Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Chuẩn bị cho một khóa thiền Vipassana 10 ngày như thế nào?



Vì liên tục có nhiều bạn hỏi về các khóa thiền Vipassana mà mình thi thoảng tham gia, để không phải giải thích lại nhiều lần, mình viết các ghi chú của mình ra đây để mọi người tham khảo.

 

Mục tiêu (tại sao phải đi học một khóa thiền Vipassana?)

Trước khi làm gì thì cũng nên đặt cho mình một mục tiêu, hoặc ít ra là một lý do để bắt đầu. Với người chưa biết gì về Vipassana, thường tâm lý tò mò chiếm phần lớn, nghe người này người kia nói, lại bị nhồi thêm vài câu chuyện hoang đường, nên muốn đến thử xem nó thế nào. Nói chung, người ta đi tham gia khóa thiền với đủ loại lý do, đôi khi cười ra nước mắt.

- Kiểu tinh tấn: đây là con ngoan trò giỏi chính hiệu. Họ có sự tìm hiểu kỹ càng về Vipassana, về khóa học và thậm chí đã/đang theo đuổi con đường thực hành Vipassana lâu dài hoặc suốt đời. Do đó, họ có mục tiêu và sự chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt (kiến thức, kỹ năng, sức khỏe, tâm lý…). Nhóm đối tượng này luôn được ưu ái nhất trong các khóa thiền, và họ có thể là giáo viên đứng lớp trong tương lai. Trong khóa, họ thường được xếp ở vị trí hàng đầu, trung tâm.

- Kiểu tò mò: nghe bạn bè kể giây phút ngồi thiền thấy ánh sáng/sấm chớp/điện giật/… vô cùng huyền ảo nên muốn đi để chứng nghiệm, xem có phê hơn thế không. Có bạn muốn trải nghiệm một thứ gì đó mới mẻ, chưa từng làm trong đời để không uổng phí tuổi trẻ (có lẽ được cuốn sách 100 Việc Nên Làm Trước Tuổi 20, Năng Đoạn Kim Cương… thôi thúc). Dù sao cũng nên vui, số lượng nhóm này đang ngày càng tăng trong các khóa thiền.

- Kiểu mộ đạo: Có bạn bảo, nghe nói đây là phương pháp của Đức Phật tạo ra, mà mình theo đạo Phật, nên nhất định phải học. Bạn thì nói, mình hay đi chùa, hay tầm sư học đạo, cúng dường chỗ thầy X, thầy Y… thầy bảo làm gì cũng theo, nay thầy bảo đi học Vipassana, vậy thì đi thôi. Thành phần này trước giờ là nhiều nhất. Mình cũng thuộc nhóm này, nhưng đi rồi mới thấy vô cùng cảm ơn thầy giới thiệu (hehe, mình học mấy courses của thầy Trần Việt Quân, course nào thầy cũng bảo học viên nên tham gia khóa thiền Vipassana 10 ngày đi).

- Kiểu lánh đời: Là những người gặp rắc rối cá nhân, muốn ngưng liên lạc với gia đình bạn bè một khoảng thời gian để suy ngẫm. Thành phần này cũng không hề ít nha.

- Kiểu logic: đây là một nhóm nhỏ các phần tử tri thức với trí tuệ không vừa, đang gặp một số biến cố hay vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống, công việc… khiến tâm trí không còn vững vàng như trước, ra quyết định không còn đủ tỉnh táo và hiệu quả như trước… Họ nhận ra chỗ cần phải vá lại, rồi nghiên cứu tìm hiểu và thấy thiền Vipassana nguyên thủy là một phương pháp giúp họ vá lỗ hổng tốt nhất, nhanh nhất, nên quyết định theo học, để mài giũa lại tâm trí, năng lực tập trung, khả năng làm việc của mình. Mình từng gặp vài đối tượng kiểu này, họ có địa vị xã hội, có sự nghiệp tốt, tâm thế kiên định, quyết tâm cao, kỷ luật bản thân còn cao hơn. Nhóm đối tượng này theo học có mục đích rất rõ ràng, tìm hiểu và chuẩn bị bài bản, nên họ vô cùng nghiêm túc, do đó dễ đạt được mục đích của mình nhất. Họ không quan tâm tới mục đích của Đức Phật hay mục đích tối hậu của Vipassana, nên có thể sẽ không cam kết theo đuổi Vipassana lâu dài.

- Kiểu tâm linh, chữa bệnh: Đối tượng này có lẽ đáng thông cảm nhất. Họ nghe đồn phương pháp thiền Vipassana có thể giúp chữa bệnh liên quan thần kinh, trí tuệ, tâm lý, nên đi đến với một lòng cầu vạn sự thành, dù đường sá xa xôi hay bản thân không chắc đã đủ sức khỏe (thể chất, trí tuệ hay tinh thần) để tham dự. Cũng có người bị người nhà ép đi, sau khi đã thử qua nhiều phương pháp mà bệnh tình không thuyên giảm. Nếu bạn đang trong nhóm đối tượng này, thì cần cân nhắc nhé. Vì Ban Quản Lý khóa thiền có thể sẽ hỏi thăm (dựa vào tình trạng bạn nêu lúc đăng ký khóa thiền) để đảm bảo bạn đủ năng lực theo học. Mình từng chứng kiến cô giáo cho một thiền sinh về giữa khóa vì phát hiện ra người này bị người nhà bắt đi trong khi không đủ năng lực trí tuệ để theo học (bị thiểu năng và tâm thần).

- Kiểu lông bông: đây là những phần tử rảnh quá không có việc gì làm, lại được người thân bạn bè rủ nên cứ đi chơi cho vui, cho biết đó biết đây. Họ có thể là mầm mống cho các hoạt động vô kỷ luật trong khóa thiền, bị thầy cô điểm mặt gọi tên nhắc nhở nhiều nhất. Nhưng cũng đừng xem thường nhóm này, một số trong đó lại có được thu hoạch bất ngờ (mình nghe một số anh chị theo đuổi Vipassana lâu năm kể, ban đầu họ cũng thuộc nhóm này, nhưng không ngờ thu được nhiều lợi ích quá lớn, nên quyết định thực hành suốt đời, và chuyển sang nhóm Tinh tấn liệt kê bên trên đó).

 

Tóm lại, sau khi biết thực sự tại sao mình phải tới một khóa thiền, thì bạn mới nên tìm hiểu và đăng ký. Học thiền không dễ dàng, nên mục tiêu hay động lực càng mạnh, bạn càng có thêm sức mạnh để kiên trì tới hết khóa, và thậm chí là theo đuổi lâu dài.

 

Tìm hiểu (nên chọn khóa thiền nào?)

Có rất nhiều loại thiền, mỗi loại có kỹ thuật khác nhau, phục vụ cho những mục đích, đối tượng khác nhau. Vì thế hãy tìm hiểu cho cẩn thận, nhất là nếu bạn đang gặp vấn đề về tâm lý, thần kinh.

Tương tự, cũng có một rừng khóa thiền của các chùa, thiền viện, trung tâm… thậm chí của cả cá nhân tự đứng ra tổ chức cho đủ các loại thiền. Nên sau khi đã tìm được loại thiền phù hợp, thì bạn cần chọn một nơi đáng tin cậy để theo học.

Vipassana cũng vậy. Vipassana là một phương pháp thiền do Đức Phật sáng tạo ra và đã giúp Ngài giải thoát. Bằng sự từ bi của mình, Ngài đã truyền bá lại cho mọi người. Một nhánh thiền sư ở Miến Điện (Myanmar) đã giúp duy trì, bảo tồn phương pháp nguyên thủy này đến tận ngày nay, trong đó Thiền sư Goenka là người truyền thừa và nhân rộng nó ra toàn thế giới.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, các khóa thiền Vipassana có đủ loại hình thức, được chỉnh sửa từ ít đến nhiều theo quan điểm người dạy hoặc đơn vị tổ chức. Mình có nghe nhiều bạn thiền sinh cùng học kể, họ đã tham gia các khóa Vipassana của Làng Mai, của thiền viện Phước Sơn, chùa Tiêu Dao… có điểm giống và điểm khác với khóa của thầy Goenka thế nào. Do chưa trải nghiệm, nên mình sẽ không có comment gì.

Ở đây, mình chỉ đề cập tới các khóa học Vipassana của thầy Goenka. Nếu bạn tham gia khóa học Vipassana ở nơi khác, có thể không cần đọc tiếp.

 

Thông tin về Thiền Vipassana do Thiền sư Goenka giảng dạy theo truyền thống Thiền sư Sayagyi U Ba Khin, bạn vui lòng xem ở websites chính thức:

https://www.dhamma.org (có tiếng Việt)

https://www.vridhamma.org (các nghiên cứu về Vipassana của nhánh này, không có tiếng Việt, nhiều nghiên cứu khá thú vị, thậm chí bạn có thể tự học tiếng Pali ở đây)

Có một website (không chính thức) chỉ dành cho người Việt:

https://vipassana.vn (nhưng vẫn do những người tổ chức khóa học Vipassana của Thiền sư Goenka phụ trách)

 

Các khóa học Vipassana của thầy Goenka tại Việt Nam chỉ được chính thức công nhận giảng dạy ở:

- tịnh xá Ngọc Thành, tp Thủ Đức, tp Hồ Chí Minh (khóa 10 ngày, khóa 1 ngày) - cơ sở tu tập chính thức, là nơi duy nhất chấp nhận thiền sinh người nước ngoài

- chùa Y Sơn, tp Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (khóa 10 ngày, khóa Sati)

- tịnh xá Ngọc Chơn, Buôn Hồ, Đắc Lắc

- cơ sở Hoằng Nguyện, Trảng Bom, Đồng Nai

- chùa Chánh Đẳng Giác, Tây Ninh

- chùa Hoằng Bà, Hưng Yên

Vui lòng xem chi tiết tại: http://www.vn.dhamma.org/chinhthuc/

 

Riêng tịnh xá Ngọc Thành (Thủ Đức, tp Hồ Chí Minh) là một nơi đặc biệt. Tịnh xá thành lập năm 1967, theo hệ khất sĩ. Sư bà Kiến Liên ở đây là người đã đi học khóa thiền Vipassana tại Ấn Độ, thấy giá trị quá, nên quyết tâm đưa các khóa thiền của thầy Goenka về Việt Nam. Chính sư bà đã đi lên Hà Nội mấy lượt xin cấp phép cho tổ chức khóa thiền. Các khóa thiền Vipassana đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam chính là tại tịnh xá Ngọc Thành, tất nhiên ban đầu do các thầy từ nước ngoài về phụ trách, mỗi năm 2 khóa, rồi cứ tăng dần, tăng dần tới ngày nay. Mấy khóa trước, cuối khóa, các thiền sinh được nghe sư bà kể chuyện và tặng sách vui lắm. Năm nay (2024), sư bà đã trăm tuổi, yếu đi nhiều, nên không còn ai kể chuyện lúc kết khóa nữa.

Và có lẽ do thâm niên, nên các thiền sinh cũ đều bảo, thiền đường của tịnh xá Ngọc Thành luôn có từ trường mạnh và ấm cúng nhất, khiến ai vào cũng có cảm giác an tĩnh, hòa hợp.

Nếu bạn muốn học Vipassana của thầy Goenka tại Việt Nam, bạn có thể thử trải nghiệm một khóa ở tịnh xá Ngọc Thành.

 

Đăng ký

Điều kiện cho mỗi khóa học Vipassana của thầy Goenka: https://vipassana.vn/khoa-thien/tieu-chuan/

 

Nếu bạn chưa biết gì về Vipassana, thì tốt nhất nên bắt đầu với 1 khóa ngồi thiền 10 ngày - được coi là lớp mẫu giáo của Vipassana. Sau khi hoàn thành 1 khóa ngồi 10 ngày này, bạn chính thức đặt 1 chân vào thế giới Vipassana.

 

Nếu thấy mình đủ tiêu chuẩn với khóa mà mình dự định đăng ký, thì bạn ghi danh tại đây:

https://www.dhamma.org/vi/schedules/noncenter/vn

 

Sau khi đăng ký thành công trên website, bạn sẽ nhận được email tự động thông báo đã nhận được đăng ký ghi danh của bạn và yêu cầu chờ. Sau đó Ban tổ chức sẽ liên hệ với bạn để xác nhận tình trạng của bạn (nếu bạn là thiền sinh mới, hoặc có vấn đề về thể chất, trí tuệ, tinh thần…). Rồi một email chấp thuận/từ chối/yêu cầu chờ tiếp, nếu chấp thuận thì sẽ yêu cầu bạn xác nhận sẽ tham gia một lần nữa. Cuối cùng, nếu bạn được chấp thuận, đến gần ngày diễn ra khóa, sẽ có một email thông báo chính xác thời gian, địa điểm khóa thiền, bạn phải chuẩn bị những gì, có những yêu cầu gì đi kèm…

 

Nếu quyết định theo đuổi Vipassana lâu dài, mỗi năm bạn nên tham gia một khóa ngồi 10 ngày. Nếu có điều kiện tham gia phục vụ và dona, thì hãy luôn sẵn sàng.

Nếu quyết định theo đuổi Vipassana sâu hơn, thì bạn phải học các khóa dài ngày hơn. Tất nhiên, luôn có điều kiện ràng buộc, ví dụ, để tham gia 1 khóa 20 ngày thì bạn phải tham gia 5 khóa ngồi 10 ngày + 1 khóa Sati + 1 khóa phục vụ 10 ngày + … Việt Nam hiện chưa có khóa dài ngày (20 ngày trở lên). Hy vọng chúng ta chuẩn bị đủ nhân lực và tài nguyên để sớm tổ chức được khóa 20 ngày trong thời gian tới.

 

Vài tips để chuẩn bị tốt cho khóa ngồi thiền 10 ngày

Đồ dùng cá nhân nên nhẹ nhàng, gọn gàng, nếu không bạn sẽ phải take care tới chúng, bỏ bớt mất thời gian cho học thiền. Cá nhân mình rút ra kinh nghiệm (từ theo dõi vài nhân vật VIP ngồi thiền hiệu quả và chất lượng nhất trong mỗi course):

- Nên mang 11 bộ quần áo (quần + áo + đồ lót tương ứng) và 1-2 bộ đồ ngủ (nếu muốn mỗi ngày 1 bộ thì cứ nhân lên) + 1 khăn tắm cho 11 ngày lưu lại khóa thiền. Quần áo nên mỏng, nhẹ, dễ thấm mồ hôi. Để không phải bận tâm giặt giũ. Đi ra đi vào cái toa lét cũng phát sinh nhiều bất định với mọi người lắm đó, rồi lại mệt đầu, không có đủ tĩnh tại khi vào thiền. Mặc legging hay quần đùi, áo 2 dây là vi phạm nội quy. Mình thấy khóa nào cũng vẫn có người mặc mấy đồ này ra vào phòng thiền. Thầy cô chắc không biết (vì già nhìn không rõ, hoặc ánh sáng phòng thiền yếu quá, hoặc căn bản không để ý), quản lý biết mà bỏ qua thì chả sao. Chắc họ chỉ nhắc ai nữ hở 3/4 ngực hoặc nam cởi trần.

Chú ý thời tiết và năng lực chịu đựng thời tiết của bản thân. Nếu tham gia course ở nơi quanh năm nóng nực như tp Hồ Chí Minh, thì đồ mặc càng mỏng, nhẹ càng tốt. Nhưng đừng có mặc đồ lụa mỏng hay đồ điệu đà quá, vì ngồi rất nhiều (9-11 tiếng mỗi ngày) nên đồ sẽ nhăn nhúm, lại vào toilet giải quyết nhiều, toilet tập thể không rộng rãi sạch sẽ khô ráo như ở nhà, nên sẽ dính nước/giấy/amoniac tè le, mấy cái đồ lụa là lượt bay phấp phới đó sẽ trở nên rất kỳ và thậm chí là thảm họa với người xung quanh (tất nhiên sẽ chả ai nói gì, vì không được nói, và vì lịch sự nữa).

- Nếu không chịu được lạnh (ở vùng núi hay trong điều hòa), nên mang theo khẩu trang + 1 khăn ấm + 1 áo khoác. Đặt mấy thứ này ngay tại chỗ ngồi thiền, không cần mang ra vác vào làm chi cho mệt. Nếu đang thiền, thấy ho thì tự lấy khẩu trang ra đeo vào, lấy khăn/áo ra mặc vào, để không ảnh hưởng tới mình và người khác. Có nhiều bạn ho liên tục khi ngồi thiền (trong điều hòa), mà không chịu đeo khẩu trang hay khoác thêm khăn/áo, ảnh hưởng tới cả lớp. Vì bạn biết đấy, bạn ho/hắt hơi, một đống vi khuẩn, nước bọt và đờm dãi bắn ra tứ phía, điều hòa khiến đống vi khuẩn và đờm dãi bay quanh quẩn khắp cả phòng, dính vô người khác. Người yếu sẽ lại bị ho/hắt hơi theo. Trong một khóa thiền mình tham gia, có bạn (nam) cứ mỗi lần ăn xong, lên thiền là ho liên tục, bạn í vệ sinh kém, khiến cả phòng nồng nặc mùi thức ăn, không còn mấy ai đủ an tâm mà thiền nổi vì thấy ghê hết cả người. Còn có bạn nữ, mặc đồ rất đẹp và điệu đà, nhưng dính nước + amoniac tèm lem, buổi thiền nào cũng được 15 phút là lạch bạch đi ra ngoài về phòng lấy khăn vì sợ điều hòa, rồi lại lạch bạch mở cửa vào ngồi lại, khiến các bà các chị ngồi mắng thầm (cái này các bạn sẽ tha hồ nghe vào ngày cuối, khi mọi người được nói chuyện trở lại).

- Nên mang theo 1 đôi dép hoặc giày nhẹ, đơn giản. Đừng mang giày cao gót, giày thể thao, sneakers… Vì bạn chỉ có đi từ phòng ngủ tới thiền đường, phòng ăn và toilet. Không được gặp các bạn khác giới mà thể hiện (có gặp lúc ngồi thiền, nhưng người ta nhắm mắt mất tiêu rồi, còn lúc nghe pháp thoại thì cũng không dám quay ngang ngửa, vì cả phòng sáng trưng đèn, và thầy cô giáo nhìn chằm chằm). Hoặc nếu buộc phải mang, thì bạn hãy gửi hết ở tủ đựng đồ (cả đồ gì quí giá hoặc không cần thiết thì gửi hết đi cho nhẹ đầu). Rồi cứ mượn tạm 1 đôi dép của chùa xài trong 11 ngày.

- Mang theo bàn chải + kem đánh răng. Có thể mang theo sữa tắm + dầu gội (cái này tùy nha, có chỗ bị cấm chỉ cho tắm gội với nước sạch, nên nhớ đọc kỹ email thông báo của Ban Tổ Chức). Tất nhiên, một số bạn nữ vẫn tô son, bôi kem dưỡng, đánh BB hàng ngày - cái này là vi phạm nội quy nha, nhưng mình chưa thấy ai bị phạt.

 

Tips trong khóa thiền

Trải nghiệm 10 ngày ngồi thiền Vipassana lần đầu rất đáng nhớ - nếu bạn bền bỉ và chú tâm. Đây là vài notes dành cho người mới:

- Hãy tập trung 100% sức lực và sự chú tâm của bạn vào việc hành thiền. Nhất định bạn sẽ có một trải nghiệm thực sự khó có thể quên được. Đừng quan tâm tới bạn cùng phòng (bạn í xinh quá mức, bạn í kỳ lạ quá mức, con bé đó thần kinh quá mức, nhỏ đó sao nó ghét mình thế… cái này nên để trải nghiệm ở các lần ngồi thiền sau) - nói thêm, bạn cùng phòng luôn là vấn nạn của nhiều chị em - với nữ thôi, và với khóa 10 ngày ở phòng tập thể thôi. Đừng quan tâm mấy chuyện vặt vãnh (dầu gội của mình sao tự nhiên hết, ai xài khăn tắm của tôi, sao con bé giường bên chèn giường nó sang bên mình làm mình không có lối vào, sao lạnh và mình ho khụ khụ cả đêm mà chúng nó bật hết quạt lên vậy…). Đừng quan tâm tới đàng giai (thằng bồ của mình không biết có bỏ về không, chồng/con/bạn trai mình có ăn nổi đồ chay không, anh chàng hàng thứ hai trông như diễn viên điện ảnh Hàn Quốc, bạn nam người Mỹ í mỗi ngày đều nhìn mình mỉm cười 3 lần…). Nếu bạn lãng phí sự chú tâm và sức lực cho mấy việc này, cuối khóa bạn sẽ phải hối hận, hoặc thấy trải nghiệm với khóa thiền thật tầm phào nhạt nhẽo.

- Chú ý tập trung nghe lời tụng. Nếu âm lượng to đủ sức lan tỏa ảnh hưởng, lời tụng bằng tiếng Pali của thầy Goenka nhất định sẽ tạo ám ảnh trong bạn. Khóa đầu tiên của mình, mỗi lần tiếng tụng của thầy cất lên, mạch máu hai bên thái dương của mình giật đùng đùng, cơ mặt như tê liệt. Một số bạn cũng trải qua những hiệu ứng rất ám ảnh. Có những giọng nói có sức mạnh tâm linh đáng kinh ngạc - và giọng thầy Goenka đúng là chất giọng đó. Nhiều bạn còn thuộc luôn cả đoạn lời tụng sau vài ngày ngồi và hát theo nữa kia. Tuy nhiên, sau này, mình thấy có khóa, âm lượng cô giáo để nhỏ quá, bị tiếng gà kêu chó sủa bên ngoài át cả tiếng tụng, và cả khóa đó chả mấy ai có ấn tượng gì về lời tụng của khóa thiền. Cho nên, nếu bạn thấy cô giáo để âm lượng nhỏ, hãy bảo cô bật to lên. Những lời chú tụng chỉ tạo ra sức mạnh khi nó được đặt trong đúng điều kiện và hoàn cảnh.

- Hãy nghe bài pháp thoại - dù không phải luôn hợp lý, nhưng nó cho bạn một nền tảng hiểu biết nhất định về phương pháp thiền Vipassana. Và quan trọng hơn nữa, nó rất thú vị, và tạo thêm động lực cho bạn kiên trì hành thiền.

- Hãy luôn đặc biệt chú tâm 100% vào buổi thiền cuối cùng sau giờ pháp thoại. Nó nói cho bạn biết ngày tiếp theo bạn phải làm gì, phải đạt được điều gì. Thầy Goenka nói rất ngắn gọn nhưng rất trọng tâm. Sẽ có vài mốc mà bạn phải đạt được trong chặng đường 10 ngày đó: ngày 1 - quan sát hơi thở, ngày 3 - quan sát được cảm giác ở 1 khu vực hẹp, ngày 4 - quan sát được cảm giác toàn thân… Nếu thấy mình chưa làm được, hãy tham vấn với giáo viên ngay, xem bạn đã làm sai ở đâu.

- Tận dụng giáo viên trợ giảng - thầy cô ở đó là để giải đáp mọi thắc mắc của bạn. Nếu bạn có băn khoăn gì, dù là nhỏ nhất, hãy tận dụng mọi cách để hỏi và giải đáp bằng được khúc mắc của mình. Kể cả khi đó là sự tò mò về profile của chính thầy cô giáo mình, về cách thức vận hành của hệ thống các khóa thiền Vipassana ngay cả khi thầy Goenka đã qua đời. Nếu bạn chặc lưỡi bỏ qua cơ hội đó chỉ vì không tự tin, chỉ vì nghĩ mấy cái lăn tăn của mình rất tầm phào vớ vẩn, thì bạn có thể sẽ ra quyết định vội vàng với Vipassana sau này, hoặc lại mất thời gian nỗ lực để đi đường vòng tìm hiểu. Có bạn ngồi thiền cùng khóa đầu với mình, mà hơn một năm sau khi bạn í tham dự lại khóa 10 ngày khác và được một bé chia sẻ là đã hỏi cô giáo vài chuyện, bạn í mới ngộ ra một điều trong đó là nỗi lăn tăn bao lâu của bản thân - vốn rất đơn giản, chỉ cần hỏi thầy cô là xong. Có khóa, mình thấy thiền sinh còn tỉ tê bảo thầy kể chuyện học và dạy thiền từ thuở hàn vi ở Việt Nam. Rất xúc động (chắc với cả chính thầy cô nữa).

- Hãy tận hưởng 10 ngày ăn chay. Đồ ăn đều từ những nguyên liệu chay cơ bản. Nhưng nếu khóa thiền của bạn có một đầu bếp hoặc một người đam mê ẩm thực chay trong đội ngũ phục vụ, thì ăn uống sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ khác của khóa thiền. Mình đã từng dự khóa thiền mà đồ ăn mỗi ngày đều như ở nhà hàng cao cấp, rất ngon, rất chu đáo, rất đẹp mắt. Mà thường phục vụ đã tận tâm thì mọi thứ đều rất chỉn chu (kiểu người cùng tần số hay đi với nhau, gió tầng nào gặp mây tầng đó í), từ quản lý tới đồ ăn, chén bát, vệ sinh… đều hết sức kỹ lưỡng và kỷ luật. Cái này là ngẫu nhiên thôi, không thể cầu mà có được. Nên chúc bạn may mắn. Còn không, thì cũng chả sao, đồ chay cơ bản ăn vẫn ổn. Nếu đó là lần đầu bạn ăn chay, mà đồ khó ăn, thì cũng vẫn không thể đói được, vì đồ ăn khá nhiều.

- Cuối cùng, một lưu ý liên quan ăn uống nữa. Vì phải ngồi khá nhiều, gần như 1/2 thời gian của một ngày, nên hãy ăn vừa phải, cố gắng vận động nhiều lên khi có thời gian rảnh. Nếu sức ăn bình thường của bạn là 10 phần, vậy chỉ ăn 5-6 phần thôi. Vì ăn nhiều, vào phòng thiền sẽ buồn ngủ. Có bé sinh viên kể đồ ăn ngon quá, em lấy 3 lần rồi mà vẫn còn muốn lấy tiếp. Lên thiền đường lần nào bé cũng ngáy khò khò, quản lý phải nhắc liên tục. Đồ ăn nhiều chất xơ nên dễ tiêu hóa, bạn ăn nhiều cũng sẽ ra vô toilet nhiều, ảnh hưởng tới thời gian thiền. Và quan trọng hơn, bạn sẽ xì hơi (mạnh yếu tùy cơ địa) liên tục, bụng dạ căng tràn ấm ách, tâm trí sẽ bị tác động, không tập trung ngồi thiền được. Xì hơi là chuyện tất yếu của mọi người trong khóa thiền, chỉ là mạnh yếu, nhiều ít, ngắn dài khác nhau thôi. Và nó bị quyết định phần lớn do lượng thức ăn mà bạn nạp vào. Nó bị quyết định bởi một phần khác do tần suất vận động của bạn. Nếu bạn chịu khó đi bộ thể dục một chút sau mỗi khi ăn xong, hoặc lúc giải lao, nghỉ ngơi, vậy là thời gian và cường độ, tần suất xì hơi của bạn khi ngồi thiền sẽ giảm đi đáng kể lắm đó.

 

Thôi, note tạm thế đã.

Chúc bạn thu được nhiều lợi lạc từ khóa thiền!

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

Một cái nhìn từ bên trong nước Mỹ về vấn đề của nước Mỹ hiện tại


Những kẻ ngốc đã biến nước Mỹ thành nơi không đáng sống như thế nào?

Nước Mỹ bây giờ là một Nước Nghèo, có lẽ trong dài hạn.

Hôm qua New Zealand tuyên bố thành công chống lại virut Corona. “Đội tuyển New Zeanland” – hay còn gọi là những chú Kiwi, là cách báo chí gọi để chúc mừng đất nước được giải thoát khỏi virut. Trong khi đó nước Mỹ đã tiến tới gần 70,000 ca. Bảy mươi ngàn – con số thật khủng khiếp.
Những gì mà những kẻ ngốc đã làm với nước Mỹ là biến nó thành một đất nước nghèo khổ. Không chỉ là loại nghèo khổ thông thường – mà bạn nên gọi là nghèo có chiều sâu.

New Zealand không còn ca nhiễm mới. Trong khi ở Mỹ đã thực sự mất kiểm soát. Một cách khác để nghĩ về việc này, đó là người ta nói cơ hội tử vong của bạn vì đại dịch Corona ở Mỹ sẽ cao hơn ở New Zealand. Nếu so sánh với Châu Âu và Canada, con số này ở Mỹ cũng cao hơn khoảng 100 lần.
Đó là một loại nghèo. Nghèo dịch vụ y tế công. Người Mỹ đã có nhiều thập kỷ khốn khổ với dịch vụ y tế công do những kẻ ngốc nghếch – những tên khốn đã bỏ phiếu chống lại các chính sách y tế tốt hơn cho mọi người, gồm bản thân họ, con cái họ và cha mẹ họ. Những tên khốn đó là ai thế? Đó là một số rất lớn, rất lớn người Mỹ.
Kết quả của hành động đó là một xã hội nghèo dịch vụ y tế công theo một kiểu kỳ lạ và khủng khiếp. Điều tôi muốn nói ở đây là tuổi thọ của người Mỹ thấp nhất trong thế giới giàu có, và người Mỹ cũng có tỷ lệ các bệnh mãn tính có thể phòng ngừa được ở mức cao nhất, từ bệnh tiểu đường tới béo phì, tim mạch. Thực tế bạn có thể nhìn thấy điều đó trên gương mặt người Mỹ: một xã hội nghèo về sức khỏe là một xã hội không lành mạnh.

Người Mỹ chúng ta muốn các xã hội nghèo hơn chúng ta rất, rất nhiều lần sẽ bị bần cùng vì y tế công. Đây là một kiểu quan niệm kỳ lạ, cần suy nghĩ thật tường tận, vì hiển nhiên chúng ta không mong điều đó xảy ra ở một quốc gia giàu có. Mặc dù có lẽ ở một quốc gia nghèo, không phải mọi thứ đều không phát triển. Thế mà hội chứng này là xảy ra duy nhất với nước Mỹ - một dạng nghèo mà cả người Châu Âu và người Canada đều vắt óc ra tìm hiểu tại sao, vì đơn giản họ đã gần như loại bỏ được nó hoàn toàn. Nhưng ở nước Mỹ, nghèo sức khỏe là đặc hữu.
Đặc hữu đến mức bạn có thể thấy một nước Mỹ đang ngày một nghèo đi về sức khỏe – thậm chí còn hồi sinh cả những căn bệnh xưa cũ đã bị nhân loại chinh phục, từ sởi đến quai bị. Lại là thành quả của những người Mỹ ngốc nghếch – những kẻ không đồng ý tiêm vắc xin cho con cái mình, một thứ ý tưởng cuối cùng đã đẩy xã hội này trở về thời trung cổ với bệnh đậu mùa và bại liệt.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi một xã hội khốn khổ vì sức khỏe lại gặp một đại dịch? Đúng là thảm họa tuyệt đối. Tỷ lệ tử vong và tỷ lệ nhiễm bệnh của Mỹ đều quá cao, vì nước Mỹ là một quả bom y tế công thất bại đang chực chờ phát nổ.
Như vậy hậu quả của việc tạo ra một xã hội nghèo y tế công là gì? Vâng, người dân Mỹ đang phải đối mặt với một lựa chọn khủng khiếp chưa bao giờ xảy ra trong thế giới giàu có, thậm chí cả thế giới các nước nghèo cũng chưa từng: tiền hay sinh mạng. “Phá sản y tế (medical bankruptcy)” là kết quả - tôi trích dẫn câu nói trên vì đó là khái niệm hiếm khi xảy ra ở bất kỳ đâu.

Tất cả những chuyện này đã xảy ra như thế nào?
Người Mỹ còn nghèo về văn hóa nữa. Những kẻ ngốc đã biến nền văn hóa Mỹ thành một thế giới thụt lùi, thiển cận, hẹp hòi và ngốc nghếch. Theo nghĩa đen, những mảnh vụn nhỏ nhặt nhất của nhân phẩm và sự sáng suốt đều đến dưới hình thức một chướng ngại chết chóc, đáng khinh miệt vì bị chối bỏ hoặc bị “phán xét” sai lầm – từ việc đơn giản như đeo khẩu trang đến việc lớn hơn như giáo dục người Mỹ xem phần còn lại của thế giới giàu có và cả thế giới các nước nghèo đang vận hành thế nào – thực tế những xã hội này còn vận hành tốt hơn nhiều so với chúng ta.
Những miếng bánh lớn trong nền văn hóa Mỹ rất đáng ghét, ngớ ngẩn, hoặc kỳ quặc tới mức chúng có thể bị coi là bất hợp pháp, đáng cười nhạo, hoặc gây hoang mang ở phần lớn chỗ khác, từ Canada, Châu Âu, hay Châu Á. “Tranh luận” xem câu trả lời cho những vụ nổ súng trong trường học – điều không xảy ra ở nơi nào khác ngoài nước Mỹ - lại rơi vào tay các giáo viên? Những ý tưởng như các tỷ phú thì có ích lợi gì cho xã hội không, hay những thứ như chăm sóc sức khỏe, hưu trí, lương hưu, thu nhập, và an toàn liệu có phải là quyền con người không? Gần như bất kỳ ai khác trên thế giới này đều thấy những khái niệm kiểu như trên buồn cười sái quai hàm, và đó là cách những người Mỹ ngốc nghếch biến đất nước mình thành trò cười trên thế giới.
Tất nhiên, mục tiêu của một nền văn hóa của sự ngốc nghếch là tạo ra những thằng ngốc, và nền văn hóa Mỹ là cái nôi và sữa mẹ cho những người Mỹ ngốc nghếc. Từ Tucker Carlson tới Bill O’Reilly hay Người Ngoài Hành Tinh Cổ Đại, một nền văn hóa nghèo nàn khiến người Mỹ thờ ơ, dễ bảo, phục tùng và sợ hãi.
Tucker sẽ lấp đầy đầu bạn bằng những thông tin sai lệch, truyền hình thực tế biến việc trở thành tên ngốc là điều bình thường. Kết quả của sự bần cùng văn hóa là: người Mỹ nghèo ở những phương diện rất trực quan, rõ ràng – như nghèo trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, bình đẳng, quyền lực, tiền bạc.

Còn nghèo cả về thời gian nữa. Đây là một thước đo tiếp theo của tôi cho cái nghèo. Người Mỹ chả thể làm được gì nhiều để thay đổi xã hội của họ - vì họ nghèo thời gian. Họ làm việc chăm chỉ hơn bất kỳ ai trong thế giới giàu có. Nghỉ phép ở Mỹ là một thứ gì đó gần như tương đương với bị sa thải. Đi lại 3 giờ mỗi ngày? Đó là vấn đề của bạn. Người Mỹ không có thời gian – và họ chưa hẳn đã hiểu đó là một dạng nghèo có chiều sâu. Vì khi bạn luôn chạy đuổi theo thời gian, thì lúc nào bạn sẽ tiết kiệm, đầu tư, giáo dục, suy nghĩ, hay có một cuộc sống đàng hoàng? Bạn không thể. Bạn luôn lo lắng, mệt mỏi, hoảng loạn, rụng tóc, và cuối cùng bạn bị tê liệt.

Điều đó dẫn tôi tới một dạng nghèo khác – nghèo cảm xúc.
Người Mỹ sống cuộc đời nghèo nàn xúc cảm vô cùng. Đất nước này luôn liên tục được xếp hạng là một quốc gia rất, rất không hạnh phúc so với vùng Scandinavi. Đó là một trong những nơi xa xôi và căng thẳng nhất thế giới.
Theo đà đó, tỷ lệ trầm cảm tăng vọt, vượt chuẩn trung bình toàn cầu, các vụ tự tử gia tăng chóng mặt, và những từ như “vô vọng” hay “tuyệt vọng” cũng là đặc hữu của nước Mỹ.
Hãy tưởng tượng bạn đang sống một cuộc đời nghèo về tài chính, nghèo về thời gian, và nghèo về y tế công, như hầu hết người Mỹ đang sống. Xét về mặt cảm xúc thì đó là loại cuộc sống như thế nào? Cuộc sống của một người nghèo, đúng không? Đầy những đêm bạn mất ngủ, tự hỏi làm sao thanh toán hết hóa đơn. Đó là câu đố mang theo lo lắng và hoảng loạn. Những suy nghĩ không kiểm soát được chạy đua trong tâm trí. Rất nhanh chóng, bạn sẽ giống như hầu hết người Mỹ: tức giận, căng thẳng, chán nản. Cho dù bạn có làm việc chăm chỉ đến đâu, dường như không bao giờ bạn có thể chấm dứt những thứ đó. Bạn không bao giờ có đủ thời gian cho người thân yêu – hay chỉ là cho bản thân thư giãn, hay học một cái gì đó mới. Nhưng đó mới là ngọn nguồn của hạnh phúc. Vậy thì có gì lạ đâu khi người Mỹ khốn khổ, giận dữ?
Những tên ngốc đã làm những điều này xảy ra. Ai bỏ phiếu hết lần này tới lần khác phản đối chăm sóc sức khỏe tâm thần? Ở Mỹ, bạn có thể nhận được chăm sóc y tế - câu trả lời với chi phí thấp nhất hay còn gọi là “liệu pháp”. Nhưng không thể nhận được chăm sóc y tế đúng cách, như ở Châu Âu hay Canada – với những liệu pháp tâm lý cẩn thận, lâu dài. Nó không tồn tại ở nước Mỹ, nếu khám ngoài thì có thể ở một số thành phố lớn.
Thay vào đó, những tên ngốc đã bỏ phiếu cho cuộc sống trở thành cơn ác mộng vì căng thẳng, đau khổ và giận dữ. Cùng với những cơn thịnh nộ. Cùng với sự căm ghét. Bạo loạn và giận dữ khiến nước Mỹ trở hành trò cười trên thế giới. Tại sao những tên ngốc lại từ chối tất cả - bao gồm cả chính họ - cho một thu nhập tốt hơn, chế độ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, hưu trí và lương hưu tốt hơn, nhiều thời gian hơn để có một cuộc sống đàng hoàng? Vì họ đã quan niệm rằng không ai có giá trị nội tại cả. Do đó, mọi người phải là đối thủ cạnh tranh tàn khốc, chống lại người khác, vì những vấn đề cơ bản như công việc, chăm sóc sức khỏe, lương hưu…
Nhưng đây là những thứ khi người ta hợp tác – như ở Châu Âu và Canada – họ có thể trao cho nhau rất đơn giản. Không cần bận tâm. Những người Mỹ ngốc nghếch – còn tự mua dây buộc mình bởi những kẻ ngốc hơn – lại tin rằng cách duy nhất để thoát khỏi một xã hội đầy toan tính thế này là trở thành một kẻ săn mồi hung ác hơn, to lớn hơn, đói khát hơn.
Nhưng những gì xảy ra lại là xã hội này nổ ra một cuộc tấn công tự hủy diệt ngoạn mục và trở thành một nơi không thể sống được, bởi sự tàn ác không thể tin nổi với phần còn lại của thế giới lại thành chuẩn mực – như để trẻ em nổ súng trong trường, thờ ơ với sinh mạng mà đỉnh điểm là cái chết của hàng loạt người vì virut.
Tất cả những cái đó đưa tôi tới một loại nghèo khác: một thứ mà chúng ta vẫn chưa có một cái tên hay cho nó. Nghèo niềm tin, nghèo lòng tốt, nghèo sự tử tế. Người Mỹ đang bị bần cùng sâu sắc theo cách này, hay tôi có thể đơn giản gọi đó là họ dường như thực sự căm ghét nhau. Làm sao có thể sống tốt trong một xã hội mà người ta ghét nhau. Một xã hội toàn những con người chán ghét không thể hợp tác để hoàn thành bất cứ cái gì, cho dù là đánh bại một đại dịch chết chóc, hay tạo ra một tương lai tốt hơn bằng cách đầu tư vào trường học, bệnh viện, ý tưởng, nghiên cứu và các thành tựu.
Tôi không có ý nói là bạn đang căm ghét ai. Tôi chỉ muốn diễn đạt một cách kỹ thuật hơn, một thứ gần như vô hình ở Mỹ, vì giống như không khí, nó chỉ là không gian bao trùm lên mọi người. Dù sao thì cũng biết gọi nó thế nào đây, khi một số lớn người Mỹ đã từ chối hết lần này đến lần khác quyền được chăm sóc sức khỏe? Quyền được giáo dục? Quyền có công việc với những tiêu chuẩn sống đàng hoàng? Có thời gian rảnh? Thu nhập tăng? Dân chủ?
Bạn chỉ hành động thế khi bạn ghét mọi người. Vâng, khi thực sự ghét họ. Tôi không bao giờ từ chối bạn được chăm sóc sức khỏe, như các tiêu chuẩn ở Châu Âu hay Canada, nơi ngay cả cánh tả cứng nhắc cũng không hề phản đối những dịch vụ công cơ bản. Thế mà người Mỹ ngốc nghếch đã từ chối cho con cái, cha mẹ họ.
Từ chính xác mô tả tình cảm đó là “ghét” – vì khi bạn từ chối ai những thứ cơ bản như y tế hay hưu trí, bạn đang làm họ tổn thương vô cùng, và theo những cách rất thực tế. Họ phải chịu đựng cuộc sống tồi tệ hơn nhiều – được đo bằng tuổi thọ, hạnh phúc, thu nhập hoặc các mối quan hệ - đó là kết quả của sự từ chối đó.
Những người Mỹ ngốc nghếch cũng là kẻ lạm dụng. Họ lạm dụng tất cả những gì có thể, ngay cả với người thân yêu – và nghĩ rằng đó là sự thẳng thắn, lòng trắc ẩn, lòng tốt. Không, đó chỉ là công thức cho sự hủy diệt. Vì một xã hội với số người đủ lớn – bất chấp mọi giá lạm dụng người khác, kể cả người thân yêu của mình – chỉ có thể đi tới hủy hoại, cay đắng, khó khăn, đau khổ.

Nó dẫn tôi tới dạng nghèo cuối cùng. Nếu tôi từ chối bạn những điều cơ bản – chăm sóc y tế, giáo dục… - thế là tôi đang làm gì? Tôi đang phá hủy tiềm năng con người của bạn. Và đó chính là hình thức nghèo chân thật nhất, sâu sắc nhất về người Mỹ.
Người Mỹ giờ đang sống cuộc sống với những khả năng bị hạn chế. Chả thể đi đâu. Bế tắc. Bạn cũng có thể thấy trong các số liệu thống kê cơ bản, như số tử vong đang tăng lên, mất hy vọng vào tương lai, thực tế người trẻ không đủ khả năng ra ngoài và bắt đầu một gia đình riêng, một nửa số công việc hiện nay là “việc làm dịch vụ lương thấp”.
Ở Mỹ, cuộc sống của bạn sẽ trở nên nghèo hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia giàu có nào khác. Nơi nào khác ư? Bạn có lẽ sẽ được hưởng nền giáo dục – có lẽ tốt hơn nhiều – và không bị què quặt vì nợ suốt đời. Có những công việc tốt hơn, với những tiêu chuẩn tốt hơn. Có nhiều thời gian rảnh hơn, cho gia đình, cho gắn kết, cho yêu thương. Có những biện pháp bảo vệ xã hội tốt hơn, nghĩa là bạn có ít thời gian để lo lắng hay căng thẳng. Tất cả điều đó không chỉ làm bạn bớt trầm cảm, tự tử, giúp bạn hạnh phúc hơn – hạnh phúc là khía cạnh của một thứ còn lớn hơn, tiềm năng con người.
Thế nên, nếu bạn là một người trẻ tuổi sống ở Mỹ. Lựa chọn của bạn là gì? Hầu hết các ngành công nghiệp đã tan tác, từ báo chí đến truyền thông đến giáo dục. Đó là lý do tại sao một nửa số công việc giờ là “việc làm dịch vụ lương thấp” – đó chỉ là cách nói lịch sự thôi, nói thẳng là làm người phục vụ.
Cuối cùng bạn quyết định lái Uber, giao thức ăn nhanh. Làm công việc biểu diễn. Theo đuổi sự hối hả bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu bạn có thể. Cái quái gì thế này? Bạn đã được giáo dục. Bạn có một bộ sưu tập bằng cấp. Nhưng bạn không bao giờ trở thành thứ bạn có thể - thứ có thể sẽ mang lại lợi ích hơn nhiều cho mọi người. Nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tiểu thuyết gia, nhà báo, giáo sư, nhạc sĩ. Là ai đây? Chả ai cả. Không ai có thời gian làm bất cứ điều gì ngoài việc bị lợi dụng và bị lạm dụng, nhân danh việc cố gắng kiếm tiền để đạt được điều đó. Vì thế, bạn còn lại gì để đầu tư vào bản thân – thời gian hay tiền bạc?
Một khía cạnh trong tiềm năng con người là những gì bạn tạo dựng bản thân một cách chuyên nghiệp – và một ngày nào đó bạn kinh hoàng nhận ra, bạn sẽ không bao giờ đạt được những gì bạn muốn, ngoài việc được ca tụng là một người phục vụ mới. Một cái nữa là các mối quan hệ - thứ bạn xây dựng cho bản thân về mặt xã hội. Và giờ nếu là một người Mỹ, bạn không thể đủ khả năng để bắt đầu xây dựng một gia đình, có một ngôi nhà, phát triển một mối quan hệ trọn đời.
Thật tệ hại, đó là cách mà tiềm năng con người bạn bị phá hủy. Bạn thấy mình nghèo khả năng thế nào chưa. Bạn cũng không thể trở thành nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn – thậm chí bạn còn chẳng thể là người cha, người mẹ, người ông bà, người chồng, người vợ, hay người thương yêu của ai đó.
Bạn sẽ làm việc vì một khoản tiền, sau đó chết đi. Trên đường đi của mình, bạn sẽ biến các tỷ phú thành kẻ sở hữu nghìn tỷ - và những tay độc tài dân chủ. Còn bạn? Bạn có thể mở rông, bạn là hàng xài một lần, bạn chả là ai hết.
Cám ơn những người Mỹ ngốc nghếch. Họ ngốc nghếch đến nghẹt thở so với phần còn lại của thế giới, họ biến nước Mỹ thành trò cười. Vì họ tin rằng chả ai sống trên đời lại có mang giá trị nội tại nào – bắt đầu với bản thân, sau đó mở rộng tới những người thân yêu của họ… tới tất cả mọi người. Nếu họ thấy hạnh phúc khi lạm dụng chính mình – tức là họ đã học được bài học họ vốn được dạy suốt đời, chỉ có bạo lực và tàn nhẫn mới có tác dụng – thế nên tại sao họ lại không lạm dụng mọi người được cơ chứ?

Nước Mỹ giờ trở thành nơi không thể sống nổi. Tất nhiên bạn có thể sống ở đây, và bạn sẽ thấy OK thôi. Nhưng bạn sẽ nghèo. Nghèo theo những cách lạ lùng và khó hiểu vì nó vừa cũ, vừa mới. Bạn sẽ nghèo về tài chính – vì bạn sống trong một xã hội đang bắt đầu sụp đổ - mới chỉ bắt đầu thôi nhé.
Bạn cũng nghèo theo thuật ngữ y tế công, nếu bạn cần sử dụng nhiều dịch vụ y tế công. Bạn sẽ nghèo về thời gian và sức mạnh, như anh nông dân sống trong thời tiền chiến. Bạn sẽ nghèo cảm xúc nữa, như sống ở một đất nước không có hy vọng. Rồi bạn sẽ nghèo về xã hội, chính trị và văn hóa, giống như sống trong một đất nước chuyển sang thời phát xít cực đoan. Thêm vào các cuộc đảo chính, biểu tình – bạn sẽ nghèo về tiềm năng con người. Bạn sẽ không bao giờ trở thành những gì mà bạn có thể - không cùng cấp độ ở những nơi khác.
Đừng hiều nhầm ý tôi. Nhân loại đã sống sót qua nhiều sự kiện. Bệnh dịch, chiến tranh, sụp đổ, hủy diệt. Cuộc sống sẽ không kết thúc. Nó còn tiếp tục. Nhưng bạn có biết trọng tâm của tất cả những chuyện này là gì không? Đó là KHÔNG LẶP LẠI.
Đó là định nghĩa tối giản nhất về sự tiến bộ. Và thế là nước Mỹ giờ lại chưa có điều đó. Có lẽ đó mới là cái nghèo thực sự.

Umair haque
14 tháng 7 năm 2020

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019

Chỉ dẫn tuyệt vời về giá trị cá nhân của Mark Manson


“Tôi là người thế nào?”: Chỉ dẫn tuyệt vời về giá trị cá nhân

Vài năm trước, tôi từng có một ý tưởng viết bài báo theo chủ đề self – help với tựa “Bí mật năng suất của Adolf Hitler”. Bài báo có thể tập trung vào tất cả những khía cạnh phổ biến trong self-help như mục tiêu, tầm nhìn, thói quen buổi sáng – ngoại trừ suy nghĩ khủng bố của Hitler.

“Hitler bắt đầu một ngày lúc 5h sáng với bài tập nhanh yoga và 5 phút đọc báo, ông ta có khả năng tập trung tâm trí vào những mục tiêu đầy tham vọng của mình.”
“Hitler đã khám phá ra mục đích cuộc đời mình trong một quán bia ở độ tuổi 20 và từ đó không ngừng theo đuổi nó, vì thế đã tạo đam mê cho cuộc sống của anh ta và truyền cảm hứng cho hàng triệu người khác giống như anh ta.”
“Adof là một người ăn chay khắc khổ, và đảm bảo luôn tìm được thời gian trong lịch trình diệt chủng và thống trị thế giới bận rộn của mình để khám phá khía cạnh sáng tạo của bản thân: ông ta dành vài giờ mỗi tuần để nghe nhạc kịch và vẽ phong cảnh yêu thích.”

Tôi biết tôi có thể viết một bài thật vui nhộn. Nhưng đó là vì tôi là một tên bệnh hoạn. Cuối cùng, tôi không bao giờ đủ can đảm để viết nó, vì những lý do rõ ràng.

Tôi đã làm nghề này đủ lâu để hiểu rằng a) một đống người sẽ cảm thấy bị xúc phạm và dùng mọi nỗ lực hủy hoại một tuần của tôi với email phàn nàn và kêu la trên mạng xã hội, b) sự châm biếm sẽ đi qua đầu một nhóm người và họ có thể nghĩ tôi thực sự là một tên Phát xít, và c) một số ấn phẩm truyền thông kinh khủng nào đó sẽ chạy tít “Tác giả bestelling tự xưng là chủ nghĩa Phát xít mới” hay những thứ nhảm nhí khác, và sự nghiệp của tôi cuối cũng sẽ kết thúc.

Vì thế, tôi đã không bao giờ viết bài đó. Cứ gọi tôi là kẻ hèn nhát. Nhưng nó là thế đấy.

Nó làm tôi đôi chút khó chịu vì tôi nghĩ việc châm biếm năng suất và sức ảnh hưởng đáng kinh ngạc của Hitler là một ví dụ hoàn hảo cho quan điểm tôi từng nói trong thế giới self – help: đạt được thành công trong đời gần như không quan trọng bằng định nghĩa thành công của chúng ta. Nếu chúng ta xác định thành công kinh khủng giống như thống trị thế giới và tàn sát hàng triệu người – thế thì làm việc chăm chỉ, thiết lập và đạt được mục tiêu, xây dựng kỷ luật cho tâm trí, tất cả đều trở thành điều tồi tệ.

Nếu bạn loại bỏ những điều kinh khủng về đạo đức khỏi Hitler, thì trên lý thuyết, ông ta là một trong những người self – help thành công nhất trong lịch sử nhân loại. Ông ta đi từ một nghệ sĩ thất bại, tan nát, tới chỉ huy cả một đất nước và đội quân hùng mạnh nhất thế giới trong suốt hai thập kỷ. Ông ta huy động và truyền cảm hứng cho hàng triệu người. Ông ta không biết mệt mỏi, sắc sảo và tập trung cao độ vào các mục tiêu của mình. Ông ta được cho là đã ảnh hưởng đến lịch sử thế giới nhiều hơn bất kỳ ai từng sống.

Nhưng tất cả những cái đó đã đi theo những mục tiêu mất trí, phá hoại. Và hàng chục triệu người đã chết vì những giá trị sai lầm của ông ta.

Do đó, bạn không thể nói về việc tự cải thiện bản thân mà không nói về các giá trị. Sẽ không đủ nếu chỉ nói đơn giản mấy câu “trưởng thành” và trở thành “một người tốt hơn”. Bạn phải xác định người tốt là thế nào. Bạn phải quyết định bạn muốn phát triển theo hướng nào. Vì nếu không, chúng ta có thể bị đánh lừa.

Có rất nhiều người không nhận ra điều này. Nhiều người thoạt tiên tập trung vào mục tiêu trở nên hạnh phúc và có cảm xúc tốt đẹp suốt đời – mà không nhận ra rằng nếu các giá trị của họ ốm yếu, cảm giác tốt đẹp sẽ làm tổn thương họ nhiều hơn là giúp họ. Nếu giá trị lớn nhất của bạn trong đời này là thở Vicodin qua ống hút, thế thì cảm xúc tốt đẹp hơn chỉ làm cho đời bạn thêm tồi tệ hơn.

Khi tôi viết cuốn sách “The Subtle Art of Not Giving a F*ck”, gần như toàn bộ cuốn sách thực sự chỉ là một cách lén lút khiến mọi người nghĩ về giá trị của mình rõ ràng hơn. Có cả triệu cuốn self – help ngoài kia dạy bạn cách đạt được mục tiêu, nhưng thực tế rất ít người đặt câu hỏi ban đầu bạn nên có mục tiêu nào. Mục đích của tôi là viết cuốn sách để làm điều đó, và đã làm được.

Trong cuốn sách, tôi cố tình tránh đi sâu vào những giá trị tốt/xấu là gì – chúng trông thế nào, và tại sao chúng đạt được/không đạt được – một phần vì tôi không muốn đẩy giá trị của mình lên độc giả. Nói cho cùng, quan điểm về giá trị của bạn phải là bạn tự mình chấp nhận chúng, chứ không phải vì cái gã viết ra cuốn sách bìa màu cam đáng ghét nói cho bạn. Nhưng nếu tôi thành thật, tôi cũng sẽ không đi sâu vào xác định các giá trị vì đó là chủ đề cực kỳ khó để viết hay.

Vì vậy, bài viết này của tôi là nỗ lực để cuối cùng cũng làm được điều đó. Nói về các giá trị. Chứ không phải chúng là cái gì và tại sao lại thế. Tại sao chúng ta tìm thấy những điều quan trọng, hậu quả của tầm quan trọng đó là gì, và làm thế nào chúng ta có thể thay đổi những gì chúng ta thấy quan trọng. Đó không phải là một chủ đề đơn giản. Và bài viết khá dài. Thế là quá đủ với tôi. Nào, hãy tiếp tục với nó.

Giá trị cá nhân của bạn là gì?

Mỗi khoảnh khắc, mỗi ngày, bạn có nhận ra nó không, bạn đang quyết định sử dụng thời gian của bạn như thế nào, tập trung vào cái gì, điều khiển năng lượng của bạn đi đâu.

Ngay bây giờ, bạn đang lựa chọn đọc bài viết này. Có vô số thứ bạn có thể đang và sẽ làm, nhưng bạn đã lựa chọn ở đây. Có lẽ chỉ một phút nữa, bạn lại quyết định bạn cần đi tiểu. Hay ai đó nhắn tin và bạn ngừng đọc. Khi những thứ đó xảy ra, bạn đang đưa ra một quyết định đơn giản và đầy giá trị: điện thoại (hay cái toilet) đáng giá với bạn hơn bài báo này. Và hành vi của bạn sẽ tuân theo sự định giá đó.

Giá trị của chúng ta được phản ánh liên tục trong cách chúng ta lựa chọn ứng xử.

Điều này cực kỳ quan trọng – vì tất cả chúng ta đều chỉ có vài thứ mà chúng ta nghĩ và nói rằng chúng ta đánh giá cao nó, nhưng lại không bao giờ hướng tới nó bằng hành động. Tôi có thế nói với mọi người (và cả chính tôi nữa) cho đến khi xanh mặt rằng tôi quan tâm đến biến đổi khí hậu hay những hiểm họa từ phương tiện truyền thông mạng xã hội, nhưng nếu tôi vẫn suốt ngày lái chiếc SUV rất ngốn gas, liên tục refreh các newsfeeds, thế thì hành vi của tôi đang nói một câu chuyện hoàn toàn khác.






Hành động không nói dối. Chúng ta tin rằng mình muốn có được công việc đó, nhưng khi gặp khó khăn, chúng ta lại thấy nhẹ nhõm vì không ai gọi lại cho mình, thế là mình có thể tiếp tục trở lại với trò chơi điện tử. Chúng ta nói với bạn gái rằng thực sự muốn gặp cô ấy, nhưng vào giây phút đám bạn gọi tới, lịch trình của chúng ta lại biến hóa kỳ ảo như mã Moses ngăn Biển Đỏ.

Nhiều người trong chúng ta tuyên bố các giá trị mà chúng ta ước ao có được như một cách để che đậy những giá trị chúng ta thực sự có. Theo cách này, nguyện vọng thường có thể trở thành một hình thức tránh né khác. Thay vì đối mặt với con người thực của chúng ta, chúng ta lại đánh mất chính mình trong con người mà chúng ta muốn trở thành.

Nói cách khác: chúng ta nói dối chính mình vì chúng ta không thích một số giá trị của riêng mình, và do đó chúng ta không thích một phần con người của mình. Chúng ta không muốn thừa nhận rằng mình có một số giá trị, mà ta ước mình có những giá trị khác, điều đó làm thay đổi sự khác biệt giữa nhận thức bản thân và thực tế, vì vậy thường khiến chúng ta gặp nhiều rắc rối.

Đó là vì giá trị của chúng ta là phần mở rộng của chính chúng ta. Chúng là những gì xác định nên chúng ta. Khi điều tốt đẹp xảy đến với cái gì hay ai đó chúng ta coi trọng, bạn cảm thấy hạnh phúc. Khi mẹ bạn có một chiếc xe mới hay chồng bạn được tăng lương, đội bóng yêu thích của bạn giành chức vô địch, bạn đều cảm thấy tốt đẹp – như thể những thứ đó xảy ra với bạn. Ngược lại cũng thế. Nếu bạn không coi trọng thứ gì, bạn sẽ thấy vui vẻ khi có gì đó tồi tệ xảy ra với nó. Người ta chạy ra đường reo hò khi Osama Bin Laden bị giết chết. Người ta bày tiệc nhảy múa bên ngoài nhà tù nơi tên giết người hàng loạt Ted Bundy bị xử tử. Hủy diệt một con người bị coi là xấu xa mang lại cảm giác như một chiến thắng đạo đức lớn lao trong trái tim hàng triệu người.

Vì vậy, khi chúng ta bị ngắt kết nối khỏi các giá trị của chính mình – chúng ta coi trọng việc chơi game suốt ngày, nhưng lại tin mình coi trọng tham vọng và lao động chăm chỉ - niềm tin và suy nghĩ của chúng ta bị ngắt kết nối khỏi hành động và cảm xúc của chính mình. Và để làm cầu nối cho sự ngắt kết nối đó, chúng ta phải trở nên ảo tưởng về cả bản thân và thế giới.

Hộp xám tùy chọn của vận mệnh: tại sao người nào ghét chính mình sẽ làm tổn thương chính mình?

Giống như chúng ta coi trọng hay không coi trong bất kỳ thứ gì trong đời, chúng ta có thể coi trọng hoặc không coi trọng chính bản thân mình. Và giống như nhiều người ăn mừng khi Ted Bundy bị xử, nếu chúng ta căm ghét chính mình cũng nhiều như người ta căm ghét Ted Bundy, thế thì chúng ta cũng sẽ ăn mừng cho sự hủy hoại của chính mình.

Những người không căm ghét bản thân sẽ không hiểu những người làm điều đó: việc tự hủy hoại mang lại cảm giác tốt đẹp một cách sâu sắc, tối tăm. Người căm ghét bản thân thấy họ thấp kém về mặt đạo đức, thấy họ xứng đáng với điều khủng khiếp để bù cho sự tồi tệ của chính họ. Dù cho đó là bằng ma túy, rượu, hay tự làm hại bản thân hay thậm chí làm hại người khác, thì đó là phần xấu xa của chính họ đang tìm kiếm sự hủy diệt này để biện minh cho tất cả những nỗi đau đớn và thống khổ mà họ cảm nhận được.

Chủ yếu phong trào tự trọng những năm 70 và 80 là nhằm đưa người ta từ căm ghét chính mình sang biết yêu lấy chính mình. Người biết yêu bản thân sẽ không thấy vui vẻ từ việc làm hại bản thân. Thay vào đó, họ có sự hài lòng khi chăm sóc và cải thiện bản thân.

Tình yêu đối với bản thân rất quan trọng. Nhưng cũng không đủ. Vì nếu chúng ta chỉ yêu bản thân, thì chúng ta sẽ trở thành những kẻ tự lập và thờ ơ với những đau khổ hay vấn đề của người khác.

Ở mức độ cao hơn, tất cả chúng ta cần coi trọng bản thân và cả thứ ở trên cả bản thân. Dù thứ đó là Chúa hay Allah hay những qui tắc đạo đức hay một nguyên nhân nào đó, chúng ta vẫn cần coi trọng một cái gì đó cao hơn chính mình để làm cuộc sống của chúng ta cảm thấy như thể nó có ý nghĩa.

Vì nếu bạn biến mình thành giá trị cao nhất trong cuộc đời bạn, thì bạn sẽ không còn cảm thấy khát khao cống hiến cho bất kỳ cái gì nữa, và sống sẽ không có mục đích, chỉ săn đuổi hết thứ này tới thứ khác. Nói cách khác, bạn chỉ cần trở thành một người biết tự yêu lấy bản thân… rồi sau đó được bầu làm tổng thống.

Và không ai muốn điều đó…

Bạn là những gì bạn coi là xứng đáng

Tất cả chúng ta đều biết câu chuyện về một người trung lưu, có học thức và một công việc tử tế, có một nỗi buồn chán nho nhỏ, nên quyết định nghỉ ngơi một tuần, hay 10 ngày (hay 10 tháng), cắt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài, chạy đến một nơi xa xôi tối tăm trên trái đất, để “đi tìm chính mình”.

Ôi trời, đây có lẽ là chính bạn ở một thời điểm nào đó. Tôi biết nó từng là tôi trong quá khứ.

Ở đây, cái mà người ta muốn nói với từ “đi tìm chính mình”, đó chính là: họ đang tìm kiếm những giá trị mới. Bản sắc của chúng ta – thứ mà chúng ta cảm nhận và thấu hiểu như “cái tôi”, bản thể của chính mình – là tổng hợp của tất cả mọi thứ chúng ta coi trọng. Vì vậy khi bạn chạy trốn một mình đâu đó, những gì bạn thực sự đang làm là chạy đi đâu đó để đánh giá lại các giá trị của bạn.

Đây là cách nó thường diễn ra:

Bạn đang trải qua một áp lực lớn và/hoặc stress trong cuộc sống hằng ngày.

Do áp lực hay stress đã nói, bạn cảm thấy như thể bạn đang mất kiểm soát hướng đi cuộc đời mình. Bạn không biết mình đang làm gì, hay tại sao lại làm nó. Bạn bắt đầu cảm thấy như thể những ham muốn hay quyết định của bạn không còn quan trọng nữa. Có lẽ bạn muốn uống mojitos và chơi banjo – nhưng yêu cầu quá lớn của trường học/công việc/gia đình/bạn đời khiến bạn cảm thấy như thể bạn không có khả năng sống với những ham muốn đó nữa.

Đó là lúc bạn cảm thấy “đánh mất chính mình” – cảm giác khi không còn là người điều hướng con tàu của chính mình. Thay vào đó, bạn bị cơn gió trách nhiệm thổi bay giữa biển đời – hay một phép ẩn dụ sâu sắc nào khác cũng được.

Bằng cách loại bỏ bản thân khỏi những áp lực và căng thẳng, bạn có thể phục hồi ý thức kiểm soát bản thân. Một lần nữa, bạn lại chịu trách nhiệm về sự tồn tại hàng ngày của chính mình mà không bị can thiệp bởi hàng triệu áp lực bên ngoài.

Không chỉ thế, bằng cách tách khỏi các lực lượng hỗn loạn trong cuộc sống hằng ngày, bạn có thể nhìn vào các lực lượng đó từ xa và nhận thức lại xem bạn có thực sự muốn đời bạn có những thứ này hay không. Đây có phải con người của bạn không? Đây có phải những gì bạn quan tâm không? Bạn nghi ngờ các quyết định và ưu tiên của mình.

Bạn quyết định có vài điều bạn muốn thay đổi. Có những thứ bạn tin rằng mình đang quan tâm quá mức và cần phải ngừng lại. Có những thứ bạn thấy phải quan tâm nhiều hơn nữa và hứa hẹn sẽ ưu tiên chúng. Giờ bạn đang xây dựng “một chính mình mới”.

Sau đó bạn thề quay lại “thế giới thực” và sống với những ưu tiên mới, trở thành “con người mới” – đặc biệt bây giờ bạn đã có một làn da rám nắng.

Toàn bộ quá trình này – dù thực hiện trên một hòn đảo hẻo lánh, một con tàu du lịch, trong rừng, hay tại một hội thảo self – help – về cơ bản chỉ là một lối thoát trong khi điều chỉnh một giá trị.

Bạn rời đi, có nhận thức về những gì trong đời quan trọng với bạn, những gì quan trọng hơn, cái gì ít quan trọng hơn, và sau đó (lý tưởng) trở lại và tiếp tục với nó. Bằng cách quay lại và thay đổi các ưu tiên, bạn thay đổi các giá trị của mình, và bạn trở thành “một con người mới”.

Các giá trị là thành phần căn bản của lớp vỏ tâm lý và bản sắc của chúng ta. Chúng ta được xác định bằng những gì chúng ta chọn là quan trọng trong đời. Chúng ta được xác định bằng các ưu tiên hóa của chính mình. Nếu tiền quan trọng hơn bất cứ thứ gì, thì nó sẽ xác định bạn là ai. Nếu nằm dài và hút thuốc là việc quan trọng nhất trong đời, nó sẽ xác định bạn là ai. Nếu chúng ta cảm thấy tồi tệ về bản thân và tin rằng chúng ta không xứng đáng được yêu thương, thành công, hay trân trọng, thì điều đó cũng xác định chúng ta là ai – thông qua hành động, lời nói, và quyết định của chính chúng ta.

Bất kỳ thay đổi nào trong bản ngã là thay đổi trong cấu hình các giá trị của chúng ta. Khi điều bi thảm xảy đến, nó tàn phá chúng ta vì không chỉ làm chúng ta thấy buồn, mà còn vì chúng ta đánh mất một số thứ chúng ta coi trọng. Và khi bạn mất đủ nhiều những gì mình coi trọng, bạn sẽ bắt đầu nghi ngờ đặt câu hỏi về bản thân giá trị của cuộc đời. Chúng ta coi trọng bạn đời, và giờ họ đã bỏ đi. Điều đó làm ta gục ngã. Nó đặt ra câu hỏi chúng ta là ai, giá trị của chúng ta như một con người và chúng ta biết gì về thế giới. Nó ném chúng ta vào một cuộc khủng hoảng hiện sinh, cuộc khủng hoảng bản sắc, vì ta không biết cái gì nên tin, nên cảm nhận hay nên làm nữa. Thế nhưng thay vào đó, chúng ta ngồi nhà với bạn gái mới, một cô nàng ở Oreos.

Sự thay đổi trong thành phần bản sắc này cũng đúng cho các sự kiện tích cực. Khi điều khó tin xảy đến, chúng ta không chỉ trải nghiệm niềm vui chiến thắng hay đạt được mục tiêu, mà chúng ta còn thay đổi lại cách định giá bản thân – chúng ta thấy bản thân có giá trị hơn, xứng đáng hơn. Ý nghĩa được thêm vào trong đời. Cuộc sống của chúng ta rung động với cường độ tăng lên. Và điều đó thật mạnh mẽ.

Tại sao có những giá trị cá nhân tốt hơn những giá trị khác

Trước khi đi vào cách cụ thể để thay đổi giá trị cá nhân, chúng ta hãy nói về giá trị nào là lành mạnh, giá trị nào là nguy hại. Trong cuốn sách của tôi “The Subtle Art of Not Giving a F*ck”, tôi đã định nghĩa các giá trị tốt và xấu theo cách sau:
-          Giá trị tốt là:
1.       Dựa trên bằng chứng
2.       Có tính xây dựng
3.       Có thể điều khiển được
-          Giá trị xấu là:
1.       Dựa trên cảm xúc
2.       Có tính phá hủy
3.       Không thể điều khiển được

Các giá trị dựa trên bằng chứng và các giá trị dựa trên cảm xúc

Nếu bạn chú ý tới trang web của tôi hơn năm năm qua, bạn sẽ thấy có một chủ đề không đổi: quá phụ thuộc vào cảm xúc hoàn toàn không đáng tin cậy và cực kỳ nguy hiểm. Không may thay, hầu hết chúng ta đều phụ thuộc quá nhiều và tình cảm mà không nhận ra.

Các nhà nghiên cứu tâm lý học đã chỉ ra hầu hết chúng ta, trong hầu hết thời gian của cuộc đời, đều ra quyết định và được truyền cảm hứng để hành động thông qua cảm xúc, chứ không phải dựa trên tri thức hay thông tin. Họ cũng cho thấy cảm xúc của chúng ta nói rằng chúng lấy bản thân làm trung tâm, sẵn sàng từ bỏ những lợi ích dài hạn để dành lấy ưu ái trong ngắn hạn, và thường cong vênh và/hoặc ảo tưởng.

Những người dẫn dắt cuộc đời dựa trên cảm xúc sẽ thấy bản thân không ngừng nghỉ trên máy chạy bộ, liên tục cần nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Và cách duy nhất để bước ra khỏi guồng quay đó là quyết định rằng thứ gì quan trọng hơn cảm xúc của bạn – nguyên nhân, mục tiêu, một người nào đó – đáng giá để bạn nhận đau đớn thay.

“Nguyên nhân” thường là thứ chúng ta thích gọi là “mục tiêu” hơn, và tìm kiếm nó là một trong những nỗ lực quan trọng nhất chúng ta cần làm để tăng cường sức khỏe và hạnh phúc. Nhưng mục đích nên được tìm kiếm không chỉ là những gì cảm thấy tốt đẹp. Nó phải được cân nhắc và hợp lý. Chúng ta phải tích lũy bằng chứng ủng hộ nó. Nếu không, chúng ta chỉ dành cả đời săn đuổi một ảo ảnh.

Giá trị có tính xây dựng và giá trị có tính phá hủy

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó sẽ làm xáo trộn đầu óc nếu bạn nghĩ về nó đủ nhiều.

Chúng ta không muốn đánh giá cao những thứ gây hại cho bản thân và người khác. Chúng ta muốn đánh giá cao những thứ cải thiện nâng tầm bản thân và người khác.

Ừ. Bây giờ, việc xác định cái gì thực sự thúc đẩy sự phát triển và những gì thực sự gây hại cho chúng ta có thể phức tạp. Gập mông tại phòng tập về mặt kỹ thuật có thể làm hỏng cơ thể bạn nhưng cũng khiến bạn phát triển. Sử dụng MDMA có thể tăng cường phát triển cảm xúc trong một số tình huống, nhưng nếu bạn xài nó mỗi ngày cuối tuần để làm tê liệt bản thân thì có lẽ bạn đang bị làm hại chứ không còn tốt nữa. Quan hệ tình dục thông thường là cách tăng sự tự tin nhưng cũng là phương tiện tránh sự thân mật hay trưởng thành về cảm xúc.

Có một ranh giới mờ nhạt giữa phát triển và làm hại. Và chúng thường là hai mặt của một đồng xu. Đó là lý do tại sao những gì bạn coi trọng thường không quan trọng như lý do bạn coi trọng nó. Nếu bạn coi trọng võ thuật vì bạn thích làm người khác đau đớn, thì đó là một giá trị tồi. Nhưng nếu bạn coi trọng nó vì bạn trong quân đội và muốn học để bảo vệ bản thân và người khác – đó lại là giá trị tốt. Nói chung, mục đích mới là vấn đề cần nói nhất.

Các giá trị có thể điều khiển được và các giá trị không thể điều khiển được

Khi bạn coi trọng những thứ ngoài tầm kiểm soát của mình, bạn sẽ từ bỏ cuộc sống của mình cho nó.

Ví dụ cổ điển nhất là tiền. Phải, bạn điều khiển được việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền, nhưng không phải là điều khiển hoàn toàn. Nền kinh tế suy thoái, các công ty phá sản, nghề nghiệp bị tự động hóa bằng công nghệ. Nếu mọi thứ bạn làm là vì tiền, sau khi bi kịch xảy ra, số tiền sẽ bị ngốn hết bởi hóa đơn bệnh viện, bạn sẽ mất nhiều hơn một người thân yêu – bạn cũng sẽ mất mục đích sống của mình.

Tiền là một giá trị tồi vì bạn không thể lúc nào cũng kiểm soát được nó. Sáng tạo hay cần cù hay đạo đức nghề nghiệp là những giá trị tốt vì bạn có thể kiểm soát được chúng – và làm chúng tốt cuối cùng cũng sẽ sinh ra tiền như một hiệu ứng phụ.

Chúng ta cần những giá trị mà chúng ta có thể kiểm soát, nếu không các giá trị sẽ kiểm soát chúng ta. Và chả còn gì hữu dụng nữa.

Một số giá trị tốt, lành mạnh là: trung thực, xây dựng điều mới mẻ, dễ bị tổn thương, đứng lên vì chính mình, tự trọng, tò mò, nhân đạo, kiêm tốn, sáng tạo.

Một số ví dụ về các giá trị xấu, không lành mạnh: thống trị người khác thông qua thao túng hay bạo lực, luôn cảm thấy tốt đẹp, đày đọa đàn ông/phụ nữ, luôn là trung tâm của sự chú ý, không cô đơn, được mọi người yêu thích, giàu có vì tư lợi, hiến tế động vật nhỏ cho các vị thần ngoại giáo.

Làm sao để tái tạo lại bản thân

Dưới đây là một trong những bài nói chuyện trong TED Talks truyền cảm hứng nhất mà tôi từng gặp. Nó không chứa đầy những ý tưởng hay. Bạn sẽ không nhận được những bước đi lớn để ngay lập tức chạy trốn hay áp dụng ngay được vào cuộc sống của chính mình. Anh chàng này thậm chí còn không phải là một người nói chuyện tuyệt vời.

Nhưng những gì anh ta mô tả lại vô cùng sâu sắc.


Daryl Davis là một nhạc sĩ da đen, người đã đi du lịch và chơi trong các chương trình nhạc blues trên khắp miền nam nước Mỹ. Trong sự nghiệp của mình, anh ấy chắc chắn đã gặp một số người da trắng phân biệt chủng tộc. Thay vì chiến đấu hay tranh cãi với họ, anh ta chọn làm một điều bất ngờ: anh ta kết bạn với họ.

Điều này nghe có vẻ điên rồ. Và có lẽ như vậy. Nhưng ở đây, còn có thứ điên cuồng hơn: anh ta đã thuyết phục được hơn 200 thành viên KKK từ bỏ hàng ngũ.

Đó là thứ mà hầu hết mọi người không hiểu về thay đổi giá trị: bạn không thể tranh luận với người ta về giá trị của họ. Bạn không thể làm họ xấu hổ khi đánh giá một cái gì đó khác đi (việc làm họ xấu hổ thường có hiệu ứng ngược lại – làm cho họ cảm thấy tin tưởng gấp đôi).

Không, thay đổi giá trị còn tinh tế hơn nhiều. Và có lẽ bản thân anh ta không nhận ra, Daryl Davis dường như là bậc thầy về điều này.

Bước 1: Giá trị phải thất bại

Về trực giác, Davis hiểu một điều mà hầu hết chúng ta không hiểu: giá trị đều dựa trên trải nghiệm. Bạn không thể tranh luận với người ta về giá trị của họ. Bạn không thể đe dọa họ từ bỏ niềm tin mà họ đang giữ vững. Điều đó chỉ khiến họ phòng thủ và thậm chí chống lại việc thay đổi bản thân nhiều hơn. Thay vào đó, bạn phải tiếp cận họ với sự đồng cảm.

Cách duy nhất để thay đổi giá trị của một người là thể hiện cho họ một trải nghiệm ngược lại với giá trị của họ. Các thành viên KKK giữ các giá trị phân biệt chủng tộc sâu sắc, và thay vì tấn công họ, tiếp cận họ như một kẻ thù nghịch – theo cách phản ánh các giá trị của họ ngược với bản thân họ - Davis đã chọn cách tiếp cận họ theo cách hoàn toàn ngược lại: như một người bạn. Sự thân thiện và tôn trọng đó đã khiến các thành viên KKK đặt mọi thứ họ biết vào nghi ngờ.

Để từ bỏ một giá trị, nó phải bị nhận thức là mâu thuẫn thông qua trải nghiệm. Đôi khi mâu thuẫn này xảy ra bằng cách lấy giá trị cho kết luận logic của nó. Quá nhiều tiệc tùng làm cuộc sống trống rỗng và vô nghĩa. Theo đuổi quá nhiều tiền cuối cùng mang lại căng thẳng và xa lánh hơn. Tình dục quá nhiều mang lại cho bạn bắp đùi săn chắc và các vết bỏng khắp đầu gối.

Lại có khi, một giá trị bị mâu thuẫn với thế giới thực. Nhiều thành viên KKK gặp Davis chưa bao giờ biết tới một người da đen. Vì thế anh ấy đơn giản là gặp họ rồi kiếm được sự tôn trọng từ họ.

Bước 2: Chúng ta phải tự nhận thức để nhận ra giá trị của chúng ta thất bại

Khi giá trị thất bại, thật khủng khiếp. Có một quá trình đau buồn xảy ra. Vì giá trị cấu thành nên bản sắc và hiểu biết về con người chúng ta, mất giá trị gây cảm giác như thể ta đang mất một phần bản thân.

Do đó, chúng ta chống lại thất bại. Chúng ta tìm cách lý giải nó và từ chối nó. Chúng ta tìm cách hợp lý hóa nó. Davis nói rằng trong nhiều tháng, những người bạn KKK đã phải đấu tranh để biện minh cho tình bạn với anh ấy. Họ có thể nói những câu như “Được rồi, cậu là một Daryl khác”, hay tạo ra những lời giải thích công phu cho lý do tại sao họ tôn trọng anh ta.

Khi các giá trị của chúng ta thất bại, chúng ta có 2 cách lý giải: 1) thế giới bệnh rồi, hoặc 2) chúng ta bệnh rồi.

Hãy nói về việc bạn dành cả đời để theo đuổi tiền bạc. Sau đó ở tuổi 40, bạn tích lũy được một khoản kha khá. Nhưng thay vì lặn ngụp trong tiền vàng như Scrooge McDuck, số tiền này lại không mang lại cho bạn hạnh phúc, nó mang lại cho bạn nhiều căng thẳng hơn. Bạn phải tìm cách đầu tư nó. Bạn phải trả thuế cho mọi thứ. Bạn bè và gia đình liên tục hướng bạn tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc phát tờ rơi.

Nhưng thay vì xem đó là một giá trị tệ, có lẽ bạn nên quan tâm đến thứ gì đó hơn là tiền, hầu hết mọi người đều đổ lỗi lại cho thế giới xung quanh. Đó là lỗi của chính phủ, vì họ trừng phạt giàu có và thành công. Thế giới đầy kẻ lừa đảo và những kẻ lười biếng chỉ muốn đồ bố thí. Thị trường chứng khoán là một cây vợt và không thể thắng.



Những người khác tự trách mình. Họ nghĩ: “Mình nên có khả năng làm điều đó, thế thì mình chỉ cần kiếm nhiều tiền hơn một chút thôi và mọi thứ sẽ ổn.” Họ sẽ chạy trên guồng quay liên tục theo đuổi giá trị của mình ngày càng nhiều cho đến khi họ trở thành một loại cực đoan.

Một số ít người dừng lại để cân nhắc xem bản thân giá trị đó có sai trái không. Việc coi trọng tiền bạc đẩy bạn vào tình thế này, nên nó không có cách nào giúp bạn thoát ra.

Bước 3: Nghi ngờ giá trị và suy nghĩ xem giá trị nào có thể làm việc tốt hơn

Trong một bài viết trước đây, tôi đã mô tả quá trình trưởng thành thay thế các giá trị vật chất cấp độ thấp bằng các giá trị trừu tượng cấp độ cao. Vì thế, thay vì theo đuổi tiền mọi lúc, bạn có thể theo đuổi tự do. Thay vì cố để được mọi người thích, bạn có thể coi trọng việc phát triển sự thân thiết với một số người. Thay vì cố chiến thắng mọi thứ, bạn có thể tập trung vào một việc để nỗ lực hết mình.

Những giá trị trừu tượng cấp cao này tốt hơn vì chúng tạo ra các vấn đề tốt hơn. Nếu giá trị chính trong đời bạn là có bao nhiêu tiền, thì bạn sẽ luôn luôn cần nhiều tiền hơn. Nhưng nếu giá trị chính của bạn là tự do cá nhân, thì bạn sẽ cần nhiều tiền hơn trong một thời gian, nhưng sẽ có những tình huống bạn cần ít tiền hơn. Hoặc, có lúc tiền chả liên quan gì.

Cuối cùng, giá trị trừu tượng là giá trị bạn có thể kiểm soát. Bạn luôn có thể kiểm soát xem bạn có trung thực hay không. Bạn không thể điều khiển được việc mọi người có thích bạn không. Bạn luôn kiểm soát được liệu bạn đã nỗ lực hết sức chưa. Bạn không thể luôn điều khiển được mình phải chiến thẳng mọi lúc mọi nơi. Bạn có thể kiểm soát liệu mình đã làm gì có ý nghĩa không, bạn không thể điều khiển được số tiền mà bạn nhận được.

Bước 4: Sống với giá trị mới

Tóm tắt lại thế này: ngồi xuống và nghĩ về các giá trị tốt hơn cần có là một việc đúng đắn. Nhưng sẽ chả có gì được củng cố cho đến khi bạn ra ngoài và thể hiện giá trị mới đó. Giá trị được và mất thông qua trải nghiệm sống. Không phải qua logic hay cảm xúc hay niềm tin. Chúng phải được sống và trải nghiệm để gắn kết.

Điều này thường cần sự can đảm. Đi ra ngoài và sống với một giá trị trái ngươc với giá trị cũ của bạn thật đáng sợ. Tôi tưởng tượng các anh chàng KKK đã sợ hãi thế nào khi dành thời gian với một người da đen. Nó còn khiến họ hoảng sợ hơn khi họ nhận ra họ thích và tôn trọng anh ta. Có lẽ họ đã tìm cách tránh anh ta và dựng nên bức tường giữa họ với anh ta.

Chúng ta cũng thường làm điều tương tự. Rất dễ khi muốn các mối quan hệ đích thực. Nhưng khó mà sống với nó. Nó đáng sợ. Chúng ta tránh nó. Chúng ta đưa ra những lý do tại sao chúng ta phải chờ đợi, hay chúng ta sẽ làm nó lần tới. Nhưng lần tới, tất nhiên sẽ trở thành một thất bại khác và một nỗi đau khác.

Bước 5: Gặt hái lợi ích của giá trị mới

Nhưng khi bạn triệu tập hết can đảm để sống với những giá trị mới của mình, một điều điên rồ sẽ xảy ra: cảm giác thật tuyệt. Bạn sẽ trải nghiệm nhiều lợi ích. Một khi bạn trải nghiệm những lợi ích đó, không chỉ dễ dàng sống với những giá trị mới hơn, mà nó còn khiến bạn xấu hổ vì không làm điều đó sớm hơn.

Nó giống như đỉnh cao bạn đạt được sau khi chạy hết sức. Hoặc sự nhẹ nhõm sau khi nói cho ai đó biết sự thật. Hoặc sự tự do bạn cảm thấy sau khi ngừng là một kẻ phân biệt chủng tộc và giao chiếc áo choàng Klan cho một ông già da đen tốt bụng.

Giống như nhảy xuống một hồ nước lạnh, nỗi kinh hoàng và sốc qua đi, bạn sẽ rời đi với cảm giác nhẹ nhõm tuyệt vời, và một sự hiểu biết mới hơn, sâu sắc hơn về việc bạn thực sự là ai.

Mark Manson
Ngày 14 tháng 3 năm 2019