Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Luận Anh Hùng - Cheryl Pham: Chương Ba - Anh Hùng không kể xuất thân


Chương Ba: Anh Hùng không kể xuất thân

Anh Hùng lấy hành động luận khí phách.
Người đời lấy khí phách luận Anh Hùng.
Luận xuất thân của Anh Hùng là việc dành cho hậu thế.

Ngô Xương Văn lén tới phòng Tam Kha buổi tối, nghe thấy tiếng phụ nữ khóc than, bèn đạp cửa xông vào. Tam Kha đang khoanh tay đứng im lặng. Phương Dung cô nương quì dưới đất, nước mắt như mưa. Xương Văn chỉ tay vào Phương Dung quát:
-         Người kia to gan, sao giờ này vẫn ở đây gây chuyện?
-         Xương Văn, không được vô lễ. Bác đã nói với cháu thế nào?
-         Bác không giữ lời hứa. Bác bảo dạy cháu múa kiếm. Vậy mà lại ở đây nhìn người này khóc. Cháu không chịu đâu. Bác phải dạy cháu múa kiếm.
Nhìn con mắt lập lòe ra hiệu của Xương Văn, Tam Kha nén bực mình, nói với Phương Dung:
-         Nàng đứng lên đi, đừng làm ta khó xử. Ta đáp ứng nàng. Sau khi báo thù cha xong, ta sẽ lấy nàng làm thiếp. Từ giờ đừng lui tới quân doanh nữa. Cứ ở phủ tướng quân trò chuyện cùng Như Ngọc là được.
Phương Dung kinh ngạc, không dấu nổi vui mừng, đứng lên đa tạ:
-         Tạ ơn Dương tướng quân. Chàng yên tâm. Thiếp sẽ không làm chàng khó xử nữa.
Nói rồi lui ra ngoài. Xương Văn bực bội nói:
-         Nàng ta sẽ là thím cháu sao? Cháu không đồng ý. Nàng ta rõ ràng không phải cô nương tốt.
Tam Kha gõ đầu nó:
-         Không phải tại cháu sao? Tại sao cứ xen vào chuyện người lớn? Ta nói dạy kiếm cháu tối nay khi nào? Trẻ con không được nói dối.
-         Là cháu muốn giúp bác mà. Nhưng bác không muốn lấy nàng ta, đúng không? Cháu sẽ giúp bác xử lý nàng ta.
-         Hồ đồ. Bác sẽ lấy nàng ấy. Chỉ khi nào trả thù xong cho ông ngoại của cháu đã. Nàng ấy là cô nương tốt. Họ Dương ta phải trả ơn Trần gia. Chuyện này của bác, cháu không được xen vào nữa, nghe chưa?
Xương Văn bất mãn gật đầu.
Sáng sớm hôm sau, cậu bé lại chạy tới chỗ Tam Kha, giữa đường bị Xương Ngập chặn lại. Xương Ngập nịnh nọt nó, rồi bảo:
-         Em vào phòng bác, tìm cách để Phương Dung cô nương ra ngoài vườn hoa sau hậu viện được không?
-         Anh cũng muốn lấy nàng ta làm thiếp?
-         Gì cơ? Không lẽ bác đã định nàng làm thiếp?
-         Hừm, em không có đồng ý. Một tướng quân anh minh thần võ như bác không nên lấy người đáng ghét như vậy. Nhưng nếu anh muốn lấy nàng ta làm thiếp thì được. Anh phải nhanh chân lên. Nàng ta xinh đẹp thế, bao nhiêu người để ý rồi đấy. Chờ lúc anh đánh rợ về thì nàng có con rồi cũng nên.
-         Em trai, hãy giúp anh. Anh Xương Ngập chỉ còn vài canh giờ nữa lại phải lên đường rồi. Từ nay trở đi, anh để em toàn quyền quản giáo Xương Tỷ.
-         Được, em sẽ thay anh dạy dỗ cháu trai Xương Tỷ. Đa tạ đại ca đã cất nhắc.
Thằng bé cười hắc hắc, rồi co chân chạy thẳng vào phòng Tam Kha. Nàng Phương Dung đang đứng quạt bên cạnh Tam Kha ngồi ăn sáng. Xương Văn nói:
-         Này, người kia, mẹ ta gọi, bảo cô đi dạo vườn hoa. Mẹ ta đang chờ cô ở hậu hoa viên tướng phủ.
Cả Tam Kha lẫn Phương Dung đều ngạc nhiên.
-         Ngô phu nhân sao lại dậy sớm vậy? Mà sáng sớm đã đi dạo vườn hoa sao?
-         Cô thắc mắc làm gì. Ra gặp mẹ ta nhanh lên. Đừng để mẹ ta mang em bé nặng đứng chờ lâu.
Tam Kha bảo nàng cứ đi, ở đây để người hầu dọn dẹp. Phương Dung kính cẩn lui bước.
-         Nói đi, cháu lại bày trò gì phải không?
-         Không phải cháu. Có người ngày đêm nhớ mong nàng ấy, không chịu nổi, nên sáng sớm đã ra hoa viên chờ. Cháu không đành lòng, nên giúp một tay thôi. Nếu nàng ấy lấy người khác, bác không giận cháu chứ?
-         Cháu mới năm tuổi mà đã nghĩ đến những gì rồi thế hả? Nàng ấy có lấy người khác cũng là duyên phận của nàng ấy. Ta phải chúc phúc cho nàng, chứ sao lại giận cháu.
-         Phải. Phải. Bác của cháu có tấm lòng bồ tát. Cháu kính bác ăn sáng vậy. Từ nay, sáng cũng như tối, cháu sẽ đến kính bác.
-         Không phiền cháu. Lo học hành và trò chuyện với mẹ cháu. Bác rất bận.
-         Cháu tuyệt đối không làm phiền. Chỉ lúc nào có Phương Dung cô nương tới thì cháu mới tới thôi. Nàng ta tới được mà bác không cho cháu tới là không được đâu.
Khi Tam Kha đi ra quân doanh huấn luyện binh, Xương Văn tới phòng Dương thị, hùng hổ nói:
-         Bác không muốn lấy Phương Dung cô nương. Mẹ đừng bày kế làm bác phân tâm. Bác luyện binh, mang gánh nặng báo thù cho họ Dương đã mệt lắm rồi, đừng buộc thêm gánh nặng nữa cho bác. Phương Dung cô nương lấy ai là duyên phận của nàng ấy.
Dương thị kinh ngạc hỏi:
-         Ai dạy con những lời đó? Là bác con bảo ư?
-         Con đã đủ lớn, đủ hiểu chuyện rồi. Trang nam nhi đứng trong trời đất, phải lấy xã tắc, đại cục làm trọng, chớ không phải mấy chuyện nữ nhi thường tình. Con nhắc để mẹ chú ý. Mẹ nên chăm lo cho em con sắp ra đời đi, không được làm phiền người khác.
Nhìn con trai mới năm tuổi hùng dũng đi ra khỏi phòng, Dương thị liếc người sau tấm màn che:
-         Tướng công, không lẽ con chúng ta là thần thánh. Sao nó lại nói được những câu như ông cụ thế?
-         Thế mới xứng con trai họ Ngô ta. Là nàng lâu nay bận chăm Nam Hưng và dưỡng thai, không để tâm nhiều đến nó. Nó đã đi học được hai năm với các tiền bối, cũng phải trưởng thành chứ. Nó luôn coi anh ba như mặt trời buổi sáng. Chuyện của anh ba, nó quan tâm hơn cũng là thường tình.
-         Rõ ràng nó không thích Phương Dung cô nương.

Lại nói tới Phương Dung cô nương. Cuộc gặp gỡ với Xương Ngập hôm nay ngoài dự định của nàng. Xương Ngập bày tỏ thành ý, muốn cưới nàng làm thê, chứ không phải thiếp.
Xương Ngập là ai? Là con trưởng của Ngô tướng. Dù mẹ đẻ chỉ là người bình dân, đã mất sớm, không có thế lực nhà ngoại trợ giúp, nhưng nhìn cách Ngô tướng đối xử với hắn không tệ, cho tự cầm quân đi đánh rợ gần hai năm nay, hẳn cũng không phải là kẻ bất tài. Trong xã hội tôn ti hiếu đạo đầy mình này, không thể phế trưởng lập thứ, hắn giờ cũng có chút thành tích, chắc sẽ là người thừa kế Ngô gia. Hắn mới có một thiếp và một con trai năm tuổi, khả năng nàng được làm thê là rất lớn. Mẹ của Xương Ngập không phải cũng chỉ là một người bình dân thôi sao? Họ Ngô cũng là nhà võ tướng, danh tiếng không bằng Dương gia, nhưng cũng là họ lớn ở đất Ái châu. Tuy so sánh với Dương Tam Kha, hai bác cháu chỉ hơn kém nhau hai tuổi, nhưng tài năng và công danh của Xương Ngập kém xa. Dù vậy, thân là nữ nhi dân dã, nàng khó mà vào nổi cửa nhà họ Dương trăm năm thế gia. Nếu không có danh nghĩa nữ của Trần hiệu úy và ơn cứu mạng lúc sinh tử, e rằng có được lời hứa cưới nàng làm thiếp của Tam Kha cũng không thể.
Nhưng bao giờ chàng mới báo thù xong mà thú nàng? Một năm? Năm năm? Hay mười năm? Hoặc không bao giờ. Mà nàng giờ đã gần 19. Nàng bảo Xương Ngập để nàng suy nghĩ. Ngập trao nàng ngọc bội phòng thân, hẹn đánh rợ xong sẽ về gặp nàng. Một người mới gặp nàng một lần đã tương tư sâu nặng, muốn thề nguyền kết tóc xe tơ, khiến nàng không khỏi động lòng.

Gần giữa giờ thìn, Ngô Xương Ngập dẫn 50 lính cũ và hai trăm tân binh thuộc hai lữ kị binh của Đỗ Cảnh Thạc thẳng hướng tây nam lên đường, hẹn sau hai tháng sẽ quay về. Đỗ Cảnh Thạc suy nghĩ, rồi đến bẩm với Ngô Quyền:
-         Ngô tướng quân, ta đã suy nghĩ rồi. Phải qua khổ luyện mới nhanh thuần thục. Ngài giao cho ta 1.000 quân, giờ đã có gần 800 ngựa. Vẫn còn thiếu hơn 200 ngựa. Xương Ngập đi hơn nửa năm mới bắt được 300 con. Giờ bảo đi thêm hai tháng nữa, cứ cho là sẽ bắt được 100 con, thì vẫn còn thiếu. Ta tính sẽ dẫn nhóm tân binh còn lại xuống phía nam, đi sâu xuống Chiêm Thành tìm rợ, tìm phỉ mà đánh. Vừa thu được ngựa, được binh khí, cũng tôi luyện quân sĩ. Muộn nhất hai tháng nữa, ta cũng sẽ quay về.
Ngô Quyền cùng Tam Kha nghị luận, thấy ở lại không bằng cứ cho đi, dùng người thì phải tin tưởng. Vì vậy, sau khi đội quân của Xương Ngập vừa đi được ba ngày, Cảnh Thạc lại dẫn 400 kị binh xuống phía nam. Số kị binh còn lại sẽ do Tam Kha huấn luyện ở quân doanh.

Cuối tháng tám, Đinh Công Trứ, thứ sử Hoan châu, cũng là một bộ tướng cũ của Dương Đình Nghệ, dẫn theo hơn 1.000 trai tráng vũ trang cùng nhiều lương thảo tới Ái châu. Ngô Quyền cảm động hành lễ với Đinh tướng quân:
-         Công Trứ, Quyền tôi xin lễ ông một lạy cảm tạ tấm lòng trung liệt của ông, một lạy cảm tạ vì binh lính và lương thảo ông mang tới, một lạy cảm tạ người dân Hoan châu đã dốc lòng, dốc sức vì nghĩa lớn.
-         Đinh tướng quân cũng xin nhận của Tam Kha này một lạy cảm tạ thay Dương gia phụ và toàn thể Dương gia.
Ba người cùng xúc động. Đinh tướng quân thở dài:
-         Nhớ năm nào, ba chúng ta vẫn còn kề vai sát cánh cùng Dương lão tướng quân đánh Lý Tiến, chém Trình Bảo, đuổi quân Nam Hán chạy tan tác về phương Bắc. Chưa đầy chục năm mà đã kẻ mất, người còn.
Ngô Quyền hỏi:
-         Hoan châu giờ ông để ai giữ?
-         Ta để một người uy tín trong họ giữ. Đinh Bộ Lĩnh còn nhỏ, mới chỉ cho đi theo đuổi rợ, dẹp loạn dân, chưa có nhiều công trạng mà xứng với ngôi hào trưởng Hoan châu. Ta đã định tới đây từ hai tháng trước, ngay khi nghe bản cáo bạch của ông. Nhưng vì bệnh tình trở nặng, nên chưa lên đường ngay được. Đành dành thời gian đó, hô hào dân trong châu huyện ủng hộ lương thảo, tiền bạc.
-         Vết thương năm xưa vẫn không đỡ hơn sao?
-         Không thể khỏi hẳn được. Giờ có tuổi rồi nên hay đau nhức. Ta không biết còn sống được bao lâu nữa. Nhưng làm trang hào kiệt cũng chỉ mong gắng hết sức giữ xã tắc thái bình, diệt phản thần, đưa người hiền đức lên cai trị bá tánh. Ta hiểu lòng ông cũng nghĩ như ta, nên đến đây chung sức, chung lòng. Chết mới can tâm.
Biết chuyện, Xử Bình nói với Tam Kha:
-         Dương lão tướng quân thật là người nhìn xa trông rộng, tài trí hơn người. Dưỡng được những giả tử hào kiệt như Ngô tướng, Đinh tướng; giang sơn này tất sớm có ngày quật khởi, về tay người hiền tài.
-         Đúng. Ta vốn chỉ sợ sau cha ta, đất Tĩnh Hải quân này không còn người có tài, có tâm, có chí với xã tắc. Nam Hán, Nam Chiếu, Chiêm Thành sẽ thừa cơ xâm lược. Nhưng giờ ta đã thấy vững vàng hơn nhiều.
-         Dương tướng quân chớ mừng sớm. Ngô tướng, Đinh tướng dù gì cũng là thế hệ trước, có đứng lên làm trận phong ba cũng không duy trì đại cục được quá chục năm. Lúc đó cần đến những người tài đức như ngài. Giờ Tĩnh Hải quân dù loạn nhưng cũng không dễ nuốt. Đại quốc của Yasovarman đang nội đấu(1), tình hình chẳng kém gì Tĩnh Hải quân này. Nam Chiếu(2) có dã tâm nhưng không đủ lực. Chiêm Thành(3) đủ lực, nhưng không có dã tâm. Nam Hán có dã tâm, có lực nhưng đang cầu thời. Tuy vậy, thời thế cứ ba tới năm năm lại xoay vần, sau này thế nào còn chưa biết.
-         Ông cho rằng đây có thể là lúc ngoại bang kiếm cớ nhảy vào?
-         Dương tướng quân đã nhìn ra rồi. Nhưng chỉ cần xứ này xuất hiện anh hùng dương danh thiên hạ, khiến các thủ lĩnh địa phương tâm phục khẩu phục, đám ngoại bang nghe danh mà khiếp vía, tất sẽ thái bình.
-         Như vậy, quả là cần một trận đánh lớn.
-         Phải, một trận thật sự lớn, chấn động nhân tâm.
-         Đánh Công Tiễn chỉ là nội đấu, tất không có hiệu quả này. Không lẽ lại cần ngoại bang? Không. Không thể rước voi giày mồ. Kẻ nào làm thế, ta quyết không tha.
-         Dương tướng quân chớ vội xúc động. Tất cả còn do ý trời.

Cũng cuối tháng tám, Dương thị hạ sinh con trai thứ ba, Ngô Càn Hưng, cũng là con trai thứ tư của Ngô tướng quân. Ngô Quyền vui vẻ mở tiệc chiêu đãi toàn thể quân sĩ. Khí thế đội quân hừng hực, danh vang khắp 12 châu.
Ở Đại La, Công Tiễn không khỏi lo lắng, bàn với Kiều Thuận:
-         Ta đã đánh giá thấp Ngô Quyền. Giờ tiếng tăm của hắn dội khắp 12 châu, cả người của ta cũng ào ào đào ngũ trốn sang phe hắn. Ta phải tiến quân dẹp bỏ hắn thôi!
-         Ông nội đừng tức giận. Quân của Ngô Quyền giờ đã hơn 7.000 người, nhưng vẫn kém xa quân ta còn tới hơn ba vạn. Người của hắn lại ô hợp, vừa lính, vừa thường dân, vừa thổ phỉ, không dễ quản.
-         Ngươi đừng quên có Tam Kha và mấy tay nha tướng phản phúc của ta đang ở đó. Họ huấn luyện được ba vạn binh ở đây, há không luyện nổi 7.000 tên ngu dân kia sao? Không được, đây là cái họa trước mắt. Không nhổ ngay tất có ngày gây họa lớn.
-         Ông nội, Tam Kha có luyện ra binh mạnh tướng giỏi cũng cần thời gian và tiền bạc. Mới chưa đầy ba tháng, quân lương, vũ khí của chúng còn không đủ, làm sao mà thành đội hình, đội ngũ ngay được. Huống hồ bọn thảo khấu, hào trưởng khắp nơi đang nổi loạn, không chịu nộp tô thuế và dân đinh. Tiền bạc, quân lương của chúng ta đang ngày một suy giảm rõ rệt. Đây mới là cái họa trước mắt thật sự. Sau một năm nữa, Ngô Quyền hay bất kỳ hào trưởng nào tiến quân đánh, ta cũng gặp khó khăn. Chúng ta mà không mạnh tiền, mạnh binh, còn bảo nổi ai đây?
-         Không phải nói miễn thuế ba năm cho dân vẫn không ảnh hưởng tới lương khố sao? Ngươi chi tiêu thế nào mà đã gần hết bạc rồi? Thật là vô dụng.
-         Ông nội, là cháu không chu toàn. Nội loạn mọc lên khắp nơi. Ta vừa phải dùng bạc, vừa phải dùng binh trấn áp, lũ hào trưởng mới để yên cho ít ngày. Giờ ta chỉ cần cho người đi đánh các vùng phía đông giàu có, bắt nộp bạc bù vào là ổn ngay thôi.
-         Thế có khác gì lũ thổ phỉ đi cướp của dân. Lòng người sinh biến tất loạn. Không được hồ đồ. Ngươi và đám quan quân kia nghĩ cách khác đi. Ta cũng đang lo đám lính dao động. Hãy tìm mọi cách ngăn người đào ngũ. Kẻ nào đào ngũ mà bắt được, giết không tha.
-         Vâng, ông nội.
-         Còn phải nghĩ cách đối phó với Ngô Quyền. Ngươi suốt ngày cho quân đi diệt mấy cái ổ nhỏ, trong khi cái ổ lớn ngay sát sườn lại trơ mắt đứng nhìn, người ta cười vào mặt cho. Không thể để chúng ngang nhiên chiêu binh mãi mã, nhởn nhơ múa đao trước mặt chúng ta như thế được. Không diệt ngay cũng phải làm cho chúng suy sụp, không còn nguy hiểm nữa.
-         Ông nội, vì chúng có Dương gia chống lưng, ta không thể quang minh chính đại mà đi diệt chúng được. Quần thần bốn phương từ oán thán sẽ nổi dậy chôn sống chúng ta. Cháu nghĩ, nên cho người hữu dụng trà trộn vào gây rối nội bộ. Bọn chúng sẽ tan từ trong tan ra, không còn sức uy hiếp.
-         Không phải người ngươi cài vào vẫn làm việc đó đấy sao? Có thấy tác dụng gì đâu.
-         Không, ông nội. Lần này ta không dùng mấy tay trộm vặt nữa. Ta sẽ cho người trà trộn, gây rối hàng ngũ tướng soái của chúng, khiến bọn chúng nghi kị, cấu xé lẫn nhau. Tướng thoái thì binh lui, chúng tất sẽ tự bại.
-         Làm đi. Đừng tìm đứa vô dụng lại hỏng chuyện.

Cuối tháng chín, đoàn người của Đỗ Cảnh Thạc đã trở về, bụi tung mù mịt, mang theo hơn ba trăm thớ ngựa, vô số binh khí và gần hai chục tù binh rất to khỏe, bặm trợn. Toàn bộ người trong quân doanh đổ xô ra vỗ tay hò reo. Tam Kha hỏi Cảnh Thạc:
-         Anh đánh xuống Chiêm Thành nên mới thu được nhiều binh khí và ngựa vậy, đúng không?
-         Phải, ta đi thẳng vào thành trì đầu tiên trong tiểu quốc của Indravarman(4), làm thổ phỉ cướp một mẻ rồi lui binh ngay lập tức. Trên đường gặp một toán rợ, có cả người Man ta lẫn vào. Ta tóm được toàn bộ, bắt lấy thủ lĩnh của chúng và 17 tên to khỏe nhất mang về đây sung quân.
Xử Bình nói với Ngô Quyền, Tam Kha cùng Cảnh Thạc:
-         Người Chiêm Thành may chưa biết là ta, chỉ nghĩ thổ phỉ tới cướp phá. Nếu không tất sẽ mang binh đánh lại. Việc này nên dừng ở đây thôi. Không cho lộ ra ngoài, nếu không, ta cái được không bù nổi cái mất.
Ngô Quyền thấy chí phải, dẹp yên chuyện này, ra thông cáo đội binh của Đỗ Cảnh Thạc đi đánh rợ phỉ thắng lớn, thu được chiến lợi phẩm và tù binh, phong thưởng cho tất cả những ai tham gia. Mười tám tù binh của rợ phỉ đem sung quân, làm người phục vụ cho các lữ tốt.
Tuy nhiên, đám rợ hung hãn này sao cam chịu làm phục vụ. Chúng ra tay đánh lộn với các binh sĩ, khiến rất nhiều người bị thương. Phạm Chiêm và Đỗ Cảnh Thạc phải sai người ra trói hết lại. Phạm Chiêm bảo mười tám tên rợ:
-         Kẻ nào đánh thắng ta, ta cho tự do.
Lần lượt từng tên xông tới, nhưng không tên nào hạ được Phạm Chiêm, còn bị Phạm Chiêm đánh cho lăn lê bò càng. Đỗ Cảnh Thạc và đám quân sĩ không ngớt lời ngợi khen. Một người hùng dũng nhất trong đám rợ xông lên, nói:
-         Ngươi được ăn uống đầy đủ, đánh thắng chúng ta đã bị bỏ đói mấy ngày nay là chuyện thường. Có giỏi thì thi bắn cung với ta. Nếu thắng, ta nguyện làm chó ngựa cho ngươi cưỡi.
Phạm Chiêm đồng ý. Tên rợ bắn hai mươi mũi liên tiếp, trúng hồng tâm cả hai mươi, khiến toàn quân trợn mắt kinh hãi. Đến lượt Phạm Chiêm bắn liên tiếp hai mươi mũi, đều chồng lên nhau, trúng chính giữa hồng tâm. Toàn quân im phăng phắc. Tên rợ gục đầu xuống đất thưa:
-         Ta thua tâm phục khẩu phục, từ nay tùy ngươi sai khiến.
Mười bảy tên rợ khác cũng quì xuống khuất phục. Phạm Chiêm quay sang hỏi Cảnh Thạc:
-         Người này là ai mà tài giỏi, khí phách vậy?
-         Hắn là thủ lĩnh đám rợ. Có vẻ là người bản xứ chúng ta lưu lạc xuống phương nam kiếm kế sinh nhai. Bọn ta 400 người phải mất hơn ba ngày mới truy bắt được gần ba mươi tên rợ của hắn. Nhóm rợ của hắn còn mạnh hơn cả quân đội ngàn người của Chiêm Thành đấy.
Phạm Chiêm hỏi thủ lĩnh đám rợ:
-         Ngươi tên gì, là người ở đâu?
-         Ta tên Vũ Dũng, là người làng An Dương, thuộc trấn Hải Dương(5). Làng ta cường hào ác bá nổi lên, giết hại cha ta. Ta đã giết hết chúng rồi trốn xuống phía nam mai danh ẩn tích, tránh quan binh truy lùng. Gặp đám rợ phỉ người Chăm, người Man lẫn lộn, ta giết thủ lĩnh, lên cầm đầu từ đó tới nay đã hơn chục năm.
-         Ta cũng là người trấn Hải Dương. May mắn được tỉ thí cùng người hào kiệt như tráng sĩ! Hãy ở lại cùng chúng ta mưu đại sự!
-         Thế thì còn gì bằng. Tạ ơn ông trời! Mộng anh hùng của ta tưởng tan thế mà cũng sắp có ngày được thỏa chí rồi.
Phạm Chiêm thấy người này khí phách, sức khỏe và tài võ đều hơn người, lại nghĩa hiệp, rất lấy làm tâm đắc, cho làm quân dưới quyền, còn 17 tên rợ to khỏe kia cũng chia xuống từng tốt làm lính.
Trong đám người đến xin gia nhập quân doanh của Ngô tướng đợt này cũng có hai viên quan binh và một bổ tướng nữa của Công Tiễn. Họ mang theo ba trăm lính đào ngũ chạy trốn bốn ngày không nghỉ tới Ái châu. Ngô Quyền cảm động tiếp đãi trọng thị Nguyễn Chí Bình phó tướng - vị tướng đào ngũ vừa tới, và cho người nhanh chóng thu xếp cho đám người này. Dương Tam Kha không quên phái người theo sát, bí mật giám thị đám người từ Đại La mới tới như thường lệ.
Một thời gian sau, Ngô Quyền hỏi Tam Kha và Lã Xử Bình:
-         Đám người mới tới có gì đáng nghi không?
Tam Kha nói:
-         Đã phát hiện ra một quan binh và bốn lính tốt có khả nghi, hay vụng trộm phá quân bị và chia rẽ lòng người. Ta mới cho người kín đáo xử lý một lính tốt, còn mấy tên kia cứ để theo dõi, chờ hốt cả mẻ.
Ngô Quyền không giấu tức giận:
-         Tên gian thần Công Tiễn, không dùng được dương mưu thì lại dùng âm mưu. Suốt ngày đưa người tới đây phá hoại vũ khí và ngựa của ta còn chưa tính, lại ba lần mưu hại Xử Bình. Ta nhất định phải băm vằm hắn thành trăm mảnh.
Lã Xử Bình nói:
-         Ngô tướng và Dương tướng quân nên chú ý tới Nguyễn Chí Bình. Ta nhớ không nhầm, lần binh biến hại Dương lão tướng quân trước, hắn cũng trong đám người càn quét người nhà Dương gia. Nay lại có mặt ở đây, tất có âm mưu.
Tam Kha hỏi:
-         Ta có nên hạn chế quyền lực đám người đến từ Đại La để tránh bất lợi không?
Ngô Quyền bảo:
-         Không nên, anh ba. Như thế sẽ mất lòng người. Quân ta hơn một phần ba đào ngũ từ chỗ Công Tiễn. Có những người này sẽ là trợ lực lớn lúc ta đánh thành Đại La.
-         Ngô tướng nói không sai. Hơn nữa ai ngay ai gian cũng dễ nhận ra thôi. Những người trung thành với họ Dương không tới đây ngay thì đều về quê ở ẩn hoặc nổi loạn. Những người bất đắc dĩ phải ở lại đều cố gắng giữ vị trí trung lập. Người giờ mới tới hẳn do bị kìm kẹp hoặc có âm mưu.
Tam Kha gật đầu với Lã Xử Bình:
-         Được, ta sẽ cho người chú ý thật kỹ Nguyễn Chí Bình.

Đầu tháng mười một, Ngô Xương Ngập dẫn hơn hai trăm binh trở về, không thu được quá nhiều chiến lợi phẩm: chỉ gần 100 thớ ngựa, còn có một ít binh đao và vàng bạc. Tam Kha vẫn khen ngợi, cho người thưởng quân sĩ. Số ngựa quân doanh có đã gần 1.500, vũ khí như đao, kiếm, giáo mác, cung tên không đồng nhất, nhưng đủ dùng cho 10.000 người, dù quân số mới chỉ hơn 7.000. Trang bị quần áo, giày rơm, giày vải cho binh lính cũng đã đầy đủ. Quân lương không sợ thiếu thốn, vì họ đang ở trên vựa lúa trù phú nhất của Tĩnh Hải quân. Ngô Quyền lúc đó mới tạm yên tâm.

Cũng thời gian này đã xảy ra một chuyện, không lớn cũng không nhỏ. Xương Ngập xin với cha mẹ cho cưới Phương Dung cô nương làm thê. Dương thị tức giận đến suýt ngất. Ngô tướng bực mình, cho người đuổi Ngập ra hậu viện sau tướng phủ. Nhưng một người trong quân doanh mới tới đi nhầm vào đó, đã bắt gặp Ngập cùng Phương Dung cô nương đang ân ái. Ngô Quyền tức giận, sai người trói Ngập, mang đến phòng Dương Tam Kha, tùy Tam Kha xử trí. Tam Kha hỏi Ngập:
-         Cháu định thu xếp cho nàng ấy thế nào?
Ngập đáp:
-         Cháu muốn thú nàng làm thê. Nhưng cha mẹ không đồng ý, phạt cho cháu ra khỏi phủ suy ngẫm. Nhưng cháu vẫn kiên quyết lấy nàng. Xin bác hãy giúp cháu.
-         Chuyện đã thế này, cha mẹ cháu tất không đồng ý cho nàng làm thê, chỉ có thể làm tiểu thiếp.
-         Là cha mẹ nghĩ bác và họ Dương đã định nàng là thiếp. Chỉ cần bác ra mặt nói không có chuyện đó, cha mẹ sẽ để cháu đưa nàng làm thê. Mẹ đẻ cháu cũng chỉ là thường dân mà cũng là thê đó thôi. Cháu xin bác, là cháu thực lòng muốn cưới nàng.
Tam Kha cho người cởi trói, thả Ngập đi. Rồi mời Phương Dung cô nương tới hỏi:
-         Phương Dung cô nương, chuyện đã thế này rồi, ý nàng thế nào?
-         Chàng có ý gì, xin hãy nói rõ. Ta ngu muội, không được học hành, không thể nhìn mặt đoán ý người.
-         Cô nương, nàng có muốn làm thê thiếp của Xương Ngập?
Phương Dung quì xuống, than khóc:
-         Dương tướng quân, chẳng lẽ chàng đã quên lời chàng nói sao? Chính chàng nói muốn lấy ta làm thiếp, sao giờ lại đẩy ta cho cháu chàng?
-         Nhưng chuyện giữa nàng và Xương Ngập mọi người đều đã biết.
-         Chuyện gì? Ta thấy có người bảo hắn tương tư ốm liệt giường, nên có chút động lòng trắc ẩn, tới thăm. Hắn không kìm nén được tình cảm, vừa ôm lấy ta thì bên ngoài cửa đã có người xông vào kêu la rồi chạy mất. Không phải là chàng hay Dương gia cố ý làm vậy chứ? Nếu chàng không muốn lấy ta, chỉ cần nói một câu, sao nỡ phá hoại danh tiết của ta như thế?
Tam Kha quả thật không biết phải xử trí thế nào, đành gọi người đưa Phương Dung cô nương về phòng, rồi tới nói chuyện với Ngô tướng và Dương thị. Nhưng khi ba người còn đang chưa biết phải giải quyết thế nào thì Xương Văn dắt Xương Tỷ hớt hải chạy vào.
-         Xin bác, xin cha mẹ hãy tha cho anh Xương Ngập.
-         Xin ông bà tha tội cho cha cháu.
Lại có người vào bẩm báo, Phương Dung cô nương định thắt cổ tự tử, may mà có người phát hiện. Mọi người chạy vội tới phòng Phương Dung, thấy Xương Ngập đang ở một bên than khóc. Y sư kiểm tra thương thế cho cô nương, nói tình trạng không đáng ngại, dưỡng vài hôm là khỏi. Ngô Quyền trách mắng:
-         Nhìn hành động mà luận khí phách. Ngươi nhìn xem, ngươi đã nháo ra cái dạng gì rồi? Mặt mũi của ngươi, rồi của ta và họ Ngô để đi đâu đây? Nào còn khí phách của đấng trượng phu đầu đội trời chân đạp đất nữa.
-         Xin cha cho con được cưới nàng làm thê. Là con khiến nàng đau lòng. Không bồi tội với nàng, con không còn mặt mũi mà sống trên đời này nữa, cũng chẳng còn lòng dạ làm anh hùng.
-         Hồ đồ. Ngươi muốn cưới nàng ấy, mà không hỏi xem nàng ta có muốn cùng ngươi không?
-         Không thể nào. Bác, bác đã nói gì với cha mẹ cháu? Xin bác hãy buông tha nàng. Bác không thể bắt nàng vô vọng chờ đợi cho hoài tuổi xuân. Bác thật tàn nhẫn.
Ngô tướng tức giận sai người trói Ngập, giam vào phòng kín. Hai đứa trẻ Xương Văn và Xương Tỷ khóc lóc dắt tay nhau chạy theo, bảo Ngập xin lỗi cha mẹ. Phu thê Ngô Quyền cùng Tam Kha về phòng. Dương thị nói:
-         Cô nương này quả thật không đơn giản.
-         Cũng là con ta quá hồ đồ. Hừm, đã 23 tuổi rồi mà không biết suy xét thấu đáo. Thật uổng công nuôi dạy nó.
Tam Kha bảo:
-         Lúc này không được để những chuyện vặt vãnh ảnh hưởng, làm mất chí khí của mọi người. Như Ngọc, em xem có cách nào chu toàn được không?
-         Anh ba, anh quả thật không muốn cưới nàng làm thiếp?
-         Ta chỉ vì muốn báo ơn Trần gia, lại thấy nàng than khóc xin theo, nên đành hứa hẹn lấy nàng làm thiếp sau khi đã trả xong thù cha, thù nhà. Giờ chuyện xảy ra, Xương Ngập nghĩ ta phá hoại nhân duyên của nó, còn nàng ấy nghĩ ta muốn nuốt lời nên dựng trò. Ta quả thật không biết làm thế nào.
Dương thị ngẫm nghĩ.
-         Chuyện này không phải cố ý chứ? Vừa làm chú cháu bất hòa, vừa làm Ngô gia, Dương gia có khúc mắc, lại khiến quân tâm ì xèo bàn tán, nghi kị nhân phẩm của tướng soái.
Ngô Quyền cũng giật mình.
-         Nàng muốn nói nàng ta là người của Công Tiễn? Hoặc bị người của Công Tiễn lợi dụng? Nếu thế thì lão già họ Kiều kia thật đê tiện.
-         Thiếp không biết. Dù không có bàn tay của Công Tiễn thì Phương Dung này, Ngô gia và Dương gia cũng không thể dung được nữa.
-         Được, vậy tùy nàng xử lý đi. Anh em ta sẽ không can thiệp vào.
Phương Dung cô nương sau đó được thu xếp đưa về một biệt viện ở Dương gia. Một tên nô bộc bị bắt và đuổi ra khỏi Ái châu vì tội làm gián điệp cho Công Tiễn, dùng mỹ nhân kế chia rẽ Ngô gia và Dương gia. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, hóa ra là mưu của Tiễn. Tên phản đồ này thật vô sỉ, chuyện thế cũng nghĩ ra được. Xương Ngập được thả ra, nhưng vẫn bán tin bán nghi. Xương Văn lau nước mắt nước mũi cho Xương Tỷ ở bên, nói:
-         Em biết ngay nàng ta không phải là người tốt mà. Lúc trước toàn tìm cách lại gần bác dò la, giả bộ khóc lóc, khiến bác không yên mà dưỡng thương. Giờ lại lừa anh vào tròng, để hai họ Ngô – Dương hục hặc, nghiệp lớn sớm trông thấy suýt bại.
-         Nàng ấy đâu, anh muốn hỏi nàng ấy.
-         Nàng ta nói trước mặt cha mẹ và người đại diện hai họ là chỉ muốn làm người họ Dương. Cha mẹ đành đưa nàng ta về biệt viện của Dương gia rồi.
Xương Ngập chạy đi gặp Dương thị.
-         Mẹ hai, nàng thực sự muốn làm người họ Dương sao? Con không tin. Con muốn gặp nàng.
Dương thị sai người dẫn mình và Ngập đi cùng Xương Văn, Xương Tỷ tới Dương gia, nói là thắp hương cho Dương lão tướng quân. Ngô Quyền vừa cùng Tam Kha, Xử Bình từ quân doanh về, nghe chuyện, tức giận vung tay:
-         Đến nàng cũng bị nó làm cho hồ đồ rồi sao?
-         Nên thế. Để nó chết tâm đi sẽ tốt hơn.
Xử Bình nói với Tam Kha:
-         Xương Ngập người này không mưu được việc lớn.
-         Ngập mẹ mất sớm, cha đi chinh chiến theo Dương gia phụ bao năm ròng, hắn một mình ở quê không ai dạy dỗ, nên không hiểu chuyện. Nhưng bản chất cũng là người ngay thẳng, cương trực. Rèn luyện sát bên chúng ta một thời gian, hẳn có thể thay đổi.
-         Người trưởng thành tâm tính đã định rồi. Tâm sinh khí. Người đời nhìn khí chất luận anh hùng.
-         Ta không quan tâm. Chỉ cần anh hùng nhận anh hùng là đủ.
Xử Bình nhìn theo bóng lưng Tam Kha, thở dài lắc đầu.

Tết Nguyên Đán tới. Người dân ở khắp Ái châu và các châu lân cận mang rất nhiều lương thảo tới tặng quân doanh. Đoàn quân lúc này đã lên gần 9.000 người, hăng hái ăn một cái Tết no đủ. Tết xong, Ngô Quyền ngồi họp lại với Xử Bình, Tam Kha và các tướng Phạm Chiêm, Đỗ Cảnh Thạc, Dương Cát Lợi, Nguyễn Thủ Tiệp, Đinh Công Trứ, Ngô Xương Ngập, Kiều Công Hãn, Dương Nhị Kha, Nguyễn Chí Bình. Ngô Quyền nói:
-         Nhờ trời đất và Dương lão tướng quân phù hộ, nghĩa quân nay đã lên gần 9.000 người, lại được trăm họ ưu ái giúp sức. Quyền tôi xin cảm tạ các vị đã hết lòng hết sức vì nghĩa lớn. Cứ đà này, Quyền tôi tính đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau chúng ta sẽ thu nạp được hai tới ba vạn người, có khả năng đương đầu với ba bốn vạn quân thiết kị đầy đủ của phủ đô hộ. Đến lúc đó, chúng ta sẽ cất quân ra Bắc. Mong chư vị không ngại gian khổ sát cánh bên Quyền tôi, trả thù cho Dương lão tướng quân, diệt trừ lão già bất nghĩa, bất trung Kiều Công Tiễn.
Các tướng cùng nhau thảo luận, đều nhất trí với kế hoạch, hăng hái trở lại quân doanh, tích cực luyện tập, chờ ngày ra trận.

(1)                 Đế quốc Khmer (802-1431) là một đế quốc cổ rộng nhất Đông Nam Á, lãnh thổ ngày nay nằm trên các quốc gia Campuchia, Việt Nam, Lào, Thái Lan. Khởi đầu gọi là Vương quốc Khmer Angkor từ năm 802, tách ra từ Vương quốc Chân Lạp, có phần biên giới tiếp giáp phía Tây Tây Nam của Tĩnh Hải quân. Đầu thế kỷ thứ 10, Yasovarman I trị vì mất, cuộc tranh giành ngôi báu diễn ra giữa Harshavarman I và Ishanavarman II với người chú Jayavarman IV khiến đế quốc bị chia rẽ.
(2)                 Nam Chiếu là vương quốc cổ của người Bạch và người Di phát triển cường thịnh ở Đông Nam Á trong thế kỉ 8 và 9, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ngày nay. Nam Chiếu có biên giới giáp vùng tây bắc của Tĩnh Hải quân. Giai đoạn 902 – 937, Nam Chiếu suy tàn. Năm 937, Đoàn Tư Binh đánh hạ, dựng nên Vương quốc Đại Lý (937-1253).
(3)                 Chiêm Thành quốc là tên gọi của Vương quốc Chăm Pa từ 877 tới 1693, gồm 4 tiểu quốc: Indrapura hay Amaravati (vùng Quảng Nam, Đà Nẵng và Bình-Trị-Thiên ngày nay), Vijaya (vùng Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay), Kauthara (vùng Phú Yên, Khánh Hòa ngày nay) và Panduranga (vùng Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay). Giai đoạn này, Chiêm Thành do Vương triều thứ sáu trị vì (875 – 991). Vua Indravarman III cai trị từ 911. Chiêm Thành có thể chế liên bang, mỗi tiểu quốc tự trị có quyền ly khai khỏi liên bang để xây dựng quốc gia độc lập. Cư dân chủ yếu là người Chăm, mang tín ngưỡng dân gian Nam Đảo.
(4)                 Chính là tiểu vương quốc Indrapura hay Amaravati của Chiêm Thành quốc, thời này do Indravarman III cai trị. Tiểu quốc này nằm ở phía nam của Tĩnh Hải quân.
(5)                 Làng An Dương, trấn Hải Dương, nay thuộc xã An Dương, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng.




Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Luận Anh Hùng - Cheryl Pham: Chương Hai - Anh Hùng cũng cần mặt mũi


Chương Hai: Anh Hùng cũng cần mặt mũi

Người ta cần mặt mũi để diễn. Anh Hùng còn cần mặt mũi để hành đại sự.

Trong phủ Tiết Độ Sứ tại thành Đại La, Kiều Công Tiễn tức giận ném thẳng tờ cáo của Ngô Quyền vào mặt tên lính đang quì dưới trướng.
-         Khốn kiếp! Thằng khốn họ Ngô muốn đục nước thả câu, dây máu chiếm phần đây mà. Thật không muốn uống rượu mời, chỉ thích rượu phạt. Bay đâu, gọi Tri Hựu và Kiều Thuận lại đây!
Lát sau, Kiều Thuận hấp tấp chạy tới.
-         Ông nội, đừng nóng giận. Chuyện này không cần nóng vội. Ngô Quyền dưới trướng có chưa nổi một nghìn binh, đi đánh rợ phương Nam còn được chứ sao địch được gần bốn vạn quân của ta.
Công Tiễn bình tĩnh lại, gật đầu:
-         Ta biết. Nhưng ta e sợ là cái khác kia. Ta vừa mới nắm quyền, lòng người còn chưa an. Giờ thằng khốn họ Ngô giở trò, tất lòng người sẽ loạn. Loạn tất sinh biến. Lũ hào trưởng(1) địa phương và đám giang hồ thảo khấu khắp nơi vốn đã yên thân từ trước, nhân cơ hội này sẽ làm phản, sách nhiễu quan quân và dân chúng. Quân tâm cũng sẽ lay động. Nên nhớ ba vạn binh ở đây đều do họ Dương dẫn dắt, không phải đèn cạn dầu. E là lòng người sẽ càng lúc càng rời xa. Không có chỗ dựa, chúng ta sẽ bại như Khúc Thừa Mỹ. Cái ghế này tất phải đổi chủ. Thế thì uổng công ta trù tính bao năm qua cho họ Kiều.
-         Ông nội nói phải. Vậy để cháu sai người tuyên cáo đả phá lại Ngô Quyền, không cho hắn có cơ trở mặt.
-         Không, Ngô Quyền là cái họa trước mắt. Bọn người Dương gia chắc về phe với hắn. Không thể để chúng lớn dần rồi đâm ta một đao. Kiều Thuận, cháu hãy cùng Tri Hựu lĩnh 5.000 quân diệt họ Ngô cho ta, đồng thời ra tuyên cáo bãi chức Ngô Quyền, để Tri Hựu làm tướng trấn giữ Ái châu.
-         Ông nội, như thế e không ổn. Hắn vừa ra cáo đã khiến lòng người bức xúc. Giờ ta động binh với hắn, trăm họ sẽ bất mãn, qui kết chúng ta làm điều bất nghĩa nên e sợ, phải giết người diệt khẩu. Đám dân xứ này vốn chẳng có qui củ, tức giận sẽ manh động, gây bạo loạn, lũ hào trưởng đục nước béo cò sẽ nổi dậy cả đàn, phiên trấn cát cứ, lúc đó ta không phải chỉ đối phó với một Ngô Quyền, mà là cả chục, cả trăm Ngô Quyền. Sức mấy cũng khó giữ. Chưa kể Ái châu là đất tổ của họ Dương và họ Ngô, thế lực của chúng vững như bàn thạch từ trăm năm qua, đâu phải ngày một ngày hai mà nói phá là phá ngay được. Có khi chúng lại chạy xuống tây nam liên minh với đám rợ Chiêm Thành, rước voi giày mồ. Chưa kể Nam Hán sẽ thừa nước đục thả câu. Chúng ta nội đấu, ngoại xâm, bại chỉ là chuyện sớm muộn.
-         Vậy ta phải làm sao?
-         Ông nội, trước mắt ta nên ra tuyên cáo thiên hạ, việc soán vị này có lý do chính đáng, để xoa dịu, che mắt đám ngu dân; phong thưởng, lấy lòng quan tướng các châu quận khác, miễn giảm thuế khóa cho dân chúng trong ba năm để lấy dân tâm. Không nên tiến đánh Ngô Quyền, để hắn tự tới đây. Dương Đình Nghệ ngày xưa mất một năm chiêu được 3.000 dưỡng giả tử. Cứ cho Ngô Quyền cũng có cái tài ấy đi, một năm sau hắn có 4.000 binh, tiến vào Đại La. Chúng ta chỉ cần ngồi yên ở đây, củng cố lực lượng, bày sẵn thiên la địa võng chờ hắn chui vào rồi cất một mẻ, sau đó thừa cơ thắng trận, cho một đạo quân vào Ái châu, diệt tận gốc họ Ngô và họ Dương. Trong phe cánh bọn chúng, cháu nghĩ chỉ có Dương Tam Kha mới đáng lo. Nhưng anh ta trẻ tuổi, lại trọng tình trọng nghĩa, không thích tranh đoạt thiên hạ, cũng dễ bề tương kế tựu kế. Diệt xong đám người này, ta có thể kê cao gối ngủ yên.
-         Hay. Cứ làm thế đi. Nhưng đọc bản cáo kia, ta thấy dù Ngô Quyền hay Dương Tam Kha cũng không thể xuất ra được những lời lẽ bi thống, lay động nhân tâm đến nhường ấy. Cho thám báo tra xem ai đang giúp hắn.
-         Vâng, thưa ông nội.
-         Còn nữa, Tri Hựu đâu?
Kiều Thuận lúc này rơi vào thế bí. Kiều Công Tiễn tức giận đập bàn quát:
-         Nói mau.
-         Ông nội, anh Tri Hựu đã bỏ đi rồi. Anh ấy và cha cháu bất mãn với việc người giết Dương lão tướng quân, diệt Dương gia, nên dẫn theo một đám người về quê Phong châu rồi.
-         Khốn kiếp! Đúng là một lũ vô dụng. Bất mãn cái gì chứ? Ta làm việc này vì Kiều gia các ngươi chứ còn vì ai đây? Để thiên hạ này là của Kiều gia, ta đã đổ bao công sức. Thế mà lũ lòng dạ đàn bà kia vẫn kiếm cớ làm rùa thụt đầu.
-         Ông nội đừng tức giận, sẽ hỏng việc lớn. Giờ phải lấy ổn định nhân tâm làm trọng. Việc của cha và anh trai cháu, cứ để cháu thuyết phục. Nếu không thuyết phục được, dẫu sao cũng là người nhà, tất không gây khó dễ cho người.
Kiều Thuận nhanh chóng cho người đi viết cáo đả phá Ngô Quyền, vu hãm Dương Đình Nghệ. Bắt đám nhân sĩ viết đi viết lại mấy lượt, cả Kiều Thuận lẫn Kiều Công Tiễn đều không thấy hài lòng vì văn phong không bi thống, câu chữ không lay động lòng người như bài cáo của Ngô Quyền. Nhưng vì thời gian không còn nhiều, sợ lòng người sinh biến, nên đành chọn bài khá nhất đi ban bố khắp 12 châu.
-         Xem ra quả thực bên Ngô Quyền có người tài trợ lực. Ta vốn đã lo Dương Tam Kha, giờ xem ra lại phải lo thêm một kẻ không biết mặt mũi, tài trí cao thấp đến đâu này nữa. Kiều Thuận, cháu vẫn chưa tra được tên mưu sĩ cho Ngô gia kia sao?
-         Ông nội, vẫn chưa ạ. Người báo về có nói, Ngô Quyền thi thoảng có tới Dương gia nói chuyện với anh em họ Dương. Còn nữa, sau gần một tháng binh biến, Ngô Quyền có thu nạp một số người, trong đó có vài người ở Đại La. Trong số họ, một người hơi lạ là Lã Xử Bình, dưới trướng Dương Đình Nghệ trước đây. Hắn là một nho sinh xử lí sổ sách ở phủ giáo quan của Dương Nhất Kha, sau đó chuyển sang hầu hạ Dương lão tướng quân. Nhưng trước nay trong quân và các quan tướng, cháu vốn dĩ không nghe nói gì về hắn. Nếu đúng là hắn, không lẽ hắn hay Dương gia đã cố ý dấu tài?
-         Một kẻ chuyên quản sổ sách mà lại được Dương Đình Nghệ dùng, hẳn không phải kẻ tầm thường. Kiều Thuận, cháu hành xử đúng là quá sơ xuất rồi.
-         Ông nội, là cháu nông cạn. Mong người trách tội.
-         Thôi đi. Cháu mới 19 tuổi, chưa trải sự đời. Đến như cha cháu và anh cháu, trải qua bao biến cố, mà vẫn không hiểu chuyện thế kia, sao ta nỡ trách cháu. Nói cho ta nghe về Lã Xử Bình.
-         Người báo về, Xử Bình tự nhận là người Vũ Ninh, năm nay 37 tuổi. Nhưng nhiều người quen biết bảo hắn từ nhỏ đã tha phương lưu lạc khắp nơi, không rõ quê quán và tuổi tác, không người thân. Hắn may mắn được một nho gia dạy chữ nên biết chút binh pháp, thi ca. Hai năm trước, hắn cùng vợ con tới thành Đại La, thi vào làm người giữ sổ sách của Dương Nhất Kha, nghe nói lúc đó hắn mới nghĩ ra cái tên Lã Xử Bình, theo họ của vị quan gia đã cưu mang hắn thuở thiếu thời. Sau đó hắn lấy thêm một thiếp, sinh thêm một con trai. Ba tháng trước, Dương lão tướng quân đưa hắn vào phủ đô hộ. Lúc Dương lão tướng quân chết, có thể hắn đang ở bên cạnh. Lúc đó tình hình rối ren, người người la hét chạy loạn nên cháu không rõ. Có lẽ vốn từ trước cháu không chú ý đến hắn, chỉ cho là người  hầu, nên sơ ý bỏ qua người này. Khi hắn tới Ngô tướng phủ, toàn bộ người thân đi cùng đã bị chúng ta giết hết.
-         Người này không thể khinh nhờn, lại mang hận với Kiều gia ta. Không dùng được tất phải giết.
-         Cháu hiểu. Cháu sẽ an bài người xử lý.
-         Nhớ theo dõi chặt chẽ mọi biến động ở Dương gia và Ngô gia, hằng tuần báo lại cho ta.
Sau hai tuần thứ sử Ngô Quyền trấn ải Ái châu ra cáo, Tiết Độ Sứ Kiều Công Tiễn lại lập cáo trạng buộc tội Ngô tướng làm phản, mưu đồ bất chính, muốn tranh đoạt giang sơn, làm loạn thiên hạ, vu cáo hãm hại trung thần ái tướng, nên tịch thu quân tịch, biếm làm thứ dân, cho tướng quân Kiều Công Hãn tới Ái châu thay thế. Đồng thời, ra chỉ dụ, Tiết Độ Sứ khai ân, tặng bổng lộc cho hào trưởng các châu huyện, miễn thuế cho dân ba năm.
Cuối tháng sáu, Kiều Công Hãn, tự Tri Hựu, cháu nội Kiều Công Tiễn, bị trưởng bối Kiều gia buộc quay lại Đại La, dẫn 1.500 binh tiến tới Ái châu nhậm chức. Trước khi lên đường, Kiều Thuận nói nhỏ:
-         Anh Tri Hựu, không nên đánh, chỉ được múa lưỡi chửi bới, khiến chúng tức tối, tự chủ động đánh mình. Nếu chúng đánh thì đừng đánh hết sức. Cứ ở lại tìm nơi nông sản dồi dào đóng quân, thi thoảng quấy nhiễu Ngô gia, cầm chân chúng khoảng một hai năm. Ở đây em sẽ có cách khiến đám người Ngô tướng há miệng mắc quai, phải nhả Ái châu.
Kiều Công Hãn không nói gì, tức giận vung roi xua quân tiến về nam. Kiều Thuận về bẩm Tiết Độ Sứ Kiều Công Tiễn.
-         Bảo người đi cùng, nếu thằng đó làm không được việc, cứ thẳng tay giết.
-         Vâng, người cháu an bài làm việc cẩn trọng, sẽ biết phải làm gì khi cần thiết.

Tháng sáu trời xanh nắng vàng. Đoàn binh nhậm chức của Kiều Công Hãn chậm rãi băng qua những cánh đồng lúa óng ả trĩu hạt, không khí thế như quan binh khác từ thủ phủ Tĩnh Hải quân tới. Bộ tướng đi đầu luôn bày ra vẻ mặt cau có, bất mãn, khiến đám lính đi theo cũng không cảm thấy vui vẻ gì.
Vừa qua khỏi ngả Hoa Lư, đoàn binh của Công Hãn bị một đám trai tráng thôn dân dùng đá chặn đường lại. Công Hãn phi ngựa tiến lên quát hỏi:
-         Là ai to gan dám chặn đường bổn tướng?
-         Là chúng ta!
Khoảng chục tay đàn ông to khỏe, do một người trung niên lực lưỡng đứng đầu bước ra.
-         To gan! Người ở đâu dám làm càn? Có biết Kiều Công Hãn ta phụng mệnh Tiết Độ Sứ tới Ái châu hỏi tội phản thần không?
-         Ta là Phạm Chiêm, người vùng Trà Hương, thôn Đông, trấn Hải Dương(2). Trước làm hào trưởng thôn Đông. Nay thấy Dương lão tướng quân bị gian thần hãm hại, chiếm công, vu oan giá họa, bất bình nên tới đầu nhập dưới trướng Ngô tướng, một lòng mong báo thù cho đấng hào kiệt, diệt lão già Kiều Công Tiễn xảo quyệt, phò người hiền, giúp xã tắc thái bình. Ngươi là con cháu lũ Kiều gia bất nhân bất nghĩa kia ư?
-         Hừ, ta là người Kiều gia, nhưng cũng hiểu đạo lý phải trái, không tham gia vào những trò đấu đá bỉ ổi, vô đạo. Các người không được vơ đũa cả nắm.
-         Ngươi nói không tham gia, mà lại nghe lời lão Kiều phản tặc kia đi diệt trung thần ái tướng. Muốn bịt miệng thiên hạ, giết người diệt khẩu, che dấu tội ác tày trời của Kiều gia các ngươi phải không? Ta cùng các anh em đã đợi ở đây mấy ngày rồi. Không bắt được lũ người họ Kiều bất nghĩa, ta quyết không lui bước.
-         Điêu dân to gan, dám phỉ báng bản tướng. Ta một lòng trung nghĩa với Dương lão tướng quân, sao cho ngươi khinh nhờn, la hét vu cáo. Bay đâu, tiến lên, bắt lấy đám người này!
Nhưng đám lính chưa kịp xông lên thì một cái rọ dây gai đã quăng ra, chụp lên người Công Hãn. Hãn bị kéo lăn khỏi ngựa, trôi về phía đám người hung tợn. Tất cả họ đều giơ đao vây quanh cái rọ bao lấy người bên trong đang lăn lộn chửi bới. Phạm Chiêm quát đám lính đã xông tới, nhưng không dám tấn công:
-         Ai mà xông lên, ta sẽ giết hắn. Để xem các người như rắn mất đầu tiến lên Ái châu hay quay lại Đại La kiểu gì. Đường nào thì các người cũng chết.
Giám quan nhảy từ trên ngựa xuống, từ tốn hướng Phạm Chiêm nói:
-         Vị hào trưởng này khí khái bất phàm, sức lực hơn người, tất là anh hùng nghĩa sĩ. Vậy xin hãy tha cho chủ tướng của chúng tôi. Chúng tôi chỉ là quan binh vô tội, có trách nhiệm thi hành mệnh lệnh của Tiết Độ Sứ, không cần biết việc đấu đá giữa các bên thế nào. Nếu ngài bất mãn, xin hãy tới phủ đô hộ hỏi thẳng Kiều lão tướng quân, hoặc tới Ái châu hỏi Ngô tướng. Đừng làm khó dễ quan binh chúng tôi. Về phần chúng tôi, tất cũng không gây chuyện với thường dân.
-         Các người, ta sẽ không động. Nhưng hắn là người Kiều gia, bọn ta quyết không tha.
Lúc này Kiều Công Hãn đã ngồi dậy được, bình tĩnh hơn, quát lên:
-         Võ giám quân, không cần nhiều lời. Ta thấy xấu hổ vì hành động bất nghĩa của ông nội ta, tự thẹn vì mình là người Kiều gia. Nay nếu những người này cảm thấy giết ta làm họ hả giận thì cứ để họ giết ta đi. Nếu lấy mạng này rửa được tội lỗi cho Kiều gia, ta cam nguyện chết.
-         Hừ, cái mạng chó của ngươi sao đỡ nổi cho tội ác tày trời của Kiều Công Tiễn? Cả họ Kiều ngươi chết đi cũng không hết tội.
Công Hãn ngửa đầu lên trời than:
-         Ông nội, vì tham giấc mộng quân quyền mà có tội với giang sơn xã tắc, nhơ để ngàn năm, có đáng không? Sao ta lại là người họ Kiều chứ?
Quân lính thấy chủ tướng than khóc, cũng nhụt tâm chí, buông vũ khí xuống. Võ giám quan chạy lại chỗ Công Hãn, hô lên:
-         Kiều tướng quân, đừng than khóc như thế, sẽ làm mất lòng quân sĩ. Ngài còn phải phụng mệnh Tiết Độ Sứ tới Ái châu đấy. Đừng bi phẫn mà quên nhiệm vụ.
-         Ta không muốn tới Ái châu. Ta không thể giết người trung quân ái quốc như Ngô tướng. Võ giám quan, bảo các binh sĩ giải tán đi. Ta không muốn làm việc bất nghĩa này nữa. Kiều gia ta không thể phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác được.
Võ giám quan rút thanh đao bên hông định đâm thẳng vào Hãn trước sự kinh ngạc của đám trai làng và binh sĩ. Nhưng rất may, một thanh niên đứng bên cạnh cái rọ đã nhanh tay cản được. Mũi đao đi trật ra khỏi lồng ngực, đâm vào cánh tay Hãn, máu phun ròng ròng. Hai trai làng đứng cạnh đã tóm được Võ giám quan. Công Hãn vẫn chưa hết kinh ngạc:
-         Sao ngươi lại giết ta?
-         Ngươi đúng là kẻ lòng dạ đàn bà, không thể mưu nghiệp lớn. Kiều lão gia đã tốn bao tâm sức mới có được hôm nay. Ngươi không biết ơn mà tận lòng phò tá, lại hèn hạ rụt đầu, đào binh. Người như ngươi phải giết không thể tha.
-         Ngươi là người của ông nội ta hay của Kiều Thuận? Nói mau.
-         Ta là người của Kiều gia. Dù ta không mang họ Kiều, nhưng vẫn một lòng thờ phụng họ Kiều. Không như đứa phản đồ ngươi…
Người thanh niên vừa cản đao cho Hãn đã đâm kiếm vào giữa ngực Võ giám quan, khiến hắn chết không kịp nhắm mắt. Quân lính phía sau trố mắt kinh hãi nhìn nhau, không biết phải làm gì.
-         Ngươi thấy chưa? Dù ngươi có lòng chết cho họ Kiều, nhưng Kiều gia cũng không nghĩ vậy. Bọn họ cài người bên ngươi, sẵn sàng giết ngươi nếu không thành đại sự. Cơ bản, bọn họ chưa bao giờ coi ngươi là người Kiều gia. Đúng ra, Kiều gia vô đạo các ngươi không cần con cháu, chỉ cần đồng minh. Thật tâm ngoan thủ lạt, táng tận lương tâm. Người như vậy sao xứng cai quản bách tính?
-         Đừng nói nữa. Đa tạ tráng sĩ đã cứu mạng. Ta tự biết mình phải làm gì. Các vị hãy nương tay, ta có lời muốn nói cùng binh lính của ta.
Phạm Chiêm ra lệnh tháo rọ, tước vũ khí của Hãn. Công Hãn tiến lên đứng trước quân sĩ, chắp tay dõng dạc nói:
-         Hỡi các anh em, Kiều Công Hãn ta tự thấy bản thân hổ thẹn vì Kiều gia đã phạm tội tày trời, mưu nghịch, diệt ân công soán ngôi, lừa dối thiên hạ. Nay ta không còn mặt mũi mà trơ mắt tiếp tục nhìn Kiều gia tay dính đầy máu hiền sĩ và hào kiệt bốn phương. Ta không thể đưa các người đi làm chuyện giết người trung quân ái quốc. Các ngươi có thể quay về thành Đại La, hoặc về nhà hay bất cứ đâu các ngươi muốn. Đi đi!
Quân sĩ và cả đám trai làng trố mắt nhìn Hãn. Hãn cởi chiến bào và mũ giáp, quẳng ra đường, quay lại đám người Phạm Chiêm:
-         Giờ các ngươi muốn giết thì giết đi!
Phạm Chiêm nói:
-         Này Kiều Công Hãn! Kiều tướng quân! Thấy ngài là người trung nghĩa, Phạm Chiêm và các anh em đây rất cảm phục. Ngài có muốn đi cùng chúng tôi tới đầu nhập Ngô tướng, phò người hiền, giúp đỡ bá tánh không?
-         Ngô tướng là người hiền đức. Nhưng ngài ấy dựng cờ dấy binh để diệt ông nội và Kiều gia ta. Ta là người Kiều gia, làm sao ta được chấp nhận? Hơn nữa, ta cũng không đành lòng xuống tay với trưởng bối và người nhà mình.
-         Dù họ cũng chỉ coi ngài là một quân cờ, tùy ý có thể giết chết? Ngài vẫn chưa nhận ra sao? Đường đến quân quyền, không có anh em, không có thân thích, chỉ có đồng minh. Tâm ngài khác, ngài đã không còn là đồng minh của họ, cũng không còn là người Kiều gia. Từ nay, ngài chẳng khác gì chúng tôi, là kẻ thù của họ. Trên chiến trường, đao kiếm không có mắt. Ai quản ngài họ Kiều hay họ Dương.
Thấy Hãn im lặng không nhúc nhích, Phạm Chiêm lại bảo:
-         Ngài cứ suy nghĩ đi. Chúng ta hành sự vì nghĩa lớn. Nam nhi lấy giang sơn xã tắc làm trọng, chứ không phải mấy trò gia đấu của đám đàn bà. Ngài chỉ quanh quẩn lo cho đám thân thuộc, không thể thành đại sự. – Nói rồi quay lại đám quân lính – Hỡi các anh em, các anh em đã thấy rồi đấy. Kiều gia hành động vô đạo, táng tận lương tâm, đến Kiều tướng quân là người của Kiều gia, có lòng trung quân ái quốc, cũng bị ám sát. Nay ta kêu gọi anh em, hãy cùng ta lên đường phò tá Ngô tướng, chống Công Tiễn. Hoặc anh em nên về nhà, chăm mẹ già, vợ con, chứ đừng bán sức phụng sự kẻ tội đồ hại nước hại dân kia. Phạm Chiêm này kính xin anh em minh xét. Đa tạ!
Binh sĩ xôn xao bàn tán, có người vứt gươm quay về nhà, có người tiến lên bái huynh đệ cùng đám người Phạm Chiêm. Loáng cái Phạm Chiêm đã thu được hơn 500 quân đầu phục. Một lão già cường tráng chui từ trong bụi rậm ra cười khà khà, vỗ vai Phạm Chiêm:
-         Khá lắm, khá lắm, con trai. Có tố chất làm tướng quân đấy!
-         Đây là cha ta, Phạm Chí Dũng, nay đã 68 tuổi, cũng muốn tới phụng sự Ngô tướng. Gia đình ta cả ba thế hệ đều ở đây, góp lòng góp sức vì bá tánh trăm họ. Hai con trai ta: Phạm Man và Phạm Bạch Hổ.
Nhìn thấy Phạm Chiêm chỉ tới người vừa chặn cho mình một đao kia, Kiều Công Hãn chắp tay:
-         Phạm Bạch Hổ tráng sĩ, đa tạ đã cứu mạng Hãn tôi.
-         Ta năm nay 28, chắc đáng tuổi anh của ngài. Nghe danh Kiều tướng quân tuổi trẻ tài cao từ lâu, nay mới được gặp. Quả là người trung nghĩa, từ ái.
-         Vâng, anh Bạch Hổ. Ta 22 tuổi. Xin được nhận anh Bạch Hổ làm đại ca. Ta đã nghĩ rồi, ta sẽ đi cùng mọi người theo Ngô tướng, một lòng phục vụ bá tánh.
Đoàn người tiến về Ái châu. Trên đường, ba cha con Phạm Chiêm và Kiều Công Hãn còn kêu gọi thu nạp thêm trai tráng các làng lân cận, tất cả cũng lên tới hơn 700 người.

Trong khi đó, ở làng Giàng, Dương gia vừa tổ chức xong lễ tế long trọng cho hơn ba mươi người nhà họ Dương. Trưởng lão họ Dương đứng lên thống thiết vạch tội Kiều Công Tiễn và Kiều gia cùng bè lũ phản thần, kêu gọi quan binh, hào kiệt các nơi tụ về Ái châu, cùng giúp Ngô tướng chống Tiễn. Khi tiếng kêu khóc ngút trời của người nhà họ Dương và đám anh hùng nghĩa sĩ cùng người dân xung quanh vang lên, lửa hóa trên đài bỗng bùng lên cao hơn mười thước, vô cùng kì lạ. Ráng chiều từ vàng nhạt bỗng chuyển màu đỏ như máu. Ba lưỡi sét chói lòa rạch ngang trời như lưỡi gươm đòi công lý. Ngay hôm sau, tin đồn về buổi tế lễ lạ lùng lan truyền khắp thôn cùng ngõ nhỏ, tràn ra mọi châu huyện. Người ta bảo, trời đất cũng tức giận trước một đời hiển hách mà phải chết oan uổng của Dương lão tướng quân cùng hơn ba mươi mạng người nhà họ Dương; vì thế Ngô tướng thay trời hành đạo, thuận với lẽ trời và hợp lòng người, tất sẽ thành đại sự.

Dương trưởng lão đi vào phòng Nhất Kha, đã thấy Nhị Kha và Tam Kha cùng Ngô Quyền ngồi đó.
-         Thế nào, buổi lễ có sai sót gì không? Những người đi rải tin tức đã làm xong chưa?
-         Trưởng lão chu toàn, mọi thứ đều đúng như người dự liệu. Hy vọng thời gian tới, việc chiêu hiền đãi sĩ của Ngô tướng sẽ thuận lợi. – Tam Kha cung kính chắp tay.
Ngô Quyền cũng chắp tay cảm tạ trưởng lão:
-         Đa tạ trưởng lão và toàn thể Dương gia. Trợ giúp to lớn này của Dương gia, Quyền tôi dù chết cũng không quên.
-         Ngô tướng khách khí rồi. Đều là người nhà cả. Mối thù này không trả, Dương gia sẽ không ngẩng mặt lên nhìn liệt tổ liệt tông được. Ta quyết phải diệt lão già họ Kiều và Kiều gia, mới an tâm nhắm mắt.
Dương Nhị Kha vội vã hỏi:
-         Trưởng lão, thế bây giờ anh em chúng cháu tới quân doanh của Ngô tướng được chưa?
Dương trưởng lão chỉ tiếc rèn sắt không thành thép.
-         Nhị Kha, ngươi không thấy ta bỏ bao công sức bày trò, làm lễ tế lớn như thế này, lại sai cả trăm người đi tuyên truyền khắp thiên hạ, mà còn hỏi. Anh em các người và trai tráng họ Dương sẽ đi, nhưng phải quang minh chính đại, gióng trống khua chiêng thật rầm rộ mà đi, để cả trăm họ đều biết và bàn tán, rồi ngẫm nghĩ mà đi theo.
-         Là cháu hồ đồ. Chỉ vì cháu muốn luyện quân thật nhanh, để đi trả thù cho gia phụ và người nhà ta nên mới nóng nảy.

Ngày 30 tháng 6 năm 937, hai anh em Dương Nhị Kha, Dương Tam Kha dẫn theo hơn bốn mươi trai tráng nhà họ Dương cùng hơn một trăm người của võ quán Dương lão tướng quân mở ra năm xưa, chiêng trống cờ xí rợp trời, bừng bừng khí thế từ làng Giàng hướng tới phủ Ngô tướng quân ra mắt, tình nguyện đầu nhập dưới trướng Ngô tướng. Nhị Kha và vài chục võ sinh còn băng bó đầy người. Chỉ để lại Dương Nhất Kha bị thương vẫn chưa đi lại được ở nhà trông coi võ quán và chăm lo gia sự. Tin tức này giống như khí thế lúc đoàn người lên đường, oanh oanh liệt liệt lan khắp 12 châu Tĩnh Hải quân. Một trận phong ba kéo theo bao kẻ hùng tâm tráng chí quyết tâm về Ái châu. Còn ở các nơi khác, hào trưởng lẫn thổ phỉ, giang hồ, đều giương cung bạt kiếm, thề trả thù cho Dương lão tướng quân và Dương gia mà dấy binh thay trời hành đạo. Nội loạn nổ ra khắp nơi. Binh tướng ở thành Đại La từ đó phải đi diệt trừ giặc cỏ và phản loạn đến mệt mỏi. Kiều gia cũng không còn nhàn rỗi ngồi yên ổn mà lo giăng bẫy với họ Ngô, Dương.

Lại nói tới đoàn người của Phạm Chiêm, đầu tháng bảy đã tới phủ Ngô Quyền. Phạm Chiêm cùng Kiều Công Hãn đi vào ra mắt Ngô tướng. Ngô Quyền hết lòng cảm tạ, cho người thu xếp đưa đoàn người tới quân doanh. Sau lại quay ra hỏi Lã Xử Bình và Dương Tam Kha:
-         Kiều Công Hãn này là người thế nào?
Dương Tam Kha nói:
-         Công Hãn là người dũng cảm, trung thực, tài võ hơn người, trọng nghĩa khí, nhưng không giỏi mưu sự, nhìn việc nông cạn. Người của họ Kiều nay sang bên ta, chưa rõ thực hư, nhưng nếu tận dụng tin tức này khéo, tất sẽ đánh vào quân tâm đám binh ở Đại La và chính Kiều gia. Cũng là cơ hội để nâng cao uy đức của Ngô tướng và quân ta trong dân chúng.
Lã Xử Bình cũng nói:
-         Dương tướng quân nói đúng. Vẫn nên cho Công Hãn quyền lực để thu phục lòng người, đồng thời cho người bí mật giám sát. Ta nên chúc mừng Ngô tướng. Uy đức của ngài đã lôi kéo được cả người của Kiều gia và một người hào kiệt như Phạm Chiêm.
Cả Ngô Quyền và Dương Tam Kha đều hỏi:
-         Phạm Chiêm là người thế nào?
-         Ngày trước ta có đi qua trấn Hải Dương. Người người ở đó đều nói về một hào trưởng địa phương có sức mạnh vô địch, một tay quật ngã hai mươi trai tráng đồng thời, võ nghệ siêu phàm, cung bắn bách phát bách trúng, lại là người chăm chỉ trừ gian diệt ác, mến chuộng hiền tài, cứu độ dân nghèo, rất được lòng người, tên là Phạm Chiêm. Hẳn là người này. Nghe nói cha của Phạm Chiêm đã gần 70, cũng là người có sức khỏe phi thường; hai con trai đều là các tay thiện xạ, dũng mãnh can trường. Tất cả họ đều tới cùng đoàn người này đầu nhập quân doanh của chúng ta.
-         Quả thật là gia đình hào kiệt, hổ phụ sinh hổ tử. Ta thực may mắn thay.
Ngô Quyền gật đầu tán thưởng. Rồi cho người đi loan tin Kiều Công Hãn bất mãn Kiều gia vong ân phụ nghĩa, đã quay lưng sang hàng phục Ngô tướng. Tin tức này khiến Kiều Công Tiễn ở Đại La suýt nữa thì ngất xỉu vì tức giận. Kiều gia tuyên bố loại Công Hãn ra khỏi gia phả.

Đội quân ở Ái châu thoáng chốc đã gần 4.000 người. Ngày nào cũng có người đến xin đầu nhập hoặc cung cấp vũ khí, lương thực. Nhờ uy danh của họ Dương và họ Ngô, nhiều phú hào các châu huyện lân cận cũng nhiệt tình góp tiền bạc, lương thảo, đặc biệt là dân Ái châu. Ngô Quyền, Dương Tam Kha thay phiên nhau luyện quân. Lã Xử Bình vẫn còn bị thương, chỉ làm mưu sĩ tham vấn. Một ngày, Dương Tam Kha nói với Ngô tướng:
-         Ta thấy Phạm Chiêm rất được lòng đám trai tráng khu vực Giao châu, Phong châu, Chi châu. Ông ta lại tài võ, tài cung kiếm hơn người, toàn quân đều nể phục, nên cho làm nha tướng để lấy quân tâm. Ông ta nói chuyện nhiều với chúng ta, sẽ hiểu thêm về binh pháp, cũng tốt cho khi hành sự. Biết đâu ta lại có thêm một tướng trí dũng song toàn.
Ngô Quyền và Xử Bình đều cho là phải. Vì vậy, trong hàng nha tướng có thêm Phạm Chiêm. Điều này khiến trai tráng đầu quân vô cùng phấn kích. Một thường dân áo vải, chưa bao giờ đi lính cũng có thể làm tướng quân thì hẳn ai cũng có cơ hội làm tướng quân.

Cuối tháng bảy năm ấy, thương thế của Lã Xử Bình đã gần như khỏi hẳn, ông ta cảm thấy có thể đi lại như bình thường, nên muốn theo Dương Tam Kha ra ngoài quân doanh huấn luyện. Không may, trong lúc đứng ở đài quan sát nhìn quân luyện tập, ông ta bị phục kích bằng tên tẩm thuốc độc. Thích khách bị quân doanh cùng người dân bên ngoài bắt được, giết chết. Nhờ đống băng bó trên người vẫn chưa tháo hết và ở khoảng cách xa, nên vết thương của Xử Bình không sâu lắm, y sư may mắn cứu được một mạng. Nhưng việc này khiến Ngô Quyền và Dương Tam Kha ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ căn cứ.
Tam Kha lập tức cho người chia binh lại thành từng đội, mỗi đội gồm 1.000 người chia thành 10 lữ, mỗi lữ gồm 100 người chia thành 10 tốt, mỗi tốt gồm 10 người. Dương Tam Kha và Lã Xử Bình phụ trách chung. Toàn quân có 4 đội, mỗi đội do một tướng cầm đầu gồm Phạm Chiêm, Đỗ Cảnh Thạc, Kiều Công Hãn, Dương Cát Lợi. Trừ Phạm Chiêm, ba tướng còn lại đều là bổ tướng hoặc quan binh dưới quyền Dương Đình Nghệ trước đây, nay bỏ thành Đại La về đầu phục Ngô tướng.
Đứng đầu mỗi lữ là một lữ trưởng. Đứng đầu mỗi tốt là một tốt trưởng. Các đội luân phiên tập luyện và canh phòng. Toàn doanh bố trí ba tầng gác. Mỗi tầng do một lữ thay phiên nhau đảm nhiệm. Nguyễn Thủ Tiệp phụ trách lương thảo. Vũ khí trang bị và ngựa chiến do Ngô Quyền quản lý. Ngô Quyền cũng đau đầu về cung tên và gươm giáo. Sau đó ra lệnh luân phiên mỗi tuần phải có một lữ lên rừng đốn cây, vót cung tên, phục vụ luyện tập của toàn quân. Gươm giáo cứ hai người một thanh. Hỏng lại tập hợp lại, mang tới lò rèn, nung lại thành gươm mới. Khôi giáp và quần áo, giầy vải đều không đủ, ưu tiên người tới trước. Đội của Đỗ Cảnh Thạc là kị binh, nhưng chỉ một nửa có ngựa. Ngựa của dân đều là ngựa nhỏ, không bền sức. Chỉ có ngựa của binh lính chuyên nghiệp, hoặc của đám thổ phỉ, mọi rợ mới dùng cho quân sĩ được. Ngô Quyền đành cho người báo Ngô Xương Ngập đang đi đánh rợ phương Nam suốt từ tháng ba phải trở về, nhớ thu vét hết sạch ngựa và vũ khí của chúng.

Vào tháng tám, Ngô Xương Ngập, con trai cả của Ngô Quyền, đem hơn một trăm binh và hơn ba trăm con ngựa, cùng một đống dao, kiếm, giáo mác tự chế của đám rợ phương nam trở về Ái châu. Có thêm ngựa và vũ khí, nhưng quân cũng có thêm hơn nghìn người, nên vũ khí, ngựa và các trang bị khác vẫn cứ thiếu. Ngô Quyền lại sai Xương Ngập cùng hai lữ kỵ binh của Đỗ Cảnh Thạc đi đánh rợ mạn tây nam, hy vọng kiếm thêm được ít ngựa và vũ khí, đồng thời tôi luyện tân binh.
Trước khi lên đường, Xương Ngập nghe xong tin nhà, muốn đến thắp hương Dương lão tướng quân và người nhà Dương gia. Lã Xử Bình lúc đó thương thế đã đỡ hơn, cũng xin đi theo, mong muốn gặp lại cố nhân Dương Nhất Kha.
Hai người cùng hơn 50 lính hộ tống tới Dương gia. Ngô Xương Ngập than khóc trước bài vị Dương lão tướng quân. Còn Lã Xử Bình sau đó được người đưa tới gặp Nhất Kha vẫn chưa đi lại được.
Vừa vào phòng Nhất Kha, Xử Bình đã rơi lệ, ôm tay còn băng bó khó nhọc quì xuống bên giường Nhất Kha mà nói:
-         Ân công, không ngờ chúng ta lại gặp nhau trong hoàn cảnh này.
-         Xử Bình đứng lên đi. Ta một đời hùng tâm tráng chí, nuôi mộng phụng sự giang sơn trăm họ, thế mà giờ ra nông nỗi này. Đời ta coi như đã hết. Còn chút sức tàn, ở lại thế gian cổ vũ Nhị Kha, Tam Kha và con cháu Dương gia báo thù nhà nợ nước. Chỉ cần thù cha báo xong, ta sẵn sàng nhắm mắt. Ta cũng đã biết chuyện của ngươi. Đừng quá đau buồn.
-         Ân công, ta đã quyết tâm phải sống sót, bằng mọi giá tiêu diệt Kiều gia, rửa hận cho Dương lão tướng quân, Dương đại nhân và vợ con ta. Ân công yên tâm, ta sẽ giúp Ngô tướng diệt hết đám phản thần. Ân công, người còn muốn gì nữa? Nói đi, nếu ta có thể giúp, ta sẽ gắng hết sức mình.
-         Ta chỉ có một nguyện vọng, chấn hưng lại Dương gia. Nhưng nhìn Nhị Kha, Tam Kha, ta cũng không biết có được không. Ngươi thấy Tam Kha thế nào?
-         Không dám giấu ân công, Dương tướng quân tuổi trẻ tài cao, 15 tuổi đã diệt phỉ, tiễu trừ bạo loạn, 18 tuổi đã làm bộ tướng của cha, đứng ngang hàng với ân công cùng Ngô tướng quân, Kiều Công Tiễn... Anh hùng, đức độ, biết nhìn xa trông rộng, tài trí đều hơn người. Chỉ có điều… Dương tướng quân không có hùng tâm tráng chí như ngài, không thích đấu đá, tranh đoạt thiên hạ. Âu cũng là điều đáng tiếc lắm thay.
-         Ta biết. Ta thế này mà Nhị Kha thì hấp tấp, hời hợt, không thể làm nên đại sự; còn Tam Kha tài năng hơn người, lại không mưu cầu quân quyền và nghiệp lớn. Dương gia giờ không biết trông cậy vào ai.
-         Ngài có phải đã quên một người, Dương tiểu thư?
-         Như Ngọc thông minh sắc sảo hơn người, nhưng chỉ là phận nữ nhi. Lại có Ngô tướng quân hùng tâm tráng chí, tham vọng nghiệp lớn, hẳn không thể có thời gian mà mưu sự cho Dương gia.
-         Dương gia của ngài trăm năm thế gia danh tướng, đời nào cũng xuất hiện anh hùng hào kiệt, ân công không nên quá lo lắng. Ta sẽ trợ giúp Dương tướng quân và người của Dương gia, đồng thời giúp ngài để mắt tới lớp cháu chắt tiếp theo xem có bồi dưỡng được nhân tài nào không. Chừng nào còn sống, ta sẽ không quên ơn Dương lão tướng quân và Dương đại nhân.
-         Có lời của Xử Bình, Dương Nhất Kha ta đã hài lòng rồi. Xin đa tạ!
Ngay chiều hôm đó, Xử Bình và Xương Ngập về doanh trại. Đoàn người mang theo một cô nương vô cùng xinh đẹp, Phương Dung cô nương. Xử Bình không hài lòng khi thấy Xương Ngập quấn quít bên một cô nương lạ, lại còn đưa cô ta vào quân doanh, nhưng ông không nói gì.
Sau đó, Phương Dung cô nương đường hoàng tiến vào Ngô tướng phủ trước sự vui mừng của Dương thị, sự kinh ngạc của Ngô Quyền và Dương Tam Kha, và cả sự chán ghét của cậu bé Ngô Xương Văn.
(1)     Hào trưởng là một chức danh của bộ máy cai trị thời phong kiến, nhưng ở thời kì này, hào trưởng là một chức vụ quản lý cấp châu, huyện, thôn, làng - không có trật tự hay qui tắc; do Tiết Độ Sứ cắt cử người xuống, hoặc do cộng đồng đề cử, hoặc có thể do dùng tiền bạc, uy tín cá nhân hay dùng vũ lực mà đoạt được. Chính quyền của Tiết Độ Sứ chỉ giám sát, kêu gọi nộp thuế, nhập quân tịch phục vụ cho những việc chung của toàn đạo (Tĩnh Hải quân). Nếu hào trưởng nào không nộp vì không phục, Tiết Độ Sứ sẽ cho người đem quân tới đánh.
(2)     Vùng Trà Hương, thôn Đông, trấn Hải Dương, ngày nay thuộc làng Thụy Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, Việt Nam.


Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?

Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ...