Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Luận Anh Hùng-Cheryl Pham: Chương Mười Sáu-Lòng người ai thấu



Chương Mười Sáu: Lòng người ai thấu

Bất kiến nhân tâm xá anh hào

Năm Dương Bình Vương thứ 5 (948), hoàng tử Văn 17 tuổi, lập phi tử, là Dương Thị Minh Ngọc, tằng tôn nữ nhà tộc trưởng họ Dương ở châu Ái. Ngô gia hậm hực phản đối, nhưng bất thành.
Cùng năm đó, Kiều Thuận lại đưa quân xuống núi gây bạo loạn. Bình Vương mang 2.000 quân đi đánh, cho hoàng tử Văn đi cùng lịch lãm. Thấy Văn đứng cạnh Bình Vương, Thuận mắt lóe sáng, lòng như mở cờ, đổi chiến thuật, không xua quân ra mà chỉ ở trong thành cất giọng thật to chửi bới.
-         Tên phản nghịch Dương Tam Kha kia, chớ dùng vương quyền mà ức hiếp trung thần nghĩa sĩ. Ngươi là bề tôi phản nghịch, cướp ngôi nhà Ngô, đuổi giết con trưởng của tiên chúa, lợi dụng Dương hậu mẹ góa con côi dung túng Dương gia mà tiếm quyền, việc tày đình ấy chết ngàn lần không hết tội. Lại còn giả bộ từ bi, lấy con thứ tiên chúa làm dưỡng tử mà giam cầm, mị hoặc u mê đầu óc hắn, quên ơn phụ mẫu sinh thành, bái giặc làm cha. Ngươi tưởng nhà Ngô đã tận, nhưng ta quyết không nhẫn nhục cam chịu, nhất định phải đòi lại công bình cho nhà Ngô. Nay cùng trung thần nghĩa sĩ, hào kiệt bốn phương, quyết dành hết tim gan này đền ơn tiên chúa, diệt kẻ tội đồ nhà ngươi, khôi phục triều Ngô. Ta vì trăm họ mà phò Ngô cứu Ngập. Ngô tiên chúa có linh thiêng, xin hãy tương trợ Thuận này.
Những lời cất lên ai oán khiến hoàng tử Văn xây xẩm mặt mày. Bình Vương vẫn thản nhiên cho quân bày trận, rồi đáp:
-         Tên thổ phỉ kia, vua nào ngươi cũng kiếm lời điêu ngoa mà lăng nhục. Có ai là nam nhi hảo hán lại trốn chui trốn lủi ở cái xó Hồ Hồi, cướp bóc nhũng nhiễu lương dân, cấu kết ngoại bang, oán thán triều cuộc? Gầm trời này rộng thế, anh hùng tất có chỗ trú thân. Còn kẻ phản đồ nhà ngươi, nhìn xem có ai dung? Nam nhi chi chí, phải báo đền nợ nước. Nhưng ngươi, chỉ biết ngày ngày chui rúc góc hang, mang lòng dạ tiểu nhân gây hại bá tánh, dùng miệng gian tà reo rắc nghịch tâm, sao xứng làm người?
Lúc này có tiếng khèn vang lên, ám hiệu báo binh đã thành công đột nhập vào thành. Bình Vương phát lệnh tấn công. Cửa thành được đám tử sĩ tiên phong lén vào trước mở ra, đoàn người ngựa ào ào tiến lên. Thuận không kịp đề phòng, bị đánh úp lại từ trong lẫn ngoài. Quân Thuận thua tan tác. Đám thân sĩ và vệ sĩ của hắn bị chém chết hết. Thuận bị trúng bốn mũi tên của Bình Vương, lại bị mấy vết chém, thương tích cực nặng, may còn chút hơi tàn, được một nhóm thân tín mở đường máu cứu thoát khỏi truy sát, trốn trong nhà một mục dân nơi khe núi sâu. Mãi hai năm sau thương thế hắn mới hồi phục, quay lại bản doanh Hồ Hồi của mình mà tiếp tục mưu đại sự.
Trận này tìm không thấy xác Thuận, Bình Vương biết lại để xổng mất hắn, rất bực mình, cho dán cáo thị tầm nã, tăng giải thưởng gấp 10 lần trước đây.
Chỉ có hoàng tử Văn sau lần đó lòng dạ không yên. Văn hỏi mẹ - Dương thị:
-         Bình Vương phản lại phụ vương con, cướp ngôi đuổi diệt đại ca con. Sao không ai oán?
-         Bá tánh chỉ cần một chữ: ‘an’. Kẻ có dã tâm mang lòng phản nghịch chỉ sợ hai chữ: ‘tài’, ‘đức’. Dưỡng phụ con có đủ ba chữ ấy, tài đức hơn người khiến kẻ khác tâm phục khẩu phục, giỏi trị quốc an dân khiến trăm họ được nhờ. Trung thần hay nghịch thần mà con hiểu thật nông cạn, đâu là gì với xã tắc, nó chỉ có nghĩa với một nhà mà thôi.
-         Là mẫu thân thật sự dung túng cho ngoại thích Dương gia làm loạn. Sách thánh hiền dạy ‘trung quân, ái quốc’. Bình Vương cướp ngôi của nhà Ngô ta rõ là nghịch thần. Sao mẫu thân vẫn để con làm dưỡng tử của người ấy?
-         Ta còn có thể làm gì? Ngoại xâm nội đấu. Giá đại ca của con hay con có tài đức bằng một phần cha nuôi con, xoay chuyển được cục diện ấy, thì đâu phải nhờ tới hắn đứng ra gánh vác duy trì nhà Ngô? Bình Vương hy sinh danh tiếng trung thần nghĩa sĩ vì tiên vương, lại dành hết tâm sức dạy dỗ con kế nghiệp, ơn nghĩa ấy lớn thế mà chỉ đổi được sự nghi kị của con thôi sao? Ta làm mẹ cũng thật thất bại.
-         Ơn nghĩa của cha nuôi lòng con đã sáng tỏ. Nay con muốn khôi phục lại nhà Ngô, có được hay chăng?
-         Thế thì phải xem bản lĩnh của con đến đâu đã.
Dương thị nhìn con, thầm gật đầu, nhưng lòng đầy sương giá.

Sau mùa hè năm ấy, Nam Hán không liên lạc được với Kiều Thuận, nghi chân trong này đã bị diệt, tướng trấn thủ biên giới Lý Đạo Khê liên tục thúc quân xâm nhập Tĩnh Hải. Lần nào cũng bị Ngô Nhật Kha đánh lui. Tin Kha báo về tới tấp, Bình Vương sai hoàng tử Văn lên đường tới Lục châu, làm bổ tướng cho Ngô Nhật Kha, cùng đánh Nam Hán. Đây quả là cơ hội Văn tưởng cầu không được. Văn hăng hái lên đường tới gặp thúc bá mình.
Tới nơi, Văn hỏi Nhật Kha:
-         Sao thúc chịu khuất phục Bình Vương?
Ngô Nhật Kha – vốn dĩ là em họ Ngô Vương, bị hỏi bất ngờ, nheo nheo mắt nhìn hoàng tử Văn, trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
-         Ngài ấy vừa có tài, vừa có tâm, có quân công hiển hách giang san, có binh quyền uy vũ, sau lưng lại có Dương gia và Đỗ gia thực lực hùng hậu nhất nhì đất Tĩnh Hải. Ta không khuất phục thì phải làm sao?
-         Nay ta muốn khôi phục lại nhà Ngô, thúc có giúp ta không?
-         Hoàng tử, ta cũng là người họ Ngô, cũng rất oán hận khi Dương Bình Vương soán ngôi, dù là với mục đích gì đi chăng nữa. Hiển nhiên ta ủng hộ ngài khôi phục lại nhà Ngô, nhưng lúc này ta đành phải khuyên ngài: nhẫn.
-         Tại sao?
-         Ngài nhìn xem, thế cục bây giờ không có lợi cho ngài hay bất kì ai họ Ngô. Dương Bình Vương công bằng liêm chính, chiêu hiền đãi sĩ, giỏi trị quốc an dân, được lòng thiên hạ. Ngay cả người Ngô gia cũng được hắn đối xử bình đẳng, không thiên vị. Lúc tiên vương mất, thời cuộc hỗn loạn, phản tặc phỉ rợ khắp nơi nổi dậy. Vậy mà chỉ mấy tháng, hắn đã cất quân đi bình định hết thảy, khiến ai cũng cam chịu lui binh. Nam Hán và Đại Lý hung hăng thế, mà sau khi bị hắn một phen tắm máu, liền không dám ngông cuồng lớn mật. Ngay cả những sứ quân hùng mạnh cát cứ hàng trăm năm ở Đỗ Động Giang, Bố Hải Khẩu, Siêu Loại cũng đều phục tài hắn mà im hơi lặng tiếng mấy năm nay. Giờ ngài chịu ơn hắn, trong người lại chẳng có quân công, không có tiền bạc và binh lực hùng hậu ngoài thế lực không đáng kể của họ Ngô ta, đám người trong ngoài Tĩnh Hải kia sao bỏ lỡ cơ hội chèn ép ngài hòng xưng hùng xưng bá.
-         Vậy ta phải làm sao?
-         Nhẫn nhịn chờ thời. Ta hiểu hẳn Bình Vương cũng đang bồi dưỡng ngài trưởng thành, có đủ tài đức tiếp nhận vương quyền. Nhưng với tâm tính của ngài, e rằng thời gian đó sẽ rất lâu.
-         Ta không muốn đợi nữa.
-         Vậy chỉ còn một cách: lập nhiều quân công nho nhỏ gây thanh thế, thúc đẩy liên minh với các thế lực khác qua liên hôn. Đợi khi hắn không đề phòng, bất ngờ đảo chính, lật đổ hắn. Nếu ngài toàn tâm toàn ý, không quá ba hay năm năm nữa, thiên hạ sẽ sớm về tay Ngô gia.
-         Ý hay. Đa tạ thúc đã chỉ bảo.
Tâm trạng hừng hực nhiệt thành được khai sáng, Văn từ đó quyết tâm ra trận lập công, đánh lui liền mấy đợt xâm nhập của Nam Hán. Nhật Kha hài lòng, viết thư tấu với Bình Vương, hết lời khen ngợi hoàng tử.
Văn về kinh, được đám trọng thần trước vẫn khinh khi y là kẻ hủ nho vô dụng, nay đã ngả mũ cúi chào.
Tháng 11 năm đó, Văn cưới thê tử thứ hai, con gái của Hữu thừa tướng Kiều Tri Hựu. Cuối năm, Văn xin Bình Vương về dự giỗ tổ Ngô gia ở Ái châu.
Xử Bình băn khoăn, kín đáo bảo Dương Bình Vương:
-         Bệ hạ, hoàng tử quá nôn nóng rồi. Có nên làm ngài ấy kiềm chế lại một chút không?
-         Cứ để mọi chuyện tự nhiên đi. Hắn cũng không còn nhỏ nữa, phải tự đối diện với thực tế. Ta và Dương gia bao bọc che chở cho hắn quá nhiều và quá lâu rồi.
-         Nhưng ngài ấy tâm tính còn non nớt, hành sự còn cẩu thả, lỗ mãng, việc trị quốc chưa động tay chút nào. Quả hái non quá sẽ đắng.
-         Hắn đã có nhi tử, còn non gì nữa. Bao bọc tốt quá khiến hắn không chịu trưởng thành. Ngô gia muốn động tay chân cũng phải nhìn thời thế và thực lực. Ngô gia gần đây có biến không?
-         Bẩm không có. Nhưng ngài nên cẩn trọng vẫn hơn. Họ Ngô ngoài đích tử tiên đế bốn người ra, có anh em Ngô Nhật Kha và Ngô Nhật Khiêm là đáng chú ý. Nhật Khiêm làm thủ lĩnh đám quân tồn lại ở bản doanh Ngô tiên chúa khởi binh năm Mậu Tuất (938). Sau khi tiên chúa lên ngôi thì hắn kéo họ về Đường Lâm, quê hương tiên chúa, lập thành một nhóm vũ trang riêng của họ Ngô. Nhóm này từ trước tới giờ chỉ khoảng 500 người. Năm ngài lên ngôi, có gây loạn nhỏ ở Ái châu. Lúc đó ngài bận đánh Đại Lý và Nam Hán, nên ta tự quyết, thay mặt ngài cho người đi đánh dẹp. Từ đó đến nay, nhóm binh này chỉ quanh quẩn sự vụ Ngô gia, cũng không chiêu thêm binh mã, ta chưa có cớ dẹp bỏ. Còn người em Nhật Kha có tài thao quân đảm lược, mấy năm nay tương đối an phận trấn giữ Lục châu. Hoàng tử vừa từ Lục châu trở về, đã thay đổi hành xử chóng mặt. E là hắn đã có tác động.
-         Nhật Khiêm, Nhật Kha còn đích tử nào không?
-         Nhật Kha có bốn thê thiếp và 12 người con, trong đó có 5 nam. Nhưng 4 nhi tử đầu đều yểu mệnh chết cả. Khi tới Lục châu, hắn cưới thêm một tiểu thư danh giá nổi tiếng xinh đẹp trong vùng, sinh được đứa con trai thứ năm, đặt tên Ngô Nhật Khánh, yêu chiều như mạng. Nay đứa trẻ đã gần một tuổi. Còn Nhật Khiêm có một thê tử và bốn con, đều đã chết vì tật bệnh từ lâu. Hắn không chịu tục huyền, sau nhận các con của em trai làm dưỡng tử.
-         Như vậy trước mắt không lo y phản lại Xương Văn. Cứ để họ tùy ý hành động.

Năm Dương Bình Vương thứ 6 (949), nhiều tin vui tới tấp đến với vua tôi. Đỗ nương nương sau nhiều năm chữa trị, đã đi lại được bình thường. Thi thoảng nàng cùng nhà vua dự lễ hội với người dân các châu huyện.
Năm ấy mùa màng bội thu. Tô thuế thu được gấp ba, gấp bốn năm trước. Chiêm Thành cử sứ giả đến kết minh, mong có thêm lực lượng đối chọi lại đế quốc Khmer đang mài dao bên cạnh(1). Bình Vương không muốn phật lòng cả hai láng giềng, bèn hứa hẹn sẽ không nhảy vào cuộc tranh giành này.
Việc khai hoang đã có những kết quả đầu tiên. Nhóm binh của Đỗ Cảnh Thạc khẩn được hơn một vạn mẫu ruộng và đất hoang, năm nay gặt vụ mùa đầu tiên, đem dâng biếu chúa 10 xe ngựa thồ. Trong khi dẹp phỉ rợ để san lấp rừng hoang, Thạc bị lạc và bị đám cướp kia vây đánh, chém đứt tai trái. May mà viện binh tới cứu được một mạng. Bình Vương nghe Thạc kể, rất lấy làm xúc động, ra chiếu khen ngợi sự quả cảm của quân tướng và những người khai hoang nói chung, lại phong thưởng hậu hĩnh cho Thạc cùng đội quân của hắn.
Một tin vui lớn hơn. Chiến thuyền đúng nghĩa đầu tiên của thủy quân Tĩnh Hải đã hoạt động. Sau gần 10 năm dụng tâm cho người phục dựng, chế tạo mô phỏng lại các chiến thuyền của Nam Hán thu được trong trận Bạch Đằng, lần thử nghiệm nào cũng thất bại; cuối cùng kiên trì của Bình Vương đã cho quả ngọt. Chiến thuyền có cải tiến một chút cho phù hợp với địa hình sông ngòi nhỏ và dày đặc của ta, có thể chở được 200 binh, 5 cỗ voi kéo, và gần 100 thớ ngựa. Bình Vương và quân tướng hết sức hoan hỉ, khao quân ba ngày. Sau lại cho đóng thêm 10 chiếc nữa, dự định 3 tới 5 năm nữa sẽ hoàn tất, thủy quân nhất định trở thành một lực lượng hùng mạnh, ít nhất cũng phải đánh ngang tay với thủy quân Chiêm Thành.
Vui hơn cả là hoàng tử Văn liên tục lập công đánh phỉ rợ và Nam Hán ở Lục châu, Phong châu. Văn đã bắt đầu tự dẫn binh đi, không cần sự phò tá của Ngô Nhật Kha. Văn cũng có thêm hai con: một trai một gái. Chưa tới hết năm, Văn lại xin chỉ hôn với nữ nhi Đỗ gia.
Lúc này, Bình Vương bảo Tả tướng Lã Xử Bình chuẩn bị lễ phục, định ngày sắc phong Văn làm thái tử. Nhưng Bình không cho là nên, bèn tâu với vua:
-         Bệ hạ, hoàng tử mới chỉ biết đánh mấy đám rợ phỉ và dăm ba tốp lính ngoại xâm vài ngàn người, chỉ ngang tay với một bổ tướng mới lên trong quân đội của ta thôi. Vẫn chưa thể coi là lịch lãm rèn luyện đủ. Chỉ là Ngô Nhật Kha và mấy tướng tá họ Ngô mượn cớ được nước dâng thuyền, cố tình tâng bốc hết lời khiến văn thần và nhiều người không biết cứ khen hay. Nay người nên cho hoàng tử thời gian rèn luyện thêm về chính vụ, để hiểu được việc trị quốc không chỉ có cầm giáo gươm, mà cần nhiều đến sách lược kinh bang tế thế.
Bình Vương ngẫm lại, cho là phải, bèn lui việc này, không sớm bàn tới nữa.
Vương và Xử Bình chỉ không biết rằng, hoàng tử Văn lúc này đã nóng ruột đến mức không muốn đợi thêm. Văn ngày ngày lén mật đàm với ba tướng tá họ Ngô, lại thư từ cùng Ngô Nhật Khiêm, Ngô Nhật Kha hòng tìm thời cơ thích hợp đoạt quyền.


(1)     Đế quốc Khmer lúc này nằm dưới sự cai trị của Rajendravarman II, từ năm 944 tới 968. Rajendravarman II thực hiện nhiều thay đổi đáng kể khi lên ngôi: dời đô, chuyển dần sang chế độ cai trị tập quyền, xây dựng nhiều công trình lớn, và gây hấn với Chiêm Thành quốc (hay vương quốc Chăm pa). Sang năm 950, chiến tranh đầu tiên đã nổ ra giữa Khmer và Chiêm Thành.




Luận Anh Hùng-Cheryl Pham: Chương Mười Lăm - Anh Hùng há chỉ luận giáo gươm



Chương Mười Lăm: Anh Hùng há chỉ luận giáo gươm

Việc nghĩa đâu chỉ gươm đao
Vì dân vì nước anh hào xá chi?

Năm Dương Bình Vương thứ 4 (947), bão lớn liên tiếp khiến Trường châu bị vỡ đê, ngập nặng một tháng trời. Hai vụ lúa đều mất trắng, hoa màu cũng bị tàn phá. Nạn đói hoành hành ở Trường châu, Hoan châu, sau lan ra cả Diễn châu và một phần Giao châu(1).
Nạn đói do bão lũ hầu như năm nào cũng xảy ra ở Tĩnh Hải, nhưng năm nay nhiều bão lớn hơn hẳn, quần thảo suốt mùa hè tới đầu thu. Các tiền chỉ huy sứ và quan phụ mẫu địa phương đôn đáo cứu tế dân lành, nhưng vẫn trở tay không kịp. Số người chết vì bão lụt và đói không ngừng tăng từng ngày. Thứ sử Trường châu Dương Thái Huyền vội vã dâng sớ về triều đình xin tiếp viện khẩn cấp.
Bình Vương mở kho lương dự trữ, giao cho tướng quân Dương Cát Lợi phụ trách việc cứu tế, khẩn cấp cùng 1.000 binh lên đường. Một tuần sau, Lợi báo về, số lương và binh mang tới không đủ, vì cả Hoan châu cũng cần cứu viện. Vua lại phái thêm 5.000 binh do tướng trẻ Dương Huy – cháu nội của lão tướng quân Dương Cát Lợi – tới Trường châu tiếp tế; đồng thời cho quân đi trưng thu thêm lương thực từ vựa lúa Ái châu để đưa tới những nơi thiệt hại nặng nề nhất.
Lúc Huy dẫn quân tới Trường châu, lại nhận tin khẩn, nạn dân ở xứ Đông châu Giao chịu đói không nổi, bùng lên cướp phá, đánh lộn với quân của tiền chỉ huy sứ, chém chết cả mấy hào trưởng. Huy giao quân lại cho Cát Lợi, còn mình xung phong dẫn 200 lính chạy thẳng tới xứ Đông(2).
Đến đây, thấy người chết đói đầy đường, người sống trở nên hung tàn, liều lĩnh, cầm dao kiếm tự chế chốt chặn mấy đường cái quan để cướp của người, Huy đều đánh bại hết, tịch thu vũ khí, phát chẩn lương thực để họ mang về cho gia quyến. Thôn dân thấy phục đức độ của Dương Huy, liền bàn giao đám quan tham đang bị nhốt trong lao ngục. Thì ra Tiền chỉ huy sứ nơi này, Tô Bá Trực, thường dùng uy quyền hà hiếp dân lành, ăn hối lộ, đê điều không tu sửa, tô thuế nặng nề khiến người dân rất chật vật. Nay mất mùa, dân đói đầy đường, Trực cũng không mở kho phát chẩn, cứu tế lương dân, mà ngồi nhà tổ chức ca múa, ăn uống linh đình với mấy phú thương và hào trưởng. Dân chúng bất bình, xông vào chém chết đám quan thương, cướp hết đồ ăn cùng lương bạc. Trực và mấy sai nha trốn nhưng không thoát, bị dân bắt được, vất vào ngục tối, bỏ đói gần bốn ngày nay. Dân chúng tụ tập trước đình quan án sát, mong Dương Huy ra tay trừng phạt đám tham quan, có thế họ mới chịu hàng phục về nhà. Huy đồng ý, cho hỏi tội Trực và mấy thổ hào, phạt đánh 50 roi mỗi người vì tắc trách với nạn dân, sau trói lại, giải về triều đình để nhà vua xét xử. Lúc đó dân chúng mới hả dạ, giao nộp dao gậy. Bạo loạn được dập tắt. Tiếng tăm về vị tướng trẻ thương dân như con lan khắp Giao châu.
Bình Vương hay tin, khen Dương Huy mới 17 tuổi mà hành sự nhanh nhẹn, thấu đáo, thu phục nhân tâm, phong Huy làm Tiền chỉ huy sứ xứ Đông, thay cho Tô Bá Trực.

Lại nói, nạn đói chưa dứt hẳn, dịch bệnh đã bùng phát. Y sư từ triều đình cử xuống cũng không đủ, Bình Vương phải kêu gọi thêm nhân sĩ và lang y ở các châu huyện khác. Bình Vương đích thân đi xử lý cứu nạn ở nơi thiệt hại nặng nề nhất – Trường châu. Binh tướng được điều xuống canh giữ nghiêm ngặt các khu phát lương và khu dịch bệnh cách ly, trấn trụ các đám sứ quân cát cứ, nên ngăn được nạn cướp bóc hoành hành, không như những lần xảy ra nạn đói trước đây. Vua ban cáo thị miễn tô thuế cho nông dân bốn châu Trường, Hoan, Diễn, Giao. Cuối tháng 10 năm đó, dịch bệnh và nạn đói mới cơ bản được giải quyết.
Trước lúc lên đường quay lại Cổ Loa, Bình Vương về dinh thứ sử, nhắc nhở chính sự đám quan lại địa phương. Thứ sử Dương Thái Huyền nhân lúc này, cùng quan binh Trường châu xúc động lạy tạ, ngợi khen đức độ nhà vua. Đúng lúc đó, có tiếng trẻ con oa oa khóc, một người hầu chạy vào báo tin cho Thái Huyền:
-         Lão gia, lão gia! Phu nhân vừa sinh. Là một nữ nhi.
Các quan tướng xung quanh ai nấy đều chúc mừng Dương thứ sử, nói đứa trẻ này mang điềm cát, ra đời đúng lúc nạn dịch đã dẹp, yên bình trở lại, tất có phúc báo. Là người nhà, nên Bình Vương cũng đi tới chúc mừng Thái Huyền. Gia nhân bế đứa bé tới cho nhà vua và lão gia nhà mình nhìn mặt. Đứa bé nhìn thấy Bình Vương thì nhoẻn cười, khiến vua hết sức yêu thích. Nhà vua bảo:
-         Đại ca trên thiên đàng hẳn rất hài lòng khi thấy Dương gia ta con cháu đầy đàn, đứa trẻ nào cũng hồng hào, khỏe mạnh.
Nói rồi Bình Vương lại có chút ưu thương. Dương Thái Huyền nghĩ, chắc hoàng thượng buồn vì người không có một mụn con. Đỗ nương nương vẫn đang chữa trị, lúc khỏe lúc yếu, lại nghe nói bị trúng độc mà hiếm muộn. Lâu nay Đỗ gia và Ngô gia liên tục gợi ý ngài nạp thêm thê thiếp, nhưng đều bị ngài cự tuyệt, lấy lý do dành tâm sức để bồi dưỡng hoàng tử Văn. Ngài chỉ hơn y vài tuổi, mà y nay có 4 thê thiếp và 9 người con, tranh giành nhau suốt ngày khiến y mệt mỏi. Sự đời sao mà lắm nỗi. Cha y – Dương Nhất Kha – ngày trước yêu quí người em này nhất, luôn bảo các con trai mình học tập tam gia. Vì thế, y cũng có tình cảm trân trọng, yêu kính với nhà vua. Y thầm tính toán làm sao dịu bớt ưu thương cho hoàng thượng. Y tâu với Bình Vương:
-         Bệ hạ, trước thê tử nhà thần về giỗ tổ ở quê nhà, gặp nương nương. Nương nương nói vui rằng, nếu là con gái, sẽ nhận làm con nuôi. Tình cờ, đứa bé này lại có duyên gặp ngài. Nay thần mạo phạm xin hoàng thượng ban cho nữ nhi một cái tên, có được chăng?
-         Được – Bình Vương trở lại dáng vẻ điềm tĩnh, ngẫm nghĩ rồi bảo – Đặt là Vân Nga đi. ‘Vân Long trấn, phong thủy dã’. ‘Nga My sơn, nhạn hạc du’. – Rồi nhà vua quay ra nhìn đứa bé còn đỏ hỏn, dịu dàng nói – Từ nay con gọi là Dương Thị Vân Nga. Có thích không?
Đứa bé nhìn nhà vua, cười tít mắt, ra chiều khoan khoái lắm, không mảy may nhìn tới cha mình đang ra sức tạ ơn vua ban. Bình Vương đón lấy nó từ tay gia nhân, âu yếm ngắm nó một lúc. Đứa bé giơ tay nhỏ xíu ra đập đập, như vui đùa với nhà vua. Dương Bình Vương lấy làm xúc động, bảo với Thái Huyền:
-         Ta mới chỉ có một dưỡng tử. Nay ta nhận đứa cháu này làm con, cho nó danh phận, và cũng cho thê tử nhà ta có chút niềm vui an ủi chốn khuê phòng, Xương Văn cũng có thêm anh thêm em.Trước mắt, nó còn nhỏ, nương nương vẫn chưa khỏe lại, cứ để nó ở chỗ phu thê hai người, sau này tới tuổi đi học, hãy cho vào triều để ta cho danh sư dạy dỗ.
Thứ sử Thái Huyền vui như mở cờ trong bụng, cùng đám người nhà quì xuống lạy tạ Bình Vương. Các quan tướng đều suýt xoa khen đứa trẻ này là phúc lớn của Dương gia. Họ quả thật không ngờ, đây chính là người phụ nữ sẽ đi vào lịch sử sau này với cái danh ‘Lưỡng triều Hoàng hậu’(3).

Lúc nhà vua cùng thân tướng rời phủ thứ sử, ra ngựa để lên đường về kinh, thì thấy một toán lính đang la hét hò nhau tóm lấy một đứa bé trai chừng sáu, bảy tuổi ở khu giữ ngựa. Thằng bé ăn mặc nghèo khổ, mặt bết đất, luồn lách như con thoi giữa rừng đao kiếm của đám binh. Có lẽ nhận ra không ai muốn làm bị thương nó, nên nó rất liều lĩnh, dùng ống nứa vót nhọn đả thương mấy người lớn, lại hất bó đuốc cháy xuống mái rơm chuồng ngựa hòng thiêu cháy cả đám người đuổi theo sau. Sau một hồi rượt đuổi, mấy chục binh tốt mới tóm được thằng bé, buộc dây gai trói chặt tay chân nó, đem đến trước mặt Bình Vương. Bình Vương thấy nó không quì, cũng không nói gì, bị người ta ấn đầu xuống rồi nó lại phủi mông đứng dậy, ngước đôi mắt ti hí lên nhìn mọi người xung quanh mà không hề e sợ. Vương lấy làm thú vị, hỏi:
-         Ngươi tên gì? Sao lại để lính vây bắt?
-         Ta gọi là Hoàn. Họ nghĩ ta ăn trộm ngựa về chống đói. Nhưng thực ra ta chỉ thấy có nhiều ngựa quá, lại ít người trông, nên muốn thử nhảy lên cưỡi trộm một chút xíu thôi.
Thấy đứa bé không hề tỏ ra cung kính với vua và các tướng, một lính tốt đá nó khuỵu gối xuống và mắng:
-         Vô lễ! Không biết ngươi đang nói chuyện với ai sao mà không hành lễ, không biết thưa gửi?
Đứa bé bị đánh bất ngờ, đau quá, nó bật ngay dậy, ánh mắt đầy phẫn nộ, hung hãn định bổ nhào vào người lính kia. Cát Lợi phải ngăn nó lại thì người lính mới không bị tay nó cào vào mặt. Bình Vương bảo:
-         Nó còn nhỏ, lại không được dạy dỗ nên chưa hiểu chuyện. Bỏ qua cho nó đi.
Đứa bé thấy vị cường giả uy nghiêm kia nói đỡ cho nó, nên thân thiết hỏi:
-         Ông là ai? Sao lại giúp ta?
-         Ta là Bình Vương.
-         Bình Vương? Bình Vương không phải chính là nhà vua sao? Nhà vua phải ở kinh đô chứ, sao lại ở đây được?
-         Ta tới cứu nạn dân. – Vua lại hỏi thêm nó – Ngươi chưa bao giờ cưỡi ngựa?
-         Đúng thế, ta mới cưỡi trâu thôi. Ta muốn sau này cưỡi ngựa đi đánh đông dẹp bắc, thống trị thiên hạ.
-         Tốt. – Vua khen – Ngươi muốn làm vua?
-         Đương nhiên rồi.
Đúng lúc này, Dương Thái Huyền lật đật cùng đám người nhà, nghe tiếng huyên náo mà chạy tới. Thấy đứa bé trả lời vô lễ và ngạo mạn với Bình Vương, y sợ hãi vừa quát nó, vừa lạy nhà vua:
-         Không được vô lễ với bệ hạ. Bệ hạ, mong người rộng lượng hải hà, tha thứ cho ngu dân kia.
-         Ngươi biết đứa trẻ này? – Bình Vương vốn đang thấy thích thú với đứa trẻ, thấy Dương thứ sử nói vậy bèn hỏi.
-         Vâng, nó là gia nhân của viên quan sát Lê Dụ Nhân trong phủ của thần. Nó thường mang đồ cho hắn và hầu hạ bên hắn hằng ngày.
Đúng lúc đó, Lê Dụ Nhân không biết ai báo cho, chạy vội tới, mũ còn rơi cả xuống đất. Lê lão gia gập người xuống xin vua tha tội.
-         Mong bệ hạ thương tình tha cho người hầu của ta. Nó còn nhỏ, không hiểu chuyện.
-         Tại sao ông không dạy dỗ người làm cho tử tế, để hắn gây chuyện. May mà hoàng thượng anh minh, không chấp nhặt với trẻ nhỏ. – Dương Cát Lợi không dấu bực bội, mắng viên quan sát.
-         Thưa ngài, nó là đứa trẻ mồ côi, sống với người họ hàng. Họ lại bán cho thần làm đứa ở. Thần cho nó làm người hầu bên mình mới được dăm tháng, chưa kịp dạy nó đến nơi đến chốn, nó đã gây chuyện tày đình thế này. Thần sẽ về trừng trị nó thích đáng.
Nghe thấy thế, Bình Vương vốn dĩ định không quan tâm, nhưng lại quay lại, nhíu mày hỏi:
-         Nó người nhà ai? Quê ở đâu?
-         Bẩm hoàng thượng, nó tên gọi Lê Hoàn, nay áng chừng 6 tuổi, người châu Ái, cha là Lê Mịch làm nghề chài lưới, mẹ là Đặng Thị Sen, người ở đây. Nhưng cha mẹ mất sớm, nó được người ta đưa về gửi cho một người họ hàng bên ngoại. Người này nghèo khổ quá, không nuôi nổi nó, bèn bán nó cho nhà thần. Thấy nó thông minh, tháo vát hơn người, thần cho nó hầu hạ bên mình(4).
-         Thì ra cũng là người Ái châu. Đứa trẻ này liều lĩnh, hung hãn, quả cảm, táo bạo hơn người. Biết đâu có thể làm danh tướng? – Nói rồi vua quay lại bảo với một binh sĩ – Ban cho nó một con ngựa.
Thứ sử Dương Thái Huyền thấy thế, bèn thúc giục Lê án sát:
-         Không mau tạ ơn hoàng thượng?
-         Thần tạ ơn hoàng thượng! – Viên quan sát vội vã phủ phục xuống mặt đất hô to.
Đứa bé thấy mình được ban ngựa, lại thấy Bình Vương đã nhảy lên ngựa từ lúc nào, nó vội vã chạy tới, chặn trước đầu ngựa của nhà vua, giọng không dấu nổi cảm kích:
-         Ông cho ta ngựa sao? Sau này ta cũng có thể làm vua như ông chứ?
-         Có thể. – Bình Vương mỉm cười – Nếu ngươi làm vua, ta sẽ gả con gái cho. – Nói rồi Bình Vương chỉ về phía đứa trẻ mới sinh đang được người hầu bế đứng cạnh Dương thứ sử.
-         Ông nhớ đấy nhé. Ta nhất định sẽ làm vua, để nàng làm hậu.
Nhà vua không trả lời, chỉ giơ roi thúc ngựa. Cả đoàn người ngựa chạy như bay về phía đô thành, bỏ lại đám người vẫn nửa tỉnh nửa mê, không tin nổi chuyện đã xảy ra. Dương thứ sử một lúc sau mới quay lại nhìn thằng bé tên Hoàn kia đang si mê bên con ngựa nhỏ được vua ban, gật gù bảo với Lê án sát:
-         Nhà các ngươi phúc ba đời nhé. Gặp hoàng thượng là người anh minh, không những không trách phạt, lại còn ban thưởng. Thằng bé này hẳn cũng không phải người thường, mới được ngài ấy nhìn trúng. Ông nên dạy dỗ nó cẩn thận, biết đâu sau này có thành quả?
Quan sát Lê Dụ Nhân tinh tường hiểu ẩn ý của thứ sử, vội tạ ơn rồi đưa Hoàn về nhà, sau nhận Hoàn làm con nuôi, cất công dạy bảo tử tế như con cháu trong nhà.

Lại nói Dương Bình Vương trên đường về kinh, không hiểu sao lúc dừng chân nghỉ ở một tửu quán, thấy người ta nhắc đến một thủ lĩnh họ Đinh không tiếc công sức và lương bạc cứu nạn, đưa binh đi vớt người trong lũ, lại phát cháo và bánh bao cho bà con; vua liền liên tưởng tới con trai Đinh lão tướng quân năm nào. Tò mò không rõ đứa trẻ kia có phải là người được dân chúng ngợi ca không, vua quyết định đổi hướng rẽ qua Hoa Lư. Đến nơi, Cát Lợi đi tìm hiểu, báo lại, chính là Đinh Bộ Lĩnh cùng đám quân ô tạp chiêu mộ được mấy năm nay của mình đã cứu nạn dân khắp thành. Bình Vương gật đầu, tới chỗ Lĩnh luyện quân.
Hoa Lư ở về sơn phận hai xã Uy Viễn và Uy Tế, huyện Lê Bình, cũng thuộc Trường châu. Nơi đây bốn mặt đều có núi đá đứng thẳng như bức vách, trong có một chỗ hơi bằng phẳng rộng rãi, người xứ ấy gọi là động Hoa Lư. Trong lòng động rộng hàng hai trượng có một cái lạch nước quanh co khuất khúc chảy đến phía nam thành Hoa Lư. Thành Hoa Lư cũng ở huyện Lê Bình. Họ Đinh nhân thế núi đắp thành ấy chu vi năm trăm trượng.
Dương Cát Lợi đi bên cạnh vua, nhìn thành Hoa Lư mà trầm trồ khen ngợi:
-         Khởi binh ở nơi này quả là có con mắt tinh đời. Họ Đinh này cũng đáng mặt anh hào lắm thay.
-         Dương lão tướng quân – Bình Vương quay sang bảo Cát Lợi – sau này nên cho người chú ý động tĩnh Hoa Lư nhiều hơn.
-         Bệ hạ, ngài cũng có người trong Đinh gia phải không? Thứ lỗi cho thần hay chuyện, chỉ vì thần thấy ngài biết rất rõ sự vụ họ Đinh và từng chiêu dụ Đinh Bộ Lĩnh, cảm thấy rất tò mò, nên có phỏng đoán.
-         Mấy năm nay có lẽ đã bị lộ, không còn tin báo về nữa. Ta nghĩ hắn có thể là một mối nguy cho nhà Ngô sau này. Người này chí hướng, tài năng đều hơn người, dã tâm cũng không nhỏ, lại không muốn chung sức với họ Ngô.
-         Bệ hạ quá lo xa. Người còn tráng kiện, tinh thần uy dũng như núi, còn chăm lo cho bá tánh tới trăm năm. Một tay họ Đinh kia đâu đáng để ngài đặt trong mắt.
Hai người đều nhìn nhau ngượng cười. Cả hai đều hiểu rằng, hoàng tử Văn đang trưởng thành, còn Ngập vẫn chưa chết.
Bình Vương và Dương Cát Lợi được Đinh Bộ Lĩnh cho mời vào trong trướng. Màn trướng đơn giản, nhưng uy nghiêm. Quân chiêu mộ được không đông lắm, khoảng hai, ba ngàn người, nhưng rất có kỷ luật. Bình Vương nhìn Cát Lợi, cả hai đều thầm gật đầu trong lòng. Lĩnh nay đã là nam tử 24 tuổi, cao to lực lưỡng, khôi ngô tuấn tú, mắt sáng khác thường, dắt theo con trai Đinh Liễn mới 5 tuổi ra hành lễ chào Bình Vương. Bình Vương khen Lĩnh và lính tráng Hoa Lư đã góp công cứu nạn dân, rồi hỏi Lĩnh:
-         Nay thời thế đã khác lần trước gặp, nhưng ta vẫn nhắc lại lời năm xưa, có muốn lên kinh cùng ta giúp dân giúp nước?
-         Cùng ông giúp dân giúp nước không phải chính là đầu phục nhà Ngô đó sao? Ông cướp ngôi, ta không đánh ông vì phục tài ông. Sau lại nhận ra ông vẫn chỉ đang phò nhà Ngô. Mà nhà Ngô sau này thực quyền là ai? Ngô Xương Ngập là kẻ bại hoại, bất tài, vô dụng, hại nước hại dân. Ngô Xương Văn và mấy nam tử nhỏ chỉ ẩn mình trong lầu son gác tía như đám đàn bà, chưa động can qua, sao có hùng tâm tráng chí mà hành đại sự? Họ Ngô cho đến giờ không có lấy một kẻ nào đáng mặt làm vua, bảo sao những người như ta, Trần Lãm, Lý Khuê, Kiều Thuận phục được?
-         Ngươi muốn đoạt thiên hạ?
-         Nếu là ông, ta biết mình không sánh được. Nhưng nếu là bất luận kẻ nào họ Ngô, sao ta phải bỏ lỡ cơ may của chính mình?
-         Không sợ ta diệt ngươi?
-         Nếu muốn diệt ta, ông hẳn đã diệt từ ba bốn năm trước, đâu để ta ngày một lớn mạnh trước mũi ông thế này. Từ lúc ông làm vương, kẻ nào nhen nhúm nổi dậy chiêu binh mãi mã, ông đều diệt tận gốc, trừ ta. Rõ ràng chính bản thân ông cũng thấy thiên hạ chẳng có mấy người hơn ta. Nay ông đến đây, ta rất cảm kích, cũng có lời với ông. Bão lụt năm nào cũng có. Nạn đói năm nào cũng xảy ra. Ông là người có tâm với xã tắc, nên tìm cách giúp dân tránh cái nạn này. Không tiễu trừ được thiên tai địch họa, thì cũng phải giảm bớt thiệt hại xuống.
Thấy Lĩnh rất tự tin, minh tường đại cuộc và đầy hùng tâm tráng chí, biết không thể chiêu dụ được, Bình Vương đành ra về. Sau này, Xử Bình biết vua đi gặp Lĩnh, bèn hỏi:
-         Ngài biết hắn sau này có khả năng xoay chuyển đại cục, sao không diệt?
Bình Vương than:
-         Ta từng muốn diệt, nhưng luyến tiếc kẻ kiêu hùng. Người tài bây giờ đâu có mấy ai, diệt hắn chẳng may sau này xã tắc binh biến, há lại dâng đất này cho Nam Hán?

Lại nói Bình Vương về tới kinh thành, hỏi văn võ bá quan:
-         Làm sao để ngăn nạn đói định kỳ hằng năm ở các châu ven biển này?
Các quan đưa ra rất nhiều ý kiến. Người cho rằng cần di dân mùa mưa. Kẻ đề xuất xây đê điều thật kiên cố. Người kiến nghị nên tích trữ thật nhiều lương thực từ những châu ít khi bị bão lũ như Ái châu, Giao châu. Thậm chí Đỗ Cảnh Thạc còn cho rằng, nên phát triển buôn bán ở những châu này, thay cho trồng lúa. Thạc vỗ ngực huyênh hoang:
-         Đỗ gia ta chỉ có mỗi tài lợi buôn bán là đáng tự hào. Ngàn năm nay, người họ Đỗ chiếm cứ hầu hết các mối giao thương từ Giao châu lên phương Bắc, lại từ đất này đi Chiêm thành, Xiêm La. Các cửa biển là nơi tập trung hàng chính yếu, đầu mối giao thương. Dù đánh trận, luyện binh, dựng phủ, cầu người tài… cái gì chả cần đến lương bạc. Bao đời chúa đất này đều phải dựa vào tài lực Đỗ gia ta. Nếu để người dân những xứ này tập trung vào buôn bán, vận tải, thương mại, sẽ thu được vô khối bạc nộp thuế cho triều đình. Thử nghĩ mà xem, khi đó có đến hàng trăm, hàng nghìn vạn gia tộc cũng giàu có như Đỗ gia, tô thuế là món khổng lồ, bệ hạ có thể thoái mái vung tiền củng cố binh lực, chiêu hiền đãi sĩ, xây dựng thôn trang trù phú, trao tặng bổng lộc; Tĩnh Hãi ta binh cường nước mạnh dân giàu, chúng ta sẽ tiến xuống làm thịt Chiêm thành, tiến lên đòi đất Nam Hán. Chẳng bao lâu ta sẽ sánh ngang Đường quốc ngày trước.
-         Đỗ tướng quân có lòng với bệ hạ và xã tắc, thật là điều đáng quí. Nhưng e là ngài đi quá xa rồi. – Dương Cát Lợi mỉa mai – Người dân những xứ đó vốn dĩ đều rất bặt thiệp, quảng giao, họ đã phát triển buôn bán mạnh mẽ từ trước cả khi Đỗ gia ngài xuất hiện kia. Không phải Đỗ gia chỉ thuê tàu thuyền, kho tàng, bến thuyền của họ đấy thôi? Buôn bán phải có hàng và mối hàng. Nếu ai cũng buôn bán thì ai tạo ra hàng, ai làm mối hàng? Đâu phải ai cũng biết buôn bán, ai buôn cũng giàu có được như Đỗ gia? Người dân làm những thứ trong khả năng người ta để mưu sinh. Nếu họ buôn bán được thì nông dân ở đất đó đã biến mất, không đợi ngài ở đây chỉ trích họ. Vùng này có khu thương cảng và phố thị vốn giàu có trù phú nhất nhì đất Tĩnh Hải, chỉ nơi làng mạc thôn quê mới tiêu điều vì đói kém.
-         Buôn bán với ngoại bang cũng cần cẩn trọng. Có thể bị họ cài người phá hoại hoặc reo rắc những thứ xấu xa, làm tổn hại đến triều ta. – Văn thần Ngô Thế Kiệt nói thêm – Xin bệ hạ phải tính đến siết chặt thương mại với bên ngoài.
-         Hừm, cứ làm rùa rụt đầu như các ngươi nên thiên hạ mới chỉ có Đỗ gia tài phú trọc trời. Động đến bạc là lại phải bán danh, bán mặt đi cầu lão sói già Đỗ Phu. – Thạc không dấu nổi bực tức.
Cuối cùng Lã Tả tướng đành đứng ra dàn hòa.
-         Các vị ai nói cũng đều có lý. Đỗ tướng quân muốn phát triển buôn bán, vì nơi đó có nhiều chỗ địa thế cát lợi, sông biển giao nhau, có thể xây được cảng để thương thuyền neo đậu, vì thế làm chốn giao thương không gì tốt bằng. Cái triều ta cần làm là khuyến khích người dân tăng cường buôn bán. Nhưng không phải chỗ nào cũng làm cảng được, nên dân cũng phải kiếm sống bằng các nghề khác như đánh cá, trồng lúa, dệt vải, làm thợ sắt, thợ đúc tượng… Để dân có chỗ an ổn làm ăn, sinh sống, triều ta cần xây đắp, gia cố đê để hạn chế lũ lụt. Mùa mưa tới, dân cư sống ở bãi bồi, đảo nổi, những nơi nguy hiểm, cần được khuyên răn, thậm chí phải cưỡng ép họ rời đi lánh tạm ở nơi an toàn hơn, để bảo vệ tính mạng, cũng chính là bảo vệ sức người lao động. Do thường xuyên chịu thiên tai, nên lượng lúa thu được ở xứ này cũng thấp hơn những nơi như Ái châu, Giao châu. Vì thế triều ta không nên đánh đồng thu tô thuế giống nhau như hiện nay. Nên thu tô từ lúa gạo của Ái châu và Giao châu cao hơn mấy châu ven biển. Như thế kho lương của ta sẽ có thêm tích trữ cho những lúc cấp bách thế này. Tuy nhiên mỗi việc trên đều cần đến lương bạc, mà triều ta chưa đủ mạnh, lương bạc đều hạn chế, cho nên không thể tiến hành đồng thời các việc trên một cách nhanh chóng và có kết quả ngay được. Ta nghĩ các ngài hãy cùng nhau nghĩ xem nên làm việc nào quan trọng nhất trước.
Mọi người đều gật đầu khen Xử Bình nói phải. Các quan rất nhanh chóng nhất trí chọn ra việc gia cố đê điều là cấp bách nhất. Bình Vương gật đầu, phong Hữu tướng Kiều Tri Hựu làm khâm sai đại thần, phụ trách việc xử lý đê mấy châu Trường, Giao, Hoan, Diễn.
Lúc này, tiền chỉ huy sứ xứ Đông Dương Huy – nhân dịp về kinh lĩnh thưởng –đứng ra tâu:
-         Thần vừa xử lý xong nạn dân xứ Đông, thấy một điều lạ. Rừng ở xứ này vô cùng rậm rạp, tươi tốt, sông ngòi chằng chịt, lau lách um tùm, chứng tỏ thủy thổ màu mỡ. Nhưng người dân lại sống cách rừng, cách sông tới hàng chục dặm, chỉ dăm bữa vào rừng hái rau dại, quả quí, lá thuốc về dùng hoặc bán lấy bạc. Họ không dám khai phá đất hoang vì sợ thú dữ, sợ không đủ sức người, sợ thổ phỉ, sợ quan sai gây phiền phức. Chính vì thế, nông dân xứ này chỉ có chút ít ruộng, lương thực thiếu thốn, dù đất đai màu mỡ phì nhiêu. Khi bão tàn phá, chút ít cũng mất hết, thế là đói. Nay thần xin với bệ hạ khai ân cho bá tánh, khuyến khích khẩn hoang, bồi đất, lấn sông, lấn biển, gia tăng diện tích trồng lúa, trồng rau, gia tăng qui mô vùng đánh bắt cá. Có như vậy sau này, sản xuất lương thực mới gia tăng, nạn đói mới giảm bớt.
Ý này của Dương Huy được Bình Vương hết sức ngợi khen, triều thần tán tụng. Sau buổi triều hôm đó, Bình Vương ra cáo thiên hạ, khuyên dân khai hoang, lấn rừng, lấp biển, miễn tô thuế trong ba năm đầu trên mảnh đất khẩn được, nếu ai khẩn hoang trên 100 mẫu sẽ được triều đình thưởng bạc. Nhà vua lấy một đội quân trấn giữ biên giới Tây Nam gần vạn người của Đỗ Cảnh Thạc làm tiên phong, ban cho thực ấp là khu rừng rậm Diễn châu. Binh tướng và gia quyến của họ phải đến đó sống, khai khẩn đất hoang, tự canh tác, trồng trọt, chăn nuôi; hoa lợi thu được sẽ không phải tiến cống vua mà được hưởng hết. Họ được tự quản, tự trị trên mảnh đất vua ban.
Đây là lần đầu tiên việc khai hoang được nhà vua và bộ máy quan lại ưu ái để mắt tới, thu hút được đông đảo sự chú ý của bá tánh. Sau này, thành thông lệ, việc miễn giảm thuế khi khai hoang hay ban đất hoang làm phần thưởng cho tướng sĩ thường được các vua đời sau dùng tới.
Sau đó Bình Vương còn cho người đắp đường mở lối giao thương đường bộ với Chiêm Thành. Mạn biên giới với Thành quốc lâu nay toàn rừng rậm, để phỉ rợ chiếm giữ, cướp của người qua lại, nên thương nhân sợ hãi, chỉ dám đi đường biển. Giờ những con đường ở Phúc Lộc châu và Hoan châu được mở ra, có binh lính triều đình trấn giữ, sẽ giúp dân an cư lạc nghiệp, kho bạc triều đình cũng nhờ đó mà tăng thêm.


(1)     Địa giới 8 châu của Tĩnh Hải thời kì này như sau:
-          Giao châu: tương đương với vùng phía nam sông Hồng và sông Đuống, thuộc Hà Nội, Bắc Ninh, một phần Hưng Yên
-          Lục châu: tương đương gồm một phần phía nam Khâm châu (Quảng Tây, Trung Quốc) và dải đất dọc biển của tỉnh Quảng Ninh hiện nay. Miền núi tỉnh Quảng Ninh vẫn là các châu ki mi (ràng buộc lỏng lẻo)
-          Phong châu: được xác định vị trí ở ngã ba Bạch Hạc, phần dưới thung lũng sông Chảy, sông Thao và sông Đà.
-          Trường châu: được xác định vị trí tương đương miền Nho Quan, Yên Khánh tỉnh Ninh Bình.
-          Ái châu: tương đương tỉnh Thanh Hóa
-          Diễn châu: tương đương miền bắc Nghệ An gồm các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu
-          Hoan châu: tương đương các huyện phía nam Nghệ An và một phần tỉnh Hà Tĩnh
-          Phúc Lộc châu: được xác định vị trí tại phía nam Hà Tĩnh và Quy Hợp, Ngọc Ma phía bắc Hoành Sơn
(2)     Xứ Đông của châu Giao, sau này là xứ Hải Dương, bao gồm địa phận Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng ngày nay.
(3)     Thái hậu Dương Vân Nga (không rõ năm sinh – mất năm 1000), thân phụ thân mẫu cũng không rõ tên tuổi, quê quán, ngay cả tên Vân Nga của bà cũng bị nhiều nhà sử học nghi ngờ, sử sách chỉ gọi bà là Dương thị hay Dương hậu, Dương thái hậu. Bà là nhân vật nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, làm hoàng hậu hai triều Đinh, Lê. Do là một người đàn bà quyền lực của nhiều triều đại, bà được đặt ở vị trí trang trọng trong lịch sử, văn hóa và văn học dân tộc.
(4)     Thân thế của Lê Hoàn – tức vua Lê Đại Hành (941/942 – 1005) cũng gây tranh cãi trong lịch sử. Chính sử chỉ nói vua mồ côi, gia cảnh nghèo khổ, sau làm con nuôi một viên quan sát họ Lê, lớn lên đi theo Đinh Liễn – con vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh), khi Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị giết thì làm Nhiếp chính vương cho Đinh Toàn – Đinh Phế Đế, sau lại cấu kết với Thái Hậu Dương Vân Nga mà lên làm vua, lập ra triều Lê.