Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Những Thành Phố Bên Bờ Biển Cả - Cheryl Pham: Chương 16


16 – Xa Lánh


Làng Phao từ dạo đó có thêm một người điên. Cả làng xôn xao bàn tán, một đồn mười, mười đồn trăm. Cái làng nghèo nàn nhỏ bé bỗng chốc sôi động hẳn lên. Tất cả chỉ xoay quanh cô gái điên con ông Tình bà Lanh.
Người ta bảo rằng, tại cô ta quá đẹp, nên bị quan lớn về làng bắt lên phố, rồi ở phố khiến bao bà lớn tức đỏ mắt, đánh ghen đến hóa điên, lại bị tống về làng. Có người nói, cô ta làm bồ nhí cho các quan Tây, nhưng quan Tây bị Việt Minh tiêu diệt, cô vì tranh giành tiền bạc thừa kế mà hóa điên. Cũng có người cam đoan, cô ta làm ca nương ở Vạn Hoa viên – khu ăn chơi xa hoa nhất đất Hải Phòng, rồi câu được một sĩ quan Pháp; nhưng bản tính dâm đãng khó đổi, cô ta lại đi mồi chài một công tử nhà giàu khác; bị quan Pháp phát hiện, đánh cho đến phát điên phát dại rồi đuổi đi. Tứ khố vô thân, được người hảo tâm dang tay cứu giúp. Người hảo tâm đó là vị bác sĩ có tên Trần Trung Kiên nằm trong ngôi mộ trống cạnh cái nhà xiêu vẹo của cô ta. Hẳn người hảo tâm đã chết, nên bạn bè anh ta đưa cô về làng này và xây mộ theo ý nguyện của anh ta. Nhưng vài người trẻ tuổi lãng mạn không nghĩ vậy. Họ cho rằng, chắc phải có một câu chuyện tình yêu kinh thiên địa nghĩa giữa cô ca nương và vị bác sĩ. Nhưng tình cảm bị phản đối từ gia đình, bạn bè anh ta do chênh lệch địa vị quá lớn giữa hai người. Người đàn ông chán nản tự tử chết. Còn cô gái hóa điên.
Chỉ có một sự thật hiển nhiên không ai chối cãi. Cô gái điên ấy rất quấn quít bên ngôi mộ. Cô thường ngồi đó hát vu vơ, cười hềnh hệch, đi nhổ hoa dại về đặt lên mộ. Ai cho đồ ăn, cô đều để một nửa lên ngôi mộ đó. Cô sống một mình đơn độc trong ngôi nhà tồi tàn cạnh ngôi mộ, bữa đói bữa no. Đó là ngôi nhà của ông Tình, bà Lanh ở trước kia. Đó cũng là nơi bà Lanh nằm chết trên chiếc ổ rơm trong một mùa đông lạnh giá. Còn ông Tình, bố cô, đã ôm sạch số tiền người ta để lại cho cô, gói hết quần áo trong nhà rồi bỏ đi mất dạng ngay khi hai người lạ đưa cô về vừa lên ô tô rời đi. Kể từ đó, dân làng không ai nghe tin gì về ông ta nữa.
Dần dà tất cả người làng trở nên quen thuộc với cô gái có đôi mắt hạnh ngập nước, dáng người khô quắt, mặc bộ đồ bẩn thỉu nhàu nát, khắp người hôi hám. Mấy người cạnh nhà cô ban đầu còn sợ hãi, e dè, giờ cũng quát tháo, xua đuổi cô mỗi khi cô đứng trước cổng nhà mình. Thi thoảng thấy cô đói gục ở đường làng, người ta lại cho cô ít nước và đồ ăn. Lũ trẻ con hay tìm cô để trêu đùa. Tìm cô rất dễ. Hoặc cô ở bãi tha ma cuối làng, nơi có chòi canh của ông già Phúc - ông hay cho cô khi thì củ khoai, khi thì bắp ngô, lúc lại ít trái cây; hoặc cô ở bên ngôi mộ trống, lúc thẫn thờ, lúc hoan hỉ như chim sơn ca ríu rít ê a kể chuyện gì đó cho người ở chốn Hư vô. Có lần hàng xóm thấy cô ngủ gục mấy đêm bên ngôi mộ đó, họ sợ quá, ra kéo cô đem chôn, mới biết cô vẫn còn thở thoi thóp. Dân làng đều nghèo, đầu tắt mặt tối, ăn còn không đủ, nên cũng chẳng quản được no đói của một kẻ điên. Họ đành kệ, để cô tự sinh tự diệt.
Đến mùa hoa gạo nở năm đó, lại có một cặp đôi về làng. Cả hai đều hốc hác, nghèo khổ, ôm theo một đứa nhỏ vừa đầy tháng khóc oe oe không ngớt. Đó là Bình và Du năm nào lên thành phố làm công nhân. Sau khi đưa vợ con về làng, Du lại vội vàng lên phố tiếp tục hành trình kiếm tiền. Ở nhà được chừng hai tuần, Bình rủ Liên tò mò chạy qua nhà người điên. Nhận ra cô bạn thuở chăn trâu cắt cỏ, nhớ tới chuyện nghe kể ở thành phố, Bình bĩu môi nói với bạn:
“Ôi dào! Cứ tưởng là xinh đẹp, một phát lên làm phượng hoàng, thế mà giờ thê thảm thế này. Ngày xưa suốt ngày dính lấy Du nhà mình đấy. Sau này cô ta vẫn không đổi tính. Cô ta bám theo lũ giặc Pháp giặc Nhật, gây họa cho bao người dân chúng ta. Bị như thế này là quả báo đấy. Đáng đời!”
Liên ở bên cạnh trố mắt:
“Trời, tưởng lên đó làm công nhân hay ca nương gì mà? Hóa ra là đi làm Việt gian. Đúng là quân bán nước. Thèm tiền, thèm đàn ông đến mờ mắt rồi.”
Lại mấy bà, mấy chị đi qua, câu qua câu lại rôm rả. Chả mấy chốc, từ trẻ đến già trong làng đều biết cô gái điên kia là Việt gian, là kẻ bán nước. Thậm chí chả mấy người ở cái làng xa xôi, nghèo rớt mùng tơi này biết ‘Việt gian’ là gì, ‘bán nước’ là gì, trừ vài người trẻ tuổi từng lên phố làm công nhân. Nhưng họ lờ mờ hiểu rằng, đó hẳn là thứ xấu xa, vô đạo đức, không đáng được chấp nhận. Lũ trẻ dùng đá và gốc rạ ném cô gái điên. Người già lấy tay xua cô đi như dịch bệnh. Thế là cô chỉ còn biết tìm đến chòi canh ở bãi tha ma cuối làng xin đồ ăn.

Đến mùa thu khi sen sắp tàn, hai người khách lạ đưa cô gái điên về làng lại tới. Đó là Giang Bình và Na. Hai người đi vào nhà, không thấy Lan đâu. Ra ngoài nhìn, ngôi mộ quần áo của bác sĩ Kiên chất đầy hoa tươi, hoa héo lẫn lộn. Còn ít ngô, khoai, cơm nắm, mấy con tôm, con cá đã mốc meo xanh đỏ. Hẳn cô ấy rất quan tâm tới bác sĩ Kiên. Hai người hỏi mấy hàng xóm đang đứng cạnh ô tô tò mò nhòm họ:
“Các bác có biết cô Lan đi đâu không?”
Một đứa trẻ rách rưới đang nhìn cái ô tô, nghe thấy thế liền ngẩng đầu lên nhanh nhảu:
“Bà điên… Việt gian à? Bà điên đang ở bãi tha ma, chỗ chòi ông Phúc đấy!”
Na nghe thấy vậy, trở nên tức tối:
“Việt gian cái gì? Đứa nào bảo con bé là Việt gian thế? Một lũ táng tận lương tâm. Không thấy nó đã thành thế kia rồi, còn nỡ vu oan giá họa cho người ta. Còn đáng làm người không?”
Giang Bình kéo tay Na ý bảo thôi, nhưng cô không chịu. Na tay chống nạnh, hướng về phía đám người quát to:
“Đừng để tôi nghe thấy các người nói con bé là Việt gian. Tôi không tha cho các người đâu. Các người đã làm được gì hơn nó chưa mà xúc phạm, chửi bới nó thế hả? Mà nó đã làm các người mất tay chân, mất đấu gạo nào chưa? Đi mà lo cho cái mạng của các người đi, đừng có rảnh rỗi lại đơm đặt chuyện, nói xấu cả một người nửa sống nửa chết như thế. Lương tâm các người để cho chó ăn rồi hả? Tôi mà còn nghe thấy ai nói con bé như thế, tôi sẽ cho người về đốt cả làng. Các người tưởng mình là ai chứ?”
Giang Bình đành lôi mạnh tay Na đi qua đám đông tụ tập trước cổng nhà Lan, nhét cô vào ô tô. Chiếc xe thong thả rẽ đám đông đang hoang mang, hướng phía cuối làng đi tới. Họ nhanh chóng tìm thấy chòi ông già Phúc. Lan đang lơ đãng ngồi trên mép chòi, đong đưa chân ngắm biển phía xa, ánh mắt dãn ra mơ màng.
Chiều hôm đó, ông già Phúc đãi họ bữa cơm rau dưa với ít ngao mò được buổi sáng, rồi ngồi kể cho hai khách lạ nghe những chuyện ông biết về cô gái điên từ người làng. Nghe đến chuyện bố cô đã mang hết tiền bỏ đi ngay hôm cô được họ đưa về, cả Giang Bình và Na đều vô cùng phẫn nộ. Na cầm tay cô gái đang cười hề hề mà nước mắt tuôn như mưa. Trước khi lên đường, Na thay quần áo, tắm rửa cho Lan. Còn Giang Bình để lại cho ông già Phúc một ít tiền và đồ dùng, thuốc men, nhờ ông chăm sóc, quan tâm tới cô.
“Đừng lo, tôi là bạn thân của ông ngoại con bé. Nhìn mẹ con nhà nó nheo nhóc, bệnh tật mà lớn lên, rồi chết đi, tôi cũng đau lòng lắm. Nếu có cái ăn, tôi cũng không để con bé chết đói đâu. Tôi bây giờ sống một mình, con cháu cũng tha phương cầu thực hết rồi. Tôi coi con bé như con cháu của mình thôi.”
Ông già mắt đã mờ đục, bàn tay nhăn nheo xoa đầu cô gái đang cười ngây ngô trước mặt. Giang Bình và Na yên tâm rời đi.
Cuối mùa đông năm ấy, hai người bọn họ lại đến thăm Lan một lần nữa, mang cho cô ít áo rét và đồ ăn.
Đó cũng là lần cuối cùng những con người này được yên bình nắm tay nhau rơi lệ. Sang năm sau, năm 1945, một sự kiện lịch sử to lớn đã xảy ra, thay đổi số phận của rất nhiều người trong số họ. (13)
(13) Tháng 3/1945, Nhật lâm vào tình thế nguy ngập trên chiến trường Thái Bình Dương. Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương, tuyên bố trao trả độc lập cho các xứ Đông Dương. Ngày 11/3/1945, Bảo Đại tuyên cáo Việt Nam độc lập, tuyên bố chủ quyền, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Mùa hè 1945, quân đội Xô Viết liên tiếp đập tan Hitler khắp nước Nga, đánh dấu bước ngoặt căn bản của chiến tranh. Nước Đức đầu hàng ngày 8/5/1945, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc tại châu Âu. Ngày 15/8/1945 Nhật đầu hàng đồng minh. Chiến tranh thế giới chính thức chấm dứt tại châu Á. Việt Minh và các đoàn thể công nông đã vạch ra kế hoạch khởi nghĩa vũ trang, giành lại chính quyền – cuộc Cách mạng tháng Tám 1945. Ngày 24/8/1945, Bảo Đại thoái vị để “không phải là một trở ngại cho sự giải phóng của đất nước”. Hơn 1000 năm phong kiến Việt Nam chính thức chấm dứt. Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Với danh nghĩa Đồng minh giải giáp quân Nhật, ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng vào đóng từ vĩ tuyến 16 đến biên giới Việt – Trung tìm mọi cách lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ; ở miền Nam, quân đội Anh tiến vào, giúp Pháp quay lại xâm lược Việt Nam. Ngày 23/9/1945, Pháp tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Lúc này, đất nước Việt Nam vừa mới ra đời, đã kiệt quệ tiêu điều, lại đồng thời có sự hiện diện của hàng chục vạn quân Tưởng, Anh, Pháp, Nhật, và vô số bè nhóm tay sai của nhiều phía đấu đá lẫn nhau.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét