Chương Mười Bảy: Vận biến tắc anh hùng
Nhân nghĩa là đạo của người
Luân chuyển là đạo của đời bao la
Năm Dương Bình Vương thứ 7 (950), lại
một mùa bội thu.
Hoàng tử Văn cưới thêm hai phi tử:
Ngô thị - thứ nữ của tướng trấn thủ phương Bắc Ngô Nhật Kha, Hoàng thị - trưởng
nữ của đại gia tộc Hoàng thị giàu có nức tiếng gốc gác từ Tấn quốc.
Cuối năm ấy, hai thôn Đường, Nguyễn ở
Thái Bình(1) có biến. Người
của Nguyễn Khoan xích mích với một hào trưởng họ Ngô ở thôn Đường. Lời qua tiếng
lại, đao kiếm vô tình, Ngô hào trưởng bị giết hại. Vị hào trưởng này là anh em
với Ngô Nhật Khiêm. Ngô gia sao chịu để yên. Khiêm mang binh đến tận thôn Đường
trả đũa. Nguyễn Khoan là kẻ có thanh thế ở Tam Đái mấy chục năm nay, sao để một
người lạ nước lạ cái nhảy lên đầu. Khoan cho quân ra đánh lại Khiêm. Khiêm tận
dụng lúc hỗn loạn, dùng tiền bạc Ngô gia chiêu thêm binh mã, loáng cái lên tới
gần 2.000 người, bằng một phần tư binh của Khoan, lại quay ra thôn Nguyễn đánh úp
Khoan. Cứ thế loạn ở hai thôn này do hai cánh quân họ Ngô và họ Nguyễn khơi ra,
kéo dài gần tháng trời. Quan án sát địa phương không xử lý nổi, đành viết sớ
dâng lên cầu cứu triều đình.
Lúc này sắp sang năm mới, sự vụ đều bận
rộn.
Bình Vương hỏi các quan tướng trong
triều:
-
Ai
đi dẹp loạn hai thôn Đường, Nguyễn này?
Văn thần Tô Khải đứng ra tâu:
-
Thưa
bệ hạ, đây là nội loạn của mấy đám sứ quân tự phô trương thanh thế, đánh chiếm
lẫn nhau, làm ảnh hưởng đến việc an cư lạc nghiệp của dân chúng, lại còn lạm sát
người vô tội, coi thường trật tự kỷ cương. Phải bắt mấy kẻ đầu sỏ về nghiêm trị.
Hai toán quân ở hai thôn này là người Nguyễn gia và Ngô gia. Triều ta dĩ hòa vi
quí, hàng phục không được mới đánh, thế nên cử một tướng họ Ngô hoặc họ Nguyễn
đi là hay nhất, hạn chế tối đa việc đụng binh đao.
Triều thần đều cho là phải. Hoàng tử
Văn, Nguyễn Thủ Tiệp và Ngô Trọng xin đi. Lúc Bình Vương còn đang phân vân, tướng
Ngô Nam Nhạc bèn thưa:
-
Thưa
bệ hạ, ta thấy hoàng tử Văn đã lịch lãm rèn luyện đánh phỉ rợ và ngoại bang được
một thời gian. Nay nội loạn này cũng nên để cho hoàng tử học hỏi, ra uy với những
kẻ bừng bừng dã tâm với triều ta. Địa vị của hoàng tử sẽ dễ dàng áp chế được
người Ngô gia, chiêu hàng được người Nguyễn gia.
Bình Vương khen ý hay, bèn sai hoàng
tử Văn đi dẹp hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình. Sau, vua thấy loạn quân khá
đông, sức Văn e sẽ gặp khó khăn, không nên khinh suất, bèn phái thêm hai tướng
Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đi cùng hiệp trợ.
Đêm đó Văn mất ngủ, ngồi nghĩ kế
chiêu dụ Lợi và Thạc cùng thực hiện mưu với mình.
Hôm sau, Văn cùng hai tướng dẫn 5.000
binh đi Thái Bình. Khi quân nghỉ chân ở Từ Liêm, Văn nói với hai tướng:
-
Hai
thôn này có gây tội gì với triều ta không?
-
Không,
thưa hoàng tử. – Hai tướng đồng thanh
tâu.
-
Họ
vô tội, sao ta lại phải tiến đánh?
Hai tướng nhìn nhau, không biết phải
trả lời Văn thế nào. Thấy vậy, Văn bảo:
-
Đức lớn của
Tiên Vương ta đã thấm vào tận lòng dân, cho nên, chính lệnh ban ra, không ai là
không thuận nghe theo. Nay, không may Tiên Vương đã lìa bỏ quần thần, Bình
Vương làm việc bất nghĩa, cướp ngôi của anh ta, tội thật không có gì lớn bằng.
Giờ đây, Bình Vương lại sai chúng ta đi đánh hai làng vô tội. Nếu may mà thắng
được thì chẳng nói làm gì, còn như họ không chịu hàng phục thì ta biết làm sao
được?
Lúc này Lợi và Thạc đều lờ mờ nhìn ra
chút manh mối, lại nhìn nhau gật đầu. Thạc e dè bảo với Văn:
-
Chúng
tôi xin nghe theo lệnh ngài.
Văn bảo tiếp:
-
Ta muốn đem quân quay lại đánh úp Bình Vương để
khôi phục cơ nghiệp của Tiên Vương ta. Các ngươi có cùng đi với ta không?
Hai tướng mắt sáng lên, đồng thanh
tâu:
-
Chúng
thần xin đi theo phò tá ngài.
Văn rất hài lòng, bày kế cho hai người:
-
Dương
tướng quân mang 1.000 binh đi vào cổng tây. Đỗ tướng quân mang 1.000 binh đi
vào cổng đông. Hai người các ngươi dàn quân vây lấy cung điện. Ta sẽ đem quân
còn lại quay về cổng bắc, tiến vào chính điện. Lúc này Bình Vương và văn võ bá
quan còn đang mải vui tất niên, mừng năm mới nơi chính điện, sẽ lơ là cảnh giác
với chúng ta. Lại thêm binh của Ngô Trọng và Ngô Nam Nhạc trong thành yểm trợ, chúng
ta cùng tiến đánh đúng lúc giao thừa, tất sẽ thắng lợi.
Lợi và Thạc đều nhất trí với kế sách.
Sau đó cả ba chia binh quay lại thành Cổ Loa theo ba hướng khác nhau. Lợi và Thạc
ngay sau đó đều sai người cấp báo cho Dương Bình Vương.
Đêm giao thừa, lúc đang chuẩn bị chờ
dâng lễ tế trời đất, Bình Vương và Xử Bình đều nhận được tin hoàng tử Văn khởi
binh tạo phản. Tả tướng ngay lập tức sai Thống lĩnh cấm vệ quân Dương Thế Hiển
dàn quân đợi lệnh, lại cho người đi báo tướng trấn giữ quân đội ở Đại La Phạm Bạch
Hổ thần tốc điều binh vây chặt ngoài thành Cổ Loa.
Bình Vương nhìn bầu trời tối đen như
mực, than thở:
-
Đứa
trẻ này, cũng quá hấp tấp rồi. Mưu lược trẻ con thế này, sao qua mặt được mấy
lão tướng như Cát Lợi và Cảnh Thạc. Ba bốn năm rèn luyện mà hành sự vẫn không cẩn
trọng. Tĩnh Hải này hắn giữ được bao lâu? Âu cũng là ý trời. Ta nhìn hắn cùng
Ngô gia ngày đêm khổ não hai năm nay rồi. Đã đến lúc thứ của Ngô gia phải trả lại
cho Ngô gia. Tiên Vương, chớ trách ta phụ người, là Ngô gia người không có
phúc.
Xử Bình chạy tới, tâu:
-
Bệ
hạ yên tâm, Dương Thế Hiển và Phạm Bạch Hổ đã vào vị trí. Mấy tướng lĩnh họ Ngô
kia đều bị bắt lại. Hoàng tử chắc cũng sắp vào thành.
-
Bảo
bọn họ không làm gì hết. Ta muốn xem rốt cuộc hắn làm được đến đâu.
Cuối giờ tuất, Văn dẫn 3.000 binh dễ
dàng đi qua cổng bắc vào thành. Đêm cuối năm tối đen như mực, chỉ có bóng đuốc
lờ mờ tại mỗi chốt canh. Đội quân không gặp trở ngại nào, ào ào lao tới cung điện
nhà vua như gió cuốn. Tới cổng, thấy Cát Lợi và Cảnh Thạc đều đã đứng đó, hành
lễ chào mình, Văn đầy tin tưởng, nhảy xuống ngựa, hỏi hai tướng:
-
Quân
các người đã bao vây điện?
-
Vâng,
chúng tôi đã làm theo ý chỉ của ngài. – Hai tướng cùng đáp.
-
Tốt.
Hãy chốt giữ ở đây, không cho kẻ nào ra thoát.
Sau đó Văn sai 3.000 binh đi theo
mình, một nửa nhanh chóng bao vây chính điện, số còn lại cùng mình xông vào.
Cảnh tượng lúc đó trong chính điện thật
rộn ràng. Bình Vương ngự trên ghế rồng. Các quan tướng mũ áo đẹp đẽ ngồi hai
bên. Ca kỹ đang múa hát tưng bừng ở giữa. Nhìn thấy hoàng tử cùng quân lính lăm
lăm đao kiếm đạp cửa xộc vào, đám ca kỹ sợ hãi, ngưng bặt, dạt về hai bên tường
chính điện. Một đám vệ quân chạy tới vây quanh bảo vệ nhà vua, lăm lăm vũ khí
chĩa về phía hoàng tử. Còn các đại thần, đa số há hốc mồm vì kinh ngạc, một số
đã biết trước nội tình thì giữ được chút thản nhiên, nhưng cũng không nén nổi
tò mò xem kịch hay. Bình Vương vẫn giữ vẻ mặt bình thản ngàn năm không đổi, lạnh
lùng nhìn Văn.
Văn gặp ánh mắt này, có hơi chột dạ,
nhưng nghĩ đây là mưu kế cả năm nay y cùng Ngô Nhật Kha, Ngô Nhật Khiêm nghĩ
ra, không thể phút cuối lại động lòng làm hỏng đại sự. Hoàng tử Văn lấy lại
bình tĩnh, xua quân vây quanh các triều thần, bản thân dẫn binh đi thẳng tới
trước mặt Bình Vương, dõng dạc nói:
-
Dương
Bình Vương! Ngươi nhân lúc Tiên Vương mất đi, cậy thế ngoại thích mà chuyên quyền,
cướp ngôi anh ta, truy sát bức anh ta không còn chỗ dung thân, tội ấy trời đất
này sao dung được? Nay đã đến lúc ta vì Tiên vương và bá tánh, lấy lại công đạo
cho anh ta cùng Ngô gia.
-
Đó
là những gì ngươi thực sự nghĩ được? – Bình Vương lạnh lẽo hỏi.
-
Phải,
ta nuôi căm hận trong lòng đã bao năm. Nay đến lúc báo thù nhà nợ nước. Quân
đâu, tiến lên bắt lấy hắn!
Quân hai bên xông vào giao chiến.
Bình Vương vẫn im lặng ngồi yên trên ghế rồng. Mọi người trố mắt nhìn màn đâm
chém kịch liệt. Chỉ Xử Bình là kinh ngạc nhất khi nhận ra đám binh mình cắt cử
bảo vệ chính điện đã biến mất tự lúc nào, thay vào đó chỉ có hai chục tay cận vệ
bảo vệ bên người nhà vua. Kẻ nào có thể sai khiến được thống soái cấm vệ quân
Dương Thế Hiển – trưởng tử của Dương Nhất Kha - làm việc này? Y nhìn vẻ mặt
bình lặng của Bình Vương, hiểu ra sự tình, lòng đắng chát, người túa mồ hôi.
Số lượng hai bên quá chênh lệch. Cận
vệ rất nhanh bị giết sạch. Dù hơi ngạc nhiên vì số binh lực quá ít ỏi của cấm vệ
quân, nhưng cho rằng là do Ngô gia đã xử lý chu toàn, hoàng tử Văn đường hoàng
chĩa kiếm vào ngực Bình Vương. Thấy Bình Vương vẫn không nói một câu, ánh mắt
càng lúc càng lạnh, Văn quay mặt sang đám lính, hét:
-
Bắt
trói lấy hắn, giải xuống triều điện!
Bình Vương bị quân lính xông lên,
trói gô lại, lôi xuống, ép quì dưới ghế rồng. Hoàng tử Văn bước lên ngôi vị cao
nhất, hùng dũng tuyên bố:
-
Chư
vị văn võ bá quan nghe đây. Tiên Vương ta qua đời, di huấn lại nhường ngôi cho
anh ta. Nhưng Dương Bình Vương mang tâm phản nghịch, làm trái đạo quân thần, cướp
ngôi và truy diệt anh ta. Nay ta dùng chính danh dòng dõi Ngô Tiên Vương, phế
truất Bình Vương đi, đòi lại ngai vị. Các người có phục không?
Văn võ bá quan nhìn nhau, vài người tức
thời hô lạy:
-
Phục.
Văn nhìn đa số quan tướng vẫn sững sờ,
kinh ngạc, bần thần trong điện, bèn bảo:
-
Nay
ta lên ngôi, sẽ hết lòng vì bá tánh trăm họ. Mong các vị dốc lòng hiệp trợ,
cùng ta trị quốc an dân. Văn ta nhất định không bạc đãi.
Tả tướng Xử Bình đứng ra hành lễ hô
‘Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế!”
Diễn biến quá nhanh khiến đám quần thần
kinh ngạc không thôi. Làm sao mà Dương Bình Vương chinh chiến trên lưng ngựa từ
khi 7 tuổi, đánh Hán, diệt Tiễn, hạ phỉ rợ, bình loạn dân gần cả cuộc đời, lại
dễ dàng bại trận như vậy? Cả Tả thừa tướng, kẻ luôn cùng phe cánh Dương gia bao
năm qua cũng nhanh chóng bỏ chủ chạy lấy người.
Bá quan rời rạc kẻ đứng người ngồi,
lòng đầy nghi kị. Nhưng nhiều kẻ đã nhanh chóng nhận ra sự tình. Một số bất
bình không chịu nổi, hậm hực dậm chân tại chỗ. Số khác chậm rãi lục đục hành lễ,
hô theo Xử Bình: “ Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế!”
Văn thấy có thêm nhiều người triều ủng,
rất lấy làm hài lòng. Lại nhìn xuống Bình Vương đang quì ở dưới, gương mặt vẫn
bình thản như không, Văn quay ra hỏi các quan:
-
Nên
xử hắn thế nào?
Văn võ bá quan đều im lặng. Lúc này,
Tả tướng Lã Xử Bình mắt đẫm lệ, đứng ra tâu:
-
Thưa
hoàng thượng, bảy năm trước cũng nơi này, Bình Vương lên ngôi, ta đã xin ngài ấy
diệt sạch dòng dõi Tiên chúa để bảo vệ vương vị, nhưng ngài ấy đã không làm
theo. Nay ngài lên ngôi, là một thần tử phải phân ưu với nhà vua chính sự, ta
cũng xin ngài hãy diệt Bình Vương. Người này tài đức, uy thế đều hơn người,
công cao lấn chủ, để lại tất là hậu họa cho nhà Ngô.
Bá quan có vài người đồng thanh hô phải,
còn lại đa số đều mở to mắt nhìn Văn. Văn lại nhìn Bình Vương vẫn im lặng và
bình thản, ngẫm một lúc rồi nói:
-
Bình
Vương đối với ta có ơn, sao lại nỡ giết?
Bình cùng bá quan nhiều người thở
phào. Cũng có kẻ thầm rủa mắng trong lòng, đúng là tâm tính hơn thua trẻ con, mới
nghe Xử Bình nói câu bóng gió đã dao động, thu đao hạ kiếm, kẻ làm vua mà nhu
nhược. Còn Văn, sau một lúc do dự, bảo:
-
Dương
Bình Vương có tội lớn với triều đình, lẽ ra phải giết không tha. Nhưng nể tình
y có công lao với xã tắc, trị quốc an dân bao năm qua, nên ta tha chết. Nay ban
cho đất Chương Dương xứ làm thực ấp, phong làm Chương Dương Công. Chỉ có điều
phải lưu lại ấn ký, thề từ nay trở đi, không bao giờ được phép can dự chính sự.
Bình Vương thản nhiên nhìn Văn, đáp:
-
Tạ
ơn bệ hạ đã tha chết. Xin người đừng lo, Tam Kha ta đảm bảo từ nay sẽ không bao
giờ can dự bất kỳ sự vụ nào của Tĩnh Hải.
Bình Vương được dẫn đi, giam lỏng tại
một biệt viện. Triều lễ tất niên hạ màn trong không khí hoang mang rõ rệt.
Tết Nguyên Đán năm Tân Hợi (951) ở Cổ
Loa diễn ra đầy lặng lẽ và nghi ngờ. Văn cùng đám thân tướng Ngô gia vẫn không
tin được việc đoạt lại vương quyền lại dễ dàng đến thế, nên ra sức phòng bị.
Các quan lại cũng đầy hoài nghi, đành nhẫn nại chờ diễn biến kế tiếp.
Dương Thị Như Ngọc nghe kể về chính
biến của con với anh trai mình, khóc suốt một đêm. Hôm sau gọi Văn lại, bảo:
-
Cẩn
thận các võ tướng trong triều. Họ vốn dĩ không phục con, sẽ gây bất lợi. Cũng
thận trọng khi dùng người Ngô gia. Đa số họ chẳng có mấy thực tài. Phụ vương
con năm xưa tin dùng người nhà quá mức mà bị quần thần oán thán, bá tánh không
phục nổi loạn. Đợi tới lễ Nguyên Tiêu, mọi người trở lại sự vụ, hãy ra cáo
thiên hạ.
Tình trạng cầm cự và nghi kị cứ thế
diễn ra thêm hai tuần.
Đến rằm tháng giêng năm đó, Xương Văn
cho ra cáo thiên hạ, xưng vương, lấy tên Nam Tấn Vương. Phong Dương Thị Như Ngọc
làm thái hậu, Dương Thị Minh Ngọc làm hoàng hậu. Phong tước quan phẩm và ban thực
ấp cho hai em trai Ngô Nam Hưng, Ngô Càn Hưng. Lúc này Văn 20 tuổi.
Bộ máy quan lại vẫn giữ nguyên, chỉ
cho Ngô Nhật Kha về kinh thay Dương Thế Hiển làm Thống lĩnh cấm vệ quân; còn Hiển
tới phương bắc làm tướng trấn giữ biên ải thay Nhật Kha.
Thiên hạ lại được một phen xôn xao
bàn luận. Số phận của Dương Bình Vương được người ta quan tâm hơn hết thảy. Khi
biết cựu vương vẫn còn giữ được cái mạng, chấp nhận làm Chương Dương Công, nhiều
người thấy vui mừng, có kẻ lại khinh bỉ ‘Hóa ra Dương Tam Kha chỉ được cái vỏ
ngoài. Đến một con hổ giấy vắt mũi chưa sạch cũng không đánh lại được.’
Dương Nhị Kha ở châu Ái bừng bừng tức
giận nói với các con cháu mình:
-
Các
ngươi trông đấy mà thấm cho sâu. Đừng dùng nghĩa khí hành đại sự như nhị gia.
Bao tâm huyết phò tá nhà Ngô đổi lại được tiếng bất trung bất nghĩa. Chưa bị diệt
thân, diệt tộc cũng là do Dương gia ta tích phúc ngàn năm mới được, chớ đâu phải
do chúa kia đại lượng.
Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu đọc cáo, còn
không tin nổi vào mắt mình.
-
Không
thể nào. Bình Vương người này nếu không tự nguyện thì há có thể phục?
Vị thủ lĩnh trẻ Đinh Bộ Lĩnh thì
không nén nổi tức giận:
-
Dương
Bình Vương, uổng công ta ngưỡng mộ ông.
Nguyễn Khoan ở Siêu Loại biết kinh đô
thay vương, ngẫm lại thấy các sự kiện có liên quan đến vụ loạn ở thôn Nguyễn
nhà mình, y không hỏi trầm tư:
-
Chẳng
lẽ mình bị tên vua trẻ kia và Ngô gia lợi dụng? Hừm, nếu cả đến Dương Tam Kha
cũng không nhìn ra thì mình bị dắt mũi một chút cũng không phải đại sự gì. Nay
không còn Kha, cơ hội của ta đã đến rồi.
Vui nhất vẫn là Kiều Thuận. Y vừa trở
về từ cõi chết, nay lại nghe tin kẻ thù truyền kiếp của mình thất thế, bèn lập
đàn cúng tế ngay tức thì.
-
Tạ
ơn trời đất. Cuối cùng cũng đến ngày ta nhìn thấy cơ hội cho họ Kiều.
Cuối tháng giêng năm Nam Tấn Vương thứ
1 (951), Dương Tam Kha cùng thê tử Đỗ Nhâm Phi và gia nhân rời khỏi kinh thành,
về Chương Dương xứ. Rất nhiều người tới chào bái biệt: Phạm Bạch Hổ, Nguyễn Thủ
Tiệp, Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc, … và cả Tả, Hữu thừa tướng Lã Xử Bình, Kiều
Tri Hựu.
Xử Bình còn đi tiễn Tam Kha tới tận cổng
thành ngoài. Bình hỏi Kha:
-
Ông
không oán ta chứ?
Tam Kha cười nói:
-
Sao
ta lại oán ông? Ông luôn là người nhìn thấu thời cuộc. Ông dạy hoàng thượng mấy
năm, tất đã nhìn ra tâm tính của ngài ấy, nên mới nói thế. Dẫu ngài ấy muốn giết
ta, hẳn ông cũng sẽ có cách cứu ta thôi.
Xử Bình xúc động:
-
Hiểu
ta không ai bằng Tam Kha.
-
Nay
chúa còn non nớt, hành sự hấp tấp, lại hiếu thắng. Ta không còn cơ hội để chỉ
giáo. Mong ông hãy hết lòng giúp ngài thấu hiểu nhân tình thế thái, phụng sự xã
tắc, kéo dài cơ nghiệp nhà Ngô.
-
Tam
Kha, ngươi cũng biết Nam Tấn vương hiếu thắng, hấp tấp. Cũng may chưa nghi kị
hiền tài, trọng dụng gia quyến như Ngô tiên chúa. Mới chỉ thăng quan cho Ngô Nhật
Kha, còn đám tướng tá Ngô gia vọng động cũng chưa bị họ làm cho u mê. Hẳn vẫn
còn cơ kéo dài nhà Ngô thêm dăm bữa nữa. Nhưng với tính tình nông nổi, hời hợt
như thế, e có muốn thiên hạ phục cũng không dễ đâu. Tuy vậy, nhận lời ký thác của
ông, ta sẽ gắng hoàn thành.
-
Ta
hiểu. Cảm tạ ông. Còn lại đành dựa vào sức lực của ngài ấy thôi.
Lúc bái biệt ở cửa Ô quan, Kha kín
đáo dặn Xử Bình:
-
Chú
ý Xương Ngập và động tĩnh ở Hoa Lư.
Nhân tiết thanh minh năm ấy, Nam Tấn
Vương sau khi vừa đánh dẹp trận nổi loạn ở thôn Nguyễn của Nguyễn Khoan, liền tới
thăm Dương thái hậu. Vương hỏi nàng:
-
Nay
anh con vẫn còn trốn ở mạn Trà Hương. Con đã cho người đi đón anh về, cùng
chung hưởng phú quí. Mẫu hậu thấy sao?
Dương thái hậu gật đầu bảo:
-
Con
đã trưởng thành, tất có chủ ý riêng của mình. Nếu không phải đại sự gì khó
nghĩ, thì không phải hỏi ta.
Vương lúc đó đã sai hai tướng Dương
Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc tới tìm Phạm Lệnh Công để đón anh mình về.
Tại làng Trà Hương, trong lúc chờ người
đi lên núi Hun Sơn tìm Ngô Xương Ngập, Lệnh Công dắt Ngô Xương Xí, hỏi hai tướng:
-
Có
mang thằng bé này về kinh thành không?
Dương lão tướng trả lời:
-
Ta
chỉ được lệnh đón Ngập. Còn gia quyến thì không thấy Vương nói tới. Vậy cứ theo
ý của Ngập đi.
Cậu bé Xương Xí, lúc này 7 tuổi, nghe
nói tới kinh thành, bèn hỏi ông cụ:
-
Cụ
ơi, ở kinh thành có Dương Bình Vương phải không? Cháu muốn đến gặp Bình Vương,
xem ngài ấy có anh tuấn, thần võ như cụ kể không.
Hai tướng Lợi và Thạc cùng tròn mắt
nhìn đứa bé, lại nhìn Lệnh Công. Phạm lão tướng quân bối rối, vội xoa đầu cháu
mình nói:
-
A,
đúng vậy, đúng vậy. Nhưng bây giờ Bình Vương đi vắng rồi. Nên có một vua khác
trông giữ giang sơn. Vua này là Nam Tấn Vương.
-
Sao
cụ bảo một nước chỉ có một vua thôi? – Đứa bé bất mãn hỏi.
-
Phải,
phải. Nói chung một nước chỉ có một vua. – Ông cụ bắt đầu nói lộn xộn, không
theo kịp với tư duy đứa trẻ.
-
Tuy
nhiên cũng có nước có thể có nhiều vua. Như nước ta phải không cụ?
-
À,
ờ… ờ, như nước ta.
Phạm lão tướng toát mồ hôi hột nhìn đứa
bé, lại xấu hổ cười cười với hai vị lão tướng bên cạnh.
Khi gia nhân đưa Ngập vào nhà, Lệnh
Công hỏi hắn, hắn bảo:
-
Nay
kinh thành chưa rõ bạn hay thù. Ta xin để lại nhi tử để ông tiếp tục chăm sóc
giùm. Ta có 6 nhi tử, đã chết 4. Trưởng tử nghe nói đã lên chùa qui y. Giờ chỉ
còn mình nó, ta không muốn nó có mệnh hệ gì nếu ta lại gặp bất trắc.
Lệnh Công bảo hắn thay đồ nhưng Ngập
từ chối, đòi lên đường ngay. Thế là một mình Ngập theo Lợi và Thạc về kinh
thành, bỏ lại Phạm Lệnh Công ôm lấy đứa bé đang gào hét ầm ĩ đòi theo lên kinh
thăm Bình Vương.
Lúc Nam Tấn Vương trông thấy người
anh đã 10 năm không gặp, lại thấy người y hốc hác, râu tóc tua tủa, mặc bộ đồ
thô sờn cũ kỹ, nhà vua rớt nước mắt vì xót thương.
-
Đại
ca, mười năm không gặp, không ngờ đại ca lại bị đọa đày ra nông nỗi này. Là ta
có tội lớn với đại ca.
-
Bệ
hạ, xin ngài đừng quá đau xót. Ta sống kham khổ trong rừng núi Hun Sơn ấy sáu
năm nay cũng quen rồi. Không thấy khổ sở nữa. Nay nhìn thấy cơ nghiệp nhà Ngô
ngài đã lấy lại được, ta vô cùng tự hào và vui sướng. Phụ vương trên trời chắc
cũng hả lòng hả dạ.
Nam Tấn Vương đích thân đi thay quần
áo cho anh. Lại cho người mang những thứ đẹp đẽ, quí giá nhất đến viện của Ngập,
bảo anh từ nay sống trong phủ cùng mình. Nhưng Ngập từ chối. Y bảo:
-
Thưa
bệ hạ, đây là nơi thân quyến của vương trú ngụ. Ta không có thân phận ấy, ở lại
lâu sẽ không tiện. Người khác biết được, sẽ lời ra tiếng vào, reo rắc thanh
danh không tốt cho hoàng thất. Xin người ban cho ta một ngôi nhà nhỏ ngoài
thành là được. Thân quyến ta cũng chẳng còn ai. Ở thế là ổn rồi.
-
Hừ,
kẻ nào to gan dám đặt điều xằng bậy. Đại ca là anh cả ta, cũng là người hoàng thất.
Nay ta muốn ở cùng đại ca, cùng nhau chung hưởng phú quí, cung điện nhà lầu
này, để bù đắp lại những tháng ngày cơ cực đã qua. Nếu đại ca không nhận, phải
chăng nghĩ đứa em này bất hiếu, lại bất tài? Ta làm vua một nước mà không lo nổi
cho anh mình, thì vô dụng lắm thay. Thiên hạ chả cười chê ta đến muôn đời ấy chứ.
-
Chỉ
là một thường dân ở đây há lại không ai cười chê? Ta là con trưởng Tiên chúa,
nay em ta lên ngôi, ta lại đòi vào điện của chúa ở, không phải là lòng dạ bất
chính thì cũng là kẻ có mưu đồ soán vị. Danh không chính, ngôn không thuận,
mong bệ hạ suy xét.
Ngập tạm thời ở lại trong phủ chúa. Còn
Nam Tấn Vương thì trằn trọc suốt mấy đêm nghĩ về lời anh trai. Vua khéo léo hỏi
Tả tướng liệu có thể để Ngập ở lại cung cùng mình được chăng. Xử Bình biết ý định
của Nam Tấn Vương thì vô cùng tức giận. Bình khuyên vua:
-
Bệ
hạ, người chí công vô tư, thâm tình trượng nghĩa, ta hiểu. Nhưng để anh trai người
lại trong phủ lâu dài là không nên. Chưa nói sẽ có phát sinh gia sự gì, nhưng
đã phạm vào đại kị của quân vương. Từ trước tới nay, con cháu hoàng gia cứ trưởng
thành đều cho ra ngoài phong tước ban thực ấp, như hai em trai ngài vậy. Nếu giữ
lại bên người, trừ khi còn nhỏ, hoặc là người kế vị, nếu không tất sẽ đại họa.
Nam Tấn Vương than thở:
-
Làm
vua thật khó thay. Nay ta chỉ muốn bù đắp cho anh ta những ngày cơ cực, vậy mà
cũng lắm nỗi tỵ hiềm. Lòng này biết tỏ cùng ai?
Vương ưu sầu mất cả tuần liền, lại tự
hỏi, nếu phong vương cho anh thì có nực cười lắm không? Đắn đo mãi, cuối cùng nhà
vua đi gặp Dương thái hậu hỏi chuyện.
-
Mẫu
thân, nay ta đã đón được anh cả về phủ. Hiềm một nỗi phép quân thần không dung tình
anh em. Ta muốn báo đáp anh cả. Vì ngôi vị này lẽ ra là của anh ấy. Nếu ta lập
anh ta làm vương, cùng nhau trị vì và chung hưởng phú quí, mẫu thân thấy có được
chăng?
Dương thái hậu không khỏi kinh hãi.
-
Con
ơi, thế có khác gì cõng rắn cắn gà nhà? Xương Ngập là kẻ thế nào, không phải
con không biết. Một núi đâu thể có hai hổ. Sao con nỡ mang hiểm họa tới cho nhà
Ngô khi lên ngôi chưa được dăm ngày? Rồi huynh đệ tương tàn, chỉ lợi kẻ nghịch
tâm, lại mang tiếng xấu muôn đời cho hậu thế, sao ta chịu cho đặng?
Nam Tấn Vương trấn an nàng:
-
Mẫu
thân đừng lo. Con đã tính hết các đường nước rồi. Anh con bị quan tướng khinh
ghét, bá tánh không ưa, nên sẽ không thể tham gia luận bàn chính sự, có tham
gia cũng không ai theo. Con nay cũng đã trưởng thành, qua nhiều biến cố, thu phục
được lòng người, há lại không thu phục được anh mình? Phong vương để anh con có
danh, có bạc, có thể ngẩng cao đầu sau bao năm cay đắng, uất hận. Con cũng được
tiếng thơm và thanh thản tâm hồn vì trọn chữ hiếu đạo. Hơn nữa, hữu danh vô thực,
đâu sợ anh ta có thể gây cơn phong ba nào?
Dương thái hậu không biết phải làm
sao, chỉ đành dặn con mình:
-
Nay
ý con đã quyết, ta cũng không xen vào. Chỉ mong con hãy thận trọng, hỏi thêm Tả
tướng, hữu tướng để được thành nhân tâm.
-
Con
hiểu. Con sẽ bàn bạc với hai vị thừa tướng.
Khi Nam Tấn Vương nói ý định với Xử
Bình và Tri Hựu, hai người này đều hoảng sợ mà can vua:
-
Mong
bệ hạ nghĩ cho thấu đáo. Tình nghĩa anh em không nên lẫn vào việc công. Đại sự
này đâu phải gia sự của riêng một nhà, không thể đùa giỡn được.
Sau khi phất tay cho hai trung thần
đi về, Vương thầm nghĩ mà tức giận:
-
Tĩnh
Hải này không của nhà ta thì của cả nhà các ngươi chắc. Tìm được kẻ thật lòng
thật dạ tận trung với mình quả không phải dễ.
Vua lại vời Thống lĩnh cấm vệ quân
Ngô Nhật Kha, người thân tín nhất của mình hiện nay, cũng là kẻ có công đầu
trong việc giúp vua giành vương vị. Vua hỏi Nhật Kha:
-
Nay
ta muốn anh ta cùng làm vương, có được chăng?
Nhật Kha nhìn nhà vua trẻ, thầm nghĩ
đúng là khẻ khờ. Sau y lại nghĩ tới đứa con trai mới 5 tuổi mà thông minh hơn
người của mình, mắt lóe lên tia sáng lạnh. Nhật Kha tâu với vua:
-
Ngài
đủ tài đức khiến quần thần nể phục. Nay lại có cử chỉ cao thượng, bác ái đến vậy,
ta và bá tánh tất phải ngả mũ cúi chào. Người như ngài dễ có mấy ai. Âu cũng là
cái phúc Tiên chúa để lại.
Nam Tấn Vương được lời như cởi tấm
lòng.
Đầu tuần tháng 5 năm Nam Tấn Vương thứ
1 (951), nhà vua ra cáo thiên hạ, phong anh trai mình Ngô Xương Ngập làm Thiên
Sách Vương, cùng trị vì Tĩnh Hải.
Các sử gia phong kiến đời sau khen ngợi
vị vua trẻ hết lời. Thời này Nho giáo và Đạo giáo chưa ảnh hưởng lớn tới dân
cư, nên bá tánh không quá đề cao hành xử và dụng tâm của Nam Tấn Vương cũng như
Dương Bình Vương trước đây. Nhưng chỉ trăm năm sau, kể từ thời nhà Lý, với sự mở
mang bờ cõi và bang giao chủ yếu với phương Bắc, tư tưởng của Khổng Tử, Mạnh Tử
ào ạt vào đồng hóa nhận thức đám tinh anh rồi lan xuống thường dân. Cách hành xử
của Nam Tấn Vương được giới nho gia coi là hợp đạo làm người, còn Bình Vương bị
phỉ báng, đày xuống hạng loạn thần tặc tử.
‘Nam Tấn nhà Ngô dùng chính nghĩa trừ
kẻ tàn bạo, lấy lại được cơ nghiệp cũ. Công việc ấy cũng đã yên ủi vong linh
tiên tổ mình, làm nguôi lòng bực tức của quỷ thần, của nhân dân.’(2)
‘Hậu Ngô Vương ở chỗ thâm cung, nên tặc thần không ngờ đến, ở giữa đường
quay về, mà chư tướng không dám trái ý, truất phục được kẻ gian tà dễ như thay
bàn cờ, 15 năm giữ cơ nghiệp, đáng gọi là lương chúa, đẻ con như thế Ngô Quyền
cũng như là không chết.’ ‘nhưng xét bản
tâm của Xương Văn thì chỉ biết cung kính anh, để kính nhường dòng con trưởng,
không giết cậu, để mẹ được yên lòng, cũng là người có tư chất tốt, không thế,
thì nếu không giết anh là Xương Ngập, cũng không để Tam Kha được sống.’(3)
Tất nhiên, những tư tưởng kiểu này,
sang thời hiện đại, đều bị các học giả xét lại dưới con mắt công bình và khách
quan hơn.
Lại nói chuyện Tĩnh Hải khi đó. Bản
cáo gây ra một cơn phong ba. Quan tướng và người dân khắp nơi bất bình, phẫn nộ.
Xử Bình tức giận, cáo ốm một tuần liền
không đến dự triều. Tri Hựu lúc này đồng ý cho người nhà nơi Phong châu lập ấp,
chiêu binh. Đến ngay cả người Ngô gia cũng bất mãn, nhưng bị Ngô Nhật Kha trấn
trụ.
Thủ lĩnh và loạn dân múa kiếm đòi lật
đổ kẻ làm vương mà bất tài vô dụng. Phỉ rợ mọc lên như nấm, tranh thủ lúc loạn
lạc hòng kiếm chác chút tư sản. Nam Hán và Đại Lý nghe phong phanh tin, cũng
cho quân liên tục đánh tỉa mạn bắc.
Cuối tháng 5 năm đó, Trần Lãm tự xưng
Trần Minh Công(4), dấy
binh đòi diệt nhà Ngô ở Bố Hải Khẩu. Sau bị hai lão tướng Đỗ Cảnh Thạc và Dương
Cát Lợi dẹp.
Tháng 6, Nguyễn Khoan tự xưng Nguyễn
Thái Bình, nổi dậy ở Tam Đái. Đích thân Nam Tấn Vương và Nguyễn Thủ Tiệp đi dẹp.
Lý Khuê tự xưng Lý Lãng Công, nổi dậy
ở Siêu Loại. Phạm Bạch Hổ và Phạm Man đi dẹp.
Lữ Đường, xưng Lữ Tá Công, nổi loạn ở
Tế Giang. Kiều Tri Hựu đi dẹp.
Nguyễn Siêu, xưng Nguyễn Hữu Công, nổi
loạn ở Tây Phù Liệt. Thạc và Lợi lại đi dẹp.
Nhưng nổi dậy mạnh mẽ nhất lại là một
toán binh mới lập chưa đầy chục năm: sứ quân Hoa Lư của Đinh Bộ Lĩnh. Tiệp rồi tới
Thạc đi dẹp, đều thất bại quay về.
Trong triều, tướng soái đều tranh cãi
kịch liệt chuyện ai đi đánh, ai ở lại luyện quân. Thiên Sách Vương thấy loạn lần
này, cả quan lẫn dân đều lôi tên mình ra chửi rủa, tức giận bèn đề nghị với em,
rằng y thân chinh đi dẹp cái ổ Hoa Lư. Nam Tấn Vương thấy anh mình tức giận
công tâm, lo lắng, bèn lên đường cùng anh.
Tháng 10 năm đó, hai vua mang một vạn
đại binh tới Hoa Lư, vây thành suốt hai tháng trời. Bị cắt đường tiếp tế với
bên ngoài một thời gian dài, quân của Lĩnh lâm vào nguy khốn. Lĩnh lo lắng
không yên nhìn quân triều đình ngày ngày công thành hăng hái, còn quân mình ít ỏi
hơn nhiều, lại sắp chết vì đói, đánh sao nổi đây? Sau cùng thân tín bàn bạc,
nghĩ rằng trước xin hòa hoãn, cho một toán tải lương vào, rồi đánh tiếp. Lĩnh
sai sứ giả sang tâu với hai vua cho xin hoãn binh, lại để con trai mình là Đinh
Liễn - lúc này đã 9 tuổi, tới làm con tin.
Thiên Sách Vương bảo với em:
-
Lũ
loạn dân này đâu phải là kẻ anh hùng hào kiệt gì mà đòi bày đặt con tin làm chữ
tín. Nay cho hắn hoãn binh, cấp thêm lương, hắn lại đánh tiếp hai tháng. Rồi lại
hoãn binh, đòi cấp lương. Cứ thế đánh đến bao giờ? Sự vụ triều đình còn chồng
chất, cứ chôn chân mãi nơi này cũng không phải hay. Cần nghĩ cách khiến hắn
hàng phục sớm. Ta nghe nói tên giặc kia có 5 đứa con, nhưng chỉ có 1 đứa con
trai duy nhất này làm hương hỏa, yêu như mạng, luôn cho bên mình. Nay ta bắt
con hắn, dong ra giữa trận, khiến hắn kinh sợ, tất phải hàng ngay.
Nam Tấn Vương suy nghĩ một lúc, dù thấy
cách này có hơi đê tiện một chút, nhưng nghĩ tới sự vụ trong triều, sợ đi lâu
có kẻ làm phản cướp mất ngôi vị, đành đồng ý.
Đinh Liễn tức thì bị hai vua ra lệnh
bắt trói lại, đem đi đánh. Ngày nào hai vua cũng dong đứa bé ra giữa trận, khiến
lính của Bộ Lĩnh không dám bắn tên. Đánh suốt một tháng, cũng không thấy Lĩnh đầu
hàng, Thiên Sách vương tức giận giơ đao ra, thét lớn:
-
Trói
con hắn lên ngọn sào, bảo người nói cho hắn biết, nếu không hàng ngay, ta sẽ giết
con hắn.
Đứa bé bị trói gô lại, treo lên cây
sào, đặt trước cổng thành Hoa Lư.
Được người vội vã chạy vào báo lại, Bộ
Lĩnh vô cùng tức giận, nói:
-
Tài
trai đã quyết chí công danh, khi nào lại chịu bắt chước như đàn bà con trẻ!
Rồi sai hơn mười tay nỏ cùng nhằm chực
bắn vào Liễn.
Thiên Sách Vương thấy thế, kinh hãi bảo
em:
-
Ta
treo con hắn là cốt muốn cho hắn đầu hàng ngay, nay hắn tàn nhẫn như vậy, thì dẫu
giết con hắn đi cũng chẳng ích gì.
Hai vương bèn không giết Liễn nữa,
rút quân về Cổ Loa.
Đinh Liễn làm con tin ở kinh thành
cũng khiến hai vương đau đầu không thôi. Đứa bé gào khóc suốt ngày và gây ra đủ
thứ chuyện. Sau Nam Tấn Vương giao Liễn cho lão tướng Dương Cát Lợi trông chừng.
Cát Lợi nhớ đến lần cùng Bình Vương tới bản doanh Hoa Lư, nên cũng có chút cảm
tình với cha con họ Đinh. Nhờ thế, đứa bé này được Dương lão tướng dạy dỗ khá
chu đáo suốt 15 năm liền, không thua kém bất cứ công tử thế gia nào ở kinh
thành.
Còn Đinh Bộ Lĩnh, sau trận này nhận
ra mình yếu nhiều thứ, bèn kết bạn với các thủ lĩnh xung quanh để học hỏi kinh
nghiệm của họ.
Cuối năm đó, Lĩnh thành tâm mang lễ vật
đến yết kiến Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu, một sứ quân cát cứ gần đó, tồn tại đã hơn
ba trăm năm. Trần Lãm thấy người này dũng khí khác thường, nhanh nhẹn tuấn tú,
lại nghĩ Dương Tam Kha từng hai lần chiêu dụ y mà không được, tất kẻ này phải
có nhiều điểm hơn người. Lãm đồng ý nhận Lĩnh làm bổ tướng dưới trướng. Sau một
thời gian, Lãm phát hiện người này tài trí đều vượt trội, rất lấy làm tâm đắc,
nhận làm con nuôi, dốc lòng bồi dưỡng thành người kế nghiệp.
(1) Hai thôn này được nhắc đến mấy lần trong chính sử. Nhưng do các sử gia
đương thời không ghi rõ, nên sau này nhiều phỏng đoán được đưa ra. Các sử gia
thời nhà Nguyễn cho rằng, hai thôn này thuộc về Thái Bình, mà Thái Bình khi đó ở
Phong châu. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, thôn Đường chính là Đường Lâm, quê tổ
của Ngô Quyền, thôn Nguyễn là Nguyễn Gia Loan, nơi cát cứ của sứ quân Nguyễn
Khoan, hai thôn này đều ở Phong châu.
(2)
Lời bàn của Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử kí toàn thư.
(3)
Lời bàn của Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án.
(4) Tước vị khi đó: Vương – tương đương với vua, cai trị cả Tĩnh Hải, Công –
tương đương với Chỉ huy sứ, cai trị một lãnh địa nhỏ trong Tĩnh Hải, như
châu/huyện/trấn/xã/làng. Tước vị của các sứ quân này đều là tự phong. Sau này
khi nhà Ngô mất, các sứ quân đều nhận mình là Vương của các lãnh thổ chiếm được;
không ai công nhận ai; cho tới khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước năm 967.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét