Chương Mười Sáu: Lòng người ai thấu
Bất kiến nhân tâm xá anh hào
Năm Dương Bình Vương thứ 5 (948),
hoàng tử Văn 17 tuổi, lập phi tử, là Dương Thị Minh Ngọc, tằng tôn nữ nhà tộc
trưởng họ Dương ở châu Ái. Ngô gia hậm hực phản đối, nhưng bất thành.
Cùng năm đó, Kiều Thuận lại đưa quân
xuống núi gây bạo loạn. Bình Vương mang 2.000 quân đi đánh, cho hoàng tử Văn đi
cùng lịch lãm. Thấy Văn đứng cạnh Bình Vương, Thuận mắt lóe sáng, lòng như mở cờ,
đổi chiến thuật, không xua quân ra mà chỉ ở trong thành cất giọng thật to chửi
bới.
-
Tên
phản nghịch Dương Tam Kha kia, chớ dùng vương quyền mà ức hiếp trung thần nghĩa
sĩ. Ngươi là bề tôi phản nghịch, cướp ngôi nhà Ngô, đuổi giết con trưởng của
tiên chúa, lợi dụng Dương hậu mẹ góa con côi dung túng Dương gia mà tiếm quyền,
việc tày đình ấy chết ngàn lần không hết tội. Lại còn giả bộ từ bi, lấy con thứ
tiên chúa làm dưỡng tử mà giam cầm, mị hoặc u mê đầu óc hắn, quên ơn phụ mẫu
sinh thành, bái giặc làm cha. Ngươi tưởng nhà Ngô đã tận, nhưng ta quyết không
nhẫn nhục cam chịu, nhất định phải đòi lại công bình cho nhà Ngô. Nay cùng trung
thần nghĩa sĩ, hào kiệt bốn phương, quyết dành hết tim gan này đền ơn tiên
chúa, diệt kẻ tội đồ nhà ngươi, khôi phục triều Ngô. Ta vì trăm họ mà phò Ngô cứu
Ngập. Ngô tiên chúa có linh thiêng, xin hãy tương trợ Thuận này.
Những lời cất lên ai oán khiến hoàng
tử Văn xây xẩm mặt mày. Bình Vương vẫn thản nhiên cho quân bày trận, rồi đáp:
-
Tên
thổ phỉ kia, vua nào ngươi cũng kiếm lời điêu ngoa mà lăng nhục. Có ai là nam
nhi hảo hán lại trốn chui trốn lủi ở cái xó Hồ Hồi, cướp bóc nhũng nhiễu lương
dân, cấu kết ngoại bang, oán thán triều cuộc? Gầm trời này rộng thế, anh hùng tất
có chỗ trú thân. Còn kẻ phản đồ nhà ngươi, nhìn xem có ai dung? Nam nhi chi
chí, phải báo đền nợ nước. Nhưng ngươi, chỉ biết ngày ngày chui rúc góc hang,
mang lòng dạ tiểu nhân gây hại bá tánh, dùng miệng gian tà reo rắc nghịch tâm,
sao xứng làm người?
Lúc này có tiếng khèn vang lên, ám hiệu
báo binh đã thành công đột nhập vào thành. Bình Vương phát lệnh tấn công. Cửa
thành được đám tử sĩ tiên phong lén vào trước mở ra, đoàn người ngựa ào ào tiến
lên. Thuận không kịp đề phòng, bị đánh úp lại từ trong lẫn ngoài. Quân Thuận
thua tan tác. Đám thân sĩ và vệ sĩ của hắn bị chém chết hết. Thuận bị trúng bốn
mũi tên của Bình Vương, lại bị mấy vết chém, thương tích cực nặng, may còn chút
hơi tàn, được một nhóm thân tín mở đường máu cứu thoát khỏi truy sát, trốn
trong nhà một mục dân nơi khe núi sâu. Mãi hai năm sau thương thế hắn mới hồi
phục, quay lại bản doanh Hồ Hồi của mình mà tiếp tục mưu đại sự.
Trận này tìm không thấy xác Thuận,
Bình Vương biết lại để xổng mất hắn, rất bực mình, cho dán cáo thị tầm nã, tăng
giải thưởng gấp 10 lần trước đây.
Chỉ có hoàng tử Văn sau lần đó lòng dạ
không yên. Văn hỏi mẹ - Dương thị:
-
Bình
Vương phản lại phụ vương con, cướp ngôi đuổi diệt đại ca con. Sao không ai oán?
-
Bá
tánh chỉ cần một chữ: ‘an’. Kẻ có dã tâm mang lòng phản nghịch chỉ sợ hai chữ:
‘tài’, ‘đức’. Dưỡng phụ con có đủ ba chữ ấy, tài đức hơn người khiến kẻ khác
tâm phục khẩu phục, giỏi trị quốc an dân khiến trăm họ được nhờ. Trung thần hay
nghịch thần mà con hiểu thật nông cạn, đâu là gì với xã tắc, nó chỉ có nghĩa với
một nhà mà thôi.
-
Là
mẫu thân thật sự dung túng cho ngoại thích Dương gia làm loạn. Sách thánh hiền
dạy ‘trung quân, ái quốc’. Bình Vương cướp ngôi của nhà Ngô ta rõ là nghịch thần.
Sao mẫu thân vẫn để con làm dưỡng tử của người ấy?
-
Ta
còn có thể làm gì? Ngoại xâm nội đấu. Giá đại ca của con hay con có tài đức bằng
một phần cha nuôi con, xoay chuyển được cục diện ấy, thì đâu phải nhờ tới hắn đứng
ra gánh vác duy trì nhà Ngô? Bình Vương hy sinh danh tiếng trung thần nghĩa sĩ
vì tiên vương, lại dành hết tâm sức dạy dỗ con kế nghiệp, ơn nghĩa ấy lớn thế
mà chỉ đổi được sự nghi kị của con thôi sao? Ta làm mẹ cũng thật thất bại.
-
Ơn
nghĩa của cha nuôi lòng con đã sáng tỏ. Nay con muốn khôi phục lại nhà Ngô, có
được hay chăng?
-
Thế
thì phải xem bản lĩnh của con đến đâu đã.
Dương thị nhìn con, thầm gật đầu, nhưng
lòng đầy sương giá.
Sau mùa hè năm ấy, Nam Hán không liên
lạc được với Kiều Thuận, nghi chân trong này đã bị diệt, tướng trấn thủ biên giới
Lý Đạo Khê liên tục thúc quân xâm nhập Tĩnh Hải. Lần nào cũng bị Ngô Nhật Kha
đánh lui. Tin Kha báo về tới tấp, Bình Vương sai hoàng tử Văn lên đường tới Lục
châu, làm bổ tướng cho Ngô Nhật Kha, cùng đánh Nam Hán. Đây quả là cơ hội Văn
tưởng cầu không được. Văn hăng hái lên đường tới gặp thúc bá mình.
Tới nơi, Văn hỏi Nhật Kha:
-
Sao
thúc chịu khuất phục Bình Vương?
Ngô Nhật Kha – vốn dĩ là em họ Ngô
Vương, bị hỏi bất ngờ, nheo nheo mắt nhìn hoàng tử Văn, trầm ngâm suy nghĩ một
lúc rồi trả lời:
-
Ngài
ấy vừa có tài, vừa có tâm, có quân công hiển hách giang san, có binh quyền uy
vũ, sau lưng lại có Dương gia và Đỗ gia thực lực hùng hậu nhất nhì đất Tĩnh Hải.
Ta không khuất phục thì phải làm sao?
-
Nay
ta muốn khôi phục lại nhà Ngô, thúc có giúp ta không?
-
Hoàng
tử, ta cũng là người họ Ngô, cũng rất oán hận khi Dương Bình Vương soán ngôi,
dù là với mục đích gì đi chăng nữa. Hiển nhiên ta ủng hộ ngài khôi phục lại nhà
Ngô, nhưng lúc này ta đành phải khuyên ngài: nhẫn.
-
Tại
sao?
-
Ngài
nhìn xem, thế cục bây giờ không có lợi cho ngài hay bất kì ai họ Ngô. Dương
Bình Vương công bằng liêm chính, chiêu hiền đãi sĩ, giỏi trị quốc an dân, được
lòng thiên hạ. Ngay cả người Ngô gia cũng được hắn đối xử bình đẳng, không
thiên vị. Lúc tiên vương mất, thời cuộc hỗn loạn, phản tặc phỉ rợ khắp nơi nổi
dậy. Vậy mà chỉ mấy tháng, hắn đã cất quân đi bình định hết thảy, khiến ai cũng
cam chịu lui binh. Nam Hán và Đại Lý hung hăng thế, mà sau khi bị hắn một phen
tắm máu, liền không dám ngông cuồng lớn mật. Ngay cả những sứ quân hùng mạnh cát
cứ hàng trăm năm ở Đỗ Động Giang, Bố Hải Khẩu, Siêu Loại cũng đều phục tài hắn
mà im hơi lặng tiếng mấy năm nay. Giờ ngài chịu ơn hắn, trong người lại chẳng
có quân công, không có tiền bạc và binh lực hùng hậu ngoài thế lực không đáng kể
của họ Ngô ta, đám người trong ngoài Tĩnh Hải kia sao bỏ lỡ cơ hội chèn ép ngài
hòng xưng hùng xưng bá.
-
Vậy
ta phải làm sao?
-
Nhẫn
nhịn chờ thời. Ta hiểu hẳn Bình Vương cũng đang bồi dưỡng ngài trưởng thành, có
đủ tài đức tiếp nhận vương quyền. Nhưng với tâm tính của ngài, e rằng thời gian
đó sẽ rất lâu.
-
Ta
không muốn đợi nữa.
-
Vậy
chỉ còn một cách: lập nhiều quân công nho nhỏ gây thanh thế, thúc đẩy liên minh
với các thế lực khác qua liên hôn. Đợi khi hắn không đề phòng, bất ngờ đảo
chính, lật đổ hắn. Nếu ngài toàn tâm toàn ý, không quá ba hay năm năm nữa,
thiên hạ sẽ sớm về tay Ngô gia.
-
Ý
hay. Đa tạ thúc đã chỉ bảo.
Tâm trạng hừng hực nhiệt thành được
khai sáng, Văn từ đó quyết tâm ra trận lập công, đánh lui liền mấy đợt xâm nhập
của Nam Hán. Nhật Kha hài lòng, viết thư tấu với Bình Vương, hết lời khen ngợi
hoàng tử.
Văn về kinh, được đám trọng thần trước
vẫn khinh khi y là kẻ hủ nho vô dụng, nay đã ngả mũ cúi chào.
Tháng 11 năm đó, Văn cưới thê tử thứ
hai, con gái của Hữu thừa tướng Kiều Tri Hựu. Cuối năm, Văn xin Bình Vương về dự
giỗ tổ Ngô gia ở Ái châu.
Xử Bình băn khoăn, kín đáo bảo Dương
Bình Vương:
-
Bệ
hạ, hoàng tử quá nôn nóng rồi. Có nên làm ngài ấy kiềm chế lại một chút không?
-
Cứ
để mọi chuyện tự nhiên đi. Hắn cũng không còn nhỏ nữa, phải tự đối diện với thực
tế. Ta và Dương gia bao bọc che chở cho hắn quá nhiều và quá lâu rồi.
-
Nhưng
ngài ấy tâm tính còn non nớt, hành sự còn cẩu thả, lỗ mãng, việc trị quốc chưa
động tay chút nào. Quả hái non quá sẽ đắng.
-
Hắn
đã có nhi tử, còn non gì nữa. Bao bọc tốt quá khiến hắn không chịu trưởng thành.
Ngô gia muốn động tay chân cũng phải nhìn thời thế và thực lực. Ngô gia gần đây
có biến không?
-
Bẩm
không có. Nhưng ngài nên cẩn trọng vẫn hơn. Họ Ngô ngoài đích tử tiên đế bốn
người ra, có anh em Ngô Nhật Kha và Ngô Nhật Khiêm là đáng chú ý. Nhật Khiêm
làm thủ lĩnh đám quân tồn lại ở bản doanh Ngô tiên chúa khởi binh năm Mậu Tuất
(938). Sau khi tiên chúa lên ngôi thì hắn kéo họ về Đường Lâm, quê hương tiên
chúa, lập thành một nhóm vũ trang riêng của họ Ngô. Nhóm này từ trước tới giờ
chỉ khoảng 500 người. Năm ngài lên ngôi, có gây loạn nhỏ ở Ái châu. Lúc đó ngài
bận đánh Đại Lý và Nam Hán, nên ta tự quyết, thay mặt ngài cho người đi đánh dẹp.
Từ đó đến nay, nhóm binh này chỉ quanh quẩn sự vụ Ngô gia, cũng không chiêu
thêm binh mã, ta chưa có cớ dẹp bỏ. Còn người em Nhật Kha có tài thao quân đảm
lược, mấy năm nay tương đối an phận trấn giữ Lục châu. Hoàng tử vừa từ Lục châu
trở về, đã thay đổi hành xử chóng mặt. E là hắn đã có tác động.
-
Nhật
Khiêm, Nhật Kha còn đích tử nào không?
-
Nhật
Kha có bốn thê thiếp và 12 người con, trong đó có 5 nam. Nhưng 4 nhi tử đầu đều
yểu mệnh chết cả. Khi tới Lục châu, hắn cưới thêm một tiểu thư danh giá nổi tiếng
xinh đẹp trong vùng, sinh được đứa con trai thứ năm, đặt tên Ngô Nhật Khánh,
yêu chiều như mạng. Nay đứa trẻ đã gần một tuổi. Còn Nhật Khiêm có một thê tử
và bốn con, đều đã chết vì tật bệnh từ lâu. Hắn không chịu tục huyền, sau nhận
các con của em trai làm dưỡng tử.
-
Như
vậy trước mắt không lo y phản lại Xương Văn. Cứ để họ tùy ý hành động.
Năm Dương Bình Vương thứ 6 (949), nhiều
tin vui tới tấp đến với vua tôi. Đỗ nương nương sau nhiều năm chữa trị, đã đi lại
được bình thường. Thi thoảng nàng cùng nhà vua dự lễ hội với người dân các châu
huyện.
Năm ấy mùa màng bội thu. Tô thuế thu
được gấp ba, gấp bốn năm trước. Chiêm Thành cử sứ giả đến kết minh, mong có
thêm lực lượng đối chọi lại đế quốc Khmer đang mài dao bên cạnh(1). Bình Vương không muốn phật
lòng cả hai láng giềng, bèn hứa hẹn sẽ không nhảy vào cuộc tranh giành này.
Việc khai hoang đã có những kết quả đầu
tiên. Nhóm binh của Đỗ Cảnh Thạc khẩn được hơn một vạn mẫu ruộng và đất hoang,
năm nay gặt vụ mùa đầu tiên, đem dâng biếu chúa 10 xe ngựa thồ. Trong khi dẹp
phỉ rợ để san lấp rừng hoang, Thạc bị lạc và bị đám cướp kia vây đánh, chém đứt
tai trái. May mà viện binh tới cứu được một mạng. Bình Vương nghe Thạc kể, rất
lấy làm xúc động, ra chiếu khen ngợi sự quả cảm của quân tướng và những người
khai hoang nói chung, lại phong thưởng hậu hĩnh cho Thạc cùng đội quân của hắn.
Một tin vui lớn hơn. Chiến thuyền
đúng nghĩa đầu tiên của thủy quân Tĩnh Hải đã hoạt động. Sau gần 10 năm dụng
tâm cho người phục dựng, chế tạo mô phỏng lại các chiến thuyền của Nam Hán thu
được trong trận Bạch Đằng, lần thử nghiệm nào cũng thất bại; cuối cùng kiên trì
của Bình Vương đã cho quả ngọt. Chiến thuyền có cải tiến một chút cho phù hợp với
địa hình sông ngòi nhỏ và dày đặc của ta, có thể chở được 200 binh, 5 cỗ voi
kéo, và gần 100 thớ ngựa. Bình Vương và quân tướng hết sức hoan hỉ, khao quân
ba ngày. Sau lại cho đóng thêm 10 chiếc nữa, dự định 3 tới 5 năm nữa sẽ hoàn tất,
thủy quân nhất định trở thành một lực lượng hùng mạnh, ít nhất cũng phải đánh
ngang tay với thủy quân Chiêm Thành.
Vui hơn cả là hoàng tử Văn liên tục lập
công đánh phỉ rợ và Nam Hán ở Lục châu, Phong châu. Văn đã bắt đầu tự dẫn binh
đi, không cần sự phò tá của Ngô Nhật Kha. Văn cũng có thêm hai con: một trai một
gái. Chưa tới hết năm, Văn lại xin chỉ hôn với nữ nhi Đỗ gia.
Lúc này, Bình Vương bảo Tả tướng Lã Xử
Bình chuẩn bị lễ phục, định ngày sắc phong Văn làm thái tử. Nhưng Bình không
cho là nên, bèn tâu với vua:
-
Bệ
hạ, hoàng tử mới chỉ biết đánh mấy đám rợ phỉ và dăm ba tốp lính ngoại xâm vài
ngàn người, chỉ ngang tay với một bổ tướng mới lên trong quân đội của ta thôi.
Vẫn chưa thể coi là lịch lãm rèn luyện đủ. Chỉ là Ngô Nhật Kha và mấy tướng tá
họ Ngô mượn cớ được nước dâng thuyền, cố tình tâng bốc hết lời khiến văn thần
và nhiều người không biết cứ khen hay. Nay người nên cho hoàng tử thời gian rèn
luyện thêm về chính vụ, để hiểu được việc trị quốc không chỉ có cầm giáo gươm,
mà cần nhiều đến sách lược kinh bang tế thế.
Bình Vương ngẫm lại, cho là phải, bèn
lui việc này, không sớm bàn tới nữa.
Vương và Xử Bình chỉ không biết rằng,
hoàng tử Văn lúc này đã nóng ruột đến mức không muốn đợi thêm. Văn ngày ngày
lén mật đàm với ba tướng tá họ Ngô, lại thư từ cùng Ngô Nhật Khiêm, Ngô Nhật Kha
hòng tìm thời cơ thích hợp đoạt quyền.
(1) Đế quốc Khmer lúc này nằm dưới sự cai trị của Rajendravarman II, từ năm
944 tới 968. Rajendravarman II thực hiện nhiều thay đổi đáng kể khi lên ngôi: dời
đô, chuyển dần sang chế độ cai trị tập quyền, xây dựng nhiều công trình lớn, và
gây hấn với Chiêm Thành quốc (hay vương quốc Chăm pa). Sang năm 950, chiến
tranh đầu tiên đã nổ ra giữa Khmer và Chiêm Thành.