Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Luận Anh Hùng - Cheryl Phạm: Chương Tám - Anh Hùng phùng Mỹ Nhân



Chương Tám: Anh Hùng phùng Mỹ Nhân

Anh hùng không qua nổi ải mỹ nhân

Sau khi nhận chức và bàn giao xong quân vụ cho từng tướng dưới quyền, được Dương hậu kín đáo nhắc nhở rằng nàng đang để những người nhà họ Dương trong phủ tạm, Hữu thừa tướng Dương Tam Kha mới nhớ ra mình còn một phủ đệ ở Đại La, vốn dĩ là phủ của anh cả Dương Nhất Kha. Tam Kha cùng mấy tùy tùng phi ngựa quay lại phủ giáo quan ngày trước. Vừa tới gần phủ, Tam Kha kinh ngạc khi thấy một đoàn người ngựa khoa trương sặc sỡ đứng thành hàng lối rất đẹp. Có cả đội ca múa đang biểu diễn trước đông nghịt người xem. Một gia nhân thấy Kha, hô to “Hữu tướng đã về! Hữu tướng đã về! Tướng quân thắng trận giờ đã trở lại phủ!” Tức thì đám người dừng lại, tự động tản ra hai bên. Ai đó đốt pháo nổ ầm ĩ. Đỗ Nhâm Phi trong bộ lụa xanh bắt mắt, trang điểm xinh đẹp, duyên dáng đứng ở đầu cổng. Thấy người dân hò reo hai bên đầy phấn kích, Kha không biết làm sao, đành chắp tay làm lễ đa tạ, rồi đi cùng Nhâm Phi vào trong.
Trong chính sảnh, sau khi ngồi yên vị trên ghế gia chủ, Kha nhìn bao quát xung quanh, liếc vị quản gia già nua im lặng ở góc phòng, quay sang hỏi nàng Nhâm Phi:
-         Nàng đã tu bổ phủ này lại?
Nhâm Phi e lệ đáp:
-         Ta còn tưởng chàng đang mong tìm người. Nếu chàng băn khoăn chuyện này thì đừng ngại. Tiền này vốn là tiền của Dương gia chàng. Binh biến năm đó Công Tiễn tịch thu toàn bộ tài sản của Dương gia ở Đại La, bán lại cho Đỗ gia ta với giá hời. Nay Đỗ trưởng lão muốn giao trả lại Dương gia cho phải lẽ. Số tiền lời mấy năm từ đó ta đã cho người nhập vào sổ sách. Chàng có thể tìm quản gia hỏi.
Tam Kha phất tay, cau mày bảo:
-         Được rồi, chuyện này Lỗ quản gia sẽ bàn bạc với Dương trưởng lão. Cảm ơn nàng đã lo liệu chuyện phủ đệ và người nhà ta lúc ta không có ở đây. Nhưng lần sau đừng làm những chuyện phô trương như vừa rồi.
-         Được, thiếp hiểu ý chàng. Là thiếp đã không suy nghĩ chu toàn. – Đỗ tiểu thư rất nhanh đoán được những nghi kỵ trong lòng Dương hữu tướng, bèn lái sang chuyện khác – Ta cho gọi các thúc bá và các cháu vào nhé?
Nhớ ra đám người nhà vừa gặp thoáng qua ở cổng, lúc hỗn loạn cũng không kịp chào hỏi, Tam Kha gật đầu. Hai mươi tám người nhà họ Dương, có cả mấy đứa trẻ nhỏ, ăn mặc đẹp đẽ, kéo nhau vào chính sảnh ra mắt Tam Kha. Một người lớn tuổi nhất trong số đó, còn tráng niên, nhưng đứng hàng thúc bá của Tam Kha, đại diện cả nhóm, đứng ra thưa:
-         Dương trưởng lão sai chúng tôi ra đây tiếp quản công việc ở Đại La và Cổ Loa thành. Nếu có việc gì cần giao phó, Hữu tướng cứ ra lệnh, chúng tôi nguyện sẽ hết lòng.
-         Dương thúc nói vậy ta cũng không khách khí. Từ nay việc sinh cơ của Dương gia ở nơi này sẽ do Dương thúc quản lý. Ta sẽ bảo quản gia bàn bạc với người. – Tam Kha trầm ngâm một lúc, liếc nhìn Nhâm Phi ngồi cạnh đó – Ta vừa được bệ hạ ban một phủ đệ ở Cổ Loa. Từ nay ta sẽ ở trong phủ đó. Ta nghĩ phủ này cứ để Dương thúc và mọi người ở. Lỗ quản gia và mấy người thân tín sẽ theo ta sang phủ bên kia.
Quản gia đứng đó vội vàng hỏi:
-         Chẳng hay phủ đệ mới đã có đầy đủ mọi thứ chưa? Có cần lão sang đó một chuyến kiểm kê không?
-         Tùy lão, ta vẫn chưa xem qua nên không rõ.
Lão quản gia chậc lưỡi. Vốn biết chủ tử nhà mình chỉ mải việc quân việc nước, chẳng màng tới nhân tình thế thái. Lão theo Dương lão tướng quân từ nhỏ, nhìn Dương tam gia lớn lên nên rất hiểu vị tướng quân trẻ tuổi này. Đây là người chịu kham khổ nhiều nhất trong bốn người con của Dương lão tướng quân, cuộc đời từ lúc sinh ra đến giờ gần như chỉ bôn ba trên lưng ngựa. Vì thế lúc sinh thời Dương lão tướng Dương Đình Nghệ cũng không khỏi có chút lo lắng nhiều hơn cho tam gia. Giờ Dương lão tướng đã mất, Lỗ quản gia tự thấy mình phải có trách nhiệm gánh lấy nỗi lo này. Lão quyết định ngày mai sẽ đưa người tới nhanh chóng tu sửa lại phủ mới, cho tam gia có chốn đi về.
Nhưng Đỗ Nhâm Phi thì không khỏi ngạc nhiên, hỏi:
-         Thế từ lúc về thành chàng ở đâu?
-         Trong quân doanh hoặc trong cung. Chiến tranh vừa xong, triều đình mới thành lập, vẫn còn vô số việc phải làm. Ta về đây cũng là do Hoàng thượng và Hoàng hậu ra lệnh.
-         Chàng đừng lo, chuyện phủ đệ ta sẽ cùng đi với Lỗ quản gia. Mua sắm hay trang hoàn nhà cửa là việc ta thạo nhất. Chàng cứ yên tâm lo việc của chàng đi.
Quản gia và đám người nhà Dương gia đều thầm tán thưởng vị thiếu phu nhân tương lai. Dù nhiều lúc quản gia không thích cách hành xử của Đỗ tiểu thư, nhưng ông cũng phải công nhận rằng vị tiểu thư này không yếu đuối vô dụng như cố phu nhân hay đại đa số tiểu thư nhà giàu khác, mà rất khôn khéo, giỏi tính toán kinh doanh, giỏi quản gia, quan hệ bang giao với các gia tộc thế lực trong thành cũng rất tốt, nên khi hành sự cho Dương gia, lão được trợ giúp rất nhiều.
Sau khi đám người nhà họ Dương làm lễ lui ra, Tam Kha vẫn cảm thấy như có điều gì không đúng. Chàng cau mày, thờ ơ đưa mắt nhìn xung quanh lần nữa, trực giác tự hỏi, sao lần này về không có chuyện gì nhỉ? Thực ra, Dương hữu tướng rất không muốn về phủ đệ này. Mấy năm nay, lần nào chàng đến đây cũng đều có chuyện. Đó là phủ đệ anh Nhất Kha ở ngày trước, nơi chứng kiến mấy chục mạng người nhà họ Dương bị sát hại. Từ Ái châu trở lại, chàng lại đau đầu với màn đấu đá của đám phụ nữ. Phụ nữ? Phải rồi, Trần cô nương? Cô ta đâu rồi? Không phải lại gây ra chuyện gì rồi chứ? Tam Kha nhíu nhíu mày, đột ngột quay ra nhìn Đỗ Nhâm Phi. Đỗ tiểu thư không thèm e lệ nữa, mỉm cười thản nhiên.
-         Cuối cùng chàng cũng nhớ ra được người cần nhớ rồi à? Ta tự hỏi sao chàng lại quay về đây, hóa ra Dương hậu đã nói cho chàng biết.
-         Chuyện gì? Về ai? Như Ngọc và nàng có chuyện gì giấu ta sao?
-         Không ai giấu chàng cả, chỉ là chuyện như thế này thật không nên để người ngoài biết.
Chẳng để Tam Kha hỏi tiếp, Nhâm Phi ra hiệu người hầu lui hết ra, chỉ còn Tam Kha và Lỗ quản gia. Nàng kể rằng Trần tiểu thư đã mang thai được khoảng bốn tháng. Khi Tam Kha ở Đại bản doanh đánh Nam Hán, Trần cô nương có một khoảng thời gian đã bỏ nhà trốn đi. Khi đoàn quân Ngô Vương trở về, nàng cùng theo về. Quản gia và Nhâm Phi có hỏi, nàng chỉ nói nàng lên Đại bản doanh thăm tướng quân. Gần Tết Nguyên Đán, nàng liên tục nôn và ho khan, nhưng không chịu để thầy lang khám. Ngày mồng hai Tết, nàng ăn xong, nôn thốc nôn tháo, mệt quá ngất đi. Lang y đến khám, nói nàng đang có thai, phải tĩnh dưỡng. Quản gia và Đỗ tiểu thư vô cùng kinh ngạc. Cho rằng đây là con của Dương tướng quân, quản gia an trí Phương Dung cô nương vào trong biệt viện kín đáo, cho người chăm sóc thật tốt, bảo cô yên trí, mọi sự chờ tướng quân về. Ngày Dương hậu – lúc đó chưa được tấn phong hoàng hậu, mang theo Xương Văn, Xương Tỷ cùng người nhà Dương gia tới đây tạm trú, hai đứa trẻ một tám tuổi, một sáu tuổi – vốn là một đôi chú cháu – nô đùa cãi nhau, đánh nhau khóc ầm ĩ. Xương Văn do tuổi và vai vế cao hơn, nên mặc nhiên luôn giành phần thắng. Xương Tỷ ấm ức bỏ đi. Như mọi lần, cậu bé tìm nơi vắng vẻ ngồi một mình khóc gọi cha gọi mẹ. Không ngờ cậu đi lạc vào đúng viện của Trần cô nương đang dưỡng thai. Trần thị nhận ra cậu bé, gọi cậu bé vào cho ăn và kể chuyện. Tỷ tò mò thấy cô nương bụng đã lùm lùm, nhớ đến chuyện với cha và ông bác mình, bèn hỏi “Cô có em bé à? Cha em bé là ai, cha cháu hay ông bác cháu?” Chỉ thấy Trần cô nương rơi lệ, tay vuốt ve một tấm ngọc bội. Thằng bé thấy ngọc bội rất quen, nhất thời chưa nhớ ra ngay được. Đến khi bị người hầu gọi về, bị Xương Văn trêu ghẹo lần nữa, nó giật lấy ngọc bội bên hông Xương Văn, lúc đó mới sửng sốt à lên một tiếng “Trời, thì ra đó là cha cháu!” Nói xong, nó lại đứng khóc oa oa. Xương Văn không hiểu sao ngọc bội của mình lại làm thằng bé khóc nhiều thế, nhưng không thể dỗ nó nín được. Dương thị đi ra hỏi chuyện, trách mắng Xương Văn một hồi. Sau đó nàng cùng quản gia đi thăm Trần cô nương. Xương Văn không chịu đi cùng họ, miệng làu bàu mắng Trần cô nương là yêu tinh hại người. Xương Tỷ lúc đó gật đầu bảo “Chú hai, nàng ta đúng là yêu tinh hại người thật! Lần này hại cha cháu rồi!” Nói rồi kể Xương Văn nghe chuyện ngọc bội. Chả là bốn cậu con trai của Ngô vương đều có ngọc bội phòng thân giống y như nhau, nên Tỷ đoán hẳn kia là ngọc bội của cha mình. Văn nghe chưa hết đã ba chân bốn cẳng chạy đi, giữa đường tóm lấy một người hầu, bắt dẫn tới biệt viện của Trần cô nương. Vừa vào phòng, thằng bé đã chống tay ngang hông, chỉ tay mắng Trần cô nương là yêu phụ, dám cho bác nó đội nón xanh. Dương thị tát Xương Văn một cái, cho người lôi nó đi, sau đó quay lại phía Trần cô nương nghiêm giọng. Biết trước sau cũng lộ, nàng ta quì xuống đất dập đầu liên tục, mong Dương thị và Dương gia tha tội. Đứa bé là của Xương Ngập. Nàng ta lên Đại bản doanh, không gặp nổi Tam Kha, chỉ tìm được Xương Ngập. Ngập tìm nhà dân kín đáo cho nàng trú tạm, hứa hẹn sẽ báo với Tam Kha. Nàng chờ cả tháng trời không thấy Tam Kha đâu, chỉ ngày ngày gặp Ngập. Thế rồi chuyện xảy ra. Nàng bảo mình có lỗi với Dương tướng quân và Dương gia, không dám ra ngoài gặp người nữa. Nhưng đứa bé là người họ Ngô, xin Dương thị hãy bảo vệ nó, cho nó một danh phận. Còn bản thân nàng, Dương tướng quân, họ Dương hay họ Ngô muốn băm thây xé xác, làm gì cũng được.
Kể tới đây, Đỗ tiểu thư kín đáo liếc Tam Kha, thấy chàng trừ nhíu mày, mặt vẫn không đổi. Đỗ tiểu thư yên tâm hơn, tiếp tục hỏi chàng:
-         Vì Ngô vương và chàng đều đang lúc bận rộn cho đại sự, lại lo Xương Ngập tướng quân đã biết chuyện, vẫn quyết chí theo đuổi Trần cô nương, Dương hậu không muốn xử lý ngay, đành bảo quản gia và ta cho người giữ kín chuyện nay, chờ chàng rảnh tay trở về thưa chuyện.
-         Chuyện này nàng và Dương gia đừng chen vào nữa. – Tam Kha trả lời sau một hồi trầm ngâm – Là ta và Dương gia hồ đồ. Nàng ấy là ân nhân của Dương gia, ta vì tri ân đã hứa hẹn sẽ thú nàng. Nhưng ta và Dương gia, cả Ngô Vương nữa, cũng không quan tâm đến tâm tư Xương Ngập và tình cảm của nàng ấy. Chuyện hôm nay là do hai bên lưỡng tình tương duyệt. Ta là bề trên, không so đo với vãn bối, huống hồ thanh thế Ngô gia đang áp đảo. Chuyện này không có lợi cho họ Dương. Để Xương Ngập và họ Ngô giải quyết. Ta chịu tổn thất một chút danh tiếng cũng không sao.
-         Được, mọi sự sẽ theo chàng an bài.
Ngay sau đó, Tam Kha vào thư phòng nói chuyện tầm một canh giờ với quản gia và thêm một canh giờ với Dương thúc, rồi cùng thân binh về lại quân doanh. Đỗ tiểu thư nghe người hầu báo lại mọi hành tung của chàng, lòng phơi phới như hoa xuân.

Hai ngày nữa, phó tướng Ngô Xương Ngập đang loay hoay luyện binh ở quân doanh, nhận được tín vật và tin tức của Phương Dung cô nương. Hắn thẫn thờ một lúc, sau đó kiên quyết đi gặp Hữu tướng Tam Kha. Ngập dập đầu trước Tam Kha, tha thiết nói:
-         Bác ba, cháu biết bác đã biết chuyện. Tất cả là do cháu. Cháu thật lòng muốn thú nàng ấy. Lòng cháu quyết không đổi. Bác muốn đánh, muốn mắng gì thì cứ làm với cháu. Xin hãy tha cho nàng ấy.
Kha nghiêm giọng:
-         Hồ đồ! Đến nước này mà cũng chỉ biết nói mấy câu đó.
-         Bác bảo cháu phải làm sao bây giờ? Cha cháu không đồng ý. Vì thể diện hai họ, họ Ngô và họ Dương chắc chắn cũng không đồng ý. Cháu chỉ biết nhờ bác thôi. Bác cũng không thích nàng, để nàng mòn mỏi chờ đợi trong nước mắt, chi bằng buông tay, cho cháu và nàng một cơ hội.
-         Hồ đồ! Cháu bảo ta làm sao ăn nói với người nhà họ Trần, họ Dương và cả cha cháu đây?
-         Cháu biết. Là cháu sai rồi. Xin bác hãy giúp cháu. Giờ chỉ còn mỗi bác có thể giúp cháu thôi. Cháu dập đầu xin bác. Từ nay cháu nguyện làm thân trâu ngựa cho bác.
-         Đủ rồi! Đừng ăn nói hồ đồ để người ngoài nghe thấy. Đứng lên đi! – Tam Kha chán nản nhìn Ngập – Bên Trần gia và Dương gia, ta sẽ lo. Còn chỗ Hoàng thượng và Ngô gia, muốn nàng ấy không mất đầu, phải xem năng lực của cháu đã.
Ngập rối rít lạy tạ Tam Kha rồi đi vội vào Hoàng cung yết kiến vua cha.
Thư phòng Ngô Vương hôm ấy bị đập nát. Trưởng hoàng tử - phó tướng Ngô Xương Ngập, bị Ngô Vương hét cảnh vệ mang đi đánh cho 100 trượng. Biết hoàng thượng đang nóng giận, 100 trượng thì người sống cũng thành chết; huống hồ người bị phạt lại là trưởng hoàng tử, sau này có thể kế vị; đám vệ binh chỉ dám giơ cao đánh khẽ, mười roi cuối mới đánh thật. Cho nên về cơ bản Ngập cũng không chịu thương tích gì. Chuyện này khiến cho cả hậu cung hoảng sợ. Chưa đầy hai tháng lập quốc, Hoàng thượng đã phạt nặng trưởng hoàng tử - người vốn có công lao chống thù trong giặc ngoài cùng vua cha – khiến nhiều người hoang mang.
Dương hậu chạy tới nơi, đoán đã xảy ra chuyện gì, chỉ nhẹ nhàng sai người mang thanh kiếm Phong Vân treo trong tịnh thất tới. Trước con mắt kinh ngạc khôn nguôi của đám cung nữ và người hầu, Dương hậu múa kiếm Thanh Vân thuần thục như hoa rơi nước chảy, mây bay trên trời. Không khí âm u trong cung điện chẳng mấy chốc tan biến. Cảnh sắc và lòng người đều ngơ ngẩn, si mê nhìn bóng dáng uyển chuyển hòa trong ánh kiếm loang loáng. Đẹp không sao tả xiết. Ngô Vương vốn đang tức đến muốn thổ huyết, mặt mũi đều xám xịt, nhắm mắt định thần; giờ ngài đã mở mắt ra. Đầu tiên cau có, sau đó thở nhẹ, rồi dần ánh mắt như có như không quyến luyến nhìn theo bóng dáng mảnh mai, tú lệ, mà không kém phần phóng khoáng trời sinh. Sau một hồi say sưa, nghe tiếng vỗ tay, mọi người như bừng tỉnh. Thấy Hoàng thượng đã đứng lên phất tay, đám cung nữ và người hầu lặng lẽ lui ra. Ngô Vương tiến tới dịu dàng ôm lấy Dương hậu, cảm thán nói:
-         Hiểu lòng ta nhất vẫn chỉ có Như Ngọc. Từ thuở đầu tình cờ ngẩn ngơ nhìn nàng múa kiếm bên cầu Ba Trăng, ta đã biết đời này không ai ngoài nàng có thể làm ta can tâm tình nguyện.
-         Hoàng thượng, giúp phu quân tiêu bớt ưu sầu không phải là việc thê tử nên làm hay sao? Chàng còn muốn xem tiếp không? Hay hai ta ra đình ngắm trăng thưởng trà. Đã lâu rồi Hoàng thượng bận việc xã tắc, chưa có lúc thanh nhàn. Vừa hay hôm nay trăng tròn.
-         Được, theo ý nàng. Chúng ta đi ngắm trăng.
Trong vườn thượng uyển, cây cối mới trồng chưa được bao lâu, đang tiết xuân thì nên vẫn đua nhau xanh tốt, vài khóm hoa đã nở rộ. Bên mái đình cổ dựng lại theo kiểu nhà Đường, cảnh vương hậu phu thê tình nồng khiến người ta ngưỡng mộ. Quyền chỉ có hai vợ và một tiểu thiếp. Vợ cả là người làng, cưới từ thưở hàn vi, sau khi sinh Xương Ngập đã sớm qua đời. Tiểu thiếp lấy về sau đó, chưa quá hai năm khó sinh mà chết. Đến giờ, vừa xưng Vương mấy tháng, nhưng hậu cung cũng chỉ có một mình Dương hậu.
-         Ta không thể hiểu nổi đứa con này. – Ngô Vương phiền muộn dựa đầu vào hoàng hậu của mình than thở - Nhiều lúc ta cảm thấy có lỗi với nó, bỏ nó bơ vơ không phụ mẫu dưỡng dục hàng chục năm trời. Khi nó gây chuyện, ta có cảm giác như chính ta gây ra vậy.
Dương hậu một tay khẽ quạt, một tay xoa bả vai cho Hoàng thượng.
-         Bệ hạ đừng quá đau lòng. Xương Ngập đã lớn, có chính kiến riêng của mình. Bản thân hoàng tử cũng là người trung thực, ngay thẳng, dám làm dám chịu. Chỉ có điều tuổi còn trẻ, nhất thời chưa khống chế được tình cảm. Chuyện cũng chưa ảnh hưởng tới đại cục.
-         Hừ, còn trẻ gì nữa. Con đã lớn bằng em trai nó. – Ngô Vương nghĩ tới Dương Tam Kha, Vũ Dũng, Phạm Bạch Hổ, Tri Hựu cùng lứa tuổi với con cả nhà mình, thấy khoảng cách quá lớn, lại thêm bực mình – Ngoài cái danh hoàng tử ra thì chẳng làm được chuyện gì ra hồn.
-         Hoàng thượng, danh phận hơn người cũng là một loại uy quyền, giống như gia thế, quyền lực, tiền bạc, tài năng vậy. Đừng nhìn nhận khắt khe quá mà ảnh hưởng tới đại cục.
Hai người yên lặng tư lự nghe tiếng dế kêu và tiếng nước chảy róc rách bên hòn giả sơn.
-         Nàng bảo ta nên làm sao với đứa con này đây? – Ngô Vương cảm thán.
-         Trước mặt hoàng tử và triều thần, bệ hạ cứ tỏ ra thật nghiêm khắc, cho hoàng tử lịch lãm rèn luyện. Còn thành tựu của hắn, lòng bệ hạ minh tường là được. – Dừng một lúc, Dương thị lại khẽ thủ thỉ - Chuyện Trần Thị Phương Dung thiếp nghĩ không cần náo thêm nữa. Tam Kha và Dương gia thiếp có thể xử lý, hẳn không có vấn đề gì. Chỉ còn bên nguyên lão họ Ngô, ta sợ các trưởng lão không ưng gia thế và hành động của Trần cô nương mà đòi xử theo gia pháp, tuyệt trừ hậu họa cho trưởng hoàng tử và Ngô gia.
-         Cái này để Xương Ngập hắn tự xử đi. Gây họa thì phải tự đi mà giải quyết.
Dương hậu hôm sau cho mời Ngập tới, uyển chuyển nói Ngô Vương sẽ không gây bất lợi, nhưng cũng không giúp hắn. Rồi nàng bày kế kín đáo thu phục nhân tâm đám nguyên lão họ Ngô cho Ngập. Ngập phi ngựa về Ái châu ngay trong đêm, dùng hành động và lời nói như sấm rền buộc đám nguyên lão kinh sợ mà chấp nhận.
Cả Cổ Loa và Đại La râm ran bàn luận chuyện trưởng hoàng tử cướp mất người thiếp yêu của bác mình, đoán già đoán non quan hệ hai họ Ngô – Dương sắp có biến. Bá quan trong triều cũng thì thào nghị luận, nhưng thấy khổ chủ Hữu thừa tướng vẫn vững như núi Thái Sơn, Ngô Vương cũng không có biểu hiện gì, nên chỉ đành cho là lời đồn thổi nhũng nhiễu.
Một tháng sau, Trần cô nương lặng lẽ được đưa vào phủ đệ của trưởng hoàng tử trong hậu cung làm thiếp. Không kèn, không trống, chỉ bái đường trước mặt Dương hậu, Xương Văn và Xương Tỷ. Phương Dung thấy mình không được làm hoàng tử phi, chỉ làm tiểu thiếp không danh không phận, đau lòng ngày ngày lấy nước mắt rửa mặt. Ngập không làm sao an ủi được nàng, cũng dần buồn chán mà xa cách. Cuối tháng 9 năm đó, Phương Dung hạ sinh một bé gái, nhưng chưa đầy tháng, đứa bé mất.

Lại nói chuyện thê thiếp, Ngô Vương vừa lên ngôi chưa bao lâu đã phải đau đầu về chuyện nạp phi tuyển tần. Bá quan của triều đình đều rất bỡ ngỡ với việc xây dựng nhà nước mới, cho nên cách nhanh nhất là tham khảo triều đình nhà Tấn đương thời (1). Hoàng đế phương Bắc có hậu cung ba ngàn giai lệ, phục vụ mưu đồ bá vương, khai chi tán diệp, cân bằng các thế lực trong triều. Nay xét thấy Ngô Vương dù đã có bốn con trai, nhưng so với uy danh một người đứng đầu Tĩnh Hải thì chưa thấm vào đâu. Hơn nữa hậu cung chỉ có một mình Dương hậu giễu võ dương oai. Hậu cung và binh quyền đều để Dương gia hô mưa gọi gió sẽ có lúc khiến thiên hạ đại loạn, là điều tối kị của bậc quân vương. Quyền hiểu cần phải xây dựng một thế chân vạc với họ Dương, nhưng hành động ngay lúc này thì quá lộ liễu và tuyệt tình; Ngô gia cũng chưa vững căn cơ, vẫn cần sự trợ lực của họ Dương.
Chính quyền mới tất sẽ có cuộc chia chác lãnh địa và thứ bậc mới. Các thế lực cạnh tranh bát cơm như nấm sau mưa. Ai cũng muốn thò chân vào canh bạc quyền lực vừa bày ra. Đỗ gia, Lý gia, Phùng gia… đều bắt đầu rải tiền gây dựng quan hệ và thế lực trong bộ máy hành chính mới.
Đỗ gia liên tục hào phóng quyên góp cho triều đình với tần suất dày đặc, tặng lễ hậu hĩnh lung lạc được gần một phần ba văn võ bá quan. Lão già Đỗ Phu trước không dốc cạn vốn nên chậm chân, giờ lão bằng mọi cách phải gỡ gạc lại. Cách nhanh nhất và đơn giản nhất là liên hôn. Vốn trước trận Bạch Đằng đã hứa hẹn miệng với Ngô vương và Dương gia, nhưng lúc đó lão cũng chừa cho Đỗ gia vài đường lùi nếu đất này đổi chủ, vào tay Nam Hán. Lời hứa suông với người như lão chỉ là gió thổi, nhưng lão biết, với đám người lúc nào cũng thích khoác cái mác “anh hùng hào kiệt” thì hẳn nó như đinh đóng cột, như món nợ phải trả. Thế là lão mặt dày đến bái kiến Ngô Vương và Hữu thừa tướng, bóng gió đòi nợ. Ngô Vương và Tam Kha ban đầu còn lờ đi, giả bộ bận rộn. Nhưng khi có sứ giả Chiêm Thành quốc tới bàn việc bang giao thì Ngô vương không thể giả bộ được nữa. Ngân khố không có là bao, mà việc kiến thiết mới chỗ nào cũng cần bạc. Đỗ gia vốn nắm tất cả các mối thông thương với Chiêm Thành ở đất Tĩnh Hải, từ nay sẽ để triều đình thu thuế toàn bộ, đồng thời nhượng lại một phần tư mối làm ăn cho triều đình, và một phần tư cho các gia tộc khác. Thành giao.
Cuối tháng 10 năm ấy, Ngô Vương lập Đỗ Thẩm Lan, chưa đầy 16 tuổi, con gái thứ hai của trưởng tôn chi thứ, ngụ ở Dục Tú, làm quí phi. Đỗ phi xinh đẹp, như hoa xuân đang hé nở, vừa tiến vào hậu cung đã giành hết sủng ái của đấng quân thượng. Đỗ gia và đám văn võ bá quan lúc này mới thở phào.
Tới tháng 12, Cổ Loa thành lại đón tiếp tiệc đại hỷ thứ hai. Hữu thừa tướng Dương Tam Kha kết duyên cùng Đỗ Nhâm Phi, trưởng nữ của Đỗ gia. Cặp đôi trai tài gái sắc vốn được người người ghen tỵ từ một năm trước. Tiệc này ở Đại La và Ái Châu hoan hỉ tới gần chục ngày. Đỗ gia và Dương gia vốn có quan hệ thông gia từ đời trước, nay đã thân lại càng thêm thân. Từ đó, Dương Hữu tướng cũng năng trở lại phủ đệ hơn. Người ta đoán phu thê tình nồng, không khỏi hâm mộ.
Ngay cả Lã Xử Bình vốn tự cho mình sẽ cô độc tới chết già, nhưng vẫn được Phạm Chiêm thúc ép mai mối cho người cháu họ xa. Chỉ thêm một người không đáng là bao, coi như nhận ân tình của Phạm tướng, lại có kẻ nâng khăn sửa túi, làm ấm giường, Xử Bình chậc lưỡi chấp nhận. Nhờ thế mà sau này, Lã Tả tướng không bị tuyệt tự khi có tới 5 người con lo hương hỏa.
Cứ thế thành lệ, việc liên hôn giữa phú hào với quan lại, quan lại với quan lại bắt đầu rầm rộ. Nhìn vào là đoán ra ngay các liên minh mới. Chuyện kết duyên vì hai bên lưỡng tình tương duyệt từ trước chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Có thể nói, thời đại mới cũng không có nhiều chỗ cho tình yêu trai gái.
Buồn nhất có lẽ là nàng Trần Thị Phương Dung lẻ loi trong viện nhỏ nơi hậu cung. Nữ nhi chưa có tên đã mất, phu quân thờ ơ, người trong lòng kết duyên cùng kẻ nàng căm hận – Đỗ Nhâm Phi. Chuyện là sau mấy tháng trời bị Đỗ tiểu thư chèn ép, ám toán nhiều lần ở phủ đệ họ Dương, Phương Dung hiểu nàng khó mà sống yên bên kẻ mưu sâu kế hiểm như Nhâm Phi. Dẫu Lỗ quản gia có che chở nhưng không chắn hết gió mưa. Chỉ đàn bà mới hiểu lòng dạ đàn bà. Nàng chọn Xương Ngập cũng vì thất vọng và chán chường. Thế mà nàng ta cũng không để nàng yên, bày mưu làm lộ chuyện nàng mang thai. Con nàng yểu mệnh chắc hẳn cũng do nàng ta từng động chân động tay trong thuốc dưỡng thai. Đêm tất niên gió rét căm căm, Phương Dung đang thẫn thờ hóa vàng cho con, nghe người hầu báo Ngập đưa thêm một cô nương mĩ miều vào phủ làm thiếp, tâm nàng nháy mắt hóa hư không.

Rất nhanh thành Cổ Loa lại có đại hỷ thứ ba: trưởng hoàng tử lập phi. Hoàng tử phi là người Khúc gia, một trong thập đại gia tộc đất Tĩnh Hải. Nhiều người ngạc nhiên vì không nghe nói Khúc gia có nữ nhi nào còn chưa thành gia thất. Có tin đồn người con gái này tài hoa tuyệt đại, nhan sắc kinh diễm, được Khúc gia thu dưỡng từ nhỏ, nên có khí phách con nhà võ, lại có thần thái hoàng hoa khuê tú khiến bất cứ đấng nam nhi nào gặp cũng xiêu lòng.
Trưởng hoàng tử Ngô Xương Ngập tình cờ nhặt được trâm cài của nàng trong ngày thành hôn của bác mình – Hữu tướng Dương Tam Kha. Cây trâm tinh xảo tới mức hắn không thể không nhặt lên. Nhìn vật đoán người, vật hiếm có chắc hẳn chủ nhân cũng phải hơn người. Thấy một gia nhân đi tới đòi lại cây trâm quí, hắn nằng nặc đòi gặp mặt chủ nhân mới trả đồ. Gặp rồi mới tiếc ngẩn ngơ. Người con gái trước mặt như phong vân tiên tử, khiến Ngập chìm trong mộng mị, quên cả thời không. Tỉnh lại trâm mất, mà người cũng đi tự bao giờ. Ngập chạy khắp nơi hỏi khách quan. Không ai gặp và cũng không ai biết nàng. Cho đến ba hôm sau, mang Xương Văn đến phủ Dương Hữu tướng, phu nhân của bác hắn mới cho biết đó là dưỡng nữ Khúc gia, bạn hữu nơi khuê phòng của nàng. Từ ngày đó, Ngập không ngừng tìm mọi cách xây dựng quan hệ tốt với Khúc gia, hòng tìm lại người trong mộng.
Ba tháng sau, nhân một ngày Ngô Vương vô cùng hoan hỉ với tin tướng trấn thủ biên giới phía Bắc Hồ Bình vừa đánh lui một toán quân Nam Hán lén lút xâm phạm, Ngập xin vua cha kết duyên cùng Khúc Tam Nương. Khỏi phải nói Ngô Vương kinh ngạc tới mức nào. Họ Khúc không phải ai cũng với tới được, lâu nay chỉ kết thông gia cùng thập đại gia tộc. Đây có lẽ là việc Xương Ngập làm vua cha hài lòng nhất trong đời hắn.
Cuộc hôn phối này căn bản làm thay đổi hoàn toàn các liên minh quyền lực đất Tĩnh Hải. Họ Ngô, từ một họ chỉ có chút tiếng tăm nơi Châu Ái, nay đã chính thức đứng ngang hàng với thập đại gia tộc.

(1)     Năm 939 – năm thứ 1 của Tiền Ngô Vương là năm Thiên Phúc thứ 4 của nhà Tấn phương Bắc.




Luận Anh Hùng-Cheryl Pham: Chương Bảy - Anh Hùng tạo nên Thời cuộc



Chương Bảy: Anh Hùng tạo nên Thời cuộc

Anh Hùng chân chính cũng cầu thời vận

Năm ngày sau trận quyết chiến, Ngô Quyền và các tướng làm lễ tế tướng sĩ chết trận trên gò đất nổi bên trong ghềnh Cốc – phòng tuyến đẫm máu nhất. Đàn tế bằng tre nứa và ván thuyền cháy dở. Gần chục dặm dài xanh mướt lau sậy hai bên bờ mấy ngày trước, giờ xám xịt, loang lổ vết tro tàn, khói vẫn còn bốc lên trong không khí nồng nặc mùi gỗ cháy và xác thối. Nhìn cảnh điêu tàn trước mắt, dù trước đó có hưng phấn đến mấy vì thắng trận, Ngô tướng và mọi người vẫn không khỏi bùi ngùi rơi lệ. Một trăm cái xác không còn nguyên vẹn đặt trước đàn tế, cùng hai trăm hình nộm rơm tượng trưng cho hơn 3.000 quân sĩ. Những dải cờ đỏ, xanh, vàng treo kín quanh bãi đá. Thậm chí dọc hai bên bờ sông, thi thoảng cũng treo những dải lụa đen trắng. Người dân và tướng sĩ treo lên để tưởng niệm và đánh dấu chiến trường. Quyền đọc bài văn tế do Xử Bình soạn từ hai hôm trước. Mùi nhang khói dần dần lan tỏa trong không khí, an ủi vong linh những người tử trận. Bài tế vừa đọc xong, có những tiếng sụt sùi rấm rứt. Rồi dần dần, như thể cảm thấy không cần để ý, những tiếng khóc và những giọt nước mắt vỡ òa, theo gió ngân nga rền rĩ như khúc tiễn đưa bi tráng.
Hôm sau, Quyền và các tướng hành quân về Đại La, để lại Tam Kha, Phạm Chiêm, Vũ Nghiêm và Nhị Kha xử lý chiến trường. Đoàn quân của Ngô tướng đi đến đâu, người dân hai bên vây kín bái tế, chào mừng hoan hỉ. Hào trưởng và thủ lĩnh các địa phương đều ra tận nơi nghênh đón, xin thần phục và tặng lễ hậu hĩnh. Đoạn đường đi chỉ mất nửa ngày, nhưng lần này phải sau một tuần mới tới cổng phía Đông thành Đại La.
Cổng thành đã mở rộng từ sáng sớm hôm đó. Cờ xí rợp trời. Người dân mặc áo mới hân hoan đứng chật cổng. Đinh Công Trứ và Dương Cát Lợi phủ phục xuống chân Ngô tướng, nói trong nước mắt:
-         Bản tướng chinh chiến cả đời tới nay mới gặp được trang hào kiệt vũ dũng, đức độ toàn tài như Ngô tướng. Ta nguyện xin thề trọn đời làm thân trâu ngựa, phụng sự sự nghiệp của tướng quân. Xin thề!
Ba quân và thậm chí cả người dân cùng đồng thanh hô vang “Xin thề! Xin thề!”
Quyền xúc động, thưa:
-         Chúng ta thắng trận hôm nay là nhờ tướng sĩ một lòng, bá tánh trợ giúp, Dương lão tướng quân linh thiêng phù hộ. Trời cao giúp Tĩnh Hải quân thoát khỏi hiểm cảnh. Quyền tôi thay mặt chư tướng, đa tạ trời đất, đa tạ các vị, đa tạ bà con, đa tạ Dương lão tướng quân. Ta nguyện hết lòng hết sức bảo vệ giang sơn này.
Quân sĩ cùng hò reo vang dội. Ngô tướng và đoàn người hùng dũng tiến vào phủ Đô hộ trong hoa rơi như mưa, tiếng ca hát, tiếng trống phách tưởng như không bao giờ ngớt. Thành Đại La từ lúc khai sinh chưa có ngày nào náo nhiệt, hân hoan, rực rỡ như hôm nay.
Nhiều hàng quán mở cửa thông ngày đêm, thậm chí còn bán miễn phí cho quan binh đánh trận. Người dân xếp hàng dài trước phủ đô hộ mong tặng lễ hay chỉ đơn giản mong gặp các vị anh hùng đã đánh một trận vĩ đại nhất trong lịch sử, khiến lòng người choáng ngợp, ngất ngây. Trên phố xá, những điệu tuồng, những câu chuyện về Ngô tướng và đoàn quân được lan truyền, thêm thắt thành truyền kỳ. Tên tuổi của Ngô Quyền, Dương Tam Kha như mặt trời ban trưa. Cả những cái tên trước đây chưa bao giờ nghe tới như Lã Xử Bình, Vũ Dũng, Vũ Nghiêm, … giờ đến đám con nít cũng thuộc vanh vách.
Quyền lại khao quân một lần nữa. Lần này là một bữa đại tiệc lớn chưa từng có, do nhà Đỗ gia ở Đỗ Động Giang quyên góp. Lão già Đỗ Phu mắt nhắm tịt, cười đến sắp rớt hết cả răng, lòng thầm hận sao trước mình lại còn chần chừ không dốc toàn lực phò tá Ngô tướng, biết đâu cái ghế cao nhất thiên hạ bên cạnh Ngô tướng tương lai chưa chắc đã là của nhà họ Dương. Khi nghe tin thắng trận Bạch Đằng, lão và đám trưởng lão Đỗ gia phải gẩy gãy mấy cái bàn tính để cân nhắc hướng gió sắp tới. Đỗ gia tiên phong nên các phú hào khắp nơi hưởng ứng nhiệt tình, nô nức đem hậu lễ tới phủ đô hộ. Quyền nhận hết, không từ một ai.
Các tướng đều xin Quyền lên nhận chức Tiết Độ sứ, cai quản Tĩnh Hải quân. Xử Bình bảo với các tướng:
-         Ngô tướng hùng tâm tráng trí, công tài khuynh thiên hạ, há lại chỉ nhìn tới cái chức Tiết Độ Sứ bé nhỏ kia sao? Một trận Bạch Đằng Giang uy chấn trời đất, khiến nhân sĩ bốn phương kinh hồn thán phục, há lại chỉ đáng làm tôi tớ kẻ khác?
Quyền gật đầu:
-         Ta tự có định liệu. Trước mắt chỉnh đốn lại quân sĩ và lương khố. Kiểm kê lại kho bạc. Luận công tội từng người. Trận đánh lớn này khiến chúng ta hao hụt rất nhiều lương bạc, vật dụng và nhân lực. Đại bản doanh bên kia còn chưa xong việc trở về. Mấy ngày này binh sĩ ở đây đã quá lạm dụng chiến thắng mà vui chơi quên cả việc nước. Các tướng sĩ hãy thắt chặt kỷ luật. Đợi thu quân hoàn thành, khi đó hãy bàn tiếp.
Các tướng cúi đầu hổ thẹn, đồng loạt hứa sẽ chấn chỉnh quân quyền. Còn Quyền và Xử Bình lại tiếp tục âm thầm mưu bàn cho việc lớn sắp tới.

Lại nói bên Đại bản doanh, Dương Tam Kha thực chất đã thu dọn xong gần hết. Chưa đầy một tháng, đội thủy quân đã sửa sang lại được chừng hai trăm thuyền Mông Đồng, lên đường thư thả về Đại La theo dòng Bạch Đằng và Nhị Hà. Nhóm bộ binh cũng được Vũ Nghiêm đưa về thành ngay sau đó một tuần. Đội thợ rèn ở Ái Châu vẫn phải giữ lại một thời gian nữa. Tam Kha giao 500 binh cho Nhị Kha ở lại dọn chiến trường chính.
Kỳ thật sau mỗi trận đánh có một việc tế nhị, không mấy khi được lịch sử chép lại, là việc thu dọn chiến trường. Đối với đội quân giầy rơm, áo vải, dao cùn, cung nỏ thô sơ không khôi giáp của Ngô tướng, thì việc thu dọn này đã trở thành việc lớn. Sắt phải được thu gom để tái chế, rèn binh khí mới. Vũ khí nguyên vẹn của quân địch nói chung đều tốt hơn của quân sĩ bên mình, nên phải được sửa sang và xung vào kho binh khí. Một số mẫu tàu thuyền, máy bắn đá và khôi giáp vớt lên cần phải có người phục chế, tìm ra cách vận hành và tạo mới. Dù đi đánh nhau nơi đất khách quê người chả mấy ai mang theo tài sản quí giá, nhưng không phải là không tìm được vài bảo vật trên người mấy tướng sĩ Nam Hán, tất cả đem xung công.
Khi nhìn Tam Kha và Phạm Chiêm hò hét hướng dẫn 500 binh và cả đám dân làng tình nguyện gom từng thanh gươm, từng mũi tên bọc thép, cẩn thận lôi lên vô số cọc sắt, lột từng bộ khôi giáp khỏi những cái xác đang phân hủy, kéo vớt từng mảnh thân bọc sắt của thuyền địch; Nhị Kha không khỏi cảm thán “Làm sao có thể nghĩ ra đám ô hợp nông dân, lưu manh và thổ phỉ này lại thắng oanh liệt một đại quân vũ trang đến tận răng được nhỉ?” Càng nghĩ lại càng thấy Ngô tướng, Tam Kha nhà mình và Xử Bình quả là thần thông quảng đại.
Tam Kha quyết định để Nhị Kha ở lại quản lý đội 500 binh này và nhóm thợ rèn trong nửa năm, còn mình và Phạm Chiêm đưa số kỵ binh còn lại trở về Đại La. Trước khi lên đường, Tam Kha và Phạm Chiêm ghé qua Vũ gia trang ở Nam Hải, thăm Hoa phu nhân.
Hoa phu nhân ngồi ở hậu hoa viên trang nhã sau nhà chính. Tóc bà đã bạc trắng, gương mặt đầy nếp nhăn chỉ sau vài tháng không gặp. Mắt bà đã hoàn toàn mù hẳn. Nhìn người phụ nữ có nét đẹp tinh tế quí phái đang yên tĩnh ngồi bên bàn đá như một bậc tiên phong đạo cốt, nhưng mắt vẫn như dõi về phía trời xa chờ đợi người không bao giờ trở về, Tam Kha và Phạm Chiêm ngậm ngùi nhìn nhau. Hoa phu nhân quay lại bảo:
-         Dương tướng quân và Phạm tướng quân lại đây đi. Thứ cho lão bà ta không hành lễ tiếp đón được.
Tam Kha ân cần đáp:
-         Phu nhân chớ lo. Chúng ta chỉ là vãn bối, vẫn phải hành lễ với phu nhân mới phải lẽ.
Kha quay sang Phạm Chiêm bảo:
-         Phạm tướng quân hẳn không biết, kế sách gắn cọc vào lòng sông chính là do Hoa phu nhân bày cho ta đấy.
Chiêm không khỏi kinh ngạc thán phục:
-         Hoa phu nhân thật hơn người. Tướng sĩ chúng tôi phải tạ ơn người. Nhờ kế sách đó mà quân ta toàn thắng. Tôi sẽ báo với Ngô tướng tri ân Hoa phu nhân.
Hoa phu nhân xua xua tay, mỉm cười:
-         Cảm phiền hai vị đừng khách khí. Đóng cọc thì người dân hai bên sông Rừng đã làm bao đời nay. Nếu ta không nói thì Dương tướng quân khi tìm hiểu cũng sẽ biết thôi. Đó cũng không phải ta nghĩ ra nên đừng làm lão bà ta hổ thẹn.
Hai người không khách khí nữa, ngồi xuống ghế đá đối diện Hoa phu nhân thưởng trà. Khi Phạm Chiêm trao quần áo, tư trang và thanh gươm của Vũ Dũng cho bà, Hoa phu nhân bần thần vuốt chuôi gươm, nghẹn ngào nói:
-         Từ bé Dũng nhi đã mong được làm anh hùng, được đánh một trận để đời. Giờ hẳn nó đã toại nguyện.
-         Hoa phu nhân, người thật may mắn có một người con khí phách như vậy. Phạm Chiêm tôi thay mặt anh em cảm tạ người đã nuôi dạy nên một tướng tài cho giang sơn. – Phạm Chiêm thành khẩn quì lạy Hoa phu nhân ba lễ.
-         Ấy đừng, lão bà ta không nhận nổi. Chính ta phải cảm tạ Ngô tướng, Dương tướng, Phạm tướng đã thu nhận nhi tử giang hồ nhà ta. Ta tưởng sẽ cả đời chẳng bao giờ còn cơ hội gặp lại con, nhưng nhờ các ngài, mẫu tử ta được đoàn tụ, tiếng xấu bao năm của Vũ gia được gột rửa. Nó được làm người như hôm nay ta và Vũ gia đã vô cùng mãn nguyện, có chết cũng không phiền não, áy náy với tổ tiên và xã tắc.
Phạm Chiêm và Tam Kha kể lại trận đánh cùng những ngày tháng Vũ Dũng ở trong quân, những chiến công của Vũ tướng quân đánh thành Đại La và đối đầu Nam Hán trên Bạch Đằng giang. Họ chuyện trò hơn một canh giờ. Khi bóng chiều lan xuống khu vườn, Hoa phu nhân trân trọng mời hai người ở lại dùng cơm với bà.
Con cháu Vũ gia không đông lắm. Có ba chi đã tách ra. Hoa phu nhân Hoa Phương Nhan là chủ mẫu Vũ gia hiện tại. Phu quân của bà, Vũ Khải, đã mất trong cuộc đụng độ với đám phú hào năm xưa, kéo theo Vũ Dũng làm chuyện tày đình phải tha phương xứ người. Bà sống một mình trong nhà chính với một người hầu gái. Nhìn gia cảnh đơn sơ còn vương lại chút bề thế, mới biết Vũ gia đã xuống dốc rất nhiều. Trong viện có gia quyến của Vũ Nghiêm, cũng cùng ăn tối. Những đứa trẻ của Vũ gia khi biết khách là hai danh tướng vừa thắng trận lừng lẫy thì rất kinh hách, lạy lấy lạy để hai người, đòi tòng quân. Tam Kha và Phạm Chiêm vui vẻ nhận lời, bảo bọn trẻ phải chăm chỉ rèn luyện, khi đủ mười lăm tuổi hãy tới bản doanh gặp họ.
Trước lúc ra về, Tam Kha và Phạm Chiêm tới hương án Vũ tướng quân Vũ Dũng bái biệt. Tam Kha vừa cắm nén nhang vào bát hương, một làn gió mạnh xộc thẳng vào cửa chính, khiến cả bát hương bùng bùng bốc cháy. Hai vị tướng đều hết sức kinh ngạc và lo lắng bảo Hoa phu nhân. Ngược lại, bà có vẻ rất bình tĩnh, đăm chiêu một lúc bảo chờ bát hương cháy hết. Bà nhờ mang tấm bạch phong tử trên hương án tới cho bà. Tam Kha nhanh nhẹn thu những thanh đá trắng như thẻ bài, xếp hàng rất đẹp mắt gần lư hương lại, đặt chúng ngay ngắn lên bàn gỗ trước mặt Hoa phu nhân. Bà lão lấy tay sờ sờ bề mặt khắc chữ của từng thanh bạch ngọc, mặt thoáng chút kinh ngạc, lại thoáng chút đăm chiêu.
-         Có chuyện gì sao, phu nhân? – Cả Phạm Chiêm cùng Tam Kha đều lo lắng hỏi.
Hoa phu nhân không lập tức trả lời. Bà phất tay ra hiệu, người hầu gái bên cạnh nhẹ nhàng lui ra, đồng thời đóng lại cửa. Kha và Chiêm lại càng ngạc nhiên.
-         Hiểm Sơn Tiềm Long Phục – Hoa phu nhân thì thào sau một lúc trầm tư – Sắp có chúa mới. Nhưng không quá một kỳ (1). – Lại trầm tư một lúc nữa, bà hỏi hai vị tướng – Hai vị cho lão bà ta hỏi, ai vừa châm hương? Ai sắp thẻ này?
Dẫu chưa hết kinh ngạc và không hiểu những lời bà vừa lẩm nhẩm, nhưng Tam Kha vẫn đáp:
-         Hoa phu nhân, đều chính tay Tam Kha tôi.
Hoa phu nhân lại im lặng như pho tượng. Kha và Chiêm lờ mờ đoán hẳn có chuyện quan trọng bà muốn nói, nên cũng im lặng nhìn nhau. Khoảng một tuần hương, tiếng Hoa phu nhân chậm rãi vang lên:
-         Bạch phong tử là gia truyền của Hoa gia, thường được cha ta dùng xem tượng trời đất, thời vận. Dương tướng quân vừa đặt đã sắp thành quẻ Hiểm Sơn Tiềm Long Phục. Quẻ này tượng ở hướng tây, sắp có chúa mới.
-         Tại hạ ngu dốt, mong Hoa phu nhân chỉ rõ. – Kha đáp.
-         Phía tây là hướng thành Giao châu. Chúa mới hẳn chỉ Ngô tướng. Với chiến thắng Bạch Đằng danh chấn thiên hạ đủ để Ngô tướng thu phục lòng người, lên làm chúa một phương. Nhưng quẻ này báo chúa mới không tại vị được lâu. Nghịch thiên sửa vận may lắm duy trì được ba đời.
-         Ngô tướng làm chúa là phúc của xã tắc. Sự đời sau là do người đời sau liệu. Ta há có thể lo? Chẳng hay còn có điều gì khiến phu nhân băn khoăn? – Kha nghiêm trang hỏi.
-         Còn có một lời chiêm nữa. Phạm tướng có thể nghe sao?
Kha hiểu ra, khảng khái chắp tay thưa:
-         Hẳn là chiêm cho ta rồi. Phu nhân cứ nói. Cũng chỉ là lời tượng, chưa hẳn đúng sai. Phạm tướng quân là người minh triết, phu nhân không cần e ngại. Huống chi Tam Kha ta một đời chính trực, trung quân ái quốc, không ăn ở hai lòng. Tấm lòng này có trời đất chứng giám.
-         Quẻ này báo – Hoa phu nhân trầm giọng xuống – Người sắp quẻ là giống long phụng, là kẻ khuynh thiên hạ, tất có lúc làm chúa một phương.
Cả Kha và Chiêm đều kinh hách. Nhưng vốn kinh qua nhiều sự, Kha bình tĩnh lại ngay.
-         Phu nhân có thể tượng ra Kha ta là người lòng dạ bất nhất, quay mặt phản chủ chăng?
Hoa phu nhân không nói. Bà chắp tay niệm Phật một lúc rồi đưa tay thu lại các thanh bạch phong tử, vỗ vỗ 49 lần xuống bàn, đảo phải 9 lần, trái 9 lần, rồi rải lên bàn lần nữa, sắp thành quẻ mới. Bà lại dùng tay sờ từng nét khắc trên mỗi thanh bạch ngọc. Ngẫm một lúc, bà nói:
-         Vừa trung vừa chính. Tốt! Tốt! Dương tướng quân đức độ, khôn ngoan sáng suốt, mang trong mình các phúc phần âm trạch hưng thịnh của Dương gia bao đời. Cho dù thời thế xoay vần, vận xã tắc thịnh suy, thì ngài vẫn yên ổn vượt qua hết thảy.
Kha và Chiêm đa tạ Hoa phu nhân, cáo từ Vũ gia trở về Đại bản doanh. Kha hỏi Chiêm:
-         Tướng quân hẳn có băn khoăn về lời chiêm?
Chiêm khảng khái đáp:
-         Đúng là thoạt tiên ta có băn khoăn. Nhưng ta nghĩ, Dương tướng quân là bậc tuổi trẻ tài cao mà Phạm mỗ vô cùng kính phục từ trước. Trải qua ngày tháng luyện binh đánh trận, tại hạ càng thêm ngưỡng mộ tài đức chí công vô tư của ngài. Người như ngài sao có thể làm chuyện nghịch thiên phản đạo. Nếu lời chiêm có đúng, ta hiểu tất thế cuộc biến hóa không hợp lòng người, Dương tướng quân hẳn sẽ vì xã tắc mà ổn định thời cuộc. Nếu là Phạm mỗ, ta cũng không từ nguy nan san sẻ trợ giúp bá tánh. Anh hùng chân chính nào chẳng cầu thời vận.
-         Đa tạ Phạm tướng quân đã tin tưởng.

Một ngày trước Tết Nguyên Đán năm Kỷ Hợi (939), Dương Tam Kha và Phạm Chiêm thu quân về tới Đại La. Quyền khao tướng sĩ một lần nữa. Kế hoạch lên ngôi được Ngô Quyền, Lã Xử Bình, Dương Tam Kha và Phạm Chiêm bàn bạc chi tiết và cho người ráo riết chuẩn bị. Cổ Loa thành bỏ quên từ lâu nay được bí mật tu sửa, trang hoàn lộng lẫy.
Sau Tết, Ngô phu nhân Dương Thị Như Ngọc cùng ba con và cháu nội Ngô Xương Tỷ từ Ái Châu lên Đại La đoàn tụ với Ngô tướng và Ngô Xương Ngập ở phủ đô hộ.

Đầu xuân năm Kỷ Hợi, một tháng sau lễ Nguyên Tiêu, Ngô Quyền ra cáo thiên hạ, xưng Vương, tục gọi Tiền Ngô Vương, lập Dương Thị Như Ngọc làm hoàng hậu, phục lại quốc thống, đặt kinh đô tại Cổ Loa, đặt trăm quan cai quản triều chính và 12 châu Tĩnh Hải, dựng nghi lễ trong triều, định màu sắc các đồ mặc. Các thân tướng trong trận Đại La và Bạch Đằng đều trở thành trụ cột của bộ máy hành chính mới. Dương Tam Kha làm Hữu thừa tướng, đứng đầu võ quan. Lã Xử Bình làm Tả thừa tướng, đứng đầu văn quan. Phạm Chiêm giữ chức Uy Võ tướng quân. Kiều Tri Hựu (tức Kiều Công Hãn) làm Tham Lang tướng quân. Dương Nhị Kha làm Nam Bình tướng quân. Dương Cát Lợi làm Chinh Bắc tướng quân. Đinh tướng quân Đinh Công Trứ làm Bình Tây tướng quân, nhưng do sức khỏe và bệnh tật, trả lại ấn soái, xin quay về làm Thứ sử Hoan châu như trước; sau Tam Kha thấy việc quân vẫn ngổn ngang, xin Đinh tướng ở lại trợ giúp thêm một thời gian. Còn Ngô Xương Ngập làm phó tướng cho Tam Kha. Các tướng sĩ khác đều được thưởng công luận tội xứng đáng.
Biết Ngô Vương quay về kinh đô cũ thời Âu Lạc, phá bỏ phủ đô hộ ở Đại La, như biểu hiện lòng đoạn tuyệt với những gì phương Bắc đô hộ lập ra, lại chặn được thế lực và nội ứng phương Bắc gây dựng hàng trăm năm, ai nấy đều tán tụng. Lại có người bảo, Ngô gia dù nổi danh đất Ái châu, nhưng gốc rễ không phải ở Giao châu, không có đồng minh, thân tín cũng chỉ vài ba người góp nhặt trong mấy năm, sao địch lại Dương gia, Kiều gia, Khúc gia và thập đại gia tộc đất Tĩnh Hải đã trăm năm ngự tại Đại La, nên lui về Cổ Loa tránh tên bay đạn lạc buổi sơ khai, gây dựng lực lượng là hợp lý. Có người như đám Kiều Thuận, chê Ngô vương gan hùm mật gấu đánh bại Nam Hán, lại không có dũng khí đè bẹp đám thế gia trăm năm hùng bá thành Đại La, phải lui về ngôi miếu nát Cổ Loa như rùa cạn.
Sử sách ghi lại, Tiền Ngô Vương “giết giặc nội phản để trả thù cho chúa, đuổi quân ngoại xâm để cứu nạn cho nước, xây dựng quốc gia, đem lại chính thống, công nghiệp thực là vĩ đại”, “Đã thấy sơ qua về quy mô đế vương”, “Trận Bạch Đằng là vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu” (2).
Nhưng cũng có sách phê, “Ngô Quyền gặp được ngụy triều Nam Hán là một nước nhỏ, Hoằng Tháo là thằng hèn kém, nên mới có được trận thắng trên sông Bạch Đằng. Đó là một việc may, có gì đáng khen.” (3)
Dù khen chê mặc người, khi lòng người đã thuận, thiên địa giao hòa, kẻ anh hùng chí dũng đạp bước, lập nên thời đại mới, mới không uổng đã sống ở trong trời đất.


(1)     Một kỳ là 10 năm. Ý nói chúa mới lên nắm quyền chưa tới 10 năm là hết.
(2)     Lời bàn của Ngô Thì Sĩ trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Quốc sử quán Triều Nguyễn.
(3)     Lời phê trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Quốc sử quán Triều Nguyễn.




Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

If I sound annoyed, it's because I am



Kinh diệt trừ phiền giận

Đây là những điều tôi đã được nghe, hồi Bụt còn cư trú trong tu viện Cấp Cô Độc, rừng Thắng Lâm, tại thành Xá Vệ.


Hôm ấy, tôn giả Xá Lợi Phất nói với các vị khất sĩ: “Này các bạn đồng tu, hôm nay tôi muốn chia sẻ với các vị về năm phương pháp diệt trừ phiền giận, xin các bạn lắng nghe và chiêm nghiệm.”
Các vị khất sĩ vâng lời và lắng nghe.

Tôn giả Xá Lợi Phất nói: 

-         -  Năm phương pháp diệt trừ phiền giận ấy là những phương pháp nào?

Đây là phương pháp thứ nhất, này các bạn.
Nếu có một ai đó không dễ thương nhưng lời nói lại dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Này các bạn tu, ví dụ có một vị khất sĩ tu theo hạnh A Lan Nhã, ưa mặc y phấn tảo, một hôm đi qua một đống rác bẩn có phân, nước tiểu, nước mủ và các thứ dơ dáy khác, trông thấy một tấm vải còn lành lặn. Vị ấy dùng tay trái cầm miếng vải lên và lấy tay phải căng nó ra. Thấy miếng vải chưa bị rách thủng mà cũng không bị phân, nước tiểu, nước mủ và các chất dơ bẩn khác dính vào, vị ấy liền xếp mảnh vải lại, cất lấy, đem về nhà để giặt sạch và may chung với các tấm vải khác làm y phấn tảo. Cũng như thế, này các bạn tu, khi có một người mà hành động không dễ thương, nhưng lời nói còn dễ thương thì ta hãy đừng để tâm nghĩ tới hành động của người ấy mà chỉ nên chú ý tới lời nói dễ thương của người ấy, để có thể dứt trừ sự phiền giận của mình. Người có trí phải nên thực tập như vậy.

Đây là phương pháp thứ hai, này các bạn.
Nếu có một ai đó mà lời nói không dễ thương nhưng hành động lại dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Này các bạn tu, ví dụ như cách thôn xóm không xa có một hồ nước sâu nhưng mặt nước lại bị rêu cỏ che lấp. Lúc bấy giờ có một người đi tới gần hồ, tự thân đang bị sự đói khát và nóng bức hành hạ. Người ấy cởi áo để trên bờ hồ, nhảy xuống, dùng hai cánh tay khoát rêu cỏ ra và khoan khoái mặc tỉnh tắm rửa và uống nước mát dưới hồ. Cũng như thế, này các bạn tu, khi có một người mà lời nói không dễ thương nhưng hành động lại dễ thương thì ta hãy đừng để tâm nghĩ tới lời nói của người ấy mà chỉ nên chú ý tới hành động dễ thương của người ấy thôi để có thể dứt trừ sự phiền giận của mình. Người có trí phải nên thực tập như vậy.

Đây là phương pháp thứ ba, này các bạn.
Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn chút dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Này các bạn tu, ví dụ có một người đi tới một ngã tư kia. Kiệt sức, khát nước, thiếu thốn, nóng bức, phiền muộn. Tại ngã tư ấy có một vết chân trâu, trong ấy còn đọng lại một ít nước mưa. Vị này nghĩ: “Mặc dù nước trong lỗ chân trâu ở ngã tư đường ấy rất ít, nhưng nếu ta dùng tay hoặc lá cây để lấy thì ta sẽ có thể quấy cho nó đục ngầu lên và sẽ không uống được, do đó sẽ không thể trừ bỏ được sự khát nước, thiếu thốn, nóng bức và phiền muộn trong ta. Vậy ta hãy quỳ xuống, tay và đầu gối áp sát đất, dùng miệng mà uống trực tiếp.” Người ấy liền quỳ dài xuống, tay và đầu gối áp sát đất, đưa miệng vào lỗ chân trâu mà uống. Cũng vậy, này các bạn tu, khi thấy một ai đó mà hành động không dễ thương và lời nói cũng không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn chút ít sự dễ thương, thì ta hãy đừng nên để tâm nghĩ tới hành động và lời nói không dễ thương của người ấy mà hãy nên chú ý tới cái chút ít sự dễ thương còn có trong tâm người ấy thôi để có thể dứt trừ được sự phiền giận của mình. Người có trí phải nên thực tập như vậy.

Đây là phương pháp thứ tư, này các bạn.
Nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một chút gì gọi là dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Này các bạn tu, ví dụ như có một kẻ đi xa, trên con đường dài nửa đường bị bệnh. Khốn đốn, héo hắt, cô độc, không bạn đồng hành, thôn xóm phía sau đã lìa bỏ lâu rồi mà thôn xóm phía trước cũng còn cách đó rất xa, người đó đang lâm vào tình trạng tuyệt vọng, biết mình sẽ chết ở dọc đường. Trong lúc ấy, có một người khác đi tới, thấy được tình trạng này, liền ra tay cứu giúp. Người ấy dìu người kia tới được thôn ấp phía trước, chăm sóc, chữa trị và chu toàn cho về các mặt thuốc thang và thực phẩm. Nhờ sự giúp đỡ ấy mà người kia thoát nạn. Sở dĩ người kia thoát nạn, đó là nhờ ở lòng thương xót va lân mẫn của người này. Cũng như thế, này các tu, khi thấy một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một cái gì có thể gọi là dễ thương hết, thì ta phải phát khởi tâm niệm này: “Một người mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà tâm ý cũng không dễ thương là một người rất đau khổ, người này chắc chắn đang đi về những nẻo đường xấu ác cực kỳ, nếu không gặp được thiện tri thức thì người ấy sẽ không có cơ hội chuyển hóa và đi về các nẻo đường hạnh phúc.” Nghĩ như thế, ta mở được lòng thương xót và lân mẫn, diệt trừ được sự phiền giận của ta và giúp được cho kẻ kia. Người có trí phải nên thực tập như vậy.

Đây là phương pháp thứ năm, này các bạn.
Nếu có một ai đó mà hành động dễ thương, lời nói cũng dễ thương mà tâm ý cũng dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận hoặc ganh ghét với kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Này các bạn tu, ví dụ cách ngoài thôn xóm không xa có một cái hồ thật đẹp, nước hồ đã trong lại ngọt, đáy hồ sâu mà bằng phẳng, bờ hồ đầy đặn, cỏ xanh mọc sát quanh hồ, bốn phía cây cối xanh tươi cho nhiều bóng mát. Có một kẻ kia đi tới bên hồ, khát nước, phiền muộn, nóng bức, mồ hôi nhễ nhại. Người ấy cởi áo, để trên bờ hồ, nhảy xuống, khoan khoái mặc tỉnh tắm rửa và uống nước; tất cả những nóng bức, khát nước và phiền muộn của mình đồng thời tiêu tán hết. Cũng vậy, này các bạn tu, khi thấy một người mà hành động dễ thương, lời nói dễ thương mà tâm địa cũng dễ thương thì ta hãy nên nhận diện tất cả những cái dễ thương của người ấy về cả ba mặt thân, khẩu và ý mà đừng để sự phiền giận hoặc ganh ghét xâm chiếm ta. Nếu không biết sống hạnh phúc với một người tươi mát như thế thì mình thực sự không phải là một người có trí tuệ.

Này các bạn tu, tôi đã chia sẻ với quý vị về năm phương pháp dứt trừ sự phiền giận.

Sau khi nghe tôn giả Xá Lợi Phất nói, các vị khất sĩ vui mừng tiếp nhận và hành trì theo.

                                                                                                Trích từ Anguttara Nikàya III.186

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

Khi hoa quỳnh nở

Khi hoa quỳnh nở
Sáng ánh sao đêm
Hàng cây đang ngủ
Bốn bề lặng yên

Khi hoa quỳnh nở
Cửa đã buông rèm
Cô ngồi chấm vở
Sửa bài chúng em

Ngọn đèn soi tỏ
Ánh mắt thân thương
Bên khung cửa sổ
Hoa quỳnh ngát hương
   
- Hải Phòng, tháng 9 năm 1997