Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

Những founder thành công nhất thế giới xử lý thất bại như thế nào?


Những nhà sáng lập thành công nhất thế giới xử lý thất bại như thế nào?


Ảnh từ JotForm.com

Thất bại.

Đối với nhiều nhà sáng lập doanh nghiệp mới khởi nghiệp, nó như một huy hiệu danh dự được đeo lên với niềm tự hào hơn cả chiếc áo hoodies giá chat, Apple watch hay những đôi giày đế len merino.

Triết lý “thất bại nhanh chóng; thất bại thường xuyên” thậm chí đã truyền cảm hứng cho FailCon, một hội nghị chỉ dành riêng để nói về thất bại.

“Trong thế giới khởi nghiệp, thất bại gần như đồng nghĩa với kinh nghiệm học tập.” – Erica Zidel, nhà sáng lập công ty giữ trẻ trực tuyến.

“Việc là một nhà sáng lập từng thất bại trước đó sẽ gửi tín hiệu đến cộng đồng rằng bạn đã trải qua chuyện này trước đây, và bạn đã thu thập được thông tin về cái gì không vận hành trôi chảy, được vũ trang tốt hơn để tạo ra thứ gì đó có thể vận hành được.”

Không may làm sao, hầu hết các startup đều giải thể chỉ 20 tháng sau chu kỳ tài chính cuối cùng, điều này đặt ra hai câu hỏi quan trọng:
-                      Thất bại có hoàn toàn cần thiết trên con đường tới thành công trong kinh doanh không?
-                      Và nếu có thì bao nhiêu thất bại mới đủ? Hay bao nhiêu thất bại sẽ bị coi là quá nhiều?

Theo nhà đầu tư mạo hiểm Bruno Bowden nói với tờ Guardian, các nhà đầu tư chỉ chịu đựng thất bại tới một điểm nhất định. Ông ấy nói:

“Bạn không thể nhận được tài trợ trừ khi bạn đáng tin cậy. Một thất bại trước đó có thể OK, nhưng nhiều lần thất bại sẽ làm việc nhận tài trợ trở thành bất khả thi.”

Thẳng thắn mà nói, đây là lý do tôi không bao giờ theo đuổi đầu tư mạo hiểm. Tôi không muốn đưa ra quyết định vội vàng về sự phù hợp của sản phẩm với thị trường, tuyển dụng và các yếu tố quan trọng khác có thể khiến tôi thất bại cực kỳ chóng vánh.

Tôi muốn xây dựng một cái gì đó có thể dài lâu. Điều đó có nghĩa là ưu tiên lợi nhuận so với tăng trưởng ngay từ ngày đầu tiên – kể cả khi trụ sở của JotForm có thể phải nằm trong phòng ngủ ở New York của tôi lâu hơn tôi muốn.

Không có nghĩa là tôi không gặp nhiều thất bại. Chỉ là tôi có thêm thời gian để sửa chữa hơn những người bạn dựa vào dòng vốn mạo hiểm. Khi tôi nhìn lại những thất bại buổi đầu của mình, nói chung chúng thường rơi vào hai loại:
-                      1. Thất bại hiệu suất: những sai lầm này dạy tôi rất nhiều về phát triển phần mềm, tinh thần kinh doanh và bản thân. Trong một số trường hợp, chúng còn đóng vai trò chất xúc tác cho thành công tương lai.
-                      2. Những thất bại không cần thiết: thật buồn khi phải nói rằng những sai lầm này lẽ ra có thể tránh được nếu lập kế hoạch, nghiên cứu và được chỉ dẫn tốt hơn. Thú thật, tôi vẫn nhìn lại và thấy xấu hổ về chúng.

Không phải mọi thất bại đều được tạo ra như nhau – một số được văn hóa ủng hộ thất bại của Thung Lũng Silicon che dấu đi.

“Thất bại nhanh chóng và thất bại thường xuyên” chỉ đạt được thành công khi:
a)                  Biết phân biệt rõ ràng giữa hai loại thất bại đó và
b)                  Có khả năng tăng thất bại hiệu suất, đồng thời làm giảm các thất bại không cần thiết.

Thất bại hiệu suất đóng góp vào thành công như thế nào?

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Learning Sciences, thất bại hiệu suất thực sự có thể giúp người ta thành công hơn.

Trong thí nghiệm theo dõi sự tiến bộ của hai lớp học các kỹ năng toán từ cùng một giáo viên hướng dẫn, các nhà nghiên cứu thấy rằng thất bại có thể là chất xúc tác cho việc học sâu hơn, cho cả việc đổi mới và giải quyết vấn đề vượt trội.

Vì thế, không ngạc nhiên khi một số người sáng tạo nhất thế giới lại là những người từng thất bại nhất.

Albert Einstein, Walt Disney, và Steven Spielberg chỉ là một vài cái tên nổi tiếng từng trải qua những thất bại ghi trong sử sách trên con đường tới thành công.

Hãy nhìn vào ví dụ Disney – biên tập viên tờ báo ngày trước của ông đã nói ông trùm tương lai này “thiếu trí tưởng tượng và không có ý tưởng nào hay ho cả”.

May cho chúng ta, Disney không thèm lắng nghe và tiếp tục chiến đấu với những dự án thất bại trước khi tạo ra những thước phim hoạt hình được cả trẻ em và người lớn yêu thích.

Rõ ràng có nhiều yếu tố cá nhân tác động đến cách một người xử lý các thất bại của họ ra sao. Tuy nhiên, những người gặp thất bại hiệu suất dường như tiếp cận cuộc sống theo cách tương tự.

Những người thành công nhất thế giới xử lý thất bại như thế nào?

1.                Họ không bao giờ đổ lỗi

Nhiều người trong chúng ta được dạy khi còn nhỏ rằng, phải thừa nhận sai lầm chứ không được đổ lỗi. Có lẽ đó là lý do tại sao rất ít nhà lãnh đạo các tổ chức có thể khuyến khích, thảo luận và tưởng thưởng cho thất bại hiệu suất.

Amy Edmonson – giáo sư về quản lý và lãnh đạo tại trường Kinh Doanh Harvard nói: “Các giám đốc điều hành tôi từng phỏng vấn trong các tổ chức khác nhau như bệnh viện hay ngân hàng đầu tư đều thừa nhận phải đắn đo: làm sao họ có thể phản ứng một cách xây dựng với các thất bại mà không làm nảy sinh thái độ ‘thế nào cũng được’? Nếu người ta không bị khiển trách khi thất bại, thì có gì đảm bảo rằng họ sẽ cố hết sức có thể để làm việc tốt hơn?”

Edmonson cho rằng điều đó xảy ra do một giả định sai lầm rằng hầu hết các thất bại đều là cố ý.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lại chỉ ra rằng phần lớn các thất bại đều không thực sự đáng trách; một số liên quan đến sự phức tạp và một số khác lại thậm chí còn cần thiết cho đổi mới.

Edmonson nói: “Khi tôi yêu cầu các giám đốc điều hành… ước tính có bao nhiêu thất bại trong tổ chức của họ thực sự đáng trách, câu trả lời của họ thường chỉ ở một chữ số - từ 2% đến 5%. Nhưng khi tôi hỏi có bao nhiêu người liên quan đến nó đáng trách, họ đều nói (sau khi dừng một chút hoặc cười to lên) từ 70% đến 90%.”

Hậu quả thật không may là nhiều thất bại đã không được báo cáo, khiến nhân viên và nhà tuyển dụng đều bỏ lỡ những cơ hội học tập có giá trị.

Rõ ràng trách nhiệm tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp rõ ràng minh bạch nằm ở quản lý cấp cao.

Tuy vậy chúng ta đều cố gắng tự tiếp tục theo hướng dễ dàng hơn khi mọi thứ không theo kế hoạch.

Bằng việc “sở hữu” thất bại một cách tự tin, và lãnh nhận hậu quả những gì đã xảy ra, tự nhiên chúng ta sẽ tranh thủ được sự hỗ trợ của các thành viên trong nhóm – những người muốn chúng ta thành công.

2.                Họ thất bại nhỏ

Những cá nhân thành công nhất thế giới dường như cũng nhận ra tầm quan trọng của “thất bại nhỏ”.

Tác giả Peter Sims mô tả quá trình đặt cược rủi ro thấp trong cuốn Little Bets: How to Break Ideas Emerge from Small Discoveries (Cược nhỏ: Làm sao tách những ý tưởng đột phá từ những khám phá nhỏ). Trong cuốn sách, Sims mô tả chi tiết cách các nhà lãnh đạo của nhiều ngành công nghiệp khác nhau kiểm tra ý tưởng của họ bằng cách chấp nhận những rủi ro có tính toán.

Ví dụ, diễn viên hài nổi tiếng thế giới Chris Rock được biết đến khi kể những câu chuyện cười mới tại những tụ điểm nhỏ. Anh ta “bỏ bom” rồi ném đi vô số câu chuyện không tạo hiệu ứng.

Khái niệm thất bại nhỏ cũng không kém phổ biến trong cộng đồng doanh nhân.

Những nhà sáng lập nổi tiếng như Jeff Bezos của Amazon, Reid Hoffman của LinkedIn và Ariana Huffington của The Huffington Post đều thất bại dưới danh nghĩa những thử nghiệm cải tiến.

Andrew Filev, CEO và nhà sáng lập của Wrike nói: “Nhiều người nghĩ rằng thất bại là dấu hiệu của sự bất tài cá nhân và cố tránh nó bằng mọi giá. Nhưng khi bạn nhìn nhận việc xây dựng doanh nghiệp như một chuỗi các thử nghiệm, bạn sẽ bắt đầu thấy thất bại là một bước không thể tránh khỏi trong quá trình đó.”

Tại JotForm, chúng tôi thường xuyên tổ chức các tuần hack nhằm khuyến khích nhân viên chấp nhận rủi ro cho phép họ thất bại nhỏ.

Ví dụ, năm ngoái, chúng tôi mất 326 ngày cho một đợt phát hành sản phẩm lớn.

Mỗi lần làm việc với buổi ra mắt lớn như vậy, chúng tôi sẽ giữ sản phẩm lớn dưới vỏ bọc, còn đưa sản phẩm mới hay một phiên bản nào đó cho một nhóm thử nghiệm nhỏ.

Chúng tôi bắt đầu với 1% số người dùng làm cơ sở, rồi từ đó xây dựng dần lên tới 10%.

Hệ thống này cho phép chúng tôi thu thập thông tin phản hồi hiệu quả, tìm ra căn nguyên vấn đề, và so sánh phiên bản mới với các bản trước đó.

Thử nghiệm là điều cần thiết – và đó là cách tốt nhất để làm đẹp bản release của bạn nhờ lắng nghe một tỷ lệ nhỏ người dùng một cách hiệu quả, mà lại không gặp phải nguy cơ làm mất lòng tất cả.

3.                Họ tư duy trên những bài học kinh nghiệm

Thất bại dường như phổ biến trong thế giới kinh doanh hơn bao giờ hết.

Nhớ rằng thời gian trung bình để một công ty lọt vào bảng S&P 500 Index năm 1937 là 75 năm. Ngày nay, một công ty trung bình chỉ tồn tại trên thị trường chứng khoán khoảng 15 năm.

Thất bại và đổi mới đi đôi với nhau. Thứ là xúc tác cho thành công của công ty này lại thường là nguyên do làm sụp đổ công ty khác.

Thung lũng Silicon nổi tiếng với việc xuất bản công khai sau khi một công ty hay một nhân vật chết đi hay gặp khủng hoảng, mô tả chi tiết những sai lầm đã gặp phải, những bài học thu được, và các kế hoạch để tiến về phía trước.

Tuy nhiên, rất ít cá nhân dành thời gian đánh giá sâu sắc những nỗ lực thất bại. Tất nhiên tôi không định nói về việc lái xe vòng vèo như mất trí rồi tự mắng mỏ bản thân về những việc lẽ ra chúng ta có thể làm tốt hơn.

Tôi đang đề cập đến loại suy nghĩ thúc đẩy các cá nhân hướng về nguyên nhân thực sự của khó khăn trở ngại họ gặp phải.

Tất nhiên, người ta có thể giả thiết rằng có sự tương quan giữa tỷ lệ thất bại cao hơn và độ phản xạ của tổ chức sâu hơn. Nhưng đó không phải là vấn đề.

Graham Young, phó chủ tịch của Graham Theodor & Co và cộng tác viên của Fast Company nói: “Phần quan trọng nhất của quá trình mà 90% mọi người không làm, là dành vài phút để nghĩ về những gì đã xảy ra và thành thật một cách tàn nhẫn với chính mình về lý do tại sao nó xảy ra.”

4.                Họ biến nó thành trò chơi

Cuối cùng, rõ ràng những người thành công nhất thế giới đều không biến nó thành quá nghiêm túc.

Chắc chắn họ quan tâm sâu sắc về khát vọng, mục tiêu, và lợi nhuận của họ.

Nhưng vào cuối ngày, họ thấy đời như một sân chơi. Những thử thách bất ngờ, những khúc ngoặt, và ngã rẽ chỉ là một phần của trò chơi.

Giống như Ray Dalio, nhà sáng lập Bridgewater Associates, nói trong phát ngôn về các nguyên tắc của mình:

“Hãy coi đời như một trò chơi hay một kiểu nghệ thuật chiến tranh. Nhiệm vụ của bạn là tìm cách vượt qua thách thức để đạt được mục tiêu. Trong quá trình chơi trò chơi hay dụng binh, bạn sẽ ngày một thành thạo hơn. Khi bạn giỏi hơn, bạn sẽ tiến lên những cấp độ cao hơn mà trò chơi yêu cầu – và nó sẽ dạy bạn những kỹ năng tuyệt vời hơn.”

Bất kỳ game thủ nào cũng có thể chứng thực chơi game cùng cấp hay chơi đi chơi lại nhiều lần đều nhàm chán và lố bịch. Tương tự như vậy, không ai trong chúng ta muốn “ấn nút” đời mình và giành chiến thắng mà không cần nỗ lực.

Nói một cách đơn giản, chúng ta đều muốn bị thách thức. Và điều đó đòi hỏi ta phải vươn ra ngoài vùng thoải mái để gặp những tình huống lạ lẫm. Trong bối cảnh này, đời thực trở thành trò chơi tối cao.

Charles Chu, sáng lập dự án Polymath, nói: “Có trò chơi nào phức tạp hơn, khó hơn và thật hơn chính đời thực kia chứ?”

“Trò chơi hóa không phải là coi thường cuộc đời. Đó là tái định hình cuộc đời – và thất bại – theo cách vui vẻ.” Khi chúng ta nhìn nhận những thất bại trong chuyên môn và cá nhân theo khái niệm chơi game, những thất bại nhận thức được sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Và thử thách đạt được thành công trong vòng kế tiếp có thể giúp ta cảm thấy mạnh mẽ hơn.

Những rào cản chúng ta gặp phải sẽ khiến chúng ta không còn nản lòng nữa chứ?

Không, nhưng chúng ta càng gặp thất bại hiệu suất, thì chúng ta càng ít thất bại thực sự hơn – và tôi thấy rằng điều đó rất đáng khích lệ.

Aytekin Tank
Ngày 9 tháng 12 năm 2018

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2018

Khi Self - Help chỉ làm đời bạn thêm tồi tệ


Khi Self – Help chỉ làm đời bạn thêm tồi tệ




Ngày đó, bắt đầu với Internet. Mỗi lần nàng online, Kinkolo dường như lại được phục vụ bằng một câu chuyện về nhân vật thành đạt nào đó làm những việc to tát: điều hành doanh nghiệp, chiến thắng các giải thưởng lớn, kiếm hàng triệu đô.

Kinkolo, sinh viên năm thứ hai trường đại học King ở London, lúc đó đã tiêu hóa hết những câu chuyện ấy. Nàng muốn là một mẫu người thành công, dù chưa chắc sẽ là dạng nào. Có lẽ bắt chước những nhân vật nàng đã được đọc hay nghe về họ - thói quen, hành vi thường nhật, suy nghĩ những gì họ nghĩ trước khi đi ngủ… - có thể giúp nàng khám phá ra gì đó. Nàng đắm chìm vào nền văn hóa self – help, bắt đầu bằng việc dậy sớm tập yoga và thiền, tô thời gian biểu với những màu sắc nhất định. Gồng lưng để tối đa hóa thời gian càng nhiều càng tốt, nàng làm To Do List, rồi tuân thủ nó chặt chẽ; nàng download các app về productivity để có cảnh báo kịp thời khi thời gian một việc nào đó nàng làm sắp hết.

Một hôm, nàng chạy vào thư viện trường, vừa lấy sách dựa theo một tờ giấy, vừa tick vào những thứ trên app, rồi nàng nhỡ một nhịp và ngã xuống cầu thang, gãy mắt cá chân. Tại bệnh viện, khi bác sĩ và y tá tới lui phòng bệnh, nàng vẫn tiếp tục làm việc trên laptop, kẻo app lại nhắc nhở nàng công việc bị trễ.

Suốt nhiều năm nữa hẳn nàng cũng chả có điểm dừng – nhưng mùa hè năm nay, sau khi tốt nghiệp với hai tấm bằng cùng hiệu suất điên cuồng, Kinkolo, giờ 23 tuổi, cuối cùng cũng kiệt sức. Hiện giờ nàng đang nghỉ ngơi, sống với bố mẹ ở quê nhà Paris, tìm hiểu xem nàng nên làm gì tiếp theo, và đi theo một phong cách sống hoàn toàn khác với những gì trước đây nàng đã tưởng tượng ra cho mình. Nàng không làm To Do List hay xài các app đo hiệu suất nữa, cũng không hành thiền mỗi sáng. Nàng nói: “Tôi không bao giờ mong mình sẽ nghỉ ngơi cả triệu lần. Đó là điều kì lạ nhất và khó khăn nhất, cũng thách thức nhất mà tôi từng làm trong đời.” Trong thời gian nghỉ ngơi, Kinkolo đã làm việc với một nhà trị liệu cố gắng thay đổi quan điểm của nàng về “thành công” và về việc theo đuổi mục tiêu không ngừng. “Đã tới cảnh tôi không còn tác dụng gì nữa. Tôi đã để các To Do List, các apps và các thói quen điều khiển cuộc đời thay tôi.”

Trong những năm gần đây, nỗ lực tự cải thiện (self – improvement hay self – help) như Kinkolo đã giúp tăng trưởng thành một ngành công nghiệp: ngành công nghiệp self - help. Thị trường self – help ở Mỹ có giá trị gần 10 tỷ đô năm 2016 và ước tính tăng lên 13 tỷ đô vào năm 2022. Sức hấp dẫn của nó thật dễ hiểu: làm sao lại không vui khi nghĩ bạn có thể theo đuổi một thói quen được quảng cáo bám rễ trong tiềm thức hòng tối ưu hóa thời gian, tài nguyên và chính bản thân bạn.

Jeremy Montemarano, một nhà trị liệu tâm lý ở Spring, Texas nói: “Đời rất phức tạp, nhưng self – help khiến bạn cảm thấy luôn có giải pháp cho mọi vấn đề của bạn, ngay trong một bản hướng dẫn 5 hay 10 bước thôi. Hầu hết thay đổi trong đời cần thời gian và xử lý, trong trường hợp sức khỏe tâm thần, còn phải làm việc với chuyên gia. Cho nên thật hấp dẫn khi chọn được thứ hứa hẹn sẽ bỏ qua tất cả các cái đó, mà chỉ cần nỗ lực và một phần chi phí.”

Sự cám dỗ thường được kết hợp với phương tiện truyền thông xã hội và các bài báo cung cấp một cửa sổ được chỉnh sửa cẩn thận hé lộ lịch trình kinh người của ai đó. “Khi bạn có nhiều quyền truy cập hơn vào cuộc đời người khác, kể cả dù bạn biết chúng đã được chọn lọc, cũng rất dễ xảy ra những vấn đề không giống như khi bạn thật sự ở đó, vì bạn đang nghĩ bạn ở phía sau.” – Montemarano nói thêm.

Một số trường hợp, đào sâu vào thế giới self – help có thể gây phản tác dụng, thậm chí có hại. Chống lại nó là chống lại những người tìm kiếm một cái gì đó đồng thời vừa ít thuế lại vừa hoàn toàn phù hợp hơn.

Trớ trêu thay, một trong những cạm bẫy lớn nhất khi bắt tay vào hành trình self – help là nó có thể cản trở bất kỳ thay đổi thực sự nào – rất dễ che giấu đằng sau những hành vi thường nhật và thói quen thay vì giải quyết các vấn đề lớn hơn. Kinkolo quay lưng lại với To Do List và các thói quen thường nhật khi nàng nhận ra tháng ngày của nàng thật thiếu ý nghĩa. “Tôi đã từng thích mỗi ngày của mình đều có cấu trúc, nhưng đã tới lúc những thứ tôi đang làm đều vô nghĩa. Tôi trở nên bị ám ảnh với việc kiểm tra mọi thứ trong To Do List hơn là nghĩ về công việc tôi đang làm.”

Perpetua Neo, một nhà tâm lý học và huấn luyện điều hành ở Brighton, Anh, cho biết: “Self – help có thể là một sự xao lãng hoặc thoát khỏi các mối quan hệ, hoặc tạo ra ý nghĩa trong cuộc sống hay cộng đồng của bạn. Chẳng hạn, khi người ta chần chừ, có thể không phải vì họ không thể tập trung hoặc không biết cách quản lý công việc – có thể họ chỉ ghét công việc này. Nhưng họ sẽ chối bỏ bản thân vì nghĩ có lẽ quá muộn, quá khó, hoặc lúng túng thay đổi, thế là họ đọc về những cách thức giúp mình có thể ngừng việc trì hoãn này.”

Đôi khi các vấn đề bị che đậy còn nghiêm trọng hơn. Sau khi trở thành mẹ lần đầu, Shereen Thor, một người chuyên đào tạo về lối sống ở Los Angeles, cảm thấy bất ổn vì những cảm xúc liên tục thay đổi của mình. “Một ngày nào đó tôi có thể sẽ ổn. Hôm sau tôi lại có thể khóc được ngay. Ngày sau nữa, tôi lại nổi điên. Vì tôi từng là một người lạc quan và ổn định về cảm xúc, nên đến tận lúc này, tôi vẫn nghĩ hẳn thế mới là con người của tôi.”

Tin rằng thay đổi thái độ là chìa khóa để thoát khỏi thảm cảnh trước mặt, Thor nhờ các đồng nghiệp cùng đào tạo với mình, họ đã sử dụng các chiến lược điển hình của họ để giúp đỡ cô. Khi cô cảm thấy tốt hơn, chồng Thor thuyết phục cô đến gặp bác sỹ; trong chuyến khám bệnh đó, cô mới biết vấn đề thực sự là trầm cảm sau khi sinh. “Huấn luyện thường dựa trên tiền đề rằng bạn chịu trách nhiệm với kết quả của chính bạn, với tiền đề này, tôi tự trách mình không có khả năng kết hợp chúng với nhau. Tôi thực sự tin rằng, nếu tôi không phải là một nhà đào tạo, con đường hẳn sẽ dễ dàng hơn.”

Điều đó cũng không thể nói rằng tất cả những nỗ lực tự cải thiện là vô ích. Giáo sư tâm lý học người Đan Mạch Svend Brinkmann, cũng là tác giả của cuốn sách anti-self help “Stand Firm”, nói: “Rõ ràng có nhiều tầng lớp để tự cải thiện bản thân và tôi không bao giờ chống lại bất cứ ai tổ chức thời gian của họ để họ có thể làm được nhiều việc có giá trị và có ý nghĩa hơn. Tôi chỉ suy nghĩ khi người ta biến việc cải thiện thành mục đích cuộc đời và dành quá nhiều thời gian lo lắng về việc làm sao tối ưu hóa bản thân và lịch trình” – đặc biệt hành trình này không có kết thúc rõ ràng.

Các nhà khoa học nghiên cứu về việc tự cải thiện bản thân thấy rằng không phải mọi thay đổi đều được tạo ra như nhau. Jack Bauer, giáo sư tâm lý học nghiên cứu về phát triển cá nhân tại Đại học Dayton, gần đây đang dẫn dắt một nghiên cứu về các loại chuyện người ta tự kể về những sự kiện quan trọng trong đời và cách chúng ảnh hưởng tới hạnh phúc của họ. “Có nhiều chuyện nói về việc tự cải thiện bản thân, với ý nghĩ rằng tự thân có thể đi từ xấu thành tốt, hay từ tốt thành tốt hơn. Và chúng tôi thấy rằng không chỉ bất kỳ hành động tự cải thiện bản thân liên quan tới hạnh phúc, mà bất kỳ hành động tự cải thiện bản thân nào tập trung vào hành vi và mối quan hệ có ý nghĩa cá nhân, bạn đều có thể làm, vì bạn yêu thích điều đó hoặc yêu thích con người đó. Cải thiện bản thân với mục đích tăng cường hình ảnh hoặc trạng thái bản thân đều không đạt được tác động tương tự.”

Rõ ràng không phải ai cũng nghỉ lễ sabbat để suy nghĩ về những gì họ thực sự muốn. Nhưng dành vài phút mỗi ngày để đánh giá lý do tại sao bạn theo đuổi sự thay đổi có thể mang lại sự phát triển cá nhân phong phú hơn, có ý nghĩa hơn. Có lẽ bạn đang trong hành trình tự cải thiện bản thân vì bạn tin mình có thể phát triển theo một cách cụ thể và quan trọng nào đó, và muốn học các công cụ để đạt được điều đó. Hoặc có lẽ vì bạn thấy đời mình còn cách rất xa “những người thành đạt” – những người mà cuộc đời thường nhật của họ đã bị đẩy ra khỏi thế giới tiêu dùng của chúng ta.

Cẩn thận tập trung vào các dự án và thói quen của riêng bạn có thể giúp bạn khám phá ra bạn làm chúng vì lý do thực sự hiệu quả hay chỉ nhằm tiến gần hơn mục tiêu nào đó ít có kết nối đến những gì bạn thực sự muốn hoặc cần. Rất tốt khi dành thời gian thời gian thay đổi, đánh giá lại, và phấn đấu để trở nên tốt hơn – đó là bản chất tự nhiên của con người: luôn muốn cải thiện. Câu hỏi đặt ra là: bạn thực sự cần bao nhiêu?

Maggie Puniewska
Ngày 5 tháng 12 năm 2018


Bên trong nền văn hóa công ty ám ảnh khách hàng của Amazon: Amazon đổi mới như thế nào?


Amazon đổi mới như thế nào?
Viết tốt là tư duy tốt, ngay cả đối với công ty công nghệ mạnh nhất thế giới này cũng vậy.




Năm 2014, Stephenie Landry đã hoàn thành nhiệm vụ một năm của mình với tư cách cố vấn kỹ thuật cho Jeff Wilke, người giám sát nghiệp vụ tiêu dùng toàn cầu của Amazon. Đây là một chương trình đào tạo cho phép các giám đốc điều hành tiềm năng cao đi theo một nhà lãnh đạo cấp cao và học hỏi trực tiếp. Việc điều chuyển kế tiếp sẽ xác định sự nghiệp của cô.

Tại hầu hết các công ty hiện nay, một người mới nổi như Landry có thể được giao một bộ phận để điều hành hoặc làm việc trong một vụ mua lại lớn. Tuy nhiên Amazon lại khác. Landry đã viết một bản ghi nhớ phác thảo các kế hoạch cho một dịch vụ mới mà cô nghĩ tới, gọi là Prime Now, ngày nay đang cung cấp dịch vụ giao hành một giờ cho khách hàng trên 50 thành phố ở 9 quốc gia.

Việc Amazon là một trong những công ty sáng tạo nhất thế giới không phải là chuyện bí mật. Khởi đầu là một dịch vụ trong thị trường ngách: bán sách online; giờ đây họ không chỉ là nhà bán lẻ thống trị mà còn là nhà tiên phong của nhiều hạng mục mới như điện toán đám mây và loa thông minh. Chìa khóa thành công của họ không phải là bất kỳ một qui trình nào, mà là cách họ tích hợp nỗi ám ảnh khách hàng vào sâu bên trong văn hóa và thực tiễn của công ty.

Bắt đầu với khách hàng và làm việc trước

Trọng tâm của cách Amazon đổi mới là bản ghi nhớ sáu trang được yêu cầu lúc bắt đầu mỗi sáng kiến mới. Điều làm cho nó hiệu quả không phải là bản thân cấu trúc tài liệu đó, mà là cách nó được sử dụng để gắn mục tiêu cuồng tín vào khách hàng ngay từ ngày đầu tiên. Đó là một cái gì đó gây ấn tượng với các nhân viên Amazon ngay từ đầu trong sự nghiệp của mình.

Bước đầu tiên trong việc phát triển Prime Now là viết một thông cáo báo chí. Tài liệu của Landry không chỉ là một kiểu mô tả dịch vụ mà còn bàn đến việc khách hàng sẽ phản ứng với nó như thế nào. Dịch vụ đã ảnh hưởng đến họ ra sao? Điều gì làm họ ngạc nhiên về nó? Họ muốn giải quyết những mối quan tâm nào? Bài tập này buộc cô phải nội tâm hóa cách khách hàng của Amazon có thể suy nghĩ và cảm nhận về Prime Now ngay từ rất sớm.

Bạn thường cần phải đi chậm mới di chuyển nhanh được.

Kế tiếp, cô ấy viết một loạt các câu hỏi đáp thường gặp dự đoán mối quan tâm của cả khách hàng và các bên liên quan trong công ty, như CFO, người vận hành và các lãnh đạo của chương trình Prime. Landry phải tưởng tượng mỗi câu hỏi sẽ có gì, nhóm của cô sẽ giải quyết vấn đề thế nào, rồi sau đó giải thích mọi thứ bằng ngôn ngữ rõ ràng, ngắn gọn.

Toàn bộ điều này xảy ra trước khi cuộc họp đầu tiên tổ chức, trước khi một dòng code đầu tiên được viết, hay trước khi một bản prototype ban đầu được xây dựng, vì công ty tin tưởng mạnh mẽ rằng cho đến khi bạn thấu hiểu được quan điểm của khách hàng, không có gì khác thực sự quan trọng. Đó là chìa khóa cho cách thức hoạt động của công ty.

Văn hóa viết sâu sắc

Không phải ngẫu nhiên mà bước đầu tiên để phát triển một sản phẩm mới tại Amazon lại là một bản ghi nhớ chứ không phải là một bài PowerPoint thuyết trình hay một cuộc họp khởi động (kickoff meeting). Như Fareed Zakaria từng nói: “Tư duy và viết gắn bó chặt chẽ với nhau. Khi tôi bắt đầu viết, tôi nhận ra rằng ‘những suy nghĩ’ của tôi thường là một mớ hỗn độn của những xung động nửa vời, không mạch lạc được xâu chuỗi cùng những lỗ hổng logic giữa chúng.”

Amazon tập trung vào việc xây dựng kỹ năng viết sớm trong sự nghiệp điều hành. Landry nói: “Viết là một kỹ năng quan trọng trong văn hóa của chúng tôi. Tôi đã bắt đầu viết các thông cáo báo chí cho các tính năng và dự án nhỏ hơn. Một trong các bài viết đầu tiên của tôi là về đóng gói nhẫn kim cương. Qua nhiều năm thực hành và huấn luyện, tôi trở nên giỏi hơn.” Có thể viết một bản ghi nhớ tốt cũng là yếu tố then chốt trong sự phát triển tại Amazon. Nếu bạn muốn vươn lên, bạn cần viết – và phải viết giỏi.

Landry cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ngắn gọn. “Giữ cho mọi thứ ngắn gọn tới mức bạn phải suy nghĩ mọi thứ theo cách mà bạn không thể làm khác. Bạn không thể ẩn nấp phía sau sự phức tạp, bạn thực sự phải làm việc với nó.” Hoặc như một nhà lãnh đạo Amazon khác từng nói: “Sự hoàn hảo đạt được khi không còn gì để vứt bỏ.”

Hơn nữa, viết một bản ghi nhớ không phải là một nỗ lực đơn độc; đó là một quá trình hợp tác. Thông thường các nhà điều hành dành một tuần hoặc hơn để chia sẻ tài liệu với các đồng nghiệp, nhận ý kiến phản hồi, mài giũa và điều chỉnh nó cho đến khi mọi khía cạnh có thể được hiểu một cách sâu sắc.

Tái phát minh cuộc họp văn phòng

Một mặt độc đáo khác của văn hóa Amazon là cách các cuộc họp được điều khiển. Trong những năm gần đây, phàn nàn phổ biến trong thế giới văn phòng là làm sao số lượng các cuộc họp trở nên ngột ngạt đến mức khó có thể hoàn thành bất kỳ việc gì. Nghiên cứu từ MIT cho thấy các giám đốc điều hành dành gần 23 giờ một tuần cho họp hành, tăng gần 10 tiếng so với năm 1960.

Tuy nhiên tại Amazon, bản ghi nhớ sáu trang đã cắt giảm số lượng các cuộc họp. Nếu bạn phải dành một tuần để viết bản ghi nhớ, bạn không nên bắt đầu gửi ra lời mời bất cứ khi nào có gì lạ xảy ra với bạn. Tương tự như vậy, công ty thực hành giới hạn số lượng người tham dự tới số người có thể chia sẻ hai phần pizza hạn chế.

Mỗi cuộc họp đều bắt đầu với việc mọi người có khoảng 30 tới 60 phút tiêu hóa bản ghi nhớ. Từ đó, tất cả những người tham dự đều được yêu cầu chia sẻ các phản ứng của họ - thường các lãnh đạo cấp cao sẽ nói cuối cùng – và sau đó họ đi sâu vào những gì có thể thiếu, đặt câu hỏi thăm dò, và xoáy vào những vấn đề tiềm năng có thể phát sinh.

Sự thật là không có con đường “thực sự” nào cho cải tiến vì cải tiến, về mặt cốt lõi, chính là giải quyết vấn đề.

Các cuộc họp tiếp theo cũng tương tự, để xem xét tài chính, trau dồi khái niệm, đánh giá các bản mock-up trong khi nhóm tiếp tục tinh chỉnh các ý tưởng và giả thiết. Landry nhấn mạnh: “Thường đó không phải là phần lớn các phản hồi bạn nhận được. Thực sự nó chỉ là những câu hỏi nhỏ hơn; chúng giúp bạn đạt đến một mức độ chi tiết thực sự mang lại ý tưởng cho cuộc sống.”

Toàn bộ điều này có vẻ cồng kềnh quá mức với những giám đốc điều hành nhanh nhẹn quen ra vào các cuộc họp cả ngày, nhưng bạn thường cần phải đi chậm để di chuyển nhanh hơn. Trong trường hợp Prime Now, dịch vụ này chỉ mất 111 ngày để chuyển từ một ý tưởng trên một tờ giấy tới sản phẩm có mã ZIP ở Manhattan, và nó đã mở rộng nhanh chóng từ đó.

Văn hóa và thực hành cùng tiến hóa

Mỗi công ty đều đổi mới khác nhau. Apple có sự tập trung một cách cuồng tín vào thiết kế. Cam kết của IBM với các nghiên cứu khoa học mức sâu cho phép nó đứng vững và cạnh tranh lâu dài khi hầu hết các đối thủ cạnh tranh đã thất thủ. Google tích hợp một số chiến lược đổi mới thành một tổng thể liền mạch.

Những gì vận hành tốt với một công ty không chắc sẽ vận hành tốt với một công ty khác, đó là thực tế chính CEO của Amazon, Jeff Bezos, đã nhấn mạnh trong một lá thư gần đây cho các cổ đông. “Chúng tôi không bao giờ tuyên bố rằng cách tiếp cận của chúng tôi là đúng đắn – chỉ vì nó là của chúng tôi – và suốt hơn hai thập kỷ qua, chúng tôi đã tập hợp được một nhóm lớn những người cùng chí hướng. Họ thấy cách tiếp cận của chúng tôi tràn đầy năng lượng và có nhiều ý nghĩa.”

Sự thật là không có con đường nào “thực sự” để đổi mới, vì đổi mới, về mặt cốt lõi, chính là giải quyết vấn đề và mỗi doanh nghiệp lựa chọn những vấn đề khác nhau để giải quyết. Trong khi IBM có thể rất vui khi các nhà khoa học của mình làm việc nhiều thập kỷ trên một số công nghệ tối tân và bí ẩn, còn Google sẵn sàng cho phép nhân viên của mình theo đuổi các dự án thú cưng, thì những điều đó có lẽ không có giá trị gì tại Amazon.

Tuy nhiên, điều duy nhất mà tất cả những nhà cải cách vĩ đại đều sở hữu giống nhau là nền văn hóa và thực hành đan xen sâu sắc. Nó khiến những gì họ làm rất khó sao chép. Bất kỳ ai cũng có thể viết bản ghi nhớ sáu trang hoặc bắt đầu một cuộc họp sau một khoảng thời gian đọc hiểu. Đó không phải là những bài thực hành cụ thể nào đó, mà là cam kết với những giá trị mà chúng phản ánh, điều đó thúc đẩy thành công đáng kinh ngạc của Amazon.

Greg Satell
Ngày 24 tháng 11 năm 2018