Chương 4: Tuyết lở
Sau đêm đó, vào
sáng ngày thứ hai lúc mặt trời mọc đã thấy chúng tôi trên đường băng qua sa mạc.
Đằng kia, gần một dặm phía sau, chúng tôi có thể nhìn thấy tượng Phật đổ nát ngồi
trước tu viện cổ, trong không gian sáng rõ đó thậm chí có thể phân biệt được
thân hình còng còng của người bạn Kou-en, vị tu viện trưởng già nua, đang dựa
vào đó cho tới khi chúng tôi hoàn toàn không thể nhìn thấy gì. Tất cả các nhà
sư đều khóc khi chúng tôi chia tay họ, Kou-en còn khóc thảm thiết hơn những người
kia, vì ông đã yêu mến chúng tôi.
“Ta rất buồn,”
ông nói, “rất buồn, thực ra ta không nên thế, vì cảm xúc thế này có thể tạo ra
tội lỗi. Nhưng ta thấy thoải mái, vì ta biết rất rõ rằng dù ta sắp phải rời bỏ
kiếp sống này, chúng ta vẫn sẽ gặp lại nhau trong nhiều kiếp số trong tương lai,
sau khi các ngươi đã từ bỏ những hành động điên rồ này, và cùng nhau bước vào
chính đạo hưởng bình an hòa hảo. Giờ ta sẽ cầu nguyện và ban phước lành cho các
ngươi, hãy đi đi, đừng quên các ngươi nên sống sót trở về” – ông lắc đầu nghi
ngại – “các ngươi sẽ luôn được chào đón ở đây.”
Và chúng tôi ôm
ông ấy rồi buồn bã ra đi.
Nhớ rằng khi ánh
sáng bí ẩn chiếu vào chúng tôi trên đỉnh núi, tôi có mang theo la bàn nên có khả
năng phỏng đoán được phương vị tương đối. Do thiếu các công cụ định vị tốt hơn,
giờ chúng tôi đành đi theo phương hướng của nó, tiến về gần phía đông bắc, vì
hướng đó có ánh lửa phát ra. Cả ngày thời tiết tuyệt đẹp, chúng tôi đi bộ qua
sa mạc rải rác hoa cỏ, không thấy gì ngoài vài con thú săn mồi và một hai bầy lừa
hoang vừa xuống núi tìm cỏ mới mọc. Đến tối chúng tôi bắn được một con linh
dương và dựng trại – vì chúng tôi cũng mang theo con bò cùng cái lều – giữa bụi
cây thánh liễu, những cành khô của nó được chúng tôi trang bị làm nhiên liệu.
Chúng tôi không thiếu nước, nhờ cạo trong cát ngậm tuyết tan chảy, chúng tôi đã
có đủ nước dùng được. Vì thế đêm đó chúng tôi ăn tối xa xỉ với trà và thịt linh
dương, quả thực chúng tôi rất vui vì điều đó, do lương khô dự trữ của chúng tôi
có khá ít.
Sáng hôm sau
chúng tôi xác định chắc chắn vị trí của mình, ước đoán đã đi được một phần tư
sa mạc, phỏng đoán rất chính xác vì vào tối ngày thứ tư của hành trình, chúng
tôi đã tới chân dãy núi đối diện, không hề gặp tai nạn hay bị kiệt sức. Như Leo
nói, mọi thứ “đang diễn ra đều đặn như máy”, nhưng tôi phải nhắc nhở cậu rằng
khởi đầu tốt thường kết thúc tệ. Tôi đã không sai, vì gian khổ của chúng tôi giờ
mới tới. Thoạt tiên, dãy núi cho thấy nó quá cao; chúng tôi mất hai ngày mới
trèo lên được sườn núi thấp hơn của nó. Sức nóng của mặt trời cũng làm tuyết mềm
đi, khiến mất nhiều sức hơn khi đi bộ trên tuyết, dù chúng tôi đã quen với tình
huống thế này suốt những năm tháng dài du ngoạn, nhưng vẻ lộng lẫy của nó vẫn
làm mắt chúng tôi bị tác động.
Sáng ngày thứ bảy
chúng tôi đã ở đầu hẻm núi dẫn tới tâm dãy núi. Dường như đó là lối đi duy nhất
có thể đi, chúng tôi đi theo nó, và rất vui sướng khi khám phá ra ở đó từng có
một con đường chạy qua. Chúng tôi cũng không thể nhìn thấy con đường đó, thực
ra mọi thứ đều bị chôn vùi trong tuyết. Nhưng chúng tôi chắc chắn nó nằm bên dưới
chân mình, vì dù đi bộ dọc theo cạnh vách đá, nhưng lối đi này luôn bằng phẳng
dù hơi dốc; hơn nữa đá trên một mặt đều bị đắp thành dốc đứng dưới bàn tay con
người. Chắc chắn vậy, vì tuyết không bám ở đó, chúng tôi còn thấy những dấu hiệu
có mục đích trên bề mặt bị bóc trần của nó.
Chúng tôi cũng đi
qua vài chỗ có hành lang được dựng nhô ra khỏi sườn núi, đi được nhờ những
thanh dầm, một hình thức phổ biến ở Tây Tạng. Những thanh dầm này tất nhiên đã
bị mục nát từ lâu, tạo thành một hố ngăn cách giữa chúng tôi và phần tiếp theo
của lối đi. Khi gặp những chỗ ngăn lại như thế, chúng tôi buộc phải quay lại đi
đường vòng quanh hay đi qua ngọn núi nào đó; dù bị chậm lại rất nhiều, chúng
tôi vẫn luôn cố gắng bám theo con đường, bất chấp khó khăn và nguy hiểm.
Thứ thử thách
chúng tôi hơn cả - vì chỗ này kỹ năng và kinh nghiệm leo núi không thể giúp gì
cho chúng tôi – là giá lạnh khi đêm xuống, buộc chúng tôi phải cắm trại trong
sương giá khắc nghiệt ở nhiệt độ rất lớn, chịu đựng hàng giờ dài lê thê trong
bóng tối, gió lạnh như băng thâm nhập, rì rào không ngừng nghỉ dưới hẻm núi.
Cuối cùng vào
ngày thứ mười, chúng tôi cũng đi hết hẻm núi, lúc đó màn đêm đã buông xuống, cắm
trại chỗ này là lạnh giá nhất. Đó là những giờ phút khổ sở, vì giờ chúng tôi
không còn nhiên liệu để đun nước, phải chống khát bằng cách ăn tuyết đông lạnh,
trong khi mắt đau nhức khủng khiếp vì không thể ngủ, dù chúng tôi có chăn và
chút ấm áp từ con bò trong lều nhỏ, giá buốt vẫn làm răng chúng tôi đập vào
nhau như đọc phách.
Bình minh tới,
theo sau nó là mặt trời. Chúng tôi bò ra khỏi lều, đứng một lúc, kéo lê chân
tay đã cứng đờ khoảng một trăm thước tới chỗ hẻm núi có ngã rẽ, để có thể vận động
dưới ánh mặt trời, vì lúc đó ánh nắng không thể chạm tới chỗ chúng tôi dựng trại.
Leo đi vòng
quanh trước tiên, tôi nghe thấy cậu kêu lên một tiếng kinh ngạc. Vài giây sau,
tôi tới chỗ cậu ấy, và ôi! Trước mắt chúng tôi là Miền Đất Hứa.
Xa xa bên dưới
chúng tôi, ít nhất phải hàng chục nghìn feet – nhớ rằng chúng tôi đang quan sát
từ trên đỉnh núi – nó trải dài mãi, dài mãi tới tận chân trời xa xôi. Về đặc điểm,
nó khá bằng phẳng, một đồng bằng phù sa có lẽ từ thời nguyên thủy, nằm dưới đáy
một trong các hồ lớn ở Trung Á, hầu hết chúng giờ đã trong quá trình khô cạn. Đối
tượng duy nhất làm giảm độ bằng phẳng ảm đạm này, một ngọn núi khổng lồ phủ đầy
tuyết đơn độc, ở phía xa xa – nó thật sự cách rất xa chúng tôi – chúng tôi có
thể thấy rõ ràng đường nét của nó. Thực ra chúng tôi còn có thể thấy nhiều hơn
thế, vì từ trên đỉnh tròn của nó bốc lên một cột khói lớn, cho thấy đó là một
ngọn núi lửa đang hoạt động, trên miệng núi lửa, có một cột trụ bằng đá khổng lồ,
đỉnh của nó có hình vòng dây thòng lọng.
Đúng, nó đang ở
kia trước mặt chúng tôi, biểu tượng trong ảo cảnh chúng tôi đã tìm kiếm nhiều
năm qua, cảnh đó làm tim chúng tôi đập nhanh hơn và thở dồn dập. Chúng tôi nhận
ra ngay rằng, dù không nhìn thấy nó suốt đoạn đường qua dãy núi, vì các đỉnh
cao và sườn đá của hẻm núi đã che mất nó, nhưng độ cao của nó thật đáng kể, vượt
quá cả đỉnh cao nhất của dãy núi này. Điều đó làm chúng tôi hiểu ra làm sao tia
sáng lại có thể đi xuyên qua vòng dây thòng lọng tới đỉnh tuyết cao nhất chúng
tôi từng trèo lên bên phía kia sa mạc.
Chúng tôi giờ
cũng chắc chắn về nguyên nhân tia sáng, vì khói phía sau vòng dây thòng lọng đã
giải thích cho bí ẩn này. Không nghi ngờ gì, ngọn núi lửa thức tỉnh, khói để thế
chỗ cho ngọn lửa, phát ra ánh sáng cường độ ghê sợ, ánh sáng đó từng bắn tới chỗ
chúng tôi, tập trung và điều khiển bởi vòng dây.
Nhìn những thứ
còn lại, chúng tôi cho rằng cách đây khoảng ba mươi dặm có thể là một thị trấn
mái nhà toàn màu trắng nằm trên một gò đất, giữa cây cối bên bờ một con sông rộng
chảy qua vùng đồng bằng. Rõ ràng đất nước này có dân số đông đảo làm nghề trồng
trọt chăn nuôi, vì nhờ cặp kính hiện trường, một trong số vật sở hữu còn lại ít
ỏi và hữu dụng của chúng tôi, chúng tôi có thể nhìn thấy màu xanh tươi tốt của
cây cối xen lẫn các kênh thủy lợi và những hàng cây đánh dấu đường biên của các
cánh đồng.
Đúng, trước mặt
chúng tôi là một Miền Đất Hứa mênh mông, Ngọn Núi thần bí mọc lên sừng sững ở
đó, tất cả những gì chúng tôi phải làm là xuống núi và bước vào nơi chúng tôi
muốn.
Vì thế trong
chút phỏng đoán điên rồ về những gì phía trước, dù kinh hãi và đau đớn chúng
tôi cũng cho rằng phải chịu đựng vượt qua trước khi đứng dưới bóng Biểu Tượng của
Sự Sống.
Chúng tôi quên hết
mệt mỏi, trở lại lều, vội vàng nuốt chút thức ăn khô, rửa sạch những tảng tuyết
gây ê răng và làm chúng tôi đông lạnh bên trong, nhưng vì đói khát, chúng tôi
buộc phải ăn, rồi kéo con bò khốn khổ đứng dậy, chất đồ lên nó, và lên đường.
Từ lúc đó, chúng
tôi càng vội vã và cứ như thế mỗi người chúng tôi đều bị suy nghĩ của riêng
mình chiếm giữ, nếu tôi nhớ không sai, chúng tôi hiếm khi trao đổi với nhau lời
nào. Xuống sườn núi, chúng tôi đi bộ nhanh chóng không do dự, vì con đường giờ
đây được đánh dấu bằng các cột trụ bằng đá đặt đối diện nhau đều đặn. Chúng tôi
hài lòng quan sát những cột trụ này, chúng nói cho chúng tôi biết mình vẫn ở
trên con đường chính dẫn tới Miền Đất Hứa.
Nhưng, không thể
không chú ý, một thứ dường như đã vô dụng, ngoại trừ vài bầy cừu hoang và đàn gấu
hay cáo núi, chúng tôi không phát hiện có một dấu hiệu nào của loài vật hay con
người. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng điều này chắc là do con đường chỉ được dùng
trong mùa hè. Hoặc có lẽ cư dân của đất nước này giờ toàn ngồi nhà, không hề
thích đi đây đó.
Sườn núi dài hơn
chúng tôi nghĩ, quả thực khi bóng tối phủ lên, chúng tôi vẫn chưa tới chân núi.
Vì thế chúng tôi buộc phải sống một đêm nữa trong tuyết, dựng lều trú ẩn bên một
hòn đá treo. Vì đã đi xuống hàng nghìn feet, thật may mắn nhiệt độ đã nhẹ hơn;
thật ra tôi không nghĩ đêm nay sương giá lại quá mười tám hay hai mươi độ. Đây
đó, sức nóng của mặt trời đã làm tuyết tan chảy vài chỗ hẻo lánh, vì thế chúng
tôi có thể tìm được nước uống, còn con bò có thể lấp đầy cái dạ dày già nua khốn
khổ của nó bằng đám rêu núi đã héo tàn, dù sao còn tốt hơn không có gì.
Bình minh lại
lên, ném tấm áo đỏ rực lên dãy núi cô độc vô tận, chúng tôi kéo lê đôi chân tê
cóng, ăn chút đồ ăn còn lại, rồi lại lên đường. Giờ chúng tôi không thể nhìn thấy
đất nước bên dưới nữa, vì nó và cả ngọn núi lửa cao chót vót đều bị che khuất bởi
một sườn núi xen vào giữa, sườn này có lẽ bị một con mương hẹp cắt qua, hướng tới
chỗ chúng tôi đứng. Thực ra, các cột trụ cũng chỉ cho chúng tôi thấy nơi này có
một con đường bị chôn vùi chạy qua. Đến trưa, nó đã rất gần chúng tôi, chúng
tôi vội vã sốt sắng bước tới. Nhưng thật may, không cần vội, vì một giờ sau
chúng tôi mới biết sự thật.
Giữa chúng tôi
và đầu đoạn mương hiện ra kia, đúng hơn đoạn mương bị chìm xuống, một vách núi
dựng đứng sâu khoảng ba hay bốn trăm feet, chúng tôi không nghe thấy tiếng nước
dưới chân.
Bên phải vách
núi có lối đi nhỏ, vì một trong các cột trụ bằng đá đứng bên bờ chênh vênh của
nó, một con đường có thể đi xuống nơi như vậy thế nào đây? Chúng tôi kinh ngạc
nhìn chằm chằm; rồi một giải pháp khả thi xuất hiện.
“Bác không thấy
sao,” Leo nói với nụ cười trống rỗng, “vực này xuất hiện từ khi con đường này
được sử dụng: có lẽ do hoạt động của núi lửa.”
“Có lẽ vậy, hoặc
có thể có một cây cầu gỗ hay cầu thang đã mục nát. Không vấn đề gì. Chúng ta phải
tìm lối đi khác, thế thôi,” tôi trả lời một cách vui vẻ nhất có thể.
“Đúng, làm ngay
thôi,” cậu nói, “nếu chúng ta không muốn dừng ở đây mãi mãi.”
Vì vậy chúng tôi
rẽ sang phải và đi bộ dọc theo rìa vách đá, được khoảng một dặm, chúng tôi đi tới
một sông băng nhỏ, bề mặt rải rác những khối đá lớn đã đông lại. Sông băng này
chảy xõa xuống bề mặt vách đá như một thác nước hóa đá, nhưng tới chân vách hay
không, chúng tôi không thể thấy được. Dù sao nghĩ về nguồn gốc của nó dường như
vượt ra ngoài phạm vi chủ đề. Từ chỗ này, chúng tôi có thể nhìn thấy vực đá
tăng dần độ sâu, mắt người cũng không thể thấy sâu bao nhiêu.
Thế nên chúng
tôi trở lại tìm kiếm bên trái con đường. Ở đây dãy núi lùi dần, phía trên chúng
tôi là một sườn núi tuyết hùng vĩ và dốc đứng nhô lên, còn bên dưới là chính
cái vực tàn nhẫn không thể trèo qua được đó. Khi ánh nắng đã bắt đầu nhạt dần,
chúng tôi nhận ra khoảng nửa dặm phía trước gò đá có đỉnh trọc bên bờ vách núi,
và chạy tới đó, chúng tôi nghĩ từ trên đỉnh đó có thể phát hiện ra đường xuống.
Cuối cùng khi đã
vất vả leo tới đỉnh, cao khoảng một trăm năm mươi feet; những gì chúng tôi phát
hiện ra là, nơi này, cũng như dưới sông băng, là vịnh sâu không xác định được,
sâu hơn cả chỗ cuối con đường, quả thật sâu tới mức chúng tôi không thể thấy
đáy, dù từ dưới đó vẫn vang lên tiếng nước gầm rú. Hơn thế, nó chỉ rộng chừng nửa
dặm.
Trong khi chúng
tôi nhìn quanh, mặt trời chìm dần biến mất sau một ngọn núi, bầu trời trở nên nặng
nề, chớp lóe lên như ngọn nến. Giờ đi lên gò đá quả thật quá dốc, đặc biệt
chúng tôi buộc phải trèo lên một loại bậc thang bằng đá, chúng tôi hầu như
không quan tâm tới việc đi xuống trước đêm tối. Nhớ ra phải lựa chọn giữa đỉnh
gò đá này và dải tuyết dưới chân, cái nào có thể tránh được nhiệt độ hay có những
thuận lợi khác đây, nhưng giờ chúng tôi hoàn toàn kiệt sức nên quyết định cả
đêm sẽ ở trên gò, nhờ đó, chúng tôi mới biết đã cứu mạng chính mình.
Dỡ đồ khỏi con
bò, chúng tôi dựng lều dưới mạn khuất gió gần đỉnh gò đá và ăn vài nắm cá khô
cùng bánh ngô. Đó là thức ăn cuối cùng chúng tôi mang theo từ Tu viện, và chúng
tôi tuyệt vọng nghĩ rằng nếu không bắn được thứ gì đó, lương thực tiếp tế giờ
chỉ còn hiện diện ở con bò, người bạn già nua của chúng tôi. Sau đó chúng tôi
quấn mình trong tấm chăn dày và áo lông thú, quên đi những khốn khổ và chìm vào
giấc ngủ.
Không lâu trước
khi trời sáng, chúng tôi bị đánh thức bởi một âm thanh đột ngột kinh hãi như tiếng
nổ của khẩu pháo lớn, tiếp theo là hàng nghìn âm thanh khác, có thể so sánh với
hàng loạt đạn đang nhả.
“Lạy Chúa! Cái
gì vậy?” Tôi nói.
Chúng tôi bò khỏi
lều, nhưng không thể thấy gì, trong khi con bò bắt đầu khụy xuống vì sợ hãi.
Nhưng nếu không thể nhìn được, chúng tôi lại có thể nghe và cảm nhận được. Tiếng
nổ và tiếng nứt vỡ đã dừng lại, sau đó tới tiếng ồn ào nghiền ken két thoảng
qua, âm thanh khiến người ta phát ốm vô cùng, tôi nghĩ vậy. Nó đi kèm với làn
gió kỳ lạ, ổn định, và không tự nhiên, dường như ép vào chúng tôi như ép nước.
Sau đó bình minh ló ra, và chúng tôi đã quan sát được.
Phía trên chúng
tôi, sườn núi đang chuyển động xuống dưới trong vụ lở tuyết cực lớn.
Ôi! Đúng là cảnh
đó. Từ đỉnh vách đá phía trên, khoảng hai dặm, một thứ sống động, cuộn tròn,
lăn, trượt; chồng chất những đợt sóng dài nhảy nhót, đục khoét vách đá thành
thung lũng trũng xuống, như đại dương bị bão tố vần vũ, trong khi trên bề mặt
treo lơ lửng đám mây bột đầy bụi nước đông lạnh.
Chúng tôi nhìn
và bám vào nhau vì kinh sợ, con sóng đầu tiên đập vào gò đất của chúng tôi, khiến
khối đá hùng vĩ rung động như con thuyền quay cuồng trong cơn lốc biển, hay một
cây dương liễu trong trận gió đột ngột. Nó đập vào và chầm chậm vỡ ra, rồi dưới
một chuyển động oai hùng, chảy như nước về phía rìa vách đá phía kia, và rơi xuống
vực sâu khôn lường bên dưới trong âm thanh uỳnh uỵch. Đó chỉ là một con sóng nhỏ,
kẻ tiên phong, vì sau đó, trong chuyển động chậm rãi, quanh co, toàn bộ đống
tuyết lở cuộn chảy.
Nó xô thành
thành đợt sóng lớn cuồn cuộn, như lũ lụt. Nó lấp đầy trước cái gò đá chúng tôi
đứng, đúng, chỉ năm mươi feet là tới đỉnh gò, tới lúc đó chúng tôi thậm chí đã
nghĩ khối đá chúng tôi đang đứng phải bị xé tan thành từng mảnh và bị ném xuống
vực sâu bên dưới như một viên sỏi. Tất cả như một đống hỗn độn! Tiếng gào thét
do không khí bị nén phát nổ, tiếng va đập uỳnh uỵch điên cuồng không ngớt của
dòng thác hàng triệu tấn tuyết như thể chúng đang phi vào không gian và kết
thúc hành trình trong vực thẳm.
Đó cũng chưa phải
là điều tồi tệ nhất, vì khi hàng lớp tuyết dày bên trên bị bóc mỏng đi, những tảng
đá lớn đã bị chôn vùi bên dưới chúng có lẽ từ hàng thế kỷ qua bị tháo lỏng khỏi
nơi chúng đứng và bắt đầu giáng xuống gò đá như sấm sét. Thoạt tiên chúng di
chuyển chầm chậm, bắn lên lớp tuyết cứng quanh chúng như mũi tàu lao vào bọt biển.
Sau khi có đà, chúng nhảy vào không gian như lớp vỏ bật ra khỏi nước, cuối cùng,
hát ca và đổ ầm ầm xuống, nhiều hòn băng qua trước mặt và trên đầu chúng tôi rồi
biến mất xa xa bên dưới. Thực tế có một số ít hòn đá tấn công ngọn núi nhỏ của
chúng tôi bằng lực bắn từ những khẩu súng lớn trên chiến hạm, rồi vỡ ra ở đó hoặc
nếu rơi xuống bên sườn của gò đá, thì cũng bị xé tan thành hàng tấn đá và rơi
xuống vực thẳm như sao băng với cả đống vệ tinh bao quanh. Quả thực, không có vụ
đánh bom oanh tạc nào được con người bày ra và điều khiển có thể đáng sợ bằng một
nửa cảnh này, hoặc nếu có gì có tính phá hủy, đều không có sức tàn phá bằng một
nửa chỗ này.
Cảnh tượng kinh
sợ như giải thoát và không thể cưỡng lại được, có lẽ đột ngột phát triển từ
trong tĩnh lặng tuyệt đối. Ở đó trong lòng dãy núi yên tĩnh, bầu trời thanh
bình nền nã nhìn xuống, sức mạnh ẩn chứa trong lồng ngực của Tự Nhiên bỗng được
giải phóng, kéo theo những cơn lốc xoáy và tất cả âm thanh uy nghi gây kinh sợ,
thong thả đổ lên đầu hai con người nhỏ bé chúng tôi.
Vào lúc cao điểm
lở tuyết đầu tiên, chúng tôi đã nhảy lui lại phía sau đỉnh núi chắn gió, nằm
dài trên mặt đất, bám chặt vào nó, sợ hãi gió sẽ cuốn chúng tôi xuống vực. Một
lúc trước đó, cái lều của chúng tôi đã bị cuốn đi như chiếc lá úa trong gió
thu, và chúng tôi đều có thể đi theo bất cứ lúc nào.
Đống đá phi ầm ầm
phía trên và qua cả người chúng tôi; một hòn rơi đầy trên cái đỉnh nhỏ, vỡ tan
thành nhiều mảnh, như đang trốn chạy và hát khúc ca hoang dại. Chúng tôi không
được xúc động, nhưng khi quay lại phía sau nhìn con bò, thật kinh khủng, nó đã
nằm chết mất đầu. Trong nỗi sợ hãi, chúng tôi vẫn nằm đó, chờ tới lúc kết thúc,
lờ mờ tự hỏi liệu chúng tôi có bị chôn vùi trong đống tuyết đang tràn xuống hay
bị quét khỏi gò đá, hoặc bị những tảng đá đang bay xuống nghiền nát, hoặc bị cuốn
lên và mất tích trong cơn cuồng phong.
Nó kéo dài bao
lâu? Chúng tôi không bao giờ biết được. Có lẽ mười phút hoặc hai giờ, vì thời
gian đã mất đi vẻ cân xứng trong tình huống thế này. Chỉ khi chúng tôi nhận ra
gió đã giảm, thanh âm ồn ã của tuyết lở và đá lăn ầm ầm dừng lại. Rất thận trọng,
chúng tôi đứng lên quan sát.
Trước mặt chúng
tôi là sườn núi rất dốc, sâu trên hai dặm, rộng khoảng một ngàn thước, từng phủ
tuyết lên tới hàng feet, giờ chỉ còn trơ đá. Chồng chất đối diện với gò đá
chúng tôi đứng, gần tới đỉnh gò, là một dải tuyết nhô lên, đè xuống đống băng cứng
và rải rác những hòn đá nằm đó. Đỉnh gò bị xé tan và vỡ ra, vì thế lộ ra bề mặt
sáng bóng và những vết rỗ lấp lánh mica, hay một loại khoáng chất nào đó. Cái vực
sâu bên dưới đã được lấp đầy một nửa với đống tuyết lở và các mảnh vỡ. Nhưng phần
còn lại, dường như không có gì thay đổi, vì mặt trời đã ngọt ngào tỏa sáng trên
đầu và tràng tuyết nghiêm trang phản chiếu những tia nắng từ sườn hàng trăm ngọn
đồi. Chúng tôi đã trải qua cảnh đó và vẫn sống sót; đúng, không hề bị thương
tích gì.
Nhưng tình thế của
chúng tôi mới gay go làm sao! Chúng tôi không dám đi xuống gò đá, chúng tôi
không muốn bị chìm trong đống tuyết lỏng lẻo và bị chôn vùi ở đó. Hơn nữa, theo
dư chấn của vụ lở tuyết, những hòn đá vẫn thi thoảng lao ầm ầm xuống sườn núi
đá, cùng đi với chúng là những mảng tuyết bị bỏ lại phía sau vụ lở lớn, làm
thành những vụ lở nhỏ hơn, quả thật thế, mỗi vật đó đều đủ lớn để giết chết cả
trăm người. Rõ ràng, chờ tới khi tình huống biến chuyển hoặc thần chết buông
tha chúng tôi, nếu không chúng tôi phải chờ đợi trên đỉnh gò đá này.
Và cứ thế chúng
tôi ngồi đó, không thức ăn cùng sợ hãi, tự hỏi ông bạn già Kou-en sẽ nói gì nếu
thấy chúng tôi bây giờ. Bị cái đói cồn cào làm chủ mọi giác quan, chúng tôi bắt
đầu đưa mắt khao khát nhìn cơ thể không đầu của con bò Tây Tạng.
“Lột da nó
thôi,” Leo nói, “sẽ có việc gì đó để làm, chúng ta sẽ cần đến da của nó đêm
nay.”
Bằng tình cảm, thậm
chí cả sự tôn kính, chúng tôi thực hiện điều đó với người đồng hành đã chết giữa
cuộc hành trình, vui mừng vì không phải chúng tôi là người gây ra cái chết của nó.
Quả thực, sống lâu giữa những dân tộc luôn tin rằng linh hồn con người có thể chuyển
hóa, hoặc sinh ra từ cơ thể loài vật, khiến chúng tôi có chút mê tín về vấn đề này.
Chúng tôi nghĩ thật khó mà vui được nếu trong kiếp tới, gặp lại người bạn trung
thành này dưới hình dạng con người và nghe thấy anh ta cay đắng trách cứ chúng tôi
vì đã giết chết anh ta.
Dù đã chết, những lời trách cứ không áp dụng với
việc ăn thịt nó, vì chúng tôi chắc nó sẽ hiểu. Vì thế chúng tôi cắt một ít thịt
của nó, cán trong tuyết tới khi trông như thể đã được xay thành bột hấp dẫn, cơn
đói thúc đẩy chúng tôi nuốt từng miếng lớn. Đó là bữa ăn kinh tởm, chúng tôi cảm
thấy như những kẻ ăn thịt người: nhưng chúng tôi có thể làm gì đây?
Tác phẩm gốc: Ayesha - Return of SHE (H.R. Haggard)
Dịch bởi: Cheryl Pham
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét