Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Tản mạn về đạo Phật và Thiền (3)



Phần 2: Phật giáo – suy tàn, gian nan tìm về nguồn cội (thế kỷ 12 tới nay)


Thịnh cực tất suy. Qui luật này cũng đúng với số phận Phật giáo.

Suy tàn (thế kỷ 12 – đầu thế kỷ 20)

Tại khu vực Ấn Độ, thế kỷ 10-11 chứng kiến sự phồn thịnh đến mức cao nhất của đạo Phật kể từ lúc khai sinh bởi Phật Tổ hơn 1.500 năm trước đó. Vật cùng tắc biến. Vật quá tất phản. Giới tăng lữ say sưa trong cảnh đủ đầy của quyền lực, vật chất và được trọng vọng, ngày càng sa đọa, biến chất, khiến nhiều người bất mãn. Tà giáo xâm nhập dưới nhiều hình thức, kết hợp với sự chống phá kiên trì hàng ngàn năm của Bà – la – môn giáo, làm tha hóa không ít Phật tử, biến tướng Phật Pháp dưới nhiều màu sắc ma mị, hủ hóa chúng sinh. Giới lãnh đạo tăng đoàn chìm đắm trên đài cao địa vị, không còn tỉnh táo và đủ động lực để kéo cỗ xe lớn ra khỏi thảm họa nhãn tiền. Điều gì đến tất phải đến. Khi thời thế đổi thay, kẻ thù mới và cũ của Phật giáo đã nổi lên, nhanh chóng quét sạch đạo Phật ra khỏi chính mảnh đất đã phát tích ra nó.

Ấn Độ giáo hay Bà – la – Môn giáo được cho là tôn giáo cổ xưa nhất Ấn Độ, hưng thịnh ở vị trí độc tôn cho đến khi Phật giáo ra đời. Ấn Độ giáo tôn thờ giai cấp, quan hệ dục tình dâm đãng, những lễ hiến tế tàn bạo, và sự hành hạ thân xác – đối lập hoàn toàn với tư tưởng bình đẳng, từ bi, chủ trương làm việc thiện của Phật giáo.
Bất bình đẳng là giáo lý chính thức của đạo Bà La Môn. Đức Phật chống lại gốc rễ và cành lá của nó. Ngài là một đối thủ mạnh mẽ nhất của chế độ đẳng cấp và là cột trụ vững chãi nhất của tinh thần bình đẳng. Không có một lý lẽ nào về vấn đề giai cấp mà ngài không bác bỏ.” - Tiến sĩ Ambedkar.
Hai tôn giáo này là kẻ thù truyền kiếp như một lẽ tất yếu.
Hơn 1.500 năm ra đời, Phật giáo với tư tưởng tiến bộ đã nhanh chóng làm suy yếu thế lực Ấn Độ giáo, khiến tôn giáo này có nhiều giai đoạn phải lui vào bóng tối. Nhưng những thủ lĩnh Ấn Độ giáo không từ bỏ cuộc chiến đấu sinh tồn và hy vọng phục hưng lại hệ tư tưởng cùng địa vị độc tôn của mình. (Nhiều sách và nhiều học giả ngày nay cho rằng, người theo Ấn Độ giáo cũng tôn sùng Đức Phật, nhưng họ không muốn tư tưởng của Ngài được truyền bá vì nó phá hủy thành lũy giai cấp) Các thầy tế Bà – la – môn tìm cách triệt tiêu tiếng Pali – một trong hai ngôn ngữ của Phật giáo. Những người Ấn Độ giáo phản nghịch tìm cách gây chia rẽ, thù hận trong dân chúng với đạo Phật và trong cả nội bộ các Phật tử. Khi Phật giáo đi xuống, các thủ lĩnh Ấn giáo cổ xúy cho tầng lớp vua chúa đàn áp và xã hội tẩy chay đạo Phật. Quan trọng nhất, trong quá trình đối đầu trường kỳ này, Ấn Độ giáo đã tự sửa đổi, điều chỉnh các hệ tư tưởng và giáo lý của mình, đồng hóa một phần với một số tư tưởng Phật giáo, khiến nó trở nên khó so sánh, nhận biết với người dân và dễ mị hoặc lòng người hơn (sử sách gọi là quá trình đồng hóa hay tự biến dạng). Hệ thống triết lý và thực hành của Ấn Độ giáo đã được tô vẽ lại bằng những tính chất tốt đẹp giống như của Phật giáo. Hiến tế bằng súc vật dần chấm dứt. Các tín đồ cũng xây dựng các tu viện, điện thờ như Phật giáo. Đức Phật Tổ được đưa vào thành một trong các vị thần của tôn giáo này, khiến Phật giáo không còn khác biệt, hay có vẻ như chỉ là một phần (một chi phái) của nó.
“Khi tín ngưỡng Bà La Môn khắc sâu tình thương mọi loài và sùng bái thần linh, và tuyên bố rằng Đức Phật là hóa thân của Vishnu, hồi chuông báo tử của Phật Giáo ở Ấn Độ đã vang lên.” - tiến sĩ Radhakrishnan.

Thế kỷ 10-11 cũng chứng kiến vô số cuộc chiến đẫm máu của các quốc gia lưu vực sông Hằng chống lại sự xâm lược của các Hồi vương. Thế kỷ 13, các tộc người Thổ và Pashtun đã xâm lăng Bắc Ấn và lập ra Hồi quốc Delhi. Thế lực Hồi giáo nhanh chóng mở rộng lãnh địa khắp xung quanh lưu vực sông Hằng. Mặc dù bành trướng khắp bắc và nam Ấn, nhưng Hồi giáo vẫn thất bại trong việc chinh phục và hợp nhất cả tiểu lục địa Ấn Độ. Văn hóa và tư tưởng của Ấn Độ giáo, Phật giáo và Hồi giáo pha trộn lẫn nhau, dần tiến tới xung đột nặng nề.
Trên con đường chinh phạt và truyền bá tư tưởng của mình, các thế lực Hồi giáo nhận ra sự tương đồng về quan điểm tự do, bình đẳng của Phật giáo và Hồi giáo. Hồi giáo gặp khó khăn khi muốn thay đổi quan điểm của người bản địa, rằng tự do, bình đẳng không phải là lời Phật dạy, mà nằm trong thông điệp tiên tri của họ. Những người Hồi giáo cuồng tín đã san bằng các tu viện, đền chùa, đốt kinh sách, tàn sát Phật tử (tất nhiên, họ cũng tàn sát cả Ấn Độ giáo, nhưng Ấn Độ giáo lúc này đã có kinh nghiệm và đủ sức mạnh để sống sót, lại tự cải biến để thích nghi với cuộc đối đầu mới). Phật giáo, vốn dĩ chỉ còn cái vỏ đẹp đẽ phủ ngoài thân hình yếu ớt bệnh hoạn, nhanh chóng gục ngã. Nhiều Phật tử sợ hãi tìm cách trốn chạy sang Tây Tạng và các xứ xa xôi khác. Những nơi thiêng liêng bị cướp đoạt, chuyển sang cho hai tôn giáo kia. Đức Phật sau đó cũng biến mất khỏi Ấn Độ giáo và khỏi ký ức của người dân xứ này.
Phật giáo bị xóa sổ hoàn toàn khỏi tiểu lục địa Ấn Độ. Điều đau buồn nhất là, sự biến mất này hoàn toàn trong câm lặng.

Một tôn giáo toàn cầu đầu tiên, nhưng chấm dứt chóng vánh trong lãng quên đến khó hiểu, làm tốn bao nhiêu công sức và giấy mực tranh cãi của các học giả đời sau. Đến tận bây giờ, nhiều nhà nghiên cứu vẫn không cho rằng sự xuống cấp đạo đức và tinh thần của tăng đoàn là một nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của đạo Phật ở Ấn. Vì khi đó, Ấn Độ giáo thắng thế, đạo đức của tầng lớp giáo sĩ, thầy tế Bà – la – môn cũng đồi bại và bị tha hóa chẳng kém. Thiết nghĩ, tôn giáo nào thì căn cơ vẫn là con người. Thủ lãnh, tín đồ, đệ tử có nhãn quan sáng suốt, đạo hạnh cao thì đâu nên nỗi?

Trong khi đó, số phận Phật giáo ở các quốc gia bên ngoài Ấn Độ dù may mắn hơn nhưng cũng lắm cảnh thăng trầm.

Trung Quốc được coi là trung tâm của Phật Giáo Đại Thừa, cực thịnh vào thế kỷ 9-10. Hàng chục tôn, chi, phái nối nhau ra đời, cùng đua tranh, khiến cho đời sống Phật đạo vô cùng sôi nổi. Thiền tôn phát triển mạnh nhất với rất nhiều bậc cao nhân tài đức vẹn toàn, có uy quyền lớn trong giới chính trị. Các đời vua sau – đặc biệt từ thời nhà Minh (thế kỉ 14 – 17), Phật giáo thịnh suy tùy thuộc nhà cầm quyền định đoạt. Nhiều vua ra sức triệt phá Phật giáo, tạo điều kiện cho Nho giáo ngày càng phổ biến. Phật giáo tại đây mất dần cơ sở và gốc rễ. Tăng lữ tài giỏi đều lui vào ở ẩn hoặc bỏ đi xứ khác. Dân gian dần dần ít người còn hiểu đúng giáo lý nhà Phật, chỉ nghĩ theo hướng cúng bái mê tín.
Sử sách Trung Hoa chép lại, đạo Phật bị chà đạp, tổn thất nặng nề nhất ở bốn thời kỳ “tam Võ, nhất Tôn chi ách” (tức ba thời vua họ Võ, một thời vua họ Tôn: 439-450 Thái Võ nhà Hậu Ngụy, 574 Võ Đế nhà Bắc Chu, 840 – 847 Võ Tôn nhà Đường, thế kỷ 10 Thế Tôn nhà Hậu Chu).
Đến cuối thời nhà Thanh (thế kỉ 18 - đầu thế kỷ 20), tình hình xã hội rối ren, các đế quốc phương Tây lao vào tranh nhau miếng bánh lớn, gây ra vô số biến động thời cuộc. Đạo Phật và các tôn giáo khác đều chật vật tìm đường tồn tại.
Cuộc nội chiến kéo dài và Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai khiến hàng triệu người Hoa bị giết hại, cơ sở vật chất bị tàn phá. Đạo Phật cũng không nằm ngoài tổn thất đó. Gần như không còn thấy bóng dáng tôn phái nào trong đời sống hằng ngày.

Số phận Phật Giáo Đại Thừa ở Triều Tiên, Việt Nam… (trừ Nhật Bản) cũng gần giống với Trung Quốc. Nhưng may mắn hơn Trung Quốc, các quốc gia này đều không phải là trận địa trực tiếp của hai cuộc chiến tranh thế giới.
Với người Việt, Phật Giáo không rõ du nhập chính xác từ lúc nào, nhưng suốt gần 2.000 năm đều gắn liền với thịnh suy của các triều đại. Văn bản cổ nhất còn lưu lại cho rằng, năm 189 Mâu Bác (người quận Thương Ngô, Ngô châu) tới Giao châu (là Việt Nam khi còn bị phong kiến phương Bắc đô hộ) lánh nạn theo đường bộ, đã dựng chùa, truyền bá đạo Phật. Thời gian sau, một số cao tăng từ xứ Ấn theo đường thủy ghé qua Giao châu, cũng dừng lại một thời gian ngắn để truyền đạo, như Khương Tăng Hội, Ma Ha Kỳ Vực, Chi Cương Lương. Đạo Phật lúc này chưa có cơ sở đầy đủ, màu sắc riêng biệt. Dân ta chỉ biết qua khía cạnh thờ cúng, lễ bái.
Năm 580 Đa Lưu Chi sang truyền bá Thiền tôn cho đất Giao châu (sau này ngài được phong làm Sơ Tổ Thiền tôn Việt Nam). Năm 820 Vô Ngôn Thông sang lập phái Thiền tôn thứ hai. Các phái Thiền tôn sau đó lần lượt được truyền vào Việt Nam.
Do Thiền tôn có địa vị lớn nhất, ảnh hưởng mạnh nhất ở Trung Quốc, nên cũng có ảnh hưởng mạnh nhất ở Việt Nam thời kỳ này. Sử sách dùng từ “độc tôn”, “hưng thịnh tột bậc” để mô tả địa vị của Thiền tôn ở Việt Nam giai đoạn thế kỷ 10 – 13. Nhiều cao tăng Thiền tôn Phật giáo trở thành các nhân vật xuất chúng trong đời sống văn hóa xã hội nước nhà, như Khuông Việt Thái sư Ngô Chân Lưu, Đỗ Thuận thiền sư, Vạn Hạnh thiền sư, Đa Bảo, Sùng Phạm, Thảo Đường, Huệ Linh, Pháp Loa, Huyền Quang…
Nhưng Phật giáo cũng có nhiều giai đoạn rơi vào cảnh tối tăm.
Giai đoạn thế kỷ 14 -16, khi quân Minh sang đánh nhà Hồ, chúng cũng đốt phá chùa chiền, giết hại tăng ni Phật tử, và cũng giống như các biện pháp đã tiến hành với các quốc gia phương Bắc, chúng truyền bá mê tín dị đoan của Nho giáo, Lão giáo, Lạt ma giáo… Từ đó, Phật giáo trong con mắt người dân trở nên hỗn tạp, kỳ quái. Nho giáo ngày càng giữ địa vị then chốt trong đời sống chính trị, xã hội.
Thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, đế quốc Pháp, Mỹ, Nhật liên tục thay phiên nhau đô hộ nước ta bằng những cuộc chiến đẫm máu, đồng thời cho truyền bá mạnh Ki – tô giáo. Đạo Phật thực sự suy tàn, mất hết căn cơ. Chư tăng cũng chỉ còn biết đến cúng bái và sống trụy lạc.

Nhật Bản là quốc gia hiếm hoi Phật Giáo có thể yên bình phát triển. Đạo Phật được truyền bá tới Nhật theo chân các Tăng chúng từ Trung Hoa. Do vị trí địa lý và hình thái văn hóa riêng biệt, đặc trưng, Nhật bản tránh được nhiều cuộc chiến tương tàn suốt hơn ngàn năm, và dễ dàng dung nhập các tôn phái Phật giáo, đặc biệt Thiền tôn. Từ thế kỷ 10 đến tận ngày nay, đạo Phật luôn là một trong các tôn giáo lớn nhất Nhật Bản, bên cạnh Thần đạo và đạo Thiên Chúa.

Đều nằm trong cùng khu vực, các quốc gia Đông Nam Á – nơi Phật Giáo Thượng Tọa Bộ (Tiểu Thừa) thống trị - như Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia… cũng có số phận khá tương đồng với lịch sử Việt Nam. Phật giáo ở các quốc gia này đóng vai trò quốc giáo – vì thế cũng gắn chặt với những thăng trầm của dân tộc. Đến giai đoạn thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, trừ Thái Lan, các quốc gia trên đều trong cảnh nô lệ lầm than, chật vật giải phóng đất nước. Cơ sở vật chất của đạo Phật cũng bị suy hao nhiều, nhưng không mất căn cơ (tầng lớp lãnh đạo tôn giáo không bị biến chất hay thờ ơ, kinh điển chính không bị mất, nơi thờ tự linh thiêng không bị tàn phá). Đó có lẽ cũng là nguyên nhân khiến địa vị và ảnh hưởng cao nhất của Đạo Phật đến tận ngày nay cũng không hề bị suy yếu, mà còn ngày càng phát triển ở các quốc gia này.

Phục hưng (giữa thế kỷ 20 đến nay)

Câu chuyện bắt đầu nhen nhóm từ một số sự kiện tại Ấn Độ thế kỷ 18. Người Anh lúc đó đang cai trị tiểu lục địa rộng lớn này. Bỗng nhiên họ phát hiện ra một số văn bản tôn giáo trong đám tàn tích đổ nát. Các học giả người Anh tò mò tìm hiểu sâu hơn, thậm chí sang cả các quốc gia bên cạnh nghiên cứu. Và những gì họ thu được khiến chính họ cũng phải kinh ngạc. Có một tôn giáo kỳ lạ phát tích từ mảnh đất này, giờ đã không còn tồn tại ở đó, mà dịch chuyển đến các khu vực xung quanh. Tôn giáo này có hệ thống giáo lý và thực hành dựa trên những tư tưởng lý luận mang tính triết học và khoa học uyên bác, tiến bộ một cách đáng kinh ngạc. Phát hiện này khiến nước Anh chấn động. Nhiều nhà cầm quyền, nhà khoa học và học giả người Anh bắt đầu cổ xúy cho các học giả người bản địa phục dựng lại tôn giáo này. Đó là Phật giáo.
Giai đoạn đầu, việc phục dựng diễn ra vô cùng chậm chạp. Vì không còn nhiều dấu vết của Phật giáo nguyên thủy trên đất Ấn. Cho đến giữa thế kỷ 20, khi hệ thống đế quốc bị sụp đổ, các quốc gia châu Á đại đa số dành được độc lập, những nhân vật có tâm huyết với việc phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ và các lãnh đạo Phật giáo ở các quốc gia châu Á khác đã tìm cách liên hệ và trao đổi, tiến tới việc hình thành một hệ thống quản lý có tổ chức cho Phật giáo thế giới và việc phục hưng Phật giáo.

Năm 1950, Đại hội Phật Giáo thế giới đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Colombo của Srilanka, gồm 500 đại biểu, đến từ 26 quốc gia và tổ chức. Từ đó, cứ hai năm lại đại hội một lần. Tổng hội Phật Giáo Thế Giới đặt trụ sở chính tại Colombo, Srilanka. Hai tờ báo – phát ngôn chính của tổng hội – là tờ New Letter và The Buddhist World.

Phong trào chấn hưng đạo Phật lên cao mạnh mẽ tại châu Á. Ở Ấn Độ, Đại đức Anagarika Dharmapala (sáng lập Đại Bồ Đề) là người có công lớn nhất trong việc khôi phục lại đạo Phật tại xứ sở này.
Ở các quốc gia theo Thượng Tọa Bộ (Tiểu Thừa), việc phục hưng được cả hệ thống chính trị và xã hội hưởng ứng. Mianma phục hưng từ năm 1948. Srilanka từ năm 1950. Thái Lan là nước có tỷ lệ tu sĩ cao nhất thế giới (1/100 dân).
Với các quốc gia theo Đại Thừa, việc kêu gọi phục hưng đến từ sớm hơn, nhưng manh múm. Trung Quốc kêu gọi phát triển lại Phật giáo từ sau Cách Mạng Tân Hợi (1912), nhưng phải đến sau khi độc lập hoàn toàn (1949), các tổ chức Phật giáo mới chính thức đi vào hành động.
Ở Việt Nam, từ những năm 1920, một vài cá nhân đã tổ chức phong trào chấn hưng Phật giáo như sư cụ Vĩnh Nghiêm, Tế Các, Bằng Sở, Tâm Tịnh, Huệ Pháp, Khánh Hòa… Ngày mồng 6 – 5 – 1951, 51 đại biểu Bắc, Trung, Nam đã tụ họp tại chùa Từ Đàm (Huế), lập ra Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Cơ sở vật chất của đạo Phật ngày một cải tiến. Số lượng tăng lữ ngày một đông đảo. Nhiều vị lãnh đạo của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam còn tham gia năng nổ trong công tác chính trị và xã hội, gây dựng uy tín trong cộng đồng cho giáo hội.

Điều thú vị là Thiền tôn – tôn phái chiếm địa vị gần như độc tôn, ưu việt hàng ngàn năm qua, đã gần như “biến mất” ở Trung Quốc, Việt Nam… Trái lại, Tịnh độ tôn – tôn phái không mấy được ưu chuộng ngày trước vì sự đơn giản, dễ dàng, đơn điệu, từng bị coi là không có “phẩm vị”, giờ lại chiếm ưu thế hơn hẳn.
Cuối thế kỷ 20, một số nhân vật xuất chúng trong tăng đoàn ở Trung Quốc đứng ra khôi phục lại một số trường phái của Thiền tôn Trung Hoa. Ở Việt Nam, Thượng Tọa Thích Thanh Từ (sinh năm 1924 tại Vĩnh Long) – một cao tăng và học giả nổi tiếng về Phật giáo của Việt Nam – là người đầu tiên có công khôi phục lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (từ năm 1970).

Ngày nay, Phật giáo đã lan sang cả Âu Mĩ. Giới tăng ni Phật tử phương Tây tu theo mọi tôn phái, trừ Tịnh độ tôn (có lẽ việc tụng kinh không phải là việc dễ dàng với họ).



           Công cuộc chấn hưng và phát triển đạo Phật vẫn chưa dừng lại.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét