Phần 1: Phật giáo – từ trong u tối tới vinh quang
Giống như các
tôn giáo khác, Phật giáo đi tìm câu trả lời cho một loạt những vấn đề lớn lao của
vũ trụ và xã hội mà con người luôn trăn trở từ thuở bình minh của nhân loại.
Chúng ta đi ra từ đâu, và kết thúc ở đâu? Tại sao chúng ta lại là ta như thế
này? Tại sao khổ? Làm sao hết khổ?... Tôn giáo giải đáp những khúc mắc, hoài
nghi đó bằng một hệ thống nhân vật và tình tiết được thần thánh hóa cùng hệ thống
niềm tin được duy trì và củng cố qua nhiều thế hệ, với sự trợ lực chủ yếu từ tầng
lớp thống trị và, tất nhiên, luôn kèm theo mục đích chính trị. Vì thế, trên con
đường phát triển của mình, để tồn tại được và trở nên hùng mạnh, mỗi tôn giáo luôn
tìm cách lôi kéo, gây ảnh hưởng tới tầng lớp tinh hoa, đồng thời biến tấu cho
phù hợp với xu hướng chính trị đương thời (hay đúng hơn là được lòng tầng lớp
thống trị đương thời). Trong nhiều hoàn cảnh lịch sử, tôn giáo biến thành công
cụ cai trị đắc lực của giai cấp thống trị.
Các tôn giáo xuất
phát từ phương Tây có khuynh hướng hướng ngoại. Đa số vấn đề được giải quyết dựa
trên đối nhân xử thế với môi trường bên ngoài như gia đình, bạn bè, tha nhân… Sức
mạnh, năng lượng, tình yêu, của cải, địa vị, sự tự tin… đều dựa trên đó mà hình
thành và ghi nhận. Còn những tôn giáo từ phương Đông có vẻ hướng nội. Giải pháp
cho mọi câu hỏi đều tập trung vào bên trong bản thể con người. Năng lượng, trí
tuệ, nhân cách… đều do nội lực tu luyện và hàm dưỡng của chính mình mà thành.
Phật giáo ra đời
ở Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm, gần như cùng thời với Nho giáo nguyên thủy của
đức Khổng Tử. Có một điều thú vị, ông tổ - người sáng lập ra tôn giáo này, thái
tử Tất Đạt Đa – được vinh danh là Đức Thế Tôn hay Phật Tổ, đấng linh thiêng cao
cả nhất của các tín đồ - là con người bằng xương bằng thịt, có thật trong lịch
sử. Điều này khiến các tín đồ đạo Phật, và những người vô thần hoặc không tin
theo tôn giáo nào cảm thấy nó thực tế hơn, trần tục hơn, có tính khoa học hơn
so với nhiều tôn giáo khác. Ví dụ như, Ấn Độ giáo nguyên thủy từ thờ đa thần (2300-1750
TCN) tới vô thần (1000-500 TCN). Nhà tiên tri Moses – nhân vật tiên phong rao
giảng đức tin Do Thái giáo (1500 TCN) – chuyện ông nhận lãnh Mười Điều Răn trên
núi Sinai phải chăng nên diễn giải là ông đã nghĩ ra những nền tảng đầu tiên của
tôn giáo này ở đó? Abraham – nhân vật được cả ba tôn giáo lớn (Do Thái giáo,
Ki-tô giáo, Hồi giáo) nhận làm tổ phụ - cũng chỉ là nhân vật được kể trong kinh
Cựu Ước. Chúa Jesus – người đầu tiên rao
giảng đức tin Ki - tô, sau này được các tín đồ ghi chép lại trong Tân Ước và
tôn làm ông tổ của Ki-tô giáo (thế kỉ 1) – cũng là nhân vật khiến cả giới thần
học và khoa học tranh cãi về tính chân thực mà chưa có bằng chứng xác minh đầy
đủ.
Đối với Phật
giáo, do các Phật tử không cho lịch sử là quan trọng, việc ghi chép vì thế
không được đầy đủ và gìn giữ cẩn trọng. Trải qua hàng trăm năm, tài liệu bị thất
lạc, kinh sách cũng không còn nguyên vẹn. Giả thuyết về vị Tổ khai đạo mọc lên
như nấm. Trong khi Ki-tô giáo có địa vị vững chắc – trở thành một phần lịch sử
phương Tây, ngay cả năm dương lịch cũng lấy sự hiện diện của Chúa Jesus làm mốc
bắt đầu của thế giới (Tiếng Anh: AD –
after death, anno domini – năm của Thiên Chúa, BC – before Chris – năm trước
Thiên Chúa; tất nhiên ngày nay nhiều học giả đã tính toán lại dựa trên Kinh
Thánh và cho rằng Jesus hẳn phải sống vào thế kỷ 6-4 TCN chứ không phải thế kỷ 1).
Trong thời cuộc các tôn giáo cạnh tranh đất sống khốc liệt, để khôi phục, mở rộng
sự phát triển của Phật giáo, cấp bách cần thống nhất các dữ liệu lịch sử cơ bản
và hệ tư tưởng chính thống. Đại hội lần thứ hai của Tổng Hội Phật giáo Thế giới
tổ chức tại Đông Kinh (Trung Quốc) năm 1952 đã đi đến quyết định: lấy ngày
trăng tròn tháng thứ hai của Ấn Độ (tức ngày rằm tháng 4 âm lịch) năm 624 TCN
là ngày sinh của Phật Tổ; lấy năm nhập Niết Bàn của Đức Phật làm năm đầu kỷ
nguyên Phật Giáo (Phật Tổ 80 tuổi, nên chỉ cần chọn được năm sinh sẽ tính ra
năm mất). Như vậy năm nay – năm 2017 dương lịch (hay lịch Công giáo), sẽ là năm
2561 theo Phật lịch. Hằng năm cứ tới rằm tháng 4, giáo đoàn và chùa chiền khắp
thế giới rầm rộ tổ chức lễ Phật Đản (Vesak). Bạn phải hiểu rằng, đó là một ngày
lễ mang tính tượng trưng, để khuếch trương thanh thế và cũng là một hình thức
marketing, lôi kéo mở rộng đạo Phật.
Phật Thích Ca Mâu Ni lập đạo (thế kỷ 7-6 TCN)
Trở lại với lịch
sử sáng lập, đạo Phật thai nghén trong hoàn cảnh nghiệt ngã, thách thức nghiêm
trọng niềm tin của con người. Hơn 2.500 năm trước, khu vực Ấn Độ gồm hàng loạt
quốc gia nhỏ cùng chung sống, lúc hòa lúc chiến. Vào giai đoạn thế kỷ 7 - 5 TCN,
nước Ma Kiệt Đà (Magatha) – quốc gia lớn nhất ở Nam sông Hằng – làm chủ đại cuộc.
Toàn bộ tiểu quốc khu vực này bị Ấn Độ giáo nguyên thủy thống trị từ hàng ngàn
năm (bấy giờ gọi là Bà – la – môn giáo), với hệ thống tư tưởng và lễ giáo khắc
nghiệt, đã đẩy xã hội vào bất công và phân chia giai cấp sâu sắc – sâu sắc đến
mức Ấn Độ vẫn còn vật vã tranh đấu với nó đến tận hôm nay. Các giai cấp đặc quyền
(Brahmanes, Kastryas, Vaisyas) cư xử với tầng lớp nô lệ, hạ tiện (Soudras,
Pariahs) như thú vật. Về tư tưởng, gần trăm giáo phái xưng hùng xưng bá, đấu đá
lẫn nhau. Tín ngưỡng đa thần, độc thần, vô thần khiến chính tầng lớp thống trị
cũng bị chia rẽ. Tương ứng, bên Trung Hoa lúc đó là thời kỳ Xuân Thu, Chiến Quốc
– các tiểu quốc tan rồi hợp, hợp rồi tan, nhà Đông Chu nắm đại cuộc. Hình thức
thành bang cũng phát triển rực rỡ ở Hy Lạp và Châu Âu đương thời, lúc này đang
là giai đoạn cuối của các bạo chúa ở Athen (chuẩn bị bước vào thời kỳ Cổ điển với
tư tưởng dân chủ cấp tiến sẽ làm mưa làm gió Châu Âu giai đoạn kế tiếp).
Rõ ràng, bối cảnh
xã hội đen tối của khu vực sông Hằng là mảnh đất màu mỡ cho anh hùng và vĩ nhân
xuất hiện. Vị Tổ của chúng ta xuất thân từ địa vị cao, giàu sang và quyền lực lớn
– ở Ấn Độ đó là một vị thế phù hợp để cho ra đời những tư tưởng cách mạng (Kể cả
đến tận bây giờ, cũng không có nhân vật xuất chúng nào ở Ấn Độ xuất thân từ tầng
lớp thấp, đơn giản vì với thành kiến xã hội nặng nề và nền tảng tư tưởng giai cấp
cực đoan thâm căn cố đế cắm rễ trong dân tộc này hàng chục ngàn năm, người tầng
lớp thấp hầu như không có cơ hội bước lên các tầng lớp cao hơn). Ngài có cha là
vua Tịnh Phạn, thuộc giai cấp Kastryas, dòng dõi đại quí tộc Gotama, cai trị nước
Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) ở phía Bắc Ấn Độ gần dãy Himalaya – nay là Nepal, mẹ
là hoàng hậu Ma Da (Haha-Maya) con gái vua A Nậu Thích Ca nước Câu Ly. Hoàng hậu
43 tuổi mới có thai. Gần ngày sinh, nàng về nhà cha mẹ đẻ ở nước Câu Ly theo
phong tục. Một buổi bình minh, nàng đang dạo chơi vườn Lâm Tì Ni (Lumbini) thì
sinh hạ Thái tử dưới gốc cây Sal (Sala – Sau này vua A Dục trồng cây Asokha, tức
cây Vô Ưu hay cây bông trang, ở nơi Đức Phật đản sinh, nên cũng có sách viết Đức
Phật đản sinh dưới gốc cây Vô Ưu). Thái tử được đặt tên Tất Đạt Đa (Siddharta),
mang họ mẹ Thích Ca (Cakya). Bảy ngày sau, hoàng hậu mất. Em vợ thay chị nuôi Thái
tử lớn.
Cuộc đời Thái tử
những ngày sau đó là minh chứng cho sự ưu việt của dòng dõi: sống trong nhung lụa,
học mọi môn học với các thầy giỏi nhất, gặp những nhân vật xuất chúng, tham gia
lễ hội, đi săn... cùng vua cha và hoàng thất. Bảy tuổi, trong lễ cày đất, Thái
tử ngồi thiền dưới gốc cây Jambolan (cây hồng quân), vào định tự nhiên (chứng
Sơ Thiền). 16 tuổi, Ngài được vua cha ban hôn cho tuyệt thế giai nhân Da Du Đà
La (Yosodhara). Họ có một con trai tên La Hầu La (Lahula).
19 tuổi (có sách
ghi 29 tuổi), Thái tử từ bỏ ngai vàng và vinh hoa phú quí, trốn vào rừng sâu,
nghĩ cách cứu độ chúng sinh. Ban đầu Ngài tìm học những đạo sĩ danh tiếng nhất
xứ Ấn Độ bấy giờ, nhưng tự bản thân Ngài thấy đó chưa phải là con đường giải
thoát. Ngài lại tìm đến Tuyết Sơn, ẩn mình tự tu luyện trong 6 năm, nếm đủ mọi
khổ ải trần ai, người chỉ còn da bọc xương, nhưng vẫn không thu được kết quả
gì. Ngài tới núi Gajasira, tắm rửa bên bờ sông, ăn bát cháo sữa của mấy nàng mục
nữ cúng, rồi tới ngồi dưới gốc cây pippala (sau này người ta gọi là cây Bồ Đề -
hay cây Giác Ngộ). Ngài thiền định trong 49 ngày. Ngày thứ 49, lúc sao mai vừa
mọc, Ngài bỗng nhiên đại ngộ (ngày nay, các học giả cho rằng, thời điểm đó Đức
Phật mới chỉ gần giác ngộ - tức “Đốn Ngộ Tiệm Tu” – ngộ trước tu sau, trong quá
trình tu tập hàm dưỡng Ngài mới giác ngộ hoàn toàn). Từ đó Ngài lấy danh hiệu
Phật Thích Ca Mâu Ni, đi chu du khắp lưu vực sông Hằng, rao giảng chân lý ngài
ngộ được để giáo hóa chúng sinh.
Con đường truyền
đạo của Ngài gặp rất nhiều gian khổ và hiểm nguy: vô số chống đối từ tầng lớp
quí tộc, tăng lữ; âm mưu hãm hại của các giáo phái đương thời và chính đệ tử
trong tăng đoàn; sự ngu muội và manh động của tầng lớp thấp hơn; rừng thiêng nước
độc... Nhưng Ngài vẫn kiên trì lý tưởng và con đường đã chọn, mở lòng từ bi vô
bờ bến, hóa độ chúng sinh bất kể giai cấp, địa vị, già trẻ, thiện ác…Trong khoảng
40 năm đó, Ngài thuyết pháp tại hơn 500 hội. Tăng đoàn hùng mạnh lên tới hàng
chục ngàn người - còn đông hơn quân đội của nhiều quốc gia đương thời.
Một ngày, Ngài
nhận bát cháo, phát hiện trong đó có nấm độc – khi ấy Ngài đã 80 tuổi. Nhận thấy
công việc cứu nhân độ thế của mình đã đầy đủ, Ngài gọi đệ tử vào dặn dò cặn kẽ.
Ngài ăn bát cháo độc, rồi đem bát đi chôn, sau đó thanh thản từ giã cõi đời
trên một chiếc võng móc giữa hai cây bông vải (Sala) ngoài thành Câu Thi La
(Kusivagarâ).
Cuộc đời Phật Tổ
vô cùng vĩ đại và ý nghĩa. Sau này các trường phái đã tô thêm nhiều màu sắc thần
thánh, mầu nhiệm, ma mị cho cuộc đời Ngài với nhiều mục đích. Ví dụ như: những
sự kiện lớn trong đời Ngài thường gắn với một cái cây (sinh ra dưới gốc cây, chứng
sơ thiền ngay lần đầu ngồi thiền cũng là dưới gốc cây, thành đạo dưới gốc cây, giã
từ cõi đời giữa hai cành cây). Tuy nhiên, cuộc sống con người khi đó gắn bó rất
chặt chẽ với thiên nhiên. 2.500 trước, một đứa trẻ ra đời dưới gốc cây là hết sức
bình thường. Việc có người sinh hoạt, thậm chí chết bên một cái cây cũng không
có gì đặc biệt. Các học giả nghiên cứu tài liệu nguyên thủy của Phật giáo cho
biết, Ngài sinh ra như mọi đứa trẻ bình thường, trưởng thành theo đúng phong cách
đại quí tộc, chịu trầm luân khổ ải, đói khát trên con đường tìm đạo và hành đạo
như bất cứ nhà truyền giáo đương thời nào.
Vậy, vì sao một
con người bình thường, từng có đủ tham sân si, thất tình lục đục, nếm mọi mùi
gian khổ, nóng lạnh của cuộc đời, rồi về già cũng lăn đùng ra chết; lại khiến bao
thế hệ loài người tôn thờ ngợi ca Phật Tổ/ Đức Thế Tôn, dựng tượng xây chùa,
làm theo lời răn của Ngài? Con người ấy sống chết bình dị giữa một xã hội lạc hậu,
tối tăm và cực đoan đến vậy; mà sao tư tưởng của Ngài hơn 2.500 năm vẫn không hề
bị mai một, còn được lan rộng và phát triển hơn trước? Tại sao nhiều vĩ nhân của
xã hội hiện đại (cả người phương Tây, hay tôn giáo khác) cũng cho rằng Phật
giáo là tôn giáo có tư tưởng tiến bộ nhất, nhiều triết lý và thực hành gần với
chân lý khoa học nhất?
Muốn tìm câu trả
lời, bạn phải tự bỏ công sức tìm hiểu Phật giáo một cách nghiêm túc. Mấy câu
văn đơn giản của tôi không thể giải đáp hết.
Đạo Phật được truyền bá tới hưng thịnh (thế kỷ 6 TCN – thế kỷ 10)
4 tháng sau khi
Phật Tổ mất, ngài Ma Ha Ca Diếp (Mahakasyapa) thống suất tăng chúng, làm chủ tọa
một hội nghị gồm 500 đại đệ tử của Phật Tổ tại thành Vương Xá, để giảng tụng lại
những giáo lý đức Phật đã dạy. Hội nghị kết thúc sau 7 tháng. Hội nghị này chỉ
đọc tụng, không có ghi chép thành văn bản. Đại hội này được lịch sử Phật giáo
hiện đại ghi nhận là lần kết tập đầu tiên trong 4 lần kết tập kinh điển của Phật
giáo.
Lần kết tập thứ
hai diễn ra khoảng 100 năm sau khi Đức Phật mất. Tăng chúng lúc này đã có mâu
thuẫn về các giới điều, chia làm hai phe phái. Phái nguyên thủy (Thượng Tọa Bộ)
muốn giữ nguyên giới luật của Phật Tổ, tổ chức đại hội tại thành Vaisaly. Phái
tiến thủ (Đại Chúng) chủ trương sửa đổi 10 điều luật của Phật Tổ cho phù hợp với
tình hình đương thời, tổ chức đại hội tại thành Vajji. Lần kết tập này cũng chỉ
đọc tụng chứ không ghi chép lại giáo lý của Đức Phật.
Lần kết tập thứ
ba diễn ra khoảng năm 274 TCN. Hoàng đế A Dục triệu tập 1.000 vị đại trưởng lão
để tập kết kinh điển tại thành Pataliputra, do ngài Mục Kiền Liên Tu Đế làm chủ
tọa. Đại hội diễn ra trong 9 tháng.
Lần kết tập thứ
tư vào thế kỷ 1. Đại đế Ca Ni Sắc Ca (Kaniska) triệu tập 500 vị Bồ tát, 50 Tỳ
kheo, 500 cư sĩ tại gia để tập kết kinh điển tại thành Ca Thập Di La. Hiếp Tôn
Giả và Thế Hữu chủ tọa.
Các tài liệu
kinh sách ghi chép từ hai lần kết tập sau sử dụng hai loại văn tự đồng thời: tiếng
Pali và tiếng Phạn. Tiếng Pali là ngôn ngữ phổ biến ở Nam Ấn Độ lúc đó. Tiếng
Phạn phổ biến ở Bắc Ấn. Vì thế, khi đi vào lưu hành trong dân gian, các kinh
sách này đã chia thế giới Phật giáo thành hai phần rõ rệt:
-
Nam phương Phật Giáo (các tiểu quốc phía Nam Ấn
Độ, Sri-lan-ka, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia…): các văn tự tiếng Pali được
phổ biến. Cũng là nơi các bộ phái thuộc Thượng Tọa Bộ (trong dân gian gọi là Tiểu
Thừa) phát triển mạnh và thống trị sau này.
-
Bắc phương Phật Giáo (các tiểu quốc phía Bắc Ấn
Độ, Nepal, Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Bắc Triều Tiên, Việt Nam…): dùng
văn tự tiếng Phạn. Về sau, bộ phái Đại Chúng (trong dân gian gọi là Đại Thừa)
phát triển rực rỡ tại khu vực này.
Sau lần kết tập
thứ 2, tăng chúng Phật giáo chứng kiến sự chia rẽ ngày một mạnh mẽ và sâu rộng.
Các bộ phái co cụm và hưng thịnh ở những địa bàn khác nhau. Phái Thượng Tọa Bộ
sau đó lại chia tiếp thành 11 bộ. Phái Đại Chúng chia thành 9 bộ. Như vậy chỉ
khoảng 100 năm sau lần kết tập thứ 2, tăng chúng đã có 20 bộ phái. Các bộ phái
không chỉ chia rẽ về mặt tư tưởng và giáo lý, mà còn phỉ báng, chống phá lẫn
nhau dữ dội.
Giai đoạn đầu,
phe nhóm Thượng Tọa Bộ thắng thế. Nhưng sau đó tư tưởng của nhóm Đại Chúng dần
dần bành trướng, vượt qua biên giới xứ Ấn Độ, thâm nhập sâu rộng vào Trung Hoa
và phát triển rực rỡ.
Ngay ở lưu vực
sông Hằng, tới thế kỷ 10, các tông phái Đại Chúng (Đại Thừa) đã thống trị hầu hết
tăng đoàn. Tầng lớp quí tộc đa số đều qui y, ra sức xây chùa, in ấn kinh sách Đại
Thừa. Phật giáo Đại Thừa được lan truyền tới Đông Hán (năm 67, vua Minh Đế sai
18 người tới nước Đại Nhục Chi ở phía Tây con đường giao thương Ấn – Trung để
rước Phật về thờ và mời được hai vị sư Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan tới
truyền đạo). Các nhà truyền giáo từ Tây Vực cứ thế lũ lượt kéo nhau sang phía
Đông, mang theo nhiều kinh sách tiếng Phạn. Các triều đại phong kiến Trung Quốc,
Triều Tiên, Nhật, Việt Nam … sau đó, vua và quan lại đều rất sùng bái đạo Phật,
cho dựng nhiều chùa chiền, dịch nhiều kinh điển sang tiếng Hán, tiếng Nhật… Phật
giáo thịnh suy theo từng triều đại. Nhưng Đại Thừa phát triển rực rỡ nhất tại
Trung Quốc, đặc biệt vào giai đoạn thế kỷ 7-9 (Huyền Trang là nhân vật nổi bật
nhất giai đoạn này, 15 năm học đạo ở Ấn, dịch 1.500 kinh sách sang tiếng Hán).
Nhiều giai đoạn, Phật giáo Đại Thừa còn là quốc giáo ở Trung Quốc, Triều Tiên.
Các nhóm Thượng
Tọa Bộ bị lu mờ ở Ấn Độ, bộ phái dần biến mất, nên đành cố công bảo tồn giáo lý
nguyên thủy ở các quốc gia khác (Srilanka, Thái, Lào, Campuchia…). Nỗ lực của họ
đạt thành tựu một cách đáng kinh ngạc. Từ 2.000 năm trước đến tận ngày nay, Phật
giáo Tiểu Thừa vẫn là quốc giáo ở các quốc gia này (trừ Ấn Độ).
Tại sao lại có Đại Thừa và Tiểu Thừa?
Trong kinh
nguyên thủy của Đức Phật, không có từ “Đại Thừa” và “Tiểu Thừa”. Bản thân các
phái bộ khi tự ban hành kinh sách của mình, cũng không hề tự nhận mình là “Đại
Thừa” (cỗ xe lớn) hay “Tiểu Thừa” (Cỗ xe nhỏ) – tất nhiên rồi, ai lại muốn mình
nhỏ cơ chứ. Điều này xảy ra khi các nhà khảo cứu, các nhà viết sử dùng từ ngữ
này để gán cho Phật giáo phương Nam và phương Bắc suốt 2.000 năm qua (Một số học
giả nói, hai từ này xuất hiện đầu tiên trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa – thế kỷ 1
TCN). Cách gọi đó cứ thế ăn sâu vào dân chúng. Giới lãnh đạo Phật giáo hiện đại
và các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, đó là cách dùng từ sai, thiếu tế nhị. Nó
đã để lại hậu quả lâu dài, đóng góp một phần vào lịch sử thăng trầm của Phật
giáo, đến tận ngày nay.
Về mặt bản chất,
“Tiểu Thừa” nhằm chỉ các bộ phái của Thượng Tọa Bộ - kiểu như phái bảo thủ hiện
nay, muốn duy trì kinh điển nguyên thủy của Phật Tổ; “Đại Thừa” thuộc phái Đại
Chúng – phái cải cách hay cấp tiến, có khuynh hướng thay đổi một số điều luật
nguyên thủy cho phù hợp thời cuộc. Đây là sự chia rẽ từ thuở ban đầu - ở lần kết
tập thứ 2. Phật giáo hiện đại đa số dùng từ “Thượng Tọa Bộ” thay cho từ “Tiểu
Thừa” để tránh hàm ý không hay.
Xét sâu xa hơn,
mâu thuẫn của hai luồng tư tưởng đối nghịch này xuất phát từ ngay thời Đức Phật
còn sống. Tôn giả Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) đòi thay Phật Tổ lãnh đạo tăng đoàn
và thêm năm điều luật thái quá vào theo hoàn cảnh thời bấy giờ, nhưng thất bại,
bèn xúi giục Thái tử A Xà Thế giết cha đoạt ngôi thành công, rồi cùng nhau âm
mưu sát hại đức Phật, nhưng lại thất bại. Có lẽ chính vì sự kiện này khiến Phật
Tổ không giao tăng đoàn cho một cá nhân hay nhóm người nào lãnh đạo.
Sau 100 năm Đức
Phật tạ thế, nhóm tỳ kheo ở Vajji đã đề xuất 10 giới luật được tranh luận trong
một Đại hội Tăng già và bị kết luận là phi pháp. Sự kiện này nổi tiếng trong lịch
sử Phật giáo với tên gọi “thập sự phi pháp”, cũng là ngòi nổ cho những bất đồng
về phẩm hạnh của A la hán, khởi nguồn mâu thuẫn sâu nặng giữa Đại Chúng và Thượng
Tọa Bộ về sau.
Một chuyện gây
nhiều tranh cãi giữa hai phái nữa, được sử sách nhắc tới rất nhiều, là “ngũ sự
Đại Thiên”. Nhân vật Đại Thiên không rõ có thật hay hư cấu, nhưng đã làm thay đổi
căn bản Phật giáo đương thời, mở ra phong trào cải cách Phật giáo. Từ đây, Đại
Chúng bắt đầu có tiếng nói quan trọng trong đời sống.
Càng về sau, mâu
thuẫn hai phe bảo thủ và cải cách càng nặng nề. Thượng Tọa Bộ (Tiểu Thừa) – bên
bảo thủ - cho rằng phái Đại Chúng cải cách thái quá, chứa cả tư tưởng tà giáo
ngoại đạo, nông nổi và ngây thơ. Đại Thừa – bên cải cách – chê Thượng Tọa Bộ nhỏ
hẹp, thiển cận, không đáng học hỏi. Có một sự thật lịch sử mà ai cũng phải công
nhận: bên Thượng Tọa Bộ (Tiểu Thừa) rõ ràng gìn giữ giới luật nguyên thủy của
Phật Tổ, chống lại sự xâm nhập của ngoại đạo tà giáo hiệu quả và kiên trì hơn hẳn
các nước theo Đại Thừa. Đại thừa và tà giáo chỉ cách nhau gang tấc, rất dễ rơi
vào mê lầm – nhiều gương tày liếp đã xảy ra và được truyền bá để răn dạy Phật tử.
Ngày nay, hai
phe đã bớt chỉ trích, cùng nhau nhìn nhận những điểm chung, đúng đắn. Thượng Tọa
Bộ (Tiểu Thừa) và Đại Thừa đều được công nhận là những lời Phật dạy nguyên thủy,
như cùng một cỗ xe dẫn đến giác ngộ. (Một số người cho rằng, thật khó để phân
biệt đâu là kinh điển nguyên thủy của Phật Tổ, vì việc ghi chép lời Phật dạy diễn
ra quá muộn, mãi tới kỳ tập kết thứ ba mới bắt đầu tiến hành. Trải qua mấy trăm
năm, qua nhiều thế hệ Phật tử, chỉ dựa vào truyền khẩu và trí nhớ, ắt sẽ có nhiều
sai lệch. Kinh điển nguyên thủy nhất của Phật giáo cũng như kinh điển được sáng
tác thêm sau này đều bắt đầu bằng từ “như thị ngã văn” – “tôi nghe như vầy”- hiển nhiên cũng là lý do để người ta nghi ngờ
tính “nguyên thủy” của chúng.)