Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

"Inspiration is for amateurs"


Cảm hứng dành cho kẻ amateur, Kỷ luật là của dân chuyên nghiệp

Tình cờ đọc lại bài phỏng vấn họa sĩ kiêm nghiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ Chuck Close (theo Inside the Painter’s Studio), tự nhiên thấy liên hệ to lớn với những vấn đề liên quan tới sự sáng tạo, đạo đức nghề nghiệp… của cá nhân và doanh nghiệp (nhất là các startup) - hẳn các bạn và tôi có thể tìm ra câu trả lời từ đây.

Câu hỏi luôn làm đau đầu chúng ta là: “Tại sao những người sáng tạo lại sáng tạo được?”, “Nên tổ chức một ngày của chúng ta như thế nào để đạt hiệu suất cao nhất?”, “Ta cần tìm kiếm động lực nơi nào cho bản thân, cho đội ngũ, cho doanh nghiệp?”, “Lựa chọn thiết kế môi trường và tổ chức ra sao để tạo cảm hứng?”…

Cảm hứng và động lực rất có ý nghĩa với mỗi chúng ta. Rõ ràng không phải ngẫu nhiên truyền cảm hứng là công việc hái ra tiền của vô số tác giả sách self-help và một lượng hùng hậu các diễn giả trên toàn thế giới.



Vậy cảm hứng là gì?
Tôi dùng định nghĩa thần thánh của Elizabeth Gilbert giải thích về “cảm hứng”: “Từ đó bản thân nó tới từ ý tưởng hít vào hơi thở của Chúa… Giấc mơ về cảm hứng không bao giờ được phép bị loại bỏ. Cảm hứng là đẹp đẽ. Cảm hứng là kỳ diệu. Cảm hứng là phi thường, không thể giải thích nổi và thiêng liêng. Cảm hứng cũng là quá độ, và hiếm hoi đến tuyệt vọng.”

Thế thì tại sao cảm hứng lại chỉ dành cho amateur?

OK. Trước hết phải nói rằng tôi chả có việc gì phải chống lại cảm hứng cả. Tôi cũng từng gặp vô số thất bại, quá nhiều tuyệt vọng, và mong có động lực từ trên trời rơi xuống hay từ tha nhân còn luyến tiếc con người này, hòng đá tôi ra khỏi những ngày dài vô bổ chán chê và có cảm hứng mãnh liệt mà tiến lên. Thế nên bạn có thể yên tâm đọc tiếp.

Trở lại với bài phỏng vấn tôi đề cập ở trên. Close đã nói gì?

Cảm hứng là dành cho dân nghiệp dư – còn chúng ta chỉ xuất hiện và làm việc. Với niềm tin rằng rồi mọi thứ sẽ sinh sôi từ chính hành động, và thông qua làm việc, bạn sẽ chạm tới những khả năng khác và mở ra những cánh cửa khác mà bạn có lẽ chưa bao giờ mơ tới nếu chỉ ngồi một chỗ chờ đợi một ‘ý tưởng’ vĩ đại. Và hãy tin rằng sự phát triển, theo một ý nghĩa nào đó, đang phóng thích ra và bạn không phải tái tạo lại bánh xe ấy mỗi ngày. Hôm nay bạn biết những gì mình sẽ làm, bạn có thể làm những gì bạn đang làm dở hôm qua, và ngày mai, bạn lại tiếp tục làm những việc bạn đã làm hôm nay, ít ra trong một giai đoạn nhất định, bạn phải làm việc. Nếu bạn cứ làm như vậy, nhất định bạn sẽ đạt được một cái gì đó.”

Pablo Picasso cũng từng bày tỏ thái độ với cảm hứng: “Cảm hứng có tồn tại, nhưng lúc ấy nó phải thấy bạn đang làm việc.” Ông nói những ý tưởng vĩ đại, những khoảnh khắc eureka… chỉ nảy sinh từ quá trình làm việc hằng ngày. Ít ra bạn cũng phải đang suy nghĩ về chủ đề hay vấn đề đó trước khi có thể tìm ra giải pháp sáng tạo cho nó.

Zig Ziglar, một tác giả và diễn giả truyền cảm hứng đã nói: “Người ta thường nói rằng động lực thì không kéo dài. Phải, tắm rửa cũng thế - đó là tại sao tôi đề nghị làm nó hằng ngày.”

Quả thực có những lúc cảm hứng hay động lực làm bạn phấn kích, chỉ trong khoảnh khắc hoặc thời gian ngắn thôi, nó thúc đẩy bạn tiến lên. Sau đó nó bắt đầu đông lại và lung lay, rồi dần biến mất. Khi những lúc “cao điểm” đó tan biến, bạn vẫn phải đào sâu và tiếp tục. Bạn không thể ngồi lại và nói, ừ, tôi cần phải chờ đợi một thời khắc khác làm nguồn cảm hứng/động lực cho tôi tiếp tục.

Nghe có vẻ như động lực hay cảm hứng đều mang tính nghịch lý?



Close nói tiếp:
“Tôi không bao giờ nằm trong số những người cần phải có một tình huống hoàn hảo mới vẽ được. Tôi có thể làm nghệ thuật ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào – không thành vấn đề. Tôi biết có rất nhiều nghệ sĩ, đối với họ, có một không gian hoàn hảo là điều căn bản nhất. Họ dành nhiều năm để thiết kế, xây dựng, trang trí cho không gian hoàn hảo đó, rồi khi đi vào làm việc họ lại bán nơi đó đi và xây dựng một không gian khác. Dường như làm vậy thường xuyên là một cách tránh phải làm việc. Còn tôi có thể vẽ ở bất kỳ đâu. Tôi đã vẽ những bức tranh lớn trong những phòng ngủ, gara nhỏ nhất. Bạn biết không, một khi tôi quay về phòng, tôi có thể như ở bất kỳ chốn nào.”

Cũng giống nhiều nhân vật nổi tiếng khác, Close luôn có niềm tin với thói quen hằng ngày của mình.

“Vào mỗi ngày, tôi bắt đầu vẽ lúc 9h, và thường làm việc tới trưa. Ba giờ làm việc cho buổi sáng. Tôi ăn trưa ngay tại bàn làm việc, đôi khi nếu đẹp trời, tôi sẽ ra bể bơi. Nếu tốt hơn, tôi sẽ ra bãi biển một giờ. Ăn trưa trên bãi biển, sau đó trở lại và vẽ tiếp từ 1h tới 4h, thêm ba tiếng nữa. Khi ánh sáng tự nhiên tắt dần, tôi bắt đầu trở nên thô lỗ. Vì thế y tá của tôi thường đến vào lúc 4h, còn tôi dừng làm việc, dọn dẹp, uống thật nhiều, đó là một ngày làm việc điển hình của tôi. Tôi làm việc mọi ngày đều thế.”
“Tôi nghĩ trong khi sự phù hợp đã sản sinh ra một số công việc thú vị… thì đối với tôi, điều thú vị nhất là trở lại với chính mình trong góc riêng của bản thân nơi không có câu trả lời của ai khác phù hợp chen vào. Bằng cách nào đó bạn phải đưa ra giải pháp cá nhân cho vấn đề mà bạn đã tự đặt cho mình vì không có giải pháp nào từ người khác có thể phù hợp.”
“Tôi nghĩ xã hội của chúng ta đã quá mức hướng vào việc giải quyết vấn đề. Việc “tạo ra vấn đề” còn thú vị hơn nhiều… Bạn biết đó, hãy tự hỏi bản thân một câu hỏi đủ thú vị và nỗ lực tìm giải pháp thích hợp sẽ sớm đẩy bạn tới một nơi để bạn có thể tìm thấy chính mình – một cách đơn độc – và tôi nghĩ nơi đó còn thú vị hơn nhiều.”

Lại một lần nữa, luôn luôn có nghi vấn liệu có khả năng chúng ta có thể hoàn toàn rũ bỏ khỏi các ảnh hưởng, sáng tạo ra những thứ là pha trộn kinh nghiệm sống của bản thân – một thứ “văn hóa vi mô cá nhân”, thứ mà nếu không có nó, chúng ta không có khả năng đưa ra những ý tưởng kết hợp “mới mẻ”?

Hãy đi theo sự tò mò của bạn, đây là nguồn xung lực chung nhất, phổ biến nhất, đáng tin nhất. Bạn quan tâm tới điều gì? Thứ gì có thể làm bạn quay đầu lại và nói “Tôi muốn biết nhiều hơn về…” Chủ đề hay vấn đề nào đủ lôi cuốn để có thể duy trì bền vững sự chú ý của bạn qua nhiều năm nỗ lực?

Hãy tìm ra điều đó, cam kết bản thân với nó, rồi chỉ “xuất hiện và làm việc”.

Đừng chờ đợi theo đuổi một thần tượng nào cả. Thần tượng sẽ chạy theo bạn một khi họ thấy bạn nghiêm túc lao động. Trước tiên phải làm việc, rồi điều kỳ diệu sẽ tới. Vì những khoảnh khắc của cảm hứng vô cùng hữu ích, đáng yêu, nhưng lại quá ngắn ngủi trên con đường bạn đi, và thực ra, chúng chỉ xuất hiện sau khi bạn đã bỏ ra hàng nghìn giờ cống hiến.

Cảm hứng quả thực chỉ dành cho amateur. Chúng ta là dân chuyên nghiệp. Chúng ta cần kỷ luật để tồn tại và lớn mạnh.



Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Hình ảnh mới của phong trào lao động ở Thung Lũng Silicon


Hình ảnh mới của phong trào lao động ở Thung Lũng Silicon



Tháng 8, không lâu sau khi The Intercept (kênh tin tức online đối lập) tiết lộ rằng Google đang làm việc với chính phủ Trung Quốc để khởi động công cụ tìm kiếm bị kiểm duyệt, những người làm việc tại Google đã soạn một lá thư yêu cầu các ông chủ của mình ngừng kế hoạch đó lại và đưa ra một “qui trình minh bạch rõ ràng và có giám sát” để tránh bị qua mặt trong tương lai trước những dự án xung đột về mặt đạo đức với nhân viên làm việc cho họ. Cho đến nay, theo Buzzfeed, hơn 1400 người đã ký vào lá thư.

Bức thư này là bằng chứng mới nhất cho thấy các nhân viên trong giới công nghệ đang đòi hỏi vai trò của họ trong việc thay đổi thế giới. Trước đó, thành công lớn nhất của giới công nhân công nghệ cao có tổ chức (giới cổ cồn trắng) xảy ra vào tháng 6, khi Google đã phải tuyên bố sẽ không gia hạn hợp đồng cho dự án Maven của Lầu Năm Góc – một dự án “liên quan tới máy bay không người lái và nhận dạng đối tượng có độ phân giải thấp bằng trí tuệ nhân tạo.” Hơn 3100 nhân viên Google đã kí một bức thư ngỏ, vì đối với họ, bản hợp đồng này không chỉ “gây thiệt hai không thể khắc phục được cho thương hiệu Google” mà còn biến công ty trở thành “doanh nghiệp của chiến tranh”.

Kể từ lúc đó tới giờ, hơn 100 nhân viên Microsoft đã phản đối hợp đồng của công ty với Cơ Quan Di Trú và Hải Quan Hoa Kỳ trong một lá thư ngỏ trên bảng tin nội bộ, tuyên bố họ tin rằng công ty nên đặt “trẻ em và gia đình lên trên lợi nhuận”; còn các nhân viên của Amazon kêu gọi ông chủ của họ, Jeff Bezos, ngừng bán phần mềm nhận dạng khuôn mặt Palantir cho các cơ quan thực thi pháp luật, vì cho rằng công nghệ này có thể được sử dụng để “làm hại những người vốn bị thiệt thòi nhất”; và đối mặt với hợp đồng của Cục Hải Quan và Bảo Vệ Biên Giới, các nhân viên của Salesforce cảm thấy đây là thỏa thuận “vô nhân đạo” và đã tổ chức một chiến dịch tẩy chay để lôi kéo các công ty khác từ chối các khoản tài trợ của Salesforce.

Rõ ràng đang có một cách tiếp cận trong tổ chức giới lao động rất khác biệt so với truyền thống vốn chỉ chú trọng sử dụng sức mạnh của giới lao động thông qua các tổ chức công đoàn. Trong khi giới cổ cồn xanh ở các công ty công nghệ (nhân viên an ninh) đã bắt đầu tự tổ chức sức mạnh lao động của họ từ nhiều năm qua – ví dụ, nhân viên an ninh của Thung Lũng Silicon và nhân viên phục vụ ăn uống của Facebook  đã thành lập các công đoàn riêng của chính họ - thì một việc hiếm hoi xảy ra vào tháng Giêng, khi các kỹ sư phần mềm tại công ty logistic dựa trên điện toán đám mây Lanetix cố gắng đoàn kết nhau lại. Đáp lại, Lanetix đã sa thải họ - theo một khiếu nại các kỹ sư đệ trình Ủy Ban Quan Hệ Lao Động Quốc Gia. (Lanetix đã không phúc đáp các yêu cầu trả lời)

Rõ ràng, nỗ lực tổ chức giới cổ cồn trắng công nghệ đều bắt đầu và kết thúc bằng những chiến dịch đơn lẻ. Đầu mùa hè năm nay, các tổ chức bao gồm Silicon Valley Rising, Tech Workers Coalition và các ban ngành của ACLU bắt đầu một loạt các sự kiện gọi là Tech Won’t Build It, để giới nhân viên cổ cồn trắng chia sẻ những bài học tranh đấu từ các chiến dịch trước đây buộc giới chủ của họ dừng các dự án gây tranh cãi của chính phủ. Các sự kiện này diễn ra ở các trung tâm công nghệ cao của Hoa Kỳ, như San Francisco, Seattle, và Cambridge, đồng thời được phát trực tuyến. Ben Tarnoff, một nhà báo và nhân viên công nghệ, đồng thời chủ trì một số sự kiện tại Tech Won’t Build It, nói: “Chủ đề chung của các chiến dịch này là giới công nhân công nghệ yêu cầu một chỗ ngồi tại chiếc bàn nơi ra các quyết định xem liệu công nghệ nào sẽ được xây dựng”.

Một số nhà hoạt động trong giới công nghệ đang tưởng tượng ra một phong trào công nhân bền vững hơn – nếu nó không phải là một liên minh toàn cầu thì ít nhất cũng là một liên minh toàn ngành mạnh mẽ, bao gồm cả giới cổ cồn xanh và cổ cồn trắng, nhằm tìm kiếm một thay đổi dài hạn chứ không phải là những nhượng bộ một lần. Dù những chiến dịch đơn lẻ là một khởi đầu tốt để huy động sức mạnh của nhân viên, nhưng chúng bị hạn chế trong những gì họ có thể thực hiện. Các hợp đồng chính phủ bị từ chối bởi công ty này thì sẽ có thể bị công ty khác lấy, và những nhân viên phản đối hoạt động của doanh nghiệp có thể bị thay thế bởi những người có lập trường ngược lại. Những lá thư phản đối của giới cổ cồn trắng còn có thể phát triển thành một thứ nào đó nữa hay không, câu hỏi này vẫn đang đợi câu trả lời.

Rick Paulas
4 tháng 9 năm 2018


Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Mạng xã hội: Kẻ sáng tạo hay Kẻ hủy diệt?


Mạng xã hội: Kẻ sáng tạo hay Kẻ hủy diệt?

Nhiều năm qua, chúng ta đã được chứng kiến một số “cuộc cách mạng Facebook”, từ Mùa Xuân Ả Rập tới chiến dịch Chiếm Phố Wall, rồi lan ra những quảng trường lớn ở Istanbul, Kiev, Hồng Kong, tất cả đều được các mạng xã hội tiếp nhiên liệu. Nhưng khi làn khói đã tan đi, hầu hết những cuộc cách mạng này đều thất bại trong việc xây dựng bất kỳ trật tự chính trị mới bền vững nào, một phần vì có quá nhiều tiếng nói được khuếch đại, việc xây dựng sự đồng thuận trở nên bất khả thi.

Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng mạng xã hội chỉ giỏi trong việc phá vỡ các thứ, chứ không giỏi xây dựng nên các thứ?

Một tiếng nói quan trọng đã trả lời câu hỏi này bằng từ “Đúng vậy” rất to. Tiếng nói đó là của Wael Ghonim, nhân viên Google người Ai Cập, có trang Facebook ẩn danh giúp khởi động cuộc cách mạng tại quảng trường Tahrir đầu năm 2011 lật đổ Tổng Thống Hosni Mubarak – nhưng sau đó lại thất bại trong việc tạo ra một nền dân chủ thực sự thay thế.


Wael Ghonim, ở giữa, tại quảng trường Tahrir ở Cairo năm 2011. Ảnh Dylan Martinez/Reuters

Vào tháng 12, Ghonim, sau đó chuyển tới Thung Lũng Silicon, đã đăng một bài nói chuyện trong show nổi tiếng TED kể về những gì đã xảy ra. Bài đăng này rất đáng xem, và nó mở đầu thế này: “Tôi đã từng nói ‘Nếu bạn muốn giải phóng một xã hội, tất cả những gì bạn cần là Internet.’ Tôi đã sai. Tôi đã nói những lời đó hồi năm 2011, khi một trang Facebook tôi tạo ẩn danh đã giúp cuộc cách mạng Ai Cập nổ ra. Mùa Xuân Ả Rập cho thấy tiềm năng lớn nhất của phương tiện truyền thông mạng xã hội, nhưng đồng thời cũng phơi bày thiếu sót lớn nhất của nó. Cùng một công cụ đoàn kết chúng ta lật đổ các nhà độc tài cuối cùng lại cắn xé chúng ta thành nhiều mảnh.”

Đầu những năm 2000, người Ả Rập đã đổ xô vào trang web, Ghonim giải thích: “Khát khao tri thức, cơ hội, kết nối với phần còn lại của thế giới, chúng tôi đã trốn thoát khỏi thực tế chính trị bức bối và sống trong một cuộc sống ảo.”

Sau đó đến tháng 6 năm 2010, anh ghi lại: “Internet đã thay đổi đời tôi vĩnh viễn. Trong khi đang lướt Facebook, tôi đã nhìn thấy một bức ảnh… xác chết vì bị tra tấn của một chàng trai trẻ người Ai Cập. Cậu ấy tên là Khaled Said. Khaled là người Alexandria 29 tuổi, bị cảnh sát giết chết. Tôi thấy mình trong bức ảnh ấy… Tôi đã tạo ẩn danh một trang Facebook với cái tên “We Are All Khaled Said” (Tất cả chúng ta đều là Khaled Said). Chỉ ba ngày sau, trang có trên 100.000 người, có cả người Ai Cập cùng chia sẻ mối quan tâm tương tự.”

Chẳng mấy chốc, Ghonim và các bạn anh đã dùng Facebook tạo ra nhiều ý tưởng ban đầu cho đám đông, và “trang trở thành trang được followed nhiều nhất trong thế giới Ả Rập… Mạng xã hội cực kỳ quan trọng trong chiến dịch này. Nó đã giúp một phong trào phi tập trung nổ ra. Nó khiến mọi người nhận ra rằng họ không đơn độc. Và nó khiến chính phủ không có khả năng ngăn chặn.”

Ghonim cuối cùng cũng bị lực lượng an ninh Cairo theo dõi, đánh đập và cách ly trong 11 ngày. Nhưng 3 ngày sau khi anh được trả tự do, hàng triệu người biểu tình ủng hộ các bài post của anh trên Facebook đã giúp lật đổ chế độ Mubarak.

Lạy Thánh Alas, niềm vui thật chóng nhạt phai, vì như Ghonim nói, “chúng tôi đã thất bại trong việc xây dựng sự đồng thuận, và cuộc đấu tranh chính trị đã dẫn đến sự phân cực mạnh mẽ.” Anh ghi lại rằng, phương tiện truyền thông mạng xã hội “chỉ khuếch đại” sự phân cực “bằng cách tạo điều kiện lây lan thông tin sai lệch, tin đồn, bắt chước và những lời đầy thù hận. Môi trường hoàn toàn độc hại. Thế giới online của tôi trở thành một bãi chiến trường đầy những trò lừa đảo, dối trá và những phát biểu hận thù.”

Những người ủng hộ quân đội và những người Hồi Giáo sử dụng mạng xã hội để bôi nhọ lẫn nhau, trong khi trung tâm của nền dân chủ, Ghonim và nhiều người khác bị bắt giữ và bị gạt ra ngoài lề. Cuộc cách mạng của họ đã bị nhóm Anh Em Hồi Giáo đánh cắp, và khi nó thất bại, quân đội đã bắt giữ nhiều thanh niên thế tục – những người đầu tiên tăng cường làm hùng mạnh cuộc cách mạng. Quân đội đã có trang Facebook riêng để tự bảo vệ mình.

Ghonim bảo: “Đó là thời điểm bại trận. Tôi đã im lặng hơn hai năm, và tôi dùng thời gian để suy nghĩ về mọi chuyện đã xảy ra.”

Và đây là những gì anh kết luận về mạng xã hội ngày nay: “Đầu tiên, chúng tôi không biết làm thế nào để đối phó với những tin đồn. Tin đồn vốn dĩ chỉ là thiên kiến của một số người giờ đã được tin tưởng và lan tràn giữa hàng triệu người. Thứ hai, chúng tôi có xu hướng chỉ giao tiếp với những ai chúng tôi đồng ý, và cảm ơn các phương tiện mạng xã hội, chúng tôi có thể câm lặng, dừng follow và chặn bất kì ai khác. Thứ ba, các cuộc thảo luận online nhanh chóng rơi vào đám đông giận dữ… Cứ như thể chúng ta quên rằng người phía sau màn hình thực ra là người thật chứ không phải avatar.
Và thứ tư, thật sự rất khó thay đổi quan điểm của chúng ta. Vì tốc độ và sự ngắn gọn của mạng xã hội, chúng tôi buộc phải đi tới kết luận và viết các quan điểm sâu sắc chỉ trong 140 kí tự về những vấn đề phức tạp trên thế giới. Nhưng một khi chúng tôi làm thế, nó sẽ tồn tại mãi mãi trên Internet.
Thứ năm, và quan trọng nhất, ngày nay, các trải nghiệm mạng xã hội đều được thiết kế theo cùng một cách, cho like hay thể hiện cảm xúc trước các cam kết, cho post trong các cuộc tranh luận, cho những dòng bình luận (comment) nông cạn dưới những cuộc thảo luận sâu sắc… Như thể chúng ta ở đây để nói chuyện về nhau, chứ không phải nói chuyện với nhau.”

Nhưng Ghonim không từ bỏ. Anh và vài người bạn gần đây lập một website Parlio.com, để chủ trì các cuộc nói chuyện dân sự thông thái hơn về các vấn đề nóng gây tranh cãi, với mục tiêu thu hẹp những khoảng trống, chứ không mở rộng chúng ra. Những tranh luận trên Parlio thường rất hấp dẫn và hàm súc.

Năm 2016, Ghonim kết luận: “Năm năm trước, tôi đã nói ‘Nếu bạn muốn giải phóng xã hội, tất cả những gì bạn cần là Internet.’ Bây giờ tôi tin rằng nếu chúng ta muốn giải phóng xã hội, trước tiên chúng ta cần giải phóng Internet.”

Thomas L. Friedman


Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

Mark Manson: Qui tắc của Kant


Qui tắc của Kant

Tùy quan điểm của bạn, Immanuel Kant có lẽ là một người nhàm chán nhất hành tinh hoặc cơn mộng tinh của một hacker năng suất. Trong suốt hơn 40 năm, ông ấy đều thức dậy lúc 5 giờ sáng và viết lách chính xác trong ba giờ. Sau đó ông đi giảng dạy tại cùng một trường đại học trong chính xác 4 giờ nữa. Rồi ông tiếp tục ăn trưa tại cùng một nhà hàng mỗi ngày. Sau đó, vào buổi chiều, ông có thể đi dạo trong cùng một công viên, và trở về nhà trên một con đường vào đúng một giờ mỗi ngày. Ngày nào cũng thế.

Kant dành toàn bộ cuộc đời sống ở Königsberg, đế quốc Phổ. Tôi nói là theo nghĩa đen. Ông không bao giờ rời khỏi thành phố này. Dù chỉ cách biển một giờ, nhưng ông cũng không bao giờ nhìn thấy nó. (Còn một chuyện buồn cười nữa: Isaac Newton cũng chưa bao giờ nhìn thấy biển, dù sống cách biển chỉ vài giờ. Nhưng điều không thể tin nổi là Newton lại là người khám phá ra lực hấp dẫn của mặt trăng chính là nguyên nhân gây ra thủy triều. Và ông khám phá ra điều đó mà chưa bao giờ nhìn thấy thủy triều thật sự ngoài đời.)

Kant là nhân cách hóa của tính hiệu quả. Ông thật máy móc trong thói quen hằng ngày, đến mức hàng xóm của ông còn đùa rằng họ có thể vặn đồng hồ dựa theo giờ ông rời căn hộ mỗi ngày. Ông sẽ đi dạo hằng ngày lúc 3h30 chiều, ăn tối với cùng một người bạn mỗi ngày, và trở về nhà hoàn thành công việc rồi lên giường chính xác lúc 10h tối.

Chúng ta rất dễ chế nhạo một anh chàng như thế này. Thật là một người biến thái. Ê cậu kia, sống là phải nghiêm túc nha!

Nhưng Kant là một trong những nhà tư tưởng quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử hiện đại. Ông đã chỉ đạo thế giới từ căn hộ đơn ở Phổ nhiều hơn hầu hết các vị vua và các đội quân từng làm trước đó và kể cả từ thời đó tới giờ.

Nếu bạn đang sống trong một xã hội dân chủ - nơi bảo vệ các quyền cá nhân, thế thì bạn nên cảm ơn Kant một phần vì điều đó. Ông là người đầu tiên từng hình dung ra một thể chế thống trị toàn cầu có thể bảo đảm hòa bình trên khắp thế giới. Ông mô tả không gian/ thời gian theo cách thức truyền cảm hứng cho Einstein phát minh ra thuyết tương đối. Ông cũng đưa ra ý tưởng rằng động vật cũng có thể có quyền, phát minh ra triết lý về thẩm mỹ và cái đẹp, giải quyết một cuộc tranh luận triết học suốt 200 năm trong vài trăm trang giấy. Ông tái phát minh lại triết lý đạo đức, từ trên xuống dưới, lật đổ những ý tưởng đã là nền tảng của văn minh Phương Tây kể từ thời Aristotle.

Kant là một tay phá cách đầy trí tuệ. Nếu bộ não chứa những quả bóng thì bộ não Kant hẳn phải toàn bóng thép và dao động hỗn loạn vui nhộn. Những ý tưởng của ông, đặc biệt là về đạo đức, vẫn còn được thảo luận và gây tranh cãi trong hàng ngàn trường đại học ngày nay.

Và đây là điều mà tôi muốn nói tới: triết lý đạo đức của Kant, và tại sao nó lại quan trọng.

Giờ tôi hiểu bạn đang định nói gì. Thật sao Mark? Triết lý đạo đức ư? Khốn kiếp, ai mà thèm quan tâm chứ anh bạn? Hãy cho tôi xem những trích đoạn đầy cảm hứng hoàng hôn và những bức ảnh mèo đi.

Phải, chính là ở lúc này đấy, đó chính là triết lý đạo đức. Bất cứ lúc nào bạn nói: “Ai thèm quan tâm chứ?” hay “Có gì ghê gớm đâu chứ?” là bạn chủ yếu nghi ngờ về giá trị của thứ gì đó. Nó có đáng để bạn bỏ thời gian chú ý không? Nó tốt hơn/ tệ hơn cái gì đó khác nữa? Đó đều là các câu hỏi về giá trị, và toàn bộ chúng đều rơi vào cái ô của triết lý đạo đức.

Triết lý đạo đức của chúng ta xác định giá trị của chúng ta – cái gì bạn quan tâm và cái gì bạn không quan tâm – và giá trị của chúng ta xác định hành động, quyết định và niềm tin của chúng ta. Do đó, triết lý đạo đức áp dụng cho mọi thứ trong cuộc đời chúng ta. Bạn đã hiểu rồi chứ?




Triết lý đạo đức của Kant là độc nhất vô nhị, và phản trực giác. Kant tin rằng nếu một cái gì đó là tốt, nó phải phổ quát – tức là nó không thể đúng trong tình huống này, nhưng lại sai trong tình huống khác. Nếu nói dối là sai trái, nó phải luôn là sai trái trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm nào. Nó phải là sai trái mỗi khi bất kì ai làm điều đó. Nếu nó không phải lúc nào cũng đúng hoặc sai, thì không thể là một nguyên tắc đạo đức hợp lệ.

Kant gọi các nguyên tắc đạo đức phổ quát này là “các mệnh lệnh vô điều kiện (categorical imperatives)” – các qui tắc để sống mà chúng luôn hợp lệ trong mọi ngữ cảnh, mọi tình huống, và với mọi đối tượng.

Vâng, thần thánh phát khiếp, nghe có vẻ lố bịch. Nhưng Kant đã hết sức nỗ lực làm điều đó. Thực tế, ông đã cố tạo ra các mệnh lệnh vô điều kiện. Một trong số đó đã nhanh chóng bị các nhà triết học khác phá bỏ. Nhưng có nhiều người đã thực sự kiểm tra chúng ở một mức độ nào đó.

Đặc biệt một trong số chúng đang bị kẹt lại. Trong nhiều năm tôi đọc và nghiên cứu triết học, tâm lý học và các ngành khoa học khác, đó là một trong những phát biểu mạnh mẽ nhất tôi từng biết. Lớp áo nghĩa của nó tiếp cận mọi lĩnh vực của đời sống mỗi người. Chỉ bằng một câu duy nhất, nó tóm tắt phần lớn toàn bộ trực giác và giả định đạo đức của chúng ta. Và trong mỗi tình huống, nó đều chỉ ra một hướng rõ ràng về cách chúng ta nên hành động thế nào và tại sao lại vậy.

MỘT QUI LUẬT THỐNG TRỊ TẤT CẢ

OK, dạo đầu thế đủ rồi. Đây là Qui luật của Kant:

“Hãy hành động theo cách, mà bạn dùng nhân tính đối xử với con người, dù đó là chính bạn hay là người khác, luôn luôn như thế trong mọi thời khắc, chứ không chỉ là phương tiện.”

Tôi biết: thực ra là chuyện quái gì thế?

Ok, hãy dừng lại một giây nào.

Kant tin rằng tính hợp lý là thiêng liêng. Khi tôi nói tính hợp lý, tôi không có ý đề cập tới tính hợp lý như Sudoku hay trong cờ tướng. Tôi muốn nói tới tính hợp lý với thực tế chúng ta là những sinh vật duy nhất được biết tới trong vũ trụ có khả năng ra quyết định, cân nhắc lựa chọn và xem xét tác động đạo đức của mọi hành động.

Một cách căn bản: đó là ý thức.

Với Kant, điều duy nhất phân biệt chúng ta với phần còn lại của vũ trụ là khả năng xử lý thông tin và hành động có ý thức. Và đối với ông ấy, điều này rất đặc biệt. Cực kỳ đặc biệt. Chúng ta đều biết, chúng ta là vật duy nhất trong vũ trụ có cơ cấu tự tổ chức thông minh. Vì thế, chúng ta cần dùng nó một cách nghiêm túc. Và cũng do đó, tính hợp lý và việc bảo vệ sự lựa chọn có ý thức phải là cơ sở cho tất cả các lý luận đạo đức của chúng ta.

Kant viết rằng “không có lý trí, vũ trụ chỉ là một thứ lãng phí, vô ích và không mục đích.” Theo quan điểm của Kant, không có trí tuệ và tự do sử dụng trí tuệ đó, chúng ta cũng chỉ như một đống đá. Chả có gì quan trọng cả.

Vì thế, Kant tin rằng toàn bộ đạo đức đều xuất phát từ việc bảo vệ và thúc đẩy ý thức về tính hợp lý trong mỗi cá nhân.

Vậy làm sao bạn làm được điều đó?

Vâng, chính là Qui Luật của Kant ở trên.

Nếu bạn cảm thấy khó hiểu thì để tôi giải thích sâu hơn:

Giả sử tôi đang đói và muốn ăn một đĩa burrito. Tôi vào xe, lái tới Chipotle và gọi một đĩa bự gấp hai lần bình thường khiến tôi vui suốt một tuần liền.

Trong tình huống này, ăn burrito là mục đích “cuối cùng” của tôi. Đó là lý do tại sao tôi làm mọi thứ khác – vào xe, lái xe, đổ xăng,… Tất cả những việc tôi làm để được ăn burrito là “phương tiện”, tức những thứ tôi phải làm để đạt được mục đích “cuối cùng”.

Nếu bạn gọi cho một người bạn để tìm hiểu xem họ đang sống thế nào, việc gọi đó là phương tiện, tìm hiểu xem họ ra sao là đích cuối cùng. Nếu bạn rời bữa tiệc sớm để có thể dậy sớm vào sáng hôm sau, thì việc rời khỏi bữa tiệc là phương tiện, dậy sớm là mục đích cuối cùng.

Phương tiện là những thứ chúng ta làm có điều kiện. Tôi không muốn vào xe và lái đi. Nhưng tôi muốn ăn burrito. Do đó, lái xe là phương tiện để tới cái đích burrito.

Đích là cái được mong muốn theo lợi ích riêng. Đó là yếu tố thúc đẩy các quyết định và hành vi của chúng ta. Nếu tôi muốn ăn burrito chỉ vì vợ tôi muốn ăn burrito, mà tôi muốn cô ấy hạnh phúc, thì burrito không còn là cái đích của tôi nữa – giờ nó là phương tiện đạt tới một cái đích lớn hơn nữa: làm cho vợ tôi vui. Và nếu tôi chỉ muốn làm vợ tôi vui để tôi có thể được thỏa mãn tối nay, vậy thì niềm vui của vợ tôi lại thành phương tiện cho cái đích lớn hơn: sex.

Có khả năng ví dụ cuối cùng khiến bạn nhúc nhích một chút và nghĩ tôi là một anh chàng bẩn thỉu. Và đó chính xác là những gì Kant đang nói tới. Lập luận của ông – địa ngục, qui tắc của ông – phát biểu rằng đối xử với bất kỳ con người nào như một phương tiện hòng đạt được mục đích khác là cơ sở của những hành vi phi đạo đức. Vì vậy, đối xử với đĩa burrito như một phương tiện đạt được cái đích của vợ tôi là tốt. Thật đúng đắn khi làm bạn đời của mình hạnh phúc. Nhưng nếu tôi đối xử với vợ tôi như một phương tiện để đạt được cái đích là tình dục thì Kant sẽ cho rằng đó là sai lầm.

Đây là những quan điểm phổ biến từ qui luật Kant:
-                      Nói dối là sai trái vì bạn đang dẫn dắt sai hành vi có ý thức của người khác để đạt được mục đích của riêng bạn. Do đó bạn đang đối xử với người đó như phương tiện để đạt được mục đích của mình. Vì vậy nói dối là vô đạo đức.
-                      Lừa gạt là vô đạo đức cũng theo lý do tương tự. Bạn đối xử với những qui tắc và kỳ vọng vốn đã được thống nhất với người khác như phương tiện để đạt được mục đích cá nhân.
-                      Bạo lực, cũng tương tự: bạn đối xử với người khác như phương tiện để đạt được những mục tiêu cá nhân hay chính trị lớn hơn. Thật là tồi tệ!

Những ý nghĩa đạo đức của Qui luật Kant

Danh sách dưới đây không đầy đủ. Một số chúng Kant đã giải thích rõ ràng. Một số khác là những gì được ngoại suy từ tác phẩm của ông, dựa trên các giá trị của chính tôi. Hy vọng của tôi là, cuối cùng bạn có thể thấy sự linh hoạt đáng kinh ngạc của câu châm ngôn đạo đức này khi mở rộng tới hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống con người.



-                      Lười biếng – OK, tôi lười. Thật đấy. Và tôi thường thấy tội lỗi về điều đó. Chúng ta đều biết rằng thứ chết tiệt này trong ngắn hạn chắn chắn sẽ làm hại chúng ta trong dài hạn. Nhưng dù vì bất kỳ lý do gì, lợi ích ngắn hạn so với thua lỗ trong dài hạn không bao giờ truyền cảm hứng hay thúc đẩy nổi chúng ta.
Nhưng đó không phải lý do tại sao Kant nghĩ nó là sai. Thực tế, Kant sẽ nói đây là cách sai lầm khi nghĩ về lười biếng. Vì nó không đủ.
Kant tin rằng chúng ta đều có một mệnh lệnh đạo đức buộc phải làm hết sức mọi lúc. Nhưng ông không nói làm hết sức vì lòng tự trọng hay lợi ích cá nhân, hay đóng góp cho xã hội… Ông còn đi xa hơn thế. Ông cho rằng bạn nên làm hết sức vì nếu làm ít hơn cũng chính là tự đối xử với bản thân như phương tiện chứ không phải đích tới.
Vâng, bạn có thể đối xử với bản thân như phương tiện mà.
Khi bạn nằm dài trên trường kỷ, refresh Twitter tới lần thứ 28, bạn đang đối xử với tâm trí và sự chú ý của mình như một nơi chứa đựng niềm vui. Bạn không tối đa hóa tiềm năng ý thức của mình. Thực tế, bạn đang sử dụng ý thức của bạn như một phương tiện để kích thích cái đích đến là cảm xúc của bạn.
Kant cho rằng điều đó không chỉ tệ, mà còn là vô đạo đức. Bạn đang chủ động làm hại chính mình.

-                      Nghiện – dù tin hay không thì Kant cũng không phải con người tiệc tùng. Ông chỉ thưởng thức chút rượu trong bữa trưa. Ông hút xì gà (nhưng chỉ vào cùng một thời điểm mỗi sáng, và chỉ một điếu).
Kant không phải kiểu người không biết tới niềm vui. Cái ông chống lại là sự thoát ly thuần túy. Ông viết rằng dùng rượu hay phương tiện nào khác để thoát ly khỏi cuộc sống hiện tại của ai đó là vô đạo đức vì nó buộc bạn phải dùng tâm trí và tự do lý trí của mình như phương tiện để đạt tới một cái đích khác.
Kant tin vào việc đối mặt với vấn đề. Ông tin rằng đau khổ đôi khi được bảo đảm và cần thiết cho cuộc đời. Chúng ta có xu hướng đánh giá sự vô đạo đức của việc nghiện ngập bằng những thiệt hại nó gây ra cho người khác. Nhưng Kant tin rằng, trước tiên nghiện ngập cơ bản là hành vi vô đạo đức với chính mình, thiệt hại nó gây ra cho người khác chỉ là thiệt hại về phương diện tài sản. Đó là một thất bại khi đối đầu với thực tại lý trí và ý thức của chính mình, và thất bại này giống như nói dối chính mình hay tự lừa mình về tiềm năng sống quí giá. Và với Kant, nói dối chính bản thân cũng là vô đạo đức như nói dối người khác.

-                      Làm người khác hài lòng và tìm kiếm sự thừa nhận – OK, tôi biết không hay nếu cứ luôn nịnh bợ người khác, nhưng thế là vô đạo đức ư? Thật sao? Chẳng lẽ việc làm người khác vui vẻ không phải là việc có đạo đức sao?
Không nhất thiết.
Tìm kiếm sự thừa nhận và làm người khác hài lòng buộc bạn thay đổi hành động và lời nói, không còn phản ánh những gì bạn thực sự nghĩ hoặc cảm nhận. Vì thế bạn đang đối xử với bản thân như phương tiện chứ không phải mục đích. Nhưng nó sẽ trở nên tệ hơn. Vì nếu bạn thay đổi lời nói và hành vi của bạn khiến người khác cũng giống như bạn, thì bạn đang đối xử với họ như phương tiện cho mục đích của bạn. Bạn đang thay đổi và thao túng nhận thức của họ về bạn để thu được phản hồi dễ chịu từ họ. Kant chắc chắn sẽ cho rằng đó cũng là vô đạo đức. (thế này thì làm sao bạn dám nói với tôi rằng chiếc áo tôi đang mặc rất hợp với tôi?) Tôi đã viết khá dài về cách người ta làm người khác hài lòng và tìm kiếm sự thừa nhận sẽ dẫn tới những mối quan hệ độc hại. Nhưng lại một lần nữa, như thường lệ, Kant còn tiến xa hơn. Vì Kant đích thực cứng đầu như thế.

-                      Thao túng hoặc Ép buộc – ngay cả khi bạn không nói dối, nhưng bạn giao tiếp với thái độ và mục đích giành được gì đó từ ai mà không có sự chấp nhận hoàn toàn hay đồng ý rõ ràng của họ, thì bạn đang làm một việc vô đạo đức. Kant rất coi trọng việc đồng ý được thông báo đầy đủ. Ông tin rằng đó là cách duy nhất để có tương tác lành mạnh giữa các cá nhân. Điều đó là cơ bản trong thời đại của ông, và một số thứ người ta vẫn còn đang phải đấu tranh để chấp nhận ngày nay.
Có hai lĩnh vực trong thế giới hiện đại tôi nghĩ vấn đề đồng ý là quan trọng, và Kant có thể có nhiều điều để nói về nó.
Đầu tiên là: tình dục và hẹn hò. Theo qui tắc của Kant, bất cứ điều gì thiếu sự đồng ý rõ ràng, đầy đủ thông tin (và hoàn toàn tỉnh táo), đều nằm ngoài giới hạn đạo đức. Đây là một vấn đề nóng ngày nay, cá nhân tôi nghĩ mọi người làm nó phức tạp hơn nhiều mức cần thiết. Cơ bản đó là sự tôn trọng. Mọi người đều cho rằng đó có nghĩa là xin phép 20 lần trong một ngày. Không. Tất cả những gì bạn phải làm là cho biết bạn cảm thấy thế nào, hỏi họ cảm thấy thế nào, và tôn trọng bất kỳ phản ứng nào xảy ra theo cách của bạn. Thế thôi. Không hề phức tạp.
Sự tôn trọng cũng thiêng liêng trong khuôn khổ đạo đức của Kant vì Kant tin rằng mọi sinh vật có ý thức đều có phẩm giá cơ bản và phải được tôn trọng mọi lúc, bởi tất cả mọi người. Đối với Kant, đồng ý là hành động thể hiện sự tôn trọng. Bất kỳ cái gì không dẫn tới sự đồng ý giữa hai người, ở mức độ nào đó, là không tôn trọng.
Tôi biết điều đó khiến Kant như một bà già đang tức giận, nhưng tác động của vấn đề đồng ý còn rộng lớn hơn nhiều, chạm tới mọi mối quan hệ nhân loại chúng ta có.
Một lĩnh vực hiện đại khác mà nó có vấn đề là bán hàng và quảng cáo. Khá nhiều chiến thuật tiếp thị được xây dựng để đối xử với con người như phương tiện hòng đạt tới cái đích cuối cùng (kiếm tiền). Thực ra Kant đã đấu tranh rất nhiều trong đời mình trước những tác động đạo đức của chủ nghĩa tư bản và sự bất bình đẳng của cải. Ông tin rằng không ai có thể tích lũy được một lượng lớn tài sản mà không thao túng hay chèn ép trên đường họ đi. Do đó ông hồ nghi về toàn bộ hệ thống. Ông không phải là người chống chủ nghĩa tư bản (chủ nghĩa cộng sản khi đó còn chưa tồn tại), nhưng sự bất bình đẳng của cải trong thời đại ông sống khi đó khiến ông không thoải mái. Ông tin rằng bất kỳ ai đã tích lũy một lượng đồ sộ tài sản đều có một mệnh lệnh đạo đức phải cho đi phần lớn tài sản tới số đông đói khát.

-                      Niềm tin mù quáng – cũng có thể đặt vào đây, đặc biệt kể từ khi các nhà tư tưởng thời kỳ Khai Sáng nổi tiếng vì có quan điểm khá phân biệt chủng tộc (vốn rất phổ biến trong thời đại họ sống). Thật thú vị, Kant, dù từng có nhiều phát ngôn kinh khủng về chủng tộc trong sự nghiệp, nhưng lại có góc trí tuệ và nhận ra điều đó sau này, rằng không chủng tộc nào có quyền chinh phạt các chủng tộc khác. Sau cùng, nó có nghĩa: phân biệt chủng tộc và các dạng niềm tin mù quáng khác đều là tình tiết sách vở nhằm coi con người như phương tiện chứ không phải đích đến. Kant đã đi tới kết luận rằng nếu sự hợp lý là thiêng liêng, thì chẳng có gì là đặc quyền dành riêng cho người châu Âu, mà không cho người của quốc gia hay chủng tộc khác.
Ông cũng kịch liệt chống lại chủ nghĩa thực dân. Kant lập luận rằng không quan tâm tới vấn đề chủng tộc, bạo lực và áp bức dùng để chinh phạt các dân tộc có thể phá hủy nhân tính con người trong quá trình này. Đó là một môi trường vô đạo đức tột cùng.
Điều này là cực đoan ở thời đại đó. Cực đoan đến mức bị nhiều người coi là vô lý. Nhưng Kant lại lý luận rằng cách duy nhất để ngăn chặn chiến tranh và áp bức là tạo ra một chính phủ quốc tế nhằm tổ chức và ràng buộc các quốc gia lại với nhau. Nhiều thế kỷ sau, Liên Hợp Quốc ra đời phần lớn dựa trên tầm nhìn xa trông rộng của ông.

-                      Sứ mệnh tự cải tiến – hầu hết các nhà triết học thời kỳ Khai Sáng tin rằng cách tốt nhất để sống là tăng hạnh phúc càng nhiều càng tốt, và giảm đau khổ càng nhiều càng tốt. Cách tiếp cận đạo đức này được gọi là “chủ nghĩa thực dụng” và vẫn là quan điểm chiếm ưu thế được nhiều nhà tư tưởng nắm giữ ngày nay.
Kant có quan điểm khác hoàn toàn về cải thiện thế giới. Hãy gọi nó là Châm Ngôn Của Michael Jackson. Vì Kant, cũng giống như Michael, tin rằng “nếu bạn muốn làm cho thế giới thành một nơi tốt hơn, hay nhìn vào chính mình, và thay đổi nó”. Hay chưa?
Tất nhiên thay vì nắm lấy đũng quần, Kant đã lập luận bằng sự hợp lý tới tàn nhẫn.
Kant tin rằng, nói chung không thể biết liệu một người có xứng đáng được hạnh phúc hay đau khổ, vì bạn không bao giờ thực sự biết dự định và mục đích của họ là gì khi họ hành động.
Tương tự, ngay cả khi bạn nên làm cho người khác hạnh phúc, cũng không có cách nào để biết chính xác cách làm cho họ hạnh phúc. Bạn không biết cảm xúc, giá trị hay kỳ vọng của họ. Bạn không biết những tác động mà hành động của bạn sẽ gây ra cho họ.
Trên hết, những gì tạo thành đau khổ hay hạnh phúc, trong hầu hết tình huống không cực đoan, đều không rõ ràng. Việc ly hôn có thể khiến bạn khó chịu hôm nay, nhưng một năm sau có khi lại là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra với bạn. Bạn có thể tận hưởng niềm vui của lễ kỷ niệm ngày đó với bạn bè, nhưng có lẽ nó làm bạn mất tập trung khi theo đuổi thứ gì đó có thể ngăn được nhiều đau khổ trong tương lai.
Do đó, Kant lý luận rằng cách duy nhất hợp lý để cải thiện thế giới là thông qua cải thiện bản thân. Vì điều duy nhất chúng ta có thể thực sự trải nghiệm là chính bản thân mình.
Kant định nghĩa sự cải thiện là việc phát triển khả năng tuân theo mệnh lệnh vô điều kiện. Và ông nhìn nhận tự cải thiện là một bổn phận – một nghĩa vụ không thể chịu đựng được đặt lên tất cả chúng ta.
Với Kant, thưởng/phạt vì không tuân thủ bổn phận không phải là thiên đường hay địa ngục, mà chính là cuộc đời chúng ta làm cho chính bản thân mình. Việc tuân thủ đạo đức không chỉ tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho bạn, mà còn là cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người xung quanh bạn.
Qui tắc của Kant có hiệu ứng sóng. Khả năng cải thiện tính trung thực của bạn với bản thân sẽ làm tăng việc bạn trung thực với người khác. Sự trung thực của bạn với người khác cũng lại ảnh hưởng tới họ, làm họ trung thực với bản thân hơn, từ đó giúp cải thiện cuộc sống của chính họ. Đó là sự thật trong mọi khía cạnh qui tắc của Kant, dù đó là tính trung thực, hiệu suất, từ thiện, hay sự đồng thuận. Châm Ngôn Của Michaeal Jackson cho rằng qui luật Kant, khi có đủ số người tuân thủ, sẽ sinh ra hiệu ứng quả cầu tuyết trên thế giới, kích động nhiều thay đổi tích cực hơn bất kỳ chính sách có tính toán nào.

-                      Bổn phận tự trọng – Kant hiểu theo trực giác rằng có một liên kết cơ bản giữa sự tôn trọng của chúng ta với bản thân và sự tôn trọng của chúng ta với thế giới. Cách chúng ta tương tác với tâm lý của mình là hình mẫu ta dùng để tương tác với người khác, nên ít tiến bộ có thể làm với người khác cho đến khi chúng ta tiến bộ với chính mình. Ông có lẽ hẳn sẽ chán ghét phong trào tự trọng ngày nay, coi nó là cách khác để đối xử với con người như phương tiện hòng đạt được cảm giác tốt hơn. Tự trọng không phải là cảm giác tốt hơn. Tự trọng là tự biết giá trị của bản thân. Biết rằng mỗi người, dù họ là ai, đều xứng đáng với các quyền và phẩm giá cơ bản. Và rằng mọi ý thức đều thiêng liêng và phải được đối xử như thế.
Kant hẳn sẽ lập luận rằng tự bảo mình là mình vô giá cũng sai lầm như bảo người khác rằng họ vô giá. Nói dối bản thân cũng vô đạo đức như nói dối người khác. Làm hại bản thân cũng tồi tệ giống như làm hại người khác.
Tự yêu và tự quan tâm chính mình do đó không phải thứ bạn nên tiếp thu và thực hành. Chúng là một cái gì đó về mặt đạo đức, bạn sẽ gọi là nuôi dưỡng bên trong. Thậm chí chúng có thể là tất cả những gì bạn có thể để lại.

Tác động từ triết lý của Kant

Triết lý của Kant, nếu bạn đi sâu vào, sẽ gặp nhiều mâu thuẫn và các vấn đề. Nhưng sức mạnh của những ý tưởng ban đầu của ông không nghi ngờ, đã thay đổi thế giới. Và thật kỳ lạ, khi tôi gặp chúng một năm trước, chúng đã thay đổi tôi.

Tôi đã dành hầu hết những năm tháng của tuổi 20 để theo đuổi nhiều thứ trong danh sách trên nhưng tôi theo đuổi chúng vì lý do thực tế và làm ăn. Tôi theo đuổi chúng như phương tiện vì tôi nghĩ chúng có thể khiến đời tôi khá lên. Trong khi đó, tôi càng làm việc, tôi càng cảm thấy trống rỗng.

Nhưng đọc Kant là một sự hiển linh. Chỉ trong 80 trang, Kant đã xua tan những giả định và niềm tin nhiều thập kỷ. Ông cho tôi thấy những gì bạn thực sự làm không quan trọng nhiều như mục đích đằng sau việc làm nó. Và cho đến khi bạn tìm đúng mục đích, bạn sẽ chẳng thấy gì hết.

Kant không phải luôn là một người nhàm chán, ám ảnh bởi thói quen. Ông không phải luôn là thị trưởng của Boreville. Thực tế, khi Kant còn trẻ, ông cũng là tay đi săn trong một nhóm. Ông có thể thức khuya uống rượu, chơi bài với bạn bè. Ông ngủ muộn và ăn quá nhiều, tổ chức những bữa tiệc lớn.

Mãi đến năm 40 tuổi, ông từ bỏ tất cả, phát triển thói quen sống khiến ông trở nên nổi tiếng sau này. Ông nói mình phát triển thói quen đó lúc 40 tuổi vì nhận ra những tác động đạo đức từ hành động của mình và quyết định không cho phép bản thân lãng phí thời gian và năng lượng quí báu khiến ý thức của ông bỏ đi.

Kant gọi đó là “phát triển nhân cách” – xây dựng một cuộc đời được thiết kế để tối đa hóa năng lực của mình. Ông tin rằng hầu hết mọi người đều không thể phát triển nhân cách thực sự cho tới khi họ đạt đến tuổi trung niên, vì trước khi tới lúc đó, họ vẫn còn bị quyến rũ bởi vô số ý tưởng từ thế giới, thích bay nhảy đây đó, đi từ phấn kích đến tuyệt vọng rồi ngược lại. Chúng ta quá bị ám ảnh với việc phải tích lũy nhiều phương tiện và bỏ quên mục đích đã thúc đẩy ta vào trong vô vọng.

Để phát triển nhân cách, một người phải làm chủ hành động và bản thân. Và dù chỉ vài người trong số chúng ta có thể làm được điều đó trong đời, Kant tin rằng đó là điều mỗi chúng ta có bổn phận phải làm.

Trong thực tế, ông tin rằng đó là thứ duy nhất ta cần hướng tới.

Mark Manson
Ngày 16 tháng 8 năm 2018


Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

Tại sao bạn không nên chia sẻ các mục tiêu của mình cho mọi người?


Tại sao bạn không nên chia sẻ các mục tiêu của mình?

Cuộc đua tạo ra chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới là một trận chiến hiếm thấy giữa anh em nhà Wright và một quý ông ít được biết đến hơn với cái tên Samuel Pierpont Langley.

Bạn sẽ khám phá ra lý do tại sao bạn chưa bao giờ nghe nói đến cái tên sau ở đoạn dưới đây.

Có lẽ bạn đã đọc đâu đó trong sách giáo khoa lịch sử bắt buộc thời tiểu học – anh em nhà Wright chịu trách nhiệm tạo ra chiếc máy bay thành công đầu tiên. Bạn hẳn còn nhớ câu chuyện diễn biến thế nào…

“đó là một ngày gió lạnh, ngày 17 tháng 12 năm 1903, trên đồi Kill Devil ở Bắc Carolina… Orville lo lắng nhìn anh trai Wilbur trèo vào trong chiếc máy bay họ mất nhiều năm để hoàn thiện… thật kỳ diệu nó bay được 59 giây với khoảng cách 852 feet…”

Trong khi ngày nay “anh em nhà Wright” trở thành cái tên đầu tiên xuất hiện trong đầu bất kỳ ai khi họ nghe thấy từ “bay”, thì ngày xửa ngày xưa đó, cặp đôi này chỉ là những kẻ yếu thế.

Thực tế, trong cuộc đua trên bầu trời, hầu hết nước Mỹ đều dành tiền cho người đàn ông mà tôi đề cập phía sau, Langley.

Ông là một nhà thiên văn học cực kỳ thẳng thắn, nhà vật lý và người tiên phong trong lĩnh vực hàng không – một người mang sứ mệnh làm nên lịch sử. Tầm cỡ và uy tín cao của Langley khiến Thư ký Học Viện Smithsonian trao cho ông toàn bộ sự tín nhiệm và đề cử mà ông cần để kéo cả nước Mỹ về phía ông.

Chưa kể, ông còn được hậu thuẫn cực tốt từ Bộ Chiến Tranh, nơi đóng góp 50.000 đô la giúp ông là người đầu tiên có một con chim trên bầu trời.

Chuyện hơi dài dòng, nhưng bất chấp tất cả kỳ vọng, cỗ máy để bay của Langley cuối cùng rơi và cháy, trong khi cái máy bay của anh em nhà Wright lại cất cánh.

Một bên đã có toàn bộ thế giới, những nguồn lực khổng lồ và đầy tiền bên cạnh, còn bên kia chỉ có một cửa hàng xe đạp nhỏ và niềm đam mê bay.

Thế nên, hãy để tôi hỏi bạn điều này… bạn có thể đoán tại sao anh em nhà Wright lại đạt được mục tiêu còn Langley thất bại không?

Khen ngợi sớm khiến bạn cảm thấy như đã chiến thắng

Chiến thắng của anh em nhà Wright trước Langley đã được quyết định bởi niềm đam mê, động lực nội tại (Langley bị điều khiển chủ yếu bởi địa vị) và có lẽ cả lời ngợi khen.



Trong khi Langley chia sẻ tham vọng của mình với cả thế giới và được đánh giá cao về những kỳ tích mà ông chưa đạt được, thì anh em nhà Wright lại nhận được rất ít sự chú ý.

Một số chuyên gia cho rằng có thể lời khen ngợi sớm khiến cá nhân nhận được lời khen cảm thấy nhưng mình đã chiến thắng… và khiến họ ít có khả năng theo đuổi mục tiêu hơn.

Ví dụ, trong bài nghiên cứu của Peter Gollwitzer “When Intentions Go Public” (Khi nào công khai kế hoạch), ông đã đặt ra câu hỏi này:

Các nhà khoa học có khả năng nghiên cứu nhiều hơn nếu họ kể cho đồng nghiệp nghe về các dự định của họ hay nếu họ giữ những dự định đó cho riêng bản thân?

Gollwitzer và nhóm nghiên cứu của ông đã thực hiện nhiều nghiên cứu, dưới đây là một trích đoạn ngắn từ phát hiện của họ:

“Việc người khác chú ý đến những dự định liên quan đến danh tính cụ thể của một người dường như tạo ra một cảm giác hoàn thành sớm liên quan đến mục tiêu của danh tính đó.”

Bằng tiếng Anh, Gollwitzer thấy rằng khi cá nhân đặt ra mục tiêu gắn liền với danh tính của họ rồi chia sẻ nó cho người khác biết, thì người đó sẽ ít có khả năng đạt được mục tiêu.

Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là bắt đầu uống  nhiều nước hơn, và bạn nói với bạn bè, gia đình mình rằng bạn sẽ bắt đầu uống nhiều nước, điều này thực sự ít hoặc không có ảnh hưởng tới việc bạn thực sự uống thêm nước hay không.

Tại sao? Vì uống nhiều nước hơn không phải là thứ bạn gắn với danh tính của mình.

Nói cách khác, nếu mục tiêu của bạn là giảm 40 lbs và 2-3 size vòng eo, đăng nó lên Facebook có lẽ không phải ý tưởng hay. Bề ngoài của bạn là thứ quen thuộc nhất bạn có thể nhận ra. Vì thế, nếu bạn nói với mọi người kế hoạch giảm cân, mọi người sẽ nói với bạn rằng bạn tuyệt thế nào, và trông sẽ hay ho hơn ra sao, vì thế bạn sẽ càng ít có khả năng giảm cân được.

Phát hiện này có chút phản trực giác, khi chúng ta luôn được các giáo viên dạy cách phát triển bằng cách thiết lập mục tiêu, chia sẻ mục tiêu, từ đó khiến bản thân có trách nhiệm đạt được điều đó.

Nhưng lý thuyết này chắc chắn vẫn có trọng lượng (vì nó vẫn khiến nhiều người chú ý), và trong số đó có một loạt các doanh nhân rất thành công, như Derek Sivers, nhà sáng lập CD Baby.

Sivers đã nói chuyện trong TED Talk về chủ đề này gần một thập kỷ trước. Để chứng minh quan điểm của mình, anh đã yêu cầu khán giả tưởng tượng xem họ cảm thấy thế nào khi chia sẻ mục tiêu của mình cho người khác:

“Hãy tưởng tưởng những lời chúc mừng và ấn tượng hình ảnh của họ về bạn cao thế nào. Bạn có thấy tuyệt khi nói về điều đó to lên không? Bạn có cảm thấy gần mục tiêu hơn một bước rồi không? Giống như nó đã trở thành một phần bản sắc của bạn rồi phải không?
Vâng, tin xấu đây. Bạn nên ngậm miệng lại. Cảm giác tốt đẹp kia sẽ khiến bạn ít có khả năng làm điều đó.”

Sivers tiếp tục giải thích rằng đó là vì “cảm giác ấm áp” này sẽ giữ chúng ta lại, không còn biết tranh đấu để thực sự đạt được mục tiêu.

Khi chúng ta cởi mở chia sẻ mục tiêu của mình, chúng ta đã trải qua một cảm giác thành công mà thông thường chỉ diễn ra sau khi đã hoàn thành mục tiêu.

Kết quả thì sao? Chúng ta không thực sự theo đuổi mục tiêu.

Các giải pháp thay thế để chia sẻ mục tiêu của bạn

Gần đây tôi đã chia sẻ ba chiến thuật kinh doanh trong đời thực để đạt được “mục tiêu to lớn” của bạn. Nhưng giờ hãy nói về những gì có thể thực sự vận hành khi mục tiêu của bạn đạt được thành công.

Vì hai phương pháp tiếp cận tới điều này đều trực quan nhưng hiệu quả, và nó liên quan đến hai triết lý, gọi là “Thiết lập sự sợ hãi”, và, nỗ lực bao quanh mình bằng sự cạnh tranh.

Chấp nhận sự sợ hãi trong việc chia sẻ mục tiêu

Doanh nhân, nhà đầu tư thiên thần và nhà văn Tim Ferriss, đã có một buổi nói chuyện thật khó tin với TED Talk về làm cách nào để thiết lập sự sợ hãi lại là công cụ đạt được mục tiêu.

Anh khuyên rằng thay vì ám ảnh với việc chia sẻ mục tiêu của bạn, bạn nên đối mặt trực diện với tất cả những nỗi sợ hãi đang ngăn cản bạn đạt được mục tiêu.

Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là bắt đầu khởi nghiệp. Ferriss khuyên bạn nên viết ra tất cả những nỗi sợ hãi của bạn liên quan tới khởi nghiệp.

Có thể là “Mất toàn bộ tiền”, “Bị sa thải khỏi công việc đang làm”, “Bị chê cười nếu thất bại”.

Một khi bạn viết ra chúng, bạn nên viết cả cách bạn dùng để ngăn chặn những nỗi sợ này (hoặc giảm thiểu khả năng chúng xảy ra).

Ví dụ, với nỗi sợ đầu tiên “mất toàn bộ tiền”, biện pháp ngăn chặn của bạn có thể là “Tôi chỉ đầu tư 2.500 đô trước để tôi không thể mất toàn bộ tiền”.

Cuối cùng, sau khi viết xong các biện pháp, bạn nên viết xuống cách bạn sửa chữa những gì bạn sợ sẽ xảy ra nếu chúng thực sự giúp ngăn những điều đó xảy ra.

Chẳng hạn, để sửa chữa việc mất 2500 đô, bạn có lẽ cần viết “Nhận một công việc làm thêm – làm bartender – cùng với công việc chính cho đến khi tôi kiếm đủ 2500 đô trở lại.”

Bằng cách tập trung vào thiết lập sợ hãi quanh việc chia sẻ mục tiêu, bạn sẽ loại bỏ nỗi sợ khiến bạn không đạt được mục tiêu của mình.

Tự bao quanh mình bằng sự cạnh tranh

Ngoài việc thiết lập sự sợ hãi, bao quanh bản thân bằng sự cạnh tranh cũng là ý hay.

Hàng tá cạnh tranh lành mạnh cũng có thể tốt cho doanh nghiệp của bạn. Ở JotForm, họ dùng cạnh tranh với các lợi thế của mình (các sự kiện như hackweeks) để đạt được mục tiêu phát hành sản phẩm.

Một nghiên cứu hai năm trước trên tờ Preventive Medicine Reports, đã mang tới chút ánh sáng về việc cạnh tranh tác động đáng kể lên mục tiêu của chúng ta thế nào.

Nghiên cứu đưa 800 sinh viên đại học và sau đại học tại ĐH Pennsylvania vào một chương trình thể dục kéo dài 11 tuần, mỗi người được chỉ định làm việc một mình hoặc theo nhóm.

Ngoài ra, các nhóm được thiết kế để hỗ trợ hoặc cạnh tranh nhau.

Kết thúc nghiên cứu, người ta thấy rằng các sinh viên trong các nhóm cạnh tranh có 90% đạt được mục tiêu bài tập theo lịch trình so với các nhóm khác.

Không chỉ có con số đáng kinh ngạc này, thí nghiệm còn chứng minh rằng cạnh tranh có thể tạo ra mức độ cam kết cao hơn giữa những người theo đuổi mục tiêu.

Khi bạn vây quanh mình bằng sự cạnh tranh, không có nghĩa là bạn phải chia sẻ mục tiêu với đối thủ. Bạn không phải nói cho đối thủ hay người khác rằng lớp thể dục, chương trình đào tạo cross – fit hay giải bóng rổ thực ra để thực hiện mục tiêu giảm 50 lbs của bạn.

Nhưng bằng cách có mặt và đặt bản thân vào môi trường cạnh tranh, bạn sẽ có nhiều khả năng thúc đẩy sự chăm chỉ hơn và hiện diện thường xuyên hơn – hai yếu tố có thể giúp bạn đạt được mục tiêu.

Khoa học đằng sau việc đạt được mục tiêu luôn là một chủ đề thú vị.

Trong khi vẫn có nhiều doanh nhân ủng hộ ý tưởng rằng bạn không bao giờ cần tới mục tiêu, tôi gần đây đã giải thích tại sao thiết lập mục tiêu lớn có thể làm bạn khốn khổ.

Dù bạn quyết định có chia sẻ mục tiêu của mình hay không, những gì tôi thu được trong 12 năm làm kinh doanh là bạn nên có con đường của riêng mình.

Những gì phù hợp với người khác không phải luôn vận hành với bạn. Và những gì phù hợp với bạn hôm nay không thể luôn phù hợp với bạn ngày mai.

Aytekin Tank
Ngày 16 tháng 5 năm 2018



Voltaire: Tìm kiếm mục đích cuộc đời


Tìm kiếm mục đích cuộc đời

Ít nhà triết học nào tạo ra ảnh hưởng to lớn lên nền triết học Pháp như Voltaire. Sinh năm 1694, Francois – Marie Arouet thuở nhỏ sống ở Paris, Pháp. Ông được giáo dục theo kinh điển Dòng Tên tại trường Cao Đẳng Louis – le – Grand.

Sau khi học xong, ông muốn trở thành nhà văn. Nhưng bố ông lại muốn ông theo chân mình thành một luật sư. Để xoa dịu cha, Arouet giả vờ học luật trong khi vẫn không ngừng sáng tác.

Arouet trở nên nổi tiếng trong giới đồng nghiệp nhờ tính châm biếm và sự thông thái. Không may, những tính cách kiểu này sớm dìm ông trong nước sôi lửa bỏng. Sau khi chế nhạo chính quyền, ông bị giam tại nhà ngục Bastille gần một năm. Sau khi được thả, ông quyết định đổi tên thành “Voltaire”.

Giống như nhiều nhà triết học thời kỳ Khai sáng, Voltaire ủng hộ tự do cá nhân, lý luận và đặt câu hỏi về các học thuyết tôn giáo. Các cuộc tranh luận với chính quyền khiến ông phải sống lưu vong khỏi nước Pháp. Kết quả là ông đi khắp nơi, từ Anh tới Brussels, cuối cùng là Phổ.

Voltaire đã viết một lượng đồ sộ các vở kịch và thơ ca, cùng với các tác phẩm lịch sử và triết học. Các tác phẩm của ông rơi vào một trong ba loại: một số ít phổ biến đến khó tin, một số nhiều thất bại, và một số tác phẩm đáng chú ý khiến những người xung quanh nổi giận. Cuộc đời ông cũng phản ánh đúng khuôn mẫu ấy. Ông có thể được chào đón ở những vùng đất mới, chỉ sau khi đã bị đuổi đi.

Ở Geneva, một lần nữa ông lại được chào đón trong vòng tay rộng mở. Nhưng các tác phẩm của ông đã kích động một số tri thức Thụy Sĩ, rồi các vở kịch của ông bị ngừng lại. Sau đó là tranh cãi và phê bình.

Một Voltaire mệt mỏi về ẩn dật ở Ferney, ngôi làng người Pháp nằm gần biên giới Thụy Sĩ. Chính ở vùng thôn quê này, ông đã trải qua một trong những quãng thời gian hạnh phúc và hiệu suất nhất trong đời. Lúc này, ông viết tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, Candide (Tác phẩm xuất bản tại Việt Nam với cái tên Chàng Ngây Thơ).

Câu chuyện về Cadide

Xuất bản năm 1759, tác phẩm hư cấu bắt đầu trong lâu đài một nam tước ở Đức, nơi chàng trai trẻ Cadide sống một cách yên bình. Gia sư của chàng, tiến sĩ Pangloss, một người theo chủ nghĩa lạc quan, dạy chàng “mọi thứ đều sẽ hoàn thiện.”

Trải qua một loại sự kiện, Candide đi khắp Nam Mỹ và Châu Âu, nơi chàng chứng kiến và trải nghiệm nhiều bất hạnh từ thiên tai tới bạo lực bất công. Chàng bắt đầu nghi ngờ đặt câu hỏi liệu mọi thứ có thật đều trở nên hoàn thiên không, ý nghĩa nào đằng sau những sự kiện khủng khiếp chàng đã chứng kiến.

Candide là một lời phê phán về triết học trên mọi khía cạnh của thời kỳ Khai Sáng, thói đạo đức giả của các lãnh đạo tôn giáo, va những hành động vô nhân đạo được thực hiện dưới tên công lý. Nhiều sự kiện thực đã được phản ánh trong đó, như Chiến Tranh Bảy Năm, trận động đất thảm họa ở Lisbon năm 1755, vụ hành hình Đô Đốc John Byng khiến nhiều người giận dữ vào thời điểm đó.

Cuốn sách là một tác phẩm ngắn nhưng thú vị. Đừng bị lừa bởi thứ mỏng manh ấy. Đằng sau tấm màn che châm biếm và hài hước, nhiều vấn đề quan trọng đã được đưa ra – một số trong đó vẫn còn giá trị tới ngày nay.

Dưới đây là ba mối nguy hiểm mà câu chuyện đã thảo luận:

1.              Sự nguy hiểm của chủ nghĩa lạc quan

Xuyên suốt câu chuyện, Pangloss nhắc nhở Candide rằng rồi tất cả sẽ trở nên hoàn thiện, sẽ đạt đến trạng thái tốt nhất. Lợn được tạo ra để ăn, đó là lý do tại sao chúng ta ăn thịt lợn. Chân là để mang giày, đó là lý do tại sao chúng ta đi giày. Và cuối cùng, Vịnh Lisbon được tạo ra để nhân vật Jacques chết chìm trong đó.

Các lý lẽ nhằm hợp lý hóa của Pangloss rất đỉnh, nên nhân vật của ông được sử dụng để chế giễu các triết gia tin rằng mọi thứ xảy ra đều vì một lý do cụ thể nào đó. Theo Voltaire, nguy hiểm của chủ nghĩa lạc quan là nó dẫn tới sự không hành động. Khi Candide cố gắng cứu Jacques khỏi chết đuối, Pangloss đã ngăn chàng lại để chứng minh rằng Jacques chết đuối là hợp lý.

Điều này nghe có vẻ phi lý. Nhưng chúng ta trở thành nạn nhân của niềm tin rằng tư duy tích cực là một phần cốt lõi của thành công. Chúng ta nghĩ rằng nếu mình có thể nghĩ tích cực thì mọi thứ sẽ vận hành theo cách chúng vốn dĩ được tạo ra để làm vậy. Không may, các nghiên cứu chỉ ra rằng tưởng tượng về một kết quả cụ thể nào đó thực ra có thể cản trở hành động.

Thay vì chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng, hãy bắt đầu với hành động. Lên kế hoạch cho bữa ăn hôm nay sẽ tốt hơn là nghĩ ra một con số trọng lượng cụ thể bạn giảm được vài tháng tới. Luyện tập một nhạc cụ sẽ giúp bạn đi xa hơn việc tưởng tượng bản thân đang đứng trước khán phòng chật ních khán giả. Bán hàng hóa ngoài trạm xăng mới sửa chữa lại có tính cạnh tranh hơn việc tô vẽ ý tưởng của bạn trong một công ty toàn cầu.

Khởi đầu nhỏ là một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả.

2.              Nguy hiểm của sự thành công

Mọi người đều thích thành công. Chúng ta nỗ lực vì nó, nói về nó, và bị thu hút bởi nó. Thật không may, thành công có thể thu hút mọi người vì những lý do sai trái.

Candide gặp vận may khi tìm thấy một mớ tài sản toàn vàng bạc, trang sức và cừu. Sau đó chàng đi chơi với một thương nhân hay đi đây đó – kẻ đã lừa gạt chàng. Candide đã thu hút cả những người bạn chỉ tiếp cận chàng với mục đích duy nhất là chiếm tài sản của chàng rồi biến mất.

Cuộc hành trình của chàng cho thấy “thành công” của chàng có cả mặt tốt và mặt xấu. Chàng dùng chúng để mua tự do cho các bạn và tìm được những người thực sự hữu ích. Nhưng không may chàng cũng thu hút những kẻ chỉ muốn có các tài nguyên của chàng, làm giảm sự lạc quan của chàng với cuộc đời.

Câu chuyện dạy chúng ta rằng thành công, dưới nhiều hình thức khác nhau, không như hứa hẹn. Như Candide đã thu được, đạt được thành công không có nghĩa là các vấn đề của bạn biến mất. Thay vào đó, chúng thay đổi thành một loạt các vấn đề khác.

3.              Nguy hiểm của việc không hoạt động

Hành trình tìm kiếm ý nghĩa của Candide cũng là hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Tại một số giai đoạn trong câu chuyện, Candide tới được nơi có thể khiến chàng hạnh phúc, nhưng rồi nó chỉ mang lại sự không hài lòng. Ví dụ, chàng thấy mình thật thần kỳ khi ở El Dorado, vùng đất yên bình rộng lớn giàu có. Nhưng chàng chỉ có thể nghĩ tới việc trở về quê hương cùng tài sản.

Khi Candide đoàn tụ với bạn bè và người yêu, một lần nữa chàng có thể được hạnh phúc. Họ đã thoát khỏi chiến tranh, bạo lực, và thiên tai. Nhưng họ trở nên bất an và chán nản. Chỉ khi Candide gặp một người nông dân làm việc chăm chỉ khiến chàng nhận ra một thứ họ cần: mục đích.

Candide nói: “Chúng ta phải chăm sóc khu vườn của mình.” Vì thế, họ dừng việc ngồi lê la và quyết định cùng nhau làm việc. Cuối cùng họ cũng hài lòng.

Nhiều người trong chúng ta khao khát một ngày nào đó mình có thể ngừng làm việc. Chúng ta mệt mỏi với những khó khăn vất vả hàng ngày. Nhưng khi chúng ta dừng lại, chúng ta cũng mất đi ý thức về mục đích.

Candide đã cho thấy sự nguy hiểm của việc chỉ ngồi triết học hóa mọi thứ mà không làm gì. Rất dễ bị cuốn vào những thứ ngoài tầm kiểm soát. Khi ta nghĩ về những gì người khác đang làm hoặc mấy tin đồn nhảm, ta đã đánh mất tầm nhìn vào việc cải thiện tình hình của bản thân.

Thay vào đó, hãy hướng vào khu vườn của bạn thôi.

Chăm sóc khu vườn của bạn

Sau khi Voltaire chuyển đến vùng nông thôn yên tĩnh, ông không được hưởng cảnh thanh bình lâu. Theo phong cách của Voltaire, ông lại khuấy động dân làng với những quan điểm của riêng mình.

Ông tiếp tục đấu tranh vì quyền lợi cá nhân, chống lại bao biện tôn giáo, và tham gia vào chính trị địa phương. Cuối cùng, người dân địa phương cổ vũ những nỗ lực của ông và làng Ferney được đổi tên thành Ferney – Voltaire.

Sau 28 năm lưu vong, Voltaire cuối cùng trở về Paris. Ông lại được tôn vinh và ca ngợi. Bằng cách chăm chút khu vườn của mình, Voltaire đã tìm thấy phần thưởng và ý nghĩa trong công việc của mình.


Theo Melissa Chu
Ngày 14 tháng 5 năm 2018


Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?

Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ...