Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Luận Anh Hùng - Cheryl Pham: Chương Mười Ba - Kiến thời vận, nhận anh hùng


Chương Mười Ba: Kiến thời vận, nhận anh hùng

Tam Kha ơi hỡi Tam Kha
Anh hào trung nghĩa hay là tặc nhân?

Lúc Ngô Vương chưa thốt xong lời trăn trối, đã trút hơi thở cuối cùng mà không kịp nhìn thấy con mắt thoáng chút bối rối của hai ái khanh. Vừa đặt nhà vua xuống, kiểm tra hơi thở thấy không còn, Xử Bình lặng lẽ lắc đầu với Tam Kha. Kha kêu ngự y vào. Ngự y kiểm tra xong cũng bẩm lại “Thưa Hữu tướng, Tả tướng, Hoàng thượng đã hoăng.” Kha hỏi thêm vài thủ tục với ngự y rồi cho nhóm hầu cận chăm sóc Ngô Vương lúc trước vào và an bài, sau đó cùng Xử Bình đi tới ngự thư phòng. Xử Bình nghiêm trang nói:
-         Bệ hạ ốm lâu ngày nên hồ đồ rồi. Dương Hữu tướng, ta coi như chưa nghe thấy gì.
Thấy Tam Kha vẫn trầm ngâm tư lự không nói gì, Xử Bình sốt sắng:
-         Hữu tướng, Ngô Xương Ngập là kẻ bất tài, vô dụng, tính cách nhu nhược yếu mềm, chỉ ham mê tửu sắc, cũng chẳng có công trạng gì hiển hách. Bá tánh quần thần chỉ nhớ đến sự kiện hắn làm mất bốn châu ải Bắc mà lòng phẫn nộ. Giờ đưa hắn lên ngôi, có khác gì khiến lòng người chết tâm với triều đình. Đám hào trưởng, phỉ rợ đang nổi dậy can qua vì nhà Ngô để mất đất, nay lại đưa kẻ tội đồ lên thì ai mà chịu phục. E rằng chưa ngồi lên được dăm bữa nửa tháng, triều này sớm lại đổi chủ. Lúc đó, những gì chúng ta vừa mới bắt đầu xây dựng, cả những thứ chúng ta làm còn chưa xong lẫn xong rồi, sợ sẽ bị vua mới tức khí mà đập bỏ. Giang sơn thống nhất chưa được bao lâu, thành quả mới nhen nhúm một chút đã bị tàn phá. Những tướng lĩnh đồng cam cộng khổ với chúng ta lập ra quốc thể chưa được hưởng bao ngày thái bình, đã phải lao vào lửa đỏ. – Xử Bình chỉ tay ra cửa sổ, giọng thống thiết hơn - Ngài hãy nhìn lại đại cục bây giờ đi. Bên ngoài, Nam Hán đã ổn định triều cục, Đại Lý hùng mạnh vừa được lập ra, đế vương họ dã tâm như bão cuốn(1), nếu vua ta không đủ uy lực và thu được nhân tâm, nguy cơ ngoại bang sẽ lại cận kề. Bên trong, đám loạn dân tự xưng hùng xưng bá đòi tiêu diệt nhà Ngô nhưng chưa có kẻ nào có thực lực và danh tiếng, chỉ dùng miệng lưỡi đấu đá. Cả ngài và ta hẳn đều rõ trong lòng, Ngô Vương có thể ngồi vững ở cái ghế kia năm năm chỉ là nhờ danh tiếng uy vũ của trận Bạch Đằng. Nếu thêm mười năm, hai mươi năm nữa, ai dám nói thiên hạ này vẫn của nhà Ngô? Còn trong đám thủ lĩnh phiên trấn cát cứ nổi dậy kia, nếu giờ có kẻ nào làm chúa của chúng ta, liệu ngài và các tướng sĩ có phục không?
Nói đoạn, Xử Bình quì xuống, gục mặt dưới chân Tam Kha.
-         Cả Tĩnh Hải này, trừ ngài ra, còn ai đủ khả năng ngồi vào cái ghế kia? Xin ngài hãy vì xã tắc mà hành đại sự.
-         Ta không thể làm kẻ bất trung, bất nghĩa. – Tam Kha nhắm mắt, mệt mỏi nói. – Thiên hạ này đang là của nhà Ngô. Xương Ngập là kẻ chính danh. Quản chi hắn có tài hay bất tài. Nếu hắn chính tay để mất giang sơn, ta sẽ giết hắn trước, tế vong linh Ngô tiên chúa. Sau đó sẽ dùng hết sức mà đoạt lại đất đai cho bá tánh, trao nó cho người hiền đức xứng đáng. Chút uy vọng kia không đáng đánh đổi tấm lòng trung nghĩa của Tam Kha ta. Xử Bình đừng khuyên nữa. Ta quyết không làm ô danh Dương gia và bản thân.
Lúc này Xử Bình không kìm nổi nữa, mà rống lên khóc thống thiết:
-         Tam Kha ơi Tam Kha, ta vì bá tánh, vì quốc thổ mới cầu ngài thê thiết đến thế. Nếu ta vì Dương gia, ta hẳn đã giúp thiên hạ này mang họ Dương từ 5 năm trước, đâu cần đến bây giờ nhìn ngài e sợ cái chuyện ‘chính danh’. Nếu ta vì bản thân, ta hẳn sẽ chờ Ngập lên ngôi; không quá một năm, đất này sẽ vào tay Nam Hán hoặc Đại Lý; lúc đó quần hùng đua tranh, ngoại xâm nội đấu, ta nhìn thời thế rồi lại tới nương nhờ kẻ tài đức, tất sẽ có ngày quật khởi. Nếu may mắn trời cho chút cơ hội, ta sẽ trực tiếp dùng cái uy danh này mà lật đổ Ngập, một tay xây dựng cơ đồ. Tam Kha! Thiên hạ đâu quản ngươi họ gì. Thiên hạ đâu quản ai kẻ chính danh, ai không. Thiên hạ chỉ cần một chữ ‘an’, chỉ cần có kẻ tài đức vì trăm họ chèo chống bão tố mưa sa – một kẻ khiến họ ‘phục’. Còn với những hạng loạn thần tặc tử, chính danh hay không cũng đâu thay đổi được dã tâm lang sói của chúng. Ngô Vương có thể làm dũng tướng nơi chiến hào, nhưng về trị quốc chỉ lấy ngắn nuôi dài, nghi kị hiền tài, trọng dụng gia quyến, làm sao có thể bình được thiên hạ. Cái đức của Ngô Vương khiến xã tắc ‘an’ được 5 năm. Và cũng chỉ được như thế mà thôi. Nay ta vì một triệu thường dân đất Tĩnh Hải, không muốn thấy cảnh bá tánh lầm than, xã tắc nguy khốn bởi phương Bắc một lần nữa, nên cầu ngươi đứng ra gánh lấy thiên hạ này. Kẻ anh hùng đứng trong trời đất, há chỉ vì ngại cái chữ ‘danh’, vì sợ tiếng ô nhục mà chùn chân quay gối, chối bỏ trách nhiệm, nhìn giang sơn nhuốm máu dân mình. Lúc đó đừng nói đến danh, mà chính là tội. Thâm tâm ngươi sẽ hối hận, oán thán dũng khí kém cỏi của bản thân. Còn ta, và nghìn vạn tướng sĩ, cũng sẽ coi ngươi là kẻ tội đồ. Ngươi như thế có đớn hèn, vô dụng khác gì Ngập? Tam Kha ơi Tam Kha! Uổng thay cho ta và bao tướng sĩ một đời coi ngươi là bậc hiền tài, đức độ hơn người mà ngưỡng vọng.
Xử Bình lau nước mắt đứng dậy, phất tay áo định rời đi. Nhưng chưa kịp tới cửa, đã thấy Dương hậu mắt đẫm lệ đứng đó tự bao giờ. Dương hậu nói:
-         Lã Tả tướng chớ đi vội. Hãy cùng ở lại với ta để làm rõ ràng một số việc. Đừng nghĩ ta là người họ Dương nên sẽ cùng phe cánh với hai vị. Như Ngọc ta đã là người Ngô gia, sẽ một lòng suy nghĩ cho sự hưng thịnh của nhà Ngô. Nhưng ta thân là hoàng hậu, phải đặt trách nhiệm với xã tắc lên hàng đầu. Nay ta muốn tường tận triều cục, nhận biết an nguy cho tương lai Tĩnh Hải mà ra quyết định hợp lý. Ta cần ngài trợ giúp.
Xử Bình gạt lệ, tâu:
-         Thưa hoàng hậu, ta sẵn sàng giúp người minh tường đại cục.
Dương hậu gật đầu, đi vào ngồi lên chiếc ghế rồng lớn nhất trong thư phòng, nơi Ngô Vương thường ngồi. Dương hậu hỏi:
-         Nếu ta nhiếp chính, thì làm sao?
-         Lúc này thế nước mong manh, lòng người bất mãn, người chỉ có chính danh, lại không có công trạng thị uy và binh quyền đối trọng. Hoàng tử Ngập không phục. Văn võ bá quan không phục. Các thủ lĩnh nổi dậy không phục. Ba hoàng tử nhỏ sẽ nguy. Trừ khi, - Xử Bình nhìn Tam Kha vẫn đang im lặng – Dương gia đứng ra đảm bảo phần binh quyền và tài lực. Nhưng như thế ‘chính danh’ sẽ bị đem ra đấu tố cho đến khi người mất nốt chính danh. Các mối đe dọa sẽ vẫn không đổi. Nhưng nhờ có Dương gia, người và ba hoàng tử có thể bảo toàn tính mạng. Chỉ e lúc đó thiên hạ đã không còn là của nhà Ngô tự bao giờ.
-         Nếu là Xương Văn?
-         Cũng như vậy. Nhưng cuộc chiến của hai hoàng tử sẽ khốc liệt hơn. Thành quả của Ngô tiên chúa sẽ bị phá hủy nhanh hơn.
-         Vì sao có thể? Xương Văn là đứa trẻ hiểu biết tri thức lễ nghĩa, trọng tình cảm. Xương Ngập cũng không phải kẻ uyên bác, lắm mưu nhiều kế, lòng dạ rắn rết.
-         Đó mới là gốc rễ của vấn đề. Hoàng tử Văn trọng tình cảm mới chỉ học đến tam thư ngũ kinh. Hoàng tử Ngập đơn thuần, nông cạn đến giờ chỉ được dạy đánh trận. Giống như hủ nho với mãng phu. Là ai thì thiên hạ này cũng sẽ vào tuyệt cảnh.
-         Như vậy chỉ có thể là Dương Hữu tướng chấn trụ?
-         Đúng vậy. Ở Tĩnh Hải này, nếu còn ai khác thì hẳn đã cướp ngôi nhà Ngô.
-         Nhà Ngô thực sự không còn có thể cứu được nữa?
-         Không thể. Trừ khi, - Xử Bình do dự, nhìn Tam Kha.
Lúc này Kha mới lên tiếng:
-         Trừ khi ta trả lại nó cho họ Ngô.
-         Tam Kha! – Xử Bình thốt lên mừng rỡ, lệ nóng lại tuôn trào. Lần này Bình vái Tam Kha ba vái thật sâu. – Thay mặt bá tánh trăm họ Tĩnh Hải, đa tạ Dương Hữu tướng đã đứng ra gánh vác xã tắc lúc gian nguy.
Dương hậu gạt lệ, đứng dậy nói với Kha:
-         Dương Hữu tướng, giang sơn lúc này, nhờ cả vào khanh.
-         Thưa hoàng hậu, - Kha tâu – ta thân là hữu thừa tướng, một lòng một dạ phụng sự sự nghiệp của Ngô tiên chúa. Nay lúc gian nan, ta đứng ra dốc sức vì người trông nom xã tắc. Ta không tuân theo ý chỉ của tiên chúa là bất trung, tiếm ngôi của mẹ góa con côi là bất nghĩa. Dẫu mang tiếng bất trung bất nghĩa với hậu thế, Kha ta cũng chấp nhận, để gánh vác đại nghiệp này. Hậu hãy dành tâm sức dạy dỗ Xương Văn. Đến lúc hoàng tử có thể tự lập công trạng, ta sẽ giao lại binh quyền.
-         Đa tạ Dương Hữu tướng. Có lời này của Hữu tướng, ta đã yên tâm rồi.

Lúc chỉ còn lại hai người, Xử Bình kín đáo bảo Tam Kha:
-         Dương Hữu tướng hãy nghĩ lại. Ta thật tâm trân trọng mến mộ tài đức của ngài, nên sẽ hết lòng giúp ngài mưu đại sự. Với tài năng và uy vọng của ngài, ngày Tĩnh Hải mau chóng ổn định và thịnh trị không còn xa. Nhưng nếu để lại huyết mạch Ngô Vương, ta e rằng công sức ngài bỏ ra chưa chắc đã được báo đáp, lại mang họa diệt thân, diệt tộc.
-         Ta hiểu việc mình muốn làm. Xử Bình, ta biết ông muốn tốt cho ta và Dương gia. Nhưng mỗi người đều có một vài chấp niệm. Ta không thể vượt qua chấp niệm đó. Ta không thể quá phận. Thế này đã là giới hạn cuối cùng của ta rồi. Ta nghĩ cha ta, đại ca, và Ngô tiên chúa ở trên trời cao sẽ minh giám cho tấm lòng trung nghĩa của ta.
-         Tam Kha ơi Tam Kha, nếu còn Dương Nhất Kha, thiên hạ này không có chỗ cho họ Ngô. Nay ngươi nghĩ một mà không tính đến ba, bốn. Ngô gia mang lòng uất hận sẽ ngấm ngầm chờ cơ hội đâm ngươi một dao, không phục vị cũng rửa được đại hận. Bây giờ Dương hậu có thể trấn trụ các hoàng tử nhỏ. Nhưng vài năm nữa, ngươi có dám chắc Xương Văn, Nam Hưng, Càn Hưng không khởi binh tạo phản, lấy đầu ngươi cúng tế tiên chúa?
-         Nếu có một ngày như thế, chứng tỏ các cháu ta đã trưởng thành, ta có thể yên lòng giao trả binh quyền lại cho họ Ngô, hoàn thành giấc mộng của tiên chúa. Ta chờ đến ngày đó.
Xử Bình lắc đầu thở dài. Sau một lúc, Bình cố dằn lòng, nói thêm:
-         Hữu tướng, ta không lo Dương hậu. Nhưng Xương Ngập e chính là cái họa trước mắt.
Kha điềm tĩnh đáp:
-         Người như hắn có giao cho toàn bộ binh lực vào tay cũng chẳng dám làm gì ta.
-         Hắn thì không thể, nhưng những kẻ có dã tâm khác thì có thể. Kiều Thuận mấy tháng nay không ngừng tặng hậu lễ hòng tiếp cận hắn.
Kha gật đầu:
-         Ta biết phải làm thế nào.

Tin Ngô Vương qua đời nhanh chóng được loan báo tới bá tánh 8 châu. Lễ phát tang bắt đầu sau đó hai ngày. Kha và Xử Bình bàn bạc cùng Dương hậu đưa Quyền về an táng tại Ái châu quê nhà.
Trước lễ phát tang một ngày, trong buổi thiết triều đông đủ bá quan văn võ, Dương hậu uy nghiêm tiến vào ngự cạnh ghế rồng, bình thản ra thông báo:
-         Các khanh, hoàng thượng trước lúc ra đi còn đau đáu cảnh xã tắc vẫn loạn lạc, quần hùng cát cứ nổi dậy. Người đã giao lại cho Dương Hữu tướng chủ trì đại cục, hy vọng Hữu tướng sáng suốt, dùng tài cao đức độ của mình cảm hóa, bình định loạn dân. Các khanh có ý kiến gì không?
Triều thần nhìn nhau, thầm hiểu thời cuộc đã định, không ai lên tiếng. Xử Bình đứng ra tâu:
-         Tâu hoàng hậu, bệ hạ thánh minh, đã chọn được người hiền đức kế tục sự nghiệp của ngài. Chúng thần xin hết lòng phụng sự Dương Hữu tướng ổn định xã tắc, mang lại hưng thịnh cho giang sơn trăm họ. Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!
Văn võ cùng triều ủng, đồng thanh hô vang “Vạn tuế!”. Chỉ đám quan tướng họ Ngô lòng như lửa đốt. Một võ quan xộc ra hét lên:
-         Ta không tin! Bệ hạ không thể dâng cơ nghiệp này cho Dương gia. Ta không tin! Ta muốn có bằng chứng!
-         To gan! – Dương hậu quát – Ai cho ngươi dám đứng giữa triều mà phỉ báng hoàng thượng anh minh? Đừng cho ngươi là người họ Ngô mà càn rỡ. Hoàng thượng một lòng vì bá tánh, há chỉ vì một gia tộc sao. Các ngươi thân là thần tử, không giúp ngài phân ưu, lại đứng đây múa lưỡi chỉ trích tấm lòng ưu dân ái quốc của ngài.
-         Hoàng hậu tiếm quyền cho Dương gia của người. Ta không phục. Không phục!
-         Mãng phu to gan! – Xử Bình nạt nộ - ngươi nhìn xem tiên chúa mới dựng nước chưa được bao lâu, đại cục chưa ổn định, loạn dân nhũng nhiễu, tặc phỉ hoành hành, những kẻ mang nghịch tâm vẫn múa kiếm dương oai, bên ngoài Nam Hán lẫn Đại Lý đều đang nhăm nhe thôn tính thổ quốc ta. Giờ họ Ngô còn ai có thể đứng ra gánh vác triều cục trong lúc gian nan này? Trưởng hoàng tử vô dụng bất tài, thứ tử và các hoàng tử khác đều còn nhỏ chưa có uy danh và quân công trấn trụ. Cả Tĩnh Hải này còn ai ngoài Dương Hữu tướng có khả năng bình ổn đại cục?
Mấy vị văn thần, võ bị đồng cánh Dương gia đều gật gù. Đám người họ Ngô dù bất bình nhưng đuối lý, cũng không dám càn rỡ, ngoài mặt vẫn bảo trì bình tĩnh. Lại thấy Tam Kha đứng ra, cất giọng sang sảng:
-         Ta, Dương Tam Kha, thân là Hữu thừa tướng, phụng mệnh Ngô tiên chúa, từ nay sẽ thống lĩnh đại quân và triều thần, nguyện dùng cả tính mệnh mình để ổn định Tĩnh Hải. Ta nối nghiệp tiên chúa, không cầu danh vọng quyền thế, chỉ một lòng trung nghĩa vì đại nghiệp tiên chúa chưa thành mà gắng công xây tiếp, nguyện có trời cao chứng giám. Nay có quần thần tề tựu đông đủ làm chứng, Kha ta nhận thứ hoàng tử Ngô Xương Văn làm dưỡng tử, một lòng dốc sức dạy dỗ thành tài, kế thừa sự nghiệp hưng thịnh trăm năm của Ngô tiên chúa. Nếu ta ăn ở hai lòng, làm trái lời trên, tướng sĩ hãy thay trời hành đạo, cho Ngô gia một cái công bình, Kha ta cam tâm chấp nhận không oán thán.
Tam Kha đường hoàng bước lên ngôi rồng. Dương hậu lui xuống, cùng các bá quan bái lạy và hô vang “Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!”
Ngày hôm sau, ngay sau lễ phát tang Ngô Vương, Dương Hữu tướng Dương Tam Kha chính thức tuyên bố kế vị, lấy hiệu là Dương Bình Vương, nhận thứ tử của Ngô Vương Ngô Xương Văn làm dưỡng tử. Lúc này Kha 32 tuổi.
Không có chính biến hay bạo loạn như đã dự tính, nên đội cấm quân và thiết kỵ bọc trong bọc ngoài cấm thành ba vòng của Phạm Bạch Hổ và Dương Thế Hiển chỉ ở lại dự phòng trong thành Cổ Loa thêm một tháng rồi quay về vị trí cũ ngoài thành. Đám người họ Ngô lúc trước lòng đầy bất mãn, nhưng binh quyền không đủ, danh tiếng không bằng, hậu thuẫn cũng chẳng có; ngẫm lại thời thế, quả thật họ Ngô chỉ có chính danh mà không có thực lực, trước sau đều không thể thoát khỏi bàn tay nhào nặn của Dương Bình Vương và Dương gia. Mấy kẻ không cam lòng của Ngô gia âm thầm ngồi lại tính toán các nước đi cần thiết, chờ ngày phục hận đòi lại giang sơn.
Cũng ngay trước ngày phát tang, một nhóm khoảng 500 binh do Nguyễn Thủ Tiệp dẫn đầu bí mật nhanh chóng đi tới Phong châu bắt trưởng hoàng tử Ngập. Nhưng đến nơi thì quân doanh báo hoàng tử Ngập đã về Cổ Loa chịu tang cha từ tối hôm trước. Biết có khả năng bị lộ, Tiệp cho người âm thầm chốt chặn, lùng tất cả các ngả về Cổ Loa. Sau hơn bốn tháng vẫn không thấy tăm tích, đành thu quân.

Kiệu quàn linh cữu Ngô Vương được đích thân Dương Bình Vương và Lã Tả tướng đưa về tận châu Ái. Trụ trì chùa Linh Thiên Tự - ngôi cổ tự lớn nhất Cổ Loa thành lúc bấy giờ - đại sư Uông Tịnh, cùng các tăng ni phật tử được mời đến cầu an, vì lúc sinh thời, Dương hậu hay lên chùa cầu nguyện cho Ngô Vương và trăm họ. Người đưa tiễn chật cả hai bên đường. Người già khóc than, thanh niên tiếc nuối, con trẻ ngẩn ngơ. Nhiều hào trưởng, thủ lĩnh địa phương cũng lập đàn tế cho người anh hùng vĩ đại của thổ quốc đã về với cát bụi. Mới có 5 năm nên chiến thắng oanh liệt Bạch Đằng vẫn sống động như hôm nào trong tâm trí mọi người. Tưởng cuộc sống toan tính thường nhật và những rối loạn, nhũng nhiễu dưới thời Ngô Vương cai trị khiến người ta mệt mỏi mà quên mất, nay nhân sự kiện này lại sôi nổi phẩm bình, lật lại những chiến tích huy hoàng năm xưa.
Dương hậu và Đỗ phi khóc hết nước mắt. Đỗ phi trong lúc đưa tang, vì sức yếu đã thổ huyết không ngừng mà kiệt sức, nên đành ở lại Cổ Loa. Dương hậu mạnh mẽ hơn, vẫn cùng ba con đưa Ngô Vương tới nơi an nghỉ cuối cùng, sau ở lại Ái châu thêm một năm nữa, trừ hoàng tử Văn. Văn chỉ chịu tang trăm ngày cha, sau đó trở lại Cổ Loa đèn sách dưới sự kèm cặp trực tiếp của Tam Kha và Xử Bình.
Có người cháu Ngô Xương Tỷ, lúc đứng bên kiệu quàn Ngô Vương nhìn mọi người than khóc vật vã, vẫn tỏ ra bình thản, xa lạ, tư dung xuất thế khác người, gây ấn tượng mạnh với Uông Tịnh. Sau lễ an táng, sư thầy gặp Dương hậu và trưởng lão Ngô gia nói chuyện, xin mang đứa bé về chùa dạy dỗ. Chưa được ai đồng ý, đứa bé đã lẳng lặng đến bên kéo áo cà sa của sư thầy, từ đó không chịu buông tay. Mọi người đành để nó theo đại sư lên cửa Phật. Nghe nói sau này tu ở chùa Phật Đà.(2)
Tưởng nhớ công đức của Ngô Vương, Bình Vương cho người xây miếu thờ tại châu Ái. Nàng Đỗ Thẩm Lan xuân sắc của năm xưa giờ đã héo mòn vì những tranh đấu nơi hậu cung, chỉ còn một thân một mình, bèn xin Bình Vương cho về trông miếu thờ này. Nàng trông được gần năm năm thì cũng bệnh tật mà hương tiêu ngọc vẫn, được an táng trong khu quần mộ nhà họ Ngô. Còn Dương hậu, phải gần 20 năm sau mới về với cát bụi, cùng nàng bầu bạn bên tiên chúa.
Một bậc anh hùng, cường giả nghịch thế, từng uy chấn thiên hạ, cuối cùng cũng trở thành thiên cổ. Gió mưa vần vũ, thời cuộc xoay vẫn, mà lịch sử thì vẫn tiếp tục. Tới phiên một anh hùng khác bước lên vũ đài.

Người ta nói rằng, ngày Dương Bình Vương lên ngôi, mây trắng bồng bềnh, nắng vàng rực rỡ, ráng chiều vàng như mỡ gà, báo hiệu một giai đoạn thái bình, yên ổn. Người dân vẫn còn nhớ tới vị mãnh tướng uy dũng, khôi ngô, cầm thương xông thẳng vào thành Đại La năm nào. Cũng chàng trai này chính là người chém Tiễn, diệt Thao, báo thù cho cha (3). Bá tánh nơi nơi hỉ hả kể chuyện truyền kỳ về ngài, thêu dệt mối tình son sắt của phu thê ngài khắp trong ngoài thành.
Cái chết của tiên chúa(4) khiến không khí ở Cổ Loa và Đại La có phần trầm lắng hơn, nhưng vẫn không mất đi vẻ xô bồ, huyên náo thường nhật. Người dân vẫn phải sống. Các gia tộc vẫn phải lo khai chi tán diệp. Dù bá tánh có tiếc thương cho người anh hùng danh vang như núi, nhưng đại nghiệp chưa thành của ngài có một hậu nhân trí dũng song toàn, danh tiếng lẫy lừng không kém kế tục; nên không ai cảm thấy cần phải bỏ thêm nhiều tâm trạng hơn nữa cho đại cuộc.
Người ta nói rằng, Dương Bình Vương thâm tình đại nghĩa, chí công vô tư, không lập hậu, chỉ nhận con của tiên chúa làm con nuôi, chờ ngày hoàn trả vương quyền. Anh hùng vì nghĩa lớn, không bị danh lợi làm u mê, đáng khen thay. Tang tiên chúa phát một tháng trong thành Cổ Loa, vẫn không động binh đao với người Ngô gia và đám nghịch tâm, khảng khái thay.
Dương gia ở Ái châu cũng không phát lễ ăn mừng như Ngô gia đã làm trước đó. Thế gia mấy trăm năm hành xử tất có chỗ hơn người.
Dương Bình Vương vừa lên ngôi chưa đầy ba tháng đã đánh cho đội quân rình rập của Lưu Thịnh và Thần Vũ Đế(5) tan tác, khiến cả Nam Hán lẫn Đại Lý đều im hơi lặng tiếng một thời gian dài. Nhà vua mau chóng bổ sung quân lực, tăng cường xây dựng thủy binh, xung thêm voi chiến, ngựa, giáp, khiến đội binh mã của Tĩnh Hải sau một năm đã không thể khinh nhờn. Triều đình bắt đầu để mắt chấn chỉnh nội các tới tận cấp huyện, cấp thôn; không để phú hào, ác bá tranh hùng như trước. Nhà vua lại phát tâm, khuyến khích dân chúng khai khẩn đất hoang, làm đường sá, cầu, cống; khiến đời sống nhà nhà có cơ hội thay đổi tốt đẹp hơn.
Đám hào trưởng nghịch tâm lẫn thủ lĩnh giang hồ nhìn biến đổi thời cuộc, biết vận mình chưa tới, chỉ đành khua môi múa mép, chiêu binh mãi mã, tích cóp lương bạc, thi thoảng nổi dậy đánh vài trận nhỏ lẻ với nhau hòng ra oai thanh thế, tranh giành lãnh địa. Thiên hạ được an hưởng cảnh thái bình, no ấm hiếm hoi sau mấy trăm năm binh đao loạn lạc.

Nhưng sử sách phong kiến với tư tưởng hủ Nho ghi lại cho hậu thế những lời cay nghiệt hơn nhiều.
Đuổi con vua để tự lập làm vua, đó là tội lớn đối với nước, còn như việc nhận con của vua làm con nuôi của mình và ban cho cả thực ấp nữa, thì đấy chỉ là ơn riêng đối với một nhà. Dương Tam Kha dám đuổi Ngô Xương Ngập để tranh đoạt ngôi vua, đó là bề tôi phản nghịch, theo nghĩa thì quyết không thể tha tội chết.”(6)
“Tam Kha là kẻ gian thần mà đuổi con đích của vua để cướp ngôi, lấy Xương Văn làm con mình, chẳng qua là lời lẽ che đậy giả dối, ai mà biết được?”(7)
Hơn nghìn năm sau thế nhân mới công tâm hơn trong đánh giá hành xử của Dương Tam Kha. Về tình về lý, các sử gia đều cho rằng Kha đang cố giữ vương quyền nhà Ngô cho người hiền tài xứng đáng hơn – là cháu mình, nên vẫn để giai đoạn cai trị của Kha thuộc triều đại nhà Ngô.


(1)     Vương quốc Đại Lý được Đoàn Tư Bình dựng nên năm 937 dựa trên việc đánh chiếm các lãnh thổ của Nam Chiếu. Lãnh thổ này ở phía tây bắc Tĩnh Hải đương thời.
(2)     Ngô Xương Tỷ(933-1011), tu ở chùa Phật Đà, làng Cát Lợi, Thường Lạc, nay là Vệ Linh, Sóc Sơn, Hà Nội; sau này qui y cửa Phật, gọi là Tăng Thống Ngô Chân Lưu, được Đinh Tiên Hoàng ban danh Khuông Việt đại sư năm 971. Khuông Việt đại sư là vị thiền sư được phong Tăng Thống đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, tài năng nhiều mặt, phụng sự đắc lực cho triều Đinh và Lê sau này.
(3)     Có nhiều tài liệu cổ ghi lại chính Tam Kha là người chém chết Lưu Hoằng Thao. Ví dụ, trong bộ Thiên gia thi vựng tuyển có câu “Trảm Hán Hoằng Tháo tiết phụ cừu”; trong Thần tích đền Cổ Lễ và câu đối đền Cổ Lễ có câu “Trảm diệt Hoằng Tháo, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong”.
(4)     Cách gọi nhà vua, hoàng thượng, tiên chúa được dùng lẫn lộn. Ở thời này chưa có sự phân biệt rõ ràng như sau này, nhà vua xưng ‘vương’, dân gian và sử sách gọi là chúa hoặc vua. Nhưng sau này, thì vua và chúa có khác biệt rõ rệt. Ví dụ, vào thời Lê – Trịnh: vua – xưng là ‘hoàng đế’ - cao nhất không có thực quyền, chúa – xưng là ‘vương’ – nắm giữ mọi binh quyền và nội các.
(5)     Thần Vũ Đế là tên hiệu của Đoàn Tư Bình. Cũng vào cuối năm 944 này, Thần Vũ Đế mất, con là Đoàn Tư Anh lên nối nghiệp chưa đầy 1 năm lại bị chú Đoàn Tư Trụ chiếm ngôi. Trong lịch sử 316 năm tồn tại, các vua của Đại Lý đều không ngừng xua quân xung đột hòng thôn tính nước ta (Tĩnh Hải, sau này là Đại Cồ Việt, rồi Đại Việt).
(6)     Trích trong Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Văn Hưu.
(7)     Lời của sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư.




Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Luận Anh Hùng-Cheryl Pham: Chương Mười Hai - Cầu bất đắc



Chương Mười Hai: Cầu bất đắc

Anh hùng cũng có lúc nản lòng thoái chí

Ngô Vương phong thưởng hậu hĩnh cho Tam Kha, lại hỏi:
-         Sao không thể đánh tiếp?
Kha đáp:
-         Địa thế Vũ An và ba châu kia cực kì hiểm trở, canh phòng cẩn mật, binh thường trú đông gấp ba lần quân ta, không dễ chiếm lại như Lục châu. Quân ta khó đi vào do thám tình hình. Bốn châu đó đa số đều là người Hán và dân du mục, man di, không thần phục bất kì ai, cũng không coi mình là chủ đất ấy, ai mang lương bạc tới đều hoan nghênh; thứ sử ngày trước cũng thân phương Bắc, Nam Hán chưa đánh đã hàng. Thành Vũ An có gần một vạn binh Nam Hán tinh nhuệ, được phía Vũ Nga và Thang châu tiếp viện thuận lợi, lại dễ đổ thủy binh từ Hải Môn sang. Nếu tiến tiếp, ta tất sẽ bị diệt sạch.
Ngô Vương gật đầu, đăm chiêu một lúc, rồi hỏi toàn bộ văn võ bá quan:
-         Vậy bây giờ phải làm sao?
Lúc này, người muốn đánh tiếp, kẻ xin thôi. Hữu tướng Tam Kha muốn đánh:
-         Đất đai của tổ tiên không thể để mất một tấc. Triều ta vừa dựng, nếu hòa, nhân tâm sẽ suy, suy tất biến. Ta chỉ xin bệ hạ 1 vạn binh để cầm cự trong ba tới năm năm trước mắt. Nếu thời cơ tới, hoặc khi triều ta tích đủ lương bạc, ta sẽ công thành đòi lại đất.
Tả tướng Xử Bình tâu:
-         Bệ hạ, nếu cứ giằng co hay đánh tiếp, tất ta sẽ không lợi, vì ta không có lương nhiều, binh mạnh như Nam Hán, hơn nữa Lưu Thịnh(1) cũng là kẻ tàn bạo, liều lĩnh, không từ thủ đoạn làm việc thất đức. Bốn châu này đều nghèo khó nhất Tĩnh Hải, không bao giờ thu được tô thuế cho triều đình, lại phải mất sức người sức của đi dẹp loạn phỉ rợ và ngoại bang. Trong tình hình Tĩnh Hải ta mới lập quốc được vài năm, đang khó khăn chồng chất, lương bạc khan hiếm, dân nhiều nơi còn chưa thần phục, ta nên hòa để dành sức thu phục người của 8 châu còn lại đã.
Lần này Tả, Hữu tướng không đồng thuận, khiến Ngô Vương phải mất vài ngày suy nghĩ. Ngô Vương ân chuẩn tạm ngừng chiến và yêu cầu hòa đàm. Quần thần dù có người bàn ra tán vào, nhưng đa số ngẫm đi ngẫm lại vẫn thấy Ngô vương hợp lý.
Một tháng sau, bên Nam Hán phúc đáp đồng ý. Hòa đàm sẽ tổ chức tại dinh thứ sử Lục châu. Sứ giả của Nam Hán được mang 100 binh bảo vệ. Phía Tĩnh Hải, Ngô Vương cử Tô Khải Minh – một lão văn thần tinh quái, từng trải qua nhiều đời phụng sự từ Khúc gia, Dương gia, Kiều gia tới Ngô gia – dẫn đầu phái bộ, đầu tháng 12 lên đường. Trưởng hoàng tử Ngô Xương Ngập làm phụ tá cho Tô Hải Minh, đồng thời lãnh trách nhiệm bảo vệ sứ đoàn, coi như lấy công chuộc tội.
Hòa đàm diễn ra chóng vánh. Nam Hán nội bộ đang lục đục tranh đấu gay gắt, Lưu Thịnh không có nhiều tâm trí, đang muốn thu binh, nên sẵn sàng trả 10 vạn lượng bạc đổi lấy đình chiến trong 10 năm. Còn Tĩnh Hải quân chấp nhận bàn giao 4 châu Thang, Chi, Vũ Nga, Vũ An.
Ngô Vương đồng ý kết quả này.
Tháng giêng năm Tiền Ngô Vương thứ sáu (944), Ngô vương cho ra thông cáo với quần thần, bốn châu kia lòng người bất nhất, thân Hán phản Ngô, nhà vua tạm bàn giao cho Nam Hán để tiện việc phòng thủ.
Kiều Thuận và bè lũ Kiều gia, tàn dư Khúc gia, như chộp được cơ hội ngàn năm có một, vu cáo Ngô Vương tham bạc mà bán rẻ giang sơn xã tắc. Lời lẽ đoan chính, thống thiết, khiến lòng người sục sôi bất mãn. Hào trưởng, thủ lãnh các nơi nhân cơ này nổi dậy khắp nơi. Đám Trần Lãm, Lý Khuê, Nguyễn Siêu trước kính phục Quyền bao nhiêu, thì giờ cũng mài dao mài kiếm, chiêu binh mãi mã, tuyên bố sẽ đòi lại đất, lật đổ nhà Ngô.
Quyền nghe tin, tức đến thổ huyết ngất đi. Từ đó, ốm liệt giường không dậy nổi.
Hữu tướng Dương Tam Kha phải bận rộn chia binh đi dẹp loạn khắp nơi. Nguyễn Thủ Tiệp dẹp Nguyễn Siêu, Dương Cát Lợi dẹp Lý Khuê, Kiều Tri Hựu dẹp Trần Lãm, Ngô Xương Ngập dẹp Kiều Thuận…

Trong những kẻ bất mãn nổi dậy có Đinh Bộ Lĩnh, con trai tướng quân Đinh Công Trứ. Chàng thiếu niên ngày nào giờ đã là một nam tử tuổi 20 cường tráng, võ nghệ siêu quần, một mình địch được chục trai làng. Lĩnh manh nha chiêu binh nổi dậy ở Hoa Lư, sau bị Tam Kha cho người đến dẹp. Kha lúc này không thể không để mắt đến Lĩnh, cho người đến chiêu dụ về làm thân tín, nhưng bị Lĩnh khảng khái từ chối, vì không muốn phụng sự Ngô vương.
Một bất ngờ nữa. Kiều Thuận xin hàng phục Ngô Xương Ngập. Y thậm chí còn kêu gọi các hào trưởng khác ở Phong châu đầu thuận Ngập. Thuận tiến cống Ngập nhiều rượu ngon và gái đẹp, mong kết minh hữu với trưởng hoàng tử. Ngập nhận lễ, nhưng từ chối kết minh.
Bệnh tình của Ngô vương cũng không phải là điều gì bí mật. Từ sau Tết, thấy nhà vua không thể thiết triều, mọi việc đều do Tam Kha và Xử Bình xử lý, các quần thần bắt đầu nghĩ đến tình huống xấu nhất. Đám quan binh và các gia tộc đua nhau đón hướng gió, chia làm hai phe rõ rệt dần. Một đầu nhập Dương gia. Một đi xu nịnh, kết minh với trưởng hoàng tử. Ngập nhận được rất nhiều lễ hậu, nên lòng cũng đầy cảnh giác.

Lại nói Ngô Vương, vô cùng nản lòng thoái chí. Nghĩ mình cả đời đánh ngoại bang, dẹp phỉ rợ, lập quốc an dân, một lòng vì bá tánh trăm họ, mà vẫn không khiến thiên hạ tâm phục. Nay thương thế, bệnh tật đầy mình, chắc khó còn cơ mưu đồ bá nghiệp. Lại nhìn nhà Ngô vừa dựng chưa được sáu năm, còn quá non yếu, thù trong giặc ngoài. Nội lực Ngô gia cũng chưa đủ mạnh. Trưởng tử Xương Ngập có chút quân công nho nhỏ, nhưng cũng tài hèn trí mọn, hấp tấp nên đầy sai lầm. Thứ tử Xương Văn mới 13, chưa can qua binh đao loạn lạc, tâm trí lại thuần hậu, từ bi, khó mà thành đại sự. Hai con trai Nam Hưng và Càn Hưng còn chưa tới 10 tuổi, trước mắt không thể cậy nhờ. Bề tôi trung như Tam Kha, Xử Bình cũng chưa dốc hết sức ủng hộ. Chưa kể sau lưng Tam Kha và Xử Bình là Dương gia thanh thế ngút trời hàng trăm năm nay, lúc nào cũng sẵn sàng thế chỗ họ Ngô. Còn những kẻ khác chỉ chăm chăm vun vén cho lợi ích bản thân và gia tộc, ai làm vương với chúng có khác gì nhau. Muốn bảo toàn cho nhà Ngô giờ khó lắm thay. Ngô Vương nằm trên giường bệnh mà nuốt ngược nước mắt.
Suy đi tính lại mấy tháng trời, Quyền quyết định đặt cược vào Dương Tam Kha. Nói cho cùng, Kha là kẻ tài trí hơn người, công lao hiển hách, trung chính ngay thẳng, đức độ sáng suốt, người duy nhất sánh ngang với Ngô vương đương thời. Nhưng Kha lại không có dã tâm đủ lớn, vì thế mới đầu nhập rồi bái Quyền làm minh chủ. Nhờ có Kha áp chế mà Dương gia giã tâm bừng bừng cũng phải thu mình lại. Giai đoạn khó khăn sắp tới, họ Ngô chỉ có thể tồn tại nếu được Kha tương trợ. Còn sau này thế nào, đành dựa vào phúc phận con cháu Ngô gia. Quyền thầm ra vài cân nhắc cuối cùng, mà không biết rằng, cả đời nhìn Kha làm trung thần ái tướng, duy chỉ lần này cược sai.

Cuối tháng năm, sau vài lần thổ huyết nặng, thuốc cũng không còn tác dụng, biết không thể trụ được lâu hơn, Quyền nhìn thê tử túc trực bên mình mỗi canh giờ, dung nhan yêu kiều giờ đã hốc hác, khó nhọc nói với Dương hậu:
-         Từ lúc nạp Đỗ phi, nàng không còn cười, không còn múa kiếm, thưởng trăng với ta nữa. Ta biết nàng đau lòng. Là ta thân bất do kỷ. Như Ngọc, lòng ta chỉ có mình nàng.
-         Thiếp hiểu, thiếp chưa bao giờ oán trách chàng. – Dương hậu rơi lệ thiết tha nói.
-         Ta biết nàng đã cho Đỗ phi dùng thuốc.
-         Là thiếp ích kỷ, không lo khai chi tán diệp cho hoàng thượng, xin người trách tội.
Dương hậu thống thiết khóc, dù trong lòng không hề thấy ân hận. Người phụ nữ nào ở địa vị nàng cũng phải hành xử như vậy thôi. Còn Ngô Vương, lúc này cố ý nói ra điều đó chỉ hòng khiến nàng chột dạ, thấy có lỗi. Sau này, nếu có phải băn khoăn giữa cán cân Dương gia và Ngô gia, nàng sẽ mang chút áy náy ấy phục vụ cho nhà Ngô.
Ngô Vương lại ho ra máu. Sau một hồi ngự y và người hầu vật vã bôi thuốc, cầm máu, lau chùi sạch sẽ, Ngô Vương thì thào lệnh gọi Tả tướng, Hữu tướng.
Tam Kha và Xử Bình tiến vào. Trong tẩm cung rộng lớn, Ngô Vương kiêu hùng năm nào đã nằm liệt giường, bệnh tật ăn mòn da thịt đến hốc hác, phù trũng mặt mũi. Người khác được lệnh ra ngoài hết. Ngô Vương ngước mắt nhìn hai trung thần, khẽ ra hiệu họ lại gần giường, thều thào nói:
-         Hai khanh là những người ta tin tưởng nhất. Hãy giúp ta ổn định triều cục.
Lại cầm tay Tam Kha, giọng đã nghẹn ngào:
-         Tam Kha, chúng ta đã kề vai sát cánh chiến đấu bên nhau hơn hai chục năm trời. Từ khi khanh chỉ là cậu bé 7 tuổi non nớt, giết tên phỉ đầu tiên còn run rẩy. Nay khanh đã là vị Hữu tướng thâm trầm bình tĩnh, được người người ngưỡng mộ với bao công trạng hiển hách. Ta thật vui mừng thay. Nay ta sức cạn, sắp phải sang bên kia gặp Dương lão tướng quân, mong khanh hãy nhiếp chính, hết lòng phò giúp nhà Ngô…
Nói đến đây, Ngô Vương lại thổ huyết nặng. Xử Bình lấy khăn lau miệng, còn Kha vuốt vuốt ngực hoàng thượng cho dịu bớt cơn ho. Ngô Vương tìm lại chút hơi tàn, nặng nhọc gắng sức giữ chặt tay Kha nói:
-         Khanh giúp ta lập Xương Ngập làm thái tử, giúp…
Không đợi Kha và Xử Bình nói đồng ý, Ngô Vương đã băng hà.
Tháng 5 năm Tiền Ngô Vương thứ sáu (944), Ngô Vương Ngô Quyền mất vì bệnh tật, thọ 47 tuổi, trị vì được 5 năm.


(1)     Lưu Nghiễm (Nam Hán Cao Tổ) đã mất tháng 4 âm lịch năm 942. Người con thứ ba Tần vương Lưu Hoằng Độ kế vị, làm Nam Hán Thương Đế được một năm, thì bị Lưu Hồng Hi ám sát chiếm ngôi. Hồng Hi đổi tên thành Lưu Thịnh, sau đó giết sạch hết các hoàng tử anh em vì lo sợ bị cướp ngôi.




Luận Anh Hùng-Cheryl Pham: Chương Mười Một - Anh Hùng sa cơ



Chương Mười Một: Anh Hùng sa cơ

Anh hùng sa cơ, anh hùng hận

Sang năm Tiền Ngô Vương thứ ba (941), thấy tình hình Tĩnh Hải minh tranh ám đấu, nội loạn chưa dứt, vua mới giỏi đánh giặc nhưng chưa thấy tài trị quốc; mặc triều thần tranh cãi phản đối, hoàng đế Nam Hán Lưu Nghiễm lúc này không chờ đợi nữa, cho tướng Lý Tẫn trấn ải biên giới với Giao châu yếm trá công thành. Nghiễm cho Tẫn thêm 2 vạn binh, mặc sức tự tung tự tác.
Trước đây Tẫn thi thoảng vẫn cho quân lén xâm nhập Tĩnh Hải do thám tình hình. Mấy lần đã bị đánh tơi bời. Lần này được hoàng đế ra mật thư làm hiệu, Tẫn như mở cờ trong bụng, được nước lấn tới. Y lời hoàng đế, Tẫn bắt liên lạc được với Kiều Thuận đang đồn trú ở Hồ Hồi, Phong châu, chi viện lương bạc để có thêm tin tức và nội gián.
Tháng 5, tin khẩn báo về Cổ Loa. Tướng trấn thủ biên giới phía bắc Hồ Bình thất thủ, đã bị chém chết. Nam Hán ồ ạt chiếm được liên tiếp 3 châu: Thang, Chi, Vũ Nga.
Bá quan trong triều đều phẫn nộ, chửi rủa Hoàng đế Nam Hán bỉ ổi hèn hạ. Ngô Vương phong hoàng tử Ngô Xương Ngập làm Tây Bắc tướng quân, dẫn 1 vạn binh ra trận. Trước khi lên đường, Ngô Vương dặn dò Ngập:
-         Các châu phía Bắc đó địa thế hiểm trở, chỉ có lũ thổ phỉ, mọi rợ và đám man di cư trú. Triều đình ta cũng chưa thu được lợi ích gì, còn thiệt bao quân binh bảo vệ. Nay ta vừa dựng nước, sức mỏng lực yếu, khó mà giữ nổi nơi đó. Nam Hán rõ ràng cũng biết điều đó, hẳn trước muốn thả câu dò ta mạnh yếu, có gan dám sống chết cùng chúng một lần nữa không. Chúng thua đau trận Bạch Đằng, tất không dám thủy chiến, chỉ lén đâm những nơi ta thế lực đơn mỏng. Phen này con đi, mục đích chính là lập quân công, dùng khí thế vũ bão mà át sĩ khí của chúng. Nếu thắng, ta mới có cớ giảm bớt quân quyền của Tam Kha và Dương gia.
-         Con xin gắng hết sức, không phụ công mong đợi của phụ hoàng.
Cuối tháng 5 năm Tiền Ngô Vương thứ ba, Tây Bắc tướng quân – trưởng hoàng tử Ngô Xương Ngập cùng 1 vạn binh bắc tiến dẹp Nam Hán. Khi tới Vũ An, Ngập đóng đại bản doanh tại dinh thứ sử, cho người đi do thám quân tình.
Vũ An giáp Vũ Nga và Thang châu. Địa thế bốn phần năm là núi non hiểm trở. Thường dân chỉ có các bộ tộc man di ít người. Nơi đồng bằng nhỏ hẹp có thêm vài làng xóm thưa thớt nghèo nàn của người Việt và người Hán. Hai lộ chính đi các ngả luôn bị thổ phỉ rình rập. Đúng là nơi tử địa, thủ dễ khó công. Quân Nam Hán bên kia biết rõ lợi thế của địa hình hiểm yếu, kiên quyết giữ thành không ra đánh tiếp. Ngập khiêu chiến cả tháng trời không thay đổi được tình hình, ngao ngán cả người.
Nhìn hoàng tử suốt ngày mặt mũi phờ phạc, bồn chồn ruột gan, Thứ sử Vũ An Tả Thôi Hà cho mời một gánh hát vào phủ biểu diễn giải khuây. Quân tướng đều đang chán nản với việc quân tình bế tắc, khi thấy đám ca nương bản xứ da thịt trắng trẻo mịn màng như bạch ngọc, mắt đen, môi đỏ, đẫm phong tình; kẻ nào cũng bứt rứt, khoái hoạt. Sau vài đêm diễn xướng, chủ tướng Ngô Xương Ngập chấm cô nàng xinh đẹp nhất gánh ca. Cô gái đó mới 15, mơn mởn xuân thì, là người thuộc một tộc du mục hay lang thang giữa Vũ An, Vũ Nga. Nàng khiến Ngập điên cuồng trong hoan lạc.
Kể từ đó, đám quân tướng do Tây Bắc tướng quân mang tới chỉ đê mê trong gái đẹp, rượu và thuốc phiện. Việc quân cơ như gió thoảng. Ngập cho dăm binh tướng ngày ngày cưỡi ngựa lượn quanh thành Vũ Nga chửi rủa rồi đi về.
Chờ đợi suốt hơn nửa năm trời, không thấy chủ tướng đưa ra chủ ý gì, bộ tướng Vũ Phi Long – trấn thủ Vũ An - tức giận cho người tới bản doanh hỏi han tình hình, thì bị Ngập cho người giam vào nhà lao. Phi Long tức giận, phi ngựa tới bản doanh, muốn đối mặt hỏi Ngập lý do. Nhưng ai biết, Tả Thôi Hà lúc đó thì thầm với Ngập, nói cô nương Ngập đang giữ bên người vốn được hứa gả cho Vũ tướng, giờ Vũ tướng đang tới đây đòi người. Ngập trong cơn say thuốc, tức giận mang kiếm, không nói một lời, đâm chết Phi Long.
Việc này khiến đám binh đồn trú ở thành Vũ An bất bình. Lại có kẻ manh động xúi giục, đám binh dưới trướng Vũ Phi Long nổi dậy, tiến đánh bản doanh của Ngập, hòng trả thù cho chủ tướng. Ngập tỉnh lại mới biết vừa phạm sai lầm lớn, vò đầu bứt tai. Quay ra thấy Thứ sử Tả Thôi Hà đã bỏ chạy mất, đành phải mang quân đi dẹp loạn.
Lý Tẫn chộp lấy thời cơ, đưa 1 vạn binh Nam Hán ào ào chiếm được Vũ An và Lục châu, giết chết gần một phần ba quân của Ngập. Trong cảnh cùng khốn, Ngập sợ hãi lui binh, tháo chạy về Phong châu, đồng thời cho người về Cổ Loa xin cứu viện.

Ngô Vương biết chuyện, vô cùng tức giận. Quần thần và dân chúng đều phẫn nộ. Trước mặt bá quan văn võ, Quyền ra lệnh thu lại ấn soái của Ngô Xương Ngập, trao lại cho tướng quân Ngô Nhật Kha.
Tháng 5 năm Tiền Ngô Vương thứ tư (942), Ngô Nhật Kha dẫn 1 vạn binh tới Phong châu tiếp viện và thay thế Ngập.
Xương Ngập bị tước ấn soái, lại nhận được thư của Hoàng tử phi Khúc Tam Nương báo Hữu tướng Tam Kha chính là người xúi giục bá quan gây sức ép buộc Ngô Vương hạ bệ Ngập, hòng đưa Xương Văn lên làm thái tử. Ngập vô cùng bất mãn và chán nản, ngày ngày chìm trong men rượu.

Một hôm, từ quân doanh về, bực mình vì một trưởng hoàng tử như mình lại bị Ngô Nhật Kha quát tháo, Ngập tới tửu lâu to nhất Phong châu uống say quên trời đất. Đến nửa đêm, tùy tùng của hắn bị giết, còn bản thân bị một nhóm người lạ lén đưa đi mất. Mãi hai tuần sau, tìm không ra Ngập, Nhật Kha và thứ sử Phong châu mới báo tin mất tích về Cổ Loa.
Còn Ngập, lúc tỉnh dậy lần đầu thấy mình bị trói chặt trong một nhà tranh đầy rơm tối tăm. Khi cửa mở, hắn không nhận ra người thanh niên trẻ đang cầm đèn bước vào. Anh ta rất thư sinh, trắng trẻo, ánh mắt tinh quái.
-         Hoàng tử Ngô Xương Ngập. Có biết ngài đáng giá bao nhiêu không? – Thanh niên trẻ mỉa mai hỏi. Ngập không trả lời, chỉ trừng mắt nhìn hắn, đồng thời cố đoán xem gương mặt quen thuộc này là ai. Thanh niên trẻ lại giơ ba ngón tay trước mặt hắn. – Ba vạn lượng. Ha ha, có ba vạn lượng thôi đấy.
-         Kiều Thuận! – Ngập rít lên. Dù đầu óc có trì độn đến mấy, lúc này mà không đoán ra được kẻ trước mặt là ai thì đúng không phải là người Tĩnh Hải. Gương mặt này đã nhẵn mặt bao năm nay trên cáo thị dán khắp 12 châu.
Kiều Thuận vẫn thản nhiên, ngồi lên cái ghế gỗ kê ở góc nhà, vui vẻ nói chuyện như thể với bạn tâm giao.
-         Nhưng ngài hẳn nên đau lòng. Vì phụ vương yêu quí của ngài chắc phải mất gấp nhiều lần con số đó. Có khi tài lực Ngô vương thu được trong mấy năm qua cũng không đủ ấy chứ. – Hắn ngừng lại, khoái chí khi thấy Ngập điên cuồng vùng vẫy chửi bới – Trước khi tiễn ngài đi, ta cũng cho ngài biết vài tin tốt. Có thể vài tin ngài đã đoán ra.
-         Thằng súc sinh họ Kiều, nói mau! – Ngập nhổ nước bọt về phía Thuận, nhưng không tới vì quá xa. Chỉ thấy Thuận vẫn thờ ơ nghịch cọng rơm trên tay.
-         Thứ sử bốn châu Thang, Chi, Vũ Nga, Vũ An là người của ta.
-         Lũ súc sinh bán nước, ăn cây táo rào cây sung. Ta mà gặp lại, nhất định băm thây xé xác chúng.
-         Tiếng này để mãi ngàn thu
Trăm năm Tĩnh Hải chỉ nhờ họ Dương
-         Mẹ kiếp! Thằng khốn! Hóa ra là mày bày trò. Tao sẽ giết mày! Tao thề sẽ giết mày!
-         Ha ha. Ngô Quyền sao lại có đứa con ngu dốt thế này chứ? Để ta cho ngươi biết một tin rất vui nữa. Tam thúc của ngươi sắp chết. Tất cả đầu mối sẽ chỉ về ngươi. Ngô Xương Ngập! Ngươi sẽ bị xé xác phanh thây. Đám người Dương gia và lũ hào trưởng sẽ không để yên khi hắn bị chết thảm. Lại là chết dưới tay của kẻ bất tài vô dụng, chỉ biết đam mê tửu sắc, đến cọng lông chân của bọn chó Nam Hán cũng không động vào nổi. Để xem Ngô vương sẽ cứu ngươi hay nhìn ngươi tiêu đời hòng giữ cái ghế rồng của hắn. Ha ha!
Ngập đã tức sùi bọt mép, mắt đỏ như máu, lồng lộn như con mãnh thú bị chọc tiết. Kiều Thuận càng lúc càng khoái chí. Hắn vỗ đùi liên tục, cười sặc sụa.
Nhìn chán mắt, Thuận phủi mông đứng dậy đi ra, trước khi đóng cửa còn chua lại một lời như lưỡi dao sắc nhọn đâm thẳng vào tim Ngập:
-         Hoàng tử phi của ngươi là em gái ta.

Ở Cổ Loa cũng không an bình như tưởng tượng.
Một ngày đang trong quân doanh Đại La, Hữu tướng nhận được tin gia nhân tới báo, Đỗ phu nhân bị bắt cóc khi đi chùa. Kha giao việc lại cho thuộc hạ, rồi tự mình lên ngựa cùng 50 thân binh bảo vệ trở về phủ. Khi đi qua dòng Nhị Hà để vào thành Cổ Loa, Kha bị phục kích. Nhóm truy sát có khoảng 50 tên, đeo khăn che kín mặt, liều chết ra mọi sát chiêu hòng lấy mạng Hữu tướng. Trận rượt đuổi kéo dài hơn 5 dặm ven sông. Lạ là không thấy một bóng người nào. May một thân binh trốn thoát, phi ngựa về cảng cá Nhị Hà – nơi có đội quân binh gần nhất – xin cứu viện. Đến khi quan binh đuổi tới, thấy Tam Kha đang chống kiếm thở phì phì bên cạnh gần trăm cái xác. Thân vệ đi cùng đều đã tử trận. Kha chỉ hướng tây bắc, bảo có bốn tên bị thương tháo chạy. Quan binh chia ra một nhóm đuổi theo, một nhóm ở lại đưa Kha về phủ, một nhóm phụng lệnh điều tra mấy cái xác kia.
Lần này Lỗ quản gia kinh hách thực sự. Phu nhân bị người ta bắt đi chưa rõ tung tích. Chủ tử lại bị ám toán giữa thanh thiên bạch nhật ngay ngoài cổng thành Cổ Loa. Dương tam gia từ lúc nào lại lắm kẻ thù sinh tử đến thế?
Tam Kha vừa được người băng bó vết thương cẩn thận, vừa nghe Lỗ quản gia trình bày sự việc. Đỗ phu nhân theo lệ ngày rằm mồng một hàng tháng đều lên Linh Thiên Tự lễ phật cầu an. Sáng nay ngày rằm, phu nhân cùng tì nữ Thu Liễu đi kiệu tới chùa từ sớm. Có 10 lính hộ vệ. Đến gần trưa, hai quan binh tới báo phu nhân bị người ta bắt, tì nữ Thu Liễu cùng 10 hộ vệ bị giết hại trong một trận đụng độ cách Linh Thiên Tự chừng 2 dặm. Quan nha đang cho người truy tìm dấu vết bọn bắt cóc. Lỗ quản gia vốn quen thuộc với những tình huống khẩn cấp kiểu này, biết ngay trong phủ có nội gián, đã tra được ba tên, đang trói lại chờ chủ nhân xét xử.
Cho quản gia tự tra xét mấy kẻ phản phúc, Kha lại lên ngựa, sai người đưa đến chỗ sự việc xảy ra. Lỗ quản gia phái thêm 50 gia nhân thân thủ tốt đi theo sau. Tới nơi, Kha thấy vài quan binh và người dân vẫn còn đứng đó. Họ kể lại, sự việc diễn biến quá nhanh, không ai kịp thấy bọn bắt cóc ra tay thế nào, chỉ biết có tiếng phụ nữ thét lên, tiếng gươm giáo leng keng một hồi. Người chạy tới nơi, thấy đầy máu và thi thể, bèn đi báo quan. Một người là sai nha quan phủ, hành lễ bẩm thêm:
-         Các vết thương đều chí mạng, hung thủ ra tay tàn độc. Đến thị nữ không võ công mà cũng bị cắt rời cổ. Nhìn dấu chân để lại có thể đoán chúng có khoảng 10 tên, võ công khá, có lẽ mai phục bên hốc đá kia từ sớm, sau cưỡi ngựa rút về phía tây. 4 thường dân trên đường nhìn thấy chúng đều bị giết. Phu nhân hẳn lúc đó đã bị đánh ngất, chỉ thấy trâm cài và khăn tay được người nhà xác nhận bị rớt lại, còn không có dấu vết nào khác.
Kha nhìn vết cắt trên người mấy hộ vệ, nhận ra ngay cùng hội với đám người truy sát mình. Chỉ là kẻ nào to gan lớn mật đến thế? Có thể hành thích Hữu tướng và người nhà ngay đô thành, ắt phải được thế lực lớn trợ giúp. Không phải ngẫu nhiên mà đường cái quan lại chẳng có mấy bóng người đúng lúc thế.
Kha về phủ, cho người ngầm điều tra quan trấn giữ khúc Nhị Hà và tri huyện phủ Linh Bản, nơi có Linh Thiên Tự. Rất nhanh biết chúng đều có liên hệ với Khúc gia mấy ngày này.
Ngô Vương và Dương hậu cũng biết tin ngay sau đó. Quyền chấn kinh, thế lực nào mà dám qua mặt mình ngay trên đất của mình? Dương hậu cùng Xương Văn chạy tới phủ đệ an ủi Tam Kha, dù có vẻ Hữu tướng cũng không cần an ủi. Chàng chỉ lạnh lùng ngồi trầm ngâm trong thư phòng, tay vẫn còn băng bó. Dương hậu không đành lòng mà rơi lệ.
-         Anh ba, em nhất định sẽ đòi hoàng thượng cho một cái công đạo. Không thể để kẻ khác thản nhiên ức hiếp người nhà chúng ta thế này được. Thế này có khác gì tát vào mặt Dương gia và tôn nghiêm của hoàng thượng.
-         Đừng làm việc vô ích. – Kha gằn giọng – Có gan lớn thế này không phải Ngô gia thì chỉ có Khúc gia. Bệ hạ hoặc đã biết trước hoặc bất lực thôi.
-         Em phải làm sao bây giờ? Hận này em không nuốt trôi được. Anh bảo em nhẫn, em đã nhẫn nhiều rồi. Giờ đến cả anh cũng bị hại. Chẳng mấy chốc sẽ tới em, tới cả Dương gia.
Kha nghiêm nghị nhìn Dương hậu, thì thào:
-         Cần em làm một việc.
-         Được.

Hai ngày sau, tin từ hậu cung. Hoàng tử phi trúng gió, lên cơn co giật mà mất. Người người ai nấy đều tiếc thương cho nàng phi tử tài hoa mà yểu mệnh. Chỉ có Khúc Hạnh biết tin, ở trong thư phòng đập phá hết đồ đạc. Hắn vốn nghĩ chỉ có hắn và Kiều Thuận biết Khúc Tam Nương thật ra là con riêng của hắn với phu nhân họ Kiều. Vì hai bên đều đã có gia thất, sợ ảnh hưởng tới danh tiếng hai đại gia tộc, hắn lén lút đưa Tam Nương về nhà nuôi dưỡng với danh dưỡng nữ. Tất cả hy vọng vực lại binh quyền Khúc gia đều đặt ở đứa con gái này. Chưa được kết quả nào, quân cờ đã bị triệt lộ.

Ba ngày sau, quan phủ cũng tìm ra dấu vết đám bắt cóc Đỗ phu nhân. Chúng có 9 tên, tử thủ đến cùng giữa vòng vây chật kín của quan binh và đội quân phủ Hữu tướng. Biết không thoát được, chúng đều cắn thuốc độc tự sát.
Đỗ Nhâm Phi lúc đó đang hấp hối, được mang về phủ chỉ còn chút hơi tàn. Lang y bảo nàng bị độc cân tán, ăn mòn da thịt trong ba tháng tới một năm sẽ hương tiêu ngọc vẫn. Dương gia và Đỗ gia quyết tâm mời các danh y hàng đầu tới cứu chữa, nhưng ai nấy đều bó tay. Nàng Nhâm Phi xinh đẹp hoạt bát giờ chỉ còn như cái xác không hồn, nằm liệt giường chờ chết.
Khi tỉnh táo lại đôi chút, hiểu ra tình thế bản thân, Nhâm Phi lặng lẽ khóc. Sau đó, nàng cho người gọi Tam Kha. Nhìn phu quân hốc hác, mắt chan chứa bi thương, Đỗ thị cố với cánh tay về phía gương mặt chàng. Kha cầm tay thê tử, nhẹ nhàng áp vào má mình, rồi đặt tay kia của nàng vào ngực. Cả hai cùng rơi lệ. Phu thê đến giờ mới rõ thâm tình.
-         Thiếp đáng chết. Tấm lòng chàng thiếp hiểu nhưng vẫn vờ như không hiểu. Thiếp đã bỏ qua rất nhiều cơ hội được cùng chàng trọn nghĩa phu thê. Đến lúc này, thiếp chỉ hận chính mình. – Đến đây Đỗ thị thì thào chút hơi tàn – Không thể mãi mãi bên chàng. Không thể cho chàng một đứa con. Tha lỗi cho thiếp, Tam Kha. Dương Tam Kha?
-         Được. Tất cả những chuyện nàng làm, ta đều không oán hận. Nàng luôn tốt với ta và Dương gia. Ta thấy được. Là ta tình nguyện bên nàng. – Kha nói trong nước mắt. – Nàng đừng nói nữa. Không cần nói gì hết. Là ta không bảo vệ được nàng. Ta không tốt.
Đỗ thị đã hết hơi. Nàng tỉnh táo lại đôi chút, cố trút mấy lời như lời sau cuối.
-         Còn một điều. Ta đã nhìn thấy hắn. Hoàng tử Ngập.
Nói rồi lả đi. Kha hoảng sợ kêu lang y tới.
Suốt hai tuần liền, các lang y tận lực ra sức mới mang Nhâm Phi từ quỉ môn quan trở về. Nàng có khi tỉnh lại đôi chút. Nhưng đa phần sẽ ngủ li bì, nằm bất động như xác khô trên giường. Một vị thần y được mời từ tận nước Lương sang, đưa một thang thuốc, bảo, nếu sau một năm không khá hơn, thì vô phương cứu chữa.

Trong thư phòng, Tam Kha nhìn hai thân vệ vừa trở về từ Phong châu.
-         Hoàng tử Ngập bị bắt cóc trước một hôm ngài và phu nhân xảy ra chuyện. Đã tra ra, bị người của Kiều Thuận bắt, sau đó đưa cho Lý Tẫn làm tù binh đổi lấy ba vạn lương và bạc. Nay Tẫn hẳn sắp truyền tin tới chỗ Ngô Vương. Về phía nhà họ Khúc, Khúc Hạnh vẫn cho người cung cấp thông tin đều đặn cho Thuận. Đám người truy sát ngài và phu nhân đều có gốc gác từ dân thiểu số du mục. Chúng được huấn luyện bài bản như thế, rõ ràng xuất phát từ cái lò Hồ Hồi của Thuận. Chủ mưu đến giờ chúng ta vẫn chưa tra ra được là ai, nhưng chắc chắn là người họ Khúc. Việc hoàng tử Ngập có thông đồng với Khúc gia và Kiều gia hay không mà bị bán đứng, chúng tôi không tra được.
Kha cho hai người lui ra, thầm nghĩ kẻ như Xương Ngập, có cho hắn 10 cái gan cũng không dám cấu kết với Kiều Thuận. Trầm ngâm nhìn danh sách người nhà Khúc gia, Kha quyết định đánh canh bạc cuối cùng với họ Khúc.

Một tháng sau, Ngô Nhật Kha từ Phong châu mật báo về cho Ngô Vương, hoàng tử Ngập bị nhóm người Khúc gia bắt cóc, đưa sang cho quân Lý Tẫn. Chứng cớ là gần chục lá thư tay. Sáu thư của thứ sử bốn châu Thang, Chi, Vũ Nga, Vũ An báo cho Khúc gia đã tuân lệnh, qui hàng Nam Hán, có dấu phủ thứ sử. Một lá thư có ấn ký Khúc gia gửi Hoàng đế Nam Hán, thương lượng sẽ thần phục Nam Hán, cống nạp gấp ba lần thời họ Khúc cống nhà Lương; đổi lấy cái ghế rồng của họ Ngô.
Chạm đúng điểm mấu chốt của Quyền, tất không thể dung. Ngô Vương giận dữ, triều thần bàng hoàng sửng sốt. Khúc Hạng Lương, cháu của Khúc Thừa Mỹ, nghi can chính, bị chém đầu. Khúc Hạnh, trưởng gia họ Khúc, bị nghi giúp cháu mình cấu kết với Nam Hán và cả đám phản loạn Kiều Thuận, nhân chứng vật chứng có đủ, dù lão khăng khăng không thừa nhận, cũng bị chém đầu. Con cháu ba đời của Khúc Hạng Lương và Khúc Hạnh đều bị giam trong lao ngục, hành hình tới chết. Toàn bộ người Khúc gia trong triều bị lột mũ áo, tịch thu gia sản, biếm thành thứ dân, đuổi ra khỏi Giao châu.
Nhưng một đám người nhà Khúc gia nhanh chân ôm vàng bạc chạy thoát, tới nương nhờ mấy đám thủ lĩnh thân tín của họ Khúc trước đây, xúi giục gây bạo loạn. Vài hào trưởng đưa quân đến đánh Cổ Loa, bị Ngô Vương cho binh ra đuổi diệt tới tận sào huyệt. Sau một hồi gió tanh mưa máu, một trong những lực lượng lớn mạnh nhất của thập đại gia tộc, Khúc gia, đã gần như suy tàn. Các đại gia tộc còn lại ngạc nhiên trước khí thế lẫm liệt của Ngô Vương, nên hành động trở nên âm thầm, cẩn mật hơn. Nhưng việc này cũng kéo theo ngọn lửa bất mãn âm ỷ trong lòng những kẻ từng là thân tín của họ Khúc, chỉ đợi gió tới là bùng lên.

Đúng lúc này Nam Hán gửi thư báo đã bắt hoàng tử Ngập làm con tin, đề nghị thương lượng, trong vòng một tháng phải có hồi âm, nếu không sẽ treo xác Ngập ngoài cổng thành Lục châu thị uy. Ngô Vương thầm hận đứa con ngu ngốc của mình luôn gây chuyện, phân vân không biết có nên mời Tam Kha đến không. Tả tướng Xử Bình khuyên vua:
-         Đã đến lúc bệ hạ để Dương Hữu tướng ra mặt. Chỉ cần cái uy của ngài ấy cũng đủ bảo đảm mạng sống cho hoàng tử, khiến phần thắng nghiêng về phía chúng ta.
Ngô Vương cắn răng, muối mặt sai người đi tìm Tam Kha.
-         Thần xin thân chinh tới Phong châu giải cứu trưởng hoàng tử. – Kha khảng khái tâu với Ngô vương.
Tháng 10 năm Tiền Ngô Vương thứ năm (943), Hữu tướng Dương Tam Kha mang 1.000 binh tới Phong châu, tìm cách giải cứu hoàng tử Ngập.
Chưa tới cái hẹn một tháng, Lý Tẫn đã xin hàng. Vì đói và khát.
Thành Lục châu ở nơi toàn núi đá hiểm trở, xung quanh một bên là rừng rậm, một bên là biển, dễ thủ khó công. Tẫn yên tâm ôm con thỏ Xương Ngập, rung đùi ngồi đợi Hữu tướng Tam Kha - sứ thần Ngô Vương - tới hòa đàm. Trong khi đó người của Ngô Nhật Kha chạy lên đầu nguồn sông Thương, dòng sông nhỏ duy nhất chảy qua thành Lục châu, đắp đập đổi dòng. Mùa khô, nước cạn kiệt, trời không một giọt mưa, sinh hoạt cả thành Lục châu chỉ dựa vào con sông nhỏ này. Một toán quân đánh nghi binh vào cổng chính, một toán chui đường hang động theo người du mục địa phương chỉ dẫn, vào đốt sạch kho lương trong thành, đốt phá vườn tược, gia súc gia cầm của dân. Còn Tam Kha dẫn binh vây kín thành, không cho một con muỗi bay qua. Chưa đầy hai tuần, nước dự trữ trong thành đã hết. Thức ăn cũng cạn kiệt. Tin tức cũng không truyền nổi ra ngoài thành. Đến khi đám dân đói quá nổi loạn, binh lính cũng nhụt chí, không còn sức mà đánh, Tẫn đành mang Ngập ra trả cho Dương Hữu tướng.
Sau đó Tam Kha ra lệnh phá đập, nước lại được trả về cho người trong thành Lục châu. Thừa thắng xông lên, Tam Kha cùng Ngô Nhật Kha xông vào chiếm thành, chém Lý Tẫn, đuổi tàn quân Nam Hán chạy dài tới thành Vũ An. Ở đây, gặp lực lượng địch quá đông và mạnh, mới dừng lại.
Tam Kha thu lại được Lục châu. Hai bên ở vào thế giằng co tới hơn tháng trời, cho đến khi Ngô Vương ra chiếu gọi Tam Kha về Cổ Loa, để việc trấn giữ biên giới lại cho Ngô Nhật Kha.
Ngập không bị thương tích nặng, chỉ gầy rộc như bộ xương khô vì đói và nghĩ nhiều. Nam tử chưa tới 30 tuổi mà tóc đã bạc nửa đầu như kẻ 50. Thân tín báo tin Hoàng tử phi đã mất, hắn chỉ giương đôi mắt đục ngầu như nhìn vào hư vô, thì thào chút hơi tàn “Chết rồi cũng tốt!”. Mọi người sợ hãi, không dám nói gì thêm với hắn nữa.
Ngập được để lưu lại tĩnh dưỡng ở biệt viện phủ Thứ sử Lục châu. Y sư bảo do tinh thần và thể chất suy kiệt, không quá nghiêm trọng, chờ vài tháng ăn uống no đủ, tư tưởng thoải mái, hắn sẽ tự phục hồi. Lúc hắn đủ tỉnh táo để biết được Tam Kha đã cứu mình, mắt rưng rưng lệ, muốn đến tạ ơn Hữu tướng thì người đã quay về Cổ Loa tự khi nào.