Hiển thị các bài đăng có nhãn Facebook. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Facebook. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Mạng xã hội: Kẻ sáng tạo hay Kẻ hủy diệt?


Mạng xã hội: Kẻ sáng tạo hay Kẻ hủy diệt?

Nhiều năm qua, chúng ta đã được chứng kiến một số “cuộc cách mạng Facebook”, từ Mùa Xuân Ả Rập tới chiến dịch Chiếm Phố Wall, rồi lan ra những quảng trường lớn ở Istanbul, Kiev, Hồng Kong, tất cả đều được các mạng xã hội tiếp nhiên liệu. Nhưng khi làn khói đã tan đi, hầu hết những cuộc cách mạng này đều thất bại trong việc xây dựng bất kỳ trật tự chính trị mới bền vững nào, một phần vì có quá nhiều tiếng nói được khuếch đại, việc xây dựng sự đồng thuận trở nên bất khả thi.

Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng mạng xã hội chỉ giỏi trong việc phá vỡ các thứ, chứ không giỏi xây dựng nên các thứ?

Một tiếng nói quan trọng đã trả lời câu hỏi này bằng từ “Đúng vậy” rất to. Tiếng nói đó là của Wael Ghonim, nhân viên Google người Ai Cập, có trang Facebook ẩn danh giúp khởi động cuộc cách mạng tại quảng trường Tahrir đầu năm 2011 lật đổ Tổng Thống Hosni Mubarak – nhưng sau đó lại thất bại trong việc tạo ra một nền dân chủ thực sự thay thế.


Wael Ghonim, ở giữa, tại quảng trường Tahrir ở Cairo năm 2011. Ảnh Dylan Martinez/Reuters

Vào tháng 12, Ghonim, sau đó chuyển tới Thung Lũng Silicon, đã đăng một bài nói chuyện trong show nổi tiếng TED kể về những gì đã xảy ra. Bài đăng này rất đáng xem, và nó mở đầu thế này: “Tôi đã từng nói ‘Nếu bạn muốn giải phóng một xã hội, tất cả những gì bạn cần là Internet.’ Tôi đã sai. Tôi đã nói những lời đó hồi năm 2011, khi một trang Facebook tôi tạo ẩn danh đã giúp cuộc cách mạng Ai Cập nổ ra. Mùa Xuân Ả Rập cho thấy tiềm năng lớn nhất của phương tiện truyền thông mạng xã hội, nhưng đồng thời cũng phơi bày thiếu sót lớn nhất của nó. Cùng một công cụ đoàn kết chúng ta lật đổ các nhà độc tài cuối cùng lại cắn xé chúng ta thành nhiều mảnh.”

Đầu những năm 2000, người Ả Rập đã đổ xô vào trang web, Ghonim giải thích: “Khát khao tri thức, cơ hội, kết nối với phần còn lại của thế giới, chúng tôi đã trốn thoát khỏi thực tế chính trị bức bối và sống trong một cuộc sống ảo.”

Sau đó đến tháng 6 năm 2010, anh ghi lại: “Internet đã thay đổi đời tôi vĩnh viễn. Trong khi đang lướt Facebook, tôi đã nhìn thấy một bức ảnh… xác chết vì bị tra tấn của một chàng trai trẻ người Ai Cập. Cậu ấy tên là Khaled Said. Khaled là người Alexandria 29 tuổi, bị cảnh sát giết chết. Tôi thấy mình trong bức ảnh ấy… Tôi đã tạo ẩn danh một trang Facebook với cái tên “We Are All Khaled Said” (Tất cả chúng ta đều là Khaled Said). Chỉ ba ngày sau, trang có trên 100.000 người, có cả người Ai Cập cùng chia sẻ mối quan tâm tương tự.”

Chẳng mấy chốc, Ghonim và các bạn anh đã dùng Facebook tạo ra nhiều ý tưởng ban đầu cho đám đông, và “trang trở thành trang được followed nhiều nhất trong thế giới Ả Rập… Mạng xã hội cực kỳ quan trọng trong chiến dịch này. Nó đã giúp một phong trào phi tập trung nổ ra. Nó khiến mọi người nhận ra rằng họ không đơn độc. Và nó khiến chính phủ không có khả năng ngăn chặn.”

Ghonim cuối cùng cũng bị lực lượng an ninh Cairo theo dõi, đánh đập và cách ly trong 11 ngày. Nhưng 3 ngày sau khi anh được trả tự do, hàng triệu người biểu tình ủng hộ các bài post của anh trên Facebook đã giúp lật đổ chế độ Mubarak.

Lạy Thánh Alas, niềm vui thật chóng nhạt phai, vì như Ghonim nói, “chúng tôi đã thất bại trong việc xây dựng sự đồng thuận, và cuộc đấu tranh chính trị đã dẫn đến sự phân cực mạnh mẽ.” Anh ghi lại rằng, phương tiện truyền thông mạng xã hội “chỉ khuếch đại” sự phân cực “bằng cách tạo điều kiện lây lan thông tin sai lệch, tin đồn, bắt chước và những lời đầy thù hận. Môi trường hoàn toàn độc hại. Thế giới online của tôi trở thành một bãi chiến trường đầy những trò lừa đảo, dối trá và những phát biểu hận thù.”

Những người ủng hộ quân đội và những người Hồi Giáo sử dụng mạng xã hội để bôi nhọ lẫn nhau, trong khi trung tâm của nền dân chủ, Ghonim và nhiều người khác bị bắt giữ và bị gạt ra ngoài lề. Cuộc cách mạng của họ đã bị nhóm Anh Em Hồi Giáo đánh cắp, và khi nó thất bại, quân đội đã bắt giữ nhiều thanh niên thế tục – những người đầu tiên tăng cường làm hùng mạnh cuộc cách mạng. Quân đội đã có trang Facebook riêng để tự bảo vệ mình.

Ghonim bảo: “Đó là thời điểm bại trận. Tôi đã im lặng hơn hai năm, và tôi dùng thời gian để suy nghĩ về mọi chuyện đã xảy ra.”

Và đây là những gì anh kết luận về mạng xã hội ngày nay: “Đầu tiên, chúng tôi không biết làm thế nào để đối phó với những tin đồn. Tin đồn vốn dĩ chỉ là thiên kiến của một số người giờ đã được tin tưởng và lan tràn giữa hàng triệu người. Thứ hai, chúng tôi có xu hướng chỉ giao tiếp với những ai chúng tôi đồng ý, và cảm ơn các phương tiện mạng xã hội, chúng tôi có thể câm lặng, dừng follow và chặn bất kì ai khác. Thứ ba, các cuộc thảo luận online nhanh chóng rơi vào đám đông giận dữ… Cứ như thể chúng ta quên rằng người phía sau màn hình thực ra là người thật chứ không phải avatar.
Và thứ tư, thật sự rất khó thay đổi quan điểm của chúng ta. Vì tốc độ và sự ngắn gọn của mạng xã hội, chúng tôi buộc phải đi tới kết luận và viết các quan điểm sâu sắc chỉ trong 140 kí tự về những vấn đề phức tạp trên thế giới. Nhưng một khi chúng tôi làm thế, nó sẽ tồn tại mãi mãi trên Internet.
Thứ năm, và quan trọng nhất, ngày nay, các trải nghiệm mạng xã hội đều được thiết kế theo cùng một cách, cho like hay thể hiện cảm xúc trước các cam kết, cho post trong các cuộc tranh luận, cho những dòng bình luận (comment) nông cạn dưới những cuộc thảo luận sâu sắc… Như thể chúng ta ở đây để nói chuyện về nhau, chứ không phải nói chuyện với nhau.”

Nhưng Ghonim không từ bỏ. Anh và vài người bạn gần đây lập một website Parlio.com, để chủ trì các cuộc nói chuyện dân sự thông thái hơn về các vấn đề nóng gây tranh cãi, với mục tiêu thu hẹp những khoảng trống, chứ không mở rộng chúng ra. Những tranh luận trên Parlio thường rất hấp dẫn và hàm súc.

Năm 2016, Ghonim kết luận: “Năm năm trước, tôi đã nói ‘Nếu bạn muốn giải phóng xã hội, tất cả những gì bạn cần là Internet.’ Bây giờ tôi tin rằng nếu chúng ta muốn giải phóng xã hội, trước tiên chúng ta cần giải phóng Internet.”

Thomas L. Friedman


Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Sự nhỏ bé của Mark Zuckerberg


Sự nhỏ bé của Mark Zuckerberg
Và tại sao không nên tin tưởng anh ta là người trông giữ thông tin cho thế giới?


ảnh: Getty

Mark Zuckerberg là một người nhỏ bé – 5 foot 7 (tức 1m74) theo Google – nhưng điều này không có nhiều người biết, vì những bức ảnh duy nhất về anh trước công chúng đều đã được chế tác cẩn thận để khiến anh nhìn có vẻ cao hơn, theo lời cứu nhà văn Graham Starr của Wired. Một khi đã từng đọc nhận xét của Starr về chủ đề này, không thể nhìn thấy những bức ảnh của nhà sáng lập Facebook mà không thấy cả chiếc tàu vũ trụ được sử dụng trong hầu hết mọi hình ảnh để che dấu chiều cao thật của anh.

Zuckerberg là một thương hiệu, giám đốc điều hành của một trong những công ty giá trị nhất thế giới, và một người có khả năng là ứng cử viên tổng thống. Làm cho anh cao hơn rất quan trọng vì mọi thứ xung quanh một thương hiệu và một tổng thống tương lai cần phải được chỉnh sửa để gợi lên sự ấm áp, ngưỡng mộ và cảm xúc tốt đẹp để mọi người tiếp tục hướng tới, tiếp tục đọc, tiếp tục yêu thích, tiếp tục trả tiền. Và cuối cùng, một ngày nào đó, có lẽ, sẽ tiếp tục được bỏ phiếu.
Người ta nói rằng những người cao có xu hướng giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử.

Vì vậy, giờ đây anh đang ở trên tờ New York Times, du lịch khắp đất nước, ngồi tít trên cao trong chiếc máy kéo ở Wisconsin, một người bạn đồng hành đang nhìn chằm chằm vào anh. Giờ đây anh đang mỉm cười, và ra quyết định anh “không còn là người vô thần nữa” trong nhà thờ Charleston, nơi Dylann Roof giết chết 9 người. Giờ đây anh đang phát biểu tại Harvard, thông báo cho những ai tụ tập lắng nghe phía dưới rằng “Mục đích có nghĩa là chúng ta là một cái gì đó lớn hơn bản thân chúng ta, rằng chúng ta là cần thiết, rằng chúng ta là một cái gì đó tốt hơn trước hết để làm việc vì nó.”

Do đó, công chúng được dạy cách tin tưởng rằng Mark Zuckerberg là cao lớn, và rộng lượng, một người trông giữ chu đáo và cẩn thận thông tin cá nhân của chúng ta, một nhà lãnh đạo khôn ngoan và thông minh. Và chúng ta mới ngạc nhiên làm sao, khi bất kỳ ai – dù đồi bại, tham lam, đê hèn hay ngu ngốc thế nào đi chăng nữa – cũng có thể thành tổng thống, một thực tế chưa bao giờ rõ ràng hơn bây giờ.

Nhưng nhìn gần hơn một chút, bạn sẽ thấy Zuckerberg có vẻ giống chú mèo Ba Tư đang xấu hổ trước nhân vật phản diện Bond. Chỉ trong trường hợp bạn đã nhận ra rằng các tỷ phú không trở thành các nhà lãnh đạo thế giới tốt. Người đàn ông này không có hoạt động kinh doanh nào để chạy đua cho chức vụ, và vì ai đó đã thuê một nhà khảo sát toàn thời gian giám sát các xếp hạng quan trọng của anh, có vẻ nhu đó là những gì anh ấy thực sự dự định làm.
(Tôi không nói những người nhỏ bé là xấu xa. Tôi cũng là một người nhỏ bé đây… được chưa, chúng ta đều là một lũ xấu xa.)

Những người đang tìm kiếm địa vị cao nên có một hồ sơ dài về sự trung thực, đánh giá tốt và nhân cách tốt. Điều này không nên đòi hỏi quá nhiều, nhưng có rất nhiều người sẽ không đạt yêu cầu, Mark Zuckerberg là một trong số đó.

Đây nhé: Facebook đã phủ nhận rằng các nhà tuyên truyền Nga đã mua các quảng cáo từ công ty trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, đã thừa nhận rằng họ đã làm vậy. Đây nữa, Facebook thừa nhận sau đó ít lâu rằng, công ty đã thực sự phân phối các tuyên truyền của Nga tới gần 150 triệu người trong mùa bầu cử. Công ty đã bán quảng cáo cho chiến dịch của Donald Trump rẻ hơn rất nhiều so với chiến dịch của Hillary Clinton (vì quảng cáo của Trump cực kỳ “khiêu khích” với các thuật toán, bạn biết rồi đấy). Dù sao đi nữa, quảng cáo đã có thể được tập trung siêu nhỏ tới mức người mua có thể nhóm thành từng nhóm kiểu “Những người ghét dân Do Thái”. Đây nữa, Mark Zuckerberg nói rằng anh đang xem xét quan điểm cho rằng Facebook đã tác động đến bầu cử dưới bất cứ hình thức nào là một “ý tưởng cực kỳ điên rồ”, nhận xét khiến anh phải hối hận sau đó.

Hiện tại, có nghi vấn trong cuộc chạy đua bầu cử năm 2016, công ty của Zuckerberg đã được trả một số tiền không rõ để cho phép các tổ chức bí mật truyền bá một lớp thông tin dày đặc cho công chúng đi bầu cử của Mỹ. Nhiều người tin rằng sự lãng quên bổn phận rõ ràng (và có lợi) của Zuckerberg đóng vai trò then chốt trong việc mở ra không chỉ nhiệm kỳ tổng thống của Trum mà còn cả khung cảnh độc hại từ thất bại của giới truyền thông và một nền dân chủ bị phá hoại.

Mặc dù từ chối nhận trách nhiệm của mình cho thất bại đó, Zuckerberg và công ty của anh vẫn đưa ra nhiều lời xin lỗi vì những sự lơ là khác. Anh đã “thăm” cơn bão tàn phá Puerto Rico từ khoảng cách 3588 dặm khiến chuyến thăm tồi tệ của George W. Bush tới New Orleans sau bão Katrina trông như Albert Schweitzer đang chăm sóc người cùi ở Lambarene. (Rất lấy làm tiếc!)

Còn đây là gian hàng của Facebook tại Tiệc Trà gần đây, CPAC, nơi những người bảo thủ tới được hưởng một cơ hội bắn vào “lực lượng kháng chiến” bằng súng – “lực lượng kháng chiến!” – không đầy 2 tuần sau vụ 17 người bị bắn và giết hại ở một trường trung học ở Florida. (Lấy làm tiếc!)

Còn đây, họ đang xin lỗi vì đã bí mật thao túng các tin tức của gần một triệu người trong một “thí nghiệm” nội bộ (Rất tiếc); vì đã khiến một người Palestine bị bắt giữ khi nói “good morning” (Rất tiếc!); vì đã kiểm duyệt các nhà báo Palestine (Rất tiếc!); vì đã ngăn chặn nhà hoạt động Shaun King của tổ chức Black Lives Matter (Rất tiếc); vì đã chế nhạo một người mẫu béo ngoại cỡ (Rất tiếc); vì tạm dừng tài khoản của một nhà hoạt động xã hội người da đen sau khi cô đưa những đe dọa cô nhận được lên (Rất tiếc); vì giúp chính họ bất chấp luật bản quyền đã sử dụng các bức ảnh người dùng post trên dịch vụ Instagram (Rất tiếc); vì nói quá mức các số liệu video của họ (Rất tiếc); vì đã dung túng những hình ảnh bạo lực với phụ nữ (Rất tiếc); vì cho phép sử dụng hình ảnh nạn nhân tự tử vào một quảng cáo cho trang web hẹn hò (Rất tiếc).

Nó có thể có lợi cho Mark Zuckerberg, nó có thể có giá khi anh ta trả nhiều tiền cho bạn để bạn tin rằng anh ấy là một nhà lãnh đạo tốt, xứng đáng với sự tin tưởng của bạn, và có bằng chứng về việc anh đã làm điều đó. Nhưng đánh giá bằng con mắt minh bạch về nhân thân buộc chúng ta phải kết luận rằng Mark Zuckerberg không phải là một nhà lãnh đạo tốt hay đáng tin cậy.

Các tin nhắn cá nhân được viết năm 2013 và rò rỉ trên tờ Business Insider năm 2010 đã tiết lộ một Zuckerberg riêng tư chưa bị đánh bóng, một Zuckerberg thời tiền Potemkin (kẻ có vẻ ngoài lừa gạt), trước khi bất kỳ một nhân viên PR, một nhà thăm dò công luận, hay một phương tiện truyền thông nào sục sạo tới. Anh bắt đầu sự nghiệp của mình như một nhà đầu cơ dũng mãnh với vụ ồn ào loại bỏ nhà đầu tư hạt giống ban đầu của mình, Eduardo Saverin, ồ ạt làm suy yếu các khoản đầu tư của Saverin, hai người sau đó tới một thỏa thuận. Tin nhắn cá nhân cũng bị rò rỉ cho tờ Sillicon Alley Insider lúc đang trong vụ scandal pháp lý giữa Zuckerberg và cặp song sinh Winklevoss, Cameron và Tyler, những người đã tuyên bố rằng Zuckerberg đã lừa dối họ và đánh cắp ý tưởng của họ để xây dựng theFacebook.com; họ cuối cùng cũng đi đến một dàn xếp.

Và đây, Zuckerberg giải thích cho bạn mình qua IM, ngay sau đó, về những gì anh ấy dự định làm với anh em nhà Winklevoss:
Người bạn: vậy cậu đã quyết định sẽ làm gì với cái website chưa?
ZUCK: ờ tớ sẽ chơi họ một vố
ZUCK: có lẽ trong năm thôi
ZUCK: *ear

6 năm sau trước những lời cáo buộc này, Facebook đã đưa ra lời bác bỏ cũng như không đầy giá trị của Sarah Huckabee Sanders: “Chúng tôi sẽ không tranh cãi với những người kiện cáo bất mãn và những nguồn giấu tên đang tìm cách viết lại lịch sử ban đầu của Facebook hoặc gây rắc rối cho Mark Zuckerberg bằng những cáo buộc lỗi thời. Thực tế không còn nghi ngờ gì, từ khi rời khỏi Harvard đến Thung Lũng Silicon gần 6 năm trước, Mark đã dẫn dắt Facebook phát triển từ một website của trường học thành một dịch vụ toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của hơn 400 triệu người.”

Vâng… đó mới là vấn đề, phải không? Không ai nghi ngờ Facebook đã rất to lớn. Câu hỏi khi đó và bây giờ là: Mark Zuckerberg có phù hợp để lãnh đạo một công ty có độ lớn và tầm ảnh hưởng như vậy không?

-----

Làm thế nào một công ty ma quỉ rõ ràng như Facebook lại có thể được chào đón nồng nhiệt bởi nhiều người đến vậy? Lý do không cần tìm đâu xa. Người dùng cá nhân nhìn Facebook thông qua lăng kính của những mối liên hệ thực sự, yêu thương, thân mật với bạn bè và gia đình của chính họ; với hàng triệu người, gương mặt Facebook là ngương mặt của tình yêu, gương mặt của những đứa con, ông bà cha mẹ, hàng xóm, người yêu, thầy cô, bạn bè. Làm sao một nơi thân thiện như thế có thể làm hại chúng ta được, hay thậm chí mong chúng ta bị hại được? Làm sao nó có thể là thứ tàn bạo, ích kỷ và nguy hiểm được đây?

Sự thật đáng buồn là gương mặt thân thiện kia không phải là gương mặt thật của Facebook; đó chỉ là một sự giả dối, kiểu như một người ngồi trên máy kéo để mọi người nghĩ anh ta thật cao lớn. Mark Zuckerberg sử dụng những mối liên hệ gần gũi nhất của bạn, gương mặt (theo nghĩa đen) những người bạn yêu thương, để lừa bạn nghĩ rằng anh ấy không phải đang moi tiền từ túi bạn, tung một quả cầu thép vào hệ thống truyền thông, vào sự chính trực của xã hội và bản thân nền dân chủ. (Và thực tế đơn giản là “Facebook” và “Zuckerberg” là các thuật ngữ có thể được dùng hoán đổi cho nhau, vì anh ấy đã xoay chuyển cả đất trời để giữ quyền kiểm soát tuyệt đối công ty.) Toàn bộ công thức nấu ăn của bà bạn, toàn bộ những bức ảnh sinh nhật của bạn và những lời mời như mưa rào, những video về chú mèo yêu dấu, các bản tin YouTube sống động, các cuộc họp mặt đoàn tụ đều chỉ sôi sục quanh một thứ, đó là tiền.

Để làm từ thiện, có lẽ Zuckerberg tin tưởng chính sự vô nghĩa của mình ư? Gần đây anh ấy đã nói rất nhiều về “đồng cảm”, và tôi phải thừa nhận rằng những màn trình diễn tấm lòng từ bi anh ấy đang cho phát sóng rộng rãi nhiều tháng qua đang rất có sức thuyết phục với những người mới. Nhưng hãy nghĩ về thông tin này từ tháng giêng một chút, khi đó Zuckerberg tuyên bố anh sẽ làm cho Facebook “mang mọi người lại gần nhau hơn”.

“Chúng tôi đang thực hiện một thay đổi lớn về cách chúng ta xây dựng Facebook. Tôi đang thay đổi mục tiêu mà tôi đã đề ra cho các nhóm sản phẩm từ việc tập trung giúp bạn tìm ra nội dung có liên quan sang giúp bạn có nhiều tương tác xã hội có ý nghĩa hơn.”

Chắc chắn câu trả lời duy nhất một người bình thường có thể tưởng tượng ra từ ý tưởng của vị tỷ phú độc quyền đang cố gắng được góp phần vào hoặc có quan điểm hoặc kiếm được tiền từ các “tương tác xã hội có ý nghĩa” của cuộc đời bạn là: Làm ơn tránh xa tôi ra. Hay theo lời một bài thơ: Anh không biết tôi, anh quá già, đi đi, hết rồi. Tôi nghĩ là tôi có thể nói câu đó nếu tôi không rời bỏ Facebook nhiều năm trước.

Dưới đây là một số thách thức hàng năm của Zuckerberg cho bản thân, ấn bản năm 2018:

“Thế giới cảm thấy lo lắng và chia rẽ, và Facebook có nhiều việc để làm – liệu nó có bảo vệ cộng đồng khỏi lạm dụng và thù ghét không, bảo vệ chống lại sự can thiệp của các quốc gia, hay đảm bảo rằng thời gian dùng cho Facebook là thời gian sử dụng có ích không? Thách thức cá nhân của tôi trong năm 2018 là tập trung khắc phục những vấn đề quan trọng này. Chúng tôi sẽ không chặn được mọi sai lầm hay lạm dụng, nhưng hiện tại chúng tôi đang mắc quá nhiều lỗi khi thực hiện chính sách của chúng tôi và ngăn việc sử dụng sai các công cụ của chúng tôi. Nếu năm nay chúng tôi thành công thì cuối năm 2018 chúng tôi sẽ đi vào một quĩ đạo tốt đẹp hơn nhiều.”

Facebook không phải là một “cộng đồng”. Nó là một cỗ máy kiếm tiền được xây dựng từ các tin nhắn cá nhân, tình bạn, các đoạn video về chú mèo cưng và cả những ấn phẩm báo chí của các nhà xuất bản khác, một mớ trộn lẫn với nhau, vắt kiệt những thông tin có thể bán được, tràn ngập quảng cáo, và trái lại làm hỏng việc kiếm tiền của các dòng newsfeed của bạn.

Không có bằng chứng đáng tin cậy, hoàn toàn không có gì cả, để chỉ ra rằng con chó rừng này đã thay đổi đốm, sọc, hay bất cứ cái gì, vì anh chàng đã viết tin nhắn riêng cho một người bạn ở Harvard trong câu chuyện lúc trước thế này:

ZUCK: ờ vậy nên nếu cậu cần thông tin về bất kỳ ai ở Harvard
ZUCK: cứ hỏi
ZUCK: tớ có 4000 email, ảnh, địa chỉ, sns
Người bạn: gì cơ? làm sao cậu quản lý chúng?
ZUCK: mọi người cứ gửi chúng lên
ZUCK: tớ không biết tại sao
ZUCK: họ “tin tưởng tớ”
ZUCK: lũ ngu

Maria Bustillos
Ngày 9 tháng 3 năm 2018

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Guidance Systems 4 – Jacob Ward: Tại sao Nga dùng Twitter và Facebook? Hãy đọc báo cáo từ Ba Lan này để tìm hiểu.



Các hệ thống dẫn hướng (Guidance Systems 4 – Jacob Ward): Tại sao Nga dùng Twitter và Facebook? Hãy đọc báo cáo từ Ba Lan này để tìm hiểu.

Chúng ta đã tạo ra những cỗ máy hoàn hảo cho nước khác nắm giữ và duy trì “users - người dùng”

Vào tháng tám (năm 2017), một người dùng Twitter có tên “Conspirador Norteño” đã đưa lên một mẫu tự rất thú vị nhằm tìm kiếm trong số những người post bài lên Twitter. Có một nhóm người phù hợp với mẫu tự này.



Conspirador Norteño lấy ra một người dùng trong nhóm có hơn 60.000 người mang một phần tên tài khoản giống nhau này, DavidJo52951945 – người dùng có nhiều người follow nhất.



DavidJo52951945 hằng ngày trong suốt nhiều năm, đều đặn như vắt chanh, viết bài về Brexit, Ukraine, về Hillary Clinton – bất cứ điều gì đang diễn ra trong thế giới bị chia rẽ về mặt chính trị ở phương Tây, và trong cả những thứ Kremlin có liên quan. Người này đứng đầu nổi bật trong nhóm.

Conspirador Norteño viết rằng ông tin tài khoản này là một con người, chứ không phải bot (đây là cách gọi tắt của robot hiện nay). Chỉ có điều, DavidJo52951945 duy trì một thời gian biểu. Một thời gian biểu rất đáng nói.
Đây là một phát hiện thú vị - David luôn post từ 8 AM-8 PM hằng ngày, giờ Matxcova. Có vẻ như đó là công việc của anh ta hay gì đó tương tự.
Cuối cùng, DavidJo52951945 có lẽ đã tạo ra ảnh hưởng như một người dùng có thể làm được. Một người dùng Twitter hoàn hảo. Kỷ luật, bận rộn, active suốt cả ngày dài.
Kết luận ư? A) Hầu như chắc chắn là một phát minh của người Nga và B) một node trên mạng xã hội có ảnh hưởng vượt xa cả một con bot thông thường.

Troll này có vẻ ngẫu nhiên và tuần tự theo thời gian, nhưng nó chỉ là một phần của một mẫu lớn hơn rất nhiều, được xác định trong một tài liệu nghiên cứu forward cho tôi từ một đồng nghiệp vài tháng trước đây. Đó là một phân tích năm 2014 của Jolanta Darczewska, một thành viên thuộc nhóm chuyên gia đặc biệt Ba Lan, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông (Centre for Eastern Studies). Mục tiêu của cô hướng đặc biệt vào cuộc chiến tuyên truyền ở Ukraine về sự kiện Crimea sát nhập vào Nga – hành động cố ý thao túng ý kiến công chúng ở đó của các điệp viên và nhà tuyên truyền người Nga để làm dịu tình hình. Nhưng rộng hơn nữa, Darczewska đã viết một bài thuyết trình về một chiến lược lớn hơn của Nga nhằm gây bất ổn cho các kẻ thù của mình theo cách tốt nhất được biết: bằng thông tin.

Điều làm cho báo cáo này trở nên đáng kinh ngạc và mang tính thời sự là nó không dựa vào phỏng đoán cùng phân tích đầu mối, mà là một tài liệu chi tiết về chính xác những gì Nga đã nói đến trong các diễn văn công khai của các quan chức đại diện và lực lượng quân sự nhằm bảo vệ lợi ích của Nga trước Mỹ và EU.

Trước tiên, thật thú vị khi đọc được một cách rõ ràng và trực tiếp vài chiến lược hàng đầu về chiến tranh thông tin chống lại phương Tây làm nổi bật sự khác biệt giữa các xã hội của phương Tây chúng ta và tham vọng của mỗi bên với Nga. Aleksandr Dugin, giáo sư tại Đại học Lomonosov Matxcova, một nhà phân tích chính trị có tầm nhìn xa trông rộng, người sáng lập Đảng Âu Á (Eurasia), người được trích dẫn nhiều trong báo cáo. (Dugin có nhiều mối quan hệ với Kremlin và có quan điểm rõ ràng về tổng thống Nga, ông thể hiện rõ nhất trong cuộc thuyết trình công khai năm 2007: “Putin ở khắp mọi nơi, Putin là mọi thứ, Putin là tuyệt đối, và Putin không thể thiếu.”) Ở đây, ông mô tả tương lai nước Nga – đất nước được tài liệu này mô tả là “một siêu cường với ý thức hệ hậu tự do - tân bảo thủ”. Dugin viết:

Nga không và sẽ không thể là một lực lượng tiền tự do. Đó là một lực lượng cách mạng hậu tự do đang đấu tranh cho một thế giới đa cực, chân chính và tự do. Trong cuộc chiến về chủ nghĩa tự do này, Nga sẽ bảo vệ truyền thống, các giá trị bảo thủ và tự do thực sự.

Trong khi đó, Igor Panarin, cựu nhân viên KGB, giờ là giáo sư tại Học viện Ngoại giao Liên bang Nga, được mô tả là người “đặt nền móng cho Học thuyết An ninh Thông tin của Liên bang Nga”. Những lời ông ấy nói thế này:

Trên thực tế, đây là những hoạt động có ảnh hưởng, chẳng hạn như: kiểm soát xã hội, ví dụ ảnh hưởng tới xã hội; thao túng xã hội, ví dụ cố ý kiểm soát công chúng nhằm đạt được một số lợi ích nhất định; thao tác thông tin, ví dụ sử dụng thông tin thật theo cách phát sinh những hàm ý sai; làm sai lệch thông tin, ví dụ truyền bá thông tin được chế ra hoặc giả mạo, hoặc kết hợp giữa chúng; tạo ra thông tin, ví dụ tạo thông tin sai lệch, vận động hành lang, blackmail và lạm dụng các thông tin được kỳ vọng.

Panarin, trong cuốn sách “Chiến tranh thông tin trong Thế chiến thứ hai”, đã mô tả nhu cầu tổ chức một trung tâm “thông tin KGB”. Khi giới thiệu cuốn sách “Chiến tranh thông tin và truyền thông” của mình (cuốn thứ 11 trong 15 cuốn sách đều có dùng từ “chiến tranh thông tin” làm tựa đề của ông), ông mô tả nhu cầu cần thiết phải tạo ra một “hệ thống chiến tranh thông tin quốc gia … dựa trên những kinh nghiệm tốt nhất của Liên Xô. Nó phải được làm phong phú thêm bằng những kinh nghiệm của Mỹ và Trung Quốc.” Nhưng đây là chỗ tôi bắt đầu nhận ra một khuôn mẫu. Bản báo cáo mô tả một cống hiến của Panarin cho quốc gia theo cách này.
Panarin phân biệt các giai đoạn của quá trình quản lý hoạt động thông tin như sau:
(1)   Dự báo và lập kế hoạch
(2)   Tổ chức và kích thích
(3)   Phản hồi
(4)   Điều chỉnh hoạt động
(5)   Kiểm soát hiệu quả

(Khi chờ đợi đặt hàng ở một số quán ăn mang phong cách quán cà phê nguyên sơ, tôi thường nghĩ hình thức chủ nghĩa tư bản là tiên tiến nhất của chúng ta, trong đó chúng ta lựa chọn giữa những biến thể được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng phần lớn vẫn có thể thay đổi được của một chiếc áo sơ mi, hay một chiếc khăn quàng cổ, cũng gần giống với chủ nghĩa xã hội trong sách vở. Những hàng dài, những lựa chọn ít ỏi, các công dân hạnh phúc. Nhưng chẳng phải thế này, cũng chẳng phải thế kia.)

Điều giữ chặt buộc tôi phải đọc những câu chữ về tuyên truyền và chiến tranh thông tin trong báo cáo này là tiếng vang của nó – hoặc ít nhất là những bổ sung của nó – những câu chữ của chính các công ty mạng xã hội ở Mỹ ngày nay.

Báo cáo mô tả những nguyên tắc tuyên truyền mà nước Nga hiện đại đã thích nghi từ thời Xô Viết. Darczewska viết rằng trong các cuộc chiến tranh thông tin gần đây, dễ thấy có “nguyên tắc rõ ràng”, theo đó “thông điệp được đơn giản hóa, sử dụng các thuật ngữ trắng đen, có đầy đủ từ khóa.” Hoặc hãy xem “nguyên tắc thông tin mong muốn”, trong đó người lập kế hoạch chiến dịch thông tin cố gắng khai thác những thông điệp họ biết người nghe sẽ chấp nhận. Ám ảnh tôi nhất là “nguyên tắc gây tác động về mặt cảm xúc”, trong đó chiến dịch phải khiến người ta “rơi vào tình trạng họ sẽ hành động mà không cần suy nghĩ nhiều, thậm chí không cần phải hợp lý.”

Tôi đọc toàn bộ bài báo cáo. Chắc chắn những nguyên tắc này là lý luận tuyên truyền rất giỏi. Nhưng dường như nó cũng giống như âm thanh nhái lại các chiến lược tôi đã từng nghe các giám đốc điều hành mô tả trên sân khấu và trong các cuộc gặp cá nhân về cách tốt nhất để thu hút và giữ chân người dùng mạng. Và nếu một nền tảng được xây dựng để thực hiện các nguyên tắc này một cách dễ dàng – lọc ra những thông tin không mong muốn, phân tích từ khóa để cung cấp nội dung có ảnh hưởng nhất tới cảm xúc, khen thưởng cho những tiêu đề ngắn nhất, rõ ràng nhất, mạnh mẽ nhất – đột nhiên trong tôi lóe lên ý nghĩ rằng, chúng ta đã xây dựng những cỗ máy hoàn hảo cho một nước khác thu hút và giữ chân người dùng.

Viết như thế để bạn hiểu Nga đã sử dụng chiến tranh thông tin để chuẩn bị cho việc sát nhập Crimea như thế nào, bản báo cáo gây đau lòng khi tránh đề cập tới việc Nga có thể làm tương tự với Hoa Kỳ. Nhưng nó đã chỉ ra rằng, những gì Nga theo đuổi vẫn có những rủi ro cho nước Mỹ:

Người Nga cũng đóng góp nhiều động lực cho các nhóm xã hội ở phương Tây (sử dụng nỗi sợ chiến tranh của những người theo chủ nghĩa hòa bình, nỗi sợ những điều không thể đoán trước được của các chính trị gia và nỗi sợ mất mát thua thiệt của giới doanh nhân)… Hơn nữa, dư luận không nhận thức được thực tế rằng họ là đối tượng của một cuộc chiến tranh thông tin đã được lập kế hoạch và phối hợp bài bản.

Khi tôi đắn đo xem có cầu thủ địa chính trị nào từng làm việc suốt hầu hết lịch sử hiện đại để hoàn thiện các phương tiện nhằm tàn phá và làm mất ổn định Hoa Kỳ, đắn đo xem các nguyên tắc của nó có phải xoay quanh việc tận dụng cảm xúc, và đắn đo xem Facebook và Twitter có phải đã tạo ra một sản phẩm gây nghiện với cảm xúc của chúng ta không… phải, rõ ràng chúng ta đang ở giữa một nút thắt rất chặt.

Chặt đến mức nào?

Conspirador Norteño đã chỉ ra rằng khi DavidJo52951945, giờ là DavidJoBrexit, im lặng chỉ ba ngày trong mùa hè này, người dùng Twitter ở Mỹ đã follow anh ta bắt đầu hỏi xem anh ta có ổn không, và khi nào anh ta trở lại.
Nghĩ mà xem, điểm quan trọng ở đây. Một khi người dùng bị điều khiển bởi tuyên truyền và dối trá, thật không dễ dàng quay đầu lại.

Facebook, Twitter và các hãng khác đã giúp tạo ra những cộng đồng kỹ thuật số khiến chúng ta thấy thoải mái khi đau buồn, hỗ trợ như cha mẹ, mang lại hy vọng trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp. Nhưng họ cũng tạo ra một nền tảng mà các đối tượng của quốc gia khác có thể tác động ảnh hưởng đến quan điểm của công chúng Mỹ, chỉ đơn giản bằng cách trở thành những người dùng chuyên gia năng động.

Jacob Ward


Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Số lượng bạn trên Facebook thực sự nói lên điều gì?



Hàng ngàn bạn trên Facebook ư? Bộ nào của bạn chẳng thèm quan tâm đâu


Trang Facebook có thể là nơi để bạn khoe khoang đám bạn bè đông như một đội quân nhỏ, nhưng theo một nghiên cứu mới đây, đối với bộ não của bạn, điều đó cũng chả có gì khác so với ngày xưa.

Trở lại những năm đầu thập kỷ 90, khi web và mạng xã hội vẫn chỉ là giai thoại, một nhà tâm lý học tên là Robin Dunbar đã khám phá ra điều lý thú về kích cỡ và cấu trúc bộ não. Ông nhận thấy rằng kích thước của phần bên não phát triển nhất ngày nay, neocortex (lớp vỏ não mới), có liên quan chặt chẽ với số lượng tương đối của các mối quan hệ xã hội. Trước tiên ông đánh giá mối tương quan này trong các động vật linh trưởng, sau đó lý luận rằng điều tương tự cũng có thể áp dụng với con người. Ông đã đúng. Ông quan sát và nhận thấy, loài người trong suốt chiều dài lịch sử, con số đẹp nhất cho qui mô của mạng lưới tương tác xã hội của một người là từ 100 đến 200 mối quan hệ.

Thế nên bạn đã biết tại sao “Số Dunbar” lại ra đời. Nó nói rằng: bộ não con người được căn chỉnh để xử lý hiệu quả khoảng 150 mối quan hệ nông cạn, mạnh yếu đồng thời.

Nhưng các mạng xã hội hay các phương tiện truyền thông xã hội gần đây đưa chúng ta những trải nghiệm có vẻ như mâu thuẫn với phát hiện của Dunbar. Về mặt lý thuyết, Facebook và các trang web khác được coi là những công cụ để mở rộng mạng lưới quan hệ, cho phép chúng ta tận dụng các nguồn lực hạn chế để duy trì nhiều mối quan hệ hơn với ít thời gian hơn. Giờ công nghệ đã cho phép chúng ta ngồi một góc, giao tiếp qua nhận dạng, và vượt qua những ràng buộc khiến các nhóm xã hội bị kìm hãm từ hàng thế kỷ qua.

Ai có thể kiểm tra lại giả thuyết này tốt hơn chính Robin Dunbar? Để thực hiện việc này, ông đã dựa vào một điều tra từ một nguồn không ai nghĩ tới, công ty Thomas J. Fudge chuyên sản xuất bánh bích quy ở Anh. Cuộc điều tra được tổ chức rất tốt, lấy mẫu ngẫu nhiên trên toàn quốc 2.000 người dùng mạng xã hội thường xuyên và 1.375 người không cần thiết phải dùng mạng xã hội thường xuyên (nhóm thứ hai sẽ có tính đại diện nhiều hơn cho toàn bộ dân số). Các câu hỏi khảo sát đi sâu vào tìm hiểu xem họ đã trả lời bao nhiêu người bạn trên Facebook và sự thân thiết gần gũi trong quan hệ với những người đó đến mức nào.

Phân tích kết quả sau đó cho thấy, bất chấp các con số trên các trang Facebook, con người hiện đại của chúng ta cũng chỉ giống như con người của hàng thế kỷ trước thôi. Số mối quan hệ thực sự vẫn chỉ dao động từ 150 tới 180 người. Những người tham gia trả lời tích cực nhất trên các mạng xã hội cũng cho biết rằng, chỉ có khoảng 28% “bạn” trên Facebook của họ có thể coi là “xác thực” có quen biết. Đi sâu hơn, họ phải công nhận rằng thực sự chỉ có khoảng 15 người trong số đó có thể coi là “bạn bè gần gũi”.

Như vậy, điểm mấu chốt ở đây là: dù mạng xã hội có công khai những con số bạn bè thế nào đi chăng nữa, bộ não của chúng ta vẫn chỉ có thể dung chứa được một số lượng hạn chế các mối quan hệ tương đối, giống như bao đời nay vẫn thế.

Dunbar đã đề xuất trong nghiên cứu này: “Thực tế là người ta có lẽ không nên dùng mạng xã hội để gia tăng qui mô các mối quan hệ xã hội của họ mà nên để mạng xã hội hoạt động như công cụ để ngăn chặn tình bạn tan rã theo thời gian khi không có cơ hội gặp mặt trực tiếp.”

David DiSalvo