Ngô triều ký sự
Luận Anh Hùng
Cheryl Pham
Tháng 9 năm 2015
Lời Tựa
Chương Một: Anh Hùng vì nghĩa
Chương Hai: Anh Hùng cũng cần mặt mũi
Chương Ba: Anh Hùng không kể xuất thân
Chương Bốn: Anh Hùng chỉ khóc Anh Hùng
Chương Năm: Anh Hùng đều toan tính
Chương Sáu: Vinh Quang làm nên Đại Anh Hùng
Chương Mười Bốn: Trung thần nghĩa sĩ bậc nhất
Chương Mười Lăm: Anh Hùng há chỉ luận giáo gươm
Chương Mười Sáu: Lòng người ai thấu
Chương Mười Bảy: Vận biến tắc anh hùng
Chương Mười Tám: Nửa đời hào kiệt, nửa đời gian
Chương Mười Chín: Giận quá hóa dại
Chương Hai Mươi: Cầu tài, bài loạn
Chương Hai Mươi Mốt: Kiêu sủng quá nan vi
Chương Hai Mươi Hai: Hào kiệt tranh hùng
Chương Hai Mươi Ba: Bình đại loạn, Dựng đại nghiệp
========================*$*===============================
Viết khá lâu, hồi còn vô cùng ấu trĩ. Nhưng đó cũng là ý tưởng cho cuốn truyện Luận Anh Hùng (viết về lịch sử triều Ngô, luận bàn về các nhân vật chính, nhất là nhân vật Dương Tam Kha).
Truyện tường thuật lại một giai đoạn rất ngắn trong lịch sử
Việt Nam, giai đoạn 937-968. Hơn 30 năm này là thời kỳ Việt Nam vừa thoát khỏi
ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, bắt đầu quá trình xây dựng và kiến tạo đất
nước, mở mang bờ cõi. Giai đoạn này được sử sách nhìn nhận là triều đại nhà Ngô
với ba vua Ngô Quyền, Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập và khoảng gần 7 năm cướp
ngôi của Dương Tam Kha. Cuối giai đoạn này là cuộc đại loạn (sử gọi “loạn 12 sứ
quân”), kết thúc bằng sự lên ngôi của Đinh Bộ Lĩnh. Sử sách chính thống viết về
giai đoạn này rất sơ sài, truyền lại đến ngày nay chủ yếu từ các điển tích dân
gian.
Luận bàn về hai chữ Anh Hùng
(Tết 1993)
Muốn làm Anh
Hùng trong thiên hạ cũng phải biết vài qui tắc.
1.
Anh
Hùng luôn vì nghĩa.
Cái “nghĩa” đó phải
đủ lớn trong con mắt của thế nhân đương thời mới đáng được coi là Anh Hùng.
Cứu trâu, cứu
bò, cứu chó, cứu mèo, cứu cả bầy thú suýt tuyệt chủng… hiển nhiên không được
tính, vì “nghĩa” này không liên quan tới con người một cách trực tiếp, nên
không dễ lay động lòng thế nhân.
Nếu chỉ giúp người
xa cơ lỡ vận trong thời buổi thái bình, thế được coi là mạnh thường quân.
Nếu đưa người khỏi
tử địa lúc binh đao loạn lạc, thế được coi là anh hùng, vì tính mạng lúc tuyệt
cảnh luôn có giá nhất.
Cứu được một mạng
thường dân, được gọi là bồ tát.
Cứu được mạng
vua, mạng tướng, thế là anh hùng. Vì một mạng đó bằng vô số mạng bá tánh.
Giết cha như
Dương Quảng, giết em như Lý Thế Dân, giết dân như Lê Long Dĩnh, bị coi là bất
nhân bất nghĩa.
Diệt chư hầu, giết
nho sinh, chôn sống bá tánh như Tần Thủy Hoàng, lại được coi là anh hùng ngoại
hạng, vì nhờ không có nhân tính và công bình nên mới có Tần quốc vĩ đại thời
thượng cổ.
Vì thế, muốn làm
Anh Hùng, phải cố mà tìm một lý do chính đáng cho mục đích hành sự theo cách
nhìn nhận của người đời, một lý do đáng để coi là “nghĩa”, một lý do đủ lớn để
khoác vừa cái mác Anh Hùng.
2.
Anh
Hùng không kể xuất thân.
Giáo sư Tôn Thất
Tùng, người nông dân Hoàng Hanh, cụ già trồng cỏ nuôi bò nuôi heo Hồ Giáo, cô
công nhân Cù Thị Hậu đều là anh hùng, Anh Hùng Lao Động của nhà nước CHXHCN Việt
Nam.
Bế Văn Đàn lấy
thân làm giá súng, cô du kích nhỏ Kan Lịch giết hơn 150 tên giặc, phi hành gia
đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay vào vũ trụ Phạm Tuân, thiếu tướng tình báo
huyền thoại Phạm Xuân Ẩn cũng là anh hùng, Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân
Dân.
Hồ Chí Minh,
Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lê Hoàn, Đinh Bộ Lĩnh, Ngô
Quyền, Hai Bà Trưng đều là các anh hùng dân tộc Việt Nam.
Xa hơn, ngoài
kia Alexander Đại Đế đã chinh phạt gần hết thế giới mà ông biết, sĩ quan pháo
binh Napoléon Bonaparte chiến thắng hầu hết các quốc gia có lợi thế về quân số,
tạo ra thể chế mới cải cách luật pháp, vị thủ lĩnh du mục Thành Cát Tư Hãn có
thời thơ ấu đầy khó khăn nhưng sau này đã gây dựng một nền hòa bình lâu dài cho
lãnh thổ Á-Âu, Pyotr I Đại Đế tiến hành những cải cách vĩ đại cho Đế chế Nga rộng
lớn… họ đều là những Anh Hùng mà cả nhân loại phải ngả mũ.
Lưu Bang từ phường
lưu manh, bần nông cũng thành Hoàng Đế, nam chinh bắc chiến lập ra nhà Hán; người
tá điền Chu Nguyên Chương đến tên còn chẳng có, không một tấc đất nương thân,
sau này lãnh đạo nông dân nổi dậy, tay không dựng nghiệp lớn, đánh giặc ngoại
xâm, bảo vệ giang sơn thành một trong những hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa; kẻ
tôi tớ Oda Nobunaga đã nỗ lực chấm dứt chiến loạn, thống nhất nước Nhật; cậu bé
Che Guevara sinh ra trong một gia đình giàu lý tưởng và truyền thống đấu tranh
của Argentina sau này lại thành lãnh tụ phong trào du kích và cách mạng Cuba,
biểu tượng tinh thần nổi dậy của nhân loại hiện đại… họ đều là những anh hùng
mà không ai có thể chối cãi được.
Beethoven bị kiếm
thính rồi điếc, nhưng vẫn sáng tác những bản nhạc nổi tiếng thế giới; Stephen
Hawking hầu như không còn khả năng cử động mà vẫn là ông hoàng vật lý lý thuyết
thế giới; tổng thống ngồi trên xe lăn Roosevelt dùng nghị lực vô bờ dẫn dắt nước
Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử; vua Baldwin IV của Jerusalem
bị hủi, tự biết không nhìn thấy tuổi 30, nhưng vẫn kiên cường chống cự đau đớn,
trở thành một trí tuệ thiên tài, biểu tượng tinh thần của người Hồi giáo, nỗi
khiếp sợ trên chiến trường của người Ả rập… đều là những anh hùng lịch sử đã
ghi danh.
Vì thế, việc bạn
không may sinh ra nghèo nàn, thấp kém, không hoàn hảo hay bình dân, hay may mắn
chui ra từ hũ vàng của nhà giàu có, quí tộc, đế vương… không ảnh hưởng đến
tương lai bạn thành anh hùng vang danh thiên hạ hay chỉ là một kẻ mờ nhạt tầm
thường sống dưới một mái nhà và chết dưới một nấm mồ. Xuất thân chưa bao giờ là
vấn đề của người anh hùng. Lịch sử và Nhân loại cũng chỉ ghi nhớ tới người anh
hùng, chứ mấy ai nhớ họ chui ra thế nào.
3.
Anh
Hùng tạo ra thời cuộc.
Dù sách vở chính
thống đều ghi “thời thế tạo anh hùng” chứ chẳng thấy nói “anh hùng tạo ra thời
thế”. Ngẫm cũng đúng. Nếu thời thế ở đây là bối cảnh, là môi trường và thời cuộc
đang diễn ra quanh “người anh hùng”. Cá phải sống trong nước. Chim bay trên trời.
Cờ chạy trên bàn. Tướng giỏi phải nhìn trên chiến trận. Chứ chẳng nhẽ lại thắc
mắc như kiểu con gà hay quả trứng có trước.
Nhưng nhà Phật dạy,
có nhân mới có quả. Nên thời cuộc, bối cảnh khiến người có tố chất và khát vọng
anh hùng hành sự sẽ tạo ra một thời cuộc mới, bối cảnh mới. Thời cuộc đó, bối cảnh
đó là kết quả, là thành quả của những nỗ lực của người Anh Hùng và vô số người
khác tác động.
Giữa thời thế hỗn
loạn, trời cao, hoàng đế ở xa, các tù trưởng địa phương thi nhau nổi dậy, mới
có những cái tên Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn. Thứ họ đã tạo ra là vương
triều độc lập đầu tiên sau gần 1000 năm bị đô hộ, đặt ra một nền móng độc lập
ban đầu cho nước Việt Nam thời phong kiến tập quyền, dứt ra khỏi ách nô dịch của
phương Bắc.
Trong bối cảnh
nước mất nhà tan cuối thế kỷ 19-giữa thế kỷ 20, hết Pháp tới Nhật, Trung, Mỹ
xâm lược nước ta, Hồ Chí Minh lên đường ra nước ngoài bôn ba tìm tòi, bằng nỗ lực
vận động và ngoại giao không mệt mỏi, đã đưa Cách mạng tháng Tám thành công. Nhờ
đó mới có nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhờ đó, mới có Việt Nam ba miền thống
nhất và nền độc lập lâu dài cho người dân như ngày nay.
Khi những bề tôi
còn mải tranh giành bè phái, người dân chìm trong đói nghèo, cách mức sống của
Châu Âu hàng trăm năm, Pyotr I Đại Đế đi khắp năm châu bốn bể tầm sư học đạo, rồi
trở về thi hành một loạt cải cách và chinh phạt, biến nước Nga phong kiến lạc hậu
thành đế quốc hùng mạnh về chính trị, quân sự và kinh tế trên thế giới bấy giờ
trong một thời gian ngắn, khiến châu Âu đương thời cũng phải nể sợ.
Ngay cả anh nông
dân Hồ Giáo chỉ nuôi bò, nuôi heo, nhưng với cách chăm sóc cho ra năng suất đặc
biệt cao lúc đó, đã trở thành bài học và tấm gương để mọi người học hỏi làm
theo, đưa năng suất nông nghiệp của hộ cá thể lên cao hơn.
Vì thế, anh hùng luôn tạo ra “kết
quả lớn”, hay đóng góp phần lớn, hoặc một phần mang tính biểu tượng đột phá vào
một “kết quả lớn”. Kết quả đó có ý nghĩa thực tiễn tức thì trong ngắn hạn hoặc
lâu dài, được cộng đồng và lịch sử công nhận. Khi “kết quả lớn” ở phạm vi và
qui mô thực sự “lớn”, nó có thể coi là “thời cuộc mới”.
4.
Anh
Hùng cũng cần mặt mũi.
Con người ta đa
số sống dưới ánh mắt người khác. Họ cũng suy nghĩ và nhìn nhận theo cách người
khác áp đặt cho họ, mà người ta thường hay gọi là môi trường và văn hóa, phong
tục tập quán… Anh hùng cũng vậy.
Người đời cần mặt
mũi để diễn nốt tấn trò đời. Còn anh hùng không chỉ cần mặt mũi để diễn, mà còn
cần nó làm vật thế chấp.
5.
Anh
Hùng cũng cần bối cảnh làm phông nền.
Mỗi cá thể chúng ta đều là một phần
của hoàn cảnh, tức chúng ta làm phông nền cho bối cảnh.
Tuy nhiên, nếu một cá nhân xuất
chúng, lôi kéo được mọi người đi theo, hành sự khiến thời cuộc thay đổi nghiêng
lệch trời đất, để ngàn vạn năm sau người ta còn nhắc tới với lòng ngưỡng mộ thì
đó là anh hùng. Lúc đó, những gì tầm thường hay cao quí, mờ nhạt hay rực rỡ
xung quanh đều chỉ để làm nổi bật con người phi thường ấy. Không có bối cảnh ấy,
không có đất cho người anh hùng thể hiện. Vì thế, anh hùng luôn có một bối cảnh
làm phông nền.
Người đời chúng ta làm phông nền
cho bối cảnh. Bối cảnh làm phông nền cho người Anh Hùng.
6.
Anh
Hùng luôn đi cùng chữ “loạn”.
“Loạn thế xuất
anh hùng”. Giữa bối cảnh rối ren, lộn xộn, cá nhân mới dễ nổi bật. Bởi con người
là giống loài có tính xã hội, thích được ngưỡng mộ, thích được yêu mến, thích
được nổi bật, ham chuộng hư vinh và sức mạnh để thắng trong cuộc đấu tranh sinh
tồn theo học thuyết của Darwin.
Còn nếu ở thời
buổi thái bình thịnh trị, mọi cá nhân đều có cơ hội ngang nhau để nổi bật, để
chiến thắng, cố tạo nét riêng không lẫn được cũng chẳng mấy ai nhìn tới, chẳng
ai tin tưởng, chẳng ai tôn thờ ai, chẳng ai bảo được ai theo mình, chẳng ai lắng
nghe mình. Nó sẽ khiến một số con người nhàm chán và mệt mỏi. Một số nhàm chán
tới stress hay bệnh tật. Một số nhàm chán tới nổi loạn. Một số nhàm chán tới biến
dạng. Khi có nhiều người mệt mỏi, căng thẳng, nổi loạn, biến dạng tụ tập đủ lớn
ở một khu vực hay lĩnh vực nào đó, thế là thành loạn. Loạn sẽ cứ loạn mãi thôi,
cho đến khi có một nhân vật đủ tài năng khiến đám đông đang “loạn” này nghe
theo. Kẻ đó là anh hùng hoặc tay phản đồ (kiểu như khủng bố hay lũ thổ phỉ vậy),
tùy quan điểm của thế nhân đương thời nhìn nhận đám đông đó là “nghĩa” hay “bất
nghĩa”.
7.
Anh
Hùng phải biết thời thế.
Chỉ một lời “cứu
khốn phù nguy, trên báo đền nợ nước, dưới yên định muôn dân” trong tiệc bàn đào
xuất ra khiến anh em Lưu Bị, Vân Trường, Trương Phi đã đáng mặt anh hùng hào kiệt.
Nhưng lời đó giờ
ai đột nhiên thốt ra sẽ bị coi là “ấu trĩ”, “thần kinh”.
Anh Hùng có cần
người lót đường, hay làm người lót đường cho kẻ khác bước chân vào lịch sử và
trở thành Anh Hùng?
8.
Anh
Hùng dù thắng hay bại cũng không quay đầu.
Anh Hùng luôn phải
hành động. Hành động thì sẽ có kết quả. Có thể là thắng hay bại. Nhưng thắng
hay bại lại do ý trời, hay “thời thế”. Thắng thì người ta bảo “hợp thời thế”. Bại
thì đành phủi tay “sinh bất phùng thời”. Dù vậy, nó cũng không làm mất đi cái
mác anh hùng của trang hảo hán.
9.
Anh
Hùng chỉ dành cho những kẻ mơ làm anh hùng.
Anh Hùng luôn được
người đời coi là biểu tượng và được thêu dệt vô số giai thoại, dù chẳng có mấy
tin là sự thật. Người anh hùng sẽ sống mãi trong lòng nhiều dân tộc, nhiều triều
đại và vô số biến cố của thời gian.
Vì thế Anh Hùng
là một cái gì đó đẹp đẽ và tráng lệ, nguy nga và bất biến, sừng sững và vĩ đại.
Bản thân con người
lại luôn hướng tới những gì cao đẹp, những sự hoàn hảo tuyệt đối, bất diệt. Vì
thế, Anh Hùng cũng là một trong những mục tiêu mà nhiều người mơ tới.
Trở thành anh
Hùng có phải cần may mắn như trúng xổ số?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét