Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Talk của Richard Duncan


Trong suốt 60 năm qua, thế giới chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của châu Á: từ Nhật bản, đến Singapore, Hàn quốc, Đài Loan, Hồng Kong, rồi Thái lan, Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam…
Lý do của sự tăng trưởng kinh ngạc này, là tất cả các nước này đều xuất khẩu lớn sang Mỹ.
Rất dễ nhận ra điều này khi nhìn vào biểu đồ tăng trưởng của Việt Nam và lượng xuất khẩu của VN sang Mỹ  theo thời gian. 5 năm gần đây, xuất khẩu sang Mỹ của VN tăng theo chiều thẳng đứng. Tuy nhiên, 1 điều không may cho VN: năm 2008 Mỹ rơi vào suy thoái nghiêm trọng, gần ngưỡng của 1 cuộc đại suy thoái (New Great Depression).
Vấn đề đặt ra ở đây là: Nước Mỹ sẽ phục hồi hay sụp đổ? Việt Nam có giữ được tốc độ tăng trưởng cao?
a.      Cuộc đại Suy Thoái sắp tới - New Great Depression(2016?):
Chúng ta hãy nhìn vào cuộc Đại Suy Thoái (1930) và viễn cảnh một cuộc Đại Suy Thoái sắp và suýt nữa đã xảy ra năm 2008:
Cuộc khủng hoảng này là do sử dụng quá nhiều tín dụng (Credit).
Chúng ta đều biết, từ 1945-2013, thế giới không còn chế độ bản vị vàng (Gold based), mà sử dụng tiền tệ gọi là Currency Outside Banks. Cục dự trữ liên bang Mỹ FED đã sử dụng cây đũa thần để mở ra chiếc hộp Pandora: tiền giấy USD cứ thế chảy ra ào ào, mà không cần có tài sản bảo chứng (như vàng – trong chế độ bản vị vàng). Từ 1968, nước Mỹ chính thức không còn dùng chế độ bản vị vàng, vì không còn vàng. Do Vàng đã được Mỹ chi cho chiến tranh Việt Nam và các cuộc chiến khác hết rồi. Tín dụng tăng nhanh chóng từ 1 nghìn tỷ USD năm 1964 đã lên tới 50 nghìn tỷ USD năm 2007. Đây là sự bùng nổ tín dụng khổng lồ. Châu Á giai đoạn này đã xuất khẩu cực lớn sang Mỹ, và nhanh chóng tăng trưởng mạnh mẽ, từ các quốc gia nông nghiệp chậm phát triển thành các xã hội công nghiệp – phát triển nhanh.
Sơ đồ thống kê cho thấy: tổng tín dụng/GDP của Mỹ tăng khủng khiếp, từ 150% năm 1951 lên 350% (2013).
20 năm qua, nền kinh tế toàn cầu đã tăng quá nhanh. Trong 10 – 20 năm kế tiếp, thế giới đang xuất hiện những nhân tố làm chững lại tốc độ tăng trưởng.
Ví dụ, Trung Quốc: đã tăng trưởng vượt bậc. Thặng dư thương mại với Mỹ đã tăng từ 0 USD (năm 1985) lên 800 nghìn tỷ (2006) và 400 nghìn tỷ USD (năm 2013).
Chuyện gì đây nếu Đại Suy Thoái xảy ra?
Trong quá khứ, cuộc đại suy thoái năm 1930 để lại hậu quả khủng khiếp:
-          Chế độ bản vị vàng sụp đổ (1914)
-          Chiến tranh thế giới thứ nhất
-          Bong bóng tín dụng nổ
-          Thương mại quốc tế sụp đổ
-          Thất nghiệp tăng tới > 25%
-          Kéo theo 1 loạt các hậu quả kinh tế xã hội nặng nề khác: chủ nghĩa phát xít ra đời, chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, …. Nước Mỹ mất 76% giá trị tài sản và thế giới thụt lùi lại 30 năm.
Hiện tại, hầu hết các dấu hiệu tương tự cuộc đại suy thoái năm 1930 đã xảy ra, báo hiệu 1 cuộc đại suy thoái mới có khả năng xuất hiện:
-          Chế độ bretton wood Sụp đổ
-          Bóng bóng tín dụng khổng lồ vỡ dây chuyền: từ Nhật (1990) tới Mỹ (2008)…
-          Thương mại quốc tế rung chuyển và suy yếu
-          Thất nghiệp tăng tới gần 20% ở Mỹ
-          Chi tiêu công khiến 1 loạt quốc gia đã hoặc sắp vỡ nợ: Hy lạp, tây ban nha, Nhật, …
-          Nếu xảy ra, thì thế giới được dự đoán sẽ mất 90% giá trị tài sản và nhân loại lùi lại 60 năm.
Trước những dấu hiệu và nguy cơ khổng lồ đó, các chính phủ đang làm hết sức để cứu thế giới khỏi cơn Đại Suy thoái Mới. Việc duy nhất họ có thể làm là cố gắng thổi tiếp và giữ cho bong bóng tín dụng được thổi căng, thông qua 2 biện pháp:
-          In thật nhiều tiền giấy
-          Chi tiêu công táo bạo (hãy nhìn các quốc gia đã làm trong 5 năm qua thì biết)
Nước Mỹ thâm hụt ngân sách liên tục 5 năm liền. FED sử dụng cây đũa thần, tiếp tục in tiền không ngừng nghỉ. Chính phủ Mỹ đã đưa ra 3 gói cứu trợ nền kinh tế (QE1, QE2, QE3). Cứ mỗi lần gói cứu trợ hết, thì nền kinh tế Mỹ lại đi xuống, nền kinh tế thế giới đi xuống theo. Gói QE3 sẽ kết thúc vào tháng 10 năm 2014 tới đây. Do đó, thị trường chứng khoán sẽ đi xuống ngay theo đó. Vì vậy, nếu bạn đang sở hữu chứng khoán, hãy bán ngay bây giờ đi.
Giá trị ròng (netwealth???) của nền kinh tế Mỹ hiện tại = 25 nghìn tỷ USD
b.      Bản chất hệ thống kinh tế thế giới hiện tại
Hệ thống kinh tế thế giới hiện tại không phải là chủ nghĩa tư bản (Capitalism) nữa rồi, mà là chủ nghĩa tín dụng (Creditism). Vì sao?
Trong Chủ nghĩa tư bản, vàng là tiền, chính phủ không can thiệp vào nền kinh tế. Nhưng hiện tại, các chính phủ đang làm việc với nhau, tương tác với Mỹ để điều khiển nền kinh tế; các chính phủ tự tạo tiền, không liên quan đến vàng nữa. Đây là chủ nghĩa tín dụng.
Do đó, việc của các nhà kinh doanh và đầu tư là dự báo xem các chính phủ sẽ làm gì, chứ không phải dự báo thị trường sẽ thế nào. Chủ nghĩa tín dụng giờ đây đang đến thời kỳ suy thoái.  Cách thức vận hành của nền kinh tế hiện nay:  tăng trưởng tín dụng sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế.
Thu nhập trung bình của người dân Mỹ đang giảm xuống, bởi vì châu Á. Tất cả các công việc tay chân, sản xuất đều bị đưa sang châu Á hết rồi, người Mỹ bây giờ không có việc để làm. Không có việc, tất nhiên, sẽ không có tiền. Do đó, bạn yên tâm, gói cứu trợ QE3 vừa hết thì nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ đi xuống tiếp, và chính phủ Mỹ buộc phải đẩy ra tiếp 1 gói QE4, tức nước Mỹ sẽ tiếp tục in tiền, để kéo nền kinh tế đi lên. Thị trường chứng khoán đã tăng 30% năm 2013. Đó là điểm bán tốt nhất.
Toàn cầu hóa cũng chính là nguyên nhân quan trong gây ra suy thoái. Toàn cầu hóa gây ra sự dịch chuyển các công việc sang Ấn độ, Trung quốc, việt nam,… Chi phí nhân công giảm 90% từ 200$ ở Mỹ xuống còn 10$ ở Ấn độ, Philipine,… Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới.
Tính thanh khoản (liquidity) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồ thị cho thấy, tính thanh khoản chỉ tăng khi nước Mỹ in thêm tiền.
Câu hỏi đặt ra là: Các chính phủ có thể duy trì hỗ trợ được trong bao lâu nữa?
Hãy nhìn nước Nhật. Chính phủ đang nợ trên GDP là 60% khi suy thoái vào những năm 1980-1990. Giải pháp của họ là tiếp tục vay thật nhiều tiền để chi tiêu công ở mức cao, tức là duy trì việc thổi bong bóng không cho nó nổ.
Giờ đây, Mỹ đang làm tương tự. Chính phủ Mỹ đã nợ 100% GDP, nhưng vẫn tiếp tục duy trì chi tiêu công ở mức cao. Nếu không có lạm phát thì có thể không sao. Nhưng vấn đề là có lạm phát. Cho nên mọi kết quả đều rất khó đoán.
Do đó, phải dự báo được hành vi của chính phủ.
Hiện tại các nền kinh tế trên thế giới đều suy yếu hoặc không ổn định.
Thực ra, khủng hoảng là 1 cơ hội tuyệt vời nếu chúng ta hiểu đúng tình hình.

Kinh tế học thực tế khác rất xa so với những gì được dạy trong nhà trường. Nó đơn giản, nhưng về khía cạnh nào đó, lại phức tạp. Nền kinh tế toàn cầu đang mất cân đối, người ta thường hay ví, “như bong bóng”. Mọi lý thuyết kinh tế đều đang dần vô nghĩa hoặc đã trở thành cực kỳ ngớ ngẩn.
Nước Mỹ đã thâm hụt 800 nghìn tỷ USD năm 2006. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người có hiện tượng này: một quốc gia mạnh nhất thế giới nhưng lại bị thâm hụt lớn nhất thế giới với 1 con số khổng lồ. Nhưng nó lại không sụp đổ hay bị soán ngôi.
Thực ra, trong lịch sử đã từng có 1 lần tương tự, là 100 năm trước, nước Anh khi đó mạnh nhất thế giới, bị thâm hụt với nước Pháp một lượng khổng lồ. Nhưng khi đó là chế độ bản vị Vàng, người Anh phải trả cho người Pháp hàng chục tàu chở vàng. Nước Anh mất vàng, nền kinh tế suy yếu dần, còn Pháp lại tăng trưởng mạnh mẽ. Đó là 1 cơ chế tự cân bằng bằng cách sử dụng vàng.
Nhưng từ năm 1968, Mỹ bắt đầu có thâm hụt với Nhật và không còn sử dụng bản vị vàng nữa. Không giống với Anh, Nước Mỹ trả Nhật bằng giấy (các giấy nợ - hay tín dụng). Nước Nhật tăng trưởng nhanh chóng, thành 1 quả bong bóng khổng lồ (vì có thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ). Năm 1990, Quả bong bóng Nhật bị xì hơi. Và nó khiến cho nước Nhật 20 năm trở lại đây không thể tăng trưởng được.
Các quốc gia đang lặp lại kịch bản của nước Nhật. Thái lan năm 1997: khủng hoảng làm đồng bath giảm 95% giá trị so với đồng USD. Trung Quốc đang đứng trước ngưỡng cửa 1 cuộc suy thoái. Cả thế giới đang có 1 bong bóng tín dụng khổng lồ. Đây sẽ là khó khăn cho thế giới 20 năm tiếp theo. Cũng là khó khăn cho Việt nam, vì Việt Nam bắt đầu phát triển lại rơi vào đúng thời kỳ suy thoái, dù thâm hụt của Mỹ cũng đang thu hẹp lại.
Tóm lại, với tình hình kinh tế thế giới hiện tại, mọi sách giáo khoa và lý thuyết kinh tế đều không thể giải thích được sự mất cân bằng này.
c.       Kinh tế Trung Quốc
Việt Nam và tất cả các nước đều phải quan tâm đến kinh tế Trung Quốc, vì qui mô và vị trí hiện tại của nó đã vượt xa với 20 năm trước đây. Đối với Việt Nam, nó quan trọng hơn nữa bởi vì, Trung Quốc là láng giềng, và có 1 ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến nền kinh tế Việt Nam. Bạn có thể nhìn vào nền kinh tế Việt Nam, sẽ biết ngay dấu ấn này sâu đến mức nào.
GDP là thước đo của qui mô nền kinh tế.
Năm 2013, GDP của Việt Nam là 107 tỷ USD, của Trung Quốc là hơn 9000 tỷ USD. Đó là 1 khoảng cách cực lớn.
GDP gồm:
-          Tiêu dùng cá nhân (sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất)
-          Đầu tư
-          Cán cân thương mại (Xuất khẩu, nhập khẩu)
-          Tiêu dùng của chính phủ
Do đó, chỉ cần dự báo cho 4 thành phần này, bạn sẽ hiểu được toàn bộ nền kinh tế.
Hãy xem số liệu thống kê đi,
GDP
Mỹ
Trung Quốc
Tiêu dùng cá nhân
72%
35%
Chi tiêu của chính phủ
17%
13%
Đầu tư
15%
49%
Nhập khẩu
14%

Xuất khẩu
-18%


Trong vòng 20 năm, Trung Quốc tăng trưởng tới 9000 tỷ USD. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại. Chưa có 1 quốc gia nào trong lịch sử tăng trưởng cao đến như vậy. Vì thế, Trung Quốc có thừa năng lực trong mọi lĩnh vực.
Và hiện tại Trung Quốc đang gặp khủng hoảng với GDP khủng của mình.
Hãy nhìn vào bản chất của vấn đề. Các quốc gia châu Á đều tăng trưởng bằng cách dựa vào xuất khẩu lớn sang Mỹ. Việt Nam cũng đang như thế. Nhưng chiến lược này bắt đầu không hiệu quả. Vì nước Mỹ không còn đủ khả năng tiêu xài nhiều như trước.  Con số thống kê cho chúng ta thấy, Trung Quốc đã có chiến lược investment driven (tập trung cho đầu tư). Nhưng khi nước Mỹ yếu đi, không còn người mua, không có lý do để Trung Quốc theo đuổi chiến lược này nữa. Phân bố trong GDP của Mỹ khá bình thường, nhưng của Trung Quốc thực sự rất bất thường. Trung Quốc đầu tư rất lớn, nhưng tiêu dùng rất ít. Đây là 1 khoảng cách chênh lệch lớn. Trước đây, khoảng cách này không phải là vấn đề, nhưng bây giờ thì nó là 1 vấn đề không dễ chịu, vì nước Mỹ đã yếu đi.
Tờ báo kinh tế hàng đầu thế giới – Finance Times tôi đọc hôm nay  (28/8/2014) viết: 2 năm qua, Trung Quốc cho ra đời số lượng và giá trị các nhà máy xi măng còn lớn hơn tổng toàn bộ số lượng và giá trị các nhà máy xi măng mà nước Mỹ cho ra đời trong 100 năm qua. Đó là 1 năng lực đầu tư khổng lồ.
Nhưng Trung Quốc không xuất khẩu được cho ai. Nên doanh nghiệp không trả được vốn cho ngân hàng.
1 vấn đề khác, 80% dân số Trung Quốc không có đủ thu nhập để tiêu dùng, vì dưới $10/ngày. Họ không thể mua được những thứ mình đã sản xuất. Trung Quốc đầu tư nhiều, nhưng đa số người dân không có đủ tiền để tiêu dùng. Vì vậy nền kinh tế Trung Quốc gặp khủng hoảng.
Vậy, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại, hoặc sẽ sụp đổ. Giống như Mỹ năm 1930. Đây có thể là cơ hội với Việt Nam.
Chính phủ Trung Quốc tất nhiên đã dự đoán được điều này và đã có biện pháp chống đỡ:
-          Các ngân hàng tăng dư nợ cho vay. Doanh nghiệp tiếp tục đầu tư xây nhà máy. Quả bong bóng tiếp tục được thổi căng. Bạn biết đấy, ở Trung Quốc, có rất nhiều thành phố ma – xây dựng ra thành phố, nhưng không hoạt động. => nguy cơ khủng hoảng ngân hàng. Việt Nam cũng đã gặp vấn đề này 10 năm trước. Sự khác biệt là qui mô kinh tế Trung Quốc cực lớn so với Việt Nam.
-          Chính phủ tiếp tục cung tiền cho các ngân hàng (in tiền).
Qui mô của nền kinh tế Trung Quốc so với Mỹ:
Năm 1980: 5%
Năm 2011: 70%
Người ta dự đoán, 7 năm nữa, năm 2020: 100%
Sau đó, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt nền kinh tế Mỹ.
Nhưng hãy nhìn qui mô nền kinh tế Nhật Bản 60 năm trước, so với Mỹ: 
Từ 20% -> 70% (trước khi bong bóng ở Nhật nổ) -> 40% ngày nay
Liệu bài học lịch sử có lặp lại với Trung Quốc? Nền kinh tế Trung Quốc có bị nổ quả bóng tín dụng hay xẹp dần trong 20 năm kế tiếp giống Nhật? Giờ Nhật đang có nợ =200% GDP. Chính phủ Trung Quốc sẽ làm tương tự để ngăn nền kinh tế của họ không rơi vào đại suy thoái, nhưng cũng sẽ không phát triển quá nhanh như trước kia được nữa, may mắn lắm mới có thể tăng trưởng 2-3%/năm.
Vậy, tương lai này của kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng gì tới thế giới?
-          Tăng trưởng chậm lại sẽ làm các nền kinh tế khác suy yếu và chậm lại
-          Các đồng tiền sẽ mất giá
-          Áp lực giám phát trên toàn thế giới (do chi phí nhân công đã giảm từ $200 ở Mỹ thành $10 ở Trung Quốc)
-          Vấn đề với hòa bình thế giới (bạn biết đấy, khi nước Mỹ còn mua hàng và còn nợ lớn, Trung Quốc sẽ nhắm mắt làm ngơ với nhiều hành động của Mỹ. Nhưng khi Mỹ không còn mua hàng của họ nữa, cách xử sự của Trung Quốc đang và chắc chắn sẽ khác đi rất nhiều. Hãy nhìn tình hình thế giới năm 2014 thì biết, đó mới chỉ là mở đầu.)
d.      Tương lai cho các loại tài sản (dự báo ngắn hạn)
Hiện tại, các chính phủ trên thế giới đều đang điểu khiển để thổi và giữ bong bóng tín dụng tiếp tục căng.
-          Lãi suất: lãi suất trái phiếu của Mỹ (là loại lãi suất an toàn nhất thế giới hiện nay) đang là 2,4%/năm. Giá trái phiếu tăng thì lãi suất sẽ giảm. Chính phủ sẽ kiểm soát được lãi suất nếu không lạm phát. Lãi suất thấp cũng là lí do để Bất động sản tăng trưởng và nên kinh tế có cơ hội phát triển. Tóm lại Lãi suất sẽ được duy trì ở mức thấp.
-          Chứng khoán: Do thu nhập trung bình của dân Mỹ đang giảm xuống, nhu cầu tiêu dùng của họ sẽ giảm. Do đó, chính phủ Mỹ sẽ phải làm cho thị trường chứng khoán tăng lên để người dân có cảm giác mình giàu có, từ đó khuyến khích tiêu dùng và đầu tư qua thị trường chứng khoán. Nền kinh tế sẽ có cảm giác tăng trưởng. Việc này rất dễ dàng với chính phủ Mỹ. Vì họ đã làm như thế 5 năm rồi, nên không có lý do gì để dừng lại.
-          Bất động sản: Mỹ cần duy trì mức tăng trưởng bất động sản cao, tức là lãi suất cho bất động sản phải rất thấp. Tuy nhiên không cẩn phải tăng quá nhanh(30% năm 2013 như thị trường chứng khoán). Chính phủ chỉ cần duy trì kích thích vừa đủ để tăng trưởng. Nếu bạn đầu tư bất động sản ở Mỹ, thì đây chính là cơ hội tuyệt vời.
-          Vàng: Vấn đề lớn nhất của vàng là không tạo dòng tiền (cashflow), nên dân Mỹ không hứng thú. Với bất động sản, bạn còn có thể cho thuê kiếm thêm tiền hàng tháng. Chứng khoán có thể giao dịch hay thu cổ tức định kỳ. Vàng chỉ để đó, không phát sinh dòng tiền thụ động cho thu nhập của bạn.
-          Các hàng hóa khác (bạc, dầu, lúa gạo…): rất khó nói, vì phải xem chi tiết cung – cầu. Nhưng có 1 nguy cơ là giá bị thao túng. Vì qui mô của thị trường phái sinh đang rất lớn (700 nghìn tỷ USD). Đâylà thị trường OTC – không chính thức => không thể kiểm soát. Các ngân hàng lớn sử dụng công cụ phái sinh để thao túng lãi suất và ngoại hối. Do đó, họ và những thế lực lớn hơn có thể sử dụng các công cụ phái sinh để thao túng giá hàng hóa. Vì vậy, dù bạn có hiểu được bản chất của hàng hóa, nhưng vẫn thua, vì không đối đầu được với các thế lực lớn có khả năng thao túng giá mỗi loại hàng hóa.
-          Tiền tệ: theo qui luật, nếu có thặng dư thì đồng tiền quốc gia đó sẽ tăng giá trị. Nhưng hiện tại không như vậy. Nó còn phụ thuộc lãi suất. Quốc gia nào in tiền nhiều nhất, tiền của nó sẽ mất giá nhiều nhất. Hiện nay, Nhật và Mỹ đang in tiền nhiều nhất. Trong thời gian tới, đồng USD và đồng Yên sẽ tiếp tục mất giá. Đồng bảng Anh cũng suy yếu. Đô la Úc cũng vậy. Riêng đồng Nhân dân tệ vẫn mạnh trong ngắn hạn (dù nguy cơ khủng hoảng của Trung Quốc đang tới gần).

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Khúc rẽ kế tiếp

Lại một vài thứ vừa kết thúc.
Công việc, mối quan hệ... và những lời nói dối. Kết thúc rồi.

Sẽ lại đi đến một ngã rẽ nữa. Không biết phía trước thế nào. Đi thôi. Sống là không chờ đợi. Mình đã chờ đợi gần hết đời rồi.

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Rủi ro mới

Lại liều lĩnh một lần nữa.
Có lẽ cuộc đời 70-80 năm quá ngắn ngủi so với trời đất vạn vật. Cứ mãi bon chen, héo úa với một công việc mình không thích, ngột ngạt trong bầu không khí mình chán ghét sẽ làm mình tổn thọ mất.
Mà tội gì phải như thế, khi thiên hạ rộng lớn lắm, nhân sinh vạn vật sinh sinh diệt diệt. Trời đất bao la này lẽ nào không tìm được chỗ trú chân.

Tự nhủ mình phải can đảm lên. Không cần sống mãi với những suy nghĩ hay lề thói của người khác. Không cần mệt mỏi với những yêu ghét, kể cả của lòng người.

Hầy, lòng người. Khi lòng người còn chưa thỏa mãn...

Lại một bước tiếp. Bước này có thể dẫm vào bùn, phải chật vật. Cũng có thể bước vào vùng đất hoa trái đầy cành, ngẩng đầu nhìn lên là trời xanh vời vợi.

Liều thôi ư? Không, là đoạn tuyệt, là hồi sinh. Ôi đời tôi, tôi muốn thay đổi. Thay đổi thực sự. Bắt đầu rồi. Cố lên Cheryl.

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Hoang mang

Không còn trẻ để ngó lơ sự khác biệt về tiền bạc, địa vị, hạnh phúc.
Không còn đam mê để theo đuổi cái gì đến tận cùng hay đủ tò mò để đi đến cùng cảm xúc.
Không còn niềm tin để vực dậy chính mình khỏi mặc cảm, tự ti, dối trá và dối trá.

Giờ đây tôi hoang mang khi phía trước và hiện tại đều mờ lối và không một điểm tựa.
Không còn ngây thơ để tin mọi ước mơ sẽ thành hiện thực.
Không còn đủ quyết tâm để bước tiếp hay tự tin đứng yên.

Tôi mệt mỏi như mình đã trải qua ngàn vạn bể dâu.
Nhưng thực ra, đời tôi phẳng lặng như một vũng nước nhỏ cô quạnh tù túng và không có ánh mặt trời.

Tôi muốn mình có một đứa con. Như mẹ tôi nói, mọi thứ rồi sẽ bỏ ta mà đi, chỉ có con cái, sẽ không bao giờ quay lưng lại.
Giờ không còn tìm được điểm tựa của duyên số hay định mệnh, không còn ai tình nguyện đến bên tôi, tôi phải tự tìm kiếm một sự ràng buộc trách nhiệm có tính toán.
Ôi, con đáng thương quá phải không? Sao bố không nói gì? Sao bố vẫn không nói gì?
Bố còn nhớ con không? Con vẫn luôn nhớ bố những khi buồn hay tuyệt vọng. Mà giờ đó là phần lớn cuộc đời con.

Ôi cuộc đời của con, con không muốn thế này nữa. Không muốn nữa.
Ai làm con thay đổi, ai có thể làm con thay đổi?

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Sự thay đổi

Sống trong cô đơn quá lâu sẽ không thích đám đông và giao tiếp.
Quãng đời phẳng lặng và yên bình quá dài khiến người ta lười biếng, ỉ lại, và ỳ trệ trí não cũng như vận động. Khả năng phản ứng trước đổi thay hay biến cố sẽ rất hạn chế.

Đôi lúc mệt mỏi vì một vài thứ rất thân thuộc, nhưng quá vô tâm. Một chút cảm giác mất mát, cô quạnh.

Đôi khi thấy cần thiết phải kiếm tìm, cần thiết phải bị giục giã, nhưng có lẽ đúng là ỳ trệ quá rồi, tay chân và tâm can lóng ngóng và tự ti.

Sự thay đổi đến từ đâu, và như thế nào?
Thay đổi từ những thứ nhỏ nhất có giúp cảm giác thành tựu hơn chút nào không?

Sống chơi vơi như thế, ngột ngạt lắm. Đau lòng cho một kiếp người.
Dù vẫn tự ảo tưởng huyễn hoặc một chút về bản thân để có cảm giác tồn tại.
Nội tại cũng mờ mịt.
Phải AQ một chút để có động lực sống tiếp chứ.

30, mà sao cuộc đời như đã tàn úa, lụi hết về nơi nao.

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

...

Bạn sẽ trở thành người mà bạn hay nghĩ đến nhất.

Hài à, a di đà phật. Con phải thay đổi suy nghĩ về bản thân mới được.

Yêu bản thân mình đi nào. Phải tự hào về mình mới được chứ.

Hi vọng suy nghĩ sẽ tạo ra ý tưởng. Ý tưởng phát sinh hành động. Hành động hình thành thói quen. Thói quen tạo ra tính cách. Tính cách tạo nên số phận.

Nhưng số phận mình vẫn mãi cô độc mỏi mệt đấy thôi.
Ôi trời, suy nghĩ của tôi. Đáng thương đến tuyệt vọng.

Đang nghĩ gì

Đôi lúc tôi nhìn nắng vàng và trời xanh rực rỡ. Tôi tự hỏi, tôi cần phải nghĩ gì.
Đôi lúc tôi nhìn ánh mắt bàng quang và xoi mói của những người tôi biết xung quanh. Tôi tự nói, bỏ qua đi, mày không còn ở tuổi 20.
Đôi lúc tôi nghe câu nói rền rĩ, chờ đợi của mẹ. Tôi tự nhủ, cố làm ra vẻ vui tươi hồn nhiên đi nào.
Đôi lúc tôi nhìn ánh mắt xa lạ và lặng lẽ của em trai. Tôi tự hiểu, ai có phận người đó thôi, từ giờ sẽ có nhiều thay đổi, em trai ạ.
Đôi lúc tôi gặp vài câu hỏi kiếm chuyện làm quà của một người bâng quơ. Tôi tự trách mình, sao phải tự ti đến thế, nhưng thực sự, tôi đã và đang rất tự ti.
Có lúc tôi tình cờ gặp bạn hay đồng nghiệp cũ, người ta cố gắng tỏ ra thật tử tế, lịch sự đến khách sáo. Tôi tự hỏi mình, tình trạng hôn nhân làm khoảng cách tôi với mọi người xa hơn, hay chính tôi chọn thế.
Rồi tôi làm việc nhưng cố gắng tạo một khoảng cách với mọi người. Tôi tự nghĩ, 30 không còn là tuổi để bạn phải cố gắng làm những việc hay tạo quan hệ với những người mình không thích.
Rồi tôi tham gia vào vài hoạt động giải trí hiếm hoi. Tôi tự im lặng.
Rồi tôi nhìn vào cuộc đời đã qua, và những giấc mơ khát khao đã chết. Tôi hiểu, tôi vô vị, nhàm chán, ấu trĩ đến đáng thương.
Rồi tôi nhìn thời gian. Tôi đắn đo tìm lối thoát.
Rồi tôi nhìn cuộc đời đầy màu sắc. Tôi thấy mình quá cô đơn.
Rồi tôi nói chuyện với bố. Con tự kỷ và tuyệt vọng rồi bố ạ.

Tôi tự nhìn vào tôi. Tôi không còn nhận ra chính mình.

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Trai đẹp...Giá trị và năng lực của nhan sắc

Các bà các cô quanh tôi dạo này thi nhau bàn tán về trai đẹp. Từ anh chàng arab bị trục xuất, hoàng tử arab với gia tộc toàn mỹ nam, mỹ nữ, tới Roberto Batgio, Ronaldo, Kim Thành Vũ... rồi mấy anh đồng nghiệp và mấy cậu nhóc xinh xắn hàng xóm, thậm chí cả chồng, con.
Hóa ra, nhan sắc, dù vẫn bị coi là phù phiếm, sớm nở chóng tàn, nhưng vẫn là thứ mà mọi người đều ngưỡng mộ, thèm khát, ước ao. Cũng phải thôi, con người ta luôn có xu hướng tiến tới những gì hoàn hảo, tốt đẹp hơn. Cái đẹp về hình thức, dù bị biến tướng theo thời gian, địa lý và cảm nhận của mỗi người, vẫn có một năng lực đáng kinh ngạc, thậm chí xoay chuyển càn khôn, kiến tạo thời cuộc, và cả những giá trị tâm linh cho nhiều thế hệ và các sắc tộc. Nếu nhỏ bé nhất, thì cũng là giúp chủ nhân của nó được một hay một số người ưu ái mến thương hoặc ném đá, đố kị.
Trong trường học khi tôi còn nhỏ, những mỹ nam, mỹ nữ còn nổi tiếng hơn các tài năng và các học sinh giỏi, đặc biệt là các mỹ nữ. Dù cha mẹ, thầy cô luôn ra rả "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", nhưng thực tế hỏi bất kì học sinh, sinh viên nào, "ai học giỏi nhất trường"- cân nhắc ngắc ngứ hoặc chẳng biết, "ai xinh nhất/đẹp trai nhất"- đứa nào cũng tuôn ngay ra được, dù ý kiến có thể khác nhau.
Nhìn ngoài đời cũng thế thôi. Giờ bạn hỏi Mai Phương Thúy, Tăng Thanh Hà, ... đến Ngọc Trinh, bà Tưng, từ già đến trẻ ai cũng biết. Nhưng vài tấm gương giáo sư tiến sỹ trẻ nhất Việt Nam, thủ khoa mấy trường đại học... có ai nhớ tên.
Đừng nói xã hội Việt Nam bây giờ nhốn nháo, giá trị rơi rớt hết. Tây cũng thế thôi. Ngày xưa các cụ nhà mình và nhà Tây cũng thế thôi. Không có cái gì mất đi ở đây hết. Chỉ là những gì của Cesar thì trả lại cho Cesar thôi.
Cái đẹp hình thức ngày xưa trong con mắt của các cụ nho già nua hà khắc cao thâm suy diễn sẽ liên tưởng đến sự hữu hạn và nông cạn. Từ đó áp đặt ra cho cả thiên hạ. Nhưng cái đẹp, và sự ngưỡng mộ khát khao cái đẹp là bản năng của mỗi con người, mỗi sinh mệnh sống, nên nó vẫn âm ỉ kín đáo chảy cùng thời gian. Ngày nay, tư tưởng tự do hơn, vẻ đẹp hình thức được tôn vinh qua thi người mẫu, hoa hậu, ... và những tung hô có hay không có điều kiện của truyền thông (hiện đại) và truyền mồm (truyền thống).
Cái đẹp hình thức giờ có thể tính cụ thể ra tiền: vương miện hoa hậu được phần thưởng giá trị bao nhiêu, một lần event được catxe bao nhiêu, một cuốc bay cùng đại gia bao nhiêu, làm bình hoa cho sếp trong 1 tháng có được căn hộ lux 3 phòng không...
 Nó xấu hay tốt tùy thuộc vào cách chủ nhân tận dụng nó và quan điểm của xã hội đương thời.

Trai đẹp lợi thế hơn gái đẹp ở một số điểm: Không bị đố kị (vì nam giới không đố kị bằng hành động với nhan sắc, nhưng nữ giới thì lòng dạ nhỏ hơn, chật hẹp hơn, vì vậy cũng hành động tàn nhẫn hơn trong cuộc chiến so bì với nhan sắc đồng loại), Có nhiều fan hâm mộ đông đảo hơn (Vì phụ nữ rất dễ rung động và ảo tưởng với người khác giới, nhưng kì thị và chì chiết "đồng loại" yếu đuối của mình, còn với nam giới, nhan sắc giống đực có khuynh thành cũng chỉ để trầm mặc trong nháy mắt, vẻ mỹ lệ của giống cái cũng chỉ để rửa mắt hay phục vụ nhu cầu sinh lý. Bạn đọc truyện ngôn tình chưa? Không phải ngẫu nhiên ở đó toàn mỹ nam. Vì tác giả và khán thính giả của thể loại này đa số là nữ.), Không dễ bị lãng quên (vì giai đẹp số lượng có hạn hơn cả rừng mỹ nữ nhan nhản bây giờ, phụ nữ cũng phẫu thuật thẩm mỹ nhiều hơn hẳn đàn ông. Bạn thử mở một trang báo hôm nay ra xem, bao nhiêu mỹ nam, bao nhiêu mỹ nữ được nhắc đến là rõ ngay. Một điều nữa là phụ nữ chung thủy với giấc mộng của mình hơn đàn ông :-)).

Giờ nam sắc dễ lòe thiên hạ (nhìn anh Omar đi). Nữ sắc ít thì cũng kiếm được hàng hiệu, nhà lầu xế sang như Ngọc Trinh, nhiều thì có thể đi vào sử sách, phong thánh rồi thờ phụng trong nhân gian.
Nên nếu coi Ngọc Trinh là hình ảnh xấu tác động tiêu cực cho giới trẻ thì nên cân nhắc. Chả lẽ Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương quí phi... ngày xưa cũng tồi tệ, không đáng ngợi ca? Xét về tiêu tiền và khoe của, mấy nàng này còn đẳng cấp hơn Ngọc Trinh gấp vạn lần ấy chứ, mà họ cũng có tự lao động kiếm ra được đâu, ngoài tận dụng vốn trời cho, tiền cũng là tiền cống nộp của dân đó thôi. Điểm khiến Ngọc Trinh bị ném đá là "Không quyền lực". Nói đúng hơn, chỗ dựa của cô ấy chỉ có khả năng cho cô ấy vật chất hay tình yêu, không đủ quyền lực để bảo vệ cô ấy khỏi miệng lưỡi thiên hạ. Và một điểm nữa, cô ấy không đủ tham vọng và tàn nhẫn như tứ đại mỹ nhân kia, nên vẫn chỉ có thể làm dân đen.

Tóm lại, nhan sắc là một tài sản lớn (dù là tự nhiên hay nhân tạo), là vốn trước hết của chính chủ nhân. Dù ai nói gì thì nói, bạn luôn phải tự hào và bảo trì nhan sắc của bản thân. Khi con bạn sinh ra, phải đặc biệt đảm bảo cháu nó có mặt tiền tốt. Vì nhan sắc, giá trị của nó là không nói được, không tính được (refer tự cố chí kim đi). Và hãy giáo dục con cái mình điều đó.

Trai này không đẹp, hơi điêu, nhưng mình vẫn liêu xiêu.....


Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Niềm vui

Nếu ngày nào cũng như ngày nào, đời rất vô vị.
Thế nhưng đã lâu rồi, ngày nào của tôi cũng trôi qua đều đặn như thế.
Mình đang sống một cuộc đời tẻ nhạt.
Tôi nhìn quanh mình. Tất cả đều hoang vắng.
Tôi cô đơn ngay giữa đông người ồn ào.

Tôi đã có những giấc mơ. Những giấc mơ đã lụi tàn đến mức tôi không còn nhận ra nữa.
Tôi đã có một gia đình ấm áp. Nhưng hạnh phúc đó xa xôi và thiêng liêng đến mức tôi cố gắng đi thật xa để không chạm vào, sợ chẳng may làm tan kí ức đầy mộng đẹp.
Tôi có một người mẹ ấu trĩ và nghiệt ngã, vụng về với chính bản thân và con cái, nhưng đó là người duy nhất còn lo lắng đến sự tồn tại của tôi trong cuộc đời này.
Tôi có một người em không hiểu chuyện, luôn làm tổn thương những người thân của mình, và chưa bao giờ thoát khỏi thế giới quan vị kỷ, quẩn quanh của nó. Nhưng nó là người duy nhất đến giờ khiến tôi phải bận tâm.
Tôi có một người cha. Đau thương, cay đắng, bạc bẽo của đời người ông đã nếm đủ, nên dành hết ấm áp cho gia đình. Đó là ánh sáng duy nhất để tôi nương tựa, cầu nguyện, tâm sự, và hy vọng để tồn tại trong những ngày dài hoang hoải của cuộc đời.
Tôi cũng mới có thêm 2 thành viên nữa, rất dễ chịu và quyến luyến. Nhưng chưa xác định chiều sâu tình cảm.

Tôi còn có gì nữa? Hết rồi.

Tôi nghèo nàn thế đấy, chật hẹp thế đấy.
Thế gian này rộng vậy mà tôi vẫn quẩn quanh.
Người người cười nói, mà tôi vẫn trầm mặc.

Bố à, hóa ra cái con nghèo nhất chính là niềm vui đấy.
Đã lâu rồi con không còn thấy vui vẻ nữa.
Đời vui, mà sao con vẫn lạnh lẽo thế nhỉ?
Ôi nỗi cô đơn của con, con không còn muốn nó nữa.

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Hỏi Phật

Nghe sư thầy từ Tây Tạng giảng giải Phật pháp và đạo nghĩa một chiều mùa thu.
Thầy bảo, yêu hận, thù ghét, ân oán, nghĩa tình, vui sướng, đau khổ, trầm mặc, nhiệt tình, ... đều từ tâm mà ra. Vậy nên, nếu có bi ai, sầu muộn, sang hèn, vinh nhục... cũng chớ trách người, trách trời đất, trách số mệnh, mà hãy tự hỏi tâm mình. Phật tại tâm. Tu tâm, chỉ trong lòng có Phật đã hơn mọi lời tụng kinh cầu nguyện.
- Thưa thầy, con yêu thương mọi người, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Sao mọi người luôn xa lánh, coi thường, khinh bỉ, chán ghét con?
Vậy là tâm con sáng. Nhưng có thể cách thức con biểu hiện không đúng người, đúng thời điểm. Nhưng thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất. Nếu con giữ được tâm mình thiện, có lòng từ bi, mọi người sẽ dần dần nhận thức được. Gieo nhân tốt, quả không thể tệ được, dù quả đó có muộn màng.
- Con muốn theo Phật. Nhưng Phật phải trải qua đủ mọi vui sướng-cay đắng, ngọt bùi-khổ ải, tham, sân, si, dâm, dật của đời người mới thành chính đạo, rồi đắc đạo. Con sống đơn giản sung sướng, nhưng hay lo lắng, căng thẳng vì vô số thứ vặt vãnh, giờ phải làm sao?
Những gì Phật để lại ngày nay đều là tinh hoa từ trải nghiệm và trí thức được tinh lọc. Nếu muốn theo Phật, con có thể đến chùa, hỏi các sư thầy. Họ sẽ chỉ giáo cho con chi tiết. Con cảm thấy lo lắng, căng thẳng, vì tâm con không tịnh. Con có thể ngồi thiền. Đó là cách tốt để con tự nhìn nhận lại bản thân, sám hối cho những lỗi lầm, khiến lòng mình thư thái, nhẹ nhàng, yên bình để sống tốt đẹp hơn.
- Con đã gây ra nhiều tội lỗi. Con ngồi thiền là sám hối và sẽ được tha thứ, ít nhất trong tâm hồn?
Thiền chỉ là một phương thức cân bằng trong tâm. Đó không phải là Phật, là nhân loại hay bất kì ai, để có thể ra quyết định tha thứ cho con. Nếu tâm ác, hành động ác, thiền chỉ làm tăng năng lực và sức phá hoại của cái ác. Tâm sẽ định hướng hành động. Hành động gây ra nghiệp. Nhân sẽ sinh ra quả. Cõi đời nhân quả tuần hoàn. Nhân con gây ra xấu, ắt quả sẽ đau lòng. Hãy làm nhiều việc phúc để giảm bớt nghiệp chướng sau này.
- Con luôn giúp một người trong suốt cuộc đời người ấy và con. Nhưng người đó chưa bao giờ tỏ ra biết ơn hay đối tốt với con cả. Tại sao?
Con giúp người nhưng đòi hỏi người ta phải đối lại tương ứng, đó không phải là giúp. Đó vẫn chỉ là trong mối quan hệ có đi có lại. Có ba hình thái: 1 - giúp người nhưng cầu người trả ơn, là phàm nhân; 2 - giúp người nhưng không cầu người trả ơn, là người hành đạo, ngay thẳng; 3- giúp người rồi quên đi, là tâm thẳng, là Phật. Khi con giúp người, nhưng không để nó lưu lại trong lòng, khi đó, tâm con đã tịnh.
- Thưa thầy, con luôn tu tập, rèn luyện yoga, thiền, luôn giúp người mà không đòi báo đáp, yêu thương mọi người như người thân, bạn bè, chưa bao giờ hại ai hay làm gì đáng hổ thẹn. Mà sao, luôn bị người hãm hại, vu khống, đặt điều? Hay con phải trả cho kiếp trước? Tại sao con lại phải trả cho những gì con không biết, không làm? Như thế là công bằng? Thầy bảo rồi sẽ có quả, dù muộn màng. Nhưng muộn là bao giờ hay kiếp sau? Những người hại con đều bảo, vì trời không có mắt. Bây giờ con cũng nghĩ vậy. Lòng tin của con vào sự từ bi của Phật cũng đã giảm nhiều. Có lẽ Phật, hay bất kì thánh thần nào đó, đều là sản phẩm của trí óc con người, để an ủi khích lệ nhân loại khi yếu đuối, tuyệt vọng. Con chưa đến mức yếu đuối và tuyệt vọng vì bản thân mình, nhưng những lý lẽ về từ bi, bác ái, công bình, nhân quả đều đã khiến con tuyệt vọng.
...