhưng cũng không giúp hắn. Rồi
nàng bày kế kín đáo thu phục nhân tâm đám nguyên lão họ Ngô cho Ngập. Ngập phi
ngựa về Ái châu ngay trong đêm, dùng hành động và lời nói như sấm rền buộc đám
nguyên lão kinh sợ mà chấp nhận.
Cả Cổ Loa và Đại La râm ran bàn luận
chuyện trưởng hoàng tử cướp mất người thiếp yêu của bác mình, đoán già đoán non
quan hệ hai họ Ngô – Dương sắp có biến. Bá quan trong triều cũng thì thào nghị
luận, nhưng thấy khổ chủ Hữu thừa tướng vẫn vững như núi Thái Sơn, Ngô Vương
cũng không có biểu hiện gì, nên chỉ đành cho là lời đồn thổi nhũng nhiễu.
Một tháng sau, Trần cô nương lặng lẽ
được đưa vào phủ đệ của trưởng hoàng tử trong hậu cung làm thiếp. Không kèn,
không trống, chỉ bái đường trước mặt Dương hậu, Xương Văn và Xương Tỷ. Phương
Dung thấy mình không được làm hoàng tử phi, chỉ làm tiểu thiếp không danh không
phận, đau lòng ngày ngày lấy nước mắt rửa mặt. Ngập không làm sao an ủi được
nàng, cũng dần buồn chán mà xa cách. Cuối tháng 9 năm đó, Phương Dung hạ sinh một
bé gái, nhưng chưa đầy tháng, đứa bé mất.
Lại nói chuyện thê thiếp, Ngô Vương vừa
lên ngôi chưa bao lâu đã phải đau đầu về chuyện nạp phi tuyển tần. Bá quan của
triều đình đều rất bỡ ngỡ với việc xây dựng nhà nước mới, cho nên cách nhanh nhất
là tham khảo triều đình nhà Tấn đương thời (1).
Hoàng đế phương Bắc có hậu cung ba ngàn giai lệ, phục vụ mưu đồ bá vương, khai
chi tán diệp, cân bằng các thế lực trong triều. Nay xét thấy Ngô Vương dù đã có
bốn con trai, nhưng so với uy danh một người đứng đầu Tĩnh Hải thì chưa thấm
vào đâu. Hơn nữa hậu cung chỉ có một mình Dương hậu giễu võ dương oai. Hậu cung
và binh quyền đều để Dương gia hô mưa gọi gió sẽ có lúc khiến thiên hạ đại loạn,
là điều tối kị của bậc quân vương. Quyền hiểu cần phải xây dựng một thế chân vạc
với họ Dương, nhưng hành động ngay lúc này thì quá lộ liễu và tuyệt tình; Ngô
gia cũng chưa vững căn cơ, vẫn cần sự trợ lực của họ Dương.
Chính quyền mới tất sẽ có cuộc chia
chác lãnh địa và thứ bậc mới. Các thế lực cạnh tranh bát cơm như nấm sau mưa.
Ai cũng muốn thò chân vào canh bạc quyền lực vừa bày ra. Đỗ gia, Lý gia, Phùng
gia… đều bắt đầu rải tiền gây dựng quan hệ và thế lực trong bộ máy hành chính mới.
Đỗ gia liên tục hào phóng quyên góp
cho triều đình với tần suất dày đặc, tặng lễ hậu hĩnh lung lạc được gần một phần
ba văn võ bá quan. Lão già Đỗ Phu trước không dốc cạn vốn nên chậm chân, giờ
lão bằng mọi cách phải gỡ gạc lại. Cách nhanh nhất và đơn giản nhất là liên
hôn. Vốn trước trận Bạch Đằng đã hứa hẹn miệng với Ngô vương và Dương gia,
nhưng lúc đó lão cũng chừa cho Đỗ gia vài đường lùi nếu đất này đổi chủ, vào
tay Nam Hán. Lời hứa suông với người như lão chỉ là gió thổi, nhưng lão biết, với
đám người lúc nào cũng thích khoác cái mác “anh hùng hào kiệt” thì hẳn nó như đinh
đóng cột, như món nợ phải trả. Thế là lão mặt dày đến bái kiến Ngô Vương và Hữu
thừa tướng, bóng gió đòi nợ. Ngô Vương và Tam Kha ban đầu còn lờ đi, giả bộ bận
rộn. Nhưng khi có sứ giả Chiêm Thành quốc tới bàn việc bang giao thì Ngô vương
không thể giả bộ được nữa. Ngân khố không có là bao, mà việc kiến thiết mới chỗ
nào cũng cần bạc. Đỗ gia vốn nắm tất cả các mối thông thương với Chiêm Thành ở
đất Tĩnh Hải, từ nay sẽ để triều đình thu thuế toàn bộ, đồng thời nhượng lại một
phần tư mối làm ăn cho triều đình, và một phần tư cho các gia tộc khác. Thành
giao.
Cuối tháng 10 năm ấy, Ngô Vương lập Đỗ
Thẩm Lan, chưa đầy 16 tuổi, con gái thứ hai của trưởng tôn chi thứ, ngụ ở Dục
Tú, làm quí phi. Đỗ phi xinh đẹp, như hoa xuân đang hé nở, vừa tiến vào hậu
cung đã giành hết sủng ái của đấng quân thượng. Đỗ gia và đám văn võ bá quan lúc
này mới thở phào.
Tới tháng 12, Cổ Loa thành lại đón tiếp
tiệc đại hỷ thứ hai. Hữu thừa tướng Dương Tam Kha kết duyên cùng Đỗ Nhâm Phi,
trưởng nữ của Đỗ gia. Cặp đôi trai tài gái sắc vốn được người người ghen tỵ từ
một năm trước. Tiệc này ở Đại La và Ái Châu hoan hỉ tới gần chục ngày. Đỗ gia
và Dương gia vốn có quan hệ thông gia từ đời trước, nay đã thân lại càng thêm
thân. Từ đó, Dương Hữu tướng cũng năng trở lại phủ đệ hơn. Người ta đoán phu
thê tình nồng, không khỏi hâm mộ.
Ngay cả Lã Xử Bình vốn tự cho mình sẽ
cô độc tới chết già, nhưng vẫn được Phạm Chiêm thúc ép mai mối cho người cháu họ
xa. Chỉ thêm một người không đáng là bao, coi như nhận ân tình của Phạm tướng,
lại có kẻ nâng khăn sửa túi, làm ấm giường, Xử Bình chậc lưỡi chấp nhận. Nhờ thế
mà sau này, Lã Tả tướng không bị tuyệt tự khi có tới 5 người con lo hương hỏa.
Cứ thế thành lệ, việc liên hôn giữa
phú hào với quan lại, quan lại với quan lại bắt đầu rầm rộ. Nhìn vào là đoán ra
ngay các liên minh mới. Chuyện kết duyên vì hai bên lưỡng tình tương duyệt từ
trước chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Có thể nói, thời đại mới cũng không có
nhiều chỗ cho tình yêu trai gái.
Buồn nhất có lẽ là nàng Trần Thị
Phương Dung lẻ loi trong viện nhỏ nơi hậu cung. Nữ nhi chưa có tên đã mất, phu
quân thờ ơ, người trong lòng kết duyên cùng kẻ nàng căm hận – Đỗ Nhâm Phi. Chuyện
là sau mấy tháng trời bị Đỗ tiểu thư chèn ép, ám toán nhiều lần ở phủ đệ họ
Dương, Phương Dung hiểu nàng khó mà sống yên bên kẻ mưu sâu kế hiểm như Nhâm
Phi. Dẫu Lỗ quản gia có che chở nhưng không chắn hết gió mưa. Chỉ đàn bà mới hiểu
lòng dạ đàn bà. Nàng chọn Xương Ngập cũng vì thất vọng và chán chường. Thế mà
nàng ta cũng không để nàng yên, bày mưu làm lộ chuyện nàng mang thai. Con nàng
yểu mệnh chắc hẳn cũng do nàng ta từng động chân động tay trong thuốc dưỡng
thai. Đêm tất niên gió rét căm căm, Phương Dung đang thẫn thờ hóa vàng cho con,
nghe người hầu báo Ngập đưa thêm một cô nương mĩ miều vào phủ làm thiếp, tâm
nàng nháy mắt hóa hư không.
Rất nhanh thành Cổ Loa lại có đại hỷ
thứ ba: trưởng hoàng tử lập phi. Hoàng tử phi là người Khúc gia, một trong thập
đại gia tộc đất Tĩnh Hải. Nhiều người ngạc nhiên vì không nghe nói Khúc gia có
nữ nhi nào còn chưa thành gia thất. Có tin đồn người con gái này tài hoa tuyệt
đại, nhan sắc kinh diễm, được Khúc gia thu dưỡng từ nhỏ, nên có khí phách con
nhà võ, lại có thần thái hoàng hoa khuê tú khiến bất cứ đấng nam nhi nào gặp
cũng xiêu lòng.
Trưởng hoàng tử Ngô Xương Ngập tình cờ
nhặt được trâm cài của nàng trong ngày thành hôn của bác mình – Hữu tướng Dương
Tam Kha. Cây trâm tinh xảo tới mức hắn không thể không nhặt lên. Nhìn vật đoán
người, vật hiếm có chắc hẳn chủ nhân cũng phải hơn người. Thấy một gia nhân đi
tới đòi lại cây trâm quí, hắn nằng nặc đòi gặp mặt chủ nhân mới trả đồ. Gặp rồi
mới tiếc ngẩn ngơ. Người con gái trước mặt như phong vân tiên tử, khiến Ngập
chìm trong mộng mị, quên cả thời không. Tỉnh lại trâm mất, mà người cũng đi tự
bao giờ. Ngập chạy khắp nơi hỏi khách quan. Không ai gặp và cũng không ai biết
nàng. Cho đến ba hôm sau, mang Xương Văn đến phủ Dương Hữu tướng, phu nhân của
bác hắn mới cho biết đó là dưỡng nữ Khúc gia, bạn hữu nơi khuê phòng của nàng. Từ
ngày đó, Ngập không ngừng tìm mọi cách xây dựng quan hệ tốt với Khúc gia, hòng
tìm lại người trong mộng.
Ba tháng sau, nhân một ngày Ngô Vương
vô cùng hoan hỉ với tin tướng trấn thủ biên giới phía Bắc Hồ Bình vừa đánh lui
một toán quân Nam Hán lén lút xâm phạm, Ngập xin vua cha kết duyên cùng Khúc
Tam Nương. Khỏi phải nói Ngô Vương kinh ngạc tới mức nào. Họ Khúc không phải ai
cũng với tới được, lâu nay chỉ kết thông gia cùng thập đại gia tộc. Đây có lẽ
là việc Xương Ngập làm vua cha hài lòng nhất trong đời hắn.
Cuộc hôn phối này căn bản làm thay đổi
hoàn toàn các liên minh quyền lực đất Tĩnh Hải. Họ Ngô, từ một họ chỉ có chút
tiếng tăm nơi Châu Ái, nay đã chính thức đứng ngang hàng với thập đại gia tộc.
(1) Năm 939 – năm thứ 1 của Tiền Ngô Vương là năm Thiên Phúc thứ 4 của nhà Tấn
phương Bắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét