Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Những Thành Phố Bên Bờ Biển Cả - Cheryl Pham: Chương 18 - HẾT


18 – Kết cục


Sáng sớm hôm sau, ông già Phúc dậy từ tờ mờ như thường lệ. Ông đi ra mạn bờ đê đặt lưới, nhưng thấy tiếng chim lợn kêu ran mé đằng nam. Ông nhìn về hướng đó thấy chim bay lên một đàn. Mắt ông nháy liên hồi từ lúc tỉnh dậy. Hẳn có điềm không hay rồi. Ông đặt vội thanh sào chống, rồi đi lên bờ, vòng vèo qua dãy mả nát để không phải lội xuống bãi lau sậy. Ông nhìn khắp bờ thửa rìa bãi tha ma. Vẫn còn đầy dấu chân vội vã, bùn đất còn đọng lại và vài thanh đuốc cháy hết vất đó. Ông nhìn ra bãi lau sậy mênh mông giáp ranh, thấy có dấu vết người lội qua thành rãnh nhỏ. Dù gió thổi mạnh xóa bớt đi dấu vết trên thân lau phía trên, nhưng váng bùn phía dưới còn nguyên nếp. Ai đi xuống bãi lau mênh mông thế này hẳn rất liều lĩnh. Chưa kể rắn độc, chẳng may rơi vào những chỗ bùn sâu hoặc sẩy chân, đuối sức thì chỉ có sặc bùn mà chết. Ông chậc lưỡi thở hắt ra.
Ông lão quay người nhìn bốn phía, chợt thấy thanh sào đặt dấu ở bãi lau sậy phía trong bãi tha ma biến mất. Cứ khoảng một hai mẫu đất, ông lại cắm một cây sào để đi lượm bẫy dập bắt chim và vó cất cua, lươn, trạch. Bãi lau lớn gần rìa này rộng khoảng năm mẫu. Ông cắm ba cây sào, giờ chỉ còn hai cây ở hai bên góc. Ông lại vòng qua đống mả. Nhưng chỉ vừa mới thoát khỏi đám sậy che mắt, ông đã kinh hãi nhìn thấy một bóng người nằm trên mặt bờ cỏ còn chi chít dấu vết chân và sình lầy. Chỉ cần nhìn cái áo, ông cũng biết đó là Lan. Cái áo hoa vàng bằng chất liệu tốt đã lâu không thay giặt, chỉ hơi sờn màu và bẩn thỉu, còn nguyên từng đường chỉ. Ông già chân tay như rụng rời, nước mắt đã chảy ra khiến mắt ông như mờ đi một lúc. Ông lảo đảo đứng vững lại, rồi lập cập vượt qua mấy ngôi mả, tới chỗ cô gái đang nằm. Ông ngồi bệt xuống bờ cỏ cạnh cô gái, hơ tay lên mũi cô. Không còn thở nữa. Người cô đã lạnh ngắt, đầy vết đánh đập. Tay chân và đầu đã tụ máu đen. Ruồi nhặng bâu đầy những chỗ có vết thương da thịt tróc ra. Ông già kéo áo lau nước mắt, tay run lập cập kéo bàn tay cô đang túm bụi cỏ và một chân cô gái đang ở dưới bùn lên, rồi lấy tay xua ruồi nhặng liên tục trên mặt cô đang nghiêng trên cỏ. Tóc cô bết vào mặt. Máu đã đông lại đen kịt.
Ông khóc. Chưa bao giờ ông khóc nhiều thế trong đời. Ngay cả khi vợ ông mất. Đến lúc mặt trời lên hẳn, nắng xua bớt hơi lạnh của đầm lầy. Ông già lấy tay quệt nước mắt, run lẩy bẩy đứng lên. Ông khó nhọc loay hoay mãi mới kéo được hai tay cô lên vai, cõng cô về chòi canh. Vừa run rẩy bước đi, ông vừa khóc.
Ông đưa cô lên chòi canh, đặt vào trên chiếu. Chỗ này cao, ruồi bọ, rắn rết sẽ không xộc vào được. Ông lấy khăn xấp nước sạch trong chậu đất nung, lau mặt và tay chân cho cô gái. Những vết thâm tím và trầy xước chằng chịt vì bị đánh đập hiện ra rõ mồn một. Ông già lặng người đi, rồi lại khóc.
Đêm qua, cả cái làng này chạy ra đây tìm người. Bao nhiêu kẻ đã đánh con bé ra nông nỗi này? Làm sao chúng lại không phân biệt được một người điên ngày nào chúng cũng gặp trong làng và kẻ giết người xa lạ nào đó cơ chứ? Ông lão ngồi lặng một lúc, rồi đứng dậy lau mặt, đi vào làng.
Ông đi tìm trưởng thôn. Trưởng thôn là một người cháu họ xa của ông. Ông già đầy giận dữ, không nói lên lời, lôi tay trưởng thôn qua bãi tha ma, đến cái chòi rách của ông ở gần bờ đê. Ông chỉ vào cô gái điên đã nằm chết trên chiếu, người đầy thương tích, gằn giọng nói từng chữ:
“Tại sao các người lại đánh đập con bé đến chết thế này? Nó đã làm gì các người? Cả ngày hôm qua cũng như tất cả mọi ngày, đêm và sáng nó ở nhà bên mộ bác sĩ, trưa chiều tối nó ở cái chòi này. Ngay cả con kiến nó cũng không giết, làm sao nó giết người được? Sao các người lại đánh chết một người không thù oán, không tội lỗi, không có khả năng phản kháng thế này? Cả một cái làng đi đánh chết một con bé điên thế này à? Các người có còn là người nữa không?”
Nhìn những giọt nước mắt lắt léo chảy qua những nếp nhăn trên mặt ông già và bàn tay run lẩy bẩy của ông, trưởng thôn cúi đầu. Ông ta lúc sau mới trầm giọng nói:
“Chú ạ! Cháu đã nghe chuyện hôm qua. Lúc đó cháu say rượu từ chiều, nằm ngủ mê mệt. Sáng dậy nghe kể lại, đã tới nhà mấy người có mặt, nghe họ thuật lại. Có một cô gái, có lẽ là cái Lân, em con bé này, về làng mang đồ cho chị nó. Đồ nó vẫn vất ở nhà nó đấy. Nó đi tới gốc đa đầu làng thì gặp cái Bình. Hai đứa xích mích, xô xát đánh nhau. Chẳng may cái Bình ngã, sẩy thai. Mà chú không biết đâu. Con bé Bình đó đanh đá, điêu ngoa nhất làng. Hai vợ chồng nó, với cả cái Liên nhà bà Mé nữa, còn là bạn thân của con bé Lan hồi bé đấy. Hai vợ chồng có một đứa con trai, được hơn một tuổi không giữ được, đã mất rồi. Giờ mới có đứa nữa, lại sẩy tiếp. Thấy thầy thuốc bảo, lần này nặng lắm, chắc khó có con nữa. Mẹ chồng nó chửi cho suốt từ tối qua đến bây giờ. Âu cũng là số phận. Còn con bé Lân kia chắc do mất bình tĩnh, không dám ở lại để giải thích đầu đuôi với mọi người. Nó sợ quá chạy mất vào làng. Mấy người lúc đó cũng không hiểu chuyện, tưởng mẹ con cái Bình đều chết cả rồi, còn kẻ giết người sợ tội bỏ trốn, thế là đuổi theo. Cả thằng Du, chồng cái Bình nữa. Nhà nó hô hoán cả làng đuổi ra bãi tha ma. Đêm tối nhập nhoạng thế nào mà đánh nhầm con bé Lan, còn cái Lân chắc chạy thoát với một người nữa ra thuyền cá rồi. Nhưng bọn nó đánh người mà không quay lại xem người ta sống chết thế nào thì đúng là thất đức thật. Đứa nào lại độc ác thế chứ? Ngày xưa suýt nữa thì thằng Du lấy cái Lan đấy. Thế mà bây giờ… Đúng là nghiệp chướng mà.”
Rồi trưởng thôn về nhà tìm mảnh vải tốt làm vải niệm. Ông già Phúc quấn quanh xác cô gái. Họ cùng nhau khiêng cô ra một mô đất cao hướng ra biển. Trưởng thôn và ông già xúc đất đào huyệt, rồi lại khệ nệ đưa xác cô xuống, lấp đất lên.(14) Họ dựng cho cô một cái mộ to nhất cái bãi tha ma này, từ làng hướng ra biển, như thể ngày ngày dựa vào làng để ngắm bình minh trên đại dương. Ông già Phúc kiếm một tấm gỗ làm bia, để trưởng thôn khắc lên mấy chữ:
“Cháu Lê Thị Lan,
Yên Nghỉ
1917-1945”
(14) Thời kì 1930 - 1946, người dân nghèo thường chôn cất không có quan tài. Quan tài chỉ dùng cho người ở phố, công chức, văn sĩ, quan lại, phú thương. Năm 1945, giai đoạn tháng 5 tới tháng 10, nạn đói bùng nổ, có nơi chết cả làng. Người chết chôn không kịp. Chỉ đào hố rồi lấp xuống. Đây là thời điểm cuối của nạn đói, dù làng Phao không bị ảnh hưởng nhiều bởi nạn đói, nhưng vẫn rất nghèo khổ, thiếu thốn, người chết không có vải niệm, nhưng người chết được dùng vải tốt quấn quanh làm vải niệm cũng bảy tỏ sự trân trọng, quan tâm hơn mức bình thường của người sống.
Trưởng thôn thắp nén hương, đưa cho ông già Phúc một nén, còn mình một nén cắm lên ngôi mộ mới. Khi ông quay lại, đã thấy ông già Phúc chống xẻng, nước mắt lăn dài từng giọt ngoằn ngoèo trên gương mặt già nua, tay run rẩy cầm thẻ hương không nỡ cắm xuống. Trưởng thôn thở dài. Thời thế khốn khổ, người chết còn đầy đường kia, đến cả cỗ quan hay chút tiền vàng cũng chẳng có mà tiễn con bé. Bóng hai người đàn ông đổ dài trên bãi tha ma giữa ánh chiều tàn.

Cái chết của Lan lại khiến cả làng Phao xôn xao ngay sau đó. Không biết do ăn năn, hối lỗi, hay cảm thấy xót thương cô, nhiều người trong làng cũng đến mộ vái cô hoặc dâng cho cô chút hương hoa, trong đó có cả Liên và Du. Bọc quần áo Lân để lại, người làng cho rằng được mang về cho cô, nên họ cũng đưa ra trước mộ cô đốt, hy vọng cô có nhiều quần áo đẹp trên cõi Hư vô. Ba ngày sau, như sực nhớ ra, trưởng thôn lại cho người đào ngôi mộ trống của bác sĩ Kiên, lấy bọc quần áo chôn ở dưới đó cùng tấm bia đem đến bên ngôi mộ của Lan, dựng tiếp thành một ngôi mộ quần áo khác cho bác sĩ Kiên. Kiếp này họ đã ở bên nhau, dù muộn màng. Hy vọng kiếp sau họ sẽ sớm gặp nhau hơn.

Từ đó, người làng Phao qua bãi tha ma đều đốt nén hương hay dâng hoa cho hai người bọn họ. Nghe nói hai ngôi mộ đó rất thiêng. Ai đến cầu tình duyên đều được như ý. Cứ khi bão gió hay mưa lớn làm sạt một trong hai ngôi mộ, hôm sau nó lại nguyên vẹn như mới. Trên hai ngôi mộ lúc nào cũng đầy hoa dại và đồ ăn, khi thì củ khoai, bắp ngô, lúc vài trái táo, trái na.
Đám người già trong làng thường xuyên ngồi ngâm nga dăm ba câu Kiều, rồi lại nhắc tới cô gái điên năm nào.
Đã biết má hồng thời phận bạc
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng…”
“So với nàng Kiều của cụ Nguyễn Du, nàng Kiều của làng Phao bi thảm chẳng kém. Cho nên đừng oán nàng ấy nữa. Nàng Kiều nào thật ra cũng đều rất đáng thương.”
“Nàng Kiều mà đáng thương thì tất cả kỹ nữ, gái điếm trên thế gian này đều đáng thương hết à?”
“Bao kẻ oán, người hờn ghen, nhưng miệng người đời vẫn nhắc đến nàng rất ngọt đấy thôi?
Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan,
Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan.
Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng,
Gót ngọc chưa phai chốn thủy quan.
Nửa giấc đoạn trường tan gối điệp,
Một dây bạc mệnh đứt cầm loan.
Cho hay những kẻ tài tình lắm,
Trời bắt làm gương để thế gian.”
(Đề từ Truyện Kiều của Phạm Quý Thích – Dương Quảng Hàm dịch)

Một đêm, mưa giông rất lớn, đổ cả mấy cái cây to trong làng. Chiều hôm sau, dọn dẹp xong đống đổ nát, người làng mới phát hiện ra ông già Phúc nằm gục chết bên ngôi mộ của Lan. Tay ông cụ vẫn còn cầm xẻng xúc đất đắp dở cho một bên ngôi mộ của bác sĩ Kiên vừa bị lún xuống.

*
*   *
15 năm sau.
California, Mỹ, năm 1960.
Phía trước một ngôi nhà nằm trên bờ biển rực rỡ ánh nắng, có những ô cửa sổ lớn mở ra vịnh San Francisco, hai đứa bé trai chạy đuổi nhau trên bãi cỏ. Đầu Tommy bị ném đầy đất và lá cây. Thằng bé tức tối chạy đuổi theo Ben, nhất quyết ném trả. Ben thấy cậu em đang sắp phát khóc nên giả vờ vấp ngã. Tommy đuổi kịp anh trai, lấy đôi tay đầy đất nghiến răng nghiến lợi hết sức để vò cái đầu xù, vàng óng mượt của Ben. Ben kêu la inh ỏi. Còn cậu em nhe cái răng sún, cười khanh khách vô cùng khoái trá.
“Ben! Tommy! Where are you now, kids?” [Ben! Tommy! Các con ở đâu đấy?]
“Yes. Mommy, I’m here!” [Vâng. Mẹ ơi con đến đây!]
Một phụ nữ châu Á nhỏ nhắn, mái tóc đen óng ánh, duyên dáng trong bộ đầm đen trắng thanh lịch, gương mặt cô lấp lánh nụ cười nhìn về phía hai cậu bé đang lon ton chạy lại. Nếu nhìn kỹ, gương mặt đó đã có chút dấu vết của năm tháng: những nếp nhăn nơi khóe mắt và vài vệt đồi mồi trên gò má mịn màng. Cô cầm một bó hoa và một tấm bưu ảnh đi ra phía cầu cảng nhỏ để neo thuyền ngay trước ngôi nhà. Hai đứa trẻ vui vẻ chạy theo sau. Họ dừng trước cầu cảng, cùng nhìn ra phía đông xa xôi, nơi muôn vàn tầng mây đang đậu đỗ.
“You know, kids. Today was a special day, a celebration for our loved one. Your uncle Lan. Bác Lan. Please say something to your uncle!” [Các con, hôm này lại là ngày đặc biệt, ngày kỷ niệm dành cho một người thân yêu của chúng ta. Bác Lan của các con. ‘Bác Lan’. Nói gì với bác các con đi!]
Tommy liến láu:
“My uncle, happy and have fun. Do not let someone put soil on your head! So dirty and horrible!” [Chúc bác hạnh phúc và vui vẻ. Đừng để ai rắc đất lên đầu bác nhé! Rất bẩn và kinh khủng đấy!]
Ben cười khúc khích. Cái đầu xù tả tơi che gần hết gương mặt nhỏ của cậu, chỉ nhìn thấy hàm răng trắng bóc đang nhe ra. Cậu bập bẹ được vài từ tiếng Việt.
“Bác Lan, I love you. Given my latter will come visit you. You have to eat a lot! Every year I am talking to you here!” [Bác Lan, cháu yêu bác lắm. Sau này nhất định cháu sẽ đến thăm bác. Bác nhớ ăn nhiều vào đấy nhé! Năm nào cháu cũng ở đây nói chuyện với bác!]
Người phụ nữ hài lòng mỉm cười, trân trọng đặt bó hoa lên, gắn vào thanh vịn cầu cảng, sau đó cúi xuống hôn hai đứa bé.
“Your uncle loves you so much! Thank you, kids!” [Bác yêu các con vô cùng! Cảm ơn các con!]
Rồi người phụ nữ đứng thẳng dậy, xúc động nhìn về phía chân trời, ném tấm bưu thiếp ra xa, khẽ thì thào:
“Chị! Chị phải mạnh khỏe và bình an đấy nhé! Em giờ rất tốt. Em sẽ nghĩ cách về thăm chị. Nhất định một ngày nào đó, em sẽ về với chị.”
Tấm bưu thiếp như chiếc lá mỏng xoay xoay một hồi trong không trung, bị gió biển hất tới trên đầu một ngọn sóng nhỏ. Nó chao qua chao lại theo nhịp sóng, ngấm nước, rồi chìm dần xuống đáy biển. Đó là một tấm bưu thiếp có hình ngôi nhà bên bờ biển. Phía sau ghi dòng chữ:
“Từ một thành phố bên bờ biển:
                                                   Hạnh phúc và bình an, chị nhé!”
-     HẾT –




Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Những Thành Phố Bên Bờ Biển Cả - Cheryl Pham: Chương 17


17 – Em gái trở về


Năm 1945 thực sự là một năm đầy biến động trên toàn thế giới, cũng như xứ Đông Dương. Sau những trận mưa bom như trút của Đồng minh vào các cơ sở nghi là của người Nhật, các khu thương mại và nhà máy đều lui vào thế cố thủ, đề phòng cao độ. Kinh doanh đình trệ. Ở Hải Phòng, tàu bè ở cảng bị ăn bom nhiều nhất. Ngày nào cũng thấy cảnh hoang tàn, khói bốc mù mịt. Dân chạy nạn đói nheo nhóc bồng bế nhau trên khắp các tuyến đường. Lính Pháp án binh bất động. Còn người Nhật vội vã thu gom tài sản chuyển về nước được chút nào hay chút đó. Binh lính các bên lặng lẽ ngồi nghe radio.
Những khu vui chơi giải trí như Vạn Hoa viên đều không có bóng khách quan. Trước cửa chỉ đứng chật dân chạy nạn, xua đi không kịp. Về sau nhân viên chán chẳng muốn xua nữa, vì đằng nào cũng không có khách. Cô Na xinh đẹp vừa nắm trong tay một phần ba cổ phần của Miracle thì nó đã bị bom Mỹ tàn phá, sập mất một góc. Ông bồ Nhật của cô cũng chạy vội về cố quốc, lo bảo vệ tài sản. Giang Bình khẩn cấp vào Sài Gòn, để kịp vun vén của cải cho gia tộc. Tâm lý của đám người giàu có bản xứ như Giang gia hay ông chủ Quýnh đều trở nên bất an, không biết phải đi đâu giữa cái thế giới đang mịt mùng bom đạn này. Họ thủ sẵn vàng bạc, trang sức trong mấy lớp vải đáy túi xách, hay lớp lót quần áo, đế giày; chỉ cần có biến là lập tức mang theo tài sản tẩu tán đi chạy loạn.
Khi ông vua trốn tận trong kinh thành Huế đứng ra tuyên bố Việt Nam độc lập, thống nhất ba miền Bắc, Trung, Nam Kỳ, dưới sự bảo hộ của Đế quốc Nhật; một số người tưởng đã thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chính quyền mới vẫn còn đang loay hoay trong giai đoạn phá cũ, xây mới ở tận cao tầng phía trên, gió đã lại đổi chiều.
Phát xít thất trận. Tháng 8 năm đó, người Nhật đầu hàng quân Đồng minh. Tình hình Đông Dương trở nên thật kỳ lạ. Lính Nhật và lính Pháp trở nên ngoan ngoãn hơn bao giờ hết, cố che giấu nỗi hoang mang trong lòng, trơ mắt đứng nhìn từng đoàn người quần vải áo nâu, áo trắng, vác cuốc, vác cào, vác gậy, vác súng tự chế, thậm chí cả tay không giơ lên, hô vang đầy khí thế “Đả đảo phát xít Nhật!”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim!”, “Đả đảo đế quốc Pháp!”, “Ủng hộ Việt Minh!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”; họ tiến vào chiếm các công sự, nhà máy, cơ sở chính quyền. Người của Việt Minh chỉ trong một đêm đã lãnh đạo cả nước nổi dậy giành chính quyền thành công. Dân treo đầy cờ hoa trên các tòa nhà lớn, trên đường phố, trên những con tàu và ống khói nhà máy. Nhà vua bù nhìn cuối cùng cũng thoái vị. Không khí hừng hực khắp nơi trên toàn cõi Việt Nam.
Ở Hải Phòng, ty Mật thám và nhà Đoan bị tước vũ khí đầu tiên. Người dân hăng hái lôi nhau đi mít tinh, diễu hành khắp phố lớn, ngõ nhỏ. Tự vệ chiếm cứ những cứ điểm quân sự, treo cờ, treo khẩu hiệu rực rỡ. Tù nhân trong ngục đều được giải phóng. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy hai tuần ngắn ngủi.
Nhưng rất nhanh sau đó, đám lính Tàu ô hợp lại xuất hiện. Cái đất Bắc Kỳ bé tẹo này lúc nhúc đầy lính tráng: Tàu, Nhật, Pháp; và cả lính mới của chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cướp bóc, ẩu đả, rồi đụng độ giữa các bên xảy ra thường xuyên. Thành phố cảng nhỏ xinh này không hề thay đổi nhiều sau mấy phen đổi chính quyền. Người Pháp vẫn thu mình một cách kỳ lạ, hẳn chờ quân đội ở Sài Gòn đánh dần ra Bắc. Còn người Nhật trở nên vô cùng tử tế với dân bản xứ, có lẽ để không bị khí thế hăng hái của người dân nơi đây cuốn phăng họ ra biển. Đám quân Tưởng như một lũ thổ phỉ hầu như không có bóng dáng ở thành phố này. Âu cũng là may mắn cho nó.
Ông chủ Quýnh đứng trên tầng lầu, nhìn lá cờ đỏ búa liềm bay trên nóc Vạn Hoa viên mà lòng cảm khái. Anh chàng kép đàn tên Cát ngày trước, nay là Vũ Dũng, đại diện chính quyền Việt Minh đứng ra thương lượng với các cơ sở kinh tế lớn trong thành phố, hùng dũng dẫn đầu một phái đoàn tiến vào nói chuyện với ông ta về việc chuyển giao các tài sản và cách thức làm ăn trong chế độ mới. Thời thế đúng là không biết đâu mà lần.
Trước mặt đồng chí Vũ Dũng và chính quyền Việt Minh non trẻ, ông chủ Quýnh đã khảng khái tuyên bố hiến tặng gần hết tài sản, lặng lẽ lui về căn biệt thự ven biển xa tít cùng vợ con để quan sát thời thế, đợi ngày trời quang mây tạnh lại tái xuất giang hồ. Tên tuổi của ông được chính quyền mới tuyên dương khắp nơi, lấy làm tấm gương cho tầng lớp tư sản noi theo.
Trong lúc đó, có người không may hơn. Cô Na xinh đẹp năm nào giờ phải trốn chui trốn lủi. Nhà cửa ở Hà Nội của cô bị tịch thu hết, do chúng đều mang danh nghĩa của đám phú thương người Nhật, người Pháp. Cửa hàng nhỏ chuyên phục vụ quan Pháp, quan Nhật của cô cũng bị phá tan trong cuộc khởi nghĩa. Cô giấu toàn bộ trang sức và vàng phòng thân, chạy về Hải Phòng, dự định tìm cách vô Sài Gòn, hay đi đâu đó mà không bị người ta nhận ra và kỳ thị cái bản mặt lai Tây không giấu đi đâu được này của cô.
Lang thang không chốn dung thân giữa thành phố nhỏ này hơn một ngày trời, vừa mệt vừa đói, Na chợt nhớ ra căn nhà của Lan ngày xưa. Suốt hơn một năm kể từ khi Lan bị bắt, căn nhà bị bỏ không, đám mật vụ thường xuyên lượn lờ phục kích chờ Việt Minh. Giờ Việt Minh giành chính quyền rồi, hẳn ngôi nhà vẫn còn bỏ không đó. Na hấp tấp vẫy một xe kéo. Nhưng người chạy xe tới bên đường, nhìn thấy gương mặt lai của cô, do dự một lúc rồi chạy mất. Vừa tức, vừa bực mình, cô phải tiếp tục chạy đi tìm xe kéo khác. Nhưng đáng tiếc, không khí của cuộc khởi nghĩa và niềm vui chiến thắng của mọi người quá lớn, quên cả lao động và kiếm tiền hay sao ấy. Suốt mấy con phố dài, chỉ có hai lần thấy xe kéo, nhưng đều từ chối chở cô. Cô đành đi bộ. Mãi sẩm tối mới tới nơi. Quả thật căn nhà vẫn đóng cửa im lìm trong con phố nhỏ treo đầy cờ đỏ búa liềm và băng rôn khẩu hiệu “Nước Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Vietnam to the Vietnamese!” [Nước Việt Nam của người Việt Nam!].
Na loay hoay tìm khắp khe cửa và mấy cái cây quanh nhà, cuối cùng cũng thấy chìa khóa. Thói quen để chìa khóa của Lan thực hữu ích cho cô lúc này. Mở cửa vào nhà, bật đèn. Nhưng điện không có. Cô nhìn ra ngoài thấy nhiều nhà xung quanh đã lên đèn, lại ngẫm thấy căn nhà bỏ không lâu như vậy, hẳn đã bị ty điện lực cắt điện rồi. Na dò dẫm trong bóng tối, suýt va phải mấy cái ghế, cuối cùng cũng tìm tới chiếc sô pha trong trí nhớ. Cô mệt mỏi thả phịch người xuống, ngủ mê mệt.
Tới khi có tiếng hô ầm ầm rất khí thế từ ngoài vọng vào của đám đông, Na mới tỉnh giấc. Có lẽ lại một đoàn diễu hành của người dân vừa đi qua để cổ vũ chính quyền mới. Cô ngồi dậy nhìn quanh. Mọi thứ vẫn không đổi kể từ đêm cô tới đây nói lời chia tay Lan trước khi vào Sài Gòn. Tìm khắp nhà, không thấy có gì ăn được, cô chán nản ngồi thừ trên ghế, bụng bắt đầu sôi lên òng ọc, đầu suy tính xem tiếp theo nên làm thế nào. Ngồi mãi tới khi cô lại ngủ thiếp đi.
Đột nhiên, có tiếng lạch cạch ngoài cửa. Na ngủ chưa sâu lắm, nên tỉnh dậy ngay, giương mắt lên cảnh giác. Người mở cửa cũng có vẻ do dự, có lẽ thấy cửa đang khóa trong nên đoán hẳn trong nhà đang có người. Nhưng người đó vẫn tiếp tục mở dây xích cửa ngoài, rồi tới cửa chính, lạch cạch một lúc không mở được, mới gõ nhẹ ba tiếng. Vẫn không có ai ra mở cửa, người bên ngoài khẽ lên tiếng, như thăm dò:
“Có ai ở nhà không? Mở cửa giúp với! Ai đang ở trong nhà đó?” Ngập ngừng dừng một chút, giọng nói lại vang lên, lần này nhỏ hơn. “Chị à? Chị đang ở trong nhà phải không? Ra mở cửa cho em đi! Em là Lân đây mà!”
Một lúc sau, cánh cửa mở ra. Cả hai cô gái đều tròn mắt ngạc nhiên nhìn nhau một lúc. Người phụ nữ kiều diễm, luôn ăn mặc chải chuốt đầy phong cách, có nước da ngăm đen và gương mặt rất Tây đầy mê hoặc ngày xưa giờ đang phờ phạc trong bộ quần áo nông dân đã nhếch nhác bụi đường. Nhưng vẻ đẹp lai lộng lẫy vẫn không mất đi, dù cô không trang điểm. Còn cô gái thanh tú, trắng trẻo, hoạt bát trong bộ áo dài trắng của học sinh năm nào giờ đã chững chạc, nghiêm nghị trong bộ đồ bảo hộ sạch sẽ. Sau cả phút thất thần, cả hai cũng tỉnh táo hơn, đều tỏ ra bối rối.
“Sao lại là chị?” Lân lắp bắp hỏi.
“Sao không thể là tôi?” Na đã lấy lại bình tĩnh, lạnh lùng nhìn cô gái trước mặt. “Vào đi.”
“Không lẽ đây là nhà của chị rồi?” Cô gái giơ cánh tay níu cánh cửa đứng yên.
“Sao? Nếu là nhà của tôi thì cô sẽ bước ra khỏi đây ngay chứ?”
“Chị… chị… Tôi… tôi thực sự không biết chị đã mua nó từ lúc nào. Tôi xin lỗi.”
Thấy Lân buông cánh cửa ra, định quay đi, Na khẽ nhếch mép cười mỉa mai:
“Vào đi! Vẫn là nhà của chị cô.”
Cô gái đi vào trong, nhìn quanh, rồi như sực nhớ ra, liếc nhìn Na đầy thâm ý:
“Phải rồi, tôi quên mất. Đồ của chị tôi vẫn còn nguyên ở đây như hai năm trước. Sao có thể là nhà của chị chứ? Chị cũng có ngày này sao? Chị cùng đường rồi nên tới nương nhờ chị tôi sao? Thật không may là bà chị quí hóa của tôi giờ cũng không biết chạy theo gã nào hoặc chết rục chết mòn ở đâu đó rồi.”
Na quay người lại nhìn thẳng cô gái kém mình gần chục tuổi, nhưng vẻ ngang tàng và kiêu hãnh cũng không hề kém gì cô.
“Đổi lời thoại đi. Cứ dùng mấy câu đối phó với chị cô để nói với tôi thật không sáng tạo chút nào. Chưa nói đến hiệu quả.”
Na thản nhiên ngồi ngả người lên ghế. Lân khó chịu, cau mày:
“Nể tình nghĩa chị từng cho tôi ở nhờ, chị có thể ở tạm đây vài bữa. Nhưng tôi khuyên chị nên tìm chỗ khác đi. Thân phận của chị, e là… tôi không giúp gì được đâu.”
“Cảm ơn đã chiếu cố tới thân phận của tôi. Nhưng chị cô, cô còn không giúp, sao mà giúp được tôi.”
“Chị tôi ư? Chị biết chị tôi ở đâu sao? Chị ta đang ở đâu? Đừng có bảo chị ta đang ở trại lính Pháp hay trại lính Nhật đấy.” Lân ngạc nhiên trừng mắt nhìn Na, không dấu nổi vẻ hồi hộp.
Na khinh bỉ nhìn cô gái lộ rõ vẻ hấp tấp trước mắt, giễu cợt:
“Hóa ra cô không thèm tới trại lính Nhật, lính Pháp tìm chị mình thật sao? Uổng cho chị cô cả đời phải bán thân xác cho đám quan binh nuôi em gái, cuối cùng đổi lại, nó cũng chẳng buồn đoái hoài hay biết ơn, thậm chí còn khinh bỉ.”
“Thôi đi, tôi không cần những đồng tiền dơ bẩn của chị ta. Chị ta, cả chị nữa, đều là những người không có tự trọng, không biết phải trái, chỉ biết sống ô nhục hưởng thụ, phụng sự kẻ thù của đất nước này. Vì những người như chị, như chị ta, bao người dân mới lầm than, cơ cực. Tội lỗi của các người so với những kẻ Việt gian, tay sai cũng không khác mấy. Đều chỉ là phường hại nước hại dân.”
“Ai da, tiền của chị cô dơ bẩn, nhưng đã nuôi cô ăn học, sống sung sướng gần chục năm đấy thôi. Mà tôi và chị cô làm sao bắt bao người lầm than được nhỉ? Cô đánh giá năng lực và ảnh hưởng của đám gái điếm chúng tôi quá đà rồi thì phải? Chị cô hại nước, hại dân khi nào? Chị cô không cầm súng bắn ai, không ăn cướp của ai, không đẩy cuộc đời ai vào khốn cùng. Chị cô mà nghe được lời này hẳn sẽ chết vì uất hận và đau lòng mất thôi. Chị cô không có lòng tự trọng, nên đã tìm mọi cách kiếm tiền nuôi em, cứu cha, kể cả hy sinh tuổi thanh xuân. Chị cô không biết phải trái, nên dù em gái không hiểu chuyện vẫn dung túng, nên dù người cha bạc bẽo vẫn giúp đỡ, nên dù yêu Cát vẫn nhường anh ta cho em gái, nên dù bạn bè lợi dụng vẫn bỏ qua, nên dù bác sĩ Kiên đã mất vẫn một lòng thờ anh ấy. Chị cô sống hưởng thụ được bao nhiêu năm? Mười lăm năm đầu đời cực khổ vì đòn roi và đói khát, nghèo túng ở cái làng khỉ ho cò gáy kia. Mười năm tiếp theo bị hết thằng này đến thằng kia dày xéo thân xác để có tiền cho em cho cha, yêu một người cũng đành thầm lặng dứt bỏ. Còn hơn hai năm trở lại đây, dở sống dở chết, bữa đói bữa no.”
“Chị … chị nói gì? Chị tôi dở sống dở chết, bữa đói bữa no ở đâu? Khi nào có chuyện đó? Chị… chị đừng lừa tôi. Mấy lời điêu ngoa của chị, tôi cũng hiểu rõ như lòng bàn tay. Đừng cố lừa tôi.”
“Hừm, cô nên cảm thấy may mắn là tôi không biết gì nhiều về cô, ngoại trừ việc cô là một đứa vô ơn, bội bạc, ích kỷ, tham lam, hèn nhát. Nếu không, tôi tuyệt không để cô còn có ngày đứng đây lên giọng phách lối với tôi.”
“Chị nói được những lời đó là biết đủ nhiều về tôi rồi. Cảm ơn đã thẳng thắn. Còn bây giờ thì nói cho tôi đi, chị tôi đang ở đâu? Tôi không tin chị sẽ giúp gì cho chị tôi. Tôi từng thấy sự căm ghét và ghen tị điên cuồng trong đôi mắt chị khi chị nhìn chị ấy cách đây năm năm. Người như chị không thể coi chị tôi là bạn được.”
“Tôi được lợi gì?”
“Chị sẽ được tạm thời trú lại nhà này.”
“A, quả là muốn đuổi người thật rồi. Được thôi. Sao tôi lại rơi vào cảnh cùng đường thế này chứ.” Na duỗi tay, nằm ngả ngớn trên ghế.
“Chị nói đi! Chị tôi đang ở đâu?”
“Chị cô đang ở làng Phao.”
“Gì cơ? Không thể nào? Chị ta sao lại có thể về đó được?”
“Sao cô ấy không thể về đó? Đó là nơi chôn rau cắt rốn của cô ấy. Mẹ cô ấy sinh ra và chết đi ở đó. Cô ấy sống mười lăm năm, hơn một nửa cuộc đời ở đó. Cô ấy luôn mơ về một ngôi nhà bên bờ biển, sống hạnh phúc bên người mình yêu. Giờ cô ấy đã về ngôi nhà ở làng chài bên bờ biển yên bình ấy, cùng người đàn ông trong giấc mơ sống một đời không muộn phiền, sầu não. Thế nào? Kết cục quá đẹp và hoàn hảo phải không? Cô thấy tức tối không? Cam lòng không?”
“Đúng, tôi sẽ rất không cam lòng khi chị ta có kết cục tử tế quá mức như thế. Chị ta không xứng. Nhưng thật tiếc, tôi không tin những gì chị nói. Chị ta hẳn phải bị đám mật thám Pháp sờ gáy và trừng trị từ lâu rồi mới phải chứ? Chị ta không thể giống như chị nói.”
Na ngớ người một lúc, rồi trợn mắt trừng trừng nhìn Lân đang bừng bừng nộ khí trước mặt. Cô đứng dậy thẳng tay cho Lân một cái tát bỏng rát. Cô gái trong bộ đồ bảo hộ chao đảo vì bất ngờ, ngã nghiêng người lên chiếc ghế đối diện.
Lân chật vật xoay người ngồi dậy, tức giận ôm má ngước nhìn Na. Một giọt nước mắt lăn dài trên má Na. Na chỉ tay vào mặt cô, nghẹn ngào mãi mới thốt ra lời:
“Thì ra… là cô. Là cô. Chính cô đã góp phần hại nó. Hẳn chính lòng dạ cô thực sự muốn hại nó. Vì Cát ư? Chắc là vì anh ta rồi. Một người hiểu biết như cô không thể hành động thiếu suy nghĩ đến mức đó, trừ khi cố tình. Kể từ lúc Phillips bị ám sát, bất kể ai ở bên nó khi đó và có chút đầu óc, đều biết nó có thể có quan hệ với Việt Minh.Tôi đã nghĩ tại sao không thấy cô xuất hiện. Tôi đã nghĩ tại sao Pierre cho điều tra cô và canh chừng nơi này. Nó luôn che giấu, giữ cô cách xa những người đàn ông quanh nó. Chắc chắn cô đã biết chị cô qua lại với Pierre. Không phải cô cố tình xuất hiện trước mặt ông ta, tiết lộ điều gì đó, khiến ông ta nghi ngờ chứ? Nó là chị ruột, là đồng đội của cô cơ mà. Sao cô có thể phản bội, bán đứng đồng đội mình, hãm hại chị ruột mình? Nó đã hy sinh cả đời vì bố mẹ cô, vì cô. Chưa đủ sao? Cô thật là kẻ táng tận lương tâm. Độc ác. Vô liêm sỉ. Có một người em lòng dạ rắn rết như cô, nó cũng thật vô phúc quá đi.”
Gương mặt Lân đã trắng bệch. Cô bối rối nhìn người phụ nữ đang nói những lời thống thiết, phẫn hận trước mặt. Chị Na chưa bao giờ biểu cảm như thế. Cô càng hoang mang trước những gì Na nói. Có chuyện gì thực sự tồi tệ với chị cô sao? Nhìn người trước mắt đang đau lòng tới thẫn thờ, Lân ngập ngừng một lúc, chờ cho không khí dịu bớt, mới dám hỏi tiếp:
“Chị tôi thực sự có chuyện gì sao?”
Na ngẩng phắt đầu, mắt sáng quắc nhìn cô gái vẫn đang ôm má nhưng cố kìm nén nôn nóng trước mặt. Đúng là thứ nghiệt bào mà!
“Khi giở trò bẩn thỉu đó, cô hẳn tính đến chuyện gì với chị cô rồi. Giờ hỏi tôi có ích gì?”
“Tôi… tôi… tôi cũng không biết nữa. Là tôi hồ đồ. Tôi… chị… xin chị nói cho tôi biết chuyện của chị tôi. Hơn hai năm nay tôi không ở thành phố này. Lúc về tôi có tới các nhà giam của người Nhật, người Pháp, nhưng đều không có chị tôi. Những người quen cũ mà tôi biết đều bảo họ không biết gì hết, chỉ biết chị tôi biến mất từ hơn hai năm trước. Xin chị hãy cho tôi biết về chị tôi.”
“Hừm, em gái ngoan, không cần làm bộ quan tâm dạt dào đến thế, tôi buồn nôn mất. Tất nhiên tôi phải nói cho cô chứ? Hành động mà không biết kết quả thế nào thì ai cam lòng được? Như cô ao ước, chị cô và cả bác sĩ Kiên đều bị Pierre bắt. Bị tra tấn tàn bạo. Kiên chết. Chị cô hóa điên. Một người bạn cứu chị cô ra. Tôi và người đó đưa nó về làng Phao. Bố cô cuỗm sạch tiền cùng đồ chúng tôi để lại cho con bé và trốn mất. Giờ chị cô đang nửa điên nửa dại một thân một mình ở quê, ngày ngày bị người làng ném đá và xua đuổi vì bị coi là Việt gian, là quân bán nước. Cô hả dạ chưa hay vẫn thấy thất vọng khi nó còn sống?”
Cô gái run rẩy ôm mặt khóc. Na nhếch môi chán ghét, không buồn nói thêm gì nữa. Một lúc sau, Na lẳng lặng đứng dậy, cầm túi đi ra cửa. Cô gái đang mải khóc chừng như nhận ra, ngẩng đầu gọi Na:
“Chị định đi đâu? Bây giờ chị ra ngoài đường mà để người khác nhận ra sẽ bị đánh chết đấy biết không?”
“Ở đây tôi sẽ an toàn hơn sao? Đến chị ruột mình cô còn tìm cách hại chết, sao có thể bỏ qua cơ hội xử lý đứa hại nước hại dân như tôi để lập công trạng chứ?”
Nói rồi Na biến mất trước cửa. Lân nhìn theo, nước mắt tuôn nhiều hơn. Đột nhiên cô òa khóc to thành tiếng rất thảm thiết. Tiếng khóc nức nở kinh động đến mấy hàng xóm bên cạnh. Họ chạy qua, nhận ra cô gái đang khóc chính là cô bé ngày trước ở nhà này, cho rằng cô tức cảnh sinh tình, họ an ủi và mang cho cô ít đồ ăn, nước uống. Các bác, các chị thay nhau động viên cô. Nhìn bộ đồ bảo hộ xanh lam cô mặc trên người, lại đeo thêm huy hiệu búa liềm cờ đỏ bên tay, họ đoán cô là người liên quan đến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vừa mới nổ ra ít lâu, nên ra sức cổ vũ, kể chuyện tương lai tươi sáng phía trước cho cô vơi bớt đau lòng. Đến tối, một bác còn mang cho cô cây đèn dầu và ít trái cây, khuyên nhủ cô một hồi lâu mới rời đi. Lân nghẹn ngào cảm ơn mọi người.
Ăn uống qua loa xong, cô lặng lẽ vào căn phòng cũ, lên giường nằm. Lân trằn trọc nghĩ về những chuyện đã qua.
Từ bé, cô chứng kiến cảnh bố đánh đập ba mẹ con, chị luôn là người chắn cho mẹ và cô nên bị đòn nhiều nhất. Cô chứng kiến cảnh bố bán chị đi rồi lấy tiền rượu chè hết. Cô chứng kiến giây phút hấp hối, mẹ thở hắt ra nặng nhọc, thều thào bảo cô đi tìm chị. Cô chứng kiến cuộc sống thành thị giàu có, hoa lệ của chị mình.
Nhưng cô gặp Cát. Anh ấy mang cho cô sự ấm áp mà cô chưa từng được hưởng. Cô học trường Tây, người ta dạy cô yêu nước Đại Pháp. Còn Cát dạy cô phải yêu đồng bào rách rưới nghèo khổ, yêu mảnh đất xơ xác tiêu điều này, yêu làng Phao khô cằn toàn lau sậy và cát sỏi. Dần dần thế giới của cô chỉ toàn hình ảnh của Cát từ lúc nào không hay. Cô luôn nghĩ về những gì anh nói, yêu những gì anh thích, mơ giấc mơ của anh, tìm mọi cách được nhìn thấy anh là đã thấy thỏa mãn. Rồi tham lam hơn, cô muốn làm việc cùng anh, sống cùng anh, mơ giấc mơ hạnh phúc trọn đời bên anh.
Không biết từ bao giờ người chị ruột đã bị cô bỏ ra sau. Có lẽ hình ảnh chị lam lũ mò ngao, oằn lưng đỡ roi cho cô ngày xưa và hình ảnh cô gái sành điệu, đẹp như tiên giáng trần sau này khiến cô thấy xa cách quá chăng? Chị gái đối với cô dường như chỉ là một điểm dừng chân giữa dòng đời xuôi ngược, là nơi cung cấp tiền bạc và một cuộc sống giàu có, buồn tẻ cho cô. Cô nhàm chán với cảnh hết ăn rồi lại ngủ, hết ngủ rồi lại đi dạo, hết đi dạo lại đến trường nghe dông dài về một đất nước xa lạ. Cô thích thế giới thân thuộc, đầy yêu thương Cát vẽ ra, thích cảm giác ngồi bên anh nghe đàn, nghe kể chuyện, đọc thơ. Kể từ lúc nhìn thấy anh đội nón giả làm phu xe kéo đứng trước cửa Vạn Hoa viên thẫn thờ nhìn theo bóng chị gái, cô hiểu trái tim anh đã có hình bóng một người. Lúc đó, cô không thấy buồn hay thất vọng, vì chị đang hạnh phúc bên Phillips. Cô vẽ một cái dấu lên cái tên kí cuối tấm thiếp. Cát từng bảo tên cô và tên chị cô chỉ khác nhau mỗi cái dấu ấy thôi. Chị Na nhìn thấy, hỏi sao lại làm thế, cô cũng không biết phải trả lời thế nào. Nhưng khi lờ mờ hiểu được ý nghĩa và dòng chữ trên những tấm bưu thiếp chị nhờ gửi cho Cát, cô cảm thấy nỗi tức giận ngày một tăng lên. Sao chị cô lại tham lam như thế? Chị đã có Phillips lại còn muốn có Cát của cô ư? Chị muốn Cát của cô suốt đời mang một khối tình si, ngóng đợi trong vô vọng ư? Chị thật tàn nhẫn. Vô tâm đến tàn nhẫn. Cô từ đó càng lúc càng tiếc thương Cát, tìm mọi cách làm anh vui, lôi kéo anh, khiến mỗi lần về thành phố, anh không có thời gian rảnh để đi lén nhìn chị gái, điều sẽ chỉ khiến anh thêm đau lòng.
Một lần, sau thời gian dài gặp lại, Cát có vẻ như vừa bị thương rất nặng, anh ấy nhờ cô đi gửi đồ cho vài người. Sau đó cô nhìn thấy một người trong số đó bị ty cảnh sát dán ảnh truy nã khắp thành phố. Cô lờ mờ đoán Cát là người của Việt Minh. Quả thật cô đã không nhầm. Vài lần lén bám theo anh, cô cũng suýt gặp nguy hiểm. Cát đã cảnh cáo và đuổi cô về. Nhưng lòng tự tôn, bản tính hiếu thắng, mong muốn ở bên anh ấy và quan trọng nhất là tuổi thiếu niên khao khát những điều mới mẻ, thách thức, khiến cô bướng bỉnh không chịu lùi bước. Cô xích mích với chị, bỏ nhà đi, lẽo đẽo bám theo anh từ nhà máy tới công xưởng, hầm ngầm, chân cầu, ống cống. Tình cảm của họ cũng gắn bó và mật thiết hơn. Cô cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Dù đôi lúc cô cũng hơi chạnh lòng khi thấy anh ấy đăm chiêu nhìn sâu vào mắt mình như thể cố tìm một bóng hình khác. Người ta bảo, mối tình đầu thường khó quên. Nhưng cô hy vọng thời gian sẽ xóa nhòa tất cả.
Thế mà số phận lại đẩy người chị gái đang dần trở nên xa lạ với cô kia gần về phía anh ấy. Đêm đó khi họ đang ngồi thay băng cho nhau, cô đã trở về. Vì muốn kiểm chứng tình cảm của họ có thể đi đến đâu nếu không có mình tác động, cô đã lặng lẽ đứng ngoài. Nhưng khi nghe tiếng anh ấy cất lên, lòng cô đau như cắt. Rồi nghe tiếng anh ấy thở dốc, tiếng phụ nữ rên rỉ, tiếng đàn ông mê man đắm đuối “Lan, Lan, Lan! Anh yêu em, anh yêu em!”; cô hoàn toàn tuyệt vọng, chân không nhấc nổi nữa. Không biết cô đã đứng bao lâu đêm đó. Không biết cô đã rớt bao nhiêu nước mắt đêm đó. Không biết cô đã tê liệt bao nhiêu sợi dây thần kinh. Khi thanh tỉnh lại, trời đã lờ mờ sáng. Cô không đủ can đảm ghé vào nhìn cảnh tượng trong căn phòng đó. Cô thất thểu đi ra đầu cầu cách đó gần ba cây số. Nỗi oán hận bùng lên trong cô càng lúc càng dữ dội. Hai người bọn họ đã phản bội cô. Họ đã làm trò bẩn thỉu ngay trên giường của cô. Anh ấy đã quên sạch những gì cô làm cho anh ấy, quên sạch tình cảm đẹp đẽ vừa nhen nhóm lên của bọn họ. Còn chị ta, chị ta lên giường cả với người yêu em gái mình. Chị ta thật tham lam, vô liêm sỉ. Sao cô lại có người chị đáng hận như thế chứ? Nỗi thù hận xuyên qua lòng cô như ung nhọt, khiến cô quằn quại, nhức nhối cả một thời gian dài. Cô phải làm sao để nhổ cái ung nhọt này đi đây? Làm sao để trả thù cả hai người bọn họ? Làm sao… làm sao?
Nhưng khi ngồi thẫn thờ một mình suốt buổi trưa, tới chiều, nhìn vài đôi tình nhân dặt dìu lượn lờ trước mặt, cô đã bình tĩnh trở lại. Phải thẳng thắn đối mặt! Cô tự nhủ lòng mình như vậy. Anh ấy là người tốt, là người nghiêm trang và chính trực. Cô sẽ hỏi thẳng anh ấy lý do tại sao lại phản bội cô. Nếu anh ấy không hề yêu cô, mà chỉ coi cô là thế thân của chị gái, cô sẽ ra đi để bọn họ bên nhau. Nhưng trước khi đi, cô sẽ cho cả hai một bài học, vì đã xúc phạm cô. Còn nếu anh ấy yêu cô, chuyện vừa rồi là do chị ta cố ý quyến rũ, anh ấy trong phút yếu lòng đã mắc sai lầm, nếu anh ấy thành khẩn nhận lỗi, thề vĩnh viễn không gặp chị ta, cô sẽ cho anh ấy một cơ hội. Nhưng chị ta vẫn cần nhận một bài học đích đáng.
Điều ngạc nhiên khi cô về nhà là không cần cô nói gì, Cát đã ôm lấy cô khóc. Anh ấy nói xin lỗi cô, anh ấy nói mình đã phạm một sai lầm không thể tha thứ, anh ấy nói yêu cô chứ không phải bất kì ai khác. Cô cũng khóc. Họ ôm nhau khóc. Tự đáy lòng mình, cô nghĩ, sao mình lại có thể oán hận người đàn ông này được cơ chứ? Đó là người đàn ông mình mất bao công sức và tâm huyết theo đuổi cơ mà? Mình không thể để chị ta lôi kéo con người chân chính và can đảm này vào vũng bùn được. Nghe tiếng chân chị gái đang bước vào nhà, cô nói những lời âu yếm với anh ấy thật to, hôn anh ấy thật nhiều. Chị ta không xứng. Chị ta là ma quỉ. Chị ta là đồ vô liêm sỉ. Anh ấy là của mình, của mình!
Vài ngày sau đó, cô dụng tâm để ý cuộc sống của chị gái mình, tìm cơ hội cho người chị này một bài học. Cô biết bồ mới của chị ta là trưởng ty Mật thám ở thành phố này. Thật thú vị khi cô tình cờ theo Cát gặp được bác sĩ Kiên, họ trao đổi với nhau vài câu về người đưa tin tức, về chiếc máy ảnh loại hiếm, về Pierre. Cô đã từng nhìn thấy chiếc máy ảnh này ở trong tay chị mình một thời gian trước. Chị ta không biết cách sử dụng, chữ cũng không thạo, nên nhờ cô đọc và giải thích hộ mấy dòng hướng dẫn. Cô đã đoán ra phần nào câu chuyện. Một ý tưởng hiện ra trong đầu. Hừm, không biết tên mật thám bự kia sẽ xử lý nhân tình yêu dấu của mình thế nào đây? Hẳn là không thể tha bổng, hẳn cũng không nỡ giết hại. Nhưng chắc sẽ hành hạ, dày vò tương đối đây. Cố ý đụng mặt Pierre, biết ông ta sẽ không bỏ qua, sau đó cô bỏ đi cùng Cát lên căn cứ Việt Minh ở Bắc Sơn ngay, quyết tâm đoạn tuyệt với người chị này.
Hơn hai năm qua, nếm mật nằm gai, biết bao khổ sở mà cô chưa từng gặp trong đời thì đều đã gặp. Điều đó giúp cô hiểu ra, những năm thanh thiếu niên của mình đã được chị gái bao bọc, bảo vệ tốt đến mức nào. Nỗi oán hận năm xưa dần tan đi. Cô và Cát cũng không có thời gian gặp nhau nhiều. Anh ấy bận bịu với bao kế hoạch cùng các đồng đội, có khi cả tháng không nói với cô được câu nào. Trước thời điểm lên kế hoạch tổng khởi nghĩa tháng Tám, Cát một mực xin về phụ trách khu vực Hải Phòng. Khi nghe tin cách mạng thắng lợi, Việt Minh giành được chính quyền, cô tất tả quay về thành phố này tìm anh ấy. Anh ấy bận tối mắt tối mũi lo cho các cuộc mit tinh và ổn định chính quyền mới. Thấy cô cứ lẽo đẽo theo bên, anh phiền chán bảo cô đi tìm chị gái. Lúc này cô mới nhớ ra nơi này mình có một người chị. Nhớ tới câu chuyện xưa, thù hận trong lòng đã hết, cô ngồi ngẫm lại, hẳn có thể không đơn giản như mình nghĩ. Biết đâu chị ấy bị bắt và bị tra tấn thật thì sao? Cô tìm về nhà chị, nhưng căn nhà đóng cửa, đồ đạc còn nguyên như hai năm trước. Cô tìm hết các nhà tù, trại giam trong thành phố, nhưng đều không thấy bóng chị cô. Cô tìm được hai chú Thành, hai chú đều bảo không biết, chị cô biến mất từ hai năm trước, sau đó ông chủ Quýnh cũng giải tán nhóm ả đào. Cô đi tìm bác sĩ Kiên. Nhưng phòng khám của bác sĩ đã là một xưởng sửa xe. Cô hỏi Cát, nhưng anh nói chuyện bác sĩ Kiên thuộc diện đặc biệt bí mật, không thể tiết lộ. Cô chán nản nghĩ có lẽ chị mình may mắn tìm được một nơi gửi thân nào đó rồi chăng? Chị ấy vốn dĩ luôn may mắn với đàn ông mà.
Hôm nay cô đến tìm Cát. Anh ấy lại xuống cơ sở chỉ đạo phong trào. Cô xuống theo, thấy anh ngồi giữa đám đông đang túm tụm tranh luận gay gắt. Cô ngồi nghe suốt cả buổi sáng mà phát buồn bực. Buổi trưa họ cũng không dừng lại để ăn cơm, chỉ nhai tạm ít bánh mì và lương khô, rồi vẫn hỳ hục vẽ vẽ, nói nói. Cô thấy mình cứ ngồi đấy mãi cũng không giúp được gì, đành để đồ ăn và khăn mặt lại, nhờ người chuyển cho Cát. Cô định về khu nhà trọ được Cát bố trí cho mình. Lang thang thế nào, đi qua con phố này, nhớ ra đây có nhà chị gái, cô lại đi vào. Không ngờ gặp Na.

Sự việc năm xưa bày ra rõ ràng trước mặt. Những oán hận trong lòng không còn nữa, mà giờ là cảm giác ân hận và xót xa. Quả thật cô chưa bao giờ nghĩ tới kết cục bi thảm thế này. Cô chỉ hồ đồ cho rằng, tên mật thám kia yêu thích chị mình đến mức dẹp bỏ cả vợ và đám nhân tình, hẳn không dám xuống tay nặng với chị. Chị ngờ nghệch, đơn giản đến mức ai cũng tin, ai cũng giúp, ai cũng có thể lợi dụng. Hắn ta chắc biết rõ người như thế khó mà làm được việc gì to tát. Cô còn lo, có khi chỉ cần chị khóc lóc một chút, hắn lại tha bổng cũng nên.
Nhưng sao mọi chuyện lại thành ra thế này? Là cô quá hời hợt, nông cạn, ấu trĩ? Hay con người cô vốn chất đầy oán hận và ghen tị với chị mà chính cô cũng không biết? Sự ghen tị bị ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ thổi bùng lên thành căm phẫn, khiến cô đánh mất lý trí, hành động mù quáng mà không lường được hậu quả.

Lân lại khóc. Khóc nghẹn ngào không thành tiếng.
Đúng, từ lúc cô sinh ra đến giờ, chị chưa bao giờ tranh giành gì với cô, chưa từng làm điều gì không tốt cho cô. Chị đỡ roi, bảo vệ cô, nhường cả manh áo, củ khoai, củ sắn cho cô, dẫn cô và mẹ đi trốn bố, không cho cô xuống biển hay ra đồng ngày bão nổi, rồi chấp nhận bị bán để có tiền cho cả nhà chống chịu được dăm ba năm. Lên thành phố, cô được chị nuông chiều, cho đi học, ăn ngon mặc đẹp, làm mọi việc tùy thích, bảo vệ cô khỏi Phillips, giữ cô tránh khỏi tầm mắt tất cả đám đàn ông người Nhật, người Pháp. Ngay cả khi cô bỏ nhà đi, chị vẫn chạy theo hỏi người tìm cô về. Khi cô không chỗ dung thân, lại về với chị, để chị nuôi không.
Từ nhỏ cô chỉ biết oán hận số mệnh nghiệt ngã với mình. Sau này cô lại oán hận chị vì một người đàn ông. Cô đã làm được gì cho chị mình? Cô coi lòng tốt và sự che chở là nghĩa vụ của chị với cô. Sự bao bọc, dung túng của chị dành cho cô như thể là một điều rất hiển nhiên trên đời, cô không có trách nhiệm phải báo đáp, thậm chí còn chỉ trích, dày xéo và phản bội lại. Cô còn là con người nữa không, hay là ma quỉ?

Ánh nắng ban mai cuối thu nhẹ nhàng đi qua khung cửa, soi lên gương mặt tái nhợt của cô gái đang nằm trong một tư thế khó nhọc. Cô hé mắt tỉnh dậy, quệt đi mấy giọt nước mắt còn vương trên má và bọng mắt thâm quầng. Cô rửa mặt, chải đầu, chỉnh lại quần áo, nhìn quanh căn nhà một lượt. Cô biết mình cần phải làm gì rồi. Cô khóa cửa đi ra đường, tới thẳng trụ sở lâm thời của chính quyền mới mà cô đã quen thuộc. Còn sớm quá, chưa có mấy người ra vào.
Cát đang ở trong phòng làm việc. Nhìn thấy cô đi vào, anh ngẩng đầu lên, khẽ nhíu mày:
“Sao em lại đến đây sớm thế?”
Cô nghiêm trang nhìn anh ấy:
“Em có chuyện cần nói với anh.”
Cô quay người đóng cửa lại. Nhìn anh ấy cau mày chặt hơn, cô đi thẳng đến trước mặt anh, nói một cách chân thành:
“Anh Cát, em cần phải nói với anh một chuyện.”
“Nếu không phải là việc cá nhân thì nói đi, anh nghe đây.”
Cô nhìn vào gương mặt điềm tĩnh đã trở lại vẻ thờ ơ của anh, cố lấy hết khí thế, dõng dạc nói:
“Xin anh hãy giúp chị em!”
Gương mặt Cát không thay đổi, lãnh đạm hỏi lại:
“Có chuyện gì? Phải nói chi tiết thì anh mới biết có giúp được gì không chứ.”
“Anh Cát, cách đây hơn hai năm, lúc chúng ta rời thành phố này lên Bắc Sơn, em đã làm một việc rất sai lầm. Em đã để lộ tin tức chị em lấy trộm kế hoạch phòng thủ sân bay cho trưởng ty Mật thám Pierre lúc đó, khiến chị em và bác sĩ Kiên bị bắt. Em cũng mới biết, anh Kiên đã bị bọn Pháp giết chết, còn chị em bị tra tấn thành điên dại. Chị em đang ở làng Phao, bị người làng coi là Việt gian nên hắt hủi. Em muốn chị em được minh oan, rằng chị em chính là người đã giúp đỡ Việt Minh, giúp đỡ cách mạng. Mọi tội lỗi, em xin toàn toàn chịu trách nhiệm.”
Cát trầm ngâm một lúc rồi nhìn thẳng vào mắt cô, ôn tồn nói:
“Việc bác sĩ Kiên bị bắt không phải do em. Đúng ra, đó là một kế hoạch của người Pháp và người Nhật. Người của chúng ta đã điều tra kỹ rồi. Không có em thì anh ấy cũng vẫn bị bắt, chị em không may bị kéo vào, nên đừng cảm thấy áp lực về chuyện này. Hoàn cảnh bây giờ rất gian nan. Chính quyền mới còn rất nhiều ưu tiên để ổn định nền móng trong dân. Việc xử lý Việt gian, bán nước chưa được đề cập đến, mà vấn đề đoàn kết, củng cố niềm tin trong toàn dân, đương đầu với cả bầy quân xâm lược vẫn đang ngang nhiên dẫm lên mảnh đất này mới là quan trọng hàng đầu. Chúng ta giờ không có Việt gian hay bán nước, mà chỉ có người Việt Nam và lũ xâm lược thôi. Chị em là người Việt Nam, nên được chính quyền đối xử bình đẳng như tất cả những công dân Việt Nam khác.”
“Nhưng em nghe kể, chị em bị người làng xa lánh, hắt hủi, gọi là Việt gian, là kẻ bán nước. Đó không phải là sự thật. Chị em đã giúp đỡ bác sĩ Kiên, giúp đỡ Việt Minh. Em muốn chị mình được minh oan.”
“Anh đã nói bây giờ không có Việt gian, nên không có chuyện minh oan cho Việt gian. Em biết đấy, anh vừa nói với em về hoàn cảnh của chính quyền mới. Em là người được học hành, chắc chắn hiểu được. Còn chuyện em nghe kể, đó có phải là sự thật không? Em đã về làng Phao gặp chị mình chưa? Ai là người phán xử chị em là Việt gian? Hay đó chỉ là chiêu bài công kích gây hoang mang trong dân chúng của những người chưa tin tưởng chính quyền mới?”
“Nếu em tìm hiểu được tất cả những chuyện này, và nếu chuyện đó là sự thật, anh sẽ minh oan cho chị em chứ?”
“Khi nào chính quyền kết tội chị em là tay sai, bán nước, mới cần minh oan. Còn giờ chính quyền chưa làm gì cả, nên sẽ không cần làm việc đó.”
“Tại sao lại thế? Rõ ràng chị em có thể là người của Việt Minh cơ mà, sao có thể để người ta gọi là kẻ bán nước được? Anh biết điều này rõ hơn cả em mà, sao anh không giúp chị ấy? Không phải anh từng thích chị ấy sao?”
“Không được để tình cảm cá nhân xen vào việc công. Anh đứng trên quan điểm pháp luật để nói chuyện. Còn về việc chị em có phải là người của Việt Minh hay không, từ trước đến giờ chưa đồng chí nào ở trụ sở Hải Phòng nhắc tới hay tài liệu nào ghi lại. Nếu có người đứng ra xác nhận và bảo đảm, thân phận trong tổ chức của chị em sẽ được khôi phục. Em không thể dựa vào cảm tính để đoán mò.”
“Ai có thể làm chứng đây? Làm chứng kiểu gì? Chị em ngày ngày đi với một đám sĩ quan Pháp, Nhật, ăn mặc xa hoa, qua lại chốn ăn chơi. Có lẽ người duy nhất biết sự thật chỉ có bác sĩ Kiên. Nhưng anh ấy chết rồi. Thế này thì chị em sẽ phải cả đời chịu mang tiếng oan uổng sao? Anh có thể minh oan cho chị ấy mà? Anh có quyền, có thế, có uy tín lớn. Anh nói gì người ta sẽ nghe ngay. Anh nói pháp luật, nhưng nhà nước mới dựng lên chưa đầy hai tháng, làm gì đã có pháp luật mà tuân thủ.”
“Em càng nói càng hồ đồ. Chúng ta đổ máu giành được chính quyền và lòng tin của dân, không được lấy uy tín và quyền lực ra làm bậy. Pháp luật chưa có rồi sẽ có. Nhưng không phải vì thế mà lạm dụng lòng tin của nhân dân. Có một lần hồ đồ sẽ có lần khác. Chỉ cần một lần thôi cũng đủ để làm mất đi sự công chính của chính quyền. Còn chuyện xác minh thân phận của chị em, để sau này có thời gian, anh sẽ liên hệ tìm hiểu thêm. Nếu không còn gì nữa thì em ra ngoài đi, để anh làm việc.”
Lân nước mắt lưng tròng, xót xa nhìn người đàn ông nghiêm túc, lãnh đạm đang đứng lên cầm tập giấy tờ trước mặt. Cô chạy tới ôm lấy anh ấy, gục đầu vào lòng anh ấy nức nở.
“Em không đi, không đi! Chuyện này chỉ có anh giúp được. Anh hãy làm chứng cho chị em, hãy minh oan giúp chị em. Chị em là người của Việt Minh, chị em không phải là kẻ bán nước. Em xin anh đấy!”
“Đừng không hiểu chuyện như thế! Ra ngoài đi, anh còn làm việc!”
“Bây giờ còn sáng sớm, chưa đến giờ làm việc. Em xin anh đấy!”
“Phụng sự nhân dân thì giờ nào cũng phải làm việc.”
“Đây cũng là việc phụng sự nhân dân mà. Chị em cũng là một người dân. Em xin anh! Xin anh đứng ra làm chứng minh oan cho chị em. Em cầu xin anh mà!”
“Anh đã nói rồi! Anh không có bằng chứng gì, cũng không biết gì về việc chị em có làm việc cho Việt Minh hay không, nên không thể làm chứng được. Sau này anh sẽ tìm hiểu. Anh không chấp nhận những việc khuất tất. Còn trước mắt có rất nhiều chuyện quan trọng anh cần làm. Em thật khác xa chị em. Lúc nào cũng hấp tấp, hời hợt thế này, bao giờ mới chín chắn lên được đây?”
Lân kinh ngạc buông tay khỏi người Cát, bực bội đứng lên.
“Cuối cùng anh có yêu em không? Có từng yêu chị em không? Đây là cách anh đối xử với người mình yêu phải không? Anh thật tàn nhẫn.”
“Hồ đồ.” Nói rồi Cát chỉ tay ra ngoài cửa, quát lên: “Ra ngoài!”
Lân sững người, trừng mắt, tát ngay Cát một cái, rồi lấy tay quệt nước mắt.
“Tôi hiểu ra rồi. Anh chưa bao giờ yêu tôi. Anh cho rằng sẽ tìm được hình ảnh của chị tôi qua tôi. Nhưng thật ra tôi chẳng hề giống một chút nào với chị ấy, bất kể nhan sắc hay tính tình. Tôi cũng nói cho anh biết thêm, anh chẳng yêu chị ấy nhiều như anh tưởng đâu. Anh yêu lý tưởng của anh, yêu đất nước của anh, yêu quyền lực của anh. Tình yêu và người phụ nữ của anh chưa bao giờ cao hơn so với mấy thứ đó. Thế thì cứ đi mà sống với lý tưởng và quyền lực của anh đi.”
Cô gái vùng chạy ra khỏi cửa.
Nhìn nắng nhàn nhạt chiếu xuyên qua cánh cửa mở toang, người đàn ông trong phòng thở dài ngồi xuống ghế. Anh thẫn thờ một lúc, rồi lấy một điếu thuốc ra. Tay kia với hộp quẹt, run run châm lửa. Cô ấy bị điên thật sao? Hình bóng yêu kiều bị anh cố đè nén sâu tận đáy lòng giờ lại hiện ra khiến anh khắc khoải.
*
*   *
“Xuống đây thôi thưa cô! Nói thật với chút tiền đấy, tôi đưa tới tận đoạn này là làm phúc cho cô lắm rồi. Giờ quay về, tôi lại phải mò mẫm tìm đường chứ chẳng chơi đâu.”
Nắng hanh nhạt nhẽo phả trong không khí khô khốc. Người kéo xe mồ hôi nhễ nhại, nhìn bầu trời cuối thu xám nhạt đã ngả về chiều, rồi nhìn cô gái trẻ đang ngó nghiêng trên xe kéo. Sau khi nhận ra ngã ba đường này có điểm quen thuộc và biển chỉ dẫn xiêu vẹo, cô vội xuống xe, cảm ơn bác tài.
“Cám ơn bác đã giúp đỡ. Bác đi mạnh giỏi nhé.”
Cô nhìn chiếc xe kéo quay ngược lại và khuất dần sau lùm cây bên góc rẽ. Rồi lại nhìn về còn đường đang hẹp dần phía trước. Thấy một nhóm nông dân mang cào, cuốc đi qua, cô chạy theo hỏi:
“Các bác cho cháu hỏi, đường về làng Phao đi lối này phải không?”
Mấy người quay lại nhìn. Thấy cô ăn mặc sạch sẽ, áo bà ba hoa trắng xanh, quần thụng, tay xách một cái túi da rất đẹp đựng đồ chật căng, họ thì thầm với nhau to nhỏ, đoán chắc là người nơi khác tới làm ăn hoặc tìm người quen, rồi một người chỉ tay về ngã rẽ bên kia và bảo:
“Đi thẳng lối đó. Chừng hai mươi cây nữa mới tới nơi. Có cây đa ở bên một cái giếng cổ thì rẽ phải nhé. Làng Phao ở đó đấy.”
Cô gái gật đầu lia lịa cảm ơn, rồi thẳng hướng đó mà đi.
Đó chính là Lân. Buổi sáng vừa chạy từ chỗ Cát về, cô vội thay đồ, thu dọn quần áo và tư trang, qua nhà chị gái, lấy thêm ít đồ nữa cho chị, nhét đầy chiếc túi to chị hay dùng đi chơi với đám nhà binh, sau đó cô tìm xe kéo đi về làng. Cô nghĩ, nếu không nhờ được Cát, thì bản thân cô phải có trách nhiệm bảo vệ, minh oan cho chị mình. Chị ra nông nỗi ngày hôm nay chính là do cô gây ra. Chị cô đã chăm sóc cô đủ nhiều rồi, giờ đến lượt cô chăm sóc chị ấy. Cô phải về làng tìm chị. Nếu ở làng không kiếm sống nuôi chị được, cô sẽ đưa chị lên thành phố. Cô quyết tâm bằng mọi giá phải kiếm tiền nuôi chị suốt đời.
Khi nhìn thấy cây đa bên cái giếng quen thuộc đã là xẩm tối. Quần áo cô ướt đẫm mồ hôi. Tóc đã bết lại. Cô ngồi xuống bên gốc đa thở hồng hộc, chân tay đều tê rần. Đã mười năm không trở về làng, nhưng nơi này hầu như chẳng có gì thay đổi.
Lân ngồi được một lúc, có bóng người dắt trâu từ xa đi lại. Xa xa có lẽ còn vài bóng người nữa, chắc đều đi chăn trâu hay làm đồng về. Người đó ngó nghiêng trong ánh sáng lờ mờ, cố nhìn kỹ người con gái đang ngồi tựa vào thân cây đa. Kiểu ăn mặc này hẳn là gái thành phố. Ai vậy nhỉ? Bình thấy mặt có nét quen quen, nhưng vẫn không nhớ nổi là ai. Bình buộc trâu vào gốc cây bên giếng nước, rồi lại gần gốc đa. Cô gái trẻ cũng ngước mặt lên nhìn. Dáng vẻ cô khá thanh tú, dù hơi mệt mỏi. Bình cất giọng:
“Cô là…? Cô từ đâu tới? Đến đây hay đi đâu?”
Lân đứng dậy, đã đỡ mệt nên cất giọng thoải mái hơn:
“Tôi là người làng Phao. Tôi về làng tìm chị tôi.”
“Người làng Phao chúng tôi sao? Trông cô không giống người làng tẹo nào. Cô là ai? Chị cô là ai?”
“Tôi đúng là người làng này mà. Chị tôi là Lan. Tôi là Lân. Chúng tôi đều lên thành phố sống một thời gian, nên có thể chị quên mất.”
Bình vừa nghe nhắc tới cái tên Lan và Lân, mắt sáng ra. Hóa ra là con bé gầy tong teo như cóc ghẻ ngày xưa đây mà. Sao bây giờ lại xinh xắn thế này? Hết chị lại đến em. Bình hừ một tiếng.
“Hóa ra là chị em nhà Việt gian. Bị Việt Minh đuổi đi, nên về làng tìm đàn ông hả?”
“Chị vừa nói gì?” Gương mặt Lân đanh lại. Cô xông thẳng tới trước mặt người phụ nữ kia. Nhưng trong bóng tối lờ mờ, người phụ nữ dáng vẻ sồ sề đeo khăn đội nón che kín mặt, cô không nhận ra được đó là ai. “Chị mà mở mồm ra nói mấy lời thiếu suy nghĩ đó, tôi sẽ cho chị một bài học. Đừng tưởng là người làng mà tôi bỏ qua cho đâu.”
“A, con này láo. Mới nứt mắt theo Tây chục năm mà đã về làng lớn tiếng với cả đàn chị. Ngày xưa còn bám quần tao lên thành phố ăn xin, thế mà quay ngoắt lại đã quên ơn quên nghĩa. Mày theo thằng Tây thì không theo luôn đi, giờ mày về làng thì không bằng con chó đâu. Mày biết không, chị mày cũng là hạng bám vào đàn ông mà sống, mà giờ thì thế nào? Đầu óc thì lẩn thẩn, suốt ngày nửa điên nửa dại ôm cái bia mộ tưởng là đàn ông của mình. Số phận của đứa bán nước rốt cục cũng chỉ đến thế thôi.”
Người con gái trẻ giơ tay tát bốp vào người phụ nữ trước mặt.
“Chị Bình phải không? Tôi đã cảnh cáo chị rồi. Dám đặt điều vu oan, nhục mạ chị tôi, tôi sẽ cho chị biết tay. Tôi chả cần quan tâm chị có bao nhiêu ơn nghĩa. Nhớ đấy!”
Bình sau khi bị cái tát bất ngờ đau điếng, làm sao cô ta có thể chịu đựng được. Cô ta tháo nón ra quăng ngay về phía Lân, rồi nhảy xổ vào túm lấy định tát cô.
“Con ranh con, mày chân ướt chân ráo về đây mà dám xưng vương xưng tướng với ai. Đừng tưởng có tí tiền và tí nhan sắc là lên mặt dạy đời. Tao phải cho mày một trận, xem mày còn nhan sắc mà tí tởn không.”
Hiển nhiên cô gái trẻ cũng không hề chịu thua kém. Làm sao cô có thể để một bà nông dân xồ sề đánh lại được. Hai người phụ nữ túm tóc, kéo tay nhau. Bình dẫm chân thật mạnh rồi huých vào bụng Lân. Còn Lân sau khi vừa khó khăn tránh được, giằng co một lúc trong bóng tối chạng vạng, thấy chị ta đuối sức, cô giơ chân đạp thẳng vào bụng chị ta. Bình bị bất ngờ đau điếng, buông tay ra ngã lăn về phía cái giếng. Rồi như có linh tính, cô ta lấy tay sờ đũng quần, thấy một chất lỏng sền sệt chảy ra, tanh hôi, thấm qua tay, cô ta rên rỉ:
“Trời ơi, con tôi! Con tôi!”
Lân trố mắt, không hiểu chuyện gì. Cùng lúc đó, mấy người trong làng dắt trâu, vác cuốc đi tới, thấy hai cô ở đó nên nhìn lại. Bình lấy hết sức, rướn người, kêu toáng lên:
“Các bác các chú ơi, con Việt gian kia nó giết con cháu rồi! Nó giết con cháu rồi! Cứu cháu với! Cháu chết mất! Con Việt gian kia… ! Ôi con cháu!”
Mọi người chạy xô tới. Ba bốn người lại đỡ chị ta, còn mấy người đàn ông vác cuốc hùng hổ tới vây quanh Lân. Lân sợ quá, khua tay loạn xạ:
“Không phải! Không phải! Chị ta chửi cháu! Chị ta chửi chị cháu! Là chị ta sai! Chị ta lao vào đánh cháu! Đá cháu! Cháu cũng là người làng mà! Chị ta đã chửi chị em cháu!”
Mấy người đàn ông ngơ ngác nhìn nhau. Nhưng trước khi kịp ngất đi, Bình vẫn còn kịp thét lên một hơi cuối:
“Nó là đứa phản động, bán nước. Nó và chị nó ngủ với Tây. Giờ nó lại mò về làng tìm đàn ông đấy. Nó đã giết con cháu. Hãy trả thù cho cháu với! Đánh chết nó đi, bà con!”
Rồi chị ta lăn ra xỉu vì mất nhiều máu quá. Mấy người quanh đó hốt hoảng hét lên như chết người “Ngất rồi!”, “Chết rồi!”, “Chết người rồi, bà con ơi!”… Chỉ hơn chục con người đã làm ra một cảnh tượng loạn thất bát nháo.
Lân sợ quá, quay đầu bỏ chạy về làng. Một người ngẩng đầu lên, phát hiện ra, hô to lên:
“Bà con ơi, đứa giết người chạy trốn rồi kìa! Bắt lấy nó! Bắt lấy nó! Bắt đứa giết người!”
Đám dân làng đứng đó chỉ để lại hai phụ nữ và một đàn ông nâng Bình về nhà, còn lại vác cuốc đuổi theo Lân.
Lân chạy thẳng vào làng, nhảy vào nhà ông Đệ có vườn cây giữa làng, vượt qua mấy luống rau xơ xác, thấy một bụi cây gai, núp tạm vào đó. Đám người làng chẳng mấy chốc đã tới nơi. Trời tháng mười, bóng tối sập xuống rất nhanh. Họ không còn nhìn thấy đường nữa. Họ hô hào dân làng đốt lửa tìm kẻ giết người. Một lúc sau đuốc đã lập lòe thắp lên. Đàn ông trai tráng kêu gào, hò hét phân công nhau lùng từng nhà, bắt đầu từ đầu làng. Lân nóng ruột, thế này phải về tìm chị, rồi thật nhanh đưa chị lên thành phố thôi.
Cô mon men dò dẫm đi ngược lại hướng đám đuốc đang tiến lại gần. Dựa theo trí nhớ, một lúc cũng lần mò được tới căn nhà ọp ẹp gia đình cô ở ngày xưa.
“Chị! Chị! Chị ơi!” Lân khẽ gọi. Không thấy ai trả lời. Cô lục túi, tìm một lúc, lấy ra chiếc bật lửa. Trong ánh lửa nhỏ, nhà trống không, cửa mở toang. Chị không có ở đây. Chị ở đâu được nhỉ? Đúng lúc đó có tiếng người tri hô:
“Nhà cô điên! Có ánh lửa! Cô điên đang ở bãi tha ma. Chắc là tên giết người đang trốn ở đó rồi. Bà con, bắt lấy nó!”
Lân sợ hãi quẳng luôn bật lửa xuống đất, không kịp nhặt túi, chạy thục mạng ra theo hướng bãi tha ma cuối làng. Một đoàn người và đuốc đuổi theo sau ầm ầm tri hô. Đến khu bãi tha ma không dễ tìm người. Mọi người đều chừng hững nhìn nhau một lúc. Nơi này đối mặt với biển, gió đêm hú như xay thóc, mả lớn mả nhỏ nối tiếp nhau với hàng đống ao và bãi lau sậy cao hơn đầu người, đầy rắn rết. Mấy người đàn ông bàn bạc một lúc rồi chia ra ba hướng, dò dẫm đi tìm người.
Lân đã chạy xa một đoạn phía trên. Cô gồng mình bì bõm lội qua bãi sậy. Lá cỏ cứa vào mặt cô chảy cả máu. Cô vừa nén khóc, vừa kéo lê mình qua mấy ngôi mả nát. Đây hẳn là giữa bãi tha ma. Chỗ có nhiều mả nát nhất. Không ai trong làng này quen thuộc với bãi tha ma hơn hai chị em cô. Từ bé xíu, họ toàn phải chạy trốn những trận đòn roi của bố vào đây, có lần phải ngủ bên mấy ngôi mả đến cả tuần. Chị ở bãi tha ma sao? Chị ở chỗ nào? Chẳng nhẽ chị cũng giống cô bây giờ, bị người làng xua đuổi phải lang thang vất vưởng quanh mấy ngôi mả? Cô không cầm được nước mắt, khóc nấc lên.
Bỗng có tiếng thét lên:
“Nhìn thấy rồi! Tên giết người ở đằng kia!”
Một đoàn đuốc chạy về hướng cô đứng. Trời tháng mười trong veo, không trăng cũng không sao, nhưng dân làng đều rất tinh mắt. Lân lại chạy thục mạng, vọt xuống bãi lau sậy trước mặt. Hình như cô chạm phải cánh tay ai đó khẳng khiu, mềm mềm. Cô định nắm lấy, nhưng nó lại hất cô xuống bãi sậy. Có lẽ ai đó muốn chặn đường giúp cô. Lân dùng hết sức lách qua đám sậy và sình lầy rộng lớn. Cuối thu đầu đông mà sình lầy vẫn chưa khô hết. Cô gần như phải bò bằng cả bốn chi, ngụp lặn dưới bãi sình. Gió thổi hướng mạn. Đây chắc là bên phải của bãi tha ma. Đi qua đầm lầy lau sậy giáp ranh là tới một cảng cá nhỏ. Cô vừa bước lên dải đất ven bờ, chuẩn bị đi xuống đầm lau sậy giáp ranh, chợt thấy một cánh tay giữ chặt mình.
“Ai?”
“Là cô à?”
“Chị Na? Sao chị ở đây?”
“Tôi cũng muốn hỏi cô sao lại ở đây. Đám đuốc kia tìm cô à? Thật không đấy?”
“Tôi bị bọn họ đuổi bắt. Tôi phải chạy trốn đã.” Lân ngó nhìn đám đuốc đã tụ lại đông đảo cùng tiếng hò hét ầm ầm, một số đang tiến về phía cô đứng. Cô định lao xuống, nhưng Na túm chặt lấy cô.
“Chỉ cho tôi chỗ cảng cá Kỳ Lân. Tôi sẽ cho cô trốn cùng.”
“Đi xuống đây. Theo tôi. Mau lên.”
Hai người phụ nữ bì bõm lội xuống bãi lau sậy. Có chỗ bùn ngập tới cổ họ, không thể nào nhúc nhích người nổi nếu không bám vào thân sậy, dùng sức đu lên. Không hiểu sức mạnh nào khiến họ vượt qua được cánh đồng lau lớn kinh người đó. Đám người đuổi phía sau không dám xuống. Nhưng vài người trong số đó đã đoán ra hướng đi của hai cô gái.
“Đi vòng lại, chạy tới cảng cá. Nhanh lên. Bọn chúng tới cảng cá. Rồi tẩu thoát bằng thuyền đấy.”
Đám người hò hét quay lại bãi tha ma, vòng lại đầu làng, chạy tới chỗ cây đa, thẳng ra đường cái, quanh quanh mấy khúc mới chạy tới cảng cá. Quãng đường hơn năm cây số, mất hơn ba mươi phút do phải lò dò lội qua bãi tha ma. Nhưng người ở cảng cá bảo, có hai cô gái đầy bùn đất đã lên một chiếc thuyền to nhất ở đây, thuyền của một thương lái người Nhật. Nó chạy từ hai mươi phút trước rồi. Quanh đây còn toàn thuyền nhỏ của ngư dân. Giờ không biết đi hướng nào thì đuổi theo cũng không kịp. Đám người tiếc hận, vác đuốc, vác gậy gộc quay về làng.

Trên tàu, hai cô gái nằm vật ra boong. Đám thủy thủ bận rộn chỉnh hướng qua lại trước mặt, mặc kệ hai cái bóng đen ngòm đầy bùn, chỉ còn trơ hai con mắt đang mở to, thở dốc nhìn họ.
“Yên tâm, chủ tàu từng là khách quen của tôi. Ông ta rất thích tôi. Tôi đã đưa đủ tiền cho cả hai ta rồi.”
“Chúng ta đi đâu thế?”
“Không biết. Hồng Kông. Nhật Bản. Bất cứ đâu không có người nhận ra tôi là được.”
“Chị nói gì?” Một cái bóng nhổm phắt dậy, hét lên kinh hoàng. “Trời! Sao chị không nói trước cho tôi biết? Tôi phải quay về. Chị tôi còn ở làng. Tôi có nghĩa vụ phải chăm sóc chị ấy suốt đời.”
“Thôi đi! Ngu xuẩn nó vừa thôi. Chị cô nửa điên nửa dại họ mới để nó bình an sống qua ngày ở đó. Còn cô mà về, họ lại càng có cớ để hành hạ cả hai người. Thân cô khi đó còn không xong, làm sao mà lo cho chị cô được?”
“Tôi… tôi muốn đưa chị tôi lên thành phố. Sao lại thành thế này?” Lân bắt đầu nghẹn ngào khóc không ra tiếng.
“Đủ rồi. Bao nhiêu tuổi mà vẫn không biết nghĩ. Cô đưa chị cô lên phố thì sao? Cô đi làm, có cuộc sống riêng của cô. Còn chị cô? Cô định giam nó trong bốn bức tường, cho nó điên loạn nặng hơn, rồi chết rục chết mòn trong cô độc hả? Chị cô ở lại làng là hợp lý nhất. Được người làng để cho sống yên ổn. Được chạy loạn khắp nơi không lo gặp nguy hiểm. Được ông già Phúc chăm lo. Được ngắm biển. Được ở bên chăm sóc bác sĩ Kiên, người nó yêu. Cô không biết chứ, từ ngày nó về làng, chưa bao giờ tôi thấy nó vui vẻ, hân hoan như thế.”
“Nhưng tôi thấy rất có lỗi với chị tôi. Tôi…”
“Tôi hiểu tâm trạng của cô. Nhưng đối với Lan, ở lại làng là tốt nhất. Còn cô, hãy lo cho thân mình đi. Chỉ cần cô không làm phiền cuộc sống của chị cô, tự lo được cho thân mình là chị cô mãn nguyện lắm rồi. Ra khỏi con tàu này, chúng ta sẽ có cuộc sống hoàn toàn mới.”
Lân khóc nấc lên, nghẹn ngào nhìn về dải đất phía tây bắc trong bóng đêm. Na cũng run rẩy vỗ vỗ một bên vai cô. Thực ra Na cũng đang khóc.

Cả hai cô gái đều không hề biết rằng, trong lúc họ mải chạy trốn, cô gái điên đứng trên chòi canh nhìn thấy những ngọn đuốc tiến về phía mình, đã chạy vọt ra, bất chấp tiếng gọi của ông già Phúc đang tắt đèn chuẩn bị đi ngủ:
“Này, cẩn thận đấy! Đừng lại gần đám đông! Nhớ về nhà ngủ đi đấy nhé!”
Cô cười hề hề gật gật đầu, lò dò đi xuống cầu thang, nghếch mắt nhìn đám đông đang tỏa ra ba hướng dọc bãi tha ma. Khi ngó nghiêng về phía nam, cô thấy một bóng đen lấp ló từ rất xa. Như có linh tính mách bảo, cô lao người về hướng đó. Lại gần, thấy bóng dáng đó vô cùng quen thuộc, cô thấy đau nhói trong lòng. Lại nhìn thấy đám đuốc đang ào ạt xô tới, cô vội đẩy cái bóng đó xuống bãi sậy phía rìa ngoài. Còn bản thân cô nhổ lấy thanh sào đánh dấu mốc của ông già Phúc lên làm gậy. Khi mấy người ập đến, cô vung gậy đập thẳng vào mấy cây đuốc, cố làm chúng tắt ngấm. Đám người hung dữ chửi bới, xô đẩy cô ngã dúi dụi “Đứa nào thế? Đứa thần kinh nào thế? Tại sao lại dập đuốc? Định cản đường à?”
Sau đó lại tới lớp người mang đuốc thứ hai kéo tới, thấy xô đẩy một bóng người, tưởng là kẻ giết người, họ vung gậy hô vang trời “Kẻ giết người đấy!”, “Bắt lấy nó!”, “Đánh chết nó đi!” Họ vung gậy đập tới tấp vào cái bóng. Nó quằn quại rên rỉ rồi không nhấc đầu dậy nổi nữa. Một người phía trước hét lên:
“Nhìn thấy rồi! Tên giết người ở đằng kia!”
Lúc đó đám người mới dừng tay, lao theo bóng người trên dải đất rìa bãi tha ma. Nhưng vẫn có tiếng con trai nán lại băn khoăn vang lên:
“Thế chúng ta vừa đánh ai đấy? Có chết người không?”
Một người cầm đuốc gí lại gần người bị đánh, lật gương mặt bù xù bết máu lên:
“Con bé điên đấy! Thôi kệ nó. Đuổi theo người giết vợ cậu đi, Du!”
Người thanh niên tên Du do dự:
“Lan đấy. Nhỡ cô ấy… ừm… chết thì sao?”
“Thôi đi, dù sao nó sống cũng như chết mà thôi, có khi chết đi lại thanh thản hơn ấy chứ. Du đi tìm kẻ giết người đi. Liên về làng xem Bình thế nào đây.”
Du ậm ừ gật đầu vác gậy chạy xuống bãi sậy. Còn Liên không kịp nhìn cô gái be bét máu lăn trên đất thêm dù chỉ một lúc, nghe tiếng người gọi mình cuống quít đầu bãi tha, liền ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh về làng.