Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Luận Anh Hùng - Cheryl Phạm: Chương 20 - Cầu tài, bài loạn



Chương Hai Mươi: Cầu tài, bài loạn

Tài trai chí lớn cầu hào kiệt
Anh hùng vì nước diệt loạn quân

Tháng 8 năm Nam Tấn Vương thứ 6 (956), Trần Minh Công, tự Trần Lãm, mất. Minh Công chỉ có sáu nữ nhi, không có con trai ruột. Sau nhận thêm ba con trai nuôi, trong đó có Đinh Bộ Lĩnh. Lĩnh được Minh Công tin cậy hết mực, giao lại mọi quyền hành, cho tiếp quản sứ quân Bố Hải Khẩu. Để thu phục em trai Minh Công – bổ tướng Trần Thăng và hai người con trai nuôi còn lại, Lĩnh gả con gái cho cả ba người này
Mùa xuân năm sau, lấy lý do phải quản lý hai sứ quân ở hai nơi rất bất tiện, Lĩnh đưa đội quân Bố Hải Khẩu về hợp với đội quân của mình ở Hoa Lư. Thành Hoa Lư loáng cái thành một trại lính, với số người tăng lên gần gấp bốn lần. Theo tính toán của các tướng dưới trướng Nam Tấn Vương, sứ quân của Lĩnh trở thành đội quân đông thứ ba ở Tĩnh Hải, sau Lý Khuê ở Siêu Loại và Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt.
Nhưng Trường châu khi đó cũng có gần chục đám sứ quân nhỏ lẻ. Trước đây, quân của Đinh Công Dự - chú ruột Lĩnh – là đội quân mạnh nhất châu này. Nay Lĩnh có thêm binh thêm tướng từ Bố Hải Khẩu, chiếm mất ngôi vị này, khiến các sứ quân nhỏ đều lo sợ, chạy tới tìm Dự bàn cách trừ bỏ Lĩnh. Dự vốn đang rất bất mãn khi thấy Lĩnh bỗng dưng được trời ban cho một đám quân binh hùng hậu mà y có nằm mơ cũng không được, gặp cơ hội này, cầu còn không được. Y bảo các thủ lĩnh:
-         Lĩnh vốn là đứa bé lêu lổng, dại dột. Ngày nhỏ khi cha hắn đưa mẹ con hắn tới nương nhờ ta, hắn chẳng chịu học hành, suốt ngày chỉ cùng bọn trẻ mục đồng cưỡi trâu bày trò làm loạn. Có lần còn rình mẹ hắn vắng nhà mà giết trộm lợn, cho cả lũ trẻ ăn, ta phải đuổi theo đánh cho một trận. Lớn lên cũng chẳng chí thú gì ngoài tụ tập một đám lêu lổng năm xưa để tranh giành, đánh lộn. Khi gia sản của cha mẹ sắp bị hắn tiêu phí hết, thì bỗng hắn biến mất. Sau mới biết hắn đi đầu nhập dưới trướng Trần Minh Công.
Đám thủ lĩnh nhao nhao lên bất mãn:
-         Minh Công thật có mắt như mù, tặng nguyên cả một đội quân mà Trần gia mất hơn trăm năm mới gây dựng được cho kẻ vô dụng như thế.
Dự bí hiểm lắc đầu:
-         Cũng có thể Minh Công có chuyện khó nói. Người dưới trướng y chẳng còn ai có đủ tài đức mà lãnh, nên y chán đời, thây kệ phó mặc cho Lĩnh.
Đám người nhớ ra Trần Minh Công bao năm cầu vái tứ phương xin một mụn con trai mà không đặng, em trai y Trần Thăng cũng chỉ là kẻ hữu dũng vô mưu, bèn gật gù thông cảm.

Tháng 6 năm Nam Tấn Vương thứ 7 (957), Đinh Dự xua quân hợp cùng bảy sứ quân khác trong châu, tiến đánh Hoa Lư. Đội hợp quân lên tới gần 2 vạn người, vây hãm suốt gần hai tuần. Lần nào điều binh ra, Lĩnh cũng bị số đông đánh cho thua chạy vào thành. Sau Lĩnh cùng mấy bổ tướng họp lại, thấy quân số mình không đông bằng địch, phải dùng mưu.
Thành Hoa Lư hào sâu núi hiểm. Lĩnh cho 5.000 binh nhân lúc trời tối, nhanh chóng đi xuyên qua hang, thoát ra lối cửa sông, sau đó quay về thành, vây ngược lại đám hợp quân. Hôm sau, hợp quân của Đinh Dự bị trong đánh ra, ngoài đánh vào, sợ hãi vỡ mật, hàng ngũ rối loạn, tướng sĩ đua nhau chạy chối chết, mặc kệ Đinh Dự ở giữa trận khản cổ kêu gào. Cuối cùng, Dự và bốn thủ lĩnh bị bắt, phải hàng phục Lĩnh. Ba sứ quân còn lại một tuần sau cũng đến xin đầu nhập vào quân của Lĩnh. Trường châu như vậy yên ổn. Đến thứ sử và Chỉ huy sứ Trường châu đều là người họ Ngô – hoàng thân quốc thích với nhà vua, cũng chẳng làm được gì, chỉ đành nhắm mắt làm ngơ.

Mùa xuân năm Nam Tấn Vương thứ 8 (958), Nam Tấn Vương cho Đỗ Cảnh Thạc cùng một vạn binh tiến đánh Hoa Lư. Sau một tháng, Thạc thất bại quay về.
Kiều Tri Hựu dẫn binh đánh tiếp, vây hãm suốt hai tháng ròng rã, không thu hoạch được gì. Kiều Hữu tướng mệt mỏi quay về kinh.
Mùa đông năm ấy, Khổng thị - vợ Lĩnh, chết vì khó sinh. Cái chết của cả hai mẹ con khiến Lĩnh mất ăn mất ngủ suốt một tháng trời. Lĩnh chôn vợ ở thôn Đàm – quê ngoại mình. Sau lại dựng thêm một bản doanh ở thôn này để tiện bàn việc với tướng sĩ. Lĩnh ở bản doanh này ba tháng để trông nom hương hỏa cho vợ.

Cùng thời gian, Lĩnh nghe phong phanh có người kể, đã từng gặp Chương Dương Công ở Giao Thủy. Lĩnh liền cho người đi tìm hiểu, biết đó là sự thật.

Mùa xuân năm Nam Tấn Vương thứ 9 (959), Đinh Bộ Lĩnh tới bái kiến Chương Dương Công ở phủ đệ Giao Thủy.
Lĩnh vô cùng ngạc nhiên khi thấy vị vua uy dũng năm nào bây giờ cũng mặc quần thô áo vải, ra đồng chỉ đạo người xắn đất, trồng cây. Khí thế lẫm liệt năm xưa đã mất đi, nhưng vẻ uy nghiêm và đôi mắt sáng quắc mãnh liệt vẫn còn đó.
Hai người nói chuyện về gia sự đôi bên. Lĩnh không ngại bày tỏ khâm phục tình nghĩa phu thê của Chương Dương Công. Kha kể con trai Đinh Liễn của Lĩnh đang được Dương lão tướng quân chăm sóc rất tốt. Về hình thức là bị giam lỏng làm con tin, nhưng thực tế cậu bé được học binh thư, võ nghệ như các con cháu khác của Dương lão tướng quân. Nay cậu đã là chàng trai 16-17 tuổi, hay đi theo Dương lão tướng tiễu dẹp phỉ rợ, có thể đánh ngang tay với vài bổ tướng của triều đình. Lĩnh nghe được tin này, rất lấy làm mừng.
Sau cùng, Lĩnh hỏi Tam Kha:
-         Một người tài như ngài mà vua không dụng, lãng phí lắm thay, cũng là có tội với xã tắc. Ta nay mưu đồ bá nghiệp, rất cần những người như ngài trợ giúp. Liệu có được chăng?
-         Ta đã thề trước vong linh Tiên chúa và bá quan văn võ, sẽ không can dự chính sự. Chỉ đành góp sức khai khẩn đất hoang làm việc phụng sự bá tánh. – Kha từ tốn giải thích – Tấm lòng chiêu hiền đãi sĩ của Đinh thủ lĩnh, ta xin nhận. Nhưng chí hướng chúng ta giờ đã khác xa nhau. Thứ cho ta không thể cùng chung sức với ông.
Lĩnh than:
-         Tiếc lắm thay. Ta đây phụ trách đám quân đông, nhưng chưa tìm được kẻ tài trí hơn người. Ngày ngày mỏi mắt cầu trời khấn Phật cho ta một Dương Tam Kha mà sao trời vẫn không thuận. Nhưng dù chuyện gì đi nữa, tấm lòng mến mộ của Lĩnh đây với ngài không hề suy chuyển. Nếu ngài đổi ý, hãy cho người báo tới Hoa Lư. Ta sẽ đích thân mang kiệu tới đón ngài.
-         Đa tạ, đa tạ. Người hùng tâm tráng chí như Đinh thủ lĩnh, trong thời buổi này, tất có đất dụng võ. Kẻ hiền tài luôn biết chọn minh chủ. Ông chớ lo. Do thời cơ chưa tới mà thôi.
Lĩnh từ biệt Chương Dương Công tại sân chính. Vừa định đi ra ngõ, chợt thấy một thanh niên cao lớn múa thương trên lưng ngựa tới xuất thần ở bên kia vườn. Lĩnh dừng lại, mê mệt nhìn. Đến khi thanh niên chống thương, nhảy xuống ngựa chạy tới chào Chương Dương Công và mình, Lĩnh mới bừng tỉnh, vội vã hỏi Tam Kha:
-         Người này là đệ tử của ngài chăng?
-         Không phải. Hắn là Lê Hoàn, trạc tuổi con trai Đinh thủ lĩnh. Là người bên Dương gia ta ở Ái châu, thi thoảng có qua đây báo tin nhà. Ta cũng có chỉ dạy hắn một chút, chưa đáng làm thầy. Là do tư chất hắn tốt, nên binh pháp, võ nghệ đều lĩnh hội nhanh chóng, tinh tường.
-         Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Thầy giỏi nên trò tốt cũng không có gì lạ.
Nói rồi Lĩnh quay sang người thanh niên hỏi:
-         Lê Hoàn, cậu có muốn theo ta lập đại nghiệp, phụng sự xã tắc không?
Chàng thanh niên Lê Hoàn kiêu ngạo trả lời:
-         Sao ta phải theo ông? Ta muốn tự mình lập đại nghiệp, rước tiểu thư về làm hậu.
-         Tốt. Tốt. Quả không hổ được Dương Tam Kha chỉ dạy. Phần chí hướng này đã hơn hẳn thầy ngươi rồi. Vừa có tài, vừa có dã tâm. E là sau này ta có một địch thủ đáng gườm đây.
Lĩnh ha hả cười, rồi lên ngựa về Hoa Lư.
Nếu quay lại nhìn, hẳn Bộ Lĩnh sẽ gặp người con gái sau này làm nên nhiều chính biến cuộc đời mình – Dương Thị Vân Nga. Nàng lúc này chỉ là một tiểu thư gần 13 tuổi, nhưng đã xinh đẹp hơn người, được Kha và Nhâm Phi yêu chiều vô hạn. Vân Nga tiểu thư lúc đó nhảy ra khỏi bụi hoa hồng, tò mò hỏi cha:
-         Phụ thân, nam tử thô lỗ đó là ai vậy?
-         Vân Nga, ta đã dạy con không được nhìn mặt mà bắt hình dong. Đó là một kẻ kiêu hùng, đầu đội trời chân đạp đất, sau này tất dựng nên nghiệp lớn.
-         Ông ta đã già. Nếu dựng nghiệp lớn, không phải anh con sẽ bị diệt trừ sao? Thế thì con phải diệt ông ta. – Nói rồi nàng phùng má trợn mắt cố sức kéo cây thương từ tay Lê Hoàn mà không được.
-         Hoang đường. Nam Tấn Vương có nghiệp lớn của ngài ấy. Ông ta có nghiệp lớn của ông ta. Ai phiền nữ nhi như con can dự? – Tam Kha trách con, nhưng không dấu nổi vẻ yêu chiều trong ánh mắt.
-         Ai nói nữ nhi không thể kiến công lập nghiệp? Thế ông ta có thể múa thương như cha hay anh Hoàn không? Mấy năm nữa con sẽ làm được. – Dương tiểu thư bĩu môi, sau đó nháy mắt với Lê Hoàn. – Sau này con chỉ lấy người giỏi như cha làm phu quân.
-         Được. Sau này nhất định để con lấy người tài giỏi.
Cả Tam Kha và Lê Hoàn đều mỉm cười, nhìn nàng đầy sủng nịnh.

Cuối năm Nam Tấn Vương thứ 9 (959), nhóm sứ quân của Chu Thái bất ngờ trở thành mạnh nhất Tĩnh Hải.
Chu Thái là người quận Thao Giang, vốn là một hào trưởng không thần phục nhà Ngô. Sau được Hoàng gia và Khúc gia nâng đỡ, nên có chút bạc để chiêu binh mãi mã. Đội quân của y ô hợp cả phỉ rợ lẫn thường dân, khoảng 500 người. Đa số nam nhi đến từ mấy trận đói các năm trước, sức cùng lực kiệt, đành tòng quân kiếm cái ăn cái mặc cho cả nhà. Vài năm đầu, đội quân chỉ đánh tỉa nhỏ lẻ mấy sứ quân khác trên cùng châu, hòng kiếm chút uy tín và bạc lẻ. Nhiều lần còn bị đánh cho tan tác. Triều đình từng cử người tới dẹp, đánh cho y chạy xuống tận mạn Hoan châu.
Đến năm Nam Tấn Vương thứ 7 (957), không biết y lấy đâu ra rất nhiều lương bạc, thu hút được một lượng lớn người đi theo. Tới nay đã hơn 8.000 người. Vũ trang rất đầy đủ. Lại được rèn luyện bài bản, giống quân triều đình. Nam Tấn Vương cho người tra được, là do thúc mình Ngô Nhật Kha giở trò phía sau.
Mùa hè, Chu Thái chém chết Tiền chỉ huy sứ. Sau đó dẫn quân nổi dậy khắp mạn Thao Giang, đánh bại các hào trưởng và thủ lĩnh khác, bắt qui phục y và nộp lương bạc.
Nam Tấn Vương ba lần cho người tới đánh Chu Thái: Dương lão tướng quân đánh vào mùa xuân (năm 959), Phạm Bạch Hổ đánh mùa xuân năm sau (960), và Kiều Tri Hựu đánh vào mùa đông (năm 960). Cả ba lần đều thất bại quay về.

Mùa xuân năm Nam Tấn Vương thứ 11 (961), Chu Thái xưng Vương, chém thứ sử Thao Giang vừa được vua cử tới.
Lần này, Nam Tấn Vương vô cùng tức giận, quyết định gác việc dẹp loạn ở Lục châu lại, đích thân cầm quân đánh Chu Thái.
Trước khi lên đường, Xử Bình dặn vua:
-         Bệ hạ chú ý. Nhật Kha giật dây âm mưu phía sau. Lại có Hoàng gia và Khúc gia trợ bạc. Chỉ cần trừ mấy cái xương sống này, hắn tất bị diệt.
-         Ta hiểu ý ông.
Vua dẫn 5.000 binh lên đường cùng anh em nhà võ tướng Phạm Man, Phạm Bạch Hổ.
Tới Thao Giang, Nam Tấn Vương bị phục kích, suýt mất mạng. Vua tức giận lắm, thầm nghĩ hẳn đây là ý tứ ông thúc phản nghịch nhà mình. Vua nhớ tới khi xưa một lòng một dạ nghe theo lời Nhật Kha mà buồn bực không thôi. Tiếc năm đó không giết Nhật Kha đi, để nay hắn liên tục quay ngược lại cắn trả. Mình thọ giáo Dương thúc và Xử Bình, đều là những kẻ thông thạo binh pháp, am tường mưu lược và nhân tâm, thế mà dùng người không bằng một nửa họ.

Vua chọn chỗ vách núi ven rừng dễ thủ khó công, đóng quân ở đó, rồi cho người đi tìm hiểu xung quanh. Sau đó vua mất ba ngày để nghĩ biện pháp diệt phản nghịch.
Chu Thái ngày ngày mang binh đi giễu võ dương oai, khích bác ở bên ngoài doanh trại, chửi bới Nam Tấn Vương. Đột ngột một hôm, đám binh này bị thòng lọng tóm hết một mẻ. Mấy kẻ chạy về, báo cho Chu Thái và Nhật Kha biết. Kha vội cho người phòng thủ thật chặt thành Thao Giang.
Trận đánh đầu tiên, hai bên giáp lá cà một canh giờ rồi Chu Thái thu binh.
Trận thứ hai, quân Thái trên tường thành, quân vua dưới đất. Vua thua thảm hại.
Trận thứ ba, quân vua trong rừng, quân Thái trên núi. Thái mất gần 1.000 binh.
Cứ thế hơn hai chục trận trong gần hai tháng. Hai bên đều thương vong nặng nề.
Đúng lúc này, Nhật Khiêm bị Phạm Man bắt cóc ở làng Đường Lâm mang tới, đem ra giữa trận. Quân Chu Thái không biết người này, bắn tên nỏ khiến y thành con nhím. Tới lúc Nhật Kha chạy lên thành xem, mới nhận ra anh trai mình, người lúc này đã chảy cạn khí huyết, bèn khóc rống thống thiết, chửi Nam Tấn Vương không tiếc lời. Y tức giận công tâm, đích thân ra mặt đánh trận tiếp theo, liền nhanh chóng bị Bạch Hổ tướng quân dùng kế tóm gọn vào rọ.
Nam Tấn Vương không nể tình riêng, cho xử tử Nhật Kha, bêu đầu trước cổng thành.
Ý chí của quân Chu Thái giảm rõ rệt khi mất quân sư.
Một nhóm binh nhà vua phái đi, đã thăm dò được hết những người họ Hoàng và họ Khúc trong vùng, theo dõi kẻ nào liên lạc với Chu Thái đều bị bắt và giết sạch.
Đến tháng thứ sáu, Chu Thái hết lương, hết bạc, mất quân sư, biết chắc mình không còn trụ được bao lâu nữa, đành liều lĩnh quyết đấu một trận cuối cùng. Y cho toàn bộ binh ra trực chiến với quân triều đình. Vô số người chết. Còn y, chỉ chưa đầy hai chục chiêu, đã bị Nam Tấn Vương treo trên đầu ngọn thương. Đám tàn quân thấy vậy, sợ quá bỏ chạy tan tác.
Thao Giang được bình định.
Vua về triều. Tướng soái đều ngợi khen. Ngài rất lấy làm hãnh diện.
Kể từ đó, vua thường thân chinh một mình đi đánh phỉ rợ, dẹp bạo loạn.


Luận Anh Hùng - Cheryl Phạm: Chương 19 - Giận quá hóa dại



Chương Mười Chín: Giận quá hóa dại

Công tư phân minh
Quân tử chí tình

Tuy nhiên cái chết của người anh Thiên Sách Vương cũng không khiến vua tôi nhẹ lòng hơn được bao lâu.
Tháng 8 năm Nam Tấn Vương thứ 4 (954), tin từ phương bắc cấp báo về, Nam Hán nhân dịp triều chính phương nam rối loạn, tăng cường binh lực lên gấp ba, gấp bốn, liên tiếp tấn công mạnh mẽ. Lão tướng Dương Thế Hiển tử trận. Giờ biên ải đang ngàn cân treo sợi tóc. Thứ sử Lục châu phải gắng gượng đưa thêm dân binh địa phương ra chống đỡ cùng quân lính triều đình, mới tạm cầm chân địch, giữ được thành.
Vua lo lắng hỏi bá quan văn võ. Hữu tướng Kiều Tri Hựu nhất mực xin đánh, lại cầu vua cho mình mang hai vạn binh lên ải bắc, quyết một trận sống mái không thắng không về. Vua ân chuẩn.
Kiều tướng quân ra trận đầy khí thế, nhưng không quen thuộc địa hình đồi núi hiểm trở và lối đánh tỉa nhỏ lẻ nên thất bại liên tục, thậm chí còn bị thương do thủ tiễn địch bắn vào vai trái. Nam Tấn Vương nhận tin báo về mà lòng rầu rĩ khôn nguôi.
Xử Bình tâu:
-         Nam Hán mấy đời vua luôn rình rập Tĩnh Hải ta như hổ đói. Khi nào vua ta hùng mạnh, quân thần một lòng, chúng sẽ thu nanh. Khi nội bộ ta yếu nhược, chúng sẽ được nước lấn tới, chiếm dần từng tấc. Đã đến lúc bệ hạ phải nhất thống nhân tâm, dùng khí thế vũ bão đứng ra thị uy.
-         Nhưng nay ta vừa chỉnh trang lại nội bộ, đám võ biền và phú thương với mấy đại gia tộc bỏ nhiều bạc cho anh ta hẳn bất mãn chưa nguôi. Ngô gia chẳng còn ai đáng tin. Ngô thúc giã tâm bừng bừng, lại thêm uất hận chất chứa với ta. Giờ ta bỏ kinh đi lên phương bắc cũng phải mất vài tháng mới dẹp xong địch. E rằng chúng nhân cơ này ở triều mà phản lại.
-         Bệ hạ, đây đương lúc nan giải. Ngài không thể một thân thọ đấu thù trong giặc ngoài đồng thời. Ngài có chính danh, lại có đức độ và một lòng trung với xã tắc, đám nghịch thần dẫu mạnh cũng đâu dám đương đầu với nhân tâm. Nam Hán sự tình nguy cấp hơn. Mong ngài anh minh lựa chọn.
Vua vẫn không yên lòng, ngẫm nghĩ suốt một đêm. Ngẫm thấy từ lúc nhà Ngô lập quốc tới nay, duy chỉ có mấy năm dưới bàn tay Dương Bình Vương là Nam Hán im hơi lặng tiếng nhất, nội bộ Tĩnh Hải cũng an bình nhất. Nhưng chính tay mình cấm y tham gia chính sự, giờ lại tới hỏi y, có phải quá mất mặt không? Sau vua thấy việc nước vẫn nặng hơn, huống hồ cái ngôi này cao nhất, bảo ai chẳng phải vâng, nhất là người trung nghĩa như Dương thúc. Cuối cùng ngài quyết định sai tên hầu thân tín Tô Đồng đi đánh tiếng tham vấn Chương Dương Công Dương Tam Kha.
Tô Đồng tuân lệnh vua, bí mật thân chinh phi ngựa ra khỏi thành, tới bến Chương Dương, nơi phủ Dương Tam Kha dựng ở đó. Thật không may, phủ chỉ còn lại vài gia nhân đang dọn dẹp. Người hầu nhìn người tới mang ấn triệt nhà vua, không dám chậm trễ, dắt y vào trong, rồi gọi một thiếu niên tới. Thiếu niên này khoảng mười hai, mười ba là cùng. Người gầy guộc, mắt ti hí, ngũ quan sáng sủa, nước da nâu giòn, dáng thong dong, đoan chính, ăn mặc dù không quí phái, nhưng hẳn cũng không phải kiểu người ở. Tô Đồng nhíu nhíu mày, cố nhớ xem trong nhà Chương Dương Công có nhân vật nào tầm tuổi này mà sao mình lại không biết. Lúc đó, thiếu niên chắp tay chào Tô Đồng cung kính và hỏi:
-         Tôi là Lê Hoàn. Là người được Chương Dương Công giao ở lại thu dọn nhà cửa. Xin hỏi quí danh đại nhân?
-         Ta là người quen cũ của Chương Dương Công, tên Tô Đồng. Nay có việc khó khăn, muốn đến thỉnh ngài chỉ giáo. Nhờ công tử chuyển lời giùm tới ngài ấy, ta cần gặp ngài ấy ngay. Chỉ cần nói tên ta, ngài ấy sẽ khắc hiểu.
-         Vậy Tô tiên sinh gặp khó khăn rồi. Tam gia và gia quyến đã chuyển đi từ hơn một tháng nay. Ở đây chỉ còn lại nhóm gia nhân chăm lo nông vụ. Ta chỉ phụ trách chuyển nốt mấy thứ đồ còn lại tới nơi phủ mới.
-         Chuyển đi đâu? – Tô Đồng không khỏi kinh ngạc – Bạn bè, thân hữu và người nhà Chương Dương Công ở kinh rất đông mà không ai hay. Có việc chi mà ngài ấy phải chuyển gấp vậy?
-         Ngài có báo về kinh hay không ta không rõ. Nhưng việc dời thực ấp đã làm từ hơn một năm nay rồi. Hẳn đã lâu ngài không liên lạc nên không biết. Tam gia về đây khai khẩn đất bến Chương Dương này cùng bà con, sau hai năm đã tăng đất trồng lên gấp chục lần. Thấy vậy, có người bạn làm Chỉ huy sứ ở Trường châu báo cho ngài ấy, có khu Giao Thủy mênh mông sình lầy, ngàn dặm nhìn không thấy bờ bến, không dân nào dám đến trú ngụ. Nhưng ở đó, chim cá, cây cối đều vô cùng phì nhiêu, đông đúc. Ngài ấy liền cho một đám gia nhân lên đó đắp đất, lấp ao hồ, chặt rừng. Được hơn một năm, có thể trồng trọt được, bèn cho người tới định cư. Năm ngoái, ngài ấy đã quyết định dựng phủ tại đó, vì khí hậu nơi này ôn hòa, cảnh đẹp như tranh vẽ, trên rừng dưới sông đều nhiều dược quí hiếm, tiện cho Đỗ phu nhân dưỡng bệnh. Phu nhân ngài ấy đã được đón đi từ Tết vừa rồi. Ngài ấy ở lại thêm nơi này một thời gian vì có công việc cấp bách. Việc xong, ngài ấy liền tới Giao Thủy đoàn tụ cùng gia quyến.
Tô Đồng ngẫm nghĩ, thấy tới Giao Thủy không biết đường, mình không thể đi nhanh về nhanh được, lại thấy lời người thiếu niên này có chút đáng suy nghĩ, y bèn cáo từ ra về. Thiếu niên tên Hoàn tiễn Tô Đồng tới cổng. Sực nhớ ra, Đồng quay lại hỏi Hoàn:
-         Chẳng hay cậu là thân quyến thế nào với Chương Dương Công? Ta trước đây hay lui tới chỗ ngài ấy, chưa bao giờ gặp cậu.
Thiếu niên cười híp mắt, vui vẻ nói:
-         Thực ra ta không phải người nhà Tam gia. Ta là con nuôi một quan án dưới trướng đại nhân Dương Thái Huyền, trước kia làm thứ sử Trường châu. Sau Thiên Sách Vương bãi chức đại nhân, thế là chúng ta cùng theo Dương đại nhân và gia quyến về Ái châu. Lúc Tam gia về Chương Dương lập phủ, Dương đại nhân sai cha ta và mấy người nhà họ Dương tới thăm ngài ấy. Ta cũng đi theo. Từ đó, thành thông lệ, mỗi năm vài lần ta cùng cha nuôi lại mang quà và thuốc từ Dương gia chuyển tới Chương Dương phủ. Mỗi lần chúng ta đều ở lại đây một vài tuần, nên đôi khi giúp Tam gia mấy việc lặt vặt. Ngài ấy khen ta thông minh, nhanh nhẹn, còn dạy ta học võ và binh pháp nữa cơ. Cha nuôi bảo ta, Tam gia là người học rộng tài cao hơn người, khắp gầm trời này không ai địch được, ta may mắn được ngài chỉ giáo, phải dốc lòng học thành tài.
-         Thì ra là vậy. Ta lại tưởng ngài là dưỡng tử Chương Dương Công mới thu nhận.
-         Dưỡng tử không phải ta, mà là tiểu thư. Tiểu thư vừa tròn sáu tuổi được đưa ra đây làm con Tam gia. Phu nhân yêu chiều như mạng, dạy đủ thi thư, thơ họa. Đôi khi ta tới, còn được nàng cho học ké.
-         Là tiểu thư út nhà Dương Thái Huyền đại nhân?
-         Đúng vậy, đúng vậy. Tam gia từng bảo ta, nếu sau này ta làm vua, sẽ gả tiểu thư cho ta đấy. Cho nên ta nhất định phải học văn võ thật giỏi, sau này làm vua, mới bảo vệ được tiểu thư.
Nhìn cậu thiếu niên cười híp mắt, vỗ ngực đầy tự tin và quyết tâm, Tô Đồng thầm cười trong lòng, quả đúng là Tam Kha, mình cướp ngôi, nay lại dạy đệ tử cướp ngôi. Mà thằng nhóc này có được coi là đệ tử của hắn không nhỉ? Nếu quả đúng thì phải báo Vương khẩn cấp diệt ngay cái họa này.
-         Ngươi là đệ tử của Chương Dương Công? – Tô Đồng dò hỏi.
-         Đệ tử? – Thiếu niên cũng ngạc nhiên – Có phải giống như Ngô Vương, Tam gia, Đại gia, Kiều Công Tiễn, Đinh Công Trứ làm dưỡng giả tử của Dương lão tướng quân không?
-         Đại loại như vậy. – Tô Đồng dù không thích cách nói của thằng bé, nhưng vẫn phải cố nghĩ ra cách giải thích để nó hiểu - Ngài ấy dạy ngươi, ngươi bái ngài ấy làm tôn sư, nghe lời ngài ấy, hết lòng phụng sự ngài ấy.
-         Thế thì không phải. Ta không phải bái sư. Cha nuôi từng hỏi xin với ngài ấy cho ta làm môn đệ. Tam gia bảo, ngài ấy chỉ muốn khai hoang, không muốn thu nhận ai dưới trướng, chỉ tuyển người vỡ đất phá rừng. Ta muốn học ngài ấy. Cha nuôi bày cách, cứ mỗi lần lên đây đều mang ta theo, lại bảo ta cầm theo văn tự và kiếm tới luyện trước mặt Tam gia. Ngài ấy thấy thiếu sót, sẽ chỉ điểm cho. Nhờ thế mà ta tiến bộ rất nhanh. Đám tôn tử Dương gia ở Ái châu đến nay đều không ai địch được ta đấy.
-         Giỏi. Giỏi lắm. – Tô Đồng ngợi khen, đồng thời lòng cũng nhẹ nhõm hẳn.
Tô Đồng quay lại Cổ Loa, kể mọi sự tình với Nam Tấn Vương. Vua cũng giống hắn, không khỏi có thắc mắc trong lòng. Vua bèn triệu gọi Lã Tả tướng tới ngự thư phòng. Vua hỏi Bình:
-         Ngươi đã biết Chương Dương Công rời đi Giao Thủy hơn một tháng trước, sao không báo?
Bình vốn nghĩ vua phải hỏi tới việc đánh Nam Hán, nên không khỏi giật mình.
-         Đúng vậy, thưa bệ hạ. Người không cấm Dương đại nhân rời đi, cũng không lệnh ta phải theo dõi bẩm báo hành tung đại nhân. Huống hồ ngài ấy đi khai hoang, mở rộng thêm đất đai cho bệ hạ, là việc tốt, nên ta không có ý kiến. Việc ngài ấy khai khẩn Giao Thủy đã làm từ mấy năm trước, nhiều quan tướng trong thành đều tường tận.
Nam Tấn Vương giận dữ:
-         Việc ta muốn biết không phải việc đó. Ngươi đừng mưu mẹo lừa ta. Nay ta hỏi ngươi, Lã thừa tướng. Ai là kẻ ám sát ta? Ai giết anh ta?
Xử Bình vội vã quì mọp xuống đất, thống thiết tâu vua:
-         Mong bệ hạ minh xét. Ta biết ngài còn nhiều băn khoăn với Chương Dương Công. Ám sát ngài là Thiên Sách Vương. Lúc nghe những lời buông bỏ của ngài khi đang dưỡng thương, ta e cơ nghiệp của Tiên chúa sẽ sớm mất, liền chạy đi báo Dương thái hậu. Thái hậu bảo ta bí mật tới tìm Tam Kha xin chỉ giáo. Giết anh ngài, đúng là ý và có trợ giúp của Chương Dương Công. Nhưng sau đại sự đó, ngài ấy đã quyết chí rời đi, không còn muốn liên hệ với bất cứ ai trong kinh thành, nhất là hoàng thất.
-         Một người bị phế ngôi, liệu có cam lòng đến thế? Y không hề phản kháng, cũng không chiêu binh mãi mã phục hận. Ngươi nghĩ ta là con rối chăng?
-         Bệ hạ, mong người minh xét. Người nghĩ mà xem, một kẻ tính được mọi sự trong thiên hạ như Dương Tam Kha sao có thể dễ dàng để người chưa từng trải qua bất cứ chính sự gì như người hạ gục dễ dàng thế? Mà sau khi bị hạ, còn ngoan ngoãn làm lương dân, an phận với việc nông nhàn cùng bá tánh?
-         Ngươi muốn nói, hắn cố ý nhường ngôi cho ta? – Nam Tấn Vương lúc này không khỏi kinh ngạc.
-         Chúng ta đã biết sẽ có chính biến từ trước khi ngài vào thành. Lúc ngài đặt chân vào cung, lúc nào cũng có một vạn binh vây quanh, chỉ cần hiệu lệnh, có thể giết chết ngài tức khắc. Nhưng hắn đã không làm vậy. Cũng lệnh Dương Thế Hiển lui binh bên ngoài điện, còn bắt trong mọi tình huống có phát sinh sau này, phải luôn bảo vệ ngài.
-         Sao mọi chuyện lại là như thế? – Vua bàng hoàng, rồi thẫn thờ ngồi phịch xuống ghế rồng. Im lặng một lúc, vua đuổi Bình đi.
Nam Tấn Vương hôm sau cũng không thiết triều, nghe nói vì ốm mệt. Các quan tướng xôn xao, không hiểu sao lúc sự vụ thế này mà vua lại không gắng giữ sức khỏe. Chỉ Xử Bình là hiểu, nhưng im lặng.
Xương Văn quả thật chán nản đến mức không muốn thiết triều. Vương nhận ra mình vẫn không thoát khỏi bàn tay sắp đặt của Tam Kha. Nhìn quan tướng trong triều, những kẻ mà mình tưởng họ thần phục, hóa ra cũng do Tam Kha sắp sẵn. Kha còn sắp sẵn những gì nữa? Hắn thề không tham gia chính sự, nhưng hắn vẫn nhúng tay vào việc hoàng thất. Nay giết Ngập, mai mình làm gì không đặng, liệu hắn có diệt mình dễ như trở bàn tay? Đám quân tướng kia không chỉ vỗ tay hoan hỷ, có khi còn trợ giúp hắn. Mà diệt hắn thì ăn nói sao với mẫu thân và Dương gia?
Nghi ngờ không dứt khiến nhà vua càng lúc càng nhụt chí. Một đêm không ngủ. Hôm sau thái y phải tức khắc chế dược cho vua dùng. Khi đầu óc tỉnh táo hơn, vua dành một ngày ngồi ngẫm nghĩ. Cảm thấy Tam Kha đã cố ý nuôi dưỡng mình thành người bị động, gặp chuyện gì lớn lại nghĩ tới y. Vua rất tức giận.
Giận quá mất khôn. Hôm sau thiết triều, vua cử thái phó Tô Khải Minh làm sứ thần, sang Nam Hán xin tiết việt. Việc này đồng nghĩa với Tĩnh Hải từ nay chấp nhận làm thần tử của Nam Hán, triều cống lễ vật hằng năm. Văn võ bá quan nghe thấy vậy thì vài người tung hô ‘bệ hạ thánh minh’, còn đa số đều quì xuống xin vua nghĩ lại.
Xử Bình tâu:
-         Bệ hạ, Tĩnh Hải ta phải trải qua mấy trăm năm nếm mật nằm gai, bị phương Bắc dày vò vô cùng thống khổ. Họ Khúc, họ Dương, và Ngô Tiên chúa cùng bao tướng sĩ không tiếc máu xương, tâm huyết, giành tự chủ cho đất này. Nay ta dễ dàng hàng phục, không phải có tội lớn với tổ tiên và trăm họ sao?
Dù tướng soái đa số tán thành lời Xử Bình, nhưng nhà vua lúc này cương quyết hơn bao giờ hết, cứ y lệnh thi hành. Mấy vị quan trung liệt lăn xả ra can gián, bị vua tức giận, lệnh đánh mỗi người 20 roi, cấm vào triều một tuần.

Ngày 12 tháng 10 năm Nam Tấn Vương thứ 4 (954), lần đầu tiên trong suốt 15 năm tuyên bố độc lập, Tĩnh Hải cho sứ thần sang Nam Hán dâng sớ qui thuận, xin tiết việt. Tin này một lần nữa lại gây cơn phong ba. Thủ lĩnh địa phương nổi dậy ầm ầm, vì cho rằng hết hy vọng với nhà Ngô. Đến Nam Tấn Vương, vốn được coi là hiếu tử, hiếu đạo, minh triết hơn cha và người anh mình, nay cũng khiến người ta không khỏi oán hận. Kiều Tri Hựu nhận được tin phải đình chiến, cũng tức giận dẫn binh quay về, định đánh luôn vào thành Cổ Loa. Nhưng Xử Bình biết chuyện, nhanh chóng ngăn được. Hựu bảo với Bình:
-         Ta cho ông nghĩ cách xoay sở. Nếu hắn thực sự hàng phục, ta quyết một kiếm giết hắn, tế vong linh Ngô Tiên chúa.
Bình lật đật đi gặp Dương Thái hậu, khuyên bà nên nói chuyện với nhà vua, vì vị vua trẻ này từ trước tới giờ vốn dễ tin người nhà, nhất là mẫu thân và người bác Dương Tam Kha.
Dương Thái hậu mời Nam Tấn Vương tới nói chuyện. Vua bảo:
-         Mẫu thân mời ta, ta biết ngay lại do Xử Bình bày ra. Người hiểu ta nhất ngoài mẫu thân và thúc, chỉ có hắn. Nhưng mẫu thân đừng phí lời vô ích. Chuyện ta đã quyết, không ai ngăn được.
Thái hậu mỉm cười, âu yếm nắm tay vua, nhẹ nhàng nói:
-         Con ơi, ta biết con đang rất tức giận Dương thúc. Nhưng đừng để tức giận công tâm, cũng đừng lấy vận mệnh quốc gia làm nơi trút giận tiêu sầu. Vì đó không phải là của riêng mình con. Phụ vương con, thúc bá con, anh em con, và bao tướng sĩ cùng bá tánh, mọi người đều coi đó là quốc gia của mình, bỏ máu thịt, tâm can vào đó. Con làm vương, phải có trách nhiệm với nó, cũng phải có trách nhiệm với an sinh của mọi người trong nước. Nay sự vụ căng thẳng, con nhiều đêm không ngủ, hẳn cần phải được thư giãn để tĩnh tâm. Ta đã bảo với hoàng hậu và các phi tử của con. Các nàng rất có tâm, chuẩn bị nhiều cái hay khiến con vui lòng. Con đi tìm các nàng đi.
Nhà vua cảm tạ Dương thái hậu, rồi đi sang tẩm cung của hoàng hậu. Hoàng hậu dẫn người ra vườn thượng uyển. Tại đó, chúng phi tần đều có mặt đông đủ. Thấy vua tới, mọi người thi nhau trổ tài nghệ: ca, đàn, vũ, thi, họa. Oanh oanh yến yến như hoa như nước khiến người ta mê say. Tiệc tới gần sáng mới tàn. Vua cảm động, cùng hoàng hậu đi vào thị tẩm.
Những ngày sau đó, Dương hoàng hậu thường tổ chức lúc tiệc thơ, lúc thi vũ, lúc gảy đàn cho vua thư giãn. Nhà vua rất nhanh chóng lấy lại tinh thần và tinh lực dồi dào của tuổi trẻ. Vì thế, đôi lúc nghĩ lại hành xử đã qua, vua cảm thấy áy náy. Khi thiết triều, mấy vị quan kiên trung vẫn đứng ra can gián vua không nên hàng phục Nam Hán, vua đã không còn cho đánh roi đuổi về như trước, mà nghe xong chỉ cho lui xuống không nói gì. Quần thần thấy có biến chuyển, tự hiểu ý, cũng không làm quá khiến ngài kinh động, tức giận mà hỏng việc.

Cuối tháng 12 năm ấy, người báo về, Lưu Thịnh sai cấp sự trung là Lý Dư mang cờ tiết sang Tĩnh Hải ban tiết việt, đang ở Bạch Châu cùng đoàn sứ thần Tô Khải Minh, yêu cầu Nam Tấn Vương ra đón rồi cùng bàn bạc việc triều cống. Văn võ bá quan trong triều tức giận khôn nguôi. Mấy võ tướng đứng ra xin đánh.
Nam Tấn Vương ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:
-         Nay trong nước loạn dân đang hồi gay gắt. Ta phải dẫn binh đi dẹp, nên sẽ cho người báo lại với sứ thần rằng không đến được. Nếu đợi quá một tháng không thấy ta tới, Tô Khải Minh nên tiễn họ về.
Bá quan khen hay. Nói rồi vua cho người truyền chỉ tới Bạch Châu ‘Giặc biển làm loạn, đường sá khó đi’.
Hai hôm sau, vua cũng dẫn 2.000 binh đi dẹp loạn ở vùng biển Diễn châu.
Sứ thần Nam Hán đợi vua hai tháng liền, vẫn thấy vua còn mải đi dẹp loạn, lại được tin thám báo gửi về, nói Tĩnh Hải bây giờ như vũng nước đục, loạn thần xưng hùng xưng bá khắp nơi. Vua Nam Hán cho mật chỉ phán rằng, tốt nhất chờ chúng cắn xé lẫn nhau tan tành, ta làm chim sẻ phút cuối. Trước Tết nguyên đán, sứ thần Nam Hán quay về, Tô Khải Minh cũng trở lại Cổ Loa, tường thuật mọi sự đã qua. Sau này, vị văn thần còn viết thêm mấy cuốn sách bàn về xã hội, triều chính, văn hóa và con người Nam Hán, để các đồng liêu tham khảo.

Đúng 30 Tết Nguyên Đán năm Nam Tấn Vương thứ 5 (955), vua đi dẹp loạn trở về. Dương hoàng hậu cùng dàn phi tần xinh đẹp ra nghênh đón vua còn nhiệt tình hơn cả đám văn võ bá quan, khiến người ta không khỏi thán phục ông vua này gia sự tốt.
Tháng 3, Nam Tấn Vương cưới đại tiểu thư nhà Lã Tả tướng, phong làm quý phi.
Mùa xuân năm sau, nhà vua lại cưới tiếp thứ nữ của lão tướng Phạm Man.
Nam Tấn Vương lúc này đã có tất cả tám người con: năm trai, ba gái. Vua yêu nhất Hoàng phi, nhưng người này đã bị thích khách chém chết trong cung biến lần trước. Vua thương tiếc vô cùng. Nhìn con lại nhớ tới người, lâu dần vua cũng dành nhiều ưu ái cho ngũ hoàng tử - con trai duy nhất chưa đầy hai tuổi của nàng. Ngũ hoàng tử trở thành cái gai trong mắt tất cả nữ nhân hậu cung.
Đấu đá nơi thâm cung rất khốc liệt. Dương Thái hậu và Dương hoàng hậu đều là người Dương gia, luôn về cùng một phe, tìm mọi cách ém nhẹm phong ba bão tố do đám nữ nhân gây ra với nhà vua. Vì thế, Nam Tấn Vương nhìn thê hiền tử hiếu, luôn cảm thấy may mắn hơn anh em trong nhà, không bao giờ phải bận tâm tới gia sự.
Mùa hè năm đó, Tĩnh Hải lại mất mùa vì bão lũ. Đói to. Dịch bệnh bùng phát, lan cả tới kinh thành. Vua tất tả đi cứu trợ nạn dân. Cùng lúc, trong hậu cung, tứ hoàng tử - con của Đỗ phi và ngũ hoàng tử - con của Hoàng phi, bị nhiễm thương hàn mà mất. Vua trở về khóc con suốt ba ngày ba đêm.