Chương 2: Ngôi chùa của các Lạt ma
Than ôi, mười sáu năm đã trôi qua kể từ lần
thức đêm trong ngôi nhà cổ ở Cumberland! Hai người, Leo và tôi, vẫn đi khắp
nơi, vẫn tìm kiếm đỉnh núi có hình Biểu Tượng của Sự Sống chưa bao giờ được
phát hiện.
Những cuộc phiêu lưu của chúng tôi đã nhiều
vô kể, nhưng ghi lại chúng làm gì đây. Nhiều hành trình tương tự đã được viết
trong sách vở; những gì chúng tôi trải qua cứ kéo dài thêm mãi, chỉ thế thôi.
Chúng tôi có năm năm ở Tây Tạng, phần lớn làm khách ở rất nhiều tu viện, chúng
tôi đã nghiên cứu luật lệ và phong tục của các Lạt ma ở đó. Cũng ở đó chúng tôi
từng bị kết tội chết để trừng phạt vì đã vào thăm một thành phố cấm, nhưng trốn
thoát được nhờ sự tốt bụng của một quan chức người Hoa.
Rời Tây Tạng, chúng tôi lang thang sang
phía đông, phía tây rồi phía bắc, hàng ngàn hàng ngàn dặm, tạm cư ngụ giữa những
bộ lạc trên lãnh thổ Trung Quốc và cả các quốc gia khác, học được nhiều ngôn ngữ,
chịu đựng vô vàn gian khổ. Rồi chúng tôi nghe được truyền thuyết về một nơi
cách đó khoảng chín trăm dặm, mất hai năm để tới đó, khi đến nơi, chúng tôi
không tìm thấy gì.
Và thời gian cứ trôi đi như thế. Chúng tôi
chưa từng một lần nghĩ sẽ từ bỏ cuộc tìm kiếm để quay về, vì trước khi khởi
hành, chúng tôi đã lập lời thề, hoặc là thành công hoặc là chết. Quả thực chúng
tôi đã phải chết vài lần, nhưng luôn luôn được cứu thoát, được cứu thoát một
cách thần kì.
Giờ đây chúng tôi đang ở trong một quốc
gia, theo những gì tôi biết, chưa một người châu Âu nào đặt chân đến. Trên mảnh
đất mênh mông gọi là Turkestan này, có một cái hồ rất lớn tên là Balhkash,
chúng tôi đã đến thăm nó. Cách đó hai trăm dặm về phía tây có một dãy núi hùng
vĩ được đánh dấu trên các bản đồ với tên gọi Arkarty-Tau, chúng tôi mất một năm
để tới đó, và cách đó năm trăm dặm về phía đông là một dãy núi khác, gọi là
Cherga, cuối cùng chúng tôi cũng đi tới nơi và khám phá ra dãy Tau gồm ba ngọn
núi.
Chính nơi đây, cuộc phiêu lưu thực sự của
chúng tôi mới bắt đầu. Trên một trong những đỉnh núi của dãy Cherga khủng khiếp
– không được đánh dấu trên bất kỳ bản đồ nào – chúng tôi suýt chết đói. Mùa
đông đang tới và chúng tôi không thể săn bắn. Vị khách du lịch cuối cùng chúng
tôi gặp cách đó hàng trăm dặm ở phía nam, đã bảo chúng tôi rằng dãy núi đó có một
tu viện, nơi các vị Lạt ma linh thiêng cư ngụ. Anh ta nói họ sinh sống trên mảnh
đất hoang dã này để đạt được “công đức”, không thế lực nào tuyên bố quyền cai
trị và cũng không có bộ lạc nào trú ở đó, không thể làm gì ngoài chiêm ngưỡng đạo
hạnh của họ. Chúng tôi không tin nó tồn tại, nhưng vẫn tìm kiếm tu viện đó, dưới
sự điều khiển của thuyết định mệnh mù quáng – thứ chỉ dẫn duy nhất cho chúng
tôi suốt tất cả hành trình lang thang vô tận này. Khi đó chúng tôi sắp chết đói
mà không thể tìm ra nổi một “con cừu hoang aga” nào làm nhiên liệu tạo lửa,
chúng tôi đã đi bộ suốt đêm dưới ánh trăng, đi giữa chúng tôi là một con bò Tây
Tạng đơn độc - giờ chúng tôi không còn người theo hầu nữa, người cuối cùng đã
chết một năm trước rồi.
Con bò Tây Tạng kia là con vật cao quí, có
thể trạng tốt nhất trong các loài vật tôi từng biết, dù giờ đây cũng giống các
chủ nhân, nó đã gần tận số. Không phải nó quá gầy, vì chỉ có mấy hộp đạn súng
trường, khoảng một trăm năm mươi viên, còn sót lại ở một kho hàng chúng tôi may
mắn mua được từ đoàn hành hương hai năm trước, một ít tiền bằng vàng và bạc, ít
trà và một bó chăn da cùng quần áo da cừu là gánh nặng cho con bò. Chúng tôi lê
bước qua cao nguyên đầy tuyết, có dãy núi lớn bên phải, tới khi con bò thở phì
và dừng lại. Thế là chúng tôi cũng dừng lại, vì chúng tôi phải làm thế, rồi đắp
lên những tấm chăn da, ngồi xuống tuyết đợi trời sáng.
“Chúng ta sẽ phải giết nó và ăn sống thịt
của nó thôi,” Tôi nói, vỗ nhẹ con bò khốn khổ đang nằm kiên nhẫn bên cạnh chúng
tôi.
“Có lẽ chúng ta có thể săn được chút gì đó
khi trời sáng,” Leo trả lời, vẫn mang hy vọng.
“Nếu không săn được gì, chúng ta phải chết
đấy.”
“Rất tốt,” cậu ấy đáp, “thế thì hãy để
chúng ta chết đi thôi. Đó là cách xoay sở cuối cùng khi thất bại. Chúng ta đã
làm hết sức rồi.”
“Tất nhiên rồi, Leo, chúng ta sẽ gắng hết
sức, nếu mười sáu năm lặn lội qua núi non và băng tuyết để theo đuổi một ảo cảnh
có thể gọi là hết sức.”
“Bác biết những gì cháu tin tưởng mà,” cậu
bướng bỉnh trả lời, rồi giữa chúng tôi lại có một khoảng lặng, vì nơi đây tranh
cãi không giải quyết được gì. Hơn nữa tôi cũng không thể nghĩ rằng tất cả những
vất vả và đau khổ của chúng tôi đều là vô ích.
Bình minh lên, dưới ánh sáng, chúng tôi
nhìn nhau lo lắng, mỗi người chúng tôi đều thấy sức khỏe đã rời bỏ người bạn đồng
hành của mình. Chúng tôi như những sinh vật hoang dã dưới con mắt của bất kỳ
người văn minh nào. Leo bây giờ hơn bốn mươi tuổi, tất nhiên sự chín chắn đã
hoàn toàn phù hợp với vẻ hứa hẹn thời trai trẻ của cậu, tôi chưa từng thấy người
đàn ông nào đẹp đẽ hơn thế. Rất cao lớn, dù cậu cũng có vẻ rảnh rỗi để mắt tới
chuyện này, vòng ngực khớp với chiều cao, nhiều năm sống trên sa mạc biến cơ bắp
của cậu trở nên cứng như thép. Mái tóc dài giống tôi, để bảo vệ khỏi ánh mặt trời
và giá rét, phủ lên cổ cậu thành cái bờm cong cong vàng óng, như bộ râu tuyệt đẹp
trước ngực, lan ra đến ngoài gần vai. Gương mặt cũng thế - như có thể thấy được
– vẫn đẹp đẽ dù bị thời tiết hun thành màu nâu; tinh tế và đầy suy tư, khá buồn
bã, nhưng trên đó, một đôi mắt màu xám to rõ ràng như pha lê, lấp lánh như vì
sao tỏa sáng.
Còn tôi – tôi vẫn là những gì tôi luôn thế
- xấu xí và xồm xoàm, giờ cũng xám xịt như sắt, thực ra tôi đã sáu mươi tuổi có
lẻ rồi, nhưng vẫn khỏe mạnh tuyệt vời, sức khỏe của tôi dường như tăng dần theo
thời gian, thật hoàn hảo. Quả thực trong suốt thời gian du hành thô sơ này, dù
thi thoảng gặp tai nạn khiến chúng tôi phải dừng lại một chút, nhưng không ai
trong chúng tôi biết tới một ngày ốm đau. Gian khổ dường như biến thể trạng
chúng tôi thành sắt đá và khiến mọi bệnh tật của con người không thể thấm qua
được. Hay phải chăng bởi chúng tôi là những kẻ duy nhất trong số người đang sống
đã từng được hít hơi thở từ Tinh Chất của Sự Sống?
Nỗi sợ hãi của chúng tôi giảm dần – vì dù
cả đêm không ăn gì, không ai trong chúng tôi có dấu hiệu kiệt sức – chúng tôi
quay ra chiêm ngưỡng cảnh quan. Dưới chân chúng tôi là mảnh đất ít màu mỡ, bắt
đầu của một sa mạc rộng lớn mà chúng tôi đã quen thuộc – cát, muối đóng cặn,
không cây cối, không nước, đây đó có những vệt tuyết đầu tiên của mùa đông. Ra
ngoài khoảng tám mươi tới một trăm dặm – trong bầu không khí đầy ánh sáng chói
lọi không thể nói được chính xác bao xa – mọc lên đầy núi non, một biển núi
non, những đỉnh trắng xóa cứ tăng lên mãi.
Khi ánh bình binh vàng rực rỡ chạm vào tuyết
trên đỉnh, biến nó thành khung cảnh lộng lẫy, tôi thấy đôi mắt Leo trở nên băn
khoăn. Cậu ấy nhanh chóng quay lại nhìn dọc theo biên của sa mạc.
“Nhìn kia kìa!” cậu nói, chỉ vào thứ gì đó
mờ mờ to lớn. Giờ ánh sáng đã tới đó. Đó là một ngọn núi hùng vĩ cách không quá
mười dặm, đang đứng giữa biển cát. Rồi cậu ấy lại quay lại lần nữa, lưng cậu hướng
ra sa mạc, nhìn chăm chú vào những sườn đồi, dọc theo con đường chúng tôi đang
đi. Vì chúng vẫn ở trong bóng tối, mặt trời ở phía sau, nhưng rồi ánh sáng bắt
đầu tuôn chảy trên đỉnh của chúng như lũ. Ánh sáng bò xuống thấp dần, thấp dần,
tới khi đến một cao nguyên nhỏ không quá ba trăm thước phía trên chúng tôi. Ở
đó, trên rìa cao nguyên, nhìn ra trang trọng trước một bãi hoang phế, một vị thần
vĩ đại đổ nát đứng đó, một tượng Phật khổng lồ, trong khi đó phía sau vị thần,
được xây bằng đá vàng, trông như khối hình lưỡi liềm dưới thấp của một tu viện.
“Cuối cùng cũng thấy!” Leo kêu than, “ôi,
Lạy Chúa! Cuối cùng cũng thấy rồi!” và quăng mình xuống, cậu chôn mặt trong tuyết
như muốn dấu nó đi, tôi không thể đọc được những gì viết trên mặt cậu, có thể cậu
ấy không muốn tôi nhìn thấy.
Tôi cứ để cậu nằm đó, thấu hiểu những gì
đang đi qua trái tim cậu, và cả trái tim tôi. Rồi đến chỗ con bò Tây Tạng, con
vật khốn khổ, không được chia sẻ cảm xúc vui sướng lúc này mà chỉ quỳ thật thấp
và nhìn quanh bằng đôi mắt đói khát, tôi chất đống chăn da cừu lên lưng nó. Làm
xong, tôi đặt tay lên vai Leo, ra lệnh bằng giọng thực tế nhất có thể - “Đi
thôi. Nếu nơi đó không hoang phế, chúng ta có thể tìm được thức ăn và chỗ trú,
trời lại sắp bão rồi đấy.”
Cậu đứng dậy không nói lời nào, gạt tuyết
trên bộ râu và quần áo rồi tới giúp tôi nâng con bò đứng dậy, vì con vật kiệt sức
đó đã quá cứng nhắc và yếu ớt để có thể tự đứng lên được. Ngầm liếc nhìn cậu,
tôi thấy trên gương mặt Leo một vẻ hạnh phúc đến kỳ lạ; vẻ thanh thản lớn lao
dường như đang chiếm hữu cậu ấy.
Chúng tôi leo lên sườn tuyết, kéo theo con
bò, tới mảnh đất có tu viện xây trên đó. Dường như không ai bận tâm về nơi này,
tôi cũng không thể phân biệt được dấu vết gì. Nơi này là một đống đổ nát sao? Chúng
tôi đã thấy nhiều nơi như thế; quả thật mảnh đất cổ xưa này đầy các công trình
từng là nhà ở của con người, đủ uyên bác và đạo hạnh theo cách riêng của họ, những
người đã sống và chết từ hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn năm trước, rất lâu
trước khi nên văn minh phương Tây của chúng ta hiện hữu.
Trái tim tôi, cũng như cái dạ dày đang đói
khát của tôi, đắm chìm trong suy nghĩ, nhưng khi tôi đang nghi ngại quan sát, một
cuộn khói xanh nhỏ bay ra từ ống khói, và chưa bao giờ tôi thấy điều gì vui vẻ
hơn thế. Giữa dinh thự là một tòa nhà lớn, rõ ràng là một ngôi đền, nhưng gần
chỗ chúng tôi, tôi nhìn thấy có một cửa ra vào nhỏ, làn khói xuất hiện ở đó.
Tôi đi tới cánh cửa, gõ và gọi to – “Mở cửa! Mở cửa, thưa đức Lạt ma linh
thiêng. Những vị khách lạ đang tìm tới lòng từ bi của ngài.” Một lúc sau, có tiếng
bước chân và cánh cửa kêu cọt kẹt trên bản lề, hiện ra một người rất rất già, mặc
áo vàng rách rưới.
“Ai đó? Ai đó?” ông ấy kêu lên, chớp chớp
mắt nhìn tôi qua cặp kính mắt bằng sừng. “Ai tới quấy nhiễu sự tĩnh mịch của
chúng ta, sự tĩnh mịch của Lạt Ma linh thiêng nơi Dãy Núi thế?”
“Du khách, thưa Đức Ngài Linh Thiêng, người
đang an hưởng sự tĩnh mịch,” tôi trả lời bằng phương ngữ của chính ông ấy, thứ
tôi đã rất quen thuộc. “Những du khách sắp chết đói muốn cầu xin sự từ bi của
ngài,” tôi nói thêm, “mà theo Luật Lệ, ngài không thể từ chối.”
Ông ấy nhìn chằm chằm chúng tôi qua cặp
kính bằng sừng, không thể thấy gì trên gương mặt chúng tôi, cái nhìn của ông ấy
lại rơi xuống quần áo chúng tôi, những thứ cũng rách rưới và cũng kiểu như của
chính ông ấy. Thực ra, chúng đều là quần áo của các nhà sư Tây Tạng, gồm một dạng
áo dài lót trong và một lớp lễ phục bên ngoài không khác gì chiếc áo trùm kín đầu
phương Đông. Chúng tôi đã mặc thế vì không còn quần áo nào khác nữa. Chúng cũng
bảo vệ chúng tôi khỏi khí hậu khắc nghiệt và sự xăm xoi, nếu có bất kỳ ai xăm
xoi chúng tôi.
“Các ngươi là Lạt ma?” ông ấy nghi ngờ hỏi,
“nếu thế thì là người của tu viện nào?”
“Chắc đủ là Lạt ma rồi,” tôi đáp, “chúng
tôi thuộc về tu viện Thế Giới, than ôi! Chúng tôi rất đói.”
Câu trả lời dường như làm ông ấy hài lòng,
vì ông cười khúc khích một lúc, rồi lắc đầu nói – “Sẽ là chống lại phong tục nếu
thừa nhận người lạ, trừ khi họ mang đức tin của chúng ta, điều mà ta chắc chắn các
ngươi không có.”
“Thế thì việc để khách lạ chết đói sẽ chống
lại Luật Lệ của ngài nặng hơn nhiều, thưa đức ngài Khubilghan linh thiêng,” vì
các tu viện trưởng thường được gọi như vậy; còn tôi chỉ trích lại đoạn nổi tiếng
trong kinh Phật phù hợp với hoàn cảnh thôi.
“Ta đã nhận ra ngươi được dạy Kinh Phật,”
ông ấy kêu lên, vẻ kinh ngạc hiện ra trên gương mặt vàng vọt nhăn nheo, “vậy
chúng ta không thể từ chối cho ngươi trú ngụ. Vào đi, người anh em của tu viện
Thế Giới. Nhưng khoan đã, có một con bò Tây Tạng, nó cũng đòi lòng từ bi của
chúng ta đấy,” rồi quay lại, ông ta đánh vào chiếc cồng hay chiếc chuông treo
trong cửa ra vào.
Sau một tiếng vang, một người đàn ông khác
xuất hiện, còn nhăn nheo và bề ngoài già hơn người đầu tiên, đang há hốc miệng
nhìn chúng tôi chằm chằm.
“Người anh em,” tu viện trưởng nói, “hãy
ngậm cái miệng lớn của ngươi lại không linh hồn quỷ dữ sẽ bay vào trong đó đấy;
hãy dẫn con bò khốn khổ này đi và cho nó ăn cỏ khô cùng với đám gia súc khác.”
Vì thế chúng tôi dỡ hành lý khỏi lưng con
vật, rồi người đồng môn già nua có danh xưng khoa trương “Chủ nhân Bầy Gia Súc”
dẫn nó đi.
Sau khi con bò bị đưa đi, không quá tình
nguyện – vì người bạn trung thành này không muốn rời khỏi chúng tôi và không
tin tưởng người hướng dẫn mới kia – tu viện trưởng tên là Kou-en, dẫn chúng tôi
tới phòng khách hay phòng bếp của tu viện, vì nó có cả hai mục đích đó. Nơi đây
chúng tôi thấy khoảng mười hai nhà sư còn lại đang tụ tập quanh đống lửa mà
chúng tôi đã nhìn thấy khói của nó, một trong số họ đang chuẩn bị bữa sáng, số
còn lại đang sưởi ấm.
Tất cả họ đều là những ông già; người ít
tuổi nhất cũng không thể quá sáu mươi lăm. Chúng tôi được giới thiệu trang trọng
trước họ với tư cách là “Những người anh em của Tu Viện Thế Giới đang chết
đói”, vì ngài trụ trì Kou-en quyết định không từ bỏ trò đùa nhỏ này.
Họ nhìn chúng tôi, chà xát bàn tay mỏng, họ
cúi chào và chúc tụng chúng tôi, rõ ràng rất vui khi chúng tôi tới. Tuy nhiên
điều này không có gì kỳ lạ, nếu biết chúng tôi là những gương mặt mới đầu tiên
họ từng nhìn thấy suốt bốn năm qua.
Không dừng lại ở lời nói, trong khi đun nước
nóng để chúng tôi tắm gội, hai người đi chuẩn bị phòng – còn những người khác
tháo đôi ủng thô kệch và quần áo dày bên ngoài của chúng tôi ra, rồi mang cho
chúng tôi đôi dép. Họ dẫn chúng tôi tới phòng dành cho khách, chỗ được họ giới
thiệu là “nơi tốt lành”, vì một vị thánh nổi tiếng từng ngủ ở đó. Một đống lửa
được thắp lên ở đó, thật kỳ diệu! quần áo sạch sẽ, đều bằng vải lanh, cũ và
phai màu, nhưng chất lượng vẫn tốt, được mang tới cho chúng tôi dùng.
Chúng tôi đã tắm gội như vậy – phải, tắm gội
thực sự để gột sạch mọi thứ - và khoác lên những chiếc áo choàng, hơi nhỏ so với
Leo, đánh chuông trong phòng, đáp lại là một nhà sư tới dẫn chúng tôi trở lại
nhà ăn, nơi bữa ăn giờ đã sẵn sàng. Bữa ăn gồm một loại cháo có thêm ít sữa
tươi được “Chủ Nhân Bầy Gia Súc” mang tới, cá khô từ hồ, và trà pha bơ, hai thứ
xa xỉ cuối cùng được làm ra đặc biệt dành cho chúng tôi. Chưa bao giờ chúng tôi
thấy vị thức ăn ngon hơn thế, có lẽ tôi phải nói thêm, chưa bao giờ chúng tôi
ăn nhiều thế. Quả thực, tôi buộc phải yêu cầu Leo dừng lại, vì tôi thấy các nhà
sư nhìn cậu chằm chằm và nghe thấy vị tu viện trưởng già nua đang cười khúc
khích.
“Ô hô! Tu viện Thế Giới, nơi người ta bị
chết đói,” một nhà sư khác, được gọi là “Chủ Nhân Lương Thảo”, nói một cách khó
nhọc, nếu chúng tôi tiếp tục thế này, kho lương của họ khó mà duy trì được hết
mùa đông. Vì vậy chúng tôi ăn xong, cảm thấy như trong cuốn sách châm ngôn tôi
nhớ đã đọc hồi trẻ có nói về những gì người lịch sự nên làm – do chúng tôi ăn
nhiều, nên đã gây ấn tượng tốt đẹp hơn với chủ nhà bằng cách tụng một đoạn kinh
để tạ ơn công đức Phật pháp dài lâu.
“Họ đã bước chân vào Đạo rồi! Họ đã bước chân
vào Đạo rồi!” họ kinh ngạc nói.
“Đúng vậy,” Leo đáp, “họ đã bước vào đó mười
sáu năm trong kiếp này. Nhưng chúng tôi chỉ là những người mới bắt đầu so với
các ngài, những con người thần thánh, biết được vì sao cao bao nhiêu, biển rộng
bao nhiêu, và sa mạc dài bao nhiêu mới thành đạo. Thực ra, một giấc mơ kỳ diệu
đã chỉ dẫn chúng tôi con đường tới đây, tìm kiếm các ngài, những con người đức
hạnh nhất, thần thánh nhất và uyên bác nhất trong tất cả các Lạt ma.”
“Đúng, tất nhiên đó là chúng ta,” vị trụ
trì Kou-en đáp, “không có tu viện nào khác trong vòng năm tháng nếu đi từ đây,”
rồi ông ấy lại cười khúc khích, “nhưng than ôi! Số người của chúng ta rất ít ỏi.”
Ông ấy nói thêm với tiếng thở dài buồn bã.
Sau đó chúng tôi xin về phòng nghỉ ngơi, ở
đó, trên thứ mô phỏng rất giống giường ngủ, chúng tôi ngủ một mạch hai mươi tư
tiếng, cuối cùng đứng dậy hoàn toàn sảng khoái và khỏe khoắn.
Cứ như vậy chúng tôi đã hiện diện ở Tu Viện
Dãy Núi – vì nó không có tên nào khác – nơi định mệnh an bài chúng tôi sống ở
đó sáu tháng kế tiếp. Ít ngày sau, không còn băn khoăn vì đã hoàn toàn tin tưởng
chúng tôi, các nhà sư già tốt bụng và giản dị đã kể cho chúng tôi nghe toàn bộ
lịch sử của họ.
Dường như từ rất xa xưa, có một ngôi chùa
cho các Lạt ma ở nơi đây, có tới vài trăm anh em đồng đạo cư ngụ. Thực sự nếu
đó là thật, nơi này phải rất lớn, dù phần lớn đã bị tàn phá, nhưng bức tượng Phật
bị thời tiết bào mòn ngoài kia cũng cho thấy, nó rất cổ xưa. Theo lời vị trụ
trì già, câu chuyện bắt đầu khoảng hai thế kỷ trước, các nhà sư bị một bộ tộc
hùng mạnh sống trên sa mạc và dãy núi phía xa giết hại, bộ tộc đó là những kẻ dị
giáo và tôn thờ lửa. Chỉ vài nhà sư trốn thoát, mang tin buồn này tới cộng đồng
bên ngoài, năm thế hệ tiếp theo không ai nỗ lực giành lại nơi này.
Cuối cùng, điều đó được tiết lộ cho ông ấy,
người bạn Kou-en của chúng tôi, khi đó là một thanh niên trẻ, ông là hiện thân
một lần nữa của một trong các nhà sư già của tu viện này, người đó cũng tên là
Kou-en, sứ mệnh cuộc đời ông là trở lại đây, nếu thành công ông sẽ dành được
nhiều công đức và đón nhận nhiều mặc khải. Vì thế, ông đã tập hợp được một nhóm
người cuồng tín, được bề trên ban phước lành và chấp thuận, họ lên đường, sau
nhiều gian khổ và mất mát, họ đã tìm ra và chiếm được quyền sở hữu nơi này, sửa
chữa lại nó vừa đủ cho nhu cầu của mình.
Chuyện đã xảy ra khoảng năm mươi năm trước,
và nơi này họ vẫn cư ngụ từ khi đó, chỉ thi thoảng liên lạc với thế giới bên
ngoài. Ban đầu số lượng người của họ được tuyển mộ mới hàng năm, nhưng rồi cuối
cùng họ ngừng lại, kết quả là cộng đồng này đang chết dần.
“Rồi sao nữa?” Tôi hỏi.
“Rồi không có gì nữa.” vị trụ trì đáp,
“Chúng ta có được nhiều công đức; chúng ta được ban nhiều mặc khải, sau khi nghỉ
ngơi, chúng ta đạt tới Cõi Cực Lạc, số mệnh của bản thể tương lai của chúng ta
sẽ dễ dàng hơn. Chúng ta còn có thể đòi hỏi hay khao khát gì hơn nữa chứ, khi
chúng ta đã loại bỏ khỏi mọi cám dỗ trần thế?”
Phần còn lại, ngoài thời khắc cầu nguyện
vô tận, và cả thời gian trầm ngâm còn vô tận hơn nhiều, họ lại thành người nông
dân, trồng trọt trên mảnh đất màu mỡ dưới chân núi, chăm sóc đàn bò Tây Tạng. Cứ
thế họ khoác lên mình một cuộc đời không tỳ vết cho tới lúc chết vì tuổi già,
giống như họ tin tưởng – ai nói họ sai đây – vòng tròn vĩnh cửu ấy lại lặp lại ở
một nơi nào đó.
Ngay sau đó, thực ra vào ngày chúng tôi tới
tu viện, mùa đông đã bắt đầu với gió lạnh và bão tuyết, toàn sa mạc thường
xuyên bị phủ tuyết dày. Chúng tôi nhanh chóng hiểu rằng phải ở lại tới mùa
xuân, vì nỗ lực di chuyển theo hướng nào cũng đều là tự sát. Chúng tôi ngần ngại
giải thích điều này cho tu viện trưởng Kou-en, đưa ra đề nghị dỡ bỏ một trong
các phòng trống của tòa nhà bị tàn phá, giúp câu cá vì chúng tôi có thể bắt
chúng bằng cách cắt hố băng trên hồ nước trước tu viện, và nếu chúng tôi có thể
tìm thấy gì đó có thể săn được, chúng tôi biết đặt bẫy hay săn bắn trong rừng toàn
thông và bách còi cọc mọc thành bụi quanh rìa tòa nhà. Nhưng ông ấy không muốn
nghe những thứ như vậy. Chúng tôi là khách của họ, ông ấy bảo, và các vị khách
chúng tôi muốn lưu lại bao lâu tùy ý. Chúng tôi đang làm họ mang gánh nặng tội
lỗi vì không mến khách ư? Hơn thế, ông ấy cười khúc khích bình luận – “Chúng ta
sống đơn độc ở đây nên muốn nghe về tu viện Thế Giới to lớn kia, nơi các nhà tu
hành không được ưa chuộng như chúng ta may mắn ngồi đây, nơi mà dân gian thậm
chí đói lả cả về thể xác và tâm hồn.”
Quả thực, chúng tôi đã nhanh chóng phát hiện
ra, mục đích của ông già đáng mến kia là giữ chân chúng tôi vào Đạo cho tới khi
chúng tôi ngộ ra Chân Lý, nói cách khác, trở thành Lạt ma tài ba như ông ấy và
các đồng môn.
Vì vậy, chúng tôi bước vào Đạo, như chúng
tôi đã làm ở nhiều ngôi chùa của các Lạt ma khác, phụ giúp cầu kinh trong ngôi
đền đổ nát và nghiên cứu bộ kinh Kandjur, hay “Diễn Giải các Bài Giảng” của Đức
Phật, đó là cuốn kinh rất cổ xưa của họ, nói chung nó chỉ ra rằng “tâm trí
chúng ta phải được khai mở”. Chúng tôi cũng giảng giải cho họ giáo lý về đức
tin của chính chúng tôi, họ vô cùng vui mừng phát hiện ra rất nhiều điểm tương
đồng giữa nó với đức tin của họ. Thực ra tôi không chắc, nhưng nếu chúng tôi có
thể dừng ở đây đủ lâu, mười năm chẳng hạn, chúng tôi có lẽ có thể thuyết phục
được vài người trong số họ chấp nhận tiết lộ mới rằng, chúng tôi là những nhà
tiên tri. Hơn nữa, lúc rảnh rỗi, chúng tôi kể cho họ nghe nhiều chuyện về “Tu
Viện Thế Giới”, điều đó thật sự thú vị, và thật đáng thương khi nhìn thấy niềm
vui sướng khi họ nghe những câu chuyện về các quốc gia lạ lùng va những chủng tộc
người mới mẻ; họ vốn chỉ biết tới Nga và Trung Quốc cùng vài bộ lạc bán hoang
dã, cư dân của dãy núi và sa mạc.
“Chúng ta có quyền biết tất cả những điều
này,” họ tuyên bố, “vì ai biết đâu được, có lẽ trong kiếp số tương lai, chúng
ta lại trở thành cư dân của những nơi đó.”
Nhưng dù thời gian trôi qua trong thoải
mái và xa xỉ nếu thực sự so sánh với nhiều trải nghiệm trước đây của chúng tôi,
ôi, trái tim vẫn cứ khao khát, ngọn lửa đam mê tìm kiếm vẫn thiêu đốt trong đó.
Chúng tôi cảm thấy đã tới ngưỡng – đúng, chúng tôi biết điều đó, chúng tôi biết,
nhưng những hạn chế thể chất tồi tệ làm chúng tôi không thể tiến lên dù một bước.
Trên sa mạc tuyết đang rơi, hơn nữa gió lớn xuất hiện đột ngột lôi tuyết đi như
đám bụi, chất chúng thành đống cao ngang cây cối, bên dưới nó, bất kỳ du khách
không may nào đều có thể bị chôn vùi. Chúng tôi phải đợi ở đây, không còn cách
nào khác.
Chúng tôi chỉ có một phiền muộn duy nhất.
Trong một căn phòng đổ nát của tu viện là một thư viện rất nhiều sách được đặt ở
đó, không nghi ngờ gì nữa, là nhờ các nhà sư bị thảm sát thời trước. Chúng ít
nhiều được quan tâm và sắp xếp lại bởi các tiền bối, những người đã cho chúng
tôi tự do tới xem chúng thường xuyên như chúng tôi muốn. Đó thực sự là một bộ
sưu tập kỳ lạ, tôi có thể tưởng tượng nó vô giá, vì chúng là những tác phẩm Phật
Giáo, Đạo Siva và Đạo Shaman mà chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy hay nghe nói
trước đây, cùng với những tác phẩm viết về cuộc sống của vô số Bồ Tát, hay các
vị thánh riêng biệt, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, một số chúng tôi không hiểu
được.
Nhưng điều lôi cuốn chúng tôi hơn cả là nhật
ký nhiều tập trải qua nhiều thế hệ được gìn giữ bởi các Khubilghan hay sư trụ
trì của ngôi chùa Lạt ma cổ, trong đó, mỗi sự kiện quan trọng đều được ghi lại
rất chi tiết. Lật từng trang trong tập cuối cùng của cuốn nhật ký, có lẽ được
viết khoảng hai trăm năm mươi năm trước, một thời gian ngắn trước khi tu viện bị
phá hủy, chúng tôi mở tới một mục với những dòng như sau – vì tôi chỉ có thể
trích dẫn trong ký ức những gì cơ bản.
“Mùa
hè năm nay, sau một trận bão cát rất lớn, một người anh em (tên được viết ra,
nhưng tôi đã quên) phát hiện trên sa mạc một người của tộc người cư ngụ trên
dãy Viễn Sơn, tin đồn về họ đã truyền đến ngôi chùa Lạt ma này liên tục. Anh ta
vẫn còn sống, bên cạnh anh ta là thi thể hai người đồng hành bị chết khát vùi
trong cát. Anh ta trông rất hung dữ. Anh ta từ chối nói về việc làm thế nào đi
được vào sa mạc, chỉ nói với chúng tôi rằng anh ta đi theo một con đường người
xưa đã biết tới trước khi liên lạc giữa tộc người của anh ta với thế giới bên
ngoài dừng lại. Tuy nhiên, chúng tôi đã thu thập được rằng, những người anh em
đi cùng anh ta phạm tội khiến họ bị kết tội chết, còn anh ta đi cùng họ. Anh ta
nói có một quốc gia tươi đẹp bên kia ngọn núi, màu mỡ phì nhiêu, nhưng bị hạn
hán và động đất quấy nhiễu, quả thực sau này chúng tôi thường cảm thấy ở đây.
Anh
ta bảo, người dân của đất nước đó rất hiếu chiến và đông đảo, nhưng đều làm
nông nghiệp. Họ luôn luôn sống ở đó, dù bị cai trị bởi các Khan – con cháu của
vị vua Hy Lạp Alexander, người đã chinh phạt rất nhiều quốc gia phía tây nam của
chúng tôi. Có lẽ điều này là thật, theo các ghi chép của chúng tôi, khoảng hai
nghìn năm trước, một đội quân xâm lược đã được gửi tới thâm nhập vào nơi này, dù
sự tồn tại của chúng không có gì nói tới.
Người
đàn ông lạ mặt cũng kể cho chúng tôi rằng tộc người của anh ta tôn thờ một nữ
tu sĩ tên là Hes hay Hesea, người được cho là đã cai trị từ thế hệ này qua thế
hệ khác. Bà ta sống trong một ngọn núi lớn, ngoài ra, còn bị tất cả mọi người sợ
hãi và yêu mến, nhưng không phải là nữ hoàng của đất nước, bà ta hiếm khi can
thiệp vào chính quyền. Tuy nhiên với bà ấy, sự hy sinh đáng được cúng tế, và ai
bị bà ta trả thù đều phải chết, vì thế ngay cả các thủ lĩnh của mảnh đất đó đều
sợ bà ta. Mục tiêu của họ vẫn là đánh nhau, vì họ ghét nhau.
Chúng
tôi bảo anh ta nói dối khi kể rằng người phụ nữ đó bất tử - vì đó là những gì
chúng tôi cho là anh ta định nói – vì không có gì bất tử cả; chúng tôi cũng cười
nhạo câu chuyện về sức mạnh của bà ấy. Nó khiến người đàn ông rất tức giận. Thật
ra anh ta tuyên bố Đức Phật của chúng tôi không mạnh bằng vị nữ tu sĩ này, bà
ta sẽ thể hiện nó khi báo thù lên chúng tôi.
Sau
đó chúng tôi đưa cho anh ta thức ăn và đưa anh ta khỏi ngôi chùa, anh ta ra đi
và bảo, khi anh ta trở lại, chúng tôi sẽ biết được ai nói thật. Chúng tôi không
biết anh ta là ai, còn anh ta từ chối tiết lộ cho chúng tôi con đường tới đất
nước của anh ta, một quốc gia nằm đâu đó giữa sa mạc và dãy Viễn Sơn. Chúng tôi
nghĩ có lẽ anh ta là một linh hồn quỉ dữ được gửi tới để đe dọa chúng tôi,
nhưng bất thành.”
Tóm tắt của đoạn ghi chép kỳ lạ này là như
vậy, phát hiện đó mơ hồ làm chúng tôi hồi hộp với bao hy vọng cùng kích động.
Không còn đoạn nào khác viết về người đàn ông và đất nước của anh ta, nhưng
trong vòng hơn một năm kể từ ngày viết trên cuốn nhật ký của vị trụ trì, một kết
thúc đột ngột xảy đến mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có sự kiện bất
thường xảy đến hay được dự kiến.
Quả thật, đoạn ghi chép cuối cùng viết
trong cuốn sách da đề cập tới việc chuẩn bị cho mảnh đất mới sẽ dùng để gieo hạt
trong các mùa sau, nó cho thấy các anh em đồng môn không hề sợ hãi hay mong đợi
điều gì xáo trộn. Chúng tôi tự hỏi, liệu người đàn ông tới từ dãy núi có tử tế
như lời của anh ta không khi mang sự trả thù của nữ tu sĩ tên là Hesea kia tới
cộng đồng đã che chở cho anh ta. Chúng tôi cũng băn khoăn – à, rất băn khoăn –
Hesea này có thể là ai hay là cái gì đây.
Sau hôm phát hiện ra câu chuyện đó, chúng
tôi đã cầu xin tu viện trưởng Kou-en đi theo chúng tôi tới thư viện, rồi đọc
cho ông ấy nghe đoạn ghi chép, hỏi liệu ông có biết gì về chuyện này không. Ông
ấy lắc lư cái đầu già nua thông thái của mình, điều đó luôn gợi tôi liên tưởng
tới con rùa - “Một chút. Rất ít, chủ yếu về đội quân của vị vua người Hy Lạp được
đề cập tới trong đoạn văn.”
Chúng tôi thăm dò xem ông ấy có thể biết
gì đó về chuyện này, Kou-en chỉ điềm tĩnh đáp – “Vào thời này, khi đức tin của
Bậc Linh Thiêng vẫn còn non trẻ, ta cư ngụ với tư cách một người anh em khiêm tốn
trong ngôi chùa này, đó là một trong những tòa nhà đầu tiên, và ta nhìn thấy đội
quân đó đi qua, thế thôi.” Ông ấy trầm mặc nói thêm, “Đó là hóa thân thứ năm
mươi của ta trong chu kỳ hiện tại – không, ta đang nghĩ về một đội quân khác –
trong lần hóa thân thứ bảy mươi ba.”1
1 Các sinh viên văn học
và xã hội sẽ nhận ra, với các nhà tu hành Phật Giáo, rất phổ biến khi nói, họ có
thể nhớ được các sự kiện đã xảy ra trong các kiếp trước của mình. – Biên tập
viên.
Lúc này Leo bắt đầu cười lớn, tôi phải đá
cậu ấy dưới gầm bàn để cậu biến nó thành cái hắt hơi. Thật may mắn, vì niềm vui
thô tục như thế có thể làm tổn thương lớn lao tới cảm xúc của ông già. Cuối
cùng, như Leo từng nói, chắc chắn chúng tôi không phải là người chế nhạo lý
thuyết tái sinh, dù sao nó cũng là đức tin đầu tiên của gần một phần tư nhân loại,
và những người này không phải là một phần tư ngu ngốc nhất.
“Làm sao có thể - tôi xin Đức Ngài thông
thái chỉ dẫn – làm sao nhìn thấy ký ức sau khi đã chết?”
“À!” ông ấy trả lời, “Người anh em, có thể
làm vậy, đôi khi kí ức quay trở lại, đặc biệt với những ai đắc Đạo. Ví dụ, trước
khi ngươi đọc đoạn ghi chép đó, ta đã quên sạch những gì về đội quân đó, nhưng
giờ ta lại thấy chúng đi qua, đi lại, còn ta và các nhà sư khác đang đứng bên bức
tượng Phật khổng lồ phía đằng trước kia, nhìn họ đi qua. Đó không phải là đội quân
rất lớn, vì hầu hết lính tráng đều bị chết hoặc bị giết, họ bị đám người hoang
dã sống ở phía nam của chúng ta thời đó xua đuổi, vì thế họ rất vội vàng đi khỏi
sa mạc. Vị tướng chỉ huy đội quân đó là một người da ngăm đen – ta ước có thể
nhớ ra tên ông ấy, nhưng không thể.”
“Được rồi,” ông ấy tiếp tục, “vị tướng đó
đi tới ngôi chùa của các Lạt ma và yêu cầu chỗ ngủ cho vợ con ông ta, cũng đòi
cả lương thực và thuốc men, và nhờ chỉ đường qua sa mạc. Vị sư trụ trì thời đó
bảo với ông ta, nhận một người phụ nữ dưới mái nhà là vi phạm luật lệ của chúng
ta, ông ta bảo nếu chúng ta không chịu, chúng ta sẽ chẳng còn mái nhà nào hết,
vì ông ta sẽ đốt chỗ này và dùng gươm giết hết chúng ta. Như các ngươi biết đấy,
nếu bị giết một cách bạo lực như vậy chúng ta phải trải qua các kiếp tạp nham
dưới hình hài động vật, một điều thật kinh khủng, vì thế chúng ta chọn cách ít
tội lỗi hơn và nhường nhịn, sau đó Đức Lạt ma Vĩ Đại đã xá tội cho chúng ta. Bản
thân ta không nhìn thấy vị nữ hoàng này, nhưng ta đã nhìn thấy vị nữ tu sĩ họ
tôn thờ - than ôi! Than ôi!” và Kou-en vỗ vỗ ngực.
“Tại sao lại than ôi?” Tôi hờ hững hỏi, vì
câu chuyện này khiến tôi thích thú kỳ lạ.
“Tại sao ư? Ôi! Vì ta có lẽ đã quên mất đội
quân, nhưng ta chưa bao giờ quên được vị nữ tu sĩ đó, bà ta là một trở ngại lớn
với ta suốt nhiều thế hệ, làm trễ hành trình của ta sang Thế Giới Bên Kia, tới
bên Bờ Cứu Rỗi. Ta là một Lạt ma khiêm tốn, đã tham gia chuẩn bị chỗ ở cho bà
ta khi bà ta bước vào và vén một bên mạng che mặt lên; đúng, nhận ra là một
thanh niên trẻ, bà ta đã nói chuyện với ta, đặt rất nhiều câu hỏi, khiến ta thậm
chí không thể vui nổi khi lại nhìn thấy một phụ nữ.”
“Gì cơ – bà ta trông thế nào?” Leo lo lắng
hỏi.
“Bà ta trông thế nào nhỉ? Ôi! Bà ta có một
thân hình đẹp đẽ; bà ta giống như bình minh trên tuyết; bà ta như sao mai trên
đỉnh núi; bà ta như bông hoa đầu tiên của mùa xuân. Người anh em, đừng hỏi ta
bà ta trông thế nào, không, ta sẽ không nói nữa. Ôi! Tội lỗi, tội lỗi. Ta đang
trượt về phía sau còn các người lại vẽ lên lưng ta điều đáng hổ thẹn ngay trong
ánh sáng ban ngày. Không, ta thú nhận các ngươi có lẽ đã biết ta là một kẻ thấp
hèn biết bao – ta có lẽ không thần thánh như các ngươi từng nghĩ – cũng giống
chính các ngươi thôi. Người phụ nữ đó, nếu bà ta là người phụ nữ đó, đã đốt lên
ngọn lửa trong tim ta khiến nó không tàn lụi được, ôi! Lại nữa rồi, lại nữa rồi,”
Kou-en ngồi phịch trên chiếc ghế, nước mắt ăn năn chảy thành dòng từ chiếc kính
bằng sừng, “bà ta khiến ta tôn thờ! Thoạt tiên bà ta hỏi về đức tin của ta rồi
háo hức lắng nghe ta giảng giải, với hy vọng ánh sáng sẽ tới nơi trái tim bà ấy;
rồi sau khi ta nói xong, bà ta bảo – ‘Như vậy Đạo của ngươi là Xuất Gia và Cõi
Niết Bàn của ngươi là chốn Hư Vô tuyệt vời nhất mà một số người sẽ nghĩ rằng nó
mang giá trị hiếm có khiến người ta phải phấn đấu rất vất vả để đạt được. Giờ
ta sẽ chỉ cho ngươi một cách vui vẻ hơn và một vị thần giá trị hơn để ngươi tôn
thờ.’”
“’Cách nào thế, vị thần nào thế?’ ta hỏi
bà ta.”
“’Cách đó là Tình Yêu và Sự Sống!’ bà ta
trả lời, ‘nó làm cho thế giới là những gì như phải thế, làm cho ngươi thành kẻ
tìm kiếm Cõi Niết Bàn mang số Không, còn vị thần đó là Mẹ Tự Nhiên!’”
“Ta đã hỏi lại vị thần đó ở đâu, than ôi!
Bà ta đứng dậy, trông đầy phong thái hoàng tộc, và khẽ chạm vào bộ ngực trắng
ngà, bà ta nói, ‘Ta là Bà ấy. Giờ
ngươi hãy quì xuống và làm cho ta tôn trọng đi!’”
“Người anh em, ta đã quỳ xuống, phải, ta
đã hôn bàn chân bà ta, rồi ta đã chạy trốn vì hổ thẹn và đau lòng, khi ta bỏ
đi, bà ta cười và than khóc: ‘Hãy nhớ tới ta nếu ngươi đạt tới Cõi Cực Lạc, tên
đầy tớ số Không của Đức Phật kia, vì dù ta thay đổi, ta sẽ không chết được, và
ta vẫn sẽ ở đây với ngươi, hỡi kẻ từng tôn thờ ta!’”
“Vậy đấy, người anh em, vậy đấy; dù ta được
xá tội và đã chịu nhiều đau khổ vì điều đó tới tận kiếp này, hóa thân kế tiếp
chắc ta vẫn không thoát khỏi bà ấy, với ta, Yên Bình Tuyệt Đối rất xa, rất xa
xôi,” Kou-en đặt bàn tay khô héo của ông trước mặt và khóc nức nở.
Một cảnh tượng thật vô lý, thấy một vị
Khublighan thần thánh cũng lầm lạc ở tuổi tám mươi, khóc như đứa trẻ trước giấc
mơ về một người đàn bà đẹp ông tưởng tượng ra như ông từng mơ ước trong kiếp sống
hơn hai nghìn năm trước. Độc giả chắc sẽ nói vậy. Nhưng tôi, Holly, từ chính bản
thân mình, cảm thấy đồng cảm sâu sắc với ông già khốn khổ kia, Leo cũng cảm động.
Chúng tôi vỗ nhẹ vào lưng ông ấy; chúng tôi bảo ông chỉ là nạn nhân của thứ ảo
giác xấu xa không bao giờ có thể xuất hiện chống lại ông trong kiếp này hay các
kiếp số trong tương lai, vì nếu tội lỗi ở đó, nó phải được tha thứ từ rất lâu rồi.
Khi ông khôi phục bình tĩnh lại, chúng tôi cũng cố lấy thêm thông tin từ ông ấy,
nhưng kết quả thật nghèo nàn, chả liên quan mấy đến vị nữ tu sĩ đó nữa.
Ông nói ông không biết bà ấy thuộc tôn
giáo nào, và cũng không quan tâm, nhưng cho rằng tôn giáo đó hẳn phải xấu xa.
Bà ấy bỏ đi sáng hôm sau cùng đội quân, và ông không bao giờ nhìn thấy hay nghe
về bà ấy nữa, dù lý trí khiến ông buộc phải khóa mình trong phòng suốt tám ngày
để không chạy theo bà ấy. Đúng, ông ấy từng nghe một chuyện, vì vị sư trụ trì
thời đó đã kể cho các anh em đồng môn. Vị nữ tu sĩ đó là tướng chỉ huy thực sự
của đội quân, chứ không phải vua hay nữ hoàng - những kẻ sau đó đều căm ghét bà
ấy. Theo mong muốn của bà ấy, họ đã đi về phía bắc, vượt qua sa mạc tới một đất
nước bên kia dãy núi, nơi đó bà ta hy vọng xây dựng nên sự tôn thờ cho chính
mình.
Chúng tôi hỏi liệu thực sự có đất nước nào
đó bên kia dãy núi không, Kou-en chỉ mệt mỏi đáp rằng ông ấy tin là vậy. Trong
kiếp này hay kiếp trước, ông đều nghe nói người dân sống ở đó tôn thờ lửa. Chắc
chắn là thật, vì khoảng ba mươi năm trước, một người anh em đồng môn đã trèo
lên đỉnh núi lớn để dành vài ngày thiền định trong tĩnh lặng, đã trở lại và nói
rằng anh ta thấy một điều kỳ diệu, một trục lửa đốt lên giữa trời bên ngoài các
ngọn núi tương tự, dù đó có phải ảo cảnh hay không, anh ta không biết. Tuy
nhiên ông nhớ lại rằng lúc đó họ đã cảm thấy có một trận động đất rất lớn.
Sau đó ký ức về chuyện vượt quá giới hạn
đó lại làm trái tim già nua vô tội của Kou-en đau đớn trở lại, ông phiền muộn
rón rén đi mất và không ai thấy ông suốt một tuần. Ông ấy chắc không muốn nói lại
cho chúng tôi chuyện này nữa.
Nhưng chúng tôi đã nói chuyện với nhau về nó với
biết bao hy vọng và băn khoăn, và quyết định chúng tôi muốn tới ngọn núi này
ngay lập tức.
Tác phẩm gốc: Ayesha - Return of SHE (H.R. Haggard)
Dịch bởi: Cheryl Pham
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét