Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Những Thành Phố Bên Bờ Biển Cả - Cheryl Pham: Chương 1


1 – Bước ngoặt

(Hải Phòng – 1932)(1)
(1) Đệ nhị cộng hòa Pháp (1830 - 1870) thành công thiết lập chế độ bảo hộ lên Campuchia năm 1863, bắt đầu xâm lược Nam Kỳ của nước Đại Nam năm 1867 – 1874. Vào thời đệ tam cộng hòa (1871 – 1940), Pháp chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa, mở rộng xâm lược Bắc Kỳ (1884) và Trung Kỳ (1885) của Đại Nam, lập ra chế độ bảo hộ. Quốc gia Đại Nam chính thức biến mất. Năm 1887, Pháp gộp toàn bộ Campuchia, Nam Kỳ (Cochinchine), Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam) thành Liên Bang Đông Dương (Indochina) – một đơn vị hành chính thuộc địa của Pháp dưới quyền Bộ thuộc địa và Bộ ngoại giao ở chính quốc Pháp, mục đích lấy lợi nhuận thuộc địa phục vụ cho việc cai trị thuộc địa, không cần chính quốc phải chi thêm kinh phí. Năm 1893, Liên Bang Đông Dương thêm Lào. Năm 1900 thêm Quảng Châu Loan.
Thủ phủ Liên Bang Đông Dương ban đầu đặt tại Sài Gòn (1887 – 1901), sau đó là Hà Nội (1902 – 1954). Đứng đầu là một viên Toàn Quyền Đông Dương, có Hội Đồng Tối Cao hỗ trợ. Trong sáu xứ thuộc Liên Bang Đông Dương, Nam Kỳ đặt dưới sự cai trị trực tiếp của Pháp theo chế độ thuộc địa, hưởng qui chế “thuộc dân Pháp” – sujets, chỉ thấp hơn hạng citoyens, nhiều ưu đãi hơn so với 5 xứ còn lại; Quảng Châu Loan và Hải Phòng (một tỉnh ở Bắc Kỳ) là nhượng địa – do Pháp cai trị trực tiếp nhưng lại ở hạng thấp nhất protéges; Lào, Campuchia, Trung Kỳ và phần còn lại của Bắc Kỳ đặt dưới chế độ bảo hộ, do hệ thống hành chính bản xứ cai quản, người Pháp cai quản gián tiếp, ở hạng thấp nhất protéges.
Phải tới năm 1954, Liên Bang Đông Dương mới hoàn toàn sụp đổ do sự sụp đổ của Đế quốc thực dân Pháp, Việt Nam tuyên bố độc lập (1945), và trận Điện Biên Phủ buộc Pháp phải ký hiệp định Genève (1954).
Thành phố Hải Phòng được Tổng thống Pháp Sadi Carnot kí sắc lệnh thành lập ngày 19 tháng 7 năm 1888, là vùng đất tách ra từ vùng nhượng địa của xứ Đông (thuộc tỉnh Hải Dương, Bắc Kỳ trước đây) theo hiệp ước của triều đình nhà Nguyễn với người Pháp, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Pháp. Sau đó nơi này được người Pháp xây dựng thành cảng biển chính phục vụ vận chuyển hàng hóa và quân sự giữa Bắc Kỳ và chính quốc.

“Dừng xe!”
Người đàn ông khuôn mặt bành ra, hơi ngăm đen, cáu kỉnh hô lên. Chiếc xe Peugeot đỏ chót lóng lánh dừng lại dưới ánh mặt trời gay gắt. Hắn bực bội ra khỏi xe, nhìn quanh khu đồng cỏ ngút ngát. Cánh đồng rải rác vài thửa, lau sậy rậm rì bên ao hồ lẫn lộn đan xen trải dài xa tít ra biển. Nhìn mãi không thấy bóng người, chỉ toàn cánh đồng, ao hồ, con sông và lau sậy. Con đường đất gập ghềnh càng lúc càng bé lại. Nơi chết tiệt nào thế? Người Pháp chẳng đã san bằng cái tỉnh này để xây cảng, xây nhà máy, biệt thự đó sao, giờ vẫn còn chui ra mấy cái ao làng mốc meo này? Đường cũng không có mà đi.
“Ông chủ, chúng ta lạc đường thật rồi. Tôi cho xe quay lại nhé?”
Tài xế da mặt quắt queo, người nhỏ thó co quắp như một con khỉ, do dự hỏi và bước lại gần tên đàn ông đang bực bội nhìn dọc theo bờ sông, vẻ mặt nịnh bợ. Tên đàn ông ăn mặc chải chuốt quay lại, lộ rõ vẻ chán ghét.
“Mày biết đường về sao? Đồ ngu, biết sẽ đi tới mấy nơi khỉ ho cò gáy này mà không chịu hỏi đường trước. Nuôi mày thật tốn cơm gạo.”
“Ông chủ tha tội, ông chủ tha tội, là tôi sơ suất.” Tài xế khúm núm ra bộ thành khẩn.
Tên đàn ông không hết cau có. Hắn vẫn nhìn ra bờ sông và rút điếu xì gà trong hộp ra. Tài xế vội vã rút bật lửa trong túi mình, lon ton đến châm cho hắn, cố làm ra vẻ tươi cười hối lỗi, môi đã kéo hở đến nửa lợi. Tên đàn ông khó chịu trước gương mặt đang xáp vào mình, hắn rít khói, ngậm trong vòm miệng, rồi nhả ra và phẩy tay. Tài xế biết điều lui ra sau hắn một đoạn. Đột nhiên nghe thấy tiếng kêu ré lên của con gái. Cả hai nhìn ra đám lau sậy trước mặt, rồi nhìn quanh. Tài xế chỉ tay vào đám sậy gần bờ sông và thì thào.
“Chỗ kia!” Rồi chạy vội tới cạnh ông chủ mình.
Tên đàn ông nheo nheo mắt, thấy mấy bóng lấp ló trong đám lau sậy phía xa, hắn bước xuống dưới. Tài xế ngớ người, níu tay hắn.
“Ông chủ, Việt Cộng! Coi chừng Việt Cộng!”
“Cộng cộng cái đầu mày! Chỗ nào có bọn Pháp mới có Việt Cộng. Mày vòng vèo cả chục cây rồi, không thấy có cái bốt nào của Pháp, không có cả nhà dân, lấy đâu ra Việt Cộng.”
Hắn hung hăng đi xuống dưới bờ sông, hướng về đám lau sậy nhô cao gần gấp đôi người. Tên tài xế xoắn xít đuổi theo sau. Đất khá khô dưới cái nắng hầm hập. Tiếng ve, tiếng quốc kêu đến khản giọng. Nhẹ nhàng lại gần, tiếng người thoang thoảng càng rõ dần.
“Du hứa mà, thật đấy! Du hứa sẽ lấy Lan. Du đã bảo bố mẹ rồi. Du chỉ lấy Lan thôi.”
“Nhưng Bình thì sao, nó sẽ buồn lắm. Nó sẽ không chịu chơi với cả hai đứa mình nữa.”
“Kệ nó. Lan không tin Du sao? Du hứa mà.”
Tiếng trai gái nỉ non, đong đưa âu yếu. Mẹ kiếp, lũ oắt con chơi trò yêu đương vụng trộm, làm mình mất thời gian. Tên đàn ông rít sâu hơi xì gà và thổi mạnh ra thành tiếng, rồi quay lại. Không biết có phải do tiếng rít hay mùi xì gà lạ lẫm bay tới gây sợ hãi, bóng người vọt ra khỏi đám sậy, rồi lại một bóng nam đuổi theo sau. Tài xế nhanh như cắt vọt theo. Thì ra là lũ con nít, mới nứt mắt, làm sao đuổi kịp ông đây đã đi lính năm năm. Anh ta tóm được cả hai đứa trẻ, lôi chúng lên đường đất, bẻ quặp tay từng đứa, kéo lê đến chỗ chiếc xe con đang đậu. Ông chủ đã đứng đó, thong thả hút xì gà, nheo nheo mắt nhìn cảnh tượng. Có lẽ do nắng quá oi nồng, trên trán hắn đã bóng lên lớp mồ hôi. Nhưng không hiểu sao hắn vẫn không chui vào xe mà đứng dưới trời nắng. Hai đứa trẻ bị tài xế tóm được quá sợ hãi đến quên phản kháng, không thốt ra tiếng nào, thậm chí không dám ngẩng đầu lên nhìn hắn. Đứa con gái gầy gò, trắng trẻo, áo thô trắng ngà có ba đụn vá lớn, quần cộc nhăn nhúm lộ bắp chân trắng muốt như cành cây khô ngâm vôi. Đứa con trai còn tệ hơn, áo không ra áo, quần lam tả tơi như khất cái. Cả hai đều khẳng khiu, lam lũ, có lẽ cũng khoảng mười lăm tuổi.
“Ngẩng đầu lên!” Giọng nói lạnh lùng dọa hai đứa trẻ giật mình ngước lên.
Một đôi mắt phượng ngập nước ngơ ngác, sống mũi thanh tú còn dính cỏ khô, đôi môi hồng nhạt mím vào, khuôn mặt tròn tròn trắng nhợt hiện ra đẹp đến nao lòng. Người đàn ông sững sờ nhìn đến quên cả điếu xì gà đang hút. Hắn ho sặc một cách thất thố. Đứa con trai bên cạnh run run lấy một tay còn lại nắm lấy cánh tay cô bé. Hắn thấy thế, nhếch mép, bình tĩnh lại.
“Làng Phao ở đâu?” Vừa hỏi, hắn vừa rít tiếp một hơi xì gà.
“Thưa ông lớn, ở đằng kia.” Thằng bé lắp bắp nói. Nói xong, nó lại cúi đầu xuống.
Hắn vất điều xì gà xuống đất, hất hàm.
“Dẫn đường.” Nói xong chui tọt vào trong xe.
Tài xế chạy ra đóng cửa xe, quay lại nạt hai đứa.
“Hai đứa bay dẫn đường đi, đến nhà lão Bàng đóng rương cổ. Chúng mày mà trốn, tao sẽ bắn bỏ.” Nói rồi viên tài xế làm bộ sờ tay vào bao súng bên hông.
Hai đứa trẻ ngơ ngác nhìn nhau. Thằng con trai đã bớt sợ hơn khi ông chủ lạnh lùng kia đã vào trong xe. Nó nhổm dậy lắp bắp.
“Cụ Bàng vừa chết rồi. Cả nhà bị đốt và bỏ trốn hết. Không còn ai đâu.”
Tài xế há hốc miệng, quay người tới bên cửa xe.
“Ông chủ, làm sao bây giờ? Quay về hay tới đó?”
Người đàn ông lại nheo nheo mắt trầm ngâm, liếc qua cô bé vẫn đang quì dưới đất. Hắn hất tay về phía trước.
Tài xế hiểu ý, chạy vòng ra cửa kia của chiếc xe, ngồi vào ghế lái, trước đó còn cố nói với lại:
“Đi thôi. Chúng mày mà nói láo, tao sẽ cho ăn đạn cả nhà.”
Cậu con trai nhanh chóng đỡ cô gái đứng dậy, lôi cô từ từ đi về phía sau xe. Cô quyến luyến liếc nhìn chiếc xe đẹp đẽ, thứ long lanh nhất mà cô từng thấy trong đời tới giờ, chợt bắt gặp ánh mắt nheo nheo như đang nghiền ngẫm của người đàn ông ăn vận bảnh bao kia, cô gái xấu hổ cúi đầu chạy. Cô vấp ngã. Cậu con trai bên cạnh trách móc.
“Lan chẳng cẩn thận gì cả. Để Du đỡ.”
Nhìn chiếc xe đang lùi lại và người đàn ông xa lạ vẫn nhìn mình chăm chú, cô xấu hổ hất tay cậu ra. Họ tấp tểnh đi về làng. Con đường đất dần bằng phẳng hơn. Hai nam nữ gầy gò chạy lò dò phía trước, một chiếc xe đỏ chói như con bọ rùa lầm lũi bám theo sau. Chẳng mấy chốc, lũ trẻ con và người lớn đã đổ ra nhìn. Vật đẹp đẽ kia quá xa lạ và nổi bật trước cảnh nghèo đói nơi đây.
“Người ở đâu ra nhiều thế. Lúc thì tìm mãi chả thấy mống nào. Lúc thì xúm xít cả đống như ruồi bọ.” Tay tài xế cằn nhằn, nhưng mặt đã dãn ra hí hửng. Anh ta liếc gương, ông chủ vẫn nheo nheo mắt nghiền ngẫm.
Hai người dẫn đường đột ngột dừng lại, chỉ tay sang bên trái. Một bức tường bị đốt nham nhở. Người đàn ông bước ra khỏi xe, đi qua cổng đã không còn cánh. Cả mảnh đất rộng toàn thứ đổ nát vì bị thiêu cháy và đập phá. Mấy đứa trẻ và người lớn của xóm nghèo lấp ló bên ngoài cổng, một số xúm xít cạnh chiếc xe hơi. Tiếng thắc mắc bàn chuyện về nhà ông Bàng xôn xao vang lên, lẫn trong tiếng quát tháo của tay lái xe.
“Không còn gì đâu, trưởng thôn và dân làng đều đã đến lục hết đồ rồi. Ông lớn cần gì nữa ạ?” Thằng bé nhanh nhảu tìm cách thân cận người đàn ông có vẻ giàu có này.
Hắn không nói gì, chỉ trầm ngâm quan sát. Một lúc sau, hắn quay lại, liếc nhìn thấy cô gái xinh đẹp vẫn do dự đứng trước cổng, mải mê nhìn chiếc xe Peugeot lấp lánh dưới nắng. Hắn khoát tay, bảo cậu ta:
“Dẫn đường tới nhà cô gái kia.”
Thằng bé kinh ngạc, pha lẫn sợ hãi, run rẩy lắp bắp.
“Nhưng cô ấy, cô ấy…”
“Có đi không thì bảo? Muốn chết hả?” Tay lái xe hùng hổ trừng mắt, không biết anh ta tới gần họ từ lúc nào. Thằng bé sợ sệt lấm lét nhìn họ, rồi lại nhìn cô gái đằng kia, khẽ gật đầu như bổ củi. “Đi ạ! Đi ạ!”
Họ lên xe. Thằng bé kéo tay cô gái đang ngẩn ngơ, nhưng cô cứ kệ cậu ta. Cậu ta đành đi phía trước một mình, con bọ màu đỏ lấp lánh bò theo sau. Cô gái cũng đi theo sau chiếc xe cùng đám già trẻ hiếu kỳ. Khi chiếc xe dừng lại, cô kinh ngạc thấy người đàn ông bảnh bao đi vào căn nhà sập sệ của mình. Cô chạy vội theo, nép vào sau khe cửa, không dám bước vào nhà.
Căn nhà bằng đất và rơm rạ, chỉ khoảng hai mươi mét vuông, không có đồ đạc gì ngoài chiếc giường gỗ ọp ẹp và cái tủ thấp tè dính đầy bụi. Dưới đất còn mấy ổ rơm cũ, chắc để cho người nằm, vì trên một cái ổ ở góc nhà, một cô bé con nhem nhuốc khoảng năm hay sáu tuổi đang nằm co quắp. Trên giường, một người đàn ông cởi trần ngáy khò khò, gầy gò, nằm vắt vẻo xiên chéo, đầu quay vào góc tường, quần còn dính bết lại bẩn thỉu. Cái chai trống không lăn lốc dưới đất. Mùi rượu váng vất trong căn nhà, lẫn với mùi ngai ngái, tanh hôi của cá khô, rơm ướt và nước tiểu.
“Dậy, dậy ngay!” Tay tài xế hét lên như sấm.
Người đàn ông và cô bé con đều giật mình mở mắt, ngó trân trân hai người lạ mặt, rồi sợ hãi co rúm người vào mỗi góc tường.
“Ai là chủ nhà này?” Tài xế quát lên.
“Tôi, tôi ạ.” Người đàn ông trên giường vơ cái áo đã vò lại ở đầu giường, mặc vội vào. Áo chỉ cài nổi hai cái cúc, nên trông xộc xệch rất buồn cười.
“Bẩm ông lớn, ngài… ngài có việc gì ạ?” Người đàn ông lắp bắp, ông ta bước xuống giường luống cuống đến mức ngã khụy xuống đất.
Người đàn ông bảnh bao cằm lại bạnh ra cau có. Hắn quay lại, liếc thấy cô gái đang nấp sau khe cửa xiêu vẹo không che hết nổi thân hình khẳng khiu của cô.
“Bao nhiêu?” Hắn hất đầu về phía cô gái. “Con gái ông.”
“Mười… mười… mười lăm, con bé mười lăm tuổi ạ.” Người đàn ông có vẻ là cha cô gái, lắp bắp đứng dậy.
“Đồ ngu, ông chủ hỏi bao nhiêu tiền cơ mà.” Tay tài xế lại quát xơi xơi vào mặt ông ta.
Ông ta rùng mình ngước lên, giờ đã nhìn rõ diện mạo hai người mới tới, nhìn về cô con gái lấp ló sau khe cửa, như bừng tỉnh, hai mắt sáng lên, ông ta chắp tay xun xoe.
“Bẩm ông lớn, con gái tôi lúc mười ba tuổi, một nửa trai làng này đã hỏi cưới nó đấy. Nhưng gia cảnh khó khăn, tôi và mẹ nó, em nó đều ốm đau suốt, nên vẫn chần chờ chưa gả nó đi đấy ạ. Ông lớn xem, xin ông thương tình, cả nhà tôi chỉ trông chờ vào nó, nếu…”
“Ốm đau suốt kia à?” Tay tài xế ngắt lời, đá chân vào chai rượu rỗng lăn trên đất, mắt lập lòe như sói.
Ông bố co rúm người lại, nhưng vẫn cố ra vẻ trấn định. Ông ta chắp tay ra bộ thảm thương, mắt vẫn liếc về người đàn ông không nói gì kia.
“Thật ạ! Xin ông lớn thương xót. Mẹ nó sinh được hai đứa con gái, rồi ốm đau vật vã, không làm nổi việc gì. Nhà này một mình tôi lo toan bao năm. Tôi mới bị tai nạn khi đi kéo lưới, gẫy chân phải. Đây này, các ngài nhìn thấy chưa, suýt phải cưa chân đấy. Từ đó toàn phải nằm nhà. Bốn miệng ăn giờ chỉ trông chờ vào đứa lớn cào ngao đánh te, làm mướn cho người ta. Xin ông lớn chiếu cố, xin ông…”
“Một trăm đồng.” Người đàn ông lạnh lùng nói.
Ông bố suýt ngã khụy lần nữa, hai mắt ông ta giờ sáng rực hơn cả mặt trời bên ngoài. Ông ta hấp háy mắt mấy lần, tưởng không tin nổi.
“Ngài… ngài… một … một trăm à? Một trăm à?”
“Đồng ý thì nói ngay đi? Sao cứ lắp bắp mãi thế? Đừng làm mất thời gian của ông chủ.” Tay tài xế cáu kỉnh, ra bộ nôn nóng.
“Vâng, vâng, đồng ý, đồng ý, đồng ý. Đội ơn ông lớn thương tình. Đội ơn ông lớn thương tình.” Ông ta vái lấy vái để người đàn ông bảnh bao kia.
“Không, không được bán con tôi. Sao ông nỡ bán con tôi?” Tiếng phụ nữ yếu ớt nức nở vang lên. Ngoài cửa, người phụ nữ xanh xao, xiêu vẹo nắm tay cô gái sau cánh cửa, run rẩy ngước nhìn chồng mình và hai người lạ. Ông chồng trừng mắt lên với bà, rồi cuống quít lạy hai người lạ.
“Ông lớn đừng nghe đàn bà hồ đồ. Mẹ nó bị điên đấy, thi thoảng vẫn nói lung tung. Chúng tôi đồng ý, đồng ý.”
Tay tài xế quay lại cửa, đứng trước người đàn bà yếu đuối nước mắt vòng quanh, bày vẻ ôn tồn nói:
“Ông chủ trả một trăm đồng, đủ để nhà chị mua mẫu ruộng và xây một cái nhà mới, dư dả ba người ăn vài năm; con của chị sẽ được lên thành phố, ăn ngon mặc đẹp, có việc làm đàng hoàng. Hay chị muốn cả nhà sống lay lắt ở đây, không chết vì bom đạn, thì cũng chết đói hoặc chết vì ông ta thôi.” Anh ta hất hàm chỉ về phía người chồng đang lấm lét nhìn họ.
Người phụ nữ chảy nước mắt nhiều hơn, khóc không thành tiếng. Người chồng nhảy lên bám lấy chân người đàn ông ăn mặc sang trọng kia, không ngừng kêu than:
“Đồng ý, đồng ý, chúng tôi đồng ý. Xin ông lớn đừng bỏ đi, xin ông lớn. Chúng tôi sẽ chết mất.”
“Đồng ý thì điểm chỉ vào đây rồi nhận tiền. Đừng có gây chuyện phiền phức, mất thời gian. Ông chủ đây giàu có nhất nhì tầng lớp an-nam-mít. Cả đất Hải Phòng này, hỏi ai lại không biết ông chủ Quýnh của Vạn Hoa viên chứ? Cả xứ Bắc Kỳ này ấy chứ. Mẹ kiếp! Con gái các người được ông chủ để mắt tới là phúc ba họ đấy, mà không biết tạ ơn. Khóc, khóc cái gì? Kể cả các người không muốn cũng phải đồng ý. Không ông cho các người sống cũng như chết bây giờ.” Tay tài xế nạt nộ, tự đắc chỉ tay vào mặt người chồng và người vợ, mắng xa xả không ngừng. Anh ta lôi trong cái túi da bên hông ra một tập giấy, lật tìm thấy hai tờ, chìa ra cho người chồng. Lại lôi tiếp một cái triện nhỏ, anh ta cầm ngón tay trỏ ông chồng ấn vào cái triện, rồi cầm cái tay ấy ấn lên từng tờ giấy. Xong xuôi, một tờ giấy vất ra đất, một tờ lại được kẹp vào ngay ngắn, bỏ vào túi da bên hông tài xế. Tay kia, tài xế lấy ra một xâu tiền quẳng vào người chồng. Ông chồng vồ vội lấy, đập đầu xuống đất.
“Đa tạ ông lớn, đa tạ ông lớn rủ lòng thương.”
Người vợ khụy xuống bên cửa. Còn cô gái vẫn đứng chết lặng ở đó, đôi mắt ngập nước ngơ ngác.
Cuộc mua bán nhanh chóng kết thúc. Hai người đàn ông đi nhanh ra ngoài. Tài xế dắt tay cô gái xinh đẹp đang lơ mơ, nhét vào xe và đóng sầm cửa. Bên ngoài, ông bố vẫn ôm xâu tiền không ngừng dập đầu “đội ơn ông lớn”; người mẹ nước mắt ngắn dài bám với vào cửa xe; cô em gái nhỏ ngơ ngác không hiểu chuyện gì, chạy theo mẹ và chị khóc nghếu ngáo hô “mẹ ơi, chị ơi”. Xe từ từ lăn bánh. Cậu chàng dẫn đường tên Du lúc nãy đứng ngây ngẩn cả người, rồi như bừng tỉnh, chạy ra gọi với:
“Lan ơi, Du muốn cưới Lan. Du nói thật mà. Du đã bảo bố mẹ rồi. Thật mà. Du sẽ cưới Lan. Đừng đi, Lan ơi, đừng đi!”
Tiếng bọn trẻ và người lớn xôn xao, tiếng cái Liên vừa cào ngao về ơi ới, tiếng cái Bình chua ngoa, tiếng em Lân gọi “chị ơi, chị ơi”. Cô gái xinh đẹp run rẩy như hiểu như không co rúm người lại trong xe, nước mắt lăn dài trên má, hai tay co rút xoắn lại kẹp vào đùi. Chỉ còn tiếng quát của tài xế với Du: “Dẫn đường! Nhanh lên! Không tao bắn chết bây giờ.” Mọi thứ cứ nhòa dần, nhòa dần.
“Đừng sợ. Cô sẽ có một cuộc đời hoàn toàn mới.”
Người đàn ông lạnh lùng bên cạnh khẽ lấy tay quệt nước mắt trên gương mặt xanh nhợt mịn màng của cô. Hắn trầm lặng nhìn cô một lúc, rồi nhìn ra ngoài xe. Làng Phao đã nằm lại phía sau. Chiếc Peugeot đỏ chói lóng lánh dưới ánh mặt trời lao về phía thành phố.

 

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2015

Những thành phố bên bờ biển cả - Cheryl Pham

Có một lần, đang chán đời, mình đọc được một bài báo "Những điều phụ nữ cần làm trước tuổi 30". Ở đó liệt kê 38 điều thì phải. Mình nhìn danh sách, thấy nhiều điều đã làm rồi, còn có một điều đặt đầu tiên - mình thấy khá thú vị, nghĩ nhất định sẽ phải làm:



1. Viết tiểu thuyết tình yêu


Khổ nỗi lúc đó đang thất tình, cả có cảm hứng gì.
Rồi mùa hè năm đó, đang một mình đi trên bãi biển (không phải lang thang quên sầu, mà đi có mục đích), một anh giai đẹp tiến đến bắt chuyện
Giai đẹp: Hi
Mình: (Cười nhăn răng)
Giai đẹp: The sea is so beautiful.
Mình: It's true.
Giai đẹp: I love cities on seaside.
Mình: Me too. All cities on seaside.
Giai đẹp: (Cười như mùa thu tỏa nắng)
Khi chia tay, giai đẹp tặng mình một bưu thiếp có cảnh một con tàu đang đi vào biển.

Hôm đó mình về thao thức, vì nụ cười của giai đẹp. Mình nghĩ nhất định phải viết một tiểu thuyết tình yên có tên "Cities on seaside" - Những thành phố bên bờ biển cả.
Rồi mình nghĩ vớ vẩn thêm nữa. Đó sẽ là câu chuyện về một cô gái khát khao yêu và sống. Một thì hơi ít. Chọn ba đi. Vậy là ba câu chuyện về ba cô gái diễn ra trên những thành phố biển. Họ đều yêu biển và có gì đó liên quan đến biển.
Phần 1: cô Lan có tâm hồn băng thanh ngọc khiết, đơn giản, khờ dại như đóa hoa lan. Nên bi kịch một chút.
Phần 2: cô Lân có tâm hồn đơn giản, nhưng hành động không hề đơn giản. Nên có hậu một chút.
Phần 3: cô Na có tâm hồn và hành động đều không đơn giản. Nên lửng lơ một chút.
chuyện đầu nên ở quê mình - vì mình quen thuộc nhất. Chuyện sau nên ở nhiều nơi một chút. Vì nhiều nơi thì không cần sâu sắc, giống tính cách và bản thân mình - đi nhiều, biết nhiều, nhưng hời hợt. Chuyện cuối nên ở Hồng Kong. Quên không hỏi giai đẹp quê ở đâu hay thích nơi nào nhất, nếu không mình sẽ chọn nơi đó làm bối cảnh của phần 2 hoặc 3.

Nhưng năm đó mới chỉ viết xong phần 1 (năm 2010). Mà cũng chả có tâm trạng viết những phần sau, phần nữa vì chưa trải nghiệm nhiều lắm, chắc phải đọc thêm nhiều truyện cung đấu, gia đấu, hay quốc đấu để có kiến thức cho hai nhân vật sau.
Thế rồi đến giờ cũng chả buồn nhấc bút viết tiếp. Nhân lúc rảnh rỗi, mình sẽ ngồi sửa lại phần 1 viết từ xa xưa kia, rồi up lên cho bà con giải trí. Thực ra chuyện của mình cũng phải bỏ đầu óc nhiều lắm đó.
Mời bà con vô:

http://talkwithcheryl.blogspot.com/p/nhung-thanh-pho-ben-bo-bien-ca-cheryl.html


Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Đọc lại bài thơ yêu thích năm xưa



Giấc mơ

Dưới mái nhà
Một người đang ngủ
Với giấc mơ của những vì sao

Những vì sao đang kể chuyện
Giấc mơ của mái nhà
Giấc mơ của một người đang ngủ

Văn Cao
5/1/1972
Trong tập thơ

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Full download truyện Nữ Hoàng Ayesha Trở Lại

Free download full truyện Nữ Hoàng Ayesha Trở Lại ở đây:

http://www.kilobooks.com/nu-hoang-ayesha-tro-lai-ayesha-the-return-of-she-cua-h-r-haggard-413063

Nữ Hoàng Ayesha trở lại - Chương 24 (HẾT)



Chương 24: Ayesha qua đời

Tôi nghe thấy Ayesha giờ đang nói, những lời đập vào tôi đầy ghê sợ khi tuyệt vọng chấp nhận số phận, thứ nàng không có sức mạnh để chống lại.
“Có lẽ phu quân của ta đã rời bỏ ta một lúc rồi; ta phải thúc giục phu quân mau đi thật xa.”
Sau đó tôi hoàn tôi không biết chuyện gì xảy ra. Tôi đã mất đi người là tất cả với mình, người bạn, và người con của tôi, tôi tan nát cõi lòng như chưa từng bao giờ như thế. Tôi buồn bã đến mức bản thân già nua và kiệt sức, nhưng vẫn sống trong khi cậu đang trong độ tuổi như hoa nở, giành giật lấy niềm vui và sự cao thượng mà không ai biết tới, rồi nằm đó ngủ.
Sau này tôi nghĩ lại, Ayesha và Oros đã cố làm cậu phục hồi, mà không có kết quả, vì các quyền năng của nàng lúc này vô ích. Thực ra tôi tin rằng dù cuộc đời dài hơn vẫn đang níu kéo bàn chân cậu ấy, Leo đã thực sự chết ngay lúc nàng ôm, vì khi đó tôi đã nhìn cậu trước khi cậu ngã xuống, gương mặt cậu đã như của người chết.
Đúng, tôi tin lời cuối của nàng, dù nàng không biết điều đó, là dành cho linh hồn cậu, vì trong nụ hôn như thiêu đốt của nàng, xác thịt cậu đã bị tàn lụi.
Cuối cùng, khi tôi tự phục hồi đôi chút, nghe thấy giọng nói lạnh lẽo, bình tĩnh của Ayesha – gương mặt nàng tôi không thể thấy vì nàng đã tự che mặt đi – nàng ra lệnh cho vài tu sĩ được triệu tập để “mang thi thể người phụ nữ đáng nguyền rủa kia đi và chôn cất cô ta phù hợp với địa vị của cô ta.” Thậm chí sau đó tôi nhớ ra, tôi nhớ tới câu chuyện của Jehu và Jezebel.
Leo, trông yên bình và hạnh phúc kỳ lạ, giờ nằm trên giường, cánh tay gập trước ngực. Khi các linh mục nặng nề khiêng nhân vật của hoàng tộc đi ra, Ayesha ngồi bên thi thể cậu nghiền ngẫm, dường như bừng tỉnh, nàng đứng dậy và nói – “Ta cần một sứ giả, đây không phải là hành trình thông thường, người đó phải tìm ra nơi cư trú của Các Vong Linh,” nàng quay về phía Oros và nhìn vào ông ấy.
Bây giờ lần đầu tiên tôi nhìn thấy vị linh mục này hơi thay đổi sắc mặt, trong hoàn cảnh này hoàn toàn không thể thoát được, nhưng nụ cười vĩnh viễn đã rời khỏi gương mặt ông ấy và ông tái người, run rẩy.
“Ngươi sợ,” nàng nói một cách khinh bỉ. “Ở lại đi, Oros, ta sẽ không gửi đi một người sợ hãi. Holly, ngươi sẽ đi vì ta – và vì chàng chứ?”
“Được,” tôi trả lời. “Tôi mệt mỏi với cuộc đời rồi và không còn mong kết cục nào khác nữa. Chỉ có điều hãy nhanh lên và đừng gây đau đớn.”
Nàng trầm ngâm một lúc, rồi nói – “Không, thời khắc của ngươi chưa đến, ngươi vẫn còn việc cần làm. Hãy chịu đựng, Holly của ta, chỉ một hơi thở thôi.”
Rồi nàng nhìn tới vị Pháp Sư, người đàn ông đang hóa đá vẫn đứng đó như tượng, và kêu lên – “Tỉnh lại!”
Ngay lập tức ông ta như trở về sự sống, các chi thoải mái, ngực phập phồng, ông ta lại thành con người như trước đây: già nua, xương xẩu, độc ác.
“Tôi xin nghe người, thưa chủ nhân,” ông ta nói, cúi đầu như một kẻ cúi đầu trước quyền năng hắn căm ghét.
“Ngươi đã thấy rồi đó, Simbri,” nàng vẫy tay.
“Tôi đã thấy. Mọi chuyện đã xảy ra như Atene và tôi tiên đoán, không phải sao? ‘Ngay sau đó sẽ là thi thể của vị Khan mới lên ngôi của Kaloon’,” và ông ta chỉ vào vương miện vàng mà Ayesha đã đặt lên trán của Leo, “’sẽ nằm trên bờ vực của Hố Lửa’ – như ta đã tiên đoán.” Một nụ cười xấu xa len lỏi vào đôi mắt ông ta và ông ta tiếp tục nói – “Nếu người không trừng phạt bằng cách làm cho ta câm, ta hẳn có thể cảnh báo người về những chuyện có thể xảy ra; nhưng thưa chủ nhân vĩ đại, chính người đã làm cho ta câm. Nên mọi chuyện đã diễn ra như thế, hỡi O Hes, người đã quá cường điệu bản thân và bị tan nát dưới chân của chính đỉnh cao người từng bước trèo lên suốt hơn hai nghìn năm mệt mỏi kia. Hãy nhìn những gì người đã mua được với giá của vô số sinh mạng, giờ đây trước ngai vàng của Công Lý, họ sẽ cáo trạng những quyền năng bị người lợi dụng, kêu gào đòi công lý trên đầu người,” và ông ta nhìn thi thể đã chết của Leo.
“Ta buồn cho họ, nhưng Simbri, họ đã được tiêu phí thích đáng,” Ayesha trầm ngâm trả lời, “những kẻ định mệnh của họ đã được viết ra từ trước theo qui định, đã giữ con dao của ngươi khỏi rơi rồi chiếm mất chồng ta. Phải, và ta thật hạnh phúc – hạnh phúc hơn những con dơi mù quáng thế kia, như ngươi cũng có thể thấy hay đoán ra. Nên nhớ giờ ta đã cưới lại chàng, người trước đây đã li dị linh hồn lang thang của ta vì tội lỗi ta phạm phải, và nụ hôn ngày cưới đã thiêu cháy mạng sống của chàng, nhưng chúng ta sẽ vẫn sinh ra những đứa con Tha Thứ, Khoan Dung vĩnh hằng cùng mọi điều tinh khiết và đẹp đẽ.”
“Ngươi nhìn xem, Simbri, ta sẽ tôn vinh ngươi. Ngươi sẽ là sứ giả của ta, cẩn thận! cẩn thận đấy, ta sẽ nói làm sao ngươi có thể hoàn thành sứ mệnh này, vì với mỗi phần, ngươi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.”
“Ngươi hãy đi xuống con đường bóng tối của Tử Thần, vì ngay cả ý nghĩ của ta cũng có lẽ không tìm được tới nơi chàng ngủ đêm nay, hãy tìm kiếm phu quân của ta và nói với chàng rằng, bàn chân của vợ chàng, Ayesha, sẽ đi theo rất nhanh thôi. Hãy bảo chàng đừng sợ, vì với chuyện đau buồn này, ta đã chuộc tội cho các tội lỗi của mình và sẽ tái sinh trong vòng tay chàng. Hãy nói với chàng chuyện này đã được định trước, đó là tốt nhất rồi, từ bây giờ chàng đã thực sự nhúng mình trong Ngọn Lửa vĩnh hằng của Sự Sống; bây giờ đối với chàng, màn đêm trần tục đã kết thúc và ban ngày bất diệt đã hiện lên. Hãy ra lệnh cho chàng đợi ta ở Cánh Cổng Tử Thần, nơi ta được phép chào đón chàng. Ngươi nghe rồi chứ?”
“Ta đã nghe thấy, thưa O Nữ Hoàng, Sức Mạnh Ngàn Năm.”
“Một thông điệp nữa. Hãy nói với Atene rằng ta tha thứ cho nàng ta. Trái tim nàng ta rất cao quí và nàng ta đã hoàn thành tốt vai diễn của mình. Chúng ta sẽ thanh toán sòng phẳng ở Cánh Cổng đó. Ngươi nghe thấy rồi chứ?”
“Tôi đã nghe thấy, thưa O Vì Sao Vĩnh Hằng, người đã chinh phục Màn Đêm.”
“Được rồi, hãy đi đi!”
Khi lời vừa rời khỏi môi Ayesha, Simbri nhảy lên khỏi sàn nhà, chộp vào không khí như thể ông ta muốn giữ chặt linh hồn đang ly khai của chính mình, lảo đảo lui lại cái bàn nơi Leo và tôi vừa ăn, làm đổ nó, giữa đống đổ nát của đĩa vàng chén bạc, ngã lăn xuống và chết.
Nàng nhìn ông ta, rồi nói với tôi – “Nhìn đi, dù hắn luôn căm ghét ta, nhưng tên phù thủy này vốn đã biết Ayesha ngay từ đầu, cuối cùng đã bày tỏ lòng kính trọng với uy quyền cổ xưa của ta, khi những lời dối trá và thách thức phụng sự cho kết cục của hắn không còn nữa. Giờ ta không còn nghe thấy cái tên mà vị chủ nhân đã chết kia của hắn dành cho ta nữa. ‘Vì Sao Sa’ trong mồm hắn và trong thực tế đã trở thành ‘Vì Sao Nổ Tan Xương Cốt Màn Đêm’, và lại được tái sinh, tỏa sáng mãi mãi – tỏa sáng cùng sự bất tử song sinh không còn được thiết lập nữa – Holly của ta. Phải, hắn đã đi rồi, trước giờ phút này, những kẻ đã phục vụ ta dưới Địa Ngục – còn nhớ không? – ngươi đã nhìn thấy các thủ lĩnh của chúng trong Điện Thờ - cúi đầu trước lời nói của Ayesha vĩ đại và sẵn sàng đặt vị trí của nàng gần chồng nàng.”
“Nhưng than ôi, ta mới điên rồ làm sao. Khi ngay cả ở đó cơn thịnh nộ của ta cũng có thể phát ra sức mạnh như vậy, làm sao ta lại có thể hy vọng phu quân của ta có thể sống sót trong lửa tình chứ? Nhưng như vậy sẽ tốt hơn, vì chàng đã không còn tìm kiếm vẻ lộng lẫy ta từng muốn trao cho chàng, cũng không mong loài người sẽ chết. Nhưng vẻ lộng lẫy như thế phải là một phần của chàng trong bóng tối nghèo nàn của thế giới kia, và các bước chân bao quanh ngai vàng kẻ cướp ngôi luôn trơn đầy máu.”
“Ngươi đã mệt mỏi, Holly, hãy đi nghỉ đi. Đêm mai chúng ta sẽ về Ngọn Núi, làm tang lễ ở đó.”
Tôi rón rén tới phòng liền kề - đó từng là phòng của Simbri – rồi đặt mình xuống giường ông ta, nhưng không thể ngủ nổi. Cánh cửa vẫn mở, trong ánh sáng của thành phố bốc cháy chiếu qua các khung cửa, tôi có thể nhìn thấy Ayesha đang quan sát người bạn đời đã chết. Nàng quan sát hết giờ này tới giờ khác, đầu nàng gối lên tay, im lặng, không nhúc nhích. Nàng không than khóc, không thở dài; chỉ quan sát như một phụ nữ dịu dàng quan sát một đứa bé đang say ngủ mà nàng biết sẽ tỉnh lại lúc bình minh.
Gương mặt nàng không đeo mạng che và tôi nhận ra nó đã biến đổi vô cùng to lớn. Toàn bộ niềm kiêu hãnh và sự giận dữ đã biến mất; nó trở nên mềm mại, tiếc nuối, nhưng đầy tự tin và yên tĩnh. Suốt một khoảng thời gian, tôi không thể nghĩ nó đã gợi lại điều gì trong tôi, rồi đột nhiên tôi nhớ ra. Bây giờ nó giống, thực sự gần như tuyệt đối, vẻ bề ngoài thánh thiện và uy quyền của bức tượng Đức Mẹ trong Điện Thờ. Đúng, chính cái nhìn đầy yêu thương và quyền lực như thể người mẹ đó trông chờ trên đứa con đang sợ hãi của mình tái sinh từ giấc mơ tử thần, Ayesha đang chăm chú nhìn vào người đã chết của nàng, đôi môi nàng hé mở như thì thầm “câu chuyện về hy vọng, niềm tin và sự bất tử”.
Cuối cùng nàng đứng dậy đi vào phòng tôi.
“Ngươi nghĩ ta đã gục ngã và cảm thấy đau buồn vì ta sao, Holly,” nàng nhẹ nhàng nói, “ngươi có biết nỗi sợ hãi của ta, định mệnh như thế khó mà xảy đến bất thình lình với phu quân của ta.”
“Phải, Ayesha, tôi đau buồn cho người cũng như cho chính tôi.”
“Thế thì ta sẽ tha thứ cho lòng thương xót của ngươi, Holly, dù phần con người trong ta muốn giữ chàng trên trần thế, giờ linh hồn ta lại vui sướng vì chàng đã thiêu cháy xương cốt. Bao triều đại đã qua, dù ta không biết, trong sự thách thức đầy kiêu hãnh của ta ở Luật Vạn Vật, ta đã chiến đấu chống lại hạnh phúc thực sự của chàng và của ta. Ta và thiên thần đã vật lộn ba lần, dùng sức mạnh chống lại sức mạnh, và ba lần chàng đều chinh phục ta. Nhưng khi chàng mang giải thưởng đi trong đêm đó, chàng đã thì thầm điều thông thái bên tai ta. Đây là thông điệp của chàng: Chính chết đi là ngôi nhà của tình yêu, chết đi là sức mạnh; từ nhà mồ sự sống, tình yêu sẽ sống dậy vinh quang và tinh khiết, ngự trị kẻ chinh phạt mãi mãi. Vì thế ta lau nước mắt và đăng quang làm nữ hoàng bình yên một lần nữa, ta đi cùng chàng, rồi chúng ta lạc mất nhau, chàng vẫn đợi chúng ta ở đó, vì ta đã được phép, ta sẽ tới.”
“Nhưng ta thật ích kỷ, mà quên mất. Ngươi cần nghỉ ngơi. Ngủ đi, bạn của ta, ta yêu cầu ngươi đi ngủ.”
Rồi tôi ngủ mất khi mải băn khoăn, nếu mắt tôi đóng lại thì Ayesha sẽ trở lại vẻ tự tin và thoải mái kỳ lạ kia chứ. Tôi không biết nhưng chuyện đã diễn ra ở đó, sự thực chứ không phải giả thiết. Tôi chỉ có thể cho rằng ánh sáng đã soi vào tâm hồn nàng, như nàng nói, tình yêu và kết cục của Leo theo một cách không rõ, đã đủ để đáp ứng phán xử cho các tội lỗi của nàng.
Cuối cùng, những tội lỗi ấy và toàn bộ gánh nặng của chết chóc đã nằm trên ngưỡng cửa sẽ không bao giờ làm phiền nàng nữa. Nàng dường như chỉ coi chúng như các sự kiện xảy ra theo định mệnh, là kết quả không tránh khỏi của hạt giống được gieo từ xa xưa trước đây bởi bàn tay Định Mệnh cho những việc nàng không chịu trách nhiệm. Những nỗi sợ hãi và cân nhắc đè nặng cùng sinh tử bao người không ảnh hưởng hay gây áp lực cho nàng. Trong chuyện này và những chuyện khác, Ayesha là luật lệ của chính mình.
Khi tôi tỉnh lại, đã là ban ngày, qua cửa sổ tôi thấy mưa đang rơi trên phố, điều mà dân tộc Kaloon đã khao khát quá lâu. Tôi cũng thấy Ayesha, ngồi bên thi thể bọc vải niệm của Leo, đang ra lệnh cho các tu sĩ và thủ lĩnh cùng một số quí tộc sống sót sau vụ giết chóc ở Kaloon, tạo ra một chính phủ mới cho vùng đất. Sau đó tôi lại ngủ tiếp.
Đến tối, Ayesha đứng trước giường tôi.
“Mọi thứ đã chuẩn bị xong,” nàng nói. “Tỉnh dậy đi và đi cùng ta.”
Và chúng tôi lên đường, được một nghìn kỵ binh hộ tống, vì số còn lại đang ở lại chiếm đóng, hoặc không chừng để cướp bóc mảnh đất Kaloon. Trước thi thể Leo là một tốp tu sĩ, theo sau là Ayesha che mặt và tôi đi bên nàng.
Tương phản kỳ lạ giữa lúc tới và lúc chúng tôi ra đi.
Lúc đó các đoàn quân vội vã, thời tiết dữ dội, sấm chớp chói lóa xuyên qua màn mưa đá nhảy múa; âm thanh tuyệt vọng từ đội quân cuộn trong máu dưới bánh xe sấm sét.
Bây giờ cái xác phủ vải trắng, những con ngựa đi chậm rãi, người cưỡi ngựa mang giáo mác dự phòng, trong ánh trăng u buồn, phụ nữ Kaloon đang chôn cất cho vô số người chết.
Còn bản thân Ayesha, hôm qua là nữ thần Valkyrie trên đỉnh mang vì sao rực lửa, hôm nay đã thành một phụ nữ có tang đang khiêm tốn đưa chồng mình tới nấm mồ.
Nhưng họ sợ hãi nàng biết bao! Vài quả phụ đứng bên hố mộ vừa đào, chỉ vào thi thể Leo khi chúng tôi đi qua, thốt ra những lời cay đắng tôi không nghe được. Khi đoàn người đi qua bị họ ném, muốn đánh nàng bằng nắm đấm và cuốc thuổng, họ quì lạy trên mặt đất, ném bụi cát lên tóc tai đoàn người làm dấu hiệu cho rằng đây là vị nữ tu sĩ của Tử Thần.
Ayesha nhìn họ, nói với tôi vài lời về ngọn lửa cổ xưa và lòng kiêu hãnh của nàng – “Ta sẽ không đặt chân tới đồng bằng Kaloon nữa, ta sẽ cho đám người không nhượng bộ này một bài học chúng cần tới lâu dài làm quà chia tay. Để nhiều thế hệ tới, hỡi O Holly, chúng không dám nâng giáo chống lại Học Viện Hes và các Bộ Lạc của chúng ta.”
Lại đến đêm, nơi đây từng đặt thi thể một vị Khan, người cậu ấy đã giết, hai bên là những cột lửa bùng cháy, quan tài Leo đặt sâu trong Điện Thờ, trước bức tượng Đức Mẹ có đôi mắt dịu dàng không thay đổi dường như đang tìm kiếm gương mặt yên tĩnh của cậu.
Trên ngai vàng, Hesea che mặt ngồi đó, ra lệnh cho các nam nữ tu sĩ.
“Ta mệt rồi,” nàng nói, “có lẽ ta sẽ để các ngươi lại một lúc để đi nghỉ ngơi – bên ngoài dãy núi. Một năm, hoặc một nghìn năm – ta không thể nói được. Nếu vậy, hãy để Papave, cùng Oros, người tư vấn và chồng cô ấy cùng con cái họ, giữ vị trí của ta cho tới khi ta quay lại.”
“Hỡi các nam nữ tu sĩ của Học Viện Hes, trên những lãnh thổ mới ta đang giữ trong tay, hãy trông giữ chúng coi như di sản của ta, hãy cai trị chúng thật tốt và khoang dung. Từ nay trở đi, hãy để Hesea của Ngọn Núi cũng là Khania của Kaloon.”
“Hỡi các nam nữ tu sĩ của tôn giáo cổ xưa, hãy tìm hiểu các nghi lễ và dấu hiệu của nó, đưa chúng ra ngoài để Linh Hồn thông linh nhìn thấy được. Nếu nữ thần Hes không còn cai trị trái đất nữa, thì vẫn sẽ thương xót các qui tắc của Mẹ Tự Nhiên. Nếu cái tên Isis không còn vang trên cung điện Thiên Giới, thì trên đó tình yêu vẫn chứa chan, người vẫn chăm sóc những đứa con nhân loại của người trong lồng ngực, vẫn mang Tình Mẹ vĩ đại như bức tượng này làm biểu tượng, Tình Mẹ sinh ra chúng ta, không lãng quên, luôn trung thành và sẽ đón nhận chúng ta vào phút cuối.”
“Vì bánh mì mang cay đắng, chúng ta sẽ không ăn mãi, vì nước mắt, chúng ta sẽ không uống mãi. Sau màn đêm, mặt trời huy hoàng sẽ tới; cầu vồng vẫn tỏa rạng quanh cơn mưa. Dù chúng trượt khỏi bàn tay nắm giữ của chúng ta như tuyết tan, sinh mệnh chúng ta mất đi sẽ bất diệt, từ trong đống lửa hy vọng nhân sinh đang cháy kia, vì sao thiêng liêng sẽ mọc lên.”
Nàng dừng một lúc và vẫy tay như thể xua đuổi họ, sau đó chỉ vào tôi và nói thêm – “Người đàn ông này là bạn của phu quân ta và là khách của ta. Hãy để ông ấy cũng là bạn các ngươi. Nguyện vọng của ta chính là các ngươi hãy bảo vệ ông ấy ở đây, khi tuyết tan và mùa hè tới, các ngươi hãy đưa ông ấy qua vực và vượt qua dãy núi, tới khi ông ấy an toàn. Hãy nghe và đừng quên, hãy chắc chắn với ta rằng các ngươi sẽ chịu trách nhiệm về ông ấy.”
Màn đêm bị hút dần về phía bình minh, chúng tôi đứng trên đỉnh núi, bên vực sâu rực lửa, chỉ bốn chúng tôi – Ayesha và tôi, Oros và Papave. Vì những người khiêng đã đặt thi thể Leo xuống bờ vực và đi hết. Tấm rèm lửa bùng lên trước mặt chúng tôi, đỉnh của nó uốn cong như con sóng trong gió mạnh, dưới cơn gió, lần lượt trôi nổi từng đám mây bị xé nát và các lưỡi lửa. Ayesha quì bên Leo đã chết, nhìn vào gương mặt băng giá đang mỉm cười của cậu, nhưng không nói lời nào. Cuối cùng nàng đứng dậy, và nói – “Bóng tối đã tới gần rồi, Holly, bóng tối thăm thẳm đi trước vinh quang của bình minh. Sắp chia tay chỉ trong ít giờ nữa thôi. Khi ngươi sắp chết, trước đó, hãy gọi ta, ta sẽ tới bên ngươi. Đừng nhúc nhích và đừng nói gì cho tới khi mọi thứ đã xong xuôi, khi ta không còn ở đây nữa để bảo vệ ngươi, Sự Hiện Diện nào đó sẽ tới giết ngươi.”
“Đừng nghĩ ta đã bị thu phục, vì giờ tên ta là Thần Chiến Thắng! Đừng nghĩ sức mạnh của Ayesha đã hết hay câu chuyện của nàng đã kết thúc, vì ngươi mới đọc được một trang thôi. Đừng nghĩ ngay cả khi ta hôm nay là thứ tội lỗi và kiêu hãnh, Ayesha ngươi yêu mến và sợ hãi, ta là người yêu và hy sinh vì phu quân của ta, một lần nữa lại thụ thai linh hồn mình. Nhớ rằng từ bây giờ, một lần nữa lại như lúc ban đầu, linh hồn chàng và linh hồn ta là một.”
Nàng suy nghĩ một lúc rồi nói thêm,
“Người bạn, hãy cầm cây vương trượng này để nhớ về ta, nhưng hãy cẩn thận khi sử dụng, trừ khi phút cuối muốn triệu gọi ta, vì nó có thánh đức,” rồi nàng đưa cho tôi cái Trống nạm châu ngọc nàng đang cầm – và nói,
“Hãy hôn lên trán chàng đi, lui lại, đứng yên đó.”
Giờ bóng tối một lần nữa tụ tập quanh cái hố, dù tôi không nghe thấy lời cầu nguyện nào, dù giờ không có tiếng nhạc hào hùng nào phá vỡ không gian im lặng, dù đêm tối gió quần quật thổi, ngọn lửa hình đôi cánh vẫn hiện ra bay lượn nơi Ayesha đứng.
Nó xuất hiện, nó biến mất, lần lượt từng phút dài rón rén trôi qua cho tới khi lưỡi giáo đầu tiên của bình minh chiếu trên đỉnh tảng đá.
Than ôi! Nó trống rỗng, hoàn toàn trống rỗng và đơn độc. Cái xác của Leo đã biến mất, Ayesha uy quyền và thần thánh cũng biến mất.
Nàng đã đi đâu? Tôi không biết. Nhưng lúc này tôi biết, khi ánh sáng trở lại và cột lửa lớn bùng lên gặp nhau, tôi hình như đã nhìn thấy hai bóng hình lộng lẫy quét qua lòng chúng, gương mặt họ là của Leo và Ayesha.
Thường xuyên trong suốt những tháng mệt mỏi sau này, khi tôi lang thang trong điện thờ hay giữa mùa đông tuyết rơi trên sườn Ngọn Núi, tôi vẫn tìm kiếm lời giải cho câu hỏi này – Nàng đã đi đâu? Tôi hỏi trái tim mình; tôi hỏi bầu trời; tôi hỏi linh hồn của Leo vẫn thường rất gần bên tôi.
Nhưng không chắc câu trả lời sẽ tới, tôi cũng không bị ai đe dọa. Vì nguồn gốc và các kiếp sống của Ayesha phủ đầy thần bí – tôi không bao giờ biết được sự thật về những chuyện đó – lớp vỏ thần bí phủ lên những cái chết của nàng, hay thực ra là những lần ra đi của nàng, vì tôi không thể cho rằng nàng đã chết. Chắc chắn nàng vẫn còn tồn tại, nếu không phải trên trần thế, thì hẳn là ở một tinh cầu nào khác chăng?
Tôi tin là vậy; và khi giờ phút của tôi tới, nó sẽ rất nhanh thôi, tôi sẽ biết mình có tin tưởng vô ích không, hay nàng sẽ hiện ra làm người dẫn đường cho tôi như lời cuối của nàng, nàng đã thề nàng sẽ làm thế. Sau đó, tôi cũng sẽ biết nàng sắp sửa tiết lộ với Leo điều gì khi cậu chết, mục đích của hóa thân và tình yêu của họ là gì.
Vì thế tôi có thể kiên nhẫn chờ đợi vì sẽ không phải đợi quá lâu nữa, dù trái tim tôi đã tan nát và tôi đang lẻ loi.
Oros và các tu sĩ rất tốt với tôi. Quả thực, ngay cả nếu đó là mong ước của bọn họ, họ cũng vẫn sợ đối xử khác đi, họ luôn ghi nhớ và tin chắc họ phải chịu trách nhiệm về chuyện này với nữ hoàng đáng sợ kia. Khi quay lại, tôi đã giúp họ một cách tốt nhất có thể để vạch ra kế hoạch thành lập chính quyền cho đất nước Kaloon vừa bị thu phục, tôi đã tư vấn cho nhiều vấn đề khác nữa.
Cuối cùng những tháng đằng đẵng đã trôi qua, tới mùa hè, tuyết tan dần. Tôi nói mình phải ra đi. Họ cho tôi rất nhiều của cải bằng châu báu, nhưng tôi chỉ cần một ít tiền làm phí thông hành, vì vàng có nhiều bao nhiêu cũng rất nặng với một người cô độc. Họ dẫn tôi qua đồng bằng Kaloon, nơi bây giờ nông dân, những người còn sống sót, đang cày cấy và gieo hạt, sự sống cứ thế tiếp diễn trong thành phố này. Giữa những đống đổ nát cháy đen, cung điện của Atene vẫn đứng đó không hư hại gì, tôi không muốn đi vào đó, vì với tôi, nó luôn là ngôi nhà của chết chóc. Vì thế tôi cắm trại bên ngoài thành, bên con sông nơi Leo và tôi đặt chân lên sau khi vị Khan khốn khổ điên rồ kia thả chúng tôi tự do, đúng hơn là khiến chúng tôi bị bầy chó săn tử thần săn đuổi.
Ngày kế tiếp, chúng tôi đi thuyền qua sông, qua nơi chúng tôi từng thấy người họ hàng của Atene bị giết hại, rồi tới ngôi nhà Cánh Cổng. Tôi lại một lần nữa ngủ ở đây, thực ra không ngủ nổi.
Sáng hôm sau, tôi đi xuống khe núi và kinh ngạc thấy dòng nước chảy rất nhanh – dù khá nông – đã được bắc cầu thô sơ, chuẩn bị cho tôi đi qua bằng thang dây đơn giản nhưng khá ổn, đối mặt với vách núi bên kia. Dưới chân, tôi tạm biệt Oros, người đã mỉm cười hiền hậu vào ngày chúng tôi gặp nhau.
“Chúng ta đã cùng nhau nhìn thấy nhiều điều ly kì,” tôi nói với ông ấy, không biết nói gì nữa.
“Rất li kì,” ông ấy trả lời.
“Ít ra, ông bạn Oros ạ,” tôi khá lúng túng tiếp tục, “các sự kiện đó tạo ra lợi thế cho ngài, vì ngài đang kế thừa hoàng vị.”
“Ta đang quấn mình trong tấm áo hoàng gia mượn được,” ông ấy trả lời một cách chính xác, “không nghi ngờ gì, một ngày nào đó ta sẽ bị tước đi.”
“Ngài muốn nói Ayesha vĩ đại không chết ư?”
“Ta muốn nói Người không bao giờ chết. Người chỉ biến đổi, thế thôi. Giờ cơn gió đó đang thổi như thế, Người đến và đi như thế, ai có thể nói được ở nơi nào trên thế gian, hay ngoài thế gian, cơn gió đó sẽ nằm ngủ một lúc chứ? Nhưng lúc bình minh hay hoàng hôn, buổi trưa hay nửa đêm, nó sẽ thổi trở lại, sau đó thật đau đớn cho những ai bước đi trên con đường của nó.”
“Hãy nhớ xác chết chất hàng đống trên đồng bằng Kaloon. Hãy nhớ tới sự ra đi của Pháp Sư Simbri cùng thông điệp của ông ta và lời nhắn nhủ của Người. Hãy nhớ Hesea ra đi từ một điểm trên Ngọn Núi. Hỡi người lạ tới từ phương Tây, chắc chắn ngày mai mặt trời sẽ mọc, như Người ra đi, thì Người sẽ trở lại như thế, trong tấm áo mượn này, ta chờ Người trở về.”
“Tôi cũng chờ nàng trở về,” tôi trả lời, rồi chúng tôi chia tay ở đó.
Đi cùng hai mươi người đàn ông khuân vác mang lương thực, tư trang và vũ khí, tôi trèo lên thang dây khá dễ dàng, giờ tôi đã có thức ăn, nơi trú ẩn, vượt qua dãy núi không gặp chút rủi ro nào. Họ hộ tống tôi xuyên qua sa mạc, chúng tôi cắm trại một đêm trong tầm nhìn của tượng Phật khổng lồ ngồi trước tu viện, đời đời nhìn dọc theo cát và tuyết.
Khi tôi tỉnh dậy ngày hôm sau, các tu sĩ biến mất. Vì vậy tôi mang hành lý và theo đuổi cuộc hành trình một mình, chậm rãi đi, tới hoàng hôn đã đến tu viện xa xa. Ở cửa là một thân ảnh già cỗi, khoác trong chiếc áo choàng rách nát, đang ngồi, dường như đang chiêm nghiệm đất trời. Đó là Kou-en, người bạn già của chúng tôi. Chỉnh lại cặp kính bằng sừng trên mũi, ông ấy nhìn tôi.
“Ta đang đợi ngươi, người anh em của Tu Viện ‘Thế Giới’,” ông ấy nói bằng giọng có chừng mực, nhưng không thể che nổi niềm vui hiển hiện rõ ràng của mình. “Ngươi có đói không mà lại quay về nơi nghèo nàn này?”
“Phải, thưa Kou-en tuyệt vời,” tôi trả lời, “rất đói.”
“Nó sẽ là của ngươi từ nay về sau trong kiếp này. Nhưng nói đi, người anh em kia đâu rồi?”
“Chết rồi,” tôi trả lời.
“Thế thì sẽ được tái sinh ở nơi nào đó hoặc có lẽ, đang mơ mộng trên Chốn Thiên Đàng một lúc. Được rồi, không nghi ngờ chúng ta sẽ gặp lại anh ta sau đó thôi. Đi nào, ăn đi, sau đó hãy kể cho ta câu chuyện của ngươi.”
Tôi ăn uống, đến tối tôi kể cho ông ấy nghe tất cả. Kou-en lắng nghe chăm chú và tôn trọng, nhưng câu chuyện khá ly kỳ với hầu hết mọi người, lại không làm đầu óc ông ấy phấn khích hay thắc mắc. Quả thực, ông ấy giải thích cho tôi bằng sự trợ giúp của học thuyết về tái sinh tuyệt hảo, cuối cùng khiến tôi bắt đầu ngủ gật.
“Ít ra,” tôi ngáp ngủ nói, “có lẽ chúng tôi đều đã dành được công phúc trên Thế Giới Vĩnh Hằng,” vì tôi nghĩ khẩu hiệu yêu thích đó có thể làm ông ấy hài lòng.
“Đúng, người anh em của Tu Viện Thế Giới,” Kou-en trả lời bằng giọng nghiêm túc, “không nghi ngờ gì nữa, các ngươi đều đã dành được công phúc, nhưng nếu ta dám nói như vậy, ngươi sẽ dành được nó rất chậm, đặc biệt người phụ nữ - hay nữ phù thủy – hay linh hồn ác quỉ hùng mạnh kia – người ngươi kể cho ta có tên là She, Hes, hay Ayesha trên trần thế, còn trong Avichi (còn gọi là Atỳ, Cõi Thứ Tám, Huyết Trì Địa Ngục, hay Vô Gian Địa Ngục), cô ta là Thiên Thần Sa Ngã – “
(Đến đây bản thảo của Ngài Holly kết thúc, các trang tiếp theo đã bị thiêu cháy khi ngài ném vào đống lửa trong ngôi nhà bên bờ biển Cumberland.)
-          HẾT – 


Tác phẩm gốc: Ayesha - Return of SHE (H.R. Haggard)
           Dịch bởi: Cheryl Pham




Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?

Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ...