Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Tản mạn về đạo Phật và Thiền (1)



Tản mạn về Đạo Phật và Thiền


Tháng 10 năm 2016, tôi được giới thiệu học thiền ở nhóm Chúng Thanh Niên Phật Tử Phật Quang chùa Tứ Kỳ (đường Ngọc Hồi, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Lúc đó, mục đích tập thiền của tôi để rèn luyện sức khỏe, an định tâm thần. Các bạn thanh niên của tổ chức này đều là Phật tử mộ đạo, tu tập và rèn luyện dưới sự dẫn dắt của các sư thầy phụ trách nhóm Chúng Thanh Niên Phật Tử Phật Quang Hà Nội (bản thân nhóm này lại là một phân nhánh của Đạo tràng Chúng Thanh Niên Phật Tử Phật Quang gốc gác từ chùa Phật Quang, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do Thượng tọa Thích Chân Quang sáng lập ra để phổ biến Phật pháp cho giới trẻ. Đây là Đạo tràng lớn nhất Việt Nam hiện nay). Khi tôi tới vào một buổi tối thứ năm, tôi được chỉ dẫn làm theo mọi người: tụng kinh khoảng một tiếng, tập khí công khoảng nửa tiếng, nửa tiếng ngồi thiền. Trước khi vào tọa thiền, một số bạn phụ trách giới thiệu cho những người mới tập thiền lần đầu như tôi vài điều cơ bản: tại sao phải thiền, cách thức ngồi thiền, xả thiền. Có thể do không phải là những nhà đào tạo, trình diễn hay bán hàng chuyên nghiệp, các bạn giới thiệu khá đơn điệu và chung chung, không mấy lôi cuốn, chủ yếu tập mẫu cách hành thiền và xả thiền. Tôi đi được hai buổi, rồi quyết định dừng. Lý do vô cùng đơn giản.

Không đúng mục tiêu. Tôi muốn học thiền, nhưng tôi lại phải tập tụng kinh và khí công. Còn thời lượng ngồi thiền quá ít, chỉ tập chay, nửa tiếng trong tổng số hơn hai tiếng. Chính xác là tôi đã ngồi nhầm lớp. Đây là lớp sinh hoạt cộng đồng của nhóm Chúng Thanh Niên tại chùa Tứ Kỳ thì đúng hơn. Tôi được phát tài liệu kinh sách. Tôi được nghe những lời mộ đạo từ các bạn trẻ - mà theo tôi, chúng có vẻ cuồng tín và hơi có chút mê tín dị đoan. Hay tôi ít tiếp xúc với vấn đề tôn giáo, bản thân lại vô thần, không tin gì ngoài khoa học công nghệ, tâm linh ít được trải nghiệm, nên quan điểm có chút nặng nề với hoạt động tín ngưỡng này chăng?

Lý do nữa là không hứng thú. Tôi được trải nghiệm hai buổi tối với hơn hai trăm người, đại đa số là thanh niên trí thức (rất nhiều sinh viên các trường Đại Học ở Hà Nội tham gia), nhưng không có chút cảm hứng nào được gợi lên. Thoạt tiên tôi tò mò tại sao người ta lại qui tụ được một nhóm người tịch mịch và nhất quán đến vậy? Sau đó tôi đoán có thể chính đạo Phật – với tư tưởng vô ngã (mọi tu tập đều hướng tới triệt tiêu bản ngã tự nhiên bên trong) có thể tác động tới tâm tính họ. Nhưng khi tôi dự một buổi sinh hoạt của các Phật tử già cũng ở Hà Nội, không khí hoàn toàn khác hẳn. Các cụ, các ông bà tuổi đều trên 50 nhưng nói năng sôi nổi, đưa ra vô số ý tưởng, khiến buổi sinh hoạt chung mang nhiều ý nghĩa thực tế và đáng nhớ. Như vậy bản thân đạo Phật không phải là vấn đề. Vấn đề chỉ là con người – những người phụ trách ở lớp tôi theo học, chưa đánh thức được cái tinh thần và năng lượng tràn trề trong mỗi thành viên. Đúng hơn, họ đã góp phần che dấu, hạn chế, dần dần có thể triệt tiêu bản tính và ngọn lửa nhiệt thành của tuổi trẻ. 

Đối với những người mới học như tôi, khơi gợi được sự yêu thích và trí tò mò về thế giới của thiền và đạo Phật là cần thiết cho một cam kết lâu dài hơn.

Bạn có thể chấp nhận răm rắp làm theo những hành động người ta bảo mà bạn không rõ tại sao không? Tôi hỏi mấy người từng tham gia vài tháng đến hai năm trong lớp sinh hoạt chung đó: tại sao phải tụng kinh và tập khí công trước khi ngồi thiền? Tại sao phải ngồi tư thế kiết già? Tại sao phải xả thiền? Tại sao xả thiền có động tác massage đầu?... Chẳng người nào trả lời được. Tôi hỏi họ tại sao họ không biết mà cứ luyện tập. Vì nó tốt. Vì thiền giúp rèn luyện tâm tánh và tu luyện Phật pháp tốt hơn. Vì đến cả học sinh tiểu học ở Hàn, ở Nhật còn bị bắt phải học, tại sao ta lại không học?... Thật khó tin đó là câu trả lời của các sinh viên đại học.


Nhưng hai buổi học thất bại đó lại khiến cho tôi băn khoăn về Phật giáo và Thiền. Tôi lo lắng tác động cải biến tâm tính không mong muốn có thể xảy ra khi tiếp xúc quá nhiều. Tôi bắt đầu tìm hiểu trên mạng và qua người quen. Tôi được giới thiệu tới Thiền phái duy nhất tới nay phát tích từ Việt Nam: Thiền phái Trúc Lâm. Tôi đi thử một buổi. Rồi mười buổi. Giờ tôi theo định kỳ. Vì sao ư? Đúng mục tiêu. Đầy hứng thú.

Tôi được các sư thầy dẫn dắt một cách có trách nhiệm, đầy tâm huyết. Ban đầu, những thuật ngữ khai tâm và điển cố không hề dễ hiểu với tôi. Nhưng dần dần, tôi lĩnh hội được nhiều hơn. Quan trọng nhất, tác dụng thực tế của tu thiền và thế giới triết lý Phật giáo đầy màu sắc vị Thượng tọa cùng các sư thầy chỉ dạy đã kích thích, gợi mở cho trí tuệ vốn trì trệ về những vấn đề tâm linh trong tôi phải suy tư. 

Tượng Phật và Bồ Tát, thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc, Hà Nội


Tôi dành thời gian tìm hiểu về triết học phương Đông, đạo Phật và Thiền. Tri thức thu được cùng những trải nghiệm thực tế từ hành thiền và nghe giảng Pháp khiến tôi tự tin, mình đang đi đúng đường.

Phải nói thêm với các bạn rằng, không phải trước đó tôi chẳng biết chút gì về đạo Phật và thiền. Là người Việt, đại đa số chúng ta đều tiếp xúc với các biểu tượng Phật giáo từ lúc mới sinh. Cây đa, giếng nước, mái chùa làng, tiếng chuông tiếng mõ. Hoa sen đầy phố mỗi độ hè sang. Lạy trời, lạy Phật, cho trời đừng mưa nữa, cho nắng bớt nồng, cho đồng xanh lúa, cho nhà con tai qua nạn khỏi… Khi 10 tuổi, tôi cùng mẹ đưa bài vị bố lên chùa làng. Ngày ngày trông cửa Phật, thu tiền công đức bỏ vào hòm. Ngày lễ, cùng mẹ lên chùa tụng kinh (tôi xem đọc kinh như đọc truyện, lúc chán thì chạy đi chơi hoặc ngủ gật). Đi làm, bạn bè đồng nghiệp quanh tôi, kể cả người theo đạo Hồi, đạo Thiên Chúa giáo, đạo Bà la môn, Thần đạo, hay vô thần, cũng thi nhau tập ngồi thiền, ngày Tết đi vãn cảnh chùa. Tất nhiên, tôi coi đó là sự hiển nhiên, không hề có ý định tìm hiểu tại sao lại phải làm thế. Phật giáo đi vào đời sống người Việt như cơm ăn, nước uống. Giống như tôi, hẳn nhiều người cũng không hề nghĩ tới triết lý và các ý nghĩa sâu xa bên trong mỗi hoạt động nhà Phật. Giờ được tri thức khai mở, mới biết, nhiều việc ta đã làm sai, hoặc tệ hơn, đi theo hướng mê tín dị đoan, cổ xúy cho hủ tục, thói xấu.

Để cho những người đang băn khoăn, lưỡng lự giống như tôi trước kia, hoặc đơn giản là có thêm chút tri thức về văn hóa & tâm linh, tôi viết mấy dòng để sơ lược cho các bạn nghe câu chuyện số phận đầy trắc trở của Đạo Phật và Thiền tôn, cũng như thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét