Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Luận Anh Hùng-Cheryl Pham: Chương Mười Tám-Nửa đời hào kiệt, nửa đời gian



Chương Mười Tám: Nửa đời hào kiệt, nửa đời gian

Hào kiệt năm nào ai hay
Vương thất đạo hạnh có ngày tiện ti

Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập trở về, được y sư tận tình chữa trị và bồi bổ, tinh thần lẫn thể chất cường tráng trở lại chỉ sau hai tháng. Em trai gợi ý, nay thê thiếp đã mất hết, Thiên Sách Vương đồng ý cưới thêm hai thê tử: tiểu thư nhà Nguyễn gia và Lôi gia – hai đại gia tộc đều đang chống lưng mấy sứ quân không thần phục nhà Ngô. Sau đều phong hai nàng làm hậu.
Hơn hai tháng trôi qua, so sánh với dàn phi tử xinh đẹp động lòng người của em trai, thấy hai nàng này đều không bằng, Thiên Sách Vương không khỏi phiền muộn. Vua nghĩ mình chịu sáu năm khổ sở trong hang hốc, sống như thú hoang, còn em trai mình thì cẩm y ngọc thực, mỹ nữ hầu hạ. Vua thấy vô cùng bất mãn cuộc đời bất công, muốn thụ hưởng cho bõ những ngày cơ cực. Vua mở tiệc chiêu đãi văn võ bá quan và phú thương kinh thành suốt gần chục ngày trời, đòi lập hậu cung của riêng mình. Lại cho người tuyển thêm 20 mĩ nữ trẻ đẹp nhất Giao châu làm phi tần. Sau vua cấp thêm một chức quan, gọi là Ty giám, chuyên đi nghe ngóng khắp nơi, nếu thấy có con gái nhà nào xinh đẹp, chưa thành gia thất, thì đều đưa về hậu cung để vua sủng hạnh. Đến cuối năm, hậu cung đã có tới 50 phi tần.
Nam Tấn Vương nghĩ nhu cầu sinh lý của anh mình từ trước vốn hơn người, nên giả mắt điếc tai ngơ, ngầm đồng ý.
Tĩnh Hải khi đó có hai vua cùng trị, nhưng Thiên Sách Vương mới về kinh, phải lo điều dưỡng và tầm hoan, nên hầu như ít khi lâm triều. Chính sự chủ yếu vẫn là Nam Tấn Vương lo liệu. Trận đánh Đinh Bộ Lĩnh là việc duy nhất Thiên Sách Vương động tay làm trong cả một năm đầu tiên cai trị. Trận này thua khiến vua càng không có mặt mũi nào mà ra lâm triều, gặp những ánh mắt cổ quái, khinh khi của bá quan. Hai thừa tướng đều lấy sự này làm may mắn.

Sang năm Nam Tấn Vương thứ 2 (952), Thiên Sách Vương có tham gia đánh thêm vài đám loạn dân nữa. Nhưng đến giữa năm, vua suýt chết trên giường vì túng dục quá độ, phải nằm một chỗ điều trị suốt ba tháng trời. Tin này bị em trai cho người giữ kín. Nhưng lửa không giữ được khói, chả mấy chốc cả triều đều biết. Tiếng xấu này sau còn lan khắp Tĩnh Hải, sang tận Chiêm Thành và Nam Hán. Khắp thôn cùng ngõ hẻm, trẻ con lẫn người già đều thuộc một đống vè kể về thành tích hoang dâm vô độ của vua.
Ve vẻ vè ve
Cái vè Thiên Sách
Vua tôi hống hách
Đòi lập hậu cung
Bảy đêm tiệc tùng
Thâu đêm suốt sáng
Mỗi ngày trong tháng
Vui vầy cung phi
Năm chục nữ nhi
Vẫn không thấy đủ
Tầm hoan vô độ
Vua tôi liệt giường
Ba tháng đau thương
Vua không dựng nổi
Vua tôi lắm nỗi
Tôi kể mà nghe.
Vua nghe được mấy lời này, tức giận công tâm, đánh phạt tất cả đám người hầu hạ quanh mình.

Năm Nam Tấn Vương thứ 3 (953), Kiều Thuận thu thập đủ binh mã, xưng Kiều Lệnh Công, dấy binh làm loạn Phong châu.
Tháng 4, Nam Tấn Vương dẫn 3.000 binh đi đánh, bị thua phải quay về.
Tháng 6, Đỗ Cảnh Thạc, Phạm Man và Phạm Bạch Hổ dẫn 5.000 binh đi đánh, lại thua tiếp, quay về.
Tháng 7, Kiều Thuận chiếm thêm ba châu ấp ở Phong châu. Thứ sử Phong châu sợ hãi, liên tục dâng sớ cầu cứu triều đình.
Tháng 8, Nam Tấn Vương cùng Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đi đánh, lại thua quay về.
Nam Tấn Vương đau đầu không thôi, ngày đêm lo lắng không ngủ được.
Ngô Nhật Kha từng có thời gian trấn thủ Phong châu, cũng không có cao kiến gì giúp vua, chợt y nghĩ ra một ý, bèn xin gặp Nam Tấn Vương, tâu:
-         Thưa bệ hạ, ngài đã quên mất một người. Trong triều ta, người dẹp yên phỉ rợ và loạn dân ở Phong châu nhiều kinh nghiệm nhất chính là người này.
Nam Tấn Vương sáng mắt, vội vã hỏi:
-         Là ai vậy?
-         Chính là Thiên Sách Vương.
Vua nghe thế, gật gù, nhưng cũng thở dài não nề, than:
-         Ngươi không thấy anh ta ngày ngày chỉ vui chơi, đâu có quan tâm tới chính sự triều đình.
-         Bệ hạ, dẫu không quan tâm nhưng uy danh vẫn còn đó. Ngày trước ngài ấy từng không đánh mà khiến cả lũ loạn dân Phong châu thần phục, Kiều Thuận cũng phải cống nạp lễ vật xin kết minh. Nay chỉ cần ngài ấy ra mặt, tất sẽ khiến lũ thảo khấu kia sợ vỡ mật. Không khiến chúng quy hàng thì cũng phải bại trận lui binh.
-         Được, để ta tới gặp anh ta.

Nam Tấn Vương đi gặp anh trai, kể rõ sự tình. Thiên Sách Vương nhớ tới mấy lần bị Kiều Thuận hại, cơn tức giận lại nổi lên. Xong nhớ ra bản chất vấn đề bình định Phong châu năm xưa, Thiên Sách Vương ngẫm một lúc rồi bảo em:
-         Kiều Thuận năm xưa bao lần hại ta, ta rất hận hắn. Thực ra ta cũng chưa giáp mặt đánh thực sự với hắn trận nào. Hắn qui hàng chỉ là mưu kế hòng lợi dụng ta, dâng lễ vật làm ô danh ta, khiến thiên hạ hiểu nhầm ta cùng hắn liên minh. Nay ta nghĩ kỹ rồi, người có thể khiến Thuận sợ, chỉ có Dương Tam Kha và Lã Xử Bình. Sinh thời Tiên Vương cai trị, Tam Kha từng đánh hắn hai lần, suýt bắt sống được. Khi Kha cai trị, cũng một lần cho người đánh hắn hoa rơi nước chảy, còn một lần y thân chinh đi, nghe nói cũng khiến Thuận suýt vong mạng, hơn hai năm sau mới thấy tái xuất giang hồ.
Nam Tấn Vương nghe thấy thế thì sợ hãi bảo:
-         Nhưng Dương bá phụ ta không thể dùng được. Còn Lã Xử Bình, hơn chục năm nay y không cầm quân ra trận lần nào, có khi còn chẳng cầm nổi gươm ấy chứ. Ta phải làm sao đây?
-         Hừm, Thuận cả đời đều bại trong tay hai người này, nên rất sợ bóng sợ gió. Em xem có thể lợi dụng uy danh của hai người này không? Xử Bình không thạo binh đao, nhưng lắm mưu nhiều kế, kiểu gì chẳng nghĩ ra cách.
-         Trên triều, hắn không có ý kiến gì về loạn lần này. Trong con mắt hắn, chỉ có đám binh nhỏ xíu của Đinh Bộ Lĩnh mới đáng bận tâm. Hắn khuyên em nên diệt Lĩnh, còn Thuận thì cứ kệ đó. Hắn bảo, tên ấy có nổi lên làm vài trận phong ba cũng không lấy nổi Phong châu. Nhưng Lĩnh thì đã thiết lập quan hệ với hầu hết đám loạn thần tặc tử xung quanh, lại được Trần Lãm coi như con, cho làm thân tín. Đây mới là cái họa lớn cần diệt ngay.
-         Nếu hắn đã nói vậy, tất có cách diệt Kiều Thuận. Em cứ cho hắn dẫn binh đi, ắt hắn phải tự nghĩ kế.
-         Được, em sẽ nghe theo anh. Còn Đinh Bộ Lĩnh, anh thấy sao? Ngô thúc bảo Bình chỉ có cái nhìn của văn sĩ, tạo quan hệ thì chưa đáng sợ, sợ nhất là binh lực. Nay Lĩnh là người dưới trướng Trần Lãm, chỉ cần cho người để ý, mua chuộc Lãm như thường làm là đủ.
-         Ta cũng nghĩ như Ngô thúc. Lĩnh là kẻ lòng dạ độc ác, đến con cũng dám giết. Kẻ như thế sao được lòng người mà đòi mưu sự lâu dài. Không cần bận tâm.

Tháng 10 năm Nam Tấn Vương thứ 3 (953), hai vương cùng lâm triều, ra chiếu cử Tả Thừa tướng Lã Xử Bình đi đánh Kiều Thuận trước sự kinh ngạc của bá quan văn võ. Xử Bình đồng ý, lại xin thêm Phạm Bạch Hổ đi cùng. Hai vương đều ân chuẩn.
Tháng 12, Bình và Bạch Hổ dẫn binh về kinh, mang theo Kiều Thuận bị bắt sống. Hai vua hỉ hả, khen thưởng Bình và Bạch Hổ hậu hĩnh.
Nhưng việc xử lý Thuận thế nào lại khiến hai vua nảy sinh mâu thuẫn gay gắt. Nam Tấn Vương muốn giết. Thiên Sách Vương muốn tha chết, dùng đại nghĩa cảm hóa hắn. Văn võ bá quan đều ủng hộ Nam Tấn Vương. Đến cả anh trai Thuận – Hữu tướng Kiều Tri Hựu cũng đồng tình giết. Thiên Sách Vương thấy không ai triều ủng, tức giận long nhan, bỏ triều ra về.
Nam Tấn Vương thấy vậy, cho bãi triều, sau ngẫm đi ngẫm lại, thấy có gì không đúng, bèn đi hỏi Xử Bình:
-         Tại sao anh ta muốn tha Kiều Thuận, kẻ mà anh ấy từng hận không tự tay phanh thây xé xác?
-         Thuận từng bắt cóc Thiên Sách Vương bán cho Nam Hán đổi lấy bạc. Nhưng y cũng có công lớn khiến ngài ấy không đánh mà bình loạn Phong châu, khiến Ngô tiên vương thay đổi cái nhìn về Thiên Sách Vương, rồi giữ lại ý định truyền ngôi cho ngài ấy. Sau này, ta có nhận được tin báo Thuận chính là người đã bắt được rồi tha mạng Thiên Sách Vương, lại chỉ ngài ấy tới nương nhờ Phạm Lệnh Công. Vương là người trọng tình nghĩa, có ơn tất báo. Hai ơn lớn thế, ngài ấy sao đành lòng giết hắn?
-         Thì ra là vậy.
Nam Tấn Vương tường tận sự việc, bèn tới khuyên anh:
-         Ta hiểu lòng anh vấn vương ân nghĩa với Kiều Thuận. Nhưng hắn là kẻ có dã tâm, lại không thần phục nhà Ngô chúng ta, đối đầu cùng triều đình hơn mười năm qua, gây bao đổ máu, chết chóc và thiệt hại. Nay nếu tha cho hắn, chỉ vì ân của hắn với riêng mình anh, hẳn bá tánh sẽ không phục.
-         Ngươi nói thế vì ngươi không trải qua sinh tử như ta. Lúc ta tuyệt vọng vì bị nghi kị của cả phụ vương, chính hắn cũng là kẻ giúp ta lấy lại tâm ý của người. Lúc cả thiên hạ đầu phục Dương Tam Kha, coi hắn là vua mà truy diệt ta, chỉ có con người này, dù kình địch cũng không buồn giết, lại thả cho ta đường sống. Phản tặc như hắn mà còn biết đạo quân thần, nghĩa vua tôi, thử hỏi bao kẻ trung thần nghĩa sĩ kia mấy ai làm được? Nếu ngươi khăng khăng giết hắn thì tất không còn nể mặt người anh cả này nữa. Thế chi bằng giết luôn ta đi.
-         Sao ta có thể làm thế? Anh đừng giận quá mất khôn.
-         Ngươi vì lấy lòng lũ quan tướng kia mà không đoái hoài đến huynh đệ. Lúc ta thập tử nhất sinh thì ngươi ở đâu? Hắn cứu mạng ta, duy trì được huyết mạch Tiên vương, là công thần của nhà Ngô, thế mà ngươi muốn triệt. Hãy hỏi lương tâm ngươi xem làm thế có xứng ngôi vương không? Phụ vương cả đời ân đền oán trả, nay ngươi đối xử với ân công như thế, người có đau lòng không?
Nam Tấn Vương không khuyên nổi anh, hậm hực đi về.
Mấy phiên triều sau, Thiên Sách Vương đều tham dự, một mực phủ quyết hành hình Kiều Thuận, lại tỏ rõ uy quyền muốn nắm giữ mọi sự vụ, khiến Nam Tấn Vương và văn võ bá quan nhiều người tức giận khôn nguôi. Cuối cùng, Thiên Sách Vương hỏi Xử Bình:
-         Ngươi đọc nhiều sách vở, lại tự cho mình biết đạo làm người. Vậy ta hỏi ngươi, kẻ cứu mạng thiên tử thì thế nào?
Xử Bình đáp:
-         Trung quân ái quốc, đức cả vô thường, công lao sánh cùng thiên địa.
Thiên Sách Vương hỉ hả gật đầu ra lệnh:
-         Tốt, tốt. Xưa Kiều Thuận cứu mạng ta. Công lao hắn đúng là sánh cùng thiên địa. Nay y chỉ là phường tặc nhân, nổi dậy can qua, đến ngươi cũng cho là không đáng để vào mắt, y lại bị triều ta đánh cho tan tác, thân bại danh liệt, chẳng còn gì. Tội y cũng chỉ là tội lũ phỉ rợ, nhưng công y như hải hà, bồ tát. Xét công chuộc tội, ta tuyên bố tha chết cho y, phạt 30 trượng, đuổi đi biệt xứ xuống biên giới Chiêm Thành. Bay đâu, cứ thế mà y lệnh!
Nam Tấn Vương bên cạnh, dù tức giận, nhưng không muốn huynh đệ mâu thuẫn khiến bá quan cười chê, đành im lặng ngầm chấp nhận.
Thế là Kiều Thuận thoát chết, được giải tới Phúc Lộc châu. Tại đây, chưa đầy sáu tháng sau, thân tín của hắn và Kiều gia lại tới giúp hắn trốn thoát về Hồ Hồi, thu thập tàn quân, dựng cờ chiêu binh trở lại.

Năm Nam Tấn Vương thứ 4 (954).
Lại nói chuyện ở Cổ Loa. Kể từ sau sự vụ Kiều Thuận, Thiên Sách Vương cảm thấy mình bị em trai và mọi người khi dễ thì phẫn nộ, lại thấy em trai thực ra cũng chỉ là quả hồng mềm, mình cứng tất nó phải buông, liền quyết định tăng cường quyền lực và sức ảnh hưởng, đồng thời không ngừng tìm cách áp chế em trai. Nhà vua do đó rất đều đặn thiết triều, ra lệnh mọi sự vụ của Tĩnh Hải các quan lại phải báo cáo cho mình, có phê chuẩn của vua thì mới được thi hành; ai vi phạm, lỗi nhẹ đánh 50 trượng, nặng thì xử trảm, nặng nữa thì tru di ba họ. Vua lại lôi kéo các tướng họ Ngô, khiến họ đều về phe mình. Ngay cả Thống lĩnh cấm vệ quân Ngô Nhật Kha, vốn dĩ là thân tín nhất của Nam Tấn Vương, nay cũng đứng về phe Thiên Sách Vương.
Hai vua tranh chấp, bất đồng và cãi nhau ngày càng nhiều. Đám quan tướng nhiều lúc chẳng biết phải xử lý thế nào. Sự vụ đình đốn. Dân tình nhiều nơi oán thán khôn nguôi. Đến tai Nam Tấn Vương, vua hậm hực bảo:
-         Nay anh em ta tranh chấp thế này, dân chúng trăm họ sẽ khổ sở. Chi bằng ta tự rút lui khỏi chính sự, để anh ta toàn quyền điều hành.
Nam Tấn Vương sau đó không thiết triều nữa, để một mình Thiên Sách Vương cai trị Tĩnh Hải.
Dương Thái hậu biết chuyện, lo cơ nghiệp nhà Ngô sớm sụp đổ, Thái hậu suốt ngày lên chùa tụng kinh niệm phật, cầu an cho xã tắc và hưng thịnh cho nhà Ngô.

Thiên Sách Vương kể từ lúc nắm toàn bộ quyền hành, liền chuyên quyền độc đoán, sinh tâm nghi kị bề tôi, chỉ trọng dụng thân tín trong họ. Vua tước bớt quyền hành của Tả tướng và Hữu tướng, khiến Kiều Tri Hựu giận dữ không thèm vào thiết triều gần một tháng liền. Các tướng tá họ Ngô đều được giao các chức vụ quan trọng. Bác họ Ngô Nhật Khiêm chẳng bao giờ làm quan cũng được vua mời về triều giữ chức Thủ Lĩnh đội cận vệ. Tướng quân Ngô Nhật Kha kiêm giữ nhiều chức vụ lớn: thống lĩnh cấm vệ quân, thống lĩnh đại quân cơ yếu đóng ở Đại La, lại làm thứ sử Giao châu, đồng thời là tham mưu chính cho nhà vua, thay cho Lã Xử Bình. Nhật Kha ngày một lộng quyền, mang theo cả con trai Ngô Nhật Khánh mới 8 tuổi cùng luyện binh, thiết triều, xử lý công vụ, cũng chẳng ai dám oán thán ra mặt.

Thấy nội loạn khắp nơi, tô thuế thu được ít hơn hẳn năm trước, sự vụ ngày càng đình đốn, bá quan thường xuyên tìm lý do mà vắng mặt trên triều, vua bàn với Ngô Nhật Kha:
-         Nam Tấn Vương giở trò không thiết triều, hòng lôi kéo đám thân tín làm theo, hạ nhục uy danh của ta. Rõ ràng ngôi vị này chính danh là của ta, mà sao nay ai cũng chạy ra đầu phục hắn. Ta phải làm sao để bắt đám người kia trở vào qui củ?
Nhật Kha ngẫm nghĩ một lúc rồi tâu:
-         Thưa bệ hạ, đây là do chuyện Tĩnh Hải ta một lúc có tới hai vương cùng trị. Trước ngài chỉ hữu danh vô thực, để em ngài độc quyền, sẽ không có sự biến gì. Giờ ngài cũng muốn làm vua thực sự. Một núi không thể có hai hổ. Nên khi có, tất sẽ đả nhau đến thân bại danh liệt, một mất một còn. Ngài có chính danh. Em trai ngài có nhân tâm. Mà cái ngôi này rốt cuộc chỉ thuộc về một người thôi. Nay Nam Tấn Vương đã ra tay. Nếu ngài không có động tĩnh đáp trả mạnh tay hơn, e là sẽ sớm bại.
Thiên Sách Vương nghe thế thì sợ quá, bảo:
-         Ta phải làm sao bây giờ?
-         Thân là người trong hoàng tộc, luận đại sự, không có anh em, chỉ có đồng minh. Em trai ngài đã trở mặt, không còn là đồng minh, mà là kẻ thù của ngài rồi. Ngài cũng nên tức thời mà nghĩ kế để bảo vệ vương vị.
-         Vương vị này đáng giá đến thế kia ư? Khiến anh em ta trở mặt thành thù? Nếu nó muốn, ta sẽ chia bớt quyền lực cho nó, ta chỉ cần tính mạng và vinh hoa phú quí.
-         Ngài đã bước chân lên vương vị thì không còn đường lùi nữa rồi. Ngài mấy năm u mê trong sắc dục và rượu chè, đột ngột ra tay đoạt lại binh quyền như tố lốc. Ai sẽ tin ngài không lắm mưu nhiều kế, chỉ muốn an phận hưởng thụ vinh hoa? – Nhìn gương mặt tái xám như tro tàn của Thiên Sách Vương, Nhật Kha lại bồi thêm mấy câu nữa - Giờ tính mạng và cuộc đời ngài gắn liền với vương vị. Ngài còn, vương vị còn. Ngài mất ngôi, thì cũng vong mạng. Nay ta cùng phe cánh với ngài. Tính mạng ta cũng đi liền với ngài. Mong ngài ra lệnh, ta sẽ nghe theo.
Ngập nhắm mắt lại, mệt mỏi thở dốc. Rồi cho Kha lui ra để vua suy nghĩ.
Hôm sau thiết triều, có cấp báo từ Ái châu, nội loạn nổ ra ở mấy quận huyện, trong đó có cả thôn Đường Lâm, đất tổ nhà Ngô. Loạn dân tuyên bố nếu Xương Ngập không thoái vị, sẽ đánh lên tận kinh thành. Dưới thư còn có lạc khoản của mấy nhà họ Ngô và họ Dương.
Thiên Sách Vương nhìn mà tức nổ mắt. Lũ hỗn láo dám lôi cả tên húy của vua ra phẩm bình. Lại còn Ngô gia và Dương gia cùng ra mặt, thế thì ắt hẳn Nam Tấn Vương động chân động tay. Vương nghiến răng nghiến lợi, lòng thầm oán hận em trai.
Tối đó, vua lại cho mời Nhật Kha tới hội ý. Nhật Kha đọc thư của loạn dân xong thì đỏ mắt, thống thiết tâu với vua:
-         Thưa bệ hạ, ta thật lo lắng cho những ngày sắp tới của ngài. Đây mới chỉ là khởi đầu. E rằng sóng to gió lớn còn ở phía sau kia. Từ hôm nay, ta sẽ bí mật điều một đạo quân vào thường trực bên ngài, để bảo vệ an nguy, phòng vạn nhất…
-         Im!
Thiên Sách Vương mặt cắt không còn hột máu. Vua ngồi trên ghế rồng im lặng một lúc. Khi đã bình tĩnh trở lại, vua hỏi Nhật Kha:
-         Muốn diệt Nam Tấn Vương, nên làm thế nào?
Ngô Nhật Kha mắt sáng lên, sau làm bộ suy tư, rồi thì thầm vào tai vua một lúc lâu. Đêm đó hai người nhẹ nhàng bàn tính, đạt thành hiệp nghị.

Tháng 6 năm ấy, Nam Tấn Vương bị hành thích đúng vào lễ sinh thần(1). Rất may Tả tướng Lã Xử Bình và Dương Huy đến cứu kịp, nên vụ hành thích thất bại.
Số là Nam Tấn Vương tuy lui ra hậu đài, nhưng vẫn muốn duy trì ảnh hưởng và tỏ tường chuyện thế sự. Nhân dịp lễ này, vua cho mời đông đủ quan lại có vai vế và những phú thương hàng đầu đất Tĩnh Hải tới để củng cố quan hệ và nghe ngóng thêm tin tức. Buổi lễ yến tổ chức rất trang trọng linh đình ở trong cung, đúng tầm uy thế vương giả của một vị vua. Đêm đó, người đông như nước, áo quần như nêm. Có thêm đội cấm vệ quân của Ngô Nhật Khiêm bảo vệ.
Sau nửa đêm, vua anh say xỉn, được người khiêng về cung trước. Một số quan tướng nhân đó cũng xin cáo từ. Còn quan khách đã ngà ngà say, bên cạnh lại có giai nhân tú lệ, ca múa yên hoa như sương như trăng, thổn thức cả lòng người. Ai nấy đều muốn quên hết mọi sự trên đời. Bỗng nhiên, tiếng đàn hát bỗng dưng im bặt, đám ca múa vốn tô son trát phấn, vẽ mặt nạ đủ loại kỳ quái, bỗng hết thảy đứng lên rút gươm, lao thẳng tới chỗ Nam Tấn Vương đang say sưa bên sủng phi. Rất may tướng quân Dương Huy, cũng là một khách mời hôm đó, nhanh tay nhanh mắt ra tay cứu giá. Cả lễ yến nhốn nháo, bỏ chạy tán loạn vì sợ hãi. Mấy tướng lĩnh rút gươm đánh nhau với thích khách, hòng chặn đường, bảo vệ vua tôi. Nàng sủng phi bị chém đôi người, còn nhà vua chạy thoát.
Vua nhặt được thanh kiếm của thích khách mà Huy hất tới cho, cũng vừa chạy vào hậu cung, vừa đánh. Dương tướng quân yểm trợ chặn địch phía sau. Hai người cứ thế vừa đánh vừa chạy với hơn hai chục thích khách giả trang ca kỹ. Nam Tấn Vương và Dương Huy đều thương tích đầy mình. Lúc một tốp cấm vệ quân đi tới, nhà vua tưởng được cứu, nhưng thấy chúng rút kiếm, lao tiếp vào nhà vua, Nam Tấn Vương biết bị phục kích nơi này, bèn nhanh chân đổi hướng chạy vào hậu chính điện. Dương Huy một mình ở lại, cản cả đám địch nhân.
Lúc vua chạy tới chính điện, đã sức cùng lực kiệt, thấy một đám đao kiếm đi tới, là Lã Xử Bình dẫn đầu. Bình hô to:
-         Bảo vệ bệ hạ! Bắt lấy thích khách! Bắt lấy thích khách!
Vua vừa khuỵu xuống đã được Bình giữ lấy. Binh lính chia hai nhóm, một đội vây bọc bảo vệ vua, một đội đi lùng bắt thích khách. Y sư nhanh chóng được triệu tới.
Hóa ra Xử Bình ngồi đối ẩm bên ngoài dạ yến với mấy lão tướng, thấy trong có biến, lại thấy cấm vệ quân bảo hộ lễ yến đứng yên không nhúc nhích, biết là không hay, bèn bảo Kiều Tri Hựu lúc đó vẫn tỉnh táo, phát tín hiệu cấp cứu. Quân lực dự phòng đóng gần đó dưới trướng Hữu tướng nhanh chân chạy tới, diệt sạch đám cấm vệ quân cản trở, mới cứu được một màn. Thích khách bắt sống được 27 tên, còn lại đều bị giết. Nhưng qua một đêm giam giữ, tất cả chúng cũng bị độc chết. Không thể tra ra manh mối gì.
Nam Tấn Vương may mắn chỉ bị thương bên ngoài, tĩnh dưỡng một tuần là đi lại được. Dương Huy thương tích nặng hơn nhiều, lúc đó tưởng không qua khỏi. Sau mấy lần hôn mê suýt chết, cuối cùng cũng được trời phù hộ mà về với nhân thế. Lão tướng Dương Cát Lợi bạc cả đầu chỉ sau một đêm trông cháu nội. Nam Tấn Vương và Dương thái hậu vô cùng cảm kích, cho người mang tới rất nhiều thuốc quí và vàng bạc.
Việc kinh hách này cũng khiến Thiên Sách Vương hết sức bất bình. Vua giao cho Ngô Nam Nhạc điều tra tường tận, còn tuyên bố trước triều đình, nếu bắt được kẻ nào liên quan, quyết giết không tha.

Nam Tấn Vương lúc ở trên giường bệnh, nhìn mẫu thân và hoàng hậu khóc đến chết đi sống lại, không khỏi phiền não, đuổi đi để dành thời gian tĩnh dưỡng. Vua ngẫm nghĩ mấy ngày, thấy cấm vệ quân là đáng ngờ nhất. Nhưng đó là quân dưới trướng Ngô gia, do hai kẻ thân tín nhất trong họ nắm quyền. Anh cả Xương Ngập say rượu, lui đi từ giữa yến tiệc. Không ngờ trong lúc cấp bách, chỉ có hai người cứu mình là Dương Huy và Lã Xử Bình, còn tướng tá Ngô gia cùng thân tín chiếm gần nửa lễ hội lại không thấy bóng ai. Quá nhiều hoài nghi.
Vua âu sầu mãi, nghi kị khiến lòng càng hoang mang. Cuối cùng mệt mỏi, vua kín đáo cho mời Xử Bình tới hỏi chuyện.
-         Theo khanh, kẻ nào muốn hại ta?
Bình từ tốn đáp:
-         Tâu bệ hạ, kẻ có thể trà trộn vào lễ yến của vua, lại điều khiển được cấm vệ quân, biết được đường lối trong phủ chúa mà tập kích, sau lại không phong phanh hạ độc toàn bộ thích khách bị bắt sống trong đại lao của hoàng cung, hẳn lòng người đã có đáp án.
-         Chỉ là ta vẫn không muốn tin. – Nam Tấn Vương thở dài, nước mắt cứ vậy mà trào ra – Ta dùng hết lòng hết dạ đối đãi với hắn, nhún nhường chiều theo mọi trò ngang tai trái mắt của hắn, những tưởng bù đắp cho hắn những năm cơ cực,  hàn gắn tình anh em.
Đợi vua bình tĩnh hơn, Bình hỏi:
-         Nay sự đã thế, bệ hạ tính thế nào?
-         Hắn muốn độc chiếm vương quyền. Ngôi vị này vốn dĩ là của hắn. Nếu ta cũng tranh vào thì huynh đệ tương tàn, lợi kẻ nghịch tâm; Tiên chúa trên trời sẽ oán hận; mẹ ta, em ta đau lòng; bá tánh khinh khi. Ta muốn kệ mọi sự. Hắn muốn, ta sẽ trả lại hắn tất cả.
Nói rồi vua nhắm mắt lại, lệ nóng vẫn trào quanh. Bình thở dài ngao ngán nhìn vua tôi, rồi lặng lẽ cáo lui.

Tuy nhiên chuyện thích khách chưa kịp tra ra, Nam Tấn Vương còn chưa khỏi hẳn, hai tuần sau sự vụ đó, Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập đột ngột qua đời trên giường. Nghe nói đêm ấy vua và năm phi tần cùng giao hoan từ giờ tuất. Đến canh hai chợt nghe tiếng thét rung động của đám nữ nhi, cảnh vệ chạy vào, thấy vua đã biến sắc, mặt trắng bệch, tay chân co giật. Lúc ngự y và anh em Ngô Nhật Kha, Ngô Nhật Khiêm chạy tới, vua đã ngưng thở. Ngự y hối hả suốt đêm cũng không làm ngài sống lại được. Lão ngự y uyên bác nhất nói nhỏ với Nhật Kha tình trạng bệnh. Kha thoáng kinh ngạc, lòng như lửa đốt, y vội vã bảo em trai canh giữ cẩn mật, chưa thông báo vội cho ai, còn mình thân chinh phi ngựa trong đêm tới Đại La tìm danh y. Nhưng vị danh y này nhìn tình trạng nhà vua, lúc này toàn thân đã tím tái, người lạnh ngắt, đành lắc đầu quay đi. Nhật Kha thẫn thờ một lúc, rồi đành cho người đi báo với Dương Thái hậu, Nam Tấn Vương và Tả, Hữu thừa tướng.
Tin nhà vua mất chẳng mấy chốc mà cả triều đình, rồi cả nước đều biết.
Ngày 25 tháng 6 năm Nam Tấn Vương thứ 4 (954), triều đình ra cáo, Thiên Sách Vương lâm bạo bệnh, đã băng hà, thọ 40 tuổi, trị vì được hơn ba năm, an táng tại Ái châu quê nhà.
Dù Nam Tấn Vương chỉ ra cáo nói anh trai mất do bạo bệnh, nhưng tin nhà vua chết trên giường vì thượng mã phong trong lúc hoan ái cùng năm mỹ nữ, vài ngày sau đã lan ra khắp hang cùng ngõ hẻm, nhận lấy vô số khinh khi của người đời.
Người của hoàng thất tới chùa Khai Quốc(2), tìm con trưởng của Thiên Sách Vương là Ngô Xương Tỷ, đã đổi tên thành Ngô Chân Lưu, nay 23 tuổi, đang quy y cửa Phật, thọ giới Cụ túc, làm một Tỳ kheo. Chân Lưu nói đã xa rời chốn hồng trần, không còn vướng bận ý ái hỷ nộ. Ngài chịu tang cha, nhưng từ chối bước vào hoàng thất hay Ngô gia, chỉ tụng kinh cầu siêu cho cha nơi cửa Phật.
Lúc này, đứa con trai còn lại trong thế tục của Thiên Sách Vương mới được hoàng thất nhớ tới. Phạm Bạch Hổ về đón Ngô Xương Xí lên kinh chịu tang cha. Trên đường đứa bé còn thắc mắc hỏi Bạch Hổ, Thiên Sách Vương là ai mà nó phải chịu tang ông ta. Sau khi biết đó là cha mình, trong lễ phát tang, nó lại hỏi Nam Tấn Vương – người lúc đó nó mới biết là chú ruột mình:
-         Sao cha cháu làm vua mà không cho cháu lên kinh làm hoàng tử?
Trong lúc vương không biết trả lời cháu mình thế nào, thì thằng bé đã nhớ ra đây là ông vua mà dân gian đồn đại chết vì sắc dục. Nó mếu máo nắm tay vương, lắc đầu quầy quậy:
-         Cha cháu là ông vua mà mọi người căm ghét đó sao? Thế thì cháu không chịu đâu. Cụ nội kể chuyện triều đình cháu đều biết hết. Cha cháu phải là Bình Vương chứ, sao có thể là ông vua xấu xa này.
Thằng bé kêu khóc khiến vương phải giao nó lại cho Phạm Bạch Hổ. Hổ đưa nó về phủ của mình, nó mới chịu yên. Thê tử Bạch Hổ nhìn thằng bé nằm ngủ, than thở với chồng:
-         Kẻ làm vua mà đến con đẻ mình cũng không chăm nổi ngày nào. Trước bảo hắn bị truy đuổi, phải sống trong hang hốc, đã đành. Khi hắn lên ngôi, có thì giờ tiệc tùng trụy lạc, cũng chẳng cho con nổi cái bánh hay manh áo. Bạc bẽo đến thế, sao mà không vô phúc. Bảo sao còn sót lại hai đứa con, chả đứa nào chịu đến đưa hắn về nơi an nghỉ. Một đứa còn phải quy y. Hẳn là trời phạt, muốn con chuộc lỗi cho cha.

Đầu tháng 7, kiệu quàn linh cữu Thiên Sách Vương được đưa về châu Ái. Tiễn vua về nơi an nghỉ cuối cùng là Dương Thái hậu, hai anh em Ngô Nam Hưng, Ngô Càn Hưng, hai hoàng hậu cùng gần 100 phi tần của vua khi còn sống.
Sau đó, Nam Tấn Vương cho giải tán hậu cung này. Hai vị hoàng hậu cũng qui y cửa Phật. Cậu bé Ngô Xương Xí được phong hoàng tử, đưa vào hậu cung nuôi nấng dưới trướng Dương Thái hậu.

Nam Tấn Vương quay lại cai quản chính sự. Việc đầu tiên vua làm là phế bỏ mọi chức vụ của Ngô Nhật Kha, Ngô Nhật Khiêm; cho Kha về làm hào trưởng thôn Đường Lâm, Ái châu, quê tổ Ngô Tiên chúa. Vua cũng phế bỏ một loạt chức vụ của tướng tá họ Ngô do Thiên Sách Vương đã phong trước đó, cho quay về chức vụ cũ. Tả, Hữu thừa tướng cũng được phục lại binh quyền như trước. Dương Huy được phong Uy Vũ tướng quân, kiêm Chỉ huy sứ Vũ Ninh châu.
Những tháng ngày yên ả hơn đã trở lại.

Ở một nơi bên sông Nhị Hà, Chương Dương Công nhận thư báo đến từ kinh thành, đọc xong khẽ gật đầu, rồi đem đốt đi.

Kinh thành.
Trong thư phòng phủ Tả thừa tướng, Lã Xử Bình nhìn ván cờ chơi dở trên bàn, khẽ than:
-         Nhìn thấu thời cuộc. Dụng quân như thần. Vẫn không ai bằng Tam Kha.


(1)     Lễ sinh nhật của vua em.
(2)     Nay là chùa Trấn Quốc ở Tây Hồ, Hà Nội.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?

Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ...