Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Luận Anh Hùng - Cheryl Pham: Chương Một - Anh Hùng vì nghĩa


Chương Một: Anh Hùng vì nghĩa

Muốn làm anh hùng, cần một lý do đủ lớn.

Cửa ra của cổng thành tây – con đường đi làng dệt, làng nấu rượu ngô nổi tiếng đất Giao châu - chen chúc người gánh gồng và xe ngựa thồ hàng. Quan binh đứng đó liên tục quát tháo ầm ĩ. Ba hàng lính gác được tăng cường thêm để truy bắt đào phạm theo lệnh từ phủ Tiết Độ Sứ. Thời tiết đầu tháng năm mới sáng sớm đã nóng hầm hập như cái lò. Quan quân nhễ nhại mồ hôi, căng mắt nhìn từng gương mặt người qua cổng thành, so sánh với một đống tranh vẽ những người nhà họ Dương.
Mấy bữa nay, thế lực họ Kiều ẩn giấu ở thành Đại La bấy lâu bỗng chốc nổi lên tiến hành binh biến, giết chết Tiết Độ Sứ Dương Đình Nghệ, truy sát cả Dương gia. Tiết Độ Sứ mới Kiều Công Tiễn thống lĩnh thành Đại La, tuyên cáo khắp trong nội thành rằng đã diệt kẻ bất trung bất nghĩa, trả thù cho ân công Khúc Thừa Mỹ và Khúc gia. Các bộ tướng dưới trướng họ Dương còn sống sót chỉ có cách hoặc đầu nhập vào họ Kiều, hoặc về quê ở ẩn.
Hàng người dài chờ đợi bắt đầu cáu gắt, chửi rủa ầm ĩ. Thấy đám dân sắp loạn thành một đống vây lấy quan binh, một đám lính lại được điều tới vây lấy họ, chĩa giáo đe dọa. Lúc này đám đông đang phẫn nộ mới sợ sệt, ngoan ngoãn đứng yên.
Đến lượt một phụ nữ bịt mặt kín mít chìa thẻ thông hành ra. Tên lính hất hàm yêu cầu người này bỏ khăn bịt mặt. Thấy người phụ nữ lúng túng, dáo dác đảo mắt nhìn quanh, tên lính bắt đầu đặt tay vào cán đao. Đột nhiên cô ta tung cái tay nải căng phồng xách bên người lên rồi chạy mất. Tên lính gào lên:
-         Bắt lấy đào phạm! Hướng bắc! Hướng bắc!
Nhưng từ trong tay nải bay ra vô số bột phấn trắng trắng vàng vàng, khiến mắt đám người xung quanh đau buốt, nhắm tịt lại, la hét, lăn lê, nhảy xô cả vào nhau. Người phụ nữ chạy nhanh như sóc biến mất sau đám người và hàng hóa. Viên quan đứng trên cổng thành tức hộc máu, hò hét xua đám lính đuổi theo, còn lôi vài tên cùng hắn xuống xử lý đám người kích động đang lăn lộn chửi rủa, đánh nhau trước cổng, loạn thành một đoàn. Một mình giám quan trố mắt đứng nhìn. Quan giữ thành bực mình chỉ tay yêu cầu vị này ra trông cổng. Đoàn người ngựa từ phía cuối lại nhích lên, vượt qua đám đông đang kích động.
-         Trần hiệu úy, ngài kiểm tra thẻ của lão gia nhà tôi đi. Mau lên, mau lên! Chúng tôi chờ suốt từ sáng, mà chưa tới lượt. Nhỡ hết cả việc làm ăn rồi.
-         Lệnh Tiết Độ Sứ phải kiểm tra kỹ từng người, không để đào phạm chạy thoát! Mong các vị hợp tác với bản quan!
Đúng lúc đó tiếng ối ái điên cuồng vang lên. Mấy người dân đang đau mắt bị quan trông thành tách ra bằng vũ lực, đã phát điên, xông tới đánh ông ta tới tấp. Một đám quan binh đổ xô vào lôi họ ra.
Bên này, Trần hiệu úy nhanh chóng cho một loạt đoàn người xe qua cổng. Chỉ chớp mắt, mấy xe chở vải và rượu đã ra khỏi thành. Ngựa chạy như bay từ tây, lại lên bắc, lại sang tây, rồi vòng xuống nam. Đi lòng vòng một ngày đêm, tới một sườn núi rậm rì, ba chiếc xe dừng lại. Người dẫn đầu đoàn xe nhảy xuống, bỏ khăn che mặt, là một cô gái trẻ xinh đẹp. Các phu xe chạy ra đỡ những người trong vại và trong cuộn vải đi ra. Mười một người nhà họ Dương, già trẻ trai gái lớn bé. Quá nửa số này đều bị thương tích nặng. Một người đàn ông băng bó kín người còn không thể đứng dậy, phải đặt nằm lên thùng xe ngựa. Cô gái bảo người cho họ nhanh chóng ăn uống và xem qua vết thương cho người nằm trên thùng xe. Một nam tử anh tuấn, cao lớn, tiêu sái, bị thương ở cánh tay và chân, nhưng vẫn khập khiễng bước tới cô gái trẻ, chắp tay:
-         Tam Kha tôi thay mặt phụ mẫu và Dương gia, đa tạ ơn cứu mạng của Trần hiệu úy và Trần cô nương. Ơn này Dương gia xin ghi tạc, nhất định có ngày báo đáp! Giờ đã tương đối ổn. Cô nương nên sớm quay lại thành cho an toàn và tránh bị nghi ngờ.
-         Dương tướng quân đừng nói thế. Trần gia chịu ơn Dương đại nhân nhiều, giờ mới có cơ hội báo ơn. Cha nuôi chỉ có một nguyện vọng, mong cho nghĩa nữ được đi theo hầu hạ Dương tướng quân và Dương gia. Dù có gian khổ khó khăn, Phương Dung nguyện không nản lòng. Xin Dương tướng quân chấp nhận.
Tam Kha nhìn ánh mắt kiên định của cô gái trẻ mà cảm động.
-         Trời không tuyệt đường họ Dương. Trong cơn bĩ cực vẫn được cô nương giúp đỡ. Tam Kha xin đa tạ. Nhất định Dương gia chúng tôi sẽ không để cô nương thiệt thòi.
Họ lại lên đường, hướng về làng Giàng. Từ lúc vào địa phận Ái châu, đám người không còn phải che đậy nữa. Người của Ngô tướng quân trấn thủ ở cổng thành đã hộ tống họ về tận làng, đồng thời chạy đi cấp báo cho Ngô tướng.
Dương Nhị Kha, con trai thứ hai của Dương Đình Nghệ, hào trưởng thành Tư Phố, lúc đó đang ở võ quán, nghe tin chạy vội về nhà. Vừa vào nhà đã nhìn thấy anh cả bị thương nằm bẹp trên giường. Những người còn lại không thương tích thì cũng hốt hoảng, sợ hãi. Mấy đứa trẻ gục đầu vào lòng người lớn khóc oa oa. Một bà lão già nua luôn miệng nguyền rủa “Tên phản đồ Kiều Công Tiễn!”. Y sư và người hầu đang sốt sắng xem xét vết thương cho mọi người. Có lẽ đoán được phần nào câu chuyện từ người hầu bẩm báo và tình cảnh trước mắt, Nhị Kha đỏ mắt ôm tay em trai Tam Kha:
-         Họ Dương ở thành Đại La hơn bốn mươi người mà giờ chỉ còn bấy nhiêu thôi sao? Tên phản đồ Kiều Công Tiễn gây ra chuyện này phải không? Không giết được hắn, Dương Nhị Kha này không còn mặt mũi mà sống nữa.
-         Anh hai, nhờ mấy quan quân trung thành và gia đình Trần hiệu úy che giấu, người nhà ta mới còn sống sót về đây. Trần cô nương đây là nghĩa nữ của Trần hiệu úy, đã giúp đỡ rất nhiều. Anh bảo người thu xếp cho Trần cô nương đi nghỉ đã. Đi đường gần một tuần không dừng, hẳn Trần cô nương đã vô cùng mệt mỏi, không chịu nổi như người nhà võ chúng ta đâu.
Nhị Kha nhìn cô gái trẻ phờ phạc đang rũ mắt bên cạnh em trai, chắp tay đa tạ:
-         Trần cô nương, xin nhận của Nhị Kha một lạy. Đa tạ đã cứu giúp Dương gia!
-         Xin nhị gia đừng nói thế! Cha của dân nữ nói Dương lão tướng quân từng cứu cả nhà dân nữ khi quân Nam Hán vây thành Đại La năm xưa. Dương gia có ân lớn với Trần gia. Chút sức mọn này đâu đáng để ngài làm vậy.
-         Ta hiểu. Trần cô nương đã mệt rồi, xin mời đi nghỉ ngơi trước đã.
-         Dân nữ cảm ơn ngài đã chiếu cố. Xin ngài và mọi người từ nay cứ gọi dân nữ là Phương Dung.
-         Được, Phương Dung cô nương. Xin mời!
Người nhà vừa đưa Phương Dung cô nương về phòng nghỉ, người ngoài cửa đã chạy vào báo Ngô tướng quân và phu nhân tới. Ngô Quyền cùng Dương thị ôm bụng bầu sắp sinh khệ nệ vào nhà, kinh ngạc khi thấy mọi người bị thương, nằm ngồi la liệt. Dương phu nhân bật khóc nức nở.
Dương Nhị Kha, Dương Tam Kha cùng Ngô Quyền đi vào thư phòng. Nhị Kha lau nước mắt, hỏi Tam Kha:
-         Tam Kha, em kể lại chuyện cho anh và Ngô tướng nghe đi.
-         Vâng, anh hai. Mười ngày trước, ngày 25 tháng 4, cha sai em đi kiểm tra Phong châu, vì có tin Công Tiễn tham ô, khiến dân bất bình nổi loạn. Công Tiễn vốn là người kín kẽ, cẩn trọng, quản quân nghiêm khắc, sao có thể làm ra chuyện như vậy. Cả cha và em đều thấy không bình thường. Cha định tới đó, nhưng em nghĩ việc này để em đi lãnh giáo dần dần, đồng thời em muốn tìm hiểu thêm về tình hình Phong châu. Đến đó, em tra xét thấy quả thật không có việc như vậy, lại càng thêm nghi. Công Tiễn cũng không có trong phủ. Người ở đó nói hắn biết chuyện sàm tấu đã về thành Đại La xin được minh oan. Em cảm thấy nhất định có chuyện, vội vã phi ngựa về thành. Lúc gần vào phủ, em bị ba nha dịch chặn lại, lén ra hiệu vào ngõ nhỏ. Họ báo cha đã bị Kiều Công Tiễn giết hại, họ Kiều ém nhẹm tin tức, đang truy sát người của Dương gia khắp thành Đại La. Đúng lúc đó quân lính rầm rập kéo đến vây đánh em. Người của Doãn đề đốc và Vinh tướng mở đường máu cứu em khỏi hiểm cảnh. Sau đó an bài em trú trong một nhà dân. Hôm sau, Trần cô nương giả đi miếu thắp hương đưa em về nhà Trần hiệu úy, gặp được anh cả, chị dâu và các cháu. Lúc đó nghe Trần hiệu úy kể lại tường tận mới biết, Kiều gia đã lôi kéo mấy chi xa của Khúc gia và vài tướng soái từ lâu. Kiều Công Tiễn bày ra âm mưu này. Sau khi em vừa rời đi Phong châu, Kiều Thuận cùng mấy chư tướng phản bội giả vờ có tin mật, gặp riêng cha nghị bàn. Cha bị bọn chúng khống chế, đội bảo vệ bị Kiều Công Tiễn vây bên ngoài đánh cho tan tác. Kiều Công Tiễn đã giết cha, rồi cho người vây bắt giết sạch toàn bộ người Dương gia trong thành, còn một nhóm theo dõi em trở về, định chờ em vào phủ rồi giết nốt. Vinh tướng cho người báo gấp với anh cả và cho quân ứng cứu, nên cả nhà anh cả trốn kịp. Nhưng anh cả cũng bị thương rất nặng, không thể ngồi dậy. Còn những người nhà họ Dương trong Đô hộ phủ đều không thoát được. Hai hôm sau, Trần hiệu úy bày mưu đưa toàn bộ mười một người nhà mình vào ba xe ngựa, giả làm xe buôn vải và buôn rượu, nhân lúc hỗn loạn, trốn thoát khỏi thành, về Ái châu.
-         Không ngờ cả đời oanh liệt của cha lại chết dưới tay người cha luôn tin là bầy tôi trung. Lão già Kiều Công Tiễn đáng chết! Lũ Kiều gia bất nhân, bất nghĩa, bất trung. Nhất định ta không thể tha cho hắn được. – Dương Nhị Kha giận dữ đập tay xuống bàn, nghiến răng kèn kẹt.
Ngô Quyền cũng tức giận đỏ mắt, hồi lâu mới nặng nề thở dài, trầm tĩnh nói:
-         Ta nhận được tin thám báo từ đô hộ phủ ba hôm trước, nói Kiều gia đã lật đổ Dương gia, tự xưng Tiết Độ Sứ. Ta không rõ nội tình, liền phái người đi thăm dò. Chỉ biết mấy ngày nay, thành Đại La quan binh nội bất xuất, ngoại bất nhập, thường dân bị kiểm tra đến một con kiến cũng không sót. Không ngờ chuyện đau lòng đến thế này.
Dương Tam Kha rơi lệ đứng lên, hướng Ngô Quyền quì xuống:
-         Ta nhất định phải chặt đầu lão già bất trung bất nghĩa kia, trả thù cho hơn ba mươi mạng người nhà Dương gia chúng ta. Ngô tướng, xin hãy giúp Dương gia. Lão già giảo hoạt kia đã tuyên cáo khắp thành Đại La rằng hắn thay trời hành đạo, giết cha ta để trả thù cho ân công Khúc Thừa Mỹ của hắn và Khúc gia. Chắc sau ít ngày nữa, thấy mãi không tìm diệt được ta, hắn sẽ nhanh chóng chỉnh đốn nội vụ và ra tuyên cáo khắp thiên hạ, đổi trắng thay đen, lừa gạt lòng dân Tĩnh Hải quân.
-         Anh ba yên tâm, chuyện của Dương gia cũng là chuyện của ta. Hơn nữa, cha còn là ân sư của ta. Người dân Tĩnh Hải quân đều biết nhà họ Khúc đã đánh mất giang sơn vào tay Nam Hán; cha vì nợ nước thù nhà, thu mình về chiêu binh mãi mã, tiêu diệt Nam Hán, giành lại giang sơn này. Những lời ngụy biện vô đạo của lão già họ Kiều kia làm sao dối gạt được lòng người. Giờ anh và mọi người hãy dưỡng thương cho khỏe lại đã. Chúng ta sẽ tìm người bàn chuyện làm lễ tế cho cha và những người đã khuất. Chuyện trả thù, chờ tin tức của ta rồi bàn tiếp. Nhất định ta không cho qua chuyện này.
Cả hai anh em nhà họ Dương đều chắp tay đa tạ Ngô tướng.
Nhưng Dương Nhị Kha là ai? Một hào trưởng nổi tiếng anh minh, chính trực, nghĩa khí; một trang nam nhi đầu đội trời chân đạp đất, thấy chuyện bất bình chẳng tha, làm sao có thể nín nhịn được thù lớn này.
Chưa đầy ba ngày sau, nhân lúc anh cả Nhất Kha vẫn chưa tỉnh lại, em trai Tam Kha còn phải đóng cửa dưỡng thương, Nhị Kha đã tập trung tất cả hơn hai trăm người trong võ quán, bí mật rời khỏi Ái châu tới Đại La, trà trộn dân chúng vào thành, thẳng phủ Tiết Độ Sứ mà tiến. Nhưng còn chưa vào được trong phủ, quân binh đã kéo ra vây kín, đánh cho đám người Nhị Kha tan tác. Võ quán chết quá nửa. Nhị Kha dở sống dở chết trốn thoát khỏi thành, được người vác về, giữa đường gặp người của Ngô tướng do Dương Tam Kha nhờ đến cứu viện.
Ngô Quyền tức giận tới nhà nói với Dương Tam Kha:
-         Anh hai thật là hồ đồ. Chỉ hai trăm người với mấy thanh đao cùn mà đòi chống lại cả vạn quan binh đóng chật thành Đại La, đã mài sẵn dao chờ chúng ta nhảy vào bẫy. Tam Kha, anh là người hiểu chuyện, mong anh hãy tin ta. Cái chết oan khuất của cha và người nhà họ Dương ta tuyệt đối không bỏ qua. Nhưng chúng ta phải tìm thời cơ thích hợp. Lúc này chúng ta đều thế lực đơn mỏng, người không có, không thể liều mạng được. Phải bảo toàn tính mạng trước đã, rồi nói chuyện trả thù sau. Chứ chưa được vài ngày đã mất mạng, thù này ai trả cho đây?
-         Ngô tướng, đa tạ đã có lòng muốn báo thù cho cha ta và Dương gia. Chúng ta thế lực đơn mỏng, nhưng nếu mãi không liều mạng, cứ đợi thời cơ, thì thù này bao giờ mới trả được? Cha ta bao giờ mới nhắm được mắt? Hơn ba mươi mạng người Dương gia bao giờ mới hết oan khuất? Dù hành động của anh hai ta hồ đồ, nhưng một thời gian nữa, nếu vẫn không thấy cơ hội, chính ta cũng sẽ liều mạng như thế, quyết một đao cắt đầu lão già bất nghĩa kia, lấy máu tế cha và người nhà ta.
Biết khó lòng mà lung lạc được ý chí sắt đá của anh em nhà họ Dương, Ngô Quyền về tỉ mỉ nói rõ tiền căn hậu quả với Dương thị, rồi bảo nàng tạm thời tìm cách dời sự chú ý của họ vào mấy việc khác:
-         Như Ngọc, nàng xem, trong lúc chờ đợi ta tìm tin tức và thời cơ thích hợp, để người nhà họ Dương không nghiền ngẫm thù hận từng giờ, từng khắc mà hành động bất cẩn, chi bằng nàng tới bàn với họ xúc tiến nhanh việc tế lễ cho cha và những người đã khuất. Anh cả thương thế nghiêm trọng chưa thể hồi phục ngay được. Anh hai lại vừa bị thương nặng, chắc một hai tháng nữa mới lại sức. Chỉ còn anh ba. Gần đây ta thấy bên người anh ba có một cô nương rất xinh đẹp và hiểu chuyện tận tình chăm sóc. Anh ba cũng có vẻ có ý với cô nương ấy. Nàng xem…
-         Cô nương ấy là nghĩa nữ của Trần hiệu úy, đã cứu người nhà thiếp ở thành Đại La thoát khỏi truy sát của họ Kiều. Phương Dung cô nương là người rất hiểu chuyện, xinh đẹp, nết na, lại thông minh, nhanh nhẹn, hiếm có tiểu thư khuê các nào sánh kịp. Hai người họ quen nhau lúc hiểm cảnh, nên tình cảm gắn bó hơn bình thường cũng là điều dễ hiểu. Chỉ có điều, tang cha, tang thê thiếp còn chưa ráo. Lại nữa, thân phận nàng ấy sẽ khiến các trưởng bối họ Dương không thích.
-         Người ta có ân, có nghĩa. Cũng phải xem ý anh ấy. Anh ba tuổi trẻ tài cao, anh tuấn hơn người. Cô nương ấy không sợ thiệt thòi.
-         Thiếp sẽ nghĩ cách. Chỉ sợ thù cha chưa trả, phu nhân và hai tiểu thiếp cũng vừa bị giết hại, anh ấy sẽ cự tuyệt. À, Xương Văn rất quí anh ba. Thiếp muốn đưa nó đến ở Dương gia mấy ngày này. Có nó líu lo nhảy nhót bên người, anh ấy sẽ bớt đau buồn.
-         Thế thì nàng làm đi. Ta cũng cần đi hỏi chuyện tên nho sinh mới tới.
-         Phu quân, có phải là người tên Lã Xử Bình không? Nếu hắn bảo là người của cha, hẳn anh ba cũng biết. Có cần ta hỏi anh ba không?
-         Ta sẽ hỏi anh ba. Nàng cứ đưa Xương Văn qua Dương gia đi.
Dương thị mang theo cậu bé Ngô Xương Văn, lúc ấy mới được năm tuổi, tới Dương gia ở làng Giàng. Dương thị thoáng nhìn thấy Phương Dung đang lấy khăn ân cần lau mặt cho Dương Tam Kha, rồi lại tỉ mỉ thay băng vết thương trên cánh tay chàng, bèn nhẹ nhàng quay đi gặp trưởng bối. Cậu bé Xương Văn thì không cho đó là cảnh hữu tình. Vừa thấy bóng Tam Kha, cậu đã vội vàng lao thẳng tới, ôm chặt chân bác ba nhà mình và hét lên mừng như điên:
-         Bác Tam Kha! Bác về lúc nào thế? Cháu nhớ bác quá chừng. Lần này bác dạy cháu múa kiếm nhé? Cháu đã đứng tấn và đánh ngã cả anh Xương Ngập đấy. Cháu giỏi không? Cháu của bác nhất định thành anh hùng, vang danh thiên hạ.
Tam Kha dở khóc dở cười lôi những cái móng tay mập mạp chắc khỏe của thằng nhóc đang túm chặt quần áo mình ra, kéo đầu nó dậy để nước dãi của nó không dính đầy ra người.
-         Đứng lên đi. Mới hai năm không gặp mà cháu đã đánh ngã được anh cả cháu rồi cơ à? Xem ra Tĩnh Hải quân sắp có một tráng sĩ đầu đội trời chân đạp đất, sức khỏe địch muôn người đây.
-         Đúng, đúng! Cháu sẽ là tráng sĩ muôn người không địch nổi, là thiên hạ đệ nhất tráng sĩ.
Nhìn thằng bé dương dương tự đắc vỗ ngực, Tam Kha bật cười. Kể từ biến cố đau lòng kia, đây là lần đầu tiên chàng cười. Phương Dung bên cạnh cũng kinh ngạc. Thằng bé thấy người lạ nhìn mình, tỏ vẻ chán ghét:
-         Người kia sao lại vô lễ thế? Mau đi ra để bác cháu ta nói chuyện!
Tam Kha quay lại, ân cần bảo nàng:
-         Nàng đi nghỉ đi. Ta muốn ngồi nói chuyện với tráng sĩ nhỏ này.
-         Phải đấy! Phải đấy! Cháu sẽ bồi bác nói chuyện, chơi cờ. Nhưng bù lại bác phải dạy cháu múa kiếm.
-         Sao nhà họ Ngô lại có một người tính toán như thương nhân thế này?
-         Không có, không có. Là Xương Văn một lòng tầm sư học đạo.
Thằng bé cười hắc hắc. Phương Dung lặng lẽ mang đống băng vải vừa thay ra lui về phía sau. Xương Văn lục tủ trà lấy ngay bộ cờ ra bày trận. Hai bác cháu chơi đến hơn một canh giờ. Thằng bé thua be bét, tỏ rõ vẻ chán nản. Dương thị đi vào, thằng bé bật dậy ôm chân mẹ.
-         Mẹ, mẹ! Bác cậy lớn bắt nạt con.
-         Không được nói như vậy. Là tay cờ của con chưa bằng bác. Cần phải cố gắng luyện nhiều hơn.
Thấy mẹ không bênh mình, Xương Văn lúng búng cúi mặt, lí nhí:
-         Rõ ràng con còn thắng cờ anh Xương Ngập và cha mà. Sao lại không thắng được bác ván nào chứ?
-         Là cha và anh cả nhường con thôi.
Thằng bé nhìn gương mặt cố nín cười của bác, lại thấy mẹ nghiêm mặt, nó ủy khuất bỏ chạy ra ngoài.
-         Nó mới năm tuổi, không cần nghiêm khắc quá.
-         Trẻ con phải chịu chút thất bại mới không quá tự đắc.
Như Ngọc lấy tay xoa xoa bụng bầu, giả bộ ngó nghiêng, hỏi Tam Kha:
-         Phương Dung cô nương đâu rồi? Em vẫn thấy nàng ấy ở bên chăm lo cho anh cơ mà?
-         Nàng ấy đi nghỉ rồi. Mà em đừng nói thế, người khác sẽ hiểu nhầm. Nàng ấy là khách quí của Dương gia, chứ không phải tôi tớ.
-         Em biết. Đừng nghĩ em không hiểu chuyện thế chứ. Nàng ấy xinh đẹp, thông minh, nết na, đoan trang, có ơn nghĩa lớn với họ Dương ta, lại rất có tình, có ý với anh. Anh hai! Chị dâu và hai tiểu thiếp của anh cũng không còn. Anh vẫn chưa có con nối dõi cho họ Dương, thế là chưa làm tròn chữ hiếu với phụ mẫu, chi bằng…
Tam Kha giơ tay ngăn lại:
-         Anh hiểu em định nói gì. Nhưng thù cha, thù nhà chưa báo, anh không có ý định tái giá. Về phần con nối dõi, anh cả, anh hai đều đã có hơn chục đứa rồi, phụ mẫu sẽ không oán trách anh chuyện đó.
-         Anh hai, anh nói thế sẽ phụ lòng Phương Dung cô nương. Thật không biết thương hoa tiếc ngọc gì cả. Nàng ấy là cô nương tốt, tuổi cũng không còn nhỏ. Nếu phải chờ anh trả xong thù nhà, nàng ấy cứ cô đơn ở nơi hiu quạnh này sao chịu nổi?
-         Anh không thể buộc nàng ấy chờ đợi cả đời. Họ Dương còn mấy người tầm tuổi nàng ấy, đều chưa quá hai mươi, em hỏi ý nàng ấy xem. Còn anh, anh đã thề trước bàn thờ tổ mẫu, chưa trả hết thù cho cha, cho họ Dương, anh tuyệt đối không nghĩ đến việc khác.
Trần Thị Phương Dung ở gian trong, ngay sau cánh cửa gỗ, tay xoắn chặt khăn lụa, tâm như tro tàn.
Tối đó, Phương Dung vội đến bảo người hầu đang định mang thuốc sắc cho Tam Kha đi tìm y sư, vết thương chỗ Nhất Kha có biến. Chờ người hầu hốt hoảng chạy đi, nàng ung dung bê bát thuốc tới phòng chàng. Chờ chàng uống xong, nàng đưa khăn lau cho chàng, rồi bận rộn dọn giường, trải gối. Tam Kha bối rối:
-         Phương Dung cô nương đừng làm những việc đó. Không biết đám người hầu đâu hết rồi, sao lại để phiền nàng thế này.
-         Là thiếp tự nguyện. Lúc ở thành Đại La, thiếp đã hứa với cha nuôi sẽ chăm sóc chàng. Dù có bao khó khăn vất vả, thiếp cũng nguyện cam lòng.
-         Cô nương, ta đã có thê thiếp. Giờ lại mang thù cha, thù nhà chưa trả. Ta không nỡ phụ tấm lòng cô nương. Nếu lại làm lỡ duyên cô nương, tội của Tam Kha này thật đáng chết.
Phương Dung quì xuống, nghẹn ngào rơi lệ:
-         Thiếp nguyện theo chàng suốt đời. Nếu chàng không đồng ý, thiếp chẳng thiết gì nữa. Từ lúc gặp chàng, trái tim thiếp đã không còn nghe theo ý mình nữa. Là thiếp đã xin cha theo chàng. Thiếp không học hành gì nhiều, cũng không phải là tiểu thư khuê tú môn đăng hộ đối với Dương gia danh tướng. Thiếp chỉ có tấm lòng son này, mong chàng đừng hắt hủi.
-         Đứng lên đi! Đừng nói thế. Nàng là ân nhân của ta và Dương gia. Làm sao chúng ta có thể hắt hủi nàng được? Nhưng ta phải báo thù cho cha. Thù chưa báo, ta tuyệt không nghĩ tới tái giá.
-         Đúng thế! Nam nhi chi chí phải lo báo thù nhà nợ nước, sao có thể nghĩ tới chuyện nhi nữ thường tình. – Tiếng nói non nớt vang lên. Xương Văn nhảy vào từ cửa, tay chống nạnh chỉ vào Phương Dung đang tuôn nước mắt như hoa lê đái vũ.
-         Xương Văn, không được vô lễ. – Tam Kha khẽ quát cậu bé, rồi nhẹ nhàng nâng nàng dậy – Đừng chấp nó. Nàng đi nghỉ đi. Chuyện của nàng, Dương gia sẽ có an bài thỏa đáng. Ta sẽ không làm chậm trễ nàng.
Phương Dung lau nước mắt, mang đầy vẻ không cam lòng lui ra khỏi phòng. Xương Văn nhảy phắt lên giường, cau có nói:
-         Nàng kia thật không tốt. Buổi tối mà vẫn không để bác đi nghỉ dưỡng thương cho tốt, còn gào khóc để mọi người nghe thấy bàn tán. Cháu sẽ trừng trị nàng ta giúp bác hả giận.
-         Không được vô lễ. Nàng ấy là ân nhân của họ Dương. Cháu phải kính trọng và biết ơn nàng. Lần sau người lớn nói chuyện, cháu không được xen vào. Giờ thì đi ngủ đi.
Từ sau đêm đó, chuyện tình của trai anh hào, gái thuyền quyên giữa vị tướng quân trẻ tuổi tài ba họ Dương và nàng Phương Dung xinh đẹp truyền khắp làng Giàng. Có người khen ngợi, kẻ bực mình, lại có người bất đắc dĩ không rõ tư vị gì.

Lại nói chuyện Ngô Quyền, thứ sử và cũng là tướng trấn giữ Ái châu, mấy ngày trước vừa thu nạp một nho sinh dưới trướng, tên Lã Xử Bình. Người này lúc đến cửa tướng môn, quần áo rách rưới, thương tích đầy người, chỉ còn ít hơi tàn. Hắn nhờ người mang một vật vào giao cho Ngô tướng. Ngô Quyền nhìn thấy vật này, sửng sốt cho người mời hắn vào gặp. Người đó tự nhận là môn hạ dưới trướng Tiết Độ Sứ Dương Đình Nghệ, trong lúc nguy cấp giữa vòng vây của họ Kiều, mang ngọc bội phòng thân của Dương Đình Nghệ mở đường máu phá vòng vây chạy tới Ái châu, giữa đường bị truy bắt, giết sạch cả nhà và những người đi theo. Ngô Quyền thấy người này giống một thư sinh trói gà không chặt, nhưng lời lẽ rất thâm sâu, đa mưu túc trí, đúng là người tài mình đang cầu, lại e sợ y là gián điệp của Kiều Công Tiễn, bèn tới gặp Dương Tam Kha hỏi rõ ngọn ngành.
-         Anh ba, người tên Lã Xử Bình này quả thật rất có tài. Việc hắn một mình sống sót giữa bao lần vây bắt, truy sát suốt gần một tháng qua chứng tỏ hắn không phải là một thư sinh trói gà không chặt như vẻ bề ngoài. Ta lo hắn là người của Công Tiễn nên chưa dám dùng.
-         Ta cũng không rõ. Người này do anh cả tiến cử với cha khoảng hai, ba tháng trước. Cha có vẻ rất trọng dụng hắn, thường bàn luận việc cơ mật và cả việc riêng với hắn, đôi khi chính ta còn không được tham gia. Nếu là tâm phúc của cha thì thời gian quá ngắn, chưa thể nói vậy được. Việc đại nạn nhà họ Dương, ta cũng không biết hắn có góp một tay hay không. Thời điểm hắn xuất hiện thật khéo.
Hai người đi gặp Dương Nhất Kha vẫn đang nằm trên giường, nhưng đã tỉnh táo. Dương Nhất Kha gật đầu bảo:
-         Là người ta tiến cử với cha. Xử Bình làm việc với ta hơn một năm ở khu giáo quan, thoạt tiên chỉ quản lý sổ sách. Ngay từ đầu ta đã chú ý tới hắn. Hắn làm việc khéo léo, chính xác, am hiểu binh pháp, góp ý nhiều cách thức luyện quân rất thông minh, kỷ luật và hiệu quả. Các phương pháp quản lý sổ sách cũng rất khoa học và nhanh gọn. Sau đó, ta cho hắn tham gia huấn luyện thì thấy hắn quả thực có tố chất làm một quân sư có tài, thông thạo binh pháp, mưu lược hơn người, dạy đám binh lính đâu ra đấy, còn hơn cả ta có kinh nghiệm hai mươi năm. Chỉ có điều, trình độ võ nghệ của hắn không cao. Có lẽ không phải là con nhà võ, lại không được rèn luyện bài bản bởi thầy giỏi. Nghe hắn nói đã học võ từ mấy trai làng và đám quan binh trên đường chạy nạn. Sau hơn một năm theo dõi, thấy hắn đúng là kẻ hơn người, nếu để ở khu giáo quan cho luyện binh và xử lý sổ sách thì mai một tài năng, ta bèn kể với cha. Chỉ nói chuyện với hắn chưa đầy hai canh giờ, cha và hắn đã như tri kỷ, hận không được gặp nhau sớm hơn. Sau đó, cha cho chuyển hắn lên phủ Tiết Độ Sứ. Từ đó hắn là người của cha, ta không quản nữa.
Ngô Quyền và Dương Tam Kha đều trầm ngâm.
-         Anh cả, người này có thể dùng được không?
-         Hắn là người nghiêm túc, cẩn thận, khôn khéo, đa mưu túc trí, kiến thức uyên thâm. Khi hắn còn trong khu giáo quan, ta tin tưởng hắn nhất. Nhưng cha mới dùng hắn được hai tháng đã gặp chuyện. Ta không dám nói trước. Nếu thực sự là người của Công Tiễn, để một tài năng như hắn sa vào tay chúng ta, không phải quá ngu ngốc sao? Ngô tướng nên suy xét.
-         Ta hiểu. Ta sẽ cẩn thận quan sát hắn thêm đã. – Ngô Quyền ra quyết định.
Khi Lã Xử Bình thương thế đã đỡ, hắn có thể ngồi dậy được, dù vẫn còn đau đớn. Ngô Quyền tới xem hắn.
-         Ngô tướng quân, Công Tiễn có hành động nào nữa không?
-         Sau khi lật đổ Dương gia phụ, tự xưng Tiết Độ Sứ của Tĩnh Hải quân, trung tuần tháng năm, hắn cho người tuyên cáo khắp thiên hạ đã diệt phản thần là gia phụ, trả thù cho ân công Khúc Thừa Mỹ của hắn và Khúc gia. Từ đó đến giờ lão già họ Kiều đó chỉ ru rú trong thành Đại La chỉnh đốn công vụ, chưa hề dụng binh đao với bất kỳ châu huyện nào. À, y vừa tặng bổng lộc và ban lễ thưởng cho ta vì đã có công chống đám rợ biên giới phía Nam, giữ yên Ái châu.
-         Ngô tướng tiếp theo định làm gì?
-         Ngươi nghĩ ta nên làm gì?
-         Ngô tướng là người nghĩa khí, tất không thể bỏ qua chuyện bất nghĩa của Kiều gia. Không phải ngài đang ngại sức yếu lực mỏng như trứng chọi đá với Kiều gia và hơn ba vạn binh ở thành Đại La, nên ẩn nhẫn chờ thời đấy chứ?
-         Hay cho câu “ẩn nhẫn chờ thời” của ngươi. Ngươi nói xem, ta thực nên ẩn nhẫn chờ thời?
Lã Xử Bình mắt sáng lên, rướn người về phía Ngô tướng, nói khẽ:
-         Ngô tướng hẳn đã nhìn ra. Thời đã tới rồi, không phải ẩn nhẫn nữa. Nhân cơ hội Kiều gia còn chưa kịp có thêm động tác gì lấy lòng bách tính, ngài tuyên cáo thiên hạ, kể rõ sự tình Công Tiễn diệt ân sư, lừa dối trăm họ, là kẻ bất trung, bất nghĩa, bất nhân; mượn danh nghĩa ân công chiêu binh mãi mã, thu nạp hào kiệt bốn phương, mở rộng lực lượng, chờ ngày lật lại Kiều gia, thu phục giang sơn vào một tay.
-         Sàm ngôn.
-         Ngô tướng, ta không nói nhảm. Thấy ngài là bậc anh hùng, trung quân ái quốc, chí cao như núi, có thể làm được việc lớn, nên Xử Bình mới cả gan hiến kế. Đất Tĩnh Hải quân này, dưới Dương đại nhân chỉ có ngài là bậc trung kiên, hào kiệt, nên ta mới chạy tới đây bái làm minh chủ. Bây giờ vừa lúc thời cơ tới, nếu không hành động ngay, e muộn hơn sẽ trễ đại sự. Ta nghĩ, hẳn Dương gia sẽ giúp ngài một tay. Thù này con cháu Dương gia sao nuốt trôi được? Thế lực của Dương gia vẫn rất lớn, nhất là ở đất Ái châu này, không thể mất đi ngày một ngày hai.
-         Ngươi có mục đích gì? Kích động ta để lôi hết toàn bộ thế lực Dương gia và Ngô gia ra ánh sáng, hốt trọn một mẻ, diệt tận gốc?
-         Ngô tướng minh xét. Cả nhà ta đã bị Công Tiễn giết sạch. Ta mang tấm thân tàn này về đây cũng không dễ dàng gì. Kiều gia chặn giết tất cả những ai khả nghi tiến về Ái châu. Nếu không phải vì trước khi chết, Dương đại nhân nhét ngọc bội vào tay ta, chỉ về phương Nam, ta lại mang ơn thu nhận của Dương đại nhân và Dương giáo quan, nên không thể vì tham sống sợ chết mà không thực hiện lời ủy thác của đại nhân. Hẳn đại nhân cũng mong ta phò tá ngài làm nên đại sự.
-         Được, ta tin ngươi. Nhưng ngươi bày cho ta cách làm giống Dương gia phụ mà không thấy tình thế đã thay đổi sao? Bảy năm trước, Dương gia phụ dùng một năm mới chiêu được 3.000 trai tráng nhưng vẫn đấu nổi Lý Tiến, vì cả thành Đại La lúc đó còn chưa đủ một vạn quân, tạp nham lẫn lộn trộn vào nhau chưa tới một năm. Nay dưới tay Kiều Công Tiễn và Kiều gia đã gần một vạn, lại thêm ba vạn quan binh dưới trướng Tiết Độ Sứ. Ba vạn này được Dương gia phụ và anh rể ta huấn luyện hơn năm năm qua, kỷ luật như thép, không thể khinh nhờn. Trong tay ta giờ chưa nổi ngàn binh, lò võ Dương gia cũng chẳng còn nổi trăm người. Kiều Công Tiễn đã phòng trước cái họa là ta và Dương gia nên mới cho người chặn đường đi Ái châu. Biết ta thế lực nhỏ, nên dùng bổng lộc mua chuộc. Nếu biết ta mở rộng lực lượng, y tất sẽ đưa quân trừ diệt tức khắc.
-         Ngô tướng nói không sai. Nhưng ngài nghĩ mà xem, công lao Dương đại nhân như núi, khiến bao kẻ hùng tâm tráng trí ở đất Tĩnh Hải quân này muốn nổi dậy tranh đoạt thiên hạ đều cảm phục mà thu binh. Đội quân ở thành Đại La kia gắn bó với Dương gia sáu năm, tất không phải đều toàn kẻ bất nghĩa, không hiểu chuyện. Giờ tuyên cáo tội ác tày trời của Công Tiễn, vừa hay lay động lòng người, khiến thủ lĩnh các phương nổi dậy, Công Tiễn phải phân tâm đi đối phó với đám người bạo loạn hòng giữ yên ngai vị, không có nhiều tinh lực cản hào kiệt tụ về đây góp sức chống Tiễn. Hắn cũng không dám trắng trợn mang binh đi diệt ta, vì phải e chừng lòng người. Ngô tướng chỉ cần có một lực lượng tinh nhuệ vừa đủ. Bốn vạn binh ở Đại La kia, nếu đã mất quân tâm thì không bằng một vạn.
Thấy Ngô Quyền gật gù hài lòng, Xử Bình khó nhọc chắp tay kiên quyết nói:
-         Ngô tướng, thời cơ thực sự chính là lúc này đây. Muốn làm anh hùng đứng giữa trời đất, chỉ cần một lý do đủ lớn.

Ngày 30 tháng 5 năm 937, Ngô Quyền ra tuyên cáo khắp thiên hạ, nói rõ họ Khúc đã để mất Tĩnh Hải quân vào tay Nam Hán; kể công lao như trời bể của Tiết Độ Sứ Dương Đình Nghệ đã đánh đuổi quân Nam Hán, dẹp bạo loạn, giữ yên bờ cõi; lại bi thống vạch tội Kiều Công Tiễn bất nhân bất nghĩa mưu đoạt quân quyền, ám sát Dương đại nhân và toàn bộ Dương gia, tội ác tày trời, không thể dung thứ; nay kêu gọi trời đất và lòng người minh giám, Ngô tướng một lòng tận trung tận nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương tụ họp về Ái châu, cùng nhau chống Tiễn.

Trong phòng của Dương Nhất Kha ở làng Giàng, ba anh em nhà họ Dương chụm đầu lại bên bài cáo của Ngô tướng. Dương Tam Kha nói:
-         Cha chúng ta thật biết chọn người cho Như Ngọc. Người con rể này giã tâm quả không nhỏ.
Nhị Kha hùng hổ:
-         Có hùng tâm tráng chí mới nên anh hào. Ta chẳng quản hào kiệt thiên hạ ai đang dấy binh đánh lộn, chỉ cần thù cha được báo. Anh cả, Dương gia chúng ta có ra mặt ủng hộ Ngô tướng không?
-         Phải ra mặt chứ. Còn phải thật rình rang cho cả thiên hạ biết. Chuyện này Dương gia không hề thiệt thòi, lại mượn tay Ngô tướng trả được thù nhà, kết minh thêm nhiều bằng hữu, mở rộng thế lực. Nhất cử lưỡng tiện. Tại sao không làm?


Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Luận Anh Hùng - Cheryl Pham: Lời Tựa


Lời Tựa


Năm 602, nước Vạn Xuân thời Hậu Lý Nam Đế - Lý Phật Tử đầu hàng nhà Tùy, trở thành một châu của Tùy quốc – Giao châu. Năm 605, nhà Tùy đổi thành quận Giao Chỉ, lập phủ đô hộ(1) để cai quản. Năm 618, nhà Đường lật đổ nhà Tùy. Từ đó mảnh đất này liên tục bị tách ra rồi nhập lại với các châu quận khác dưới nhiều tên gọi khác nhau: Giao châu, An Nam, Trấn Nam, Hành Giao châu. Từ năm 866, mảnh đất xưa thuộc An Nam đô hộ phủ lại thuộc về đơn vị hành chính có tên Tĩnh Hải quân.
Tĩnh Hải quân gồm 12 châu: Giao, Phong, Chi, Ái, Hoan, Diễn, Vũ An, Trường, Phúc Lộc, Lục, Thang, Vũ Nga; trải dài từ Quảng Nam Tây lộ(2) tới dãy Hoành Sơn(3), dân số khoảng 1 triệu người.
Cuối thời Đường, triều đình rối ren, lơ là việc cai quản Tĩnh Hải xa xôi, khiến bộ máy quản lý hành chính ở đây suy yếu. Mảnh đất này triền miên bị đám người Nam Chiếu xâm lược. Lòng người dân bắt đầu bất mãn. Các thủ lĩnh địa phương nổi dậy liên tục.
Năm 905, quyền thần Chu Ôn đang khống chế nhà Đường, đày Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân lúc đó là Độc Cô Tồn ra đảo Hải Nam rồi giết chết. Khúc Thừa Dụ - một thủ lĩnh người Việt là hào trưởng địa phương, nhân cơ hội đám quan lại nhà Đường mải đấu đá, xuất quân nổi dậy chiếm được Đại La – thủ phủ Tĩnh Hải, tự xưng Tiết Độ Sứ(4). Tĩnh Hải từ lúc này đã nằm dưới quyền cai trị vững vàng của một gia tộc bản xứ - họ Khúc.
Năm 907, nhà Đường diệt vong, lãnh thổ bị chia năm xẻ bảy, quay về cảnh phiên trấn cát cứ, lịch sử gọi thời kỳ này là “Ngũ Đại Thập Quốc”(5). Trong giai đoạn này, Hà Tây(6) và Tĩnh Hải quân dần dần thoát ly để thành quốc gia độc lập. Nam Hán là quốc gia láng giềng với Tĩnh Hải quân, nằm trong “Thập Quốc”, do Lưu Nghiễm(7) lập ra năm 917 do không thần phục nhà Lương. Dưới sự cai trị nghiêm ngặt và được lòng dân của Khúc Hạo, Nam Hán không dám nhòm ngó Tĩnh Hải.
Cuối năm 917, khi Khúc Thừa Mỹ, con trai Khúc Hạo lên thay cha làm Tiết Độ Sứ, đã thay đổi chính sách đối nội khiến mất dần lòng dân, đối ngoại lại kết thân nhà Lương ở xa, gây hấn Nam Hán liền kề. Nhiều lần gây hấn của Khúc Thừa Mỹ khiến vua Nam Hán tức giận, sai bộ tướng Lương Khắc Trinh và Lý Thủ Phu đem quân sang đánh chiếm Tĩnh Hải năm 930. Khúc Thừa Mỹ đơn độc, thất bại nhanh chóng, bị bắt đem về Nam Hán. Vua Nam Hán cho bộ tướng Lý Tiến đến cai quản đất này.
Dương Đình Nghệ lúc đó là một bộ tướng của họ Khúc, phục vụ từ đời Khúc Hạo, thấy yếu thế bèn bỏ về quê làng Giàng, Ái châu(8) mở lò võ, tập hợp được hơn 3.000 dưỡng giả tử (con nuôi); có Ngô Quyền, Đinh Công Trứ, Dương Tam Kha, Kiều Công Tiễn… làm nha tướng. Lý Tiến biết chuyện, nhưng nhận hối lộ của Dương Đình Nghệ nên làm ngơ.
Tháng 3 năm 931, Dương Đình Nghệ đưa quân từ Ái châu ra Đại La, đánh đuổi Lý Tiến về nước. Vua Nam Hán biết chuyện, sai giết Khúc Thừa Mỹ, cho Trình Bảo sang tiếp viện. Nhưng Trình Bảo vây thành Đại La, bị Dương Đình Nghệ chém chết. Lý Tiến chạy trốn về kinh đô Nam Hán, bị Lưu Nghiễm giết. Dương Đình Nghệ tự lập mình làm Tiết Độ Sứ Tĩnh Hải quân.
Dương Đình Nghệ gả con gái Dương Thị Như Ngọc cho Ngô Quyền, một bộ tướng của mình. Năm 932, ông tin tưởng giao cho Ngô Quyền trấn giữ Ái châu.
Tháng 4 năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn, cũng là một bộ tướng của ông, đang trấn giữ Phong châu, liên thủ cùng thế lực họ Kiều ở Đại La giết hại để cướp quyền.
Câu chuyện của chúng ta bắt đầu từ đây.

(1)     Phủ đô hộ là tên gọi phân biệt đơn vị hành chính ngoại thuộc so với các đơn vị nội thuộc chính quốc của các triều đại phong kiến Trung Quốc.
(2)     Quảng Nam Tây lộ là mảnh đất bị nhà Tùy chiếm được khoảng năm 214 TCN, nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
(3)     Dãy Hoành Sơn là dãy núi chạy theo hướng đông – tây dài khoảng 50 km, thuộc phía nam tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam ngày nay.
(4)     Tiết Độ Sứ là chức quan thời nhà Đường, đứng đầu một đạo (quân) khoảng vài châu tới chục châu; được trao cờ tiết, có quân đội riêng, chính sách thuế khóa riêng, bộ máy hành chính riêng; để quản lý, bảo vệ và ngăn chặn các mối đe dọa từ bên ngoài Đường quốc.
(5)     “Ngũ Đại Thập Quốc” là giai đoạn từ 907-979 trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu khi nhà Đường diệt vong và kết thúc khi nhà Tống thống nhất Trung Quốc. Ngũ đại bao gồm năm triều đại: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán và Hậu Chu. Thập quốc gồm mười quốc gia tan tan hợp hợp: Ngô, Nam Đường, Ngô Việt, Mân, Bắc Hán, Tiền Thục, Hậu Thục, Kinh Nam, Sở, Nam Hán.
(6)     Hà Tây là khu Cam Túc, Trung Quốc ngày nay. Hà Tây là một chuỗi ốc đảo nằm dọc theo rìa bắc cao nguyên Thanh Tạng. Sau giai đoạn này, Hà Tây thuộc về vương triều Tây Hạ.
(7)     Nam Hán Cao Tổ Lưu Nghiễm (889-942), nguyên danh Lưu Nham, còn gọi là Lưu Trắc hay Lưu Cung, là hoàng đế đầu tiên lập ra nước Nam Hán (917-971) thời Ngũ Đại Thập Quốc.
(8)     Làng Giàng thuộc Ái châu, nay là xã Thiệu Dương, Thanh Hóa, Việt Nam.






Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Những Thành Phố Bên Bờ Biển Cả - Cheryl Pham: Chương 18 - HẾT


18 – Kết cục


Sáng sớm hôm sau, ông già Phúc dậy từ tờ mờ như thường lệ. Ông đi ra mạn bờ đê đặt lưới, nhưng thấy tiếng chim lợn kêu ran mé đằng nam. Ông nhìn về hướng đó thấy chim bay lên một đàn. Mắt ông nháy liên hồi từ lúc tỉnh dậy. Hẳn có điềm không hay rồi. Ông đặt vội thanh sào chống, rồi đi lên bờ, vòng vèo qua dãy mả nát để không phải lội xuống bãi lau sậy. Ông nhìn khắp bờ thửa rìa bãi tha ma. Vẫn còn đầy dấu chân vội vã, bùn đất còn đọng lại và vài thanh đuốc cháy hết vất đó. Ông nhìn ra bãi lau sậy mênh mông giáp ranh, thấy có dấu vết người lội qua thành rãnh nhỏ. Dù gió thổi mạnh xóa bớt đi dấu vết trên thân lau phía trên, nhưng váng bùn phía dưới còn nguyên nếp. Ai đi xuống bãi lau mênh mông thế này hẳn rất liều lĩnh. Chưa kể rắn độc, chẳng may rơi vào những chỗ bùn sâu hoặc sẩy chân, đuối sức thì chỉ có sặc bùn mà chết. Ông chậc lưỡi thở hắt ra.
Ông lão quay người nhìn bốn phía, chợt thấy thanh sào đặt dấu ở bãi lau sậy phía trong bãi tha ma biến mất. Cứ khoảng một hai mẫu đất, ông lại cắm một cây sào để đi lượm bẫy dập bắt chim và vó cất cua, lươn, trạch. Bãi lau lớn gần rìa này rộng khoảng năm mẫu. Ông cắm ba cây sào, giờ chỉ còn hai cây ở hai bên góc. Ông lại vòng qua đống mả. Nhưng chỉ vừa mới thoát khỏi đám sậy che mắt, ông đã kinh hãi nhìn thấy một bóng người nằm trên mặt bờ cỏ còn chi chít dấu vết chân và sình lầy. Chỉ cần nhìn cái áo, ông cũng biết đó là Lan. Cái áo hoa vàng bằng chất liệu tốt đã lâu không thay giặt, chỉ hơi sờn màu và bẩn thỉu, còn nguyên từng đường chỉ. Ông già chân tay như rụng rời, nước mắt đã chảy ra khiến mắt ông như mờ đi một lúc. Ông lảo đảo đứng vững lại, rồi lập cập vượt qua mấy ngôi mả, tới chỗ cô gái đang nằm. Ông ngồi bệt xuống bờ cỏ cạnh cô gái, hơ tay lên mũi cô. Không còn thở nữa. Người cô đã lạnh ngắt, đầy vết đánh đập. Tay chân và đầu đã tụ máu đen. Ruồi nhặng bâu đầy những chỗ có vết thương da thịt tróc ra. Ông già kéo áo lau nước mắt, tay run lập cập kéo bàn tay cô đang túm bụi cỏ và một chân cô gái đang ở dưới bùn lên, rồi lấy tay xua ruồi nhặng liên tục trên mặt cô đang nghiêng trên cỏ. Tóc cô bết vào mặt. Máu đã đông lại đen kịt.
Ông khóc. Chưa bao giờ ông khóc nhiều thế trong đời. Ngay cả khi vợ ông mất. Đến lúc mặt trời lên hẳn, nắng xua bớt hơi lạnh của đầm lầy. Ông già lấy tay quệt nước mắt, run lẩy bẩy đứng lên. Ông khó nhọc loay hoay mãi mới kéo được hai tay cô lên vai, cõng cô về chòi canh. Vừa run rẩy bước đi, ông vừa khóc.
Ông đưa cô lên chòi canh, đặt vào trên chiếu. Chỗ này cao, ruồi bọ, rắn rết sẽ không xộc vào được. Ông lấy khăn xấp nước sạch trong chậu đất nung, lau mặt và tay chân cho cô gái. Những vết thâm tím và trầy xước chằng chịt vì bị đánh đập hiện ra rõ mồn một. Ông già lặng người đi, rồi lại khóc.
Đêm qua, cả cái làng này chạy ra đây tìm người. Bao nhiêu kẻ đã đánh con bé ra nông nỗi này? Làm sao chúng lại không phân biệt được một người điên ngày nào chúng cũng gặp trong làng và kẻ giết người xa lạ nào đó cơ chứ? Ông lão ngồi lặng một lúc, rồi đứng dậy lau mặt, đi vào làng.
Ông đi tìm trưởng thôn. Trưởng thôn là một người cháu họ xa của ông. Ông già đầy giận dữ, không nói lên lời, lôi tay trưởng thôn qua bãi tha ma, đến cái chòi rách của ông ở gần bờ đê. Ông chỉ vào cô gái điên đã nằm chết trên chiếu, người đầy thương tích, gằn giọng nói từng chữ:
“Tại sao các người lại đánh đập con bé đến chết thế này? Nó đã làm gì các người? Cả ngày hôm qua cũng như tất cả mọi ngày, đêm và sáng nó ở nhà bên mộ bác sĩ, trưa chiều tối nó ở cái chòi này. Ngay cả con kiến nó cũng không giết, làm sao nó giết người được? Sao các người lại đánh chết một người không thù oán, không tội lỗi, không có khả năng phản kháng thế này? Cả một cái làng đi đánh chết một con bé điên thế này à? Các người có còn là người nữa không?”
Nhìn những giọt nước mắt lắt léo chảy qua những nếp nhăn trên mặt ông già và bàn tay run lẩy bẩy của ông, trưởng thôn cúi đầu. Ông ta lúc sau mới trầm giọng nói:
“Chú ạ! Cháu đã nghe chuyện hôm qua. Lúc đó cháu say rượu từ chiều, nằm ngủ mê mệt. Sáng dậy nghe kể lại, đã tới nhà mấy người có mặt, nghe họ thuật lại. Có một cô gái, có lẽ là cái Lân, em con bé này, về làng mang đồ cho chị nó. Đồ nó vẫn vất ở nhà nó đấy. Nó đi tới gốc đa đầu làng thì gặp cái Bình. Hai đứa xích mích, xô xát đánh nhau. Chẳng may cái Bình ngã, sẩy thai. Mà chú không biết đâu. Con bé Bình đó đanh đá, điêu ngoa nhất làng. Hai vợ chồng nó, với cả cái Liên nhà bà Mé nữa, còn là bạn thân của con bé Lan hồi bé đấy. Hai vợ chồng có một đứa con trai, được hơn một tuổi không giữ được, đã mất rồi. Giờ mới có đứa nữa, lại sẩy tiếp. Thấy thầy thuốc bảo, lần này nặng lắm, chắc khó có con nữa. Mẹ chồng nó chửi cho suốt từ tối qua đến bây giờ. Âu cũng là số phận. Còn con bé Lân kia chắc do mất bình tĩnh, không dám ở lại để giải thích đầu đuôi với mọi người. Nó sợ quá chạy mất vào làng. Mấy người lúc đó cũng không hiểu chuyện, tưởng mẹ con cái Bình đều chết cả rồi, còn kẻ giết người sợ tội bỏ trốn, thế là đuổi theo. Cả thằng Du, chồng cái Bình nữa. Nhà nó hô hoán cả làng đuổi ra bãi tha ma. Đêm tối nhập nhoạng thế nào mà đánh nhầm con bé Lan, còn cái Lân chắc chạy thoát với một người nữa ra thuyền cá rồi. Nhưng bọn nó đánh người mà không quay lại xem người ta sống chết thế nào thì đúng là thất đức thật. Đứa nào lại độc ác thế chứ? Ngày xưa suýt nữa thì thằng Du lấy cái Lan đấy. Thế mà bây giờ… Đúng là nghiệp chướng mà.”
Rồi trưởng thôn về nhà tìm mảnh vải tốt làm vải niệm. Ông già Phúc quấn quanh xác cô gái. Họ cùng nhau khiêng cô ra một mô đất cao hướng ra biển. Trưởng thôn và ông già xúc đất đào huyệt, rồi lại khệ nệ đưa xác cô xuống, lấp đất lên.(14) Họ dựng cho cô một cái mộ to nhất cái bãi tha ma này, từ làng hướng ra biển, như thể ngày ngày dựa vào làng để ngắm bình minh trên đại dương. Ông già Phúc kiếm một tấm gỗ làm bia, để trưởng thôn khắc lên mấy chữ:
“Cháu Lê Thị Lan,
Yên Nghỉ
1917-1945”
(14) Thời kì 1930 - 1946, người dân nghèo thường chôn cất không có quan tài. Quan tài chỉ dùng cho người ở phố, công chức, văn sĩ, quan lại, phú thương. Năm 1945, giai đoạn tháng 5 tới tháng 10, nạn đói bùng nổ, có nơi chết cả làng. Người chết chôn không kịp. Chỉ đào hố rồi lấp xuống. Đây là thời điểm cuối của nạn đói, dù làng Phao không bị ảnh hưởng nhiều bởi nạn đói, nhưng vẫn rất nghèo khổ, thiếu thốn, người chết không có vải niệm, nhưng người chết được dùng vải tốt quấn quanh làm vải niệm cũng bảy tỏ sự trân trọng, quan tâm hơn mức bình thường của người sống.
Trưởng thôn thắp nén hương, đưa cho ông già Phúc một nén, còn mình một nén cắm lên ngôi mộ mới. Khi ông quay lại, đã thấy ông già Phúc chống xẻng, nước mắt lăn dài từng giọt ngoằn ngoèo trên gương mặt già nua, tay run rẩy cầm thẻ hương không nỡ cắm xuống. Trưởng thôn thở dài. Thời thế khốn khổ, người chết còn đầy đường kia, đến cả cỗ quan hay chút tiền vàng cũng chẳng có mà tiễn con bé. Bóng hai người đàn ông đổ dài trên bãi tha ma giữa ánh chiều tàn.

Cái chết của Lan lại khiến cả làng Phao xôn xao ngay sau đó. Không biết do ăn năn, hối lỗi, hay cảm thấy xót thương cô, nhiều người trong làng cũng đến mộ vái cô hoặc dâng cho cô chút hương hoa, trong đó có cả Liên và Du. Bọc quần áo Lân để lại, người làng cho rằng được mang về cho cô, nên họ cũng đưa ra trước mộ cô đốt, hy vọng cô có nhiều quần áo đẹp trên cõi Hư vô. Ba ngày sau, như sực nhớ ra, trưởng thôn lại cho người đào ngôi mộ trống của bác sĩ Kiên, lấy bọc quần áo chôn ở dưới đó cùng tấm bia đem đến bên ngôi mộ của Lan, dựng tiếp thành một ngôi mộ quần áo khác cho bác sĩ Kiên. Kiếp này họ đã ở bên nhau, dù muộn màng. Hy vọng kiếp sau họ sẽ sớm gặp nhau hơn.

Từ đó, người làng Phao qua bãi tha ma đều đốt nén hương hay dâng hoa cho hai người bọn họ. Nghe nói hai ngôi mộ đó rất thiêng. Ai đến cầu tình duyên đều được như ý. Cứ khi bão gió hay mưa lớn làm sạt một trong hai ngôi mộ, hôm sau nó lại nguyên vẹn như mới. Trên hai ngôi mộ lúc nào cũng đầy hoa dại và đồ ăn, khi thì củ khoai, bắp ngô, lúc vài trái táo, trái na.
Đám người già trong làng thường xuyên ngồi ngâm nga dăm ba câu Kiều, rồi lại nhắc tới cô gái điên năm nào.
Đã biết má hồng thời phận bạc
Trách Kiều nhi chưa vẹn tấm lòng vàng…”
“So với nàng Kiều của cụ Nguyễn Du, nàng Kiều của làng Phao bi thảm chẳng kém. Cho nên đừng oán nàng ấy nữa. Nàng Kiều nào thật ra cũng đều rất đáng thương.”
“Nàng Kiều mà đáng thương thì tất cả kỹ nữ, gái điếm trên thế gian này đều đáng thương hết à?”
“Bao kẻ oán, người hờn ghen, nhưng miệng người đời vẫn nhắc đến nàng rất ngọt đấy thôi?
Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan,
Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan.
Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng,
Gót ngọc chưa phai chốn thủy quan.
Nửa giấc đoạn trường tan gối điệp,
Một dây bạc mệnh đứt cầm loan.
Cho hay những kẻ tài tình lắm,
Trời bắt làm gương để thế gian.”
(Đề từ Truyện Kiều của Phạm Quý Thích – Dương Quảng Hàm dịch)

Một đêm, mưa giông rất lớn, đổ cả mấy cái cây to trong làng. Chiều hôm sau, dọn dẹp xong đống đổ nát, người làng mới phát hiện ra ông già Phúc nằm gục chết bên ngôi mộ của Lan. Tay ông cụ vẫn còn cầm xẻng xúc đất đắp dở cho một bên ngôi mộ của bác sĩ Kiên vừa bị lún xuống.

*
*   *
15 năm sau.
California, Mỹ, năm 1960.
Phía trước một ngôi nhà nằm trên bờ biển rực rỡ ánh nắng, có những ô cửa sổ lớn mở ra vịnh San Francisco, hai đứa bé trai chạy đuổi nhau trên bãi cỏ. Đầu Tommy bị ném đầy đất và lá cây. Thằng bé tức tối chạy đuổi theo Ben, nhất quyết ném trả. Ben thấy cậu em đang sắp phát khóc nên giả vờ vấp ngã. Tommy đuổi kịp anh trai, lấy đôi tay đầy đất nghiến răng nghiến lợi hết sức để vò cái đầu xù, vàng óng mượt của Ben. Ben kêu la inh ỏi. Còn cậu em nhe cái răng sún, cười khanh khách vô cùng khoái trá.
“Ben! Tommy! Where are you now, kids?” [Ben! Tommy! Các con ở đâu đấy?]
“Yes. Mommy, I’m here!” [Vâng. Mẹ ơi con đến đây!]
Một phụ nữ châu Á nhỏ nhắn, mái tóc đen óng ánh, duyên dáng trong bộ đầm đen trắng thanh lịch, gương mặt cô lấp lánh nụ cười nhìn về phía hai cậu bé đang lon ton chạy lại. Nếu nhìn kỹ, gương mặt đó đã có chút dấu vết của năm tháng: những nếp nhăn nơi khóe mắt và vài vệt đồi mồi trên gò má mịn màng. Cô cầm một bó hoa và một tấm bưu ảnh đi ra phía cầu cảng nhỏ để neo thuyền ngay trước ngôi nhà. Hai đứa trẻ vui vẻ chạy theo sau. Họ dừng trước cầu cảng, cùng nhìn ra phía đông xa xôi, nơi muôn vàn tầng mây đang đậu đỗ.
“You know, kids. Today was a special day, a celebration for our loved one. Your uncle Lan. Bác Lan. Please say something to your uncle!” [Các con, hôm này lại là ngày đặc biệt, ngày kỷ niệm dành cho một người thân yêu của chúng ta. Bác Lan của các con. ‘Bác Lan’. Nói gì với bác các con đi!]
Tommy liến láu:
“My uncle, happy and have fun. Do not let someone put soil on your head! So dirty and horrible!” [Chúc bác hạnh phúc và vui vẻ. Đừng để ai rắc đất lên đầu bác nhé! Rất bẩn và kinh khủng đấy!]
Ben cười khúc khích. Cái đầu xù tả tơi che gần hết gương mặt nhỏ của cậu, chỉ nhìn thấy hàm răng trắng bóc đang nhe ra. Cậu bập bẹ được vài từ tiếng Việt.
“Bác Lan, I love you. Given my latter will come visit you. You have to eat a lot! Every year I am talking to you here!” [Bác Lan, cháu yêu bác lắm. Sau này nhất định cháu sẽ đến thăm bác. Bác nhớ ăn nhiều vào đấy nhé! Năm nào cháu cũng ở đây nói chuyện với bác!]
Người phụ nữ hài lòng mỉm cười, trân trọng đặt bó hoa lên, gắn vào thanh vịn cầu cảng, sau đó cúi xuống hôn hai đứa bé.
“Your uncle loves you so much! Thank you, kids!” [Bác yêu các con vô cùng! Cảm ơn các con!]
Rồi người phụ nữ đứng thẳng dậy, xúc động nhìn về phía chân trời, ném tấm bưu thiếp ra xa, khẽ thì thào:
“Chị! Chị phải mạnh khỏe và bình an đấy nhé! Em giờ rất tốt. Em sẽ nghĩ cách về thăm chị. Nhất định một ngày nào đó, em sẽ về với chị.”
Tấm bưu thiếp như chiếc lá mỏng xoay xoay một hồi trong không trung, bị gió biển hất tới trên đầu một ngọn sóng nhỏ. Nó chao qua chao lại theo nhịp sóng, ngấm nước, rồi chìm dần xuống đáy biển. Đó là một tấm bưu thiếp có hình ngôi nhà bên bờ biển. Phía sau ghi dòng chữ:
“Từ một thành phố bên bờ biển:
                                                   Hạnh phúc và bình an, chị nhé!”
-     HẾT –




Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?

Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ...