Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Tản mạn về Đạo Phật và Thiền (2)



Phần 1:  Phật giáo – từ trong u tối tới vinh quang


Giống như các tôn giáo khác, Phật giáo đi tìm câu trả lời cho một loạt những vấn đề lớn lao của vũ trụ và xã hội mà con người luôn trăn trở từ thuở bình minh của nhân loại. Chúng ta đi ra từ đâu, và kết thúc ở đâu? Tại sao chúng ta lại là ta như thế này? Tại sao khổ? Làm sao hết khổ?... Tôn giáo giải đáp những khúc mắc, hoài nghi đó bằng một hệ thống nhân vật và tình tiết được thần thánh hóa cùng hệ thống niềm tin được duy trì và củng cố qua nhiều thế hệ, với sự trợ lực chủ yếu từ tầng lớp thống trị và, tất nhiên, luôn kèm theo mục đích chính trị. Vì thế, trên con đường phát triển của mình, để tồn tại được và trở nên hùng mạnh, mỗi tôn giáo luôn tìm cách lôi kéo, gây ảnh hưởng tới tầng lớp tinh hoa, đồng thời biến tấu cho phù hợp với xu hướng chính trị đương thời (hay đúng hơn là được lòng tầng lớp thống trị đương thời). Trong nhiều hoàn cảnh lịch sử, tôn giáo biến thành công cụ cai trị đắc lực của giai cấp thống trị.

Các tôn giáo xuất phát từ phương Tây có khuynh hướng hướng ngoại. Đa số vấn đề được giải quyết dựa trên đối nhân xử thế với môi trường bên ngoài như gia đình, bạn bè, tha nhân… Sức mạnh, năng lượng, tình yêu, của cải, địa vị, sự tự tin… đều dựa trên đó mà hình thành và ghi nhận. Còn những tôn giáo từ phương Đông có vẻ hướng nội. Giải pháp cho mọi câu hỏi đều tập trung vào bên trong bản thể con người. Năng lượng, trí tuệ, nhân cách… đều do nội lực tu luyện và hàm dưỡng của chính mình mà thành.


Phật giáo ra đời ở Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm, gần như cùng thời với Nho giáo nguyên thủy của đức Khổng Tử. Có một điều thú vị, ông tổ - người sáng lập ra tôn giáo này, thái tử Tất Đạt Đa – được vinh danh là Đức Thế Tôn hay Phật Tổ, đấng linh thiêng cao cả nhất của các tín đồ - là con người bằng xương bằng thịt, có thật trong lịch sử. Điều này khiến các tín đồ đạo Phật, và những người vô thần hoặc không tin theo tôn giáo nào cảm thấy nó thực tế hơn, trần tục hơn, có tính khoa học hơn so với nhiều tôn giáo khác. Ví dụ như, Ấn Độ giáo nguyên thủy từ thờ đa thần (2300-1750 TCN) tới vô thần (1000-500 TCN). Nhà tiên tri Moses – nhân vật tiên phong rao giảng đức tin Do Thái giáo (1500 TCN) – chuyện ông nhận lãnh Mười Điều Răn trên núi Sinai phải chăng nên diễn giải là ông đã nghĩ ra những nền tảng đầu tiên của tôn giáo này ở đó? Abraham – nhân vật được cả ba tôn giáo lớn (Do Thái giáo, Ki-tô giáo, Hồi giáo) nhận làm tổ phụ - cũng chỉ là nhân vật được kể trong kinh Cựu Ước. Chúa Jesus  – người đầu tiên rao giảng đức tin Ki - tô, sau này được các tín đồ ghi chép lại trong Tân Ước và tôn làm ông tổ của Ki-tô giáo (thế kỉ 1) – cũng là nhân vật khiến cả giới thần học và khoa học tranh cãi về tính chân thực mà chưa có bằng chứng xác minh đầy đủ.

Đối với Phật giáo, do các Phật tử không cho lịch sử là quan trọng, việc ghi chép vì thế không được đầy đủ và gìn giữ cẩn trọng. Trải qua hàng trăm năm, tài liệu bị thất lạc, kinh sách cũng không còn nguyên vẹn. Giả thuyết về vị Tổ khai đạo mọc lên như nấm. Trong khi Ki-tô giáo có địa vị vững chắc – trở thành một phần lịch sử phương Tây, ngay cả năm dương lịch cũng lấy sự hiện diện của Chúa Jesus làm mốc bắt đầu của thế giới (Tiếng Anh: AD – after death, anno domini – năm của Thiên Chúa, BC – before Chris – năm trước Thiên Chúa; tất nhiên ngày nay nhiều học giả đã tính toán lại dựa trên Kinh Thánh và cho rằng Jesus hẳn phải sống vào thế kỷ 6-4 TCN chứ không phải thế kỷ 1). Trong thời cuộc các tôn giáo cạnh tranh đất sống khốc liệt, để khôi phục, mở rộng sự phát triển của Phật giáo, cấp bách cần thống nhất các dữ liệu lịch sử cơ bản và hệ tư tưởng chính thống. Đại hội lần thứ hai của Tổng Hội Phật giáo Thế giới tổ chức tại Đông Kinh (Trung Quốc) năm 1952 đã đi đến quyết định: lấy ngày trăng tròn tháng thứ hai của Ấn Độ (tức ngày rằm tháng 4 âm lịch) năm 624 TCN là ngày sinh của Phật Tổ; lấy năm nhập Niết Bàn của Đức Phật làm năm đầu kỷ nguyên Phật Giáo (Phật Tổ 80 tuổi, nên chỉ cần chọn được năm sinh sẽ tính ra năm mất). Như vậy năm nay – năm 2017 dương lịch (hay lịch Công giáo), sẽ là năm 2561 theo Phật lịch. Hằng năm cứ tới rằm tháng 4, giáo đoàn và chùa chiền khắp thế giới rầm rộ tổ chức lễ Phật Đản (Vesak). Bạn phải hiểu rằng, đó là một ngày lễ mang tính tượng trưng, để khuếch trương thanh thế và cũng là một hình thức marketing, lôi kéo mở rộng đạo Phật.


Phật Thích Ca Mâu Ni lập đạo (thế kỷ 7-6 TCN)

Trở lại với lịch sử sáng lập, đạo Phật thai nghén trong hoàn cảnh nghiệt ngã, thách thức nghiêm trọng niềm tin của con người. Hơn 2.500 năm trước, khu vực Ấn Độ gồm hàng loạt quốc gia nhỏ cùng chung sống, lúc hòa lúc chiến. Vào giai đoạn thế kỷ 7 - 5 TCN, nước Ma Kiệt Đà (Magatha) – quốc gia lớn nhất ở Nam sông Hằng – làm chủ đại cuộc. Toàn bộ tiểu quốc khu vực này bị Ấn Độ giáo nguyên thủy thống trị từ hàng ngàn năm (bấy giờ gọi là Bà – la – môn giáo), với hệ thống tư tưởng và lễ giáo khắc nghiệt, đã đẩy xã hội vào bất công và phân chia giai cấp sâu sắc – sâu sắc đến mức Ấn Độ vẫn còn vật vã tranh đấu với nó đến tận hôm nay. Các giai cấp đặc quyền (Brahmanes, Kastryas, Vaisyas) cư xử với tầng lớp nô lệ, hạ tiện (Soudras, Pariahs) như thú vật. Về tư tưởng, gần trăm giáo phái xưng hùng xưng bá, đấu đá lẫn nhau. Tín ngưỡng đa thần, độc thần, vô thần khiến chính tầng lớp thống trị cũng bị chia rẽ. Tương ứng, bên Trung Hoa lúc đó là thời kỳ Xuân Thu, Chiến Quốc – các tiểu quốc tan rồi hợp, hợp rồi tan, nhà Đông Chu nắm đại cuộc. Hình thức thành bang cũng phát triển rực rỡ ở Hy Lạp và Châu Âu đương thời, lúc này đang là giai đoạn cuối của các bạo chúa ở Athen (chuẩn bị bước vào thời kỳ Cổ điển với tư tưởng dân chủ cấp tiến sẽ làm mưa làm gió Châu Âu giai đoạn kế tiếp).

Rõ ràng, bối cảnh xã hội đen tối của khu vực sông Hằng là mảnh đất màu mỡ cho anh hùng và vĩ nhân xuất hiện. Vị Tổ của chúng ta xuất thân từ địa vị cao, giàu sang và quyền lực lớn – ở Ấn Độ đó là một vị thế phù hợp để cho ra đời những tư tưởng cách mạng (Kể cả đến tận bây giờ, cũng không có nhân vật xuất chúng nào ở Ấn Độ xuất thân từ tầng lớp thấp, đơn giản vì với thành kiến xã hội nặng nề và nền tảng tư tưởng giai cấp cực đoan thâm căn cố đế cắm rễ trong dân tộc này hàng chục ngàn năm, người tầng lớp thấp hầu như không có cơ hội bước lên các tầng lớp cao hơn). Ngài có cha là vua Tịnh Phạn, thuộc giai cấp Kastryas, dòng dõi đại quí tộc Gotama, cai trị nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) ở phía Bắc Ấn Độ gần dãy Himalaya – nay là Nepal, mẹ là hoàng hậu Ma Da (Haha-Maya) con gái vua A Nậu Thích Ca nước Câu Ly. Hoàng hậu 43 tuổi mới có thai. Gần ngày sinh, nàng về nhà cha mẹ đẻ ở nước Câu Ly theo phong tục. Một buổi bình minh, nàng đang dạo chơi vườn Lâm Tì Ni (Lumbini) thì sinh hạ Thái tử dưới gốc cây Sal (Sala – Sau này vua A Dục trồng cây Asokha, tức cây Vô Ưu hay cây bông trang, ở nơi Đức Phật đản sinh, nên cũng có sách viết Đức Phật đản sinh dưới gốc cây Vô Ưu). Thái tử được đặt tên Tất Đạt Đa (Siddharta), mang họ mẹ Thích Ca (Cakya). Bảy ngày sau, hoàng hậu mất. Em vợ thay chị nuôi Thái tử lớn.

Cuộc đời Thái tử những ngày sau đó là minh chứng cho sự ưu việt của dòng dõi: sống trong nhung lụa, học mọi môn học với các thầy giỏi nhất, gặp những nhân vật xuất chúng, tham gia lễ hội, đi săn... cùng vua cha và hoàng thất. Bảy tuổi, trong lễ cày đất, Thái tử ngồi thiền dưới gốc cây Jambolan (cây hồng quân), vào định tự nhiên (chứng Sơ Thiền). 16 tuổi, Ngài được vua cha ban hôn cho tuyệt thế giai nhân Da Du Đà La (Yosodhara). Họ có một con trai tên La Hầu La (Lahula). 

19 tuổi (có sách ghi 29 tuổi), Thái tử từ bỏ ngai vàng và vinh hoa phú quí, trốn vào rừng sâu, nghĩ cách cứu độ chúng sinh. Ban đầu Ngài tìm học những đạo sĩ danh tiếng nhất xứ Ấn Độ bấy giờ, nhưng tự bản thân Ngài thấy đó chưa phải là con đường giải thoát. Ngài lại tìm đến Tuyết Sơn, ẩn mình tự tu luyện trong 6 năm, nếm đủ mọi khổ ải trần ai, người chỉ còn da bọc xương, nhưng vẫn không thu được kết quả gì. Ngài tới núi Gajasira, tắm rửa bên bờ sông, ăn bát cháo sữa của mấy nàng mục nữ cúng, rồi tới ngồi dưới gốc cây pippala (sau này người ta gọi là cây Bồ Đề - hay cây Giác Ngộ). Ngài thiền định trong 49 ngày. Ngày thứ 49, lúc sao mai vừa mọc, Ngài bỗng nhiên đại ngộ (ngày nay, các học giả cho rằng, thời điểm đó Đức Phật mới chỉ gần giác ngộ - tức “Đốn Ngộ Tiệm Tu” – ngộ trước tu sau, trong quá trình tu tập hàm dưỡng Ngài mới giác ngộ hoàn toàn). Từ đó Ngài lấy danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni, đi chu du khắp lưu vực sông Hằng, rao giảng chân lý ngài ngộ được để giáo hóa chúng sinh. 

Con đường truyền đạo của Ngài gặp rất nhiều gian khổ và hiểm nguy: vô số chống đối từ tầng lớp quí tộc, tăng lữ; âm mưu hãm hại của các giáo phái đương thời và chính đệ tử trong tăng đoàn; sự ngu muội và manh động của tầng lớp thấp hơn; rừng thiêng nước độc... Nhưng Ngài vẫn kiên trì lý tưởng và con đường đã chọn, mở lòng từ bi vô bờ bến, hóa độ chúng sinh bất kể giai cấp, địa vị, già trẻ, thiện ác…Trong khoảng 40 năm đó, Ngài thuyết pháp tại hơn 500 hội. Tăng đoàn hùng mạnh lên tới hàng chục ngàn người - còn đông hơn quân đội của nhiều quốc gia đương thời. 

Một ngày, Ngài nhận bát cháo, phát hiện trong đó có nấm độc – khi ấy Ngài đã 80 tuổi. Nhận thấy công việc cứu nhân độ thế của mình đã đầy đủ, Ngài gọi đệ tử vào dặn dò cặn kẽ. Ngài ăn bát cháo độc, rồi đem bát đi chôn, sau đó thanh thản từ giã cõi đời trên một chiếc võng móc giữa hai cây bông vải (Sala) ngoài thành Câu Thi La (Kusivagarâ).

Cuộc đời Phật Tổ vô cùng vĩ đại và ý nghĩa. Sau này các trường phái đã tô thêm nhiều màu sắc thần thánh, mầu nhiệm, ma mị cho cuộc đời Ngài với nhiều mục đích. Ví dụ như: những sự kiện lớn trong đời Ngài thường gắn với một cái cây (sinh ra dưới gốc cây, chứng sơ thiền ngay lần đầu ngồi thiền cũng là dưới gốc cây, thành đạo dưới gốc cây, giã từ cõi đời giữa hai cành cây). Tuy nhiên, cuộc sống con người khi đó gắn bó rất chặt chẽ với thiên nhiên. 2.500 trước, một đứa trẻ ra đời dưới gốc cây là hết sức bình thường. Việc có người sinh hoạt, thậm chí chết bên một cái cây cũng không có gì đặc biệt. Các học giả nghiên cứu tài liệu nguyên thủy của Phật giáo cho biết, Ngài sinh ra như mọi đứa trẻ bình thường, trưởng thành theo đúng phong cách đại quí tộc, chịu trầm luân khổ ải, đói khát trên con đường tìm đạo và hành đạo như bất cứ nhà truyền giáo đương thời nào. 

Vậy, vì sao một con người bình thường, từng có đủ tham sân si, thất tình lục đục, nếm mọi mùi gian khổ, nóng lạnh của cuộc đời, rồi về già cũng lăn đùng ra chết; lại khiến bao thế hệ loài người tôn thờ ngợi ca Phật Tổ/ Đức Thế Tôn, dựng tượng xây chùa, làm theo lời răn của Ngài? Con người ấy sống chết bình dị giữa một xã hội lạc hậu, tối tăm và cực đoan đến vậy; mà sao tư tưởng của Ngài hơn 2.500 năm vẫn không hề bị mai một, còn được lan rộng và phát triển hơn trước? Tại sao nhiều vĩ nhân của xã hội hiện đại (cả người phương Tây, hay tôn giáo khác) cũng cho rằng Phật giáo là tôn giáo có tư tưởng tiến bộ nhất, nhiều triết lý và thực hành gần với chân lý khoa học nhất?

Muốn tìm câu trả lời, bạn phải tự bỏ công sức tìm hiểu Phật giáo một cách nghiêm túc. Mấy câu văn đơn giản của tôi không thể giải đáp hết.


Đạo Phật được truyền bá tới hưng thịnh (thế kỷ 6 TCN – thế kỷ 10)

4 tháng sau khi Phật Tổ mất, ngài Ma Ha Ca Diếp (Mahakasyapa) thống suất tăng chúng, làm chủ tọa một hội nghị gồm 500 đại đệ tử của Phật Tổ tại thành Vương Xá, để giảng tụng lại những giáo lý đức Phật đã dạy. Hội nghị kết thúc sau 7 tháng. Hội nghị này chỉ đọc tụng, không có ghi chép thành văn bản. Đại hội này được lịch sử Phật giáo hiện đại ghi nhận là lần kết tập đầu tiên trong 4 lần kết tập kinh điển của Phật giáo.

Lần kết tập thứ hai diễn ra khoảng 100 năm sau khi Đức Phật mất. Tăng chúng lúc này đã có mâu thuẫn về các giới điều, chia làm hai phe phái. Phái nguyên thủy (Thượng Tọa Bộ) muốn giữ nguyên giới luật của Phật Tổ, tổ chức đại hội tại thành Vaisaly. Phái tiến thủ (Đại Chúng) chủ trương sửa đổi 10 điều luật của Phật Tổ cho phù hợp với tình hình đương thời, tổ chức đại hội tại thành Vajji. Lần kết tập này cũng chỉ đọc tụng chứ không ghi chép lại giáo lý của Đức Phật.

Lần kết tập thứ ba diễn ra khoảng năm 274 TCN. Hoàng đế A Dục triệu tập 1.000 vị đại trưởng lão để tập kết kinh điển tại thành Pataliputra, do ngài Mục Kiền Liên Tu Đế làm chủ tọa. Đại hội diễn ra trong 9 tháng.

Lần kết tập thứ tư vào thế kỷ 1. Đại đế Ca Ni Sắc Ca (Kaniska) triệu tập 500 vị Bồ tát, 50 Tỳ kheo, 500 cư sĩ tại gia để tập kết kinh điển tại thành Ca Thập Di La. Hiếp Tôn Giả và Thế Hữu chủ tọa.

Các tài liệu kinh sách ghi chép từ hai lần kết tập sau sử dụng hai loại văn tự đồng thời: tiếng Pali và tiếng Phạn. Tiếng Pali là ngôn ngữ phổ biến ở Nam Ấn Độ lúc đó. Tiếng Phạn phổ biến ở Bắc Ấn. Vì thế, khi đi vào lưu hành trong dân gian, các kinh sách này đã chia thế giới Phật giáo thành hai phần rõ rệt: 

-          Nam phương Phật Giáo (các tiểu quốc phía Nam Ấn Độ, Sri-lan-ka, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia…): các văn tự tiếng Pali được phổ biến. Cũng là nơi các bộ phái thuộc Thượng Tọa Bộ (trong dân gian gọi là Tiểu Thừa) phát triển mạnh và thống trị sau này.

-          Bắc phương Phật Giáo (các tiểu quốc phía Bắc Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Bắc Triều Tiên, Việt Nam…): dùng văn tự tiếng Phạn. Về sau, bộ phái Đại Chúng (trong dân gian gọi là Đại Thừa) phát triển rực rỡ tại khu vực này.

Sau lần kết tập thứ 2, tăng chúng Phật giáo chứng kiến sự chia rẽ ngày một mạnh mẽ và sâu rộng. Các bộ phái co cụm và hưng thịnh ở những địa bàn khác nhau. Phái Thượng Tọa Bộ sau đó lại chia tiếp thành 11 bộ. Phái Đại Chúng chia thành 9 bộ. Như vậy chỉ khoảng 100 năm sau lần kết tập thứ 2, tăng chúng đã có 20 bộ phái. Các bộ phái không chỉ chia rẽ về mặt tư tưởng và giáo lý, mà còn phỉ báng, chống phá lẫn nhau dữ dội. 

Giai đoạn đầu, phe nhóm Thượng Tọa Bộ thắng thế. Nhưng sau đó tư tưởng của nhóm Đại Chúng dần dần bành trướng, vượt qua biên giới xứ Ấn Độ, thâm nhập sâu rộng vào Trung Hoa và phát triển rực rỡ.

Ngay ở lưu vực sông Hằng, tới thế kỷ 10, các tông phái Đại Chúng (Đại Thừa) đã thống trị hầu hết tăng đoàn. Tầng lớp quí tộc đa số đều qui y, ra sức xây chùa, in ấn kinh sách Đại Thừa. Phật giáo Đại Thừa được lan truyền tới Đông Hán (năm 67, vua Minh Đế sai 18 người tới nước Đại Nhục Chi ở phía Tây con đường giao thương Ấn – Trung để rước Phật về thờ và mời được hai vị sư Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan tới truyền đạo). Các nhà truyền giáo từ Tây Vực cứ thế lũ lượt kéo nhau sang phía Đông, mang theo nhiều kinh sách tiếng Phạn. Các triều đại phong kiến Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật, Việt Nam … sau đó, vua và quan lại đều rất sùng bái đạo Phật, cho dựng nhiều chùa chiền, dịch nhiều kinh điển sang tiếng Hán, tiếng Nhật… Phật giáo thịnh suy theo từng triều đại. Nhưng Đại Thừa phát triển rực rỡ nhất tại Trung Quốc, đặc biệt vào giai đoạn thế kỷ 7-9 (Huyền Trang là nhân vật nổi bật nhất giai đoạn này, 15 năm học đạo ở Ấn, dịch 1.500 kinh sách sang tiếng Hán). Nhiều giai đoạn, Phật giáo Đại Thừa còn là quốc giáo ở Trung Quốc, Triều Tiên.

Các nhóm Thượng Tọa Bộ bị lu mờ ở Ấn Độ, bộ phái dần biến mất, nên đành cố công bảo tồn giáo lý nguyên thủy ở các quốc gia khác (Srilanka, Thái, Lào, Campuchia…). Nỗ lực của họ đạt thành tựu một cách đáng kinh ngạc. Từ 2.000 năm trước đến tận ngày nay, Phật giáo Tiểu Thừa vẫn là quốc giáo ở các quốc gia này (trừ Ấn Độ).


Tại sao lại có Đại Thừa và Tiểu Thừa?

Trong kinh nguyên thủy của Đức Phật, không có từ “Đại Thừa” và “Tiểu Thừa”. Bản thân các phái bộ khi tự ban hành kinh sách của mình, cũng không hề tự nhận mình là “Đại Thừa” (cỗ xe lớn) hay “Tiểu Thừa” (Cỗ xe nhỏ) – tất nhiên rồi, ai lại muốn mình nhỏ cơ chứ. Điều này xảy ra khi các nhà khảo cứu, các nhà viết sử dùng từ ngữ này để gán cho Phật giáo phương Nam và phương Bắc suốt 2.000 năm qua (Một số học giả nói, hai từ này xuất hiện đầu tiên trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa – thế kỷ 1 TCN). Cách gọi đó cứ thế ăn sâu vào dân chúng. Giới lãnh đạo Phật giáo hiện đại và các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, đó là cách dùng từ sai, thiếu tế nhị. Nó đã để lại hậu quả lâu dài, đóng góp một phần vào lịch sử thăng trầm của Phật giáo, đến tận ngày nay.

Về mặt bản chất, “Tiểu Thừa” nhằm chỉ các bộ phái của Thượng Tọa Bộ - kiểu như phái bảo thủ hiện nay, muốn duy trì kinh điển nguyên thủy của Phật Tổ; “Đại Thừa” thuộc phái Đại Chúng – phái cải cách hay cấp tiến, có khuynh hướng thay đổi một số điều luật nguyên thủy cho phù hợp thời cuộc. Đây là sự chia rẽ từ thuở ban đầu - ở lần kết tập thứ 2. Phật giáo hiện đại đa số dùng từ “Thượng Tọa Bộ” thay cho từ “Tiểu Thừa” để tránh hàm ý không hay.

Xét sâu xa hơn, mâu thuẫn của hai luồng tư tưởng đối nghịch này xuất phát từ ngay thời Đức Phật còn sống. Tôn giả Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) đòi thay Phật Tổ lãnh đạo tăng đoàn và thêm năm điều luật thái quá vào theo hoàn cảnh thời bấy giờ, nhưng thất bại, bèn xúi giục Thái tử A Xà Thế giết cha đoạt ngôi thành công, rồi cùng nhau âm mưu sát hại đức Phật, nhưng lại thất bại. Có lẽ chính vì sự kiện này khiến Phật Tổ không giao tăng đoàn cho một cá nhân hay nhóm người nào lãnh đạo.

Sau 100 năm Đức Phật tạ thế, nhóm tỳ kheo ở Vajji đã đề xuất 10 giới luật được tranh luận trong một Đại hội Tăng già và bị kết luận là phi pháp. Sự kiện này nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo với tên gọi “thập sự phi pháp”, cũng là ngòi nổ cho những bất đồng về phẩm hạnh của A la hán, khởi nguồn mâu thuẫn sâu nặng giữa Đại Chúng và Thượng Tọa Bộ về sau.

Một chuyện gây nhiều tranh cãi giữa hai phái nữa, được sử sách nhắc tới rất nhiều, là “ngũ sự Đại Thiên”. Nhân vật Đại Thiên không rõ có thật hay hư cấu, nhưng đã làm thay đổi căn bản Phật giáo đương thời, mở ra phong trào cải cách Phật giáo. Từ đây, Đại Chúng bắt đầu có tiếng nói quan trọng trong đời sống.

Càng về sau, mâu thuẫn hai phe bảo thủ và cải cách càng nặng nề. Thượng Tọa Bộ (Tiểu Thừa) – bên bảo thủ - cho rằng phái Đại Chúng cải cách thái quá, chứa cả tư tưởng tà giáo ngoại đạo, nông nổi và ngây thơ. Đại Thừa – bên cải cách – chê Thượng Tọa Bộ nhỏ hẹp, thiển cận, không đáng học hỏi. Có một sự thật lịch sử mà ai cũng phải công nhận: bên Thượng Tọa Bộ (Tiểu Thừa) rõ ràng gìn giữ giới luật nguyên thủy của Phật Tổ, chống lại sự xâm nhập của ngoại đạo tà giáo hiệu quả và kiên trì hơn hẳn các nước theo Đại Thừa. Đại thừa và tà giáo chỉ cách nhau gang tấc, rất dễ rơi vào mê lầm – nhiều gương tày liếp đã xảy ra và được truyền bá để răn dạy Phật tử.

Ngày nay, hai phe đã bớt chỉ trích, cùng nhau nhìn nhận những điểm chung, đúng đắn. Thượng Tọa Bộ (Tiểu Thừa) và Đại Thừa đều được công nhận là những lời Phật dạy nguyên thủy, như cùng một cỗ xe dẫn đến giác ngộ. (Một số người cho rằng, thật khó để phân biệt đâu là kinh điển nguyên thủy của Phật Tổ, vì việc ghi chép lời Phật dạy diễn ra quá muộn, mãi tới kỳ tập kết thứ ba mới bắt đầu tiến hành. Trải qua mấy trăm năm, qua nhiều thế hệ Phật tử, chỉ dựa vào truyền khẩu và trí nhớ, ắt sẽ có nhiều sai lệch. Kinh điển nguyên thủy nhất của Phật giáo cũng như kinh điển được sáng tác thêm sau này đều bắt đầu bằng từ “như thị ngã văn” – “tôi nghe như vầy”- hiển nhiên cũng là lý do để người ta nghi ngờ tính “nguyên thủy” của chúng.)






Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Tản mạn về đạo Phật và Thiền (1)



Tản mạn về Đạo Phật và Thiền


Tháng 10 năm 2016, tôi được giới thiệu học thiền ở nhóm Chúng Thanh Niên Phật Tử Phật Quang chùa Tứ Kỳ (đường Ngọc Hồi, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Lúc đó, mục đích tập thiền của tôi để rèn luyện sức khỏe, an định tâm thần. Các bạn thanh niên của tổ chức này đều là Phật tử mộ đạo, tu tập và rèn luyện dưới sự dẫn dắt của các sư thầy phụ trách nhóm Chúng Thanh Niên Phật Tử Phật Quang Hà Nội (bản thân nhóm này lại là một phân nhánh của Đạo tràng Chúng Thanh Niên Phật Tử Phật Quang gốc gác từ chùa Phật Quang, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do Thượng tọa Thích Chân Quang sáng lập ra để phổ biến Phật pháp cho giới trẻ. Đây là Đạo tràng lớn nhất Việt Nam hiện nay). Khi tôi tới vào một buổi tối thứ năm, tôi được chỉ dẫn làm theo mọi người: tụng kinh khoảng một tiếng, tập khí công khoảng nửa tiếng, nửa tiếng ngồi thiền. Trước khi vào tọa thiền, một số bạn phụ trách giới thiệu cho những người mới tập thiền lần đầu như tôi vài điều cơ bản: tại sao phải thiền, cách thức ngồi thiền, xả thiền. Có thể do không phải là những nhà đào tạo, trình diễn hay bán hàng chuyên nghiệp, các bạn giới thiệu khá đơn điệu và chung chung, không mấy lôi cuốn, chủ yếu tập mẫu cách hành thiền và xả thiền. Tôi đi được hai buổi, rồi quyết định dừng. Lý do vô cùng đơn giản.

Không đúng mục tiêu. Tôi muốn học thiền, nhưng tôi lại phải tập tụng kinh và khí công. Còn thời lượng ngồi thiền quá ít, chỉ tập chay, nửa tiếng trong tổng số hơn hai tiếng. Chính xác là tôi đã ngồi nhầm lớp. Đây là lớp sinh hoạt cộng đồng của nhóm Chúng Thanh Niên tại chùa Tứ Kỳ thì đúng hơn. Tôi được phát tài liệu kinh sách. Tôi được nghe những lời mộ đạo từ các bạn trẻ - mà theo tôi, chúng có vẻ cuồng tín và hơi có chút mê tín dị đoan. Hay tôi ít tiếp xúc với vấn đề tôn giáo, bản thân lại vô thần, không tin gì ngoài khoa học công nghệ, tâm linh ít được trải nghiệm, nên quan điểm có chút nặng nề với hoạt động tín ngưỡng này chăng?

Lý do nữa là không hứng thú. Tôi được trải nghiệm hai buổi tối với hơn hai trăm người, đại đa số là thanh niên trí thức (rất nhiều sinh viên các trường Đại Học ở Hà Nội tham gia), nhưng không có chút cảm hứng nào được gợi lên. Thoạt tiên tôi tò mò tại sao người ta lại qui tụ được một nhóm người tịch mịch và nhất quán đến vậy? Sau đó tôi đoán có thể chính đạo Phật – với tư tưởng vô ngã (mọi tu tập đều hướng tới triệt tiêu bản ngã tự nhiên bên trong) có thể tác động tới tâm tính họ. Nhưng khi tôi dự một buổi sinh hoạt của các Phật tử già cũng ở Hà Nội, không khí hoàn toàn khác hẳn. Các cụ, các ông bà tuổi đều trên 50 nhưng nói năng sôi nổi, đưa ra vô số ý tưởng, khiến buổi sinh hoạt chung mang nhiều ý nghĩa thực tế và đáng nhớ. Như vậy bản thân đạo Phật không phải là vấn đề. Vấn đề chỉ là con người – những người phụ trách ở lớp tôi theo học, chưa đánh thức được cái tinh thần và năng lượng tràn trề trong mỗi thành viên. Đúng hơn, họ đã góp phần che dấu, hạn chế, dần dần có thể triệt tiêu bản tính và ngọn lửa nhiệt thành của tuổi trẻ. 

Đối với những người mới học như tôi, khơi gợi được sự yêu thích và trí tò mò về thế giới của thiền và đạo Phật là cần thiết cho một cam kết lâu dài hơn.

Bạn có thể chấp nhận răm rắp làm theo những hành động người ta bảo mà bạn không rõ tại sao không? Tôi hỏi mấy người từng tham gia vài tháng đến hai năm trong lớp sinh hoạt chung đó: tại sao phải tụng kinh và tập khí công trước khi ngồi thiền? Tại sao phải ngồi tư thế kiết già? Tại sao phải xả thiền? Tại sao xả thiền có động tác massage đầu?... Chẳng người nào trả lời được. Tôi hỏi họ tại sao họ không biết mà cứ luyện tập. Vì nó tốt. Vì thiền giúp rèn luyện tâm tánh và tu luyện Phật pháp tốt hơn. Vì đến cả học sinh tiểu học ở Hàn, ở Nhật còn bị bắt phải học, tại sao ta lại không học?... Thật khó tin đó là câu trả lời của các sinh viên đại học.


Nhưng hai buổi học thất bại đó lại khiến cho tôi băn khoăn về Phật giáo và Thiền. Tôi lo lắng tác động cải biến tâm tính không mong muốn có thể xảy ra khi tiếp xúc quá nhiều. Tôi bắt đầu tìm hiểu trên mạng và qua người quen. Tôi được giới thiệu tới Thiền phái duy nhất tới nay phát tích từ Việt Nam: Thiền phái Trúc Lâm. Tôi đi thử một buổi. Rồi mười buổi. Giờ tôi theo định kỳ. Vì sao ư? Đúng mục tiêu. Đầy hứng thú.

Tôi được các sư thầy dẫn dắt một cách có trách nhiệm, đầy tâm huyết. Ban đầu, những thuật ngữ khai tâm và điển cố không hề dễ hiểu với tôi. Nhưng dần dần, tôi lĩnh hội được nhiều hơn. Quan trọng nhất, tác dụng thực tế của tu thiền và thế giới triết lý Phật giáo đầy màu sắc vị Thượng tọa cùng các sư thầy chỉ dạy đã kích thích, gợi mở cho trí tuệ vốn trì trệ về những vấn đề tâm linh trong tôi phải suy tư. 

Tượng Phật và Bồ Tát, thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc, Hà Nội


Tôi dành thời gian tìm hiểu về triết học phương Đông, đạo Phật và Thiền. Tri thức thu được cùng những trải nghiệm thực tế từ hành thiền và nghe giảng Pháp khiến tôi tự tin, mình đang đi đúng đường.

Phải nói thêm với các bạn rằng, không phải trước đó tôi chẳng biết chút gì về đạo Phật và thiền. Là người Việt, đại đa số chúng ta đều tiếp xúc với các biểu tượng Phật giáo từ lúc mới sinh. Cây đa, giếng nước, mái chùa làng, tiếng chuông tiếng mõ. Hoa sen đầy phố mỗi độ hè sang. Lạy trời, lạy Phật, cho trời đừng mưa nữa, cho nắng bớt nồng, cho đồng xanh lúa, cho nhà con tai qua nạn khỏi… Khi 10 tuổi, tôi cùng mẹ đưa bài vị bố lên chùa làng. Ngày ngày trông cửa Phật, thu tiền công đức bỏ vào hòm. Ngày lễ, cùng mẹ lên chùa tụng kinh (tôi xem đọc kinh như đọc truyện, lúc chán thì chạy đi chơi hoặc ngủ gật). Đi làm, bạn bè đồng nghiệp quanh tôi, kể cả người theo đạo Hồi, đạo Thiên Chúa giáo, đạo Bà la môn, Thần đạo, hay vô thần, cũng thi nhau tập ngồi thiền, ngày Tết đi vãn cảnh chùa. Tất nhiên, tôi coi đó là sự hiển nhiên, không hề có ý định tìm hiểu tại sao lại phải làm thế. Phật giáo đi vào đời sống người Việt như cơm ăn, nước uống. Giống như tôi, hẳn nhiều người cũng không hề nghĩ tới triết lý và các ý nghĩa sâu xa bên trong mỗi hoạt động nhà Phật. Giờ được tri thức khai mở, mới biết, nhiều việc ta đã làm sai, hoặc tệ hơn, đi theo hướng mê tín dị đoan, cổ xúy cho hủ tục, thói xấu.

Để cho những người đang băn khoăn, lưỡng lự giống như tôi trước kia, hoặc đơn giản là có thêm chút tri thức về văn hóa & tâm linh, tôi viết mấy dòng để sơ lược cho các bạn nghe câu chuyện số phận đầy trắc trở của Đạo Phật và Thiền tôn, cũng như thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam.






Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

Hạt bụi trên đất Ấn - Mark Manson



Hạt bụi trên đất Ấn

Khi máy bay của bạn hạ cánh xuống New Delhi, một đám mây bụi mù màu cam mềm mại sẽ nhấn chìm bạn, kéo bạn vào trong. Tầng tầng lớp lớp các thị trấn ổ chuột xếp như thác trôi xuống dưới, các mạch chảy giao thông tắc nghẽn chia cắt khung cảnh thành vô số mảnh quần thể người rải rác. Nếu bạn tới vào buổi tối, đám mây bụi sẽ mang quầng sáng mờ đục làm rung rinh đất nước này trong những ánh đèn thành phố lập lòe. Nếu bạn tới vào buổi chiều, đám mây lúc ấy là một đống bụi khổng lồ khó hiểu – hợp chất của sương, khói, bụi bẩn và hơi nước dạng mù – dù bạn muốn trốn đi thế nào, chạy xa bao lâu, bạn cũng không bao giờ thoát khỏi nó.

Tôi đã từng đến 40 quốc gia khác nhau. Chỉ Ấn Độ để lại ấn tượng không thể gột sạch nhất. Tất nhiên không phải tất cả các lý do đều chính đáng. Nhưng thành thực mà nói, đó không phải là nơi dễ chịu. Ai nói với bạn điều ngược lại là thiếu cái nhìn toàn cảnh. Ấn Độ đầy mâu thuẫn: kinh hoàng và thú vị, thành tựu và tội ác, thường xuất hiện ngay trong cùng một góc thành phố. Bất chấp lịch sử vĩ đại của mình và những công trình, cảnh quan ngoạn mục minh chứng cho tài năng của con người, không ai lại không tự hỏi đi hỏi lại mình rằng mình đang làm cái quái gì ở đây.

Điều đầu tiên đập vào mắt bạn về Ấn Độ là nó bẩn đến mức nào. Dùng một từ, thì đó là “kinh khủng”. Tất cả đều thế. Toàn bộ đất nước. Trước tới giờ tôi chưa từng bao giờ trông thấy hàng núi rác kích cỡ như một căn nhà nhỏ xếp chồng nối đuôi nhau bên đường, ngay ban ngày, giữa trung tâm thành phố, không ngừng nghỉ. Các thùng đựng rác nghiêng ngả và tràn cả ra đường. Các ụ chất thải – vải, cốc chén, giấy, khăn ăn rơi vãi, trộn với đống bầy nhầy từ sô đa, nước tiểu kết tụ từ hàng ngàn khách qua đường mỗi ngày.

Cũng giống như bụi bẩn, rác không bao giờ ngừng nghỉ. Cùng với rác, còn có một dòng thác người không ngớt. Không thể dành trọn một ngày ở giữa một thành phố lớn của Ấn Độ mà không muốn bổ não mình ra tự hỏi mọi người tới từ những nơi chết tiệt nào thế. Tôi từng ở Hồng Kong. Tôi từng ở Manhattan và Bắc Kinh. Tôi từng ở Mexico City. Duy chỉ có đám người đang bò qua những thành phố của Ấn Độ là vô song. Không thể so sánh nổi. Nhiều đường phố giống một tổ ong hơn là một xã hội có tổ chức của con người. Khi tôi bay tới Mumbai, có những người vô gia cư ngủ ngay trên đường băng. Hãy dành một chút để suy ngẫm: thành phố quá đông đúc và kinh khủng đến mức người ta phải quyết định thà ngủ trên đường băng của sân bay còn hơn.

Taj Mahal bị bao quanh bởi bụi.

Còn điều thứ hai của Ấn Độ đập vào mắt bạn. Nghèo đói. Đó là sự nghèo đói hợp pháp, khiến bạn kinh ngạc đến ngẹn thở. Giống kiểu bạn thấy ở các quảng cáo từ thiện trên tivi, nhưng tệ hơn nhiều. Và thực tế hơn nhiều. Người tàn tật như thể đang bị ninh nhừ trong đống phân của chính họ. Đám trẻ gầy còm chơi đùa trên những đống rác. Một người chân thối rữa sắp rời khỏi xương, cùng với súc vật và những thứ khác, nằm bên lề đường. Chuyện đó có ở khắp nơi. Số người khốn khổ không sao tả xiết. Và nó không hề dừng lại. Sau vài ngày, tôi vui mừng khi thuê được một lái xe chở tới Agra vì nghĩ rằng mình có thể nhìn thấy một vùng quê, trốn thoát khỏi mùi hôi thối và những cảnh tượng kinh hoàng ở thành phố. Nhưng không. Bốn tiếng đồng hồ từ Delhi tới Agra vẫn là một dòng người không ngớt, rác và ô tô, cùng với những cơn bão bụi càn quét chúng tôi.

Phản ứng đầu tiên của tôi trong mấy ngày đầu đơn giản chỉ là sốc. Nhưng sau đó nó nhanh chóng biến thành sự tức giận. Làm sao một nơi thế này lại được phép tồn tại? Làm sao những con người bình thường, có ý thức rõ ràng vẫn thản nhiên đi lại mặc kệ bao bẩn thỉu, thối tha làm họ phát ung nhọt? Tôi cảm thấy phẫn nộ. Trách nhiệm xã hội ở đâu? Các tổ chức từ thiện ở đâu? Chính phủ đâu?
Tôi không phải chuyên gia. Chúa cũng biết đất nước của tôi cũng đầy vấn đề. Tôi cũng đã đến nhiều quốc gia đang phát triển và thấy đầy cảnh nghèo đói. Nhưng ở đây là cái gì đó hoàn toàn khác. Nó ở mức độ cao nhất, hơn bất kỳ thứ gì khác, đã tạo nên phản ứng xúc cảm sâu sắc trong lòng tôi.
Lần đầu tiên trong đời, cuối cùng tôi đã nắm bắt được điều gì thúc đẩy người ta từ bỏ mọi thứ để tới cái hố bẩn thỉu ở Trung Phi, rồi bắt đầu ăn thịt lẫn nhau. Khi đối mặt với những khốn khổ thế này, thật điên rồ nếu không làm điều đó. Những người như Mẹ Teresa hay Công Nương Diana, hay Bill Gates dường như không còn là diễn viên ngoại quốc nữa. Tôi có thể cảm nhận những gì họ từng cảm nhận, dù chỉ một khoảnh khắc. Khi đi một ngày tới Agra, tôi đã chứng kiến sự nghèo khổ vô tận cuộn chảy như một trò chơi điện tử điên cuồng. Trong lòng tôi hối thúc hãy dừng lại ở cây ATM, rút 25.000 rupi và phát ngẫu nhiên cho mọi người. Tôi bắt đầu tính toán trong đầu. Khoảng $500. Tôi có thể đưa $25 cho 20 người. $25 có thể đủ ăn cho những người này trong gần một tháng. Tôi sẽ phải bỏ bao nhiêu trong thu nhập mỗi tháng để nuôi 20 người? Với con số nào thì tôi không còn muốn làm điều đó nữa? Đạo đức của tôi sẽ bắt đầu và kết thúc bằng bao nhiêu đô la?

Những con số bắt đầu làm đầu óc tôi quay cuồng. Tôi đang tính toán cho đạo đức cá nhân của mình. Tôi cảm thấy bi ai. Và bất lực. Giống như Oscar Schindler vào phút cuối trong bộ phim Bản Danh Sách Của Schindler, đã nức nở than rằng chiếc nhẫn vàng của ông có thể đã cứu thêm được một người Do Thái nữa, đáng thương thay mà cũng cao cả thay. Chiếc Big Mac tôi mang theo ở sân bay cũng có thể đã cứu thêm được một người Ấn Độ nữa! Mẹ kiếp, chỉ đáng bữa ăn!

Mọi thứ chỉ bắt đầu trở nên kỳ quái từ đây. Tại điểm kiểm soát an ninh, một đứa trẻ đã mang một con rắn hổ mang còn sống thật sự vào qua cửa sổ xe tôi, đe dọa mạng sống của tôi và các vị khách đi cùng. Nó yêu cầu chúng tôi một rupi. Chúng tôi đã chẳng cho nó đồng nào. Sau đó, cô gái người Thụy Điển cùng xe nói cô ấy lẽ ra có thể đưa cho những đứa trẻ đói khát kia hộp bánh cookie của mình. Khi chúng tôi hỏi tại sao cô không làm vậy, cô ấy bình tĩnh đáp rằng những cậu bé này không nên ăn cookie, nó không tốt cho chúng.

Ở Pizza Hut, mỗi bàn đều có nhân viên phục vụ. Khi tôi đặt món cánh gà nướng làm món khai vị, nhân viên phục vụ theo bổn phận sẽ chúc mừng tôi về quyết định tuyệt vời như thế. Rất nghiêm túc. Đó là những gì người này nói. Tôi nhìn quanh nhà hàng, mỗi bàn đều có những người Ấn béo tốt, ăn mặc đẹp. Tôi chợt liên hệ tới bộ phim hài Monty Python và Cái Chén Thánh:

“Ông ấy hẳn phải là một vị vua.”
“Điều gì khiến cậu nói vậy?”
“Ông ta không có cái quái gì cả.”

Ở Pizza Hut, người Ấn chẳng có cái quái gì cả, do đó tôi cho rằng họ là vua. Tất cả họ rõ ràng đã bỏ Blackberry ra ngoài vì lý do không đáng bận tâm nào đó, âm thầm khoe khoang với nhau trong nhà hàng giữa sực nức hành tỏi.

Trong khi đó, bên ngoài cửa sổ trước cửa nhà hàng, một cậu bé vô gia cư (người đầy hôi thối) đang cố gắng cạy mở cái hộp xúc xích bị bịt kín, có lẽ để tìm kiếm chút đồ ăn còn sót lại bên trong. Đám chó hoang đang liếm những vết thương hở miệng ngay gần đó. Thùng rác bị nghiền nát, phủ đầy bụi bẩn. Còn chúng tôi, các vị vua béo tốt, giàu có của Pizza Hut đang thưởng thức món khai vị được nhân viên chào đón. Lý trí do dự. Mâu thuẫn tăng lên. Mâu thuẫn nhận thức trong tôi bùng phát. Khi người quản lý tiến tới hỏi tôi cảm thấy bữa ăn thế nào, ý nghĩ đầu tiên của tôi là “Pizza Hut khốn kiếp. Chuyện gì thế này?” Nhưng tôi không nói ra điều đó. Tôi đã mỉm cười và nói “Được lắm, cảm ơn.”

Nhưng thế giới kỳ quặc của Ấn Độ không phải lúc nào cũng khiến bạn tức giận. Nó cũng có thể rất quyến rũ. Tại Taj Mahal, một anh chàng người Ấn cỡ tuổi tôi đã tiếp cận tôi xin chụp một bức ảnh. Tôi tất nhiên đồng ý và vươn tay cầm máy ảnh của anh ấy, vì cho rằng anh muốn tôi chụp cho một kiểu trước công trình này. Nhưng không, anh chàng bước xa khỏi chỗ tôi, chỉ máy ảnh vào tôi, rồi bốn người bạn của anh vây quanh tôi, quàng tay lên vai tôi, cùng nháy một kiểu. Vài phút sau, một gia đình nhỏ bốn người cùng đề nghị làm tương tự. Rồi một gia đình khác, nhưng lần này tôi chỉ quỳ gối đứng bên cạnh lũ trẻ. Sau đó một nhóm thiếu niên muốn chụp với cái hình xăm của tôi. Là khách du lịch, bản thân tôi cũng trở thành một phần thu hút khách du lịch. Chúng ta đang ở Taj Mahal. Và chúng ta đang ở bên một người da trắng. Còn đây là Sandeep nhỏ bé đang uốn éo cánh tay bên cạnh anh chàng da trắng to lớn. Rất nhanh một đám đông tụ lại. Nhiều người đi quanh đó, căng thẳng cố nói tiếng Anh với tôi. Một số chỉ đơn giản nhìn chằm chằm vài phút rồi thôi. Tất cả họ đều cười nói vui vẻ.

Bụi tràn ngập khắp các thành phố và thị trấn, đôi khi có màu vàng khói, lúc lại xám nhẹ. Nó phủ đầy ô tô, đèn đường và trên những xác động vật hoang dã. Nó tung cả vào họng bạn và biến bạn thành đen đúa, khốn thay.

Văn hóa Ấn Độ hoàn toàn chẳng rõ phương hướng. Người ta có thể cực kỳ nồng nhiệt và hiếu khách, hoặc lạnh lùng và thô lỗ tùy thuộc hoàn cảnh và họ biết bạn bao nhiêu. Kết luận của tôi là, nếu họ đã biết bạn, hoặc nếu họ được lợi ích gì đó từ bạn, họ sẽ rất ấm áp và cởi mở. Nhưng nếu họ không biết bạn, hoặc nếu họ đang cố lấy thứ gì từ bạn, họ sẽ là một lũ thâm hiểm, gai góc.

Người bản địa tôi quen biết nhất là Sanjay, khoảng 20 tuổi, điều hành nhà nghỉ tôi đang trú. Anh chàng học ở London và sống ở khắp Châu Âu nên bị Âu hóa. Anh chàng và tôi có thể thức tới khuya cùng nhau uống thứ vodka rẻ tiền, hào hứng kể cho nhau nghe về những chuyến đi. Có rất ít thứ để làm khi màn đêm buông xuống ở Ấn Độ ngoài uống rượu. Uống một chút cũng sẽ cảm thấy ngon miệng hơn.

Những gì Sanjay kể cho tôi về người Ấn nghe rất kỳ quái, nhưng lại là thật. Anh chàng bảo người Ấn rất hiếm khi sử dụng bạo lực. Là khách nước ngoài, bạn không bao giờ phải lo lắng bị cướp, hay có con dao nào chĩa vào bạn, hoặc bị một băng nhóm côn đồ nện cho rồi cắt mất quả thận. Đó là sự thực. Tôi từng tới nhiều nơi tối tăm trên thế giới. Nhưng chưa bao giờ tôi từng cảm thấy bất an ở Ấn Độ. Thậm chí ngay cả lúc đêm khuya.

Nhưng Sanjay bảo người Ấn hay nói dối. Họ sẽ nói bất kỳ điều gì để thu được những gì họ muốn từ bạn. Đa số họ đều không thấy điều này là sai trái hay vô đạo đức. Nói cách khác, họ sẽ không dí súng vào mặt bạn để lấy ví của bạn. Nhưng họ sẽ đưa cho bạn thẻ giả, lập hợp đồng bán cho bạn những thứ họ thực sự không có, thế là bạn tình nguyện bị rỗng túi theo thỏa thuận.

Tôi phải thực sự thừa nhận, họ là những người bán hàng rất giỏi thuyết phục.

Tại Agra, lái xe đưa chúng tôi tới một cửa hàng bán đồ thủ công. Trong cửa hàng, tôi lập tức biết ngay chuyện gì sẽ tới: một chuyến đi vòng quanh nhà máy sản xuất thảm và chúng tôi bị dồn ép (nghĩa đen) buộc phải mua một cái. Tôi từng gặp cảnh này ở nước khác trước đây, nhưng ở đây tôi thấy chuyện này vượt xa cả dặm. Một người đàn ông đi tới với vẻ vô cùng khiêm tốn, duyên dáng và cực kỳ lịch sự, không thể chê được. Ông ta chỉ cho chúng tôi vô số tấm thảm, kể cho chúng tôi những tấm thảm đã được dệt tỉ mỉ bằng tay như thế nào. Ông ta cho chúng tôi thấy cách họ thiết kế mẫu mã trên lưới rồi chuyển chúng sang khung dệt bằng gỗ. Rồi ông đưa chúng tôi xuống tầng, đưa đồ uống, sau đó chạy một trong những quảng cáo bán hàng ấn tượng nhất mà tôi chưa từng nghe trong đời. Ông ta nên đi bán xe sang ở Mỹ. Cuối cùng tôi bận rộn để quyết định xem mẹ tôi sẽ thích cái thảm nào nhất. Sau vài lời thương lượng nhẹ nhàng, vài cử chỉ thân thiện, tôi đã mua bán xong và thu xếp chuyển nó về cho mẹ tôi ở Mỹ.

Mãi một giờ sau trong ô tô tôi mới nhận ra chuyện gì vừa xảy ra. Quá trình thật tinh xảo. Các kiện hàng với địa chỉ ở Mỹ đã được đưa ra cho chúng tôi nhìn thấy. Hình ảnh của “khiến khách hàng hài lòng”. Tôi biết đó là gì, và nó thực sự tốt. Dạ dày tôi lộn nhào. Tôi đã từng gặp chuyện này. Chỉ là mẹ tôi có thể sẽ không bao giờ nhìn thấy tấm thảm đó.

Tuy nhiên chỉ mất vài trăm đô, tôi nhanh chóng quên đi nỗi tổn thương. Một thằng nhóc người Canada 18 tuổi cùng nhà nghỉ còn bị mất hàng ngàn đô. Một cặp đôi người Ấn đã ngăn thằng bé trên phố, với thứ tiếng Anh hoàn hảo, chúng thuyết phục thằng bé rằng chúng đang làm cho một hãng lữ hành. Rồi chúng dẫn thằng bé tới “văn phòng”, đưa cho cậu những “tài liệu quảng cáo” và “lên kế hoạch” cho một chuyến du lịch trong vòng một tháng, nói rằng toàn bộ chuyến đi được lấy giá tốt nhất, rằng họ sẽ thu xếp mọi thứ liên quan. Khi về tới nhà nghỉ, mặt cậu trắng bệch. Cậu nhận ra vừa xảy ra chuyện gì. Cậu hỏi Sanjay về chuyện này. Sanjay bảo cậu phải gọi cho ngân hàng ở Canada ngay lập tức để hủy thẻ. Bảo họ rằng thẻ đã bị đánh cắp. Chẳng có chuyến đi nào. Chẳng có chỗ trú chân nào. Chẳng có hãng du lịch nào. Chỉ có hai tay người Ấn với cái lưỡi dát bạc.

Những trò gian lận không chỉ giới hạn trong các tour du lịch cao cấp. Các đĩa DVD bị ăn cắp rồi bán lại cho bạn sẽ không xem được. Taxi đưa bạn đi nhầm chỗ. Khách sạn thu thêm “phí” đáng ngờ vào phút chót. Bạn sẽ bị quấy rầy liên tục trên đường: đám người bán hàng đi theo bạn suốt nửa chặng cố trút những thứ thối tha vô dụng của họ cho bạn. May thay trước đây rất lâu tôi đã học được phương pháp hoàn hảo chống lại các trò trên đường phố: iPod + kính râm. Quay lên 10 và giữ nguyên tư thế đi bộ. Chả thể nghe thấy hay nhìn thấy gì muốn làm phiền bạn. Mấy kẻ quấy rối la hét bên bạn cũng chỉ như ruồi muỗi.

Nhưng công bằng mà nói, vẫn còn nhiều người Ấn Độ sẽ không chấp nhận kiểu đó và thành thật với bạn. Nhiều lần tôi nghĩ anh chàng từng hỏi tôi 50 rupi khi thực sự cần, thay vì lấy thêm, anh ta đã trả lại tiền. Hoặc có lần, tài xế taxi miễn phí đưa tôi tới một tòa tháp Minaret (tháp Hồi Giáo) rất nổi tiếng, chả vì lý do gì ngoài việc anh ta là người Hồi giáo và cho rằng tôi nên nhìn thấy công trình đó. Hay một đứa trẻ ở Gaya đã chở tôi bằng xe đạp trở về khách sạn, chỉ vì nó rất thích thú được luyện tiếng Anh với tôi. Hay Sanjay, người mà vào đêm uống rượu thứ ba, đã khiến tôi ngạc nhiên với một bữa ăn tự nấu đặc biệt dành cho tôi. Hay người lái xe cho chuyến tour này của tôi, luôn chu đáo với chúng tôi suốt hơn 13 tiếng đồng hồ, rồi khóc và ôm tôi khi tôi cho ông ấy tiền boa 50%.

Giống như những nơi khác, người Ấn không phải tất cả đều tốt hay tất cả đều xấu. Bạn đơn giản chỉ nhận thấy nhiều hiện tượng xã hội cực đoan. Không thể đoán được. Đừng đề cập tới việc bỏ qua xúc cảm. Nhu cầu vĩnh viễn cần được bảo vệ luôn tác động đến tâm hồn chúng ta.

Ở Bangalore, tôi lại tức phát điên. Tài xế taxi từ sân bay “quên” bật đồng hồ mét. Nhận ra điều này, tôi lấy đồng hồ đo thời gian và tính ra chúng tôi đã đi 30 km. Khi chúng tôi tới nơi, anh ta đòi tôi trả cho 50 km. Một trận đấu khẩu xảy ra. Tôi ném tiền trả cho anh ta 30 km, kéo lấy túi xách và bước vào khách sạn. Anh ta đi theo. Anh ta bắt đầu khẩn nài viên thư ký khách sạn, nói rằng tôi không trả tiền và giá của anh ta là phù hợp. Thế là với bốn người quan sát, tôi mở laptop, nối mạng không dây, tải Google Maps, chỉ cho anh ta quãng đường thực sự chỉ là 30 km từ sân bay tới khách sạn. Tay tôi run lên vì tức giận khi thời khắc tải lên đã xong. May thay anh ta cầm lấy tiền rồi bỏ đi. Ở cửa anh ta còn quay lại bảo “Nhưng anh cần ký vào giấy biên nhận”. Tôi gào lên “Biến đi đồ khốn!”

Tôi ủ rũ đi vào phòng, rã rời và cay đắng. Sau gần ba tuần đối phó với những trò nhảm nhí như thế này, tôi đã hết giới hạn chịu đựng. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu đấm vào ai đó ngay bây giờ. Tôi mất tiền với tay tài xế taxi. Khi tôi tính lại trong đầu, chỉ $4. Tôi đã hành động lập dị chỉ vì $4.

May là tôi sẽ rời đi sớm, tới Singapore vài ngày, trở lại với thế giới văn minh. Tôi nằm dài trên giường, hít một hơi thật sâu và mở laptop. Trong hộp thư có một email từ mẹ tôi: “Cảm ơn tấm thảm của con. Mẹ rất thích nó!”


Ở chân núi phía Bắc của dãy Himalayas, bụi đã biến thành một đám mây khủng khiếp. Nó dính vào đường chân trời. Rác vẫn chất đầy các ngôi làng nhỏ, thành từng đống, nhiều đống bị nắng nóng đốt cháy hằng ngày. Người ăn xin dường như ít bị khinh rẻ. Bò đi rải rác trên đường lớn, giữa các xe tuk-tuk và các đoàn lữ hành đông nghịt. Nói chung, đám đông thường làm tản mát sự chú ý.

Ấn Độ thu hút rất nhiều người tìm kiếm sức mạnh tinh thần, những tâm hồn Tây phương lạc lối đã vượt qua khoảng cách địa lý để kiếm tìm ý nghĩa hay chính bản thân mình. Ấn Độ là cái nôi của hai trong nhiều tôn giáo lớn và cổ xưa nhất thế giới: Ấn Độ giáo và Phật giáo, hai tôn giáo này không giống những tôn giáo phương Tây, chủ yếu tập trung vào quan điểm bồi dưỡng yếu tố tinh thần của người khai sáng. Quan tâm tới Phật giáo hơn một thập kỷ qua, dành nhiều năm ở trường đại học ngồi thiền và dự các khóa tu, tôi thu được rất nhiều lợi ích từ vô số các tu viện tu khổ hạnh (ashram), các bậc thầy (guru), các Pháp (Dharma) hiện hành.

Thực tế lại đáng thất vọng. Không có cách nào khác mô tả hiện tượng này ngoài từ: du lịch tinh thần. Đó là thứ gì đó của phép nghịch hợp (oxymoron), đặc biệt trong Phật giáo. Thật đáng buồn khi nó lại trở thành nạn nhân của các hoạt động lừa đảo giống như các thị trường du lịch khác của Ấn Độ. Khắp nơi, như Bodhgaya và Goa chẳng hạn, tờ rơi quảng cáo xô đẩy trước mặt bạn, những người bán hàng rong cố thuyết phục bạn rằng họ có thể đưa bạn đến những nơi tốt nhất trong thành phố (như thể có cách “tốt nhất” để tập yoga). Một số thậm chí còn hứa hẹn Giác Ngộ … với 10.000 rupi một tuần. Giờ đây, tôi chắc chắn rằng có các khóa tu và tu viện khổ hạnh hợp pháp và chuyên sâu ở Ấn Độ. Nhưng toàn bộ qui trình đều rất rẻ và giả mạo.

Trẻ em cố bán cần sa xung quanh các trung tâm yoga. Đây là lý do hiển nhiên: khách hàng phương Tây tóc cuốn lọn dài, nhuộm loang lổ, bị khủng hoảng tuổi trung niên đều nhiệt tình mua hàng từ bọn trẻ, họ sẽ kể cho bạn tất cả những gì bạn cần biết về bí mật này. Hai người phương Tây tôi nói chuyện cùng ở Bodhgaya – nơi tôi đắn đo không biết có nên vào ngồi trong một khóa tu vài ngày hay không – đã kể rằng trước đây họ chưa bao giờ ngồi thiền và rất hứng thú khi học thiền ở Ấn Độ. Khi tôi bảo ai cũng có thể tự học thiền trong 10 phút tại nhà, họ đáp “Phải, nhưng sẽ phê hơn nhiều khi học ở Ấn Độ.” Óc tưởng tượng của tôi chỉ có thể nhìn thấy gương mặt Đức Phật giấu sau câu nói ấy.

Một cô gái cố khoe với tôi rằng cô đã nhìn thấy Krishna ở dãy núi phía bắc và cô cho rằng mình nên cải đạo sang Ấn Độ giáo. Khi phát hiện ra cô ấy đã hút nhựa cần sa hàng tuần liền trước đó, tôi hiểu ngay rằng hai việc này không phải ngẫu nhiên. Nhưng cô nàng không thích nghe điều đó.

Có lẽ đó là tính kiêu ngạo của riêng tôi, nhưng nó làm tôi buồn. Tôi luôn luôn tin rằng tinh thần là một cái gì đó được trải nghiệm theo cá nhân, không thể đo đếm, so sánh hay định lượng được. Ngồi thiền trên một xe bus ồn ào ở Chicago cũng đạt đến mức độ thâm sâu như thiền dưới cây Bồ Đề. Trong một tôn giáo mà toàn bộ hệ thống tín ngưỡng đều xoay quanh khái niệm Vô Thường, tách rời khỏi thế giới vật chất, và sự cân bằng, thực hiện một cuộc hành hương 4.000 dặm tới một cái cây ở cảnh vực Hư Vô, Ấn Độ, để khoe khoang có vẻ như, thế nào nhỉ… phản tác dụng. Tôi có thể nhận ra lợi ích theo thời gian và cảm xúc, nhưng về phương diện tinh thần thì không có nhiều khác biệt. Vì thế khi tôi đi qua những tờ quảng cáo cùng đám dân hippy mặc áo lót đeo hộp sọ, thật khó mà không cảm thấy cay đắng. Tôi hiểu các cuộc hành hương và việc khai thác khía cạnh thần thánh nhất trong con người bạn đều là điểm chung của các tôn giáo trên thế giới. Nhưng tôi luôn nghĩ trong đầu với hy vọng rằng Phật giáo sẽ khác. Thực tế thì Phật giáo có khác. Đó là việc những người theo đạo Phật không phải là những người như vậy.

(Có lẽ chỉ là tôi không thích đám hippy)

Nhưng tôi không thể không cảm thấy rằng lượng người nghèo khổ to lớn ở Ấn Độ có liên quan đến những khuynh hướng duy ngã mà các tôn giáo nơi này dựa vào. Tôi cũng không thể không cảm thấy rằng người ngoại quốc thường nhầm lẫn nên bị đẩy quá xa khỏi vùng văn hóa thoải mái tự do của họ, và cho rằng đó là một kiểu trải nghiệm tâm linh. Khi tâm trí con người đầy những cảm xúc khó lý giải sẽ thường phát minh ra những lời biện minh mang tính siêu nhiên. Mà Ấn Độ thì đầy rẫy những hoàn cảnh ngược đời.

Tác dụng có lợi nhất của du lịch tôi thu được đó là nó buộc bạn phải trở nên tự tin và độc lập hơn theo hàng triệu cách thức lãng nhách và khó nhận ra đang thêm dần vào tổng thể to lớn và hiển hiện rõ. Nền văn hóa càng khó khăn và kỳ lạ thì càng thách thức bạn, càng thúc đẩy cảm xúc trong bạn, càng giúp bạn trưởng thành theo những cách thức vô hình và rất cá nhân.

Có lẽ chẳng có gì thuần túy là “tâm linh” trên tiểu lục địa này, chỉ là trải nghiệm văn hóa khắc nghiệt nhất mà một người phương Tây có thể tự lựa chọn cho chính mình, rồi trưởng thành từ đó.

Mọi quốc gia chúng ta đặt chân tới, khuynh hướng tự nhiên trong chúng ta sẽ tìm kiếm một số ý nghĩa to lớn hơn. “Trung Quốc cuối cùng đã có bước nhảy vọt” hay “văn hóa Latin cực kỳ cuốn hút” hay “Tham nhũng thống trị nước Nga” – tất cả những điều nhỏ nhặt này chúng ta sẽ mang về nhà, rồi thao thao với bạn bè và người thân để cho họ thấy chúng ta đã làm được điều gì đó quan trọng, chúng ta đã học được điều gì đó thú vị. Đây là nơi tôi đã tới. Đây là ý nghĩa. Tất cả trong một hoặc hai câu.

Không thể dùng một câu duy nhất cho Ấn Độ. Nơi này là một mớ hỗn độn. Đây là đất nước duy nhất để lại cho tôi nhiều sự lúng túng khi ở đây hơn khi mới đặt chân đến. Cuộc kiếm tìm ý nghĩa của tôi trở nên trống rỗng hết lần này đến lần khác.

Một hôm ở Bodhgaya, trong thị trấn nhỏ vài nghìn người, tôi ngồi ăn tại cửa hàng ngoài trời ở quảng trường thị trấn. Người ăn xin, trẻ mồ côi và bò đi lại rải rác trên quảng trường, cùng với những người bán hàng rong. Tôi vừa trở về từ chuyến đi thăm đền thờ nơi Đức Phật giác ngộ. Nhìn ra quảng trường từ đĩa cà ri lớn của mình, tôi thấy những người ăn xin đứng ngồi không yên, hoàn toàn bị người dân thị trấn phớt lờ. Lúc này cuộc kiếm tìm ý nghĩa của tôi trên mảnh đất này đã trở nên điên rồ, các cảm xúc của tôi đã bị rán chín. Tôi nhìn vào đống thức ăn trước mặt. Nó có giá $2.5 đô la Mỹ và có thể nuôi nhiều người. Tôi gọi bồi bàn lại và đặt một đĩa khác.

Hai người ăn xin gần nhất là ông bà già, vội vàng lê trên mặt đất, quần áo rách rưới, râu tóc bạc trắng, đục ngầu và bẩn thỉu. Họ nhìn tôi, vươn cánh tay cằn cỗi ra vét hết đổ vào những chiếc cốc, chính là những chiếc cốc họ dùng lấy nước từ một con sông. Mắt họ lún sâu trong hốc mắt. Họ dường như đang nhìn phía sau tôi. Tôi đặt đĩa thức ăn thứ hai xuống phía trước họ. Họ mở to mắt nhìn một lúc rồi bắt đầu và thức ăn vào mặt càng nhanh càng tốt.

Cà ri nhỏ giọt trên bộ râu ông già. Cơm dính vào móng tay đen đúa. Những miếng gà rán rải rác trên mặt đất bên dưới họ. Tôi đứng nhìn vài giây, mong chờ một điều gì đó. Điều gì? Tôi không biết. Nhưng tôi muốn cảm nhận một cái gì đó. Tôi muốn cảm nhận ý nghĩa nào đó của tất cả những chuyện này. Rồi tôi có thể ra đi cùng với thứ quan trọng đó đúc rút cho toàn bộ trải nghiệm này.

Nhưng thay vào đó, tôi cảm thấy bất lực. Giống như tôi vừa đưa viện trợ cho con tàu Titanic. Ông già sẽ mải miết bới rác trong vài giờ nữa. Ông ta thậm chí còn chẳng thèm nhìn tôi. Vấn đề ở đây là gì? 

Rõ ràng tôi không phải là Mẹ Teresa. Thế cũng tốt; Mẹ Teresa không thể cứu rỗi xã hội này khỏi chính nó. Đôi khi các hệ thống của con người trở nên quá to lớn đến mức nó làm tổn thương người dân, không phải theo thiết kế, mà theo quán tính. Điều đó vượt quá khả năng nắm giữ của chúng ta, hãy cứ để nó tự kiểm soát.

Người dân thị trấn nhìn thấy những gì tôi vừa làm. Trong vài giây, một cậu bé tiến tới gần tôi và đề nghị tôi mua cho cậu ấy một quả bóng đá. Tôi bảo cậu ấy "không", rồi bắt đầu bỏ đi. Cậu ta đi theo. Rồi một người đàn ông bước tới muốn bán cho tôi những đĩa DVD Bollywood ăn cắp được. Tôi cũng bảo anh ta "không". Anh ta buồn bã “Cậu đưa thức ăn cho một người ăn xin, nhưng cậu lại không mua cho tôi một cái đĩa DVD? Tại sao lại thế?” Anh ta cảm thấy như tôi vừa phạm vào một sự bất công khủng khiếp nào đó chống lại anh ta.

Đám đông bắt đầu hình thành quanh tôi, tìm kiếm đồ bố thí. Tôi lặng lẽ đeo tai nghe và kính râm, bật iPod lên mức cao nhất, và đi vào trong cát bụi.


Cập nhật: Tôi muốn cảm ơn tất cả các độc giả người Ấn Độ đã bình luận (vâng, kể cả những lời chỉ trích). Tôi hứa sẽ trở lại Ấn Độ một ngày nào đó để cho nơi này thêm một cơ hội nữa, lần tới đó tôi sẽ nghiên cứu đất nước này nhiều hơn và dành nhiều thời gian hơn ở các vùng xa xôi hẻo lánh.



6 tháng 12 năm 2011
– Mark Manson